intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

QUAN NIỆM VĂN HỌC CỦA NGUYỄN TRÃI VỀ CHỨC NĂNG THẨM MỸ CỦA VĂN CHƯƠNG

Chia sẻ: Mi Hoa | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

334
lượt xem
34
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Văn chương có nguồn gốc tình cảm cho nên khi sáng tác văn thơ, nhà văn cũng phải khởi phát từ những tình cảm chân thành. Đó chính là tâm lí sáng tác văn học.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: QUAN NIỆM VĂN HỌC CỦA NGUYỄN TRÃI VỀ CHỨC NĂNG THẨM MỸ CỦA VĂN CHƯƠNG

  1. QUAN NIỆM VĂN HỌC CỦA NGUYỄN TRÃI VỀ CHỨC NĂNG THẨM MỸ CỦA VĂN CHƯƠNG Văn chương có nguồn gốc tình cảm cho nên khi sáng tác văn thơ, nhà văn cũng phải khởi phát từ những tình cảm chân thành. Đó chính là tâm lí sáng tác văn học. Mà nhắc tới vấn đề tâm lí sáng tạo văn chương là đề cập tới phạm trù nhà văn, người sáng tác. Quá trình khảo sát tư liệu thơ văn Nguyễn Trãi giúp chúng tôi nhận thấy, Nguyễn Trãi không hề xem nhẹ vấn đề này. Trong quan niệm của Nguyễn Trãi về nhà văn, ông đề cập tới không chỉ tâm lí sáng tác mà còn thể hiện thái độ, yêu cầu đối với người làm văn. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt đề cập tới những phương diện nêu trên trong quan niệm văn học của Nguyễn Trãi về nhà văn. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải ý thức được rằng,
  2. ở thời trung đại, quan niệm về người làm văn chưa có được cái nhìn “chuyên môn hoá” như về cái gọi là nghề văn ở thời hiện đại. Quan niệm về người làm văn vẫn chưa thoát khỏi quan niệm về kẻ sĩ nói chung. 1. Người làm văn chương - “Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít” Hạt nhân trong quan niệm về tâm lí sáng tạo thơ là quan niệm về hứng thơ (ở đây chúng ta cần phân biệt hứng thơ với “hứng” trong “lục nghĩa” - phú, tỉ, hứng, phong, nhã, tụng - mà các tác giả trung đại thường hay nhắc đến. “Hứng” trong “lục nghĩa” chỉ một phương thức biểu hiện của thơ, gần với khái niệm “tỉ”, “dụ” - so sánh, từ sự tương đồng mà nhận thức ra ý nghĩa tiềm ẩn của hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ). Trong quan niệm của người trung đại, sáng tác văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung không chỉ có người - tác giả - mà còn có trời và thế giới khách quan (vật). Vật phong phú, đa dạng về hình thức nhưng trong cái
  3. linh tán lại có sự thống nhất của đạo, hay nói cách khác, chính sự đa dạng, dị biệt của vật lại là sự phong phú, vô cùng của đạo. Quá trình sáng tác là quá trình ở bên trong (tâm) mà hiện ra bên ngoài (văn). Tâm là chính tác giả nhưng tâm lại đứng trước vật - thế giới khách quan - bị thế giới khách quan hấp dẫn, kích thích, gây cảm hứng: “phát khởi thành âm là tự lòng người; lòng người xúc động là do vật xui khiến nên” (Nhạc ký). Đó là thời khắc đầu tiên của “thiên khải thơ”(1) khi người sáng tác tiếp xúc được với đạo, với vĩnh cửu và nhận được sức mạnh nhận thức và sáng tạo. Quan niệm về cảm hứng trong sáng tác đó đã xuất hiện khá sớm trong văn học trung đại Việt Nam. Thời Trần, các tác giả đã ý thức được hứng là tiền đề nảy sinh thơ nên nhiều bài thơ có tên là tức sự, tức cảnh, ngẫu thành, ngụ hứng… Bên cạnh đó, nhiều tác giả đã trực tiếp nói đến hứng thơ. Trần Thánh Tông viết về trạng thái bừng khởi cảm hứng thơ ca của mình trong bài Hạnh An Bang phủ:
  4. Hốt nhiên đắc giai thú Vạn tượng sinh hào đoan (Bỗng nhiên được hứng thú hay, Muôn hình tượng nảy sinh ra đầu ngọn bút). Nguyễn Tử Thành trong bài Xuân giao vãn hành lại miêu tả: “Thi tòng thắng cảnh ngâm biên hứng - Nguyệt đậu sơ vân khuyết xứ minh” - Thơ theo hứng ngâm bên cảnh đẹp, Ánh trăng đến chỗ mây thưa dọi xuống. Tuy nhiên, hứng thơ ở đây vẫn chưa được quan niệm một cách cụ thể, chưa được lý giải một cách thấu đáo. Đó mới chỉ là những kinh nghiệm đột xuất của người sáng tác văn học. Đến thế kỉ XV, vấn đề tâm lý sáng tác, hứng thơ được nói đến nhiều hơn bởi hoạt động thưởng thức, bình thơ sôi nổi, phong phú hơn, mặt khác tư liệu về thế kỉ này nhiều hơn trước. Việc khảo sát, thống kê tư liệu các sáng tác của Nguyễn Trãi cũng cho
  5. một kết quả tương tự, chúng tôi nhận thấy ông rất hay đề cập tới khái niệm hứng trong sáng tác. Nếu như ở các phương diện khác của quan niệm văn học, Nguyễn Trãi chỉ phát biểu trực tiếp qua một, hai dẫn chứng thì ở khía cạnh này, ông đề cập tới qua tám dẫn chứng khác nhau. Điều đó cho thấy, tác giả rất quan tâm đến vấn đề cảm hứng trong sáng tác văn thơ. Ở các tác giả trước và cùng thời với Nguyễn Trãi (trong văn học Việt Nam trung đại), việc đề cập đến cảm hứng có khi đơn thuần chỉ là miêu tả lại kinh nghiệm làm văn, do “tức sự”, “tức cảnh”, “hữu hoài”… chứ chưa thực sự hàm chứa quan niệm thật cụ thể về cảm hứng. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là bởi các tác giả này mới chỉ quan tâm đến yếu tố chủ quan (tâm, chí, tình) là chính mà ít quan tâm đến yếu tố khách quan (cảnh, sự, thời) và mối quan hệ qua lại giữa chúng. Họ vẫn thiên về quan niệm cho làm thơ văn là việc giãi bày tình cảm bên trong hơn là sự gặp gỡ tác động qua lại giữa cái chủ quan và cái khách quan. Nếu có tác giả nói đến cái yếu tố khách quan bên ngoài thì chúng cũng chỉ là cái cớ
  6. để biểu hiện cái chủ quan bên trong. Ví dụ như Nguyễn Húc “xúc động trước cảnh vật” nhưng “gửi gắm nỗi lòng” mới là nội dung chính. Lê Thánh Tông “cao hứng”, “hứng thơ lai láng” nhưng thực chất là để bộc lộ “khẩu khí”, “lòng đạo”… của ông… Với Nguyễn Trãi, tình hình có thay đổi. Những tính chất đặc trưng của hứng như: ngẫu nhiên, bất chợt, sự giao hoà chủ quan - khách quan… đã bắt đầu được ý thức rõ nét. Cảm hứng sáng tác đến với Nguyễn Trãi là do sự tác động của ngoại cảnh: Tuyết đượm chè mai câu dễ động Trì in bóng nguyệt hứng thêm dài (Tự thán 14) Rõ ràng cảm hứng thơ đến với thi nhân -“câu dễ động” - là do uống nước chè mai có tuyết đượm (có hoa mai trắng ví như tuyết), thưởng cảnh “trì in bóng nguyệt”. Và cũng có khi, không
  7. cần đến những yếu tố tao nhã như thế, chỉ dân giã, quen thuộc là một chén rượu cũng làm cho thi hứng của tác giả nồng đượm: “chén rượu câu thơ ấy hứng nồng” (Thuật hứng 16). Cho nên “thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít” (Thơ tiếc cảnh 8) là một điều thường thấy trong thơ ông. Câu thơ cũng là một cách diễn đạt rất hình ảnh về mối quan hệ “vấn vít” giữa ngoại cảnh và tâm hồn thi nhân. Trong Ức Trai thi tập, mối quan hệ giao hòa chủ thể và khách thể cũng được tác giả nhắc đến trong những bài như Họa tân trai vận, Vọng doanh: Tín mỹ giang sơn thi dị tựu (Non sông vẫn đẹp lắm hứng thơ dễ đến) (Họa tân trai vận) Vọng doanh đầu mộ hệ ngâm thuyền Thi cảnh liêu nhân vãn hứng khiên
  8. (Chiều hôm đến Vọng doanh buộc thuyền thơ Cảnh thơ ghẹo người, hứng buổi chiều hôm lôi kéo) (Vọng doanh) Cảm hứng sáng tác đến với Ức Trai là do sự tác động của cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của non sông đất nước. Sự tương giao giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan đã được Nguyễn Trãi thể hiện qua một hình ảnh thơ rất đẹp: “Thi cảnh liêu nhân” - cảnh thơ ghẹo người. Sự tác động của ngoại giới ở đây vừa chủ động, vừa có hồn, vừa có tình. Cách gọi tên sự vật của Nguyễn Trãi: “thi cảnh” cho thấy, tác giả rất có ý thức về vai trò của ngoại cảnh đối với cảm hứng sáng tác của người làm thơ. Cảnh vật không đơn thuần chỉ là những yếu tố khách quan vô tri vô giác, cảnh là thơ, cảnh là tình, cảnh gợi hứng: “thi dị tựu”, “vãn hứng khiên”. Cũng có khi Nguyễn Trãi nhận thấy, cảm hứng sáng tác đến một cách bất chợt, ngẫu nhiên, không báo trước:
  9. Trong khi hứng động vừa đêm tuyết Ngâm được câu thần dặng dặng ca (Ngôn chí 3) Với một quan niệm như vậy về cảm hứng sáng tác, cũng dễ hiểu rằng, Nguyễn Trãi hay dùng những hình ảnh rất thơ, cách gọi trực tiếp về nguồn thi hứng, xúc cảm trong ông. Đó thường là “ngâm thuyền” - thuyền thơ: Hải môn kim tịch hệ ngâm thuyền (Cửu biển tối nay mới buộc thuyền thơ) (Hải khẩu dạ bạc hữu cảm) là “ngâm phàm” - buồm thơ: Khinh khỉ ngâm phàm quá Bạch Đằng (Nhẹ kéo buồm thơ để qua cửa Bạch Đằng) (Bạch Đằng hải khẩu) hay “lầu thơ”, “lòng thơ”:
  10. Hứng bện lầu thơ khách ngại rằng Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít (Thơ tiếc cảnh 8) Như vậy là, văn chương Nguyễn Trãi không chỉ bộc lộ khẩu khí, lòng đạo. Văn chương Nguyễn Trãi còn là nơi để “thuyền thơ” ông được thoả sức căng cánh buồm xúc cảm. Và chính nguồn cảm hứng dạt dào ấy đã mở rộng “thi nhãn” - mắt thơ - tinh diệu: Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn Lạo thoái giang quang tĩnh tục tâm (Sau mưa sắc núi làm trong trẻo mắt thơ; Hết lụt ánh sáng trên sông rửa sạch lòng tục) (Tức hứng) Ý thơ trên sau này được Ngô Thì Sĩ nhắc lại:
  11. Thiếu niên ngâm hứng dĩ trù giao Hứng đáo giang sơn túc xứ du Mai nhật tùng am thiêm dật tứ Ngư thôn tiều động sướng ngâm mâu (Hứng thơ đã đan bện từ lúc tuổi thơ, Khi hứng tới, đi khắp núi sông Một trời mai, am thông tăng thêm tứ phiêu dật, Xem lưới chài, trông người hái củi sảng khoái mắt thơ) (Ngọ phong công di thảo, Thi hứng) Những quan niệm nêu trên của Nguyễn Trãi về cảm hứng trong sáng tác văn chương, về tâm lí sáng tác của người làm văn mới chỉ là những ý kiến bước đầu. Tuy nhiên ý kiến của ông về nguồn gốc của cảm hứng xuất phát từ mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể; tính ngẫu nhiên, bất chợt của cảm hứng; sự tác động của cảm hứng đối với “thi nhãn” của người sáng tác theo chúng tôi vẫn là một bước phát triển trong quan niệm văn học thời trung đại ở Việt Nam (tính đến thế kỉ XV). Đề xuất bước đầu này của
  12. Nguyễn Trãi sẽ được nhiều tác giả trung đại Việt Nam các thế kỉ sau kế thừa và phát triển. Nguyễn Dưỡng Hạo làm rõ hơn trạng thái phát sinh cảm hứng do sự tương tác giữa cái chủ quan và cái khách quan, giữa tâm hồn tác giả và thế giới ngoại vật như sau: “Phàm trúc không có ý với gió nhưng gió đến thì trúc động mà sinh tiếng, ‘tâm’ không dung chứa vật gì nhưng tiếp xúc với vật ‘tâm’ xúc cảm mà thành thơ. Gió đi thì trúc lặng; việc đi thì ‘tâm’ trống không” (Tựa Phong trúc tập). Chỉ ra tính chất bất ngờ, thần diệu, biến động linh hoạt, khó nắm bắt của cảm hứng sáng tác văn chương, Nguyễn Quýnh đã có cái nhìn cụ thể hơn Nguyễn Trãi: “Tâm người ta như chuông, như trống; hứng như chầy và dùi. Hai thứ đó gõ đánh vào chuông, trống khiến chúng phát ra tiếng; hứng đến khiến người ta bật ra thơ cũng tương tự như vậy” (Tựa Tây hỗ mạn hứng)…
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2