Luận văn Thạc sĩ Văn học: Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của một số nhà văn nữ
lượt xem 10
download
Mời các bạn tham khảo luận văn Thạc sĩ Văn học: Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của một số nhà văn nữ sau đây để nắm bắt được những nội dung về các nhà văn nữ - cái nhìn của chủ thể sáng tạo; người phụ nữ hiện đại - đối tượng thẩm mĩ của các nhà văn nữ; giá trị thẩm mĩ - từ cái nhìn đến bút pháp.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của một số nhà văn nữ
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ------------------------- TRẦN THÚY AN NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI QUA CÁI NHÌN CỦA MỘT SỐ NHÀ VĂN NỮ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. HUỲNH NHƯ PHƯƠNG Thành phố Hồ Chí Minh – 2007
- LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả các thầy cô giáo đã dạy dỗ tôi trong quá trình học Cao học tại Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh. Tôi xin đặc biệt cảm ơn PGS.TS. Huỳnh Như Phương, người đã hướng dẫn tôi làm luận văn này. Chính thầy đã gợi ý đề tài, cung cấp tài liệu, đọc luận văn và góp ý nhiều lần để luận văn được hoàn thiện như ngày hôm nay. Tôi xin trân trọng cảm ơn Giám đốc Sở GDĐT Tp. HCM, Trưởng phòng GDĐT Quận 1, Ban giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn Quận 1 và các đồng nghiệp ở bộ môn văn đã quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi được đi học. Tôi xin cảm ơn các nhà văn Dạ Ngân, Lý Lan, Võ Thị Hảo đã trả lời phỏng vấn; cảm ơn các nhà văn Phong Điệp, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà đã cung cấp tư liệu để luận văn có thêm sức thuyết phục. Xin cảm ơn gia đình đã là điểm tựa vững chắc để tôi hoàn thành nhiệm vụ học tập. Xin chân thành cảm ơn tất cả!
- MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Trong xã hội Việt Nam xưa, người phụ nữ có duyên với nghiệp văn chương rất hiếm. Hiếm bởi người Việt Nam quan niệm đàn bà con gái sinh ra là để làm vợ, làm mẹ, chứ không phải để thi thố tài năng. Họ không được học hành nên hầu như không biết chữ. Cái quan niệm ấy ăn sâu vào máu thịt con người bởi ngay từ khi con còn trong nôi mẹ đã ru rằng: Gái thời giữ việc trong nhà Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa Trai thời đọc sách ngâm thơ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa Ấy thế mà vẫn có những nữ sĩ được lưu danh muôn thuở. Đó là những gương mặt thi ca đặc biệt xuất chúng mà có thể kể ra đây hai đại diện tiêu biểu: Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan. Các nhà nghiên cứu văn học của ta đã tốn không ít giấy mực để viết về cuộc đời và sáng tác thơ văn của hai bậc nữ lưu kì tài này. Cùng với thời gian, quan niệm của xã hội về người phụ nữ có những thay đổi. Con số phụ nữ viết văn, làm thơ tăng dần lên. Hoài Thanh trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” xuất bản năm 1942 đã giới thiệu bảy nhà thơ nữ trên tổng số 46 nhà thơ. Sau 1945, ở miền Bắc, số lượng các cây bút nữ tăng lên nhiều. Theo tác giả Châm Khanh trong bài “Phụ nữ và văn chương” đăng tải trên trang báo điện tử tienve.org, trong cả thảy hơn 750 hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957 đến 1997 có hơn 70 tác giả nữ, chiếm tỉ lệ chưa tới 10% nhưng đã cao hơn trước. Còn theo Võ Phiến trong cuốn “Văn học Miền Nam, tổng quan” thì ở miền Nam từ 1954 đến 1975 trong số khoảng 60 tác giả tương đối có tiếng tăm, các cây bút nữ chiếm tỉ lệ 17%. Những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các nhà văn, nhà thơ nữ. Khó mà thống kê được con số chính xác, nhưng lượng tác phẩm của họ nhiều không kém gì các đồng nghiệp nam. Có người đặt câu hỏi : Tại sao thời điểm hiện nay lại xuất hiện nhiều cây bút nữ như
- vậy? Câu hỏi này đã có nhiều người tìm cách lí giải, nhưng khó mà tìm ra câu trả lời thấu đáo. Đó cũng là một trong những lí do khiến chúng tôi chọn nghiên cứu sáng tác của các nhà văn nữ. Cũng phải nói rằng, tuy là phụ nữ, nhưng cũng như các nhà văn nam giới, họ khai thác những vấn đề đa dạng, đa chiều của hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Thế nhưng vì thuộc phái nữ nên trang văn của họ đậm chất nữ tính: trắc ẩn, khoan dung, tinh tế và đằm thắm. Nhân vật chính của họ khá đa dạng với mọi kiểu người ở những lứa tuổi khác nhau, nhưng nổi lên vẫn là những thân phận phụ nữ bé nhỏ giữa dòng chảy ào ạt của cuộc đời. Tất nhiên, những nhà văn nam giới cũng để nhiều tâm huyết viết về phụ nữ, nhưng nhân vật phụ nữ dưới cái nhìn của các nhà văn nữ giới vẫn có nét độc đáo riêng, là một đề tài hấp dẫn, cần được quan tâm nghiên cứu. 2. GIỚI HẠN ĐỀ TÀI VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Tên đề tài là Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của một số nhà văn nữ cho thấy phạm vi chúng tôi khảo sát nằm trong các sáng tác của các nhà văn nữ có tiếng vang trong thời kì hiện nay. Thuật ngữ “hiện đại” có hai nghĩa: 1) Hiện đại chỉ một giai đoạn phát triển trong lịch sử nhân loại gắn liền với thời đại công nghiệp cổ điển; 2) Hiện đại đồng nghĩa với đương đại, cái hiện thời, hiện kim. Thuật ngữ “hiện đại” trong đề tài của luận văn được hiểu ở nghĩa thứ hai. “Người phụ nữ hiện đại” trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi là những người phụ nữ ở thời điểm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, chứ không phải là những nhân vật nữ thời Tự lực văn đoàn, thời chống Pháp, chống Mỹ. Và cụm từ “một số nhà văn nữ” cũng nhắm đến những nhà văn hiện còn đang sáng tác, đang sống trong bầu không khí nghệ thuật của văn đàn Việt Nam đương thời. Do số lượng nhà văn nữ của chúng ta hiện nay rất đông đảo, nên chúng tôi sẽ không thể khảo sát được sáng tác của tất cả những nhà văn nữ. Vì vậy, chúng tôi sẽ lựa chọn một số gương mặt tiêu biểu, đó là những nhà văn lấy người phụ nữ hiện đại làm đối tượng thẩm mĩ. Ngay cả ở những nhà văn này, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của họ về đề tài người phụ nữ hiện đại. Những nhà văn nữ sau đây đã được chúng tôi cân nhắc lựa chọn làm đối tượng để khảo sát:
- - Y Ban - Võ Thị Xuân Hà - Võ Thị Hảo - Phạm Thị Hoài - Nguyễn Thị Thu Huệ - Lý Lan - Trần Thùy Mai - Bích Ngân - Dạ Ngân - Thuận Ngoài ra chúng tôi sẽ tham khảo thêm tác phẩm của các nhà văn lớp trước như: Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Minh Dậu, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Thị Trường. Sự lựa chọn trên đây có thể làm cho một vài người không khỏi băn khoăn. Những câu hỏi có thể xuất hiện, chẳng hạn như: “Tại sao những cây bút có bản sắc riêng như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư lại không có mặt?”, hay “Tại sao lại chọn nhà văn này vào đối tượng khảo sát chính, trong khi nhà văn kia lớn hơn nhiều mà chỉ được đặt ở phạm vi tham khảo?”. Theo suy nghĩ của chúng tôi, mọi sự chọn lựa đều có tính chất tương đối. Vả lại, rất nhiều nhà văn nữ nổi tiếng của chúng ta lại không lấy người phụ nữ hiện đại làm đối tượng thẩm mĩ, mà cái nhìn của họ hướng về những đối tượng khác, những vấn đề khác. Với khả năng còn hạn hẹp của mình, chúng tôi chỉ dám lựa chọn một mảng nhỏ trong sáng tác của các nhà văn nữ để nghiên cứu. Mọi sự tiếc nuối về một giới hạn buộc phải đặt ra ở luận văn này xin dành lại cho một công trình khác có quy mô lớn hơn trong tương lai. 3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Ngay tựa đề của luận văn đã cho thấy đối tượng mà luận văn hướng tới là “người phụ nữ hiện đại”, đó là vấn đề của “cái ngày hôm nay”, do đó những công trình nghiên cứu về nó thật ra chưa đủ nhiều để góp thành lịch sử. Vấn đề mà chúng tôi nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ trong mảng đề tài lớn: “Người phụ nữ Việt Nam
- trong sáng tác của các nhà văn nữ” hoặc lớn hơn nữa: “Người phụ nữ Việt Nam trong văn học”. Đã có một vài công trình nghiên cứu về đề tài người phụ nữ Việt Nam trong văn học. Chúng tôi xin điểm qua một số bài viết và công trình nghiên cứu mà chúng tôi may mắn có trong tay. Trên các báo và tạp chí: Cách đây tròn bốn mươi năm, Tạp chí Văn học số 9 năm 1967 đã đăng bài viết nhan đề “Nhân vật phụ nữ nông thôn trong truyện ngắn của Vũ Thị Thường” và sau đó một năm, lại tiếp tục đăng bài “Nhân vật phụ nữ ba đảm đang qua sáng tác của một số nhà văn nữ” của cùng một tác giả là Lê Thị Đức Hạnh. Mười năm sau, Tạp chí Văn học dành hẳn một số (số 1 năm 1978) giới thiệu những cây bút nữ nghiên cứu văn học. Trong số này có nhiều bài đáng quan tâm về đề tài phụ nữ như “Nhìn qua những tác phẩm viết về đề tài phụ nữ trong văn học chữ Hán thế kỉ XVIII đến đấu thế kỉ XIX” của Trần Thị Băng Thanh hay “Người phụ nữ Việt Nam xã hội chủ nghĩa và cuộc Cách mạng khoa học kĩ thuật trong văn học” của Đoàn Thị Hương. Đến số tháng 3 năm 1979, Tạp chí Văn học lại đăng bài “Đề tài phụ nữ trong văn học yêu nước thời cận đại” của Trịnh Thu Tiết. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi nhận thấy đề tài người phụ nữ trong văn học đã được nhiều người quan tâm nhưng ngay ở tựa đề các bài viết trên cũng cho chúng ta thấy rằng đối tượng thẩm mĩ của các nhà văn là người phụ nữ thời phong kiến, thời chống Pháp, chống Mỹ. Bẵng đi một thời gian, Tạp chí Văn học số 6 năm 1996 có bài tường thuật của Vương Trí Nhàn tập hợp ý kiến của các cây bút phê bình: Đặng Anh Đào, Văn Tâm, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên; hai nhà văn: Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo; hai nhà thơ: Ngô Thế Oanh và Đặng Minh Châu. Cuộc trao đổi xoay quanh những vấn đề: chỗ mạnh và chỗ yếu của nhà văn nữ; triển vọng của họ đối với nghề văn; cây bút nữ nào đang nổi lên? có đóng góp gì? và ai có thể đi xa? Vương Trí Nhàn cho rằng phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới bởi họ có sự nhạy cảm riêng. Họ luôn gần với cái lỉnh kỉnh, dở dang của đời sống. Mặt khác, với cái cực đoan sẵn có – tốt, dịu dàng, rộng lượng thì không ai bằng, mà nhỏ nhen, chấp nhặt, dữ dằn cũng không ai bằng, từng cây bút phụ nữ tìm ra mặt mạnh của mình khá sớm, định hình khá sớm. Cùng chung
- suy nghĩ này với Vương Trí Nhàn còn có Văn Tâm, khi ông nhấn mạnh rằng từ khi mới xuất phát, các cây bút nữ thường đã đạt đến độ chín. Đặng Anh Đào, một chuyên gia về văn học phương Tây, nhưng lại có nhiều bài viết phê bình sắc sảo về văn học Việt Nam đương đại thì lại thấy điểm mạnh của phụ nữ chính là ở chỗ họ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trang sách. Còn nhà văn nữ Lê Minh Khuê khi nghĩ về những người viết cùng giới với mình lại bị chi phối bởi một cảm giác nước đôi: Một mặt, nhiều chị em bộc lộ một tài năng rõ rệt, không lèm nhèm, không mờ nhạt. Mặt khác, sao vẫn cảm thấy, đặt trong hoàn cảnh chung, rồi mỗi người cũng đến thế thôi, không bao giờ có cái gọi là đồ sộ, vĩ đại ở những cây bút nữ này cả. Trong tất cả các ý kiến đó, chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất với những nhận xét của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Theo ông, xu thế dân chủ hóa đời sống, mà người ta hay nói, vào trong văn chương, bộc lộ ra thành một quan niệm cới mở về nghề văn: văn chương như một trò chơi, ai thử cũng được, khi nào còn thích thì làm, không thích thì bỏ… có lẽ cái sự cởi mở ấy đã được nhiều chị em phụ nữ cảm thấy một cách đầy đủ, sâu sắc, và họ đã viết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là có những người viết với một quan niệm hẳn hoi, như Pham Thị Hoài, hoặc ở Phan Thị Vàng Anh các trang viết có một bề dày văn hóa rõ rệt. Rồi ông kết luận đội ngũ các nhà văn nữ hiện nay khá đa dạng, mỗi người có một gam riêng, chứ không thuần bản năng như có người nghĩ. Nhìn chung, những người tham gia bộc lộ một cách khá thẳng thắn quan điểm của mình về những vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến tỏ ra có sự theo dõi sát sao con đường đi của các nhà văn nữ, nhưng vì là một cuộc trò chuyện văn chương, nên những vấn đề chỉ được nêu mà chưa được bàn sâu. Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 138 năm 2001, tác giả Văn Chinh có bài giới thiệu “Tuyển văn tác giả nữ Việt Nam” với tiêu đề “Văn nữ thế kỉ XX – một tuyển tập đáng quý”. Trong bài viết, ngoài việc giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu, Văn Chinh đã khái quát nên một số đặc điểm của văn nữ Việt Nam như: “nữ tính được miêu tả thật hơn, sâu hơn”; “giữa cái tốt, cái xấu trải ra rộng hơn và lắm cung bậc hơn”; “khi các nhà văn nam đang cảm thấy mệt mỏi, bế tắc thì sự xuất hiện của
- các nhà văn nữ đã mang đến cho văn xuôi sự tươi tắn, trẻ trung có vẻ như do nữ tính của họ phát tiết và được nhìn dưới ánh sáng của trí tuệ thời đại”. Báo Văn Nghệ, số 10 năm 2007, tác giả Dương Thuấn có bài “Văn học dân tộc thiểu số ngày càng thêm nhiều cây bút nữ”. Trong bài viết, tác giả chỉ ra được các gương mặt nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học là nữ của các dân tộc thiểu số. Có khoảng 13 nhà thơ, 15 nhà văn và một người làm nghiên cứu. Tuy vậy trong số những cái tên đó chỉ có Vi Thùy Linh (dân tộc Tày) và Dư Thị Hoàn (dân tộc Hoa) là được nhiều người biết tới với tư cách một nhà thơ. Bài viết ghi nhận những đóng góp của các cây bút nữ này tuy còn ở mức độ khá khiêm tốn. Trên các trang báo điện tử, có một số bài viết về sáng tác của các nhà văn nữ đương đại Việt Nam nhưng rất ngắn gọn, chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận, như “Cảm nhận về văn xuôi của các cây bút nữ” của Bích Thu (www.hanoi.vnn.vn). Trong bài viết của mình, Bích Thu đã nêu tên một số nhà văn nữ đã thành danh và đang khẳng định mình như: Vũ Thị Thường, Lê Minh, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Bích Thuận, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Hoàng Ngọc Hà, Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Trần Thị Trường, Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Minh Dậu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Sông Hồng, Võ Thị Xuân Hà, Hồ Thị Hải Âu, Trần Thanh Hà… Bài viết “Phụ nữ - nguồn cảm hứng sáng tác của văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới” trên www.hanoi.vnn.vn chỉ dừng lại ở mức độ khái quát diện mạo các nhân vật nữ trong một giai đoạn mà nền văn học Việt Nam khởi sắc trên tinh thần đổi mới. Cũng viết về đề tài nhân vật phụ nữ trong văn học thời kì đổi mới, Đào Đồng Điện có tiểu luận “Phụ nữ là … đàn bà” đăng trên www.tuoitre.com. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra điểm khác biệt cơ bản của nhân vật nữ trong văn xuôi đổi mới và trong văn xuôi cách mạng. “Khi nhìn nhận người phụ nữ ở những cái thuộc về thiên tính, các nhà văn hôm nay quan tâm vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ và những nhu cầu bản năng của họ. Những “lạch đào nguyên”, những “tòa thiên nhiên” là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban cho người phụ nữ. Đây cũng là một điểm khác biệt cơ bản của nhân vật nữ trong văn xuôi đổi mới và trong văn xuôi cách mạng. Con người nói chung và người
- phụ nữ nói riêng trong văn học cách mạng đều rất đẹp nhưng đó là vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp toát ra từ những phẩm chất cao quí như lòng dũng cảm, sự hi sinh... Dễ nhận thấy khi mô tả ngoại hình nhân vật nữ, nhà văn cách mạng thường chọn mô tả mái tóc. Đây là bộ phận vừa thể hiện được vẻ đẹp nữ tính lại vừa “an toàn”. Hơn nữa mái tóc dài đối với người phụ nữ VN truyền thống đã nhuốm vẻ đẹp tinh thần và có tính tượng trưng cao. Trong xã hội hôm nay, tóc tai không còn nhiều giá trị khu biệt về giới tính nữa. Cho nên các nhà văn quan tâm hơn đến làn da, bầu vú, cặp mông, đôi chân, những đường cong cơ thể…” Đây là những so sánh rất thú vị, gợi cho người đọc những suy ngẫm về xu hướng tìm lại con người ở những đặc trưng bản thể và khát khao trần thế của văn học Việt Nam hiện nay. Tiểu luận “Phụ nữ và văn chương” của Châm Khanh trên www.tienve.org có tính chất tổng kết và lí giải hiện tượng nhà văn nữ ngày càng đông và nhà văn nữ chỉ tập trung viết văn xuôi. Dù tác giả tỏ ra rất thấu hiểu văn học nữ Việt Nam cả ở trong nước và hải ngoại, nhưng bài viết chỉ đi đến một kết luận là một cây bút nữ hẳn phải viết khác một cây bút nam. Về các công trình nghiên cứu chuyên sâu: Chúng tôi có trong tay luận văn Thạc sĩ của Hồ Thị Liễu với đề tài “Khảo sát truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam từ 1986 đến 1996”, bảo vệ tại trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn năm 2002. Luận văn cung cấp một cái nhìn hệ thống về truyện ngắn nữ Việt Nam 10 năm thời kì đổi mới 1986 -1996, bước đầu đưa ra những nhận định về đặc điểm nội dung và nghệ thuật cũng như những đóng góp của các nhà văn nữ. Về mặt nội dung, luận văn khảo sát truyện ngắn của các nhà văn nữ theo đề tài: chiến tranh, cuộc sống đời thường, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Về mặt nghệ thuật, luận văn tìm hiểu các đặc điểm về nhân vật, kết cấu và ngôn ngữ. Nói chung tác giả có các nhận định khá quyết đoán và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, luận văn chỉ dừng lại ở những tác phẩm ra đời vào năm 1996 trở về trước. Từ bấy đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, đã có thêm một số gương mặt nữ trẻ tỏa sáng; đã có một số tác giả nữ Việt kiều có sách xuất bản trong nước như Thuận, Phạm Hải Anh, Phan Việt, Đoàn Minh Phương; đã có những tác phẩm mới có tiếng vang của Dạ
- Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Võ Thị Hảo được xuất bản. Vì vậy, cần có những công trình nghiên cứu mới có tính chất cập nhật hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi tìm thấy luận văn Thạc sĩ của Lê Thị Tâm Hoài bảo vệ tại Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh năm 2005 với đề tài: “Cái nhìn nghệ thuật về người phụ nữ trong một vài tiểu thuyết đoạt giải năm 1991 của Hội Nhà văn Việt Nam”. Công trình này cũng nghiên cứu về người phụ nữ trong văn học, nhưng chỉ giới hạn trong ba tiểu thuyết của ba nhà văn nam: Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Bảo Ninh. Với việc điểm qua những bài viết trên, chúng tôi nhận thấy hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ đã từng được quan tâm theo dõi. Các tác giả đề cập đến vấn đề người phụ nữ trong văn học ở các mức độ, góc độ khác nhau, nhưng chưa có ai nhắc đến hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong sáng tác của các nhà văn nữ. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài này với mong muốn góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào không khí “trăm nhà đua tiếng” của nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp lịch sử: Được dùng để làm rõ sự tác động của hoàn cảnh lịch sử, xã hội đến đời sống văn học. Cần phải đặt các tác phẩm trong bối cảnh xuất hiện của nó để nhìn thấy những đóng góp mà các tác giả đem lại so với thời kì trước đó cũng như những hạn chế của thời đại mà các tác giả không thể vượt qua. - Phương pháp phân tích: Trước hết được dùng để phân tích tác phẩm văn học nhằm tìm ra những đặc điểm tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật. Tiếp theo, chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích để phân tích nhân vật với mục đích tìm ra những mô hình tính cách, những tổ chức phẩm hạnh từ đó khái quát những chân dung con người được thể hiện qua sác tác văn học. - Phương pháp so sánh: Một hiện tượng văn học không bao giờ tồn tại một cách biệt lập. Cho nên muốn tìm hiểu nó, chúng ta không thể chỉ mổ xẻ phân tích nó một cách biệt lập, mà ta phải tìm hiểu các mối quan hệ đa dạng và đa chiều của nó.
- Chúng tôi dùng phương pháp so sánh để đối chiếu một hiện tượng văn học với các hiện tượng cùng loại, và ở cấp độ nhỏ hơn: để thấy được sự tương đồng và khác biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác. 5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN Với việc thực hiện đề tài này, luận văn sẽ cố gắng để đạt được những mục tiêu sau đây: - Cung cấp cho người đọc cái nhìn của các nhà văn nữ, chủ thể sáng tạo, về người phụ nữ hiện đại, đặc biệt là những quan niệm của họ về trách nhiệm của nhà văn khi viết về người phụ nữ. - Phác họa chân dung người phụ nữ hiện đại trong cách ứng xử với những mối quan hệ gia đình và xã hội, với những khao khát về tình yêu, hạnh phúc; những nỗi cô đơn, trăn trở, day dứt trước cuộc đời. Từ những số phận rất khác nhau ấy, luận văn hi vọng cung cấp cái nhìn đa diện về người phụ nữ Việt Nam trong thời điểm đất nước có nhiều biến chuyển phức tạp như hiện nay. - Làm sáng tỏ những điểm độc đáo về bút pháp mà các nhà văn nữ đã thể hiện qua những trang viết đầy trắc ẩn của mình. 6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN MỞ ĐẦU 1.Chương 1: Các nhà văn nữ: cái nhìn của chủ thể sáng tạo 1.1.Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm sống của nhà văn nữ 1.2.Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm văn chương của nhà văn nữ 1.3.Vấn đề giới 2. Chương 2: Người phụ nữ hiện đại: đối tượng thẩm mĩ của các nhà văn nữ 2.1. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với xã hội 2.2. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với gia đình 2.3. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với bản thân
- 3.Chương 3: Giá trị thẩm mĩ: từ cái nhìn đến bút pháp 3.1. Điểm nhìn trần thuật 3.2. Tâm lí nhân vật 3.3. Ngôn ngữ văn xuôi KẾT LUẬN PHỤ LỤC
- CHƯƠNG 1 CÁC NHÀ VĂN NỮ: CÁI NHÌN CỦA CHỦ THỂ SÁNG TẠO Người phụ nữ đời nào cũng vậy, là tặng phẩm tuyệt diệu của tạo hóa. Nhưng sự phản ánh họ trong văn học qua cái nhìn nghệ thuật của nhà văn thì mỗi thời mỗi khác. Trong một giai đoạn mà cảm hứng công dân chi phối sát hoạt động sáng tác, người phụ nữ trong văn học Cách mạng Việt Nam 1945-1975 ít được nhìn nhận ở những đặc trưng giới tính. Họ thường mang trong mình một phẩm chất chung xác định giá trị con người là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, thành tích cống hiến cho tập thể. Họ được ca ngợi là những người “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Trong xu hướng tìm lại con người ở những đặc trưng bản thể và khát khao trần thế, các nhà văn thời kỳ đổi mới nhìn nhận người phụ nữ nghiêng về những gì thuộc về thiên tính, thiên chức của họ. Văn học đổi mới không còn nhiều những phụ nữ sắt đá, kiên cường nữa mà thay vào đó là những con người yếu đuối, nhẹ dạ cả tin, đa cảm, đa đoan... Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta được gặp gỡ đủ loại phụ nữ trong truyện ngắn của các nhà văn nữ. Bằng kinh nghiệm bản thân, các nhà văn này thoải mái đã phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Họ cho ta cảm nhận về người phụ nữ hiện đại, những con người thật đa sự. Sự bất ổn trong nội tâm của họ là do “bản tính” của họ mà ra chứ không do ai khác gây ra. Viết văn đòi quyền lợi cho người phụ nữ hoặc phản ánh tình trạng mất bình quyền nam nữ cũng là mục đích sáng tác của nhiều cây bút nữ thời nay. Trong văn giới Việt Nam, chúng ta thường nghe câu nói "Văn là người". Chúng tôi không cho rằng nhà văn sống ngoài đời ra sao thì sống trong tác phẩm cũng như thế. Văn không phải là tấm gương phản chiếu thành thật con người tác giả. Tuy nhiên, để hiểu sâu sắc tác phẩm của nhà văn thì một việc nhất thiết phải làm là
- tìm hiểu quan niệm của nhà văn về đối tượng thẩm mĩ mà họ hướng đến. Chính vì vậy, chương 1 của luận văn dành để tổng hợp một số quan niệm của các nhà văn nữ về người phụ nữ để từ đó chúng ta hiểu biết thêm về nhà văn với tư cách là chủ thể sáng tạo. 1.1. Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm sống của nhà văn nữ Phải thấy rằng, những nhà văn nữ mà chúng tôi đang nói đến trước hết cũng là những người phụ nữ hiện đại. Họ có một nghề nghiệp với những va chạm phức tạp. Họ có một gia đình với những mối quan hệ bề bộn. Họ còn phải, nói như nhà văn Võ Thị Hảo, mang trên vai cả một gánh “hành trang của người đàn bà Âu Lạc”. Trước đây, họ là đối tượng để cho các nhà văn, hầu hết là nam giới, phân tích, mổ xẻ. Nay họ đã đủ tự tin để tự nói về mình, mà còn nói một cách chân thực, tinh tế nữa. Nhà văn Dạ Ngân, người vừa cho ra đời tiểu thuyết Gia đình bé mọn được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2005, đã bày tỏ những suy nghĩ rất thú vị của mình về người phụ nữ hiện đại. Chị thuộc thế hệ phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành khi đất nước hòa bình. Cuộc đời Dạ Ngân cũng lắm thăng trầm, truân chuyên, nhưng chị vẫn vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường. Dạ Ngân là một ví dụ tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam vượt qua những ngăn trở, những định kiến của xã hội để giành lấy hạnh phúc. Theo chị, người phụ nữ hiện đại nếu được giải phóng triệt để về mặt tự do cá nhân sẽ có tất cả năng lực như nam giới. Họ có thể rất xuất sắc trong các vị trí mà trước đây chỉ nam giới là có quyền đảm nhận như chính khách, nhà khoa học, tướng lĩnh và các cương vị chuyên môn khác. Tuy vậy, nhà văn Dạ Ngân vẫn nhấn mạnh chức năng làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, chị còn cho rằng chính tính nữ trong đời sống hôn nhân và trong tình mẫu tử sẽ làm cho người phụ nữ hiện đại thành đạt “một cách có hương vị”. Bằng sự từng trải của một người phụ nữ trí thức đứng tuổi, Chị thấy rằng: “So với phụ nữ Hàn, phụ nữ Nhật, phụ nữ đạo Hồi, phụ nữ các nước Nam Á, phụ nữ Việt Nam nói chung rất có ý thức vùng dậy… Vai trò người phụ nữ trong từng gia tộc rất lớn, rất phi thường. Phụ nữ Việt Nam rất có uy với cộng đồng của mình”. [95] Những nhận định này được chị
- thể hiện rất thành công qua hai nhân vật trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn là cô Tư Ràng: “quan tòa của gia tộc”, có quyền sinh quyền sát đối với lũ con cháu mà cô không hề mang nặng đẻ đau và bà mẹ của nhân vật Đính: rất yêu con nhưng cũng là “bà trời” với các con, các cháu. Trong khi nhà văn Dạ Ngân chú trọng đến năng lực và ảnh hưởng của người phụ nữ hiện đại đối với cộng đồng, thì nhà văn Võ Thị Hảo lại quan tâm đến tính năng động và độc lập của người phụ nữ. Theo chị, “người phụ nữ hiện đại là người luôn nắm bắt được thông tin, kiến thức và hành xử cập nhật thời đại. Đồng thời, không nô lệ trong suy nghĩ, không lệ thuộc lối mòn, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của chính mình”. [89] Ở điểm này, suy nghĩ của nhà văn Võ Thị Hảo gặp gỡ với nhà văn Lý Lan. Theo Lý Lan, “người phụ nữ hiện đại là người độc lập, tự do”. [94] Thiết nghĩ, hai từ “độc lập”, “tự do” bao quát rất nhiều lĩnh vực: trong lao động sáng tạo, trong đời sống gia đình, trong các quan hệ xã hội; và cốt lõi nhất là người phụ nữ phải tự ý thức được sự tự do trong tư tưởng của mình. Nhà văn Trần Thị Trường, người ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với những cuốn tiểu thuyết Lời cuối cho em, Kẻ mắc chứng điên, hoặc những tập truyện ngắn Hoa mưa, Thời gian ngoảnh mặt... được coi là nữ văn sĩ của những thân phận phụ nữ. Chị đã từng sống và làm việc ở Châu Âu, Mỹ. Với vốn sống phong phú, chị đưa ra nhận xét của mình về phong cách sống của phụ nữ Việt Nam trong sự so sánh với phụ nữ phương Tây: Phụ nữ ngày nay phải đi làm, thậm chí gánh vác nhiều hơn cả đàn ông ở trong xã hội lẫn gia đình. Một thời sống ở Châu Âu và mấy năm vừa rồi sang Mỹ, tôi thấy đàn ông người Âu hay người Mỹ đi làm về là chia đôi việc nhà với vợ. Nếu người đàn ông chủ động bỏ vợ, sẽ phải bồi thường... Và tôi thấy phụ nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ Châu Á nói chung quả là rất khổ. Ngày càng có nhiều đàn ông Châu Âu, Châu Mỹ muốn lấy phụ nữ Châu Á làm vợ, và người vợ đó rất được yêu chiều. Họ kể rằng, họ yêu và muốn cưới vì phụ nữ Châu Á bây giờ vừa có khả năng làm việc như đàn ông, vừa rất dịu dàng và chăm chỉ. Con rể tôi (R.Michael - người Mỹ) cũng
- bảo hình ảnh đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam là lúc nấu cơm tối và thêu thùa bên bếp lửa. [102] Cùng nói về khả năng tiềm tàng của người phụ nữ hiện đại, nhà văn Nguyễn Thị Bích Thuận có những ý kiến khá trùng khớp với nhà văn Dạ Ngân. Chị cho rằng: Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có được những quyền lợi bình đẳng như là nam giới. Họ nhận thức được vai trò của mình trong xã hội hiện đại và tự tin với khả năng của mình. Họ không ngừng học hỏi, nghiên cứu, trau dồi khả năng lãnh đạo và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong xã hội. Trong gia đình cũng vậy, người phụ nữ hiện đại vẫn giữ được vai trò truyền thống làm vợ, làm mẹ, nhưng bên cạnh đó họ vẫn luôn phấn đấu cho sự bình đẳng trong quan hệ giữa vợ và chồng. Họ muốn đưa ra những quyết định để xây dựng gia đình. Họ muốn quan tâm, chia sẻ những công việc cơ quan của chồng thay vì chỉ lo chăm sóc chồng, con, nghe lời chồng như một người nô tỳ. Ngoài ra, người phụ nữ hiện đại là người biết đấu tranh cho lý tưởng của mình, không quá phụ thuộc vào nam giới. Họ luôn phấn đấu không ngừng để chứng tỏ một điều rằng không phải chỉ có nam giới mới là người có khả năng lãnh đạo. [71] Qua những ý kiến trên, có thể dễ dàng nhận thấy các nhà văn nữ của chúng ta nhận thức rất đầy đủ về khả năng và những lợi thế của người phụ nữ. Hơn ai hết, họ ý thức được ảnh hưởng của mình trong gia đình, trong xã hội. Ý kiến của các nhà văn nữ nói trên hầu hết gặp nhau ở một điểm: người phụ nữ hiện đại có năng lực chẳng kém gì nam giới, song họ còn có những nghĩa vụ, trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Những công việc thuộc về nữ tính thiên phú làm cho họ có ít thời gian dành cho công việc hơn. Đó là thiệt thòi của nhà văn nữ nói riêng và cũng là thiệt thòi của phụ nữ Việt Nam nói chung. Đến với nhà văn Y Ban, chúng ta sẽ hiểu người phụ nữ hơn trong sự so sánh giữa các thế hệ. Chị cũng là một mẫu phụ nữ hiện đại năng động, từng giảng dạy trường Đại học Y Thái Bình trước khi viết văn. Chị cũng từng phải đi bán gà tần, đi buôn đất để có tiền nuôi con trong những lúc khó khăn. Chính vì vậy, cái nhìn của chị
- về người phụ nữ rất thực tế. Nhìn vào ba thế hệ phụ nữ trong gia đình mẹ chị, chị, con gái, chị nhận thấy những khác biệt của cuộc sống hôm nay. Mẹ tôi, tôi và con gái tôi đều là những người phụ nữ mạnh mẽ. Tôi cảm nhận rằng mạnh mẽ là một điểm nổi bật trong phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, dù nhìn vẻ ngoài họ là những phụ nữ nhu mì, cam chịu. Họ đã phải nén cảm xúc của mình hàng nghìn năm và lúc nào họ cũng có nguy cơ bùng nổ. Mẹ tôi phải nuôi một bầy con khi bố tôi đi chiến trường. Bà chèo chống với thời kỳ đói nghèo để nuôi gia đình. Tôi là thế hệ giao thời, với những buồn - vui, sướng - khổ không rành rẽ. Giống như mẹ tôi, tôi luôn coi trọng việc học hành của con cái. Thời của mẹ tôi, nghèo khó nhưng không phải lo lắng nhiều về cái gọi là đạo đức của con gái mình. Tôi đầy đủ hơn nhưng lại luôn lo lắng. Con gái tôi mười lăm tuổi và lúc nào tôi cũng tự hỏi cháu sẽ tránh khỏi những cám dỗ của đời sống hiện đại ồn ào như thế nào. Nhưng con gái tôi khác biệt với tôi và mẹ tôi một điểm lớn, đó là tính độc lập. [81] Chị còn tâm sự: Tôi thích viết về phụ nữ và những vấn đề của phụ nữ hiện đại. Tôi cũng rất thích mổ xẻ đến tận cùng tâm lý của người đàn bà hiện đại. Họ thông minh, giỏi giang nhưng vẫn luôn cần một cuộc sống tình cảm phong phú. Tôi không thích sự cực đoan và cô đơn. Tôi thích người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình, nhưng người đó cũng yêu và hiểu về tình yêu. [80] Ý kiến của Y Ban có điểm gặp gỡ với các nhà văn chúng ta đã nói ở trên ở những nhận xét về người phụ nữ: mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang, độc lập… nhưng chị lại để ý đến một đặc điểm rất “phụ nữ” là “họ luôn cần một đời sống tình cảm phong phú”. Cũng như vậy với Nguyễn Thị Thu Huệ, trong khi các nhà văn khác nói về các khả năng tiềm tàng của người phụ nữ làm cho họ chẳng thua kém gì các đấng mày râu thì từ những trải nghiệm của chính mình, chị cho rằng: “Khác với nhiều người nghĩ, thực ra người đàn bà lúc nào cũng muốn nương tựa. Bất đắc dĩ mới phải tự mình đứng thẳng, vì bị xô đẩy mà phải gánh vác việc của đàn ông và người đàn ông phải hiểu điều đó”. [92]
- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là một người phụ nữ có nhan sắc, và cũng rất thành đạt vừa trên cương vị một nhà văn, đồng thời lại là giám đốc một hãng phim truyền hình. Ý kiến của Thu Huệ không đối lập với các bạn văn của mình, mà nó có tính chất bổ sung. Người phụ nữ Việt Nam là vậy, họ luôn muốn nương tựa dưới một bóng tùng quân nào đó. Mạnh mẽ, giỏi giang ở đâu đó nhưng vẫn muốn có một bờ vai vững chãi để dựa vào những khi yếu lòng. Và có lẽ chính đặc điểm này làm nên nét nữ tính của phái đẹp, là một thế mạnh không thể có được ở các đấng nam nhi. Thế nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có được hạnh phúc là sự nương tựa. Trong số những nhà văn nữ đương đại của Việt Nam, nhà văn Võ Thị Hảo có cuộc sống riêng khá vất vả. Chị vừa là nhà văn nổi tiếng, vừa là một nhà báo sắc sảo và là mẹ của hai đứa con gái tuổi cập kê. Chị tâm sự: Tôi vốn là người đàn bà thích được che chở. Nhưng oái oăm thay, số phận không cho tôi điều đó. Tôi luôn phải gánh vác những công việc của đàn ông từ khi mới lớn đến tận bây giờ… Gánh đã chất trên vai, muốn sống thì phải gánh, vậy thôi. Cũng có lúc mệt mỏi, chùn bước lại đứng dậy, buộc phải gánh tiếp. Nhưng trong tôi vẫn khắc khoải là mình sinh ra để làm đàn bà – mong được là một “dây leo đẹp” bên một “cây đại thụ”. [16] Một người bạn của chị đã viết về chị như sau: Gần gũi chị, nhiều lúc cũng cảm thấy xót xa khi thấy chị phải gánh vác quá nhiều trong gia đình bốn người. Người phụ nữ nào, dù giỏi đến đâu, nhiều lúc vẫn cần có cảm giác được dựa vào tình yêu lớn của một người đàn ông thực sự. Là đàn bà, thật hạnh phúc khi thấy mình thực sự bé nhỏ trong vòng tay của một người đàn ông của riêng mình. Một cánh tay chở che, cảm giác được chia sẻ tri âm với người bạn đời, với chị Hảo trong một cuộc đời làm vợ hầu như không có. Không chỉ bây giờ khi chỉ còn ba mẹ con chị cũng luôn phải cố gắng để vừa làm mẹ, vừa làm bố cho hai con.. Chị bảo: “Hạnh phúc là do cách người ta quan niệm và lựa chọn”. Giờ đây, có lẽ chị đang hạnh phúc vì thanh thản… [90] Mỗi người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ nguồn ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi khúc này khúc
- nọ được, nó cần có sự liên tục. Trò chuyện với các nhà văn, lĩnh hội ý kiến của họ cũng như soi bóng mình xuống dòng sông tư tưởng của họ. Có thể dòng sông này hiền hòa, êm ả, dòng sông kia nhiều ghềnh thác hoặc ngay trên môt dòng sông cũng có khúc dịu dàng, có khúc dữ dội nhưng chính những nét khác biệt đó lại tạo nên sự cuốn hút mãnh liệt. Quan điểm của các nhà văn nữ có thể có những điểm tương đồng, cũng có thể khác biệt, điều đó không có gì khó hiểu. Qua những phát biểu đó, chúng ta hiểu về người phụ nữ hiện đại trong tác phẩm của họ hơn, nhờ vậy, tác phẩm của họ đến gần với độc giả hơn. 1.2. Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm văn chương của nhà văn nữ Nhà văn cho ra đời một tác phẩm văn học, cũng như người mẹ sinh thành một đứa con, đều muốn đứa con của mình lớn lên khỏe mạnh và có ích cho xã hội. Từ những quan niệm, những suy nghĩ về người phụ nữ trong cuộc sống, họ đã xây dựng nên những chân dung phụ nữ trong văn chương với những lời nhắn gửi thiết tha tới những người đồng giới nói riêng và xã hội nói chung. Y Ban tâm sự: Thực ra, khi viết về những người phụ nữ hôm nay, mổ xẻ và phân tích thân xác cũng như thân phận của họ, tôi muốn rằng các tác phẩm của tôi sẽ là thứ để họ vin vào và đứng dậy. Tôi muốn chỉ ra rằng, đàn bà chúng ta, họ đau khổ và phức tạp hơn, ngay từ trong ý nghĩ. Họ bị hành hạ bởi những suy nghĩ, có khi chỉ là rất nhỏ nhoi, như một phút xao lòng. Tôi muốn chỉ cho họ một lối đi, để họ hiểu rằng, cuộc sống là thế đấy, đàn bà là thế đấy, đừng dằn vặt bản thân mình, đừng hỏi tại sao”. Từ các câu chuyện của mình, tôi cũng có thêm tham vọng là chỉ cho phụ nữ những ranh giới, để họ biết dừng lại, khi họ là phụ nữ. Đó là con đường mà các nhà văn nữ trước tôi và cả các bạn nữ viết văn sau này vẫn sẽ tiếp nối nhau. Những nhà văn nữ thực sự đang đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội, bằng các tác phẩm của mình. Bắt đầu từ việc họ thay đổi chính mình, tiến bộ hơn, văn minh hơn. Tôi muốn
- xã hội hãy đọc tác phẩm của nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình. [81] Những định hướng như vậy đã giúp nhà văn Y Ban thành công trong khá nhiều truyện ngắn viết về những phút giây xao lòng của người phụ nữ trước người đàn ông không phải là chồng mình. Những người phụ nữ trong truyện ngắn Sau chớp là bão giông và Người đàn bà và những giấc mơ của chị đều có những cơ hội để có thể ngoại tình, nhưng họ đã biết dừng lại đúng lúc để giữ gìn mái ấm gia đình bền vững. Cái níu giữ họ lại với gia đình có thể là những chăm sóc chu đáo tận tình của chồng hay tiếng gọi của những đứa con nhắc nhở họ trách nhiệm của người làm mẹ. Truyện ngắn của Y Ban, ngoài tác dụng cảnh tỉnh chị em phụ nữ đừng chạy theo những tình cảm nông nổi, bồng bột, thoáng qua, còn nhắc nhở những người đàn ông hãy biết giữ lấy người phụ nữ của mình. Hạnh phúc gia đình trong thời buổi này thật quá mong manh. Khi được hỏi: “Trong văn học thời kỳ trước đây, có rất ít cảnh phụ nữ ngoại tình. Nhưng trong các tác phẩm của chị, và nhiều nhà văn đương đại khác, hình ảnh người đàn bà ngoại tình (có thể chỉ là trong tư tưởng) lại hơi... nhiều. Vì sao vậy?” Chị đã nói rằng: Xã hội nào thì hoàn cảnh đấy. Và thân phận của người phụ nữ thể hiện rõ nhất hoàn cảnh xã hội mà chị ta đang sống. Trong xã hội phong kiến, trong chiến tranh, thế giới quan của người phụ nữ chỉ bó gọn trong một gia đình, một cái làng nhỏ, phải đối diện với những lề thói, hủ tục, sự soi mói của người đời nên rất khó để người phụ nữ thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng trong xã hội hiện đại đã khác đi nhiều. Người phụ nữ độc lập, tự chủ hơn. Họ có xu hướng sống cho bản thân mình, chiều chuộng cảm xúc của chính mình. Khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ thể hiện ở khát vọng chinh phục người đàn ông. Và chinh phục người khác giới cũng chính là để chinh phục chính mình. [81] Là một nhà văn nữ, nhiều truyện ngắn của Y Ban được viết ra nhằm giảm bớt “tai nạn” của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Những truyện ngắn như Thiên đường và địa ngục, Cái điềm con thỏ trắng, Sự vô tội của Ađam và Êva... là những “câu chuyện cảnh giác” chị viết dành riêng cho các cô gái trẻ, khuyên họ chớ yêu mù
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm (bản diễn nôm) đến Truyện Kiều (Nguyễn Du)
86 p | 312 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại Việt Nam
87 p | 238 | 53
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 266 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 318 | 47
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam
150 p | 193 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 121 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 116 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 215 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 168 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 175 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Tạ Duy Anh
113 p | 107 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những cách tân kịch của A.P. Chekhov
142 p | 136 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 146 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 163 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 149 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Trương Duy Toản
171 p | 99 | 9
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hiện tượng Epiphany trong tập truyện ngắn "Người Dublin" của James Joyce
137 p | 98 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn