Chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước sang<br />
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên<br />
ở Việt Nam hiện nay<br />
Ngô Thị Ngọc Hương<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật kinh tế; Mã số: 60 38 50<br />
Người hướng dẫn: PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu<br />
Năm bảo vệ: 2012<br />
Abstract. Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về các quy định của<br />
pháp luật về vấn đề chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên. Nghiên<br />
cứu thực trạng pháp luật về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên:<br />
Trình tự, thủ tục chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên; tổ chức<br />
quản lý DNNN sang công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi; quyền lợi của<br />
người lao động khi chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên; thực tiễn<br />
chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên. Đưa ra kiến nghị nhằm đem<br />
lại hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau chuyển đổi sang công ty TNHH một<br />
thành viên và phương hướng tiếp theo sau chuyển đổi.<br />
Keywords. Luật kinh tế; Chuyển đổi doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhà nước; Công<br />
ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Pháp luật Việt Nam<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1- Tính cấp thiết của đề tài:<br />
Từ sau khi giành được độc lập, nền kinh tế nước ta bị tàn phá nặng nề, đất nước rơi vào<br />
tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Trong suốt thời gian dài nước ta đã áp dụng mô hình kinh tế kế<br />
hoạch tập chung mang tính bao cấp. Không thể phủ nhận trong thời gian đầu khi đất nước<br />
vẫn còn trong thời chiến, mô hình kinh tế này đã phát huy tác dụng và mang lại những hiệu<br />
quả nhất định. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chiến tranh thì mô hình này lại trở nên lạc hậu và<br />
cản trở sự phát triển của kinh tế, chính vì vậy nước ta đã rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm<br />
trọng vào cuối những năm bảy mươi đầu những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi. Để đưa<br />
đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng tại Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 12<br />
năm 1986) đã đưa ra đường lối đổi mới đất nước toàn diện. Đại hội đã đưa ra những quan<br />
niệm mới về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ, về cơ cấu kinh tế, thừa<br />
nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa và thị trường. Đại hội chủ trương phát triển<br />
nền kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, phải trải<br />
qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và trải qua nhiều kỳ Đại<br />
hội Đảng thì cụm từ “kinh tế thị trường” mới chính thức được Đại hội IX của Đảng (tháng 04<br />
năm 2001) đề cập đến, tại Đại hội đã khẳng định việc phát triển kinh tế thị trường định hướng<br />
<br />
xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt<br />
thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường định hướng<br />
Xã hội chủ nghĩa thì thành phần kinh tế Nhà nước được xem là đóng vai trò chủ đạo, định<br />
hướng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Trong những năm trước đây thành phần<br />
kinh tế nhà nước đã phần nào thực hiện được nhiệm vụ cũng như mục tiêu phát triển của<br />
mình. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan nhất trong giai đoạn đổi mới đất nước, mặc<br />
dù đã nhận được nhiều ưu đãi, đặc quyền, nhưng thành phần kinh tế này vẫn chưa phát huy<br />
hết được lợi thế của mình điều đó được thể hiện qua hoạt động của các DNNN, nhiều doanh<br />
nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ nặng nề. Đứng trước yêu cầu của phát triển cũng như<br />
nhu cầu của hội nhập. Đảng và Nhà nước ta cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cải cách, đổi mới<br />
nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, cũng như tạo ra những cơ sở pháp lý bình<br />
đẳng giữa các thành phần kinh tế. Một số giải pháp được đề ra như: Đối với những DNNN<br />
hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn điều lệ thì<br />
tiến hành Cổ phần hóa, bán toàn bộ hoặc một phần DNNN, giao DNNN cho tập thể người lao<br />
động để chuyển thành Công ty Cổ phần hoặc Hợp tác xã; Đối với những DNNN thuộc ngành,<br />
lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ thì chuyển sang hình thức công<br />
ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong các giải pháp trên thì việc chuyển DNNN<br />
sang công ty TNHH một thành viên là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết<br />
trong việc đổi mới DNNN. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 thì các DNNN phải<br />
tiến hành chuyển đổi trước ngày 01 tháng 07 năm 2010, nhận thức được vai trò quan trọng<br />
của công cuộc chuyển đổi mà Nhà nước đã ban hành rất nhiều Văn bản pháp luật quy định về<br />
vấn đề này và cũng có rất nhiều bài viết liên quan đến việc chuyển đổi tuy nhiên các bài viết<br />
chỉ đề cập đến một vài khía cạnh nhất định. Trên thực tế, mặc dù việc chuyển đổi đã xong tuy<br />
nhiên những vấn đề tồn tại của các doanh nghiệp sau chuyển đổi đang còn nhiều vì vậy tôi<br />
chọn đề tài “Chuyển đổi Doanh nghiệp Nhà nước sang công ty Trách nhiệm hữu hạn một<br />
thành viên ở Việt Nam hiện nay” nhằm nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến vấn<br />
đề này để làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình.<br />
2- Mục đích nghiên cứu của luận văn:<br />
Luận văn làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về các quy định của<br />
pháp luật về vấn đề chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên, đánh giá hiệu<br />
quả hoạt động của doanh nghiệp sau chuyên đổi cũng như việc thực hiện chức năng, vai trò<br />
của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm đem lại hiệu quả hoạt<br />
động của doanh nghiệp sau chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên và phương hướng<br />
tiếp theo sau chuyển đổi.<br />
3- Phạm vi nghiên cứu của luận văn:<br />
Luận văn tập chung nghiên cứu các quy định của pháp luật trong quá trình chuyển đổi<br />
DNNN sang công ty TNHH một thành viên để từ đó đưa ra một số kiến nghị cho hoạt động<br />
của DNNN sau khi chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả hơn cho hoạt động của các công ty.<br />
4- Phương pháp nghiên cứu:<br />
Trong quá trình nghiên cứu, luận văn có sử dụng một số phương pháp nghiên cứu đó là:<br />
Phương pháp so sánh, đối chiếu giữa các văn bản pháp luật trước đây cũng như hiện<br />
hành nhằm thấy được những ưu điểm cũng như hạn chế trong các văn bản pháp luật<br />
Phương pháp phân tích tổng hợp: phân tích các quy định được dẫn giải trong các văn<br />
bản pháp luật, tổng hợp các quy định của pháp luật quy định liên quan đến hoạt động chuyển<br />
đổi và sau chuyển đổi để có được cái nhìn khái quát nhất.<br />
Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp duy vật lịch sử<br />
để xem xét quá trình chuyển đổi và bản chất của chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một<br />
thành viên<br />
5- Kết cấu của luận văn:<br />
Ngoài phần mở đầu, kết luận thì luận văn được kết cấu làm 3 chương lớn:<br />
<br />
Chương 1- Khái quát chung về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên.<br />
Chương 2- Thực trạng pháp luật về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành<br />
viên.<br />
Chương 3- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động của các DNNN sau khi<br />
chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên.<br />
Chương 1- Khái quát chung về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên:<br />
1.1- Quan niệm về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên .<br />
Chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên là một quá trình thay đổi về<br />
mặt nội dung cũng như hình thức trong các DNNN. Trong đó thay đổi cơ bản nhất là thay đổi<br />
về khung pháp lý, theo đó DNNN trở thành những doanh nghiệp có địa vị pháp lý như những<br />
doanh nghiệp dân doanh khác, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 và<br />
không còn được nhận những ưu tiên từ phía Nhà nước trong quá trình hoạt động đầu tư và<br />
kinh doanh. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn đầu tư, doanh nghiệp tự<br />
chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình mà cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm<br />
thay cho doanh nghiệp. Có thể nói đây là một quá trình “công ty hóa” các DNNN, về bản<br />
chất pháp lý thì khi đó DNNN mới thực sự là công ty.<br />
1.2-Sự cần thiết của việc chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên<br />
Về mặt pháp lý thì theo quy định tại điều 166, Luật doanh nghiệp 2005 thì chậm nhất là<br />
trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực (tức là ngày<br />
01/7/2006) các công ty Nhà nước thành lập theo Luật doanh nghiệp nhà nước 2003 phải<br />
chuyển đổi thành công ty TNNN hoặc công ty cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp<br />
năm 2005. Như vậy, thời hạn 01/7/2010 là thời hạn mà Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003<br />
hết hiệu lực pháp luật, việc chuyển đổi tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các DNNN<br />
Về mặt kinh tế thì với việc chuyển đổi những DNNN mà nhà nước cần nắm giữ 100%<br />
vốn sang công ty TNHH một thành viên nhằm mục đích đổi mới tổ chức quản lý, cơ chế hoạt<br />
động, tạo ra sự bình đẳng trong đầu tư kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.<br />
DNNN trở thành một thực thể kinh tế độc lập, có quyền tự chủ trong kinh doanh và tự chịu<br />
trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, DNNN sẽ hoạt động có hiệu quả<br />
hơn mà không phải phụ thuộc vào các mệnh lệnh hành chính. DNNN có vai trò quan trọng<br />
trong nền kinh tế quốc dân khi mà nắm giữ một lượng tài sản khổng lồ của đất nước, nguồn<br />
nhân lực có trình độ cao, việc hoạt động có hiệu quả hay không của DNNN có vai trò quan<br />
trọng đối với sự phát triển của đất nước. Hơn nữa, bước vào xu hướng hội nhập kinh tế quốc<br />
tế bằng việc gia nhập WTO thì Việt Nam phải tạo nên một “sân chơi” bình đẳng cho các<br />
doanh nghiệp đó là một yêu cầu chung, như vậy việc chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH<br />
một thành viên là một việc làm cần thiết.<br />
1.3- Quá trình chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên<br />
Việc chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên là là một nhiệm vụ vô<br />
cùng quan trọng nhưng đồng thời nó cũng là nhiệm vụ rất khó khăn trong quá trình phát triển<br />
kinh tế-xã hội của nước ta, bằng chứng là nó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng<br />
và Nhà nước, hàng loạt các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này đã được ban hành tạo<br />
ra cơ sở pháp lý cho quá trình chuyển đổi. Tiêu biểu phải kể đến một số Nghị định cụ thể:<br />
Ngày 14/09/2001 Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2001/NĐ-CP về chuyển đổi DNNN,<br />
doanh nghiệp tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thành Công ty TNHH một thành. Sau<br />
một thời gian thực hiện thì nghị định số 95/2006/NĐ-CP (08/9/2006) của Chính phủ về<br />
chuyển đổi Công ty Nhà nước thành Công ty TNHH một thành ra đời thay thế Nghị định<br />
63/2001/NĐ-CP. Và để hoàn thành công việc chuyển đổi thì nghị định số 25/2010/NĐ-CP<br />
(19/3/2010) về chuyển đổi công ty Nhà nước thành Công ty TNHH một thành viên và tổ chức<br />
quản lý Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được ban hành thay thế<br />
<br />
các nghị định truớc đó về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên. Sự ra đời<br />
của Nghị định 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra những quy định mới, tạo sự thuận<br />
tiện, dễ dàng hơn cho các DNNN trong quá trình chuyển đổi sang công ty TNHH một thành<br />
viên, nhằm thực hiện đúng với lộ trình chuyển đổi mà Luật doanh nghiệp đã quy định và phù<br />
hợp với cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO của nước ta.<br />
Chương 2- Thực trạng pháp luật về chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành<br />
viên<br />
2.1- Trình tự, thủ tục chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên:<br />
Chuyển đổi DNNN sang Công ty TNHH một thành viên là một việc làm cần thiết trong<br />
nền kinh tế thị trường cũng như trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, chính vì vậy như phần<br />
trên đã nói, có rất nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho quá trình chuyển đổi. Vì<br />
vậy, việc chuyển đổi phải tuân theo trình tự thủ tục theo luật định.<br />
2.1.1- Đối tượng chuyển đổi<br />
2.1.2- Chủ sở hữu<br />
2.1.3- Điều kiện chuyển đổi<br />
2.1.4- Thủ tục chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên<br />
2.2 Tổ chức quản lý DNNN sang công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi:<br />
2.2.1- Tổ chức quản lý công ty theo mô hình Hội đồng thành viên:<br />
Chủ sở hữu công ty quyết định áp dụng cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình Hội đồng<br />
thành viên. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty tổ chức thực hiện các quyền<br />
và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và<br />
nghĩa vụ của công ty; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực<br />
hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có<br />
liên quan.<br />
2.2.2 Tổ chức quản lý công ty theo mô hình Chủ tịch công ty:<br />
Chủ tịch công ty do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm; có<br />
thể được bổ nhiệm lại hoặc thay thế. Chủ tịch công ty có thể kiêm Tổng giám đốc công ty.<br />
Điều lệ công ty quy định Chủ tịch công ty hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp<br />
luật của công ty.<br />
2.3 Quyền lợi của người lao động khi chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành<br />
viên<br />
Khi chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên thì có rất nhiều đối tượng<br />
chịu ảnh hưởng trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là người lao động. Do vậy, để đảm bảo<br />
quyền lợi của người lao động Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp<br />
lý cho người lao động khi chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên.<br />
2.4 Thực tiễn chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên<br />
2.4.1 Những kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một<br />
thành viên:<br />
Có thể nói việc chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên là một bước<br />
trong quá trình đổi mới DNNN, một giải pháp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế quốc<br />
gia.<br />
Trong thời gian qua, hệ thống pháp lý tạo điều kiện cho việc đổi mới DNNN đã đạt<br />
được những kết quả nhất định đó là:<br />
Thiết lập một hệ thống khung pháp lý tương đối đồng bộ theo hướng tạo môi trường bình<br />
đẳng, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, giảm thiểu các thủ tục khi gia nhập thị<br />
trường; hoàn thiện tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp. Đã xây dựng và phê duyệt các đề<br />
án tổng thế sắp xếp, đổi mới DNNN phù hợp với vai trò của khu vực nhà nước trong cơ chế<br />
thị trường làm cơ sở cho các Bộ ngành, địa phương thực hiện được tốt hơn.<br />
<br />
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, hiệu quả hoạt<br />
động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước được nâng lên; cơ bản đáp ứng được<br />
nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh; là một trong những công cụ quan trọng để Nhà<br />
nước điều tiết vĩ mô. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng được đội ngũ lao<br />
động kỹ thuật với trình độ tay nghề cao; góp phần quan trọng xây dựng các kết cấu hạ tầng<br />
kinh tế-xã hội, các dự án trọng điểm của Nhà nước phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã<br />
hội dài hạn của đất nước, những dự án lớn hoặc có ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội lớn<br />
mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không đủ khả năng<br />
làm. Năng lực, trình độ của nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ,<br />
công nhân kỹ thuật được nâng lên, chuyên nghiệp hơn. Mô hình tổ chức và phương thức lãnh<br />
đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước được đổi mới phù hợp hơn với điều kiện<br />
doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường; tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước<br />
đóng góp thiết thực vào hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo<br />
đảm quyền lợi hợp pháp, nâng cao thu nhập cho người lao động.<br />
Việc chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên đã hoàn thành, các DNNN<br />
đã chuyển sang công ty TNHH một thành viên hoặc chuyển sang một hình thức khác, về cơ<br />
bản chúng ta đã thực hiện theo đúng lộ trình đưa ra. Từ đây, các doanh nghiệp không phân<br />
biệt công hay tư đều vận hành theo một khuôn khổ pháp lý chung, bình đẳng, không có sự<br />
phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, từ đó tạo cơ sở cho DNNN hoạt động có hiệu quả<br />
hơn, xứng đáng với vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.<br />
2.4.2 Những mặt hạn chế của DNNN sau khi chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên<br />
Thứ nhất, sự ra đời của Nghị định 25/2010/NĐ-CP đã cụ thể hóa những quy định về<br />
chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên. Đây là một sự kiện được rất nhiểu<br />
người quan tâm, với nhiều ý kiến khác nhau, liệu DNNN có chuyển đổi đúng hạn và sau<br />
chuyển đổi hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sẽ như thế nào? liệu có phải tình trạng<br />
“bình mới rượu cũ ” hay “chỉ là thay áo khoác bề ngoài” mà thôi?…và còn nhiều câu hỏi<br />
tương tự như vậy. Tuy nhiên, cho đến nay trong Báo cáo của ban chỉ đạo đổi mới và phát<br />
triển doanh nghiệp thì việc chuyển đổi đã hoàn thành, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước<br />
đã chuyển sang công ty TNHH một thành viên. Và sau một thời gian rầm rộ, thì câu chuyện<br />
chuyển đổi DNNN sang công ty TNHH một thành viên đã được lắng xuống. Mặc dù vậy,<br />
không phải chúng ta đã hoàn toàn thành công, đã làm được những điều tưởng chừng như<br />
không thể, bởi đây chỉ là một điểm “dừng chân” của con tàu DNNN trên con đường hội nhập<br />
vào sân chơi chung cùng các loại hình doanh nghiệp khác mà thôi. Sau khi chuyển đổi sang<br />
công ty TNHH một thành viên, về cơ bản doanh nghiệp chưa có sự thay đổi đáng kể nào về<br />
quản trị doanh nghiệp, điểu này có thể lý giải bởi vì thời gian chuyển đổi là gấp gáp khi mà<br />
thời hạn chuyển đổi đã đến thì các doanh nghiệp mới tiến hành chuyển đổi, mà thực tế là từ<br />
sau khi Nghị định 25/2010/NĐ-CP ra đời thì công cuộc chuyển đổi mới thực sự có sự chuyển<br />
biến, chính vì vậy việc chuyển đổi mới chỉ là “thay tên, đổi họ”, là hình thức bên ngoài mà<br />
thôi.<br />
Thứ hai, chưa có sự rõ ràng về chủ sở hữu công ty, tại Điều 3 Nghị định 25/2010/NĐCP quy định "Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do<br />
mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ<br />
đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều<br />
lệ". Tuy nhiên, Nhà nước lại là một danh từ chung, một phạm trù rộng lớn, trừu tượng và nó<br />
không chỉ đích danh là ai. Vì vậy, trong trường hợp này, chủ sở hữu vẫn không được xác định<br />
cụ thể. Nghị định 25/2010/NĐ-CP cũng quy định: "Mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một<br />
thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới chỉ do một tổ chức được<br />
phân công, phân cấp dưới đây thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu (sau đây gọi<br />
tắt là chủ sở hữu)…". Và các tổ chức đó là: Thủ tướng Chính phủ hoặc một tổ chức chuyên<br />
trách được Chính phủ phân công; Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung<br />
<br />