intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Tây Nguyên

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Tây Nguyên" thông tin đến bạn đọc về việc nhận thấy vấn đề tạo điều kiện cho lớp trẻ các địa phương Tây Nguyên tìm hiểu VHNT dân tộc là vô cùng quan trọng, nên Bộ Giáo dục đã ban hành soạn thảo các tài liệu giáo dục địa phương từ tiểu học đến trung học phổ thông. Tuy nhiên, các nội dung ấy chuyển tải những gì? Bao nhiêu? Tài liệu để giáo viên và học sinh tham khảo ở đâu? Như thế nào? còn là vấn đề phải bàn bạc và trao đổi. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Tây Nguyên

  1. GIÁO DỤC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở TÂY NGUYÊN NNC. Linh Nga Niê kdam10 VHNT truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên , kể cả tại chỗ và cộng cư, là một kho tàng đồ sộ và phong phú, đã được sưu tầm và nghiên cứu tương đối đầy đủ thông qua các chương trình khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, thậm chí là cấp cơ sở ( trường ĐH, CĐ).Nhiều công trình đã xuất bản thành sách, phát hành về các thư viện. Tuy nhiên, sự tiếp cận của công chúng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ,không phải là việc dễ Nhận thấy vấn đề tạo điều kiện cho lớp trẻ các địa phương Tây Nguyên tìm hiểu VHNT dân tộc là vô cùng quan trọng, nên Bộ Giáo dục đã ban hành soạn thảo các tài liệu giáo dục địa phương từ tiểu học đến trung học phổ thông. Trong các tài liệu giảng dạy này có nhiều nội dung về VHNT, kể cả truyền thống và đương đại. Tuy nhiên, các nội dung ấy chuyển tải những gì? Bao nhiêu? Tài liệu để giáo viên và học sinh tham khảo ở đâu? Như thế nào? còn là vấn đề phải bàn bạc và trao đổi. Từ khóa: Giáo dục. Văn học, Âm nhạc dân gian The traditional arts and culture of ethnic minorities in the Central Highlands, both indigenous and communal, is a massive and rich treasure, which has been collected and researched relatively fully through scientific programs. State level, ministerial level, provincial level, even grassroots level (Universities and Colleges). Many works have been published in books and distributed to libraries. However, public outreach, especially to the younger generation, is not easy. Realizing that creating conditions for young people in Central Highlands localities to learn about national arts and culture is extremely important, the Ministry of Education has issued and drafted local educational documents from primary to secondary schools. high school. In these teaching materials there is a lot of content about Arts and Culture, both traditional and contemporary. However, what does that content convey? How much? Where are the documents for teachers and students to refer to? How? It is still a matter for discussion and exchange. Keywords: Education, Literature, Folk music I. Khái quát về VHNT Tây Nguyên Tây Nguyên , theo khái niệm của tổ chức Quốc tế UNESCO khi ghi danh “ Không gian VHCCTN là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”, chỉ bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Với 12 tộc người tại chỗ thuộc 5 tỉnh này, văn hóa nghệ thuật truyền thống đã là một kho tàng khổng lồ, vừa mang tính đồng nhất vùng miền, vừa mang tính riêng biệt của tộc người, thuộc nền Văn minh Nương rẫy. Khác biệt hẳn với nền Văn minh lúa nước của vùng đồng bằng. 10 . Nhà nghiên cứu Văn hoá Tây Nguyên 57
  2. Năm 1976, dân số Tây Nguyên gồm 18 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 853.820 người, chiếm 69,7% dân số. Cuối năm 2007, cư dân các tộc người thiểu số chiếm 33%. Đến nay, toàn vùng Tây nguyên theo tổng điều tra dân số năm 2019, có tới 2.199 784 người DTTS ( chiếm tỷ lệ 37.7%).Chỉ tính riêng ở Đắk Lắk, đã có tới 49/53 DTTS trong cả nước đang cùng cộng cư . Văn học nghệ thuật truyền thống của các dân tộc cộng cư, cũng không kém phần đa dạng. Việc tìm hiểu – dẫu chỉ là sơ lược những đặc điểm cơ bản – cũng sẽ cần đến khá nhiều các công trình khoa học. Việc đưa VHNT các DTTS vào chương trình giáo dục, để các thế hệ sau không thờ ơ, có thêm sự hiểu biết về cội nguồn, về mảnh đất và con người của quê hương, là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Trước tiên, hãy điểm sơ qua về những điều cơ bản về nền VHNT độc đáo và phong phú của Văn minh Nương rẫy ấy. 1.1. Về văn hóa truyền thống 1.1.1 Văn học truyền miệng Văn học dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chủ yếu là văn học truyền miệng, bởi cho đến nửa cuối thế kỷ XX, thông qua các cha xứ Cơ đốc giáo và các nhân sĩ của tộc người, một số sắc dân tiêu biểu như Bâhnar, Ê Đê, Jrai, K’Ho… mới có chữ viết riêng được xây dựng từ chữ La Tinh và tiếng dân tộc. Trước năm 1975, tài liệu của các giáo sĩ, các nhà khoa học Pháp như Comdominas, Jacques Dournes, Anne De Hautecloque, Dourisboure, Hienri Maitre…hay trong nước như Cửu Long Giang & Toan Ánh, Nguyễn Đổng Chi…cho chúng ta những cái nhìn tương đối tổng quan về phong tục tập quán, văn hóa tộc người…Nhưng phần VHNT vẫn chỉ được các tác giả nói trên đề cập đến một cách sơ lược. Bởi đó không phải là mục tiêu của họ. Chỉ sau năm 1975, các công trình nghiên cứu về Văn hóa Tây Nguyên như của Võ Quang Nhơn, Ngô Đức Thịnh, Tô Ngọc Thanh cùng các cộng sự, Tô Đông Hải, Lưu Xuân Lý, các nhà khoa học địa phương Tây Nguyên…phần VHNT truyền thống mới được đề cập đến chuyên sâu hơn. Kho tàng văn học truyền miệng Tây Nguyên rất đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại, tộc người nào cũng có, bao gồm: -Dài hàng ngàn câu như các trường ca, sử thi Hri, Hmon, Klei Khan, Yang Jao, Ót n’Trong…( Dam San – Ê Đê, Xing Chơ Ngă - Jrai, Rốc & Set - Bâhnar, Dăm Duông – Sê Đăng, Kể dòng con cháu mẹ Chep- Mnông…), lý giải về sự ra đời của con người và đất trời, những cuộc hành trình đi tìm đất sống, những cuộc chiến tranh bộ lạc, những câu chuyện tình đẹp như huyền thoại, những ước mơ đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng… . Hmon - Bâhnar, Ót N’Drong- Mnông, Klei khan - Ê Đê…đều đã được công nhận là di sản Văn hóa cấp Quốc gia. - Các bộ Luật tục của các dân tộc Ê Đê, Mnông, Jrai, Bâhnar, K’Ho…quy định về lề lối ứng xử, những ràng buộc để kết nối cộng đồng. Những tác phẩm văn học truyền miệng – sử thi - Tây Nguyên đầu tiên như Dam San, Xing Nhã…đã được các nhà khoa học sưu tầm trong bà con các DTTS Tây Nguyên tập kết ra Bắc 58
  3. và dịch từ những năm 1960 ở Hà Nội; từng làm xôn xao dư luận bởi vẻ đẹp của vần điệu, nội dung và dung lượng. Để rồi Dam San được đưa vào chương trình Giáo dục Đại học và sau này là giáo dục phổ thông. -Ngắn như lời nói vần ( tục ngữ, ca dao, thành ngữ về kinh nghiệm sản xuất, đối nhân xử thế, đấu tranh chống xâm lược, ca ngợi quê hương giàu đẹp, đối đáp, hát đố, giao duyên tình yêu nam nữ, ủng hộ cách mạng…). Lời nói vần của Ê Đê đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia - Truyện cổ tích thế sự - Đồng dao, ngụ ngôn… Đã từng có hàng ngàn đêm bên ánh lửa bập bùng của nhà Rông, nhà dài, những câu chuyện về các chàng dũng sĩ “ đầu đội khăn kép vai mang túi da ” hết lòng vì sự bền vững của buôn làng. Các nữ tù trưởng xinh đẹp như hoa Plang một lòng gìn giữ, bảo tồn phong tục tập quán của tộc người…làm say lòng bao người “ hết ngày dài lại đêm thâu”. Hay bên bếp lửa ấm cúng quây quần bên váy mẹ, thủ thỉ những câu chuyện cổ tích về cái thiện thắng cái ác, những con vật nhỏ bé mà tinh khôn, to lớn mà ngu ngốc… gieo những ước mơ xa xôi vào tâm hồn con trẻ. Mong có được cuộc sống bình an, đủ đầy của buôn làng. Những cuộc phân xử công bằng, phân minh theo luật tục, là bài học cho không chỉ lớp trẻ mà còn cả cộng đồng, bởi sự gắn kết tộc người. Cổ tích các dân tộc Tây Nguyên đã được sưu tầm và các Nhà xuất bản phát hành hàng ngàn bản trong nước. Văn học dân gian truyền miệng vô cùng sống động, tô điểm cho đời sống tinh thần các DTTS Tây Nguyên. UNESCO đã rất tinh tế khi gọi các Nghệ nhân của Tây Nguyên là “ Những báu vật nhân văn sống”. 1.1.2 Về nghệ thuật diễn xướng Sống biệt lập giữa rừng đại ngàn, người Tây Nguyên rất biết tìm nguồn vui, sự giải trí sau những giờ lao động mưu sinh. Nghệ thuật dân gian xuất phát từ tín ngưỡng tâm linh cúng kiếng các vị Yang linh thiêng, đi dần ra đời sống sinh hoạt cộng đồng, tự mình chế tác nên hệ thống các nhạc cụ tre nứa, các làn điệu dân ca khi hát nói dàn trải tự sự mênh mông ( Kưưt,Tap ta veo, Rnghe, Jun jơ…) khi nhịp điệu sôi nổi, lúc trữ tình mượt mà về tình yêu đôi lứa ( arei, jang jao, hri…). - Các vũ điệu suang uyển chuyển của các cô thiếu nữ (múa Tung tung da da – Cơ Tu, Ru mthuar, Tap Mnie – Jrai, Chim Grứ – Ê Đê, Smơk - Bâhnar..); những bước nhảy dũng mãnh, cường tráng của các chàng trai ( Pah hgơr, Khil, Kong Koh…). -Dẫu chẳng thể thực hành được nghề đúc đồng, nhưng các bộ ching Lao, ching Kuor, ching Joan, không chỉ phục vụ cho lễ tiết, mà còn làm cho cuộc sống trở nên sôi động, rộn ràng thêm các vòng suang trong những ngày lễ hội mùa Ăn năm uống tháng , hay Khai ning nơng – tháng nghỉ ngơi. -Bằng những nguyên vật liệu sẵn có trong không gian rừng suối, vườn rẫy, như tre, lồ ô, đá suối, vỏ bầu, lá dứa dại...sau này kể cả giây điện thoại, nhạc cụ dân gian của tất cả các 59
  4. DTTS tại chỗ Tây Nguyên đều có đủ các nhóm họ hơi, họ gõ, họ dây gảy, dây kéo, màng rung. Tuy hình dạng được chế tác đơn sơ, nhưng âm thanh cất lên vẫn vô cùng réo rắt và độc đáo. Những dàn ching chêng phải mua từ bên ngoài về, qua đôi tai, đôi tay tuyệt vời của các nghệ nhân chân trần, bỗng trở nên vô cùng sống động với đời sống của các buôn, bon, kon, plei thông qua hàng âm dân nhạc của tộc người. Bên cạnh Không gian VHCCTN chung, là Di sản VHPVT đại diện cho Nhân loại, thì các nhạc cụ và dân ca như: Cồng ba, ching năm Bâhnar, Cơ Tu; Nau Pring của Mnông; múa Tung tung da da; Nói lý & hát lý của người Cơ Tu …cũng đã được công nhận là Di sản VH cấp Quốc gia Nghệ thuật dân gian truyền thống Tây Nguyên gắn bó với con người từ khi còn trong bụng mẹ được cầu cúng an thai, đến khi cất tiếng khóc chào đời được công nhận là một thành viên nhỏ bé của cộng đồng, đến tuổi trưởng thành, cưới hỏi cho người trẻ, chúc sức khỏe người già, tận lúc từ biệt cõi trần đi về chốn Mang Lung với tổ tiên, ông bà. 1.2.Văn học nghệ thuật hiện đại ( 1945 – nay ) 1.2.1 Văn học viết Văn học viết Tây Nguyên – kể cả văn xuôi và thơ – đi từ không đến có. Nếu quãng thời gian từ 1945 đến 1975, chỉ có vài tác giả tập kết ra Bắc như Y Điêng Kpă Hô Dí – dân tộc Ê Đê, khởi thủy từ truyện ngắn “Em chờ bộ đội Wa Hồ”, hay Mlô Y Cla Vi – dân tộc Ê Đê, với bài thơ nhớ quê hương “ Cô gái vót chông” (được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát xanh mãi với thời gian), nhà báo Nay Nô với một vài bút ký gửi ra từ chiến trường Tây Nguyên. Thì chỉ sau 1975, đặc biệt là sang thế kỷ XXI, đã hình thành đội ngũ tác giả , những người từ mọi miền đất nước chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai. Như các nhà thơ, nhà văn Tạ Văn Sĩ, Lại Hữu Kim, Lê Văn Thiềng ở Kon Tum; Văn Công Hùng, Thu Loan, Phạm Văn Long, Chử Anh Đào ở Gia Lai; Lê Tiến Dị, Đặng Bá Canh, Nguyễn Liên, Đào Thu Hà …ở Đăk Nông; Phạm Quốc Ca, Đoàn Ngọc Trác, Nguyễn Thanh Hương, Chu Bá Nam, Lê Công, Uông Thái Biểu, Nguyễn Thánh Ngã…ở Lâm Đồng; Đặng Bá Tiến, Phạm Doanh, Văn Thảnh, Lê Vĩnh Tài, Nguyên Hương, Nguyệt Ánh…ở Đắk Lắk. Đặc biệt những cây bút người DTTS : ngoài Nhà văn Y Điêng đi dần từ truyện ngắn đến tiểu thuyết (H’Giang, Chuyện bên bờ sông Hing, Ba anh em), Mlô Y Cla Vi lấy thơ làm phương tiện tuyên truyền; còn có thế hệ trẻ Đinh Su Giang, Y Việt Sa – dân tộc Sê Đăng, Hoàng Thanh Hương – dân tộc Mường. Hoàng Nhật Rla Yang – dân tộc Mnông. Viết nhanh và nhiều nhất là nữ nhà văn Kim Nhất – dân tộc Bâhnar… Đông đảo hơn cả là các tác giả người dân tộc Ê Đê : H’Linh Niê, Niê Thanh Mai, H’Trem Knul, H’ Siêu B.Yă, H’Xíu Hmok, H’ Phi La Niê, H’ Wê Ra Niê…Trong đó thơ của H’Trem Knul và truyện ngắn của H’Siêu B.Yă mang âm hưởng sử thi rất rõ rệt. Họ trưởng thành từ các trại bồi dưỡng sáng tác của Hội VHNT Đắk Lắk từ cuối thập kỷ XX. Tất cả đã tạo nên một vườn hoa Văn học Tây Nguyên nhiều hương sắc; với đa dạng các thể loại văn xuôi ( tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký văn học và báo chí), thơ ( kể cả trường ca). Đã có 5 tác giả người dân tộc Bâhnar, Ê Đê là Hội viên Hội nhà Văn VN 60
  5. 1.2.2 Nghệ thuật diễn xướng Ngay từ sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, tại TN đã manh nha những hoạt động nghệ thuật như nhạc sĩ Nhật Lai sưu tầm và sáng tác hàng chục ca khúc dựa trên chất liệu dân ca TN (Đợi chờ, Tiếng hát xứ Mnông Tibri…). Nhạc sĩ Kpă Púi, từ 1950 đã có các ca khúc mang âm hưởng dân ca Jrai ( Nhớ Cheo Reo, Đinh Năm ca…). Các đội tuyên truyền dùng dàn ching chêng , đàn T’rưng làm nhạc cụ, lấy dân ca đặt lời mới ( Dăm Thơi, Amiêt man, Hoa Cheng Ret…), múa suang làm phương tiện, tuyên truyền khắp TN; nổi bật lên vai trò của ca sĩ - nhạc sĩ Rchăm Yơn vừa ca hát vừa sáng tác những ca khúc ngắn đậm chất dân ca, tuyên truyền cho cách mạng rất kịp thời (Kêu gọi Thanh niên đi bộ đội, Giã lúa cho cách mạng, Diệt đồn ...) Năm 1955, sau khi đất nước tạm chia làm 2 miền, tại Hà Nội, tuyển chọn trong số những cán bộ, người dân các DTTS Tây Nguyên tập kết ra Bắc để thành lập Đoàn ca múa Tây Nguyên, mang âm hưởng dân ca, dân nhạc, dân vũ Tây nguyên giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước. Âm nhạc, múa Tây Nguyên được sưu tầm, chỉnh lý, để rồi từ đó hình thành những tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp đỉnh cao như nhạc không lời, Nhạc vũ kịch (Người tạc tượng, Bên bờ Krông Pa), hàng trăm ca khúc được bạn yêu nhạc ưa thích (Em là hoa Hoa Plang, Tây Nguyên bất khuất, Mùa xuân em nhớ Tây Nguyên…), các tiết mục từ chất liệu dân gian múa TN trở thành kinh điển ( Rong ching, Ca Tu, Bài ca chim Ưng…). Cũng từ đó, đội ngũ những nghệ sĩ chuyên nghiệp TN cũng đã dần hình thành, như các ca sĩ H’Ben, Kim Nhớ, A Đam Đài Son, các nhạc sĩ Kpă Púi, Y Yơn, Ama Nô, A Nay Nhoan, Nay Quách…các biên đạo Đài Hoa, Y Brơm, Y Khưu, Đinh Xuân La, Đinh Long Ta…Thời kỳ chống Mỹ ở Tây Nguyên hàng vài chục diễn viên người các DTTS vừa hát vừa múa vừa diễn kịch của các đoàn B3, B5, Quân khu 5, phục vụ không chỉ khu Năm, Tây Nguyên, mà tới cả chiến khu Tây Ninh. Những bài ca, điệu múa còn vang vọng trong lòng dân tới tận bây giờ : Chiến thắng Đak Tô, Tây Nguyên giải phóng, -Vui hội Rong ching, múa Chim Grứ, múa Kon Tuôr, Cư Ka dăm dra…. Từ những năm 1960 nghệ thuật múa dân gian Ê Đê, Jrai, Bâhnar, Sê Đăng, Cơ Tu…, đã được các nghệ sĩ sưu tầm chỉnh lý, xây dựng thành hệ thống cơ bản múa Tây Nguyên, giảng dạy trong trường múa VN, sau này ở cả các trường VHNT địa phương trong cả nước. Sau 1975, nghệ thuật diễn xướng chuyên và không chuyên Tây Nguyên ngày càng phát triển. Tính đến 2023, chúng ta đã có 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 9 Nghệ sỹ ưu tú, khẳng định tài năng của mình với giới chuyên nghiệp. Các lĩnh vực âm nhạc, biên đạo, giáo dục và biểu diễn nghệ thuật đều phát triển mạnh mẽ. Có hàng chục nghệ sĩ là thành viên của các hội chuyên ngành như Hội Nhạc sĩ , Hội Nghệ sĩ Múa VN…Ching chêng, dân ca Tây Nguyên được truyền dạy trong các trường phổ thông ở Gia Lai, Kon Tum, trong các buôn làng khắp tỉnh Đắk Lắk. Ở Kon Tum còn phổ cập nhạc cụ tre nứa cải tiến ở cả các cơ sở lẫn trường học. Nghệ thuật cả hai khối dân gian và chuyên nghiệp TN đều đạt được những thành tích đáng kể theo năm tháng. Cả 5 tỉnh TN đều có hệ thống các CLB nghệ thuật Dân gian, các Đoàn Ca múa dân tộc chuyên nghiệp. Đặc biệt vài năm gần đây, sự bùng nổ của Du lịch, đã khơi gợi cho nghệ thuật dân gian phát triển mạnh mẽ. Dân nhạc, dân vũ, dân ca đều được khai 61
  6. thác tối đa phục vụ, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước vẻ đẹp tuyệt vời , xứng đáng được ghi danh là “Di sản VHPVT đại diện cho Nhân loại” của nghệ thuật diễn xướng Tây Nguyên. 1.3.VHNT các dân tộc cộng cư Như đã nói ở trên, chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk đã có 49 dân tộc anh em trên cả nước cùng tụ hội về xây dựng và phát triển kinh tế. Đặc biệt các DTTS miền núi phía Bắc, có sự tương đồng của nền Văn minh Nương rẫy, nên cũng có kho tàng VHNT truyền thống không kém phần riêng biệt và độc đáo. Làm phong phú thêm nội hàm văn hóa của Tây Nguyên đương đại. Chúng ta biết Di sản thực hành Hát Then – Đàn Tính của nhóm các dân tộc Tày, Nùng, Thái, múa Xòe Thái đã được ghi danh là Di sản VHPVT đại diện cho nhân loại. Nếu tính đến cả những Di sản Quốc gia như hát Páo Dung – dân tộc Dao, Múa khèn, - dân tộc Mông, dân ca Sán Chỉ, múa Tắc Sình của Sán Chay, múa Sư tử của Tày Nùng, hát lượn Slươn, Lượn cọi, Sli & Khắp Nôm của người Tày, Sọng Cô của Sán Dìu, Sình Ca của Cao Lan, …nhiều chưa kể hết được. Văn học truyền miệng các dân tộc phía Bắc cũng đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung không kém gì các dân tộc Tây Nguyên. Đó cũng là chưa thể kể đến đội ngũ các nhà văn, nhà thơ người DTTS phía Bắc, có vị trí cao trong văn đàn VN , như Nông Quốc Chấn - Dân tộc Tày, Bàn Tài Đoàn - Dân tộc Dao, Mã A Lềnh, dân tộc Mông, Pờ Sào Mìn – dân tộc Pa Dí, Lò Ngân Sủn – dân tộc Dáy … Độc đáo, phong phú và nổi bật là thế, không thể bỏ qua việc giới thiệu cho thế hệ trẻ nói chung, cộng đồng trẻ chính các tộc người đã rời xa quê hương bản quán ấy. II. Thực trạng giáo dục VHNT dân tộc ở Tây Nguyên, Đắk Lắk Vậy thực trạng việc đưa VHNT các DTTS Tây Nguyên vào hoạt động giáo dục, trong những năm qua đã được thực hiện như thế nào? Những dân tộc nào được lựa chọn để giới thiệu? Tất nhiên, với số lượng 49 dân tộc anh em như ở Đắk Lắk, không thể giới thiệu hết được, nên các tỉnh Tây Nguyên đều chỉ chọn lựa những tộc người tại chỗ đông dân, tiêu biểu cho địa phương, như Kon Tum với Sê Đăng, Bâhnar Rngao; Gia Lai với Jrai và Bâhnar; Đắk Nông với Mnông; Đắk Lắk với Ê Đê, Mnông, đôi chút về Jrai; Lâm Đồng với K’Ho, Chil…Tỷ lệ chỉ là 6/12 tộc người. Các dân tộc cộng cư lại càng không thể có cơ hội được giới thiệu. Với một kho tàng to lớn về VHNT truyền thống như đã nêu ở trên, cùng với VHNT đương đại, việc chọn lựa, giới thiệu dân tộc nào, những gì, là việc làm không đơn giản. Dù các địa phương Tây Nguyên đều đã nỗ lực làm việc này. 2.1. Trong các trường phổ thông Sớm nhất là chữ viết Ê Đê, ngay từ năm 1977, tận dụng hệ thống sách giáo khoa của chế độ cũ, đã được vào lớp 3 – lớp 5 ở tỉnh Đắk Lắk. Sau một thời gian gián đoạn do những bất cập về sách giáo khoa, đầu thế kỷ XXI đã trở lại toàn bộ hệ thống giáo dục tiểu học. Các 62
  7. tỉnh khác ở Tây Nguyên, như chữ Mnông ở Đắk Nông, chữ Jrai ở Gia Lai, chữ Bâhnar ở Kon Tum…cũng được đồng loạt đưa vào bậc tiểu học. Trong nội dung học tập, ngoài phong tục tập quán, SGK đều có sử dụng những lời nói vần, cổ tích các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng phần nghệ thuật hầu như không có. Bắt đầu từ năm 2022, Bộ Giáo dục khởi động chương trình Giáo dục địa phương từ tiểu học đến trung học phổ thông, ngành Giáo dục – Đào tạo các tỉnh đều đã xây dựng đề cương và nội dung chương trình giảng dạy, trong đó phần VHNT dân gian và hiện đại đều được chú ý. Ví dụ như chương trình giáo dục trung học phổ thông ( 2 cấp) của tỉnh Kon Tum: Ở bậc trung học cơ sở, văn học đã có truyện cổ các dân tộc Kon Tum, tục ngữ, thành ngữ, sử thi, văn học Kon Tum trước Cách mạng Tháng 8 . Âm nhạc có giới thiệu 2 nhạc cụ truyền thống phổ biến là đàn T’rưng, đàn Ting Ning, 1 bài dân ca, 1 ca khúc mới mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên và 1 nhạc sĩ người dân tộc Bâhnar. Ở bậc Trung học phổ thông phần văn học có trích đoạn sử thi Bâhnar,văn học Kon Tum thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, những tác giả - tác phẩm tiêu biểu sau 1975. Phần Âm nhạc có những ca khúc hát về Kon Tum, đệm hát bằng nhạc cụ dân tộc đơn giản (các ống nứa, đàn t’rưng…), hòa tấu dân ca bằng nhạc cụ dân tộc… Riêng đối với Đắk Lắk, thập niên giữa thế kỷ XXI đã có tài liệu giáo dục địa phương của ngành cho bậc tiểu học, trong đó có giới thiệu âm nhạc dân gian, ca khúc sáng tác trên chất liệu Ê Đê, một số tác giả – tác phẩm văn học địa phương. Ngành giáo dục cũng đã thực hiện một số tài liệu giảng dạy âm nhạc riêng (ca khúc và giới thiệu nhạc cụ, tác giả âm nhạc).Vụ Giáo dục Dân tộc của Bộ GD-ĐT đã phối hợp với UNICEP cho ra mắt một tuyển tập các bài dân ca và ca khúc cho thiếu nhi mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên, làm tài liệu tham khảo cho bậc tiểu học. Bộ môn âm nhạc tiểu học của Đắk Lắk đã từng tổ chức tập huấn cho các thầy cô sử dụng ống nứa có cao độ phù hợp để đệm hát dân ca, hiện vẫn đang được học sinh thực hành Thực hiện chương trình biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của Bộ GD-ĐT, Đắk Lắk đã nghiệm thu SGK từ lớp 1 – lớp 11 (chưa có lớp 5). Phần VHNT địa phương được bắt đầu đưa vào từ lớp 3, đã có các nội dung : Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng ở Đắk Lắk (lớp 3); Truyện cổ, lời nói vần, nhạc cụ dân gian Ê Đê, Mnông (lớp 6,7); Một số làn điệu dân ca, có 3 bản nhạc cụ thể (lớp 8); Cổ tích, sử thi, trích đoạn sử thi Jrai , 05 bản nhạc cụ thể dân ca Ê Đê, Jrai, Mnông (lớp 10); Múa dân gian Ê Đê, Mnông, văn học viết từ 1945-1975 - văn xuôi, thơ, báo chí ( lớp 11). Định lượng từ 6-17 trang cho mỗi chuyên đề. ( Lớp 9 chỉ có tiếng nói và chữ viết, không có VHNT). Ở Đắk Nông, từ năm 2019, dân ca Mnông, Ê Đê đã được lựa chọn, tuyển thành tài liệu, truyền dạy tại các trường phổ thông. Trình bày sơ lược như thế có thể tạm coi là VHNT từ truyền thống đến hiện đại, đều đã được đề cập đến trong chương trình giáo dục địa phương ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. 63
  8. 2.2.Trong các trường chuyên nghiệp & văn nghệ quần chúng Xin được giới hạn trong các trường VHNT khu vực Tây Nguyên, nơi cần thiết phải được học tập VHNT các DTTS địa phương. Bởi từ những ngôi trường này, VHNT Tây Nguyên có những người giáo viên chuyên sâu. Trong khu vực Tây Nguyên, có 2 trường cao đẳng VHNT : một ở Gia Lai và một ở Đắk Lắk. Trường CĐ VHNT Gia Lai đã xây dựng hệ thống cơ bản múa các dân tộc Jrai, Bâhnar, bổ sung hệ thống cũ do trường Múa Việt Nam thực hiện từ những năm 1960 (do NSND Y Brơm, Nghệ nhân Nay Pơ và giảng viên Mang Linh Nga thực hiện). Trường cũng đã đưa vào giảng dạy chế tác và diễn tấu 2 nhạc cụ phổ biến là đàn T’rưng và đàn Ting Ning ( Do NSƯT Thảo Giang truyền dạy). Ching chêng Jrai cũng đã được xây dựng giáo trình và mời cha con Nghệ nhân Nay Phai biên soạn, thực hành truyền dạy. Trường CĐ VHNT Đắk Lắk muộn màng hơn, nhưng từ năm 2021 đã đặt hàng biên soạn giáo trình và 2022 đã đưa vào giảng dạy môn Âm nhạc dân gian các DTTS Tây Nguyên. Có cả lý thuyết và thực hành diễn tấu đàn T’rưng và Ching kram. Ngoài ra bộ môn múa dân gian cũng được chú trọng truyền dạy cơ bản múa Tây Nguyên sâu hơn Trước đây các trường CĐ sư phạm, Trung cấp Dam San của Đắk Lắk có bộ môn Sư phạm Âm nhạc, đều chú ý tới việc giảng dạy dân ca, dân vũ Tây Nguyên. Đặc biệt là khi xây dựng bài tập tốt nghiệp. Trường ĐH VHNT Quân đội và ĐHVH thành phố HCM, khi liên kết giảng dạy môn Quản lý văn hóa tại Đắk Lắk, cũng rất chú trọng phần diễn xướng dân ca, dân vũ các DTTS Tây Nguyên. Học viện Âm nhạc Huế, với tư cách bao quát cả miền Trung Tây Nguyên cũng đã biên soạn giáo trình Âm nhạc dân gian Tây Nguyên (công trình khoa học cấp Nhà nước). Trường ĐH Tây Nguyên đã mở các lớp dạy tấu ching, múa suang cho sinh viên các dân tộc. Ở cấp độ quản lý ngành, Trung tâm Văn hóa thành phố Buôn Ma Thuột, trong 2 năm 2022, 2023 đã liên tục mở 6 lớp, hướng dẫn hàng chục hạt nhân văn nghệ người DTTS phổ cập cơ bản múa Ê Đê. Khiến múa Ê Đê sau một thời gian dài gần như thất truyền đã được hồi sinh gần như khắp các cơ sở. Tại Gia Lai và Kon Tum, Ching chêng từ lâu đã được đưa vào truyền dạy trong trường học. Hiện nay hầu như tất cả các xã ở 2 tỉnh trên đều có đội ching chêng thiếu nhi. Tỉnh Kon Tum còn phổ cập nhạc cụ tre nứa cải tiến ở các vùng dân tộc trọng điểm. 64
  9. 2.3 Những băn khoăn còn đọng lại Theo những gì vừa trình bày, VHNT các DTTS ở 5 tỉnh Tây Nguyên, đều đã được đưa vào tài liệu giáo dục địa phương của hệ thống giáo dục phổ thông. Mức độ đậm nhạt khác nhau khiến còn đó một số băn khoăn : - Điều băn khoăn thứ nhất : Chỉ tính 5 tỉnh được UNESCO ghi danh Không gian VHCCTN, đã có tới 12 DTTS tại chỗ, chưa kể các dân tộc cộng cư. Làm thế nào có thể giới thiệu hết? Đành phải chấp nhận để các nhà biên soạn chỉ chọn những tộc người tiêu biểu (ví dụ Kon Tum là Bâhnar Rngao, Jrai, Sê Đăng. Gia Lai là Jrai & Baahnar. Đak Lak là Ê Đê, Mnông. Đắk Nông, Lâm Đồng - nếu đã thực hiện- là Mnông, K’Ho…. ) Đó cũng là sự thiệt thòi cho thế hệ trẻ. - Điều thứ hai: ngoài sách giáo khoa được biên soạn, các giáo viên rất khó tìm được thêm tư liệu tham khảo (tài liệu, video, sách chuyên sâu…). Bởi chưa hề có đề án hay dự án nào đề cập tới nội dung cung cấp tư liệu cho giáo viên, để tham khảo khi dạy chương trình Giáo dục địa phương (đơn cử nội dung về tù trưởng Ama Jhao trong chương trình lớp 4, ngoài sách giáo khoa không hề có bất cứ một tài liệu nào khác về cuộc đời của ông). Cũng như không hề có các Video giới thiệu về cồng chiêng của người Ê Đê, người Mnông, dân ca hay dân vũ…Văn học viết của các tác giả người địa phương, cũng không phải là tài liệu dễ tìm ở thư viện cấp huyện. Vậy giáo viên sẽ lấy nguồn ở đâu để minh họa cho nội dung bài giảng (điều này tôi đã được chính một số các cô giáo chất vấn). Trong khi giáo viên không hề được đào tạo các chuyên ngành này và phải dạy dưới dạng tích hợp. - Đối với cấp tiểu học, với số tiết từ 25-30/ lớp, giáo viên có thể dạy tích hợp với các môn học khác, hoặc có thể dạy theo hình thức chuyên đề. Nhưng việc giảng dạy hết nội dung chương trình của mỗi lớp đã là việc phải chạy đua với thời gian, khi còn có rất nhiều hoạt động ngoại khóa khác ( văn nghệ, thể thao, thao giảng, thi soạn giáo án, giáo viên dạy giỏi…). Nếu giáo viên không tích hợp được, thì có là…sai phạm không? - Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng tương tự như vậy. Thời lượng dành cho giáo dục địa phương 35 tiết/lớp cũng chỉ là chuyên đề và tích hợp. Liệu trong một năm học, các thầy cô có thực hiện được không? - Các hình thức thực hành SGK đề ra, liệu có thực hiện được, khi ở cấp cơ sở, việc phục hồi văn hóa truyền thống đã khó, VHNT lại càng khó tiếp cận hơn? III. Một số ý kiến đề xuất Việc giáo dục VHNT các DTTS tại các tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, là điều đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này, cần có thêm một vài điều kiện tiên quyết : - Bộ GD-ĐT và ngành GD các địa phương ngay trong khi biên soạn các bộ SGK đã phải xây dựng Đề án khoa học về tư liệu phục vụ cho giảng dạy và tham khảo mục tiêu Giáo dục Văn hóa nói chung, VHNT Tây Nguyên nói riêng, bằng các video clip có thời lượng phù hợp. Việc này ngoài chủ trương và kinh phí của Bộ, cần có sự phối hợp thực hiện của Sở GD- ĐT và Hội VHNT các tỉnh. 65
  10. -Bộ Giáo dục nên quy định rõ ràng thời lượng nội dung trải nghiệm, thực tế tiếp cận VH, VHNT DTTS địa phương trong chương trình hàng năm. - Các Sở GD-ĐT nên xây dựng Dự án “ Đưa cồng chiêng vào trường học” - Hàng năm, ngành GD-ĐT cần phối hợp với Hội VHNT, Sở VHTT-DL các địa phương, tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên về Văn hóa Tây Nguyên nói chung, VHNT Tây Nguyên nói riêng. Trong chương trình có gặp gỡ, giới thiệu các tác giả, tác giả tiêu biểu của địa phương mình. - Ngành Văn hóa địa phương tiến hành kiểm kê các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã và đang được phục dựng, theo thời gian trong năm; thông báo rộng rãi trên mạng xã hội, để không chỉ phục vụ khách du lịch, mà còn hỗ trợ thực hành, trải nghiệm cho giáo viên và học sinh, khi dạy và học những nội dung về VH Tây Nguyên. - Ngành VH các địa phương miền Trung – Tây Nguyên, ngoài việc hàng năm tổ chức các lớp truyền dạy tấu ching cơ bản ở cơ sở, cũng cần phải tiếp tục được truyền dạy nâng cao, để không thất truyền các bài bản. - Cần cơ cấu chương trình ngoại khóa và tài liệu hướng dẫn, tham khảo, giới thiệu văn hóa, VHNT các tộc người đang cùng cộng cư ( phát hành cùng hệ thống sách Giáo khoa đã có). Văn học nghệ thuật là con đường đi đến trái tim và tâm hồn con người nhanh nhất. Giáo dục lại là môi trường tổ chức thực hiện việc phổ biến, phát huy VHNT các DTTS sâu rộng, có hiệu quả và dễ dàng nhất ( nếu giáo viên đủ tư liệu tham khảo). Hy vọng sau các Hội thảo này, việc đưa Văn hóa, VHNT các DTTS Tây Nguyên vào giảng dạy trong nhà trường, ở các tỉnh thuộc vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung, 5 tỉnh Tây Nguyên nói riêng, sẽ có sự khởi sắc. Để “Kiệt tác Di sản văn hóa & Phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”, không chỉ được hiểu biết, được yêu mến sâu rộng, mà còn được bảo tồn và phát huy, như giá trị đáng trân trọng vốn có của Di sản. 66
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO Biểu tổng hợp kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội của 53 DTTS năm 2019. https://www.gso.gov.vn 2020/07 Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum cấp Trung học. UBND tỉnh Kon Tum, tháng 5/2022 Đề tài khoa học cấp Bộ “Đưa Di sản Âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào đào tạo tại Học viện Âm nhạc Huế” . Nhạc viện Âm nhạc Huế 2021. Dân ca Tây Nguyên . Bản PDF dành cho giáo viên Âm nhạc Đắk Lắk – Huỳnh Ngọc La Sơn 2023. Làn điệu dân ca Tây Nguyên – Bộ GD-ĐT & UNICEP. 2015 Một số lưu ý trong vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay. TS. Nguyễn Thị Hoài Phương. Tạp chí Dân tộc học Cổng TTĐT của UBDT TƯ ngày 21/6/2013 Tài liệu dạy học Âm nhạc địa phương, bậc tiểu học – Huỳnh Ngọc La Sơn. Đak Lak 2018. Tài liệu dạy học Âm nhạc địa phương, bậc Trung học cơ sở - Huỳnh Ngọc La Sơn. Tài liệu giáo dục địa phương. Từ lớp 1-11. Sở GD-ĐT tỉnh Đak Lak 2022-2023 Tư liệu điền dã cá nhân 67
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2