Ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi du lịch theo định hướng tuần hoàn tại Việt Nam
lượt xem 1
download
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tình hình hiện nay tại Việt Nam và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hiện đại nổi bật trong ngành du lịch từ các Quốc gia đi trước. Từ đó, đề xuất giải pháp để phát triển công nghệ cho công cuộc chuyển đổi du lịch tuần hoàn tại nước nhà.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi du lịch theo định hướng tuần hoàn tại Việt Nam
- ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG VIỆC CHUYỂN ĐỔI DU LỊCH THEO ĐỊNH HƯỚNG TUẦN HOÀN TẠI VIỆT NAM Nguyễn Thị Ngân Anh1 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một; *email: anhntn.cnvh@tdmu.edu.vn. TÓM TẮT Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nền kinh tế tuyến tính hiện nay đang dần được thay thế bởi mô hình nền kinh tế tuần hoàn (KTTH). Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Quốc gia, có thể gây ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động khai thác du lịch. Các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp chúng ta đẩy nhanh quy trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo sử dụng ít nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên hơn, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc phát triển mô hình du lịch tuần hoàn (DLTH) trên Thế Giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng vẫn còn khá hiếm. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tình hình hiện nay tại Việt Nam và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ hiện đại nổi bật trong ngành du lịch từ các Quốc gia đi trước. Từ đó, đề xuất giải pháp để phát triển công nghệ cho công cuộc chuyển đổi DLTH tại nước nhà. Hầu hết các giải pháp đều xoay quanh việc sử dụng công nghệ thông minh trong vấn đề tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, sử dụng năng lượng thay thế, hạn chế rác thải, tái chế, tái sử dụng, và tăng vòng đời sản phẩm. Từ khoá: công nghệ, du lịch tuần hoàn, giải pháp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam. Abstract APPLICATION OF TECHNOLOGY IN THE TRANSITION TO CIRCULAR ECONOMY IN TOURISM Towards the goal of sustainable development, the current linear economy is gradually being replaced by the circular economy model. Tourism, one of the key economic sectors of the country, has been contributing to the environmental degradation through tourism exploitation activities. The achievements of the industrial revolution 4.0 can help us speed up the production process while still using less raw materials and natural resources. However, studies on the application of modern technology in developing the circular tourism model are still quite rare. The article focuses on analyzing and evaluating the current situation toward this issue in Vietnam and modern technology application experiences in the tourism industry from developed countries. From these, this paper will propose possible solutions for the transition of circular tourism through modern technology. Most strategies that have been applied in developed countries concentrates on smart technology application in energy saving, water saving, alternative energy use, waste reduction, recycling, reuse, and increasing product life cycle. Keywords: circular economy, circular tourism, strategies, technology, Vietnam. 184
- 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, suy giảm tầng ozone…là những vấn đề cấp bách chủ yếu xảy ra do các hoạt động kinh tế, sản xuất, phân phối và tiêu thụ vượt quá ranh giới của tự nhiên. Theo các nhà khoa học, nếu chúng ta tiếp tục duy trì mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại thì sau 30 năm, con người sẽ cần đến 3 hành tinh mới có thể đáp ứng được nhu cầu của mình (United Nations, 2021). Hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở việc ảnh hưởng môi trường mà còn đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của chính loài người trong tương lai. Mô hình kinh tế tuyến tính hiện nay lấy trực tiếp tài nguyên của Trái Đất vào quá trình sản xuất, sau quá trình tiêu thụ sẽ đào thải chúng trở lại môi trường, gây lãng phí. Vì thế, cần phải thay đổi mô hình sản xuất, tiêu thụ hiện nay sao cho giảm thiểu tối đa việc sử dụng nguồn năng lượng thô từ tự nhiên, tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm và quản lý vòng đời hiệu quả. Nhằm mục tiêu phát triển bền vững, mô hình KTTH đã ra đời, tập trung vào các lợi ích tích cực cho toàn xã hội, được các chuyên gia, các doanh nghiệp quan tâm phát triển. Mô hình kinh tế này khuyến khích tái sử dụng các sản phẩm, sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái tạo thay vì loại bỏ chúng hoàn toàn và khai thác các nguồn tài nguyên mới. Hơn 91% tài nguyên con người khai thác từ Trái Đất đang bị lãng phí (Circle economy, 2021). Như vậy, chỉ có khoảng 9% nền kinh tế được tuần hoàn, cho thấy chúng ta đang sản xuất và tiêu thụ không hợp lý, chưa đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 12 – Sản xuất và Tiêu dùng có trách nhiệm. Cùng với xu thế phát triển của toàn Thế giới, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp nhằm từng bước chuyển dịch nền kinh tế theo định hướng tuần hoàn. Du lịch là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của Quốc gia, đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 9% cùng với lượng khách Quốc tế cao kỷ lục (Statista, 2019). Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà, du lịch cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội, tạo ra lượng thải cacbon đáng kể thông qua các hoạt động du lịch. Chính vì thế, cần có một chính sách cụ thể nhằm áp dụng mô hình KTTH cho ngành du lịch. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các bước đột phá được thúc đẩy bởi các đổi mới công nghệ (như AI, IoT, VR và AR…) đang là một vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ngành du lịch. Các tập đoàn kinh doanh lớn cùng với các tổ chức nghiên cứu về DLTH tại các nước trên Thế Giới đã thử nghiệm và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào mô hinh kinh doanh, ghi nhận được nhiều hiệu quả tích cực, giảm thiểu tác hại đến tự nhiên. Tuy vậy, Việt Nam chỉ mới bước vào giai đoạn đầu tiên của việc chuyển đổi du lịch theo định hướng tuần hoàn, cần thêm nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, trong đó, vai trò của sự phát triển công nghệ cao để tối ưu hoá các nguồn tài nguyên đối với công cuộc chuyển đổi này là yếu tố không thể thiếu. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 2.1 Kinh tế tuyến tính Nền kinh tế tuyến tính là nền kinh tế truyền thống mà chúng ta đang vận hành. Theo đó, nguyên liệu thô được khai thác từ thiên nhiên (take), sản xuất thành sản phẩm (make), được người tiêu dùng tiêu thụ và sau đó bị loại bỏ như chất thải (dispose) (Jørgensen & cộng sự, 2018). Mô hình này giả định nguồn lực sẵn có là vô hạn và tập trung chủ yếu vào việc tối đa hóa sản xuất và tiêu dùng. Trong một nền kinh tế tuyến tính, trọng tâm là tăng trưởng kinh tế và tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc khai thác liên tục các nguồn tài nguyên, ít xem xét đến các tác động môi trường hoặc xã hội (Sariatli, 2017). Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và tạo ra một lượng lớn chất thải. 185
- Tư duy tuyến tính đã thống trị từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, dẫn đến sự thịnh vượng ở nhiều nơi trên Thế Giới. Tuy nhiên, mô hình này ngày càng được công nhận là không bền vững. Khi Thế Giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm tài nguyên, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, chúng ta ngày càng nhận thức về nhu cầu chuyển đổi sang một mô hình kinh tế tái tạo và bền vững hơn, đó chính là mô hình kinh tế tuần hoàn. 2.2. Kinh tế tuần hoàn Mô hình kinh tế tuyến tính hiện nay đang sử dụng các nguồn vốn, lao động, và năng lượng để tạo ra các dịch vụ hoặc hàng hoá có vòng đời duy nhất (Rodríguez & cộng sự, 2020). Với nhu cầu ngày một tăng của con người, mô hình này đang trở nên không bền vững, và KTTH ra đời như một giải pháp cho vấn đề đặt ra. Trọng tâm của nền KTTH là ý tưởng thoát khỏi các chuỗi giá trị tuyến tính mà chúng ta đã áp dụng hơn mấy thế kỷ qua. Trái ngược với kinh tế tuyến tính, KTTH được định nghĩa là hệ thống kinh tế được phát triển để giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, tiêu dùng và phân phối sản phẩm, dịch vụ nhằm mục đích hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng môi trường, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội (Kirchherr & cộng sự, 2017). Có rất nhiều định nghĩa về KTTH nhưng hầu hết có thể hoán đổi cho nhau bởi chúng đều xoay quanh mục tiêu phát triển bền vững. Ý tưởng này vẫn đang được phát triển không ngừng và những người khác nhau ở cấp độ nhận thức hay ở các Quốc gia khác nhau sẽ thấy ý nghĩa khác nhau của chúng. Báo cáo về khoảng cách tuần hoàn (Wit & cộng sự, 2018) đã xác định 7 yếu tố chính của nền KTTH, bao gồm việc ưu tiên các tài nguyên có thể tái tạo, bảo tồn và mở rộng các giá trị đã được tạo ra, sử dụng chất thải làm tài nguyên, cân nhắc mô hình kinh doanh, thiết kế cho tương lai, kết hợp công nghệ, hợp tác để tạo ra giá trị chung. Mô hình này được mô tả trong hình 1 dưới đây. Hình 1. 7 yếu tố chính của nền KTTH (Nguồn Wit & cộng sự (2018). 2.3 Mô hình du lịch tuần hoàn DLTH là cách tiếp cận mới của du lịch bền vững, tập trung vào việc tạo ra một hệ thống khép kín, trong đó tài nguyên và vật liệu được sử dụng hiệu quả, chất thải được giảm thiểu và các hệ thống tự nhiên được tái tạo. Nó liên quan đến các chiến lược và thực tiễn khác nhau nhằm thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch, bao gồm vận chuyển, lưu trú, hoạt động và điểm tham quan. Việc chuyển đổi các hoạt động du lịch để phù hợp với các tiêu chuẩn của nền KTTH hầu hết các nỗ lực đều tập trung vào quản lý chất thải và sử dụng năng lượng hiệu quả (Pattanaro & Gente, 2017). Quá trình chuyển đổi sang DLTH có thể thực hiện được hiệu quả khi du khách 186
- và nguồn nhân lực nhận thức được bản chất hành vi của những thay đổi. Mô hình DLTH có thể được xem như một vòng tròn đạo đức sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà không lãng phí các nguồn tài nguyên có hạn của hành tinh như nguyên liệu thô, nước và năng lượng. Tính tuần hoàn trong du lịch có thể được phát triển nhờ vào chiến lược và cơ sở hạ tầng của điểm đến, cũng như sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ. Hình 5 cho thấy toàn bộ quá trình du lịch có thể tuần hoàn từ giai đoạn trước khi đi du lịch cho đến khi lưu trú và sau đó. Quá trình này là một vòng lặp bao gồm, (1) đề xuất về du lịch bền vững từ ngành du lịch, (2) lựa chọn , lập kế hoạch và đặt chỗ thông qua quy trình mang tính bền vững, (3) chọn một phương tiện di chuyển bền vững, (4) lưu trú bền vững (lựa chọn cơ sở lưu trú bề vững, sd sp địa phương, phân loại rác…), và (5) trao đổi giữa khách du lịch và/với các chuyên gia để cải thiện tính bền vững của du lịch toàn cầu (Oreve, 2015). Hình 1. Các quá trình của DLTH (Oreve, 2015) Mặc dù các ngành du lịch có thể tiêu thụ nhiều năng lượng và tài nguyên, tạo ra khí thải CO2 và gây ô nhiễm môi trường, các tài liệu về KTTH chủ yếu đều tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ và kỹ thuật, có rất ít nghiên cứu được tìm thấy trong lĩnh vực du lịch (Aryal, 2020; Rodríguez & cộng sự, 2020). Thực tế, ngành du lịch chưa nhận được nhiều sự quan tâm trong khuôn khổ phát triển theo định hướng KTTH. 2.4 Ứng dụng công nghệ trong du lịch tuần hoàn Mặc dù việc ứng dụng công nghệ cao, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), trong phát triển bền vững đã xuất hiện trong các nghiên cứu từ năm 2008, nhưng đề tài nghiên cứu về hiệu quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới thật sự bùng nổ từ khoảng 1 thập kỷ nay (Allahviranloo & Recker, 2013). Con người cần tạo ra một nền văn hoá có tổ chức mới mà trong đó công nghệ AI được tích hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại. Nghiên cứu được thực hiện bởi Loureiro and Nascimento (2021) đã tổng hợp những đề tài đang và sẽ trở thành xu hướng trong tương lai về mối quan hệ giữa công nghệ với sự phát triển bền vững và ngành du lịch, bao gồm: 187
- •Rà soát các lý thuyết, khuôn khổ và tài liệu về vai trò của công nghệ mới và đẩy nhanh lộ trình đổi mới. •Tác động của việc áp dụng công nghệ mới đối với sự phát triển bền vững và bình đẳng xã hội. •Lợi ích của chuyển đổi kỹ thuật số đối với cạnh tranh thị trường, chiến lược của doanh nghiệp vừa và nhỏ và quản trị thương hiệu. •Rào cản, trình điều khiển và giá trị gia tăng được cảm nhận của việc áp dụng các công nghệ mới. •Công nghệ là yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, năng lực cạnh tranh và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Nghiên cứu trên cũng thảo luận về việc thiếu các nghiên cứu trong vấn đề giải quyết thách thức và tác động cụ thể của việc áp dụng công nghệ cho mục tiêu bền vững môi trường của ngành du lịch. Việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao trong mô hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã được ghi nhận rõ rệt. Công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo năng lượng, làm sạch nguồn nước, không khí, và phân loại rác thải. Ngoài ra, công nghệ còn có vai trò hữu ích trong việc đảm bảo các thông tin sẵn có và trình bảy chúng theo cách mà các nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định sangs suốt nhất cho ngành du lịch theo định hướng tuần hoàn, bền vững. Nghiên cứu về chuyển đổi DLTH do Manniche (2018) thực hiện đã chỉ ra rằng, những đổi mới về công nghệ/giải pháp tuần hoàn được hiện thực hóa trong các ngóc ngách nhỏ hơn nhờ vào một mạng lưới các yếu tố (dựa trên học hỏi từ xã hội và thực tiễn). Dần dần, các yếu tố công nghệ trở nên phù hợp và tích hợp hơn với lĩnh vực này. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp dữ liệu từ các tài liệu thứ cấp trong và ngoài nước về nền KTTH và chuyển đổi ngành du lịch theo định hướng KTTH. Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, so sánh, đối chiếu với bối cảnh phát triển trong nước để đề xuất giải pháp phát triển phù hợp. 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 4.1 Thực trạng ứng dụng công nghệ vào việc chuyển đổi du lịch theo định hướng tuần hoàn tại Việt Nam Công nghệ giúp quá trình ứng dụng mô hình KTTH vào du lịch diễn ra hiệu quả và nhanh chóng hơn. Việt nam ta đã ứng dụng một số công nghệ hiện đại nhằm hướng đến 3 nguyên tắc chính của KTTH: loại bỏ chất thải và ô nhiễm, tối đa hoá thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu, và tái tạo hệ thống tự nhiên như sau: (1) Loại bỏ chất thải và ô nhiễm Tại Việt Nam, việc sử dụng các ứng dụng di động tiện ích trong việc tìm hiểu thông tin về điểm đến như Traveloka, Agoda, Booking.com, Chudu24, Ivivu…rất phổ biến để du khách có thể lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ lưu trú, nghĩ dưỡng, vui chơi, ăn uống thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong kinh doanh, góp phần hạn chế tác động môi trường. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020 đã cho thấy rằng 60% trong tổng 188
- số 2.614 người tham gia phỏng vấn đều đã sử dụng các ứng dụng du lịch trực tuyến. Các công ty đặt phòng trực tuyến này cho phép khách du lịch đặt chỗ và hoàn tất giao dịch trực tuyến, lưu trữ thông tin liên quan giảm nhu cầu về các quy trình trên giấy tờ, từ đó giảm thiểu rác thải lãng phí. Các công ty này còn hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ khác để triển khai các hoạt động bền vững về môi trường và thúc đẩy các cơ sở nhận được chứng nhận sinh thái như LEED, Green Key hoặc ISO 14001. Ngoài ra, một số nền tảng online như Airbnb hay Couchsurfing cho phép du khách tìm chỗ lưu trú ngay tại nơi ở của cộng đồng địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, tạo nguồn thu nhập cho địa phương và hạn chế nhu cầu cần thiết của việc xây dựng các cơ sở lưu trú, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để duy trì hoạt động tại các cơ sở này, giảm thiểu chất thải và các tác động gây hại đến môi trường. Nghiên cứu về vai trò của nền tảng Airbnb đối với sự phát triển du lịch bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy sự tích hợp của du lịch sinh thái với mô hình Airbnb có tác động tích cực đến điều kiện sống của cư dân, hỗ trợ phát triển bền vững của địa phương (He & Mai, 2021). Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã cho ra đời ứng dụng “Du lịch Việt Nam” tích hợp các thông tin cần thiết về điểm đến, hỗ trợ kết nối du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm và cơ quan quản lý nhà nước. Nhận thức của du khách, đặc biệt là giới trẻ về vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường cho mục đích phát triển bền vững ngày càng rõ ràng. Vì thế, các ứng dụng, nền tảng trực tuyến sẽ là công cụ hữu ích để thúc đẩy sự chuyển đổi ngành du lịch theo định hướng tuần hoàn. Nhiều địa danh ở nước ta như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Phú Yên, Khánh Hoà, Thái Nguyên… đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) và tương tác thực tế (Augmented Reality) để phát triển ngành du lịch dựa trên nền tảng số. Các không gian thực tế sẽ được số hoá với độ chính xác có thể lên đến 100%. Người dùng sẽ được trải nghiệm các cảnh sắc có tại địa điểm du lịch mà không cần phải di chuyển, hạn chế đáng kể lượng khí thải cacbon. (2) Tối đa hoá thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu. Công nghệ Blockchain được đánh giá cao trong việc mang lại tính bền vững cho nhiều ngành kinh tế, bao gồm cả du lịch, cho phép ghi lại mọi giao dịch và chuyển động của hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng du lịch. Điều này cho phép các bên liên quan truy tìm nguồn gốc, quy trình sản xuất và tác động môi trường của các sản phẩm và dịch vụ. Với khả năng truy xuất nguồn gốc nâng cao, người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc tuần hoàn và giảm thiểu dấu chân sinh thái của họ. Blockchain đã cách mạng hóa việc quản lý và tái chế chất thải trong DLTH. Bằng cách tạo ra một hệ thống phi tập trung ghi lại quá trình phát sinh, thu gom và tái chế chất thải, các bên liên quan có thể có cái nhìn minh bạch về toàn bộ quy trình quản lý chất thải, giúp việc thu gom, phân loại và tái chế hiệu quả hơn. Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Crystabaya là nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực du lịch, khách sạn do tập đoàn du lịch Crystal Bay và Tập đoàn Công nghệ Beowulf Blockchain hợp tác phát triển. Theo đó, du khách đặt sản phẩm, dịch vụ tại bất kỳ cơ sở lưu trú nào của Crystal Bay tại Ninh Thuận, Nha Trang hay Phan Rang đều sẽ được thực hiện thông qua nền tảng Blockchain, thúc đẩy sự hợp tác, trao đổi thông tin tạo cơ sở dữ liệu để phát triển các sáng kiến về du lịch bền vững và tuần hoàn. Tuy nhiên, việc ứng dụng Blockchain tại nước ta còn chưa được chú trọng phát triển. (3) Tái tạo hệ thống tự nhiên Công nghệ năng lượng tái tạo là một trong những ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và rộng rãi nhất trong ngành du lịch, bao gồm trong lĩnh vực lưu trú, nhà hàng, giải trí nghĩ dưỡng 189
- và phương tiện đi lại. Công nghệ điện quang tiên tiến (APV), AI, Big Data, hệ thống lưu trữ năng lượng phân tán (Distributed Energy Storage Systems hay DESS), xu hướng chuyển đổi năng lượng nhiệt đại dương (OETC), các công nghệ tích hợp lưới điện, công nghệ chuỗi - khối (Blockchain), công nghệ robot, hydro xanh là những công nghệ hỗ trợ phổ biến cho ngành năng lượng tái tạo. Khu nghĩ dưỡng cao cấp Alma resort (Cam Ranh, Khánh Hoà) đang hoàn thiện hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam cho toàn bộ resort. Hầu hết các cơ sở lưu trú lớn đều sử dụng điều hoà thông minh có phần mền tích hợp biến tần. Trong vòng 25 năm, công nghệ này sẽ giúp khu nghĩ dưỡng tiết kiệm khoảng 390,85 tỷ đồng và 72.670 tấn khí thải cacbon (Lâm, 2022). Nhận thức được lợi ích của công nghệ này, hàng loạt các tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh… đã thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch ứng dụng vào mô hình kinh doanh. Hình ảnh cánh đồng quạt gió (để tạo ra năng lượng từ gió) ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, hay Lâm Đồng đang trở thành các địa điểm chụp ảnh check-in nổi tiếng của giới trẻ và trở thành một sản phẩm du lịch địa phương đặc trưng. Trong lĩnh vực vận tải, tập đoàn Vingroup đã phát triển công ty taxi điện và cho thuê ô tô/ xe máy điện, đây là đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng đầu tiên trên thế giới. Mặc dù nước ta đã nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong việc phát triển DLTH, quá trình này vẫn còn đang ở giai đoạn mới bắt đầu và tồn tại nhiều hạn chế, cần nhiều điều kiện để nghiên cứu, thử nghiệm chuyên sâu. Hầu hết các sản phẩm công nghệ cao đều không được sản xuất rộng rãi và có giá thành khá cao, tạo rào cản về chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp. 4.2 Căn cứ đề xuất giải pháp Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng các thành tựu công nghệ vào các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm ngành du lịch sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm, công bằng xã hội, hạn chế tác hại đến tự nhiên, các quốc gia phát triển trên Thế giới đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao vào mô hình hoạt động. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia phát triển đều có cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hoá phong phú và tập trung vào nguồn năng lượng sạch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển DLTH. Định hướng phát triển bền vững là trụ cột chính trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia với nhiều biện pháp khuyến khích như chứng nhận là cơ sở hoạt động “xanh” và thúc đẩy sự tham gia của cộng động địa phương. Đan Mạch được biết đến là một quốc gia có sự tập trung mạnh mẽ vào tính bền vững và các sáng kiến xanh. Với cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa và sử dụng phổ biến nguồn năng lượng sạch, Đan Mạch có những điều kiện thuận lợi để thực hiện các biện pháp tuần hoàn trong du lịch. Một số xu thế chính của quốc gia này bao gồm việc phát triển các cơ sở lưu trú theo định hướng bền vững, trải nghiệm địa phương và sự tham gia của người dân, giao thông xanh, thực phẩm hữu cơ và phương thức canh tác bền vững. Nhiều chính sách và chiến lược khác nhau cũng được thực hiện. Trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, du lịch bền vững được xem là trụ cột cốt lõi. Chứng nhận “Chìa khoá Xanh” là một trong những biện pháp khuyến khích du lịch bền vững tại Quốc gia này. Khách sạn Crowne Plaza Copenhagen Towers, Đan Mạch, nhờ việc triển khai công nghệ năng lượng và môi trường tân tiến nhất, đã có mức tiêu thụ điện thấp hơn 60% so với các khách sạn khác vào năm 2015, được công nhận Quốc tế với giải thưởng Du lịch bền vững (SKÅL) dành cho khách sạn thân thiện với môi trường nhất trên thế giới (Danfoss, 2017). Khách sạn trang bị 2.500 m2 tấm pin mặt trời được điều chỉnh đặc biệt, gắn trên ba trong số bốn mặt tiền 190
- của khách sạn, chúng cung cấp một phần nhu cầu điện của tòa nhà trong suốt cả năm. Các nguồn năng lượng tái tạo khác, chẳng hạn như năng lượng gió, cũng được sử dụng. Để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm chi phí, các hệ thống được trang bị ổ đĩa AC ở dạng VLT®HVAC Drive và bộ biến tần năng lượng mặt trời Danfoss, hệ thống chiếu sáng thông minh được lắp đặt ở tất cả các hành lang, lượng không khí được điều khiển bẳng điện tử, hệ thống thông gió VAV (Variable Air Volume) có mặt trong tất cả các phòng khách sạn nhằm kiểm soát lưu lượng không khí bằng điện tử trong mỗi phòng, tùy theo nhu cầu và sức chứa. Tất cả các thiết bị điện tử tại Crowne Plaza Copenhagen Towers đều được điều khiển bằng máy tính từ quầy lễ tân, nhiệt độ tủ lạnh cũng được thay đổi theo thời gian trong ngày, đảm bảo mức tiêu thụ được giữ ở mức tối thiểu khi phòng không được sử dụng. Khách sạn cũng thay thế hoàn toàn thư mục thông tin truyền thống bằng định dạng điện tử. Green Solution House, một khách sạn 4 sao của Đan Mạch, hoạt động như một 'phòng thí nghiệm sống', không chỉ tiếp nhận các công nghệ mới mà hợp tác phát triển công nghệ tuần hoàn, chẳng hạn như công nghệ giếng trời tạo năng lượng (Energy Generating Skylights). Mô hình này cho phép cơ sở vừa hoạt động kinh doanh, vừa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Ý, với di sản văn hóa phong phú và cảnh quan đa dạng đã nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng của các hoạt động DLTH. Đất nước này được biết đến với cam kết bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa với nhiều chứng nhận sinh thái như “blue flags” hay “environmental tourism”, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch Khách sạn Conca Park tại Sorrento là được biết đến là khách sạn không rác thải đầu tiên của Ý. Bên cạnh các quy trình phân loại rác thải và ủng hộ các công nghệ tái chế, Conca Park còn ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng như đèn được hẹn giờ, điều hòa không khí tự động dừng khi cửa ra vào hoặc cửa sổ được mở. Mặc dù các sáng kiến được đề xuất từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhưng để thành công thì cần các nhà cung cấp công nghệ cao có khả năng cung cấp các giải pháp công nghệ sáng tạo Để tiết kiệm nước và năng lượng, Berendsen, một công ty cung cấp vải lanh và dịch vụ giặt ủi cho 16 Quốc gia Châu Âu, đang sử dụng công nghệ lọc nước bằng màng, cho phép thu hồi nước thải để tái sử dụng. Phương pháp này giúp tiết kiệm 20-25% nước và nhiệt của nước thải được giữ lại để tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, để tăng tuổi thọ của sản phẩm vải, công ty đã chuyển từ nguyên liệu cotton sang polycotton (Manniche & cộng sự, 2017). Nền tảng Công nghệ Xeros đã ra mắt các hạt polyme dùng để giặt cho máy giặt. Các hạt này có thể sử dụng nhiều lần, tái chế được và giảm lượng nước sử dụng mỗi lần giặt lên đến 80% (Hotelier, 2017). Anh Quốc được biết đến là một trong những Quốc gia đi đầu trong nghiên cứu về KTTH. Để tiết kiệm thực phẩm, Salutation Hotel thuộc tập đoàn Strathmore Hotels tại Anh Quốc đã cộng tác với Wrap Technologies để thử nghiệm công nghệ mới. Nhà bếp của khách sạn được lắp đặt một đồng hồ thông minh để đo chất thải nhà bếp và chất thải trên đĩa khách hàng. Hệ thống sẽ cân lượng chất thải phải vứt đi và hiển thị thông tin trên một máy tính bảng. Nhân viên sẽ sử dụng màn hình cảm ứng để tuỳ chỉnh các loại thực phẩm nào bị vứt bỏ ở giai đoạn nào. Bằng cách chạm vào biểu tượng trên màn hình, rác thải sẽ được đo lường và phân loại nhanh chóng. Dữ liệu trọng lượng này được liên kết với thông tin chi phí để tính toán "chi phí lãng phí thực sự", lập báo cáo hàng ngày và hàng tuần cho khách sạn. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị nhà bếp thông minh như tủ lạnh công nghệ biến tần, thiết bị giám sát mức năng lượng tiêu thụ, tái chế hoặc tái sử dụng thực phẩm thừa làm phân bón hữu cơ, nền tảng trực tuyến giúp chia sẻ thực phẩm chung tại cộng đồng cũng được ứng dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên thế giới. 191
- Công ty công nghệ sạch Orbital Systems của Thuỵ Điển đã cho ra đời vòi sen có thể tái sử dụng nước OrbSys, tiết kiệm 80-90% nước và năng lượng nhờ một hệ thống tuần hoàn, khép kín, giống như cách các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế tái sử dụng nước thải của họ. Nước thải trong quá trình sử dụng từ vòi sen này sẽ đi vào hệ thống lọc OrbSys đặc biệt (đã được cấp bằng sáng chế) thay vì chảy trực tiếp vào đường ống thoát nước. Vòi sen OrbSys loại bỏ hơn 99,9% chất gây ô nhiễm, cung cấp nước sạch hơn cả nước từ nguồn cấp nước chính. Quá trình này có khả năng giữ lại phần lớn nhiệt trong nước, nhờ đó tiết kiệm rất nhiều năng lượng. Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu Ellen MacArthur Foundation và công ty McKingsey đã phát triển một khung hướng dẫn các biện pháp cần áp dụng trong mô hình hoạt động kinh doanh theo định hướng tuần hoàn. Theo đó, các vật dụng được làm từ các vật liệu cũ không thể tái chế nên được thay thế với các vật liệu tân tiến được sản xuất và tiêu thụ theo nguyên tắc tuần hoàn, có thể áp dụng công nghệ in 3D. Công nghệ kỹ thuật nông nghiệp được ứng dụng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Khu vườn nông nghiệp công nghệ cao của Singapore là một ví dụ điển hình. Khu vườn này đã hình thành một đô thị nông nghiệp hoàn chỉnh, đạt được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, trở thành một nét đặc trung du lịch. Công nghệ IoT ứng dụng trong nông nghiệp còn cho phép du khách trải nghiệm các trang trại thông qua Internet, mua hàng trực tuyến, hiểu biết về mô hình trang trại tốt hơn và giúp các nhà quản lý theo dõi trang trại hiệu quả hơn (Shang & Zhu, 2022) 4.3 Đề xuất giải pháp Học hỏi kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào ngành du lịch từ các quốc gia phát triển trên Thế Giới, chúng ta có thể thấy một số giải pháp quan trọng để phát triển ngành kinh tế này theo định hướng tuần hoàn, bền vững như sau: - Cần có các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đầu tư lắp đặt các trang thiết bị công nghệ mới bởi giá thành của chúng thường khá cao. Các chính sách này nhằm động viên, kích thích việc ứng dụng công nghệ trong mô hình hoạt động ở các giai đoạn đầu tiên. Sau khi nhìn thấy nguồn lợi về kinh tế, xã hội và môi trường mà các hoạt động này mang lại, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để phát triển theo định hướng này. - Các chính sách nhằm khuyến khích các nhà khoa học, các kỹ sư…nghiên cứu, thử nghiệm chuyên sâu công nghệ cao trong du lịch với mục tiêu phát triển bền vững cũng rất cần thiết. Cần tạo môi trường thử nghiệm thực tế, chẳng hạn như khách sạn 4 sao Green Solution House của Đan Mạch, với mô hình kinh doanh hoạt động như một phòng thí nghiệm sống, vừa tiếp nhận vừa hợp tác phát triển các công nghệ tuần hoàn. - Cần xây dựng môi trường hợp tác thân thiện, hiệu quả giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các công ty phát triển công nghệ. - Tổ chức các cuộc thi, giải thưởng về nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, về các doanh nghiệp du lịch có mô hình hoạt động tận dụng công nghệ tuần hoàn triệt để nhất nhằm khích lệ động viên, giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu để thu hút khách du lịch, tạo ra thêm nguồn lợi nhuận cho việc đầu tư vào lĩnh vực này. - Nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, về sự tiến bộ của công nghệ còn rất hạn chế. Do đó, cần có các các công tác giáo dục, tuyên truyền về những thành quả mà khoa học kỹ thuật có thể mang lại đối với lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, cho địa phương, cho môi trường và cộng đồng xã hội. - Bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, cần xem xét việc trang bị các thiết bị điện có tích hợp biến tần, lắp đèn chiếu sáng thông minh 192
- được hẹn giờ, điều hoà có cảm biến có thể tự động tắt khi cửa sổ hoặc cửa ra vào được mở, hệ thống điện tử giám sát nguồn năng lượng đang được sử dụng, hệ thống điện tử kiểm soát lưu lượng không khí có thể điều khiển được trên máy tính, để tối đa hoá việc tiết kiệm năng lượng. - Để tiết kiệm nguồn nước cho sinh hoạt, các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ lọc nước bằng màng, cho phép thu hồi nước thải để tái sử dụng hoặc sử dụng vòi sen có thể tái sử dụng nước. Phương pháp này giúp thực hiện việc tái sử dụng và tăng tuổi đời của sản phẩm, đúng với các nguyên tắc cơ bản của mô hình KTTH. - Tích hợp các công nghệ có thể tái chế, xử lý rác một cách tuần hoàn vào cơ sở kinh doanh. Ứng dụng công nghệ in 3D, hạn chế sử dụng các nguyên liệu dùng một lần. - Nhằm hạn chế rác thải từ thực phẩm, cần phát triển hệ thống nhà bếp thông minh cho phép cân đo, giám sát, phân loại lượng thực phẩm dư thừa. Có thể phát triển hệ thống nền tảng trực tuyến cho phép các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thực phẩm tại địa phương kết nối để hoán đổi thực phẩm thừa cho nhau. - Xem xét xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh với sự hỗ trợ từ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất để thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu cho tái đầu tư. - Đẩy mạnh loại hình vận tải sử dụng công nghệ hiện đại vận hành bằng điện thay thế cho các loại hình hoạt động bằng xăng, dầu. Các loại hình taxi điện, cho thuê ô tô, xe máy điện trong tương lai có thể sẽ trở thành xu thế vì đáp ứng được nhu cầu của thời đại về bảo vệ môi trường với giá thành phải chăng. - Nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ để hiểu biết và sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại là nhân tố không thể thiếu nếu doanh nghiệp muốn gặt hái thành công mà công nghệ kỹ thuật có thể mang lại. 5. KẾT LUẬN Ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp chúng ta đẩy nhanh quy trình sản xuất trong khi sử dụng ít nguyên liệu thô và tài nguyên sản xuất từ thiên nhiên hơn, góp phần tăng lợi ích tích cực của các ngành công nghiệp trong khi vẫn hạn chế tối đa tác động tiêu cực của chúng đến môi trường. Du lịch là ngành hoàn toàn có thể tạo ra nhiều chất thải cacbon và các tác động gây hại cho môi trường tự nhiên vì tài nguyên thiên nhiên chính là điều kiện cốt lõi để du lịch phát triển. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao nhằm chuyển đổi lĩnh vực này theo định hướng tuần hoàn là vô cùng cần thiết. Việt Nam đã có những nỗ lực phát triển trong định hướng này. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều hạn chế, cần nghiên cứu, thử nghiệm, học hỏi chuyên sâu hơn từ các Quốc gia đi trước. Với mục tiêu phát triển bền vững, các nước phát triển trên Thế Giới đã và đang rất chú trọng vào vấn đề này, mặc dù các công trình học thuật liên quan còn khá hiếm. Du khách ngày càng nhận thức tốt hơn về vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, DLTH và các công nghệ được ứng dụng đang và sẽ trở thành xu thế. Rất nhiều công nghệ thông minh đã được áp dụng để giảm thiểu rác thải, tăng vòng đời sản phẩm, sử dụng năng lượng tái chế, tái chế sản phẩm theo đúng các nguyên tắc cơ bản của mô hình KTTH. Dựa trên kinh nghiệm của các Quốc gia phát triển, bên cạnh các công nghệ cao được ứng dụng, chúng ta có thể thấy các mô hình kinh doanh tuần hoàn thực tế dường như khó thực hiện nếu không có sự tương tác với các doanh nghiệp phát triển công nghệ bên ngoài. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải các rào cản liên quan đến việc thiếu vốn để đầu tư bởi vì hầu hết các công nghệ mới không được sản xuất hàng loạt và thường có chi phí đắt đỏ. Do đó, chính sách khuyến khích về mặt tài chính cũng như tinh thần là vô cùng cần thiết để phát triển mô hình du lịch theo định hướng tuần hoàn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.` 193
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Allahviranloo, M., & Recker, W. (2013). Daily activity pattern recognition by using support vector machines with multiple classes. Transportation Research Part B: Methodological, 58, 16-43. 2. Aryal, C. (2020). Exploring circularity: A review to assess the opportunities and challenges to close loop in Nepali tourism industry. Journal of Tourism & Adventure, 3(1), 142-158. 3. Circle economy. (2021). The key elements of the circular economy. URL: https://assets.websitefiles.com/5d26d80e8836af2d12ed1269/601d3f846c512412fff633af_Key%20 Elements%20 -%20Draft%20Literature%20Review%20.pdf. 4. Danfoss. (2017). The luxury hotel of tomorrow that’s driven by drives. https://www.danfoss.com/en/service-and-support/case-stories/dds/the-luxury-hotel-of-tomorrow- that-s-driven-by-drives/ 5. He, J., & Mai, T. H. T. (2021). The Circular Economy: A Study on the Use of Airbnb for Sustainable Coastal Development in the Vietnam Mekong Delta. Sustainability, 13(13), 7493. 6. Hotelier, G. (2017). Talking Point: Hotels’ laundry choices could help drive the circular economy. from http://www.greenhotelier.org/best-practicesub/talking-point/talking-point-hotels-laundry- choices-could-help-drive-the-circulareconomy/ 7. Kirchherr, J., Reike, D., & Hekkert, M. (2017). Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions. Resources, Conservation and Recycling, 127, 221-232. 8. Lâm, O. (2022). Alma sẽ trở thành khu nghĩ dưỡng có hệ thống điện Mặt Trời lớn nhất Việt Nam. Travellive. https://vntravellive.com/khu-nghi-co-he-thong-dien-mat-troi-lon-nhat-vn-d33787.html 9. Loureiro, S. M. C., & Nascimento, J. (2021). Shaping a view on the influence of technologies on sustainable tourism. Sustainability, 13(22), 12691. 10. Manniche, J. (2018). Transition system perspectives on a circular tourism economy Circular tourism in South East Europe, Denmark. 11. Oreve, L. (2015). Circular Tourism. http://www.circular-tourism.com/news/circular-tourism-a- new-concept/ 12. Pattanaro, G., & Gente, V. (2017). Circular economy and new ways of doing business in the tourism sector. European Journal of Service Management, 21, 45-50. 13. Rodríguez, C., Florido, C., & Jacob, M. (2020). Circular economy contributions to the tourism sector: A critical literature review. Sustainability, 12(11), 4338. 14. Sariatli, F. (2017). Linear economy versus circular economy: a comparative and analyzer study for optimization of economy for sustainability. Visegrad Journal on Bioeconomy and Sustainable Development, 6(1), 31-34. 15. Shang, F., & Zhu, W. (2022). Planning of ecological agricultural tourist attractions based on the concept of circular economy. Acta Agriculturae Scandinavica, Section B—Soil & Plant Science, 72(1), 538-552. 16. Statista. (2019). Tourism industry in Vietnam - statistics & facts. https://www.statista.com/topics/7742/tourism-industry-in-vietnam/#topicOverview 17. United Nations. (2021). Sustainable development goals. un.org/sustainabledevelopment/sustainable-consumption-production/ 18. Wit, M. d., Hoogzaad, J., Ramkumar, S., Friedl, H., & Douma, A. (2018). The CIRCULARITY GAP report: An analysis of the circular state of the global economy. Circle economy. 194
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tạp chí khoa học & công nghệ: Đề xuất mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại các di sản thế giới ở Việt Nam
6 p | 217 | 41
-
Hiện trạng và định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai
8 p | 296 | 36
-
Phát triển kinh tế du lịch từ ứng dụng công nghệ thông tin
3 p | 130 | 5
-
Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn Giáo dục thể chất cho sinh viên Đại học Huế
4 p | 33 | 5
-
Nghiên cứu thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại một số mô hình du lịch nông nghiệp tại Thái Nguyên
8 p | 19 | 4
-
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu hút khách du lịch tại Bình Định
8 p | 13 | 4
-
Thực trạng ứng dụng công nghệ blockchain - Góc nhìn đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
14 p | 9 | 4
-
Đề xuất biện pháp sử dụng hiệu ứng slow motion video vào giảng dạy cho học sinh câu lạc bộ Bóng rổ Trường Trung học Phổ thông Trần Quang Khải, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh
6 p | 9 | 3
-
Lựa chọn bài tập nâng cao thành tích nhảy xa kiểu ngồi cho nữ sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên
4 p | 9 | 2
-
Thay đổi thói quen, đề cao phương pháp và nhấn mạnh ứng dụng-Từ đổi mới giảng dạy môn Võ thuật trường học đến Võ thuật Công an trong Học viện An ninh Nhân dân
3 p | 5 | 2
-
Lựa chọn bài tập nâng cao thể lực chung cho nữ sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên
4 p | 41 | 2
-
Đánh giá thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo vận động viên Bóng đá trẻ tại các trung tâm đào tạo Việt Nam
4 p | 38 | 2
-
Nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch với ứng dụng của công nghệ Webgis
8 p | 57 | 2
-
Ứng dụng công nghệ vào du lịch – Museum Guide
4 p | 32 | 1
-
Nâng cao nhận thức nghề nghiệp của nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khi Việt Nam tham gia AEC
8 p | 36 | 1
-
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
13 p | 41 | 1
-
Nghiên cứu giải pháp nâng cao thể lực cho sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Thái Nguyên
4 p | 37 | 1
-
Tác động của các sản phẩm công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao
5 p | 35 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn