Đề bài: Phân tích tính nghệ thuật trong Hai đứa Trẻ của Thạch Lam<br />
Bài làm<br />
Mỗi lần đọc Thạch Lam trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh cánh cổng gỗ của khu <br />
vườn êm ả được miêu tả trong truyện Dưới bóng hoàng lan. Phía ngoài cánh cổng là một <br />
thế giới ồn ào, phồn tạp, nắng nôi, nhưng bên trong là bầu không khí mát rười rượi <br />
thoảng mùi hương thật thích hợp cho tâm trạng suy tư và cảm nhận, lắng nghe những <br />
điều tế nhị của sự sống.<br />
Văn Thạch Lam cũng như khu vườn bên trong cánh cổng ấy, ít sự kiện, hành động nhưng <br />
đầy ắp những bâng khuâng. Nó cho ta cơ hội hiểu thấu sâu xa những cuộc đời giản dị, <br />
qua sự chiêm nghiệm lặng lẽ.<br />
"Hai đứa trẻ" là truyện ngắn rất Thạch Lam. Chất liệu của nó vẫn là cuộc sống tù đọng, <br />
mòn mỏi nơi những phố huyện nghèo nàn xơ xác. Nhưng từ thứ chất liệu rất "văn xuôi" <br />
đó, nhà văn đã đưa lại cho chúng ta những trang viết hết sức thi vị, không có gì chung với <br />
sự thi vị hoá cuộc sống một cách tầm thường. Thi vị (hay chất thơ) của tác phẩm gắn liền <br />
với dụng công của nhà văn muốn khêu gợi trí tưởng tượng nơi người đọc và đánh động <br />
khả năng cảm nhận của các giác quan bằng lối hành văn hoặc cách tổ chức lời văn khá <br />
riêng biệt. Đây chính là chiều sâu của một nghịch lý tưởng chừng khó giải thích: viết về <br />
các sự vật, sự việc tầm thường, đơn điệu mà văn vẫn lôi cuốn đến thế. Điều này phá vỡ <br />
một ngộ nhận (chí ít là của người đọc) về tính quyết định của vật liệu. Thực ra nghệ <br />
thuật chính là một sự chế ngự vật liệu, vật liệu thông qua những phương thức, phương <br />
tiện diễn tả đặc thù.<br />
Câu văn của Thạch Lam tả rất sát sự thật, sự việc. Nhưng điều đó không có nghĩa ở đây <br />
chỉ có sự khớp đúng đến nghẹt thở. Tiết điệu buông chùng của câu mở đầu thiên truyện <br />
chứng tỏ điều đó: "Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một <br />
vang xa để gọi buổi chiều". Cái lõi ngữ pháp của câu chỉ được nhận ra ở vế sau, nhưng <br />
sự cảm nhận của người đọc đã thực sự được khởi hành từ trước cùng cụm danh từ được <br />
đảo lên trên. Trong câu này cái đáng chú ý còn có từ "gọi". Nó xác lập một tương quan <br />
mới (dù vô hình) giữa các sự vật mà từ báo hiệu chẳng hạn không nói lên được. Dĩ nhiên <br />
câu văn vừa nêu không chỉ Thạch Lam mới viết nổi. Nhưng điều quan trọng là nó xuất <br />
hiện có quy luật chứ không ngẫu nhiên, nhằm nhấn mạnh một điều gì khác hơn những sự <br />
kiện nổi trên bề mặt. Xin chú ý thêm hai câu văn khác đứng kề nhau: "Chiều, chiều rồi. <br />
Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ <br />
đưa vào". Trong câu đầu dường như thừa một chữ "chiều", xét theo góc độ thông tin bình <br />
thường. Nhưng thực ra ở đây còn có thông tin về tâm trạng mà riêng hai chữ "chiều rồi" <br />
chưa truyền tải được (do thiếu vắng nhịp điệu). Mặt khác, nếu không có chữ chiều "thừa <br />
ra" ấy, sự buông lơi êm đềm của câu sau sẽ ít có hiệu quả. Tính chất thừa tiếp hô ứng <br />
của mạch văn cũng thiếu trọn vẹn. Rõ ràng đọc giả đang bị dẫn dắt bởi văn chứ không <br />
phải cái gì khác.<br />
Suốt truyện ngắn, nhà văn nhiều lần nhấn mạnh sự "ngây thơ" của hai nhân vật chị em <br />
qua các nhận xét như: "Liên không hiểu sao...", "Liên tưởng là...", "tâm hồn Liên... có <br />
những cảm giác mơ hồ không hiểu", "vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ <br />
như đầy bí mật và xa lạ...","Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết...". <br />
Rất có thể nhân vật của truyện "không biết", không hiểu thật, nhưng điều đáng nói là tác <br />
giả đã mượn chính tâm trạng nhân vật để ám thị người đọc. Các phủ định từ "không" đã <br />
"bẫy" họ sa vào một không khí bất định, mông lung. Độc giả cứ ngỡ mình đang cùng nhà <br />
văn theo dõi nhân vật, nhưng thật sự họ đã bị lây nhiễm chính cảm giác của nhân vật và <br />
không thôi thao thức. Càng cố gắng hiểu những điều nhân vật "không hiểu" để phân biệt <br />
với nó, anh ta càng rơi sâu vào không khí của truyện đến nỗi mất cả đường ra, trong khi <br />
tác giả vẫn không ngừng tả, kể để trói anh ta chặt hơn vào câu chuyện mà ông "bịa" ra.<br />
Truyện tuy rất ít hành động nhưng vẫn thấp thoáng những lời đối thoại. Chúng được <br />
phân bố rất đều trong tác phẩm và xuất hiện giữa những đoạn miêu tả cảnh vật một <br />
khung cảnh lặng lẽ, êm đềm, có phần hiu hắt, buồn bã. Chính không khí ấy quy định sắc <br />
điệu của lời đối thoại, trong khi bản thân lời đối thoại cũng mang tính chất lơ lửng, <br />
không gây nên sự đột biến nào của mạch truyện. Những câu hỏi nêu ra có thể trả lời cũng <br />
được mà không cũng được. Nó không nhằm mục đích tìm biết mà chỉ chờ đợi một sự phụ <br />
hoạ, xác nhận điều người nói nghĩ và thậm chí cả sự hiện tồn mờ nhạt của họ nữa:<br />
Em thắp đèn lên chị Liên nhé!<br />
Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ?<br />
Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?<br />
Còn cô chưa dọn hàng à?<br />
Có phải buổi trưa em bán cho bà Lực hai bánh xà phòng không?<br />
A, cô bé làm gì thế?<br />
Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?<br />
Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?<br />
Trước những câu hỏi ấy người đối thoại thường là "mãi rồi mới chép miệng trả lời", <br />
ngẫm nghĩ rồi đáp hoặc có đáp cũng "đáp vẩn vơ", thậm chí "không đáp", "không cần <br />
ngoảnh mặt ra". Một số người khi muốn chứng minh luận điểm nói rằng cảnh đời được <br />
miêu tả trong truyện thật nghèo nàn buồn tẻ, đã viện đến các chi tiết như đám trẻ con <br />
nhặt nhạnh những thứ rơi vãi trên nền chợ, chị Tý dọn hàng đến khuya mà không bán <br />
được bao nhiêu, hai chị em Liên xem phở bác Siêu như một thứ quà xa xỉ, một người mua <br />
hàng đến nửa bánh xà phòng cũng phải mua chịu... Thật ra cần chú ý hơn đến những mẩu <br />
đối thoại rời rạc đã nói ở trên. Dụng công của Thạch Lam cũng như hồn văn của truyện <br />
chính toát lên từ đấy. Nó đưa tới cho người đọc không phải chuyện này chuyện nọ mà là <br />
một ấn tượng buồn nản, xót thương, thậm chí bực bội trước các câu hỏi tủn mủn, bâng <br />
quơ, không cần thiết phải trả lời và những lời đáp quá chừng nhạt nhẽo, phẳng lặng. <br />
Những ấn tượng đó khó gây dựng hơn nhiều so với các nhận xét kết luận "đóng bao"sẵn <br />
thường thấy ở nhiều truyện thừa giọng giáo huấn mà thiếu tính nghệ thuật.<br />
Trong truyện cũng vài lần nổi lên tiếng reo chứa đựng niềm hân hoan mong đợi:<br />
Kìa, hàng phở của bác Siêu đã đến kia rồi.<br />
Đèn ghi đã ra kia rồi.<br />
Nhưng những tiếng reo đó đã nhanh chóng phô ra tính chất tội nghiệp của chúng, niềm <br />
vui mới nhóm lên đã bị triệt tiêu bởi lời kể nhẩn nha vô tình mà thật "ác nghiệt": " An và <br />
Liên ngửi thấy mùi phở thơm, nhưng ở cái huyện nhỏ này, quà bác Siêu bán là một thứ <br />
quà xa xỉ, nhiều tiền , hai chị em không bao giờ mua được " và "chuyến tàu hôm nay <br />
không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn". Đúng là mong đợi <br />
chỉ để mà mong đợi, reo lên chỉ để rồi buồn tiếc và thất vọng hơn. Cảm giác thất vọng <br />
của nhân vật chắc chắn là sâu sắc. Nhưng đâu chỉ nhân vật, độc giả cũng thất vọng <br />
không kém. Bị trói chặt bởi nhịp cầu lê thê của câu chuyện, họ đã chờ đợi bao nhiêu ở <br />
những tiếng reo kia. Thật ra, niềm thất vọng này chính là hiệu quả nghệ thuật của <br />
truyện. Sau sự hụt hẫng này, độc giả sẽ vỡ ra những ý nghĩa của đời sống mà truyện <br />
muốn hướng tới. Nghệ thuật không phải là nói thẳng mà nói vòng, còn độc giả thì có <br />
được cảm giác thật như người trong truyện. Cùng với nhân vật, họ tự nghiệm sinh các <br />
giá trị của đời.<br />
Hình ảnh thiên nhiên trong truyện đã gây cho người đọc những ấn tượng sâu đậm. Sự êm <br />
ả đượm buồn mà ta nhận thấy một phần là của thiên nhiên với tư cách là chất liệu, vật <br />
liệu, một phần là của văn. Những bức tranh nho nhỏ được gài xen kẽ với những mẩu đối <br />
thoại rời rạc, không hoàn chỉnh. Chúng lấp đầy những khoảng trống của lời nói và cầm <br />
giữ nhịp điệu của thiên truyện. Giả sử tác giả viết khác đi, dồn hẳn những đoạn miêu tả <br />
thiên nhiên về một phía, và phía kia là hình ảnh sinh hoạt của con người, hẳn giọng điệu <br />
điều hoà của truyện sẽ biến mất và chủ đề của chuyện sẽ khác đi. Ở đây thiên nhiên <br />
không thu hút toàn bộ thần trí con người để họ mê man trong đó. Nó gần gũi, vỗ về, khơi <br />
gợi những cảm xúc dịu dàng và bâng khuâng. Nó trồi lên đánh lạc hướng tâm trạng buồn <br />
chán của nhân vật (và của độc giả) thông qua mùi âm ẩm của đất bụi, vẻ lung lay của <br />
bóng đèn, bóng người, ánh nhấp nháy của ngàn sao và đom đóm, tiếng động mơ hồ, khe <br />
khẽ của loạt hoa bàng rụng xuống vai...Tuy nhiên, việc đánh lạc hướng kia chỉ diễn ra <br />
từng lúc một, và nhân vật của truyện lại trở về với thực tại túng thiếu, lam lũ, để tiếp đó <br />
rơi vào trạng thái chập chờn nửa mơ, nửa thức, khắc khoải chờ mong, hi vọng (dẫu <br />
chẳng biết hi vọng ở cái gì). Truyện sở dĩ không rơi vào nhàm tẻ dù đối tượng hàm chứa <br />
sự tẻ nhàm, chính một phần nhờ lối tả, kể xen kẽ, chắp nối đó. <br />
Hai đứa trẻ là truyện ngắn giàu tính nghệ thuật. Tác giả đã rất ung dung, thoải mái khi xử <br />
lí chất liệu hiện thực. Tất cả chất liệu đã được tổ chức lại nhằm khơi dậy ở người đọc <br />
những cảm xúc nghệ thuật thuần khiết . Nhà văn đưa họ vào thế giới của ông, thôi miên <br />
họ, sau đó tự để họ ngẫm nghiệm và rút ra những bài học cần thiết. Ở trên có nhắc tới <br />
"khu vườn Thạch Lam". Thực ra "khu vườn"ấy không chỉ có nghĩa là đề tài. Đó là "khu <br />
vườn" của nghệ thuật một nghệ thuật biết vượt thoát khỏi sự trói buộc của đề tài để <br />
làm vang dậy tiếng nói riêng của nhà văn.<br />
<br />