BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH<br />
<br />
HÀ THỊ KIM PHƯỢNG<br />
<br />
THỂ TÀI CHÂN DUNG VĂN HỌC<br />
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM<br />
TỪ 1986 ĐẾN NAY<br />
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam<br />
Mã số: 62.22.01.21<br />
<br />
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC<br />
<br />
NGHỆ AN - 2018<br />
<br />
1<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Lý do chọn đề tài<br />
1.1. Chân dung văn học nhìn trên góc độ sáng tác có thể xếp vào thể loại kí, có<br />
mục đích khắc họa cá tính, phong cách độc đáo của con người, trước hết là văn nghệ<br />
sĩ. Thể tài chân dung văn học chỉ có thể ra đời khi ý thức cá nhân đã phát triển trong<br />
đời sống xã hội và đời sống văn học. Từ những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, cùng<br />
với sự phát triển của xã hội Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế và văn hóa, ý thức về<br />
con người cá nhân bắt đầu phát triển, tạo tiền đề cho sáng tác văn học và cũng chính<br />
là cơ sở trực tiếp để thể tài chân dung văn học ở nước ta ra đời. Đến năm 1986, sau<br />
Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, đất nước ta có nhiều đổi mới<br />
trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nền kinh tế từng bước phát triển kéo theo đời<br />
sống tinh thần được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà văn sáng tác. Nhiều tác<br />
giả, nhiều sự kiện văn học quá khứ, nhiều số phận văn chương cùng nhiều vấn đề<br />
phức tạp của đời sống văn học… đã được nhìn lại, không đơn giản, một chiều mà<br />
khoan dung, thấu tình đạt lý hơn. Đây là cơ hội tốt cho thể tài chân dung văn học lên<br />
ngôi, tạo được sự chú ý quan tâm của bạn đọc. Vì thế, nghiên cứu thể tài chân dung<br />
văn học sẽ góp phần hiểu hơn quy luật vận động và những thành tựu của văn xuôi<br />
Việt Nam hiện đại, đặc biệt là sau 1986.<br />
1.2. Văn nghệ sĩ là những con người đặc biệt. Họ là những người có tâm hồn nhạy<br />
cảm, có khả năng nắm bắt nhanh nhạy mọi biểu hiện đa dạng, phong phú của thực tại và<br />
cuộc đời của họ thường có nhiều cung bậc phức tạp. Con người, tính cách của họ là<br />
những hiện tượng khách quan, cần được văn học phản ánh và mảng hiện thực này có sức<br />
hấp dẫn lớn với các ngòi bút dựng chân dung. Hơn nữa, con người tác giả, cá tính sáng<br />
tạo của nhà văn luôn in dấu vào từng trang viết. Chân dung văn học - một dạng đặc biệt<br />
của phê bình văn học sẽ giúp người đọc có thêm tư liệu, thâm nhập vào đời sống văn<br />
chương, giúp người đọc hiểu hơn đóng góp của các nhà văn, cũng như khám phá sâu<br />
hơn tác phẩm của họ từ góc độ người sáng tạo, tâm thế sáng tạo.<br />
1.3. Chân dung văn học là một thể văn có sự dung hợp về thể loại. Xét về loại<br />
hình thì vừa là văn chương vừa là báo chí. Xét về thể loại thì vừa là kí vừa là truyện<br />
danh nhân, đồng thời là phê bình văn học. Cho đến nay, còn tồn tại nhiều quan niệm<br />
khác nhau về tính chất, đặc điểm của chân dung văn học. Bên cạnh đó, trên thực tế<br />
<br />
2<br />
sáng tác, có rất nhiều tác phẩm được định danh là chân dung văn học nhưng thực chất<br />
chỉ nằm ở vùng giao thoa với thể tài này. Vì thế, rất cần những nghiên cứu toàn diện,<br />
làm rõ hơn đặc trưng thể loại, những biến đổi, những đóng góp mới của nó trong<br />
dòng chảy văn xuôi Việt Nam sau 1986.<br />
1.4. Hiện nay, một số tác phẩm chân dung văn học đã được đưa vào giảng dạy<br />
trong nhà trường phổ thông và đại học. Vì thế tìm hiểu về thể tài chân dung văn học sau<br />
1986 là một việc cần thiết và hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy, trước hết là giảng<br />
dạy các bài chân dung văn học có trong chương trình trung học phổ thông hiện nay.<br />
Đó là những lý do thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu đề tài: Thể tài chân dung văn<br />
học trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay.<br />
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu<br />
2.1. Đối tượng nghiên cứu<br />
Luận án tập trung nghiên cứu thể tài chân dung văn học trong văn học Việt<br />
Nam từ 1986 đến nay ở cả hai phương diện nội dung (đối tượng, nội dung thể hiện)<br />
và nghệ thuật (góc độ tiếp cận, hình thức thể hiện, tổ chức kết cấu, giọng điệu, ngôn<br />
từ). Ở một mức độ nhất định, luận án có sự đối sánh với chân dung văn học các giai<br />
đoạn trước1986 để thấy sự kế thừa, bổ sung và phát triển của thể tài.<br />
2.2. Phạm vi nghiên cứu<br />
Phạm vi nghiên cứu là các tác phẩm thuộc thể tài chân dung văn học trong văn<br />
học Việt Nam từ 1986 đến nay (đến khoảng năm 2016). Tuy nhiên, vì chân dung văn<br />
học có sự giao thoa với các thể loại khác (phê bình tác giả, truyện danh nhân, chuyện<br />
làng văn...), nên luận án cũng mở rộng phạm vi khảo sát các thể văn trên khi cần thiết<br />
so sánh. Đồng thời, để đối sánh, luận án cũng tìm hiểu thêm các tác phẩm chân dung<br />
văn học ra đời trước năm 1986.<br />
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu<br />
3.1. Mục đích nghiên cứu<br />
Với đề tài Thể tài chân dung văn học trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay,<br />
chúng tôi muốn khẳng định những thành tựu, những đóng góp của thể tài này đối với<br />
văn xuôi Việt Nam ở một giai đoạn phát triển sôi động. Đồng thời, đề tài cũng lý giải<br />
những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của thể tài chân dung văn học sau 1986, từ<br />
đó góp phần soi sáng quy luật vận động có tính nội tại của thể tài này trong bối cảnh<br />
văn xuôi Việt Nam đương đại.<br />
<br />
3<br />
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu<br />
Trên cơ sở xác định đối tượng, mục đích nghiên cứu, luận án đặt ra những<br />
nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau đây:<br />
- Xác lập quan niệm về thể tài chân dung văn học (một khái niệm cho đến nay<br />
vẫn có những cách nhìn nhận khác nhau); Chỉ ra nguồn gốc, đặc điểm, sự vận động<br />
của thể tài chân dung văn học trong văn học Việt Nam hiện đại.<br />
- Khảo sát cách tiếp cận đối tượng, nội dung biểu hiện, hình thức dựng chân dung<br />
trong các tác phẩm thuộc thể tài chân dung văn học sau 1986; Từ đó góp phần khẳng định<br />
vị trí của chân dung văn học trong bức tranh văn xuôi Việt Nam sau 1986.<br />
- Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của thể tài chân dung văn học sau<br />
1986. Từ đó, luận án góp phần chỉ ra quy luật vận động của thể tài, cắt nghĩa sự đổi<br />
mới từ phía tư duy, tâm thế sáng tạo của nhà văn.<br />
4. Phương pháp nghiên cứu<br />
Luận án sử dụng chủ yếu các phương pháp nghiên cứu sau:<br />
- Phương pháp hệ thống: Xem xét sự vận động của thể tài chân dung văn học<br />
trong sự vận động chung của văn xuôi Việt Nam sau 1986. Phương pháp này cũng<br />
đặt sự khảo sát thể tài chân dung văn học trong tính chỉnh thể, trong đó bức tranh<br />
chung của nó không phải là số cộng các tác phẩm riêng biệt mà có sự tác động qua<br />
lại, có sự phát triển theo qui luật nội tại và có sự tương tác với bối cảnh, môi trường<br />
văn học.<br />
- Phương pháp liên ngành: Vì chân dung văn học là một thể tài có sự dung hợp<br />
giữa viết tiểu sử, văn sáng tác, phê bình văn học; vừa mang tính chất văn học, vừa<br />
mang tính chất báo chí; người được dựng chân dung vừa có nguyên mẫu ngoài đời,<br />
đồng thời là những hình tượng có ít nhiều hư cấu nên cần thiết phải sử dụng phương<br />
pháp liên ngành trong nghiên cứu.<br />
- Phương pháp tiểu sử: Do chân dung văn học có nguồn gốc sâu xa từ phê bình<br />
tiểu sử, do giữa các chân dung được dựng và “mẫu gốc” ngoài đời, do giữa các tác<br />
phẩm và người sáng tác ra chúng có mối quan hệ gắn bó mật thiết nên phương pháp<br />
tiểu sử sẽ được vận dụng trong những trường hợp cần thiết.<br />
- Phương pháp so sánh: So sánh đồng đại: so sánh nội dung, nghệ thuật dựng<br />
chân dung giữa các tác giả viết chân dung giai đoạn sau 1986. So sánh lịch đại: so<br />
sánh các chân dung văn học trước và sau 1986.<br />
<br />
4<br />
5. Đóng góp mới của luận án<br />
Thể tài chân dung văn học hiện nay đang phát triển và được cả giới sáng tác và giới<br />
phê bình, các bạn đọc quan tâm chú ý. Tuy nhiên, quan niệm về tính chất, đặc trưng thể tài<br />
còn có những ý kiến khác nhau. Thực tế sáng tác cho thấy có nhiều tác phẩm được định<br />
danh là chân dung văn học nhưng thực chất chỉ nằm ở đường biên thể loại. Luận án sẽ góp<br />
phần làm sáng rõ về mặt lý luận nguồn gốc, đặc trưng, mối quan hệ giữa chân dung văn<br />
học với các thể loại/thể văn có quan hệ giao thoa, gần gũi khác.<br />
Từ trước đến nay đã có một số công trình nghiên cứu về chân dung văn học,<br />
chỉ ra các đặc điểm về nội dung, nghệ thuật, các gương mặt viết chân dung tiêu biểu.<br />
Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi được biết, hiện vẫn chưa có một công trình nào<br />
nghiên cứu toàn diện, hệ thống về thể tài này, đặc biệt là sự vận động, những đóng<br />
góp của chân dung văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1986. Luận án muốn góp<br />
một tiếng nói khẳng định, định vị lại rõ hơn vai trò của chân dung văn học trong bức<br />
tranh chung của văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung, văn xuôi đương đại nói riêng.<br />
6. Cấu trúc luận án<br />
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận<br />
án được triển khai trong 4 chương:<br />
Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu.<br />
Chương 2: Sự vận động của thể tài chân dung văn học trong văn học Việt Nam<br />
hiện đại.<br />
Chương 3: Đối tượng, nội dung thể hiện của thể tài chân dung văn học từ<br />
1986 đến nay.<br />
Chương 4: Nghệ thuật thể hiện trong các tác phẩm thuộc thể tài chân dung<br />
văn học từ 1986 đến nay.<br />
<br />