intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội với vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội với vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên hiện nay trình bày các nội dung: Thực trạng vấn đề môi trường tự nhiên Hà Nội hiện nay; Quan điểm của Phật giáo về môi trường tự nhiên; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội với vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội với vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên hiện nay

  1. GIÁO HỘI PHẬT GIÁO THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỚI VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN HIỆN NAY PGS.TS. ĐÀO TỐ UYÊN1* ThS. LÊ THỊ XUÂN2** Tóm tắt: Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú. Môi trường tự nhiên có vai trò rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Con người không thể tồn tại khi tách khỏi môi trường tự nhiên, tất cả những gì con người có được đều lấy từ môi trường tự nhiên và là điều kiện sinh tồn, phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, một trong những vấn đề xã hội nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận, nhất là ở các thành phố lớn trong đó có Hà Nội là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của con người gây nên. Vài năm trở lại đây, chúng ta liên tiếp phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và do công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Đó cũng chính là hậu quả tất yếu của sự thiếu ý thức tôn trọng tự nhiên và sự lúng túng trong tìm ra một lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Thực trạng đó đang đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn của Hà Nội. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí * Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. ** Trường THPT Đông Đô.
  2. 262 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... hậu là nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Họ là những hộ gia đình nghèo, hoặc khó khăn về điều kiện kinh tế, hay những người bị tàn tật, yếu sức khỏe, người già, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Bản thân những đối tượng trợ giúp xã hội thường có năng lực phòng ngừa thấp hơn những người khác do điều kiện kinh tế và do năng lực cá nhân, khả năng khắc phục hậu quả của đối tượng này cũng hạn chế. Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động đến những đối tượng này nhằm vào tính mạng, sức khỏe và tài sản. Trong khả năng của mình, Phật giáo đã đưa ra những biện pháp thích hợp để cải thiện môi trường tự nhiên, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất hiện nay là tác động của biến đổi khí hậu, để qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. 1. Thực trạng vấn đề môi trường tự nhiên Hà Nội hiện nay Hà Nội là địa phương đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Điều đó một mặt góp phần đưa kinh tế phát triển, một mặt gây ra tình trạng suy thoái môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến, trở nên phức tạp cả về quy mô, tính chất, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của xã hội. Vấn đề ô nhiễm này thể hiện trên các phương diện chính như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Về ô nhiễm nguồn nước: Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện tại trong khu vực nội thành có tổng cộng 120 hồ nước và hầu hết môi trường nước tại các ao hồ này đều bị ô nhiễm1, trong đó nặng nhất phải kể đến như: Hồ Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát, Thiền Quang, Kim Liên, Văn Quán, Giảng Võ, Văn Chương, Đống Đa và đặc biệt là hồ Yên Sở. Ngoài ao hồ, các sông ngòi chảy qua khu vực Hà Nội đều trong tình trạng ô nhiễm cao như: Kim Ngưu, Tô Lịch, Sét, Lừ, Nhuệ… Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp cùng sự gia tăng mật độ dân số là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước.Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cả thủ đô hiện chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường. Đó là nguyên nhân khiến hàng loạt các con kênh, mương, sông ở Hà Nội “chết”. “Chết” ở đây là hoàn toàn bị “đóng băng” bởi váng mỡ, xăng dầu, rồi đủ các loại rác thải 1 Ủy ban thường vụ quốc hội - Ban công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Đánh giá thực trạng môi trường của thành phố Hà Nội, 2017
  3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 263 Về ô nhiễm không khí: Hiện nay, ô nhiễm do bụi là vấn đề đáng lo ngại nhất tại Hà Nội. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, vượt quy chuẩn cho phép và biểu hiện rõ nét nhất vào mùa đông, khi có gió mùa đông bắc. Những khu vực đang xây dựng nhiều, khu vực ngã ba có mật độ xe lưu thông cao là những nơi có nồng độ bụi lớn. Các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi giao thông, công nghiệp nồng độ bụi dao động quanh mức quy chuẩn cho phép1.Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội vẫn đang tiếp tục diễn biến xấu và được các nhà khoa học cảnh báo ở mức “báo động đỏ”. Riêng năm 2019, Hà Nội đã trải qua 5 đợt ô nhiễm bụi mịn2 với số ngày có bụi PM10, PM2,5 vượt quy chuẩn Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt là vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô. Ô nhiễm môi trường không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đẩy nhanh quá trình lão hóa, suy giảm chức năng hô hấp, nguy hiểm nhất là có thể gây ra các bệnh ung thư… Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm tiếng ồn cũng là một bài toán cho Hà Nội nhất là vùng nội đô. Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định3. Còn theo tài liệu “Đánh giá thực trạng môi trường của thành phố Hà Nội năm 2017” tại các đường phố chính trong đô thị, khu vực gần khu công nghiệp, tiếng ồn đều vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam 70dBA về ban ngày và 50dBA về ban đêm, một số tuyến phố còn đạt tới ngưỡng 85 - 88dBA. Các tuyến đường trục chính có các xe tải lớn đi qua, tiếng ồn do xe ôtô, xe máy bóp còi có thể đạt tới 90 - 95dBA4. 1 Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Ban công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử. Đánh giá thực trạng môi trường của thành phố Hà Nội, 2017 2 https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/5-dot-o-nhiem-bui-min-o-ha-noi-hoc-sinh-duoc- nghi-trong-ngay-khong-khi-nguy-hai--20618.htm 3 https://baovemoitruong.org.vn/bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-tieng-tai-ha-noi/ 4 Ủy ban thường vụ quốc hội - Ban công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, đánh giá thực trạng môi trường của thành phố Hà Nội, 2017.
  4. 264 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Hậu quả của việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh. 2. Quan điểm của Phật giáo về môi trường tự nhiên Phật giáo là tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp cho vấn đề khủng hoảng môi sinh trên toàn cầu và khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở triết lý duyên khởi, vô thường, vô ngã, nghiệp báo và nhân quả, Phật giáo đã xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức như từ bi, bất sát, tạo nghiệp thiện… rất có ý nghĩa trong ứng xử “thiện” với thế giới tự nhiên, với môi trường. Các chuẩn mực tu học và thực hành của Phật giáo đối với môi trường tự nhiên rất gần với các chuẩn mực đạo đức môi trường và đáp ứng yêu cầu xây dựng ý thức tự giác về bảo vệ môi trường của đạo đức môi trường hiện nay. Thuyết duyên khởi cho rằng vạn vật trên thế gian này đều được xây dựng trong mối quan hệ tồn tại phụ thuộc lẫn nhau “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”1. Đây là chân lý về sự tồn vong của vũ trụ vạn vật. Con người và giới tự nhiên vốn có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên, môi trường. Môi trường là điều kiện cho sự sống của con người. Khi môi trường bị phá hoại thì sự sống của con người cũng bị tổn thương, bị đe dọa. Không chỉ nhận thức rõ ràng về mối tương quan giữa con người và giới tự nhiên như vậy, mà Đức Phật còn ý thức rằng, con người phải đối xử với giới tự nhiên theo nguyên tắc trung đạo, phải sống dựa vào tự nhiên, bảo tồn tự nhiên để tồn tại. Giáo lý nhà Phật khuyên con người phải sống từ bi, tránh Tham, Sân, Si, không tạo nghiệp ác, dưỡng nghiệp thiện, tránh sát sinh, tức là phải sống thân thiện với môi trường. Đức Phật giáo hóa cho hàng đệ tử về ngũ giới cấm, một trong số đó là vấn đề cấm sát sinh. Ngoài nội dung giáo dục mang tư tưởng nhân đạo, tôn trọng sự sống muôn loài, thì giới cấm sát sinh trong đạo Phật cũng giúp việc giải quyết vấn đề môi trường, đó là bởi vì việc sát sinh nhằm phục vụ các nhu cầu của con người sẽ dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp đến sự sống của con người. Đề ra giới cấm sát sinh, Đức Phật đang giáo hóa để hàng đệ tử của mình thực thi giáo lý từ bi nhưng cũng là trở về với quy luật tự nhiên, hạn chế can 1 Thích Nhuận Đạt (dịch) (2010), Đạo Phật và môi trường, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, trang 30.
  5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 265 thiệp vào tự nhiên để thỏa mãn mục đích của mình, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính con người. Trên tinh thần tôn trọng thiên nhiên, yêu sự sống, từ thời xa xưa, Phật giáo đã đề cao sự bình đẳng giữa các loài. Phật giáo đề cao ý nghĩa nhân đạo đối với môi trường, tôn trọng sự sống của cả con người lẫn loài vật, tục ăn chay và giới cấm sát sinh là một trong những giới cấm căn bản thể hiện nguyên tắc bình đẳng của phật tử đối với sự sống của muôn loài. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi, nghiệp báo mà còn theo tinh thần “bình đẳng” và “tính đến muôn loài”, nên ý thức mọi loài đều được sống, môi trường sống là của muôn loài chứ không phải chỉ dành cho con người. Con người còn cần từ bỏ quan điểm xem mình là loài có quyền định đoạt được sự sống của tất cả các loài khác. Kinh Từ Bi đã thể hiện lý tưởng bình đẳng về sự sống: “Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh ra và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”1. Lối ăn chay, không sát sinh trong truyền thống Phật giáo không chỉ như hành động tu dưỡng để kiểm soát tham, sân, si của bản thân trong quá trình đạt tới giải thóat, giác ngộ, mà còn được quy thành “tính thiện” tự giác, từ bi, vị tha của các Phật tử. Tinh thần ăn chay, “bất sát” của Phật giáo rất gần tới ý thức về đạo đức môi trường hiện đại khi chuẩn hóa lối sống ứng xử thân thiện với môi trường thành giá trị đạo đức của người giác ngộ. Tinh thần tôn trọng sự sống đối với mọi loài trở thành nếp sống mà ngày nay các Phât tử Việt Nam vẫn đang thực hành như phóng sinh thả chim, thả cá, ăn chay, thọ bát quan trai đã trở thành những hình ảnh đẹp, thể hiện ý thức về môi trường sống thiện, mang tính nhân bản, có ý nghĩa giáo dục về môi trường trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Trong điều kiện cụ thể hiện nay ở Việt Nam, lối sống thân thiện với môi trường của Phật giáo phù hợp với những chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững đã góp phần tạo ra những nhận thức mới nơi cộng đồng về quan niệm sống có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái một cách tự giác. Phật giáo chỉ rõ, sự khủng hoảng sinh thái, ô nhiễm môi trường là hệ quả của việc con người làm giàu bằng mọi giá, phi đạo đức, và điều đó sẽ đưa xã 1 Thích Nguyên Hiệp (2010), Trích từ Kinh Từ Bi, bản dịch của Thích Nhất Hạnh.
  6. 266 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... hội con người đến chỗ suy thoái toàn diện. Trên tinh thần đó, Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã noi theo những lời dạy của Đức Phật để tuyên truyền, giáo dục đến các tăng, ni, phật tử thực hiện theo giáo lý nhà Phật trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội với vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên. 3.1. Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tăng, ni, phật tử về ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên Phật giáo đã đóng góp vai trò tích cực trong việc tuyên truyền giáo dục để hình thành nếp sống và ý thức tham gia bảo vệ môi trường trong các tăng, ni, phật tử và lan tỏa ra cộng đồng. Thực hiện chủ trương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình phật sự từ năm 2017, đồng thời đã triển khai lồng ghép phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu, sinh hoạt đạo tràng của các phật tử. Tại các giới đàn, hội nghị của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp, đã kêu gọi tăng, ni, phật tử và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội “ích đạo, lợi đời”; kêu gọi tăng, ni, phật tử các chùa, tự viện trồng cây xanh chung quanh chùa, tự viện, không sử dụng túi ni lông mà sử dụng túi tự hủy thân thiện với môi trường. Tại các tự viện của Phật giáo ở Hà Nội thường xuyên tổ chức các khóa tu cho phật tử với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường cũng được các chức sắc thuyết giảng, tuyên truyền cho các phật tử như một nội dung quan trọng. Đến với những khóa tu này, phật tử sẽ được lĩnh hội những kiến thức về bảo vệ môi trường theo quan điểm của Phật giáo, để từ đó có những ứng dụng, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày và khuyến khích những người khác cùng chung tay hành động vì môi trường. Điển hình trong công tác tuyên truyền giáo dục và vận động tăng, ni, phật tử và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phải kể đến các chùa như: chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai), chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng), chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm), chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn), chùa Hương (huyện Mỹ Đức), chùa Xuân Trạch (Đông Anh), chùa
  7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 267 Trung Hậu (Mê Linh), chùa Trì (Thị xã Sơn Tây)… Trong số đó, Chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai) được chọn là một trong ba mô hình điểm cấp quốc gia đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia chương trình phối hợp phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Nhà chùa thường xuyên mở các khóa tu như: Tu tịnh độ, tu Pháp Vân xanh… mỗi khóa tu có từ 300 tới hàng nghìn phật tử, trong đó phần lớn là sinh viên các trường đại học tham gia. Các khóa tu đều có sự lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động hoằng pháp tại các buổi thuyết giảng giáo lý nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cho các tín đồ, phật tử. Đặc biệt, khóa tu Pháp Vân xanh như một thương hiệu của chùa, với mong muốn xây dựng và nhân rộng nếp sống xanh, hướng các bạn trẻ đến “cuộc sống xanh - xanh từ tâm”, biết nuôi dưỡng tâm lành, an nhiên tự tại, sống hài hòa với thiên nhiên, yêu môi trường theo giáo lý nhà Phật. Các khóa tu Tuổi trẻ, Búp sen hồng cũng từng bước hướng các bạn trẻ đến gần hơn với Phật Pháp, có cái nhìn chân thiện, sâu sắc về lẽ sống, xây dựng cho mình một thế giới quan tươi đẹp, sống vui - khỏe, sống có ích, hăng hái chung tay góp phần hóa giải các vấn đề tiêu cực, các tệ nạn trong xã hội trong đó có vân đề bảo vệ môi trường sống. Ngoài ra, nhà chùa thường xuyên kết hợp trong các buổi hoằng pháp vận động người dân các vấn đề như: Không đốt vàng mã tại các nơi thờ tự cũng như cúng lễ tại gia đình. Nên hoả thiêu khi gia đình có người thân qua đời thay vì cách mai táng truyền thống là địa táng. 3.2. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh Thực hiện chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc phối hợp để trụ trì các Tự viện (chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường) hướng dẫn đồng bào phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến phật tử và người dân trong ứng xử văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lễ hội. Nhờ đó, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu đã dần được thay đổi góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thủ đô. Một trong những việc làm thiết thực nhằm chung tay bảo vệ môi trường của Phật giáo trên địa bàn Hà Nội là thực hiện lễ tang văn minh, tiến bộ. Những năm qua, kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cơ sở thờ tự trên khắp các quận huyện của Hà Nội, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động, hướng dẫn đạo hữu, phật tử thực hiện đám tang theo tinh thần giáo
  8. 268 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... lý của nhà Phật. Đó là đám tang phải được thực hiện đúng nghi lễ, trang trọng, không lãng phí, các vấn đề mê tín dị đoan như việc xem ngày, trừ tà, yểm bùa, rải vàng mã, tiền vàng đều không còn phù hợp, không có trong đạo Phật; không để thi hài người chết trong nhà quá 48 giờ; không viếng lễ chín; không ăn uống linh đình và hạn chế cử nhạc tang… Lễ viếng chỉ cần nén hương, cơi trầu thể hiện tình cảm, nghĩa tình. Đặc biệt, trong các bài thuyết giảng, các sư Thầy đã đã áp dụng giáo lý đạo Phật để khuyến khích việc hỏa táng người quá cố, thể hiện được sự văn minh, không gây ô nhiễm môi trường, không lãng phí. Nhờ đó, phật tử và người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện lễ tang văn minh tiến bộ để từ đó vận động gia đình, người thân có những suy nghĩ, hành động tích cực hơn về việc thực hiện lễ tang văn minh, tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới” trên địa bàn Hà Nội. Sự vận động của các cấp chính quyền kết hợp với tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn của các cơ sở tôn giáo trong đó quan trọng nhất là Phật giáo, công tác thực hiện lễ tang văn minh, tiến bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu năm 2010, số ca hỏa táng toàn thành phố đạt tỷ lệ 18,5%, năm 2018 đã tăng lên 60,09% (khu vực nội thành đạt 74,16%; khu vực ngoại thành đạt 50,86%). Những địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao như: quận Ba Đình gần 91%; quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm gần 89%; huyện Đông Anh gần 76%… Từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ hỏa táng ở các địa phương tiếp tục tăng. Dự kiến trong giai đoạn 2020-2025, Hà Nội có ít nhất 65% số ca tử vong được đưa đi hỏa táng1. Nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong các dịp lế, tết, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn đồng bào phật tử và nhân dân loại bỏ mê tín dị đoan, giảm đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh. Tục lệ này có nguồn gốc từ thời cổ đại trong xã hội Trung Hoa (từ thời nhà Hán). Theo niềm tin thuần phát của người Trung Hoa xưa, người chết không phải là mất hẳn mà biến thành quỷ thần và người chết cũng giống người sống cần phải có những nhu yếu phẩm cần dùng. Vì vậy mà khi con người chết đi thì thân nhân của họ sẽ chôn theo những vật dụng cần thiết trong đó có cả tiền, nhưng dần dần thấy việc chôn các vật dụng thật như vậy là rất lãng phí nên người ta đã làm các vật dụng bằng giấy để thay thế đốt cho người chết, vì vậy, tục lệ đốt vàng mã được hình 1 http://sovhtt.hanoi.gov.vn/lan-toa-nep-song-van-minh-trong-viec-tang-tren-dia-ban-tp-ha-noi/
  9. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 269 thành. Do bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ nhiều năm nên các phong tục tập quán của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới Việt Nam và tục lệ này ngày càng được phát triển mạnh. Đối với đạo Phật chính thống, trong nghi lễ không có tục lệ đốt vàng mã. Trong Tam tạng kinh của nhà Phật, không nội dung nào đề cập vấn đề này và qua các thời kỳ Chư Tổ Phật giáo Việt Nam, cũng không đốt vàng mã. Do đó, Phật giáo cho việc này là hủ tục, lãng phí tiền của, công sức và gây ô nhiễm, hoả hoạn. Là người đệ tử của Phật thì cần nên hiểu rõ về tai hạicủa việc đốt vàng mã và hãy dùng số tiền đó mua vật dụng khác để bố thí cho người nghèo hay phóng sinh tu phúc, nhằm bảo vệ môi sinh cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Một số chùa đã dùng lời Phật dạy về luật nhân quả, làm lành lánh dữ, hành thiện tích phúc mới là cách để báo hiếu tổ tiên chứ không phải đốt nhiều vàng mã. Việc giáo hóa, phân tích, tuyên truyền, vận động nhân dân được các cơ sở thờ tự làm thường xuyên trong các buổi giảng pháp, hành lễ hay công tác phật sự. Nhấn mạnh sự cần thiết phải tuyên truyền, giáo dục cho phật tử để hạn chế, dần loại bỏ đốt vàng mã, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội cho rằng: “Tục đốt vàng mã không phải chánh pháp, đức Phật cũng không dạy điều đó. Là phật tử, làm như vậy là không đúng nên cần phải hướng dẫn nhân dân loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo”1. Nhờ sự tích cực của giới Tăng, Ni trong việc hướng dẫn nhân dân cộng thêm sự quan tâm phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, chính quyền ở các địa phương trên khắp các quận huyện của Hà Nội, đã khiến hầu hết phật tử và nhân dân khi đến chùa không còn mang theo vàng mã, nhờ vậy, việc mua và đốt vàng mã giảm nhiều. Tại nhiều chùa lớn ở Hà Nội như: Quán Sứ, Trấn Quốc, Phúc Khánh, Liên Phái, Pháp Vân, Vạn Phúc hiện tượng đốt vàng mã đã giảm nhiều. Đặc biệt là tại các cơ sở thờ tự như: chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn), chùa Liên Phái, chùa Quỳnh Lôi, chùa Hưng Ký, chùa Hộ Quốc (An Khánh Tự), chùa Chân Tiên… của quận Hai Bà Trưng và các chùa Vạn Phúc, Non Nước, Đại Bi, Hưng Khánh, Linh Ứng… của huyện Sóc Sơn, từ nhiều năm nay, đã cơ bản không còn hiện tượng đốt vàng mã. Việc mang vàng mã vào chùa không chỉ được nhắc nhở, khuyên nên han chê bởi chính các vãi hay nhưng người làm việc công ích tại chùa mà trong khuôn viên những ngôi chùa này cũng luôn có lời nhắc mọi người đến chùa không mang nhiều 1 https://bvhttdl.gov.vn/khuyen-nghi-khong-dot-do-ma-vang-ma-trong-cac-co-so-tho-tu-di-tich-va-le-hoi-chuyen- bien-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-20191024091349218.htm
  10. 270 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... tiền giây, vàng ma. Từ những kết quả đạt được như trên, các cơ thờ tự của quận Hai Bà Trưng và huyện Sóc Sơn đã trở thành những mô hình mẫu trong cả nước về xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, hạn chế đốt vàng mã đang được biểu dương và nhân rộng1. 3.3. Xây dựng môi trường sinh thái Hà Nội hiện nay địa phương đi đầu quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Điều đó một mặt góp phần đưa kinh tế thành phố đi lên, một mặt gây ra tình trạng suy thoái môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái nói chung. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến, trở nên phức tạp cả về quy mô, tính chất. Nguồn nước, mặt đất, không khí ở nhiều nơi, nhất là ở khu vực thành phố, các khu công nghiệp... vẫn tiếp tục bị ô nhiễm một cách trầm trọng. Những căn bệnh ác tính, hậu quả từ việc ô nhiễm môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn, phức tạp hơn, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế, xã hội. Vì vậy để góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội bền vững, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã đưa những giáo lý Đức Phật để thuyết giảng cho tín đồ bằng những bài pháp thiết thực. Ăn chay là biện pháp hữu hiệu nhất trong vấn đề hạn chế giết hại chúng sinh và góp phần bảo vệ bảo vệ môi trường tự nhiên. Tục ăn chay phổ biến ở một bộ phận người Việt, đó là các nhà tu hành, Phật tử, những tín đồ Phật giáo. Ăn chay xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo, đó là sự yêu thương muôn loài. Theo Phật giáo, khi trở thành Phật tử, phải thọ giới và trì giới, trong đó thọ giới quan trọng nhất là không được sát sinh loài vật. Để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống, hàng ngàn khu chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại thủy hải sản được hình thành. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp có hạn, để có thêm nhiều diện tích chăn nuôi, con người đã đốt rừng mở rộng nông trại. Khi diện tích rừng bị thu hẹp dấn đến nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như: lũ lụt, hạn hán, phá hủy sinh thái, nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng… Thêm vào đó, việc chăn nuôi gia súc gia cầm làm cho lượng khí metan thải ra từ các vật nuôi cũng góp phần làm biến đổi khí hậu, tăng hiệu ứng nhà kính. Trong bài “Pháp thoại ăn chay vì thế giới hòa bình” của Thượng tọa Thích Nhật Từ đã nêu lên mức độ tổn thất nước ngọt, không khí, đất của công nghệ sản xuất thực phẩm mặn 1 http://mattran.org.vn/hoat-dong/bieu-duong-phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton-giao-tham-gia-bao-ve-moi-truong-va- ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-28357.html
  11. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 271 là rất lớn: Để chế biến 450 gram thịt mất 9,46 m3 nước; Cứ 7 tấn gà bị giết thì có 1, 6 tấn chất thải tung ra ngoài không khí, tạo ra 550 triệu tấn khí metan, ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu; Cách đây khoảng 40 năm, độ dày của đất màu là 53 cm trên hành tinh thì nay chỉ nơi cao nhất chỉ là 15 cm. Mỗi năm, chúng ta mất khoảng 25 tỷ tấn đất màu. Tất cả những thiệt hại ấy bắt nguồn từ chính nhu cầu ăn uống các sản phầm làm từ động vật của con người. Nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của việc chăn nuôi, cũng như giết mổ gia súc, gia cầm đối với môi trường, tại các chùa trên đại bàn Hà Nội, đã thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng cho các tăng ni, phật tử về việc ăn chay theo giáo lý nhà Phật. Các chùa còn đưa ra các quy định cho những gia đình Phật tử, tùy theo địa phương và bản tự mà các chùa có sự khác nhau như ăn chay mỗi tháng hai lần (vào mùng Một và ngày Rằm) hay một số khác ăn chay bốn ngày trong tháng (1, 14, 15 và 30, nếu tháng thiếu thì ăn chay ngày 29) hoặc ăn chay sáu ngày trong tháng (8, 14, 15, 23, 29 và 30, nếu tháng thiếu thì ăn chay ngày 28, 29); có người lại ăn chay mỗi tháng mười ngày (1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28 và 30 và mùng 1, nếu tháng thiếu thì ăn vào ngày 27, 28, 29); số ít người khác ăn chay theo tháng (tháng Bảy âm lịch, hoặc tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười); thậm chí có trường hợp ăn chay trường giống như những người xuất gia. Như vậy, vấn đề ăn chay của tăng ni, phật tử theo truyền thống của Phật giáo là một giải pháp hữu ích đối với môi trường. Ngoài những tác dụng về mặt sức khỏe, là cách tốt nhất để thực hiện giáo lí nhà Phật, ăn chay còn giúp cải tạo và cân bằng môi trường sống. Việc hạn chế và không sử dụng những sản phẩm từ động vật sẽ giúp một số loài tránh khỏi nguy cơ diệt chủng. Thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa trong sinh hoạt và sản xuất cũng là cách bảo vệ môi trường sinh thái thiết thực và hiệu quả. Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, quốc gia, của xã hội và cuộc sống trên trái đất. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, cả nước thải ra khoảng 18 nghìn tấn rác thải nhựa. Riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Từ chỗ tiện lợi dùng xong rồi bỏ đi, lượng túi ni lông, đồ nhựa như hộp xốp, ống hút không phân hủy… ngày một gia tăng, đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Với đặc tính khó phân hủy trong tự nhiên, túi ni lông, rác
  12. 272 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... thải nhựa cùng các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội, sức khỏe con người. Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa đang được các cấp Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội triển khai mạnh mẽ. Các phong trào như: Nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon dùng một lần; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước… được triển khai sâu rộng đến tất cả các cơ sở thờ tự của Giáo hội. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội cũng chủ trương, kêu gọi chư tôn đức tăng, ni, phật tử thuộc Phật giáo thành phố không sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần, ngay cả những buổi hội họp, lễ hội Phật giáo hay tại các tự viện cũng cần hạn chế tối đa dùng đồ nhựa sử dụng một lần nhằm bảo vệ môi trường. Đặc biệt, không sử dụng chất liệu nhựa trong các lễ hội “hoa đăng”, tránh gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường nước. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho tăng, ni, phật tử và người dân ở cộng đồng tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, biết tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng sinh học và sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái cũng là hoạt động thường xuyên của các các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nôi, nhất là khu vực ngoại thành. Hà Nội hiện nay là thành phố lớn thứ hai của cả nước về dân số và thứ 39 về diện tích. Trong đó diện tích về nông nghiệp chiếm hơn 60%, quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, trong đó đặt biệt là vấn đề bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của các huyện ngoại thành Hà Nội liên tục gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, cơ cấu cây trồng chuyển dần theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành; quy hoạch nhiều vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo năng suất, chất lượng cao, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Tuy nhiên, đằng sau những vụ mùa bội thu cũng đặt ra những lo ngại về việc quá lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây “bức tử” đồng ruộng. Thực tế hiện nay, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở hầu hết các loại cây trồng của người nông dân đang là hồi chuông báo động toàn thể cộng đồng. Nếu trước đây, thuốc chủ yếu sử dụng cho cây lúa thì ngày nay còn được sử dụng phổ biến trên cây rau
  13. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 273 và nhiều loại cây trồng khác. Việc xử lý bao bì chưa được cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh và nông dân quan tâm. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến ô nhiễm chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật, về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Kế thừa truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hà Nội luôn tích cực vận động Tăng, Ni, phật tử tham gia các hoạt động về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Tuyên truyền giáo hóa cho Tăng, Ni, Phật tử tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phải biết tôn trọng và bảo hộ sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái. Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, mà sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày. Trong quá trình tuyên truyền, vận động trong tổ chức sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây ra những tác nhân làm tăng biến đổi khí hậu, nổi lên những mô hình tiêu biểu như hoạt động của chùa Trung Hậu. Chùa Trung Hậu đóng trên địa bàn xã Tiền Phong - Mê Linh - Hà Nội. Tiền Phong là xã có diện tích trồng rau xanh lớn của huyện Mê Linh, Hà Nội (hơn 250 ha đất canh tác). Trước đây, cứ đi gần đến bờ ruộng là bắt gặp la liệt những bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng thời gian gần đây, những hình ảnh phản cảm đó hầu như không còn. Nhiều người dân đã tự giác thu gom các vỏ thuốc đưa đi xử lý. Ý thức của người dân thay đổi phần nhiều là nhờ hoạt động tuyên truyền của Thượng tọa Thích Chiếu Tạng trụ trì chùa Trung Hậu. Sau mỗi buổi thuyết pháp, Thượng tọa đều dành thời gian trao đổi, trích dẫn những lời kinh của Phật với phật tử về bảo vệ môi trường. Thượng tọa cùng các chư tăng nói rõ, khi vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật xuống đất, chất độc cũng sẽ tồn dư ở trong lòng đất hàng chục năm, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Cùng với việc tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân nhà chùa gương mẫu trồng nhiều cây xanh, lắp đặt hơn 30 thùng rác để phục vụ nhu cầu của bà con, gìn giữ cảnh quan môi trường. Một hoạt động góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giảm hiệu ứng nhà kính) đó là các mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đai tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện để hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch.
  14. 274 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho thủ đô. Trước tình hình đó, chính quyền ở một số địa phương ngoại thành ven đô đã kết hợp với nhiều các lượng lực trong xã hội, trong đó có vai trò không nhỏ của Giáo hội Phật giáo Hà Nội tại các huyện ngoại thành, tuyên truyền, vận động và giáo dục nhân dân triển khai mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ. Đồng thời, tận dụng rơm rạ làm sản phẩm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi, làm giá thể trồng trọt... Việc này góp phần xử lý triệt để tồn dư rác thải sau thu hoạch, tạo ra môi trường xanh sạch, đẹp không ô nhiễm khói bụi, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Là một tôn giáo lâu đời và có số lượng tín đồ đông đảo, Phật giáo Hà Nội đã đóng vai trò tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên. Bằng nhiều những biện pháp cụ thể như đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tăng, ni, phật tử về ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng môi trường sinh thái… Phật giáo Hà Nội đã góp phần làm giảm sức ép vào môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. 4. Kết luận An sinh xã hội liên quan mật thiết đến nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế, ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu. Do vậy, xã hội muốn bảo đảm quyền con người về quyền được bảo đảm an sinh xã hôi thì một trong những vấn đề rất cơ bản, cấp thiết đối với toàn xã hội, với mỗi địa phương, gia đình và từng cá nhân trong xã hội là phải thực hiện trách nhiệm, cao hơn là nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của muôn loài. Cho nên trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội luôn luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở các cộng đồng dân cư. Kết quả hoạt động của Giáo hội còn khiêm tốn và trong phạm vi tuyên truyền, giáo dục là chính, nhưng cũng đóng góp phần nào về lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường. Đó cũng là thực hành lời Phật dạy và thực hiện phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  15. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 275 T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Thích Nhuận Đạt (dịch) (2010), Đạo Phật và Môi Trường, Nxb. Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh. 2. Thích Nguyên Hiệp (2010), (Thích Nhất Hạnh dịch) Kinh Từ Bi, Nxb. Thuận hóa. 3. Nguyễn Thọ Nhân, (2009), Ăn chay chống lại biến đổi khí hậu, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh. 4. Nguyễn Thị Phương Thảo, “Phát huy vai trò của Phật giáo đối với việc bảo vệ môi trường tự nhiên tại huyện Đông Anh thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 10, năm 2019. 5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ban công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Đánh giá thực trạng môi trường của thành phố Hà Nội, 2017. 6. https://baovemoitruong.org.vn/bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-tieng-tai-ha-noi/ 7. https://bvhttdl.gov.vn/khuyen-nghi-khong-dot-do-ma-vang-ma- trong-cac-co-so- tho-tu-di-tich-va-le-hoichuyen-bien-tu-nhan-thuc-den-hanh- dong20191024091349218.htm. 8. http://mattran.org.vn/hoat-dong/bieu-duong-phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton- giao-tham-gia-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-28357.html. 9. https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/5-dot-o-nhiem- bui-min-o-ha-noi-hoc-sinh-duoc-nghi-trong-ngay-khong-khi-nguy-hai-20618.htm. 10. http://sovhtt.hanoi.gov.vn/lan-toa-nep-song-van-minh-trong-viec-tang-tren-dia- ban-tp-ha-noi/. 11. Tài liệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cung cấp. Nguồn tư liệu thu thập được qua các đợt đi điền dã tại các chùa: Quán Sứ (Hoàn Kiếm), chùa Bà Đá (Hoàn Kiếm), Trấn Quốc (Tây Hồ), Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng), Vạn Phúc (Sóc Sơn), Trung Hậu (Mê Linh), Đào Thục (Đông Anh).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2