Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm thơ và từ Đào Tấn
lượt xem 7
download
Mời các bạn cùng nắm bắt những nội dung về Đào Tấn – con người, thời đại và sự nghiệp sáng tác; những đặc điểm chính trong nội dung thơ và từ Đào Tấn; những đặc điểm chính trong nghệ thuật thơ và từ Đào Tấn thông qua luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm thơ và từ Đào Tấn sau đây.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm thơ và từ Đào Tấn
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH _____________________ Phạm Thị Hồng Duyên ĐẶC ĐIỂM THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Phạm Thị Hồng Duyên ĐẶC ĐIỂM THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS ĐOÀN THỊ THU VÂN Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
- MỤC LỤC Trang phụ bìa .............................................................................................................. 1 Mục lục DẪN NHẬP ................................................................................................................ 1 Chương 1: ĐÀO TẤN – CON NGƯỜI, THỜI ĐẠI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC .....11 1.1. Con người và thời đại ......................................................................................... 11 1.1.1. Con người .............................................................................................. 11 1.1.2. Thời đại.................................................................................................. 24 1.2. Sự nghiệp sáng tác ....................................................................................... 29 1.2.1. Kịch bản tuồng ...................................................................................... 29 1.2.2. Thơ và Từ khúc ..................................................................................... 35 Chương 2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH TRONG NỘI DUNG THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN ............................................................................................. 37 2.1. Tấm lòng ưu quốc ái dân ............................................................................. 37 2.1.1. Nỗi niềm ưu tư quốc nạn ....................................................................... 37 2.1.2. Tấm lòng yêu thương nhân dân ............................................................ 49 2.2. Tâm sự lữ khách tha phương và ước vọng hoàn hương ẩn dật.................... 55 2.2.1. Nỗi niềm thương nhớ quê nhà .............................................................. 55 2.2.2. Giấc mộng hoàn hương ẩn dật .............................................................. 64 2.3. Tình yêu thiên nhiên và tình cảm thân tộc, bằng hữu .................................. 70 2.3.1. Tình yêu thiên nhiên ............................................................................. 70 2.3.2. Tình cảm thân tộc sâu nặng, thiêng liêng ............................................. 77 2.3.3. Tình bằng hữu keo sơn, thân thiết ........................................................ 90 Chương 3. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH TRONG NGHỆ THUẬT THƠ VÀ TỪ ĐÀO TẤN ...................................................................................... 94 3.1 Ngôn ngữ ...................................................................................................... 94 3.1.1 Từ ngữ .................................................................................................... 95 3.1.2 Câu thơ ................................................................................................. 104 3.2 Thể loại ....................................................................................................... 119
- 3.2.1. Thơ tứ tuyệt......................................................................................... 119 3.2.2. Từ khúc ............................................................................................... 127 3.3. Giọng điệu.................................................................................................. 133 3.3.1 Giọng trăn trở, cảm thương.................................................................. 134 3.3.2 Giọng châm biếm, phê phán ................................................................ 138 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 140 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................. 144
- 1 DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Năm 1858, giặc Pháp chính thức nổ súng tấn công nước ta, bằng thủ đoạn “tằm ăn dâu” nham hiểm, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng nhanh chóng chiếm được sáu tỉnh Nam Kì. Trong lúc đất nước khốn nguy “Nước về Phú lãng lương tiền cạn, Dân mắc cu li cốt nhục tàn”, chính quyền phong kiến nhà Nguyễn đã chẳng hết lòng cùng nhân dân chống giặc lại còn vô cùng ươn hèn và khiếp nhược khi liên tiếp kí các hiệp ước giao đất cho kẻ thù. Chẳng mấy chốc, giang sơn Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay giặc. Trước sự xâm lăng của quân Pháp và sự đầu hàng của triều Nguyễn, tầng lớp sĩ phu yêu nước đồng loạt nổi dậy lãnh đạo nhân dân chống giặc và chống chính quyền. Trong không khí sục sôi nhiệt huyết cứu quốc đó, các văn sĩ chân chính đã chọn cho họ những con đường đi khác nhau. Có người chọn con đường cứu nước, cứu dân, sẵn sàng hi sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng quê hương như Trương Định, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Trọng Trì… có người chọn con đường cáo quan về ở ẩn để giữ trọn khí tiết, kí thác bao luyến tiếc cho giang sơn hào hùng một thuở vào thơ phú như Nguyễn Khuyến, Tú Xương… và cũng có những người tuy ra làm quan với nhà Nguyễn nhưng vẫn giữ “chút lòng trinh bạch” với nước, với dân. Họ cộng tác với triều đình chẳng qua là vì chưa thể thoát khỏi sự ràng buộc cố hữu của Nho gia về lí tưởng trung quân: mọi việc trên thế gian đều do ý Trời quyết định, Trời giao phó tất cả cho vua – người mang chân mệnh thiên tử – “thế thiên hành đạo”, mọi sự phải trái vua chịu trách nhiệm với trời, còn nghĩa vụ của kẻ sĩ là phải lo sao cho trọn đạo “quân thần”. Bề ngoài, họ lãnh đạm giữ những chức vụ quan trọng trong triều nhưng bên trong, họ đau buồn, tủi nhục trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân rên xiết dưới làn mưa đạn của kẻ thù... Đào Tấn là một trong số những văn sĩ như thế. Trong khi ở Bình Định, hàng loạt nghĩa sĩ hồ hởi tham gia phong trào Cần Vương, mấy nghìn sĩ tử bỏ thi về quê tụ nghĩa đánh Tây thì Đào Tấn thêm một lần nữa, bị ngụy triều đình của
- 2 Đồng Khánh trưng tập ra kinh thành Huế. Nhìn vào sự hanh thông trên con đường hoạn lộ của Đào Tấn, có người đã từng thắc mắc: một ông quan làm đến chức Cơ mật viện đại thần, hưởng nhiều ân sủng của các triều vua từ Tự Đức đến Thành Thái, lại còn trốn tránh phong trào Cần Vương, chẳng dám chống lại kẻ thù như Đào Tấn thì có gì đáng để biện minh? Thật ra, khi đánh giá một con người chúng ta “không nên dùng cái thước đo giữa họ với mình” (K. Marx), không thể chỉ căn cứ vào những hành động, biểu hiện bề ngoài của họ. Đào Tấn làm một ông quan to, áo mũ xênh xang nhưng trước sau ông không có hành động phản nước, hại dân và trong ông quan to ấy lại là một người dân nô lệ ôm nỗi đau đất nước tang thương, nhân dân điêu linh, một nhà Nho yêu nước, yêu dân nhưng ngơ ngác, bơ vơ, trĩu nặng những giằng xé về hai chữ trung quân trong cơn sóng gió của thời đại. Hơn nữa, theo đồng bào Bình Định, Đào Tấn thăng quan tiến chức nhanh là nhờ tiếng hay chữ và tiếng làm nghệ sĩ (thầy tuồng) hơn là vì làm “việc quan” giỏi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh đã từng nói, đại ý: để tìm hiểu tư tưởng của một con người, đặc biệt là người nghệ sĩ, người ta có thể căn cứ vào thành phần của anh ta, vào những lời anh ta phát biểu đây đó, trong gia đình hay ngoài xã hội, vào những tác phẩm chính luận nhưng “phần tư tưởng sâu kín và trung thực nhất của anh ta, phần có sức thuyết phục nhất đối với người đọc lại nằm ngay trong tác phẩm nghệ thuật”. Điều đó đúng với tất cả mọi nghệ sĩ và đúng với Đào Tấn. Vị “trạng nguyên tuồng hát” (Nguyễn Hiến Dĩnh) ấy không có những tác phẩm chính luận đanh thép, hùng hồn nhưng ông gói trọn tấc lòng ưu quân ái quốc, nỗi sầu thương đất nước nô lệ, nhân dân cơ cực, lầm than trong rất nhiều kịch bản tuồng, hàng trăm bài thơ, từ, văn biểu. Với hàng chục vở tuồng xuất sắc đã sáng tác, nhuận sắc và những đóng góp to lớn cho sự phát triển nghệ thuật tuồng, Đào Tấn được người đời yêu mến, kính trọng và tôn phong là hậu tổ của nghệ thuật hát bội. Nhưng, bên cạnh vị thế tác giả xuất sắc của hàng chục kịch bản tuồng nổi tiếng, ông còn được người đời xưng tụng với cương vị nhà thơ, “nhà viết từ khúc lỗi lạc” (Đỗ Văn Hỷ). Tìm hiểu thơ và từ Đào Tấn, chúng ta không chỉ có cái nhìn trọn vẹn hơn về con người, nhân cách, tư tưởng và tâm hồn “mai hoa” cao quý của nhà thơ, hiểu
- 3 thêm nỗi lòng, tâm trạng của một vị quan chính trực, có “đủ lương tri trí tuệ sáng suốt để thấy rõ kẻ thù chủ yếu của mình nhưng bất lực và bế tắc trong một thời kì hoàn toàn bế tắc” [52,231] mà còn thấy được bút pháp tinh tế, uyển chuyển, tài hoa của tác giả khi sáng tác thơ ca và từ khúc. Đó cũng là lí do người viết chọn đề tài “Đặc điểm thơ và từ Đào Tấn”. 2. Lịch sử vấn đề Nghiên cứu về Đào Tấn và sự nghiệp văn chương của ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và không ít các bài phê bình, đánh giá. Đặc biệt, tháng 12 năm 1977, Ty Văn hóa và Thông Tin Nghĩa Bình đã tổ chức hội nghị khoa học nghiên cứu nghệ thuật tuồng Đào Tấn để làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của tác giả, qua đó đánh giá toàn bộ con người và sự nghiệp của một nghệ sĩ lớn trót sinh vào thời đại mà “mọi điều đều đảo ngược” (Bế Kiến Quốc). Trong các bản tham luận đó, bên cạnh những bản tập trung tìm hiểu tâm trạng Đào Tấn qua các vở tuồng, nghiên cứu về nghệ thuật tuồng Đào Tấn nói chung cũng như đi sâu phân tích từng vở tuồng nói riêng để xác định tiếng nói nhân đạo hay tâm trạng bế tắc, bi phẫn của nhà soạn giả lỗi lạc còn có những bản tham luận nghiên cứu và đánh giá về thơ và từ khúc của Đào Tấn. Trong bài “Tìm hiểu Đào Tấn” (Kỷ yếu hội nghị Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình), Xuân Diệu tỏ ra đặc biệt quan tâm đến từ khúc của Đào Tấn. “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” cho rằng “người viết tuồng Đào Tấn và người làm từ khúc Đào Tấn là một, có người tâm hồn bên trong dào dạt mà viết từ, mới có người hành động xã hội bằng viết tuồng. Người viết tuồng Đào Tấn phấn đấu để viết tuồng cho tốt, cho có tác dụng xã hội, đồng thời người làm từ Đào Tấn lắng nghe tâm hồn mình, tâm trạng mình... ”. Qua việc giới thiệu một số bài từ, chỉ ra nội dung của từ Đào Tấn (“những tâm tình, tình cảm của một con người đứng trước thiên nhiên, trước xã hội và nhất là trước cái thực tiễn có thật là bản thân tâm trạng của mình”,“nói đến cao độ cái buồn đau của mình” [11,242]), đánh giá về “không khí nhạc điệu tâm tình” các bài từ, Xuân Diệu có nhận định “Từ của Đào Tấn báo hiệu chủ nghĩa lãng mạn” [11, 242].
- 4 Tác giả Thu Hoài trong bản tham luận “Đất nước và tâm trạng Đào Tấn qua một số thơ và từ” (Kỷ yếu hội nghị Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình) cũng đưa ra một số nội dung cơ bản của thơ và từ Đào Tấn như ghi lại hiện tình đất nước (ở nơi kinh thành và quê hương Quy Nhơn của tác giả) trong những năm cuối thế kỉ XIX, thể hiện nỗi buồn, sự băn khoăn, nỗi cô đơn, sự bế tắc trong tư tưởng của nhà thơ, phản ánh tấm lòng yêu thương, trân trọng nhân dân lao động của vị “quan to song lại lắm phen thăng trầm”: “Thi sĩ rất mực yêu con người, tình ông thăm thẳm đậm đà, mọi vật dưới ngòi bút ông đều sinh động, đáng yêu như một tâm hồn quyến rũ” [16,443], thể hiện “khối mâu thuẫn lớn trong ý thức hệ của bản thân tác giả” [16,446] Ngoài ra, còn có một số nội dung được tác giả Thu Hoài nhắc đến như tình cảm bè bạn, tình cảm với người vợ hiền. Trong phần cuối bản tham luận của mình, tác giả bài viết đã đưa ra một nhận định về thơ và từ của cụ Đào: “Con người trong thơ chữ Hán của ông đã bắt đầu có cá tính, thế giới nội tâm đã được miêu tả, tái hiện trung thực và đa dạng. Trước kia Phạm Thái đã viết từ, song phải đến Đào Tấn, từ mới được sử dụng một cách uyển chuyển tài tình” [16,449]. Cũng tại hội nghị khoa học nghiên cứu nghệ thuật tuồng Đào Tấn năm 1977, tác giả Lê Xuân Lít đã trình bày những nghiên cứu của mình về nỗi lòng cụ Đào qua những trang thơ và từ viết về đề tài mùa xuân. Trong bản tham luận “Mùa xuân trong thơ và từ của Đào Tấn”, tác giả đã viết: “Đào Tấn mong đừng thay đổi ước mơ hay đúng hơn là đừng thay lòng. Nhưng thực tại bộc con người lúc ấy phải thay lòng, nếu không mọi ước mơ đều bị tan vỡ. Cái bi kịch của tâm trạng nhà thơ họ Đào là chỗ ấy.” [26,433] Nhà nghiên cứu Hồ Đắc Bích với bản tham luận “Đào Tấn qua thơ, từ và kịch bản tuồng” (Kỷ yếu hội nghị Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình) cũng đã đưa ra một số ý kiến của mình về con người và một vài nội dung cơ bản trong thơ và từ của Đào Tấn. Theo tác giả, “khi được đi ra ngoài (ra khỏi bốn bức tường của thư phòng), được tiếp xúc với thực tế, khi phải gánh vác vai trò phụ mẫu chi dân” tư tưởng của Đào Tấn đã có sự chuyển
- 5 đổi từ việc coi “ý vua là ý trời”, ca ngợi chính sách “dĩ hòa vi quý” của triều đình trước thủ đoạn tằm ăn dâu của thực dân Pháp” sang băn khoăn, chông chênh với tư tưởng trung quân. “Ông cảm thấy buồn cùng cái buồn của quê hương […] buồn cái buồn của đất nước […] và Đào Tấn suy nghĩ về trách nhiệm của mình trước cảnh đau buồn ấy” [3,169]. Tất cả những tâm sự, phiền muộn, những day dứt, trăn trở ấy được Đào Tấn kí gửi trong cả tuồng cũng như thơ, từ khúc. Ở bài viết “Thơ Đào Tấn” đăng trên báo Đại đoàn kết số 45 năm 1977, qua việc phân tích một số bài thơ trong “Mộng Mai từ lục”, tác giả Hồ Sĩ Hiệp đã giới thiệu khái quát cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn. Trong bài viết của mình tác giả cũng khẳng định rằng, mặc dù Đào Tấn không tham gia phong trào Cần Vương, nhưng ông đã tỏ ra có cảm tình với cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng, Phan Đình Phùng, với phong trào yêu nước do Phan Bội Châu đề xướng. Tuy làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, thậm chí là một ông quan to được vua và triều thần trọng vọng nhưng trong một số bài thơ, tâm trạng u uất đối với thực trạng đất nước và tấm lòng yêu nước sâu kín của nhà thơ được bộc lộ rõ rệt. Đó cũng là tâm sự chung của các nhà thơ yêu nước đương thời. Năm 1978, nhà thơ Xuân Diệu một lần nữa nói đến một số nội dung của thơ và từ của Đào Tấn với bài viết “Tìm hiểu nhà thơ Đào Tấn” (Tạp chí văn học, số 1). Theo Xuân Diệu, “Có một số bài thơ (và câu đối) của Đào Tấn phản ánh cái chí, cái hoài bão của mình bắt nguồn từ thái độ ẩn sâu của Đào Tấn”. Qua phân tích bài thơ “Đề Chùa Ông Núi” của Đào Tấn, nhà thơ họ Ngô cho rằng: “Tâm trí ông (Đào Tấn) dập dồi giữa hai đường đi, hai thái cực: con đường đẹp nhất cao cả nhất là đi cứu nước, chống địch, và con đường lẩn tránh, ẩn náu là đi tu”. Cũng trong bài viết này, Xuân Diệu đã khẳng định: Từ chính là “nhật kí tâm hồn” của Đào Tấn và “Hai từ chính của từ khúc họ Đào, là “Thậm cảm hưng vong việc nước nhà” và nỗi buồn thân thế […] thân thế đây là cái thân thế hoài bão, thân thế ý chí, xét về mặt ấy thì Đào Tấn mãi mãi lênh đênh”. [7] Tác giả Hồ Sĩ Vịnh cũng đưa ra một số nhận định cá nhân về thơ và từ Đào Tấn trong bài viết “Thơ và từ của Đào Tấn – mấy cảm nhận” trên báo Khoa học
- 6 xã hội, Số 33, năm 1997. Theo tác giả, có “hai nội dung chính thường lặp đi lặp lại trong từ của Đào Tấn, đó là: Nặng lòng cảm hoài về số phận hưng vong của đất nước trước thảm kịch mới của lịch sử và nỗi buồn của đấng nam nhi chưa làm tròn phận sự”. Ngoài ra, bài viết cũng điểm qua vài nét về nghệ thuật trong một số bài thơ của cụ Đào: “Thơ Đào Tấn có nhiều bài như một bức tranh, một bức tranh có một nét chấm phá. Người ta tổng kết thơ Trung Hoa có đặc điểm “thi trung hữu họa”, có lẽ cũng đúng với nhà thơ họ Đào […] Nhân vật trữ tình trong thơ Đào Tấn thường nói ít, im lặng nhiều. Dường như nhà thơ cố tình để “ý tại ngôn ngoại””[62]. Trên tạp chí Sông Hương, số 104 (tháng 10), năm 1997, tác giả Đặng Hiếu Trưng (cháu ngoại của Đào Tấn) đã đưa ra một vài ý kiến về thơ và từ của nhà thơ họ Đào. Ở bài viết “Cảm nhận về tâm hồn và tài năng Đào Tấn qua thơ và từ của ông”, tác giả đã nhận xét: “Về căn bản, dòng thơ ông Đào đẫm chất trữ tình. Ý thơ buồn hơn vui, dòng thơ lãng mạn và đẹp đẽ của ông đã cống hiến cho người đọc, người xem, người nghe những phút gần như xuất thần, […] những bài thơ hay như những món bổ dưỡng tinh thần” [60] Tác giả Trường Lưu với bài viết “Thơ Đào Tấn và nỗi lòng ưu thời mẫn thế của ông (Qua tác phẩm Mộng Mai thi tập)” trên báo Văn nghệ Bình Định, Số 30 năm 2000 cũng đã đánh giá rất cao thơ Đào Tấn. Theo tác giả, nhiều bài thơ của Đào Tấn đã “đạt đến chiều cao sâu của nghệ thuật ngôn từ” và qua việc tìm hiểu “những gì trong kho tàng văn chương của ông được công bố, chúng ta bước đầu thấy được tài nghệ và tâm sự của ông gửi gắm trong đó, và cảm động nhất là những vần thơ ưu thời mẫn thế”.[28] Ở mục “Đào Tấn” trong Từ điển Văn học (bộ mới), 2003, sau khi giới thiệu sơ lược cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của cụ Đào, Nguyễn Lộc có bàn luận về thơ và từ của ông. Tác giả viết: “Đào Tấn có một số bài thơ kín đáo ca ngợi những nhà chí sĩ yêu nước chống Pháp lúc bấy giờ như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu. Nhiều bài thơ của ông nói lên nỗi buồn sâu lắng trước cảnh đất nước ngày một rơi vào tay giặc mà mình vẫn bó tay, bất lực. Trong sáng tác thơ, Đào
- 7 Tấn sở trường về các thể từ điệu. Những bài từ của ông thường nhẹ nhàng, tình tứ, có phong cách lãng mạn khá rõ”. [27,382]. Tác giả Nguyễn Thị Ánh trong luận văn Thạc sĩ Ngữ văn “Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn” đã tập trung phân tích cảm quan về cuộc sống và con người cũng như phương thức thể hiện của thơ Đào Tấn. Gần đây, trong hai bài nghiên cứu của mình về thơ Đào Tấn, tác giả Nguyễn Đình Thu cũng đã đưa ra một số ý kiến đáng quan tâm. Nếu ở bài “Giọng điệu thơ Đào Tấn”, sau khi khảo cứu toàn bộ thơ chữ Hán của Đào Tấn và đi sâu phân tích các giọng điệu chủ yếu trong thơ ông như: sôi nổi, thiết tha, ngợi ca, thương cảm, chua xót, phê phán, đả kích, trăn trở, suy tư... tác giả đã đi đến kết luận: “Qua giọng điệu thơ Đào Tấn, chúng ta có thể khẳng định ông là con người có nhiều phẩm chất đáng quý của một bậc hiền nho, yêu thiên nhiên, có tư tưởng thân dân, có khát vọng cứu nước. Đó còn là một người vừa sôi nổi, thiết tha nhưng cũng hay yên lặng trong những trăn trở, suy tư. Tất cả điều đó là biểu hiện của một vị quan đầy trách nhiệm nhưng cũng là con người cá nhân đa tình, đa cảm” [55] thì trong bài “Con người thiền nhân Đào Tấn trong thơ”, tác giả lại tập trung nghiên cứu mảng thơ viết về đạo Phật của Mộng Mai tiên sinh và chỉ ra rằng “chính chất Thiền trong con người Đào Tấn đã góp phần làm cho một trọng quan triều đình mà lại rất gần gũi với nhân dân, sống nhân ái chan hòa, thấu hiểu được thế thái nhân tình trong xã hội ba đào đầy biến động” [56] Nhận xét chung: Bước đầu tìm hiểu, chúng tôi đã thu thập được một số tài liệu nghiên cứu, đánh giá về thơ và từ của Đào Tấn. Các bài viết này đã ít nhiều đưa ra được một vài phương diện cơ bản trong nội dung cũng như nghệ thuật thể hiện trong thơ và từ khúc của cụ Đào, đồng thời phác họa đôi nét về tâm hồn, nhân cách, những trăn trở, day dứt trong lòng vị quan lớn liêm khiết, trinh bạch triều Nguyễn. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật của hai mảng sáng tác này trong di sản nghệ thuật mà Đào Tấn để lại.
- 8 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng mà luận văn tập trung nghiên cứu là các sáng tác thơ và từ của tác giả Đào Tấn. Qua thơ và từ của Mộng Mai tiên sinh, luận văn hướng đến làm rõ những nét cơ bản trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện của các sáng tác, đồng thời góp phần khám phá vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao quý của tác giả. Tài liệu khảo sát chủ yếu của luận văn là tập văn bản: Thơ và từ Đào Tấn, Vũ Ngọc Liễn (chủ biên), Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỷ hiệu đính, Xuân Diệu giới thiệu, Hoàng Trung Thông bạt (Nxb Văn học, Hà Nội, 1987) 4. Phương pháp nghiên cứu Để triển khai đề tài Đặc điểm thơ và từ Đào Tấn, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: − Phương pháp thống kê: phương pháp này được áp dụng để thống kê các nội dung thường lặp đi lặp lại trong 110 bài thơ và từ của Đào Tấn. Kết quả thống kê này cho phép người viết bước xác định được tâm trạng, những tình cảm, suy tư, trăn trở chủ yếu của tác giả khi mượn thơ ca, từ khúc để ký thác nỗi lòng. − Phương pháp phân tích – tổng hợp: Phương pháp này được vận dụng nhằm tiếp cận và khảo sát từng tác phẩm thơ và từ cụ thể, từ kết quả phân tích, chúng tôi sẽ khái quát nên những luận điểm chính trong nội dung cũng như nghệ thuật thể hiện của các tác phẩm. − Phương pháp loại hình: Thơ của Đào Tấn là thơ cổ điển, mang những đặc điểm của thơ chữ Hán (hàm súc, cô đọng, “ý tại ngôn ngoại”…), còn Từ thì mang đặc điểm ngôn ngữ của thể loại từ (uyển ước, thanh tân, giàu nhạc điệu). Luận văn sử dụng phương pháp loại hình nhằm xác định những điểm gặp gỡ về nghệ thuật thể hiện của thơ, từ Đào Tấn so với thơ chữ Hán, từ khúc nói chung và những nét độc đáo, sáng tạo của riêng tác giả. Ngoài các phương pháp trên, luận văn còn kết hợp sử dụng một số phương pháp khác như phương pháp lịch sử (nghiên cứu những ảnh hưởng của thời đại,
- 9 các yếu tố văn hóa đến nội dung sáng tác và nghệ thuật biểu hiện của các bài thơ, từ), phương pháp so sánh để làm rõ đặc điểm nội dung và nghệ thuật của thơ và từ Đào Tấn. 5. Đóng góp của luận văn Bằng việc phân tích, tìm hiểu, lí giải các tác phẩm thơ và từ cụ thể, luận văn cố gắng đưa ra cái nhìn hoàn chỉnh, bao quát về những đặc điểm chính trong nội dung của thơ và từ Đào Tấn. Từ đó, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và tấm lòng yêu nước, yêu dân của Mộng Mai thi sĩ. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật thể hiện của hai mảng sáng tác này của Đào Tấn, người viết mong muốn chỉ ra những điểm đặc sắc trong thơ và từ khúc, đặc biệt là ở thể loại từ vì Đào Tấn là tác giả được đánh giá là “nhà viết từ khúc lỗi lạc” với số lượng từ khá phong phú về số lượng, sâu sắc về nội dung và tinh tế trong hình thức thể hiện. 6. Cấu trúc luận văn Cấu trúc luận văn gồm các phần cơ bản sau: − Phần mở đầu − Phần nội dung: gồm 3 chương + Chương 1: Đào Tấn – con người, thời đại và sự nghiệp sáng tác Trong chương này, luận văn sẽ giới thiệu về thân thế, quan nghiệp, sự nghiệp sáng tác cũng như thời đại mà Đào Tấn sinh trưởng, tham chính để từ đó tìm hiểu những tác động của quê hương, gia đình, bối cảnh xã hội đến tâm trạng, tư tưởng của nhà thơ cũng như tìm hiểu những tình cảm của ông với đất nước, dân tộc, với gia đình, bằng hữu... + Chương 2: Những đặc điểm chính trong nội dung thơ và từ Đào Tấn Ở chương hai, chúng tôi sẽ tập trung phân tích và chỉ rõ những đặc điểm chính về nội dung của thơ và từ Đào Tấn, từ đó khám phá những miền tâm trạng ẩn kín, những ưu tư, trăn trở trong suy nghĩ cũng như hiểu thêm nỗi lòng, tâm trạng của một con người trung lương, chính trực. + Chương 3: Những đặc điểm chính trong nghệ thuật thơ và từ Đào Tấn
- 10 Trong chương ba, luận văn sẽ tìm hiểu những đặc điểm về mặt ngôn ngữ, thể loại và giọng điệu của thơ và từ Đào Tấn. Việc phân tích những đặc điểm nghệ thuật ở đây sẽ góp phần cùng với việc chỉ ra những đặc điểm nội dung làm sáng tỏ con người, nhân cách, tư tưởng và tâm hồn thanh sạch của nhà thơ. − Phần kết luận − Danh mục tài liệu tham khảo
- 11 Chương 1: ĐÀO TẤN – CON NGƯỜI, THỜI ĐẠI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC 1.1. Con người và thời đại 1.1.1. Con người 1.1.1.1. Thân thế Đào Tấn tên thật là Đào Đăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai và Tô Giang, tiểu hiệu là Mai Tăng. Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (1845) (năm Thiệu Trị thứ 5), mất ngày rằm tháng 7 năm Đinh Mùi tức ngày 28 tháng 8 năm 1907, thọ 63 tuổi. Tuy nguyên quán Đào Tấn ở làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định (nay là Vĩnh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định) nhưng từ thuở lọt lòng cho đến khi theo gia đình trở về quê cha mưu sinh, tránh nạn cường hào, ông gắn bó chủ yếu với mảnh đất Tùng Giản (tục gọi là Gò Bồi, cũng thuộc phủ Tuy Phước). Đào Tấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thanh bần, nền nếp, đức độ, chuộng nghĩa mến nhân. Những di sản tinh thần tốt đẹp đó chính là nền tảng vững chắc cho sự hình thành nhân cách cao đẹp của ông về sau. Thân phụ Đào Tấn là cụ Đào Đức Ngạc, một nho sĩ nghèo, chuyên nghề thầy thuốc và nghề coi tướng số. Sau khi kết duyên cùng cô thôn nữ Hà Thị Loan, con gái một gia đình người Huế di dân vào Bình Định sinh sống, chàng nho sĩ nghèo làng Vinh Thạnh quyết định lập nghiệp tại vùng Gò Bồi. Chồng tiếp tục nghề cũ, vợ bán quán và đổi nước chè, họ sống thanh bạch, yên ấm trong một mái nhà tranh đơn sơ, nhỏ hẹp phía dưới chợ Gò Bồi, dọc theo bờ đê, đường xuống Tân Giản để tới bến đò qua Quy Nhơn. Gia đình cụ Đào Đức Ngạc có ba người con trai, song người con cả là ông Đào Đức Hanh và người con út là ông Đào Tịnh Viễn đều không có gì xuất sắc, chỉ có Đào Tấn sau này thi đỗ làm quan, chức cao quyền trọng, lập nhiều công trạng có ích cho dân, cho nước, đồng thời có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nước nhà. Với bản chất thông minh, lanh lẹ, ngay từ nhỏ Đào Tấn đã sớm yêu thích văn chương, say mê tuồng hát bội. Những lúc thư nhàn, rảnh rỗi ông thường hay cùng bạn bè bắt chước diễn trò tuồng hát mua vui. Tuy ham chơi và không chuyên chú
- 12 vào việc học với các thầy đồ quanh vùng Gò Bồi nhưng Đào Tấn rất sáng dạ, học đâu nhớ đó, 13, 14 tuổi đã tinh thông nghĩa sách và biết làm thơ. Người dân vùng Gò Bồi vẫn truyền tai nhau câu chuyện cậu bé Đào Tấn làm thơ giễu ba người khách cao ngạo khi xưa. Hôm ấy, có ba người khách vào quán bà cụ thân sinh của Đào Tấn uống nước. Trời trưa có gió nồm, không gian trong quán lại thoáng đãng, ba người cao hứng làm thơ. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu họ không kiêu căng, đắc ý, không coi người xung quanh ra gì. Thấy điều chướng tai, gai mắt, cậu bé Đào Tấn – khi ấy đang ngồi giúp mẹ quạt nước bên cạnh – liền lấy cây quạt lửa quạt lia quạt lịa trước mũi. Một người khách thấy vậy bèn hỏi: − Chú nhỏ biết làm thơ à? Đào Tấn đáp: − Biết chút chút. Người khách lại nói: − Vậy hãy vịnh Bát nước chè. Hễ hay thì thưởng tiền, dở thì đánh 10 cán quạt. Đào Tấn nghĩ ngợi chốc lát rồi đọc: Trên thời bọt nước lênh đênh nổi Dưới lại con rồng dấp dới bay Ba ông khách đều kinh ngạc, đang định lấy tiền thưởng thì cậu bé họ Đào ngăn lại và đọc tiếp hai câu: Mỗi chữ nghìn vàng cân mới xứng Ba thầy một nhúm thấm chi khoe. Nói xong bỏ chạy mất. Lớn hơn một chút, Đào Tấn thường hay làm thơ, vè hài hước đem dán tại chợ Gò Bồi để bài xích, giễu nhạo lũ cường hào, hương thân hay hà hiếp, sách nhiễu dân lành. Năm Đào Tấn 18 tuổi, vua Tự Đức ban bố 10 điều răn (Thập điều) để cải tạo tư tưởng, tổ chức xã hội và buộc nhân dân phải học tập. Hàng trăm nhân khẩu làng Tùng Giản bị bắt đến đình làng nghe giảng những điều vô bổ, vừa mệt vừa bất mãn song chẳng ai đủ can đảm lên tiếng phàn nàn. Một hôm, giữa chợ Gò Bồi xuất hiện một bài thơ giễu như sau:
- 13 Thập điều là cái chi chi? Hàng đêm nói mãi ra gì mà nghe! Hương thân giảng giải lè nhè, Bắt dân tập hợp mà nghe thập điều. Vậy có thơ rằng: Cả làng đều sợ một hương thân, Ông cũng người ta không phải thần! Ông giảng thập điều không phải gián, Khác ông Văn Trọng gián hôn quân. Gò Bồi dân chúng đã kêu vang, Hết việc quan gia đến việc làng, Xâu thuế quanh năm lo muốn chết, Mà đêm nằm ngủ cũng không an. Chỉ trong một thời gian ngắn, bài thơ nhanh chóng được đông đảo nhân dân vùng Gò Bồi ưa thích và lưu truyền sang các vùng lân cận. Mọi người đều biết rõ tác giả của bài thơ ấy là Đào Tấn nhưng người dân trong làng yêu mến, phục tài chàng trai họ Đào bao nhiêu thì lũ hương thân, cường hào càng “ngứa mắt” gia đình Đào Tấn bấy nhiêu. Biết không thể sống yên ổn với lũ cầm quyền làng Gò Bồi ngang ngược, tàn bạo, cụ Đào Đức Ngạc liền đưa cả gia đình về lại sinh quán ở làng Vinh Thạnh. Tại đây, Đào Tấn đã được theo học một trong bốn vị “tứ hiền” vùng Tuy Phước, cụ Tú Diêu (Nguyễn Diêu), người rất tinh thông Nho học, Hán văn, Quốc văn, lại có khả năng sáng tác tuồng, làm thơ xuất chúng. Nhân tài, tri kỉ gặp nhau. Cụ Tú đã đem tất cả sở học của mình truyền thụ cho người học trò yêu. Chỉ sau năm năm chuyên tâm học tập cộng thêm tài năng thiên bẩm và sự tiếp thu tài nghệ uyên bác của thầy, tại khoa thi Đinh Mão, năm Tự Đức thứ 20 (1867), cậu học trò tài hạnh kiêm toàn Đào Tấn đã đỗ cử nhân hạng ưu tú. Theo thông lệ của triều đình, cử nhân của mỗi kì thi Hương phải đến Kinh đô thi Hội. Song vì gia thế khó khăn, lại thêm lòng chẳng mấy ham thích chen chân
- 14 vào đường công danh nên Đào Tấn đã cáo bệnh không đi cũng chẳng xin bổ quan. Mãi đến năm 1871 (Tự Đức thứ 24), triều đình Huế mới xét lại danh sách cử nhân còn chưa được bổ nhiệm để trưng tập, Đào Tấn được bổ vào Hàn Lâm Điển Tịch, sung chức Hiệu thư ở Nội Các. Trong bốn năm thư rỗi ở quê nhà, Đào Tấn dành phần lớn thời gian đi ngao du sơn thủy, thăm thú cảnh đẹp trong tỉnh đồng thời theo đuổi văn chương và hát bội, tìm những người có học, có tài để kết bạn. Ông còn thường cùng thầy học và các ca công rành nghề như ông bầu Thường (Quản ca Thường), ông Mười Hiệp (Đội Hiệp)... trao đổi văn lý, tình lý, điệu nghệ…của nghệ thuật hát bội, nhờ đó mà kiến thức về văn chương cũng như sự hiểu biết về tuồng hát của Đào Tấn ngày một uyên thâm. Khi còn ở Vinh Thạnh, lúc mới đậu cử nhân, Đào Tấn kết duyên cùng bà Phạm Thị Trận. Trong suốt thời gian ông nhậm chức ở Kinh đô, bà ở lại quê nhà Bình Định, thay ông phụng dưỡng mẹ cha. Sau đám tang cụ Đào Đức Ngạc, mặc dù Đào Tấn muốn đưa bà cùng trở lại Huế để hưởng cuộc sống an nhàn nhưng người vợ từ thuở tào khang ấy của ông từ chối. Bà nguyện ở lại quê nhà để coi sóc việc khói hương, thờ phượng, lòng chẳng mơ phú quý, vinh hoa. Trong thời gian làm quan ở Huế, Đào Tấn gặp hai người con gái tài sắc là bà Tôn Nữ Ngọc Triêm và bà Tôn Nữ Nhuận Khanh (thường gọi là bà Diêu Tiên). Vậy là, “Trai phong lưu Bình Định, Gái thanh lịch Thừa Thiên”, chẳng mấy chốc: Ba sinh dù chẳng hương nguyền Khuôn xanh sẵn mối lương duyên buộc ràng Khi Đào Tấn được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ và được phong Tử Tước thì theo lệ của triều đình, vợ ông cũng sẽ được phong tặng tước hiệu. Tuy nhiên do bà Phạm Thị Trận cảm thấy mình không thích hợp nhận lấy phẩm hàm quá cao nên từ chối sắc phong Nhất phẩm mệnh phụ. Vinh dự ấy thuộc về bà Tôn Nữ Ngọc Triêm. Lúc bấy giờ, do dư luận không hiểu nội tình nên chê bai Đào Tấn “đeo thói bạc của kẻ giàu sang”, phụ bạc người vợ đã gắn bó với mình từ thuở hàn vi. Các vị túc nho ở Bình Định cũng trách móc:
- 15 − Bụng Đào Tấn chứa thiên kinh vạn quyển nhưng bỏ sót câu nói của Tống Hoằng chép trong Hậu Hán Thư: “Tào khang chi thê bất khả hạ đường”. Sau này, khi bà Phạm Thị Trận mất, Đào Tấn bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trong bài văn điếu thống thiết: Tự cổ sinh ly túc cảm thương Tranh giao tử biệt tự tương vương Hoàng pha hà xứ phần tam xích Lão nhãn tha hương lệ sổ hàng Đa sự xuân phong xuy mộng tán Vô tình hàn nguyệt chiếu canh trường Hoàn gia nhật thị tân hàn tiết Nhẫn kiến đường không chỉ quải tường. (Sinh ly lòng chịu lắm đau thương Tử biệt thêm bao nỗi đoạn trường Gò vắng chôn đâu tình cựu chẩm Mắt già tuôn mối lệ tha hương Đìu hiu thổi gió xuân tàn mộng Lạnh lẽo soi canh nguyệt gác rường Hàn thực ngày về thăm chốn cũ Còn trơ lưng vách mảnh thê lương) (Quách Tấn dịch) Những lời lẽ yêu thương chân thành ấy chắc chắn không thể xuất phát từ trái tim một con người bạc nghĩa, vong ân. Trong số ba bà vợ, sáu nàng hầu của mình, Đào Tấn yêu quý bà Diêu Tiên hơn cả. Sinh thời, ông từng bày tỏ tình cảm yêu mến đó với bà trong một bài thơ tứ tuyệt (Thọ Diêu Tiên phu nhân ngũ thập sơ độ). Theo tác giả của “Đào Tấn và hát bội Bình Định”, Đào Tấn có bốn người con gái là bà Đào Thị Kim Anh, Đào Thị Kim Yến, Đào Thị Bích Tiên (tức Trúc Tiên), bà Đào Thị Cẩm Cầu (tức Chi Tiên) và bảy người con trai. Ông Đào Bá
- 16 Quát, con bà Phạm Thị Trận, đỗ cử nhân nhưng mất sớm. Ông Đào Thụy Thạch đỗ cử nhân, làm quan đến chức Án sát. Ông Thạch nổi tiếng hay chữ song cũng như người anh trai cùng cha khác mẹ, ông mất khi chưa kịp thi thố tài năng với đời. Ông Đào Nhữ Tuyên đỗ cử nhân, làm quan đến chức Án sát, sau khi về trí sĩ, ông được phong Bố chánh. Ông Đào Nhữ Thuần đậu tú tài, làm ấm thọ và tri phủ Hàm Thuận (nay là Bình Thuận). Ông Đào Nhữ Tiếu đỗ tú tài nhưng không ra làm quan. Ngoài ra, Đào Tấn còn có hai người con trai nữa là Đào Khả Kiện và Đào Binh Thứ (tục gọi là Ấm Bồ). Ấm Bồ tính nết đã hung hăng, diện mạo lại dữ tợn, thường hay cậy quyền thế làm nhiều điều phi pháp. Để giữ gìn thanh danh cho Đào Tấn, người nhà phải đem Ấm Bồ về Vinh Thạnh coi giữ nghiêm ngặt. Ấm Bồ ra đời khi Bồi Ba (tên bồi Tây hống hách, hay ỷ thế chủ ức hiếp dân lành) bị Đào Tấn xử chém cho nên dân gian thường truyền tai nhau rằng Ấm Bồ chính là do Bồi Ba đầu thai để báo thù Đào Tấn. Khi nhắc đến người con trai này, bà Chi Tiên đã từng than thở rằng: − Ấm Bồ là một cục bùn dơ ném vào dòng suối trong mát của họ Đào...! Nhưng cuối cùng “bùn dơ đã trôi đi sạch, dòng suối trong mát họ Đào vẫn trong mát nghìn thu” (Quách Tấn) bởi: Thanh tuyền tế ẩm tri chân vị Bất phụ nhân gian phất diệm truyền (Nước suối trong uống từng ngụm nhỏ mới biết được chân vị Chẳng phụ với người đời thì hương thơm mãi mãi truyền). 1.1.1.2. Quan nghiệp Đào Tấn làm quan từ đời Tự Đức đến đời Thành Thái (1871 – 1904), kinh qua nhiều chức vụ lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Tuy phẩm cao quyền trọng song không vì thế mà ông tỏ ra lộng hành, phách lối. Trọn đời, Đào Tấn luôn giữ cho mình cốt cách thanh sạch, cao quý, ông là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu nể trọng và nhân dân yêu mến. Dưới thời Tự Đức, sau khi được triều đình Huế bổ nhiệm, giữ chức Hiệu thư chưa bao lâu thì một năm sau, năm 1872 (Tự Đức thứ 25), Đào Tấn được vua giao cho soạn thảo ba vở tuồng có tính thời sự: Đãng khấu, Bình địch, Tam Bảo thái
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 265 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 307 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 115 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 158 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 148 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 101 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 160 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 147 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 124 | 14
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 82 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 64 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn