MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài Luận án<br />
Những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu, rộng và trải khắp mọi<br />
lĩnh vực kể từ khi Việt Nam kết thúc đàm phán và tiến hành triển khai nhiều hiệp định<br />
thương mại tự do quan trọng với Hàn Quốc; Liên minh Châu Âu (EU); liên minh thuế<br />
quan Nga - Bêlarut - Kazắctan; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình<br />
Dương (CPTPP)... Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang<br />
lại rất nhiều lợi ích đối với thương mại Việt Nam: tác động tích cực đến việc tăng thêm<br />
khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực; thay đổi cơ cấu sản phẩm<br />
xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, nâng cao cả về chất lượng và giá trị; gia tăng năng<br />
lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu; tác động tích cực đến việc mở rộng thị phần của<br />
hàng hóa Việt Nam trên các thị trường có liên quan, thể hiện rõ nhất là tại các nước<br />
ASEAN thành viên, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang<br />
lại thì việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra không ít<br />
thách thức đối với Việt Nam như việc các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị thua thiệt trong<br />
kinh doanh, Việt Nam trở nên lệ thuộc vào các nước phát triển về thị trường, thiết bị<br />
máy móc và công nghệ.<br />
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo được cho rằng là một trong<br />
các trụ cột phát triển của cả nền kinh tế. Phát triển ngành công nghiệp chế biến và chế<br />
tạo sẽ giúp các quốc gia phát triển bền vững trong tương lai. Công nghiệp chế biến và<br />
chế tạo phát triển sẽ giúp quốc gia tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, tăng trưởng<br />
GDP, tăng cường phát triển kinh tế nhờ tăng trưởng thặng dư thương mại, giúp các quốc<br />
gia thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhanh và mạnh hơn. Tính chung<br />
cả năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với năm 2016, cao<br />
hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016. Trong các ngành công nghiệp, ngành<br />
chế biến và chế tạo tăng 14,5% (mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại đây), đóng<br />
góp lớn nhất vào tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp với 10,2 điểm phần trăm.<br />
Trong thời gian qua, mặc dù ngành công nghiệp chế biến và chế tạo Việt Nam đã<br />
đạt được những thành tựu đáng khích lệ kể trên nhưng thực tế chúng ta vẫn chỉ đảm<br />
nhận những khâu công việc đơn giản, chủ yếu sử dụng lao động có tay nghề thấp nên<br />
lợi nhuận không cao, bị lệ thuộc nhiều vào bên ngoài. Theo số liệu của Phòng Thương<br />
mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam<br />
trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong<br />
khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, mới chỉ 36% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào<br />
1<br />
<br />
mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở<br />
Malaysia, Thái Lan là khoảng 60%. Thực trạng trên cho thấy chuỗi cung ứng ở nền kinh<br />
tế Việt Nam bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư<br />
nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Theo<br />
VCCI, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do Việt Nam chỉ có khoảng 4% doanh<br />
nghiệp lớn và vừa trong tổng số doanh nghiệp nên năng lực cạnh tranh, tham gia vào<br />
chuỗi cung ứng thấp và chỉ hướng vào thị trường trong nước.<br />
Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn hiện đang đổ vốn đầu tư lớn vào các<br />
nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tiến hành tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa nhằm<br />
mục đích cắt giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian lưu kho và tăng tỉ lệ nội địa hóa của<br />
sản phẩm để hạ giá thành, tăng cường khả năng cạnh tranh và tận dụng lợi thế của các<br />
hiệp định thương mại tự do (CPTPP, AEC,…). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với<br />
các tập đoàn này vẫn là việc tìm được đơn vị cung ứng trong nước đủ năng lực về sản<br />
lượng, chất lượng cũng như tiến độ để trở thành nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn<br />
nước ngoài này. Một ví dụ điển hình là trường hợp của công ty Fuji Xerox Hải Phòng<br />
đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy in, máy in màu và máy in phức hợp tại Khu công<br />
nghiệp Việt Nam - Singapore tại Hải Phòng với số vốn 9 tỷ Yên cho rằng không thể có<br />
cách nào tìm được một nhà cung ứng nội địa đạt tiêu chuẩn. Hay một trường hợp khác<br />
là Tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện tử Samsung tìm kiếm doanh nghiệp Việt<br />
Nam sản xuất vỏ điện thoại, ốc vít, xạc điện thoại - những bộ phận rất cơ bản của sản<br />
phẩm - cho hai nhà máy lắp ráp điện thoại nhưng hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều<br />
thừa nhận chưa thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện cung cấp khắt khe do tập đoàn đặt ra,<br />
vì vậy Samsung đang có kế hoạch đưa thêm 200 nhà cung ứng nước ngoài vào Việt Nam<br />
để hỗ trợ cho công ty này.<br />
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì Việt Nam đang được xem<br />
là có triển vọng cao trong việc trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới.<br />
Nhận định này xuất phát từ các lý do sau: Thứ nhất, Việt Nam nằm trên trục giao thương<br />
quốc tế, thuận lợi để phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quy mô lớn. Thứ hai, Việt<br />
Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu<br />
vực. Thứ ba, hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định so<br />
với các trung tâm chế tạo khác trong khu vực. Thứ tư, hoạt động xuất khẩu của các<br />
doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng rất khả quan. Thứ năm,<br />
Việt Nam đang ở ngưỡng dân số vàng với một lực lượng lao động dồi dào, trẻ và chi<br />
phí thấp trong mối tương quan với các nước trong khu vực. Cuối cùng, dòng vốn đầu tư<br />
<br />
2<br />
<br />
quốc tế đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó<br />
có Việt Nam.<br />
Song, cho tới nay, mặc dù ở Việt Nam đã có nhiều các nghiên cứu về chuỗi cung<br />
ứng như Huỳnh Thị Thu Sương (2013) tìm hiểu về những yếu tố tác động đến việc phối<br />
hợp trong chuỗi đồ gỗ ở vùng Đông Nam Bộ; Đoàn Thị Hồng Vân và cộng sự (2011) đi<br />
sâu vào chuỗi cung ứng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (đồ gỗ, cà phê, dệt may);<br />
Đỗ Thị Đông (2011) phân tích chuỗi giá trị và tổ chức quan hệ liên kết của các doanh<br />
nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam; Nguyễn Thành Hiếu và cộng sự (2015) nghiên cứu<br />
sự hợp tác của các bộ phận cung ứng nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của<br />
doanh nghiệp… nhưng chưa có một nghiên cứu nào đánh giá mức độ tác động của những<br />
nhân tố cản trở sự tham gia của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến và chế<br />
tạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để trên cơ sở đó sẽ giúp các cơ quan nhà<br />
nước có cái nhìn thấu đáo hơn và có những định hướng, quyết sách thuận lợi hơn nhằm<br />
hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng; cũng như giúp các doanh<br />
nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo nhìn nhận lại được chính<br />
bản thân mình, nhận ra và khắc phục được những thiếu sót, hạn chế mà mình đang mắc<br />
phải và tăng cường những lợi thế mình đang có nhằm mục tiêu giành được thế chủ động<br />
trong kinh doanh, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu được lợi nhuận cao,<br />
giúp cho ngành công nghiệp chế biến và chế tạo Việt Nam phát triển bền vững, góp<br />
phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thương trường quốc tế… Góp phần giải quyết vấn<br />
đề này, tác giả đã lựa chọn đề tài “Nhân tố cản trở tham gia vào chuỗi cung ứng toàn<br />
cầu của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo ở Việt Nam”<br />
để nghiên cứu.<br />
<br />
2. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài<br />
Trên thế giới, có rất nhiều công trình nghiên cứu đã làm rõ lý luận về những nhân<br />
tố ảnh hưởng đến việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng đã minh chứng<br />
cho các luận giải đó bằng các nghiên cứu thực nghiệm cho nhiều trường hợp của nhiều<br />
nước khác nhau. Khi nghiên cứu về các yếu tố tác động đến việc tham gia chuỗi cung<br />
ứng toàn cầu của các doanh nghiệp trên quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, đa<br />
phần các tác giả đều có tiếp cận xem xét các yếu tố này trên cả 2 mặt (thuận và nghịch)<br />
bao gồm mặt thúc đẩy và mặt cản trở. Từ đó xem xét tác động tích cực của mặt thúc đẩy<br />
và tác động tiêu cực của mặt cản trở. Tuy nhiên, dù một yếu tố nào đó có thể được xem<br />
xét ở cả hai mặt nhưng rõ ràng ở mỗi một yếu tố đó sẽ có một khía cạnh ảnh hưởng<br />
mang tính thúc đẩy hoặc mang tính cản trở nổi trội hơn khía cạnh còn lại.<br />
<br />
3<br />
<br />
Nhiều nghiên cứu và thực tiễn ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã chỉ ra có<br />
rất nhiều những nhân tố cản trở đối với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nói<br />
chung. Đi sâu vào phân tích thị trường Đông Á, Harvie (2010) đã tổng hợp từ các nghiên<br />
cứu trước đó và đưa ra danh sách các nhân tố gây nhiều cản trở đến hoạt động sản xuất<br />
và kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đó là: Khả năng tiếp cận đất đai; Khả năng<br />
tiếp cận vốn; Chi phí theo quy định; Khuôn khổ pháp lý; Khả năng tiếp cận công nghệ,<br />
thông tin, thị trường và các dịch vụ trợ giúp doanh nghiệp; Cạnh tranh quốc tế; Chi phí<br />
vận chuyển tương đối cao; Chi phí kiểm định; Thất bại của thị trường; Các vấn đề liên<br />
quan đến thuế của công ty tư nhân; Nguồn nhân lực trình độ cao; Huấn luyện và đào tạo<br />
cấp độ công ty; Quan điểm của xã hội; Cơ sở hạ tầng; Chi phí của việc trở thành chính<br />
thức chứ không còn là duy trì không chính thức; Sự phân biệt.<br />
Tập trung vào phân tích sự tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, nhiều<br />
nhà nghiên cứu trong thời gian qua dành nhiều thời gian và công sức trong việc phân<br />
tích và nhận định các nhân tố tác động. Tuy nhiên, theo Kamal và Irani (2014) thì tính<br />
đến nay, dường như chưa có sự thống nhất về việc khẳng định những nhân tố tác động<br />
(tích cực và tiêu cực) đến sự tham gia vào chuỗi cung ứng bởi sự không đồng nhất của<br />
các nền kinh tế. Alfalla – Luque và cộng sự (2013) đã đưa ra một khung khái niệm dựa<br />
trên việc tổng quan lý thuyết các nghiên cứu về sự tham gia chuỗi cung ứng và đã hỗ trợ<br />
cho các nhà nghiên cứu chuỗi cung ứng hiểu rõ hơn các biến số và nhân tố khác nhau<br />
của chuỗi cung ứng thông qua các nghiên cứu định lượng. Tuy nhiên, các biến số và<br />
phạm vi trong khung nghiên cứu của họ đã được nghiên cứu bởi rất nhiều tác giả trước<br />
đấy (Swink và cộng sự, 2007) và có hạn chế là có ít biến số tích cực. Phân tích của<br />
Kamal và Irani (2014) đã phân chia các nhân tố tác động thành bảy nhóm đó là Chiến<br />
lược, Quản lý, Tổ chức, Điều hành; Kỹ thuật; Tài chính và Môi trường kinh doanh.<br />
Trong khi đó, theo quan điểm và nghiên cứu của Kamal và Irani (2014), bốn nhân tố<br />
gây cản trở nhiều đến sự tham gia chuỗi cung ứng có thể là Hạn chế về hạ tầng công<br />
nghệ thông tin; Hạn chế về nguồn lực kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức; Ngại thay đổi;<br />
Thiếu hụt về nguồn nhân lực có kinh nghiệm.<br />
Nhiều nhà khoa học đã tập trung vào việc xác định và phân tích các nhân tố tác<br />
động đến sự tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, ví dụ: quy mô doanh nghiệp<br />
(Pagell, 2004), đối tác chiến lược (Ramanathana và Gunasekaran, 2012), sự phụ thuộc<br />
lẫn nhau trong chuỗi cung ứng (Vachon và Klassen, 2006), sự phối hợp và liên lạc hiệu<br />
quả (Paulraj và cộng sự, 2008). Tuy nhiên có rất ít nghiên cứu liệt kê được một danh<br />
sách hoàn chỉnh những nhân tố. Một trong số rất ít các nghiên cứu hiện có đó là của<br />
Bernon và cộng sự (2013) đã đưa ra một danh sách các lợi ích tập trung xoay quanh mối<br />
4<br />
<br />
liên hệ giữa việc tham gia chuỗi cung ứng và hiệu quả trong quá trình sản xuất – kinh<br />
doanh của đơn vị tham gia chuỗi, ví dụ: cho phép các bên tham gia chuỗi nâng cao quy<br />
trình liên kết sản xuất, tiết kiệm thời gian, giảm lượng hàng tồn kho, nâng cao chất lượng<br />
dịch vụ khách hàng, đầu ra của sản phẩm và tăng cường thông tin. Sau đấy, Pagell<br />
(2004) cung cấp và làm rõ hơn những nhân tố gây ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến<br />
sự tham gia chuỗi cung ứng (trong hoạt động vận hành, mua sắm, hậu cần), ví dụ như<br />
hiệu quả hoạt động được cải thiện, sự hỗ trợ của ban quản lý cấp cao, phát triển sản<br />
phẩm và thông tin liên lạc được nâng cao. Một số nghiên cứu đã làm rõ các nhân tố khác<br />
nhau thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng. Chen và cộng sự (2013) khẳng định rằng trong<br />
số rất nhiều những nhân tố đã được chỉ ra thì nổi bật lên là ba nhân tố: trình độ công<br />
nghệ thông tin (IT), sự trao đổi kiến thức và niềm tin giữa các thành viên trong chuỗi<br />
cung ứng. Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào nghiên cứu các nhân tố tác động<br />
tích cực đến việc tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng có một số nghiên cứu tập trung<br />
vào những nhân tố gây trở ngại đến sự tham gia chuỗi cung ứng, chẳng hạn như sự thiếu<br />
vắng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin thống nhất (Khare và cộng sự, 2012), hiệu<br />
ứng bullwhip1 (Vanpoucke và cộng sự, 2009) và trở ngại sự thay đổi (Hertz, 2006).<br />
Những nhân tố gây ảnh hưởng tích cực nhất đến sự tham gia chuỗi cung ứng đó là hiệu<br />
suất doanh nghiệp cải thiện, chia sẻ thông tin, lợi thế cạnh tranh, sự nâng cao giao tiếp<br />
và sự thuận tiện và hiệu quả của các nguồn lực.<br />
Có rất ít các công trình nghiên cứu khai thác một cách trực diện vào mối liên hệ<br />
giữa các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu (Harvie và cộng sự, 2010; Rasiah và<br />
cộng sự, 2010). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các điểm đặc trưng của doanh nghiệp<br />
trong các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo khác nhau là rất không giống nhau.<br />
Những doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu hay mạng lưới sản xuất thường lớn hơn,<br />
hiệu quả hơn và có các kĩ năng khác tốt hơn so với các doanh nghiệp khác. Những<br />
nghiên cứu liên quan sẽ được thảo luận dưới đây nhằm hình thành nên các giả thuyết<br />
cho luận án.<br />
Ở trong nước, đã có nhiều nghiên cứu về chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng, lĩnh<br />
vực, ngành nghề khác nhau như chuỗi dệt may, chuỗi cá ba sa, chuỗi cung ứng điện tử,<br />
chuỗi cung ứng cà phê, chuỗi cung ứng đồ gỗ… (Huỳnh Thị Thu Sương, 2013; Đoàn<br />
Thị Hồng Vân và cộng sự, 2011; Đỗ Thị Đông, 2011; Nguyễn Thành Hiếu và cộng sự,<br />
2015;…). Các nghiên cứu này đã làm sâu sắc thêm lý luận và thực tiễn về chuỗi cung<br />
1<br />
<br />
Hiện tượng này xuất hiện trong quá trình dự đoán nhu cầu của các kênh phân phối trong Chuỗi cung ứng. Biểu<br />
hiện cụ thể là thông tin về nhu cầu thị trường cho một sản phẩm bị bóp méo hay khuếch đại lên qua các khâu.<br />
Điều này dẫn đến sự dư thừa tồn kho, ảnh hưởng đến chính sách giá và tạo ra các phản ánh không chính xác<br />
trong nhu cầu thị trường.<br />
<br />
5<br />
<br />