intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của tóm tắt luận án "Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam" là nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện những biểu hiện của tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam trên hai bình diện nội dung và hình thức qua từng loại đối tượng, từng thời kì lịch sử, nhằm làm rõ sự hình thành, vận động, phát triển của tư tưởng thị tài; xem xét những yếu tố cấu thành, chi phối sự thể hiện tư tưởng thị tài của tác giả trong tác phẩm của họ;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ================ TẠ THU THỦY TƯ TƯỞNG THỊ TÀI TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam (Trung đại) Mã số: 9.22.01.21 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI – 2024
  2. CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Lã Nhâm Thìn Phản biện 1: GS.TS. Trần Nho Thìn, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội Phản biện 2: PGS. TS. Trần Thị Trâm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trường ĐHSP Hà Nội Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp ………… họp tại: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào hồi …. giờ … ngày … tháng… năm 2024 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Thư viện Quốc Gia, Hà Nội hoặc Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
  3. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Tư tưởng thị tài có nguồn gốc từ triết học đi vào văn học, thể hiện nhân sinh quan, quan điểm, phong cách của người viết. Trong văn học, tư tưởng thị tài thể hiện ở ý thức về tài năng cùng khát vọng cống hiến tài năng ấy cho cộng đồng của cá nhân. Dưới tác động của các yếu tố văn hóa, xã hội và các luồng tư tưởng khác, tư tưởng thị tài có một quá trình diễn tiến khá phức tạp, phong phú. Nghiên cứu Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam là một cách để hiểu rõ hơn tâm hồn, ý chí, lòng tự tôn, khát vọng sinh tồn và phát triển của người Việt. 1.2. Đã từng có những nghiên cứu về tư tưởng thị tài nhưng chưa có các nghiên cứu chuyên sâu, chuyên biệt. Các nhà nghiên cứu xem thị tài như một phẩm chất có tính riêng biệt của các nhà nho tài tử và chỉ được thể hiện trong sáng tác của họ vào cuối thế kỷ XVIII. Nhưng khảo sát cho thấy thị tài là nét tâm lí mang tính phổ biến trong ý thức con người. Trong văn học trung đại, tư tưởng thị tài được thể hiện rất sớm và diễn tiến theo những thăng trầm của lịch sử. Nghiên cứu Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam, luận án muốn đưa ra góc nhìn mới mẻ, toàn diện, sâu sắc hơn về quá trình hình thành, phát triển của tư tưởng thị tài trong văn học Việt Nam thời trung đại 1.3. “Nhân tài đối với quốc gia có mối quan hệ rất lớn” (Bia năm 1448 tại Văn miếu Quốc Tử Giám). Nhưng lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam trải qua nhiều biến động thăng trầm khiến vai trò, vị trí, số phận người tài trong xã hội, ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, có nhiều thay đổi. Kéo theo đó là bao cung bậc cảm xúc của thi nhân: hoặc tin tưởng, kiêu hãnh vì tài năng đắc dụng, hoặc phẫn uất, đau buồn, tủi thẹn vì tài năng bị vùi dập, lãng quên… Nghiên cứu Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam, luận án muốn lí giải về thái độ, quan niệm, cách sử dụng tài năng của người tài trong mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc 1.4. Nhiều tác phẩm văn học thể hiện tư tưởng thị tài được đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Vì vậy, việc nghiên cứu Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn lớn đối với việc giảng dạy, nghiên cứu văn học trong nhà trường các cấp. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện những biểu hiện của Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam trên hai bình diện nội dung và hình thức qua từng loại đối tượng, từng thời kì lịch sử, nhằm làm rõ sự hình thành, vận động, phát triển của tư tưởng thị tài; Xem xét những yếu tố cấu thành, chi phối sự thể hiện tư tưởng thị tài của tác giả trong tác phẩm của họ; Lý giải vì sao người tài trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau có cách ứng xử với tài năng khác nhau; Đánh giá vai trò, đóng góp của tư tưởng thị tài với sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Nghiên cứu sự biểu hiện vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa ở nội dung, vừa ở hình thức thể hiện của tư tưởng thị tài. 3.2. Phạm vi nghiên cứu: 3.2.1. Phạm vi nội dung: Luận án hướng đến nhận diện, phân loại tư tưởng thị tài qua loại hình tác giả; qua cách khoe tài (văn chương, kinh bang tế thế, hành lạc), qua tâm thế (ngạo tài, thẹn tài). Luận án xem xét tư tưởng thị tài trong mối quan hệ với các yếu tố khác (Tài - Đức, Tài - Danh, Tài - Mệnh, Tài - Tình). Luận án cũng tìm hiểu diễn tiến tư tưởng thị tài từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. 3.1.2. Phạm vi tư liệu: Tư liệu được sử dụng trong luận án chủ yếu là Tổng tập văn học Việt Nam, (từ tập 1 đến tập 17). Ngoài ra có: Thơ văn Lý Trần; Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập (Nguyễn Trãi); Nguyễn Trãi toàn tập tân biên; Tổng tập văn học Nôm Việt Nam; Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; Thơ văn trạng Bùng Phùng Khắc Khoan; Ngô Thì Nhậm toàn tập; Thơ chữ Hán Nguyễn Du; Thơ Hồ Xuân Hương; Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử; Cao Bá Quát toàn tập (2 tập); Nguyễn Khuyến - Tác phẩm; Tú Xương toàn tập. Số bài thơ chúng tôi khảo sát là 7081 bài. 4.Phương pháp nghiên cứu 4.1. Phương pháp văn học sử: Nghiên cứu tư tưởng thị tài trong sự vận động mang tính lịch sử,
  4. 2 trong tương quan với bối cảnh lịch sử, bao gồm cả lịch sử xã hội và lịch sử văn học. 4.2. Phương pháp hệ thống: Đặt tư tưởng thị tài trong các hệ quy chiếu khác nhau để nhận ra quá trình hình thành và phát triển cùng những tác động qua lại của đối tượng nghiên cứu với các yếu tố khác của môi trường bên ngoài. Từ đó, khái quát những đặc trưng cơ bản của tư tưởng thị tài. 4.3. Phương pháp so sánh - đối chiếu: So sánh, đối chiếu biểu hiện của tư tưởng thị tài ở các giai đoạn, các loại hình tác giả, các loại hình tư tưởng khác để rút ra được điểm gặp gỡ, kế thừa và những nét riêng không lặp lại trong cách thể hiện tư tưởng thị tài của các tác giả. 4.4. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Tư tưởng thị tài có quan hệ với nhiều vấn đề khác như tư tưởng triết học, văn hóa, xã hội… Do đó, luận án vận dụng, kết hợp thành tựu các bộ môn khoa học xã hội có liên quan như văn hóa, lịch sử, địa lí, triết học… nhằm thấy được những ảnh hưởng tác động đó đến đối tượng nghiên cứu. 4.5. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phân tích các yếu tố bộ phận trên nhiều bình diện. Từ đó, khái quát về đối tượng một cách chính xác nhất, thấy được những biểu hiện và quá trình vận động của tư tưởng thị tài trong thơ trung đại. 4.6. Phương pháp loại hình: Về loại hình chủ đề - nội dung, luận án nghiên cứu tất cả các bài thơ cùng thể hiện tư tưởng thị tài. Về loại hình thể loại, luận án nghiên cứu tư tưởng thị tài ở thơ chữ Hán, chữ Nôm, hát nói. Về loại hình tác giả, luận án nghiên cứu biểu hiện của tư tưởng thị tài ở loại hình tác giả là nhà thơ thiền, vua, chúa – quý tộc và nhà nho. Ngoài ra, luận án kết hợp sử dụng các thao tác nghiên cứu như: khảo sát, thống kê, phân loại, hệ thống hoá các biểu hiện của tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam. 5. Đóng góp mới và ý nghĩa của luận án 5.1. Tổng hợp các lí thuyết nghiên cứu về vấn đề thị tài để góp phần đề xuất, xác lập khái niệm tư tưởng thị tài. 5.2. Trình bày một cách hệ thống và khoa học cơ sở hình thành, diễn tiến của tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam. 5.3. Nhận diện, phân loại những biểu hiện của tư tưởng thị tài qua loại hình tác giả, qua cách khoe tài, qua tâm thế thị tài của người viết và xem xét mối quan hệ giữa tài năng với các yếu tố khác như Tài - Đức, Tài - Danh, Tài - Tình, Tài - Mệnh. 5.4. Xem xét tư tưởng thị tài từ phương thức thể hiện. 5.5. Luận án là tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy ở nhà trường các cấp. 6. Cấu trúc luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục luận án gồm bốn chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu. Chương 2: Cơ sở hình thành và diễn tiến của tư tưởng thị tài. Chương 3: Tư tưởng thị tài nhìn từ phương diện nội dung Chương 4: Tư tưởng thị tài nhìn từ phương thức thể hiện. CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Giới thuyết khái niệm 1.1.1. Khái niệm Về nghĩa của Tài (才), sách Từ Nguyên, Từ Hải, Hán ngữ đại từ điển giải thích Tài (才) là “tài năng” (才能)hoặc “người có tài năng”. Từ nguyên của Tài (才) có lẽ bắt nguồn từ thời tiền Tần. Về nghĩa của Thị tài:(恃才) sách Từ Nguyên, Từ Hải, Từ điển Hán ngữ hiện đại giải thích Thị (恃) là “phụ thuộc vào”, “dựa vào”. Thị tài được dùng trong những cụm từ cố định như Thị tài ngạo vật: dựa vào tài năng mà kiêu căng tự phụ, coi thường người khác. Thị tài phóng khoáng: dựa vào tài năng của mình mà không bị gò bó hoặc ràng buộc bởi nghi thức thế tục. Vậy, Thị tài (恃才) là dựa, cậy vào tài năng, dựa vào việc mình có tài mà… (làm gì đó). Về khái niệm Tư tưởng, Từ điển triết học, Từ điển thuật ngữ triết học, Từ điển thuật ngữ văn học đều cho rằng tư tưởng là phản ánh của hiện thực đời sống xã hội trong ý thức của con người, thể hiện quan điểm của con người trước hiện thực. Trong văn học, tư tưởng là suy nghĩ, thái độ của nhà văn đối với các vấn đề của đời sống xã hội và con người.
  5. 3 Vậy, Tư tưởng thị tài là suy nghĩ, nhận thức (chủ quan) về mức độ tài năng của bản thân ở mỗi người dẫn đến việc khoe tài, cậy tài để hành động theo ý muốn. Tư tưởng thị tài cho thấy nhận thức, quan điểm nhân sinh, phong cách sống của người viết. Thực tế, khái niệm này ở Việt Nam chưa được nhiều người bàn đến. Cách hiểu tư tưởng thị tài khi triển khai luận án được rút ra từ nghiên cứu cá nhân trên cơ sở tổng hợp công trình khoa học của các nhà nghiên cứu. Theo người phương Đông cổ đại, nhân tài là hiện thân cho sự hài hòa thống nhất giữa tài năng cá nhân và thiên phú; sự hợp nhất giữa trời và người; sự thống nhất giữa phát triển tài năng cá nhân và phát triển xã hội. Tân Nho giáo đời Tống, đời Minh của Trung Hoa nhấn mạnh “thuyết tu thân làm thánh” cho rằng nếu cá nhân không đóng góp gì cho xã hội thì dù có kĩ năng và sinh lợi đến đâu cũng không được xem là nhân tài. Do đó, cá nhân trân quý tài năng thường khoe tài qua những đóng góp xã hội để khẳng định mình. Khi tìm một phương tiện giúp họ lưu giữ công lao, họ nhận ra thơ có lực lượng công chúng đông đảo. Thơ thích hợp khi thể hiện tư tưởng thị tài vì có thể tái tạo giọng nói, sắc thái cá nhân người viết rất tốt. 1.1.2. Lược sử về tư tưởng thị tài Nguồn gốc của tư tưởng thị tài có lẽ từ thuyết Quý sinh của Dương Chu. Sách Liệt tử ghi Dương Chu tự phụ, trọng bản thân, cho rằng trí khôn quý ở chỗ bảo toàn được thân mình. Mà người thị tài vì quý thân, trọng tài mà sinh kiêu. Đây có thể là thuyết nền tảng của tư tưởng thị tài. Bề ngoài, tư tưởng thị tài có vẻ tương đồng với tư tưởng khinh thế ngạo vật xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Người khinh thế ngạo vật dựa vào học thức mà kiêu ngạo, xem mình đứng ở vị trí bề trên, coi đời như không quan thiết gì đến mình. Sự tự phụ ấy dễ khiến họ cô độc, thậm chí là cực đoan. Nhưng người thị tài muốn mọi người biết đến, thừa nhận cái tài của mình, mong cống hiến tài năng cho cộng đồng. Dù họ mang tâm thế ly tâm với “chính đạo” nhưng cũng không phải là kiểu người lánh đời. Đây là điểm tích cực hơn của người thị tài so với người khinh thế ngạo vật. Tư tưởng thị tài tưởng mâu thuẫn với thuyết vô tài toàn mệnh của Lão Tử và Trang Tử nhưng kỳ thực không phải vậy. Trang Tử cho rằng sống trong đời loạn, chỉ mong mình không có tài, không ai biết tới tài của mình. Ông chủ trương lối sống vô tài, vô dụng với người nhưng đại dụng với mình. Kỳ thực, Trang Tử quý tài, trọng thân nên không muốn đem tài năng phục vụ người khác. Vậy, thuyết vô tài toàn mệnh của Trang Tử thể hiện thái độ cậy tài, quý tài đạt đến đỉnh cao của ông. Ở Trung Quốc, tư tưởng thị tài thể hiện rõ trong văn học đời Ngụy Tấn qua những cá tính tiêu biểu như Tào Phi, Đới Chấn, Lưu Linh… Đến đời Đường, tư tưởng thị tài thể hiện trong thơ của Lí Bạch, Đỗ Phủ. Sang đời Minh - Thanh, tư tưởng thị tài thể hiện rõ trong cá tính của Kim Thánh Thán, Từ Vị, Cung Tự Trân ... Ở Việt Nam, khái niệm “cậy tài” xuất hiện trong ca dao, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ. Trong nghiên cứu khoa học, khái niệm “cậy tài”, “thị tài” được các nhà nghiên cứu Lê Thước, Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Hoài Chân, Trần Đình Sử, Đoàn Lê Giang… dùng để chỉ tính thích khoe tài của người tài tử. Việc sử dụng khái niệm này của chúng tôi kế thừa quan điểm của các nhà nghiên cứu trước đây nhưng mở rộng thêm các vấn đề: Nhận định, phân loại tư tưởng thị tài qua loại hình tác giả; qua cách khoe tài; qua tâm thế thị tài; qua hình thức nghệ thuật thể hiện; qua mối quan hệ giữa tài năng với các yếu tố như Đức, Danh, Mệnh, Tình và Diễn tiến tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam. 1.2. Những hướng nghiên cứu liên quan đến đề tài 1.2.1. Nghiên cứu tư tưởng thị tài ở nước ngoài Nghiên cứu tư tưởng thị tài ở Trung Hoa: Các nghiên cứu tập trung theo hướng: Nghiên cứu các tác giả văn học thể hiện tư tưởng thị tài; Nghiên cứu nhân vật trong tác phẩm văn học thể hiện tư tưởng thị tài; Nghiên cứu các nhà phê bình, dịch thuật thể hiện tinh thần thị tài. Do ảnh hưởng từ quan niệm về đức khiêm cung của Nho giáo, người Trung Hoa không đề cao việc thị tài. Họ coi đó là hạn chế trong tính cách, cản trở con đường sự nghiệp của người xưa. Các bài nghiên cứu thường kết thúc bằng việc rút ra bài học khuyên mọi người nên khiêm nhường. Nghiên cứu tư tưởng thị tài ở Nhật Bản: Người Nhật Bản tuy hướng tới “bất kiêu, bất phụ, bất tín” nhưng họ nhìn ra mục đích cậy tài ở người viết. Các nhà nghiên cứu thiên về hướng dựa vào mục đích chính trị, nguyên nhân xã hội, đời sống cá nhân giải thích việc khoe tài ở văn nhân.
  6. 4 Nghiên cứu tư tưởng thị tài ở phương Tây: với tư duy thực tế, người phương Tây nhìn ra tính hữu dụng của tài năng trong việc giải quyết các vấn đề đời sống cá nhân và cộng đồng. Do đó, họ mong muốn mình có thể sở hữu tài năng, kiêu hãnh về tài và đánh giá rất cao kiểu người có tài thị tài. 1.2.2. Nghiên cứu tư tưởng thị tài ở Việt Nam Các hướng nghiên cứu liên quan đến đề tài: Nghiên cứu con người cá nhân trong văn học trung đại đề cập tới tư tưởng thị tài; Nghiên cứu theo loại hình tác giả đề cập đến tư tưởng thị tài; Nghiên cứu một số tác phẩm tiêu biểu đề cập đến tư tưởng thị tài; Nghiên cứu tư tưởng “tài mệnh tương đố”, “thân mệnh tương đố” liên quan đến tư tưởng thị tài. Nhiều nhà nghiên cứu nước ta chịu ảnh hưởng từ người Trung Hoa, cho rằng người thị tài có ý thức cá nhân cao nên sinh kiêu. Một số nhà nghiên cứu nhìn ra mục đích khoe tài ở các tác giả vua, chúa như các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Điểm mới họ chỉ ra là người thị tài đi theo quan điểm “quý sinh”, quý thân, quý tài để đạt đến cuộc sống “nhân sinh đa thích chí” hoặc là để “minh triết bảo thân”. Như vậy, các nhà nghiên cứu tuy nhắc đến thị tài nhưng nhìn chung mang tính tự phát và chỉ dừng lại ở hiện tượng, chưa có tính hệ thống, toàn diện, sâu sắc. Hiện chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về tư tưởng thị tài trong thơ trung đại. Triển khai đề tài này, chúng tôi muốn cung cấp một cái nhìn hệ thống, toàn diện về nội dung và hình thức thể hiện tư tưởng thị tài; diễn tiến của tư tưởng thị tài; mối quan hệ của tài năng và các yếu tố Đức, danh, Tình, Mệnh. Qua đó, góp phần hữu ích cho việc nghiên cứu, cho công việc giảng dạy văn học của giáo viên trong nhà trường các cấp. 1.3. Tiêu chí khảo sát tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam Thứ nhất, luận án giới hạn phạm vi tiếp cận đối tượng là các tác phẩm thể hiện niềm tự hào về tài năng theo nhận thức chủ quan của người sáng tác, không dựa trên đánh giá khách quan. Thứ hai, luận án tìm hiểu cách khoe các loại tài năng như tài văn chương, tài kinh bang tế thế, “tài” hành lạc. Thứ ba, trong xu hướng chung của việc khoe tài, luận án chú ý đến tâm thế ngạo tài và thái độ thẹn tài nhưng để kín đáo khoe tài ở người viết. Thứ tư, luận án xem xét mối quan hệ Tài - Đức, Tài - Danh, Tài - Tình, Tài - Mệnh để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Để định lượng đầy đủ các bài thơ thị tài từ thế kỉ X đến XIX, đối với tác phẩm chữ Hán, luận án bám sát bản dịch nghĩa trong sự đối chiếu với nguyên tác. Tiểu kết chương 1: Chương 1 trình bày tổng quan các vấn đề nghiên cứu của luận án. Chúng tôi dựa vào từ điển từ nguyên, từ điển Hán ngữ, thư tịch cổ Trung Hoa… để truy nguyên nguồn gốc khái niệm, xác lập khái niệm và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến khái niệm tài, thị tài, tư tưởng thị tài. Để gợi dẫn các vấn đề của luận án, chúng tôi dựa vào các công trình nghiên cứu trong nước, ngoài nước và nhận thấy: các nhà nghiên cứu Trung Hoa gắn thị tài với sự kiêu ngạo, cho rằng đó là một cản trở trên con đường tiến thân của kiểu người thị tài. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản chú ý đến tính mục đích, các yếu tố đời sống cá nhân, xã hội của việc một cá nhân khoe tài. Còn các nhà nghiên cứu phương Tây lại tỏ ra ưa chuộng người thị tài vì đánh giá cao tính thực tế của tài năng. Ở Việt Nam, nhà nghiên cứu gắn việc khoe tài với sự kiêu hãnh về tài và triết lí “quý sinh”, “minh triết bảo thân”. Các hướng nghiên cứu liên quan đến tư tưởng thị tài ở Việt Nam gồm: Nghiên cứu con người cá nhân; Nghiên cứu loại hình tác giả; Nghiên cứu các tác phẩm; Nghiên cứu thuyết “tài mệnh tương đố”, “thân mệnh tương đố” … liên quan đến tư tưởng thị tài. Thực tiễn nghiên cứu tư tưởng thị tài ở Việt Nam cho thấy: tuy chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nhưng đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong Chương 1, chúng tôi đưa ra tiêu chí, làm cơ sở khảo sát tác phẩm thể hiện tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam. CHƯƠNG 2: CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ DIỄN TIẾN CỦA TƯ TƯỞNG THỊ TÀI 2.1. Cơ sở hình thành tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam 2.1.1. Cơ sở lịch sử - xã hội Trong xã hội phong kiến, người tài được xem là “nguyên khí”, “quốc bảo”, “tinh hoa”, có liên quan đến sự tồn vong, thịnh suy đất nước. Các vua, chúa rất chú trọng cầu hiền và đào tạo hiền tài. Từ đời Lý, Văn Miếu được xây dựng thành cái nôi đào tạo hiền tài và thi cử thành con đường đánh giá, tuyển lựa nhân tài cho đất nước. Suốt mười thế kỷ, kẻ sĩ nối tiếp nhau tỏ
  7. 5 tài qua khoa cử lập thân. Nếu đỗ đạt, họ được vua ban cờ biển, vinh quy bái tổ, khắc bia tiến sĩ, bổ dụng chức vị… Chính sách đãi ngộ hiền tài của vua, chúa như thế tạo tiền lệ về sự kính trọng, yêu mến hiền tài cho toàn xã hội, khuyến khích cá nhân thể hiện thành người ưu tú qua khoa cử hoặc tỏ tài kinh bang tế thế, xây dựng sự nghiệp báo đáp ơn vua. Nhưng không chỉ khi vua, chúa đãi ngộ, người hiền tài mới khoe tài. Khi xã hội khủng hoảng con người càng khoe tài mạnh mẽ. Thứ nhất, do sự kiên định phẩm chất tốt đẹp và lí tưởng ở nhà nho. Dù hoàn cảnh thay đổi họ vẫn không ngừng nỗ lực, cống hiến để chấn hưng xã hội trên tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Sự nỗ lực ấy dẫu không được tôn vinh nơi miếu đường thì cũng được nhân dân kính ngưỡng, lưu truyền. Thứ hai: do sự thay đổi nhận thức, lí tưởng thẩm mĩ ở nhà nho. Khi xã hội khủng hoảng, mẫu người thực tài, đa tài, có khả năng quán xuyến nhiều lĩnh vực đời sống trở thành hình mẫu lí tưởng trong đời thực và văn chương. Chữ “tài” từ chỗ là từ kiêng kỵ của thời đại trước, trở thành ý niệm động lực của thời đại mới. Thứ ba, do sự phát triển của ý thức cá nhân: Trước đây, dù bị kìm kẹp trong thể chế xã hội đẳng cấp và giáo lí kinh viện, người trung đại vẫn khoe tài. Khi xã hội khủng hoảng, danh vọng, gia thế vô nghĩa thì cá nhân chỉ tìm điểm tựa nơi tài năng. Họ khoe “tài” hành lạc gắn với hưởng lạc để giải phóng cá nhân. Họ khoe tài văn chương để lập ngôn lưu danh, khẳng định vai trò kẻ sĩ khi khoa cử không được coi trọng. Mọi người hi vọng tài năng đem đến cho họ sự nghiệp, giàu có, danh tiếng. Nhưng những người tài giỏi nhất thời đại đều gặp bi kịch. Thực tế đó làm nảy sinh cảm thức “tài mệnh tương đố” trong thơ người thị tài. Vậy, đời sống lịch sử - xã hội khi thịnh trị, khi loạn lạc trở thành mảnh đất ươm mầm cho tư tưởng thị tài phát triển và có quá trình diễn tiến phong phú. 2.1.2. Cơ sở văn hóa, tư tưởng 2.1.2.1. Cơ sở văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Người xưa cho rằng hình hài mỗi người do cha mẹ sinh ra còn tài năng do trời đất ban phú. Người ưu tú là khí thiêng núi sông tụ lại, sự tốt đẹp của biển hồ chung đúc nên. Quan niệm này chi phối nhiều đến đời sống người Việt. Vì vậy, khi một người được đánh giá là có tài sẽ nảy sinh lòng kiêu hãnh, xem mình là hiện thân của anh linh núi sông. Với tinh thần tự nhiệm, họ xem việc lập danh là cách để trả cho trời đất món nợ “anh hoa”. Những người đứng đầu nhà nước phong kiến khi muốn tập hợp lực lượng dân chúng ủng hộ mình đã nâng lòng kính ngưỡng tài năng trong dân gian thành tín ngưỡng. Nhiều nhà cầm quyền phong tặng người tài địa phương thành thần, cho phép thờ phụng để lôi kéo dân chúng theo mình. Nhiều nơi, những người học rộng, tài cao, có nhiều đóng góp cho cộng đồng được nhân dân thần thánh hóa, lập đền thờ. Sự thờ phụng, ghi nhớ công ơn người hiền tài đã định hướng cho các thế hệ khoe tài lập công xây dựng đời sống cộng đồng, lưu danh muôn thủa. 2.1.2.2. Cơ sở văn hóa, tư tưởng tiếp thu từ nước ngoài Nho giáo xem hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì quốc gia thịnh, nguyên khí yếu thì quốc gia suy. Triết lý giáo dục của Nho giáo chủ trương giáo dục toàn diện đào tạo nên những con người tài năng trên nhiều lĩnh vực. Người quân tử muốn dùng đạo của mình trong dân chúng thì phải là người xuất chúng vì họ không thể trông cậy vào ai khác ngoài mình. Vậy, Nho giáo khuyến khích con người dựa vào tài để hành đạo. Ngoài ra, Nho giáo còn đề cao tính ứng dụng của việc học. Người tài đức là người lúc bình thường rất khiêm nhường nhưng khi cần thiết phải phô diễn được thực lực, ứng dụng được tài năng vào thực tiễn thì tài năng mới có giá trị. Đây là nguồn gốc hình thành ý thức khoe tài, hoạt dụng ở nhà nho. Đạo giáo cho rằng người thực sự thông minh không để người khác thấy được tài năng xuất chúng của mình. Khi đã theo đạo thì phải hạ mình, không tự xem mình là sáng, là phải, không tự hào, khoe khoang. Quan điểm này bề ngoài có vẻ mâu thuẫn, phủ định tư tưởng thị tài, xem sự thị tài chẳng khác gì “dâm chí”. Nhưng thực tế Lão Tử cho rằng tài năng của một người là quý giá. Người có tài khi thể hiện ra ngoài dễ bị tiểu nhân ghen ghét, đố kỵ. Ông chủ trương thuyết “vô tài
  8. 6 toàn mệnh”, khuyên người đời giấu tài để tự bảo vệ mình. Trang Tử cho rằng người có tài khổ, bất tài cũng khổ, chỉ có dựa vào đức mới bảo toàn sinh mạng. Người có đức “chân nhân bất lộ tướng”, biết tiến, lùi, tùy lúc thể hiện có tài hay vô dụng nên có tài không bị ghen ghét mà kém tài cũng vẫn được ung dung. Trang Tử còn có cá tính độc đáo, tự do, xuất trần xuất thế và là minh chứng sống động cho kiểu người dám dựa vào tài năng để sống ngoài vòng cương tỏa, không bị công danh trói buộc. Con người Trang Tử như thế, ảnh hưởng rất lớn đến tác giả đời sau như: Tào Phi, Đới Chấn, Khổng Dung, Trương Hủ, Lí Bạch, Kim Thánh Thán... Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… phần nhiều đều chịu ảnh hưởng của Trang Tử. Tuy Nho giáo, Đạo giáo trình bày các quan điểm khác nhau nhưng đều thể hiện sự quý trọng tài năng, thừa nhận việc thể hiện tài của một người có tác động rất lớn từ môi trường xung quanh, giúp họ thi triển đạo của mình trong dân chúng một cách thuận lợi. Nhưng các trường phái tư tưởng này cũng hướng đến việc rèn đức bên cạnh luyện tài. 2.1.3. Cơ sở văn học 2.1.3.1. Văn học Trung Hoa Trong Kinh Thi, ý thức về tài đã được tác giả văn học dân gian Trung Hoa thể hiện khá rõ. Đến thời Ngụy Tấn, ảnh hưởng sâu rộng của học thuyết Trang Tử góp phần hình thành một lớp nho sĩ thị tài như Tào Phi, Đới Chấn, Khổng Dung, Lưu Linh… Đến đời Đường, thi tiên Lí Bạch, thi thánh Đỗ Phủ cũng là những người nổi tiếng cậy tài. Tuy nhiên, ở Đỗ Phủ, ý thức cậy tài đi liền cảm giác thương thân vì có tài nhưng không gặp thời. Văn học đời Minh – Thanh cũng hội tụ nhiều bậc kỳ tài có ý thức rõ về tài năng của mình như Kim Thánh Thán, Từ Vị, Cung Tự Trân… Chính những cá tính độc đáo của văn học Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam. Sự ảnh hưởng theo cả hai chiều hướng lịch đại và đồng đại. 2.1.3.2. Văn học Việt Nam Trong văn học dân gian, kiểu người anh hùng thể hiện tài năng bách chiến bách thắng trước mọi đối thủ là hình mẫu mơ ước của người lao động Việt. Do vậy thần thoại, truyền thuyết, sử thi, cổ tích đều ưa chuộng mô típ thi tài. Qua các cuộc thi, các nhân vật phải thể hiện được các loại tài năng của mình như: tài sử dụng phép thuật, tài đánh trận, tài lao động, tài văn chương… để đạt đến các mục đích khác nhau. Người tài năng trở thành nhân vật chính trong các tác phẩm. Trong thơ ca dân gian, sự cậy tài, khoe tài có lúc được xem như là cách ứng xử cần thiết để giúp con người hướng đến những giá trị bền vững, tránh thói khoác lác. Ý thức cậy tài trong thơ ca dân gian còn thể hiện ở sự tự tin vào tài năng có thể khuất phục mọi khó khăn. Khi đối sánh với người khác, tác giả dân gian hay lấy bản vị làm tiêu chí đánh giá và thấy những gì thuộc về mình đều tốt đẹp hơn. Về lực lượng sáng tác: Tác giả văn học trung đại Việt Nam ngoài nhà thơ thiền, vua, quan, quý tộc thì chủ yếu là nhà nho. Trong số họ, nhiều người vừa tham gia công việc chính trị, xã hội, vừa tham gia sáng tác. Chính vai trò, tài năng cùng những đóng góp cho xã hội trở thành những yếu tố căn bản để họ tự tin viết nên những tác phẩm bộc lộ tư tưởng thị tài. Về cơ bản, chỉ riêng việc viết về người tài đã là một chủ đề hấp dẫn trong văn học cổ kim ở bất kỳ nước nào. Nhưng khi người tài tự viết về mình và sống theo ý thích của mình thì điều đó càng trở nên đặc biệt, có sức hút hơn. 2.2. Diễn tiến của tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam Tiền đề cho sự hình thành tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam xuất hiện trong thời kỳ Bắc thuộc bằng vài tín hiệu: Bài sớ của Lý Tiến và việc Lý Cầm đòi đối xử bình đẳng với kẻ sĩ người Việt Nam (190 - 220); Hiện tượng Sĩ Nhiệp được mệnh danh là “Nam Giao học tổ” vì đem lại cho văn học nhiều điều mới mẻ. Đó là tín hiệu phôi thai của ý thức cá nhân trong văn học. 2.2.1. Giai đoạn từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII Đây là giai đoạn tư tưởng thị tài xuất hiện và phát triển hoàn thiện trong thơ. Điều kiện cho sự hình thành, phát triển ấy là thể chế chính trị ổn định của nhà nước phong kiến độc lập đang trên đà đi lên. Những chính sách tuyển dụng nhân tài bài bản của các triều đại khuyến khích người trong mọi tầng lớp đua nhau khoe tài. Dù đến nửa cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, xã hội phong kiến Việt Nam đi vào khủng hoảng nhưng về cơ bản quyền lợi nhà nước vẫn gắn bó
  9. 7 chặt chẽ và thống nhất với quyền lợi nhân dân. Về lực lượng sáng tác, tác giả thị tài ở giai đoạn này là nhà thơ thiền, vua, chúa, nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật. Về số lượng, chúng tôi khảo sát 3172 bài thơ, chọn 654 bài thị tài. Nhưng số bài thị tài không rải đều ở các tác giả mà tập trung ở một số người có tinh thần thị tài cao như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan... Về nội dung, tư tưởng thị tài chủ yếu thể hiện ở việc khoe tài kinh bang tế thế, tài văn chương. Người thị tài đề cao ý thức công dân, xem việc đem tài năng xây dựng đất nước là biểu hiện của mối quan hệ Tài - Đức. Một số nhà nho dù ở ẩn vẫn mong có ngày đem tài giúp vua trị quốc, an dân. Về nghệ thuật, người sáng tác ưa chuộng khuôn mẫu, không đề cao phá cách nên việc thể hiện tư tưởng thị tài mang tính quy phạm trong phương thức thể hiện: đề cao sự trang nhã, sử dụng điển tích, điển cố và các thể thơ có tính niêm luật chặt chẽ. Dấu vết của tư tưởng thị tài xuất hiện sớm nhưng đến thế kỷ XIV, dưới triều Trần, tư tưởng này mới thể hiện rõ trong thơ nhà thơ thiền, nhà nho. Sang thế kỷ XV, tư tưởng thị tài hoàn thiện dần về nội dung trong thơ nhà nho hành đạo và nhà vua. Các tác giả thể hiện rõ cái tôi công dân, muốn đem tài năng xây dựng đất nước. Sang thế kỷ XVI, trước biến động của đời sống xã hội, tư tưởng thị tài có sự phân hóa rõ rệt ở nhà nho ẩn dật và hành đạo. Nhà nho ẩn dật không chỉ đề cao tài văn chương, tài kinh bang tế thế mà còn chú ý đến tài cầm, kỳ, thi tửu, coi trọng niềm vui an lạc. Nhiều quan niệm mới về Tài - Danh được họ đưa ra dẫn đến sự hình thành kiểu nhà nho có tài không chuyên chú vào công danh. Ngược lại, tiếng nói lạc quan của nhà nho hành đạo lại cất lên mạnh mẽ. Họ xem việc đem tài năng cống hiến cho đất nước là cách thể hiện chí trai, là vinh quang giúp họ lưu danh thiên cổ. Sang thế kỷ XVII nửa đầu XVIII, tiếng nói thị tài của nhà nho trầm lắng nhường chỗ cho tiếng nói đề cao vương triều của nhà Trịnh. Đóng góp của các chúa Trịnh là họ đưa ra quan điểm mới về mối quan hệ Tài - Đức phù hợp yêu cầu thực tế. Nhìn chung, tư tưởng thị tài từ thế kỷ X đến nửa đầu XVIII hình thành, phát triển trên tinh thần “thi dĩ ngôn chí” và chủ nghĩa yêu nước nên nhiều khi mang âm hưởng tụng ca của kiểu văn chương cung đình. 2.2.2. Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX Nửa cuối thế kỷ XVIII đến XIX, chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng. Nho giáo cũng khủng hoảng theo. Người thị tài bị phân hóa, phải lựa chọn các thái cực tư tưởng nhiều khi đối lập nhau. Họ phân biệt “ái quốc” với “trung quân”. Người có thực học lép vế vì tệ mua quan bán tước tràn lan. Nhưng tinh thần trọng “thực học” làm xuất hiện kiểu người toàn tài, là bác học trên nhiều lĩnh vực. Sự trao đổi thương mại với các nước được triều đình khuyến khích kéo theo sự thay đổi trong nhận thức, sinh hoạt, giải trí của các tầng lớp xã hội. Từ đây, xuất hiện kiểu nhà nho tài tử - những người học đạo thánh hiền nhưng suy nghĩ theo lối thị dân. Sự xuất hiện của nhà nho tài tử góp phần đưa tư tưởng thị tài phát triển đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Đến cuối thế kỷ XIX, đất nước bị xâm lăng, tư tưởng thị tài ít được đề cao, nhường chỗ cho những yêu cầu lịch sử cấp bách. Về lực lượng sáng tác, tác giả thị tài giai đoạn này chủ yếu là nhà nho. Về số lượng tác phẩm, chúng tôi khảo sát 3909 bài, chọn được 741 bài thị tài. Tuy nhiên, các tác phẩm không rải đều ở các tác giả mà tập trung vào một số cá tính tiêu biểu như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương… Về nội dung, ngoài những nội dung kế thừa của giai đoạn trước, con người thị tài giai đoạn này nổi bật với tư cách con người cá nhân. Họ đề cao quyền sống, gắn văn chương với khát vọng “lập ngôn” lưu danh nhằm khẳng định vai trò của văn nhân khi thi cử và kẻ sĩ không được coi trọng như trước. “Tài” hành lạc được người thị tài đề cao gắn với việc “hưởng lạc” và giải phóng tự do cá nhân. Mối quan hệ Tài - Danh cũng được họ chú ý hơn Tài - Đức thể hiện cho trào lưu nhân đạo và dân chủ của thời đại. Khi đất nước bị xâm lược, con người thị tài lại xuất hiện với tư cách công dân, gắn tài năng với bổn phận cứu nước để viết nên những vần thơ thị tài bi tráng. Về nghệ thuật, ngoài việc tuân thủ quy cách sáng tác truyền thống, người thị tài cũng đề cao phá cách và sử dụng các hình thức nghệ thuật mới. Hát nói xuất hiện bên cạnh thơ Nôm Đường luật và trở nên rất phù hợp với thể hiện tinh thần thị tài. Qua quá trình diễn tiến mười thế kỷ, tư tưởng thị tài có nhiều biến đổi. Niềm tin vào một thể chế chính trị ảnh hưởng đến tinh thần thị tài của mỗi người. Trong buổi đầu hoặc thời kỳ
  10. 8 trung hưng một triều đại, tiếng nói thị tài của các tác giả thường cất lên hào sảng. Nhưng khi đất nước bị xâm lăng, tiếng nói thị tài lại cất lên mạnh mẽ gắn với tinh thần đấu tranh đòi độc lập của nhân dân. Tuy tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt chịu ảnh hưởng của triết học, văn học cổ điển Trung Hoa, của Phật giáo, Đạo giáo, của truyền thống bản địa và khu vực nhưng người Việt đã vượt qua sự mô phỏng, sao chép tầm thường, đạt đến tinh hoa như nguyên mẫu, đi sâu biểu đạt tâm hồn dân tộc. Suốt mười thế kỷ, tư tưởng thị tài hình thành, phát triển trên nền tảng biến động lịch sử xã hội Việt Nam, gắn với chủ nghĩa yêu nước và quyết tâm xây dựng Đại Việt thành quốc gia có văn hiến, văn hóa của trí thức dân tộc. Đến thế kỷ XVIII, tư tưởng thị tài gắn với tinh thần nhân đạo, nhân văn, dân chủ thời đại, cuối thế kỷ XIX gắn với tư tưởng nhân nghĩa thương dân. Các trí thức trung đại vận dụng rất khéo tư tưởng thị tài tiếp thu từ văn học Trung Hoa vào thực tiễn đời sống người Việt để đòi quyền bình đẳng (cho nữ giới), quyền tự do (trong tình yêu và sáng tác văn chương), thậm chí biến nó thành phương tiện “minh triết bảo thân” trong xã hội người tài bị nghi kỵ. Từ rất sớm, tác giả thị tài đã thể hiện tư tưởng thị tài bằng chữ Nôm, bằng thể thơ mang tính Việt hóa cao như thơ Nôm Đường luật và hát nói gắn với ngôn ngữ điệu nói. Xu hướng bình dị khiến họ hướng đến những hình tượng thân thuộc như cây cau, con cóc, con gà... để thể hiện tinh thần thị tài. Do đó, thơ thị tài trung đại Việt Nam mang tính bản địa sâu sắc, thể hiện lối cảm, lối nghĩ của người Việt. Con người thị tài trong thơ trung đại Việt cũng không phải kiểu người cuồng ngạo, dị kì, quay lưng với thời cuộc như tài tử Trung Hoa. Họ là những người mang tư tưởng thân dân, sống chan hòa với dân, dựa vào tài để tùy thời xuất thế hay nhập thế. Ngay cả khi xuất thế, họ vẫn hướng về dân, đem tài xây dựng đời sống cộng đồng. Tư tưởng thị tài không ở mãi trong cái khung khu vực. Từ ngày đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, người thị tài đã có sự thay đổi trong nhận thức, lý tưởng. Họ thấy văn nhân Việt tầm nhìn hạn hẹp, thiếu thực tế. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, điều này càng được họ nhận thức rõ. Sự bất lực của tầng lớp nho sĩ trước thực tế được minh chứng qua sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu khởi xướng. Tuy nhiên, ngay cả khi nho sĩ hết vai trò lịch sử, tinh thần thị tài không mất đi mà được tiếp nối trong văn học dưới thời phong kiến thực dân. Một số nhà thơ (chuyên nghiệp) dù “đem văn bán chợ Trời” vẫn không quên khoe tài. Nhưng họ gắn thị tài với việc thể hiện cái “ngông” và tô đậm tiếng nói thân phận. Sau Cách mạng tháng Tám, tâm thế con người thị tài đã khác. Đó là người làm chủ dòng chảy cuộc đời, tài hoa, trí dũng, lặng thầm vượt qua gập ghềnh của đời sống, cống hiến tài năng làm giàu cho văn hóa dân tộc. Tinh thần tự nhiệm của nho sĩ thị tài trung đại được các tác giả giai đoạn này tiếp thu và thể hiện gần như nguyên vẹn. Xu hướng vận hành của tư tưởng thị tài trong thơ càng về sau càng gắn với thực tiễn, với quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, niềm tự hào về con người nên rất nhân văn, nhân bản. Tiểu kết chương 2: Chương 2 trình bày cơ sở hình thành và diễn tiến tư tưởng thị tài trong thơ trung đại. Việc kẻ sĩ luôn phải thể hiện tài năng qua các cuộc thi suốt mươi thế kỷ là một trong những nguyên nhân hình thành thái độ khoe tài. Nhưng ngay cả khi khoa cử không được coi trọng thì sự kiên định lý tưởng; sự thay đổi quan niệm thẩm mĩ và sự phát triển ý thức cá nhân vẫn khiến họ khoe tài. Thái độ kính ngưỡng tài năng của người xưa và việc nhà cầm quyền muốn thu phục lòng dân nâng nó thành tín ngưỡng cũng khích lệ cá nhân thể hiện bản thân thành người tài. Hơn nữa, tuy Nho giáo, Đạo giáo có cách trình bày khác nhau nhưng đều thể hiện sự coi trọng tài năng. Kiểu người thị tài cũng xuất hiện trong văn học Trung Hoa. Văn học Việt Nam lại chịu ảnh hưởng từ văn học Trung Hoa theo cả hai hướng đồng đại và lịch đại. Do đó, tư tưởng thị tài trong thơ trung đại có một quá trình diễn tiến dài lâu. Từ thế kỷ thứ X đến nửa đầu XVIII, tư tưởng thị tài hình thành và phát triển trong thơ nhà thơ thiền, nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, vua, chúa. Con người thị tài xuất hiện thường với tư cách công dân. Họ gắn tinh thần thị tài với chủ nghĩa yêu nước và chú ý mối quan hệ Tài - Đức. Từ cuối thế kỷ XVIII đến hết XIX là giai đoạn tư tưởng thị tài phát triển đến đỉnh cao. Nhà nho tài tử xuất hiện. Trong điều kiện sống mới, người thị tài đề cao quyền sống của con người cá nhân, coi trọng việc lập ngôn bằng văn chương, coi trọng “tài” hành lạc gắn với hưởng lạc. Mối quan hệ Tài - Danh được họ chú ý gắn với tinh thần nhân đạo, dân chủ thời đại.
  11. 9 Khi đất nước bị xâm lăng, kiểu người công dân thị tài lại xuất hiện gắn với các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trải qua quá trình diễn tiến mười thế kỷ, tư tưởng thị tài từng bước được Việt hóa cả về cả nội dung và hình thức gắn với ý thức tự cường dân tộc của trí thức Việt. CHƯƠNG 3: TƯ TƯỞNG THỊ TÀI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG 3.1. Biểu hiện của tư tưởng thị tài theo loại hình tác giả. Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng việc khoe tài ở nhà nho tài tử là một cách để họ phô diễn cá tính, là kết quả sự giải phóng con người cá nhân và là biểu hiện giá trị nhân đạo trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách toàn diện về tư tưởng thị tài, chúng tôi thấy bản chất việc các tác giả khoe tài là để khẳng định mình, khẳng định vai trò, vị trí của mình (và tầng lớp của mình) trong môi trường xã hội quân chủ. Sự khẳng định này diễn ra xuyên suốt trong cả tiến trình văn học ở mọi loại hình tác giả. 3.1.1. Loại hình tác giả nhà thơ thiền Đạo Phật xem trọng sự khiêm tốn của người tu hành nên không khuyến khích cá nhân khoe tài. Nhưng đạo Phật coi trọng trí tuệ, coi trọng giác ngộ bản thể để gánh vác trách nhiệm. Khi Phật giáo được coi là quốc giáo, vai trò của nhà thơ thiền được coi trọng, họ càng hay nói về trách nhiệm với quốc gia, xã tắc, thể hiện khát vọng đem tài giúp vua trị nước, an dân. Tư tưởng tự do, hướng về đạo nhưng vẫn hướng về đời của họ là kết quả sự vận dụng triết lý Phật giáo, Đạo giáo, tinh thần tự nhiệm của Nho giáo vào thực tiễn xã hội Việt Nam. Họ khoe tài để khẳng định tinh thần nhập thế, tấm lòng hướng về quốc gia, xã tắc của tầng lớp mình và cho thấy nhà thơ thiền không phải kiểu người lánh đời, quay lưng với chính sự. 3.1.2. Loại hình tác giả vua, chúa Vua, chúa khoe tài là để khẳng định năng lực cai trị nhằm giữ vững ngôi vị, nhằm thu hút nhân tài bốn phương tìm về. Họ hướng về hình mẫu cổ xưa, là những hình mẫu người có tài cai trị đã được cộng đồng thừa nhận nên dễ tạo cảm giác về sự ổn định, chắc chắn. Để giành được sự ủng hộ của tầng lớp văn nhân nhằm củng cố thế lực trong thể chế bộ máy chính quyền trung ương, họ thể hiện mình là người có tài văn chương và gần gũi văn nhân. Họ tự xưng mình là thi nhân để văn nhân xem họ như người “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Ngoài ra, vua, chúa thường nói về tài Kinh bang tế thế nhằm giữ gìn “Thiên mệnh”, thể hiện tư tưởng đế vương và xây dựng hình tượng kẻ có công qua việc “dưỡng dân”, “bảo dân”, “giáo dân” đạt “an dân”, “dân tín”. Để thuyết phục mọi người tin vào vai trò “thế thiên hành đạo” của mình, họ chú ý tạo “khí chất đế vương”, “khí chất hoàng đế” để tỏ cái chí của đấng chí tôn qua thơ khẩu khí với hình tượng giản dị, bé nhỏ mà khí chất lớn lao. Tài năng của họ cũng được cho là do trời phú, trời “độ”, thuận thiên hành đạo. Điều này thể hiện tính hướng thượng và khuynh hướng tôn giáo, đề cao thần quyền vốn là đặc điểm của văn chương cung đình và tư tưởng con người trung đại phương Đông. Tuy nhiên, dù tiếp thu tinh thần đề cao tôn giáo nhưng vua, chúa nước ta vẫn đứng trên lập trường nhân nghĩa, lấy quyền lợi của nhân dân để xác định tính chính nghĩa trong hành động của họ. Họ không vì đề cao thần quyền mà buông bỏ trần tục, không vì đề cao thế lực siêu hình là Trời mà bỏ quên quyền lợi nhân dân. 3.1.3. Loại hình tác giả nhà nho Nhà nho khoe tài để khẳng định vị trí đứng đầu tứ dân. Để thích ứng với xã hội đề cao trật tự, tôn ti, nhà nho nhập thế hành đạo khoe các loại tài năng được thể chế xã hội đó tiếp nhận và khuyến khích như tài kinh bang tế thế, tài văn chương. Nhà nho khoe tài văn chương để dùng vào mục đích văn trị, giúp vua giáo dân còn việc khoe tài kinh bang tế thế là để khẳng định hình mẫu lý tưởng của Nho giáo, thể hiện sứ mệnh “tôn quân thân thượng”, trách nhiệm “bảo dân” và khát vọng lập công, lưu danh. Về “tài” hành lạc, họ không nói nhiều. Nếu có cũng chỉ là những bài có tính vui thú chứ không để khoe tài. Bị ảnh hưởng bởi thuyết khiêm cung, họ thường tự nhận bản thân “kém tài”. Nhưng đó chỉ là lối nói ngược để kín đáo kiêu ngạo. Nhà nho hành đạo tiếp thu rất sâu sắc tinh thần Nho giáo và kiên trì thực hiện suốt cuộc đời. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhà nho hành đạo có sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức. Dù nhiều người vẫn kiên định lý tưởng trung hưng đất nước nhưng họ
  12. 10 không đồng nhất “ái quốc” với “trung quân”. Họ ý thức rõ tình cảnh muốn làm tôi trung mà không có vua sáng của mình. Nhưng giữ vững lập trường “dĩ dân vi bản”, họ đứng về phía nhân dân để xác định tinh thần tự nhiệm. Việc khoe tài kinh bang tế thế của họ không còn thể hiện ở việc “tôn chúa, phò vua” mà ở việc đánh giặc cứu nước, cứu dân, giữ vững cương thường, thể hiện sĩ khí nhà nho. Tuy vẫn dùng thơ để tỏ chí nhưng nhà nho không đề cao mục đích “văn trị”. Một số người mang tư tưởng truyền thống chủ trương dùng văn chương khích lệ tinh thần yêu nước của dân. Số khác là những người mang tư tưởng canh tân kêu gọi bỏ lối học từ chương. Văn chương được họ chú ý đến khả năng bao quát thực tiễn, tính thời sự, trải nghiệm. Vấn đề chiến - hòa, sinh - tử, duy tân - thủ cựu… trở thành nội dung chính của các tác phẩm. Kiểu nhà nho hành đạo kiêm nhà văn hóa, nhà khoa học xuất hiện. Nhà nho ẩn dật vẫn xem lí tưởng hành đạo là mục tiêu theo đuổi suốt đời. Họ vẫn khoe tài kinh bang tế thế, tài văn chương. Nhưng họ ý thức được hoàn cảnh “tài bất phùng thời” của mình. Ở họ “chí” đi liền “bất đắc chí”. Trong hoàn cảnh mới, một số nhà nho đề cao thuyết “vô tài toàn mệnh”, khuyên người đời “ẩn tài” để không bị “đố tài”, bị hãm hại. Việc “ẩn tài” còn giúp người ở ẩn che bớt hào quang, trở về với con người bản thể ban sơ, không bị ràng buộc bởi hư vinh. Tuy nhiên, việc “ẩn tài” của nhà nho ẩn dật chỉ giới hạn ở việc họ không đem tài đeo đuổi quan lộ chứ họ không giấu những tài năng khác. Nhiều người ở ẩn vẫn bốc thuốc, viết sách, dạy học... giúp dân. Với họ, nếu không nhập thế Hành đạo thì xuất thế Hộ đạo (bảo vệ đạo). Họ ví mình như cây đại thụ, đem tài lành che chở dân cày. Chịu ảnh hưởng của cả Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, họ chủ trương sống tiêu dao, phóng nhiệm, tìm niềm vui trong thiên nhiên, với cầm, kỳ, thi, tửu, phong, hoa, tuyết, nguyệt. Nhưng đó chỉ là nhã thú để họ giải tỏa tư tưởng và thể hiện nhân cách trong sạch của mình. Việc phô diễn “tài” hành lạc của họ chỉ để tìm sự an lạc và vẫn nằm trong khuôn khổ đạo đức Nho gia. Theo thời gian, nhà nho ở ẩn có sự chuyển biến trong nhận thức và cách khoe tài. Những nhà nho thế kỉ XIV - XV chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên đề cao lý tưởng, trách nhiệm “trí quân trạch dân”. Với họ, nếu tài năng không được dùng vào việc miếu đường thì chỉ là tài “vô dụng xử”. Nên khi lui về ở ẩn, dù sống trong thế giới điền viên ưa thích, họ vẫn mang mặc cảm người thừa, luyến tiếc tài học không dùng được vào việc gì. Họ mong có ngày vua, chúa đoái trông để được đem tài giúp vua, giúp nước. Chỉ cần có cơ hội, họ sẵn sàng từ bỏ môi trường ẩn dật, hăm hở nhập thế với tinh thần “tử vì đạo”. Tuy nhiên, khi xã hội bắt đầu suy vi, họ có cách ứng xử khác. Đối với những nhà nho giai đoạn này, đem tài ra giúp vua, giúp nước cũng được, mà “ẩn tài, giấu tài” cũng được, không quá quan trọng. Vì kẻ sĩ có thể xuất – xử tùy thời chỉ cần không phụ lòng mình và chữ “trung”. Khi cân nhắc lợi - hại do chữ Danh mang đến, họ nhận ra chữ Danh không còn là giá trị duy nhất khẳng định tài năng nhà nho cũng không phải là mục đích cao nhất của đời người. Chữ Danh còn giống như cái lồng giam hãm khiến họ mất tự do, phải chịu hiểm nguy, “hao tổn”. Khi cân bằng giữa Tài – Danh, Thân - Danh, họ thấy ở ẩn vẫn hơn vì không phải sống âu lo. Tuy nhiên khi đất nước bị xâm lược, việc ở ẩn lại được nhà nho xem là cách để thể hiện trách nhiệm, lòng trung với dân, với nước tỏ thái độ bất hợp tác với giặc. Rõ nét hơn cả trong thơ nhà nho ở ẩn lúc này là mặc cảm của người có tài, có danh nhưng không thể giúp nước. Họ không mong chờ cơ hội quay trở lại triều chính nhưng cũng không vui mãi được với thú vui của người ở ẩn. Thơ họ thể hiện nỗi đau đớn, khắc khoải trước thực trạng đau buồn của đất nước. Sự xuất hiện của nhà nho tài tử cũng cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của nhà nho. Nhà nho tài tử lơ đãng việc kinh bang tế thế. Vì “quý thân”, “quý tài”, họ đề cao “tài” hành lạc, nâng “hưởng thụ” lên thành triết lí. Chỉ trong thơ của họ, tài cầm, kỳ, thi, tửu mới được nhắc đến như một loại năng lực chứ không còn là một nhã thú. Họ gắn Tài đó với Tình, đưa năng lực cầm, kỳ, thi tửu thành một cái chơi mang ý thức cá nhân để thoát khỏi mệnh đề “thánh nhân vong tình”, đạt đến tự do tuyệt đối trong tư tưởng. Với họ, Tình là gốc rễ nảy
  13. 11 sinh mọi vấn đề (trong đó có cả Tài). Nhà nho tài tử hướng đến thứ văn chương nghệ thuật, thể hiện cái Đẹp, phản ánh nhiều mặt đời sống. Với họ, văn chương là phương tiện để lập ngôn, lưu danh hậu thế, là cách để khẳng định tầm vóc của nhà nho khi con đường khẳng định tài năng bằng khoa cử không được coi trọng. Họ đề cao khả năng ngôn ngữ, đề cao tốc độ hoàn thành tác phẩm, xem đó là biểu hiện của tài năng người viết. Với ý thức sâu sắc về tài cùng khát vọng lớn lao như thế, họ đưa văn chương thoát khỏi lối viết “tỏ chí”, “tải đạo” thông thường, trả cho văn chương những giá trị quý giá của nó. Xu hướng “ly tâm” chính đạo ở họ là tất yếu khi ý thức cá nhân được đề cao. Nhưng họ không hề đả phá lý tưởng quân thần mà vẫn nuôi khát vọng về một xã hội vua sáng tôi hiền để tài năng của họ được ghi nhận. Với tinh thần tự nhiệm cao cả, họ sẵn sàng đứng về phía nhân dân chống lại triều đình mà họ cho là hủ bại. Cách phản kháng này tuy cho thấy hạn chế trong tư tưởng của họ - những nhà nho tài tử hãy còn ngơ ngác trước ngưỡng cửa một giai đoạn mới của lịch sử, nhưng cũng báo hiệu sự thay đổi nhận thức hoàn toàn của lớp nhà nho giai đoạn sau. Vậy, nhà nho khoe tài là để giữ vị thế của mình và giai cấp mình trên vũ đài lịch sử dân tộc. Bởi nếu đến một lúc nào đó, khi sự khoe tài không cần thiết nữa thì cũng là lúc sứ mệnh lịch sử của họ không còn. Tuy sự phân chia loại hình nhà nho chỉ là tương đối nhưng ta vẫn thấy mỗi loại hình nhà nho có đặc điểm riêng: Nhà nho hành đạo nói nhiều đến tài kinh bang, tài văn chương khoa cử. Con người tài năng khuôn mình theo chức năng, phận vị, sự “khiêm cung” nên tỏ ra thẹn tài. Nhà nho ẩn dật chủ trương “vô tài toàn mệnh” “nén mình chờ thời”, khuyên con người ta không cậy tài, khoe tài để tránh bị đố kỵ. Họ cũng nói đến tài khoa cử, tài kinh bang, thú cầm, kỳ, thi, tửu nhưng để gửi gắm suy nghĩ, tư tưởng nhiều hơn. Nhà nho tài tử quý thân, quý tài, đề cao tài cầm, kỳ thi tửu, coi trọng việc “lập ngôn” để lưu danh. 3.2. Biểu hiện thị tài qua cách khoe tài 3.2.1. Tài văn chương Hàm nghĩa Văn chương rất rộng. Chúng tôi chỉ bàn đến phạm vi nghĩa của Văn chương theo chú giải của Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển và Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: Văn (文) là “văn tự”, bắt chước hình tượng các loài đặt ra chữ, Chương (章) là văn tự viết thành bài, thành thiên; Văn (文) còn là “Người có học vấn”; Văn học (文學) là học vấn về văn chương. Vậy, người thị tài văn chương là người dựa vào việc giỏi chữ nghĩa, có tri thức rộng. Người xưa cho rằng, thiên tài của con người do thiên nhiên phú bẩm. Văn chương là hình thức, là cái bộc lộ ra bên ngoài của thiên tài. Người có tài phải thể hiện bằng văn chương như con báo phải có vằn có vện, con phượng phải có lông sặc sỡ. Người có tài văn chương vì ý thức được “tính chất vũ trụ” của loại tài năng này mà hình thành tinh thần tự nhiệm, coi gánh vác xã hội là bổn phận của mình. Họ khoe tài văn qua ba cách: Thứ nhất, cậy tài văn chương qua danh xưng. Người Việt vốn hiếu học. “Có học mới có danh” là quan niệm mặc định kích thích lòng đam mê và quyết định tài học của nhà nho. Khi khoa cử là con đường tuyển lựa nhân tài cho triều đình thì mọi tri thức, danh vọng đều hội cả vào nho học và văn chương thi phú. Nên nho sĩ thường khoe tài qua các danh xưng Trạng nguyên, Tiến sĩ, Thái học sinh, Tam nguyên... Việc họ say sưa ca tụng danh hiệu khoa bảng cho thấy một đặc điểm tính cách văn nhân nước ta mà Phan Kế Bính khái quát trong Việt Nam phong tục: Họ xem khoa cử như “chinh đồ” và say mê bia đá bảng vàng như một chiến công, đến mức mọi vinh hạnh về sau đều từ đó mà ra cả. Ngoài ra, để khoe tài văn chương, họ tự nhận mình là thi nhân, ngâm ông, từ khách… có phẩm chất, tài năng của nghệ sĩ thực thụ. Họ còn cho rằng chỉ thi nhân có tâm hồn thanh cao, tao nhã mới xứng bầu bạn với hoa mai, hoa lan, hoa sen... Không gian sống của thi nhân cũng tao nhã đối lập không gian bụi bặm xô bồ chốn kinh đô. Thứ hai, cậy tài văn chương qua cách sử dụng thơ văn. Thứ văn chương mà nhà nho theo đuổi là văn chương của thời đại “văn trị”, làm nên nguyên khí, nâng tầm thể diện quốc gia. Trên dải đất luôn bị ngoại xâm đe dọa, văn chương có ích với đời phải là thứ văn chương có khả năng đánh đuổi giặc, vệ quốc. Đời xưa, không ít người dùng văn chương như khí giới đắc lực để trấn áp tinh thần kẻ thù. Còn người thị tài tin văn chương của họ có thể đẩy lùi quân giặc, là
  14. 12 vũ khí sắc bén hơn gươm đao, thể hiện tinh thần dân tộc của nhân dân. Họ còn dùng tài văn chương để “lập ngôn”, coi đó là việc quý hơn mạng sống. Việc lập ngôn giúp họ kế thừa truyền thống, truyền bá văn hóa, mở ra chính nghĩa. Những văn nhân tiến bộ, uyên thâm nhất đều mong viết sách, viết thơ để lại cho đời. Nếu không làm được điều đó, họ sẽ xấu hổ. Việc văn nhân lập ngôn, thực chất là đem sinh mệnh ngắn ngủi của đời mình phó thác vào văn chương, nối tiếp cuộc sinh tồn vô hạn cùng đời người muôn thủa. Danh tiếng của họ qua đó mà bất diệt, còn tinh thần con người một thủa nhờ tài văn chương mà mãi lưu truyền. Thứ ba, cậy tài văn chương qua cách sáng tác: Các tác giả thường thể hiện năng lực viết nhanh, viết tại chỗ, xuất khẩu thành thơ. Bên cạnh đó, họ còn rất chú trọng kĩ năng sáng tác thơ ở cả ngôn ngữ, cấu trúc. Về ngôn ngữ, các tác giả thường tìm cách đưa thành ngữ dân gian, nói lái, chơi chữ, dùng ngôn ngữ có tính chuyên ngành của một nghề nào đó, hoặc tên một giống, loài nào đó để sáng tác. Về cấu trúc, họ viết những bài thơ có thể sử dụng đa dạng các kiểu cấu trúc, có thể đọc theo sáu cách: đọc xuôi; đọc ngược; bỏ 2 chữ đầu đọc xuôi; bỏ 2 chữ đầu đọc ngược; bỏ 2 chữ sau đọc xuôi; bỏ 2 chữ sau; đọc ngược từ dưới lên; đọc từ phải qua trái đều được… Họ muốn qua việc sáng tác thể hiện được cho người đọc thấy tài năng xuất chúng của mình. 3.2.2. Cách khoe tài kinh bang tế thế Xây dựng sự nghiệp kinh bang tế thế được xem là mục đích hướng đến của người đọc sách thánh hiền nhưng thơ khoe tài kinh bang tế thế của vua, chúa và nhà nho có sự khác biệt: Thứ nhất, Vua - chúa khoe tài trị nước nhằm giữ gìn “Thiên mệnh”. “Thiên mệnh” là hiện thân của trật tự tự nhiên và ý chí vũ trụ ủy thác quyền cai trị cho người xứng đáng. Để chứng tỏ bản thân có khả năng nắm giữ “Thiên mệnh”, vua, chúa khoe tài trị nước đạt đến mức độ phi thường, được Trời đồng tình, lựa chọn. Nhờ vậy, họ xác lập nền chính trị quân quyền tuyệt đối thông qua thần quyền, hợp pháp hóa vương quyền với thần quyền. Từ đó, khiến nhân dân thừa nhận vị trí, tán tụng công lao, tạo hiệu ứng “đồng tình” cho thể chế chính trị mà họ cai quản. Thứ hai, vua chúa khoe tài trị nước để thể hiện tư tưởng đế vương. Để đả phá quan điểm “Hoa di” của người Trung Hoa, nhiều ông vua của Đại Việt tự xưng hoàng đế, xem mình ngang hàng với vua Trung Hoa trong việc trị nước, thể hiện tinh thần bá chủ trời Nam. Khi khoe tài kinh bang tế thế, họ tập trung khẳng định hình tượng người mang uy quyền tối thượng. Họ cũng sử dụng hình tượng cây gậy, cây cau, cây thông… như cột kình thiên chống trời, là điểm tựa cố định cho thế giới hoặc hình tượng lầu cao, ngôi cao, trăng cao… thể hiện tư tưởng xem bản thân là trung tâm, khiến các cõi phải chầu về. Qua đó, họ cho thấy ý thực tự chủ, tự cường, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Thứ ba, vua chúa khoe tài trị nước để tạo dựng hình tượng “kẻ có công”. Vua, chúa khắc sâu hình ảnh người cầm quyền mang tinh thần “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, chăm lo cho dân, phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, chính trị… khiến kẻ sĩ đều muốn chầu về. Họ thường ca ngợi đời sống nhân dân no ấm dưới quyền cai trị của mình thể hiện đường lối “dưỡng dân”, “giáo dân” đúng đắn. Công lao trong việc trị nước của vua - chúa còn thể hiện qua việc thân chinh đánh giặc để “bảo dân”, giúp dân có cuộc sống bình yên, thể hiện uy quyền bậc đế vương và sự tôn nghiêm triều đại. Việc khoe tài kinh bang tế thế của nhà nho lại khác. Thứ nhất, nhà nho khoe tài để khẳng định hình mẫu lý tưởng của Nho giáo. Đó là kiểu hiền nhân quân tử, có học thức và có thể ứng dụng học thức vào thực tiễn, đạt đến mục đích “tu, tề, trị, bình”. Để đáp ứng tính chất đa dạng của cuộc sống khi hoàn thành sứ mệnh “bảo dân”, “giáo dân”, nhà nho phải không ngừng nỗ lực tạo nên hình tượng con người “văn thao võ lược”, sở hữu nhiều loại tài năng, có thể “đem quách cả sở tồn làm sở dụng”. Nhiều người tuy thời bình cầm bút viết thơ nhưng thời chiến lại lập chiến công lừng lẫy. Qua những vần thơ khoe tài, nhà nho cho thấy họ là kiểu người đa tài hoạt dụng có thể đảm nhận bất kỳ trọng trách nào. Thứ hai, nhà nho khoe tài kinh bang tế thế là để khẳng định sứ mệnh “tôn quân thân thượng”. Dù coi mọi việc trong vũ trụ đều là việc của mình thì cái gọi là “giai ngô phận sự” ở nhà nho chỉ nằm trong giới hạn “thượng trí quân, hạ trạch dân”. Họ xem việc quan sát, thông báo kịp thời tình trạng dân chúng tới nhà vua, giúp vua điều chỉnh chính sách cai trị phù hợp là bổn phận của mình. Dù có nói đến tài kéo mây, giỡn gió, đem ngân hà xuống rửa giáp binh thì sứ mệnh của họ vẫn là “tôn
  15. 13 quân thân thượng”. Hiếm có người dám nói đến việc “toan đạp cửa phù đồ”, “giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số”. Họ “an phận” với sứ mệnh của mình, lấy gương bề tôi giỏi đời xưa làm khuôn mẫu. Thứ ba, nhà nho khoe tài là để thực hiện sứ mệnh “bảo dân. Đó không phải là tinh thần “bảo dân” của một quốc gia chung chung theo học thuyết Nho giáo mà là bảo vệ dân chúng và quốc gia Đại Việt. Với quan điểm “dân vi bang bảng”, họ giúp vua xây dựng chính sách “bảo dân” “dưỡng dân”, “trị dân” đạt đến “tín dân”. Trong sáng tác của nhà nho hành đạo, ta thường thấy hình tượng cột đá, hòn đảo, cây cau… như ẩn dụ của người mang vai trò “cột kình thiên chống trời”, giúp vua giữ cho đời sống dân lành khỏi nghiêng ngửa. Họ còn hay nhắc đến việc mình thay vua “giáo dân”, giáo hóa, trừ tệ sâu mọt, gian tà cho dân. Để làm tròn sứ mệnh “giáo dân”, nhà nho cần phải nỗ lực lớn, không ngừng rèn đức, luyện tài để đảm đương sứ mệnh. Thứ tư, nhà nho gắn sự nghiệp kinh bang tế thế với khát vọng lập công. Khát vọng lập công, lập đức, lập ngôn là khát vọng lớn nhất để nhà nho lưu danh muôn thủa. Mà những đại thần lương tướng, tu thân trị quốc, có thể lập công, lưu lại sự nghiệp làm mẫu mực cho mai sau đời nào chẳng có. Chính họ, với niềm tin sâu sắc vào bản thân, ngay từ khi còn sống đã tin công lao của mình thuộc loại “tử nhi bất hủ”. Việc lập công, lưu danh là lí tưởng cao đẹp, là động lực nâng đỡ họ vượt qua mọi khó khăn. Việc nhà nho lập công lưu danh là muốn đạt đến sự vĩnh hằng của sinh mệnh, vượt qua sự hữu hạn đời người. Để hiện thực hóa ước nguyện đó, họ tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp “bảo trợ dân chúng”, thể hiện trách nhiệm của tầng lớp nho sĩ với xã hội. 3.2.3. “Tài” hành lạc “Hành” (行) là làm ra, thi hành ra, còn “Lạc” (樂) là vui, thích. “Hành lạc” là tìm thú vui chơi, tiêu khiển trong cuộc sống thường nhật. Thơ ca ngợi “hành lạc” là thứ thơ “ca ngợi niềm vui sống trên đời, ca ngợi những lạc thú trần gian của con người”. Đó là thú vui với rượu, thơ, cờ, đàn hát (cầm, kỳ thi, tửu), thú vui với cái đẹp của cảnh sắc thiên nhiên (phong, hoa, tuyết, nguyệt) và thú vui với vẻ đẹp của giai nhân... Thông thường người ta tìm đến các thú hành lạc để tìm niềm vui còn người thị tài thường tìm đến rượu, thơ, cờ… để khoe tài. Thứ nhất: Người thị tài cậy tài hành lạc qua thú cầm, kì, thi tửu. Thú cầm, kỳ, thi, tửu xuất hiện nhiều trong thơ Phạm Nhữ Dực, Phạm Nhân Khanh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Nhưng trong thơ nhà nho hành đạo, ẩn dật và vua, chúa đó chỉ là thú vui thanh nhã, là niềm vui an lạc, lịch sự, khiêm tốn, giúp họ quên đi nỗi niềm nhân thế. Đến thơ của nhà nho tài tử nó trở thành thú vui thanh sắc. Bởi nhà nho hành đạo, ẩn dật và vua, chúa, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, coi hành lạc chỉ là một “liệu pháp” để cân bằng con người trước những vất vả của hành trình nhập thế. Nhưng với nhà nho tài tử, hành lạc được nâng lên thành triết lí sống, thành một nghệ thuật. Vì họ chịu ảnh hưởng từ quan điểm “quý sinh” của Dương Chu, đề cao sự hưởng lạc, quý trọng cuộc sống trần thế. Họ còn bị ảnh hưởng bởi triết lí của Đạo giáo, đề cao tự do, xem cuộc đời như cuộc chơi. Việc họ đề cao ái tình với giai nhân là muốn thoát khỏi sự kiềm tỏa của đạo đức Nho giáo, đạt đến tự do tư tưởng. Ở nhà nho truyền thống, việc thể hiện con người cầm, kỳ, thi, tửu là để hướng đến sự phóng khoáng, đưa họ thoát khỏi lối sống “khắc kỷ” của nhà nho trong chốc lát. Do xuất thần khoa trường, họ không ngần ngại khoe tài văn chương ngay cả khi xướng họa, ngâm vịnh trên chiếu thơ. Con người thị tài trong các bài thơ ngâm vịnh thường phóng túng, tự do, tự tại bởi lúc này họ được sống là mình. Việc uống rượu được xem là nhã thú, là cách để “phá thành sầu” và để thể hiện bản lĩnh. Tuy nhiên, dù nhà nho có say sưa khoe tài uống rượu đến trăm nghìn chén thì họ vẫn không để tâm hoàn toàn vào việc uống rượu. Họ chỉ mượn việc đó để thể hiện suy nghĩ về nhân thế. Để thể hiện sự đa tài hoạt dụng, họ còn thể hiện tài trí của mình ở nhiều lĩnh vực như hội họa, đánh cờ, đánh tổ tôm. Việc thể hiện tài năng qua những thú chơi của các tác giả càng về sau càng đa dạng. Con người thị tài dần trở về là mình, tự do, tự tại. Vì thế, cầm, kỳ, thi, tửu giúp tu dưỡng tâm hồn nhà nho truyền thống. Nhà nho tài tử khoe “tài” hành lạc để thể hiện sự tự do và triết lí hưởng lạc. Để đạt đến tự do, họ phải dựa vào Tài. Họ còn đề cao cả Tình. Chủ trương “chủ tình” của họ là để phản kháng lại mệnh đề “thánh nhân vong tình”. Khi gắn Tài và Tình với thú vui cầm, kỳ, thi, tửu,
  16. 14 họ biến nó từ thú vui thanh nhã thành thú vui thanh sắc. Trong quan niệm của người tài tử Tài phải gắn với Nghệ, với môi trường để thỏa mãn cái sinh thú. Mà môi trường đó do những người cùng “hệ từ trường” với họ như giai nhân hoặc tài tử tạo ra. Khi sống trong “bầu sinh quyển” dành riêng cho mình, người tài tử đạt đến tận cùng của tự do cá nhân, đạt đến “vật ngã lưỡng vong”, “vô kim vô cổ”, hòa với vũ trụ, sống cuộc đời vô tận, vô cùng. Thứ hai, người thị tài thường cậy tài hành lạc qua thú phong, hoa, tuyết, nguyệt: Với người thị tài nếu nhìn cảnh chỉ để “vui cái vui của ta thì chưa phải đã đủ”, phải thấy cái lí của trời. Nhưng để lĩnh được cái lí của hóa công ẩn đằng sau mọi vật thì người trí tuệ tầm thường không làm được. Chỉ có bậc anh tài và người quen với cuộc sống phóng đãng, an nhàn giữa thiên nhiên là hiểu được thôi. Từ đây hình thành quan niệm người biết trở về vui sống với thiên nhiên, xa lánh công danh đầy thị phi đều là người bất phàm, là “tiên”. Ngoài ra, vì cho rằng trở về với thiên nhiên là được trở về với chính mình nên nhà nho thoải mái phô diễn cá tính, khoe “thói ngông” hơn đời của họ. Tâm thế “ngông” của các tác giả khi hưởng nhàn xuất phát từ thuyết “tam tài”. Họ xem bản thân chính là một kỳ quan tuyệt mĩ của thiên nhiên đáng để cho người đời chiêm ngưỡng. Mĩ cảnh trở thành nơi để ngụ tình, để gửi gắm khát vọng, lí tưởng, lòng yêu cuộc sống và cả quan niệm về cách sử dụng tài năng của họ Thứ ba: Cậy tài hành lạc qua thơ viết về giai nhân. Người thị tài tìm đến giai nhân vì muốn tìm một “đối trọng” xứng tầm với tài năng để hiện thực hóa mô hình lý tưởng từ Kinh thi. Giai nhân là hình tượng mang tính “mượn” để họ khoe tài. Thơ viết về giai nhân xuất hiện sớm nhưng phải đến Ngô Thì Nhậm, giấc mơ tài tử gặp giai nhân mới được ông nói đến trực tiếp như khát vọng tìm người “đồng điệu. Đây là lần đầu tiên tài tử - giai nhân xuất hiện ở thế song tôn trong thơ nhà nho. Đến Hồ Xuân Hương, mô hình tài tử - giai nhân được thể hiện trọn vẹn hơn. Là hình tượng tài nữ độc đáo, Xuân Hương xem tài tử như tri âm, phù hợp để hướng đến giãi bày tình tự. Kiểu tài tử xướng họa với giai nhân được hiện thực hóa qua các bài xướng họa của bà với Chiêu Hổ, Trần Hầu. Trong thơ Nguyễn Công Trứ, mối quan hệ tài tử - giai nhân càng được đề cao. Chủ trương “chủ tình” nhằm đả phá mệnh đề “Thánh nhân vong tình”, ông thể hiện tình cảm với giai nhân để biểu đạt con người tự do về tư tưởng. Nguyễn Công Trứ rất trân trọng giai nhân. Điều đó thể hiện qua tình cảm ông dành cho họ, qua cách ông khoe tài để chinh phục họ, qua việc ông xem họ là tri kỷ và dùng tình, dùng nghĩa để bảo đảm mối quan hệ này. Ông còn khẳng định giai nhân khiến cuộc sống của người tài tử trọn vẹn, ý nghĩa hơn. Trong thơ Cao Bá Quát, quan hệ giai nhân với tài tử được tác giả xem như cuộc hội ngộ cân xứng giữa sắc với tài. Với Cao Bá Quát chỉ có khách văn chương mới xứng với giai nhân. Nên nếu giai nhân không gặp được tài tử thì chẳng khác gì “chim cú đậu cành mai”, thật đáng tiếc. Bởi vì người đẹp vốn đã khó gặp mà người tài hoa gặp được giai nhân để thành tri kỉ càng khó khăn. Vậy, khác với nhà nho hành đạo và ẩn dật, tuy ưa thích giai nhân nhưng vẫn xem “sắc là giặc” và chủ trương “giới sắc”, người tài tử xem giai nhân như người cùng “hệ từ trường” với con người tài năng trong họ. Có hai thứ người thị tài thích hơn cả là mĩ cảnh và mĩ nhân vì cả mĩ cảnh và mĩ nhân đều thích hợp để giúp họ biểu lộ cái Tài, Tình, qua đó thể hiện con người tự do trong họ. 3.3. Biểu hiện của tư tưởng thị tài qua tâm thế thị tài 3.3.1. Ngạo tài Thứ nhất, người thị tài tự xem mình là cao nhân. Họ thường tự nhận mình là kẻ tài bộ, người thông minh, đấng trượng phu, người biết rộng... Họ còn tự xếp riêng mình vào nhóm thiểu số người tinh hoa trong xã hội. Điều này cho thấy nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm chỗ đứng trong cộng đồng. Việc nhà nho tự định vị mình như thiểu số tinh hoa phải chăng còn vì họ muốn thể hiện cái kiêu, là một cách để họ thoát khỏi sự ràng buộc của đức “khiêm cung” của Nho giáo? Nên nhiều lần họ khẳng định mình là người tài, thể hiện quan điểm muốn dựa vào tài để tồn tại. Điều này càng được thể hiện rõ hơn ở loại nhà nho tài tử. Với người tài tử nói riêng, người thị tài nói chung, cái phổ quát, phổ biến đồng nghĩa với sự tầm thường, thấp kém. Do đó, họ tìm mọi cách để mọi người thấy họ khác biệt với số đông. Nếu không nhận mình là tài tử, tài hoa họ sẽ tự xưng là anh hùng, hào kiệt, quân tử…. Nhưng mẫu anh hùng,
  17. 15 quân tử trong sáng tác của họ không phải là kiểu người được đề cao đạo đức, hoặc được ngưỡng mộ vì sự dũng cảm mà được nhấn mạnh ở khả năng thực tế, đa tài, hoạt dụng, quán xuyến nhiều việc xã hội. Nó mang tính cá nhân hơn tính cộng đồng. Vậy, dù không cô lập bản thân khỏi xã hội nhưng người thị tài ý thức được sự khác biệt của mình với số đông và dựa vào tài để thể hiện tâm thế “hòa nhi bất đồng” theo quan điểm Nho giáo. Thứ hai, ngạo tài bằng cách tự xem mình khác thế tục. Thế tục là nơi cái xấu, tốt, phải, trái, thị phi lẫn lộn. Đối với mọi việc trong thế tục, người thị tài tiếp nhận nhưng vẫn giữ quan điểm riêng. Cùng với việc xác định vị trí “bảo trợ” dân chúng, đứng đầu tứ dân, là cầu nối giữa nhân dân và thiên tử, họ tự xếp mình đứng riêng, đứng ngoài, đứng trên… thế sự dữ lành để giữ gìn thiên tính tốt đẹp của bản thân. Việc tự xem mình đứng riêng một phái với số đông của người thị tài không phải để “độc thiện kì thân” hay “lánh đời” mà để thể hiện tự do, độc lập không bị hoàn cảnh chi phối. Điều này giúp họ vững vàng trước thực tại khắc nghiệt của cuộc sống như cây cúc vẫn nở hoa vàng trong sương thu, hay hoa mai vẫn đơm bông khi tuyết còn lạnh giá vậy. Đó là “tính thiêng” không cát bụi nào làm hoen ố được của họ. Thứ ba, người thị tài có lối sống “ngông”: Tâm thế ngạo tài còn thể hiện ở lối sống ngông, vượt lên tôn ti, phận vị của người thị tài. Người “ngông” cần có được hai điều: khác đời và hơn đời. Không tài hơn đời, chỉ khác đời thì là lập dị. Thực tế, người thị tài thấm nhuần hơn ai hết về đạo “trung dung”. Nhưng họ lại là những người không muốn khuôn mình theo những phép tắc, lề lối đó. Họ thậm chí còn xem việc phá bỏ những nguyên tắc ấy là một cách để được “là mình”, thể hiện bản lĩnh cá nhân. Về cơ bản, lối sống ngông của tác giả thị tài là một cách để giải phóng cá tính khỏi những quy tắc bó buộc con người, đưa họ đến sự tự do. Nhưng, dù người thị tài có thể hiện tâm thế ngạo đời theo cách nào thì họ vẫn không phải kiểu người “li tâm” hoàn toàn. Họ chỉ phá vỡ những nguyên tắc bó buộc tự do và sự sáng tạo của con người. Còn lại, họ vẫn “hướng tâm” khi nói về trách nhiệm xã hội. 3.3.2. Thẹn tài Đạo Khổng dạy người quân tử “khiêm nhi bất kiêu”. Để tránh việc khoe tài tạo cảm giác kiêu căng, các tác giả thường tỏ ra thẹn tài. Xét về hình thức, thẹn tài biểu thị nỗi dằn vặt, sự mặc cảm vì cảm giác vô tài, khuyết tài, bất tài trước yêu cầu thực tế của kẻ sĩ. Nhưng với những nhà nho sống trong giai đoạn thế hệ của họ còn được lịch sử ủng hộ thì đó chỉ là cách nói khiêm tốn để họ kín đáo khoe tài khẳng định mình. Một số hoàn cảnh khiến các tác giả tỏ ra thẹn tài là: khi họ bày tỏ lòng biết ơn vì được vua giao trọng trách; khi họ đã từng đỗ đạt hoặc có danh tiếng lẫy lừng nhưng chưa thể mang tài năng ra giúp nước, giúp dân; khi không tham luyến công danh, chọn con đường ở ẩn. Biểu hiện sự thẹn tài ở nhà nho dù là vì khiêm tốn hay là vì bất lực cũng đều bắt nguồn từ tinh thần tự nhiệm rất đáng quý của họ. 3.4. Tư tưởng thị tài trong mối quan hệ với các yếu tố khác 3.4.1. Tài – Đức Nho giáo đề cao kiểu người “sát thân thành nhân, xả thân chủ nghĩa”. Trong mối quan hệ Tài - Đức, Nho giáo đề cao Đức hơn Tài. Cho nên, con người cá nhân cùng tài năng của nó không được khuyến khích phát triển trong xã hội đức trị phương Đông đã đành, đôi khi, còn mâu thuẫn với xã hội đó. Nhưng từ thực tiễn cho thấy, tư tưởng chuộng đức hơn chuộng tài là một trong những nguyên nhân khiến cho xã hội chậm phát triển. Vì con người trong xã hội Đức trị dần mất thói quen bày tỏ quan điểm cá nhân, không dám sáng tạo và làm theo cái mới nên không tạo được điều mới mẻ. Nhưng có giai đoạn, nhà cầm quyền đã phải dùng người có Tài thay vì chọn người có Đức. Để đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống, bên cạnh việc đề cao Đức, các tác giả bắt đầu ca ngợi Tài. Từ đây, thơ trung đại xuất hiện kiểu người vừa có Tài, vừa có Đức. Nhưng trong tương quan giữa Tài và Đức thì Đức vẫn được đặt cao hơn. Mong muốn gặp người vừa có Tài, vừa có Đức là khát vọng lớn nhất của những người cầm quyền giai đoạn này. Nhưng ngay ở những tác giả thị tài bậc nhất cũng nhận thấy rằng việc khoe tài dễ bị ganh ghét, đố kỵ. Vì thế, họ dùng thuyết “vô tài toàn mệnh” của Lão - Trang để “giới kiêu”, chú trọng việc luyện đức, dung hoà mối quan hệ giữa Tài và Đức. 3.4.2. Tài – Danh
  18. 16 Danh (名) là danh dự, người thiện thì được tiếng tốt (mĩ danh 美名), người ác thì bị tiếng xấu (ác danh 惡名). Danh thường dùng để khen người giỏi (danh thần, danh tướng). Trong xã hội phong kiến dùng khoa cử tìm kiếm hiền tài, danh tạm coi là sự nghiệp của kẻ sĩ, biểu hiện ở hai dạng thức: Một là danh vị trong khoa cử và sự nghiệp làm quan, hai là tiếng thơm muôn thủa. Lập công để nên danh và lưu danh là món nợ người con trai phải trả, là cơ sở đầu tiên để đánh giá thực tài của mỗi người. Nhiều tác giả cho rằng không cần phải khoe tài, cậy tài hơn thua, chỉ cần lập được danh là chứng minh được tài trí. Mối quan hệ giữa Danh - Tài là mối quan hệ tương hỗ: công danh là cách để mỗi người chứng tỏ tài năng, ngược lại, tài năng là phương tiện để lập danh. Tin tưởng và lạc quan về mối quan hệ này, người thị tài cho rằng khi họ có tài thì chuyện lập danh sẽ là tất yếu. Nhưng không ít người gặp phiền lụy bởi danh. Nhiều người nhận ra con đường lập danh là chốn hiểm nguy, cạm bẫy. Số khác cảm thấy mình bị công danh trói buộc, không thể sống ung dung tự tại, đến khóc cười cũng không như ý. Cho nên, với kẻ sĩ, không lập được danh để tỏ tài cũng khổ mà tỏ tài rồi lập được danh cũng khổ. Khi thấu hiểu những phiền lụy do danh mang đến, nhiều người chọn “ẩn tài” để “minh triết bảo thân”, coi nhẹ hơn, thua, được, mất. Quá trình từ chỗ xem công danh là mục tiêu của đời mình đến chỗ xác định “đem công danh đổi lấy cần câu” là quá trình nhận thức lại tính hữu dụng của công danh và tài năng trong đời sống. Khi nhận ra sự vô nghĩa của công danh, nhiều người cáo quan, từ bỏ công danh nhưng vẫn chú trọng rèn tài, luyện tài. Họ chỉ xa lánh danh hư, vì muốn đem tài thực giúp ích cho đời. Nguyễn Dữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác… là những người xem nhẹ công danh mà vẫn để lại tiếng thơm muôn thủa bởi những đóng góp từ tài năng của họ cho đời sống nhân dân. 3.4.3. Tài – Mệnh Nho giáo cho rằng Tài và Mệnh có liên quan. Khổng Tử chủ trương thuyết “Thiên mệnh” cho rằng Trời là lực lượng siêu hình, có khả năng chi phối cuộc sống, số phận con người. Nhà nho xem Trời là chủ tể muôn vật, vận mệnh đều do Trời định đoạt. Cho nên, tài năng, tính cách của con người được xem là do trời tạo nên. Từ đây, hình thành thuyết Người cùng tại mệnh, một cơ sở để nhà nho lí giải sự bất đắc chí trên đường hoạn lộ của mình. Việc “thông hiểu số mệnh” là yêu cầu phải có đối với người quân tử. Khi đã hiểu mệnh rồi, sẽ hình thành trong họ tâm thế an nhiên trên không oán trời, dưới không trách người, cứ ung dung đợi mệnh. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng từ thuyết “Thiên mệnh”, đời sau đã phát triển thành thuyết Tài mệnh tương đố. Nhưng thuyết Thiên mệnh không chủ trương tạo vật đố tài mà chỉ cho rằng mọi sự đều do Trời sắp trước. Nên có lẽ thuyết này còn có thêm một nguồn gốc khác là thuyết Vô tài toàn mệnh của Lão Tử. Theo thuyết Tài mệnh tương đố, trời rất công bằng, cho người này cái này sẽ lấy đi của họ cái khác. Do vậy, nếu một người có tài hoa thiên phú sẽ phải chịu số phận lận đận để cân bằng. Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng đây là tư tưởng riêng của thời Lê mạt – Nguyễn sơ. Nhưng tư tưởng này đã xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi và được thể hiện nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Du. Nhưng cả tư tưởng Người cùng tại mệnh và Tài mệnh tương đố đều là tư tưởng bi quan yếm thế làm hạn chế ý thức đấu tranh làm chủ vận mệnh ở nhà nho. Bởi từ góc độ xã hội và cá nhân, tài năng của họ không đi vào hiện thực được vì nhiều lí do nhưng họ vẫn dùng mệnh để lí giải. May mắn là bên cạnh quan niệm đề cao mệnh trời thì có quan niệm không tin vào số mệnh mà tin vào con người, tin vào “nhân định thắng thiên”, tin rằng sự tu dưỡng của con người có thể cải mệnh. Phật giáo; Đạo giáo; Thuyết định mệnh… cho rằng Tài - Mệnh không có liên quan. Từ rất sớm Mặc Tử đã chủ trương thuyết Phi thiên mệnh chống lại Thiên mệnh của Khổng giáo. Sau Mặc Tử, Liễu Tông Nguyên trong Thiên tuyết, Thiên đối, Phong kiến luận cũng cho rằng con người và mệnh trời không có quan hệ. Tuân Tử, Lưu Tích Vũ cũng cùng quan điểm đó. Trong các tác phẩm văn học, nhiều tác giả cũng đề cao vai trò và nỗ lực của con người khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống như Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Một số nhà nho chủ trương dùng đức để “cải lòng trời” như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Lê Tung, Lê Hy... Theo họ không mệnh nào thắng được tài trí con người. Chính niềm tin vào nội lực bản thân làm nên ý thức đấu tranh mạnh mẽ ở các tác giả. 3.4.4. Tài – Tình
  19. 17 Lễ giáo của Nho giáo phản đối “đa tình”, cho rằng nó khiến nhà nho quên mất tinh thần khắc kỷ, bỏ quên trách nhiệm với dân. Việc không đề cao ái tình được thể hiện ở mệnh đề “Thánh nhân vong tình”. Nhưng chính Khổng Tử thừa nhận chưa thấy ai say mê đức như say mê sắc đẹp. Các nhà thơ cũng cho rằng sự đa tình là tính thiên bẩm mà người thường không thể cưỡng cầu. Người càng có tài lại càng đa tình. Vậy, ái tình tuy không được Nho giáo cổ vũ nhưng lại được người thị tài chú ý. Khi thừa nhận sự tồn tại của tình ái một cách hiển nhiên, người thị tài không ngần ngại bày tỏ khát vọng về một tình cảm đôi lứa trọn vẹn, dù đó không phải là thứ tình cảm ràng buộc bởi hôn nhân, lễ giáo. Họ còn xem việc thể hiện cái Tình là cách phá bỏ mệnh đề “Thánh nhân vong tình” để được là mình. Xu hướng “chủ Tình” của người thị tài là cái tình của “Tài tử” với “Giai nhân”. Việc đề cao Tình không phải vì họ yếu đuối, lụy tình mà vì họ “quý sinh”, thuận theo tự nhiên, coi Tình là gốc rễ mọi vấn đề. Tình ổn định sẽ giúp Tài thăng hoa. Tài thăng hoa thì Tình cũng nảy nở trọn vẹn. Từ chỗ phủ nhận tình ái đến thừa nhận đó là thứ tình cảm tự nhiên ở con người là quá trình giải phóng khát vọng hạnh phúc cá nhân của người trung đại. Chỉ người thị tài với ý thức cao về tài năng, tâm hồn phóng khoáng mới có thể có định hướng những tiêu chí về tình cảm cũng như “đối trọng” tương xứng với mình. Vì thế, nhà nho tài tử là những người viết hay nhất về Tài - Tình. Vậy, mối quan hệ Tài - Đức, Tài - Danh, Tài - Mệnh, Tài - Tình chịu sự ảnh hưởng của những luồng tư tưởng khác nhau và những biến động của lịch sử - xã hội. Hướng vận động của các mối quan hệ này là đề cao giá trị thực tiễn của tài năng và quyền sống con người. Tiểu kết Chương 3: Chương 3 trình bày các vấn đề trọng tâm của luận án. Từ góc độ loại hình tác giả, luận án chỉ ra mục đích việc khoe tài của nhà thơ thiền, vua, chúa và nhà nho là để khẳng định vai trò của họ, của tầng lớp họ trong xã hội quân chủ. Để khoe tài văn chương, họ khoe qua danh xưng, qua cách sử dụng và sáng tác. Khi khoe tài kinh bang tế thế, vua, chúa dựa trên quan điểm “dưỡng dân”, “giáo dân” của Nho giáo để xây dựng hình tượng kẻ có công nhằm giữ gìn “Thiên mệnh”, thể hiện tư tưởng đế vương. Nhà nho khoe tài kinh bang tế thế để khẳng định hình mẫu lý tưởng của Nho giáo, thể hiện sứ mệnh “tôn quân thân thượng” và trách nhiệm “bảo dân”. Trong việc khoe “tài” hành lạc, nhà nho truyền thống chỉ xem đó là thú vui “thanh nhã”, là “liệu pháp” để giải thoát con người khỏi lối sống khắc kỷ của Nho giáo còn nhà nho tài tử lại xem đó là triết lí sống, nâng lên thành nghệ thuật, thể hiện rõ con người tự do và quan niệm “du thế”. Người thị tài còn mượn thú phong, hoa, tuyết, nguyệt và hình tượng giai nhân để thể hiện nhân sinh quan cao hơn hẳn người thường cũng như quan điểm về việc cần thiết phải có một môi trường sinh thú để tài năng nảy nở trọn vẹn. Ngoài ra, tinh thần thị tài còn được thể hiện qua tâm thế ngạo tài: tự xem mình là cao nhân, mình khác với người trong thế tục hoặc dám sống “ngông” vượt lên mọi tôn ti, phận vị trong xã hội. Ngay cả khi họ thẹn tài thì đó chỉ là để thể hiện sự kiêu ngầm. Trong mối quan hệ giữa tài năng và các yếu tố như Đức, Danh, Tình, Mệnh, hướng vận động chung của các mối quan hệ này là đề cao giá trị thực tiễn của tài năng, đề cao việc giải phóng và khẳng định quyền sống con người. Việc phân loại các biểu hiện thị tài từ phương diện nội dung tạo cơ sở tiền đề cho việc nhận diện tư tưởng thị tài từ phương diện nghệ thuật ở Chương 4. CHƯƠNG 4: TƯ TƯỞNG THỊ TÀI NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN 4.1. Tư tưởng thị tài thể hiện qua hình tượng nghệ thuật 4.1.1. Hình tượng cây, hoa Thứ nhất là nhóm hình tượng cây: Khi sử dụng hình tượng cây và hoa để khoe tài, các tác giả khai thác đặc tính riêng của từng loài cây để biểu đạt tinh thần thị tài. Những loại cây to lớn, vững chãi, dễ dàng vượt qua tuyết sương như tùng, cây đa (cổ thụ), cây hòe, cỏ cứng… thường được dùng để khoe tài lương đống. Còn những loại cây thanh nhã, rắn rỏi như cây trúc, cây cam đường hay cây hạnh đàn thường được dùng để khoe tài văn chương hoặc biểu đạt tâm thế ngạo tài, cao hơn thế tục. Tuy nhiên, sở dĩ các loại cây trên đi vào văn chương đẹp bởi nó phản chiếu nội lực, bản lĩnh, vẻ đẹp tâm hồn thi nhân. Thứ hai là nhóm hình tượng hoa, quả: Các nhà thơ khai thác đặc tính hương thơm, sắc trắng, khả năng không tập nhiễm bởi môi trường sống, khả năng chịu tuyết sương của hoa để biểu
  20. 18 đạt tinh thần thị tài. Hoa mai dùng để chỉ người đỗ đầu các kỳ thi, có cả tài lẫn đức vì có sắc trắng tinh khôi, có thể nở trước các loài hoa mùa xuân ngay cả khi trời còn băng giá. Hoa sen sinh ra từ bùn lầy nhưng không ô nhiễm, mọc ở đâu thì làm cho nước đục ở đó lắng trong nên được dùng để thể hiện bản lĩnh người anh hùng tạo thời thế và tinh thần tự do. Hoa cúc là khí mạnh và tài năng của trời đất. “Cúc ngạo hàn sương” thể hiện tinh thần vượt khó đạt đến lí tưởng của người thị tài. Đặc tính “cúc bất lạc hoa, tiêu bất lạc diệp”, cánh hoa cúc không rụng khỏi cành thể hiện sự kiên định lí tưởng của người quân tử tài, đức thấu hiểu lẽ thịnh suy nên tùy thời xuất - xử, hành - tàng. Hoa lan vì hương thơm và vẻ đẹp thoát tục thể hiện người có tài văn chương nhưng quý tài, quý sinh, không đem tài đeo đuổi danh hư. Thứ ba là nhóm những cây nhỏ bé thể hiện khẩu khí của người viết. Các tác giả sử dụng những hình tượng hết sức bình dị, thậm chí cả cây cung cấp lương thực để khoe tài. Cây cau, cây lựu, cây khoai lang … trong thơ “khẩu khí” của Lê Thánh Tông mang dáng vẻ của bậc đế vương có tài kinh bang tế thế xuất chúng. Trong thơ nhà nho, cây mận, cây đàn… như đấng trượng phu có bản lĩnh khinh nhờn sương tuyết, xứng đáng để vua trông cậy tài năng. Người xưa tin thiên nhiên và con người có mối tương giao. Họ nhìn loài cây cối, hoa quả nào cũng thấy chúng phản chiếu tinh thần của mình. Đây là điều cơ bản tạo nên đặc điểm của lối thơ khẩu khí và thơ tỏ chí của họ. Đóng góp của người thị tài là đem đến cho cây cỏ đặc tính thích khoe tài của mình, làm phong phú thêm ý nghĩa cho hình tượng họ chọn lựa. 4.1.2. Hình tượng muông thú Muông thú được chia thành hai loại: Loại hình tượng linh vật và loại hình tượng con vật bình thường. Các linh vật bao gồm: Thứ nhất là nhóm các loài bay trên trời như rồng, phượng, chim hạc, chim ưng, chim bằng... Việc sử dụng hình tượng này phản ánh xu thế hướng thượng và khát vọng chiếm lĩnh không gian của người xưa. Để thể hiện tài văn chương, họ chọn hình tượng chim phượng và chim hạc. Để nói về tài kinh bang tế thế, họ dùng hình tượng chim bằng, chim ưng... Đây là những loài có sức bay cao, trí tuệ nhạy bén thích hợp để biểu đạt kiểu người tài cao, chí lớn. Ngoài ra, hình tượng cánh chim còn thể hiện khát vọng tự do và khí phách mạnh mẽ ở người thị tài. Thứ hai là nhóm loài sống dưới nước gồm cá chép và rùa. Từ xưa, hình tượng cá côn đã được dùng biểu thị con người tài cao, chí lớn. Vì nó gợi đến loài cá Côn ở biển Bắc trong câu chuyện của Trang Tử. Cho nên, hình tượng “cá chép vượt đăng”, “cá chép hóa rồng” được người thị tài dùng để chỉ người đỗ đạt cao trong khoa cử. Hình tượng rùa, con vật trong tứ linh cũng được dùng để nói về tài trí hơn người của người thị tài. Vậy, với loài sống dưới nước, các tác giả chú ý đến linh vật theo truyền thuyết hoặc những loài có kích thước to lớn, sức vùng vẫy trong không gian rộng để biểu đạt tinh thần thị tài. Thứ ba là nhóm sống trên cạn gồm hổ và ngựa. Con hổ trong thơ Lê Quát biểu đạt vai trò của người trấn giữ biên cương. Nguyễn Phi Khanh mượn hình ảnh tuấn mã bất ky để nói về thời tuổi trẻ cứng cỏi, tự do, tài năng, danh tiếng lừng lẫy của mình. Ngô Thì Nhậm mượn hình ảnh con ngựa quèn, minh chứng cho thuyết “vô tài toàn mệnh”. Vậy, với loài sống trên cạn các tác giả thường chú ý đến những loài có sức chạy tốt, quý, hiếm để thể hiện sự kiên trì, lòng trung thành cũng như hoài bão của bản thân. Nhóm những con vật bình thường (không thuộc linh vật) gồm con cóc, con kiến, con trĩ, con vẹt, con quạ… Khi tiếp cận với những hình tượng này, người đọc dễ nhận ra một hình tượng kép người - vật đan xen nhau. Một số con vật giúp người viết thể hiện tài kinh bang tế thế xuất chúng như con cóc, con kiến. Sự xuất hiện của con quạ được xem là điềm báo về một thời thịnh trị như khi người hiền tài xuất hiện. Con trai cũng biểu đạt lòng kiêu hãnh của người đủ tài văn võ, danh tiếng lẫy lừng sông biển. Một số loài như vẹt, trĩ… cũng thể hiện trí tuệ kiệt xuất của văn nhân. Chính tinh thần thị tài mạnh mẽ của người viết mang đến những nét nghĩa mới cho hình tượng, khiến chúng trở nên kỳ vĩ, lộng lẫy. 4.1.3. Hình tượng đồ vật, sự vật Hình tượng gợi sự tao nhã gồm ngọc, vàng mười, trăng, kiệu rồng, xe loan, núi… Ngọc, vàng vốn là vật quý, hiếm, đẹp, sang trọng. Người thị tài dùng hình tượng này để thể hiện sự quý giá của tài năng, xem tài năng như ngọc quý. Thời thịnh trị, gặp minh chúa, họ sẵn sàng dâng ngọc dưới thềm vua. Thời loạn, họ giấu tài vì không muốn “đem ngọc bán rao”. Chính Khổng
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0