intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu thành ngữ và thành ngữ trong ca dao - GV Nguyễn Thị Thủy

Chia sẻ: Nguyễn Hữu Nguyên | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

445
lượt xem
34
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tham khảo Tìm hiểu thành ngữ và thành ngữ trong ca dao - GV Nguyễn Thị Thủy là tài liệu bổ ích dành cho giáo viên và học sinh tìm hiểu về ngữ pháp Tiếng Việt.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu thành ngữ và thành ngữ trong ca dao - GV Nguyễn Thị Thủy

  1. TÌM HIỂU THÀNH NGỮ VÀ THÀNH NGỮ TRONG CA DAO GV: Nguyễn Thị Thuỷ I/ Khái quát về thành ngữ 1. Khái niệm thành ngữ Nguyễn Thiện Giáp: Thành ngữ là những đơn vị định danh biểu thị khái niệm nào đó dựa trên những hình ảnh, những biểu tượng cụ thể. Hoàng Tất Thắng: Thành ngữ là những cụm từ cố định có sẵn trong ngôn ngữ mang chức năng định danh như từ dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, trạng thái, hành động, tính chất … và có tính hình tượng. Viện ngôn ngữ học: Thành ngữ là những tổ hợp từ “đặc biệt”, biểu thị nhũng khái niệm một cách bóng bẩy hoàn chỉnh về ý nghĩa, bền vững , cố định về hình thái, cấu trúc. 2. Phân biệt thành ngữ và tục ngữ +Tục ngữ: Là một câu tự nó diễn đạt trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lí, một công lí, có khi là một sự phê phán. Tục ngữ là một câu hoàn chỉnh, là một thể loại sáng tác ngang hàng với ca dao, dân ca. Tục ngữ diễn tả một ý trọn vẹn, nó là một hiện tượng ý thức xã hội mà nội dung là những phán đoán: Ví dụ: Chó cắn áo rách. Người chửa cửa mả. Nói ngọt lọt tận xương. + Thành ngữ: Là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu mà nhiều nguời đã quen dùng nhưng tự nó không diễn được một ý trọn vẹn. Thành ngữ chỉ là một nhóm từ dược dùng trong phát ngôn, trong ca dao, tục ngữ ... Nó ngang hàng với từ, thành ngữ là đơn vị định danh bậc hai của ngôn ngữ: nó là anh, từ là em. Thành ngữ có nghĩa một chiều, một mặt, nói lên một tình trạng nhưng không kết thúc. Nó là một hiện tượng ngôn ngữ mang nội dung khái niệm. 3. Nguồn gốc thành ngữ 1
  2. Giống như từ, thành ngữ là những đơn vị có sẵn, xuất hiện dần từ nhiều nguồn ở nhiều thời điểm. a. Sử dụng thành ngữ vay mượn: Chủ yếu là thành ngữ gốc Hán. + Thành ngữ mượn được sử dụng nguyên dạng: Loại này có tỉ lệ 71/ 354 chiếm 20% số thành ngữ mượn: Tự cấp tự túc; Tự lực cánh sinh… + Thành ngữ mượn đuợc dịch một bộ phận: Hữu thủy hữu chung Có thủy có chung. + Thành ngữ mượn được dịch toàn bộ: Bách chiến bách thắng Trăm trận trăm thắng + Thành ngữ dịch nghĩa: Tọa thực sơn băng Ngồi ăn núi lở. Phong y túc thực Đủ ăn đủ mặc. Các kiểu trên đều giữ nguyên dạng hoặc dịch chữ - dịch ý. Có thể có những biến dạng: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. b. Thành ngữ được cấu tạo từ chất liệu Việt ngữ: + Định danh hóa các tổ hợp từ tự do thành cụm từ cố định có tính ổn định về thành phần, chặt chẽ về cấu trúc, hoàn chỉnh về ngữ nghĩa: Cháy nhà ra mặt chuột Không có lửa sao có khói + Mô phỏng theo cấu trúc các thành ngữ có trước: Từ kiểu cấu tạo ABAC ta có: Bữa đực bữa cái hoặc Mắt trước mắt sau … Từ kiểu như B ta có: Như cái máy, hoặc Như đóng kịch… Từ nhất A nhì B ta có: Nhất thân nhì quen hoặc Nhất cự li nhì cường độ... 4. Cấu tạo thành ngữ tiếng Việt a. Thành ngữ được cấu tạo theo quy tắc đối Loại này phổ biến nhất, chiếm 56% tổng số, có tính chất đối ứng giữa các bộ phận và các yếu tố tạo nên thành ngữ. Hầu hết là gồm 4 yếu tố lập 2
  3. thành hai vế đối ứng nhau, quan hệ giữa hai vế được thiết lập nhờ tính tương đồng về ngữ nghĩa, ngữ pháp. Phép đối ứng được xây dựng qua hai bậc: đối ý và đối lời: Ví dụ: Đầu voi đuôi chuột; Đầu xuôi đuôi lọt; trên đe dưới búa; Mẹ tròn con vuông… Trong quan hệ đối lời, nội dung ngữ nghĩa trong hai vế phải thuộc một phạm trù: Mồm - miệng trong Mồm năm miệng mười. Đầu - tai trong Đầu cua tai nheo. Bên cạnh sự đồng nhất về phạm trù ngữ nghĩa còn phải đạt đến sự đồng nhất về ngữ pháp nghĩa là A và B phải cùng từ loại: Vào luồn ra cúi - cả hai vế đều là động từ. Từ đó, cho phép thành ngữ đối khai thác tất cả các quan hệ ngữ nghĩa: đồng nghĩa, trái nghĩa, gần nghĩa; làm xuất hiện thành ngữ điệp, lặp: Mắt trước mắt sau; Hứa hươu hứa vượn; Nói ngon nói ngọt; Thề sống thề chết ... Phần lớn thành ngữ đối gồm 4 yếu tố tạo thành hai vế đối lập về nghĩa theo mô hình cấu tạo: AxBy hoặc AxAy - Lặp âm: Chân ướt chân ráo, Ăn bớt ăn xén… - Hợp thanh: Ăn xổi ở thì; Đầu sóng ngọn gió… - Hiệp vần: Cốc mò cò xơi; Được voi đòi tiên … - Xây nhịp đôi: Năm bè bảy mối; Ba đầu sáu tay… - Thiết lập quan hệ đối xứng bằng khai thác tất cả các biện pháp: Trống đánh xuôi kèn thổi ngược… - Phát triển thành thành ngữ đối có tám yếu tố: Nói như rồng leo, làm như mèo mửa... b. Thành ngữ được cấu tạo theo quy tắc so sánh Cần phân biệt thành ngữ so sánh với tổ hợp so sánh tự do. Nếu tổ hợp so sánh tự do thường tuân theo mẫu cấu trúc A như B , ( A ) như B thì tạm suy ra mẫu cấu trúc của thành ngữ so sánh: 3
  4. có { t } như B, trong đó: { t } /_ không \ có thể có, có thể không. Như vậy “như B" là bộ phận bắt buộc và ổn định, nếu phá vỡ cấu trúc so sánh sẽ không còn thành ngữ so sánh . "B" thường gợi tả những hình tượng điển hình đậm đà màu sắc dân tộc: Vắng như chùa bà Đanh; Khỏe như vâm ..." t " không nhất thiết phải ổn định trên bề mặt cấu trúc. Nó ẩn hiện rất linh hoạt: Như ngàn cân treo sợi tóc; Như muối bỏ bể .. c. Thành ngữ cấu tạo bằng ghép từ. Loại này không sử dụng phép đối, phép so sánh mà là cố định hóa, thành ngữ hóa một đoạn tác ngôn vốn được cấu tạo trên cơ sở luật kết hợp bình thường trong tiếng Việt: Theo voi hít bã mía; Gió chiều nào xoay chiều ấy; Trăm voi không được bát nước xáo; Vạch áo cho người xem lưng; Chọc gậy bánh xe ... 5. Đặc điểm thành ngữ a. Tính hình tượng: Đây là đặc trưng cơ bản của thành ngữ. Thành ngữ được cấu tạo dựa vào quy tắc ngữ pháp, quy luật âm thanh, nhưng những quy luật trên đều do sự chi phối của quy tắc ngữ nghĩa - đó là cơ sở tạo nên tính hình tượng. Bởi vì, thành ngữ bao giờ cũng có hai nghĩa: nghĩa đen là do bản thân nghĩa của các thành tố trong tổ hợp từ mang lại nên có tính cụ thể sinh động giàu hình ảnh. Nghĩa bóng, được nảy sinh trên cơ sở các quy tắc chuyển nghĩa nhất định, nghĩa bóng có tính trừu tượng, khái quát và có sắc thái biểu cảm thể hiện sự đánh giá có tính chất thẩm mỹ của những hình ảnh được lấy làm biểu tượng. Như vậy tính hình tượng (nghĩa bóng) của thành ngữ được thể hiện một cách phong phú đa dạng qua các hình thức chuyển nghĩa: - Phép ẩn dụ: Chó ngáp phải ruồi; Cá chậu chim lồng; Buộc chỉ chân voi; nuôi ong tay áo.. 4
  5. - Phép so sánh: Xanh như tàu lá; Đẹp như tiên ... - Phép hoán dụ: Mặt hoa da phấn; Chân đồng da sắt; Chân lấm tay bùn; Nhà tranh vách đất - Phép chuyển đổi cảm giác: Lè nhè như chè thiu; Khinh khỉnh như chĩnh mắm thối ... - Phép ngoa dụ: Rán sành ra mỡ; Vắt cổ chày ra nước; Ruột héo xương mòn... b. Tính chặt chẽ, hàm súc. Đặc tính này có quan hệ nhân quả với tính hình tượng. Nó được xây dựng nhằm đạt hiệu quả ít lời nhiều ý. Tính hàm súc này còn do nghĩa bóng (nghĩa hình tượng) mang lại. Nó cô đọng nhờ việc giản lược những từ không cần thiết nhằm hình thành những cấu trúc cân đối, đối xứng. Bên cạnh giản lược còn có nói lửng, khiến ta có cảm giác thiếu phần trước và ta có thể ghép bất kì đối tượng nào mà ta cảm thấy phù hợp. Ví dụ: ...như cá với nước; ....như răng với môi c. Tính cân đối. Xuất phát từ đặc điểm cấu tạo theo quy tắc đối. Tính cân đối thể hiện ở ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa: Cụ thể là số lượng âm tiết bao giờ cũng chẵn, nội dung của hai vế luôn cân đối nhau. - Hai vế cùng chiều: bổ sung, phối hợp, nhấn mạnh một tính chất, đặc điểm: Mèo mả gà đồng. - Hai vế ngược chiều: Không phủ định nhau mà chỉ chọi nhau, tương phản nhau nhằm khắc họa nhấn mạnh tính mâu thuẫn, thiếu hài hòa: Miệng hùm gan sứa; Mặt sứa gan lim ... Tính cân đối còn thể hiện ở sự hài hòa về âm thanh, luật bằng trắc: Nhà tranh vách đất; Xanh vỏ đỏ lòng... Nghệ thuật đối chọi rất chỉnh cả âm lời và ý của từng thành tố trong từng vế cấu trúc của thành ngữ đã chi phối tính chặt chẽ tạo nên âm điệu nhịp nhàng, uyển chuyển, giàu sắc thái biểu cảm. 5
  6. d. Tính phong phú và đa dạng. Với số lượng lớn, thành ngữ tiếng Việt phong phú đa dạng về cách thức phản ánh, phương tiện biểu hiện. - Thành ngữ đồng nghĩa: cùng một nội dung ý nghĩa có nhiều thành ngữ mang sắc thái tình cảm và phong cách khác nhau. Với nội dung của cải ít nhưng người cần nhiều, ta có thể sử dụng những thành ngữ: Của ít người đông; Bụt nhiều oản ít; Mật ít ruồi nhiều, ... - Thành ngữ khác nghĩa: Chỉ sử dụng đối với một sự vật hiện tượng, tính chất nhất định: Chạy như đèn cù; Chạy như vịt; Chạy long tóc gáy... e. Tính quy luật. Tính hình tượng cô đọng hàm súc của thành ngữ đã làm nên hệ quả là tính quy luật của thành ngữ. Nội dung của nó là sự đúc kết, cố định kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế. Đó là sự kết tinh trí tuệ của quần chúng cho nên dù nội dung được phản ánh cụ thể sinh động bằng hình tượng nhưng có sức khái quát và điển hình cao. Ví dụ: Thể hiện sự sống mong manh thì không có hình ảnh nào khái quát hơn hình ảnh: Ngọn đèn trước gió; Ngàn cân treo sợi tóc,... II/ Việc sử dụng thành ngữ trong ca dao 1. Sự sử dụng linh hoạt thành ngữ trong ca dao a. Sử dụng nguyên vẹn thành ngữ. Đến với thế giới ca dao, dân ca Việt Nam, chúng ta được mục kiến những bức tranh phong phú, đa diện sinh động về đất nước, con người Việt nam với những vẻ đẹp thiên nhiên, tâm hồn, tính cách, phong tục, tập quán… Ca dao thể hiện tình yêu đất nước, xóm làng, yêu thiên nhiên, yêu gia dình, tình yêu nam nữ. Ngoài biểu hiện đời sống tình cảm, ca dao còn phản ánh ý thức đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội ...ý thức vươn lên không ngừng để giành lấy hạnh phúc. Thế giới trữ tình đó thường được thể hiện dưới hình thức ngắn gọn: có thể hai, bốn, sáu, tám… câu với âm điệu lưu loát phong phú. Vì được lưu 6
  7. truyền bằng hình thức truyền miệng cho nên, ca dao thường dùng lời ăn tiếng nói hàng ngày để diễn đạt. Việc vận dụng thành ngữ sẽ tạo nên cách diễn đạt dễ nhớ, dễ thuộc mà đạt hiệu quả hơn. “Còn duyên kẻ đón người đưa, Hết duyên vắng ngắt như chùa bà Đanh”. Rõ ràng, khi vận dụng nguyên vẹn thành ngữ trên, tác giả dân gian đã diễn tả được sự cô độc lạnh lẽo của một người con gái đã qua tuổi xuân thì. Nếu không sử dụng thành ngữ ắt hẳn nhân dân ta phải diễn tả rất dài dòng mới lột tả hết được sự hẩm hiu thiếu vắng người bạn đời của cô gái nọ. “Rủ nhau xuống bể mò cua Đem về nấu quả mơ chua trên rừng. Em ơi chua ngọt đã từng Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.” Thành ngữ này nhấn mạnh sự kiên định trong lĩnh vực tình cảm, thể hiện mơ ước muôn đời của con người, họ mong muốn nghĩa vợ chồng phải gắn bó keo sơn, vững bền vượt qua mọi gian lao, thử thách, chế ngự cả không gian và thời gian. “Còn duyên kén cá chọn canh Hết duyên củ ráy dưa hành cũng vơ.” Không có từ ngữ nào diễn đạt sự đỏng đảnh, so bì thiệt hơn hay hơn thành ngữ trên. Khi vận dụng nó vào bài ca dao, người đọc hình dung ra một con người dù khó tính khắc khe đến đâu cũng phải đầu hàng trước cỗ máy thời gian. Cần phải nắm lấy thời cơ khi còn có cơ hội.Còn nói về tính trăng hoa của người đàn ông, nhằm trách cứ những chàng trai phong tình, không từ ngữ nào hay hơn thành ngữ: “Mang bầu tới quán rượu dâu Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình.” Thể hiện sự thật hiển nhiên, nhân dân ta cũng vận những thành ngữ: “Lo gì mà lo bò trắng răng Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò. 7
  8. Hoặc lênh đênh nước chảy bèo trôi Chờ khi nước lụt bèo ngồi đầu sen.” Nói về nỗi vất vả cực khổ của ông cha ta thời xưa, câu ca dao vận dụng thành ngữ: “Người ta đi cấy lấy công Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề Trông trời, trông đất, trông mây Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm Trời yên bể lặng, mới yên tấm lòng.” Thành ngữ cũng góp phần nhấn mạnh sự tảo tần khuya sớm của người nông dân, họ trông mong vào thiên thời địa lợi nhân hòa, họ như chưa bao giờ hết lo lắng cho thành quả lao động của mình: Người ta rượu sớm trà trưa Em nay đi nắng về mưa đã nhiều Lạy trời mưa thuận gió đều Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em.” Để chỉ sự khó khăn gian khổ vượt quá sức lực con người, người ta dùng thành ngữ: “Sông sâu sóng cả em ơi! Chờ cho sóng lặng, buồm ta xuôi dòng Trót đa mang vào kiếp bềnh bồng Xuống ghềnh lên thác một lòng ta thương nhau.” Không có từ ngữ nào ca ngợi sức mạnh của tình yêu bằng thành ngữ xuống ghềnh lên thác. Chúng ta đã gặp hình ảnh Tam tứ núi cũng trèo ...nhưng rõ ràng, sự gian lao nguy hiểm không thể sánh bằng. Và càng nói đến nguy hiểm thì càng nhấn mạnh độ mặn nồng của tình yêu. 8
  9. Cũng sử dụng thành ngữ trên cùng với sự kết hợp thành ngữ đứng mũi chịu sào ta càng thấy sự sâu đậm của tình yêu hơn: “Chẳng giậm thì thuyền chẳng đi, Giậm ra ván nát thuyền thì long đanh. Đôi ta lên thác xuống ghềnh Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.” Thể hiện sự yếu ớt của người đàn ông, tác giả dân gian nói: “Con nhạn chắp cánh bay chuyền Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.” Chứng tỏ, cha ông ta rất am hiểu điển tích, điển cố và biết vận dụng thành thạo, chính xác thành ngữ này, tạo nên một nét nghĩa vừa cụ thể vừa bóng bẩy làm hiện lên một hình ảnh anh chồng vừa ốm nhom gầy còm về thể xác vừa bạc nhược về tinh thần. Hoặc: “Mua thịt chớ mua thịt mông Lấy chồng chớ lấy dở ông dở thằng.” Thay vì nói lấy người dở dở ương ương khôn không ra khôn dại không ra dại, dùng thành ngữ này, tác giả dân gian đã diễn đạt được một cách cô đọng về người chồng không ra gì. Ngoài ra nhân dân ta còn vận dụng nguyên vẹn thành ngữ vào ca dao để chê bai những thói hư tật xấu: “Xin đừng bắt cá hai tay Cá lội dưới nước, chim bay lên trời.” Hay: “ Sáng ngày bầu dục chấm chanh Trưa gỏi cá cháy tối canh cá chày.” Bắt cá hai tay là hành động tham lam cũng như Đứng núi này trông núi nọ, cái gì cũng muốn thì tất yếú sẽ dẫn đến thất bại. Còn Bầu dục chấm chanh là một món ăn không đúng cách, ở đây nhằm chê bai người phụ nữ vụng về cả đối nhân xử thế và cả về nội trợ ... b. Sử dụng sáng tạo một vài yếu tố của thành ngữ: Từ thành ngữ ăn ngay nói thẳng ca dao có câu: “Ăn mặn nói ngay 9
  10. Còn hơn ăn chay nói dối” Hoặc Héo ruột héo gan có câu: “Ai làm cho dạ sư sầu Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.” Cách dùng linh hoạt như vậy khiến cho thành ngữ càng thêm bóng bẩy và người nghe có cái thích thú vì được nhắc lại lời ăn tiếng nói của mình. Với câu: “Đi thì nhớ vợ nhớ con Về nhà nhớ củ khoai môn trên rừng.” Chúng ta dễ dàng nhận ra câu ca dao được sáng tạo dựa trên thành ngữ ra môn ra khoai. Mặc dù, cách sử dụng có phần xa so với ý gốc, song vẫn có nét gần gũi tương đồng giúp người đọc dễ cảm nhận được nỗi nhớ : nhớ cho ra nhớ. Hoặc: “Làm trai lấy được vợ hiền Như cầm đồng tiền mua được của ngon Phận gái lấy được chồng khôn Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.” Câu ca dao vừa sử dụng thành ngữ cá vượt vũ môn lại vừa khéo léo hướng chúng ta đến với thành ngữ rồng đến nhà tôm, làm cho ý nghĩa biểu đạt càng được tô đậm hơn. Có những câu ca dao không hề có sử dụng từ nào của thành ngữ nhưng ta vẫn nhận ra nhờ ý nghĩa tổng hợp của nó: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.” Đó là thành ngữ: say như điếu đổ. Hoặc: “Sông sâu đáy biển dễ dò Lòng người sâu thế ai đo cho tường.” Bài ca dao khiến ta liên tưởng đến thành ngữ Khẩu phật tâm xà và thành ngữ có ý nghĩa ngược lại: Ruột để ngoài da. Vận dụng thành ngữ sắc như nước nhân dân ta có: “Cổ tay em trắng như ngà 10
  11. Con mắt em liếc như là dao cau. Miệng cười như thể hoa ngâu Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.” Hoặc sáng tạo hơn là từ thành ngữ Áo gấm đi đêm nghĩa là chưng diện sự giàu sang mà không ai biết đến, cha ông ta đã mượn ý áo gấm chỉ sự giàu sang để ca ngợi tình cảm thủy chung son sắt của người vợ đối với chồng: “Chồng em áo rách em thương Chồng người áo gấm xông hương mặc người.” Hay: “Gà kia mày gáy chiêu đăm Để chúa tao nằm tao ngủ chút nao.” Sự liên tưởng rất xa về thành ngữ chân đăm đá chân chiêu giúp ta thấy được nỗi khổ của kẻ hầu người hạ. Từ thành ngữ ván đã đóng thuyền ta liên tưởng đến câu: “Bây giờ em đã có chồng Như chim vào lồng như cá cắn câu” Hay là: “ Đầu năm thương quả thanh yên. Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bòng. Vì cam cho quýt đèo bòng Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương” Ta dễ dàng nhận ra bài ca dao trên thành ngữ quýt làm cam chịu để thể hiện tình yêu một cách duyên dáng. Đó là một lời tỏ tình dễ thương khó có thể từ chối. Trong ca dao còn có sự sáng tạo bằng cách tách hai vế của thành ngữ nhằm nhấn mạnh: “Thương em như lá đài bi Ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương.” 2. Phương thức thể hiện thành ngữ trong ca dao a. Phương thức so sánh 11
  12. - “Trên đời gì rẻ bằng bèo Chờ khi nước lụt bèo trèo lên sen Trên đời gì tốt bằng sen Quan yêu dân chuộng rã bèo cũng hư” - “Dù ai xấu xí như ma Tắm nước Đồng Lẫm cũng ra con người. Người đẹp như tiên Tắm nước Đồng Tiền cũng xấu như ma.” - “Nước trong xanh lơ lửng như con cá vàng Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao.” - “Ấp úng như thúng đứt vành. Trả lời không được phải đành ngậm câm.” Ca dao Việt Nam rất chưộng hình thức ví von. Tác giả dân gian ít khi nói thẳng mà thường mượn một hình ảnh khác để ngụ ý, dùng phép so sánh là để cụ thể hóa những gì trừu tượng, để diễn tả những tình cảm kín đáo, gửi gắm tâm sự. Và nhân dân ta đã chọn những thành ngữ so sánh chính xác giúp người đọc dễ nhận, dễ hiểu. Quả thật, thành ngữ rất quen thuộc, cho nên khi sử dụng vào ca dao, người đọc cảm thấy dường như đã thuộc hoặc đã gặp đâu đó. Lối so sánh trực tiếp tạo hiệu quả bất ngờ, thú vị. b. Phương thức ẩn dụ Đây là lối so sánh gián tiếp thể hiện một thủ pháp nghệ thuật tế nhị hơn, kín đáo hơn. Đó là cách nói bóng gió, dí dỏm và hết sức sâu sắc: - “Đất bụt mà ném sân trời Ông Tơ bà Nguyệt se dây nhợ nửa vời ra đây! Cho nên cá chẳng bén câu, Lược chẳng bén đầu chỉ chẳng bén kim” -“ Thương nhau nên phải đi tìm Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn.” 12
  13. - “Người thương ơi cho em gửi đôi điều Dẫu mà mai quán chiều lều cũng ưng.” - “Cõng rắn về cắn gà nhà Nghìn thu tội với sơn hà còn đeo.” - “Bây giờ em đã có chồng Như chim vào lồng như cá cắn câu.” c. Phương thức hoán dụ Phương thức này đem đến cho ca dao một cách thể hiện hàm súc, tinh vi hơn: - “Ở đây tai vách mạch rừng Những điều bí mật xin đừng ba hoa.” - “Xin đừng bắt cá hai tay Cá lội dưới nước chim bay trên trời.” d. Phương thức ngoa dụ Trong ca dao ta bắt gặp nhiều cách nói ngoa dụ, song khi dùng thành ngữ ngoa dụ thì ý nghĩa bài ca dao được tô đậm thêm: - “Dù cho sông cạn đá mòn Bắc Nam ta vẫn là con một nhà” -“ Chém cha cái lũ giặc già Dân ta tức nước vỡ bờ rồi đây.” - “Cổ tay em trắng như ngà Con mắt em liếc như là dao cau.” 3. Màu sắc biểu cảm của thành ngữ trong ca dao Thành ngữ là đơn vị định danh hình tượng. Mặt khác, tính chất đối của thành ngữ làm cho kết cấu của nó thêm vững chắc, làm cho nghĩa của nó thêm gợi cảm. Do đo, ca dao có vận dụng thành ngữ thì sẽ sâu sắc, gợi cảm, hấp dẫn hơn. Đó là sự biểu đạt bằng những hình ảnh biểu trưng. Tùy thuộc vào sự đánh giá tốt xấu, vào tính chất thẩm mĩ của những hình ảnh được lấy làm dấu 13
  14. hiệu biểu trưng mà thành ngữ trong ca dao mang những màu sắc, bình giá khác nhau: Màu sắc bình giá dương tính thiên về ngợi ca: - “Cô hai buôn tảo bán tần Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa” - “Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.” Màu sắc bình giá âm tính thiên về chê bai đả kích: - “Mênh mông góc bể chân trời Hỡi người thiên hạ, nào người tri âm.” - “Buồn riêng thôi lại tủi thầm Một duyên hai nợ ba bốn lầm lấy nhau.” III. Kết luận Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao là một trong những viên ngọc quý. Nó luôn có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Khi thành ngữ đi vào bài ca dao thì bài ca dao trở nên gần gũi, giàu nhạc điệu, cách biểu hiện trở nên cụ thể hơn. Bởi "cách nói hình ảnh và hàm súc của thành ngữ lắm khi phải dùng nhiều trang sách mới minh hoạ được" M.Gorki. Cho nên, các tác giả dân gian đã vận dụng tối đa thành ngữ nhằm sử dụng triệt để những ưu thế của nó. Thiết nghĩ, chúng ta nên quan tâm giữ và mài giũa cho viên ngọc thành ngữ đã sáng, ngày càng thêm trong... Việc nghiên cứu, tìm hiểu về thành ngữ còn là một chân trời rộng mở phía trước. Rất mong sự chỉ giáo, góp ý... 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0