Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ 1986-1995 giai đoạn bước ngoặt tiến tới bình thường hóa
lượt xem 96
download
Bài tiểu luận với chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1986 – 1995” sẽ đi sâu trả lời các câu hỏi chính, bao gồm “Quan hệ Việt-Mỹ trước năm 1986 như thế nào?” “Vì sao năm 1986 được xem là có tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai quốc gia?” “Nhân tố nào làm nên bước ngoặt lớn lao đó?”
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ 1986-1995 giai đoạn bước ngoặt tiến tới bình thường hóa
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại HỌC VIỆN NGOẠI GIAO KHOA CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ VÀ NGOẠI GIAO BỘ MÔN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM TIỂU LUẬN QUAN HỆ VIỆT NAM - HOA KỲ 1986 - 1995 GIAI ĐOẠN BƯỚC NGOẶT TIẾN TỚI BÌNH THƯỜNG HÓA SINH VIÊN THỰC HIỆN: Nguyễn Thị Thanh Trà – A33 Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2009 1
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại MỤC LỤC TÓM TẮT NỘI DUNG TIỂU LUẬN ................................................................... 3 MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 4 I. Nguyên nhân dẫn tới những biến chuyển trong quan hệ Việt-Mỹ giai đoạn 1986-1995 ................................................................................................... 5 1. Tình hình quốc tế và khu vực là cản trở đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia giai đoạn trước 1986 ......................................................... 5 2. Bước ngoặt trong tư duy đối ngoại Việt Nam ............................................. 7 a. Tình hình đất nước trước đổi mới ............................................................ 7 b. Nội dung đổi mới chính sách đối ngoại với Mỹ ....................................... 7 3. Những tính toán của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam................................. 9 II. Những nỗ lực bình thường hóa quan hệ của hai quốc gia ....................... 10 1. Những mốc sự kiện chính trong quá trình bình thường hóa quan hệ ......... 10 2. Những nhân tố tác động đến quá trình bình thường hóa quan hệ............... 13 a. Nhân tố Trung Quốc ............................................................................. 13 b. Vai trò của các cựu binh Mỹ ................................................................. 15 ĐÁNH GIÁ – KẾT LUẬN ...................................................................................17 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................18 2
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại TÓM TẮT NỘI DUNG TIỂU LUẬN Bài tiểu luận với chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1986 – 1995” sẽ đi sâu trả lời các câu hỏi chính, bao gồm “Quan hệ Việt-Mỹ trước năm 1986 như thế nào?” “Vì sao năm 1986 được xem là có tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai quốc gia?” “Nhân tố nào làm nên bước ngoặt lớn lao đó?” “Có cản trở nào lớn trong việc hai quốc gia tiến tới bình thường hóa quan hệ hay không?” “Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua những trở ngại đó như thế nào?” Với mạch logic đó, bài viết sẽ bao gồm các phần như sau: PHẦN 1: Nguyên nhân dẫn tới những biến chuyển trong quan hệ Việt-Mỹ giai đoạn 1986-1995. Phần này sẽ bao gồm ba luận điểm chính, đó là: 1. Tình hình quốc tế và khu vực là cản trở đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia giai đoạn trước 1986 2. Bước ngoặt trong tư duy đối ngoại Việt Nam 3. Những tính toán của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam PHẦN 2: Những nỗ lực bình thường hóa quan hệ của hai quốc gia, bao gồm: 1. Những mốc sự kiện chính trong quá trình bình thường hóa quan hệ 2. Những nhân tố tác động đến quá trình bình thường hóa quan hệ 3
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại MỞ ĐẦU Ngày 11/7/1995 đánh dấu mốc son trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ khi hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một kỉ nguyên mới, mà theo đó, như phát biểu của thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, “quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Mỹ có lợi cho cả hai nước và phù hợp với lợi ích hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.”1 Trên thực tế, kể từ sau cuộc chiến tranh lịch sử kết thúc năm 1975, quan hệ Việt – Mỹ đã trải qua những bước thăng trầm với nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt. Những bước ngoặt trong quan hệ giữa hai quốc gia trong giai đoạn này là kết quả của các nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó, quan trọng nhất là những biến chuyển của tình hình thế giới và khu vực cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 cùng với sự điều chỉnh chính sách toàn diện của Việt Nam. Những chuyển biến đó là nhân tố quan trọng tác động đến những tính toán của Hoa Kỳ, thúc đầy các lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra những thay đổi chính sách mang tính chiến lược đối với Việt Nam, khởi đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Bài viết tập trung phân tích quan hệ Việt – Mỹ trong giai đoạn 1986-1995. Giai đoạn này đánh dấu bước chuyển biến lớn lao trong tư duy của hai phía về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, những cơ hội cũng như thách thức có thể có nếu quan hệ này phát triển. Hầu hết các sự kiện chính trong giai đoạn này bao gồm những nỗ lực của hai phía vượt qua những khó khăn, trở ngại trên con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ và lộ trình hai quốc gia cựu thù tiến gần lại với nhau. Tuy nhiên, bài viết không được kết cấu theo trình tự thời gian và liệt kê sự kiện, trái lại, sẽ đi sâu phân tích các động thái có tính bước ngoặt của cả hai phía trong giai đoạn này và động lực, tính toán của mỗi bên khi đưa ra những động thái đó. Bên cạnh đó, đứng trên lập trường một học thuyết cơ bản trong hệ thống lý luận quan hệ quốc tế, bài viết cũng tập trung đánh giá một số nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ của hai quốc gia. Nội dung tiểu luận có thể còn có nhiều sơ sót, rất mong thầy cô và các bạn góp ý để bài viết hoàn thiện hơn. 1 Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai trả lời phỏng vấn Tạp chí Thông tin Lý luận, tháng 1/1991. 4
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại I. Nguyên nhân dẫn tới những biến chuyển trong quan hệ Việt-Mỹ giai đoạn 1986-1995 Năm 1986 được xem là một năm bước ngoặt trong ý thức của cả hai quốc gia đối với vấn đề bình thường hóa quan hệ. Từ thời điểm này, hai quốc gia mới thực sự “chuyển từ đối đầu sang đối thoại trong cùng tồn tại hòa bình”2. Sự biến chuyển đó không phải là ngẫu nhiên. Nó là kết quả của quá trình hai quốc gia tương tác với nhau trong sự biến chuyển của xu thế quan hệ quốc tế và tình hình nội bộ của mỗi nước. Nó cũng là kết quả của việc mỗi bên đánh giá lại chính sách của chính mình trong giai đoạn trước đó, đồng thời, chính là điểm gặp nhau trong biểu đồ lợi ích của mỗi bên. Do vậy, để phân tích bước biến chuyển này, không thể không nhắc tới tình hình quốc tế và khu vực trước năm 1986, nhằm hiểu rõ hơn những cản trở nào đã khiến quan hệ giữa hai quốc gia trong giai đoạn đó trở nên căng thẳng, và qua đó đi sâu phân tích việc các bên đã tính toán ra sao để vượt qua những cản trở này. 1. Tình hình quốc tế và khu vực là cản trở đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia giai đoạn trước 1986 Thứ nhất, xu thế quan hệ quốc tế trong giai đoạn chiến tranh lạnh có ảnh hưởng lớn đến quan hệ Việt-Mỹ. Liên Xô ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình ra nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Việc Việt Nam kí kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô năm 1978, mở đường cho nước này đặt chân vào địa bàn Đông Nam Á. Việc này đã gây lo ngại cho một số các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ, bởi nửa sau của thập niên 70 và những năm đầu những năm 80 vẫn là thời điểm hết sức căng thẳng của chiến tranh lạnh trong khuôn khổ Trật tự thế giới hai cực Yalta. Chính bước đi này của Việt Nam đã đẩy Việt Nam ra xa Mỹ, trở thành một mối lo ngại lớn trong ý đồ mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này. Bên cạnh đó, xuất phát từ mối lo ngại chung với sự bành trướng của Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc tiến lại gần nhau và hai quốc gia này đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1978. Đây cũng là một cản trở lớn trong việc Việt Nam và Mỹ xây dựng quan hệ. Mỹ lo ngại rằng việc bình thường hóa 2 Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm Ngoại giao Việt Nam 1945-1995, Tập 2: Ngoại giao Việt Nam 1975-1995, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1998, trang 274. 5
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại quan hệ với Việt Nam sẽ làm tổn thương đến mối quan hệ đang phát triển của Mỹ với Trung Quốc. Bản thân Jimmy Carter, người được xem là rất tích cực trong việc tiến đến bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 77-78, trong hồi ký của mình cũng viết rằng “Bước đi với Trung Quốc có tầm quan trọng tối cao, cho nên sau vài tuần đánh giá, tôi quyết định hoãn cố gắng về Việt Nam cho đến khi ký Hiệp định của chúng ta ở Bắc Kinh.”3 Thứ hai, vấn đề Campuchia cũng là cản trở lớn trong quan hệ giữa hai quốc gia giai đoạn đó. Thực tế là, ta “đã có những cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris, sau đó ở New York, hai bên đã đi đến tương đối gần nhau. Mỹ đã chụp ảnh toà đại sứ của chính quyền miền Nam Việt Nam ở Washington định trao lại cho ta. Cuối năm 1978, phía Việt Nam bắt tay chuẩn bị nhân sự cho sứ quán tại Washington. Sau đó vì tình hình Campuchia nên họ chấm dứt.”4 Ngay sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia, loại Khmer Ðỏ, dựng lên chính quyền Heng Samrin-Hun Sen tháng 12/1978, Trung Quốc tràn sang đánh phá miền giới Việt Nam nhằm mục đích mà theo Ðặng Tiểu Bình là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Lúc đó, Mỹ cũng ủng hộ Trung Quốc chống lại Việt Nam do lo ngại việc Việt Nam và Liên Xô mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ tuyên bố chính sách “ba không” đối với Việt Nam: không buôn bán, không viện trợ, và không bang giao với Việt Nam. Ðây là giai đoạn đoạn tuyệt bang giao, vì vấn đề Campuchia, Mỹ và Việt Nam đứng vào thế đối đầu.5 Tới tháng 2/1982, Mỹ gửi một phái đoàn chính thức sang thăm Việt Nam. Khi đặt vấn đề quan hệ hai nước, phía Mỹ cũng nhấn mạnh lập trường của mình rằng, việc thương thuyết để bình thường hóa quan hệ ngoại giao chỉ bắt đầu sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và thành thật cộng tác để đạt được giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Campuchia. Trong khi chờ đợi nỗ lực đó từ phía Việt Nam, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì chính sách “ba không”. 3 Gran-tơ-I-van-xơ và Ken-vin Râu-lây, Chân lý thuộc về ai, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1986, trang 59. 4 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng trả lời phỏng vấn Báo Lao động, Bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ: Quá trình lâu dài và chông gai. 5 GS Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện trước Ðại hội 2004 của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, George Mason University, 11/9//2004, Các Vấn Ðề Trong Bang Giao Mỹ - Việt, http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00CRBx 6
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại 2. Bước ngoặt trong tư duy đối ngoại Việt Nam a. Tình hình đất nước trước đổi mới Do chính sách đối ngoại kém linh hoạt, đóng cửa với nước ngoài mà Việt Nam ở vào tình thế vô cùng khó khăn trong những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Một mặt, chúng ta bị các thế lực bên ngoài bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị, mặt khác, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp về kinh tế trong nước đã đẩy nước ta vào khủng hoảng nghiêm trọng. Kinh tế kiệt quệ, lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân rơi vào cảnh cùng quẫn. Bên cạnh đó, vấn đề Campuchia lại càng đẩy nước ta vào thế đối đầu, thù địch với Mỹ, Trung Quốc và một số nước trong khu vực, tạo nên tình trạng mất ổn định, gây khó khăn cho việc phát triển đất nước. Chính lúc này, nhận thức được nguồn gốc của những khó khăn to lớn kể trên, xuất phát từ nhu cầu phá thế bao vây, cấm vận và nhu cầu phát triển kinh tế, Đảng và nhà nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó, đổi mới về đường lối đối ngoại là một yếu tố cực kì quan trọng. Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ giúp chúng ta tháo gỡ những khó khăn, đưa đất nước tiến một bước xa trong quá trình hội nhập và phát triển. b. Nội dung đổi mới chính sách đối ngoại với Mỹ Có thể thấy rằng, từ trước khi đường lối đổi mới chính thức được ghi nhận trong văn kiện đại hội VI của Đảng, lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhận thức được rõ tầm quan trọng của phát triển mối quan hệ Việt Mỹ. Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị tháng 7-1986 chủ trương chuyển từ đối đầu sang đối thoại trong quan hệ với Mỹ. Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam là kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, chủ động tạo thế ổn định để tập trung xây dựng kinh tế. Nghị quyết cũng khẳng định cần chủ động chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cùng tồn tại hòa bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, xây dựng Đông - Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác.6 6 Phan Doãn Nam, Ngoại giao Việt Nam sau 20 năm đổi mới, đăng trên Tạp chí Cộng sản http://203.162.0.19:8080/show_content.pl?topic=3&ID=4123 7
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại Trong buổi nói chuyện với đoàn các nhà kinh doanh Mỹ thăm Việt Nam, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng cũng nhấn mạnh rằng: “nhân dân Việt Nam muốn có mối quan hệ nhiều mặt với nhân dân Mỹ. Đáng lẽ việc này phải làm từ lâu rồi. Bây giờ là lúc phải tranh thủ cơ hội. Lợi ích về kinh tế, chính trị và các mặt khác đều cần thiết đối với các bên. Tôi nghĩ việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ về các mặt sẽ có lợi cho cả Việt Nam và Mỹ.” 7 Phát biểu tại khoá 41 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp tại NewYork ngày 6/10/1986, bộ trưởng Võ Đông Giang cũng nhấn mạnh: “Nước Mỹ có vai trò quan trọng đối với hoà bình, ổn định và hợp tác ở Châu Á Thái Bình Dương... Nhân dân Việt Nam sẵn sàng lật sang trang sử mới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.” Tới đại hội VI của Đảng tháng 12/1986, cùng với hàng loạt những đổi mới to lớn trên lĩnh vực kinh tế, tư duy đối ngoại của Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều. Với chủ trương thêm bạn bớt thù, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Mỹ trong giai đoạn đó được ghi nhận: “Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Hoa Kỳ về vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ vì lợi ích của hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.”8 Từ sau Đại hội VI, Việt Nam thực hiện bình thường hoá với Mỹ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng và những vấn đề tồn tại thông qua thương lượng hoà bình. Từ giữa năm 1988, ta đẩy mạnh chính sách tranh thủ Mỹ, từng bước phá chính sách bao vây cấm vận, tiến tới bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Ta chủ trương giải quyết cơ bản vấn đề MIA, người ra đi có trật tự, người đã cải tạo được đi Mỹ, khuyến khích chính giới, văn nghệ sĩ, nhà kinh doanh, Việt kiều ở Mỹ vào Việt Nam, trao đổi hợp tác giữa các giới khoa học, kỹ thuật, văn hoá. Tiếp sau đó, báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển”. Với chủ trương đó, việc thúc đẩy quá trình 7 Báo Nhân dân, ngày 3/12/1985. 8 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 8
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại bình thường hoá quan hệ với Mỹ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất về đối ngoại, không những phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước mà còn có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Theo đó, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền Mỹ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, đàm phán giải quyết những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước. Tiểu kết: Có thể nhận định rằng, từ sau năm 1986, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ vì lợi ích quốc gia của chính chúng ta. Cải thiện quan hệ với Mỹ không chỉ giúp ra từng bước phá bao vây, cấm vận của, tiến tới bình thường hoá và phát triển quan hệ với Mỹ, mà qua đó, chúng ta còn có thể dùng quan hệ với Mỹ tác động tới các đối tác khác, mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam.9 3. Những tính toán của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam Trước hết, hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, các nước phát triển và ASEAN hưởng ứng chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam, phần nào vô hiệu hoá chính sách cấm vận của Mỹ. Yếu tố này đã góp phần buộc chính quyền Mỹ phải điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, về vấn đề Campuchia, từ giữa những năm 80, Mỹ đi vào giai đoạn đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình với Liên Xô, Trung Quốc, hợp tác giải quyết vấn đề khu vực trong đó có vấn đề Campuchia. Mỹ chuyển từ thụ động, ủng hộ lập trường ASEAN, đặt điều kiện tiên quyết cho bình thường hoá quan hệ với Việt Nam (là giải quyết vấn đề Campuchia) sang chủ động đóng vai trò lớn trong các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an về Campuchia. Mỹ chủ động cải thiện quan hệ với Việt Nam nhằm ép Việt Nam giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho Mỹ và giải quyết vấn đề MIA.10 Về kinh tế, đối với Việt Nam, trong gần 20 năm sau chiến tranh, Mỹ vẫn áp dụng chính sách phong toả. Cấm vận tất nhiên có gây ra một số khó khăn và thiệt hại cho Việt Nam; một trong những hậu quả là dòng người tị nạn vì lí do kinh tế. Tuy nhiên, 9 Học viện Quan hệ Quốc tế, Chính sách đối ngoại CHXHCN Việt Nam (1976-1996), Tài liệu tham khảo của Bộ môn Ngoại giao Việt Nam. 10 Học viện Quan hệ Quốc tế, Hỏi đáp về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. 9
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại “chính sách cấm vận và cô lập Việt Nam cũng gây trở ngại cho chính sách và khả năng của Mỹ đóng vai trò một nước lớn ở Đông Dương và Đông Nam Á. Như vậy không chỉ thiệt hại đến lợi ích của Việt Nam mà cả lợi ích của Mỹ... Chính sách cấm vận chống Việt Nam là sự kéo dài một cuộc chiến tranh chưa từng được chính thức phát động nhưng cũng chưa từng chính thức kết thúc. Ngày nay nó không còn phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.”11 Bên cạnh đó, cũng phải nói đến tính toán của Mỹ về việc thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam, như Bill Clinton đã khẳng định “Tôi tin rằng việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam như đã từng diến ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây.”12 Về vấn đề MIA và nhân đạo, việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam là nhu cầu của bản thân nhân dân Mỹ nhằm hàn gắn vết thương tinh thần của nước Mỹ do cuộc chiến tranh Việt Nam để lại. Cải thiện quan hệ với Việt Nam cũng giúp Mỹ vượt qua sự chia rẽ trong nội bộ xã hội Mỹ về quá khứ cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Mỹ và Việt Nam tiến lại gần nhau chính là nhân tố Trung Quốc với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực. Vấn đề này sẽ được phân tích kĩ hơn trong phần sau của bài viết. II. Những nỗ lực bình thường hóa quan hệ của hai quốc gia 1. Những mốc sự kiện chính trong quá trình bình thường hóa quan hệ Sự hợp tác và nhượng bộ lẫn nhau trong vấn đề Campuchia là một trong những điểm “nóng” nhất và quan trọng nhất trong việc đầy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Về phía Việt Nam, triển khai đường lối đối ngoại đề ra trong giai đoạn 1986-1991, chúng ta đã đẩy mạnh cải thiện quan hệ với Mỹ thông qua việc giải quyết vấn đề Campuchia bằng giải pháp chính trị, đẩy nhanh tiến độ rút quan tình nguyện khỏi 11 Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai trả lời phỏng vấn Tạp chí Thông tin Lý luận, tháng 1/1991. 12 Bài tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ngày 11/7/1995. 10
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại Campuchia. Song song với đó, chúng ta cũng chủ trương giải quyết cơ bản vấn đề MIA, khuyến khích các xu thế trong nội bộ Mỹ muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.13 Về phía Mỹ, ngày 20/1/1988, tổng thống Rê-gân tuyên bố: “Trong khung cảnh một giải pháp cho vấn đề Campuchia bao gồm việc Việt Nam rút hoàn toàn quân đội ra khỏi Campuchia, Mỹ sẵn sàng đi vào bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trên cơ sở tiến bộ trong vấn đề MIA, trẻ lai, trại cải tạo.” Theo đó, ngày 26/9/1989, Việt Nam đã rút quân tình nguyện tại Campuchia và sau đó, ngày 23/10/1991 ta đã kí Hiệp định Paris về Campuchia và tôn trọng các điều khoản nêu ra trong hiệp định. Mỹ đánh giá cao thái độ xây dựng và hợp tác đó của Việt Nam, và do đó, từ đầu năm 1990, có điều chỉnh chính sách với Việt Nam.14 Tháng 7/1990, Ngoại trưởng Hoa Kỳ J.Baker tuyên bố Mỹ sẽ đối thoại trực tiếp với Việt Nam về vấn đề Campuchia và không công nhận Campuchia dân chủ ở Liên Hợp Quốc, sẵn sàng đàm phán với Việt Nam để giải quyết vấn đề Campuchia, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Từ đó, hàng loạt cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã diễn ra trong năm 1990-1991. Có thể kể ra ở đây là cuộc gặp gỡ ngày 6/8/1990 giữa Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đại sứ Trịnh Xuân Lãng và Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ K.Quinn tại New York. Nội dung chủ yếu của cuộc đối thoại là bàn về các vấn đề liên quan đến một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia. Một số ví dụ điển hình khác cho nỗ lực hợp tác của hai phía trong vấn đề này là cuộc gặp gỡ ngày 29/9/1990 giữa Ngoại trưởng Mỹ J.Baker và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch bàn về vấn đề Campuchia trong quan hệ hai nước và cuộc gặp gỡ ngày 21/11/1991 giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á – Thái Bình 13 Học viện Quan hệ Quốc tế, Chính sách đối ngoại CHXHCN Việt Nam (1976-1996), Tài liệu tham khảo của Bộ môn Ngoại giao Việt Nam. 14 TSKH. Trần Hiệp, Quan hệ Quốc tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại, Những vấn đề Quan hệ Quốc tế và đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2008. 11
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại Dương R.Solomon tại New York – đây cũng là cuộc đàm phán đầu tiên về bình thường hoá quan hệ hai nước. Một mốc thời gian đáng chú ý nữa là ngày 9/4/1991, khi Mỹ đưa ra lộ trình (roadmapping) bốn bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ đưa công khai, chính thức chính sách đối với Việt Nam. Bản lộ trình cũng đánh dấu một bước điều chỉnh chính sách quan trọng của Mỹ với Việt Nam. Nếu trước đây Hoa Kỳ coi việc giải quyết vấn đề Campuchia và vấn đề POW/MIA là điều kiện tiên quyết đối với việc bình thường hóa quan hệ thì trong bản lộ trình 4 điểm này, hai vấn đề đó chỉ được gắn với tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Sau khi đưa ra bản lộ trình này, Mỹ đã thể hiện thiện chí bằng hàng loạt các hành động, như việc viện trợ 1 triệu USD giúp Việt Nam về lĩnh vực chân tay giả, bỏ viêc hạn chế các nhóm du lịch cựu binh, nhà báo, kinh doanh tổ chức đoàn đi Việt Nam, bỏ việc hạn chế đi lại 25 dặm đối với các nhà ngoại giao Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho phép nối lại đường liên lạc bằng bưu chính Viễn thông Mỹ-Việt Nam hay cho phép xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu cơ bản của con người sang Việt Nam và nới lỏng các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ giúp nhân đạo cho Việt Nam. Tổng thống Bill Clinton lên nắm quyền, tiến trình bình thường hóa quan hệ tiếp tục được đẩy nhanh. Cụ thể, từ ngày 3 đến 8/4/1993, không lâu sau khi tổng thống Clinton lên nắm quyền, đoàn chuyên viên cấp cao thuộc trung tâm hoạch định chính sách quốc gia Mỹ do cựu Bộ trưởng Ngoại giao E.Mơxki dần đầu đã vào Việt Nam tìm hiểu tình hình nhằm kiến nghị chính sách về Việt Nam của chính quyền mới Clinton. Sau chuyến đi này, chính ông, cùng với một nhóm quan chức Mỹ gồm người của cả hai đảng, đã kêu gọi chính quyền Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cho tới ngày tháng 7/1993, Tổng thống Bill Clinton chính thức cử phái đoàn cấp cao cao của Mỹ (22 thành viên) do trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Uynxton Lót, Thứ trưởng Bộ Cựu binh E.Gô-bơ và phó chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, trung tướng M.Ryan dẫn đầu đi thăm Việt Nam. 12
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại Đoàn còn có đại diện bốn tổ chức cựu binh lớn nhất của Mỹ tham gia. Đây là đoàn cấp cao nhất vào Việt Nam từ năm 1975. Tới ngày 13/9/1993: Tổng thống Clinton quyết định nới lỏng cấm vận, cho phép các công ty Mỹ tham gia các dự án phát triển ở Việt Nam do các cơ quan tài chính quốc tế tài trợ và đến ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập Cơ quan liên lạc giữa hai nước. Ngày 11/7/1995 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ khi tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam.Tiếp đó, ngày 12/7/1995, thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và tới tháng 8/1995, Việt Nam và Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội. Ngoại trưởng Mỹ W. Christopher lần đầu tiên thăm Việt Nam. Tiểu kết: Như vậy, với nỗ lực không ngừng của giới chính khách và nhân dân cả hai nước, với sự nhân nhượng, hợp tác lẫn nhau nhằm tìm ra những điểm đồng trong lợi ích và kéo gần những khác biệt, quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù cho tới năm 1995 đã bình thường hóa, mở ra khả năng mới cho sự phát triển bền vững trong khu vực. 2. Những nhân tố tác động đến quá trình bình thường hóa quan hệ a. Nhân tố Trung Quốc Nhìn nhận bằng con mắt của chủ nghĩa hiện thực về vấn đề này, có thể đưa ra một nhận định rằng, lợi ích kinh tế mà Mỹ nhận đuợc trong quan hệ với Việt Nam không phải là quá lớn. Mục tiêu thực hiện “diễn biến hoà bình” trong trường hợp này cũng không thật sự rõ ràng. Vậy mục đích chính của Mỹ nếu không phải là an ninh thì còn có thể là gì? Đó chính là cái mà tôi tạm gọi là “bóng ma Trung Quốc” trong mối quan hệ Việt- Mỹ. Sử dụng hình ảnh tượng hình này nhằm nhấn mạnh rằng mối quan ngại về Trung Quốc từ cả hai phía đã ảnh hưởng sâu sắc đến bước ngoặt ngoại giao này. 13
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại Vậy vì sao lại là thời điểm 1995? Từ Hội nghị Trung ương 3, khóa XI (tháng 12-1978), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định đường lối cải cách mở cửa. Tính tới năm 1995, qua gần 20 năm thực hiện, công cuộc cải cách mở cửa ấy đã giành được thành tựu rất to lớn. Tới lúc này, vị thế của Trung Quốc trong khu vực đã được nâng lên rõ rệt. Tổng xuất khẩu của Trung Quốc tăng từ 9.745 triệu USD năm 1978 đến 148.979 triệu USD năm 1995, tăng 15 lần, nhập khẩu tăng từ 10.915 triệu USD năm 1978 đến 129.113 triệu USD năm 1995, tăng 12 lần. Trải qua các giai đoạn, liên kết kinh tế của Trung Quốc với khu vực đã lớn lên rõ rệt. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc. (Năm 1978 chiếm 49,4% năm 86 chiếm 53,4% và năm 1995 chiếm 48,4% tổng xuất khẩu của Trung Quốc). Nhập khẩu của Trung Quốc với khu vực cũng tăng lên rõ rệt từ 33% năm 1978 đến năm 1995 là 42,7%.15 Một cách tự nhiên, sự chi phối về kinh tế tạo thêm “quyền lực” cho Trung Quốc trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là về chính trị, kết quả là sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Như vậy, ở thời điểm 1995, trong nhận thức của các nhà lãnh đạo Mỹ, sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc – một đất nước được xem như “thế lực mới nổi lên” với đất rộng, dân số đông, về kinh tế, khoa học kĩ thuật, và đặc biệt trên lĩnh vực quân sự, vũ khí (Trung Quốc đã chế tạo được bom nguyên tử 16.10.1964, tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân 27.10.1966 và bom kinh khí 17.06.1967) đã trở thành một “cái gai” trong mắt, là mối đe dọa to lớn đối với mục tiêu an ninh và ảnh hưởng của Mỹ. Với Việt Nam cũng vậy, cho dù có sự gắn bó sâu sắc với Trung Quốc do nhiều nét tương đồng về văn hoá, lịch sử, xã hội, nhưng “trong suốt lịch sử tồn tại, Việt Nam lúc nào cũng phải lo lắng về việc Trung Quốc sử dụng quyền lực để chống lại mình - con rồng nhỏ ở phía Nam.”16 Nhất là trong bối cảnh tiềm lực của Trung Quốc ngày càng được củng cố, vị thế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao, thì mối lo ngại về an ninh của Việt Nam lại càng trở nên to lớn. 15 Website Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Lạng Sơn http://www.langsonqt.info/?q=node/251 16 Trích bài viết của Michael Mathes, “Mối quan hệ tay ba Mỹ-Việt-Trung” đăng trên VOA News http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2007-02/2007-02-22-voa36.cfm 14
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại Chính trong thời điểm nhạy cảm đó, mối quan hệ song phương Mỹ-Việt sẽ là cứu cánh cho những quan ngại của cả hai phía. Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực, hành động của Mỹ có thể xem như tìm kiếm thêm đồng minh, lôi kéo, tập hợp lực lượng, và Việt Nam được chọn làm đối tượng với mục đích cô lập Trung Quốc ở phía Nam, hậu thuẫn Việt Nam trở thành một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam với địa vị một nước nhỏ, tiềm lực quân sự không lớn, tìm đến Mỹ như một đồng minh, nhằm bảo đảm an ninh cho biên giới phía Bắc của mình. Tiểu kết: Có thể nói, mối quan ngại chung của cả hai quốc gia về một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đã tạo nên điểm đồng về lợi ích, là một nhân tố quan trọng và không thể thiết trong việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. b. Vai trò của các cựu binh Mỹ Có một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ là sau một cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài thì cựu chiến binh của hai nước lại là cái cầu sớm nhất được dựng lên để góp phần tích cực vào quá trình hoà giải một cách có trách nhiệm và hiệu quả cùng với quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nhà nước và sự hợp tác làm ăn của các nhà kinh doanh. Đóng góp này được giới chính khách của cả hai phía đánh giá rất cao. Như trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Thông tin Lý luận tháng 1/1991, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đã nói rằng “về logic mà nói bên nào càng chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh thì càng khó quên những gì họ đã trải qua... Song chúng đã không ngăn cản được các cựu binh Mỹ hữu nghị với các cựu binh Việt Nam và các gia đình Việt Nam có người thân bị chế, thương tật hoặc mất tích. Thật khó loại bỏ hoàn toàn những vết thương chiến tranh để lại, nhưng chắc rằng chúng ra có thể kiềm chế lại để tiến tới những quan hệ hợp tác mới.” Nguyên Đại sứ tại Việt Nam Pete Peterson cũng nói rằng “quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được tăng cường thêm sức mạnh nhờ những cựu chiến binh Mỹ phát động các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cho người dân Việt Nam...” Thực tế là, những cựu chiến binh chính là những người nối nhịp đầu tiên tái lập liên lạc giữa hai nước. Tại Mỹ, một nhóm nghị sĩ có nhiều điểm khác nhau, trong quá khứ và hiện tại nhưng cùng chia sẻ mối quan tâm chung tới Việt Nam. Họ chính là thế hệ nghị sĩ Mỹ của những năm 1990, những người có nguồn gốc, hoàn cảnh khác 15
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại nhau, tham gia các đảng phái chính trị đối lập nhưng cùng có mối dây kết nối với Việt Nam. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà John McCain đã từng trải nghiệm 6 năm tù tại Hỏa Lò, Hà Nội sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch năm 1969. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Kerry, một luật sư tài năng từng đi lính tại Việt Nam và đã bị thương. Ngay Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã từng là phóng viên nhật báo của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Chính những người này đã thúc đẩy sự xích lại gần nhau của hai quốc gia. Vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Peter Peterson, một cựu phi công từng bị giam giữ ở Việt Nam cũng lại là một trong những người đóng góp nhiều công sức cho những bước khởi đầu của quan hệ hai nước. Mặc dù họ thuộc những đảng phái chính trị khác nhau nhưng cùng hướng tới mục đích xoa dịu nỗi đau chiến tranh bằng việc nối lại quan hệ giữa hai quốc gia, họ đã luon ủng hộ nhau, sát cánh bên nhau, “nối nhịp Việt Mỹ”17. Điển hình như sự ủng hộ của thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain đối với Tổng thống Dân chủ Bill Clinton sau khi ông này nhậm chức. Hơn ai hết, McCain hiểu rõ Clinton sẽ gặp nhiều khó khăn trong bình thường hoá do ông chưa từng tham chiến, ít nhiều sẽ gặp nhiều khó khăn trong giải quyết vấn đề POW/MIA khi đối diện với những gia đình thân nhân quân sĩ Mỹ. Trong khi đó, bản thân McCain là nhân vật có tiếng nói, ảnh hưởng trong chính trường Mỹ đặc biệt trong vấn đề Việt Nam. Vì vậy, ngay khi Bill Clinton lên nắm quyền, nhóm 3 người McCain, John Kerry và Pete Peterson đến gặp Bill Clinton. Dù ở hai đảng đối lập, McCain nói với Bill Clinton: “Tôi sẽ sát cánh cùng ngài. Ngài cứ tiến về phía trước (trong bình thường hoá quan hệ với Việt Nam), khi ngài quay lại phía sau, ngài sẽ thấy tôi luôn ở phía sau bảo vệ ngài.” Tiểu kết: Có thể nói, một phần nhờ vào sự nỗ lực và thiện chí của thế hệ nghị sĩ cựu binh Mỹ ở Việt Nam, bình thường hóa quan hệ hai nước đã trở thành hiện thực vào năm 1995. 17 Chuyện chưa kể về những nghị sĩ nối nhịp Việt - Mỹ, đăng ngày 18/02/2008, Vietnamnet http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/02/769015/ 16
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại ĐÁNH GIÁ – KẾT LUẬN Quan hệ Việt Mỹ trong giai đoạn 1986-1995 có thể nói đã trải qua những bước ngoặt vô cùng quan trọng. Tình hình thế giới biến chuyển không ngừng cùng với việc đổi mới tư duy của lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã tạo nên những bước ngoặt đó. Thực tế là, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 được xem là một trong những thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại Việt Nam giai đoạn sau đổi mới. Với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, Việt Nam đã chủ động nối lại và phát triển quan hệ với đất nước đã từng là kẻ thù của mình, nhẳm hướng tới một tương lai mới với những cơ hội phát triển mới. Hai quốc gia đã từng bước vượt qua những vấn đề tồn tại của lịch sử và cả những bất đồng về chính trị để tiên tới xây dựng một mối quan hệ bền vững. Giai đoạn 1986-1995 cũng mở đường cho sự hợp tác lâu dài và bền vững giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế, từ kinh tế thương mai, khoa học kĩ thuật đến văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cũng góp phần vào việc tăng cường sự ổn định, hợp tác cùng có lợi của các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Tóm lại, giai đoạn 1986-1995 là bước đệm quan trọng cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Mối quan hệ ấy đáp ứng nhu cầu tự thân của cả hai quốc gia, được dư luận thế giới đánh giá cao, và làm hài lòng phần lớn nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Thay cho lời kết, tôi xin trích dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ W.Christopher và tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Hoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua nhiều năm chiến tranh và lạnh nhạt, hôm nay tiến hành trao đổi các thư chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng có nghĩa là sự cam kết mở ra chương mới, thời kỳ mới trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam.”18 “Mối quan hệ đó sẽ phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực cũng như trên thế giới.”19 18 Báo Sài Gòn Chủ nhật, số ngày 6/8/1995 19 Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ ngày 12/7/1995. 17
- Nguyễn Thị Thanh Trà – Lớp A33 Tiểu luận Chính sách đối ngoại DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Đức Định, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000. 2. Lê Văn Quang, Quan hệ Việt - Mỹ, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2005. 3. Lê Mậu Hãn, Đảng cộng sản Việt Nam – Các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 5. Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, Tập 2, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998. 6. Vũ Dương Huân, Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp Đổi mới (1975- 2002), Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2002. 7. Học viện Quan hệ Quốc tế, Chính sách đối ngoại CHXHCN Việt Nam (1976- 1996), Tài liệu tham khảo của Bộ môn Ngoại giao Việt Nam. 8. Học viện Quan hệ Quốc tế, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, Tập 2 (1975-2006), Hà Nội, 2007 9. Học viện Quan hệ Quốc tế, Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Một số bài viết và nói của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam 1985-1986, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2002. 10. Học viện Quan hệ Quốc tế, Hỏi đáp về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. 11. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ 1986 đến nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006 12. PGS. TS. Phạm Thành Dung (chủ biên), Những vấn đề Quan hệ Quốc tế và đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2008. 13. TS. Hoàng Phúc Lâm (chủ biên), Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, Vấn đề - Sự kiện, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008. 18
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiểu luận:Quan hệ chính trị Việt Nam Trung Quốc 1986-1999.Từ đối đầu đến khuân khổ 16 chữ
20 p | 504 | 114
-
Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từ sau khi bình thường hóa năm 1991 đến nay
16 p | 681 | 100
-
Tiểu luận Chính sách đối ngoại Việt Nam: Những khó khăn cản trở quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ trong những năm từ 1975 – 1985
14 p | 469 | 78
-
Tiểu luận: Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay
21 p | 659 | 78
-
Tiểu luận Chính sách đối ngoại Việt Nam: Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kì giai đoạn 1945 - 1954
17 p | 475 | 65
-
Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ bình thường hóa đến nay
21 p | 382 | 61
-
Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1975 – 1979
15 p | 230 | 54
-
Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 1986-1995
18 p | 321 | 43
-
Tiểu luận:Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam -Trung Quốc giai đoạn 1979-1991
14 p | 199 | 40
-
Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam-ASEAN (1975-1988)
15 p | 261 | 39
-
Tiểu luận: Quan hệ Việt Nam và hội các quốc gia Đông Nam Á
12 p | 207 | 35
-
Tiểu luận: Quá trình bình thường hoá mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
15 p | 156 | 35
-
Tiểu luận:Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từ khi bình thường hóa đến nay 1999
18 p | 218 | 30
-
Tiểu luận: Quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của LLSX và sự đa dạng hoá các loại hình sở hữu ở Việt Nam
18 p | 160 | 27
-
Tiểu luận: Giải pháp cho bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc
15 p | 145 | 16
-
TIỂU LUẬN: Quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự đa dạng hoá các loại hình sở hữu ở Việt Nam
16 p | 119 | 8
-
Khóa luận tốt nghiệp: Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 1995-2015
75 p | 62 | 7
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn