intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những chuyển biến trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:170

75
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những chuyển biến trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới nhìn chung hai chặng đường sáng tác tiểu thuyết của Ma Văn Kháng trong sự vận động phát triển của tiểu thuyết Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám -1945 tới nay; sự chuyển biến về nội dung cảm hứng trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới và một số nội dung khác.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những chuyển biến trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HCM ----------------------- NGUYỄN THỊ THANH MAI NHỮNG CHUYỂN BIẾNTRONG TIỂU THUYẾT MA VĂN KHÁNG THỜI KÌ ĐỔI MỚI LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2008
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HCM ------------------------- NGUYỄN THỊ THANH MAI NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG TIỂU THUYẾT MA VĂN KHÁNG THỜI KÌ ĐỔI MỚI Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN THÀNH THI Thành phố Hồ Chí Minh – 2008
  3. LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới: Ban giám hiệu, Khoa ngữ văn, Phòng công nghệ sau đại học, Thư viện Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu… cho chúng tôi học tập tốt. Xin gửi lời cảm ơn tới các quý thầy cô đã tận tình giảng dạy, cung cấp tài liệu cho chúng tôi trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới thầy hướng dẫn trực tiếp luận văn của tôi: Tiến sĩ Nguyễn Thành Thi. Thầy đã tận tình chỉ bảo, gợi ý, dẫn dắt, cung cấp tài liệu và sửa chữa cho tôi trong suốt quá trình làm đề tài. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới gia đình đã tạo điều kiện mọi mặt để tôi có thể hoàn thành luận văn này. Xin gửi lời cảm ơn tới Ban giám hiệu, đồng nghiệp Trường THPT Nhơn Trạch – Đồng Nai đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học tập. TP. Hồ Chí Minh ngày 28/4/2008 Người viết
  4. MỞ ĐẦU 1. Lý do, mục đích chọn đề tài: Ma Văn Kháng xuất hiện trong văn học hiện đại Việt Nam như một hiện tượng đặc sắc. Khối lượng tác phẩm đồ sộ với hàng chục tập truyện ngắn, gần hai chục cuốn tiểu thuyết có giá trị đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Đặc biệt những năm 80, khi đất nước chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, một số tiểu thuyết của ông như Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú... thu hút sự chú ý của độc giả và các nhà nghiên cứu, phê bình. Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét, tranh luận gay gắt cần được tiếp tục phân tích, lý giải xác đáng. Hai giai đoạn sáng tác của Ma Văn Kháng có dấu mốc rõ nét mà khi nghiên cứu một mặt ta sẽ hiểu đúng hơn những đóng góp của ông, mặt khác ta sẽ thấy được sự chuyển biến của các nhà văn khác trong sự vận động của văn học. Một số tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim, được đưa vào chương trình giảng dạy ở phổ thông như Mùa lá rụng trong vườn, Người giúp việc, Xa phủ ... Do đó, luận văn sẽ góp phần tìm hiểu, khẳng định vị trí của nhà văn trong văn học hiện đại Việt Nam. Mục đích của luận văn là tìm hiểu, phân tích một cách có hệ thống hai chặng đường sáng tác tiểu thuyết của Ma Văn Kháng trong sự vận động phát triển của tiểu thuyết Việt Nam để thấy được những đóng góp của nhà văn đối với tiểu thuyết Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới. 2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu: Đối tượng mà luận văn nghiên cứu là tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Nhưng trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chỉ tập trung vào những tác phẩm sau đây: Đồng bạc trắng hoa xòe Vùng biên ải Gặp gỡ ở La Pan Tẩn
  5. Mưa mùa hạ Mùa lá rụng trong vườn Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ 3. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp lịch sử: Xem xét sự vận động phát triển của văn học Việt Nam nói chung, sáng tác của Ma Văn Kháng nói riêng trong dòng chảy ấy. Qua đó thấy được những đóng góp của nhà văn trong việc đổi mới văn xuôi hiện đại. Phương pháp hệ thống: Xem xét sáng tác của nhà văn trong tính hệ thống với nhiều cấp độ khác nhau.. Phương pháp loại hình: Xem xét sáng tác của nhà văn từ góc độ loại hình thể tài, loại hình văn xuôi nghệ thuật... Phương pháp so sánh đối chiếu: Đối chiếu tiểu thuyết của Ma Văn Kháng với tiểu thuyết của một số nhà văn khác như Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu... để chỉ ra sự tương đồng, khác biệt về một số chi tiết nghệ thuật tiêu biểu của văn học. Bên cạnh đó là sự so sánh về nội dung và nghệ thuật ở hai chặng đường sáng tác của chính tác giả để nhận thấy sự chuyển biến có ý nghĩa đổi mới. 4. Lịch sử vấn đề: Ma Văn Kháng là một nhà văn có quá trình sáng tác dài và liên tục đã gần nửa thế kỉ. Số lượng truyện ngắn, tiểu thuyết khá đồ sộ. Đặc biệt, tiểu thuyết của ông có sự chuyển biến rõ rệt về cả nội dung cũng như hình thức nghệ thuật, đã có nhiều những bài nghiên cứu, đánh giá, nhận xét. Lấy mốc chuyển biến trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng là cuốn “Mùa lá rụng trong vườn”, luận văn sẽ đi vào khảo sát lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết của Ma Văn Kháng theo hai chặng đường sáng tác: Trước và sau “Mùa lá rụng trong vườn” đặc biệt là những phát hiện cách tân trong tiểu thuyết của nhà văn thời kì đổi mới.  Trước “Mùa lá rụng trong vườn”: tiểu thuyết về đề tài miền núi:
  6. Với những tác phẩm viết về cuộc sống con người miền núi, nhà văn được nhận định là người có công khai phá đề tài miền núi, đã thành công trong việc phản ánh hiện thực, làm bật lên hình ảnh cao đẹp, sự hi sinh hết mình của các cán bộ miền xuôi trong công cuộc giải phóng vùng biên ải, những con người miền núi thuần hậu mang trong mình nỗi cay đắng tủi nhục, chịu áp bức, bóc lột, phong tục lạc hậu, sự hèn kém mê muội... và trên hết là một dân tộc bị áp bức luôn khao khát tự do. Những bài viết giới thiệu, đánh giá, nhận xét của các nhà nghiên cứu, phê bình về những tác phẩm này khá nhiều, được đăng rải rác trên các báo, tạp chí như Hoàng Tiến, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Ngọc Thiện... Bút pháp miêu tả đặc sắc, hấp dẫn là lời nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu đối với các tiểu thuyết về miền núi. Nhà văn Hoàng Tiến đã nhận xét rằng (ĐBTHX) mang một bút pháp đặc sắc, hấp dẫn lôi cuốn người đọc: Bút pháp trong Đồng bạc trắng hoa xòe thường dùng theo lối vẽ long trong mây. Con rồng đẹp cứ giấu mình trong mây chỉ lộ ra những khúc lượn vàng son có hạn, nhưng cho người xem vẫn nhận được đủ cái vóc dáng mạnh mẽ, thanh thoát của toàn bộ con rồng, lối “uống rượu sớm mai”. Độ rượu đủ để ngây ngất, quá nửa là say, dưới một chút coi là chưa uống. Biết dừng lại để gây ngây ngất mới là người biết uống rượu[102]. Điều đó có nghĩa là tác phẩm hay, xuất sắc ở những nốt nhấn, và những nốt nhấn ấy được đặt đúng chỗ, đúng thời điểm nên trong tổng thể nó đã tạo nên vẻ đẹp toàn diện cho một tác phẩm tương đối đồ sộ. Tác phẩm có ý nghĩa lớn khi nhà văn đã tái hiện được một giai đoạn lịch sử mà: “Lần đầu tiên được đưa vào trong tiểu thuyết”[102], đã đốt lên những đốm lửa cách mạng trên vùng núi non trùng điệp. Tiểu thuyết (VBA) nối tiếp cuốn (ĐBTHX) được Trần Đăng Suyền đánh giá là đã thành công trong việc khắc họa tính cách người Hmông và “Ngòi bút giàu chất thơ của Ma Văn Kháng khi chấm phá những cảnh vật đã vẩy hồn mình vào đấy khiến cho cảnh vật hiện lên lung linh màu sắc, lộng lẫy rực rỡ, khi vui khi buồn đều như nhuốm thêm màu sắc tâm trạng của con người ”[77]. Bên cạnh đó
  7. nhà văn Ma Văn Kháng đã chứng minh rằng: “Đồng bào các dân tộc ít người mặc dù bị chìm đắm trong đau khổ, tối tăm nhưng đều có mầm mống, khả năng cách mạng”[75]. Bằng hình tượng nghệ thuật, Ma Văn Kháng đã diễn tả con đường đến với cách mạng của người nông dân miền núi như Pao, một chàng trai có nhiều phẩm chất tốt đẹp, như Seng, Tếnh, A Sinh... Công sức của tác giả cũng không nhỏ khi toàn bộ những biến cố được thể hiện qua gần sáu trăm trang sách ngồn ngộn những sự kiện, những tư liệu lịch sử. Với tiểu thuyết (GGƠLPT), mặc dù tác phẩm ra đời ở giai đoạn sau nhưng cùng với (ĐBTHX) và (VBA) nó được coi là “bộ ba” (Từ dùng của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Thiện) tiểu thuyết xuất sắc về đề tài miền núi. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng tác phẩm là một “Bức tranh đời sống hiện thực mang tính chất sử thi về con đường của các dân tộc miền núi phía Bắc làm cuộc đổi đời, đi theo cách mạng và phát huy được phẩm cách của mình...”[96], “tạo thành một chùm tiểu thuyết độc đáo làm sáng lên bức tranh lịch sử xã hội hào hùng, bi tráng của một vùng núi phía tây Bắc nước ta trọn một thế kỉ” [96]. Như vậy, với cuốn tiểu thuyết đóng vai trò tạo nên “bộ ba” hoàn thiện về đề tài miền núi thì Ma Văn Kháng: Đã bắt đầu kì vọng về một thứ tiểu thuyết là “nền tảng của một nền văn học”, là “cỗ đại bác chủ lực” không phải chỉ chuyên chở một dung lượng chất liệu nghệ thuật lớn, phản ánh một hiện thực lớn... mà hơn nữa, chủ yếu còn là vì nó đặt ra những vấn đề thiết cốt của nhân sinh, nhân quần, nó tái hiện số phận con người và cuộc sống; và do vậy gây hứng thú lâu dài, làm giàu có nhân tâm... đạt tới cõi bí ẩn của văn xuôi là tạo được một âm hưởng sâu xa[96]. Những nhận xét, những đánh giá khách quan, những lời động viên chân thành là động lực lớn cho nhà văn vững bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nếu như chỉ dừng lại với những sáng tác về đề tài miền núi thì Ma Văn Kháng cũng đã có công lớn cho nền văn học Việt Nam. Nhưng không chỉ có vậy, một loạt những tiểu thuyết về thành thị ở giai đoạn sau của ông đã gây ồn ào trong
  8. dư luận. Nhiều ý kiến đánh giá khác nhau càng khẳng định chỗ đứng của nhà văn trong việc khám phá bản chất cuộc sống con người trong giai đoạn mới.  Sau “Mùa lá rụng trong vườn”: tiểu thuyết về đề tài thành thị: Trước những năm 80, văn học Việt Nam bao trùm khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn ngợi ca. Nhưng từ sau những năm 80, trước nhu cầu “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” mỗi nhà văn phải tự chuyển mình. Một cuộc bứt phá lớn tạo đà cho hàng loạt các nhà văn tâm huyết khẳng định mình. Ma Văn Kháng là một nhà văn dồi dào năng lực sáng tạo, một trong những tác giả đã cố gắng đổi mới tư duy, tìm một hướng đi mới trong sáng tạo nghệ thuật giai đoạn này. Với bề dày kinh nghiệm, sự từng trải chiêm nghiệm cuộc đời một cách sâu sắc và hòa trong không khí đổi mới của văn học nhà văn đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao, tác động mạnh vào con người, xã hội giai đoạn đầy biến động. Tuy có những sự trùng lặp ở nhiều tác phẩm, những lời triết lý, chiêm nghiệm gây cảm giác nặng nề cho người đọc, những cái kết còn bỏ lửng... nhưng những thành công đã lấn át tất cả những hạn chế ấy. Khi thâm nhập vào đề tài về cuộc sống con người thành thị, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một sự chuyển biến đáng nể phục ở con người này. Bên cạnh những ý kiến đánh, giá nhận xét sự thành công của tác phẩm thì nhiều nhà nghiên cứu phê bình còn khẳng định Ma Văn Kháng đã có những cách tân lớn góp phần cho sự phát triển của văn học, thể hiện rõ thái độ và trách nhiệm lương tâm của một người cầm bút trước những cái xấu trong cuộc sống. Tiêu biểu có Trần Bảo Hưng, Hồ Anh Thái, Bích Thu, Nguyễn Thị Huệ, Vân Thanh... Tiểu thuyết đầu tiên trong giai đoạn này là (MMH). Tác phẩm được Vân Thanh đánh giá cao vì “Đã thể hiện cách nhìn, thái độ của các nhân vật trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Lương tâm, lẽ sống của mỗi người đều bị thử thách... trước lưới bủa vây của tệ nạn tiêu cực, trong vòng bức bách của vấn đề cơm áo hàng ngày có khi những quan niệm đạo lý thông thường bị xáo trộn, gây nên sự hoài nghi, phân vân ở mỗi người”[87]. Chính vì thế mà từ trong những
  9. trang sách vang lên một tiếng giục giã, đánh thức lương tâm, trách nhiệm của mỗi người: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải ngăn chặn kịp thời những tổ mối tiêu cực đang sinh sôi nảy nở trong đời sống nếu không chúng sẽ đục ruỗng xã hội và hủy hoại những giá trị tinh thần vốn đã thành truyền thống của dân tộc”[87]. Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm của Ma Văn Kháng đối với cuộc sống hiện nay. Tiểu thuyết (MLRTV) ra đời được coi là đỉnh cao, là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến của nhà văn vì có nhiều đóng góp cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, đã chứng tỏ sự thâm nhập vững vàng của nhà văn vào xã hội thành thị đang biến động nơi có những con người đang dần biến chất, tha hóa. Vân Thanh nhận xét rằng: Có thể xem Mùa lá rụng trong vuờn là một tiếng nói của tác giả trước hiện thực hôm nay: Một tiếng nói về quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội, về trách nhiệm của mỗi người đối với cuộc sống và cộc sống dành cho mỗi người... tác phẩm đã khơi được vào dòng chảy của cuộc sống chúng ta hôm nay, đã lẩy ra được một mảng tươi nguyên của cuộc sống đó, gợi cho ta biết bao suy nghĩ về nó, lo lắng, băn khoăn về nó, và cũng hi vọng, tin yêu ở nó. Từ đó đặt ra cho mỗi chúng ta một thái độ sống, một trách nhiệm sống[88]. Ở đó, mỗi con người cần có sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau của các thành viên, của gia đình và của cả xã hội. Tác phẩm cũng đưa ra một cách nhìn mới của nhà văn đối với truyền thống dân tộc bao đời của người Việt. Truyền thống văn hóa gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng tinh thần, bảo vệ con người tránh xa điều xấu nhưng nay xã hội đã đổi mới chúng ta cần giữ gìn những cái tốt đẹp và cũng cần loại bỏ những gì không phù hợp. Trần Bảo Hưng đã khẳng định rằng: “Cần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và truyền thống nếp sống của gia đình Việt Nam cùng sự đổi mới và thích ứng của nó trong xã hội mới. Tuy nhiên giữ vững tất cả sẽ không tránh khỏi đổ vỡ, sứt mẻ, nhưng muốn thoát ly truyền thống, phá vỡ tất cả cũng sẽ dẫn tới bi kịch” [30]. Ở tác phẩm này, với cách nhìn mới về con người nhà văn đã thể hiện thành công kiểu nhân vật có đời sống nội tâm phong phú, tính cách đa chiều, hấp dẫn
  10. như Lý: “Hình tượng nhân vật khá độc đáo, hấp dẫn. Lý là nhân vật độc đáo hấp dẫn nhất. Con người này hễ có mặt ở dâu là có khả năng làm cho nơi ấy có không khí, sinh động hẳn lên”[30]. Những con người ấy chỉ vì dục vọng lại gặp những nhân tố kích thích nên mới dần bị tha hóa. Vì thế bao trùm toàn tác phẩm là cái nhìn nhân hậu vị tha của nhà văn. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết này còn ở chỗ: bên cạnh việc làm nổi bật những nhân vật tha hóa về nhân phẩm thì nhà văn đã đưa ra được “Những hình ảnh rất đẹp của truyền thống văn hóa và đạo đức dân tộc. Chị Hoài, cô Phượng, Vân, bà lang Chí... là những tấm lòng trong sáng ngọt ngào, ấm áp, chan chứa nghĩa tình”[30]. Đồng ý với nhận định này, Trần Cương cho rằng các nhân vật như chị Hoài, Phượng, Vân... tuy nhà văn dành ít số trang nhưng: “Là những trang viết cảm động. Nâng niu trân trọng và đồng cảm sâu xa từ trong mỗi việc làm, mỗi ý nghĩ, mỗi hành vi nho nhỏ ở những nhân vật này, ngòi bút của tác giả đã tỏ ra tinh tế, làm gia tăng chất nhân văn vốn đã là nền tảng của tác phẩm này”[11]. Khi tiểu thuyết (ĐCKCGGT) ra đời -1989 một lần nữa tác phẩm của ông lại được đưa ra để xem xét. Có nhiều sự khen chê, đánh giá khác nhau. Báo văn nghệ đã phải tổ chức một hội thảo riêng về tác phẩm này. Phải khẳng định rằng Ma văn Kháng đã dũng cảm khi đặt bút lật xới mặt trái của xã hội trong một môi trường vẫn được xem là trong sạch nhất. Phải chăng xuất phát từ sự bức xúc của một nhà giáo từng đứng trên bục giảng nay thấy quá nhiều những cái xấu, sự bất công nên nhà văn đã mạnh dạn lên tiếng phê phán gay gắt vào nơi vốn được coi là chốn thiêng liêng cao cả, vào hình ảnh của những người thầy vốn được coi trọng đề cao. Nhưng thực chất cuốn sách không chỉ bó hẹp ở phạm vi một ngôi trường, ở những người thầy mà nó còn mang ý nghĩa sâu rộng hơn, ở nhiều tầng lớp người khác nhau, ở phạm vi toàn xã hội. Giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét về cuộc đời thầy giáo Tự: Trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, nhà văn Ma Văn Kháng đã phản ánh được cái bi kịch của một nhà giáo, một trí thức: anh ta lúc thì đóng
  11. vai một nhà hiền triết, nhân cách cao cả và thánh thiện nhưng lại bị ném vào một môi trường mà các già trị tinh thần đang bị đảo lộ, một môi trường bị ô nhiễm, bị băng hoại về đạo đức và nhân phẩm...[70]. Bên cạnh những đánh giá nhận xét chung về tác phẩm, nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số cách tân trong tiểu thuyết của ông. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong “Hội thảo về tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú” cho rằng nhiều tác phẩm có giá trị, có chiều sâu nhưng vẫn bộc lộ nhược điểm là chất chính luận, triết luận tuy sắc sảo nhưng còn bị lạm dụng, nhiều chỗ nên tạo cho độc giả sự nặng nề. Tuy vậy ông cho rằng “Ma Văn Kháng đã là một trong những tác giả đổi mới đầu tiên trong văn xuôi, viết về nhà trường nhưng thực ra ông muốn đề cập đến một vấn đề xã hội rộng lớn hơn. Nhiều trang viết về người thầy giáo thật xúc động. Anh nêu lên thực trạng đáng buồn đáng giận ấy với tinh thần trách nhiệm và rất tâm huyết để bảo vệ cái tốt đẹp”[70]. Trong bài viết “Một vài nhận xét về nhân vật của văn xuôi Việt Nam sau 1975”, Nguyễn Thị Bình nhận xét rằng: “Văn xuôi giai đoạn này có sự thay đổi trong mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật”[4]. Nhân vật được quyền bình đẳng về kinh nghiệm sống, phá vỡ các quy ước ta - địch trong văn học trước với một loạt tác phẩm. Trong đó có nhiều tác phẩm của Ma Văn Kháng. Nhân vật được trao cho quyền phán xét do đó khó có thể nhận ra đâu là phát ngôn tư tưởng thật sự của tác giả trong tác phẩm. Bà cho rằng: “Kiểu nhân vật trí thức xuất hiện nhiều trong giai đoạn này có lẽ do họ như là thước đo của dân trí và văn hóa, là nơi gửi gắm thích hợp nhất cho sự tự ý thức”[4]. Xét những trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thì loại nhân vật này chiếm số đông nhưng bên cạnh những trí thức thật sự là những trí thức giả danh, trí thức dởm gây bao tai họa cho người khác, cho xã hội. Có lẽ Ma Văn Kháng hợp với loại truyện phanh phui, mổ xẻ, bức xúc trước thực trạng xuống cấp của xã hội. Sau gần mười năm, năm 1998 nhà văn lại cho ra đời một tiểu thuyết nổi đình đám: (NDNL). Cuốn tiểu thuyết này đã có sự cách tân vượt bậc về nghệ thuật thể hiện.
  12. Bích Thu phát hiện ra sự cách tân trong tác phẩm thể hiện ở cốt truyện lỏng lẻo, mơ hồ, co giãn, khó tóm tắt, khó kể lại và do đó “Tiểu thuyết vừa là tiếng nói của ý thức, vừa là tiếng nói của tiềm thức, của giấc mơ...”[100]. Có thể xem đây là sáng tạo của nghệ thuật lắp ghép, truyện lồng trong truyện tạo ra sức lôi cuốn cho bạn đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm có sự thâm nhập của các thể loại khác vào trong tiểu thuyết như thơ, huyền thoại, cổ tích, điển tích... Nó là nhân tố làm giãn cốt truyện, tạo ra tiếng nói khác nhau trong tiểu thuyết. Hình thức này xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết khác của Ma Văn Kháng. Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Thiện, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng giai đoạn này: “Đã đạt đến trình độ điêu luyện trong ngôn ngữ kể và tả, đối thoại và độc thoại, giọng điệu linh hoạt, khi gấp gáp, sôi nổi, cuồn cuộn, tung phá, lúc lại thong thả, mềm mại, đằm thắm, hiền hòa, đã trở thành một thực thể sống động có sức sống mạnh mẽ”[95]. Ma Văn Kháng đã thành công trong việc khám phá chiều sâu tâm linh, vô thức, tiềm thức, giấc mơ, coi nó như một thứ ngôn ngữ độc thoại đặc biệt để giải mã thế giới vô thức của con người, xây dựng lên những bi kịch cá nhân, đưa con người trở về với cuộc sống đời thường, với những khát vọng hạnh phúc. Khắc phục những phiến diện trong quan niệm về con người trong văn học giai đoạn trước, Nguyễn Thị Huệ cũng đã nhận ra nhiều kiểu loại nhân vật trong sáng tác của Ma Văn Kháng: “Phong phú, đa dạng hơn, phức tạp hơn không chỉ có công nông binh mà còn có tầng lớp thị dân, đặc biệt là nhân vật trí thức đã như một ám ảnh khôn nguôi, một trăn trở day dứt, một ma lực có sức hút lớn đối với ngòi bút của Ma Văn Kháng”[28]. Không chỉ đánh giá cao những con người phức tạp, có nội tâm phong phú, Ma Văn Kháng còn thể hiện thành công loại người “thô sơ đơn giản”, nhìn nhận cái tốt cái xấu theo sơ đồ sẵn có, khuôn mẫu và giản đơn như Đông (Mùa lá rụng trong vườn), Ông Chánh (Mưa mùa hạ), một loạt công chức kì nhông như Quanh, Liệu (Ngược dòng nước lũ)”[85]. Bên cạnh việc phê phán cái xấu, cái ác, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng giai đoạn này vẫn đậm chất trữ tình. Hồ Anh Thái nhận xét rằng: “Những trang hay
  13. nhất đều là trữ tình: Khiêm đi về trung du giữa mùa lũ, hoan lên miền ngược tới vùng trồng thuốc phiện... Anh cứ tách được nhân vật ra khỏi cái không khí văn phòng đầy thịnh nộ thì bản thân anh như cũng linh hoạt, phơi phới hẳn lên” [85]. Như vậy, khi tìm hiểu lịch sử nghiên cứu về tiểu thuyết của Ma Văn Kháng chúng tôi nhận thấy rằng chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện nào về tiểu thuyết, về những chuyển biến, cách tân trong tiểu thuyết của ông. Do đó việc luận văn đi vào tìm hiểu, nghiên cứu đề tài này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. 5. Đóng góp mới của luận văn: Luận văn chỉ ra những chuyển biến về nội dung và hình thức nghệ thuật tương ứng trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thời kì đổi mới, những dấu hiệu và nguyên nhân dẫn tới sự chuyển biến ấy. Chỉ ra những đóng góp của nhà văn trong việc cách tân thể loại tiểu thuyết trong sự phát triển chung của văn xuôi Việt Nam. 6. Kết cấu của luận văn: Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được chia thành ba chương như sau: Chương 1: Nhìn chung hai chặng đường sáng tác tiểu thuyết của Ma Văn Kháng trong sự vận động phát triển của tiểu thuyết Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám -1945 tới nay. Trong chương này, luận văn đi vào khái quát sơ lược hai chặng đường vận động của tiểu thuyết Việt Nam (1945- 1985) và (từ sau 1985 tới nay), sơ lược hai chặng đường tiểu thuyết của Ma Văn Kháng cùng dấu mốc chuyển biến để có cái nhìn khái quát về tiểu thuyết nói chung, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng nói riêng. Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự chuyển biến trong tiểu thuyết của ông và khẳng định vai trò, đóng góp của nhà văn trong văn học Việt Nam. Chương 2: Sự chuyển biến về nội dung cảm hứng trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới.
  14. Chương hai tìm hiểu những chuyển biến trong việc khám phá hiện thực, quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng ở hai chặng đường sáng tác. Chương 3: Sự chuyển biến về hình thức nghệ thuật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới. Chương ba sẽ đi sâu vào những chuyển biến, cách tân trong kĩ thuật thể loại tiểu thuyết của Ma Văn Kháng.
  15. Chương 1 HAI CHẶNG ĐƯỜNG SÁNG TÁC TIỂU THUYẾT CỦA MA VĂN KHÁNG TRONG SỰ VẬN ĐỘNG PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 TỚI NAY 1.1. Hai chặng đường của tiểu thuyết Việt Nam từ 1945 tới 1985: 1.1.1. Chặng đường 1945 - 1985: Cách mạng tháng tám năm 1945 thành công đã giải phóng dân tộc ta khỏi ách nô lệ. Nhưng khi vừa giành được chủ quyền thì cũng là lúc toàn dân tộc lại phải đương đầu với quân xâm lược mới: Đế quốc Mĩ. Đối với văn học, nó đã mở ra một giai đoạn mới, một hướng nhìn, một lối đi đúng đắn cho một thế hệ các nhà văn. Văn học giai đoạn này là văn học chiến tranh cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn anh chị em văn nghệ sĩ: “Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nhiệm vụ của các nhà văn lúc này là ca ngợi, động viên tinh thần chiến đấu của toàn dân tộc. Một nền văn học mới: “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn học cách mạng”[13] ra đời. Một thế hệ các nhà văn trưởng thành đến độ chín cả về tuổi đời cũng như tuổi nghề, hàng loạt những cây bút mới đã thể hiện được năng lực của mình. Họ là những nhà văn đi đầu cho “Một nền văn nghệ đậm chất cách mạng, tươi mới, sống động, đậm chất hiện thực”[13]. Các tiểu thuyết trong thời kỳ này tập trung chủ yếu ở chủ đề: sức mạnh và tinh thần yêu nước của nhân dân. Đề tài được đề cập tới hết sức đa dạng và phong phú. Coi trọng và bám sát hiện thực là điều mà các nhà văn chú ý hướng tới vì hiện thực là nguồn cảm hứng, là chất liệu để xây dựng lên tác phẩm. Đây là nét độc đáo của nền “nghệ thuật anh hùng, là dáng đứng Việt Nam, tầm nhìn của thời đại”[13]. Về nghệ thuật, tiểu thuyết giai đoạn này mang đậm cảm hứng sử thi lãng mạn ngợi ca. Lã Nguyên nhận xét: “... các tác phẩm văn xuôi đầy ắp chất thơ và
  16. câu văn xuôi của hầu hết các nhà văn luôn luôn ngân vang âm hưởng trữ tình” [67]. Các nhà văn xây dựng thành công những chân dung điển hình, những tấm gương anh hùng tiêu biểu của dân tộc. Điều này không những có giá trị nhận thức, thẩm mỹ lớn mà còn có tác dụng giáo dục nhiều thế hệ. Quy mô tác phẩm hoành tráng phản ánh được cả một quá trình chiến đấu, diễn biến tâm lý, tình cảm của nhân dân dành cho cách mạng. Có sự hòa quyện giữa tiểu thuyết và kí trong nhiều sáng tác. Tuy nhiên lồng vào những ghi chép vẫn là những nhân vật điển hình xuyên suốt trong tác phẩm với những trăn trở, suy tư, những hành động, những suy tính, những diến biến trong nội tâm khiến cho tác phẩm vừa mang tính thời sự nóng hổi, vừa có diễn biến tâm lý, hành động của các nhân vật. Một loạt những tác phẩm được đánh giá cao về nội dung cũng như nghệ thuật ra đời đáp ứng được yêu cầu: Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Trước giờ súng nổ (Lê Khâm), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Hòn đất (Anh Đức), Vùng mỏ (Võ Huy Tâm), Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai)... Nhận xét về sự đa dạng về phong cách thể hiện của tiểu thuyết giai đoạn này, Giáo Sư Phan Cự Đệ viết: Nguyễn Đình Thi chúng ta có được vẻ đẹp nhẹ nhõm, thanh thoát, trong sáng, ở Nguyên Hồng là cái xù xì gân guốc, phong phú đến mức rập rạp. Trong nhà văn Tô Hoài có cái hóm hỉnh, thông minh, tinh tế và thơ mộng. Văn của Nguyễn Khải có cái tỉnh táo, sắc sảo đầy tính chất phát hiện. Nguyễn Huy Tưởng có cái đôn hậu, ấm áp điểm vẻ huy hoàng, tráng lệ, cái dân gian mà hiện đại của Nguyễn Thi, hiện đại mà cổ kính của Nguyễn Tuân, hùng tráng thi vị của Nguyễn Trung thành, trữ tình thiết tha đến độ say đắm của Anh Đức, cái trí tuệ hài hòa cân đối đến mức cổ điển của Phan Tứ[15, tr.40]. Tất cả đã tạo nên bức tranh phong phú, đa dạng cho văn học giai đoạn này. Văn học 30 năm chiến tranh có thể coi là một biên niên sử mà ở đó ta không chỉ quan sát được số phận dân tộc mà còn thấu hiểu số phận của mỗi cá
  17. nhân. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đánh giá rằng “Văn học cách mạng 1945 - 1975 là một giai đoạn lịch sự không lặp lại của văn học dân tộc. Nó là một hiện tượng nghệ thuật sáng ngời, là chiếc cầu nối liền văn minh dân tộc từ quá khứ, hướng tới tương lai”[81]. Sau 1975, chiến tranh kết thúc thắng lợi văn học bước sang thời kì hậu chiến. Tuy văn học vẫn “trượt theo quán tính của giai đoạn trước”[65] nhưng đã diễn ra sự vận động ở chiều sâu với những suy tư, trăn trở, tìm tòi âm thầm mà quyết liệt ở những nhà văn có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Nhiều tác giả tiếp tục hướng vào đề tài chiến tranh cách mạng nhưng với những lý giải mới về cuộc chiến tranh dân tộc. Cuộc chiến được nhìn nhận một cách toàn diện ở nhiều góc độ, sâu sắc và nhân bản hơn. Các nhà văn đào sâu vào những góc khuất của chiến tranh, đặc biệt nhấn mạnh tính chất ác liệt, thảm khốc của cuộc chiến đấu, sự hy sinh mất mát to lớn của con người đặc biệt những người bước ra từ cuộc chiến. Nhân vật người lính được khắc họa ở chiều sâu nội tâm, được đặt trong nhiều mối quan hệ đặc biệt là quan hệ với chính mình, được soi rọi từ nhiều góc độ ý thức, vô thức, bản năng, tốt xấu... Thân phận của con người sau chiến tranh đặc biệt là người phụ nữ khi tuổi xuân đã mất, tình yêu tan vỡ... hay những món nợ trong chiến tranh, những thất bại trên chiến trường, những kẻ đào ngũ, những cái chết thảm bất ngờ... được khai thác nhiều trong các tác phẩm. Nguyễn Minh Châu được coi là nhà văn dẫn đầu, mở đường cho một giai đoạn văn học mới. Đề tài mà nhà văn thường đề cập là số phận người lính sau chiến tranh. Ông nhận xét: “Thời kỳ này diễn ra một cuộc đối chứng giữa nhân cách và phi nhân cách, giữa hoàn thiện và chưa hoàn thiện, giữa ánh sáng và những khoảng bóng tối còn rơi rớt bên trong tâm hồn của mỗi con người”[52, tr.63]. Hàng loạt tác phẩm tiêu biểu về đề tài này như: Những người đi từ trong rừng ra, Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành... (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Góc tăm tối cuối cùng, Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh)...
  18. Đầu những năm 80, sự khủng hoảng khó khăn về kinh tế dẫn tới sự phức tạp trong xã hội, sự phân cực xấu tốt, trắng đen, thiện ác trong con người. Nhiều nhà văn đã mạnh dạn đưa nhân vật đi vào chính cuộc sống hôm nay, đặt nhân vật trong nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau để nhân vật tự xoay sở, tự dằn vặt nội tâm. 1.1.2. Chặng đường từ 1985 tới nay: Năm1986 được coi là dấu mốc đổi mới của văn học Việt Nam với hàng loạt sự kiện: Đại hội lần thứ VI (1986) của Đảng đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện mọi mặt của đất nước, tạo đà cho văn học nghệ thuật đổi mới, phát triển toàn diện trên nền những gì đã đạt được; nghị quyết 05 của bộ chính trị đã chỉ rõ: “Văn học nghệ thuật là một bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa”[8], cuộc gặp gỡ giữa tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với anh em văn nghệ sĩ... thực sự đã thổi một luồng gió mới cho văn học, tác động tới cách nghĩ, cách nhìn của giới văn nghệ sĩ. Quan điểm của Đảng ta về văn học: “Văn học là cuộc sống, là sự đấu tranh của các nhà văn cho một cuộc sống tươi đẹp, đấu tranh bằng tác phẩm văn học”[8] do đó các nhà văn cần “Phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một bước”[8]. Văn xuôi trước sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa mở ra trên nhiều lĩnh vực, đang tìm cách tiếp cận với mọi vấn đề của cuộc sống. Trên tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức lại hiện thực”, “Tư tưởng tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật. Bởi vì sự thật luôn luôn là linh hồn của nghệ thuật chân chính” [72], Đảng đã tạo điều kiện cho các nhà văn tự “cởi trói” cho chính mình, thoát khỏi một giai đoạn văn học ngập tràn cảm hứng ngợi ca. Thời buổi kinh tế thị trường, văn chương càng mang nặng trọng trách. Văn chương cần khai phá, đào sâu, phát hiện chính xác hơn những mẫu người mới, những suy nghĩ cảm nhận mới, lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện của những cái xấu, cái ác đang tồn tại và sự cần thiết phải bênh vực, bảo vệ phẩm giá của con người... Làm được điều này là nhờ vào tính dân chủ trong văn học. Năm 1986 đã
  19. đặt dấu mốc cho sự phát triển của văn học, đưa văn học tiếp tục bước những bước đi vững chắc, mạnh mẽ hơn. Khuynh hướng “nhận thức lại hiện thực” với cảm hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản đã lan rộng. Thời xa vắng của Lê Lựu được coi là tác phẩm khơi dòng cho khuynh hướng này. Bên cạnh đó là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Huớng, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp... Văn học đi sâu vào cuộc sống đời thường với vô số những vấn đề phức tạp ngày càng trở nên thời sự. Cả một phức hợp với những tạp âm đời thường như đạo đức, nhân cách, đạo lý gia đình, nhu cầu hạnh phúc riêng tư đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong mỗi gia đình, ngoài xã hội cần được quan tâm. Nguyễn Khải đã nói rằng: “Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang bề bộn bóng tối và ánh sáng, màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là những mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thỏa sức khai vỡ”[50]. Văn học giai đoạn này nổi bật là cảm hứng phê phán. Giáo Sư Trần Hữu Tá nhận xét: “Cảm hứng phê phán trong những tác phẩm này dào dạt, mạnh mẽ hơn giai đoạn trước, tạo được những tác động mạnh đến tâm trạng xã hội”[82]. Nhiều nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng con người vi phạm các chuẩn mực đạo đức, vì đồng tiền mà mất nhân cách, nhân tính. Chưa bao giờ cái xấu, cái ác, sự bất công lại được đào bới kỹ lưỡng như thế. Người đọc cảm thấy đau đớn, xót xa cho nhiều số phận, nhiều cá nhân đang phải căng mình ra đón nhận, chống trả những cái ác, cái xấu khi đọc Đồng đô la vĩ đại của Lê Minh Khuê, những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, một loạt những truyện ngắn và tiểu thuyết của Ma Văn Kháng... Con người từ một chiều đơn giản cao cả hay thấp hèn, hoặc thiện hoặc ác sang đa chiều về nội tâm, số phận, đa dạng, phức tạp hơn với đủ sắc thái lúc tốt, lúc xấu, lúc cao cả, lúc lại tầm thường như Lý trong Mùa lá rụng trong vườn, Hoan trong Ngược dòng nước lũ, Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, Linh trong Bên kia bờ ảo vọng... Đặc biệt, văn học ngày càng “đi sâu tìm nhận những khao khát trong nhu cầu vươn tới hạnh phúc của con người”[115, tr.124], chú ý tới nội tâm của con
  20. người, tình cảm riêng tư, những cung bậc tình cảm: yêu thương và ghét bỏ, hạnh phúc và bất hạnh, dục vọng, bản năng, tận cùng của những đam mê đau khổ... điều mà giai đoạn trước không ai dám quan tâm, bày tỏ. Một loạt những tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Dương Thu Hương, Dương Hướng... đã làm được điều đó. Văn xuôi có sự tìm tòi đổi mới linh hoạt, biến đổi trong nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ đến giọng điệu, có sự tham gia trực tiếp của nhân vật kể chuyện, sự thay đổi liên tục, sự phối hợp nhiều giọng điệu, nhiều điểm nhìn. Mối quan hệ giữa tác phẩm - người đọc - nhà văn bình đẳng, đối thoại và dân chủ. Trong nhiều sáng tác, nhà văn giữ vai trò làm chủ rồi trao quyền cho nhân vật tự đối đáp, kể, tả. Phương thức trần thuật này giúp cho nhà văn có điều kiện xâm nhập vào thế giới bên trong, phần sâu kín nhất của con người để làm rõ, nổi bật tâm trạng, khắc họa nội tâm của họ như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bức thư gửi mẹ Âu Cơ (Y Ban), Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng)... Mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật được thay đổi từ điểm trùng khít giữa tác giả và nhân vật sang độc lập tức nhân vật có một điểm nhìn độc lập khác với điểm nhìn của tác giả. Đây là mối quan hệ bình đẳng đối thoại tạo nên tính chất đa thanh điệu của tác phẩm. Bên cạnh đó có sự xuất hiện của dòng ý thức độc thoại nội tâm, phân thân, hóa thân, giấc mơ, huyền thoại, con người cô đơn, tự thú, sám hối, hồi tưởng... Mô hình kết thúc có hậu truyền thống không còn. Nhà văn thường đưa ra những cái kết khác nhau như kết thúc không có hậu, những kiến giải, sự suy ngẫm của người đọc... hay để cho người đọc tự phán quyết, tự đưa ra cách kết thúc cho riêng mình. Những năm gần đây văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng chưa có bước đột phá như giai đoạn trước nhưng cũng đã có những thử nghiệm, sáng tạo mới về nghệ thuật tạo được sự chú ý cho độc giả, báo hiệu bước chuyển mới cho văn học với các cây bút như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà...
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2