intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKKN: Một số giải pháp rèn kỹ năng viết đúng chính tả của học sinh yếu lớp 5

Chia sẻ: Nguyễn Lê Huy | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

726
lượt xem
105
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Vấn đề sai chính tả xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, mọi đối tượng. Sau đây là sáng kiến kinh nghiệm một số giải pháp rèn kỹ năng viết đúng chính tả của học sinh yếu lớp 5 các thầy cô hãy tham khảo để giúp các em học sinh viết ít sai lỗi chính tả hơn.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKKN: Một số giải pháp rèn kỹ năng viết đúng chính tả của học sinh yếu lớp 5

  1. SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM Đề tài: Một số giải pháp rèn kỹ năng viết đúng chính tả của học sinh yếu lớp 5
  2. PHẦN MỞ ĐẦU I. Bối cảnh của đề tài: Đọc một văn bản viết, điều đầu tiên gây cho người đọc khó chịu nhất là nét chữ xấu và viết sai chính tả. Vấn đề này không phải chỉ xảy ra ở học sinh mà đôi lúc vẫn còn xảy ra ở người lớn( đặc biệt là giáo viên dạy tiểu học chúng ta). Nói thế có nghĩa là vấn đề viết sai chính tả có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và ở mọi đối tượng! Nhiều năm nay, tôi được phân công dạy lớp 5. Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm, phát hiện ra các em đa số yếu về phần viết chính tả. Không chỉ ở lớp tôi mà nó còn rải đều ở các lớp khác. Trước tình trạng đó, tôi vô cùng lo lắng và bức xúc. Làm cách nào để giảm bớt lỗi chính tả cho các em? Tìm hiểu, học hỏi ở rất nhiều đồng nghiệp với nhiều hình thức khác nhau xoay quanh nội dung “Kinh nghiệm giảm thiểu lỗi chính tả ở học sinh lớp Năm”. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tôi đã tìm ra cho bản thân một số giải pháp riêng, vận dụng vào đặc thù học sinh vùng biển Thừa Đức - một trong những đơn vị vùng sâu của Huyện Bình Đại - với một đề tài không mới: “Một số giải pháp rèn kỹ năng viết đúng chính tả của học sinh yếu lớp 5”. II. Lý do chọn đề tài: Rèn cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là nhiệm vụ chính của giáo viên trong giảng dạy môn Tiếng Việt (đặc biệt là ở những lớp đầu cấp). Những kỹ năng này có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Học sinh viết sai chính tả nhiều thì tất nhiên các kỹ năng nghe, đọc không ổn. Làm gì để giúp học sinh lớp Năm viết ít sai lỗi chính tả? Vấn đề đặt ra cho những giáo viên giảng dạy lớp Năm như chúng tôi! “Giúp học sinh lớp Năm khắc phục tình trạng viết sai chính tả” là nội dung đề tài mà bản thân chọn và thực hiện trong năm học vừa qua
  3. với mong muốn hạn chế đến mức tối đa việc học sinh viết sai chính tả và học tốt các môn học khác ở lớp mình phụ trách. III. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của đề tài là phân môn chính tả trong môn học Tiếng Việt ở tiểu học. Đối tượng nghiên cứu là học sinh học yếu môn Chính tả lớp 5 1 trường Tiểu học Thừa Đức. IV. Mục đích nghiên cứu: Tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất nhằm giảm bớt tình trạng học sinh viết sai chính tả ở lớp Năm. Giúp học sinh tự tin, học tốt hơn không chỉ ở phân môn Chính tả mà còn ở cả những môn học khác. V. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu: Rèn chính tả cho học sinh là một công việc mang tính lâu dài, có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các lớp học trước (lớp 2, 3, 4). Thời gian học ở lớp cuối cấp không đủ dành cho việc rèn luyện lại những vấn đề mang tính cơ bản và nguyên tắc. Vì vậy, trong một số biện pháp thực hiện, có những biện pháp thoạt nhìn có vẻ không hợp lí nhưng lại có những hiệu quả nhất định.
  4. PHẦN NỘI DUNG I. Cơ sở lý luận: a. Cơ sở tâm ý học: Thực tế, những học sinh rơi vào trường hợp này đều là những học sinh học lực chỉ ở mức trung bình đến yếu. Trạng thái tâm lý tự ti, nhút nhát, chán nản thường xuất hiện ở các em. Các em ngại giao tiếp, thiếu hợp tác với bạn bè, thầy cô. Làm cho các em linh hoạt hơn, tự tin hơn, chịu hợp tác là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. b. Đặc trưng bộ môn: - Đặc trưng của môn chính tả là luyện tập thực hành dựa trên những nguyên tắc mang tính rập khuôn( học sinh phải nhớ máy móc và vận dụng). Vì vậy, giáo dục tính chuyên cần, chịu khó cho học sinh là cơ sở vững chắc cho việc thực hiện chuyên đề này. - Phân môn chính tả là phân môn công cụ. Học sinh luyện tập viết chính tả không phải chỉ để học tốt phân môn chính tả mà dùng nó để phục vụ cho việc học các môn học khác. Dạy chính tả mang tính lâu dài, liên tục. II. Thực trạng vấn đề: Lớp Năm do tôi phụ trách. Tổng số 36 học sinh/17 nữ Trong đó: 15 học sinh viết tốt. Còn lại: - Sai 1 đến 2 lỗi khoảng 3 học sinh - Sai 3 lỗi khoảng 5 học sinh - Sai 4 lỗi khoảng 4 học sinh - Sai 5 lỗi khoảng 5 học sinh -Từ 6 lỗi đến trên 10 lỗi có 4 học sinh (Ân, Duy, Nhàn, Phong) (Con số thống kê đầu năm). * Nguyên nhân của tình trạng này?
  5. - Thứ nhất: học sinh không nhớ luật viết chính tả. - Thứ hai: đọc yếu, phát âm sai. - Thứ ba: viết dối. - Thứ tư: thiếu chăm chỉ. Xác định rõ những nguyên nhân từ thực trạng trên, bản thân đề ra một số biện pháp giúp học sinh lớp Năm viết đúng chính tả như sau. III. Các phương pháp - biện pháp giúp học sinh viết đúng chính tả: 1. Điều tra: Đây là việc làm cần thiết và tất yếu của một giáo viên chủ nhiệm, không phải chỉ dành riêng cho việc dạy chính tả mới thực hiện. Dựa vào: - Bài kiểm tra năm học trước ( trong khảo sát bàn giao học sinh cuối năm ). - Kết quả khảo sát đầu năm học. - Nếu chỉ dựa vào hai cơ sở trên vẫn chưa đủ, giáo viên cần ít nhất 3 tuần lễ đầu, nắm bắt toàn bộ quá trình học tập của học sinh để có kết quả chính xác. 2. Xác định nguyên nhân - Phân loại: Phân loại nhóm học sinh dựa vào mức độ đạt được của các em. Đặc biệt chú ý đến những trường hợp yếu kém Những học sinh trong nhóm cần rèn luyện đặc biệt là: em Phong, Ân, Duy, Nhàn, Nguyên nhân: - Đọc chưa trôi chảy và phát âm sai (t/ tr, s/ x, v/ d/gi, hỏi/ ngã…) - Viết dối, chữ viết cẩu thả, thiếu nét. - Sai một số luật viết chính tả cơ bản. - Chưa chăm chỉ, thiếu tự rèn. 3. Phương pháp chữa cháy – Học vẹt: Dựa vào tâm lý học sinh tiểu học đa phần các em thích được khen, được tự khẳng định mình, đặc biệt là giúp các em lấy lại sự tự tin ở bản thân( đối với những học sinh thuộc diện vừa nêu ). Làm sao vào những
  6. buổi đầu làm quen với giáo viên chủ nhiệm mới, các em hạn chế đến mức tối đa bị điểm yếu kém? Làm sao để chúng ta có cơ hội được khen các em học sinh này? Cách nhanh nhất là“ ép ” các em tự luyện trước bài chính tả sắp được học ở nhà dưới sự kiểm soát của gia đình( Các em được người nhà đọc cho viết nháp ở nhà, tự kiểm tra lỗi, tự sửa sai - có thể viết lại nhiều lần trước khi đến trường ). Đây là phương pháp làm việc mang tính đối phó nhưng nó là điểm tựa cho việc tự rèn luyện của học sinh. Để thực hiện được công việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh. Lưu ý: - Biện pháp này chỉ dành cho phân môn chính tả và biện pháp kích thích ban đầu không phải là biện pháp lâu dài vì dần dần các em sẽ được viết những văn bản ngoài chương trình( Những bài chọn ngoài ). - Trong quá trình các em tự sửa sai, ta cần lưu ý các em về các hiện tượng chính tả mà các em vừa vướng phải để các em hình thành và nhớ dần các mẹo, luật chính tả mà ta sắp củng cố cho các em. 4. Rèn đọc, luyện nghe: - Yêu cầu học sinh tăng cường luyện đọc(chủ yếu là luyện đọc đúng), luyện đọc ở bất kỳ một đoạn văn, bài văn có hoặc không có trong chương trình kết hợp với tìm hiểu nghĩa của từ có trong đoạn văn. Từ đó, lựa chọn những bài tập chính tả phân biệt để học sinh áp dụng và nhớ. - Song song với luyện đọc, giáo viên cần dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh nghe đọc, nghe nói để học sinh dần dần có được kỹ năng phân biệt cách phát âm. Lưu ý: không cần thiết phải gượng ép phát âm theo âm chuẩn, chỉ cần thực hiện theo thói quen giữa thầy và trò là đạt rồi.
  7. 5. Rèn cho học sinh kĩ năng phân tích lỗi chính tả (giải nghĩa từ, phân tích, so sánh): Kĩ năng phân tích chính tả có vai trò rất quan trọng quyết định học sinh có viết sai lỗi chính tả hay không. Để có được kĩ năng này các em phải hiểu nghĩa, từ nghĩa đó các em mới phân biệt với các từ mang nghĩa khác mà mình dễ viết nhầm. Như em Ân của lớp kĩ năng phân tích chính tả của em rất kém nên lỗi chính tả của em mắc phải rất nhiều như từ “song” thì em viết thành “sông” hoặc “ngọn núi” thì em viết thành “ngọn nuối” thậm chí những từ rất gần gũi em cũng viết một cách vô lí. Trong trường hợp này giáo viên đặc biệt chú ý giúp đỡ các em rèn luyện kĩ năng phân tích từ trong từng tiết học với nhiều hình thức để giúp học sinh hiểu nghĩa mà viết đúng như: đặt câu, tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, tranh ảnh, vật thật… Công việc này đòi hỏi phải có thời gian dài cần sự kiên trì của giáo viên và học sinh. Với những tiếng khó, giáo viên áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh những tiếng dễ lẫn lộn, nhấn mạnh những điểm khác nhau để học sinh ghi nhớ. Ví dụ: tiếng “xinh” dễ lẫn với tiếng “ xin” cần cho học sinh phân tích và so sánh. 6. Phụ đạo những kiến thức về luật viết chính tả cho học sinh: Ngoài những bài tập chính tả phân biệt mà mỗi ngày giáo viên phụ đạo cho học sinh, từng lúc, giáo viên cho học sinh học lại những mẹo, luật viết chính tả mang tính rập khuôn như: - Nguyên tắc kết hợp k, ng, ngh với i, e, ê, iê. - Luật bổng trầm: ngang/ sắc/ hỏi; huyền, ngã, nặng đối với các từ láy âm… - Các quy tắc viết hoa. Lưu ý: Những học sinh ở trường hợp này thường rất ngại học những điều mang tính lý thuyết đơn thuần. Giáo viên cần khéo léo đưa vào một số bài tập để các em tự phát hiện, tự nhớ và sẽ nhớ lâu hơn.
  8. 7. Quan tâm, nhắc nhở, theo dõi học sinh thiếu tập trung, viết theo thói quen: Việc thiếu tập trung viết theo thói quen cũng là một nguyên nhân dẫn tới viết sai lỗi chính tả, không chú ý khi nghe giáo viên đọc, dẫn tới viết thiếu từ thậm chí viết từ khác. Viết theo thói quen cũng thế như trong lớp có em Duy viết dấu hỏi thành dấu ngã, còn Nhàn thì dấu ngã thành dấu hỏi do viết theo thói quen, Ân thì không bỏ dấu, Phong thì thiếu nét. Giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở 4 em này không những trong giờ chính tả mà trong tất cả các môn học khác. Còn riêng đối với các em thiếu tập trung, giáo viên gom các em vào một nhóm, đứng cạnh nhóm để đọc cho các em viết, thường xuyên theo dõi và nhắc nhở. Các em ít nhiều sẽ tập trung hơn và lỗi chính tả cũng sẽ giảm. 8. Chuyển dần các em đến việc rèn chữ viết: Thông thường những trường hợp học sinh này chữ viết không đẹp ( Không muốn nói là quá xấu ). Giáo viên phải thật kiên nhẫn dần dần hướng các em vào việc luyện chữ viết ( Không đặt nặng phải viết đẹp ), bởi vì, khi các em chịu “o” chữ viết của mình nghĩa là các em đã bắt đầu thích học Tiếng Việt rồi đồng thời tính chịu khó của các em đã dần được hình thành ( Công việc này thường tiến hành trong các giờ phụ đạo ). 9. Đặc biệt chú trọng đến tuyên dương, khen thưởng: Học sinh rất thích được khen, riêng đối với những học sinh yếu thì đây lại là món quà tinh thần rất lớn đối với các em. Chú ý: - Tùy theo tâm lý của từng em mà có mức độ khen khác nhau. - Khen để kích thích tinh thần học tập của các em, tránh lạm dụng làm cho các em không coi trọng lời khen của giáo viên hoặc rơi vào tự mãn. - Nhận xét, đánh giá kết quả học tập của các em phải dựa vào mức độ tiến bộ của các em ở từng thời điểm thích hợp (Có thể đề nghị tuyên dương dưới cờ sau mỗi đợt thi đua với danh hiệu Có nhiều cố gắng trong học tập và rèn luyện).
  9. 10. Sự đầu tư, tự rèn luyện của giáo viên: - Hơn ai hết, học sinh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào giáo viên chủ nhiệm. Muốn học sinh học tốt chính tả thì giáo viên không những viết tốt chính tả mà còn phải thật am tường về luật, mẹo chính tả, đồng thời phải rèn chữ viết đúng, đẹp. Đây là biện pháp hữu hiệu và lâu bền nhất! - Sự kiên trì, nhẫn nại, yêu thương, vị tha phải luôn ở trong chúng ta. Nó là liều thuốc chữa lành những vết thương ở các em cho dù vết thương sâu nhất! IV. Hiệu quả: Qua 5 tháng áp dụng các giải pháp trên bước đầu thấy học sinh có tiến bộ, bản thân các em có ý thức hơn, biết đọc bài và tìm từ khó trước ở nhà, tự viết lại những từ các em cho là khó nên bài viết giảm bớt lỗi chính tả. - Tháng 9: Em Nhàn, Phong, Duy, Ân, các bài chính tả của những em này sai trên 10 lỗi, phải viết lại bài. - Tháng 10: * Phong vẫn còn viết lại bài (nhưng bài của em sai dưới 10 lỗi). * Ân chưa tiến bộ bằng 3 bạn kia nhưng cũng có bước tiến triển nho nhỏ. * Nhựt Duy tốt hơn bài viết của em sai dưới 5 lỗi (một bài điểm 6, 2 bài điểm 7, một bài điểm 8). * Nhàn 4 bài thì viết lại một bài, 3 bài sai dưới 5 lỗi (2 bài điểm 6, 1 bài điểm 8). - Tháng 11: * Phong: viết lại 3 bài, 1 bài được điểm 5. * Ân: viết lại 4 bài trong đó có 1 bài sai 7 lỗi. * Nhựt Duy: 2 bài điểm 7, 2 bài điểm 8. * Nhàn: 2 bài điểm 6, 2 bài điểm 7. Đặc biệt là kết quả thi phân môn chính tả ở học kì I như sau:
  10. * Phong: 1,75 điểm * Ân: 2,75 điểm * Duy: 4,5 điểm * Nhàn: 4,25 điểm Qua thời gian áp dụng các giải pháp trên bước đầu đã có thành công, học sinh có tiến bộ rõ rệt. Bản thân các em có ý thức hơn khi viết bài (đọc trước bài nhiều lần, biết tự tìm từ khó để so sánh với những từ dễ lẫn, soát lỗi chính xác,…) nên bài viết ít mắc lỗi chính tả, nhất là ở bài Tập làm văn. Lớp có nhiều học sinh viết đúng - viết đẹp, đặc biệt các em viết yếu chính tả của lớp như, Nhàn, Phong, Duy, Ân, có tiến bộ nhiều. Giờ dạy chính tả của giáo viên nhẹ nhàng, học sinh rất thích học phân môn này.
  11. PHẦN KẾT LUẬN I. Những bài học kinh nghiệm: Để giúp học sinh yếu nói riêng (học sinh nói chung) viết đúng chính tả, ta cần lưu ý: Đầu tiên người giáo viên phải nhiệt tình dành hết tâm huyết cho các em. Giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân sai lỗi chính tả của các em. Giáo viên phải biết phối hợp linh hoạt phương pháp tích cực và phương pháp “tiêu cực”. Trong đó phương pháp tích cực là chủ đạo. Phương pháp “tiêu cực” giữ vai trò bổ trợ cho phương pháp tích cực. Trong quá trình dạy chính tả, giáo viên không chỉ cho học sinh viết nhiều và cung cấp các qui tắc chính tả, mẹo chính tả để các em biết viết đúng, mà còn cần phải thống kê, phân loại lỗi chính tả học sinh thường mắc theo nguyên nhân, kiểu lỗi, giúp các em biết chữa lỗi, từ đó hạn chế dần các lỗi chính tả trong bài viết. Trong tiếng Việt cách đọc và cách viết thống nhất với nhau: đọc/nghe thế nào, viết thế ấy. Do vậy việc đọc mẫu của giáo viên phải chuẩn xác, phải đúng với chính âm; giọng đọc phải thong thả, rõ ràng; ngắt hơi phải hợp lí; tốc độ đọc phải phù hợp, tương ứng với tốc độ viết của học sinh. Giáo viên cần dành thời gian cho học sinh đọc kĩ bài chính tả và luyện viết những tiếng, từ khó. Rèn cho học sinh kĩ năng phân tích ngôn ngữ: phân tích cấu tạo của chữ, cách đọc các âm, vần khó hay dễ lẫn; giải thích nghĩa của tiếng/ từ…So sánh sự tương đồng, khác biệt về âm, nghĩa và chữ của các từ có trong bài. Việc phân tích giúp các em khắc sâu ghi nhớ và hiểu sâu sắc về hiện tượng chính tả. Đối với các bài tập chính tả lựa chọn, giáo viên cần phải căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ của học sinh thuộc khu vực mình giảng dạy, những lỗi chính tả học sinh thường mắc để lựa chọn các bài tập có nội
  12. dung thích hợp hoặc soạn thêm các bài tập chính tả khác để rèn viết đúng các âm, vần, tiếng mà học sinh dễ sai. Khi chấm chữa bài, giáo viên cần chữa bài tỉ mỉ, tránh gạch dưới chữ viết sai và nhận xét chung chung. Giáo viên cần động viên khen ngợi kịp thời những tiến bộ dù rất nhỏ; có biện pháp giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh yếu để các em theo kịp các bạn, không chán nản. II. Ý nghĩa của Sáng kiến kinh nghiệm: Dạy cho học sinh viết đúng chính tả là một vấn đề vô cùng khó khăn.Vì vậy, người giáo viên cần phải không ngừng học hỏi, tự tìm hiểu, nghiên cứu. Đồng thời phải hết sức kiên trì, tận tâm, yêu nghề hết lòng vì học sinh. Trong nhà trường, mọi công việc có liên quan đến chữa lỗi đều được tiến hành dựa vào sự tự giác ý thức của học sinh. Việc động viên tính tự giác tích cực của học sinh tiếp thu qui tắc chính tả đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, trong hoạt động học tập việc tạo cái hưng phấn là điều kiện đảm bảo hiệu quả giảng dạy. Có được thành công trên là nhờ sự miệt mài của giáo viên phụ trách lớp, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của bản thân từng học sinh. Tuy nhiên việc hạn chế không viết sai lỗi chính tả không phải thực hiện được trong một sớm một chiều mà nó cần phải có một thời gian dài cùng với sự kiên trì “Có công mài sắt có ngày nên kim” nếu giáo viên nôn nóng thì sẽ thất bại. III. Khả năng ứng dụng và triển khai: Qua thời gian vận dụng đề tài này, tôi nhận thấy học sinh yếu lớp tôi từng bước có tiến bộ hẳn lên, có thể triển khai và ứng dụng cho học sinh yếu toàn trường và học sinh các trường khác.
  13. IV. Những đề xuất và kiến nghị: Trong quá trình nghiên cứu đề ra các biện pháp sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp để tôi hoàn thiện sáng kiến kinh nghiệm của mình và hiệu quả đạt cao hơn . Rất mong trường có điều kiện mở lớp 2 buổi/ngày để giáo viên có điều kiện dạy các em tốt hơn. Thừa Đức, ngày 20 tháng 02 năm 2012 Người viết Huỳnh Ngọc Thúy
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2