Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong<br />
luật hình sự Việt Nam<br />
Ngô Thanh Sơn<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS Chuyên ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự<br />
Mã số 60 38 01 04<br />
Người hướng dẫn: GS.TSKH Lê Văn Cảm<br />
Năm bảo vệ: 2013<br />
<br />
Abstract. Những vấn đề lý luận về Biện pháp bắt buộc chữa bệnh (BPBBCB) theo<br />
luật hình sự Việt Nam: làm rõ khái niệm BPBBCB, nội dung của các quy định có liên<br />
quan đến BPBBCB trong pháp luật hình sự Việt Nam, cơ sở lý luận về vấn đề này của<br />
Bộ luật hình sự Việt Nam. Trình bày thực tiễn áp dụng BPBBCB trong Bộ luật hình sự<br />
Việt Nam năm 1999: nghiên cứu hoạt động áp dụng BPBBCB trong việc đấu tranh<br />
phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay và thực tiễn áp dụng trên địa bàn<br />
Tp. Hồ Chí Minh; cụ thể là kỹ năng cá biệt hoá quy định về “Biện pháp tư pháp bắt<br />
buộc chữa bệnh trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999”, khả năng áp dụng biện<br />
pháp này của các cơ quan tư pháp hình sự và tác dụng của việc áp dụng biện pháp này<br />
đến hiệu quả của hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm. Đưa ra những giải<br />
pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng BPBBCB trong Bộ luật hình sự Việt Nam<br />
năm 1999, cụ thể nghiên cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về BPBBCB<br />
trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng biện<br />
pháp này trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.<br />
Keywords. Bắt buộc chữa bệnh; Biện pháp tư pháp; Pháp luật Việt Nam; Luật hình sự.<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Lý do chọn đề tài<br />
Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện<br />
nay, một trong những mục tiêu đề ra và được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lập pháp nói<br />
<br />
chung và lập pháp trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng đó là chủ động phòng ngừa và<br />
kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, trừng trị, giáo dục, cảm hoá người phạm tội, cải tạo họ<br />
trở thành công dân có ích cho xã hội trong đó giáo dục, phòng ngừa tội phạm là chủ yếu. Việc<br />
nghiên cứu để đưa ra các cơ chế pháp lý vừa nhằm đấu tranh phòng và chống tội phạm một<br />
cách hữu hiệu, vừa đảm bảo các quyền và tự do của con người và của công dân trên thực tế<br />
bằng các biện pháp cưỡng chế của hệ thống tư pháp hình sự không chỉ là những nhiệm vụ cơ<br />
bản của hoạt động lập pháp, mà còn là hướng nghiên cứu quan trọng của khoa học pháp lý<br />
nước ta. Bởi lẽ, với chức năng của mình các biện pháp cưỡng chế của hệ thống tư pháp hình<br />
sự có liên quan thiết thực hàng ngày đến một số quyền cơ bản của công dân - đến các giá trị<br />
xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung đã nêu trong một xã hội có tính nhân bản cao [43,<br />
tr.3], đồng thời dựa vào đó cho phép đánh giá mức độ dân chủ và pháp chế trong bất kỳ một<br />
quốc gia nào. Trong số các biện pháp cưỡng chế ấy của hệ thống tư pháp hình sự thì biện pháp<br />
tư pháp bắt buộc chữa bệnh sau đây gọi là biện pháp bắt buộc chữa bệnh (BPBBCB) trong Bộ<br />
luật hình sự có chức năng rất quan trọng. Với tư cách là chế định độc lập, BPBBCB đã được<br />
các nhà làm luật nước ta ghi nhận tại Điều 43, 44 của Bộ luật hình sự 1999.<br />
Việc quy định BPBBCB trong pháp luật hình sự thể hiện phương châm đúng đắn trong<br />
việc thực hiện chính sách hình sự nước ta đó là sử dụng tối đa, đồng bộ mọi biện pháp để tác<br />
động đến việc giáo dục người phạm tội, hình phạt không phải là phương tiện, công cụ duy<br />
nhất trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tất cả các biện pháp cưỡng chế<br />
hình sự cũng đều nhằm mục đích giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm, góp phần<br />
nâng cao hiệu quả của sự tác động hình sự đối với tội phạm.<br />
Trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta trong thời gian qua đã cho<br />
thấy, vì các lý do chủ quan và khách quan khác nhau nên Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành<br />
nói chung và chế định BPBBCB nói riêng đã bộc lộ những nhược điểm nhất định trong việc<br />
thực hiện chức năng của mình. Do đó, hiện nay để đảm bảo cho sự vận hành đồng bộ của hệ<br />
thống tư pháp hình sự nhằm đạt được hiệu quả cao trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội<br />
phạm, việc tiếp tục nghiên cứu một cách đồng bộ và có hệ thống chế định này là nhiệm vụ<br />
quan trọng và cần thiết.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài<br />
Trong bối cảnh các bài viết nghiên cứu có liên quan đến BPBBCB trong luật hình sự<br />
Việt Nam là không nhiều và còn thiếu tính đồng bộ, trong đó đa số chỉ đề cập một cách khái<br />
quát hoặc chỉ phân tích một vài khía cạnh của vấn đề, các cơ quan chức năng dường như bỏ<br />
quên công tác tổng hợp, thống kê tình hình áp dụng BPBBCB. Mặt khác, trong quá trình thu<br />
thập các số liệu có liên quan đến đề tài, khi tác giả liên hệ với các cơ quan chức năng để được<br />
tiếp cận và thu thập số liệu thì nhận được trả lời: i) Tòa án, Viện kiểm sát: đây là các số liệu<br />
<br />
không nằm trong chỉ tiêu thống kê của ngành nên không thể có để cung cấp; ii) Phân viện<br />
giám định pháp y tâm thần phía nam (Biên Hòa - Đồng Nai): đây là các số liệu hạn chế cung<br />
cấp (Phân viện chỉ cung cấp cho các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu) còn đối<br />
với cá nhân như tác giả thì không được cung cấp. Chính vì những lí do đó mà tác giả đã gặp<br />
không ít những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài, đặc biệt là trong việc tìm hiểu thực<br />
tiễn áp dụng. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả không tìm thấy một tài liệu hay ấn phẩm nào<br />
nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu cũng như học giả Việt Nam về vấn đề "Biện<br />
pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự Việt Nam". Nghiên cứu của các nhà<br />
nghiên cứu, học giả Việt Nam có liên quan đến BPBBCB trong luật hình sự Việt Nam chỉ là<br />
những nghiên cứu dưới góc độ diễn giải, bình luận một cách khái quát đối với BPBBCB trong<br />
công trình nghiên cứu chung về các biện pháp tư pháp theo luật hình sự Việt Nam như: “Thực<br />
trạng quy định của pháp luật hình sự về các biện pháp tư pháp. Thực tiễn áp dụng và một số<br />
đề xuất” [52] hoặc chỉ nhắc lại các quy định của pháp luật đối với chế định về BPBBCB trong<br />
Bộ luật hình sự Việt Nam như: “Biện pháp tư pháp trong Luật hình sự Việt Nam và vấn đề<br />
bảo vệ quyền con người” [24]. Hay chỉ phân tích một vài khía cạnh về biện pháp này, chẳng<br />
hạn “Bàn về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh” [41] hay “Về bắt buộc chữa bệnh và<br />
những thiếu xót cần khắc phục” [18]. Việc nghiên cứu BPBBCB trong luật hình sự Việt Nam<br />
một cách tổng thể dưới gốc độ quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 và thực tiễn<br />
áp dụng biện pháp này của các cơ quan tố tụng trong những năm gần đây trên một địa bàn cụ<br />
thể - địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được thực hiện thông qua các công trình<br />
nghiên cứu nói trên. Ngoài ra, tác giả cũng tham khảo được một số quy định của Luật hình sự<br />
của một số nước có liên quan đến quy định về BPBBCB như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Tây<br />
Ban Nha, Thụy Điển, Đức.Vì vậy, có thể khẳng định đề tài “Biện pháp tư pháp bắt buộc<br />
chữa bệnh trong luật hình sự Việt Nam” là có tính mới và khoa học của một công trình luận<br />
văn thạc sĩ.<br />
3. Mục đích nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu<br />
Để đem đến một cái nhìn tổng quan về nội dung, vai trò và ý nghĩa của quy định về<br />
"Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự Việt Nam" tác giả sẽ nghiên cứu<br />
theo cách tiếp cận của phương pháp so sánh những quy định có liên quan đến BPBBCB với<br />
các chế tài pháp lý hình sự và phi hình sự khác; BPBBCB trong Bộ luật hình sự Việt Nam<br />
năm 1999 là đối tượng nghiên cứu chính của tác giả, những quy định của một vài nước cũng<br />
sẽ được tác giả nghiên cứu nhưng chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo và minh họa. Một cách<br />
chi tiết hoá, trong phạm vi của đề tài, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu ba nội dung:<br />
(i) Những vấn đề lý luận về BPBBCB theo luật hình sự Việt Nam: Với nội dung này,<br />
tác giả tập trung làm rõ khái niệm BPBBCB, nội dung của các quy định có liên quan đến<br />
<br />
BPBBCB trong pháp luật hình sự Việt Nam, cơ sở lý luận về vấn đề này của Bộ luật hình sự<br />
Việt Nam.<br />
(ii) Thực tiễn áp dụng BPBBCB trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999: Trong<br />
nội dung này, tác giả hướng tới việc nghiên cứu hoạt động áp dụng BPBBCB trong việc<br />
đấu tranh phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay và thực tiễn áp dụng trên địa<br />
bàn Tp. Hồ Chí Minh; cụ thể là kỹ năng cá biệt hoá quy định về “Biện pháp tư pháp bắt<br />
buộc chữa bệnh trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999”, khả năng áp dụng biện pháp<br />
này của các cơ quan tư pháp hình sự và tác dụng của việc áp dụng biện pháp này đến hiệu<br />
quả của hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm.<br />
(iii) Những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng BPBBCB trong Bộ luật<br />
hình sự Việt Nam năm 1999: Trong nội dung này, tác giả hướng tới việc nghiên cứu các giải<br />
pháp nhằm hoàn thiện quy định về BPBBCB trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, góp<br />
phần nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp này trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội<br />
phạm trong giai đoạn hiện nay.<br />
Qua việc làm rõ những nội dung trên, tác giả mong muốn hoạt động nghiên cứu của<br />
mình sẽ góp phần làm rõ quy định có liên quan đến BPBBCB trong Bộ luật hình sự Việt Nam<br />
năm 1999. Đồng thời luận văn này cũng trình bày một số quy định có liên quan đến BPBBCB<br />
của một vài nước, điều này sẽ giúp cho chúng ta có thể đánh giá ưu, nhược điểm của các quy<br />
định về BPBBCB trong Bộ luật hình sự hiện hành và học hỏi kinh nghiệm của các nước từ đó<br />
giúp cho hoạt động áp dụng BPBBCB đạt hiệu quả mong muốn.<br />
4. Phạm vi nghiên cứu<br />
Ở một luận văn Thạc sĩ Luật, đề tài này sẽ nghiên cứu vấn đề về BPBBCB theo quy<br />
định của pháp luật hình sự của Việt Nam. Tuy nhiên, đề tài chỉ nghiên cứu vấn đề BPBBCB<br />
trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành. Nghĩa là đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu trong<br />
khuôn khổ quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 về BPBBCB.<br />
Trong giới hạn của đề tài, tác giả sẽ nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự Việt<br />
Nam hiện hành về BPBBCB và thực tiễn áp dụng biện pháp này trên địa bàn Thành phố Hồ<br />
Chí Minh từ năm 2007 đến 2012.<br />
5. Phương pháp nghiên cứu<br />
Nhằm đạt được nội dung và mục đích của việc nghiên cứu đề tài sử dụng chủ yếu hai<br />
phương pháp là: phương pháp phân tích - tổng hợp và phương pháp so sánh.<br />
a. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Để diễn giải nội hàm của khái niệm BPBBCB và để<br />
làm rõ các quy định có liên quan của pháp luật hình sự Việt Nam, tác giả sử dụng phương pháp<br />
phân tích trong quá trình trình bày những nội dung này. Phương pháp phân tích sẽ được sử dụng<br />
kết hợp cùng với phương pháp tổng hợp nhằm giúp cho từng nội dung được trình bày trở nên<br />
<br />
logic và có căn cứ. Tác giả sẽ tổng hợp và phân tích các thông tin từ các nguồn khác nhau bao<br />
gồm các văn bản pháp quy, các tài liệu chuyên ngành như các bài nghiên cứu, sách, báo chuyên<br />
ngành,...<br />
b. Phương pháp so sánh: Với mục đích nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự<br />
Việt Nam liên quan đến BPBBCB với một số chế tài pháp lý hình sự và phi hình sự vài khác,<br />
cũng như trong quá trình nghiên cứu tác giả cũng trình bày một số quy định có liên quan đến<br />
BPBBCB của một vài nước, phương pháp so sánh là phương pháp thích hợp để thực hiện mục<br />
tiêu trên.<br />
6. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài<br />
BPBBCB đóng vai trò rất quan trọng trong đó có liên quan đến việc xác định năng lực<br />
trách nhiệm hình sự của người bị áp dụng. Do đó, việc nghiên cứu đề tài "Biện pháp tư pháp<br />
bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự Việt Nam" có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong quá trình<br />
đấu tranh phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Song những quy định này vẫn<br />
chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức trong thực tiễn khoa học pháp lý tại Việt Nam. Vì<br />
vậy, việc nghiên cứu những quy định của pháp luật về "Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh<br />
trong luật hình sự Việt Nam" là một nhu cầu bức thiết và mang tính thực tiễn cao hiện nay.<br />
Luận văn này đề cập việc nghiên cứu và đánh giá một cách tương đối toàn diện về quy<br />
định "Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự Việt Nam" thông qua việc làm<br />
rõ khái niệm BPBBCB, điều kiện cần và đủ để áp dụng biện pháp này và so sánh các căn cứ<br />
để áp dụng BPBBCB trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu<br />
cách thức vận dụng biện pháp này trong thực tiễn trên phạm vi địa bàn Thành phố Hồ Chí<br />
Minh để minh chứng cho tính hiệu quả của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này. Với vai trò<br />
là biện pháp cưỡng chế trong pháp luật hình sự, việc nghiên cứu các quy định về "Biện pháp<br />
tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự Việt Nam " sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn vì nó<br />
đưa ra các căn cứ pháp lý cho việc áp dụng BPBBCB trong quá trình đấu tranh phòng và<br />
chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.<br />
7. Bố cục của luận văn<br />
Với mục đích nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của đề tài, luận văn sẽ được bố cục<br />
thành ba phần gồm Lời nói đầu, phần nội dung gồm ba chương và Kết luận. Cụ thể như sau:<br />
Mở đầu<br />
Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh theo<br />
Luật hình sự Việt Nam.<br />
Chương 2: Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về biện pháp tư<br />
pháp bắt buộc chữa bệnh và thực tiễn áp dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
Chương 3: Hoàn thiện pháp luật và những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp<br />
<br />