ĐỀ TÀI " GIA ĐỊNH TAM GIA THI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ "
lượt xem 7
download
Gia Định tam gia là danh xưng đương thời gọi ba nhà thơ nổi tiếng đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. Cả ba đều là học trò của Xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, nổi danh phong nhã, hay thơ và đều làm quan cao trong triều, đồng thời từng là những vị sứ thần đầu tiên của triều Nguyễn Gia Long. Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh còn là những người lập ra thi xã Bình Dương (theo Liệt truyện), hay Gia Định Sơn hội (theo lời của Trịnh Hoài...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: ĐỀ TÀI " GIA ĐỊNH TAM GIA THI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ "
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN LÊ QUANG TRƯỜNG GIA ĐỊNH TAM GIA THI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ CHUYÊN NGÀNH VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 62.22.34.01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 2012
- Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Đoàn Ánh Loan 2. PGS.TS. Lê Giang Phản biện độc lập: 1. PGS.TS. Trần Hữu Tá 2. PGS.TS. Lại Văn Hùng Phản biện 1: PGS.TS. Trần Hữu Tá
- Phản biện 2: PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp Phản biện 3: PGS.TS. Lê Thu Yến Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luấn án cấp cơ sở đào tạo họp tại: ………………………………………………………… Vào hồi……giờ…, ngày … tháng … năm ….. Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: 1. Thư viện Trường Đại học KHXH&NV-TP.HCM 2. Thư viện Tổng hợp TP.HCM 3. Thư viện ĐH Quốc gia TP.HCM
- DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Gia Định tam gia là danh xưng đương thời gọi ba nhà thơ nổi tiếng đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. Cả ba đều là học trò của Xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, nổi danh phong nhã, hay thơ và đều làm quan cao trong triều, đồng thời từng là những vị sứ thần đầu tiên của triều Nguyễn Gia Long. Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh còn là những người lập ra thi xã Bình Dương (theo Liệt truyện), hay Gia Định Sơn hội (theo lời của Trịnh Hoài Đức trong bài Tự tự (tự đề tựa) cho tập thơ Cấn Trai thi tập), đã nối mạch và dẫn nguồn cho các thi xã ở Nam Bộ sau này như thi xã Bạch Mai. Với tình hình công bố tư liệu và nghiên cứu về thơ Gia Định tam gia, xét trong bối cảnh văn học Hán Nôm của Nam Bộ nói riêng cả nước nói chung, cho đến nay vẫn còn hạn chế và chưa tập trung: chưa công bố toàn diện tư liệu về tác phẩm thơ, chưa nghiên cứu các phương diện nội dung, nghệ thuật của riêng Tam gia, do đó chưa thấy được vị trí của Tam gia trong văn học sử. Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi tập trung tìm hiểu về nội dung, nghệ thuật thơ của các ông, đồng thời cũng là bước để công bố gần như trọn vẹn thơ Tam gia. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
- 2.1. Trước năm 1975, do nhiều lý do, thơ Gia Định tam gia chưa được chú ý khai thác giới thiệu. Có thể kể ra vài công trình tiêu biểu như: Năm 1903, Lê Quang Chiểu bắt đầu công bố 18 bài thơ Nôm liên hoàn được cho là của Trịnh Hoài Đức làm trong thời gian đi sứ trong công trình Quốc âm thi hiệp tuyển. Sau đó, trên báo Tân văn, số 8-1935, có giới thiệu một bài thơ Nôm Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức. Sách Võ Trường Toản, phụ Gia Định tam gia của Nam Xuân Thọ, Tân Việt xuất bản ở Sài Gòn năm 1957 cũng có giới thiệu đôi nét về Gia Định tam gia và thơ. Tác giả Huỳnh Minh trong sách Gia Định xưa, cũng dành một phần giới thiệu về Gia Định tam gia, Gia Định Sơn hội, đồng thời trích dẫn vài bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức. Năm 1963, giáo sư Huỳnh Lý (chủ biên) biên soạn công trình Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nhằm mang lại cho người đọc cái nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam. Trong đó, tập 3, giới thiệu thơ một số bài thơ của Gia Định tam gia, được xem như một đại biểu trong dòng thơ chữ Hán ở Nam Bộ. Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà giới thiệu được 13 bài thơ chữ Hán trong Thoái thực truy biên và phiên âm 18 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức, nhưng vẫn chưa thể giới thiệu thơ của Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. 2.2. Sau năm 1975, đã có thêm những công trình giới thiệu nghiên cứu về thơ Gia Định tam gia chuyên biệt bên cạnh những công trình, bài viết mang tính chất chung, tiêu biểu có:
- Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê trong công trình Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa, xuất bản năm 1987, giới thiệu 07 bài thơ của Trịnh Hoài Đức ở phần Thơ văn chữ Hán, phần hai của tập sách. Công trình nghiên cứu Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, do Giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên với sự tham gia của các nhà nghiên cứu uy tín, xuất bản từ năm 1987-1990, tập II, có bài “Văn học Hán Nôm ở Gia Định” của Cao Tự Thanh, đã khái quát diện mạo văn học Hán Nôm trong tiến trình văn hóa ở Gia Định, đồng thời trích dẫn thơ của Tam gia Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định. Năm 1990, Những danh sĩ miền Nam của Hồ Sĩ Hiệp và Hoài Anh cũng dành nhiều trang viết về tác giả và điểm qua tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh với những nhận xét xác đáng. Năm 1997, công trình Tổng tập văn học Việt Nam, tập 16, cũng có giới thiệu tiểu sử tác giả, tác phẩm của Tam gia. Số bài thơ của Tam gia trong Tổng tập này trích lại từ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nói trên… Năm 2005, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Gia Định tam gia của tác giả Hoài Anh, xuất bản nhân dịp trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai, cũng đóng góp đáng kể vào công việc nghiên cứu thơ của ba nhà Trịnh, Ngô, Lê. Có thể nói, đây là công trình biên khảo về thơ Gia Định tam gia nhiều nhất từ trước đến nay. Năm 2007, công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, có bài viết “Văn học Đàng Trong” của Cao Tự Thanh, thêm một lần nữa đề cập đến Gia Định tam gia trong dòng chảy văn học Đàng Trong. Bài viết đi sâu phân tích tình hình lịch sử, tình hình văn học Hán Nôm từ phương
- diện nội dung, đồng thời phác hoạ những nét nghệ thuật của văn học Hán Nôm Đàng Trong. 2.3. Những bài viết đăng trên các báo và tạp chí liên quan đến việc nghiên cứu tác giả tác phẩm Gia Định tam gia, tiêu biểu có: Trên báo Tân văn tuần báo năm 1935 có giới thiệu bài thơ Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, báo Đại Việt tập chí năm 1941 đã bắt đầu trích đăng giới thiệu thơ của Trịnh Hoài Đức. Nguyễn Triệu với bài “Công thần triều Nguyễn: Ngô Nhân Tĩnh” đăng trên tuần báo Tri Tân, số 6, ngày 8-7-1941. Nguyễn Khuê với bài Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập đăng trên tập san Lửa Thiêng, số 2, tháng 2 năm 1975, được in lại trong Ba mươi năm cầm bút, giới thiệu về tiểu sử, hành trạng của Trịnh Hoài Đức và tập thơ Cấn Trai thi tập một cách tỉ mỉ và công phu và bài “Mai Sơn tự và Mai Khâu tự” đăng trên Tập văn số 20, Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1991. Cao Tự Thanh với bài “Về bài thơ của Trịnh Hoài Đức tặng hoà thượng Viên Quang” đăng trên Tập văn Phật đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 23, tháng 4-1992. Nguyễn Đình Phức có bài “Về bài viết Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na”, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (86), 2008, đã đưa ra những khảo sát của mình về văn bản khắc in Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định một cách xác đáng… Từ tình hình trên cho thấy, các nhà nghiên cứu đã quan tâm tìm hiểu Gia Định tam gia từ phương diện tác giả, tác phẩm nhưng còn tản mạn và chưa tập trung. Công trình của tác giả Hoài Anh có thể nói là tập trung và dày dặn
- nhất, nhưng tiếc là vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Vì thế chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh tư liệu để tiến tới công bố toàn bộ tác phẩm của Gia Định tam gia. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Sự nghiệp sáng tác của Tam gia hẳn nhiên không chỉ có mỗi thơ, mà các ông còn viết văn và địa chí. Như tên của đề tài luận án, chúng tôi xác định, đối tượng nghiên cứu chính là thơ Gia Định tam gia qua ba tập Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định. Do đó, chúng tôi không đi vào các thể loại biên khảo về địa chí, bài văn, bài minh của Tam gia trong công trình này. Ngoài ra, riêng với Trịnh Hoài Đức, ông còn sáng tác thơ bằng chữ Nôm, mặc dù không thấy khắc in trong các thi tập của ông, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu thông qua các bản phiên âm do Lê Quang Chiểu, Nguyễn Văn Sâm, Cao Tự Thanh, Hoài Anh công bố trong công trình của họ. 3.2. Song song với việc nghiên cứu thơ Tam gia ở phương diện nội dung tư tưởng và nội dung nghệ thuật, chúng tôi còn phải đặt thơ của Tam gia trong bối cảnh văn học Hán Nôm ở Nam Bộ trong giai đoạn này để thấy được những đặc điểm chung và riêng của chúng để từ đó thể xác định giá trị cũng như những đóng góp của Tam gia đối với nền văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung. 3.3. Văn học Hán Nôm Nam Bộ, chính là nói nền văn học viết bằng chữ Hán Nôm thuộc khu vực từ Biên Hoà Đồng Nai trở vào Nam, mà trung tâm chính của nó là Sài Gòn – Gia Định. Bởi Nam Bộ là vùng đất mới so với các
- vùng khác trong nước ta, do đó nền văn học Hán Nôm tại đây vừa mang tính chất kế thừa những thành tựu cũ của nền văn học Hán Nôm của cả nước nhưng cũng vừa mang tính chất mới mẻ non trẻ do những tác động từ lịch sử kinh tế xã hội tại địa bàn. Xem xét thơ Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Gia Định để thấy sự giao thoa thơ của các ông với thơ đương thời cũng như những giai đoạn sau và trước đó, để đi đến việc xác lập những đóng góp của Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Công tác văn bản học: Tiếp nhận thành quả của những công trình nghiên cứu trước đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát, chỉnh lý văn bản thơ Tam gia hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Đối với tác phẩm Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định vì chỉ có một truyền bản duy nhất nên công tác xử lý văn bản không có gì đáng nói; nhưng với Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức bởi có nhiều bản khác nhau, nên chúng tôi dựa vào bản khắc in có ký hiệu A.780 làm bản trục, đồng thời tham chiếu với bản chép tay ký hiệu A.3139 và bản khắc in mang ký hiệu A.1392 để bổ sung, sắp xếp và tái hiện lại diện mạo của thi tập Gia Định tam gia thi của ba tác giả, bản khắc in năm 1822. Đồng thời, chúng tôi vận dụng phương pháp phiên dịch tiến hành dịch thuật thơ Gia Định tam gia và công bố văn bản trong phần Phụ lục của luận án để làm tư liệu trích dẫn, nghiên cứu trong luận án. 4.2. Xuất phát từ yêu cầu mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tiểu sử, phương pháp thực chứng lịch sử, phương pháp giải thích học: cùng được vận dụng để tìm hiểu tác phẩm thông qua tiểu sử tác giả và ngược lại, đồng thời muốn hiểu đúng tác phẩm không thể không bắt đầu từ những sự kiện lịch sử, cũng như việc nắm rõ ngữ nghĩa ngôn ngữ bởi thơ Gia Định tam gia được viết bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, để tránh cứng nhắc giáo điều chúng tôi còn vận dụng phương pháp trực giác để có những đánh giá sinh động về đối tượng. Ngoài ra chúng tôi còn vận dụng các phương pháp và thao tác khác như phương pháp phân tích, so sánh, thống kê, hệ thống để đưa ra những nhận định có giá trị và ý nghĩa khi nghiên cứu về Gia Định tam gia trong toàn cảnh nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. 5. Đóng góp của luận án 5.1. Về mặt tư liệu: Chúng tôi đã xử lý và phiên dịch hầu như hoàn chỉnh tư liệu thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống từ nguồn tư liệu gốc Hán Nôm. Những bài tự, bạt trong các tập thơ Tam gia, đến cả những lời bình của Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình thơ Lê Quang Định cũng được dịch đầy đủ, góp thêm một nguồn tư liệu quý cho mảng thơ, lý luận phê bình văn học trung đại của nước nhà. 5.2. Từ công tác xử lý văn bản thơ, chúng tôi tiến hành làm rõ và xác định lại năm sinh năm mất của các tác giả Gia Định tam gia, thông qua nhiều nguồn tư liệu, khắc phục được những thiếu sót, những băn khoăn về năm sinh năm mất của Tam gia trong các công trình cũng như các bài viết trước đây.
- Từ đó, chúng tôi biên soạn niên biểu Gia Định tam gia làm cơ sở cho những nghiên cứu khác về sau. 5.3. Luận án nghiên cứu chủ yếu về thơ Gia Định tam gia ở phương diện nội dung và nghệ thuật, đồng thời đặt nó trong bối cảnh văn học Hán Nôm Nam Bộ đương thời để thấy những giá trị và đóng góp về nội dung và nghệ thuật thơ của các tác giả đối với văn học Hán Nôm Nam Bộ. 5.4. Từ những kết quả thu được khi nghiên cứu thơ Gia Định tam gia trong công trình này, chúng tôi tiến tới dịch hoàn chỉnh, giới thiệu và công bố toàn bộ thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống nhằm cung cấp cho độc giả những tư liệu khả tín. 6. Bố cục luận án Không kể phần Dẫn nhập, Kết luận, luận án được chia thành 3 chương: Chương 1: Gia Định tam gia, tác giả và tác phẩm Chương 2: Đặc điểm nội dung trong thơ Gia Định tam gia Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật trong thơ Gia Định tam gia Ở mỗi chương chúng tôi có tiểu kết và từ những trình bày trong từng chương về Gia Định tam gia, chúng tôi tiến hành nhận xét đánh giá đóng góp của các ông trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. Ngoài ra, phần Phụ lục gồm:
- - Niên biểu Gia Định tam gia (soạn) - Các bài tự bạt trong ba tập thơ của Gia Định tam gia (dịch) - Trích thơ Gia Định tam gia (dịch) - Vài hình ảnh tư liệu có liên quan đến Gia Định tam gia CHƯƠNG 1 GIA ĐỊNH TAM GIA TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM 1.1. BỐI CẢNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN CUỐI THẾ KỶ 19 1.1.1. Bối cảnh thời đại Nửa cuối thế kỷ 17, cùng với việc tiếp tục mở rộng đất đai về phía Nam, công tác di dân người Việt đến vùng đất mới, đồng thời cho phép những di dân người Hoa Nam trú ngụ và khai phá vùng đất này của các chúa Nguyễn khiến nơi đây từng bước hình thành nên trung tâm kinh tế văn hoá của cả khu vực Nam Bộ. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn nổ ra, quy tụ được một lực lượng tham gia khởi nghĩa khá đông đảo. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã từng bước đi đến việc xoá bỏ tình hình thống trị của hai tập đoàn phong
- kiến Trịnh - Nguyễn, nhưng sau khi Quang Trung mất, Quang Toản kế ngôi, nội bộ triều Nguyễn Tây Sơn bắt đầu lủng củng, suy yếu. Trong khi đó, Nguyễn Ánh với hậu phương là vùng đất Nam Bộ dần dần đánh chiếm lại các tỉnh Nam Trung Bộ, Thuận Hoá, sau đó tiến ra Bắc, thống nhất lãnh thổ, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802. Trong suốt thời gian triều Nguyễn cai trị, đáng chú ý nhất là: Sự kiện binh biến của Lê Văn Khôi tại thành Gia Định (1833-1835), và sự kiện xâm lược của thực dân Pháp (1858). Trong bối cảnh nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh đã chọn con đường tham gia vào chính quyền Nguyễn Ánh và trở thành những nhân vật khá quan trọng trong chính quyền này. Từ năm 1788, các ông được cử vào làm Hàn lâm viện, rồi giúp Nguyễn Ánh trong việc khuyến nông để cung cấp quân lương, sau đó còn tham gia công tác quân sự và sau này các ông nhận nhiệm vụ đi sứ bang giao với Trung Quốc, Chân Lạp. 1.1.2. Diện mạo văn học Hán Nôm ở Nam Bộ Đội ngũ trí thức trên vùng Nam Bộ, khoảng nửa cuối thế kỷ 18, đặc biệt là ở Gia Định đã khá phát triển mặc dầu không thể so sánh với các vùng khác nhưng cũng đã có những tác giả, tác phẩm tiêu biểu như nhóm thơ Chiêu Anh Các ở Hà Tiên do Mạc Thiên Tích đứng đầu (thành lập vào năm 1736) với Hà Tiên thập cảnh vịnh, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên quốc âm thập cảnh ngâm khúc… Võ Trường Toản với Hoài cổ phú, Đặng Đức Thuật với bài sớ Thập sách và Quy sơn thập vịnh (tác phẩm này hiện vẫn chưa tìm thấy), Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu,
- Nguyễn Hương và nhiều nhà thơ gốc người Minh Hương như Hối Sơn Huỳnh Ngọc Uẩn, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng, Phục Sơn Vương Kế Sinh, Nhân Sơn (em họ của Trịnh Hoài Đức)… Sau Gia Định tam gia, có Trương Hảo Hiệp (1795 – 1851) với tác phẩm Mộng Mai đình thi thảo, Phan Thanh Giản (1796 - 1867) với Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo, Huỳnh Mẫn Đạt (1807 - 1883) với một số bài thơ Nôm, Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) với Kim Thạch kỳ duyên cùng một số sáng tác thơ văn Hán Nôm, Nguyễn Hữu Huân (1816-1875) với thơ chữ Hán và chữ Nôm, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) với Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, và một số thơ, văn tế…, Trần Thiện Chánh (1822-1874) với Trừng Giang thi văn tập, Nam hành thi thảo và Bắc chinh thi thảo, Nguyễn Thông (1827- 1884) với Ngoạ du sào thi văn tập, Kỳ Xuyên thi văn sao, Kỳ Xuyên công độc…, Phan Văn Trị (1830-1910) với nhiều bài thơ Nôm vịnh vật, đặc biệt là cuộc bút chiến giữa ông với Tôn Thọ Tường mang nội dung đả kích bọn bán nước đồng thời bày tỏ ý chí và tinh thần yêu nước của ông, Học Lạc (1842- 1905) và Nhiêu Tâm (?-?), hai nhà thơ trào phúng nổi tiếng trong văn học Hán Nôm ở Nam Bộ... Về đại thể có thể thấy tình hình văn học Hán Nôm ở Nam Bộ có mấy nét sau: Lực lượng sáng tác văn học Hán Nôm ở Nam Bộ rất đa dạng từ thành phần xuất thân đến thành phần dân tộc. Nội dung thơ ca của văn học Hán Nôm Gia Định từ cuối thế kỷ 18 cho đến những năm cuối thế kỷ 19 có những chuyển biến: từ việc ca ngợi những con người quân tử với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Nho gia, ngợi ca cảnh đẹp quê hương, miêu tả cảnh sinh hoạt lao động của nhân dân trên miền đất mới vừa khai hoang khai khẩn, bày
- tỏ tình cảm yêu nước, yêu quê hương qua niềm trung quân… ở giai đoạn đầu, đến dòng thơ yêu nước, thương dân, đả kích phúng thích những kẻ phản bội lại dân tộc và quê hương, những quan niệm về đạo đức, lý tưởng nhà Nho, lòng trung quân, ái quốc được các nhà nho nhìn nhận và khẳng định lại hơi khác so với trước. Nhưng có thể nói các nhà nho ở Nam Bộ thời kỳ sau đã kế thừa tinh thần trung nghĩa của người mà họ xem như bậc thầy ở Nam Bộ là Võ Trường Toản và những nhà nho thế hệ đầu như Tam gia. Trên phương diện hình thức nghệ thuật, sáng tác thơ không còn khuôn khổ trong phạm vi thơ Đường luật như Gia Định tam gia, mà ở giai đoạn sau, các tác giả đã bắt đầu dùng nhiều thể loại để sáng tác như thơ, truyện ký, truyện thơ, văn tế, thơ bút chiến liên hoàn… khắc phục được tình trạng mất cân xứng giữa các thể loại. Dễ thấy, ở giai đoạn đầu sáng tác bằng chữ Hán chiếm đa số nhưng dần dần sau đó sáng tác bằng thơ Nôm và tiếp theo là quốc ngữ phát triển theo sự suy tàn của chữ Hán Nôm. 1.2. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA Trong mục này, chúng tôi đã căn cứ vào những ghi chép trong các bộ sử như Liệt truyện, Thực lục đồng thời qua thơ và những ghi chép của Trịnh Hoài Đức để dựng lại tiểu sử và hành trạng của các ông khá đầy đủ trong bối cảnh lịch sử đương thời. 1.3. VĂN BẢN TÁC PHẨM THƠ CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA 1.3.1. Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức
- Hiện thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ các bản in và chép tay thơ của Trịnh Hoài Đức như sau: Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.780, bản khắc in, bên trong có ba bài tự, bạt của Nguyễn Địch Cát, Ngô Thì Vị, Cao Huy Diệu, nhưng không có Tự tự. Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.3139, bản chép tay, có đủ các bài tự, bạt, nhưng cũng không có Tự tự. Có lẽ được chép theo bản A.780. Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, bản khắc in. Tờ bìa giống hệt với bản có ký hiệu A.780, bên trong có bài Tự tự ở đầu. Thứ tự các tập thơ bị đảo lộn, ngoài ra còn thấy trang bìa của tập thơ Thập Anh đường thi tập được khắc in là Thập Anh thi tập và trang bìa của Gia Định tam gia thi được khắc theo lối chữ khải, chân phương. Tiếp theo là mục lục ba tập thơ của ba tác giả. Sau phần mục lục là các bài tự bạt như bản A.780 và Gia Định tam gia thi tập tự của Trịnh Hoài Đức (riêng bài này được khắc theo lối chữ lệ). Như vậy về thơ, hiện nay, Trịnh Hoài Đức chỉ có tập Cấn Trai thi tập mà thôi. Còn về tác phẩm Gia Định tam gia thi tập, khắc in năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chính là Cấn Trai thi tập đã khắc in trước đây vào năm Gia Long thứ 18 (1819) được in lại chung với tập thơ Thập Anh thi tập (tức Thập Anh đường thi tập) của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định, có lời tựa chung Gia Định tam gia thi tập tự của Trịnh Hoài Đức, nên không thể kể đấy là một tác phẩm mới riêng biệt được, để tránh việc hiểu nhầm thơ của Trịnh Hoài Đức in trong Gia Định tam gia thi tập là một tác phẩm hoàn toàn khác với Cấn Trai thi tập. 1.3.2. Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh
- Thập Anh thi tập (hay Thập Anh đường thi tập) của Ngô Nhân Tĩnh được Trịnh Hoài Đức cho khắc in lần đầu tiên vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chung với tập Cấn Trai thi tập của ông và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định với tên gọi chung là Gia Định tam gia thi. Toàn bộ văn bản thơ chữ Hán Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định lại được đóng chung thành quyển riêng, ký hiệu A.779bis, lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh gồm 187 bài thơ và 3 bài tựa. Tuy nhiên, văn bản chụp lại Thập Anh thi tập mà chúng tôi có được từ Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, hiện chỉ còn 182 bài (có một số bài bị thiếu khuyết mất chữ, nên không thể dịch được, đành chịu tồn nghi, chờ dịp thẩm sát thêm). 1.3.3. Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định được ông sáng tác chủ yếu trong thời gian đi sứ Trung Quốc. Trịnh Hoài Đức cho khắc in cùng với thơ ông và Ngô Nhân Tĩnh, gọi chung là Gia Định tam gia thi vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Như trên đã trình bày, văn bản tập thơ Hoa Nguyên thi thảo của ông (bản chúng tôi có) được ghép chung với Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, ký hiệu A.779bis, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ. Nếu không kể bài tựa khắc in chung trong Gia Định tam gia của Trịnh Hoài Đức thì từ mục lục khắc in Gia Định tam gia thi tập, tập Hoa Nguyên thi thảo có 77 bài. Theo chúng tôi thống kê, Hoa Nguyên thi thảo (A.799bis) của Lê Quang Định, hiện còn 75 bài, thiếu mất 2 bài so với mục lục khắc in
- thời ấy. Trong đó, nhiều bài thơ được Ngô Thì Vị và Nguyễn Du điểm bình. Lễ Khê Ngô Thì Vị điểm bình 32 bài, Tố Như Nguyễn Du điểm bình 33 bài. Số lượng bài thơ mà Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình trùng nhau là 16 bài. Số cột trong mỗi tờ có 9 cột, mỗi cột 20 chữ như Cấn Trai thi tập và Thập Anh thi tập. 1.4. VẤN ĐỀ PHIÊN DỊCH, GIỚI THIỆU THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA Thơ Gia Định tam gia, như trong phần lịch sử vấn đề chúng tôi đã trình bày trên, đã được từng bước giới thiệu đến với bạn đọc. Đáng chú ý là Gia Định tam gia của tác giả Hoài Anh, được xuất bản năm 2005 nhân dịp trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai. Về thơ Trịnh Hoài Đức, trong công trình Gia Định tam gia, Hoài Anh đã dịch được 167 bài trong tổng số 327 bài thơ chữ Hán, đồng thời phiên âm 18 bài thơ Nôm; thơ Ngô Nhân Tĩnh 94 bài trong tổng số 182 hiện còn (187 bài theo mục lục); thơ Lê Quang Định 62 bài trong tổng số 75 hiện còn (77 bài theo mục lục). Tuy nhiên, khuyết điểm của công trình này là còn quá nhiều sai sót trong phiên âm, dịch nghĩa, nên việc tiếp nhận tác phẩm chưa thật tốt, có nhiều bài hiểu sai lệch nguyên tác, hệ quả kéo theo là có một số nhận định về tác giả thiếu chính xác. 1.5. QUAN NIỆM VỀ VĂN CHƯƠNG Khi tìm hiểu về quan niệm văn chương của Gia Định tam gia, chúng tôi tiến hành tìm hiểu trực tiếp trên những phát biểu mang tính chất lý luận được thể hiện trong thơ, trong các bài tựa bạt, đồng thời thông qua thực tiễn sáng
- tác của họ. Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận thấy, quan niệm văn chương của Gia Định tam gia, thể hiện ở những điểm sau: 1) Thơ là phương tiện để ghi lại hiện thực, bộc lộ cảm xúc, bày tỏ tư tưởng của tác giả đối với những cảnh vật, sự việc mà mình đã trải; 2) Thơ là thú chơi tao nhã nhưng lại là hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và công phu; 3) Thơ còn là phương tiện để lưu truyền hành trạng, sự nghiệp, tâm chí của mình, gửi cho con cháu và hậu thế. TIỂU KẾT Trong bối cảnh thời đại nhiều biến động từ giữa thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, văn học Hán Nôm Nam Bộ cũng theo đó thay đổi để từ đó hoà nhập vào dòng chung của dân tộc. Gia Định tam gia là những tác giả mang tính chất bản lề, vừa thừa kế những thành tựu thơ ca trực tiếp của Đàng Trong, vừa khơi nguồn cho dòng mạch văn học Hán Nôm Nam Bộ. Cùng với việc tái hiện diện mạo văn học Hán Nôm Nam Bộ, chúng tôi đi vào khảo sát tiểu sử tác giả và tác phẩm thơ Gia Định tam gia, đưa ra những chứng cứ và số liệu khả tín. Những quan niệm về văn chương của Gia Định tam gia mà chúng tôi đã trình bày trên tuy không mới nhưng không rơi vào khuôn sáo và cứng nhắc. Đối với các ông, thơ không phải là thứ tách riêng với cuộc đời mà nó gắn liền với hơi thở cuộc sống, gắn liền với phong cách phóng khoáng và tư tưởng thực dụng của con người Nam Bộ. CHƯƠNG 2
- ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA Trong chương này chúng tôi tìm hiểu những nội dung vừa mang tính chất chung vừa mang những đặc điểm riêng của từng tác giả nhằm hiểu một cách toàn diện con người và thơ của Gia Định tam gia. 2.1. TÌNH CẢM TRUNG QUÂN ÁI QUỐC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC Đặc điểm nổi bật trong thơ Gia Định tam gia đó là tình cảm trung quân, yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Trung quân ở đây chính là trung với chúa Nguyễn, với triều Nguyễn bởi các ông trực tiếp chịu sự đãi ngộ của Nguyễn Gia Long, xa hơn cụ tổ các ông chịu ơn của chúa Nguyễn. Yêu nước ở đây lại gắn liền với lòng trung quân và tình yêu quê hương, đặc biệt là vùng đất Nam Bộ. Do đó, các ông nói nhiều về ơn tri ngộ, về lòng trung, về những nỗi dằn vặt khi lưu trệ trên đường đi sứ, về những nỗi nhớ quê hương, gia đình, bè bạn… Với nhân sĩ Thanh triều, các ông tự hào về văn hiến, văn hoá của dân tộc, ấn chứng và giao lưu văn học qua những bài thơ đề tặng… Hàng loạt những bài thơ vịnh cảnh, vịnh nhân vật lịch sử Trung Quốc lại thể hiện tinh thần dân tộc của các ông. Với Lê Quang Định tình yêu quê hương đất nước hẳn không cần bàn cãi, nhưng Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh, tuy gốc người Minh hương, họ vẫn xem đất nước Việt Nam là quốc thổ, quê hương của mình, là mảnh đất tâm hồn đã nuôi dưỡng, vun bồi cuộc đời các ông.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiểu luận chủ nghĩa xã hội đề tài gia đình
27 p | 4297 | 201
-
Bài tập nhóm gia đình học đề tài "Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu trong gia đình Việt Nam hiện đại"
22 p | 449 | 121
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "Đề tài gia đình trong văn học Việt Nam sau 1975"
10 p | 392 | 68
-
Báo cáo hóa học thực phẩm: Quy định của Bộ y tế về sử dụng chất phụ gia thực phẩm
25 p | 310 | 68
-
Bài thuyết trình: Gia đình và những vấn đề về gia đình
14 p | 1829 | 59
-
Đề cương đề tài: Thẩm định giá trị thương hiệu Taxi Vinasun
39 p | 214 | 55
-
Bài tiểu luận Chủ nghĩa xã hội khoa học: Gia đình Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực trạng và giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam ở nước ta hiện nay
22 p | 334 | 52
-
Đề cương đề tài môn Thẩm định giá trị thương hiệu: Xác định giá trị thương hiệu bia Sài Gòn của tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn
3 p | 199 | 38
-
CÔNG TÁC CAN THIỆP SỚM TRẺ KHIẾM THÍNH TẠI GIA ĐÌNH
6 p | 225 | 37
-
Đề tài: Xác định hệ số chênh lệch giữa giá đất theo thị trường và bảng giá do nhà nước quy định ở khu vực phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh ( đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn từ Hoàng Sa đến Võ Thị Sáu và đường Lý Chính Thắng đoạn từ Trần Quốc Thảo đến Hai Bà Trưng)
119 p | 170 | 30
-
Tiểu luận kinh tế chính trị: Gia đình quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội
14 p | 231 | 29
-
Nghiên cứu khoa học đề tài: Quyết định tài trợ, hành vi định thời điểm thị trường và đầu tư thực
89 p | 121 | 20
-
Luận án Tiến sĩ Tâm lý học: Định hướng giá trị gia đình của người Việt Nam sống tại Việt Nam và Ba Lan
221 p | 40 | 10
-
Khóa luận tốt nghiệp: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất tiết kiệm của hộ gia đình ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
81 p | 79 | 8
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ văn học và Văn học Việt Nam: Đề tài gia đình trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa
127 p | 48 | 7
-
Đề tài nghiên cứu khoa học: Giá trị văn hóa của chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)
82 p | 17 | 7
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đề tài gia đình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, Y Ban và Nguyễn Thị Thu Huệ
119 p | 27 | 4
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đề tài gia đình trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn
39 p | 89 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn