intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:31

13
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án "Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó" được hoàn thành với mục tiêu nhằm làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thông qua một số đại diện tiêu biểu, trên cơ sở đó bước đầu chỉ ra ý nghĩa của những quan niệm ấy.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Hoàng Minh Quân QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ ĐẠI BIỂU TRÍ THỨC TÂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ Ngành: Triết học Mã số: 92.29.001 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC HÀ NỘI – năm 2023
  2. Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Nguyên Việt Phản biện 1: GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu Phản biện 2: PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình Phản biện 3: PGS.TS. Trần Đăng Sinh Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại: ………………………………………………........... ………………………………………………………………….... vào hồi … giờ … phút, ngày … tháng … năm … Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: ………………………………………………………………….... ………………………………………………………………….... ………………………………………………………………........
  3. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong số những vấn đề thu hút sự chú ý của giới trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, vấn đề con người cá nhân có thể xem là một vấn đề tư tưởng lớn. Mặc dù việc nghiên cứu về quan niệm của giới trí thức về vấn đề này trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã ít nhiều được tiến hành nghiên cứu ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn thiếu vắng một nghiên cứu thực sự chi tiết về chặng đường mà người trí thức Việt Nam thời kỳ đó đã trải qua trong những suy tư về vấn đề này. Những nghiên cứu về tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từ trước đến nay đã tập trung khá nhiều vào bộ phận nho sĩ duy tân, trong khi tầng lớp trí thức tân học, những người mà từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX đã trở thành lực lượng chủ đạo trong việc dẫn dắt nền văn hóa dân tộc, vẫn chưa được nghiên cứu một cách tương xứng với địa vị của họ trong dòng chảy của tư tưởng dân tộc. Tuy nhiên, một điều may mắn là, trong khoảng mười năm trở lại đây, việc tiếp cận di sản của họ hiện nay đã trở nên thuận lợi hơn nhiều. Với tư cách là những người dẫn dắt nền văn hóa dân tộc từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX, tầng lớp trí thức tân học và quan niệm về vấn đề con người cá nhân của họ có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, những vấn đề mà người trí thức tân học đầu thế kỷ XX đã đặt ra và bàn luận, không hẳn chỉ là vấn đề riêng của thời đại ấy. Nhìn lại quan niệm của họ, chúng tôi kỳ vọng có thể tìm thấy 1
  4. những gợi mở khi đối diện với vấn đề con người cá nhân ở thời đại ngày nay. Xuất phát từ ý nghĩa của vấn đề con người cá nhân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, từ những khoảng trống trong nghiên cứu về vấn đề con người cá nhân, cũng như về tầng lớp trí thức tân học, từ những thuận lợi mà chúng tôi nhận thấy về mặt tư liệu, và cuối cùng, từ khả năng gợi mở của vấn đề, chúng tôi chọn “Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và ý nghĩa của nó” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án - Mục đích nghiên cứu: Làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thông qua một số đại diện tiêu biểu, trên cơ sở đó bước đầu chỉ ra ý nghĩa của những quan niệm ấy. - Nhiệm vụ nghiên cứu: + Phân tích những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành quan niệm của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân; + Phân tích quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và làm rõ ý nghĩa của nó; + Phân tích quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng cấp tiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân và làm rõ ý nghĩa của nó. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 2
  5. - Đối tượng nghiên cứu: Quan niệm của một số đại biểu trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân - Phạm vi nghiên cứu: + Về mặt phạm vi thời gian, luận án nghiên cứu quan niệm của giới trí thức tân học trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (được hiểu là từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945). + Về mặt phạm vi nội dung, luận án tập trung phân tích, làm rõ quan niệm về vấn đề con người cá nhân của người trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thông qua ba nội dung căn bản: quan niệm về địa vị của con người cá nhân, quan niệm về quyền lợi cá nhân và quan niệm về tự do cá nhân. + Về mặt phạm vi khảo sát, luận án hướng đến làm rõ quan niệm của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân thông qua một số trí thức, nhóm trí thức có tính chất tiêu biểu:: Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn An Ninh, Phan Khôi, nhóm Tự lực văn đoàn (chủ yếu tập trung vào các thành viên: Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo). 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Luận án dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, áp dụng vào nghiên cứu những vấn đề của lịch sử tư tưởng. Trên cơ sở phương pháp luận chung đó, chúng tôi cũng sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: phương pháp thống nhất lịch sử - logic, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích – tổng hợp. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 3
  6. Luận án có một số đóng góp mới về mặt khoa học như sau: - Phân tích sự tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đến sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học. - Luận án làm rõ tính khuynh hướng trong quan niệm về con người cá nhân ở Việt Nam của tầng lớp trí thức tân học nửa đầu thế kỷ XX trong bối cảnh tiếp biến văn hóa Đông - Tây, phân tích, làm rõ nội dung, đặc điểm của từng khuynh hướng. - Chỉ ra ý nghĩa đương thời và ý nghĩa hiện thời của từng khuynh hướng trong quan niệm của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Ý nghĩa lý luận: Luận án góp phần làm sáng tỏ một nội dung quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. - Ý nghĩa thực tiễn: Luận án bước đầu chỉ ra những gợi mở cho việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các môn học thuộc chuyên ngành lịch sử tư tưởng Việt Nam. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án bao gồm 4 chương, 14 tiết. 4
  7. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Những nghiên cứu liên quan đến điều kiện, tiền đề cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 1.1.1. Những nghiên cứu về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Chúng tôi tiến hành khảo sát các công trình theo các nhóm nội dung dưới đây: nhóm công trình nghiên cứu khái quát về bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhóm công trình nghiên cứu về Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trên những phương diện quan trọng, như: kinh tế, chính trị, xã hội văn hóa. Những công trình này, ở những mức độ khác nhau, đều ít nhiều đề cập đến những bước chuyển đổi căn bản, những hiện tượng nổi bật trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Một số trong đó còn chỉ ra mối liên hệ giữa những bước chuyển đổi hay hiện tượng đó với vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này. 1.1.2. Những nghiên cứu về tiền đề tư tưởng cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Ở phần này, chúng tôi đề cập đến một số nghiên cứu về tư tưởng truyền thống có liên quan đến vấn đề con người cá nhân, nghiên cứu về sự du nhập của tư tưởng phương Tây vào Việt Nam, nghiên cứu về tư tưởng của nho sĩ duy tân ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Thông qua những nghiên cứu này, có thể thấy được phần nào những nguồn ảnh hưởng về mặt tư tưởng đối với quan niệm về vấn 5
  8. đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 1.1.3. Những nghiên cứu về tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Chúng tôi đặc biệt quan tâm và tìm hiểu một số công trình nghiên cứu về nguồn gốc của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam đầu thế kỷ XX, cũng như về các cách phân kỳ trí thức giai đoạn này. Trong đó, công trình của Trịnh Văn Thảo (Ba thế hệ trí thức người Việt và Thanh Lãng (Bảng lược đồ văn học Việt Nam) là những công trình đáng chú ý hơn cả, cung cấp cho chúng tôi nhiều gợi ý quan trọng khi phân kỳ trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 1.2. Những nghiên cứu liên quan đến quan niệm của trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân 1.2.1. Những nghiên cứu mang tính khái quát về quan niệm của trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân Những công trình nghiên cứu thuộc nhóm này cung cấp một cái nhìn tương đối toàn diện về sự phát triển của quan niệm về vấn đề con người cá nhân của người trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, chỉ ra một số nội dung quan trọng của vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam thời kỳ này. Trong đó, những nghiên cứu của D. Marr có thể xem là những nghiên cứu đầy đủ và cặn kẽ nhất về vấn đề này. 1.2.2. Những nghiên cứu chuyên biệt liên quan đến quan niệm của những nhà trí thức, nhóm trí thức cụ thể về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 6
  9. Các công trình ở nhóm này tập trung vào nghiên cứu quan niệm của những nhà trí thức, nhóm trí thức cụ thể, trong đó, một số nhà trí thức, nhóm trí thức nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu là: Phan Khôi, Nguyễn An Ninh và đặc biệt là Tự lực văn đoàn. Phần lớn các công trình nghiên cứu thuộc nhóm này là các nghiên cứu về nhóm Tự lực văn đoàn hoặc những thành viên chủ chốt của nhóm. Đây cũng là đặc điểm đáng chú ý trong những nghiên cứu về vấn đề con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 1.2.3. Những nhận định, đánh giá về ý nghĩa của quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong các công trình nghiên cứu đã có Những công trình nghiên cứu về quan niệm của trí thức tân học Việt Nam về vấn đề con người cá nhân hầu hết đều đã đưa ra nhận định, đánh giá về ý nghĩa của những quan niệm ấy. Trong đó, có thể tổng hợp lại thành mấy nhận định chủ yếu như sau: Thứ nhất là khẳng định tính chất bước ngoặt; thứ hai là khẳng định tính tiến bộ; thứ ba là chỉ ra những tác động xã hội tích cực; và thứ tư là chỉ ra ý nghĩa tích cực đối với xã hội hiện đại của quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 1.3. Những vấn đề đặt ra từ tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Về điều kiện, tiền đề cho sự hình thành quan niệm của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân, trong luận án, chúng tôi tập trung chỉ ra sự tác động của bối cảnh lịch sử thời kỳ này đến sự hình thành quan niệm của tầng lớp trí thức tân học về vấn đề con người cá nhân, 7
  10. làm rõ một số vấn đề liên quan đến bối cảnh còn chưa được nghiên cứu một cách cặn kẽ ở những công trình trước đây. Về nội dung quan niệm của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về vấn đề con người cá nhân, chúng tôi chú trọng vào một số điểm còn chưa thực sự được nghiên cứu một cách đầy đủ: Thứ nhất, làm rõ những quan niệm về vấn đề con người cá nhân của nhóm trí thức những năm 20, chứ không chỉ là những năm 30; Thứ hai, làm rõ quan niệm của nhóm trí thức theo khuynh hướng phục cổ. Thông qua đó, chúng tôi kỳ vọng có thể phản ánh được một cách tương đối toàn vẹn, sinh động diễn trình phát triển của quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. 8
  11. CHƯƠNG 2: NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ CHO SỰ HÌNH THÀNH QUAN NIỆM CỦA TRÍ THỨC TÂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN 2.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa dẫn đến sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 2.1.1. Điều kiện kinh tế ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vai trò của tư bản trong nền sản xuất, gắn với mẫu người tư sản có thể xem là sự chuyển đổi có tính căn bản trong đời sống kinh tế Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh kinh tế như vậy, việc quan tâm đến hoạt động kinh tế, đến quyền lợi cá nhân và cách để đạt được những quyền lợi ấy càng ngày càng được xem như một nhu cầu chính đáng, và cần được luận chứng về mặt tư tưởng. 2.1.2. Điều kiện chính trị ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Điểm nổi bật trong đời sống chính trị ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là quá trình giải thể vương quyền, mà ở đó, triều đình nhà Nguyễn ngày càng đánh mất địa vị, vai trò và cả tính thiêng liêng của mình, trong khi thực dân Pháp không ngừng củng cố và hoàn thiện hệ thống chính quyền thuộc địa. Sự biến chuyển trong đời sống chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã mở ra cho mỗi cá nhân trong xã hội khả năng được giải phóng khỏi hệ hình của trật tự luân lý cũ, đồng thời ngày càng ý thức về bản thân rõ hơn như một con người cá nhân. 9
  12. 2.1.3. Điều kiện xã hội ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Về điều kiện xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến biến chuyển có tính then chốt là sự dịch chuyển không gian sinh sống, hoạt động của người Việt, gắn với sự ra đời của những đô thị theo kiểu mẫu phương Tây, cũng như sự xuất hiện của những tầng lớp, giai cấp mới trong cơ cấu xã hội. 2.1.4. Điều kiện văn hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Trong mối liên hệ với sự hình thành của những quan niệm về vấn đề con người cá nhân thời kỳ này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những biến chuyển sau trong đời sống văn hóa: sự du nhập và phổ biến của lối sống và các hình thức sinh hoạt văn hóa phương Tây, sự hình thành của nền giáo dục Tây học và sự phát triển của hệ thống báo chí, xuất bản. 2.2. Những tiền đề tư tưởng cho sự hình thành quan niệm về vấn đề con người cá nhân của trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 2.2.1. Quan niệm truyền thống về vấn đề con người cá nhân Những quan niệm về vấn đề con người cá nhân của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, ở những chừng mực khác nhau, đều thể hiện một mối liên hệ nhất định với các học thuyết truyền thống Nho, Phật, Đạo, bao hàm cả mối liên hệ mang tính kế thừa và phê phán. Nếu như những nhà trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ lựa chọn con đường kế thừa và phát huy những quan niệm truyền thống, lấy đó làm nền tảng để xây dựng quan niệm của mình về con người cá nhân, thì những nhà trí thức theo khuynh hướng cấp tiến lại xây dựng quan niệm 10
  13. của mình trên cơ sở phê phán những học thuyết truyền thống, đặc biệt là Nho giáo. 2.2.2. Tư tưởng phương Tây về vấn đề con người cá nhân và sự du nhập của nó vào Việt Nam Bản thân thuật ngữ “cá nhân” vốn đã là sản phẩm của quá trình dịch văn hóa ở các nước sử dụng Hán tự trong khu vực Đông Á. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản năm 1884, được đưa vào Trung Quốc sau chiến tranh Trung – Nhật (1894-1895), và đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1898. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, nó ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam và không ngừng được làm phong phú về mặt hàm nghĩa. Trong quá trình đó, “cá nhân” ngày càng trở thành một thuật ngữ trung tâm trong những bàn luận về chính trị, đạo đức, triết học v.v… ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Cùng với sự hiện diện của khái niệm “cá nhân”, trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, các tư tưởng, trào lưu tư tưởng về con người cá nhân phương Tây đã có tác động rất lớn đến tầng lớp trí thức Việt Nam. Các quan niệm về vấn đề con người cá nhân đến từ các nền tư tưởng khác nhau như Pháp, Đức, Anh đều đã xuất hiện và ghi dấu ấn trong đời sống tư tưởng Việt Nam thời kỳ này. Các trí thức tân học ở Việt Nam, bất kể là theo khuynh hướng phục cổ hay cấp tiến, đều ít nhiều đã xây dựng quan niệm của mình trên cơ sở tiếp thu một tư tưởng nào đó của phương Tây. 2.2.3. Quan niệm mới về con người của tầng lớp trí thức Nho học ở Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XX 11
  14. Tầng lớp trí thức Nho học ở Việt Nam trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XX mặc dù chưa bàn luận một cách trực diện về vấn đề con người cá nhân, nhưng đã đề cập đến nhiều khái niệm, vấn đề có liên hệ mật thiết với vấn đề con người cá nhân, như “quyền lợi”, “tự do”. Thông qua đó, họ đã đưa ra nhiều quan niệm mới về con người, mở đường cho những nhận thức ngày càng sâu sắc của người Việt Nam vể con người nói chung và con người cá nhân nói riêng. 2.3. Sự hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức tân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 2.3.1. Sự hình thành của tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX “Trí thức tân học” là tầng lớp trí thức được bồi dưỡng, giáo dục bởi những tri thức mới (tân học) của phương Tây thông qua hệ thống giáo dục mới hoặc thông qua con đường tự học. Tầng lớp trí thức tân học đã xuất hiện ở Việt Nam ngay từ cuối thế kỷ XIX, gắn với sự hình thành của nhà trường Pháp ở Việt Nam, nhưng chỉ thực sự phát mạnh và nắm giữ vai trò dẫn dắt nền văn hóa dân tộc từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX. 2.3.2. Sự phát triển và các khuynh hướng tư tưởng của tầng lớp trí thức tân học qua một số phản tư chủ yếu về con người cá nhân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Dựa trên thái độ của các nhà trí thức đối với nền luân lý truyền thống, chúng tôi cho rằng, có thể phân chia tầng lớp trí thức tân học thời kỳ này thành hai nhóm chính: nhóm phục cổ – với những nhà trí thức trưởng thành trong nền giáo dục Tây học, nhưng lại theo đuổi chủ trương quay trở về với những học 12
  15. thuyết truyền thống, trong khi phản ứng lại những quan niệm đề cao quyền lợi và tự do cá nhân phương Tây, và nhóm cấp tiến – với chủ trương phê phán nền luân lý truyền thống, phê phán trật tự xã hội cũ và cổ động cho sự giải phóng cá nhân. 13
  16. CHƯƠNG 3: QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ TRÍ THỨC TÂN HỌC THEO KHUYNH HƯỚNG PHỤC CỔ Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VỀ VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÁ NHÂN: NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA VÀ HẠN CHẾ CỦA NÓ 3.1. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về địa vị của con người cá nhân Những nhà trí thức chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim có xu hướng đặt con người cá nhân vào trong mối liên hệ chặt chẽ với gia đình, xã hội và với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Phạm Quỳnh không ngại gọi những quan niệm lấy cá nhân làm trung tâm là những quan niệm “vô đạo”1, đồng thời khẳng định rằng, cá nhân chỉ có ý nghĩa khi đặt mình vào trong phạm vi gia đình và tổ quốc Trong khi đó, dưới ảnh hưởng của Đạo gia, Nguyễn Duy Cần khẳng định sự quy thuộc của con người cá nhân vào cái “toàn thể”, hay “đạo”. Đối với ông, quan điểm coi con người cá nhân như một cá thể người riêng biệt chỉ là một sự ảo tưởng bắt nguồn từ việc tưởng lầm rằng mỗi người đều khác với người khác, và khác với “đạo”. 3.2. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về quyền lợi cá nhân 1 Phạm Quỳnh. 2007. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Ngọc, Ngô Quốc Chiến, Phạm Xuân Nguyên dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội.145. 14
  17. Khi đưa ra quan niệm về quyền lợi cá nhân, xu hướng chung của các nhà trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ là hạ thấp quyền lợi cá nhân, hoặc họ xem quyền lợi cá nhân tự nó không có tính chính đáng, mà chỉ có tính chính đáng khi là sản phẩm phái sinh của hành vi vì nghĩa vụ (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim), ở điểm này, họ có sự kết hợp giữa quan niệm của Kant về quy luật luân lý và “nghĩa lợi chi biện” của truyền thống Nho gia; hoặc họ phủ nhận hoàn toàn “tư lợi”, để hướng con người đến một loại hành vi có tính “vô tư ý”1, không những gạt bỏ quyền lợi cá nhân, mà còn gạt bỏ cả quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc (Nguyễn Duy Cần). 3.3. Quan niệm của một số trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX về tự do cá nhân Các nhà trí thức tân học theo khuynh hướng vãn hồi Nho giáo như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim có xu hướng khẳng định sự tự do của mỗi cá nhân trong thế giới nội cảm, cho rằng mỗi người đều có khả năng tự định đoạt hành vi đạo đức của bản thân mình, khiến cho hành vi của bản thân luôn luôn phù hợp với quy luật đạo đức bên trong mình, trong khi không quá coi trọng vấn đề giải phóng con người khỏi những ràng buộc của các thang bậc quan hệ xã hội. Trong khi đó, dưới ảnh hưởng của Đạo gia, Nguyễn Duy Cần đưa ra một quan niệm đầy phóng khoáng về tự do cá nhân, với quan niệm tự do cá nhân là sự tuân theo cá tính, bản tính tự nhiên của mỗi người, đồng thời vượt lên trên mọi quy tắc, mọi trật tự xã hội đang kìm kẹp con người. 1 Nguyễn Duy Cần. 1936. Toàn chân (triết luận), Éditions Nam Cường, Mỹ Tho, tr.99. 15
  18. 3.4. Đặc điểm, y nghĩa và hạn chế chủ yếu trong quan niệm về con người cá nhân của nhóm trí thức tân học theo khuynh hướng phục cổ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX 3.4.1. Những đặc điểm chủ yếu Thứ nhất, các nhà trí thức phục cổ khi bàn về địa vị của con người cá nhân đều nhấn mạnh tính quy thuộc của con người cá nhân, phủ nhận ý nghĩa tự thân của cá nhân. Thứ hai, khi đưa ra quan niệm về quyền lợi cá nhân, họ đều khẳng định tính không hợp lý, hay không hợp đạo đức của việc theo đuổi quyền lợi cá nhân. Thứ ba là tính hướng nội khi đưa ra quan niệm về tự do cá nhân, nhấn mạnh việc tìm kiếm tự do bằng cách quay trở về phản tỉnh bản thân. 3.4.2. Ý nghĩa đương thời Thứ nhất, quan niệm của nhóm trí thức phục cổ về vấn đề con người cá nhân thể hiện sự phản ứng của giới trí thức Việt Nam trước sự du nhập và ảnh hưởng của những lối sống, những quan điểm có phần cực đoan về con người cá nhân vốn có xuất xứ từ phương Tây, thể hiện sức đề kháng của một nền văn hóa trong một thời điểm lịch sử đầy biến động. Thứ hai, nó thể hiện một sự thẩm định lại những quan niệm truyền thống về con người cá nhân và nỗ lực kết hợp nó với quan niệm phương Tây. Phục cổ, theo nghĩa này, không đơn thuần là một sự cố chấp thủ cựu, giữ nguyên toàn bộ quan niệm truyền thống về con người cá nhân để đối phó với những biến chuyển của thời đại. 3.4.3. Ý nghĩa hiện thời 16
  19. Thứ nhất, những nhà trí thức tân học phục cổ, trong khi cố gắng hướng sự chú ý vào thế giới nội cảm của cá nhân, đã đồng thời đưa ra một số quan niệm sâu sắc về vấn đề tự do cá nhân. Thứ hai, quan niệm về con người cá nhân của nhóm trí thức phục cổ, do chỗ phủ nhận việc lấy cá nhân làm trung tâm, nên nhìn chung đều hướng đến sự hòa hợp giữa cá nhân với xã hội và với thế giới. Ngày nay, chúng ta bàn nhiều về vấn đề trách nhiệm xã hội, nhấn mạnh đến ý thức về trách nhiệm xã hội của cá nhân, ở một mức độ nhất định, có thể chia sẻ với quan niệm của họ. Thứ ba, các nhà trí thức phục cổ khi cố gắng xây dựng nên quan niệm của bản thân về vấn đề con người cá nhân bằng cách quay trở lại với những tư tưởng truyền thống, đều đã tiến hành khảo cứu truyền thống, và vì vậy, có một điểm chung giữa họ là hầu hết đều trở thành những nhà khảo cứu có nhiều thành tựu. 3.4.4. Hạn chế chủ yếu Dù theo chủ trương vãn hồi Nho, Đạo hay Phật, những nhà trí thức tân học phục cổ có một điểm chung là đều nhìn nhận mọi vấn đề của xã hội Việt Nam đương thời như là hậu quả của sự xáo động trong nhân tâm, tức trong thế giới nội cảm của con người, chứ không phải là hệ quả của những biến động trên các mặt kinh tế, chính trị đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên đất nước Việt Nam thuộc địa. Đối với họ, những sự biến đổi trong đời sống xã hội, trong các mối quan hệ xã hội thay vì được nhìn nhận như những biến đổi có tính tất yếu, thì lại được nhìn nhận như là biểu hiện của sự suy thoái, hay nói như ngôn ngữ đương thời là “phong hóa suy đồi”, bắt nguồn từ sự mất phương hướng 17
  20. của con người khi bị bứt ra khỏi truyền thống văn hóa của mình và buộc phải đối diện với nền văn hóa phương Tây với những giá trị đầy khác biệt, thậm chí là đối lập. Vì thế, giải pháp mà họ hướng đến đều là những cách thức khác nhau để “vãn hồi nhân tâm”, còn đối với thực trạng xã hội, nếu không phải là duy trì như nó vốn có, thì cũng là quay trở về với một trạng thái mơ hồ nguyên thủy kiểu Đạo gia. 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2