Luận văn Thạc sĩ Văn học: Truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long
lượt xem 26
download
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long nêu lên diện mạo văn hóa vùng đất Vĩnh Long; tình hình tư liệu và vấn đề phân loại tư liệu; truyền thuyết trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng - lễ hội ở Vĩnh Long.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long
- BOÄ GIAÙO DUÏC VAØ ÑAØO TAÏO TRÖÔØNG ÑAÏI HOÏC SÖ PHAÏM TP.HCM ________________ Voõ Thò Ngoïc Giang TRUYEÀN THUYEÁT GAÉN VÔÙI ÑÌNH, CHUØA, ÑEÀN, MIEÁU ÔÛ VÓNH LONG Chuyeân ngaønh : Văn học Việt Nam Maõ số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HỒ QUỐC HUØNG Thaønh phố Hồ Chí Minh – 2009
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Tỉnh Vĩnh Long ngày nay là một vùng đất đồng bằng châu thổ sông Cửu Long bốn mùa sông nước ngọt ngào với những cù lao xanh cây trái, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay bên những mái đình làm xôn xao bến nước… nhịp sống bình yên, thành quả lao động của những tháng ngày “khai hoang mở đất”. Từ xưa, khi đơn vị hành chính đầu tiên ra đời mang tên Long Hồ Dinh cho đến nay bao thế hệ, cư dân đã khai phá, xây dựng và gìn giữ quê hương. Biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử đã để lại dấu ấn trong truyền thuyết địa danh, truyền thuyết lịch sử hiện diện khắp nơi trên mảnh đất này. Truyền thuyết bất cứ vùng đất nào cũng gắn với công cuộc lao động sản xuất và chiến đấu hào hùng bảo vệ quê hương từ buổi “khai sơn phá thạch”. Truyền thuyết ở Nam Bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng tuy ra đời muộn so với vùng ngoài nhưng để lại ấn tượng khá tiêu biểu. Đặc sắc nhất là nhóm truyền thuyết nhằm tôn vinh các anh hùng khai phá, anh hùng lịch sử với vẻ đẹp gần với con người của cuộc sống đời thường. Ký ức dân gian dành cho những bậc tiền nhân lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đã hòa trộn với sinh hoạt tín ngưỡng thành một tập quán ở đất phương Nam. Ở vùng đất mới, cư dân phần lớn là nông dân sống chủ yếu bằng phương thức canh tác trồng lúa nước. Chính vòng quay tuần tự của thiên nhiên và mùa vụ tạo trong tâm linh con người những nhu cầu tín ngưỡng, hoạt động lễ hội. Sự gặp gỡ những truyền thuyết anh hùng khai phá và hoạt động tín ngưỡng thờ phụng của nhân dân vùng này đã tạo nên một diện mạo khá tiêu biểu cho sự tồn tại của thể loại.
- Tìm hiểu truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long vì vậy là một cách tiếp cận thể loại trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng trên đất Nam Bộ vốn là nơi hội tụ, đan xen nhiều nền văn hóa tín ngưỡng của các tộc người. 2. Lịch sử vấn đề Từ trước đến nay, truyền thuyết ở vùng này được chú ý ở nhiều góc độ khác nhau. Có thể kể đến một số công trình sưu tầm ở dạng tổng hợp các thể loại như Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long [50], Nam Kỳ Cố Sự [48], Văn học dân gian Bạc Liêu [23], Văn học dân gian Sóc Trăng [24]... Hầu như ở các công trình trên, người ta chỉ chú trọng ghi chép tư liệu tác phẩm và khảo sát vài giá trị nội dung là chính. Còn truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu chưa được quan tâm nghiên cứu với tư cách là một đối tượng riêng biệt. Khác với nhóm tư liệu này, một số công trình sưu tầm, biên soạn, khảo cứu có những bài viết hoặc một phần nhỏ liên quan đề tài như :Vĩnh Long xưa và nay [78], Kiến Hòa xưa [77], Địa chí Bến Tre [96], Nghìn năm bia miệng [115]... đều ít nhiều có giới thiệu đình, chùa, đền, miếu liên quan đến những truyền thuyết. Những tư liệu này thực ra không chủ định nghiên cứu về mối quan hệ giữa truyền thuyết dân gian gắn với đình, chùa, đền, miếu. Dù sao đây cũng là những gợi ý bổ ích cho đề tài mà luận văn đang thực hiện. Thực ra hướng nghiên cứu này đã được quan tâm khá lâu. Có những công trình mang tính chỉ dẫn đáng lưu ý. Chẳng hạn tác giả Vũ Ngọc Khánh trong tư liệu Lễ hội Việt Nam cho rằng: “Lễ hội là nhu cầu không thể thiếu của con người Việt Nam. Lễ hội mang nhiều ý nghĩa và có nét chung và riêng của từng dân tộc, vùng miền”. Trong phần Lễ hội miền Nam, tác giả ghi lại những lễ hội như: Lễ Cúng Biển Mỹ Long-Vĩnh Long, Lễ hội Lăng Ông ở Trà Ôn, Lễ hội Chol-Chnam-Thmey, Lễ hội đua ghe Ngo. Những công trình này định hướng, cung cấp kiến thức để tác giả luận văn làm cứ liệu nghiên cứu vấn đề.
- Một số công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Nam Bộ đã có những đóng góp nhất định để chúng tôi thực hiện đề tài. Chẳng hạn, Một số lễ tục dân gian người khmer đồng bằng sông Cửu Long [16], Văn hóa người khmer vùng đồng bằng sông Cửu long[72], Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ [47]...đã phác họa một số khía cạnh nào đó của văn hóa Nam Bộ trong đó xuất hiện mối quan hệ giữa truyền thuyết với tín ngưỡng. Công trình Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo đã chỉ rõ: “Mỗi lễ hội người Khmer đều gắn với một truyện dân gian và truyện dân gian nhằm giải thích lễ hội ấy”. Ngoài việc cung cấp kiến thức khái quát về lễ hội, một khía cạnh trong văn hóa dân gian, Nguyễn Chí Bền với Tìm hiểu hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội hay Trần Văn Bổn với công trình Một số lễ tục người khmer đồng bằng sông Cửu Long nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc Hà Nội... đã đề cập đến những truyền thuyết dân gian dưới hình thức liệt kê, miêu tả như truyền thuyết về Mẫu, Cá Ông , truyền thuyết gắn với Lễ Vào Năm Mới, Lễ Cúng Trăng... Từ thực tế trên, chúng tôi đã rút tỉa được một số truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu để phục vụ cho đề tài luận văn. Như vậy, có thể thấy vấn đề tìm hiểu truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long cho đến nay dù ở mức độ nào vẫn còn khoảng trống đáng quan tâm. Nhìn chung mà nói, các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Nam Bộ của các tác giả đi trước thường tập trung vào những phương diện sau: Thứ nhất là mô tả, phân tích kỹ lưỡng các bình diện thuộc về văn hóa để làm rõ bản sắc vùng miền. Hướng nghiên cứu thứ hai, nhiều nhà khoa học chú ý khi tiếp cận với văn hóa dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long có chú ý đến khía cạnh tâm linh. Chính đời sống tâm linh tạo nên môi trường cho truyền thuyết tồn tại và phát triển. Do đó, một cái nhìn hệ thống đối với truyền thuyết trong quan hệ chứng tích đình, chùa, đền, miếu là cần thiết.
- Quan trọng hơn, hướng đến lý giải các hiện tượng truyền thuyết trực tiếp hay gián tiếp trở thành bộ phận của tín ngưỡng, lễ hội để từ đó hiểu rõ hơn sự tồn tại thực tế của một bộ phận truyền thuyết ở phía Nam đất nước. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài “Truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long” nhằm mục đích hệ thống, phân loại, miêu tả kết cấu của những nhóm truyền thuyết và tìm hiểu mối quan hệ giữa truyền thuyết với lĩnh vực văn hóa - tín ngưỡng- lễ hội. Qua đó góp phần làm rõ sức sống và sự vận động của những truyền thuyết trong đời sống tinh thần của nhân dân Vĩnh Long. Việc tìm hiểu về bản chất truyền thuyết không phải là mới mẻ nhưng nét mới ở đề tài này là chúng tôi đi sâu vào khảo sát quan hệ giữa truyền thuyết với các hoạt động tín ngưỡng, nghi lễ gắn với “không gian thiêng” đình, chùa, đền, miếu. Từ việc định hướng tiếp cận trên, luận văn phải thực hiện ba nhiệm vụ khoa học cơ bản sau: - Một là tổng hợp những tư liệu được công bố bằng văn bản, tiến hành đi điền dã và sưu tầm để bổ sung thêm tư liệu; đặc biệt tìm hiểu đời sống thực tế của truyền thuyết. - Hai là hệ thống, phân loại và lược đồ kết cấu của các nhóm truyền thuyết trên. - Ba là tìm hiểu mối quan hê giữa truyền thuyết với các lĩnh vực Văn hóa – Tín ngưỡng –Lễ hội. 4. Đối tượng nghiên cứu Theo định hướng trên, tất cả truyền thuyết có gắn với đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Long là đối tượng nghiên cứu của luận văn. Vì vậy, việc xác lập tiêu chí để chọn lọc tác phẩm được khảo sát kỹ. Mặt khác, các lĩnh vực đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân cũng được xem là đối tượng nghiên cứu trong mối quan hệ với truyền thuyết.
- 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện mục tiêu khoa học của đề tài, chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp tiếp cận hệ thống: Tiếp cận hệ thống giúp cho việc tìm hiểu, những quy luật vân động của truyền thuyết và mối quan hệ với văn hóa tín ngưỡng. Mặt khác, tiếp cận hệ thống truyền thuyết trong môi trường mà thể loại này sinh thành và phát triển sẽ giúp chúng ta thấy đươc ít nhiều những cơ sở hình thành nên lễ hội, bản chất của lễ hội ở vùng đất mới Vĩnh Long. - Phương pháp sưu tầm và thẩm định tư liệu: Chúng tôi sưu tầm tác phẩm, khoanh vùng nguồn tài liệu và trực tiếp khảo sát, nghe, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe. Mỗi truyền thuyết đều được ghi vào hồ sơ riêng để đối chiếu với tài liệu của người đi trước. Chúng tôi chú trọng những dị bản, những cách kể từng tác phẩm trong hệ thống tư liệu khác nhau từ nhiều người khác nhau để tìm hiểu sự vận động của tác phẩm trong đời sống thực tế. - Phương pháp khảo sát, điều tra xã hội học: Đây là phương pháp thường ứng dụng cho các ngành khoa học xã hội, nghĩa là chú trọng tới những yếu tố thống kê, phân tích các giá trị dựa trên những tỉ lệ điều tra thực tế. Chúng tôi vận dụng phương pháp khảo sát, điều tra ở mức độ thu thập thông tin, sưu tầm những tư liệu hiện tồn trong đời sống. Thu thập và trao đổi thông tin, khảo sát những tư liệu trong không gian sinh tồn của truyền thuyết. Từ đó làm cơ sở cho việc đánh giá và hệ thống nguồn tư liệu. - Phương pháp thống kê, miêu tả: Sử dụng yếu tố thống kê làm cơ sở kết luận cho phán đoán khoa học về sức sống của truyền thuyết, sự phong phú của từng nhóm truyện…Miêu tả kết cấu, nội dung chính, yếu tố lặp lại trong từng tác phẩm và nhóm truyền thuyết…để làm cơ sở kết luận khoa học. - Phương pháp so sánh, mô hình hóa: So sánh là thao tác nghiên cứu được sử dụng trong nhiều ngành khoa học khác nhau và trong nghiên cứu văn hóa
- dân gian. Phương pháp so sánh ở đây được chú trọng đối chiếu giữa truyền thuyết của người đi trước ghi chép với tư liệu ghi chép điền dã. Từ việc so sánh đối chiếu ấy, chúng tôi rút ra những kết luận bản kể nào của truyền thuyết được phổ biến rộng rãi nhất thì được xem là dạng cổ xưa nhất. Ngoài ra, so sánh để khảo sát kết cấu, mô hình hóa và sự biến đổi của những yếu tố trong những truyền thuyết dân gian. Từ nhiều cách kể, chúng tôi khảo sát mô hình chung, nhận thức tính địa phương, yếu tố lịch sử hóa… trong truyền thuyết. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn nhằm hệ thống tư liệu có liên quan đến đời sống, tín ngưỡng và phân loại nhóm truyền thuyết gắn với các lĩnh vực trên ở vùng Vĩnh Long. Bước đầu có những nhận xét về các mối quan hệ trên. 7. Kết cấu luận văn Ngoài phần mở đầu, phụ lục, nội dung chính của luận văn gồm ba chương. Chương 1: DIỆN MẠO VĂN HÓA VÙNG ĐẤT VĨNH LONG 1.1 Môi trường tự nhiên của vùng đất Vĩnh Long 1.2 Đời sống văn hóa xã hội của vùng đất Vĩnh Long Trong chương này, chúng tôi tập trung đi sâu vào diện mạo văn hóa đặc biệt chú trọng đời sống tâm linh. Đây là môi trường truyền thuyết tồn tại và phát triển. Chương 2: TÌNH HÌNH TƯ LIỆU VÀ VẤN ĐỀ PHÂN LOẠI TƯ LIỆU 2.1. Tình hình tư liệu Tư liệu được công bố
- Tư liệu sưu tầm, điền dã 2.2. Phân loại tư liệu Trong chương này, chúng tôi khảo sát tất cả những tư liệu được công bố và đối sánh đối chiếu với tư liệu điền dã của bản thân. Việc miêu tả những dạng tư liệu, so sánh và bước đầu phân loại, lý giải sự khác biệt hay độ vênh của từng nhóm tư liệu nhằm xác định sự sinh tồn đích thực của truyền thuyết trong không gian và thời gian. Chương 3: TRUYỀN THUYẾT TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA - TÍN NGƯỠNG- LỄ HỘI 3.1. Mối quan hệ tín ngưỡng với truyền thuyết dân gian 3.2. Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ thần Hổ 3.3. Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ Nhân Thần 3.4. Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ Nữ Thần, Cá Ông, NeakTa 3.5. Truyền thuyết gắn với lễ hội Chol Chhnam Thmây và lễ hội Oc-Om-Bok Trong chương này, chúng tôi miêu tả và lý giải các hiện tượng truyền thuyết trực tiếp hay gián tiếp trở thành bộ phận của tín ngưỡng, lễ hội. Khảo sát và miêu tả truyền thuyết gắn với nghi lễ trong tín ngưỡng, lễ hội.
- Chương 1: DIỆN MẠO VĂN HÓA VÙNG ĐẤT VĨNH LONG 1.1. Môi trường tự nhiên của vùng đất Vĩnh Long Nói đến văn hóa của vùng đất Vĩnh Long sẽ là một vấn đề lớn và đòi hỏi sự nghiên cứu liên ngành của nhiều lĩnh vực. Trong phạm vi phục vụ đề tài luận văn, chúng tôi chỉ khái quát một số yếu tố văn hóa có tác động đến thể loại truyền thuyết gắn với đình, chùa, đền, miếu. Tác giả Nguyễn Từ Chi, trong Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người đã có ý kiến xác đáng khi cho rằng: “Có hai diện mạo chính quyết định nền văn hóa tộc người. Đó là môi trường tự nhiên mà tộc người đó định cư. Sống ở khí hậu nhiệt đới ẩm ướt phù hợp với sự phát triển cây lúa nước và trồng cây lúa làm nghề chính đã hình thành nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ rất sớm. Hai là nguồn gốc văn hóa tộc người. Những dân tộc sống trong môi trường khác nhau sẽ có nền văn hóa khác nhau. Trong quá trình cư trú, văn hóa đã hình thành để thích nghi môi trường mới nhưng văn hóa cũ vẫn để lại dấu ấn hết sức quan trọng trong nền văn hóa mới. Nguồn gốc tộc người có sự giao lưu văn hóa nhưng điều kiện cho nền văn hóa ra đời môi trường mới là quan trọng nhất” [20, tr. 415]. Những yếu tố có sự tác động đến truyện dân gian nói chung và truyền thuyết nói riêng là môi trường tự nhiên gồm vị trí, đất đai thổ nhưỡng, sông ngòi, khí hậu và môi trường xã hội gồm văn hóa tộc người, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Trước hết, về vị trí địa lý, Vĩnh Long nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long cách Thành phố Hồ Chí Minh một trăm ba mươi kilômet theo quốc lộ 53 về hướng Tây Nam và cách Thành phố Cần Thơ ba mươi kilômet. Được thành lập vào năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1832), ranh giới tỉnh Vĩnh Long bấy giờ không rộng lớn như trấn Vĩnh Thanh nhưng không hẹp như hiện nay.
- Theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký thì vào năm 1840 (đời vua Thiệu Trị), tỉnh Vĩnh Long trải rộng trên toàn bộ ba tỉnh Vĩnh Long – Trà Vinh – Bến Tre hiện nay. Nhìn xa hơn, “địa hình của Vĩnh Long qua gần ba thế kỷ, nghĩa là trước khi được triều Minh Mạng ranh định đã có xê dịch do sự lấn dần ra phía Đông. Sự bồi đắp phù sa xuất hiện các cồn nổi giữa sông Tiền và sông Hậu hình thành các cù lao văn minh miệt vườn mà có học giả cho rằng đó là văn minh Sông Tiền hay là Văn minh các cù lao” [10, tr.13]. Giống các vùng khác, miền Tây Nam Bộ, đặc điểm nổi bật của điều kiện địa lý tự nhiên Vĩnh Long là nhiều sông rạch và gần biển cả. Riêng yếu tố biển đã trở nên gần gũi gắn bó với con người Vĩnh Long về đời sống vật chất lẫn sinh hoạt tinh thần. Đất đai thổ nhưỡng và sông ngòi kênh rạch: Ở Vĩnh Long, sự kiến tạo thổ nhưỡng đã hình thành những giồng cát xen kẽ một số vùng trũng. Chính sự cư trú trên những vùng đất nổi (giồng) đã tạo nên những môtíp không gian về giồng đất nổi, gò nổi trong truyền thuyết. Theo các tư liệu, Vĩnh Long xưa là vùng đất có nhiều sông ngòi kênh rạch, đôi nhánh sông Cửu Long góp phần hình thành nên Vĩnh Long, Trà Vinh trước đây. Dọc bờ sông Cổ Chiên ra biển có nhiều sông rạch lớn nhỏ, theo số liệu thống kê năm 1978 thì trung bình cứ 100 mét vuông đất tự nhiên ở Vĩnh Long có khoảng 09 mét vuông sông rạch. Những dòng sông, con rạch với thủy triều lên xuống hai lần trong ngày, những cánh đồng mênh mông là những tác nhân quan trọng đối với sự phát triển văn hóa dân gian nơi đây. Sông nước chuyển tải văn hóa dân gian đến mọi vùng trong khu vực. Đây là nét đặc trưng nổi bật so với miền Trung hay miền Bắc nước ta. Nói sông nước là đặc điểm quan trọng của địa lý Vĩnh Long quả không sai. Có nơi ở Vĩnh Long bám vào đất liền nhưng lại có thể hiểu là cù lao vì sông nước bao vây tứ phía. Chính đất đai, hệ thống sông ngòi kênh rạch nơi đây có ý nghĩa đặc biệt
- quan trọng tạo nên cốt cách và đặc trưng con người, con người cởi mở, phóng khoáng hơn và hình thành nên đặc trưng “Văn minh sông nước” ở vùng đất Chín Rồng này. Dọc theo sông Tiền, sông Hậu có nhiều chứng tích văn hóa đình, chùa, đền, miếu và mỗi chứng tích ấy đều liên quan đến truyền thuyết như : Tiên Châu Cổ Tự với truyền thuyết Bãi Tiên, những Lăng Ông với truyền thuyết về Cá Ông… Những dòng sông lớn, những địa danh của một thời dù rất thực nhưng vẫn ẩn chứa tâm lý của người dân đi “mở đất” như Kỳ Hà, Đìa Sấu, Giồng Ông Hổ… Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi những truyện kể dân gian truyền thuyết ở đây bắt đầu với môtíp quen thuộc “Sông này xưa lắm sấu, vùng này xưa lắm cọp”. Thiên nhiên sông nước khơi nguồn cảm xúc là môi trường giao lưu, gặp gỡ, là tác nhân quan trọng hình thành và lưu truyền những truyền thuyết dân gian. Khí hậu: Theo tài liệu Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long (1732 – 2000), khí hậu Vĩnh Long có nhiều nét đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nắng trùng với mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 03 năm sau lượng mưa không đáng kể[10, tr.18]. Vào lúc tiết trời khô ráo, người dân thường tổ chức vui chơi, hội hè. Lễ Kỳ yên ở đình làng thường vào rằm tháng hai âm lịch. Lễ Chol Chnam Thmây vào tháng tư dương lịch mà mục đích là cầu xin mùa khô qua mau. Lễ cúng ở các miếu NeakTà vào lúc nắng hạn… Từ đó, cư dân đã hình thành tín ngưỡng cầu mưa trong mùa khô. Mùa mưa tập trung từ tháng tư đến tháng mười một hàng năm. Lễ hội Óc – Om – Bok được xem là nghi thức tống tiễn thần nước, thần của mùa mưa. Chính điều kiện khí hậu, thiên nhiên đã tạo nên đặc trưng đậm nét trong văn hóa mà con người phải hòa mình để tồn tại và phát triển. Những đặc trưng ấy đã góp phần hình thành nên
- những sinh hoạt, lễ hội dân gian nhằm cầu mưa, cầu mùa, cầu an. 1.2. Môi trường xã hội của vùng đất Vĩnh Long 1.2.1. Vài nét về văn hóa tộc người Vĩnh Long xưa là một trong những vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển nền văn hóa cổ nổi tiếng: Văn hóa Óc Eo. Do tác động về địa lý, sinh thái và “biển tiến” vào đầu thế kỷ thứ VII và sau đó nền văn hóa cổ suy tàn. Sau nhiều thế kỷ, Vĩnh Long lại được khai phá bởi những lưu dân thuộc nhiều tộc người. Thế kỷ thứ XVIII, dân cư tuy còn ít nhưng nơi đây là sự cộng cư của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm. Ngay từ buổi đầu khai phá, các dân tộc cùng sống chung xen kẽ với nhau. Đây là điểm khác biệt so với bất cứ vùng nào trên đất nước Việt Nam và mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa của riêng mình. Người Việt với văn hóa người Việt Cổ. Người Khmer với văn hóa núi và người Chăm văn hóa sông biển… Tất cả hội nhập làm phong phú văn hóa chung của vùng đất. Người Việt: là tộc người đông dân nhất, là “chủ nhân của nền văn minh lúa nước” ở Vĩnh Long. Các tài liệu lịch sử cho thấy các thế hệ người Việt đặt chân lên vùng đất Vĩnh Long vào khoảng thế kỷ XVII. Đó là những người trọng nghĩa khinh tài, những người dân mong tìm vùng đất mới lập nghiệp… Dù xuất thân từ tầng lớp nào, người Việt vẫn có cội nguồn là người Việt Cổ sinh sống chủ yếu trên lưu vực sông Hồng. Trong hành trang di dân mở cõi của cư dân có đủ các yếu tố văn hóa tinh thần mang tính truyền thống, văn hóa cội nguồn chi phối đời sống sinh hoạt tinh thần. Tuy vậy, trên bước đường khai phá, di dân về phương Nam, người Việt đã có thời gian tạm dừng chân trên dãy đất miền Trung và có sự giao lưu, tiếp biến, dung nạp vào hành trang tín ngưỡng của mình nhiều yếu tố văn hóa Chăm. Điều này làm cho lưu dân người Việt ở Vĩnh Long có ít nhiều sự khác biệt về sinh hoạt, ứng xử… so với cội nguồn.
- Người Khmer: “Người Khmer là thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cư dân nông nghiệp sinh sống lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long”. Dựa vào những cứ liệu lịch sử, “Vĩnh Long là vùng cư trú cổ xưa của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long”. Các tư liệu viết về Văn hóa người Khmer đồng bằng sông Cửu Long đều có sự gặp gỡ khi cho rằng: “Quan sát diện mạo văn hóa người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta biết rằng dân tộc này từ xa xưa đã chịu ảnh hưởng sâu nặng nền văn hóa Ấn Độ, thông qua đạo Bà-La-Môn rồi đạo Phật. Văn hóa Ấn Độ thâm nhập vào đây không thông qua con đường xâm nhập, cưỡng bức mà qua con đường truyền đạo của giáo sĩ và thương nhân nên sắc thái văn hóa của nó dần dần được Khmer hóa, nhuần nhị như chính sự phát triển tự thân của văn hóa bản địa Khmer… Đời sống tinh thần của người Khmer gắn chặt với tôn giáo, với ngôi chùa từ lúc lọt lòng đến khi từ giã cuộc đời nên sắc thái văn hóa của cộng đồng mang đậm dấu ấn tôn giáo” [72, tr.9]. Có thể nói rằng, cùng với cư dân Việt sống với nghề trồng lúa nước, các tín ngưỡng của người Khmer đã có sự đan xen của nhiều lớp văn hóa như: Văn hóa Bà La Môn, văn hóa Phật giáo. Người Khmer chấp nhận sự đan xen vì nó có nhiều điểm tương đồng với đạo đức, thẩm mỹ dân tộc. Người Hoa: Theo nguồn sử liệu, “những cư dân người Hoa ở Vĩnh Long hiện nay là những lớp con cháu của những di dân người Hoa theo Dương Ngạn Địch vào vùng Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long năm 1679. Những di dân người Hoa đến Vĩnh Long và sống hòa thuận với người Việt và người Khmer sở tại, cùng khai thác vùng đất hoang vu nhưng màu mỡ thuộc vùng Châu thổ sông Cửu Long…” [84, tr.155]. Người Hoa có đời sống văn hóa, tín ngưỡng rất phong phú, đa dạng. Trong tâm thức lưu dân Trung Hoa, Bà Thiên Hậu là nữ thần
- phù hộ người đi biển và họ tin rằng Phật Bà Quan Âm cứu giúp người đi biển bị nạn. “Chùa Ông được lập nên thờ Quan Vân Trường, Ông Bổn (Bổn Đầu Công Trịnh Hòa hoặc Châu Đạt Quan tức những người có công đi trước phát hiện ra vùng đất Đông Nam Á để lưu dân người Hoa đến đây sinh sống)”. Trong quá trình cộng cư với dân tộc Việt, Khmer, người Hoa dần dần hòa vào phong tục tập quán của địa phương nhưng vẫn giữ yếu tố văn hóa cội nguồn của mình. Từ hơn ba thế kỷ nay, cộng đồng các dân tộc Việt, Hoa, Khmer chung sống hòa bình, thân thiện trên vùng đất Vĩnh Long. Sức mạnh đoàn kết ấy đủ sức khai phá vùng đất trước thiên nhiên buổi đầu khắc nghiệt, kẻ thù xâm lược. Xét về nguồn gốc xuất thân, các thế hệ cư dân ban đầu của ba dân tộc có điểm tương đồng đều là những người nghèo khổ, yêu lao động… giữa vùng đất mênh mông, họ không hề phân biệt dân tộc, tín ngưỡng. Trong văn hóa cội nguồn, các dân tộc có nét tương đồng lớn là xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước. 1.2.2. Các hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh Thờ cúng tổ tiên: Trong các hình thức tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên có vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của con người. Hình thức này phổ biến và tồn tại lâu bền nhất từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình thức thờ cúng này “Thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, một thứ ứng xử cộng đồng gia tộc, dòng họ và mở rộng cực đại tới cộng đồng dân tộc, quốc gia, nó trở thành một chuẩn mực khuôn mẫu của ứng xử của con người Việt Nam. Bởi vậy, Đạo thờ Tổ tiên vừa tiếp nhận nguồn cỗi xa xưa của tín ngưỡng nguyên thủy (Tô tem giáo), vừa có sức sống trường tồn và có sức vươn tới tiếp cận với đời sống hiện đại” [109, tr.22].
- Trong hệ thống thần linh bản địa người Việt cổ có các thần như Thần Cây, Thần Đá, Thần Sông Nước… được phủ lên chức năng bảo trợ đời sống con người, được nhân cách hóa và huyền thoại hóa. Từ đó, hệ thống nhân thần được hình thành. Bên cạnh đó, mối quan tâm của con người là mối quan hệ con người và thế giới bên kia, mối liên hệ giữa người sống và người chết. Chính quan niệm tâm linh là cơ sở hình thành tín ngưỡng dân gian này. Xã hội cổ truyền của người Việt và hình thức tổ chức xã hội là cơ sở cho việc hình thành và duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Với cư trú theo đơn vị làng và nền nông nghiệp lúa nước, hình thức tổ chức xã hội với ý thức về cội nguồn, duy trì nòi giống, vị trí gia đình trong cộng đồng xã hội. Chính sợi dây huyết thống nối kết thành viên trong gia đình, dòng họ. Tư tưởng Nho giáo của nền văn hóa Hán, trong quá trình du nhập vào Việt Nam, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được tồn tại và duy trì. Quan niệm đề cao chữ Hiếu và thừa nhận sự tồn tại của linh hồn. Chính tư tưởng Nho giáo được triều đại phong kiến nước ta thừa nhận, được thể chế hóa. Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh. Chính đời sống tâm linh phong phú là môi trường góp phần cho những truyền thuyết tồn tại và phát triển. Có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau về thờ cúng tổ tiên, có ý kiến xem đây là một hình thức tín ngưỡng, phong tục, có ý kiến xem là một tôn giáo… Trong đề tài này, chúng tôi xem thờ tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng này ra đời từ rất sớm. Biểu hiện của tín ngưỡng này là hình thức thờ vật tổ. “Nếu việc thờ Chim làm vật tổ chủ yếu là tín ngưỡng của cư dân miền núi thì thờ Rắn làm vật tổ lại chủ yếu là tín ngưỡng của cư dân ở đồng bằng, đầm lầy, sông biển” [50, tr.218]. Điền dã ở Trà Vinh, chúng tôi nghe truyền tụng Rắn thần Nagar là con vật tượng trưng cho tộc người Khmer. Theo truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại, tộc người Khmer là do
- sự kết hợp giữa hoàng tử Ấn Độ và con gái Long Vương. Điều chắc chắn rằng là phong tục tập quán cổ truyền của bất cứ dân tộc nào đều bắt nguồn từ cuộc sống cộng đồng lâu đời của tộc người ấy. Và biểu hiện của nó là các hình thức tín ngưỡng dân gian. Các thị tộc mẫu hệ thường tôn sùng biểu tượng như tổ tiên của mình. Theo tư liệu tác giả Trường Lưu ghi chép trong Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, tộc người Khmer có tục nhuộm răng cho cô dâu vừa mang ý nghĩa đẹp theo thẩm mỹ của người xưa vừa gắn với truyền thuyết tộc người[72, tr.124]. Theo cách hiểu dân gian, răng rắn có nọc độc nên nhuộm răng cho cô dâu cũng là phép dùng thuốc khử nọc độc của rắn. Tục nhuộm răng trong ngày cưới của người Khmer là dấu ấn của sự mong muốn có hình dáng gần gũi với tổ tiên. Thờ Thành Hoàng: Trong đời sống và tâm linh của người dân làng quê, tục thờ cúng Thành Hoàng có vị trí quan trọng. Cuộc sống đầy bất trắc, người dân gởi gắm khát vọng và ước muốn của mình về cuộc sống bình yên, no đủ ở Thành Hoàng, mà theo họ, đang ngự trị trên cõi thiêng của làng quê. Từ niềm tin mãnh liệt ấy, Thành Hoàng làng góp phần tạo nên diện mạo văn hóa dân gian đa dạng của vùng đất Vĩnh Long. Theo tác giả Nguyễn Trọng Báu, trong Truyện kể về phong tục các dân tộc Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Giáo Dục, Thành Hoàng là một vị thần của làng về mặt tâm linh, bảo vệ, đem lại may mắn hay giáng họa và chủ yếu thần Thành Hoàng được thờ cúng ở đình. Về lịch sử xuất hiện, theo sử sách, vào thời Bắc thuộc, Trạm có thể hiểu là quán để các quan đi thanh sát địa phương dừng chân tạm nghỉ. Đến thời Lê Thánh Tông, là nơi ra sắc lệnh cho dân và người ta nghĩ rằng đưa thần vào thờ nơi đình. Triều đình phong kiến sắc phong thần muốn thâu tóm đời sống tâm linh. Từ đó, thờ cúng thần Thành Hoàng diễn ra.
- Tục thờ cúng Thành Hoàng làng của cư dân Vĩnh Long có cả hai chiều tác động. Vương triều phong kiến phong thần bắt nhân dân thờ phụng. Người dân đã thần tích hóa, lịch sử hóa vị thần của làng mình dội ngược trở lên và vương triều phải công nhận. Tục thờ cúng Thành Hoàng chủ yếu nằm trong giai đoạn lịch sử của nhà Nguyễn.Quan niệm về Thành Hoàng làng, vị thần này, trong cõi thiêng với quan niệm của nhà Nguyễn buổi ban đầu hãy còn là một vị thần của thành quách. Vị thần này thay mặt cho Vương triều cai quản không gian thiêng của làng, trách nhiệm “bảo ngã lê dân”. Nếu ở Bắc Bộ “miếu là chỗ quỷ thần bằng y, đình là nơi thờ vọng” thì ở Nam Bộ không có hiện tượng đình – đền liên kết. Người dân thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Thần Nông, Ông Hổ… và thờ Lang Lại đại tướng quân trong khu viên đình ở Vĩnh Long. Thành Hoàng không phải là vị thần độc nhất được thờ phụng. Thái độ người dân với tục thờ cúng Thành Hoàng tin tưởng rằng Thành Hoàng là một vị thần và sự hiện diện của ông là sắc thần của vua phong. Tâm thức bình dị của người nông dân tiếp nhận vị thần này xem như thần bảo trợ cho làng mình, thờ cúng như là một sự trả nghĩa, biết ơn. Ngoài Thành Hoàng, người nông dân ở Vĩnh Long còn thờ phụng trong đình những người có công với nước với dân. Sự thờ cúng những nhân vật lịch sử, những nhân vật lịch sử, những nhân vật khai khẩn chưa được thần tích hóa, ảo hóa, lớp phù sa văn hóa chưa đọng dày như ở miền Bắc. Các hình thức sinh hoạt tâm linh gắn với tín ngưỡng nông nghiệp: Nói như tác giả Chu Xuân Diên trong Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2002: “Tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp là một hình thái văn hóa có từ rất lâu đời và có vị trí quan trọng hàng đầu trong đời sống của các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Nguồn gốc của tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp là sự bất lực
- của người làm ruộng nguyên thủy trước sự chi phối của những sức mạnh thiên nhiên. Mùa màng phụ thuộc vào những điều kiện mà người làm ruộng không khắc phục nổi do đó phải viện đến sự phù hộ của các sức mạnh siêu nhiên mà con người tưởng tượng ra”[21, tr.166]. Cư dân Vĩnh Long đa số là nông dân với nghề trồng lúa nước. Để duy trì và phát triển sự sống, cầu mùa màng tươi tốt và con người sinh sôi nảy nở, tín ngưỡng nông nghiệp đã hình thành và gắn với hoạt động sản xuất của con người. Trong phạm vi đề tài, chúng tôi tìm hiểu một số nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu như lễ gọi hồn lúa, cúng sân lúa và lễ thức cầu nước. Lễ gọi hồn lúa và tục cúng sân lúa: Tác giả Trường Lưu, trong Văn hóa người khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, ghi nhận:”người khmer còn có lễ “gọi hồn lúa (bon-hao-proluwng srau). Có truyện kể về “hồn lúa : “Người Khmer tin rằng lúa có mười chín hồn. Do đó, hồn lúa phải được gọi về đầy đủ trước khi gặt. Gặt xong cũng phải đặt một vật nặng đè lên để hồn lúa khỏi bay đi. Có một dị bản cho rằng: Trước đây, đến mùa con người không phải cấy trồng, gặt lúa đem về mà lúa tự mọc ra, trổ, chín, bay vào nhà. Một hôm lúa đang bay vào nhà trong lúc nhà chưa chuẩn bị chỗ để nên rất lu bù bê bối thì bị một người phụ nữ nổi cáu đánh bằng đòn gánh, lúa vỡ văng ra và chui vào một khe núi, không có người hay vật nào có thể vào lấy được. Cuối cùng có con cá Thác Lác mình dẹp vì thương con người đang bị chết đói đã cố gắng chen, lách vào hốc núi tìm hồn lúa, cầu xin về giúp con người đang bị nạn đói đe dọa. Thần lúa chấp nhận nhưng từ đây lúa sẽ không còn mọc hoang tự về nhà nữa mà con người phải gieo, gặt mới có ăn…” [72, tr.48]. Điền dã ở Trà Vinh của vùng Vĩnh Long, chúng tôi nghe kể trực tiếp về tục “gọi hồn lúa”, câu chuyện về “Cá Thác Lác đi xin lúa” cứu giúp con người lí giải đến mùa người ta phải ra đồng rước thần hồn lúa về nhà. Tục
- cúng sân lúa còn được duy trì ở nhiều gia đình người Khmer với niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên điều hòa mưa thuận gió hòa bên cạnh sức lao động của con người. Lễ thức cầu nước: Trong nghi lễ nông nghiệp, trồng lúa nước, con người với quan niệm rằng “Họ luôn sống gần gũi với chư thần “Cha trời, mẹ đất” là những vị thần đầy quyền năng màu nhiệm có thể ban phước giáng họa, gắn chặt ảnh hưởng với đời sống trồng lúa. Bao giờ mà việc mưa, nắng, lụt lội, hạn hán… vẫn còn tác động đến được mùa, mất mùa, đói, no… thì các nghi lễ cúng các thần nông nghiệp vẫn còn giữ nguyên giá trị quyền năng của nó” [72, tr.41]. Tục đắp núi cát trong lễ Chol Chnam Thmây (Vào Năm Mới) là một biểu hiện của lễ thức Cầu nước. Đầu tháng tư dương lịch, thời gian đã xong việc gặt hái, mùa khô đã qua và mùa mưa sắp đến, mọi người tìm cát sạch đem về đổ thành đống chung quanh đền thờ Phật trong chùa, bên ngoài hành lang và chung quanh sân chánh điện. Sau đó, mọi người đắp thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng. Có nơi thay núi cát bằng núi lúa. “Dù là núi cát hay núi lúa thì cũng biểu hiện của ma thuật. Xưa kia, người Khmer tin rằng núi có thể cản mây và do đó họ đắp núi là để ngăn lại các đám mây cầu cho mưa mau đến để họ khởi sự làm mùa…” [72, tr.41]. Lễ cúng ở các miếu NeakTà vào tháng 4, 5 dương lịch là một dạng của lễ thức cầu nước. Cuốn Vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ (Nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang) có ghi nhận: “Trong vòng một tháng đầu mùa hạ trước khi làm đồng áng. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng srok để cúng Ông Tà và cũng để xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm”[89, tr.126]. Vào lễ, người dân đi vòng quanh miếu NeakTà ba vòng theo chiều kim đồng hồ tượng trưng cho sự xin nước mưa… có nơi tổ chức đua ghe trên cạn… trong tâm thức dân gian, đá được xem là biểu tượng của
- thần linh. Tính cứng rắn của đá vì thế đá được xem là vật thông linh trời và đất. Đá có thể là phương tiện truyền đạt mong muốn cho con người: điều chỉnh nguồn nước. Tục thờ NeakTà biểu hiện còn ẩn chứa dấu vết tục thờ Đá trong quan hệ lễ thức cầu nước của người Việt cổ. Thời gian các lễ thức cầu nước vào khoảng tháng 3, 4, 5 đều theo lịch sản xuất nông nghiệp còn mang ý nghĩa cầu mùa. Lễ thức cầu nước ẩn chứa tâm lý cư dân nông nghiệp. Những người dân cầu mong nguồn nước dồi dào mang ý nghĩa tương đồng với mục đích cầu mong cho con người và vạn vật sinh sôi: tin vào trời đất, các lực lượng siêu nhiên và tín ngưỡng đã thấm sâu vào các nghi lễ, lễ thức bộc lộ nhân sinh quan hồn nhiên của cư dân khai phá. Sinh hoạt tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu: “Tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ) có từ rất xưa, tục thờ thần Nữ giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế lúa nước và điều hành sản xuất nông nghiệp, gia đình. Từ một bà mẹ cụ thể, dân gian đã tô đậm làm linh thiêng thêm hình ảnh Mẫu: Tâm linh, quyền năng, tạo ra sự sống (vốn là thiêng chức của người mẹ). Mẫu là đất (đất mẹ), là nước, là cây lúa (trong nhiều thần thoại), làm ra sự sống cho con người. Ý thức thờ nữ thần nảy nở từ hình thái sản xuất nông nghiệp lúa nước, khi mẹ Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng nở ra trăm con là tổ tiên của các dòng Bách Việt” [Nguyễn Trọng Báu, Truyện kể về phong tục các dân tộc Việt Nam tập 3, Nhà xuất bản Giáo Dục, tr. 77]. Nền tảng tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu là ý thức của người nông dân cầu mong ở đất đai mùa màng tươi tốt. Vị thần Đất mang yếu tố âm, thường xuất hiện dưới dạng nữ nhân. Trong truyền thuyết Việt Nam, các vị nữ thần gắn với việc tạo lập vũ trụ, nữ thần mặt trăng, các hiện tượng mây mưa, sấm chớp… đều được thần hóa và mang tính nữ. Biểu tượng của đất nước – quê hương – dân tộc cũng gắn với các mẹ, chúng tôi gặp Bà Mẹ xứ sở Pôh Nagar
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm (bản diễn nôm) đến Truyện Kiều (Nguyễn Du)
86 p | 311 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 265 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 307 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam
150 p | 192 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 115 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 158 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 148 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 101 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 161 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 147 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 82 | 10
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn