i<br />
<br />
TÓM TẮT LUẬN VĂN<br />
<br />
Lời mở đầu<br />
1. Sự cần thiết của đề tài nghiên cứu:<br />
Với chức năng trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng chính là kênh thu hút<br />
các nguồn vốn nhàn rỗi và cung cấp vốn cho những nơi cần vốn góp phần thúc đẩy<br />
sự phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh trong huy động<br />
vốn ngày càng gay gắt, để có nguồn vốn đủ mạnh, các ngân hàng thương mại phải<br />
thực hiện nhiều hoạt động nhằm huy động được nguồn vốn đủ lớn đáp ứng nhu cầu<br />
kinh doanh của ngân hàng, nhưng nói như vậy không có nghĩa là huy động vốn một<br />
cách không tính toán mà phải đảm bảo hiệu quả huy động vốn. Ngân hàng Đầu tư<br />
và Phát triển Việt Nam Chi nhánh DakLak là một trong những chi nhánh mà huy<br />
động vốn chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vốn, thêm vào đó, tỉnh DakLak là<br />
một tỉnh tuy nhỏ, nguồn vốn khan hiếm nhưng số lượng ngân hàng thương mại lại<br />
rất đông đúc, chính sách huy động vốn của chi nhánh còn phụ thuộc nhiều vào sự<br />
quản lý, điều tiết của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nhà<br />
nước tỉnh DakLak. Vì vậy, để phát triển hoạt động kinh doanh và có được nguồn<br />
vốn tốt đặc biệt là các nguồn vốn nhàn rỗi còn nằm rải rác trong dân cư nhằm phục<br />
vụ cho đầu tư phát triển tại địa phương, việc tìm ra các giải pháp để vừa tăng trưởng<br />
vừa đảm bảo hiệu quả trong huy động vốn là cực kỳ khó khăn nhưng hết sức cần<br />
thiết đối với chi nhánh. Đây chính là lý do mà tôi lựa chọn đề tài “Tăng cường huy<br />
động vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh DakLak”.<br />
2. Mục đích nghiên cứu:<br />
Hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về ngân hàng thương mại, và hoạt<br />
động huy động vốn của ngân hàng thương mại.Giới thiệu sơ lược về BIDV và chi<br />
nhánh DakLak, tình hình hoạt động kinh doanh của chi nhánh DakLak giai đoạn<br />
2008-2010 trong đó đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng tình hình huy động<br />
vốn. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đề ra các giải pháp nhằm tăng cường huy động<br />
vốn (chủ yếu là nguồn tiền gửi của khách hàng) một cách hiệu quả nhất tại Ngân<br />
hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh DakLak.<br />
<br />
ii<br />
<br />
Chương 1: Cơ sở lý luận về tăng cường huy động vốn<br />
của ngân hàng thương mại<br />
1.1 Khái quát về ngân hàng thương mại:<br />
Ngân hàng là một tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài<br />
chính đa dạng nhất, đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán đồng thời<br />
thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào<br />
trong nền kinh tế. Căn cứ vào chức năng, ngân hàng được chia làm hai loại: ngân<br />
hàng thương mại và ngân hàng nhà nước. Hoạt động cơ bản của Ngân hàng thương<br />
mại bao gồm cho vay, huy động vốn, thanh toán, đầu tư, quản lý ngân quỹ, mua bán<br />
ngoại tệ, bảo quản vật có giá, tài trợ cho chính phủ, bảo lãnh, cho thuê tài chính, uỷ<br />
thác tư vấn, bảo hiểm, môi giới đầu tư chứng khoán, các dịch vụ đại lý…<br />
<br />
1.2 Hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại:<br />
Huy động vốn là hoạt động tạo nguồn vốn của ngân hàng thương mại, trong<br />
đó, các ngân hàng thực hiện các biện pháp tìm kiếm và thu hút các khoản vốn để sử<br />
dụng nhằm thu lợi nhuận. Với vai trò quan trọng như vậy, huy động vốn trong ngân<br />
hàng phải đảm bảo các mục tiêu: tạo ra nguồn vốn đủ lớn đáp ứng quy mô cho vay<br />
và đầu tư, tìm kiếm cơ cấu nguồn vốn có chi phí thấp nhất và phù hợp với nhu cầu<br />
sử dụng vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản của ngân hàng, và hướng tới phát triển<br />
các công cụ nợ mới. Nguồn vốn huy động của ngân hàng thương mại bao gồm<br />
nguồn vốn chủ sở hữu, tiền gửi của khách hàng, nguồn vốn vay, tiền ủy thác, tiền<br />
trong thanh toán … Các chỉ tiêu phản ánh kết quả huy động vốn của ngân hàng<br />
thương mại bao gồm quy mô và tốc độ tăng trưởng huy động vốn, cơ cấu huy động<br />
vốn, chi phí huy động vốn, kỳ hạn huy động vốn, thị phần huy động vốn và tỷ lệ<br />
hoàn thành kế hoạch huy động vốn. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động<br />
vốn rất đa dạng như quy mô vị thế chiến lược kinh doanh của ngân hàng kết quả của<br />
hoạt động huy động vốn (số lượng và chất lượng) trước đây cũng như chính sách<br />
huy động vốn của ngân hàng hiện tại và tương lai, môi trường về chính trị, pháp<br />
luật, kinh tế, công nghệ, địa lý, dân số, văn hoá xã hội.<br />
<br />
iii<br />
<br />
Chương 2: Thực trạng huy động vốn tại ngân hàng Đầu tư và<br />
Phát triển Việt Nam chi nhánh DakLak giai đoạn 2008-2010<br />
2.1 Khái quát về Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi<br />
nhánh DakLak<br />
Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển DakLak được thành lập theo<br />
quyết định số 105/QĐ-NH ngày 16/11/1990 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước<br />
Việt Nam, là đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc của Ngân hàng Đầu tư và phát<br />
triển Việt Nam (BIDV), có con dấu riêng cung cấp các dịch vụ huy động vốn ngắn<br />
hạn, trung hạn, dài hạn của các cá nhân, tổ chức kinh tế dưới các hình thức tiền gửi<br />
không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi thanh toán, phát hành các loại giấy tờ có<br />
giá, cho vay thương mại, vay tiêu dùng, vay đồng tài trợ, vay thấu chi, bảo lãnh,<br />
dịch vụ thanh toán trong và ngoài nước với các sản phẩm đa dạng, có tính cạnh<br />
tranh cao; và nhiều dịch vụ khác như đầu tư tiền gửi tự động, trả lương qua thẻ; thu<br />
tiền đại lý, thanh toán hóa đơn, mua bán ngoại tệ bằng các hợp đồng giao ngay, kỳ<br />
hạn, tương lai, quyền chọn, hoán đổi..., dịch vụ thẻ ATM, Visa, Banknet, BSMS,<br />
VnTopup, Direct Banking, đại lý nhận lệnh chứng khoán, đại lý giao dịch cà phê<br />
tương lai, đại lý WU….<br />
Trong giai đoạn 2008-2010, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế<br />
thế giới cũng như nền kinh tế nước nhà, BIDV DakLak đã nỗ lực thực hiện nhiều<br />
giải pháp đồng bộ và linh hoạt để làm sao có thể đạt được kết quả kinh doanh tốt<br />
nhất cụ thể: số dư huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng liên tục, tỉ trọng cho vay có<br />
tài sản đảm bảo tăng nhanh, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì dưới 2%, thu hồi được gần 67<br />
tỷ đồng nợ hạch toán ngoại bảng, thu dịch vụ ròng tăng từ 19 tỷ đồng năm 2008 lên<br />
28 tỷ đồng năm 2009 và 25 tỷ đồng năm 2010, lợi nhuận trước thuế tăng từ 39 tỷ<br />
đồng năm 2008 lên 54 tỷ đồng năm 2010, tổng quỹ dự phòng của chi nhánh tại thời<br />
điểm 31/12/2010 đạt 59 tỷ đồng, tổng tài sản tăng liên tục qua các năm, ROA thấp<br />
1,41% và thấp hơn so với mức bình quân chung của ngành (khoảng 2%), tuy vậy<br />
ROA năm 2010 đã tăng đáng kể so với các năm trước đó.<br />
<br />
iv<br />
<br />
2.2 Thực trạng huy động vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển<br />
Việt Nam chi nhánh DakLak giai đoạn 2008-2010<br />
Về hoạt động huy động vốn, hình thức huy động vốn tại chi nhánh khá đa<br />
dạng gồm: Huy động tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) của các tổ chức<br />
kinh tế, TCTD, và các cá nhân trong và ngoài nước bằng ngoại tệ và VND; Huy<br />
động tiền gửi có kỳ hạn chủ yếu từ các tổ chức kinh tế, TCTD, trong và ngoài nước<br />
bằng ngoại tệ và VND; Huy động tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân trong và ngoài<br />
nước bằng ngoại tệ và VND; Phát hành giấy tờ có giá đối với các tổ chức và cá<br />
nhân bằng USD, VND. Quy mô huy động vốn tuy tăng liên tục nhưng thị phần huy<br />
động vốn còn tương đối thấp chỉ khoảng gần 10%. Về cơ cấu huy động vốn, huy<br />
động vốn từ dân cư có chuyển biến tích cực từ mức chiếm tỷ trọng 47,7% năm<br />
2008 đến năm 2010 đã chiếm tỷ trọng 59,3% trong tổng nguồn vốn huy động; cơ<br />
cấu huy động giữa tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn của chi nhánh đã chuyển<br />
biến tích cực qua các năm, từ năm 2008 trở về trước, tiền gửi thanh toán không kỳ<br />
hạn thường chiếm trên 50%, năm 2009 chỉ còn chiếm 46,2% và năm 2010 tỷ trọng<br />
tiền gửi không kỳ hạn còn 32,5% và tiền gửi có kỳ hạn chiếm 67,5%. Kết quả này là<br />
một quá trình hướng dẫn khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp<br />
thực hiện cam kết duy trì số dư tiền gửi, bên cạnh đó, chi nhánh đã quan tâm tiếp thị<br />
và chăm sóc một số khách hàng không có quan hệ tín dụng tại chi nhánh, nhưng<br />
luôn có một lượng tiền gửi nhất định như các chùa, hiệp hội, hợp tác xã, các ban,<br />
các qũy,…trên địa bàn tỉnh DakLak. Huy động vốn dân cư tăng trưởng tốt cũng là<br />
nguyên nhân quan trọng làm tăng nguồn vốn huy động có kỳ hạn, giúp cải thiện cơ<br />
cấu huy động. Trong tổng nguồn vốn huy động, nguồn vốn huy động chủ yếu là từ<br />
VND, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ rất thấp, chỉ chiếm khoảng 9% trong tổng vốn<br />
huy động. Nguồn vốn huy động của chi nhánh trong giai đoạn 2008-2010 tăng và<br />
chủ yếu là từ nguồn tiền có kỳ hạn bằng VND từ dân cư, nguồn tiền gửi có kỳ hạn<br />
của tổ chức cũng tăng nhưng không đáng kể, từ đó có thể thấy nguồn huy động vốn<br />
của chi nhánh đang chuyển biến theo hướng tích cực và ổn định hơn, điều này sẽ<br />
giúp chi nhánh chủ động hơn trong công tác sử dụng vốn và lập kế hoạch kinh<br />
<br />
v<br />
<br />
doanh hàng năm. Chi phí trả lãi tiền gửi có sự thay đổi liên tục trong giai đoạn<br />
2008-2010, năm 2008 chi phí trả lãi tăng lên rất nhiều so với các năm trước đó, chi<br />
phí trả lãi lên tới 51,83 tỷ đồng, lãi suất huy động bình quân 8,43%, đây là kết quả<br />
của cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng, năm 2009, cùng với sự phục hồi của<br />
nền kinh tế lãi suất huy động bình quân trở về còn 5,42%, giảm 35,67% so với năm<br />
2008 trong đó huy động vốn bình quân tăng 222 tỷ so với năm 2008 (tương đương<br />
khoảng 36%) nhưng chi phí trả lãi tiền gửi giảm 6,45 tỷ (tương đương khoảng<br />
12%), năm 2010, trong 10 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND luôn ở<br />
mức không quá 11%/năm, tuy lãi suất ổn định, nhưng tình hình huy động vốn của<br />
hầu hết các ngân hàng gặp khó khăn, tình trạng cũ như năm 2008 đã xuất hiện trở<br />
lại, lãi suất huy động tại BIDV DakLak cũng tăng lên, nên mặc dù huy động vốn<br />
bình quân tăng 24% (tương đương 201 tỷ đồng) nhưng chi phí huy động vốn tăng<br />
79% (tương đương 35,95 tỷ đồng), điều này làm cho lãi suất huy động vốn tăng<br />
45% và lên mức 7,84%. Lãi suất huy động bình quân của BIDV DakLak tương đối<br />
thấp một phần do nguồn huy động của BIDV DakLak chủ yếu là nguồn ngắn hạn,<br />
có thể coi đây là lợi thế của BIDV DakLak vì chi phí cho nguồn này thường rẻ hơn so<br />
với nguồn trung dài hạn hay nguồn huy động từ khách hàng cá nhân, TCTD, mặt khác,<br />
cũng có thể nói đây là điểm yếu của BIDV DakLak trong công tác huy động nguồn vốn<br />
trung dài hạn. Về sự cân đối giữa hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn, trong<br />
tổng nguồn vốn huy động tại chi nhánh, nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ lệ<br />
rất cao trên 90%, nguồn vốn huy động trung dài hạn chỉ khoảng 10%, trong khi đó<br />
dư nợ tín dụng ngắn hạn chỉ chiếm khoảng 50%-60%, dư nợ tín dụng trung dài hạn<br />
chiếm đến 40%-50%, nếu giả sử toàn bộ dư nợ cho vay trung dài hạn tại chi nhánh<br />
sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn tại chỗ thì tỷ lệ này rất cao, cao hơn rất<br />
nhiều so với quy định của NHNN (năm 2008-2009 là 40%, năm 2010 là 30%), nếu<br />
không phải là một chi nhánh của BIDV, không có nguồn vốn vay với lãi suất thấp<br />
từ Hội sở chính thì sự an toàn của chi nhánh không thể đảm bảo vì nhìn vào số liệu,<br />
không thấy có sự cân đối giữa huy động và cho vay kể cả về số dư lẫn kỳ hạn. Do<br />
đó, việc tăng cường huy động vốn tại chỗ đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn rất<br />
<br />