intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xây dựng hệ thống kiến sinh học cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học theo định hướng phát triển năng lực

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

22
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hệ thống kiến thức Sinh học được xây dựng theo các chủ đề xuyên suốt trong môn học Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3 và môn Khoa học 4, 5 của chương trình giáo dục phổ thông mới. Sinh viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã được trang bị kiến thức và phương pháp dạy học cho đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xây dựng hệ thống kiến sinh học cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học theo định hướng phát triển năng lực

  1. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 XÂY DỰNG HỆ THỐNG KIẾN SINH HỌC CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGUYỄN MINH GIANG Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Email: gdthgiang@gmail.com Tóm tắt: Hệ thống kiến thức Sinh học được xây dựng theo các chủ đề xuyên suốt trong môn học Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3 và môn Khoa học 4, 5 của chương trình giáo dục phổ thông mới. Sinh viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã được trang bị kiến thức và phương pháp dạy học cho đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hệ thống kiến thức bao gồm sinh lý học trẻ em, sinh học động vật, sinh học thực vật, virus, vi khuẩn, nấm và giáo dục môi trường. Phương tiện dạy học khá đa dạng gồm mẫu vật thật, mô hình, tranh ảnh và dữ liệu điện tử. Phương pháp dạy học chủ đạo gồm quan sát, thực hành, thí nghiệm và điều tra, tập trung vào phát triển năng lực thể chất, năng lực tìm hiểu tự nhiên, năng lực thẩm mỹ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua các kiến thức sinh học để dạy học ở tiểu học. Từ khóa: Sinh học, tiểu học, phát triển năng lực. 1. MỞ ĐẦU Hình thành và phát triển năng lực cho học sinh là quan điểm chủ đạo và yêu cầu cần đạt được trong tất cả các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ở cấp tiểu học, hệ thống các năng lực chung và năng lực chuyên môn được hình thành và phát triển qua tất cả các môn học. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hệ thống các kiến thức sinh học là một trong những nội dung chính của môn “Tự nhiên và Xã hội” lớp 1, 2, 3 và Khoa học lớp 4, 5 với thời lượng từ 1-2 tiết/tuần [1]. Những kiến thức này được cấu thành một hệ thống chặt chẽ ở các cấp lớp, sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính và một số kiến thức đồng tâm. Tuy nội dung không quá chuyên sâu nhưng trải rộng trong các mảng kiến thức chính là thực vật và động vật, nấm, vi khuẩn, virus, con người và sức khoẻ, sinh vật và môi trường. So với hệ thống kiến thức thuộc lĩnh vực sinh học của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành đã có một số thay đổi. Các kiến thức này đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên để từ đó biết ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường. Thông qua các hoạt động học tập của lĩnh vực này, học sinh dần hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, hệ thống kiến thức về sinh lý người giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống một cách khoa học. Xuất phát từ nội dung và mục tiêu của môn Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3 và Khoa học 4, 5 ở tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc lựa chọn các nội dung thuộc lĩnh vực sinh học cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học không những phải đáp ứng các yêu cầu của chương trình, mà còn cung cấp những phương pháp dạy học đặc trưng, giúp sinh viên có thể triển khai các nội dung này ở giai đoạn tiểu học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. 2. NỘI DUNG 2.1. Các nội dung liên quan đến kiến thức sinh học trong chương trình của học sinh tiểu học Theo chương trình mới hệ thống các kiến thức sinh học là một trong những nội dung chính của môn “Tự nhiên và Xã hội” lớp 1, 2, 3 và Khoa học lớp 4, 5 thuộc về bốn chủ đề chính, với các yêu cầu cần đạt như sau: 129
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 2.1.1. Chủ đề thực vật và động vật Chủ đề này ở lớp 1 học sinh được học về thực vật và động vật xung quanh, chăm sóc và bảo vệ cây trồng vật nuôi. Lớp 2 là kiến thức về nơi sống của thực vật và động vật, tác động của con người và một số hiện tượng tự nhiên đến môi trường sống của thực vật và động, bảo vệ nơi sống của thực vật, động vật. Lớp 3 nội dung gồm các bộ phận của thực vật, động vật và chức năng của các bộ phận đó, sử dụng thực vật và động vật [2]. Lớp 4 đề cập đến nhu cầu sống của thực vật và động vật (ánh sáng, không khí, nước, nhiệt độ, chất khoáng đối với thực vật và ánh sáng, không khí, nước, nhiệt độ, thức ăn đối với động vật) và ứng dụng thực tiễn về nhu cầu sống của thực vật, động vật trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi. Lớp 5 học sinh học về sự sinh sản ở thực vật và động vật bao gồm sự sinh sản của thực vật có hoa và sự sinh sản của động vật, sự lớn lên và phát triển của thực vật và động vật [3]. 2.1.2. Chủ đề con người và sức khỏe Ở chủ đề này, học sinh lớp 1 được học về các bộ phận bên ngoài và giác quan của cơ thể và giữ cơ thể khỏe mạnh và an toàn. Lớp 2 và 3 gồm các nội dung về một số cơ quan bên trong cơ thể, chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể [2]. Lớp 4 gồm các kiến thức về dinh dưỡng ở người bao gồm: Các nhóm chất dinh dưỡng có trong thức ăn và vai trò của chúng đối với cơ thể, chế độ ăn uống cân bằng và một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Lớp 5 đề cập đến sự sinh sản và phát triển ở người, chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì và phòng tránh bị xâm hại [3]. 2.1.3. Chủ đề nấm, vi khuẩn và virus Chủ đề này được dạy ở lớp 4 và 5, không có ở giai đoạn lớp 1, 2, 3. Nội dung bao gồm: Lớp 4 đề cập đến nấm ăn, nấm độc và vi khuẩn; lớp 5 học sinh được học về vi nấm và virus [3]. 2.1.4. Sinh vật và môi trường Chủ đề sinh vật và môi trường có ở giai đoạn lớp 4 và 5. Trong đó lớp 4 học sinh được học về chuỗi thức ăn và vai trò của thực vật trong chuỗi thức ăn, lớp 5 đề cập đến vai trò của môi trường đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng, tác động của con người đến môi trường [3]. 2.2. Hệ thống kiến thức sinh học cơ bản cho sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học Căn cứ vào nội dung và yêu cầu của chương trình tiểu học theo định hướng phát triển năng lực cho thấy kiến thức sinh học được đề cập đến không quá chuyên sâu, nhưng theo một hệ thống logic khoa học về các cấp độ của tổ chức sống, trong đó phần con người, mối quan hệ của con người với sinh vật và môi trường được nhấn mạnh nhiều hơn. Mặt khác, các nội dung học tập của học sinh tiểu học phải được ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một yêu cầu bắt buộc trong dạy học theo định hướng tiếp cận năng lực. Do đó, song song với trang bị hệ thống kiến thức về khoa học sinh học cơ bản, thì kiến thức về sinh học ứng dụng cần được thực hiện một cách đồng bộ. Để đáp ứng đồng thời hai yêu cầu trên, chúng tôi đã trang bị cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học hệ thống kiến thức như sau: 2.2.1. Kiến thức về sinh lý học trẻ em Hệ thống kiến thức sinh lý học trẻ em thuộc về phần “Con người và sức khỏe” của môn Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3 và môn Khoa học 4, 5 ở tiểu học bao gồm: hệ thần kinh, phân tích quan, hệ vận động, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ bài tiết, hệ nội tiết, trao đổi chất và năng lượng, sinh lý hoạt động của hệ thần kinh cấp cao. Do đó, khi triển khai nội dung này sinh viên sẽ được nghiên cứu về giải phẫu, sinh lý và vệ sinh phòng bệnh liên quan đến từng 130
  3. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 hệ cơ quan ở giai đoạn học sinh tiểu học. Đặc biệt, sinh viên được định hướng chú trọng đến các nội dung vệ sinh phòng bệnh cho học sinh tương ứng với mỗi nội dung lý thuyết [6]. Khi trở thành giáo viên, hệ thống các kiến thức vệ sinh phòng bệnh đã được trang bị sẽ giúp cho việc dạy học về khả năng tự phục vụ bản thân, bảo vệ từng cơ quan, vùng riêng tư, để hình thành kỹ năng sống và phòng chống bị xâm hại cho học sinh một cách dễ dàng. Việc triển khai kiến thức lý thuyết kết hợp với các ứng dụng trong thực tiễn sẽ giúp sinh viên tư duy một cách logic, học tập sáng tạo và giải quyết các yêu cầu của mục tiêu dạy học sau này. Đây là một điểm hoàn toàn khác biệt với việc dạy môn “Sinh lý học trẻ em” trước đây chỉ đơn thuần là kiến thức lý thuyết về giải phẫu sinh lý. 2.2.2. Kiến thức về sinh học đại cương Kiến thức chủ yếu của sinh học đại cương trong phục vụ cho việc dạy chủ đề thực vật và động vật, vi nấm, vi khuẩn và virus. Yêu cầu nội dung không quá chuyên sâu, mà chủ yếu theo hướng mô tả đặc điểm hình thái bên ngoài, các quy luật vận động và phát triển về tổ chức sống ở các cấp độ sống như chuyển hóa vật chất và năng lượng, cảm ứng và vận động, sinh trưởng và phát triển, sinh sản. So với hệ thống kiến thức của chương trình cũ, rất nhiều nội dung được bổ sung như vi nấm, virus và vi khuẩn. Do đó, sinh viên cần được trang bị kiến thức phân loại theo tiến trình tiến hóa, để giải thích và trả lời các câu hỏi của học sinh tiểu học về các vấn đề liên quan đến sự sống. Nội dung kiến thức trang bị cho sinh viên thuộc phần sinh học đại cương tập trung vào hệ thống phân loại sinh giới, với các đặc điểm đại diện đặc trưng cho từng giới, từng ngành, từng lớp và một số đại diện quen thuộc. Các ví dụ về loài đại diện cho các nhóm virus, vi khuẩn, nấm, động vật và thực vật là các đối tượng quen thuộc, gần gũi với học sinh tiểu học. Đồng thời, các nội dung liên quan đến đời sống sinh vật như hình thái, sự sinh sản, phương thức tồn tại và phát triển trong tự nhiên phải được phân tích sâu. Mỗi nhóm sinh vật phải được làm rõ vai trò và tác hại của chúng đối với tự nhiên và con người [5]. 2.2.3. Kiến thức về sinh thái học, môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường Ở giai đoạn tiểu học, kiến thức trang bị cho sinh viên chủ yếu tập trung vào sinh thái học cá thể và hệ sinh thái, trong đó nhấn mạnh phần chuỗi, lưới thức ăn và chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên. Một trong những nội dung được nhấn mạnh là các kiến thức về nguyên nhân và hậu quả của ô nhiễm môi trường dẫn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu và ở Việt Nam, các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Sinh viên giải thích được sinh vật với môi trường là một thể thống nhất, sinh vật chịu tác động của môi trường, khí hậu, đồng thời chúng có tác động làm ổn định hoặc biến đổi môi trường và khí hậu [7]. 2.3. Phương tiện và phương pháp chủ đạo dạy học các kiến thức sinh học cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học theo định hướng phát triển năng lực 2.3.1. Sử dụng vật thật, tranh ảnh, dữ liệu điện tử và giáo trình trong dạy học Trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3 và Khoa học 4, 5 thì phương tiện dạy học có vai trò rất quan trọng. Ở cấp tiểu học, nhận thức của học sinh mang tính trực quan, do đó các kiến thức lý thuyết khoa học phải được thể hiện một cách đơn giản, gần gũi và tác động vào nhiều giác quan khác nhau trong quá trình nhận thức. Do đó, bên cạnh bộ sách giáo khoa cung cấp các kiến thức lý thuyết cơ bản thì việc lựa chọn các phương tiện dạy học hỗ trợ sẽ quyết định thành công. Khi dạy học kiến thức sinh học thì các phương tiện dạy học như vật thật, mô hình, tranh ảnh và dữ liệu điện tử là những phương tiện mang lại hiệu quả dạy học cao nhất. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị bộ giáo trình kết hợp với sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh và dữ liệu điện tử trong dạy học các kiến thức sinh học cho sinh viên. Phương tiện 131
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ dạy học này vừa giúp sinh viên lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng, vừa định hướng sử dụng nguồn phương tiện dạy học chuẩn cho giáo viên tiểu học sau này. Cụ thể như sau: Giáo trình gồm có “Sinh lý học trẻ em lứa tuổi tiểu học” [5], “Kiến thức sinh học cơ bản ở tiểu học” [6] và “Giáo dục môi trường ở tiểu học” [7]. Nội dung của các giáo trình này được viết tương ứng với từng chủ đề trong chương trình của cấp tiểu học. Nội dung chi tiết được viết theo nguyên tắc đồng tâm từ đơn giản đến phức tạp, luôn gắn với các ứng dụng trong thực tiễn bám sát vào yêu cầu ở cấp tiểu học. Ví dụ, yêu cầu học sinh tiểu học cần đạt được khi học về nội dung “virus” là: nêu được virus có kích thước nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều, không thể nhìn thấy bằng kính hiển vi thông thường và kể được tên một đến hai bệnh ở người do virus gây ra, nêu được nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh. Trong giáo trình “Kiến thức sinh học cơ bản ở tiểu học” sẽ bao gồm các nội dung tương ứng: hình dạng, kích thước, cấu tạo của virus, virus gây độc và chu trình sinh tan, virus ôn hòa và chu trình tiềm tan, các con đường lan truyền của virus, bệnh do virus gây ra và phòng bệnh do virus. Mẫu vật thật luôn mang những đặc điểm chân thực và sống động về mọi hoạt động bình thường, màu sắc, hình dáng, cách vận động riêng do đó có giá trị rất lớn. Loại đồ dùng dạy học này có giá trị sư phạm cao nhất, giúp học sinh tiểu học nhận biết sự vật, hiện tượng chân thực bằng cách sử dụng tất cả các giác quan, phù hợp với tư duy trực quan ở giai đoạn đầu của tiểu học. Một số nội dung có thể sử dụng vật thật như rễ, thân, lá, hoa, quả, nấm ăn, cá, sữa chua, dưa chua… Mô hình được dùng để thay thế hay bổ sung các mẫu vật tự nhiên đôi khi không có sẵn, hoặc lớn quá, nhỏ quá khó quan sát, mô hình có tác dụng phản ánh được cấu tạo, khái quát và hình dung được rõ ràng các cấu trúc không gian, so với kích thước của mẫu vật thật, sẽ khắc sâu được kiến thức cho học sinh. Thí dụ mô hình cơ thể người, các giác quan, quang hợp… Khi dạy về cấu tạo cơ thể người, chúng tôi đã sử dụng mô hình nửa cơ thể người để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu các hệ cơ quan vị trí và mối quan hệ của chúng trong cơ thể. Mô hình này khi sử dụng ở tiểu học giáo viên trình bày đến hệ cơ quan nào thì yêu cầu học sinh chỉ đến hệ cơ quan đó. Việc sử dụng mô hình không cho phép đi sâu vào cấu tạo chi tiết, trong trường hợp này dữ liệu điện tử tạo ra ưu thế hơn. Dữ liệu điện tử đặc biệt là tranh vẽ, video giúp cho học sinh có thể hiểu sâu sắc hơn về cấu tạo bên trong của đối tượng đang nghiên cứu, một quá trình thay đổi, xảy ra trong tiến trình dài ngoài ra nó còn thay thế mẫu vật thật mà không tìm kiếm được. Dữ liệu bao gồm tranh ảnh, video về hình thái của virus, vi khuẩn, cấu tạo các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể người, quá trình dinh dưỡng, sinh sản và phát triển ở thực vật, động vật và người, sinh vật và môi trường, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Bên cạnh nguồn dữ liệu được khai thác từ internet, còn có nguồn dữ liệu điện tử tự thiết kế và xây dựng phục vụ cho dạy học nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại. Ví dụ quay video tình huống trẻ đồng ý lên xe hay nhận quà tặng từ người lạ và hậu quả có thể xảy ra. 2.3.2. Phương pháp dạy học các kiến thức sinh học theo định hướng phát triển năng lực Theo Nguyễn Công Khanh (2013), năng lực của học sinh là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ,… phù hợp với lứa tuổi và vận hành (kết nối) chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ học tập, giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra cho chính các em trong cuộc sống [4]. Dạy học tiếp cận năng lực phải áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng 132
  5. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Yêu cầu giáo viên tiểu học phải tự xây dựng các trải nghiệm học tập để mở rộng những khái niệm mà học sinh đã biết và giải thích những kiến thức mà học sinh không giải quyết được. Sau đó học sinh áp dụng các khái niệm để giải quyết những tình huống mới. Để sinh viên tiếp cận với định hướng dạy học phát triển năng lực học sinh, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp dạy học giúp sinh viên vừa tham gia xây dựng nội dung bài học, vừa giải quyết những vấn đề thực tiễn có liên quan đến kiến thức sinh học. Các hoạt động học tập của sinh viên bao gồm hoạt động khám phá, giải quyết vấn đề, luyện tập và thực hành, được thực hiện với sự hỗ trợ của giảng viên và phương tiện dạy học, đặc biệt là công cụ tin học. Sinh viên được tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế, thông qua học lý thuyết trên lớp hoặc tự nghiên cứu, thực hiện bài tập nhóm, dự án cá nhân và semina. Hầu hết các phương pháp dạy học đã được sử dụng để trang bị hệ thống kiến thức sinh học cho sinh viên, tuy nhiên khi sử dụng các phương pháp theo định hướng phát triển năng lực học sinh như sau: Phương pháp thực hành được ưu tiên lựa chọn để phát triển năng lực tự chủ của học sinh tiểu học. Hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và năng lực thẩm mỹ thì ưu tiên sử dụng các phương pháp quan sát và thí nghiệm. Cụ thể như sau: 2.3.2.1. Phương pháp quan sát Trực quan là một trong những nguyên tắc cơ bản của lý luận dạy học nhằm tạo cho học sinh những biểu tượng và hình thành các khái niệm trên cơ sở trực tiếp quan sát sự vật, hiện tượng. Phương pháp quan sát là phương pháp đặc trưng, thường được sử dụng khi dạy học môn Tự nhiên và xã hội 1, 2, 3 và Khoa học 4, 5 ở tiểu học và đặc biệt là đối với học sinh ở giai đoạn đầu cấp. Đặc biệt, phương pháp quan sát phù hợp với tâm lý nhận thức của học sinh tiểu học là tư duy bằng hình tượng và bản tính tò mò, thích khám phá. Phương pháp này phát huy hiệu quả khi giáo viên dạy học kiến thức sinh học sử dụng các mẫu vật thật, mô hình, tranh ảnh hay video. Giáo viên hướng dẫn học sinh dùng mọi giác quan để tri giác sự vật, hiện tượng. Đặt sự vật hiện tượng đó trong môi trường sống và các mối quan hệ của nó. Học sinh có thể sử dụng các giác quan (sờ, ngửi, nếm, nghe, nhìn...) để tiếp cận trực tiếp tới các sự vật, hiện tượng giúp học sinh lĩnh hội tri thức sẽ hứng thú hơn. Quan sát vật thật là hình thức quan sát sinh động và thuận lợi nhất trong dạy học sinh học ở tiểu học, giúp học sinh khám phá mọi mặt của sự vật hiện tượng như đặc điểm bên ngoài, cấu tạo, bản chất bên trong và mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng đó trong tự nhiên. Ví dụ, khi dạy về cấu tạo của hoa, sử dụng bông hoa thật giúp để học sinh quan sát bằng mắt để biết được các bộ phận của bông hoa gồm đài, tràng, nhị và nhuỵ. Đài và tràng làm thành bao hoa bảo vệ nhị và nhuỵ. Tràng gồm nhiều cánh hoa, màu sắc của cánh hoa khác nhau tuỳ loại. Nhị có nhiều hạt phấn. Nhuỵ có bầu chứa noãn… Nếu không có vật thật thì mô hình, tranh ảnh sẽ được ưu tiên lựa chọn trong phương pháp quan sát. Ví dụ, học sinh lớp 1 quan sát mô hình cơ thể để khám phá cấu tạo và hoạt động chung. Trên cơ sở đó tự xây dựng các hoạt động vận động hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh. Quá trình dạy học sẽ được tiến hành như sau: Ở hoạt động 1, giáo viên giới thiệu mô hình người. Học sinh quan sát và chỉ các bộ phận của cơ thể người (chỉ trực tiếp trên mô hình, tranh ảnh). Hoạt động 2, giáo viên tổ chức cho học sinh khám phá mô hình. Sau đó thực hiện các hoạt động của con người trên mô hình. Ví dụ cúi đầu, gập người, vận động cánh tay, vận động chân, rồi cho học sinh thực hiện các động tác đó. Tiếp tục cho học sinh tháo lắp các bộ phận trên mô hình. Như vậy, qua mô hình giáo viên đã giúp học sinh biết được cấu tạo của cơ thể người và các hoạt động của cơ thể. Ngoài ra trên mô hình giáo viên còn giới thiệu cho học sinh biết cơ chế của sự vận động và khuyến khích học sinh nên vận động hằng ngày để có cơ thể khỏe mạnh. 133
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ Muốn phát triển “năng lực tìm hiểu tự nhiên” và “năng lực thẩm mỹ” cho học sinh tiểu học thông qua dạy học các kiến thức sinh học [1] thì sinh viên ngành Giáo dục tiểu học bắt buộc phải có kỹ năng quan sát sự vật hiện tượng một cách khoa học. Phương pháp quan sát giúp cho sinh viên khi trở thành giáo viên tiểu học có thể sử dụng một cách hiệu quả để dạy cho học sinh tiểu học khả năng quan sát thế giới sinh vật ở mức độ hình thái và cơ chế hoạt động đơn giản. Thông qua hoạt động của sinh giới, sự đa dạng phong phú của các loài động vật, thực vật, hệ sinh thái, đặc biệt là chính cơ thể con người và sức khỏe sẽ kích thích làm nảy sinh nhiều cảm xúc ở học sinh tiểu học, phát triển tình yêu đối với thiên nhiên, nhận thức được giá trị của thiên nhiên và vai trò của mỗi cá nhân đối với tự nhiên. Từ đó, học sinh có ý thức bảo vệ bản thân mình và người khác, bảo vệ môi trường và sự đa dạng của sinh học. Do đó, rất nhiều nội dung học tập của sinh viên đã sử dụng phương pháp quan sát như: xác định được các bộ phận của thực vật, động vật và chức năng của các bộ phận đó. So sánh hình dạng, kích thước, màu sắc của rễ, thân, lá, hoa, quả của các loài thực vật khác nhau. Phân loại được thực vật dựa trên một số tiêu chí đặc điểm xác định (ví dụ: rễ cọc, rễ chùm). Xác định đặc điểm cơ quan sinh sản của thực vật có hoa, phân biệt được hoa đơn tính và hoa lưỡng tính... So sánh và đối chiếu các đặc điểm cấu tạo của các động vật khác nhau. Phân loại được động vật dựa trên một số tiêu chí đặc điểm xác định (ví dụ: động vật không xương sống, động vật có xương sống)... Nhận biết được vùng riêng tư của cơ thể cần được bảo vệ, dấu hiệu chính và nguyên nhân của một số bệnh do ăn thiếu hoặc ăn thừa chất dinh dưỡn... Nguyên nhân và hậu quả của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… 2.3.2.2. Phương pháp thực hành Phương pháp thực hành được sử dụng phổ biến trong dạy học các môn về tự nhiên và xã hội, nhất là các bài học có nội dung về giáo dục sức khoẻ và an toàn bản thân. Sinh viên được định hướng sử dụng phương pháp này chủ yếu để dạy các kỹ năng cho học sinh tiểu học như: chăm sóc răng miệng, vệ sinh cơ thể, phòng chống bệnh tật, phòng chống xâm hại, chăm sóc vật nuôi, trồng cây bằng hạt và bằng thân (hoặc lá, rễ), ứng phó với biến đổi khí hậu, thiết kế thời gian biểu cho các hoạt động có lợi cho sức khỏe, nói không và tránh xa người có hành vi động chạm hay đe dọa đến sự an toàn của bản thân, lập một danh sách những người đáng tin cậy để chia sẻ, yêu cầu sự giúp đỡ khi bản thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị xâm hại, thiết kế bữa ăn cân bằng và lành mạnh, xây dựng chương trình vận động gia đình và cộng đồng phòng một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng... Phương pháp thực hành được triển khai cho sinh viên dưới hình thức làm việc cá nhân hoặc nhóm về nội dung dạy học các kỹ năng trên. Ví dụ, thực hành một số kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục theo quy tắc 5 ngón tay như sau. Bước 1 giáo viên cho học sinh xem video về quy tắc 5 ngón tay. Bước 2 giáo viên nói ngón tay, học sinh nói tên người và hành động tương ứng phù hợp với từng ngón tay. Bước 3 giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục bằng câu hỏi “Nếu ai đó cố tình nhìn, nói, đụng chạm vào vùng bí mật của con hoặc yêu cầu con nhìn và đụng chạm vùng bí mật của họ thì các con sẽ làm gì?”. Học sinh sẽ xem hình ảnh hoặc video minh họa và thực hành cá nhân việc phản đối bằng cách nói “không”, xua tay, cắn, tấn công lại. Đồng thời, cho học sinh thực hành cá nhân kỹ năng thoát hiểm khi bị lôi, kéo, ôm... Sau đó, học sinh tiếp tục thực hành bước bỏ chạy thật nhanh đến nơi đông người, đồng thời hô to để mọi người chú ý đến mình. Cuối cùng học sinh thực hành kể lại tất cả câu chuyện mà người xấu đã làm với con cho cha mẹ và những người các con tin cậy để người lớn kịp thời can thiệp và bảo vệ con được an toàn hơn. Cho học sinh kể tên 5 người cảm thấy tin cậy nhất. 134
  7. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 2.3.2.3. Phương pháp thí nghiệm Phương pháp thí nghiệm được coi là một trong những phương pháp tạo niềm tin tuyệt đối cho học sinh, là cầu nối giữa lý thuyết với thực tiễn, hỗ trợ cho tư duy sáng tạo của học sinh. Sử dụng phương pháp thí nghiệm tìm hiểu nguyên nhân của một số hiện tượng, quá trình sinh học như: tác hại của khói thuốc lá, thực vật cần ánh sáng, không khí, nước, nhiệt độ và chất khoáng để sống và phát triển, quang hợp và hô hấp, tác hại của ô nhiễm nước, không khí… Sinh viên khi thực hiện các thí nghiệm sẽ khám phá và kiểm chứng tri thức một cách thuyết phục, giúp kích thích hoạt động tìm tòi và nghiên cứu khoa học. Khi trở thành một giáo viên tiểu học có thể hướng dẫn và thị phạm cho học sinh thực hiện các thí nghiệm đơn giản, kích thích học sinh lòng đam mê, tìm tòi trong nghiên cứu khoa học sau này. Ví dụ, thực hiện thí nghiệm chứng minh tác hại của thuốc lá đến cơ thể người như sau: Dụng cụ thí nghiệm gồm một chai nhựa 2 lít có đục một lỗ ở gần đáy, 1 điếu thuốc lá, bật lửa, 1 tờ khăn giấy mà trắng. Trên nút chai đục một lỗ nhỏ vừa với thân một điếu thuốc. Đổ nước ngập ¾ chai nhựa và vặn nút lại, bên trên có gắn điếu thuốc lá. Châm điếu thuốc và từ từ mở nút bên dưới đáy chai để nước chảy ra ngoài. Bước này mô phỏng hành động hút thuốc lá của con người. Lúc này, bên trong chai sẽ chứa đầy khói trắng từ thuốc lá. Lượng khói này bằng với lượng khói mà người hút đưa vào phổi. Sau khi điếu thuốc cháy hết, mở nắp chai và dùng một chiếc khăn giấy buộc quanh miệng chai. Thổi vào trong chai cho đến khi không khí trắng đục trở nên trong suốt. Mở miếng khăn giấy trên miệng chai và quan sát. Lớp chất màu vàng trên khăn giấy mô phỏng cho những chất độc hại mà thuốc lá đưa vào và lưu lại ở phổi người hút thuốc. Giáo viên thực hiện mô phỏng thí nghiệm trước để học sinh quan sát thao tác và kết quả. Sau đó cho học sinh thực hiện thí nghiệm theo nhóm và trình bày kết quả. Cuối cùng, giáo viên giải thích kết quả lớp chất màu vàng trên khăn giấy chính là lượng khí với hơn rất nhiều hóa chất nguy hiểm mà phổi phải hấp thụ khi hút một điếu thuốc. 2.3.2.4. Phương pháp điều tra Phương pháp này được sử dụng chủ yếu dạy học các nội dung liên quan đến giáo dục môi trường như thu thập thông tin, bằng chứng cho thấy con người có những tác động tiêu cực hay tác động tích cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, thực hiện được một số việc làm thiết thực, phù hợp để góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến các bệnh của con người, các loài sinh vật bản địa... Sử dụng phương pháp điều tra giúp sinh viên trở thành những người làm việc độc lập và phối hợp với các thành viên trong nhóm một cách linh hoạt. Mỗi sinh viên sẽ là những nhà khoa học để thu thập, phân tích và đánh giá số liệu thu thập được từ thực tiễn. Ví dụ, giáo viên tiểu học sử dụng phương pháp điều tra để tìm hiểu về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường theo 4 bước như sau: Bước 1 là chia theo nhóm 4 - 5 học sinh, mỗi nhóm gồm các thành viên ở gần nhà nhau. Trong đó, cử ra một nhóm trưởng có năng lực điều hành, có mối quan hệ tốt với các thành viên trong nhóm và một thư ký ghi chép một cách đầy đủ, rõ ràng các dữ liệu mà nhóm đã điều tra được. Bước 2 sẽ giao nhiệm vụ cho từng nhóm ghi chép lại cách phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định của các hộ gia đình và thu gom rác trong khu dân cư vào một giờ nhất định hàng ngày và hướng dẫn mỗi thành viên trong nhóm ghi chép theo bảng giáo viên đã thiết kế sẵn. Bước 3 các nhóm nộp kết quả điều tra cho thư ký để tập hợp và cùng nhau phân tích kết quả (có thể phân tích theo các câu hỏi gợi ý sẵn trong phiếu điều tra giáo viên đã phát). Bước 4 mỗi nhóm sẽ trình bày kết quả điều tra và rút ra các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại khu vực mình sinh sống trước lớp. 135
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3. KẾT LUẬN Căn cứ vào các yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở cấp tiểu học, chúng tôi đã so sánh và tổng kết các nội dung kiến thức Sinh học giữa chương trình cũ và mới. Trên cơ sở đó đã biên soạn thành giáo trình phù hợp để phục vụ cho giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. Nghiên cứu đã lựa chọn các phương pháp dạy học đặc trưng của bộ môn như quan sát, thực hành, thí nghiệm và điều tra, nhưng chú trọng vào phát triển một số năng lực của học sinh tiểu học bao gồm: năng lực thể chất, năng lực tìm hiểu tự nhiên, năng lực thẩm mỹ, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua các kiến thức sinh học ở tiểu học. Mỗi phương pháp được cụ thể bằng ví dụ minh họa khi triển khai ở tiểu học. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học 4, 5. [4] Nguyễn Công Khanh (2013). Xây dựng khung năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, Tạp chí Khoa học Giáo dục, Số 95, Tr.1-5. [5] Nguyễn Minh Giang (2013). Kiến thức sinh học cơ bản ở tiểu học, NXB Giáo dục. [6] Nguyễn Minh Giang (2016). Sinh lý học trẻ em lứa tuổi tiểu học, NXB Giáo dục. [7] Nguyễn Minh Giang (2017). Giáo dục môi trường ở tiểu học, NXB Giáo dục. Title: BUILDING BIOLOGICAL SYSTEM AND TEACHING METHODS FOR PRIMARY STUDENTS, HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION TO APPROACH ABILITIES OF NEW GENERAL EDUCATION CURRICULUM Abstract: Biological knowledge systems are developed in cross-cutting themes in natural and social subjects 1, 2, 3 and Science 4, 5 of the new general education curriculum. Students of the primary department, Ho Chi Minh City University of Education have been equipped with knowledge and teaching methods to adapt the requirements of education reform. The knowledge system includes children's physiology, animal biology, plant biology, viruses, bacteria, fungi and environmental education. Teaching tools are diverse, including real objects, models, pictures and electronic data. The key teaching methods include observation, practice, experiment and investigation, focusing on developing physical abilities, abilities to find out nature, aesthetic abilities, problem solving abilities and creative abilities through the biological knowledge to teach in elementary school. Keywords: Biology, primary, developing abilities. 136
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2