Cách mạng công nghiệp 4.0 – xu hướng thế giới và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam
lượt xem 5
download
Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về: Cách mạng công nghiệp 4.0 và tầm ảnh hưởng của nó; Xu hướng phát triển công nghiệp 4.0 trên thế giới; Việt Nam và mức độ kỹ thuật số hóa, cùng một số ý kiến về định hướng của nhà nước, giải pháp cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kỹ thuật số hóa trong sản xuất kinh doanh.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cách mạng công nghiệp 4.0 – xu hướng thế giới và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 – XU HƯỚNG THẾ GIỚI VÀ GIẢI PHÁP CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM INDUSTRY 4.0 – GLOBAL TRENDS AND SOLUTIONS FOR VIETNAMESE NTERPRISES Phan Trọng An, Phan Như Hiền Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà nẵng anpt@due.edu.vn; hienpn@due.edu.vn Tóm tắt Cách mạng công nghiệp 4.0, đó là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là internet, vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo. Cách mạng công nghiệp 4.0 với hệ thống kỹ thuật số hóa, hướng đến giải phóng con người khỏi công việc trí tuệ. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về: Cách mạng công nghiệp 4.0 và tầm ảnh hưởng của nó; xu hướng phát triển công nghiệp 4.0 trên thế giới; Việt Nam và mức độ kỹ thuật số hóa, cùng một số ý kiến về định hướng của nhà nước, giải pháp cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kỹ thuật số hóa trong sản xuất kinh doanh. Từ khóa: Công nghiệp 4.0, ảnh hưởng, giải pháp, doanh nghiệp. Abstract Industry 4.0, or the Fourth industrial revolution, is the combination of Cyber – physical systems (CPS), digital systems, the Internet, the Internet of Things (IoT), and Artificial intelligence (AI). With the support of smart digitalization, Industry 4.0 plays a crucial role in improving business performance and creating value for consumers. In this paper, the author aims to explore the concept of Industry 4.0 and its impact, the developing trends within Industry 4.0 across the world and within Vietnam, and the digitalization of business enterprises. It will also offer some suggestions for how governments and enterprises alike could foster greater digitalization in manufacturing and business. Key words: Industry 4.0, impact, solutions, enterprises 1. Đặt vấn đề Hiện nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam hiểu biết về nó vẫn đang ở dạng sơ khai. Việc nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ nhằm giúp cho các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có thể hiểu biết và tận dụng tốt cơ hội phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao khả năng hợp tác thu hút các doanh nghệp đổi mới trong quá trình phát triển là điều rất cần thiết. 2. Giới thiệu về cách mạng công nghiệp 4.0 2.1. Giới thiệu về cách mạng công nghiệp 4.0 Cho đến bây giờ, chúng ta đã qua ba cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn. Thứ nhất, cách mạng công nghiệp 1.0 (1784) là sự xuất hiện của động cơ hơi nước. Động cơ hơi nước tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Thứ hai, cách mạng công nghiệp 2.0 (1870) là khi động cơ điện ra đời, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Thứ ba, cách mạng công nghiệp 3.0 (1969) là khi bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ mà hiện nay chúng ta đang thụ hưởng. Hiện nay là thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, đó là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là internet, vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ 4.0 sẽ giải phóng con người khỏi công việc trí tuệ. Minh chứng của Công nghệ 4.0 đó là Robot Sophia, cô ấy đã được cấp quyền công dân của Saudi Arabian. Sophia được tiến sĩ người Mỹ David 746
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Hanson, nhà sáng lập công ty robot Hanson Robotics chế tạo ra tại Hong Kong, nơi mà ông cùng gia đình đã dời đến để phát triển sự nghiệp, vì có chi phí thấp và đội ngũ kỹ sư chất lượng. Hiện tại, Trung Quốc có tới 35% robot là tự sản xuất. Trong đó, Hong Kong có thể xem là "thánh địa" của robot, cũng là nơi thu hút các kỹ sư, nhà thiết kế, công ty robot như trường hợp Hanson Robotics. Đây là công ty sản xuất robot hàng đầu thế giới về công nghệ, nơi sản xuất ra những con robot giống người nhất như các robot trước đó là robot Albert Einstein HUBO, ALICE, Han, Jules, Zeno... mà Sophia được chính Hanson xác nhận là phiên bản mới nhất, vượt trội nhất. Với trí thông minh nhân tạo vượt trội so với các thế hệ robot phổ biến hiện nay, cụ thể là Sophia có thể mô phỏng được hơn 62 biểu cảm khuôn mặt chỉ con người mới có nhờ camera cực nhạy ở trong mắt, phối hợp phân tích của thuật toán máy tính dựa trên phần mềm MindCloud™. 2.2. Tầm ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai, người lao động có thể mất việc làm, bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục... - Trong lĩnh vực Dệt may: trước đây các nước có ngành dệt may phát triển như Mỹ, Anh vì thiếu lao động nên đã dịch chuyển thuê nhân công sang Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam - nơi có lực lượng lao động thủ công giá rẻ dồi dào. Nhưng với công nghệ robot trong cuộc cách mạng lần thứ tư này, nhiều nhà máy dệt may trước đây đặt ở Việt Nam có thể quay ngược lại đặt ở Mỹ, bởi họ đã bắt đầu sử dụng rất nhiều robot. Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cung cấp số liệu đáng lo ngại khi mà hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Cụ thể, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành. - Trong lĩnh vực Thương mại, dịch vụ, giải trí: robot cũng đã hiện diện ở những vị trí công việc vốn được cho rằng không thể thay thế con người như giao hàng, lễ tân khách sạn, cơ quan, phục vụ nhà hàng, trung tâm call center... Khi có khách đến robot có thể tự động nhận dạng, ghi nhớ để chào hỏi, nhớ được sở thích, trả lời các nhu cầu của khách hàng bằng giọng nói hoàn toàn như con người. Công nghệ mua sắm Amazon Go được cho là thách thức với các siêu thị và đội ngũ nhân viên bán hàng khi người dùng chỉ cần cài ứng dụng, quét mã QR, chọn đồ và đi thẳng ra cửa mà không cần xếp hàng. - Trong lĩnh vực Giao thông: thế hệ xe không người lái sẽ phát triển nhờ đảm bảo an toàn cao gấp nhiều lần vì không có tình trạng say rượu bia, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu. Hồi tháng 8/2016, người đàn ông Mỹ đang sử dụng xe tự lái của Tesla thì có triệu chứng đau tức ngực. Ông đã kịp thời liên hệ với vợ để gọi tới bệnh viện báo cho bác sĩ chờ đón sẵn rồi ra lệnh cho xe di chuyển tới bệnh viện. Các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, cứu sống người đàn ông này. - Trong lĩnh vực Y tế: cỗ máy IBM Watson có biệt danh "Bác sỹ biết tuốt" có thể lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ và tốc độ xử lý mạnh mẽ. "Bác sĩ biết tuốt" này còn cho phép con người tra thông tin về tình hình sức khỏe của mình. Các bác sĩ chỉ cần nhập dữ liệu người bệnh để được phân tích, so sánh với kho dữ liệu khổng lồ có sẵn và đưa ra gợi ý hướng điều trị chính xác. Đầu năm nay, một số bệnh viện tại TP HCM và Hà Nội đã thực hiện ca mổ với sự hỗ trợ của robot. Với bốn cánh tay, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D, robot có thể phẫu thuật ở những vị trí khó, hỗ trợ các bác sĩ tiến hành ca mổ với sự xâm lấn tối 747
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn hơn, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục. - Trong lĩnh vực Giáo dục: công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và học. Sinh viên có thể đeo kính VR và có cảm giác như đang ngồi trong lớp nghe bài giảng, hay nhập vai để chứng kiến những trận đánh giả lập, ngắm nhìn di tích, mang lại cảm xúc và sự ghi nhớ sâu sắc, giúp bài học thấm thía hơn. Hoặc khi đào tạo nghề phi công, học viên đeo kính và thấy phía trước là cabin và học lái máy bay như thật để thực hành đến khi nhuần nhuyễn rồi mới lái, giảm thiểu rủi ro. Trong tương lai, số lượng giáo viên ảo có thể nhiều hơn giáo viên thực rất nhiều. - Lĩnh vực Nông nghiệp: cũng không còn là nông nghiệp thuần túy. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp tưới cây, bón phân đúng thời điểm và khoa học với lượng cần thiết vừa đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức truyền thống hiện nay. Khi đó, nông dân - nhóm người vốn bấp bênh nhất về công việc - sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tóm lại, tiến bộ khoa học ngày càng phát triển và phát triển một cách nhanh chóng. Từ lâu, Robot đã thay thế công việc chân tay của con người, nhưng bây giờ nó đang đe dọa thay thế trí tuệ của con người. Vậy những quốc gia đã và đang phát triển sẽ làm gì để thích ứng với sự có mặt của những Sophia này, khi mà trong tương lai Sophia sẽ đóng vai trò hỗ trợ hay thay thế cho con người trong việc phát triển công nghiệp 4.0? 2.3. Xu hướng phát triển công nghiệp 4.0 trên thế giới Năm 2017. PwC thực hiện khảo sát có tên “Công nghiệp 4.0: Xây dựng công ty kỹ thuật số”. Phạm vi là 2.000 công ty trên 26 quốc gia. Kết quả cho thấy, tỉ lệ phần trăm kỹ thuật số hóa của những công ty này sẽ tăng từ 33% lên 72% trong vòng 5 năm tới. Hơn thế nữa, các công ty này còn dành 5% doanh thu để đầu tư vào kỹ thuật số hóa. Nghiên cứu cho thấy có nhiều ích lợi mà công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cho công ty trong khu vực châu Á, như tăng doanh thu (39%), tăng hiệu quả sản xuất (68%) và giảm chi phí (57%). Để trở thành các doanh nghiệp 4.0 hay còn gọi là doanh nghiệp kỹ thuật số hóa, các doanh nghiệp đều thực hiện 6 bước sau: (1) Lên chiến lược ngành chuyển đổi sang kỹ thuật số; (2) Chọn sản phẩm chủ lực; (3) Xác định yếu tố đầu vào; (4) Thực hiện; (5) Tạo cơ sở dữ liệu và phân tích dữ liệu để trở thành công ty kỹ thuật số; (6) Tích hợp giữa vật lý và kỹ thuật số để tạo ra sản phẩm ưu việt nhất. 3. Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam 3.1. Thực trạng Cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 đang được nhắc đến rất nhiều từ cấp nhà nước, đến doanh nghiệp và trường đại học, như một thách thức và cơ hội để phát triển đất nước. Nhưng trong thực tế, đất nước chúng ta vẫn còn đang ở giai đoạn công nghiệp 1.0 và 2.0 - đó là giai đoạn cơ khí hóa, cơ sở hạ tầng, hệ thống cầu đường, bến cảng sân bay đang được xây dựng mạnh mẽ. Đường sắt Việt Nam rất lạc hậu, tốc độ tàu thấp do khổ đường ray hẹp từ thời Pháp thuộc, thường xuyên có tai nạn do xung đột với giao thông đường bộ. Mặc dù sản xuất được điện từ lâu nhưng chúng ta chưa chế tạo được nhiều chủng loại động cơ, chưa sản xuất được các máy công cụ vốn là động lực chính cho dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt - một đặc trưng của CMCN 2.0. Chúng ta 748
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 chỉ chế tạo được động cơ không đồng bộ công suất nhỏ và vừa cho các ứng dụng đơn giản như bơm nước, quạt gió, băng tải... Hầu hết các dây chuyền công nghệ và dây chuyền lắp ráp hiện nay được nhập ngoại. Do vậy, không thể cho rằng chúng ta đã làm xong CMCN 2.0 và càng không thể cho rằng chúng ta đã thực hiện CMCN 3.0, bởi việc tự động hóa toàn diện sản xuất - đặc trưng của giai đoạn này còn xa vời với công nghiệp Việt Nam. Dù vậy, một số ngành đã bắt kịp CMCN 3.0 như công nghệ thông tin, viễn thông và đã có một số yếu tố của CMCN 4.0 như in 3D (đã tạo ra một mảnh sọ nhân tạo để vá sọ cho bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2016), trí tuệ nhân tạo (đã có một số sản phẩm). Song thành tựu này rất ít ỏi, đa số là trong giai đoạn thử nghiệm. 3.2. Định hướng của Nhà nước Ngày 3/4/2017, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đã trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc CMCN 4.0. Chủ trương của Nhà nước là tập trung vào công nghệ thông tin. Nhìn nhận rằng trình độ công nghiệp và nghiên cứu của Việt Nam còn ở mức trung bình và thấp, doanh nghiệp chưa đảm bảo trang bị kiến thức trí tuệ và công nghệ. Bộ trưởng cũng tham mưu Chính phủ định hướng tiếp cận chủ đạo 5 trụ cột - gồm hạ tầng cơ sở, trung tâm dữ liệu, ứng dụng CNTT, nhân lực, an ninh an toàn. “Chúng ta thực sự phải có bứt phá về CNTT, công nghệ số. Tất cả các nước đều đang tập trung đầu tư cao độ vào khu vực này từ nghiên cứu đến sáng chế. Họ coi đây là nòng cốt và có những nghiên cứu phù hợp với từng quốc gia để đưa vào ứng dụng” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. Ông cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc theo cách nhìn mô hình công nghiệp hóa trong từng lĩnh vực để có cơ chế, chính sách đồng bộ, giúp sản phẩm tích hợp được những công nghệ trên nền tảng của công nghiệp 4.0. “Khi làm việc với Bắc Ninh, chúng tôi được biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hạ tầng CNTT cáp quang băng thông rộng, triển khai chính phủ điện tử, đô thị thông minh; ưu đãi để các doanh nghiệp sản xuất và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nhân lực theo mô hình STEM và đào tạo từ xa; triển khai du lịch thông minh bằng cách số hóa hệ thống thông tin về danh lam thắng cảnh, lễ hội… Đây là cách tiếp cận hết sức phù hợp với điều kiện của Việt Nam” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã phát biểu. Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì theo dõi tình hình triển khai việc tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện hằng năm; đôn đốc, tham mưu, đề xuất để đưa cuộc cách mạng này vào Việt Nam một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng nhận thức rõ về cuộc cách mạng này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng được hỏi làm gì cho bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”. Nhà nước cần có sự quan tâm những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Sự hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ, cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào khu vực có trình độ công nghệ cao trong ngành, xem xét kể cả hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp những năm trước để doanh nghiệp đầu tư nhưng với điều kiện phải đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 749
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 3.3. Giải pháp cho doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nhiệp 4.0 Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ, về cuộc cách mạng này; những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai và những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Các doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc, để bước vào cuộc cách mạng 4.0. Thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0 là nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất. Máy móc thiết bị của các doanh nghiệp cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại, khiến các doanh nghiệp Việt nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Cụ thể, không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua internet, mà rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu, từ đó giúp máy móc có thể “giao tiếp” với nhau mà không cần sự có mặt của con người, hay dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách thích hợp ứng với lượng tồn kho. Các doanh nghiệp sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất. Quá trình sản xuất và thời hạn sản xuất được phối hợp với mục tiêu tăng hiệu suất và tối ưu hóa thời gian sản xuất, công suất và chất lượng sản phẩm trong các khâu phát triển, sản xuất, tiếp thị và thu mua. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo TS.Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp muốn phát triển lớn mạnh buộc phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Nhiều nghiên cứu khoa học - công nghệ mới trong nước được thương mại hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực đem lại kết quả cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp tiếp cận ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến rất nhanh. Việc này giúp họ dễ thành công hơn, vì thế mà tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới 1-2 năm gần đây tăng cao và số lượng bị phá sản, giải thể giảm dần. Việt Nam không chỉ là quốc gia ứng dụng khoa học - công nghệ nhanh mà còn là nơi đứng đầu trong ASEAN về khởi nghiệp. Tuy nhiên, một khó khăn đang là trở ngại cho các doanh nghiệp muốn hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0, đó là hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam chiếm số lượng lớn và trong đó đúng là còn nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo tôi, nguyên nhân chính là do họ thiếu tiềm lực về tài chính. Vì muốn ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại buộc doanh nghiệp phải có vốn để đầu tư máy móc mới, đào tạo nhân lực và làm chủ được công nghệ. Trong hội nhập, đây là bài toán khó đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải tìm cách để hóa giải, nếu không rất dễ bị đào thải ra khỏi sân chơi quốc tế. Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nên các doanh nghiệp có thể tranh thủ tận dụng những ưu đãi trên để phát triển. Ngoài nguồn vốn vay trực tiếp từ các ngân hàng, doanh nghiệp có thể tìm thêm nguồn vốn từ các quỹ ưu đãi, kêu gọi góp vốn để đầu tư. Muốn làm được những điều trên, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên có sự gắn kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để được hỗ trợ ứng dụng các nghiên cứu công nghệ mới vào trong sản xuất kinh doanh mà không tốn kém 750
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 quá nhiều. Bởi có không ít đề án, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, viện muốn ứng dụng vào trong thực tế để phát triển. 4. Kết luận Việt Nam được coi là nước có ưu thế về lực lượng lao động trẻ, dồi dào, điều này sẽ không còn là thế mạnh vì Robot sẽ thay thế hết những công việc thủ công. Trong tương lai, người dân sẽ mất việc làm, bởi công nghệ robot có thể tác động tới hết những ngành như dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục... Sự triển khai mạnh mẽ công nghiệp 4.0 trên thế giới là chuyện đang xảy ra, các công ty đã chuyển từ 36% kỹ thuật số hóa lên 75% kỹ thuật số hóa cho đến năm 2020. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn ì ạch với xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa với công nghiệp 2.0 - cơ khí hóa. Nhà nước đã nhận thấy sự cấp bách của công nghiệp 4.0, đã chỉ đạo các bộ, ban ngành thực hiện chuyển đổi số hóa để bắt kịp thời đại. Tuy nhiên, trong nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, phần tham mưu, Bộ trưởng đề cập đến hướng đầu tư cho 5 trụ cột - gồm hạ tầng cơ sở, trung tâm dữ liệu, ứng dụng CNTT, nhân lực, an ninh an toàn. Công nghiệp 4.0 là phạm trù của doanh nghiệp sản xuất, nếu không có chủ trương phát triển mảng kinh tế sản xuất thì công cuộc CMCN 4.0 của chúng ta chỉ là công cuộc sử dụng và nhập khẩu thành quả 4.0 do các nước phát triển sản xuất. Hãy lấy Hàn Quốc, đất nước gần chúng ta nhất làm ví dụ về sức mạnh của tập đoàn và sự phát triển của đất nước. Những năm 1960, Hàn Quốc vẫn đang còn tập trung vào xuất khẩu may mặc thì từ giữa thập niên 1980, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất và quốc phòng đã trở thành chủ đạo. Đến thập niên 1990, Hàn Quốc trở thành một trong các nước công nghiệp mới với mức sống ngang ngửa các quốc gia phát triển phương Tây. Năm 1996, GPD bình quân đầu người tại xứ sở kim chi đã lên tới 10.135 USD. Sự thay đổi vũ bão này là nhờ chiến lược ủng hộ tập đoàn kinh tế tư nhân của Thủ tướng Park Chung Hee. Do đó, bộ tứ tập đoàn tư nhân Hyundai Motor Company, SK Group, Samsung và LG là những trụ cột công nghệ, kinh tế, chính trị và xã hội của Hàn Quốc. Nhà nước là người vẽ tương lai, các tập đoàn là người thực hiện chúng. Xa hơn nữa đó là nước Mỹ - những người kiến tạo nước Mỹ đó là: (1) Cornelius Vanderbilt nếu không có Cornelius Vanderbilt, nước Mỹ sẽ không thể có một hệ thống giao thông phân phối vĩ đại nhất hành tinh như ngày nay. (2) Ông trùm dầu hỏa Rockefeller, ngành dầu khí Hoa Kỳ có được như ngày nay là từ ông và gia đình Rockefeller - một gia tộc Đức di dân đến Hoa Kỳ. (3) Andrew Carnegie là cha đẻ ngành công nghệ thép Hoa Kỳ. (4) John Pierpont “J. P.” Morgan, ông là thế hệ đầu tiên - được xem là cha đẻ - của nước Mỹ về ngành Tài chính ngân hàng. Do đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của doanh nghiệp trong việc chuyển mình đất nước. Hiện tại, các doanh nghiệp tập đoàn của chúng ta chưa đủ sức tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta vẫn đang dò dẫm sử dụng những sản phẩm nhập khẩu từ đất nước phát triển. Cụ thể là chúng ta chưa có các tập đoàn chủ lực mà sản xuất sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao để mang ngoại tệ về cho đất nước. Chúng ta chưa có nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu phát triển sản phẩm và chưa có thiết bị máy móc phù hợp cho phát triển công nghiệp 3.0, 4.0. Tóm lại, công nghiệp 4.0 là cuộc chơi của các nhà sản xuất, các doanh nghiệp, tập đoàn, tạo ra sản phẩm dịch vụ cung cấp cho xã hội. Cho nên, Nhà nước không thể chỉ nói về nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh, kêu gọi nhà đầu tư, mà phải nhìn nhận vấn đề từ gốc rễ đó là, sự phát triển của đất nước phải dựa vào sức mạnh của doanh nghiệp, của tập đoàn quốc nội. 751
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Klaus Schwab, Industry 4.0, Harverd Businee review Press 2. Sunil Gupta, Driving Digital Strategy 4.0, Harverd Businee review Press 3. https://www.pwc.com/gx/en/industries/industries-4.0/landing-page/industry-4.0-building-your-digital- enterprise-april-2016.pdf 4. https://hai2hai.wordpress.com/2015/03/26/nhung-nguoi-kien-tao-nuoc-my/ 5. http://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet-khong-nen-so-cach-mang-cong-nghiep-40- 20170911062848357.htm. 752
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phụ nữ Việt Nam làm chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
6 p | 98 | 23
-
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến xu hướng phát triển ngành logistics của Việt Nam
8 p | 83 | 12
-
Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn hiệu quả
10 p | 9 | 7
-
Quản trị nhân lực doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển sang cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng và giải pháp
7 p | 43 | 7
-
Tăng cường liên kết đại học - doanh nghiệp đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
11 p | 11 | 6
-
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam
7 p | 62 | 6
-
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trong cách mạng công nghiệp 4.0
17 p | 38 | 6
-
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức phát triển ngành thương mại dịch vụ ở nước ta hiện nay
6 p | 76 | 5
-
Quản trị nhân sự - những đổi thay gắn liền với công nghệ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0
8 p | 39 | 5
-
Cơ hội và thách thức cho các nhà khởi nghiệp trong thế giới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
6 p | 10 | 5
-
Cơ hội và thách thức đối với đào tạo ngành quản trị nhân lực trước Cách mạng công nghiệp 4.0
9 p | 31 | 4
-
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 tại thành phố Đà Nẵng
9 p | 32 | 3
-
Đào tạo ngành quản trị nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
9 p | 33 | 3
-
Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số điều rút ra với Việt Nam hiện nay
9 p | 43 | 3
-
Phát triển nguồn nhân lực ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số
6 p | 13 | 2
-
Cơ hội khởi nghiệp của sinh viên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
12 p | 2 | 2
-
Nguồn nhân lực hoạt động trong các tổ chức trung gian – chuỗi cung ứng thị trường hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0
5 p | 11 | 1
-
Nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
16 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn