intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các luận đề về văn học

Chia sẻ: Milu Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

103
lượt xem
16
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tiểu dẫn về tác giả: Giáo sư John Lye giảng dạy văn học hiện đại và lý thuyết văn học. Ông đặc biệt quan tâm đến các thể loại văn chương hiện đại và đương đại trên cả phương diện lý thuyết và thực tế.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các luận đề về văn học

  1. Các luận đề về văn học Tiểu dẫn về tác giả: Giáo sư John Lye giảng dạy văn học hiện đại và lý thuyết văn học. Ông đặc biệt quan tâm đến các thể loại văn chương hiện đại và đương đại trên cả phương diện lý thuyết và thực tế. Giáo sư Lye có trang web nổi tiếng nghiên cứu về lý luận văn học. Giáo sư đã được nhận phần thưởng Giảng dạy xuất sắc tại Đại học Tổng hợp Brock vào năm 1998. Ông là thành viên Hội đồng Quản trị tại Trường Đại học Tổng hợp Brock, đồng thời là Trưởng khoa Ngôn ngữ tiếng Anh và Văn học tại Đại học Tổng hợp Brock, Ontario, Canada. ăn học, giống như mọi hình thức nghệ thuật khác, buộc người đọc phải có những V suy nghĩ sâu sắc về mặt tình cảm, biểu tượng, đạo đức, trí tuệ và xã hội. Văn học sử dụng những phương tiện giao tiếp thông thường – ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng, mã, câu truyện – nhưng theo cách phức tạp và tinh tế hơn so với sự giao tiếp bình thường hàng ngày. Cũng như vậy, nó sử dụng cảm giác nhất định mà chúng ta có đối với những thứ như hình thức, kinh nghiệm cảm xúc, nhịp điệu, sự lặp lại, sự tương phản, cái cảm giác mà chúng ta gọi là “thẩm mỹ”. Những gì tôi liệt kê dưới đây là một số gợi ý về cách văn học tác động lên chúng ta, được giới thiệu như những luận điểm; chúng mang tính thăm dò - để ngỏ cho sự thách thức và thay đổi – và không phải là duy nhất. Mục tiêu của tôi là giúp các bạn biết được cách người ta có thể bắt đầu đưa ra quan niệm tại sao việc đọc và nghiên cứu văn học không chỉ là vui thú mà còn ích lợi.
  2. Đối với văn học, cũng giống như bất kì loại hình nghệ thuật nào khác, việc đọc và nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ: người đọc càng tìm hiểu về cách thức làm việc của văn học, thì càng có một thái độ cởi mở đối với những hiệu quả mà văn học có thể đem lại - người đó có thể đạt được năng lực thẩm định của một độc giả, và văn học trở nên phong phú hơn và lôi cuốn hơn đối với người đó. Bạn sẽ nhận ra có những sự chồng chéo giữa các lý thuyết. 1. Luận đề “Sự minh triết” Theo luận đề chung này, văn học khám phá kết cấu và ý nghĩa của kinh nghiệm con người theo một cách phức tạp và hấp dẫn, đưa chúng ta tới sự suy nghĩ thấu đáo và phong phú, và từ đó tới sự minh triết, liên quan đến cuộc sống của chúng ta và bản chất kinh nghiệm của con người. Văn học làm vậy vì một hoặc nhiều (cũng có thể tất cả) lí do dưới đây: Một luận cứ thường được đưa ra là khi người nghệ sĩ thăng hoa trong xúc cảm, hoặc có sức mạnh về tri giác, hắn sẽ cảm nhận, trải nghiệm và tưởng tượng một cách cao độ, phong phú, phức tạp và nhờ đó chuyển tải được những trải nghiệm sâu sắc hơn, phong phú hơn. Một lập luận khác cho rằng cái viết ra, để có thể coi là “văn học”, đòi hỏi việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, và ý tưởng phải trau chuốt, chính xác và có tính phản tư, rằng khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ và sự tưởng tượng đầy đủ hơn và chú ý hơn, chúng ta thực sự có thể suy nghĩ và tưởng tượng về thế giới chính xác hơn và sâu sắc hơn. Điểm nhấn mạnh ở đây là văn học được xây dựng dựa trên những căng thẳng, được tạo ra từ nhiều sự mơ hồ, đối lập và mỉa mai. Những căng thẳng, mơ hồ và mỉa mai đó sẽ làm toát lên sự phong phú, đậm đặc và phức tạp cho các trải nghiệm của con người. Văn học được viết theo những truyền thống và thể loại khác nhau, và những truyền thống và thể loại này có các chủ đề, đề tài, mô hình phản ánh và thể hiện quen thuộc; những chủ đề, đề tài, mô hình phản ánh và thể hiện đó có lịch sử phong phú, có sự thông thái và sáng suốt tích lũy được qua thời gian do nhiều người có tâm huyết đã đóng góp vào sự tiến hoá của chúng. Văn học, sau đó lại xây dựng trên nền văn học có trước để thiết lập lịch sử phong phú của tư duy và cách diễn đạt. 2. Luận đề “Khám phá” hay “Tìm hiểu”
  3. Theo lý luận này, văn học tạo ra “những thế giới có thể có”, tưởng tượng ra một thế giới kinh nghiệm đầy kịch tính cho phép người nghệ sĩ khám phá “những quy tắc” cơ bản của bản chất con người và cấu trúc của thế giới. Chẳng hạn trong vở Macbeth, Shakespeare đã khám phá sức mạnh và logic của cái ác (cách cái ác huỷ hoại bản thân nó, cũng là bản chất của nó) và cách thức trong đó gốc thiện ở tâm sự vật tự khẳng định mình; ông làm điều đó bằng cách xây dựng và theo nghĩa nào đó là “thả lỏng” một tình huống mang tính biểu tượng và kịch tính cao theo một quan niệm riêng về thế giới. 3. Luận đề “sự thể hiện” hoặc “phản ánh thực tế” Theo lập luận này, văn học có tính bắt chước, nghĩa là tái hiện “thực tế”, “bản chất”, hoặc “cách thức của sự việc”. Nó khắc họa đạo đức và những trải nghiệm khác theo cách cảm nhận thuyết phục, cụ thể và tức thời thông qua những thủ pháp và sức mạnh thẩm mỹ, mà vẫn cho phép sự suy nghĩ, sự luận thuyết hoặc sự xem xét những kinh nghiệm được nêu lên, theo kiểu chúng ta vừa “trải nghiệm” thế giới được nói tới vừa tách ra khỏi nó. Theo luận đề này, điều quan trọng là phải hiểu được một vài khía cạnh của văn học và sự thể hiện, đó là: kinh nghiệm của con người có tính cảm xúc và biểu tượng; văn học dùng cảm xúc và biểu tượng, có thể trình bày kinh nghiệm như cách chúng ta trải qua và hình dung nó. Văn học làm việc thông qua cảm xúc vừa theo cách trực tiếp (bằng âm thanh và nhịp điệu) vừa theo cách tượng trưng (khi ngôn từ tạo ra các hình ảnh, các liên tưởng, vân vân) – đây là sự hiện diện vừa cụ thể vừa tượng trưng. 4. Luận đề “ý thức hệ” hay “quan điểm về thế giới” Do một số yếu tố - các truyền thống tư tưởng trong văn hoá, vai trò thể hiện của văn học, sự hiểu biết sâu sắc về kinh nghiệm của con người, việc sử dụng các mã văn hoá – văn học tái hiện và khám phá cái cách mà thế giới được nhìn nhận và trải nghiệm bởi những con người trong một xã hội hoặc một nhóm xã hội: nghĩa là, văn học nói cho chúng ta nhiều điều về cách hiểu thế giới của cái xã hội mà người nghệ sĩ xuất thân, hiểu không chỉ về mặt lý trí mà còn về mặt biểu tượng và tình cảm. Nhờ sự phong phú về hình ảnh và kỹ thuật, nhờ sức mạnh biểu đạt, văn học là một phương thức rất hiệu quả để hiểu về một nền văn hoá trong một thời kì nhất định, hoặc về một tầng lớp nhất định, hoặc về một nhóm xã hội hay tộc người. Do đó, văn học có thể cho chúng ta hiểu những thời kì, những nền văn hoá, những giai cấp khác nhau và giống nhau như thế nào.
  4. Nếu không có sự hiểu biết về quá trình trải nghiệm của con người trong những sự tiếp nối và khả năng của nó, chúng ta sẽ sống trong một thế giới bị giam cầm, nơi mà chúng ta không thể đưa ra những phân biệt có ý nghĩa. Chỉ có sự khác biệt và tương phản mới cho phép ta xác định sự vật. Nhờ có mối liên hệ giữa văn học và trải nghiệm xã hội, chúng ta có thể sử dụng văn học không chỉ để hiểu về quá khứ, những nền văn hoá và giai cấp khác (và nhờ đó hiểu được chính chúng ta), mà còn để phê phán – nghĩa là, chúng ta có thể phân tích các nguyên nhân và hậu quả, chúng ta có thể đánh giá sự thay đổi xã hội, những giá trị xã hội và nhiều điều khác nữa. Chẳng hạn, chúng ta có thể lí luận rằng việc tập trung nhấn mạnh vào kinh nghiệm cá nhân trong trào lưu Lãng Mạn là kết quả của những mệnh lệnh tư tưởng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp, với mục đích là chuyển một xã hội đã từng cố kết trước đây thành những nhóm thực thể mang tên “các cá nhân” tách biệt và do đó có thể dễ dàng điều khiển và trao đổi, hoặc đấy là sự phản ứng đối với việc ngày càng không biết chắc là liệu có hay không một nền tảng ý nghĩa tối hậu ở đằng sau hoặc ở bên ngoài kinh nghiệm, một sự phản ứng đảm bảo rằng ý nghĩa của kinh nghiệm là ý nghĩa đối với “cá nhân” anh ta/chị ta (đối lập với sự đảm bảo của tập quán và Kinh thánh) 5. Luận đề mã văn hoá Kinh nghiệm con người được “mã hoá”: nghĩa là, chúng ta có một hệ thống kí hiệu dùng để thiết lập những ý nghĩa và các mối quan hệ. Chẳng hạn như, quần áo của chúng ta được mã hoá – chúng ta có thể biết được giai tầng xã hội, sở thích cá nhân và những điều tương tự từ cách ăn mặc của một người. Trên thực tế, toàn bộ môi trường và hành động của chúng ta đều được mã hoá: tất cả những việc chúng ta làm mà có ý nghĩa chỉ có ý nghĩa bởi nó tuân thủ các bộ mã. Lí luận ở đây là văn học sử dụng mã hoá một cách kín đáo hơn, tinh tế hơn và phức tạp hơn những phương thức giao tiếp khác; một lần nữa, đây chính là yếu tố tạo nên nghệ thuật. Nếu chúng ta có thể làm chủ việc sử dụng mã hoá trong văn học, chúng ta sẽ kiểm soát được đáng kể những mã trong cuộc sống thường ngày. Đây là phần quan trọng trong cái khiến cho những người được giáo dục tự do làm tốt công việc chuyên môn của họ: họ có khả năng giao tiếp và phân tích, và họ có xu hướng “linh hoạt” – nghĩa là có khả năng điều chỉnh hành vi và quan niệm để đạt được mục tiêu tốt hơn. Người ta lí luận rằng bởi văn học tạo ra những thế giới tưởng tượng xác định và bởi nó được thiết kế có ý thức, nên văn học giúp tư duy dễ dàng hơn kinh nghiệm trực tiếp khi tìm hiểu bản chất của các bộ mã, ý nghĩa của chúng là gì, chúng ám chỉ điều gì; điều này cho
  5. phép chúng ta nhận thức tốt hơn về môi trường văn hoá của chúng ta, tỉnh táo hơn với những ý nghĩa, linh hoạt hơn và phân tích tốt hơn. 6. Luận đề ngôn ngữ Luận đề ngôn ngữ đầu tiên cho rằng khả năng đưa ra khái niệm, phân tích và trong chừng mực nào đó là cảm nhận phụ thuộc vào khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, mới mẻ và phức tạp của chúng ta. Một chức năng của văn học là sử dụng những phương tiện giao tiếp chính xác và hiệu quả, tham gia vào văn học nghĩa là người đọc tham gia vào một quá trình liên tục sàng lọc khả năng sử dụng ngôn ngữ và sự nhạy cảm với cách sử dụng ngôn ngữ thuần thục. Tình cảm và khuôn mẫu che phủ thực tế làm phát sinh những cảm xúc và ý tưởng tức thì và thiếu suy ngẫm; văn học, theo như lý luận này, dạy chúng ta cảnh giác hơn với toàn bộ tư tưởng, cảm xúc, hình ảnh và biểu tượng làm nền móng cho đời sống riêng tư, xã hội và chính trị của chúng ta. Luận đề ngôn ngữ thứ hai cho rằng văn học có thể cung cấp cho con người thứ ngôn ngữ giúp họ khái niệm hoá và kể về trải nghiệm của mình. Cách tiếp cận theo hướng ngôn ngữ trải nghiệm này cho phép một người tiếp cận với trải nghiệm của riêng mình theo cách họ chưa từng làm trước đó và định vị trải nghiệm đó trong một khung văn hoá. 7. Luận đề tính chủ quan Theo quan điểm của luận đề này, cá nhân là một chủ thể được xã hội cấu thành: chúng ta có những vai trò xã hội qui định chúng ta phải cảm nhận và hành động như thế nào – như những người đàn ông hay đàn bà, như con cái, bố mẹ, bạn bè, như người ngoài cuộc hay người trong cuộc, vân vân. Văn học đưa ra kiểu mẫu và kiểm chứng “những vị trí chủ thể” như vậy, cho phép chúng ta bước vào vị trí chủ thể đó trong tưởng tượng, những vị trí mà trong thực tế ta có thể chưa bao giờ đứng vào đó. Văn học cũng cho phép chúng ta kiểm chứng bản chất và sự hoà nhập của các chủ thể tính của chúng ta, hoặc những vị trí chủ thể mà chúng ta đang chiếm lĩnh, một cách sâu sắc hơn – đây là cái có thể gọi là ảnh hưởng về mặt đạo đức của văn học, vì chúng ta có thể phát triển ý thức về cái tôi có khả năng đáp ứng tốt hơn đối với những triển vọng thế giới đưa lại cho chúng ta và ứng phó tốt hơn trước những giới hạn mà xã hội, thời cơ và sự ủng hộ đặt ra cho chúng ta. 8. Luận đề chức năng văn hoá
  6. Những chức năng kể trên đã gợi ý nhiều phương thức khiến cho văn học có ý nghĩa và có khả năng bộc lộ; tuy vậy, văn học có xu hướng ưa thích cách dùng cá nhân hơn. Văn học là một hình thức diễn ngôn văn hoá, và có các chức năng ở bên trong tổng thể nền văn hoá. Điều này có thể thấy từ hai quan điểm chính: một cho văn học là một thành phần tích hợp của văn hoá, một coi văn học là một hình thức diễn ngôn do giới đặc tuyển điều phối và như vậy nó là một trong những công cụ để giới đặc tuyển duy trì quyền lực của họ. Nhìn như một thành phần tích hợp của văn hoá thì văn học, giống như mọi diễn ngôn giá trị khác, giống như mọi sự thể hiện cuộc sống khác, giống như mọi tự sự có nghĩa khác, giống như mọi nghệ thuật khác, có thể nói là thực hiện chức năng về mặt văn hoá theo ít nhất ở những cách sau đây: nó khớp nối các giá trị theo cách mạnh mẽ, mang âm hưởng tượng trưng thông qua việc duy trì sức mạnh của các biểu tượng và ngôn ngữ của văn hoá, nhờ đó hỗ trợ cho cuộc sống tưởng tượng và khả năng biểu đạt là những cái rất căn bản đối với thị hiếu văn hoá; nó nắm bắt những sự phức tạp của hoàn cảnh con người, minh hoạ (một cách kịch tính, tưởng tượng và đầy thuyết phục) nền tảng và ý nghĩa của các giá trị, và những sắc thái của trải nghiệm con người; nó cho phép chúng ta dùng tưởng tượng để sống những cuộc đời, sống những trải nghiệm, sống những ý nghĩa của người khác; nó thách thức sự tình cảm hóa các giá trị, và sự bóp méo các giá trị dùng để phục vụ cho các mục đích của những kẻ quyền lực, kẻ cơ hội, và những người chỉ muốn thoả mãn mong muốn của riêng mình; nó khám phá và suy nghĩ về các xung đột – xung đột trong chính văn hoá, xung đột trong những giá trị và tư tưởng của văn hoá, xung đột giữa các nhóm xã hội (tộc người, chủng tộc, giai cấp, giới, tôn giáo, v.v...); nó xác định và nêu lên những vấn đề đặc biệt liên quan tới văn hoá; nó đưa ra ý thức về bản sắc và cộng đồng - chẳng hạn, thông qua việc thiết lập và duy trì những tự sự chủ chốt, và những tự sự nắm bắt được “cốt lõi” của cái tạo nên đặc trưng cho nền văn hoá hay cộng đồng, hoặc thông qua việc kịch hoá những câu chuyện và hình ảnh cụ thể để đưa ra một ý nghĩa và mục đích chung cho văn hoá. Nhìn ở tư cách là cái tạo đặc quyền và duy trì vị thế của giới đặc tuyển, văn học có thể làm những việc sau: nó tạo ra ý thức về sự ngoại trừ và đặc quyền cho giai cấp thống trị, bao gồm việc tạo ra những cách dùng ngôn ngữ và những hệ thống tư tưởng khiến cho những con người này được coi là có đặc quyền về văn hoá, là giới đặc tuyển; nó khiến cho chương trình nghị sự của tầng lớp được hưởng đặc quyền trở thành chương trình nghị sự của văn hoá; nó biến những tự sự hỗ trợ vị trí của những kẻ được hưởng đặc quyền thành những tự sự công
  7. khai cho tất cả mọi người. Bạch Tuyết và Người đẹp ngủ trong rừng kết hôn với hoàng tử (và Elizabeth Bennet cưới được Ngài Darcy giàu có và thông minh); việc những người trẻ tuổi can đảm và may mắn có thể vươn lên trong thế giới, trở nên giàu có, cưới được những cô gái tuyệt vời; một cuộc sống “thành đạt” cả ở nhà và trong nghề nghiệp, nói cho cùng, là mục tiêu chính của tất cả (dù biết bao nhiêu người phải chịu đựng đau khổ trong những căn phòng cô đơn, bao nhiêu người phải bỏ mạng và bị ròi bọ ăn xác, bao nhiêu người bị tan vỡ giấc mộng, hoặc tách biệt cuộc sống của mình trong những Bệnh viện dành cho cựu chiến binh hoặc trong men rượu, bao nhiêu người đã bị đau khổ, bị ám ảnh, bị tổn thương…thì những cô gái tuyệt vời vẫn lấy được những chàng trai tốt, người tốt chiến thắng kẻ xấu, “trật tự” trong hệ thống vẫn được duy trì); khi kịch tính hoá những xung đột và khủng hoảng cá nhân một cách thuyết phục, văn học che đậy (“làm biến mất”) những nguồn gốc rộng lớn hơn thuộc về cấu trúc xã hội của sự bất công - chẳng hạn như sự bất bình đẳng về hàng hoá và cách đối xử. Ví dụ, nếu mọi người có thể coi tình yêu lãng mạn như là mục đích tối thượng trong cuộc sống tưởng tượng của họ, họ sẽ không còn nhận thấy cái phá huỷ thế giới tưởng tượng của họ là cái che đậy vấn đề và nhu cầu thực sự của họ; khi làm điều đó, nó đã che giấu cấu trúc thực tế của xã hội, tạo ra những vấn đề giả tạo và đưa ra những giải pháp giả tạo; chức năng xã hội thực sự của nó là giữ chúng ta im lặng, và tạo ra ý thức giả tạo
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2