intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của Phạm Thái trong Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - Nửa đầu thế kỷ XIX

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:173

129
lượt xem
22
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của Phạm Thái trong Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - Nửa đầu thế kỷ XIX giới thiệu chung về Phạm Thái, nội dung thơ văn và những đóng góp của Phạm Thái; nghệ thuật thơ văn và những đóng góp của Phạm Thái.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của Phạm Thái trong Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - Nửa đầu thế kỷ XIX

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH __________________ Trần Văn Đúng LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH __________________ Trần Văn Đúng Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA PGS.TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
  3. LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã truyền dạy cho tôi những kiến thức quý báu. Xin đặc biệt cảm ơn PGS. TS. LÊ THU YẾN đã không quản khó nhọc, vất vả, tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình làm luận văn. Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô trong Hội đồng bảo vệ luận văn đã dành thời gian quý báu để đọc, góp ý và chấm luận văn này. Xin cảm ơn quý trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn này. Tác giả luận văn Trần Văn Đúng
  4. MỞ ĐẦU 1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài Nhìn vào lịch sử dân tộc ta có một hiện tượng thật lạ là khi xã hội rối ren nhất, loạn lạc nhất thì văn học lại đạt được những thành tựu rực rỡ nhất. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX ra đời trong giai đoạn chế độ phong kiến tranh giành quyền lợi, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, đói kém. Đặc biệt giai đoạn này đã xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa với nội dung chủ yếu là giải phóng tình cảm, đấu tranh để được tự do yêu đương và hàng loạt những cây bút đậm dấu ấn cá nhân như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Phạm Thái … Tự bản thân cuộc đời Phạm Thái là một bài ca đẹp mà buồn còn thơ văn Phạm Thái là mảng đề tài có sức hút lớn. Thế nhưng người ta cũng còn ngại viết về Phạm Thái và những tác phẩm của ông vì những “bảo thủ”, “phản động” trong thiên kiến chính trị của ông. Trong Văn học Việt Nam (1969), Nxb Tân Việt, Phạm Văn Diêu đã khái quát nền văn học Việt đời Lê mạt – Nguyễn sơ nhưng ông không hề đề cập đến Phạm Thái trong tác phẩm của mình. Hay công trình Phú Việt Nam cổ và kim (2002) (Nxb Văn hóa thông tin) do Phong Châu và Nguyễn Văn Phú giới thiệu, sưu tầm, chú thích không hề có bài Chiến tụng Tây Hồ phú và hai ông đã nói rõ quan điểm của mình trong phần cước chú: “nội dung thể hiện tư tưởng phản động chống cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nên bỏ không in” [8, tr. 203]. Nguyễn Nghiệp cũng đã kết luận chắc nịch rằng: “…Xét về toàn bộ tác phẩm mà nói, thử hỏi tác dụng giáo dục của Sơ kính tân trang đối với thế hệ chúng ta phỏng được bao nhiêu. Một con người với tư tưởng căn bản là phản động và tiêu cực như Phạm Thái làm sao có thể tạo ra những giá trị nhân đạo cao cả, có tác dụng cho thế hệ được” [91]. Về tác phẩm, Phạm Thái viết không nhiều nhưng hầu hết bằng chữ Nôm. Cùng thời có một số nhà nho vẫn dè dặt hoặc không sử dụng với thứ chữ dân tộc như Nguyễn Huy Hổ, Cao Bá Quát… thì việc Phạm Thái ưu tiên sử dụng chữ Nôm là một tiến bộ đáng ghi nhận. Về loại thể, Phạm Thái viết rất đa dạng, cả truyện, văn xuôi lẫn thơ, phú. Cụ thể có truyện thơ, phú, văn tế, thơ trữ tình Đường luật, thơ trữ tình theo thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, các dạng thơ chơi…Quan trọng nhất là ở loại thể nào Phạm Thái cũng có tác phẩm vào hàng đáng ghi nhận về nội dung lẫn nghệ thuật, có những loại thể vào hàng hay nhất, tiêu biểu cho loại thể đó. Về đề tài, thơ văn của ông chủ yếu chỉ tập trung vào tình yêu và ông đã góp công lớn vào trào lưu chủ
  5. nghĩa nhân đạo chung của xã hội đương thời. Đó là tiếng kêu đòi quyền tự do yêu đương và tiếng nói bênh vực người phụ nữ nói riêng và tiếng kêu đề cao quyền sống của con người cá nhân nói chung. Nhìn chung, về nghệ thuật, Phạm Thái có những bước đột phá trong việc phá vỡ những khuôn thước có tính quy phạm của thơ văn trung đại đương thời và có những lúc thơ ông đã đạt đến trình độ điêu luyện về nghệ thuật, trở thành kiểu mẫu đáng để học tập, phát huy và kế thừa cho những người cầm bút sau ông. Tác phẩm của Phạm Thái ở nhiều phương diện đã trở thành tiếng nói mở đầu cho một giai đoạn tân kỳ đang sắp sửa. Chính vì những lẽ trên, Phạm Thái xứng đáng có một vị trí trong nền văn học nước nhà. Chính bản thân Phạm Thái còn là nguồn cảm hứng cho thơ văn đời sau. Khái Hưng viết Tiêu Sơn tráng sĩ, Phạm Khắc Khoan viết Kịch thơ Phạm Thái, Nghiêm Phái – Thư Linh viết kịch thơ Phạm Thái - Quỳnh Như. Họ đã đồng cảm và khai thác nỗi cô đơn, bất lực, chán chường của con người cá nhân trong thời đại của họ qua cuộc đời, tình yêu và sự nghiệp thơ văn của Phạm Thái. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đã có nhiều công trình, bài viết chú ý nghiên cứu tác phẩm thơ văn của Phạm Thái nhưng phần lớn mới chú ý đến từng tác phẩm đơn lẻ của Phạm Thái hoặc nhìn Phạm Thái như một nhà nho tài tử mà chưa có một công trình đánh giá toàn diện, tổng quát đóng góp của thơ văn của Phạm Thái. Vì vậy, theo chúng tôi, việc tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá toàn diện về THƠ VĂN PHẠM THÁI để thấy rõ ĐÓNG GÓP CỦA PHẠM THÁI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN NỬA CUỐI THẾ KỶ XVIII – NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX là việc cần thiết và có giá trị, không chỉ trên bình diện lí luận, phê bình mà còn giúp ích cho thực tiễn dạy và học tác giả Phạm Thái trong nhà trường phổ thông cũng như đại học. 2. Lịch sử vấn đề Những công trình, tác phẩm có liên quan đến Phạm Thái cũng không đến nỗi hiếm hoi, song trong đó những tác phẩm đi sâu vào nghiên cứu riêng Phạm Thái thì rất ít. Có thể tạm chia những tác phẩm có liên quan đến Phạm Thái thành hai loại. Loại thứ nhất là những công trình biên khảo, sưu tầm, hiệu đính, chú giải, trích dẫn, giới thiệu thơ văn Phạm Thái. Loại thứ hai là những giáo trình, công trình nghiên cứu, bài viết về thơ văn Phạm Thái hoặc có đề cập nhiều đến thơ văn Phạm Thái. Loại thứ nhất có thể kể đến những công trình: Văn đàn bảo giám (1926) - Trần Trung Viên; Phổ Chiêu thiền sư thi tập (1932) - Sở Cuồng (Lê Dư); Việt Nam thi văn
  6. hợp tuyển (1943) và Việt Nam văn học sử yếu (1944) - Dương Quảng Hàm; Lịch sử văn học Việt Nam (1962) của Lê Trí Viễn – Phan Côn - Đặng Thanh Lê – Phạm Văn Luận – Lê Hoài Nam đồng biên soạn; Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967), quyển thượng: nền văn học cổ điển từ thế kỷ XIII đến năm 1862 - Thanh Lãng; Việt Nam văn học giảng minh (1974) - Vũ Tiến Phúc; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX (tái bản năm1978) (Nxb VHVN); Tổng tập văn học Việt Nam (1997) do Nguyễn Quảng Tuân biên soạn; Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 5, quyển 2: văn học thế kỷ XVIII (2004) do Nguyễn Thạch Giang chủ biên; Giai thoại làng nho – Lãng Nhân; Thơ văn Việt Nam thơ Nôm Đường luật từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XIX - Hà Xuân Liêm sưu tầm và biên soạn; Trần Đình Sử - Những công trình thi pháp học (2005) - tuyển tập, tập 1- Nguyễn Đăng Điệp giới thiệu và tuyển chọn. Trong các công trình trên, các tác giả thường nêu tiểu sử Phạm Thái, giới thiệu tên tác phẩm, sau đó, trích một vài tác phẩm tiêu biểu của Phạm Thái như Sơ kính tân trang, Chiến tụng Tây Hồ phú hoặc một số bài thơ yết hậu, tự thuật… Có trường hợp như Kiều Thu Hoạch trong tác phẩm Truyện Nôm – Lịch sử phát triển và thi pháp thể loại (2007) chỉ tóm tắt truyện Châu sơ kim kính lục (Sơ kính tân trang). Công trình tuy không đi sâu vào nghiên cứu truyện Sơ kính tân trang nhưng đã giúp người viết có cái nhìn khái quát về cấu trúc truyện thơ Nôm. Ngoài ra, có những tác phẩm bên cạnh việc giới thiệu tiểu sử, tác phẩm, trích dẫn một vài tác phẩm thơ văn Phạm Thái còn bước đầu nhận xét về nội dung, nghệ thuật, thể tài trong thơ văn Phạm Thái như Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, (tập 2),(tái bản 1997), Phạm Thế Ngũ có nhận định chung về nội dung thơ văn của Phạm Thái, nhận xét sơ lược về bài Chiến tụng Tây Hồ phú, tóm tắt truyện Sơ kính tân trang, đề cập sơ lược về thể Từ. Hay Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỷ 20 (2005), Bùi Đức Tịnh có nêu hoàn cảnh sáng tác bài Chiến tụng Tây Hồ phú và tóm tắt truyện Sơ kính tân trang. Đặc biệt có những công trình chỉ sưu tầm, giới thiệu thơ văn của Phạm Thái như Chiêu - Lỳ Phạm – Thái thi – tập (1959) - Hoàng Xuân. Tác phẩm này sưu tập và chú dẫn, phẩm bình sơ lược về thơ văn Phạm Thái. Ở loại thứ hai có thể kể đến các công trình, giáo trình, tác phẩm sau: Phạm Thái, Sơ kính tân trang (1960), Nxb Văn hóa của Lại Ngọc Cang là công trình khảo dị và hiệu đính rất công phu về tác phẩm Sơ kính tân trang. Ông đã tìm hiểu chung cuộc đời,
  7. bối cảnh thời đại Phạm Thái sinh sống, nêu thành công và hạn chế của Sơ kính tân trang. Trong Việt Nam thi văn giảng luận (tái bản 2000), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Như Chi tuyển chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu để phác thảo được một cách đầy đủ, trung thực diện mạo nền văn học dân tộc từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XIX. Trong đó, có tiểu sử, có nhận xét văn chương bài “Chiến tụng”, giọng điệu thơ văn Phạm Thái. Trong Từ điển văn học từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX (1994), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Lại Nguyên Ân giới thiệu tiểu sử, tên tác phẩm chính và nhận định thơ văn Phạm Thái. Trong Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam (1997), Nxb Giáo dục, Tp. HCM của tập thể tác giả Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đoàn Thị Thu Vân có những nhận định về tác phẩm Sơ kính tân trang như nói về ngoại hình nhân vật, cách miêu tả thiên nhiên đẹp. Trong Phê bình bình luận văn học: Phạm Thái (….), Phạm Đình Toái (1998), Nxb Văn nghệ Tp.HCM, Vũ Tiến Quỳnh có viết về tiểu sử Phạm Thái, giới thiệu sơ lược nội dung và nghệ thuật của Chiến tụng Tây Hồ phú. Trong Văn học Việt Nam - nửa cuối thế kỉ XVIII - hết thế kỉ XIX (1999), ở chương IV, Nguyễn Lộc có viết về tiểu sử Phạm Thái và tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm Sơ kính tân trang. Trong Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường Phạm Thái - Nguyễn Công Trứ - Cao Bá Quát (1999) (tuyển chọn và biên soạn), Nxb Giáo Dục, Vũ Dương Quỹ có nêu tiểu sử, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu, giới thiệu nét lớn về nội dung và nghệ thuật thơ văn Phạm Thái. Trong đó có gợi ý phân tích Cảnh chùa chiền (trích Sơ kính tân trang). Ở Tạp chí văn học số 8 - 2000, Nguyễn Thị Nhàn có viết về Mô hình kết cấu truyện“Sơ kính tân trang”. Trong quyển Trên hành trình văn học trung đại (2001), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Nguyễn Mạnh Hùng có đề cập đôi nét về Sơ kính tân trang. Tác giả chỉ ra sự yếu kém về nghệ thuật của tác phẩm Sơ kính tân trang như kết cấu không chặt chẽ và cũng nhận ra được nét phóng túng của nhà thơ trong khi bày tỏ tâm trạng qua các cảnh ngộ khác nhau nhưng rất ít có phân tích.
  8. Trong Tự sự học (2003), Nxb Đại học Sư phạm, Trần Đình Sử chủ biên có bài viết Kết cấu truyện Nôm của Đinh Thị Khang. Khi tác giả đề cập đến cốt truyện thơ Nôm nói chung, tác giả có chỉ ra những ngoại lệ của Sơ kính tân trang như lắp ghép hai truyện về hai cuộc tình trong một cấu trúc tác phẩm, sử dụng mô típ “tái thế tương phùng” của dân gian để gắn kết mối hận tình của đời thực với một mối tình trong mộng. Gần đây hơn, Hồ Thị Kiều Chinh trong luận văn thạc sĩ năm 2007 của mình (Trường KHXH và Nhân văn) với đề tài Phạm Thái trong dòng nhà nho tài tử. Trong chương 2 của luận văn với đề mục Chất tài tử trong thơ văn Phạm Thái, Hồ Thị Kiều Chinh có giới thiệu tiểu sử và văn bản tác phẩm Phạm Thái, nghiên cứu Phạm Thái từ anh hùng thời loạn đến nhà nho tài tử và những biểu hiện của chất tài tử trong thơ văn Phạm Thái và chương 3 là phần làm rõ những đóng góp về nghệ thuật của văn chương tài tử Phạm Thái. Trong đó, chủ yếu nêu bật chất tài tử trong thơ văn Phạm Thái ở những khía cạnh: “Tài - tài hoa”; “Tình – đa tình”; “Cá tính”. Đây là tài liệu giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong việc khái quát hình ảnh con người cá nhân trong thơ văn Phạm Thái. Nhìn chung, ở loại thứ nhất, các tác giả thường nêu tiểu sử Phạm Thái và trích dẫn, giới thiệu tác phẩm thơ văn ông. Ở loại thứ hai, các tác giả đã có sự chú ý nghiên cứu đáng kể đối với truyện thơ Nôm Sơ kính tân trang. Những tác phẩm còn lại của Phạm Thái ít được các tác giả đề cập, nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu trong sự đối sánh với các tác giả viết cùng thể tài. Hơn nữa, các tác giả chưa nghiên cứu sâu sắc, toàn diện thơ văn Phạm Thái và nhìn nhận sự đóng góp của Phạm Thái ở tất cả các loại thể, đặc biệt như phú, thơ trữ tình Đường luật, thơ lục bát, song thất lục bát, văn xuôi. Tất cả các tài liệu kể trên, đặc biệt là công trình của Lại Ngọc Cang, Vũ Tiến Quỳnh, Hồ Thị Kiều Chinh đã giúp chúng tôi khơi mở, củng cố cũng như mạnh dạn khẳng định sự đóng góp của Phạm Thái trên hành trình văn học trung đại nói riêng, hành trình văn học dân tộc nói chung. Với một nhiệt tâm cố gắng tìm hiểu đóng góp của toàn bộ thơ văn Phạm Thái đối với văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, hướng triển khai của luận văn sẽ kế thừa những phần các tác giả, các nhà nghiên cứu đi trước đã nói đến. Quan trọng hơn, luận văn sẽ đi vào tìm hiểu những điều mà các tác giả, các nhà nghiên cứu đề cập sơ lược hoặc chưa đề cập.
  9. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng mà chúng tôi quan tâm nghiên cứu ở đây là thơ văn của Phạm Thái và đặt thơ văn của ông trong dòng chảy văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX để thấy được đóng góp của ông. Phạm Thái hầu như chỉ sáng tác bằng chữ Nôm và có các loại như truyện thơ, văn xuôi, phú, thơ. Chúng tôi sẽ bàn về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cũng như sự đóng góp của Phạm Thái đối với nền văn học nước nhà. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu tất cả các tác phẩm thơ văn của Phạm Thái và cố gắng so sánh đối chiếu tác phẩm của Phạm Thái với những tác phẩm tiêu biểu có liên quan của những ngôi sao nổi bật trên vòm trời văn học trong giai đoạn ấy như Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huy Lượng, công chúa Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Huy Tự, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… 4. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện luận văn này, chúng tôi sử dụng các phương pháp như hệ thống, phân tích - tổng hợp, so sánh đồng đại và lịch đại; phương pháp liên ngành (văn học, sử học, văn hóa…); phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp so sánh loại hình (loại hình tác giả và cả tác phẩm) kết hợp với những thao tác như thống kê, phân loại. Trong đó chúng tôi sẽ: - Đi vào thống kê, phân tích, tổng hợp những khía cạnh độc đáo về nội dung và nghệ thuật thơ văn Phạm Thái. - Đối chiếu, so sánh thơ văn Phạm Thái với thơ văn của các tác giả khác cùng thời nhằm mục đích cuối cùng là rút ra những đóng góp của tác giả. 5. Những đóng góp của luận văn Qua luận văn này, chúng tôi mong muốn hệ thống hoá các quan điểm đánh giá, phê bình về thơ văn Phạm Thái. Sau đó, chúng tôi sẽ chỉ ra những đóng góp mới của thơ văn Phạm Thái đặt trong mối tương quan so sánh với thơ văn của các tác giả cùng thời với Phạm Thái. Đề tài nghiên cứu thành công sẽ góp phần mang lại giá trị đích thực cho thơ văn Phạm Thái và góp phần xác định vị trí xứng đáng cho tác giả trong nền văn học nước nhà. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu có 7 trang, luận văn gồm nội dung chính có tất cả 3 chương. Trong đó:
  10. Chương 1 : Giới thiệu chung về Phạm Thái (14 trang). Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày các vấn đề: - Bối cảnh thời đại - Chân dung Phạm Thái - Thơ văn Phạm Thái Chương 2: Nội dung thơ văn và những đóng góp của Phạm Thái (70 trang). Chúng tôi sẽ giới thiệu, luận giải các vấn đề như sau: - Thơ văn Phạm Thái và hiện thực xã hội đương thời - Thơ văn Phạm Thái và hình ảnh con người cá nhân - Thơ văn Phạm Thái và hình ảnh thiên nhiên - Thơ văn Phạm Thái và tam giáo Chương 3: Nghệ thuật thơ văn và những đóng góp của Phạm Thái (62 trang). Chương này chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu những đóng góp độc đáo trong nghệ thuật của Phạm Thái ở các phương diện: - Thể loại - Từ ngữ - Giọng điệu Cuối cùng là Kết luận (4 trang) và Tài liệu tham khảo (191 đề mục)
  11. Chương 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHẠM THÁI 1.1. Bối cảnh thời đại Từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XV, chế độ phong kiến Việt Nam vẫn còn trong thời thịnh. Từ thế kỷ XVI, nó suy vi, xã hội đã trở nên bất ổn. Đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, nhiều mâu thuẫn trở nên gay gắt, xã hội Việt Nam trở nên rối ren, chiến tranh loạn lạc chưa từng có trong lịch sử trước đó. Đó là mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến với nhau như vua Lê – chúa Trịnh và nhà Nguyễn. Trong thế kỷ XVIII, nước Đại Việt nằm dưới quyền cai trị tượng trưng của vua Lê, có danh mà không có quyền hành chính trị. Quyền lực thực sự nằm trong tay hai gia đình phong kiến, các chúa Trịnh ở phía Bắc kiểm soát nhà vua và điều khiển triều đình ở Thăng Long và các chúa Nguyễn ở phía Nam đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế), chia đất nước thành Đàng Ngoài và Đàng Trong. Mặt khác, xã hội giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX còn có mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến và phong trào nông dân cụ thể là vua Lê – chúa Trịnh, nhà Nguyễn và phong trào nông dân. Phong trào nông dân tiêu biểu và đạt được thành tựu to lớn nhất là phong trào Tây Sơn. Chính vì vậy, “thế kỷ XVIII được giới sử học mệnh danh là thế kỷ của chiến tranh nông dân” [166, tr. 5]. Từ khi Trịnh Giang lên nắm quyền (năm1729) phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài liên tiếp xảy ra. Nhưng đa số lãnh tụ cuộc khởi nghĩa xuất sắc đương thời chủ yếu là nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh…và nổi bật hơn nữa là Nguyễn Danh Phương (1741 - 1751), Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751), Hoàng Công Chất (1739 – 1769), Lê Duy Mật (1738 - 1770) … Ở Đàng Trong, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, nổ ra cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía vùng Quy Nhơn. Nhưng đỉnh cao chói lọi nhất của chiến tranh nông dân thế kỷ XVIII là phong trào Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Huệ (1771 - 1801) xuất phát từ Bình Định đã nhanh chóng phá tan chế độ mục nát vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong. Đến khi Nguyễn Ánh giành được ngôi báu (1802) thì các cuộc khởi nghĩa cũng vẫn tiếp tục nổ ra. Như vậy, rõ ràng nguyên nhân chính là do tình trạng nông dân bị áp bức. Trong bốn đời vua từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đã có 500 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ chống lại triều đình. Trong đó, có 50 cuộc diễn ra dưới thời Gia Long. Ban đầu là các cuộc khởi nghĩa của Tống Cả và Nguyễn Trọng Phan (1807)
  12. (Hải Dương), Hầu Tạo (Nghệ Tĩnh) …rồi đến Lê Văn Khôi (1833 - 1835), Lê Duy Lương (1831 - 1834), Nùng Văn Vân (1833 - 1835), Phan Bá Vành (1824 - 1827), Cao Bá Quát (năm 1854)… Hơn thế nữa, đó còn là mâu thuẫn tranh đoạt quyền lực trong nội bộ của các tập đoàn phong kiến. Trong nội bộ vua Lê – chúa Trịnh cũng xảy ra nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu lẫn nhau giữa anh em nhà chúa (Trịnh Lệ và Trịnh Sâm (1767) Trịnh Khải và Trịnh Cán (1782)), giữa chúa và vua (Lê Đế Duy Phường (1729 - 1732)… bị chúa Trịnh giết [166, tr.66]), giữa kiêu binh với quần thần vua Lê chúa Trịnh. Trong triều Tây Sơn, anh em Nguyễn Huệ - Nguyễn Nhạc, bác cháu Nguyễn Nhạc - Quang Toản bất hoà, lục đục. Sự xung đột, tranh quyền nghiêm trọng của hàng ngũ quan lại, tướng lĩnh Tây Sơn (Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở (1795)…) Trong triều Nguyễn, cũng xảy ra việc giết công thần (Đỗ Thành Nhơn, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường…). Không chỉ có các mâu thuẫn trên, thời kỳ này còn xảy ra mâu thuẫn dân tộc gay gắt như phong trào Tây Sơn và quân Thanh, quân Xiêm La (nay là Thái Lan), Vạn Tượng (vương quốc của người Lào, được thành lập từ thế kỷ XIV, cố đô là Luang Prabang); nhà Nguyễn và Chân Lạp… Người anh hùng “áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ đã quét sạch “29 vạn quân” [166, tr.53] Thanh do Lê Chiêu Thống rước vào miền Bắc, trên 2 vạn quân Xiêm La do Nguyễn Ánh rước vào miền Nam. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên quyết tâm theo đuổi mục tiêu công bằng kinh tế và xã hội và vì một đất nước thống nhất không bị ngoại bang can thiệp đồng thời góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường của cả dân tộc ta. Như vậy, chỉ trong vài năm đã thay đổi đến năm bảy đời vua, trong vòng hai mươi năm đã có biết bao thăng trầm, hưng phế chớp nhoáng của bao nhiêu triều đại, vọng tộc, thôn xóm, thị thành, thân phận con người. Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn mà con đường chính trị của các tầng lớp nho sĩ có sự phân hoá chưa từng có trong lịch sử trung đại Việt Nam. Họ phải đắn đo lựa chọn xem theo Tây Sơn hay trung thành với vua Lê - chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Đến khi Nguyễn Ánh thắng lợi lại một lần nữa họ phải lựa chọn con đường chính trị cho riêng mình. Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, nước ta có những mối quan hệ ngoại giao rộng rãi và đa dạng hơn các giai đoạn trước.
  13. Thời vua Lê - chúa Trịnh, các chúa Trịnh giữ quan hệ hòa bình hữu hảo với các nước láng giềng. Ngay từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với nhà Thanh. Năm 1789, Quang Trung sai cháu sang dâng biểu cầu phong. Cuối năm ấy, sứ bộ nhà Thanh sang làm lễ tấn phong cho vua Quang Trung nhưng vua chỉ cho người đóng giả mình nhận chiếu thư và sắc phong. Đầu năm sau, vua Quang Trung cũng không chịu sang mừng thọ Càn Long 80 tuổi mà để người đóng giả sang. Nhà Thanh thừa biết sự dối trá này nhưng đón tiếp vị giả Vương hết sức trọng thể khiến cho Phan Huy Ích, một thành viên trong phái đoàn kể lại thì từ trước tới giờ mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế. Lịch sử ghi nhận những trang sử ngoại giao hào hùng, chói lọi của triều Tây Sơn trong bang giao với triều Mãn Thanh Trung Quốc. Sau khi thua nước ta, vua nhà Thanh định động binh chín tỉnh, trù tính báo thù. Với “Bang giao hảo thoại”, qua ngòi bút sắc bén, vừa đanh thép kiên quyết nêu cao chính nghĩa vừa khéo léo, mềm mỏng hợp tình hợp lý, Ngô Thì Nhậm đã thể hiện xuất sắc thiên tài chính trị của vua Quang Trung. Tư tưởng ngoại giao của vương triều Tây Sơn là chủ động tiến công ngoại giao và tư tưởng ngoại giao dựa trên cơ sở chính nghĩa và sức mạnh quân sự. Với đường lối ngoại giao đúng đắn trên làm cho nhà Thanh phải quyết định đình chỉ việc trả thù, tiếp nhận sứ thần Việt Nam mà còn buộc phải ra lệnh bãi bỏ lệ cống người vàng với lời phê rằng việc triều trước bắt cống người vàng là đáng khinh bỉ. Không những vậy, giữa năm 1792, Quang Trung đã gửi thư đến Càn Long cầu hôn công chúa Thanh triều và "xin" hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Vua nhà Thanh đã chuẩn y. Vua Quang Trung còn có ý tấn công nhà Thanh nhằm vẽ lại bản đồ Việt - Hoa. Nhưng chưa thực hiện được, Quang Trung đã đột ngột qua đời. Đối với nước Vạn Tượng, mối quan hệ bang giao có phần căng thẳng hơn. “Ở Gia Định, Nguyễn Ánh lại một lần nữa liên kết với Xiêm La và nhờ Xiêm La sử dụng Vạn Tượng để đánh vào Nghệ An” [166, tr.64]. Trước tình hình đó, tháng 6 năm 1791, vua Quang Trung phải cử Trần Quang Diệu “đánh thẳng vào Viên Chăn, truy đuổi Vạn Tượng và bè lũ đến tận biên giới Xiêm La rồi mới rút về. Từ đó, biên giới phía tây mới được yên ổn.” [166, tr.64].
  14. Về phía nhà Nguyễn, sau khi lấy được Bắc Hà năm 1802, vua Gia Long cầu phong nhà Thanh, được tấn phong là Việt Nam quốc vương, ấn định thể lệ tiến cống hai năm một lần và cứ bốn năm một lần Việt Nam sẽ phái sứ bộ sang làm lễ triều kính. Tháng 8 năm 1809, sứ đoàn Việt Nam sang mừng thọ vua Gia Khánh 50 tuổi. Việc giao thiệp giữa Gia Long và nhà Thanh được êm đẹp. Vua Minh Mạng (1820 – 1840) đặc biệt chú ý thần phục nhà Thanh. Nhà vua dẫn đoàn tuỳ tùng gồm khoảng gần 7000 người rời Phú Xuân ra Thăng Long để nhận sắc phong của “thiên triều”. Hành trình kéo dài 33 ngày đêm. Thủ tục đón tiếp và chiêu đãi sứ Thanh diễn ra hết sức chu đáo và long trọng, tốn kém. Như vậy, so với triều Tây Sơn thì trong bang giao với Trung Quốc, nhà Nguyễn đã có một bước lùi đáng kể. Với Xiêm La, dù có xung đột nhưng việc giao thiệp của triều Gia Long vẫn thuận lợi . Từ năm 1802, trở đi hai bên vẫn có sự sứ bộ qua lại trao đổi thân thiện và tặng phẩm. Tuy vậy, Xiêm La vẫn bí mật giúp người Chân Lạp nổi lên chống lại nước ta. Về phía Ai Lao (tiểu quốc Nam Lào), quốc vương nước này xin thần phục cả Việt lẫn Xiêm La. Thời vua Minh Mạng, nhiều xứ ở Ai Lao xin thuộc quyền bảo hộ của Việt Nam. Các vùng nay là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, đều xin làm nội thuộc và trở thành các châu, phủ của Việt Nam. Đối với Chân Lạp, các đời chúa Nguyễn đã có công trong việc mở mang bờ cõi. Về kinh tế, nếu như trong các thế kỷ XVI - XVII và đầu XVIII, ngoại trừ những năm ác chiến với họ Trịnh, do xã hội tương đối ổn định lại có đất đai màu mỡ, được khai khẩn nhiều (các chúa Nguyễn coi trọng chính sách khẩn hoang) nhất là ở phương nam mà nền kinh tế nông nghiệp ở Đàng Trong nói riêng và cả nước nói chung khá phát triển thì đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, nông nghiệp rơi vào tình trạng trì trệ, đất bỏ hoang tăng mạnh như trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ ghi nhận. Trong nhân dân, các nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển và trở nên phổ biến rộng khắp ở nhiều làng xã. Nghề làm gốm được cải tiến, nâng cao trình độ kỹ thuật và mỹ thuật, đã xuất hiện các lò gồm lớn nổi tiếng như Chu Đậu, Hợp Lễ (Hải Dương), Bát Tràng (nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội). Nhiều làng, nghề thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời như làng Mỹ Thiện (Quảng Ngãi), Phú Trạch (Thừa Thiên) làm nồi đất nung, dệt chiếu, lụa hoa, làng Thổ Hà (Bắc Ninh), Hương Canh (Phú Thọ)
  15. chuyên sản xuất chum vại, vò, chĩnh, làng Yên Thái (Hà Nội) chuyên làm giấy... Nổi tiếng nhất là nghề dệt vải, lụa. Có nhiều làng, phường lụa nổi tiếng như An Thái, Nghi Tàm… Tơ trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng bậc nhất. Sự tăng cường buôn bán với các thương nhân nước ngoài càng kích thích thêm sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Thủ công nghiệp phát triển thêm một bước, buôn bán phồn vinh, những thành thị hưng khởi, những mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa có điều kiện nảy sinh. Thủ công nghiệp khai mỏ rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Nhiều mỏ được khai thác như các mỏ đồng Tụ Long (Tuyên Quang), Liêm Tuyền (Thái Nguyên)…; mỏ bạc ở Nam Xương, Long Sinh (Tuyên Quang); mỏ vàng ở Kim Mã, Tam Lộng (Thái Nguyên); kẽm ở Cồn Minh (Thái Nguyên)…[55, tr.337]. Ngành công nghiệp khai mỏ bấy giờ mở ra triển vọng trong việc tạo ra những mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, ít nhất cũng tạo ra tiền đề thuận lợi cho sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng chế độ phong kiến Việt Nam nhưng cuối cùng do chính sách lầm lẫn của các chúa Trịnh (thuế nặng, quy định khắt khe việc mua bán kim loại) và cho rằng việc khai mỏ chẳng có lợi gì, lại phải đào bới nhiều hại đến mạch đất nên nhà chúa đuổi hết thợ mỏ người Trung Quốc về nước, cấm tập trung nhiều thợ trong mỗi mỏ... Do vậy, nghề này đã bị tàn lụi dần. Chính quyền vua Quang Trung rất chăm lo phát triển kinh tế thủ công. “Chỉ trong thời gian ngắn, các trung tâm dần hồi phục” [166, tr. 61]. Đến nhà Nguyễn, thủ công nghiệp nhà nước chiếm một vị trí rất quan trọng để chế tạo tất cả những đồ dùng cho hoàng gia, tham gia đóng thuyền cho quân đội, đúc vũ khí, đúc tiền… Nhà Nguyễn cũng tập trung xây dựng hệ thống các xưởng thủ công nhà nước như xưởng đúc tiền, lập các Ti trông coi các ngành thủ công. Tuy nhiên, công thương nghiệp dưới thời Nguyễn lại càng bị kìm hãm nghiêm trọng. Nhà Nguyễn độc quyền về khai mỏ. Nhiều mỏ tư nhân nhà nước bắt nộp thuế quá nặng phải đóng cửa. Nhìn chung, thương nghiệp từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII phát triển lên một bước đáng kể, cả nội thương và ngoại thương. Ở các làng hình thành nhiều chợ mới họp theo phiên, rồi xuất hiện chợ huyện, chợ phủ. Đồng thời, sự trao đổi buôn bán với các thương nhân nước ngoài như Trung Quốc, Nhật, Xiêm, Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… được tăng cường và mở rộng. Sự phát triển của công thương nghiệp đã làm xuất hiện một số thành thị mới. Kẻ Chợ và Phố Hiến là hai đô thị nổi tiếng bấy giờ
  16. ở Đàng Ngoài: “Thứ nhất Kinh Kì, thứ nhì Phố Hiến”. Kẻ Chợ (hay Kinh Kì) là đất Thăng Long nổi tiếng với 36 phố phường và 8 chợ lớn. Ở Đàng Trong có Hội An là thành phố cảng lớn nhất từ thế kỷ XVI đã có thương nhân nước ngoài đến buôn bán, ngoài ra còn có Thanh Hà (Thuận Hóa) ở tả ngạn Huế và phát triển mạnh từ thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Mặc dù việc buôn bán trong nước và giữa nước ta với các nước khác có được mở rộng từ giai đoạn trước nhưng đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII cũng bị đình trệ bởi vì chúa Trịnh tìm mọi biện pháp bóp nghẹt ngoại thương, ngăn cản việc buôn bán của thương nhân. Đối với thương nghiệp, Quang Trung mở rộng buôn bán với nước ngoài. Theo đề nghị của vua Quang Trung, nhà Thanh đã mở 5 cửa ải lớn thông thương với nước ta để cho khách thương hai nước qua lại. Đối với thương nhân phương Tây, Quang Trung cố gắng tạo cho họ những điều kiện buôn bán rất thuận lợi. Tuy nhiên, xem ra thì số thương nhân phương Tây buôn bán ở khu vực Nguyễn Ánh cai quản vẫn nhiều hơn. Việc thống nhất đất nước vào đầu thế kỷ XIX là một điều kiện thuận lợi cho thương nghiệp phục hồi và tái phát triển sau một thời gian dài suy thoái. Các thành thị công thương Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà do nhiều nguyên nhân trở nên suy tàn và không thể phục hồi như xưa còn Thăng Long, Bến Nghé, Đà Nẵng, Gia Định vẫn tiếp tục phát triển. Với các nước phương Tây, vua Gia Long có thiện cảm với nước Pháp do khi ông còn gian truân có nhờ ông Bá Đa Lộc giúp đỡ. Nhưng sau đó trước sự bành trướng của Châu Âu ở Đông Nam Á khiến Gia Long e ngại, nhất là sau khi nước Anh chiếm được Singapore. Nhà vua thấy rằng cần phải giao hảo với người Tây phương nhưng không thể biệt đãi một quốc gia nào. Đến thời vua Minh Mạng, vua không có cảm tình với người Pháp như thái độ chung của người Á Đông lúc đó, coi người Âu Châu là bọn man di, là quân xâm lược. Cũng theo đường lối của hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, vua Tự Đức khước từ mọi việc giao thiệp với các nước ngoài trong có có nước Mỹ, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại. Như vậy, đối với phương Tây, từ Nguyễn Ánh trở về sau, các vua đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”. Như vậy, quan hệ ngoại thương giữa Đàng Trong với các nước phương Tây cũng giống như ở Đàng Ngoài, chỉ được phát triển khá mạnh mẽ ở thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, sau đó thuyền buôn các nước thưa thớt dần và chấm dứt hẳn bởi vì triều
  17. đình cũng từ chối đặt quan hệ thương mại với thương nhân phương Tây hoặc sợ nông dân tụ tập chống đối, ra lệnh cấm họp chợ (vua Minh Mệnh). Nhìn chung, việc buôn bán với nước ngoài và việc ra đời những trung tâm đô thị hàng hoá lớn đã tạo ra một tầng lớp thị dân khá đông đảo, tập trung ở các đô thị lớn. Họ đã vượt ra ngoài mối quan hệ cổ xưa là nông dân – địa chủ. “Họ sống tương đối tự do hơn nông dân, (...) họ chịu ít nhiều ảnh hưởng của thương nhân ngoại quốc; họ có tầm nhìn tương đối xa rộng hơn nông dân, do đó đồng thời họ cũng có óc phê phán khá nhạy bén. Đồng thời cũng không thể chối cãi những nhân tố tự do phóng túng (...) ở tầng lớp ấy.” [116, tr. 14]. Về đời sống của nông dân trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX nhìn chung khổ cực, điêu đứng do kỷ cương xã hội rối bời. Đất nước điêu linh nhưng giai cấp thống trị Đàng Ngoài lúc bấy giờ lại ra sức vơ vét của cải để lo ăn chơi xa xỉ. Vào nửa đầu thế kỷ XVIII, chúa Trịnh Giang đã ban hành thể lệ thu thuế kỳ lạ nhất trong lịch sử nước nhà là lượng trước số chi rồi mới định số thu cho dân. Bởi chính sách bóc lột như thế, hàng vạn nông dân Đàng Ngoài bị phá sản, phải bỏ xứ đi phiêu bạt đó đây. Vào những năm giữa thế kỷ XVIII, thiên tai, mất mùa và đói kém cứ liên tục xảy ra. Đặc biệt nghiêm trọng là nạn đói năm 1741. Năm ấy, “một trăm đồng tiền không đổi được một bữa ăn, người chết đói chồng chất ngổn ngang, người sống sót không còn một phần mười, làng nào có tiếng trù mật cũng chỉ còn dăm ba hộ nữa mà thôi” [166; tr. 33]. Gạo lúa khan hiếm đến nỗi có người chết trong khi tiền bạc đầy nhà. “Bấy giờ có những nơi, một mẫu ruộng chỉ đổi được một cái bánh nướng” [166, tr. 33]. Ở Đàng Trong, từ thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), chúa Nguyễn bắt đầu xưng Vương cũng là thời kỳ áp bức bóc lột nặng nề với các khoản phụ thu trong chế độ thuế cao hơn cả Đàng Ngoài rất nhiều. Không ít nông dân rơi vào tình cảnh mất hết ruộng đất, họ buộc phải trở thành tá điền cho địa chủ. Năm 1789, vua Quang Trung đã ban Chiếu khuyến nông đảm bảo cho nhân dân có ruộng cày. Vua đã đáp ứng yêu cầu của nông dân về hòa bình và ruộng đất. Về mặt tài chính, Quang Trung cho thi hành một chế độ thuế khóa đơn giản theo tinh thần “bớt thuế, thương dân” và trên cơ sở bãi bỏ nhiều thứ thuế phức tạp trước đó. Không chỉ coi trọng việc phát triển kinh tế, Quang Trung còn thi hành nhiều chính sách mang tính cải cách về văn hóa, giáo dục có ý nghĩa quan trọng. Đó là chủ trương dùng chữ Nôm và mở rộng trường học đến tận thôn xã. Vua Quang Trung đã mang lại lợi ích thực sự cho nhân
  18. dân trong nhiều năm liền… Nhưng thời gian trị vì của ông quá ngắn ngủi và trên thực tế Quang Trung chỉ chỉ quản lý từ vùng đất Bến Ván của Quảng Nam trở ra Bắc nên mức độ ảnh hưởng của những chính sách đối nội tiến bộ và tích cực của ông chưa phải là thực sự rộng lớn, lâu dài và sâu sắc. Những chính sách tích cực của vua Quang Trung giảm hiệu lực từ khi vua mất. Nguyễn Quang Toản và triều thần tướng tá xoay ra tranh đoạt quyền vị. “Họ thẳng tay bóc lột và bắt lính làm cho nông dân trước kia hưởng ứng và ủng hộ Nguyễn Huệ sau này chán bỏ triều đình Tây Sơn.” [116, tr. 10 - 11]. Khi Gia Long được thiên hạ đã xóa bỏ tất cả chế độ thuế khoá cũ của Tây Sơn để đặt lại thuế khoá mới nặng hơn thời trước. Đến Minh Mạng, vua định lại thuế điền nặng hơn nữa. Ngoài ra, dưới triều Nguyễn mỗi người dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch cho triều đình. Trên thực tế, người dân phải lao dịch khá nặng trong thời gian vương triều Nguyễn xây dựng các cung điện, lăng tẩm, dinh thự... Chẳng hạn năm 1807, ngay khi kinh thành Huế vừa được xây xong, vua Gia Long lại huy động hàng nghìn dân đinh và binh lính tiếp tục sửa chữa và tu bổ thêm trong một thời gian dài gây nên chế độ lao dịch nặng nề. Nhìn chung, đa số bộ phận nông dân sống trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX ngày tháng yên bình chỉ ngắn ngủi dưới thời vua Quang Trung còn lại các giai đoạn khác đều điêu đứng, khổ sở do chiến tranh hoành hành, quan lại tham nhũng, nạn cướp phá và mất mùa, lụt lội đói kém. Trong Vũ trung tuỳ bút có kể chuyện ruộng đất bỏ hoang, dân đói kém phải đi bóc vỏ cây để ăn, có người đàn bà góa tiền của như núi mà vẫn chết đói. Nạn đói khủng khiếp đến độ hàng quán ven đường đã làm canh thịt người (Vũ trung tuỳ bút). Ngay khi mới lên ngôi, cả Quang Trung và vua Gia Long đã phải ra những sắc lệnh để tránh ruộng bỏ hoang, cấm bán ruộng đất công và quy định chặt chẽ việc cầm cố loại công điền công thổ này để bảo đảm đất cày cho mọi người nông dân. Vua Gia Long thật sự có quan tâm đến đê điều, trị thuỷ nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu sự phối hợp đồng bộ và quy hoạch chung giữa các địa phương, do tác động của môi trường, sinh thái,... các đê đắp lên cứ vỡ liên miên. Chính vì vậy, mất mùa, lụt lội liên tiếp xảy ra. Thời kỳ từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX là thời kỳ những cuộc khởi nghĩa nông dân mãnh liệt và dai dẳng. Chiến tranh, bắt lính, trưng sưu, tăng thuế, quan lại phú hào tham nhũng gian ác, đê vỡ, mất mùa, đói cơm, thiếu đất cày …bấy nhiêu tai
  19. họa thúc đẩy họ bạo động để mong đạt tới một chế độ sống dễ thở hơn. Nhìn chung, có thể khẳng định sự khốn khổ của người dân là tình trạng chung trong giai đoạn này, ở các vùng miền, dưới các chính thể khác nhau - bất kể là thời Lê – Trịnh, Tây Sơn hay Nguyễn - trong những thời điểm nhất định. Nói tóm lại, tình hình xã hội nước ta từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX nổi bật lên ba hiện tượng lớn bao trùm mọi diễn biến của lịch sử. Đó là tập đoàn phong kiến suy vi đến cùng cực và lần lượt sụp đổ, là nông dân bạo động thường xuyên mạnh mẽ đã từng thắng lợi vẻ vang, là nền kinh tế hàng hoá bước đầu phát triển và tạo ra một tầng lớp thị dân khá đông đảo. 1.2. Chân dung Phạm Thái Phạm Thái còn gọi là Phạm Phụng hay Phạm Đan Phụng là người làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh ngày 19 tháng giêng năm Đinh Dậu (1777) đời vua Cảnh Hưng nhà Lê, trong một gia đình quan liêu quý tộc. Cha của Phạm Thái là một tôi trung của chúa Trịnh, được chúa cho giữ chức nội san bình phiên (một chức quan võ cao cấp) trong phủ chúa và được phong tước Trạch Trung hầu. Vì cha là quan võ nên từ thuở nhỏ Phạm Thái đã được học võ, sau ông mới học văn và trở thành một thanh niên văn võ song toàn. Thời Lê Trịnh, tước hầu là một tước quan to, người được phong hầu được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt. Khi Tây Sơn tiến ra Bắc, Trạch Trung hầu mộ binh đánh lại Tây Sơn. Nhưng trước cái khí thế mạnh như nước vỡ bờ của quân đội Tây Sơn, “nghĩa binh” của Trạch Trung hầu tan vỡ. Trạch Trung hầu chết vào lúc Phạm Thái đã 20 tuổi. Gia đình Phạm Thái do việc thất trận của Trạch Trung hầu mà tan tác. Phạm Thái mượn cớ đi du lãm các nơi danh lam thắng cảnh để tìm bè kết bạn mưu đồ sự nghiệp cần vương. Gặp Nguyễn Đoàn, một nhân vật chống Tây Sơn, Phạm Thái cùng Nguyễn Đoàn định ra kế hoạch vận động bọn quan liêu cũ mưu đồ chống Tây Sơn. Tương truyền Phạm Thái có soạn bài Quân yếu (cốt yếu của việc binh) bàn luận thế đánh. Nhưng rồi Nguyễn Đoàn bị bại trận và bị giết, Phạm Thái phải trốn đi. Bị nhà Tây Sơn truy nã, Phạm Thái phải cắt tóc đi tu và ở chùa Tiêu Sơn (huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc) với đạo hiệu Phổ Chiêu thiền sư. Trong thời gian ở chùa, Phạm Thái đã soạn mấy bài văn phả khuyến để đi khuyên giáo lấy tiền, gạo sửa chữa chùa. Tại đây, Phạm Thái đã tiến hành âm mưu mộ đánh nhà Tây Sơn. Hoài bão chính trị vẫn chưa nguôi nên thỉnh thoảng, ông có bàn chuyện phù Lê với vị cao tăng trụ trì
  20. là Phổ Tỉnh thiền sư. Trốn tránh ở chùa Tiêu Sơn mấy năm, Phạm Thái nhận được thư của Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ (người làng Thanh Nê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mời lên Lạng Sơn bàn mưu khởi binh đánh Tây Sơn. Trương Đăng Thụ trước làm quan với họ Trịnh đã được phong tước Thanh Xuyên hầu, nay ra làm quan với Tây Sơn nhưng vẫn ngầm có ý chống lại. Trương Đăng Thụ vốn là bạn cũ của Phạm Thái. Mời được Phạm Thái, Trương Đăng Thụ rất mừng và thường cùng Phạm Thái bàn việc thời thế. Ở với Trương Đăng Thụ được ít lâu tại Lạng Sơn, Phạm Thái về Kinh Bắc thăm mẹ. Trong thời gian ở quê nhà, được tin Trương Đăng Thụ mất ở Lạng Sơn, linh cữu được gia quyến đưa về nguyên quán, lập tức Phạm Thái xuôi nam đến nhà thân phụ Trương Đăng Thụ là Kiến Xuyên hầu để phúng viếng bạn. Thấy Phạm Thái có tài và lại cùng một chí với con mình, Kiến Xuyên hầu rất mến, liền lưu Phạm Thái ở lại nhà mình. Kiến Xuyên hầu có một tiểu thư tài sắc vẹn toàn tên là Trương Quỳnh Như. Trong thời gian nán lại nhà bạn, Phạm Thái và Quỳnh Như đã yêu nhau say đắm. Nhiều lần họ xướng họa cùng nhau. Hiện còn lại 12 bài thơ Quỳnh Như làm về đề tài tình yêu và nỗi nhớ của nàng đối với Phạm Thái trong 12 giờ của một ngày (có hai bài Quỳnh Như ra đề và Phạm Thái làm). Mối tình trong sáng, tao nhã ấy được cha Quỳnh Như hết lòng ủng hộ nhưng mẹ nàng lại phản đối gay gắt. Quỳnh Như bị mẹ ép duyên với một người giàu có tên là Trịnh Nhị. Đau khổ, bất lực và uất ức tận cùng, nàng tìm đến cái chết để bảo toàn mộng đẹp với Phạm Thái. Cái chết của người yêu làm trái tim Phạm Thái tan nát, đau đớn khôn cùng, cộng với nỗi đau thân phận, nỗi buồn trong sự nghiệp cần vương đã có từ trước làm tâm hồn ông thêm đau thương. Mối tình thắm thiết giữa hai người là nguồn cảm hứng chính cho phần lớn của thơ văn Phạm Thái. Tình yêu không thành, những đau khổ trong tình yêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp văn chương cũng như nội dung thơ văn của ông. Khi người yêu chết, Phạm Thái bỏ nhà Kiến Xuyên hầu ra đi. Năm 1802, đất nước lại một lần nữa thay đổi: chính quyền Tây Sơn bị diệt vong trước sự phản công quyết liệt của Gia Long. Giấc mơ phù Lê của Phạm Thái cũng tan theo mây khói: “Ngày tháng trôi như bóng thoảng nhanh, Công lao, sự nghiệp phút tan tành” [120; tr.108]. Từ đấy, một nỗi u uẩn thất cơ lỡ vận và nhất là nỗi đau tình vỡ, luôn đau đáu trong hồn ông. Ông tìm quên đời trên những ngả đường giong ruổi
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2