intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong phạm vi bài viết "70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc" tác giả sẽ tập trung nghiên cứu làm rõ về tinh thần đoàn kết dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học về tinh thần đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

  1. 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - BÀI HỌC VỀ PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT DÂN TỘC ThS. Nguyễn Kim Hồng Bộ môn Lý luận Chính trị, Trường Đại học Hòa Bình Email: nkhong@daihochoabinh.edu.vn Tóm tắt: Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) là một trong những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam – một sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới. Một phần làm nên thắng lợi đó chính là ý chí quyết tâm, chung sức đồng lòng của toàn dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong phạm vi bài viết tác giả sẽ tập trung nghiên cứu làm rõ về tinh thần đoàn kết dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học về tinh thần đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn kết dân tộc. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi quan trọng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”1. Vì vậy, nghiên cứu về sức mạnh đoàn kết dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ở đây là mối quan hệ giữa Đảng – Nhân dân, qua đó nghiên cứu về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc hiện nay là vô cùng cần thiết. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Sức mạnh dân tộc trong chiến thắng Điện Biên Phủ 2.1.1. Thực dân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong kế hoạch Navarre Sau những thất bại nặng nề trong chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên Giới (1950) … thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ra sức tìm mọi cách nhằm thay đổi thế cờ hòng cứu vãn tình hình, vì vậy chúng cho thực hiện kế hoạch Navarre hy vọng giành lại thế chủ động trong thế bị động với mục tiêu giành thắng lợi trong vòng 18 tháng để kết thúc chiến tranh có lợi cho cả Pháp và Mỹ, kế hoạch tác chiến Navarre được chúng chia làm hai bước: 1 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.256. 84
  2. Thứ nhất, thực hiện phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công ở miền Nam, đồng thời tăng cường mở rộng quân ngụy, tập trung binh lực nhằm xây dựng một đội quân cơ động mạnh vào Thu Đông 1953 và mùa xuân 1954. Thứ hai, nếu kế hoạch thứ nhất hoạt động tốt và trên cơ sở lực lượng cơ động được tăng cường, chúng sẽ tiến hành chuyển toàn lực và thực hiện tấn công trên miền Bắc nhằm giành lấy thắng lợi quân sự buộc ta phải điều đình. Nếu ta không chịu chấp nhận những điều kiện của chúng thì sẽ tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Kế hoạch Navarre được Hội đồng phòng thủ quốc gia nước Pháp thông qua ngày 24/7/1953 và được các nhà cầm quyền Mỹ tán thành. Để thực hiện kế hoạch này, chúng cho mở rộng lực lượng gồm: mở rộng quân ngụy, mở rộng “quân đội quốc gia”; rút một bộ phận lực lượng chiếm đóng để tập trung lại; xin tăng viện từ Pháp sang. Với khẩu hiệu “luôn luôn chủ động”, “luôn luôn tiến công”; mùa hè 1953, chúng mở liên tiếp hàng chục cuộc hành quân càn quét dữ dội trong vùng chiếm đóng ở Bắc Bộ, Bình – Trị - Thiên, Nam Bộ và một số nơi. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của tình hình và nhận thấy sự di chuyển của quân đội chủ lực của ta lên hướng Tây Bắc. Ngày 3/12/1953 chúng quyết định mở cuộc tấn công lên hướng Tây Bắc, xây dựng căn cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với lực lượng hết sức tinh nhuệ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực có lúc lên đến 16.200 tên. Bên cạnh chuẩn bị về mặt lực lượng, thực dân Pháp còn tăng cường trang bị vũ khí lên Điện Biên Phủ, các loại khí tài đặc biệt như súng phun lửa, súng đại liên nhiều nòng, mìn đĩa, mìn napan chôn dưới đất, phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại để quan sát và bắn đêm …; cùng với khoảng 3000 tấn dây thép gai. Tại đây, lực lượng của địch được bố trí thành 49 cứ điểm với 3 phân khu. Mỗi phân khu đều được thực dân Pháp xây dựng kiên cố. Mỗi một trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được che chở bằng hệ thống công sự phụ và hệ thống hỏa lực rất mạnh. Có thể thấy rằng, thực dân Pháp đã tăng cường trang bị cho Điện Biên Phủ trở thành một “pháo đài không thể công phá” với hi vọng giành chiến thắng. 2.1.2. Sức mạnh toàn dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng vả phát huy “thế trận lòng dân” nhằm quy tụ, khơi dậy lòng yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp và toàn thể dân tộc trong công cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại bài học to lớn về vấn đề này như sau: Một là, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã huy động được sức mạnh cả nước tham gia kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, 85
  3. toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”2. Toàn thể Nhân dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền xuôi đều ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, quyết tâm đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. Trên khắp các mặt trận, ở khắp các địa phương trong cả nước từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả ngạn, Liên khu IV đến Bình – Trị Thiên, Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn – Gia Định… đều quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động trên các chiến trường, phối hợp tấn công tiêu diệt sinh lực địch, góp phần giải phóng nhiều vùng đất đai và Nhân dân, làm cho thực dân Pháp phải thay đổi kế hoạch, phân tán lực lượng ở khắp nơi để đối phó với quân chủ lực của ta. Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là nhờ “tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là yếu tố quyết định thắng lợi. Và đó cũng là bài học kinh nghiệm vĩ đại nhất”3. Hai là, chế độ dân chủ nhân dân được xây dựng trong cả nước, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy góp phần làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mọi quyền hành đều phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, mọi công việc phải từ dân mà ra từ đó đã huy động được sức mạnh toàn dân tham gia kháng chiến. Trên lĩnh vực chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh xây dựng, củng cố chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đồng thời, phát huy sức mạnh của chính quyền cách mạng trong việc ban hành các chính sách trên các lĩnh vực chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách của Đảng luôn xuất phát từ dân mà ra như đem lại ruộng đất cho dân cày, thực hiện chế độ bầu cử, xóa nợ, hoãn nợ cho nông dân… Các chính sách đó đã động viên tinh thần các tầng lớp Nhân dân ở trên cả nước, từ Nhân dân ở vùng tự do đến vùng mới giải phóng và sau lưng địch tạo thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng và Chính phủ chủ trương tiến hành xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân, tiếp tục bãi bỏ những thứ thuế vô lý dã man của chế độ cũ, giảm tô, giảm tức, thực hiện cải cách ruộng đất, ban hành các chính sách về kinh tế nhằm tiến tới xây dựng chế độ mới, Chỉ trong vòng 10 tháng (từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1954), 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất đã được thực hiện theo Sắc lệnh giảm tô và Luật Cải cách ruộng đất. Các chính sách của Đảng trong lĩnh vực kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ bởi những chính sách đó đã trở thành nguồn động viên tinh thần đối với lực lượng cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tuyến và hậu phương. Trên lĩnh vực văn hóa, trước yêu cầu xây dựng nền văn hóa mới “dân tộc, khoa học, đại chúng”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng nền văn hóa 2 Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội Nhân dân, 2005, tập 1, tr.557. 3 Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.5. 86
  4. chú trọng về “xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”. Với sự quyết tâm trong xây dựng nền văn hóa cho dân tộc đã trở thành sức mạnh vô cùng to lớn, tạo ra động lực cho mọi tầng lớp đều quyết tâm tham gia kháng chiến, tạo động lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ tinh thần, ý chí đồng lòng, cả dân tộc Việt Nam đều chung tay góp sức, tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn đã đập tan những mưu đồ của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ba là, mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố, xây dựng, huy động sức mạnh đoàn kết rộng rãi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, tinh thần đoàn kết ngày càng được dâng cao, huy động được mọi lực lượng tham gia kháng chiến, từ đồng bào Kinh, Thái, Nùng, Dao… ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Mọi người cùng nhau tập trung sức người, sức của cho chiến dịch. Cùng với xây dựng mặt trận đoàn kết rộng rãi trên cả nước, trong thời kỳ này các “hội tương tế, ái hữu”, các hội “Cứu quốc” được thành lập nhằm đoàn kết mọi tầng lớp, giai cấp tăng thêm lực lượng cho cách mạng. Bốn là, công tác dân vận được đẩy mạnh trên khắp các mặt trận, huy động mọi nguồn lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một trong những khó khăn của Chiến dịch Điện Biên Phủ được Đảng ta xác định chính là vấn đề về lương thực, thực phẩm bởi chiến trường ở rất xa hậu phượng, đường tiếp tế lại độc đạo, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn... Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã quan tâm đến công tác vận động quần chúng, thường xuyên phát động rất nhiều các phong trào nhằm huy động nguồn nhân lực, vật lực cho chiến dịch. Trong Thư gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, thăm hỏi và nhắc nhở mọi người phải luôn ra sức thi đua phục vụ để cùng bộ đội diệt giặc, giải phóng đồng bào. Theo số lượng tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ. Ngoài ra còn có hàng trăm xe thô sơ, hàng trăm con ngựa thồ và hàng nghìn chiếc thuyền… Hàng vạn anh chị em dân công, thanh niên xung phong lấy sức người vận chuyển lương thực, đạn dược, ngày đêm trèo đèo lội suối, mặc máy bay của địch, mặc bom nổ chậm, mang lương thực, đạn dược để tiếp tế cho tiền tuyến. Ở các hỏa tuyến, công tác phục vụ chiến đấu được triển khai liên tục, khẩn trương. Công tác nuôi quân, tiếp tế, quân y, vận tải… được tiến hành ngay trong giao thông hào, dưới bom đạn, trong tiếng súng nổ của địch và ta. Có thể thấy rằng, chưa bao giờ tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam lại dâng cao như vậy, mọi người đều hăng hái đi ra mặt trận để cùng quân đội tiêu diệt địch, giải phóng đất nước. Sức mạnh của tiền tuyến đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng bên cạnh đó còn là tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội Việt Nam. Từ những ngày đầu chiến dịch nổ ra, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra cho toàn quân và toàn dân ta cần phải tập trung lực lượng, tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch. Tại mặt trận 87
  5. Điện Biên Phủ, ngay từ những ngày đầu, quân đội ta đã đem sức mạnh lao động sáng tạo mở đường tiếp tế từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, làm đường xe hơi để chuyển pháo binh vào trận địa, xuyên qua rừng núi Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Để làm nên chiến thắng đó chính là nhờ “sức mạnh to lớn của mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ những thuở xa xưa, tinh thần làm chủ non sông đất nước đã ăn sâu vào trí óc, máu thịt của con người Việt Nam. Trải qua biết bao thế hệ chiến đấu chống thiên tai, địch họa, tinh thần ấy đã được hun đúc thành khí phách anh hùng, thành truyền thống yêu nước vĩ đại. Đó là truyền thống cả nước chung sức lại, mỗi khi có hoạ xâm lăng; trăm họ đều là binh, chí dân mạnh hơn thành quách”4. 2.2. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 2.2.1. Bài học thứ nhất: Luôn nêu cao đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là một chiến lược xuyên suốt, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam Đại đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, có vai trò và có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhận thức được vai trò quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vai trò của đại đoàn kết trong nhận thức và hành động. Đây là một trong những bài học quan trọng hàng đầu, quyết định đến xây dựng chiến lược đoàn kết toàn dân trong thời kỳ đổi mới. Thực tiễn từ ngày Đảng ra đời đến nay đã chứng minh rằng, nhờ có sức mạnh đoàn kết của dân tộc đã làm nên những thắng lợi quan trọng trong làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam. Kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới đất nước, vai trò của đoàn kết dân tộc ngày càng có vai trò quan trọng. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”5. Trước sự thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, những vấn nạn toàn cầu như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh … việc đoàn kết đóng vai trò quan trọng góp phần đẩy lùi dịch bệnh, phòng chống thiên tai đồng thời vượt qua mọi khó khăn. Có thể thấy rằng, bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đất nước hiện nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng viết “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững 4 Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.247-248. 5 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.34. 88
  6. bước đi lên chủ nghĩa xã hội.”6 2.2.2. Bài học thứ hai: Chú trọng xây dựng các tổ chức, đoàn thể vững mạnh, phát huy vai trò của các lực lượng tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân Một trong những bài học làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đó chính là nhờ công tác của các đoàn thể, tổ chức đã phát huy và tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cần phát huy vai trò và thực hiện nghiêm túc các quan điểm về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm phát huy sức mạnh lòng dân. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân thể hiện cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam, do đó Mặt trận cần phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đưa ra các chương trình, chủ trương, chính sách nhằm huy động được tinh thần đoàn kết của mọi giai cấp, tầng lớp. Đồng thời, Mặt trận cần phối hợp với các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… trong tập hợp mọi người, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, thực hành dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội; tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước trong quần chúng nhân dân; làm cho dân hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chính vì vậy, Đảng ta đã từng nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của Mặt trận và khẳng định rằng: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”7 2.2.3. Bài học thứ ba về chăm lo đời sống Nhân dân, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, vấn đề chăm lo đời sống Nhân dân là một việc làm vô cùng cần thiết và hết sức khó khăn bởi các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, Đảng và Nhà nước cần phải luôn chăm lo Nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần bởi mục tiêu mà nước ta đi lên xây dựng là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để làm được điều đó, mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải hướng đến người dân, phải đặt dân ở mức cao nhất. Đặc biệt cần nhấn mạnh đến phát triển đời sống Nhân dân ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn như miền núi và vùng sâu, vùng xa, hải đảo... Thực hiện chăm lo đời sống Nhân dân là một trong những việc làm thiết thực nhất, có ảnh hưởng trực tiếp tới Nhân dân sẽ góp phần làm cho dân tin, dân yêu vào Đảng và Nhà nước. 6 Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỉ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 7 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.86. 89
  7. Bên cạnh bài học về phát huy sức mạnh của Nhân dân, Đảng ta cần nhấn mạnh đến bài học về phát huy sức mạnh của khối liên minh công – nông – trí thức bởi đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Công nhân, nông dân, trí thức là ba giai tầng đại diện cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Giai cấp công nhân ngày càng gắn bó chặt chẽ với đội ngũ trí thức và những thành tựu khoa học, đồng thời, vừa phải gắn bó chặt chẽ với giai cấp nông dân, là đồng minh chính trị, vừa là bạn hàng kinh tế. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng liên minh công – nông – trí thức bởi đây là động lực của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới góp phần quy tụ, khơi dậy và phát huy mọi tiềm lực của Nhân dân, của các giai cấp, cộng đồng người Việt Nam. 2.2.4. Bài học thứ tư về đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân Trước sự thay đổi của tình hình chính trị - xã hội trên thế giới và trong nước, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, ban hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết… nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong vận động, tập hợp Nhân dân, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy vai trò của mình trong công tác giám sát, phản biện xã hội, thực hiện quy chế phối hợp công tác, tạo thành sức mạnh lớn để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của công tác vận động quần chúng. Đồng thời, cần tăng cường công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện, yêu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng thời kỳ đổi mới. Mặt trận và các đoàn thể cần hướng tới các cơ sở và địa bàn các khu dân cư, tạo cơ sở đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; phát huy đến quyền làm chủ và là chủ của quần chúng nhân dân, mọi quyền lợi đều phải xuất phát từ Nhân dân; luôn nêu cao Nhân dân, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Mặt trận cần tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên như: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… trong việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, nhất là đối với các thế hệ trẻ việc nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm là vô cùng cần thiết góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc. Đảng cần nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời các cán bộ, công chức, viên chức cần phải luôn ghi nhớ “cán bộ là người đầy tớ trung thành của quần chúng nhân dân”, luôn nêu cao tấm gương về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời cần tích cực ứng dụng những thông tin liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dân sinh góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thế 90
  8. lực thù địch đang tìm cách chống phá, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 3. KẾT LUẬN Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của quần chúng nhân dân có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 70 năm nhưng bài học về phát huy vai trò của Nhân dân vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể cần nâng cao và chú trọng đến Nhân dân, đặt lợi ích và quyền lợi của Nhân dân lên trên hết. Đồng thời cần thực hiện đoàn kết, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 4. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ – Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [6] Trần Hà: Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Báo điện tử Kinh tế & Đô thị, ngày 07/5/2019, nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-hoc-chien-thang-tu-the-tran-long-dan.html. [7] Vũ Đào Long: Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài học phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân hiện nay, Báo Quân đội nhân dân, ngày 16/02/2024, nguồn: https://www.qdnd.vn/tu- lieu-ho-so/van-kien-tu-lieu/chien-dich-dien-bien-phu-va-bai-hoc-phat-huy-suc-manh-doan- ket-toan-dan-hien-nay-765142. [8] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1 Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. [9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [11] Nguyễn Phú Trọng: Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 31/01/2024, nguồn: https://vov.vn/chinh- tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nhan-ky-niem-94-nam-ngay-thanh-lap-dang- cong-san-viet-nam-post1074835.vov. 91
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2