intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bài thơ

Chia sẻ: Nguyen Quynh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

54
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thơ ca sơ kỳ trung đại mở đầu với bài Quốc tộ (Vận nước) của Pháp Thuận. Đây là lời của một vị quốc sư trình bày với vua Lê Đại Hành những nhận định của mình về vận nước và đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp để đất nước được thái bình và bền vững dài lâu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bài thơ

  1. Bài thơ "Vận nước" và những giá trị văn hoá Việt Thơ ca sơ kỳ trung đại mở đầu với bài Quốc tộ (Vận nước) của Pháp Thuận. Đây là lời của một vị quốc sư trình bày với vua Lê Đại Hành những nhận định của mình về vận nước và đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp để đất nước được thái bình và bền vững dài lâu.
  2. Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình. Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh. (Vận nước như dây mây quấn quýt, Trời Nam mở ra nền thái bình. Thực hiện đường lối “vô vi” ở nơi điện các, Khắp nơi tắt hết cảnh chiến tranh loạn lạc) Bài thơ trước nay đã được tìm hiểu, luận bàn không ít. 1. Trước hết, đó là những ý tứ sâu xa được biểu thị qua những hình ảnh đắc địa và từ ngữ cô đọng, hàm súc. Mở đầu bài thơ là một so sánh độc đáo – “Vận nước như dây mây quấn quýt”. Không cần nhiều lời mà người đọc vẫn hiểu được những ẩn ý tinh tế. Vận nước không được ví như cây to cội cả. Ví như thế e hơi khoa trương mà không hợp với một dân tộc đất không rộng người không đông. Vả lại, cây to trông cứng cáp khỏe mạnh nhưng lại dễ gãy. Dây mây là loại dây leo ở rừng, thân mềm dẻo nhưng rất chắc và dai. Dây mây tuy nhỏ nhưng một khi quấn quýt thành bó to không dễ gì chặt đứt. Lúc đó nó có sức mạnh và sự diệu dụng hơn cả cổ thụ. Vì nó không chỉ bền chắc mà còn uyển chuyển phù hợp từng hoàn cảnh khác nhau. Đây là sức mạnh của nhu thắng cương, nhược thắng cường. Dùng hình ảnh dây mây quấn quýt để ví với vận nước đương thời thật là đắc địa. Nhà thơ không chỉ nói lên được sự bền vững, lâu dài của vận nước mà còn chỉ ra sự bền lâu đó chính là do sức mạnh đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng gắn bó, khác nào những sợi mây nhỏ quấn quýt vào nhau tạo thành bó to vững chãi. Vì nước Nam, người Nam nắm giữ được nguyên lý đó nên nơi trời Nam mở ra nền thái bình với cảnh sống an cư lạc nghiệp. Lời nhận xét về vận nước không giấu được niềm tự hào, niềm vui phơi phới về một vận hội tốt đẹp của nước nhà đang bắt đầu. Đâu phải dễ dàng mà nói được hai chữ “thái bình” khi nước nhà không lâu vừa trải qua bao cơn binh lửa. Ngô Vương đuổi quân Nam Hán giành lại được độc lập chủ quyền chưa lâu, đất nước
  3. chưa kịp hồi phục sức lực sau mười thế kỷ bị ách nô lệ đè nặng thì đến nội loạn mười hai sứ quân. Nước nhà vừa được vua Đinh thống nhất một thời gian ngắn thì Tống triều lại dòm ngó và xua quân sang xâm lược. Vua Lê Đại Hành, với sự đồng lòng ủng hộ của tướng sĩ và toàn dân đã chiến thắng vẻ vang.“Nam thiên lý thái bình” được khẳng định một cách đường hoàng dõng dạc rõ ràng là trên cơ sở của sức mạnh đoàn kết, nhờ bài học đoàn kết mà có. Và vì thế cho nên nhà cầm quyền nhất thiết không được quên cách trị nước phù hợp để đem lại được sức mạnh đoàn kết đó. Câu thơ thứ ba thoạt nhìn khá đơn giản – “Vô vi cư điện các” – nhưng thật ra lại là một đường lối chính trị vô cùng khéo léo và sáng suốt. “Vô vi” theo Lão Tử là không làm gì trái với tự nhiên. Cách sống “vô vi” là hiểu biết quy luật của tự nhiên, xã hội, và sống thuận theo quy luật. Từ đó có thể hiểu chính trị “vô vi” là một nền chính sự giản dị, lấy ý muốn của dân làm gốc, không làm gì phiền nhiễu cho dân, không đặt thêm thuế khóa, bắt dân phục dịch… “Vô vi” theo nhà Phật còn có hàm ý như “vô ngã”, tức không làm gì có ý riêng cho mình, nhằm phục vụ lợi ích riêng. Để vận nước lâu dài, cần có một thân cây vững chắc làm chỗ dựa cho dây mây bám vào, cũng như trong nước cần có một ông vua thực sự biết quên mình vì dân, lấy lòng dân làm lòng mình, ý dân làm ý mình để làm trung tâm cho sự đoàn kết của toàn dân. Với một ông vua thương dân, nhân hậu và một đường lối chính trị lấy dân làm gốc như thế, tất yếu là dân sống yên ổn, no ấm và hạnh phúc. Dân vui thì làm gì còn loạn lạc. Và “nhân” đã tạo ra “uy”. Cả nước đồng lòng thì đất nước giàu mạnh, nội lực sung mãn, lân bang kiêng nể, không ai dám dòm ngó. Vì thế mà “Xứ xứ tức đao binh”. Không cần dẹp loạn mà chiến tranh tự tắt, khắp nơi vui cảnh thái bình. Có thể thấy chính trị sáng suốt đã tạo ra uy lực cho triều đại và cho tổ quốc. “Vô vi cư điện các”, mới nghe thì dễ nhưng để làm được một ông vua như thế thật không đơn giản chút nào. Phải biết quên mình, vì biết quên mình mới nghe được lòng dân, mới làm theo được công tâm để mỗi hành động đều quang minh chính đại, khiến cho mọi người tâm phục, cái uy tự nhiên đến mà không cần dùng vũ lực. “Vô vi” ấy tức là thực hiện cái tâm “ưng vô sở trụ”, từ đó có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó là điều kiện thiết yếu cho một vận nước lâu dài, một nền thái bình vững chắc mà nhà thơ – quốc sư Pháp Thuận muốn nhắc nhở vua hằng tâm niệm không quên.
  4. 2. Từ những ý nghĩa này, bài thơ còn gợi cho người đọc sự suy ngẫm về những triết lý sống mang giá trị văn hoá đặc thù của dân tộc Việt Mỗi nền văn hoá có những nét đặc sắc riêng của nó. Tất nhiên có sự gặp gỡ ở một số giá trị chung toàn nhân loại như nhân ái, vị tha, trọng nghĩa, yêu hòa bình, v.v… Nhưng bên cạnh đó, ở mỗi dân tộc đều có những nét riêng như cái cốt tủy làm nên bản sắc tinh thần của mình. Những nét bản sắc này do hoàn cảnh lịch sử, địa lý của mỗi dân tộc quy định và nó vận động, phát triển theo quá trình sống của dân tộc từ khi lập quốc cho mãi đến về sau. Việt Nam là một quốc gia trong khu vực văn minh lúa nước. Sông rạch chằng chịt, suốt dọc chiều dài tiếp cận với biển mênh mông, ở đâu cũng thuận lợi giao thông đường thủy. Tính chất địa lý này hình thành nên một tâm lý con người cởi mở, linh hoạt, ứng biến nhanh nhẹn, dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh, giống như nước mềm mại, uyển chuyển, biến hoá, có thể “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, có thể chảy thẳng ào ạt mạnh mẽ nơi đất bằng, có thể nhẹ nhàng thu mình uốn khúc nơi đồi núi quanh co. Dân tộc Đại Việt trên lãnh thổ nhỏ bé của mình từ những thế kỷ đầu của thời kỳ tự chủ luôn phải chịu áp lực từ nước láng giềng to lớn phương Bắc. Không khôn ngoan, trí tuệ thì khó có thể tồn tại – cả về lãnh thổ và văn hoá. Do đó chữ “tùy” đã được vận dụng hết sức đắc địa và thành công. Dây mây quấn quýt đã biểu trưng rất đạt cho điều này. Nó không chỉ tượng trưng cho nước nhỏ nhưng đoàn kết gắn bó trên dưới một lòng tạo nên một sức mạnh bền bỉ, dẻo dai không dễ ai bẻ gãy, chặt đứt. Nó còn thể hiện một tinh thần “tùy ngộ nhi an” khá độc đáo. Trong rừng, những cây to, khỏe, vươn mình ngạo nghễ phải có đất đủ màu mỡ, không gian đủ rộng lớn. Nó không thể mọc ra và lớn lên được từ hốc núi, khe sâu, không thể lách mình được giữa bụi rậm chật hẹp. Nhưng dây mây thì có thể. Nó sống khỏe ở bất kỳ không gian to rộng hay chật hẹp, uốn mình theo địa hình, cũng thở hít tinh khí của đất trời, ca hát cùng nắng gió, hồn nhiên vui sống giữa cuộc đời. Thuốc trường sinh của nó ở chỗ này. Cứ gì phải đại thụ ngàn năm? Có thể nói chữ “tùy” là một chiêm nghiệm và đúc kết sâu sắc của cha ông bao đời cho con đường sống của dân tộc mình. “Tùy” không phải hiểu theo kiểu thực dụng chủ nghĩa là “gió chiều nào theo chiều ấy”, xu thời để trục lợi, chẳng cần biết đến lẽ phải. “Tùy” có một triết lý sâu xa mà những người lãnh đạo quốc gia của các vương triều Đinh, Lê, Lý, Trần trong buổi đầu kỷ nguyên tự chủ đã thấu đắc và thiện dụng. Tinh thần “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, “phá chấp” của
  5. Phật giáo Thiền tông giao hòa với tính cách linh hoạt, đầu óc cởi mở của người Việt đã un đúc nên quan niệm sống “tùy duyên” quán triệt từ sự lên ngôi của nhà Lê thay nhà Đinh, nhà Lý thay nhà Lê, từ việc “chống gậy nhà chùa lên trấn giữ kinh đô”(1) của các quốc sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, đến hành xử của Tuệ Trung Thượng sĩ “đi cũng thiền, ngồi cũng thiền”(2), phong cách của Trần Thánh Tông “có thể như mây trên trời xanh cao rộng, có thể như nước trong bình nhỏ hẹp”(3), hay cách sống “tùy duyên lạc đạo” vừa làm vua trị nước, đuổi giặc, vừa làm thi nhân, vừa làm thiền sư của Trần Nhân Tông. Trong thế nước nhỏ luôn phải đối đầu với nước lớn, ông cha ta đã rất thiện dụng chữ “tùy”. Sau khi đánh thắng giặc Tống, Nguyên, Minh, Thanh, luôn là một chiến lược ngoại giao mềm dẻo, khéo léo để xóa tan hận thù, dưỡng tình hòa hiếu, dập tắt lửa binh đao. Nếu không “tùy” để tiến thoái đúng lúc, hợp thời, liệu ta có giữ được hòa bình và độc lập lâu dài không? Chỉ có “cương” thì chiến tranh, thảm họa không dứt, chỉ có “nhu” thì làm tôi tớ cho ngoại bang, hai đàng đều khó giữ được nước. Chỉ với một chữ “tùy”, ông cha ta đã “dĩ bất biến ứng vạn biến” thành công, tạo được sự yên ổn ngay ở nơi nguy hiểm nhất, khiến cho “vạn cổ thử giang san”(4). Có người nhận xét Việt Nam không có hệ tư tưởng triết học riêng của mình. Đúng là người Việt không có triết học Nho giáo lừng lẫy, triết học Lão - Trang thâm thúy như Trung Quốc hay triết học Phật giáo uyên áo như Ấn Độ khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, tìm về; nhưng chính trong hoàn cảnh không có những cây cao bóng cả ấy mà dân tộc Việt có thể tiếp nhận, dung hòa được tất cả để ứng dụng phù hợp với đời sống của mình, ví như căn nhà trống mới có thể thâu chứa được gió trăng, tâm trống không mới vang âm cả đất trời, vũ trụ. Cái sở đắc này là không có hình thái cụ thể, nên có thể muôn hình vạn trạng, mà ai muốn nắm bắt nó thì khó nắm bắt được, muốn truy tìm nó thì không thấy cội nguồn. Như cây trong rừng vậy, đại thụ tuy lớn nhưng cưa chặt sẽ đổ, vì nó cứng và cố định, còn dây mây buông mình linh hoạt không đứng ở một chỗ nên chẳng dễ chặt đứt. Đó chính là cái “chân không diệu hữu”, lấy “hư” sinh “thực” linh hoạt kỳ diệu và đầy tính biện chứng mà ông cha ta đã giỏi vận dụng. Ai bảo đó không phải là một triết lý? Và mấy ai đã nhìn ra được đó là một triết lý? “Tùy duyên” là một triết lý sống sâu sắc, lớn lao, thành quả của sự kết hợp giữa văn hóa Việt và tinh thần Phật giáo Thiền tông, được ứng dụng thành công trong đời sống dân tộc từ buổi đầu xây dựng quốc gia Đại Việt, đã bao lần vượt qua những
  6. sóng to gió lớn để làm nên một thời đại huy hoàng. Trong đường lối trị nước, Pháp Thuận đề xuất “vô vi cư điện các”, cũng chính là khuyên vua ứng dụng một chữ “tùy”. “Vô vi”, như đã phân tích ở trên, là một nền chính trị thuận lòng dân. Muốn thế thì người làm vua không được có tâm riêng tư, vị kỷ hay thành kiến. “Không bám vào chỗ nào để sinh tâm của mình” thì mới có thể tùy theo sở nguyện của dân mà hành động phù hợp, lấy ý dân làm ý mình. Vua Trần Thái Tông chán công danh phú quý lên núi đi tu nhưng rồi trở lại ngôi báu vì thuận theo lòng dân. Vua Trần Nhân Tông mở Hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến bô lão về việc nước, hay lập tòa án xử kiện giữa đường khi dân đón xa giá kêu oan cũng chính là thuận theo lòng dân. Đáng suy ngẫm hơn nữa là câu trả lời của vua Trần Minh Tông khi có người tâu trong dân gian có nhiều kẻ du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, không nộp thuế, không chịu sai dịch: “Không như thế thì sao có thể thành đời thái bình? Trách phạt họ thì liệu có được việc gì không?”(5). Chữ “tùy” vận dụng ở đây được hiểu là hợp lòng người. Đó là đầu mối của sức mạnh đoàn kết toàn dân. Bên cạnh triết lý “tùy” linh hoạt, dân tộc Việt còn thể hiện tư tưởng “hòa” trong đời sống. “Hòa” là cách sống thuận, hợp với môi trường tự nhiên, xã hội, với ngoại vật và tha nhân. Dân gian ta thường nói: “Một sự nhịn, chín sự lành”, “Chín bỏ làm mười”, “Ai nhất thì tôi thứ nhì/ Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”, “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… Và còn bao nhiêu câu tục ngữ, thành ngữ khác nữa thể hiện phong cách sống “hiếu hòa” của người Việt. Trên lãnh thổ nhỏ bé từng liên tục hứng chịu họa ngoại xâm của mình, dân tộc Việt khao khát hòa bình hơn ai hết. Vì thế trong bài thơ 4 câu đã có 2 câu nhắc đến hình ảnh thái bình, an lạc như một đích đến, một giá trị cao đẹp mà dân tộc luôn hướng tới. Đó là niềm hạnh phúc đích thực cho con người, là sự thành công của một nền chính trị. Và để thực hiện được “tùy”, tức đường lối chính trị “vô vi” để dân sống yên vui, hạnh phúc, đạt đến cái “hòa” rộng lớn – “Xứ xứ tức đao binh” – không chỉ trong phạm vi lãnh thổ của mình mà mở rộng ra đến cả khu vực hay toàn nhân loại, không chỉ người lãnh đạo quốc gia cần có tâm “ưng vô sở trụ” mà còn cần có lòng nhân ái, vị tha, biết quên mình. Ở đây có sự kết hợp, hòa quyện chặt chẽ và nhuần nhị giữa bản sắc văn hóa Việt và triết học Phật giáo – một Phật giáo Thiền tông Đại Việt giàu tính thực tiễn - được ứng dụng linh hoạt trong mọi mặt của đời sống.
  7. Bài thơ chỉ ngắn gọn 20 chữ nhưng hàm chứa bao ý nghĩa sâu sắc. Mỗi lời đanh chắc, mạnh mẽ như chân lý ở đời. Vừa tự hào, vừa trang trọng, uy nghiêm lại vừa minh triết. Nó không những chỉ ra thế mạnh của dân tộc Việt với hoàn cảnh đặc thù của mình mà còn thể hiện những nét bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam với triết lý “tùy” linh hoạt, tư tưởng “hòa” rộng mở và tinh thần “nhân ái” bao dung. Giúp người lãnh đạo quốc gia có cách trị nước phù hợp và phát huy thế mạnh của văn hóa dân tộc, cũng là phù hợp với lòng dân, Quốc sư Pháp Thuận đã đưa ra một đường lối đúng đắn và sáng suốt nhất với “vô vi” như một triết lý chính trị đơn giản mà ảo diệu, bài học không chỉ cho một đời mà cho muôn thuở. Bài thơ xứng đáng ở vị trí đặt viên gạch mở đầu cho nền văn học của thời đại tự chủ, và tác giả Pháp Thuận, một thiền sư cũng là một nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng và đầy nhiệt huyết với đất nước, thật đáng để đời sau phải nghiêng mình
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2