intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt luận án Tiến sĩ Sử học: Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Chia sẻ: Lang Liêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:55

40
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án tái hiện có hệ thống quá trình đấu tranh chính trị, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của quân và dân Khánh Hòa. Qua đó, bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương; cung cấp luận cứ khoa học nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng và phát huy sức mạnh nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt luận án Tiến sĩ Sử học: Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

  1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYỄN TRUNG TRIỀU ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954 - 1975) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62 22 03 13 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC HUẾ, NĂM 2018
  2. Công trình được hoàn thành tại: Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. Lê Cung 2. TS. Chu Đình Lộc Phản biện 1: .......................................................................... Phản biện 2: .......................................................................... Phản biện 3: ........................................................................... Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Đại học Huế số 04 Lê Lợi, thành phố Huế Vào hồi........giờ........ngày.......tháng.......năm....... Có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
  3. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), cùng với tấn công về quân sự, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương tấn công Mỹ và chính quyền Sài Gòn (CQSG) cả về chính trị, coi đấu tranh chính trị (ĐTCT) là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng như đấu tranh vũ trang. Thực hiện chủ trương đó, từ năm 1954 đến năm 1975, ĐTCT đã diễn ra liên tục và rộng khắp ở miền Nam, trở thành nét độc đáo của nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề ĐTCT vẫn chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu đúng mức, chưa tương xứng với vị trí của nó trong thế “hai chân, ba mũi” đã được thực tiễn khẳng định. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu về ĐTCT giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với tính chất là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Khánh Hòa có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Thời kỳ 1954-1975, Mỹ và CQSG đã xây dựng tại đây nhiều căn cứ quân sự quy mô, hiện đại, nổi bật là khu liên hợp hải - lục - không quân Cam Ranh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là địa bàn được Mỹ và CQSG lựa chọn để đặt các cơ quan chỉ huy, trung tâm huấn luyện quân đội, trường đào tạo sĩ quan. Để vận hành cũng như bảo vệ hệ thống cơ sở phục vụ chiến tranh này, Mỹ và CQSG đã sử dụng một lực lượng quân đội, cảnh sát hùng hậu; đồng thời, công tác an ninh được đặc biệt coi trọng. Trong điều kiện như vậy, nhưng từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân Khánh Hòa vẫn liên tục ĐTCT bằng nhiều hình thức, thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia và đạt được những kết quả nhất định, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh thực dân mới của Mỹ tiến hành ở địa phương cũng như ở miền Nam. Cho đến nay, chủ đề ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 chỉ được đề cập vắn tắt và rải rác trong các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương. Vì vậy, nghiên cứu ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn: Về ý nghĩa khoa học, luận án làm rõ các nhân tố ảnh hưởng 1
  4. đến ĐTCT và diễn biến, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Qua đó, giúp nhận thức rõ hơn về truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân Khánh Hòa; bản chất thực dân mới của các chính sách, biện pháp do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh Hòa; sự nhạy bén trong chủ trương lãnh đạo ĐTCT của Đảng; sự đa dạng, linh hoạt, quyết liệt về hình thức của ĐTCT ở Khánh Hòa; sự hưởng ứng, phối hợp của Khánh Hòa với địa phương khác trong ĐTCT; kết quả của ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975;... Không những thế, luận án còn cung cấp những cứ liệu để nhận thức đầy đủ hơn về phương châm “hai chân, ba mũi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Khánh Hòa nói riêng và miền Nam nói chung. Về ý nghĩa thực tiễn, luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Khánh Hòa phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương, góp phần nâng cao niềm tự hào về truyền thống của quê hương và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Khánh Hòa. Hơn nữa, những bài học kinh nghiệm được rút ra trong luận án góp phần phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Khánh Hòa hiện nay. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954- 1975)” làm đề tài luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Phạm vi nghiên cứu Về nội dung, ĐTCT được đề cập trong luận án được hiểu theo nghĩa để phân biệt với ĐTVT, tức là đấu tranh của quần chúng nhân dân không sử dụng vũ khí quân dụng nhằm đòi các mục tiêu về dân tộc, dân chủ, dân sinh. Về không gian, luận án nghiên cứu ĐTCT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, gồm các đơn vị hành chính cấp huyện: Vạn Ninh, Ninh 2
  5. Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; trong đó, tập trung nghiên cứu địa bàn Nha Trang - nơi được coi là trung tâm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Về thời gian, khung thời gian của luận án là từ năm 1954 đến năm 1975, cụ thể từ khi Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954) đến ngày Khánh Hòa được giải phóng (2-4-1975). 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Tái hiện có hệ thống quá trình ĐTCT, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của quân và dân Khánh Hòa. Qua đó, bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương; cung cấp luận cứ khoa học nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng và phát huy sức mạnh nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ nghiên cứu Làm rõ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, nhất là chính sách của Mỹ và CQSG đối với Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975 có ảnh hưởng đến ĐTCT. Trình bày chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Tái hiện diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) qua các phong trào tiêu biểu dựa theo mục tiêu, đối tượng đấu tranh. Làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu Nguồn tư liệu Văn kiện, công trình tổng kết của Đảng, Nhà nước, tác phẩm của các vị lãnh đạo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) có đề cập đến ĐTCT; công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu về ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); lịch sử Đảng bộ, lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội ở Khánh Hòa; một số công 3
  6. trình nước ngoài viết về “chiến tranh Việt Nam”. Nguồn tư liệu tại kho lưu trữ thuộc Văn phòng và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Lịch sử - Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt). Ngoài ra, một nguồn tư liệu hết sức quan trọng trong nghiên cứu lịch sử địa phương được tác giả chú ý khai thác là di tích lịch sử, bảo tàng, đặc biệt là trao đổi, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, để thực hiện luận án, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như sưu tầm và xử lý tư liệu (thành văn, điền dã, phỏng vấn nhân chứng), phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh,... 5. Đóng góp của luận án Một là, trên cơ sở trình bày, phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chính sách của Mỹ, CQSG đối với Khánh Hòa; đường lối chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và Tỉnh ủy Khánh Hòa, luận án làm rõ sự ảnh hưởng của những nhân tố trên đối với ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Hai là, luận án tái hiện khách quan và có hệ thống diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975, trong đó thể hiện rõ mục tiêu, lực lượng, thành phần, hình thức, kết quả,... của từng phong trào. Ba là, luận án phân tích, chứng minh làm nổi bật tính chất, đặc điểm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); đồng thời, làm rõ ý nghĩa, rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay. Bốn là, trên cơ sở xử lý khối lượng lớn tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, luận 4
  7. án góp phần giúp nhận thức đầy đủ hơn về ĐTCT ở Khánh Hòa nói riêng và miền Nam nói chung; cung cấp nguồn tư liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương cũng như giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Khánh Hòa. 6. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu (5 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham khảo (27 trang) và phụ lục (41 trang), luận án (150 trang) gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan nghiên cứu (19 trang) Chương 2. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 (58 trang) Chương 3. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 (43 trang) Chương 4. Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (30 trang) Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) Nghiên cứu về ĐTCT ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) có các công trình tiêu biểu như: Lê Duẩn (1976), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành thắng lợi mới, Nhà xuất bản (NXB) Sự thật, Hà Nội; Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thắng lợi và bài học, NXB CTQG, Hà Nội; Bộ Tư lệnh Quân Khu V - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1999), Một số kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa phương ở Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB QĐND, Hà Nội; Võ Nguyên Giáp (2006), Tổng tập luận văn, NXB QĐND, Hà Nội; Trần Văn Giàu (2006), Tổng tập, NXB QĐND, Hà Nội; Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, in lần thứ 4, NXB Thuận Hóa, Huế; Trần Bá Đệ (Chủ biên) - Lê Cung (2010) (in lần thứ hai), Lịch sử Việt Nam tập VII, từ 1954 đến 1975, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội; 5
  8. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự (2013), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) (9 tập), NXB CTQG, Hà Nội; Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963-2013), NXB Đại học Huế; Lê Cung (2014), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964-1968), NXB Thuận Hóa; Lê Cung (Chủ biên), (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), NXB Tổng hợp TP HCM; Viện Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất) NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội... Nghiên cứu về ĐTCT ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) còn được thể hiện trong một số luận án Tiến sĩ, bài viết đăng tạp chí, kỷ yếu hội thảo như: Trần Thị Lan (2014), Đấu tranh chính trị ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1961 đến năm 1968, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế; Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế; Quỳnh Cư (1980), Tìm hiểu về “đội quân chính trị” của quần chúng trong cách mạng miền Nam (1954-1975), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3; Vũ Thị Thúy Hiền (2000), Phụ nữ miền Nam tham gia đấu tranh chính trị chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961- 1965), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7; Trần Bạch Đằng (2005), Chung một bóng cờ, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12; Trịnh Thị Hồng Hạnh (2010), Đấu tranh chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6;... Nhìn chung, các công trình nêu trên dù được trình bày dưới dạng tổng kết, lịch sử, luận án, tham luận hay bài báo khoa học ở những mức độ, khía cạnh khác nhau đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn của ĐTCT ở miền Nam, nhất là ở đô thị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Không chỉ trong nước, ở ngoài nước cũng xuất bản các công trình phản ánh về “chiến tranh Việt Nam” - theo cách gọi của họ, có đề cập đến ĐTCT, tiêu biểu như: Gabrien Kolko (1991), Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB QĐND, Hà Nội; Robert S. McNamara 6
  9. (1995), Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội;... Ở các công trình này, ĐTCT chủ yếu được đề cập như một nhân tố quan trọng để giải thích cho sự thất bại của Mỹ trong cuộc “chiến tranh Việt Nam”. Mặc dù được viết với vị thế, động cơ, quan điểm khác nhau, đôi khi đối lập với quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, song các công trình này có những nhìn nhận khách quan về ĐTCT của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). 1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) Nghiên cứu về ĐTCT ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) có các công trình như: Tuệ Giác (1964), Việt Nam Phật giáo đấu tranh sử, NXB Hoa Nghiêm, Sài Gòn; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa (1992), Truyền thống cách mạng của phụ nữ Khánh Hòa 1930-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hòa (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa thời kỳ 1954-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Hoành Linh Đỗ Mậu (1991), Tâm sự tướng lưu vong (Việt Nam máu lửa quê hương tôi), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội; Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang (1996), Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1925-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (2001), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa (2002), Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa 1930-2000, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Hoài Phong (Quyển 1-2008, Quyển 2-2014), Hồi ức một thời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội; Lê Cung (chủ biên) (2016), 60 năm Phật học viện Hải Đức Nha Trang (1956-2016), NXB Tổng hợp TP HCM;... Ngoài ra, ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 cũng được đề cập qua một số bài báo, kỷ yếu hội thảo khoa học như: Chu Đình Lộc (2009), Bàn thêm về một số cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung Bộ 1959-1960, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8; Chu Đình Lộc (2014), Đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ 1954-1955, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7; Sở Giáo 7
  10. dục Đào tạo Khánh Hòa (2015), “Lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa giai đoạn 1945-1975”, Kỷ yếu hội thảo khoa học; Lê Cung, Nguyễn Trung Triều (2016), Phật học viện Hải Đức Nha Trang với cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 07&08 (157);... Xuất phát từ mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, những công trình nêu trên chủ yếu trình bày các phong trào ĐTCT do Đảng trực tiếp lãnh đạo; điểm một số sự kiện ĐTCT nổi bật; đề cập ĐTCT của từng lực lượng riêng rẽ hoặc chỉ tìm hiểu từng mảng vấn đề cụ thể mà không đi sâu nghiên cứu toàn diện ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). 1.2. Những vấn đề luận án kế thừa Nhìn một cách tổng thể, các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài đã giải quyết những nội dung cơ bản sau và những nội dung này được tác giả kế thừa trong luận án: Một là, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến ĐTCT như quan điểm, tổ chức, lực lượng, hình thức, vai trò, nghệ thuật, mối quan hệ với ĐTQS,... Hai là, đi sâu nghiên cứu diễn biến, tính chất, đặc điểm, vai trò, bài học kinh nghiệm của ĐTCT tại các đô thị lớn ở miền Nam như Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt,... Ba là, trình bày một số vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng, cùng với đó, khái quát chính sách của Mỹ và CQSG ở Khánh Hòa. Bốn là, điểm một số cuộc ĐTCT nổi bật của nhân dân Khánh Hòa chống Mỹ và CQSG từ năm 1954 đến năm 1975; đồng thời, bước đầu có những đánh giá về các cuộc đấu tranh đó. 1.3. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu Một là, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954; đặc biệt là bản chất thực dân mới của các chính sách, biện pháp về chính trị - quân sự, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh 8
  11. Hòa, trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân chủ yếu bùng phát các phong trào ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975. Hai là, làm rõ đường lối, chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V, nhất là của Tỉnh ủy Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Việc phân tích, làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng phải bám sát âm mưu, hành động của địch, đồng thời đối chiếu với kết quả của ĐTCT, để từ đó thấy được sự nhạy bén trong chỉ đạo phong trào ĐTCT của Đảng. Ba là, tái hiện diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975. Việc tái hiện diễn biến các phong trào ĐTCT được dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhất là tư liệu lưu trữ của cả chính quyền cách mạng và CQSG, đảm bảo tính khách quan, toàn diện. Bốn là, làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Các tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử trong đó bao hàm cả bài học kinh nghiệm được chứng minh bằng chất liệu lịch sử từ phong trào ĐTCT của quần chúng nhân dân địa phương. Chương 2 ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965 2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954 2.1.1. Điều kiện tự nhiên Khánh Hòa với lợi thế về điều kiện tự nhiên, là địa bàn chiến lược đối với cách mạng cũng như đối với VNCH. Điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa có tác động hai mặt đến ĐTCT. Một mặt, vị trí địa lý thuận tiện cho việc nắm bắt thông tin, tiếp nhận ảnh hưởng, phối hợp với các địa phương khác để đấu tranh; địa hình thuận lợi trong việc thiết lập các căn cứ chỉ đạo phong trào, ngay cả vùng đô thị; nông thôn đồng bằng sát nách đô thị thuận lợi trong việc hỗ trợ đấu tranh, phát huy ảnh hưởng của ĐTCT. Nhưng ở mặt khác, vùng đô thị nhỏ gần như được bao bọc bởi núi và biển; vùng nông thôn đồng bằng hẹp nằm sát quốc lộ, lại bị chia cắt nên đối phương dễ kiểm soát, 9
  12. ngăn chặn và cô lập các cuộc đấu tranh. 2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội Khánh Hòa có điều kiện về đời sống kinh tế, dân cư, tôn giáo, công nhân, học sinh... khá đặc thù. Những điều kiện đó tác động theo những chiều hướng khác nhau, ở những mức độ khác nhau đối với ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). 2.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước 1954 Trước năm 1954, Khánh Hòa là địa phương sớm có những hoạt động đấu tranh chống sự xâm lược của thực dân Pháp như phong trào Bình Tây cứu quốc đoàn (1885-1886), Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa (từ ngày 23-10-1945 đến ngày 2-2-1946), chiến tranh du kích những năm 1946-1952;... Song song với hoạt động quân sự, tại Khánh Hòa trước năm 1954 cũng có những hoạt động chính trị, biểu dương lực lượng khá nổi bật như hoạt động của Trần Quý Cáp (1908), Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn (1925-1926); cuộc biểu tình ngày 17-6-1930, cuộc mít tinh ngày 19-8-1945, các cuộc ĐTCT trong giai đoạn cuối chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954,... Đây là truyền thống yêu nước, cách mạng quý báu để Đảng bộ, nhân dân Khánh Hòa tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954- 1975) đầy cam go và thử thách, trong đó ĐTCT là mũi tiến công đối phương rất nhạy bén, hiệu quả. 2.2. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa và chủ trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1954 đến năm 1965 2.2.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 2.2.1.1. Về chính trị - quân sự Từ năm 1954 đến năm 1965, những chính sách lớn về chính trị của CQSG áp dụng đối với miền Nam đều được triển khai tại địa bàn Khánh Hòa như phá hoại Hiệp định Genève, “tố Cộng”, gom dân lập khu tập trung ở vùng miền núi, lập ACL ở vùng nông thôn đồng bằng. Trong khi đó, về quân sự, sau khi cơ bản nắm được vùng đồng bằng và đô thị, từ năm 1960, CQSG đẩy mạnh hoạt động quân sự 10
  13. nhằm vào căn cứ cách mạng ở vùng miền núi. 2.2.1.2. Về kinh tế - xã hội Về kinh tế, song song với các biện pháp để phát triển kinh tế vùng kiểm soát như cải cách điền địa, đầu tư phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại,... CQSG triển khai bao vây kinh tế đối với cách mạng. Ở Khánh Hòa, dưới thời Ngô Đình Diệm, hoạt động kinh tế thu nhiều lợi nhuận nhất là thầu khoán đều do những tay chân chuyên làm kinh tài cho gia đình họ Ngô nắm độc quyền. Về xã hội, sau Hiệp định Genève (21-7-1954), Mỹ và CQSG bằng nhiều biện pháp đã cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào miền Bắc, chủ yếu là tín đồ Thiên Chúa giáo di cư vào Nam. Khánh Hòa là một trong những tỉnh ở khu vực miền Trung tiếp nhận dân di cư từ miền Bắc nhiều nhất. 2.2.1.3. Về văn hóa - giáo dục Về văn hóa, giống như nhiều địa phương khác ở miền Nam, tại Khánh Hòa, CQSG thi hành chính sách phân biệt tôn giáo khá rõ nét. Với Thiên Chúa giáo, CQSG đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà thờ, nhà giảng đạo, trường học để thu hút nhân dân theo đạo. Trong khi đó, đối với Phật giáo, CQSG thể hiện rõ sự kỳ thị. Về giáo dục, so với các tỉnh khác ở miền Trung, giáo dục Khánh Hòa những năm 1954-1965 khá phát triển. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục bị CQSG kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn học sinh tham gia đấu tranh. 2.2.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1954 đến năm 1965 2.2.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng Trong giai đoạn 1954-1965, Trung ương Đảng đã bám sát các chính sách, biện pháp của CQSG để đề ra chủ trương phù hợp, kịp thời lãnh đạo quần chúng ĐTCT. Đó là chủ trương đòi thi hành Hiệp định Genève, chống “tố Cộng”, giải phóng miền núi, chống phá “quốc sách” ACL, giải phóng nông thôn đồng bằng,... 2.2.2.2. Chủ trương của Liên Khu ủy V Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V từng bước đề ra chủ trương ĐTCT trên địa bàn. Đặc biệt, Liên Khu 11
  14. ủy V đã đúc kết thành 9 khâu trong chỉ đạo phát động quần chúng chống phá ACL. 2.2.2.3. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa Chủ trương chỉ đạo đòi thi hành Hiệp định Genève, chống “tố Cộng”, giải phóng miền núi, chống phá “quốc sách” ACL, giải phóng nông thôn đồng bằng,... của Trung ương Đảng và Liên Khu ủy V được Tỉnh ủy Khánh Hòa cụ thể hóa trong quá trình lãnh đạo nhân dân địa phương tham gia ĐTCT. 2.3. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 2.3.1. Đòi thi hành Hiệp định Genève Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), tại Khánh Hòa dấy lên phong trào ĐTCT đòi CQSG thi hành Hiệp định, tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử kết hợp với đòi dân sinh, dân chủ. Phong trào được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như mít tinh đòi thi hành Hiệp định; biểu tình chống trả thù cán bộ kháng chiến; hoạt động của Phong trào Bảo vệ Hòa bình Nha Trang; đấu tranh của đồng bào di cư miền Bắc; đưa cán bộ cách mạng vào bộ máy CQSG ở cơ sở làm nội ứng cho ĐTCT;... 2.3.2. Chống chính sách “tố Cộng” Những năm 1955-1958, CQSG triển khai chiến dịch “tố Cộng” hết sức khốc liệt. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, ĐTCT vẫn diễn ra khá liên tục, khi công khai khi âm thầm. Tiêu biểu là đấu tranh của các “Tổ đổi công”, “Mặt trận Tổ quốc Khánh Hòa”, công nhân đồn điền cao su Suối Dầu, “Chi bộ ghép” trong nhà lao Nha Trang,... 2.3.3. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng rừng núi Trong những năm 1959-1960, để chống phá chính sách tập trung dân, đồng bào thiểu số ở miền núi Khánh Hòa đã tẩy chay các buổi lễ “ăn thề”, hoạt động chính trị do CQSG tổ chức. Hơn thế nữa, được sự hỗ trợ của LLVT, đồng bào đã đồng khởi phá hàng loạt khu tập trung của CQSG, điển hình là khu Thạch Trại. Đến cuối năm 1960, vùng miền núi Khánh Hòa được giải phóng, đồng bào các dân tộc thiểu số sau nhiều năm bị đối phương o 12
  15. ép được trở lại làm chủ núi rừng, xây dựng căn cứ làm chỗ đứng cho lực lượng kháng chiến 2.3.4. Chống phá ấp chiến lược Đối với “quốc sách” ACL, khi CQSG bắt đầu triển khai xây dựng cũng là lúc nhân dân Khánh Hòa bắt đầu chống phá. Biện pháp phổ biến để chống phá ACL là dây dưa không chịu triển khai; khi buộc phải rào làng thì cắm cây nông hoặc rào nhưng không buộc dây;... Để cổ vũ nhân dân chống phá “quốc sách” ACL, công tác tuyên truyền được Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo đẩy mạnh thông qua báo chí, truyền đơn. Đặc biệt, phong trào quần chúng chống phá ACL ở Khánh Hòa được triển khai hiệu quả khi có sự phối hợp với LLVT, tiêu biểu là phá ACL ở xã Ninh Phước (3-1962). 2.3.5. Đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo Trong phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963, Phật giáo Khánh Hòa đã hưởng ứng ngay từ đầu (7-5- 1963), đấu tranh quyết liệt cho đến khi CQSG thực hiện “Kế hoạch nước lũ”, dùng bạo lực đàn áp và lục soát chùa, bắt các lãnh đạo phong trào (20-8-1963). Sau đó phong trào tiếp tục diễn ra khi âm thầm khi công khai cho đến ngày chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ (1-11-1963). Đây là phong trào đấu tranh dài ngày nhất, quyết liệt nhất và thu hút đông đảo quần chúng tham gia nhất trong lịch sử ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975. Phong trào đấu tranh của Phật giáo Khánh Hòa đã vượt qua giới hạn địa phương, đóng góp quan trọng vào cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963. 2.3.6. Chống độc tài, quân phiệt, đòi tự do và dân chủ Chống độc tài thể hiện qua việc chống dư đảng Cần lao. Đấu tranh chống dư đảng Cần lao về cơ bản có 2 dạng: Dạng thứ nhất, đấu tranh để loại bỏ những đảng viên Cần lao tiếp tục tham gia CQSG sau ngày 1-11-1963; dạng thứ hai, đấu tranh đòi CQSG xử lý những đảng viên Cần lao có nhiều tội trạng đối với nhân dân Khánh Hòa. Từ ngày 16-8-1964, đấu tranh chống độc tài, quân phiệt bùng phát mạnh mẽ hơn khi Nguyễn Khánh cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu”. ĐTCT chống độc tài, quân phiệt năm 1964 đã góp phần loại bỏ 13
  16. một số dư đảng Cần lao khỏi chính quyền đương nhiệm; 6 tên Cần lao cầm đầu tại Khánh Hòa trước ngày 1-11-1963 bị CQSG điều tra và công khai tội trạng; đồng thời, cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tạo áp lực chính trị buộc Nguyễn Khánh phải rời bỏ chức vụ Thủ tướng (25-10-1964). Tại Khánh Hòa, tháng 1-1965, phong trào chống độc tài, đòi tự do, dân chủ, cụ thể là chống Trần Văn Hương tiếp tục diễn ra. Đây cũng là một trong những phong trào đấu tranh mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đỉnh cao của phong trào là cuộc tự thiêu của Đào Thị Yến Phi ngày 26-1-1965. 2.3.7. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng nông thôn đồng bằng Đồng khởi ở vùng nông thôn đồng bằng, trọng tâm là hai huyện Ninh Hòa, Diên Khánh bắt đầu từ ngày 7-11-1964. Đến đầu tháng 6-1965, sau hơn nửa năm đấu tranh bằng cả quân sự và chính trị, quân dân Khánh Hòa đã giải phóng được 46 thôn với 37.500 dân, biến 32 thôn với 32.400 dân trở thành vùng tranh chấp, hệ thống ATS bị phá từng mảng, số còn lại cũng bị rệu nát không còn tác dụng. Chương 3 ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1975 3.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa và chủ trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1965 đến năm 1975 3.1.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 3.1.1.1. Về chính trị - quân sự Về chính trị, từ cuối năm 1965, CQSG tại Khánh Hòa tập trung triển khai chính sách “bình định”. Sau “Sự kiện Tết Mậu Thân 1968”, CQSG tăng cường cao độ các biện pháp an ninh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chiêu hồi, ly gián, mị dân nhằm làm cho dân chúng nghi ngờ lẫn nhau và gây chia rẽ đoàn kết. Về quân sự, ngày 10-6-1965, Mỹ đưa quân vào Khánh Hòa, tiếp đến, giữa tháng 7-1965, quân Hàn Quốc cũng có mặt ở đây. Hơn 14
  17. một năm sau (9-1966), trên địa bàn Khánh Hòa đã có hơn 26.000 lính Mỹ và Hàn Quốc. Trên chiến trường Khánh Hòa, quân số quân đội Sài Gòn không ngừng tăng lên theo thời gian. Từ khi có sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ và Đồng minh, quân đội Sài Gòn tăng cường đánh phá vùng nông thôn đồng bằng đã được giải phóng cuối năm 1964, hòng tiêu diệt và đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn, 3.1.1.2. Về kinh tế - xã hội Về kinh tế, từ khi thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965), “Kế hoạch kiểm soát kinh tế” được CQSG tại Khánh Hòa triển khai nghiêm ngặt hơn, lương thực, thực phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu như gạo, muối bị kiểm soát chặt chẽ. Giai đoạn 1965-1975, ở Khánh Hòa, “Cải cách điền địa” tiếp tục được đẩy mạnh. Từ năm 1970, Luật “Người cày có ruộng” được triển khai, trong chừng mực nào đó đã giúp CQSG kiểm soát được một phần đất đai vùng giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi, ít nhiều gây khó khăn cho cách mạng. Về xã hội, việc thành lập hội đoàn bị CQSG kiểm soát chặt chẽ, trong khi hoạt động tập hợp đông người như tổ chức đại hội, hội thảo, thuyết giáo, mừng tân gia, thành hôn, tất niên,... cũng bị hạn chế. Từ khi quân đội Mỹ và Đồng minh đến đồn trú, tại Khánh Hòa các dịch vụ giải trí như bar, dancing,... nở rộ, kèm theo đó là các tệ nạn xã hội: Mại dâm, chích hút, cò mồi, buôn lậu,... 3.1.1.3. Về văn hóa - giáo dục Về văn hóa, nhiều loại phim ảnh, báo chí kích động bạo lực, đồi trụy được phổ biến từ thành thị đến nông thôn, lối sống kiểu Mỹ được đẩy mạnh tuyên truyền. Việc xuất bản, phổ biến các sản phẩm văn hóa và hoạt động biểu diễn trước công chúng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Về giáo dục, dù quy mô ngày càng mở rộng nhưng dưới thời CQSG, giáo dục miền Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, nổi cộm là vấn đề kỷ luật học đường sa sút. 3.1.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1965 đến năm 1975 15
  18. 3.1.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng Kể từ năm 1965, trong bối cảnh Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam, Trung ương Đảng tiếp tục đánh giá cao vai trò của ĐTCT, đặt nặng công tác chỉ đạo ĐTCT ở đô thị và lấy vấn đề chống Mỹ gắn với chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu làm đối tượng cao nhất để vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh. 3.1.2.2. Chủ trương của Liên Khu ủy V Giai đoạn 1965-1975, Liên Khu ủy V thể hiện rõ sự nhất quán với Trung ương Đảng trong chủ trương chỉ đạo ĐTCT. Qua từng hội nghị, Liên Khu ủy V đã có những chỉ đạo cụ thể về lực lượng và hình thức ĐTCT phù hợp từng địa bàn nông thôn đồng bằng cũng như đô thị. 3.1.2.3. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa Chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng và Liên Khu ủy V được Tỉnh ủy Khánh Hòa tiếp thu và cụ thể hóa trong quá trình chỉ đạo phong trào, nhất là phong trào đô thị Nha Trang. 3.2. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 3.2.1. Đòi thành lập chính phủ dân sự Phong trào mở đầu bằng những cuộc hội thảo của học sinh tại Trường Trung học Võ Tánh, Trường Nữ Trung học Nha Trang, phát triển đến đỉnh cao trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1966, sau đó tiếp diễn qua năm 1967 với các cuộc đấu tranh phản đối Sắc luật 23/67 (18-7-1967), chống bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống VNCH (3-9-1967). Đòi thành lập chính phủ dân sự (1965-1967) là một trong những phong trào ĐTCT tiêu biểu của nhân dân Khánh Hòa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Tuy không rầm rộ, quyết liệt như ở Huế và Đà Nẵng, song so với nhiều địa phương khác ở miền Trung, Khánh Hòa là nơi mà phong trào diễn ra sôi nổi với hình thức thể hiện đa dạng, biện pháp phong phú làm cho hậu phương của đối phương rối loạn. 3.2.2. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 Cho đến năm 1968, Nha Trang - Khánh Hòa là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của CQSG. Vì vậy, để tiến hành tổng tiến 16
  19. công và nổi dậy, công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị cho LLVT nhập thị được lực lượng cách mạng triển khai khẩn trương và khá chu đáo. Khi cuộc tiến công nổ ra, do điều kiện không thuận lợi bởi sự phản ứng quyết liệt của CQSG nên ĐTCT cũng chỉ thực hiện ở mức độ vừa phải. Cuộc biểu tình sáng mồng 1 Tết của trên 150 quần chúng thôn Đại Điền Trung (Diên Khánh) kéo về thị xã Nha Trang và cuộc biểu tình của hơn 600 quần chúng ở xã Ninh An, xã Ninh Thọ kéo vào thị trấn Ninh Hòa là 2 cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Khánh Hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. 3.2.3. Đòi dân chủ, dân sinh Những năm 1969-1972, ở Khánh Hòa, ĐTCT vẫn duy trì khá liên tục với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội nhằm đòi dân chủ, dân sinh, được thể hiện qua phong trào chống bắt lính, chống đuổi nhà, các cuộc đấu tranh của Phật giáo, công nhân, thương phế binh và hoạt động của tổ chức Sao Việt. Điều này chứng tỏ, nhân dân Khánh Hòa, nhất là các đô thị như Nha Trang, Cam Ranh ngày càng chán ghét CQSG do Mỹ hậu thuẫn và LLCT ngày càng được hình thành đông đảo ngay trong sào huyệt của đối phương. 3.2.4. Đòi thi hành Hiệp định Paris Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), các tuyến cơ sở nội thị, nhất là tuyến Sao Việt triển khai nhiều hoạt động đòi CQSG thi hành Hiệp định như thành lập Ủy ban đòi thi hành Hiệp định Paris, Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù, Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống tại địa phương; mời một số thành viên chủ chốt của Lực lượng thứ ba và các tổ chức tiến bộ ở Sài Gòn ra Nha Trang tuyên truyền tranh đấu. Giới văn nghệ sĩ bằng những cách thể hiện khác nhau đã tích cực lên tiếng tố cáo Mỹ xâm lược Việt Nam và lên án chính quyền quân phiệt Sài Gòn. Phật giáo thể hiện sự đấu tranh quyết liệt bằng cuộc tự thiêu của Thích Viên Đạo ngày 17-10-1973. 3.2.5. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-1975, tranh thủ thời cơ thuận lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, các tuyến cơ sở đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để ổn định tình hình và làm chủ thị 17
  20. xã Nha Trang như tuyên truyền, vận động nhân dân không di tản; kêu gọi binh lính Sài Gòn nộp vũ khí; chiếm giữ các địa điểm, cơ quan trọng yếu; cử người đón Quân giải phóng vào tiếp quản thị xã;... Những hoạt động của cơ sở nội thị đã góp phần làm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Nha Trang - Khánh Hòa thành công trọn vẹn. Chương 4 TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ 4.1. Tính chất 4.1.1. Tính chất dân tộc Trong ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975, dân tộc là tính chất nổi bật, điều này bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của quần chúng và tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến do nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính chất dân tộc thể hiện ở việc xác định mục tiêu, đối tượng đấu tranh và sự tham gia đông đảo của quần chúng. 4.1.2. Tính chất dân chủ, dân sinh Ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đấu tranh vì dân chủ, nhất là dân chủ trong lĩnh vực tôn giáo, chính trị có những thời điểm trở thành phong trào hết sức rộng lớn. Trong khi đó, nhiều cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh như đòi tăng lương, đòi nhà ở, đòi tự do làm ăn, buôn bán, đi làm rẫy, đánh bắt cá,... đạt được kết quả rất cụ thể. 4.2. Đặc điểm 4.2.1. Thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), ĐTCT ở Khánh Hòa thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia. Tuy nhiên, trong từng phong trào đấu tranh cụ thể, có một hoặc một vài thành phần giữ vai trò nòng cốt. Nhìn một cách tổng thể, ở Khánh Hòa, trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), ĐTCT diễn ra rầm rộ và quyết liệt nhất là những năm 1963-1963. Trong giai đoạn này, tín đồ Phật giáo và học sinh là thành phần đông đảo nhất. Hơn thế nữa, giữa hai lực lượng 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2