Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam
lượt xem 19
download
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam bao gồm những nội dung về khái quát biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới và Việt Nam, hình tượng rắn trong truyện kể dân gian của người Kinh ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ; hình tượng rắn trong truyện kể dân gian của một số dân tộc ít người miền Trung và Tây Nguyên; hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Nam bộ.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Phạm Huyền Trâm HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: T.S HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh – 2010
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan công trình khoa học trên là của riêng tôi. Các kết quả đưa ra trong luận văn là trung thực và chưa được công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào. Tác giả luận văn PHẠM HUYỀN TRÂM
- LỜI CẢM ƠN Để có được những thành quả như ngày hôm nay, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Đặc biệt để hoàn thành luận văn tốt nghiệp này, tôi đã nhận được sự chỉ bảo tận tình và vô cùng chu đáo từ phía giảng viên, TS. Hồ Quốc Hùng. Thầy đã giúp tôi định hướng, hướng dẫn cách trình bày cũng như giảng giải thêm nhiều vấn đề khác trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Bên cạnh đó, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn của tôi đến các thầy cô khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Tp.Hồ Chí Minh, những người đã nhiệt tình giảng dạy và cung cấp cho tôi những kiến thức cần thiết để tôi hoàn thành tốt khóa học và luận văn tốt nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Ban giám hiệu nhà trường, đến phòng Khoa học Công nghệ và Sau Đại học đã tạo những điều kiện tốt nhất cho học viên cao học trong suốt thời gian học tập tại trường. Tp. Hồ Chí Minh, năm 2010 PHẠM HUYỀN TRÂM
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Truyện kể về rắn là một trong những nhóm truyện kể tương đối quen thuộc trong hệ thống truyện kể dân gian Việt Nam. Không chỉ xuất hiện trong truyện kể mà trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh chúng ta cũng thấy sự có mặt của hình tượng rắn; không chỉ có mặt ở một vùng mà phổ biến trên nhiều vùng của cả nước. Vì thế mà hình tượng rắn mang trong nó những biến thể (về cấu tạo và nội dung biểu đạt) ở mỗi vùng đất mà nó dừng chân. Nghiên cứu truyện kể dân gian về rắn ở Việt Nam trước tiên chúng tôi muốn tìm hiểu tính phổ quát của nó trong lĩnh vực truyện kể và đưa ra một số đặc trưng của nó ở một số vùng miền trên cả nước. Từ đấy chỉ ra được những điểm giống và khác nhau cũng như nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khác biệt của các kiểu truyện về rắn ở một số vùng miền trên cả nước. Ngoài ra nghiên cứu truyện kể dân gian về rắn ở Việt Nam chúng tôi hy vọng góp phần tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian của người Việt trong mối tương quan với tín ngưỡng dân gian của các dân tộc ở vùng Đông Nam Á và thế giới. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Rắn trong văn hóa dân gian là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Nó đã đi vào cuộc sống và trở thành những biểu tượng kinh điển. Ai cũng biết đến hình tượng con rắn khôn ngoan và hiểm độc trong Kinh thánh cũng như hình tượng con rắn mang lại sự sống trong ngành y dược thế giới. Ở Đông Nam Á, hình tượng rắn cũng được nhắc đến qua các truyện kể dân gian của người Thái Lan, người Lào và đặc biệt là hình tượng rắn Naga của người Campuchia. Nằm trong cơ tầng văn hóa chung ấy, hình tượng rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam là một hiện tượng không chỉ có ở một địa phương mà nó còn phổ biến rộng rãi trên khắp cả nước. Vì thế mà từ lâu đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về hình tượng rắn trong văn hóa dân gian như bài viết: “Hình tượng rắn từ thần thoại đến truyện cổ tích” của tác giả Nguyễn Bích Hà đăng trên tạp chí Văn hóa Dân gian, số 1, năm 1991. Mở đầu công trình này tác giả đã khẳng định: “rắn là hình tượng khá phổ biến trong truyện cổ dân gian. Nó không chỉ có ở Việt Nam
- mà còn trở thành một hệ thống hình tượng quen thuộc trong truyện cổ Đông Nam Á và thế giới…Ở nước ta trên dọc các con sông Đà (Hà Sơn Bình), sông Hồng (vùng Hà Nội, Vĩnh Phú), sông Lam (Nghệ Tĩnh) và quanh vùng vịnh Hạ Long đều có đền thờ rắn, giải, thuồng luồng với hai nguồn truyện kể dân gian nổi bật: suy tôn và ca ngợi như những “vật linh hiện” hoặc căm ghét như kẻ thù độc ác nhất. Hai nguồn truyện ấy mang hai thái độ và quan niệm vừa đối lập vừa dung hòa nhau về hình tượng rắn”. Mặc dù không có dẫn chứng cụ thể nhưng qua luận điểm trên, tác giả Bích Hà đã chỉ ra cho chúng ta thấy khu vực tập trung của nguồn truyện kể dân gian về rắn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đồng thời dựa vào nội dung truyện, tác giả này cũng đã chia nguồn truyện này ra thành hai loại. Việc phân loại cũng như đánh giá thái độ của con người qua hai nguồn truyện ấy là một gợi ý giúp chúng tôi có định hướng đúng khi nghiên cứu về hình tượng rắn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ngoài nội dung mang tính khái quát vừa nêu, qua công trình này tác giả đã cho chúng ta cái nhìn cụ thể về sự biến đổi của hình tượng rắn từ thần thoại đến truyện cổ tích đặc biệt là về hình tượng rắn trong truyện Thạch Sanh. Tuy chỉ tập trung vào giải quyết các luận điểm dựa trên việc phân tích truyện Thạch Sanh nhưng qua bài viết này, tác giả cũng đã đưa ra được ý nghĩa cũng như sự biến nghĩa của hình tượng rắn thông qua thể loại thần thoại và truyện cổ tích. Kết quả nghiên cứu này là một tài liệu tham khảo tốt giúp chúng tôi mở rộng nghiên cứu trên nhiều truyện kể về rắn có cùng thể loại. Năm 1992, trong các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian ở Nam bộ, các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã đề cập đến mảng truyện kể về rắn như một chủ đề của truyện kể dân gian về thú dữ ở Nam bộ như: công trình Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ của tác giả Thạch Phương do NXB KHXH xuất bản, bài viết Một vài thu hoạch từ những câu chuyện truyền miệng ở mảnh đất phương Nam của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng in chung trong tập truyện Nghìn năm bia miệng do NXB Trẻ Tp. HCM xuất bản. Cả hai tác giả trên đều chỉ dừng lại ở việc nêu và kể tên một số truyện kể về rắn ở Nam bộ. Trong tuyển tập (tập 3) của Đinh Gia Khánh, nhân nói về những nét đặc thù của văn hóa dân gian Việt Nam, ông cũng đã đề cập đến tục thờ rắn là vật tổ của các cư dân ở đồng bằng và theo ông đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phổ biến của các truyện về rắn thần ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Kết quả nghiên cứu trên đã tạo cho chúng tôi một cơ sở lý luận chắc chắn trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân hình thành truyện kể dân gian về rắn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
- Năm 1998, tác giả Nguyễn Bích Hà lại có một chuyên luận nghiên cứu sâu hơn về tác phẩm Thạch Sanh. Chuyên luận này đã được NXB Giáo Dục xuất bản thành sách với nhan đề: Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á. Nhân bàn về truyện Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á, tác giả đã đi vào tìm hiểu rất kĩ môtíp dũng sĩ diệt rắn ác. Và theo những tài liệu sưu tầm được, tác giả cho thấy đây là môtíp khá phổ biến trong kiểu truyện dũng sĩ ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á. Kế thừa những thành quả nghiên cứu từ trước, tác giả cũng khẳng định “rắn được dùng đồng nhất với khái niệm nước” - một yếu tố chi phối chặt chẽ đến đời sống của con người thời bấy giờ. Vì thế mà con người vừa có tâm lí cầu thân, làm hòa vừa có tâm lí muốn chống lại thiên nhiên hung dữ qua hình tượng rắn. Những kết quả nghiên cứu của tác giả về hình tượng rắn trong môtip dũng sĩ diệt rắn ác đã gợi mở cho chúng tôi rất nhiều điều trong quá trình thực hiện đề tài của mình. Qua các công trình nghiên cứu của những năm 90 vừa được đề cập ở trên, chúng tôi thấy rằng các nhà nghiên cứu đã bước đầu chú ý đến hình tượng rắn trong văn hóa dân gian đặc biệt là trong thể loại truyện kể dân gian về rắn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng hình tượng rắn trong truyện kể dân gian chỉ được đề cập đến khi nó có liên quan đến một đề tài khác mà các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu. Chẳng hạn như tác giả Bích Hà là người đã nói rất nhiều (xét trong giai đoạn này) về hình tượng rắn trong truyện kể dân gian nhưng vấn đề chính mà tác giả này quan tâm lại là truyện Thạch Sanh và những kiểu truyện dũng sĩ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2000 trở đi đặc biệt là vào đầu năm 2001 - năm Tân Tỵ, chúng ta thấy sự xuất hiện khá phong phú và đa dạng của các bài viết về hình tượng rắn trong văn hóa dân gian được đăng trên hầu hết các báo, trong đó có thể kể ra các bài viết tiêu biểu như: “Rắn trong văn hóa dân gian – rắn trong tục ngữ” của tác giả Trần Trọng Trí, đăng trên báo Áo Trắng, số 21 + 22, năm 2000. “Rắn trong tục ngữ, rắn trong văn hóa dân gian” của tác giả N.K.P, đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số xuân, năm 2001. “Rắn “bò” qua ca dao” của tác giả Bảo Kiếm, đăng trên báo CAND, số xuân, 2001. “Rắn trong thành ngữ và tục ngữ” của tác giả Nguyễn Nhân Thống, đăng trên báo Đồng Nai, số xuân, năm 2001.
- “Tục ngữ và những chuyện nghịch lý về rắn” của tác giả, đăng trên báo Long An, số xuân, năm 2001. “Chuyện rắn trong dân gian” của tác giả Lưu Đức Ý, đăng trên báo Đường Sắt Việt Nam, số 477- 479, năm 2001. Do dung lượng ngắn gọn và tính chất sưu tầm, góp vui của những bài báo Xuân nên điểm chung của các bài viết này là đều chủ yếu dừng lại ở việc sưu tầm và bàn luận sơ lược hình tượng rắn qua một số câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam. Tuy không đề cập đến hình tượng rắn trong truyện kể dân gian nhưng qua hướng nghiên cứu này, chúng ta cũng thấy được hình tượng rắn trong văn học dân gian Việt Nam là một hiện tượng phổ biến và quen thuộc. Cũng nằm trong số những bài viết chào xuân Tân Tỵ, bài viết “Rắn trong huyền thoại và văn chương” của tác giả Chu Minh Thụy, đăng trên báo Văn Nghệ, số xuân, năm 2001 lại cho ta một cái nhìn rộng lớn hơn về hình tượng rắn trên thế giới. Đây chỉ là một bài viết mang tính chất tổng hợp tài liệu của tác giả với con rắn từ Tây sang Đông và điểm cuối cùng của hành trình là Việt Nam. Ở Việt Nam, tác giả này đã nói về hình tượng rắn qua truyền thuyết vườn Lệ Chi. Tuy chỉ mang tính liệt kê nhưng tác giả này bước đầu đã có sự so sánh khi đặt hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam trong tương quan với hình tượng rắn trong văn hóa thế giới đặc biệt là hình tượng rắn ác trong truyện kể dân gian về rắn. Đi sâu vào nguồn gốc lịch sử của biểu tượng rắn ở Việt Nam, tác giả Dương khuê trong bài viết “Rắn trong biểu tượng dân gian”, đăng trên website: http://www.thuvienhaiphu.com.vn cho rằng rắn là biểu tượng văn hóa được thiêng liêng hóa thành biểu tượng rồng và “xu hướng tôn vinh, linh thiêng hóa rắn trong tiềm thức lịch sử văn hóa, cho phép chúng ta phán đoán, khẳng định rắn là tổ họ, là gốc, là tiền thân của rồng”. Theo tác giả rắn là biểu tượng của thần sông nước, là vật tổ và rắn có khi là biểu tượng cho điều thiện, nhưng nhiều khi rắn là biểu tượng cho điều ác. Trong bài viết “Rắn trong tâm thức người Việt” , đăng trên tạp chí Tem, số 46, năm 2001, tác giả C.Q.T đã khẳng định rằng “con rắn đi vào đời sống văn hóa của rất nhiều nước, với vị thế những vị thần khởi nguyên. Trong đó Việt Nam được xem là một mảnh đất mầu mỡ ”. Để chứng minh cho điều đó, tác giả bài viết đã cho thấy sự xuất hiện của hình tượng rắn từ thời vua Hùng thứ nhất khi vua bảo thần dân xăm hình giao long để khi xuống nuớc, thuồng luồng nhận là đồng loại mà không làm hại hay hình tượng rắn trong các thuyền rắn
- nước trên mặt trống đồng và thạp đồng của văn hóa Đông Sơn. Rắn còn xuất hiện trong các đền thờ Mẫu của các cư dân ven sông Bắc bộ và trong nghệ thuật tạo hình xưa. Chính vì vậy, tác giả khẳng định trong văn hóa Việt Nam, rắn luôn chiếm vị trí trang nghiêm trong tâm thức dân tộc. Tuy cũng là những bài báo Xuân nhưng các tác giả Dương Khuê và C.Q.T đã khá dày công trong việc thu thập và phân tích các tài liệu. Tác giả Dương Khuê và C.Q.T lại đi vào tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của biểu tượng rắn trong văn hóa Việt Nam. Từ những dữ kiện đưa ra, hai tác giả này cũng đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của rắn trong tâm thức dân tộc. Theo chúng tôi, đây là những bài viết ngắn nhưng có chất lượng. Trong các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian của người Việt, các tác giả cũng đề cập đến hình tượng rắn, có thể kể ra một số công trình nghiên cứu sau: Bài viết “Rắn Nagaraja trong tín ngưỡng văn hóa khơme Nam bộ” của tác giả Thiện Chí, đăng trên báo Bạc Liêu, số xuân, năm 2001. Bài viết “Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hóa khơme” của tác giả Phan Anh Tú, đăng trên Thông Báo Khoa Học, số 5, năm 2004. Công trình nghiên cứu “Tục thờ các vị thần sông nước” đăng trên website: http://www.hanam.gov.vn. (2004) Bài viết “Mối quan hệ tương tác về văn hóa phi vật thể giữa văn hóa các dân tộc anh em và văn hóa người Việt” đăng trên tạp chí Di Sản, Số 4(13), năm 2005 Công trình nghiên cứu “Phụng thờ thủy thần ở Linh Đàm (Hà Nội)” của tác giả Việt Hương, đăng trên tạp chí Di Sản, số 2, năm 2005. Bài viết “Thần bí lễ hội rắn ở làng Lệ Mật”, đăng trên website: http://www.vietnam.net. (2005) Bài viết “Một biểu thị tiếp biến văn hóa đặc thù của người Việt”, đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 10, năm 2005. Trong các bài viết này, rắn và tín ngưỡng thờ rắn của dân tộc Việt Nam đã được các tác giả tập trung tìm hiểu. Chúng tôi cũng thấy rằng đã có sự phân biệt giữa tín ngưỡng thờ rắn của người Kinh và tín ngưỡng thờ rắn của các dân tộc anh em trong các công trình nghiên cứu. Việc nghiên cứu và khẳng định rắn là linh vật trong tín ngưỡng thờ thủy thần của các bài viết đã giúp chúng tôi có thêm cơ sở dữ liệu khi nghiên cứu những truyện kể dân gian về rắn có liên quan trực tiếp đến tín ngưỡng thờ rắn.
- Nhìn chung các bài viết về hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2005 đều không liên quan trực tiếp đến đề tài mà chúng tôi đang nghiên cứu. Tuy nhiên chính sự xuất hiện của hình tượng rắn qua các thể loại khác của văn học dân gian cũng như các lĩnh vực khác của đời sống sẽ là cơ sở để chúng tôi khảo sát sự chuyển đổi các ý nghĩa biểu đạt của hình tượng rắn trong các thể loại của truyện kể dân gian. Nhìn lại lịch sử nghiên cứu hình tượng rắn trong văn hóa cũng như văn học dân gian ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, rắn là một biểu tượng văn hóa được các nhà nghiên cứu chú ý đến từ rất lâu. Mỗi bài viết ở trên là một cái nhìn rất riêng về hiện tượng này. Đó chính là cơ sở gợi mở cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về hình tượng rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam. Vì thế, dựa trên cơ sở những công trình đã nghiên cứu, luận văn của chúng tôi sẽ bổ sung một cái nhìn cụ thể và hệ thống hơn về hình tượng rắn trong văn hóa Việt đó là: hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những truyện kể dân gian về rắn ở Việt Nam. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu những truyện kể dân gian về rắn trong hệ thống truyện kể dân gian ở Việt Nam. Cụ thể, ở mỗi vùng miền thuộc phạm vi nghiên cứu (Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ), chúng tôi sẽ chọn ra những truyện kể về rắn có tính phổ biến và đặc trưng cho vùng miền ấy để nghiên cứu. Do đó, sẽ có một số truyện kể về rắn của một số vùng miền không được đề cập đến trong luận văn. Cụ thể là vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng ở miền Trung bộ. Trong quá trình khảo sát và tìm tư liệu ở hai vùng này, chúng tôi cũng thấy xuất hiện một số truyện kể về rắn nhưng số lượng không nhiều và nội dung không đặc trưng vì thế chúng tôi không chọn Tây Bắc và đồng bằng Trung bộ là đối tượng khảo sát của luận văn. Tính đặc trưng và phổ biến của các truyện được chúng tôi chọn dựa trên các tiêu chí sau: - Tính phổ biến của nội dung truyện trên vùng khảo sát. - Sự xuất hiện thường xuyên của một hay vài môtíp trong các truyện. - Nội dung truyện gắn với văn hóa cũng như phong tục tập quán của địa phương. Ví dụ: ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, chúng tôi sẽ tìm hiểu nhóm truyện về rắn trong đó có liên quan đến một trong các nội dung sau:
- - Hình tượng rắn gắn liền với tục thờ thủy thần. - Hình tượng rắn gắn liền với cuộc đấu tranh trị rắn ác của nhân dân. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp tổng hợp - Phương pháp phân tích - Phương pháp so sánh - Phương pháp liên ngành Trong các phương pháp nghiên cứu trên, chúng tôi tập trung sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp liên ngành nhằm nêu bật điểm tương đồng và dị biệt của các kiểu truyện rắn ở các vùng miền trên cả nước. 5. Tư liệu nghiên cứu - Các truyện kể dân gian về rắn ở các vùng miền khác nhau trên cả nước. + Những truyện kể về rắn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ được sử dụng trong luận văn chủ yếu được chúng tôi trích ra từ các tài liệu sau: Tổng tập văn học dân gian người Việt tập 5: Truyền thuyết dân gian người Việt (Kiều Thu Hoạch), Truyền thuyết các vị thần Hà Nội (Minh Thảo, Xuân Mỹ), Truyện linh dị Việt Nam (Phạm Minh Thảo), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (Ninh Viết Giao) và một phần nhỏ từ wesite: http://www.hanam.gov.vn + Những truyện kể về rắn của các dân tộc ít người ở khu vực miền Trung và Tây nguyên được sử dụng trong luận văn được chúng tôi thu thập chủ yếu từ các tài liệu như: Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc miền Trung (Nguyễn Hữu Chúc), Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam (Hà Văn Thư,Võ Quang Nhơn), Sự tích Langbian : Truyện cổ các dân tộc thiểu số Lâm Đồng (Lâm Tuyền Tĩnh ), Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt Nam (Viện văn học) và một phần trong các tập truyện kể của các dân tộc ít người thuộc khu vực này như: Chăm, Êđê, M’nông, Xêđăng… + Những truyện kể về rắn của khu vực Tây Nam bộ được sử dụng trong luận văn chủ yếu được lấy từ tài liệu: Huyền thoại miệt vườn: Truyện cổ dân gian các dân tộc Nam bộ (Nguyễn Phương Thảo), Nghìn năm bia miệng (Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường), Tử chiến với KingCôBra (Nguyễn Bá) - Các công trình địa chí, thần tích ở các tỉnh.
- + Ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ chúng tôi dựa vào tài liệu thần tích Việt Nam (Xuân Quang) + Ở khu vực Tây Nam bộ chúng tôi dựa vào các tập địa chí về các tỉnh thuộc khu vực này do tác giả Huỳnh Minh biên soạn. - Các công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á. Chủ yếu là các bài viết được đăng trên các tạp chí như: văn học nghệ thuật, Di sản, nghiên cứu văn học; các bài viết được đăng trên các website có uy tín như: Vietnam.net, vanhoahoc.edu, vannghesongcuulong.org. Trên đây, chúng tôi chỉ nêu khái quát nguồn tư liệu được sử dụng trong luận văn còn phần tư liệu cụ thể chúng tôi sẽ miêu tả kỹ hơn ở mỗi chương. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn nghiên cứu một cách hệ thống, cụ thể về hình tượng rắn trong hệ thống truyện kể dân gian Việt Nam. Từ đó đưa ra được những điểm đặc trưng của truyện kể dân gian về rắn ở một số vùng miền trên cả nước. Đồng thời qua hệ thống truyện kể này, luận văn cũng giúp cho người đọc thấy được nét văn hóa tương đồng và dị biệt của người Việt xưa trong tương quan với nền văn hóa của một số dân tộc ở vùng Đông Nam Á. 7. Bố cục luận văn Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung của luận văn được chia làm 4 chương: Chương I: Khái quát biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới và Việt Nam Ở chương này, chúng tôi sẽ tập trung trình bày ý nghĩa của biểu tượng rắn trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay. Chính sự xuất hiện của biểu tượng rắn trong các lĩnh vực của đời sống nhân dân sẽ là cơ sở cho việc khảo sát sự chuyển đổi các ý nghĩa biểu đạt của hình tượng rắn trong các thể loại của truyện kể dân gian. Chương II: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian của người Kinh ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ở chương này, chúng tôi chọn đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ là vùng đất đầu tiên để khảo sát vì một trong những lý do sau: - Bắc bộ là vùng đất định cư đầu tiên của cư dân Việt. - Số lượng truyện kể liên quan đến đề tài của luận văn tương đối phong phú.
- - Nội dung các truyện kể sưu tầm ở hai vùng trên có nhiều chủ đề tương đồng. - Đây là những vùng đất mang đậm văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Ngoài việc chọn vùng để khảo sát, ở chương này, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát cấu tạo và các biến nghĩa của hình tượng rắn trong các thể loại của truyện kể dân gian (nếu có) ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Từ những ý nghĩa có được, chúng tôi sẽ vào tìm hiểu các môtip (nếu có) trong nhóm truyện cùng nội dung. Do đặc điểm văn hóa vùng miền nên truyện kể về rắn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ thường có nhiều tên gọi khác nhau vì vậy truyện kể về rắn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ chúng tôi đưa ra khảo sát sẽ bao gồm luôn các truyện kể về các biến thể của rắn như: thuồng luồng, con giải, giao long... Chương III: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian của một số dân tộc ít người miền Trung và Tây Nguyên. Cũng dựa trên số lượng và nội dung những tài liệu thu thập được, ở chương này chúng tôi chọn vùng miền núi Trung bộ và Tây nguyên để khảo sát. Mặt khác đây cũng là những vùng có số lượng truyện tương đối và nội dung truyện mang đậm màu sắc văn hóa của các dân tộc ít người Việt Nam. Các bước tiến hành nghiên cứu ở chương này chúng tôi cũng làm tương tự như ở chương thứ 2 nhưng song song với việc khảo sát và đưa ra nét đặc trưng của những truyện kể ở vùng này, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh với những truyện kể ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Chương IV: Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Nam bộ. Ở chương này, chúng tôi chọn miền Tây Nam bộ là vùng đất cuối cùng để khảo sát vì: - Đây là vùng đất mới có nhiều tộc người cùng sinh sống (kinh, khơme, Hoa, Chăm...) vì thế sẽ có sự kế thừa cũng như pha trộn giữa các giá trị tinh thần. - Những truyện kể về rắn tập trung ở vùng này mang đậm màu sắc của vùng đất mới Nam bộ. Trong quá trình thống kê, phân lập hình tượng rắn trong các thể loại truyện kể và một số vùng miền tiêu biểu, luận văn sẽ tiến hành so sánh để rút ra những tương đồng và dị biệt về cách biểu đạt cũng như tìm hiểu đời sống đích thực của nó.
- NỘI DUNG Chương một KHÁI QUÁT BIỂU TƯỢNG RẮN TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 1.1. Về khái niệm biểu tượng Biểu tượng văn hóa là một đối tượng giữ vị trí quan trọng trong nền văn hóa của mỗi quốc gia. Nhà văn hoá Levis Strauss đã từng nói: “Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng…”[10, XIII]. Tuy nhiên, trước kia người ta thường cho biểu tượng là những hình ảnh của trí tưởng tượng, do bịa đặt mà ra như: biểu tượng nàng tiên cá trong văn hóa Đan Mạch, biểu tượng rồng trong văn hóa Việt Nam, Trung Hoa, biểu tượng sư tử biển của Singapore, biểu tượng rắn Naga trong văn hóa Thái Lan, Campuchia, Lào… Vì thế mà biểu tượng văn hóa dường như ít được gắn với văn hóa của các quốc gia. Ngày nay, càng quan tâm tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình trong mối tương quan với các dân tộc khác, người ta càng thấy rằng biểu tượng văn hóa cũng như những huyền thoại, thần thoại, truyền thuyết… của các dân tộc có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì khi tìm hiểu, giải mã các biểu tượng văn hóa chúng ta cũng đồng thời thấy được tư tưởng, tình cảm, phong tục tập quán… của con người trong những cộng đồng văn hóa và lãnh thổ xác định. Vì vậy, trước khi đi vào khảo sát sự xuất hiện của biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới và đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không liên hệ đến khái niệm biểu tượng văn hóa. Theo từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới thì bản chất khởi nguyên của biểu tượng là một vật được chia làm hai nửa, mảnh sứ, gỗ hay kim loại, hai người mỗi bên giữ một nửa, khi khớp lại sẽ nhận ra mối quan hệ cũ. Theo từ điển Từ và ngữ Hán việt của tác giả Nguyễn Lân [20,tr.63] thì biểu tượng là: “hình ảnh của sự vật hoặc hiện tượng nảy sinh ra trong óc khi sự vật hoặc hiện tượng đó không còn đang trực tiếp tác động vào các giác quan của chúng ta như trước”
- Theo từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học [46,tr.88] thì biểu tượng là: “hình ảnh sáng tạo nghệ thuật có một ý nghĩa tượng trưng trừu tượng” Cuối cùng nói như PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà thì : Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài… Nó chính là cái nhìn thấy được mang một kí hiệu dẫn ta đến một cái khó có thể nhìn thấy được nhưng nếu đã là biểu tượng chắc chắn nó đại diện cho các khía cạnh bản chất nào đó của văn hóa cộng đồng [67]. * Một số đặc điểm của biểu tượng Từ những nội hàm của từ điển được xác định trên, có thể rút ra mấy đặc điểm sau: - Biểu tượng phải được hình thành trong quá trình lâu dài. Biểu tượng được hiểu như là những hình ảnh tượng trưng, được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một quá trình lâu dài. - Biểu tượng có tính ước lệ. Biểu tượng luôn mang tính quan niệm, bởi nó bắt nguồn từ tư duy hình tượng. Nó có nhiều cấp độ xâm nhập với cái được biểu trưng, các cấp độ đó phản ánh trình độ tư duy và quan niệm nghệ thuật của con người. Biểu tượng là cảm quan, nhận thức của con người được lắng đọng, kết tinh, chắt lọc trong quá trình sống. Do đó biểu tượng không những không bị phai mờ qua thời gian mà ngược lại càng khắc sâu hơn vào tâm khảm con người. Biểu tượng cổ nhất và đơn giản nhất bao giờ cũng gần với thực tế. Chẳng hạn, rắn là con vật biểu tượng cho nước, giữa con rắn biểu tượng và con rắn trong thực tế không khác nhau. Tuy nhiên, theo thời gian và không gian, biểu tượng dần được mỹ hóa, trừu tượng hóa và cái được biểu trưng ban đầu sẽ mờ đi, nhiều lớp nghĩa mới xuất hiện. Khi cái được biểu trưng xa rời quy ước ban đầu đó, nó mở đường cho sự hình dung và giải thích chủ quan, bay bổng của con người. - Biểu tượng có tính bền vững, ổn định. Tính bền vững, ổn định là điều kiện không thể thiếu để hình thành nên biểu tượng. Bởi vì nếu nó luôn thay đổi, nó sẽ không còn mang tính biểu tượng nữa, bởi giữa cái biểu tượng và cái được biểu tượng không thay đổi hoặc ít thay đổi thì sự khám phá mới có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc giải nghĩa biểu tượng không phải là một thao tác đơn giản có thể giải quyết trong
- một lần. Vì biểu tượng không chỉ có một lớp nghĩa mà biểu tượng luôn mang trong nó biết bao suy tư, thăng trầm của cuộc sống con người. Biểu tượng sống là biểu tượng còn tiếp tục được giải mã, phân tích, khám phá các lớp nghĩa bên trong của nó. Sự khám phá đó khiến biểu tượng gợi cảm đến bất tận. Biểu tượng chết là khi người ta đã lí giải được toàn bộ ý nghĩa của nó, nó trở nên dễ hiểu, được sử dụng theo một số nghĩa nhất định nào đó và không còn được người ta dày công khám phá nữa. Tóm lại, giải mã các biểu tượng là việc làm có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới. Kết quả của việc giải mã sẽ giúp ta bóc tách được các lớp lịch sử che phủ lên biểu tượng đồng thời thấy được trình độ tư duy và quan niệm nghệ thuật của con người qua từng giai đoạn lịch sử. 1.2. Biểu tượng rắn trong văn hóa thế giới Rắn là một con vật thường gây cho con người nhiều sự sợ hãi cũng như trí tò mò nhất. Chính vì vậy không riêng gì ở Việt Nam mà hầu như ở các quốc gia trên thế giới, rắn luôn là đối tượng để mọi người “bàn luận”. Một nhà phân tâm học từng nói: “Rắn là một con vật có xương sống luôn hiện thân cho tâm hồn hội đẳng, cho cái tâm tăm tối, cho cái không bình thường, khó hiểu, huyền bí” [10,tr.762]. Trong lời phát biểu của mình, tác giả này vừa khẳng định nhưng đồng thời ông cũng phủ định, ông vừa cho rằng rắn là xấu xa nhưng ngay sau đó ông lại cho rằng rắn cũng có phần khó hiểu, huyền bí. Cũng cùng với quan điểm đó, Kito giáo vừa cho rắn là một loài vật xấu, độc ác như quỷ Satan, khi Chúa dùng hình ảnh con rắn để ám chỉ những biệt phái và những luật sĩ cứng lòng không tiếp nhận lời giảng của Ngài: “Hỡi loài rắn độc kia, các ngươi thoát khỏi ánh lửa hỏa ngục làm sao được?” Nhưng ở chỗ khác Giêsu lại dùng hình ảnh con rắn để ví với bản thân mình và ông khuyên dạy con người: “Hãy khôn ngoan như con rắn”. Còn trong Phật Giáo, con rắn Naga được xem như đệ tử trung thành cuộn thân làm bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định bên sông thiền đồng thời vươn cao mang bành làm tán che mưa cho Đức Phật chống lại sự tấn công hung hẵn của Ma vương nhằm phá đổ khoảnh khắc quyết định trên bước đường chứng ngộ của Đức Phật.
- Với người Hy Lạp cổ đại, rắn được xem là “người” đem lại sự sống, “người” khởi xướng… Vai trò khởi xướng của rắn được thể hiện rất rõ trong các huyền thoại về các nghi lễ liên quan đến lịch sử và trong việc thờ cúng 2 vị thần lớn của thi ca, âm nhạc, y học và nhất là của thuật bói toán. (thần Apollo và Dionysos). Ngoài ra theo phong tục dân gian của Hy Lạp, người ta thường rưới sữa lên các nấm mộ cho các linh hồn đã chết nhằm giúp họ được hóa kiếp thành rắn. Còn đối với người Do Thái cổ, rắn là bản thân đại dương, khi uống nước nó tạo nên thủy triều, khi vùng vẫy nó gây ra bão. Rắn là thần của nước khởi nguyên, là thần của tất cả các loại nước. Ở Châu Phi, người ta cũng xem rắn vị thần của nước khi cho rằng cầu vồng là con rắn đang uống nước biển, vì thế mà trong lúc hạn hán hoặc mưa nhiều người ta thường cầu khẩn rắn. Và theo Krappe thì ý tưởng cho rằng cầu vồng là một con rắn đang uống nước biển là một ý tưởng phổ biến có thể tìm thấy ở người da đỏ ở vùng Nevada, người broro ở Nam Mỹ, ở Pháp, sebillot, Nam Phi và Ấn Độ. Với nhân dân Ấn Độ, rắn Ananta là “kẻ nâng và bảo đảm sự ổn định của thế giới” [10,tr.763]. Vì vậy mà họ thường đóng một chiếc cọc vào đầu con Naga nằm dưới mặt đất, tại vị trí mà thầy phong thủy xác định khi muốn xây nhà. Còn trong tiếng Arập, ý nghĩa của từ rắn - elhayyal là ý tưởng về sự sống - elhayat. Vài phác họa trên cho thấy biểu tượng rắn bao giờ cũng có hai mặt. Tùy theo văn hóa từng dân tộc và hoàn cảnh cụ thể để sử dụng đặc tính của nó cho phù hợp. Ngoài những ý nghĩa trên thì biểu tượng rắn còn xuất hiện với ý nghĩa về giới tính. Trong đạo Mật tông, rắn Kundalini là biểu trưng cho dục năng và sự sống “nó dùng miệng mà ngậm bít đầu dương vật lại. Khi thức dậy, rắn rít lên và cứng người lại và liên tiếp leo lên các luân xa: đấy là dục năng dâng lên, là sự sống tái hiện” [10,tr.763]. Ở Châu Á và Châu Mỹ, thời kỳ đồ đá rắn được xem là có tính lưỡng trị trong giới tính. Tính lưỡng trị của nó được bộc lộ ở chỗ nó vừa là tử cung vừa là dương vật. Người ta còn cho rằng nguồn gốc của các kỳ hành kinh ở phụ nữ là do quan hệ của bà Eva với rắn. Ở một số nước Châu Âu như Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, phụ nữ một số vùng rất sợ rắn chui vào mồm lúc họ đang ngủ bởi nó sẽ làm cho họ có thai khi đang kỳ hành kinh. Quan niệm về giới tính của biểu tượng
- rắn cũng có ở Ấn Độ, để có con những người phụ nữ Ấn Độ phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi. Còn người Tupi ở Braxin, để một người phụ nữ vô sinh trở thành mắn đẻ người ta sẽ cầm một con rắn quật vào háng người phụ nữ vô sinh. Đối với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, xuất phát từ tín ngưỡng bản địa cộng với sự ảnh hưởng của các tôn giáo Ấn Độ, rắn thường được linh thiêng hóa và tôn thờ như những vị thần. Thần rắn Naga được xem là người bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Vì vậy mà trong kiến trúc Phật giáo nguyên thủy (Therevada) tại Đông Nam Á, rắn Naga thường được trang trí trên các mái chùa ngụ ý xua đuổi tà ma và bảo vệ các ngôi chùa tránh khỏi hỏa hoạn. Theo thần thoại, Naga là vị thần mưa nên có thể phun nước dập lửa. Rắn Naga trong văn hóa của người Khmer là một hình tượng khá phổ biến, hình tượng này hiện diện trong văn hóa Khmer có lẽ từ trước khi văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất này vì người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn. Truyền thuyết lập quốc của người Khmer cũng đã kể lại sự kết hợp giữa đạo Bàlamôn và văn hóa bản địa (tín ngưỡng thờ rắn) như sau: Một người Bàlamôn tên là Kaudinya đến vùng Đông Nam Á. Ông ta mang theo một ngọn lao nhận được của một vị Bàla môn cao đạo nhất. Ông ta vung tay ném ngọn lao vào vùng đất lạ. Ngọn lao ấy bay vút cao và rơi xuống cắm vào một địa điểm. Điểm ấy được chọn làm kinh đô nước Phù Nam. Sau đó, ông ta lấy một nàng công chúa bản địa làm vợ. Nàng tên là Soma, là con gái vua rắn thần Naga.Và hai người tạo lập nên dòng dõi những người làm vua nước Phù Nam [8,tr.14 -15] . Người Khmer, người Chăm và hầu hết các tộc người chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đều có truyền thuyết lập quốc gần tương tự nhau như vậy. Vào thế kỷ 14, tại Thái Lan vị vua đầu tiên của triều đại Sukhothai đã hợp thức hóa việc lên ngôi của mình cũng bằng cách tự cho mình thuộc dòng dõi của một thủ lĩnh Thái và một nàng Nagini (nàng tiên rắn). Người Khmer tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia. Trong tác phẩm Chân Lạp phong thổ kí (dẫn theo Đinh Gia Khánh), tác giả Châu Đạt Quan viết rằng: “hàng đêm quốc vương đều có đến ngủ với một nàng tiên rắn…”.
- Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Ở Lào, người ta thường thêu trên thổ cẩm của mình một đôi rắn đang cuộn vào nhau bởi vì theo họ chỉ có người may mắn mới có thể nhìn thấy đôi rắn cuộn mình vào nhau. Ngay khi nhìn thấy thế, người này nên cởi áo của mình ra và ném vào đôi rắn rồi đợi đến khi chúng bò đi chỗ khác sau đó người này nên mang chiếc áo đó về nhà và vắt lên người mình. Khi có một người con trai nào trong gia đình đó sắp đến tuổi lập gia đình, anh ta sẽ mặc chiếc áo đó và chắc chắn anh ta sẽ cưới được người mình yêu, không những thế đôi uyên ương đó sẽ được sống hạnh phúc trọn cả cuộc đời. Ngoài ra chiếc áo này còn mang may mắn đến cho những người làm kinh doanh. Người dân tộc Lào thêu hình rắn quận mình vào nhau với một niềm tin rằng nó sẽ mang lại may mắn [55] Trong lòng người dân Indonesia, rắn có một vị trí rất cao và sang trọng, người dân nơi đây tôn kính rắn giống như tôn kính thần. Rắn tượng trưng cho sự lương thiện, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh. Trên đảo Bali, người dân nơi đây còn xây dựng riêng một ngôi nhà ở của rắn giống như một ngôi chùa miếu, dùng để cúng tế, thắp hương, cầu khấn... Trong động rắn ở phía sau nơi ở của rắn còn nuôi những bầy dơi với số lượng rất lớn, để chuyên cung cấp thức ăn cho rắn. Nói chung, không phải là một hiện tượng nhỏ lẻ chỉ tồn tại ở một vài nơi, ý nghĩa của biểu tượng rắn tồn tại khắp nơi trên thế giới, gắn với từng dân tộc, từng quốc gia, rắn mang đến cho chúng ta cái nhìn mới mẻ về giá trị mà nó biểu đạt. 1.3. Biểu tượng rắn trong văn hóa dân gian Việt Nam Trở về biểu tượng rắn trong văn hóa Việt Nam mà cụ thể là trong văn hóa dân gian. Có lẽ ấn tượng đầu tiên của người Việt Nam (ngày nay) khi nhắc đến con rắn là sự sợ hãi. Rắn dường như chỉ được nhìn theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên tìm hiểu trong văn hóa dân gian của dân tộc ta mới thấy rằng “con rắn” không chỉ mang ý nghĩa xấu mà có một thời gian khá dài, rắn đã được tôn thờ như một vị thần linh và được nâng lên thành biểu tượng văn hóa trong khát vọng cầu cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống tốt tươi.
- Trước hết, chúng tôi xin nói về biểu tượng tiêu cực. Trong lời ăn tiếng nói của người xưa, hình tượng rắn thường xuyên xuất hiện với ý nghĩa tiêu cực. Dường như cha ông ta đã tập trung tất cả những cái xấu ở đời để gán cho rắn. Để chỉ những người “bề ngoài thơn thớt nói cười” mà bên trong nguy hiểm giết người không dao cha ông ta nói “khẩu phật tâm xà”. Rồi đề nhắc những người hiền lành coi chừng làm ơn mắc oán, bị kẻ xấu đổ vạ, cha ông ta lại nhắc khéo: “rắn đổ nọc cho lươn” hay “ấp rắn trong lòng”. Để chê bai những kẻ hay bày ra những thứ râu ria phức tạp, vô ích, người xưa dè bỉu: khéo “vẽ rắn thêm chân”. Rồi tới những chỗ nguy hiểm phải tránh xa người ta lai nhắc nhở nhau “hang hùm miệng rắn”. Không chỉ nhắc nhau, người xưa còn mượn hình ảnh rắn để mỉa mai tính cách của một số người như: “thẳng như rắn bò”, “sư hổ mang, vãi rắn rết”. Và có lẽ một câu nói về rắn làm cho mọi người nhớ nhất đó là: “cõng rắn cắn gà nhà”. Hành động của kẻ hèn hạ đang tâm “rước voi về giày mả tổ”, “cõng rắn về cắn gà nhà” trong câu nói này đã đưa rắn trở thành một kẻ xấu mang tầm cỡ quốc tế. Chúng ta thắc mắc tại sao rắn lại mang nhiều “tội danh” như vậy? Có lẽ bởi rắn có nọc độc chết người. Ngoài ra, do đặc điểm sinh sống của rắn lúc ẩn lúc hiện nên hình tượng rắn trong lời ăn tiếng nói của dân gian thường gắn với sự cảnh giác cao độ. Bên cạnh cách nhận thức ấy, trong nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, hội họa, rắn lại là một đề tài vô cùng hấp dẫn người nghệ sĩ. Vẻ đẹp uốn lượn mềm mại của rắn, sự nhanh nhẹn, cái lưỡi, đôi mắt, chót đuôi, những hoa văn trên thân thể… tất cả luôn làm dâng trào cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Có lẽ hình ảnh cổ xưa nhất của rắn mà ngày nay người ta thường nhắc tới ở Việt Nam đó là hình giao long được thần dân của đời vua Hùng thứ nhất xăm lên mình để khi xuống nước thuồng luồng nhận làm đồng loại mà không làm hại. Theo tác giả Đinh Gia Khánh thì Nhan Sư Cổ trong sách Hậu Hán thư đã viết rằng giao long là một loài lân trùng (rắn có vảy) có bốn chân. Như vậy cả giao long, thuồng luồng đều chỉ loài rắn có vẩy không chân hoặc có chân. Hình ảnh rắn thường gắn liền với cuộc sống của cả cộng đồng cư dân người Việt cổ, không chỉ trong đời sống vật chất mà cả trong đời sống tinh thần. Trên các trống đồng, thạp đồng của văn hóa Đông Sơn xung quanh biểu tượng mặt trời người ta thấy hình những con
- rắn nước đang há miệng chờ chim lửa lao vào, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực (rắn nước là âm, chim lửa là dương). Vào thời Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê sơ, biểu tượng rắn trong nghệ thuật tạo hình ít được quan tâm hơn trước. Tuy nhiên người ta vẫn tìm thấy hình ảnh của con rắn ẩn thân trong hình tượng con rồng. Trong đó nổi bật nhất là hình tượng con rồng thời Lý – Trần. Hình tượng con rồng Lý-Trần được thể hiện phổ biến trên chạm nổi, do thuộc loại động vật bò sát nên nhiều khi hình chạm nổi lại như tượng tròn, chẳng hạn những tượng rồng lớn ở cột biểu chùa Dạm, ở đáy ao Long Trì chùa Phật Tích, ở đế bia chùa Long Đọi và tháp Chương Sơn…những tượng này, được người xưa gọi là Long xà tức rồng rắn vốn có nguồn từ con rắn, con trăn rất phổ biến ở địa vực nước ra. Đây được xem là hình tượng nghệ thuật thực sự Việt Nam, là sáng tạo độc đáo của cha ông ta xưa. Ta còn tìm thấy ngay trong nghệ thuật Việt, tượng con vật lớn như trăn - rắn ở miếu cạnh đền Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh), một số hình chạm rắn bên cạnh hình chạm rồng ở bệ tượng Phật chùa Ngọc Khám, bệ tượng Quan Âm Nam Hải (Bắc Ninh). Hình rồng Lý-Trần được xác định là hình tổng hợp những yếu tố của nhiều con vật khác nhau, trong đó cơ bản là từ con rắn. Và cũng trong giai đoạn này, trong thành Chà Bàn (thành Hoàng Đế) - kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa, được xây dựng năm 982 thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, người ta cũng thấy trên góc tháp Cánh Tiên cao gần 20m có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Tháp này được đánh giá là biểu tượng phong hóa Bình Định, có niên đại hậu bán thế kỷ 11, đầu thế 12. Sau một thời gian dài ẩn thân trong hình tượng rồng, cuối thế kỷ 16, người ta lại thấy sự xuất hiện trở lại của hình tượng rắn trong văn hóa dân gian. Tại đình Tây Đằng, Hà Tây, người ta đã tạc tượng một người đàn bà ngồi xổm, hai chân giang rộng, hai tay nắm lấy cổ và đuôi rắn. Đây là một hình ảnh tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, trong đó rắn được xem là mang tính dương. Cuối thế kỷ 17, nhờ sự phát triển của nghệ thuật dân dã mà một lần nữa người ta lại thấy sự xuất hiện của hình tượng rắn tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực. Ở đình Phù Lão (Bắc Giang), người đương thời đã chạm hình một phụ nữ khỏa thân, với cái bụng khá to, quấn quanh lưng là một con rắn lớn. Có lẽ hình ảnh này tượng trưng cho sự cầu phúc trong tín ngưỡng phồn thực (bụng nở) khi âm (người đàn bà) dương (con rắn) giao hòa.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm (bản diễn nôm) đến Truyện Kiều (Nguyễn Du)
86 p | 313 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại Việt Nam
87 p | 242 | 53
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao - Những tương đồng và dị biệt
126 p | 181 | 51
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 319 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam
150 p | 194 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hình ảnh "trăng" trong thơ Thiền Lý Trần Việt Nam và thơ Đường Trung Quốc
219 p | 174 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 173 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của thơ ca Tùng Thiện Vương trong văn học trung đại Việt Nam
137 p | 122 | 19
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những cách tân kịch của A.P. Chekhov
142 p | 138 | 19
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 175 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Tạ Duy Anh
113 p | 107 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 163 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 150 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 128 | 14
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của Trần Quang Nghiệp trong quá trình hiện đại hóa truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XX
129 p | 103 | 12
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Trương Duy Toản
171 p | 107 | 9
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hiện tượng Epiphany trong tập truyện ngắn "Người Dublin" của James Joyce
137 p | 101 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn