Bài giảng Tài chính quốc tế - Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài
lượt xem 4
download
"Bài giảng Tài chính quốc tế - Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài" giúp các bạn nắm được những kiến thức về đặc trưng của các nước kém phát triển; các hình thức thu hút vốn nước ngoài; nợ nước ngoài; khủng hoảng nợ nước ngoài; nợ nước ngoài của Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bài giảng Tài chính quốc tế - Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài BÀI 6 NỢ NƯỚC NGOÀI VÀ KHỦNG HOẢNG NỢ NƯỚC NGOÀI Hướng dẫn học Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau: Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia thảo luận trên diễn đàn. Đọc tài liệu: 1. Giáo trình Tài chính quốc tế (2011), 2. Tài chính quốc tế hiện đại trong nền kinh tế mở (2005). Tác giả: GS.TS. Nguyễn Văn Tiến. Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email. Tham khảo các thông tin từ trang Web môn học. Nội dung Bài 6 trong học phần Tài chính quốc tế nghiên cứu những vấn đề: Đặc trưng của các nước kém phát triển. Các hình thức thu hút vốn nước ngoài. Nợ nước ngoài. Khủng hoảng nợ nước ngoài. Nợ nước ngoài của Việt Nam. Mục tiêu Trang bị cho sinh viên những kiến thức sau đây: Phân biệt nợ nước ngoài với nợ công. Chỉ tiêu đo mức độ nợ nước ngoài. Hiểu rõ nguồn gốc của khủng hoảng nợ nước ngoài. Bài học rút ra từ khủng hoảng nợ. Tìm hiểu thực trạng nợ nước ngoài của Việt Nam. 86 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Tình huống dẫn nhập Ngày 12/8/1982, chính phủ Mexico tuyên bố quốc gia mất khả năng trả khoản nợ $80 tỷ cho các ngân hàng quốc tế. Đây được coi là mở đầu cho một cuộc khủng hoảng nợ quốc tế. Ngay sau khi Chính phủ Mexico tuyên bố vỡ nợ, một số nước kém phát triển (Less Developed Countries – LDCs) cũng tuyên bố họ đang gặp phải những khó khăn rất lớn trong việc hoàn trả nợ vay nước ngoài. Thập kỷ 80 và 90 được gọi là thời kỳ mà khủng hoảng nợ đã trở thành vấn đề chính trị cơ bản trên trường quốc tế. Khủng hoảng nợ có quy mô rộng khắp, từ những nước đang phát triển thu nhập thấp tới những nước có thu nhập trung bình. Đối tượng nghiên cứu của bài là những quốc gia được World Bank xếp vào Danh sách nợ thế giới, được gọi là quốc gia có thu nhập trung bình mắc nợ nghiêm trọng (Severely Indebted Middle Income Countries – SIMICs). Các tiêu chí xếp loại vào nhóm này bao gồm: (i) thu nhập bình quân đầu người từ $750 đến $8.955/năm, (ii) giá trị hiện tại của tổng nợ nước ngoài so với GDP tối thiểu là 89%, và (iii) giá trị hiện tại của tổng nợ nước ngoài so với giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tối thiểu là 220%. Những quốc gia không thuộc nhóm SIMICs bao gồm: (i) quốc gia có thu nhập trung bình mắc nợ vừa phải (Moderately Indebted Middle Income Countries – MIMICs), (ii) quốc gia có thu nhập thấp mắc nợ nghiêm trọng (Severely Indebted Low Income Countries – SILICs), và (iii) quốc gia có thu nhập thấp mắc nợ vừa phải (Moderately Indebted Low Income Countries – MILICs). Mặc dù được xếp vào nhóm mắc nợ nghiêm trọng, sự khác biệt giữa nhóm SIMICs và SILICs là khá lớn. Những quốc gia thuộc nhóm SIMICs chủ yếu nằm ở khu vực Châu Mỹ Latinh. Năm 1994, nợ nước ngoài của nhóm SIMICs lên tới $587,4 tỷ, chủ yếu là nợ tư nhân vay các Ngân hàng phát triển. Ngược lại, những nước thuộc nhóm SILICs chủ yếu nằm ở khu vực cận sa mạc Sahara Châu Phi. Năm 1994, nợ nước ngoài của nhóm SILICs vào khoảng $223,6 tỷ, chủ yếu là nợ của Chính phủ và các tổ chức chính quyền, phần nhỏ còn lại mới là của tư nhân. Khủng hoảng nợ nước ngoài đã đặt ra những vấn đề: Diễn biến khủng hoảng nợ như thế nào? Vì sao các Ngân hàng thương mại sẵn sàng cho các nước vay nhiều đến vậy? Vì sao các nước mắc nợ không tuyên bố vỡ nợ hoàn toàn? Xử lý khủng hoảng nợ như thế nào? Bài học rút ra từ khủng hoảng nợ đối với Việt Nam? Trong bài này, những câu hỏi trên sẽ được tập trung trả lời, xoay quanh 4 quốc gia là con nợ lớn nhất ở Châu Mỹ Latinh: Mexico, Argentina, Brazil, và Venezuela. Năm 1996, Mexico, Argentina và Brazil được xếp vào nhóm SIMICs, riêng Venezuela được chuyển từ nhóm SIMICs sang nhóm MIMICs. Việc các Ngân hàng thương mại tập trung cho vay 4 quốc gia này quá nhiều đã gây nên mối lo ngại: nếu 1 trong số 4 nước rơi vào tình trạng vỡ nợ, các Ngân hàng thương mại sẽ suy yếu và có thể phá sản, đặc biệt là các Ngân hàng thương mại của Mỹ vốn đang ẩn chứa nhiều rủi ro, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính quốc tế. Khủng hoảng tài chính có thể là sự khởi đầu cho một cuộc suy thoái kinh tế quy mô toàn cầu. 1. Tại sao Mexico phải vay nợ nước ngoài? 2. Khủng hoảng nợ ở Mexico có giống khủng hoảng nợ ở Brazil không? TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 87
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài 6.1. Đặc trưng của các nước kém phát triển Đặc trưng của các nước kém phát triển là thu nhập bình quân đầu người thấp hơn các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, ngoài mức thu nhập, sự khác biệt giữa nước phát triển và nước kém phát triển còn thể hiện ở những mặt khác. Các quốc gia kém phát triển được chia thành hai nhóm: Những nước kém phát triển có thu nhập nhấp: Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn $750 (theo mức giá năm 1994), chủ yếu là những nước ở khu vực Châu Phi vùng sa mạc Sahara. Nước kém phát triển có thu nhập trung bình: Thu nhập bình quân đầu người từ $750 đến $8.955 (theo mức giá 1994). Một số nước thuộc nhóm này được xếp vào những nước có thu nhập trung bình kém, chủ yếu là các nước Châu Mỹ Latinh như Argentina ($8.065), Brazil ($3.370), Mexico ($4.014), và Venezuela ($2.761). Dưới đây là những nét khác biệt giữa các quốc gia kém phát triển so với các nước phát triển. 6.1.1. Thị trường tài chính Thị trường tài chính của các nước kém phát triển (LDCs) thường chật hẹp, không tạo đủ cơ hội đầu tư cho người tiết kiệm, là đối tượng điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Ở các nước phát triển, thị trường chứng khoán đều phát triển ở trình độ cao. Trong khi đó, thị trường chứng khoán của các nước LDCs đang ở giai đoạn sơ khai, vì vậy các doanh nghiệp phải dựa vào hệ thống ngân hàng để vay vốn. Ngân hàng phát triển ở các nước LDCs đa số thuộc sở hữu nhà nước hoặc là đối tượng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, với mục đích duy trì mức lãi suất thực thấp nhằm khuyến khích đầu tư. Chính sách lãi suất thực thấp làm phát sinh vấn đề tiêu cực là không khuyến khích tiết kiệm. Tiết kiệm thấp cộng với lãi suất thực thấp khiến cho cung về vốn không đáp ứng được cầu về vốn, dẫn đến tình trạng khan hiếm tín dụng, buộc Chính phủ phải can thiệp để phân phối tín dụng cho một số ngành nghề quan trọng. Chính sách lãi suất thấp cũng đã khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu tăng, tác động tiêu cực tới cán cân thanh toán. 6.1.2. Chế độ tỷ giá và kiểm soát ngoại hối Đồng tiền của nước kém phát triển được gắn cố định với USD, FRF, SDR và được điều chỉnh theo cơ chế “bò trườn” – Crawling Peg. Tại các nước kém phát triển luôn tồn tại tình trạng lạm phát cao, vì vậy việc gắn đồng tiền của các nước này với đồng tiền của các nước có mức lạm phát thấp là bất hợp lý do làm xói mòn khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế của LDCs. Chính vì lý do này, các nước kém phát triển thường xuyên phá giá nội tệ để tăng sức cạnh tranh. Một vấn đề bất lợi đối với chế độ tỷ giá cố định bò trườn là nếu đồng tiền nước ngoài được chọn để neo tỷ giá lên giá (USD lên giá trong suốt thập kỷ 1980 và 1990), xuất khẩu của các nước LDCs bị cản trở. 88 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Do đó, một số nước LDCs ưu tiên gắn đồng nội tệ với một rổ tiền tệ, nhằm làm dịu đi áp lực lên giá của nội tệ. Ngoài ra, để duy trì chế độ tỷ giá cố định, các nước kém phát triển đã tăng cường áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại hối chặt chẽ. Ví dụ, hạn chế chuyển đổi nội tệ sang ngoại tệ nhằm hạn chế người dân đầu tư ra nước ngoài, trên cơ sở đó Chính phủ có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn so với trường hợp cho phép tự do mua bán ngoại tệ. Kiểm soát tỷ giá được diễn ra dưới hình thức người dân muốn mua ngoại tệ phải có giấy phép của chính phủ, phải bán nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu cho chính phủ. Bên cạnh các biện pháp kiểm soát ngoại hối, chính phủ còn áp dụng chế độ đa tỷ giá: những giao dịch khác nhau được áp mức tỷ giá khác nhau. Ví dụ: nếu mua ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu máy móc thiết bị hay hàng hóa thiết yếu thì được áp dụng mức tỷ giá ưu đãi (tỷ giá mềm); ngược lại, nếu nhu cầu nhập khẩu những hàng hóa tiêu dùng, xa xỉ, hàng trong nước sản xuất được thì tỷ giá sẽ bất lợi hơn (tỷ giá cứng). 6.1.3. Mức độ đa dạng hóa thấp Sản phẩm do các nước LDCs sản xuất thường có mức độ đa dạng hóa thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Nước LDCs có tỷ trọng hàng nông sản trong GDP cao, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu nghèo nàn (chỉ có khoáng sản và nông sản). Điều này có nghĩa hoạt động sản xuất kinh doanh của các nước này sẽ dễ biến động bất lợi nếu mùa màng thất bát hay khi giá hàng hóa xuất khẩu chủ lực biến động giảm. Giá cả hàng hóa chủ lực được sản xuất và xuất khẩu bởi các nước LDCs thường biến động mạnh hơn nhiều so với giá cả hàng hóa được sản xuất ở các nước phát triển, dẫn tới sự biến động của thu nhập quốc dân và hoạt động thương mại nội địa và quốc tế. Khi kinh tế của các nước công nghiệp rơi vào tình trạng đình đốn, các nước LDCs chịu ảnh hưởng nặng nề do giá hàng xuất khẩu và quy mô xuất khẩu giảm. 6.1.4. Mức độ lạm phát cao Các nước LDCs thường phải đối mặt với thách thức phải kiểm soát lạm phát. Thâm hụt ngân sách thường được các chính phủ tài trợ bằng cách phát hành tiền, do thị trường tài chính ở các nước này chưa phát triển, huy động vốn trên thị trường tài chính là khó khăn, và do chính phủ nhận thấy rằng biện pháp tăng thuế sẽ không nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Hậu quả của lạm phát là làm giảm giá trị thực của đồng tiền người dân đang nắm giữ, nghĩa là tạo ra một khoản thuế lạm phát, và làm giảm giá trị thực nợ của chính phủ. Để bảo vệ tiền lương cho người lao động trong một môi trường đầy áp lực lạm phát, chính phủ áp dụng giải pháp bù giá vào lương, nghĩa là tăng lương theo tốc độ lạm phát. Trên thực tế, cơ chế bù giá vào lương này đã gây những khó khăn đáng kể cho chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, do tại thời điểm các biện pháp kiềm chế lạm phát đang được áp dụng thì thu nhập của người lao động lại được điều chỉnh tăng theo chỉ số lạm phát của kỳ trước. Kết quả là, lạm phát cộng với cơ chế bù giá vào lương TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 89
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài đã ảnh hưởng tiêu cực tới điều kiện thương mại của quốc gia, kích thích nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Để giải quyết tình trạng thất nghiệp, chính phủ các nước buộc phải tăng chi tiêu để mở rộng sản xuất trong khu vực kinh tế quốc doanh. Đồ thị trên phản ánh tốc độ tăng trưởng GDP thực tế và tỷ lệ lạm phát của Mexico giai đoạn khủng hoảng nợ 1982 – 1988. Trong giai đoạn khủng hoảng suốt thập kỷ 80, lạm phát của quốc gia này cao kỷ lục (trung bình khoảng 70%), gấp hơn 3 lần so với thập kỷ trước đó, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm 7 lần. 6.2. Các hình thức thu hút vốn nước ngoài 6.2.1. Phát hành trái phiếu Chính phủ các nước LDCs có thể phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với mức lãi suất thay đổi theo kỳ hạn, theo mệnh giá đồng tiền phát hành bằng nội tệ hay ngoại tệ. Trái phiếu có mệnh giá nội tệ chịu rủi ro lạm phát, do khả năng xảy ra lạm phát cao hơn mức dự kiến là rất lớn đối với các quốc gia LDCs, điều này khiến giá trị thực tế của trái phiếu giảm. Nếu trái phiếu được phát hành có mệnh giá ngoại tệ, rủi ro vỡ nợ là rất cao, đồng nghĩa với nguy cơ các nước LDCs không có khả năng mua lại trái phiếu khi đến hạn (không có đủ ngoại tệ thanh toán cho người nắm giữ trái phiếu). 6.2.2. Tín dụng ngân hàng Các nước kém phát triển có thể vay vốn từ Ngân hàng phát triển của các nước phát triển. Các khoản tín dụng ngân hàng có mức lãi suất cố định hoặc thả nổi, với kỳ hạn ngắn, trung hay dài. Trong những năm của thập kỷ 70 và 80, tín dụng ngân hàng là nguồn vốn tài trợ chủ yếu của các nước Châu Mỹ Latinh. Các khoản tín dụng được các ngân hàng quốc tế cấp thường dưới hình thức đồng tài trợ (cho vay hợp vốn), bằng đồng USD và với lãi suất thả nổi được điều chỉnh định kỳ 3 hay 6 tháng một lần 90 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài theo sự thay đổi của lãi suất quốc tế. LIBOR là mức lãi suất cơ bản được sử dụng để tham chiếu cho lãi suất của các khoản tín dụng này, cộng với một tỷ lệ chênh lệch nhất định. 6.2.3. Đầu tư trực tiếp nước ngoài Vốn đầu tư trực tiếp là một kênh để các nước LDCs thu hút vốn nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều hình thức: công ty đa quốc gia mua cổ phần chi phối của các công ty trong nước, công ty đa quốc gia tăng vốn cho chi nhánh tại nước kém phát triển, hoặc nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại nước kém phát triển. Hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được các công ty đa quốc gia ưa chuộng, bởi công ty đa quốc gia vẫn duy trì quyền sở hữu và kiểm soát quá trình kinh doanh. Hơn nữa, đây được coi là phương án thu hút vốn nước ngoài có chất lượng, vì vốn chảy vào mang tính dài hạn, thể hiện niềm tin đối với nước nhận đầu tư. 6.2.4. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức Bên cạnh nguồn vốn đầu tư tư nhân nước ngoài, các nước LDCs còn có thể huy động nguồn vốn đầu tư phát triển trực tiếp từ các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Nguồn vốn hỗ trợ chính thức thường có mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất thị trường, thường được coi như một khoản nằm trong chương trình trợ giúp. Các khoản tín dụng của World Bank cho các nước LDCs vay thường có mức lãi suất ưu đãi, do World Bank là tổ chức ngân hàng có hệ số tín nhiệm hàng đầu, có thể đi vay trên thị trường quốc tế với khối lượng lớn và mức lãi suất thấp hơn nhiều so với khả năng vay của từng quốc gia LDCs. Tóm lại, cần phải phân biệt phương thức huy động vốn vay với huy động vốn cổ phần. Hình thức phát hành trái phiếu, đi vay ngân hàng, hay nhận hỗ trợ phát triển chính thức đòi hỏi người đi vay phải hoàn trả nợ gốc và lãi khi đến hạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngược lại, hình thức huy động vốn cổ phần nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài hoặc nắm giữ cổ phiếu, hoặc trực tiếp tham gia kiểm soát công ty ở quốc gia LDCs. Đối với hình thức này, việc hoàn trả khoản đầu tư chính là ở khoản lãi thu từ tăng giá cổ phiếu và thu nhập từ cổ tức. Nếu nền kinh tế quốc gia LDCs gặp khó khăn, kinh tế kém phát triển, thu nhập của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm, và ngược lại. 6.3. Nợ nước ngoài 6.3.1. Một số khái niệm cơ bản Theo IMF, nợ nước ngoài của một quốc gia tại một thời điểm nhất định là số dư thực tế (không phải bất thường) của khoản vay mà người không cư trú cấp cho người cư trú và yêu cầu phải hoàn trả gốc và/hoặc lãi vào một thời điểm trong tương lai. Nợ nước ngoài bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, và nợ tư nhân không được Chính phủ bảo lãnh. Nợ Chính phủ là những khoản tín dụng dành cho chính phủ hoặc các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Nợ được chính phủ bảo lãnh là những khoản tín dụng được cấp cho khu vực kinh tế tư nhân. Do mức độ rủi ro TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 91
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài cao, những khoản tín dụng này đòi hỏi phải có bảo lãnh của chính phủ. Do hầu hết các nước LDCs áp dụng các biện pháp kiểm soát ngoại hối, chính phủ các nước này thường liên đới tới những thỏa thuận tín dụng giữa người cho vay nước ngoài và người đi vay trong nước. Theo thời hạn vay, nợ nước ngoài được chia thành nợ ngắn hạn và dài hạn. Đối với các khoản nợ, việc phân loại là nợ ngắn hạn hay dài hạn thông thường được dựa trên thời hạn nợ ban đầu. Đây là khoảng thời gian tính từ khi khoản nợ được tạo ra đến ngày đáo hạn. Nợ dài hạn được xác định là khoản nợ có thời hạn nợ ban đầu trên 1 năm hoặc là các khoản nợ không quy định thời hạn. Các khoản nợ ngắn hạn là các khoản nợ phải hoàn trả có kỳ hạn hoặc có thời gian hoàn trả ban đầu là 1 năm hoặc ngắn hơn. Nếu một công cụ nợ với thời hạn ban đầu nhỏ hơn hoặc bằng 1 năm thì được xếp vào loại ngắn hạn thậm chí cả trong trường hợp khoản nợ đó phát sinh theo một thỏa thuận dài hạn. Tuy nhiên cũng có một cách tiếp cận khác về thời hạn nợ. Đó là căn cứ theo thời hạn nợ còn lại. Đây là khoảng thời gian tính đến khi nghĩa vụ thanh toán đến hạn. Khi đó, những khoản nợ nước ngoài ngắn hạn được xác định bao gồm dư nợ của các khoản nợ ngắn hạn cộng với dư nợ của các khoản nợ dài hạn mà có thời hạn nợ còn lại là một năm hoặc ít hơn. Theo phương thức vay nợ, nợ nước ngoài được phân chia thành nợ ODA và nợ thương mại. Nợ ODA được hình thành từ các khoản vay ODA ưu đãi và hỗn hợp. Trong đó vay ODA ưu đãi (còn gọi là tín dụng ưu đãi) là khoản vay với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, đảm bảo “yếu tố không hoàn lại” đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc. Vay ODA hỗn hợp là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay ưu đãi được cung cấp đồng thời với các khoản tín dụng thương mại, nhưng tính chung lại có “yếu tố không hoàn lại” đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc. Nợ thương mại được hình thành từ các khoản vay thương mại. Theo Nghị định 134/2005/NĐ–CP của Chính phủ, tất cả các khoản vay nước ngoài của Việt Nam không phải vay ODA đều là vay thương mại. Như vậy vay thương mại không chứa đựng yếu tố ưu đãi, được thực hiện dưới hai hình thức chính: phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế và vay thương mại thông qua đàm phán vay nợ trực tiếp. 6.3.2. Tác động của nợ nước ngoài Tác động tích cực Tác động tích cực đầu tiên và quan trọng nhất của nợ nước ngoài đối với nền kinh tế đó là đáp ứng được nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Trong điều kiện tiết kiệm trong nước không đáp ứng được nhu cầu đầu tư, vay nợ nước ngoài là không thể tránh khỏi. Điều này đặc biệt đúng đối với những nước đang phát triển khi nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt, phát triển vùng và lãnh thổ phục vụ cho sự nghiệp công 92 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển, vay nợ nước ngoài vẫn là một hoạt động phổ biến. Khi lượng vốn đầu tư thông qua nợ nước ngoài trong nền kinh tế tăng lên sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư được sử dụng vào những chương trình dự án kinh tế xã hội như chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho những vùng sâu, vùng xa từ đó giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội, khi đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Như vậy, vay nợ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, vay nợ nước ngoài thông qua các chương trình dự án ODA giúp các quốc gia đi vay có thể tiếp cận được với công nghệ hiện đại, học hỏi được kinh nghiệm quản lý tiến tiến trên thế giới. Tác động tiêu cực Để đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, vay nợ nước ngoài là một hoạt động không thể thiếu, đặc biệt trong giai đoạn mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới cho thấy, vay nợ nước ngoài mang lại rất nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ nước ngoài sẽ trở thành một yếu tố tiêu cực khi một quốc gia vay nợ quá nhiều dẫn đến khủng hoảng nợ. Khủng hoảng nợ xảy ra khi một quốc gia không thể trả nợ cho các chủ nợ, họ tuyên bố tình trạng vỡ nợ và gia nhập vào các câu lạc bộ. Tuy nhiên, các quốc gia con nợ chỉ tuyên bố tình trạng vỡ nợ như một giải pháp cuối cùng, bởi vì tuyên bố vỡ nợ quốc gia bao giờ cũng phát sinh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Thứ nhất, mất khả năng vay nợ trong tương lai. Khi một quốc gia tuyên bố vỡ nợ thì đồng nghĩa với việc từ bỏ khả năng vay nợ nước ngoài trong tương lai. Những chủ nợ nước ngoài bị mất vốn sẽ không bao giờ sẵn sàng cho vay lại trong tương lai. Những chủ nợ tiềm năng sẽ đánh giá quốc gia vỡ nợ thuộc loại có rủi ro đặc biệt. Các nước vỡ nợ không có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thâm nhập thị trường vốn quốc tế, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ bị kìm hãm. Thứ hai, giảm lợi ích từ thương mại quốc tế. Các nước chủ nợ có thể sẽ áp dụng những biện pháp bảo hộ thương mại để trừng phát các nước con nợ. Xuất khẩu của các nước con nợ sẽ trở thành đối tượng tịch thu của nước chủ nợ khi hàng hóa chạm đến biên giới quốc tế. Ngoài ra, nước vỡ nợ cũng khó khăn trong việc nhập khẩu vì nước xuất khẩu lo ngại rằng sẽ không thu được tiền. Kết quả là, khối lượng ngoại thương của nước vỡ nợ sẽ giảm xuống. Thứ ba, nước chủ nợ có thể phong tỏa hay tịch thu những tài sản của nước con nợ nằm trên lãnh thổ nước chủ nợ. Nhiều nước con nợ duy trì một lượng đáng kể dự trữ ngoại hối bằng vàng và ngoại tệ tại các NHTW của các nước phát triển, và đây chính là những tài sản bị tịch thu hay phong tỏa khi tuyên bố vỡ nợ với những chủ nợ chính thức. TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 93
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Ngoài ra việc vay nợ nước ngoài quá nhiều đặc biệt là vay ODA sẽ buộc các nước đi vay phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc về kinh tế – chính trị – xã hội. Do vậy khi tiến hành vay nợ nước ngoài, các nước đi vay phải cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích và những mặt hạn chế tiêu cực để đạt được hiệu quả vay nợ cao nhất. 6.3.3. Chỉ tiêu đo mức độ nợ nước ngoài Tỷ lệ nợ nước ngoài so với nguồn thu xuất khẩu: chỉ tiêu này phản ánh nguồn thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là một phương tiện mà quốc gia có thể sử dụng để trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, cần lưu khi sử dụng chỉ tiêu này, do nguồn thu xuất khẩu thường biến động từ năm này qua năm khác, ngoài ra nước vay nợ còn có những phương án khác mà không nhất thiết phải tăng xuất khẩu (ví dụ: cắt giảm nhập khẩu, hoặc xuất quỹ dự trữ ngoại hối). Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với tổng nợ nước ngoài: chỉ tiêu này phản ánh khả năng của NHTW nước vay nợ có thể dùng dự trữ ngoại hối để trả nợ nước ngoài là cao hay thấp. Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP: chỉ tiêu này phản ánh tiềm năng trả nợ của 1 quốc gia. Tỷ lệ nợ phải trả hàng năm so với nguồn thu xuất khẩu: chỉ tiêu này phản ánh quan hệ giữa nghĩa vụ phải thanh toán những khoản nợ so với năng lực xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ hàng năm của nước vay nợ. Tỷ lệ nợ phải trả hàng năm so với GDP: chỉ tiêu này phản ánh tiềm năng trả nợ hàng năm của nước vay nợ. 6.4. Khủng hoảng nợ nước ngoài 6.4.1. Bắt nguồn của khủng hoảng nợ Khủng hoảng nợ bắt nguồn từ cú sốc giá dầu lần đầu tháng 10/1973. Giá dầu tăng 4 lần đã làm tổn thương nặng nề các quốc gia kém phát triển phải nhập khẩu dầu. Do chi phí nhập khẩu dầu tăng cao khiến sản xuất đình đốn, năng lực xuất khẩu giảm. Kết quả là thâm hụt cán cân vãng lai của các nước kém phát triển tăng mạnh, từ $8,7 tỷ năm 1973 lên $42,9 tỷ năm 1974 và $51,3 tỷ năm 1975. Điều kiện thương mại của các nước LDCs bị xói mòn nghiêm trọng: để có được một khối lượng nhập khẩu bằng năm 1973, năm 1975 LDCs phải tăng xuất khẩu bằng 2,5 lần xuất khẩu của năm 1973. Giá dầu tăng khiến cán cân vãng lai của các nước LDCs và cả những nước phát triển bị thâm hụt trầm trọng, trong khi các nước xuất khẩu dầu (OPEC) trong tình trạng ngược lại với thặng dư thương mại $6,2 tỷ năm 1972 và $66,7 tỷ năm 1974). Do thu nhập từ xuất khẩu dầu vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế, các nước OPEC đã gửi hầu hết “petrodollars” (tiền thu từ xuất khẩu dầu) vào Ngân hàng phát triển London và New York (Eurobanks), bởi đây là những trung tâm tài chính lớn, có độ an toàn cao và cung cấp nhiều cơ hội đầu tư, trong khi cho vay các nước LDCs rủi ro hơn nhiều. 94 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Sau đó, các ngân hàng quốc tế này cho rằng Châu Mỹ Latin là khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao. Eurobanks cấp tín dụng cho các nước kém phát triển theo LIBOR (lãi suất cho vay liên ngân hàng – lãi suất thả nổi). Các ngân hàng ưu tiên cho vay với lãi suất thả nổi vì lãi suất tiền gửi cũng thả nổi, nhờ đó ngân hàng có thể bảo vệ mình trước sự biến động của lãi suất. Như vậy, nếu lãi suất thế giới tăng, người gánh chịu rủi ro là nước đi vay LDCs. Hầu hết các khoản tín dụng đều là khoản vay của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh, các ngân hàng nhận định rủi ro vỡ nợ là không đáng kể. 6.4.2. Dấu hiệu và tác động của khủng hoảng nợ Trong giai đoạn 1973–1978, nợ nước ngoài của các quốc gia kém phát triển tăng mạnh từ $130 tỷ lên $336 tỷ nhưng không có khó khăn trong việc trả nợ gốc và lãi hàng năm, do đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Tuy nhiên, trong 4 năm sau đó, những yếu tố bất lợi đã xảy ra và làm cho tình hình nợ nước ngoài trở nên xấu đi, giảm khả năng hoàn trả nợ gốc và lãi hàng năm của các nước LDCs. Năm 1979, các nước OPEC đi đến thỏa thuận tăng giá dầu 2 lần, từ $13/thùng lên $32/thùng. Các nước công nghiệp đã phản ứng với cú sốc giá dầu lần hai này một cách thống nhất hơn so với lần thứ nhất, thông qua các biện pháp kiên quyết nhằm hạn chế hậu quả lạm phát do giá nhập khẩu dầu tăng, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng. Cuối năm 1979, chính phủ Mỹ và các nước phát triển (Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật) áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Ngược lại, các nước kém phát triển tiếp tục vay nợ tài trợ thâm hụt của cán cân vãng lai (182: $662 tỷ). Ngoài ra, nguyên nhân khiến cho nợ nước ngoài của các nước LDCs tăng cao còn do sự gia tăng thâm hụt ngân sách Mỹ, khiến lãi suất LIBOR của USD tăng từ 9,5% năm 1978 lên 16,6% năm 1981. Lãi suất tăng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm suy thoái nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 1981–1983. Suy thoái kinh tế đã tạo ra hiệu ứng tàn phá các nước LDCs, bởi làm giảm thu nhập từ xuất khẩu của các nước này. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái, các nước phát triển áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu, điều này càng khiến cho xuất khẩu của các nước LDCs trở nên khó khăn. Do Chính phủ Mỹ đi vay nhiều, cộng với lãi suất tăng cao làm phát sinh 2 hiệu ứng: (i) các ngân hàng không còn mặn mà cho vay các nước LDCs, do cho vay chính phủ Mỹ hấp dẫn hơn, (ii) lãi suất cao góp phần làm cho USD lên giá thực nhanh chóng, làm tăng giá trị thực nợ nước ngoài của các nước LDCs. Đến năm 1982, hầu hết các nước LDCs, đặc biệt Châu Mỹ Latin, tự nhận thấy tổng dư nợ nước ngoài và nợ phải trả hàng năm đã tăng lên chóng mặt, trong khi khả năng trả nợ là rất yếu. Nhiều khoản tiền vay đã được đầu tư không hiệu quả, như trang trải cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lôc, ngoài ra mức tiêu dùng của xã hội được duy trì ở mức tương đối cao và xa xỉ. Như vậy, cùng với các nhân tố từ bên ngoài, sự lệch lạc trong các chính sách bên trong các nước LDCs là những nguyên nhân chính khiến khủng hoảng nợ bùng nổ. TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 95
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Tại Mexico, sau thập kỷ 70 đầy thuận lợi do được hưởng lợi từ việc tăng giá dầu xuất khẩu, suy thoái kinh tế đã khiến nhu cầu dầu của thế giới giảm sút. Tỷ lệ lạm phát của đồng peso tăng rất cao (27% năm 1981) và đồng tiền này đã bị định giá quá cao do neo với USD. Điều này đã khiến cho cán cân vãng lai của nước này bị thâm hụt trầm trọng (12,5%/GDP năm 1981). Kết quả là dòng vốn đầu tư chạy khỏi Mexico và dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh rồi nhanh chóng cạn kiệt, cùng với một khối lượng nợ nước ngoài không có khả năng trả nợ ngày càng lớn. Ngày 12/8/1982, chính phủ Mexico tuyên bố đình chỉ trả nợ cho đến khi có một dàn xếp ổn thỏa với các chủ nợ, bao gồm đề nghị cấp những khoản tín dụng mới và cơ cấu lại nợ cũ đã đến hạn. Lý do nào khiến chính phủ Mexico và một số quốc gia khác chỉ tuyên bố hoãn trả nợ mà không tuyên bố vỡ nợ? Sau đây là 3 chi phí gắn liền với tuyên bố vỡ nợ: Mất khả năng vay nợ trong tương lai: những chủ nợ nước ngoài bị mất vốn sẽ không bao giờ sẵn sàng cho vay lại trong tương lai đối với những quốc gia đã từng tuyên bố vỡ nợ. Hơn nữa, các nước chủ nợ có thể ngăn cản IMF và WB không tiếp tục cho vay nước đã tuyên bố vỡ nợ. Giảm lợi thế thương mại quốc tế: các nước chủ nợ có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại để trừng phạt quốc gia vỡ nợ. Tài sản ở nước ngoài bị tịch thu: mặc dù nước chủ nợ không thể đưa nước vỡ nợ ra tòa, nhưng có thể phong tỏa hay tịch thu những tài sản của nước vay nợ trên lãnh thổ nước chủ nợ, ví dụ vàng và ngoại tệ. Việc xử lý khủng hoảng nợ đã được chia làm 3 giai đoạn: (i) 1982 – tháng 10/1985, (ii) 10/1985 đến 03/1989, (iii) 03/1989 trở đi. Giai đoạn 1 (1982 – tháng 10/1985): Ban đầu, các ngân hàng cho rằng khủng hoảng chỉ là vấn đề thanh khoản tạm thời chứ không phải lâu dài. Vì vậy, chiến lược được áp dụng trong giai đoạn này là cơ cấu lại nợ thông qua cho vay ngắn hạn trọn gói, thời hạn 2 – 4 năm với mức lãi suất và phí ưu đãi. Các ngân hàng chỉ cho vay các nước có thể tiếp tục trả nợ gốc và lãi vay hàng năm, không phải cho vay thương mại đơn thuần. Ngoài ra, để nhận được những khoản vay trọn gói của IMF, nước vay nợ phải chấp nhận một chương trình cải tổ kinh tế hà khắc do IMF khởi xướng, bao gồm: o Thắt chặt tài khóa và tiền tệ: giảm chi tiêu của Chính phủ, tăng lãi suất, giảm cung tiền (phát hành trái phiếu Chính phủ). o Phá giá đồng nội tệ để cải thiện khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế. o Cải cách dựa theo cơ chế thị trường: giảm trợ cấp cho sản xuất lương thực, tư nhân hóa các ngành kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, dỡ bỏ trần – sàn lãi suất, khích lệ tiết kiệm trong nước. Giai đoạn 2 – Kế hoạch Baker (tháng 10/1985 – tháng 3/1989): Tháng 10/1985, Bộ trưởng Tài chính Mỹ James Baker tuyên bố kế hoạch quan trọng để xử lý khủng hoảng nợ trong 3 năm, nhằm thức tỉnh các nước vay nợ về một cuộc điều chỉnh triệt để nền kinh tế, đồng thời ngừng mọi khoản tín dụng thông thường cho các nước này. Nội dung chính của kế hoạch này: 96 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài o Từng chủ nợ giải quyết riêng với từng nước vay nợ tìm ra giải pháp khắc phục. o Cải tổ nền kinh tế theo hướng thị trường: tự do hóa thương mại, cắt giảm chi tiêu chính phủ, nới lỏng kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài. o Tăng cường vai trò của IMF và WB trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường hiệu quả của các khoản cho vay điều chỉnh cơ cấu. o Khoản tín dụng mới của các Ngân hàng phát triển cho vay 15 nước là con nợ lớn nhất trong 3 năm là $20 tỷ, trong đó WB hỗ trợ $10 tỷ. Tuy nhiên, kế hoạch Baker đã không thành công. Các khoản tín dụng mới của các Ngân hàng phát triển đã không đạt được mục tiêu đề ra. Theo kế hoạch, WB sẽ hỗ trợ $10 tỷ, nhưng trên thực tế chỉ giải ngân được $1 tỷ. Kinh tế các nước Brazil, Mexico, Argentina tiếp tục đình đốn, lạm phát gia tăng. Tổng mức nợ nước ngoài và nhiều chỉ tiêu trả nợ hàng năm của các nước vay nợ tiếp tục bị xấu hơn. Những lí do khiến cho kế hoạch Baker không thành công: (i) các Ngân hàng phát triển không có động lực để mở rộng cho vay mới, họ cho rằng khu vực Châu Mỹ Latin đã mắc quá nhiều nợ, (ii) kế hoạch này không tạo đủ động lực cho các nước vay nợ thực hiện các khoản đầu tư mới, vì mọi thành quả từ cải thiện kinh tế đều dành để trả nợ nước ngoài. Giai đoạn 3 – Kế hoạch Brady (tháng 3 năm 1989 trở đi): sự bất lực của các tổ chức tài chính chính thức buộc các ngân hàng phải tăng cường tìm kiếm giải pháp khác để tự giải quyết khó khăn của mình. Từ giữa những năm 1980, thị trường thứ cấp đối với những khoản nợ của các nước LDCs được hình thành. Theo đó, các Ngân hàng phát triển có thể bán lại các khoản cho vay còn hiệu lực cho Ngân hàng phát triển khác với mức giá chiết khấu. Tháng 3/1989, một cải cách căn bản trong chiến lược xử lý khủng hoảng nợ được Bộ trưởng Tài chính mới của Mỹ Nicholas Brady khởi xướng: o Xử lý riêng biệt giữa từng chủ nợ với con nợ. o Khuyến khích nước vay nợ cải tổ theo hướng thị trường, áp dụng các biện pháp bình ổn kinh tế vĩ mô. o Nhấn mạnh sự cần thiết cho vay mới và khuyến khích các chủ nợ tự nguyện miễn một phần cho con nợ. WB và IMF được yêu cầu hình thành các nguồn vốn để hỗ trợ cho những nước gặp khó khăn và chấp nhận chương trình cải tổ do IMF khởi xướng. Sau đó, một chương trình giảm nợ $70 tỷ cho 39 nước LDCs được thông qua. IMF và WB hình thành quỹ $24 tỷ để cho vay hỗ trợ những quốc gia chấp nhận cải cách kinh tế. Đến 12/1995 đã có 25 thỏa thuận miễn giảm nợ liên quan đến 23 nước. Mexico được thương lượng miễn giảm nợ vào tháng 3/1990, tiếp theo là Venezuela vào tháng 12/1990, Argentina tháng 4/1993, và Brazil tháng 4/1994. Như vậy, bài học rút ra từ khủng hoảng nợ: TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 97
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Các ngân hàng không nên quá tập trung cho vay khối lượng vốn lớn đối với chỉ một quốc gia hay khu vực. Khi cho chính phủ các nước vay, cần cân nhắc và giám sát kỹ vốn vay được sử dụng cho đầu tư sản xuất hay phung phí vào các chương trình công cộng phúc lợi. Cân nhắc không chỉ khả năng mà còn thái độ sẵn sàng trả nợ của quốc gia vay nợ trong những giai đoạn khó khăn. 6.5. Nợ nước ngoài của Việt Nam Vay nợ nước ngoài là điều cần thiết đối với những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Trong điều kiện thị trường tài chính trong nước kém phát triển, khả năng huy động vốn trong nước còn hạn chế, vay nợ nước ngoài giúp các quốc gia đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế – xã hội cũng như thực hiện những mục đích trong những giai đoạn nhất định như: bù đắp thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, vay nợ mới để trả nợ cũ… Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của các nước đang phát triển trong việc tận dụng nguồn vốn vay nước ngoài để đáp ứng thiếu hụt nhu cầu về vốn trong nước. Lịch sử nợ nước ngoài của Việt Nam từ sau khi đất nước thống nhất đến nay có thể chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1: (1975 – 1988), nền kinh tế gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. Thu vay nợ và viện trợ nước ngoài trong giai đoạn này bằng 38,2% tổng thu ngân sách và bằng 61,9% tổng số thu trong nước. Tính đến năm 1988, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên tới 8,5 tỷ RUP và 1,9 tỷ USD. Giai đoạn 2: (1988 – 1993), đây là giai đoạn khó khăn nhất khi các nước XHCN đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng và cắt hầu hết các khoản viện trợ cho Việt Nam. Giai đoạn 3: (từ 1993 đến nay), đây là giai đoạn Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các định chế tài chính quốc tế khu vực và thế giới. Lúc này, vay nợ và viện trợ nước ngoài của Việt Nam cũng có bước chuyển biến mới: đa dạng hoá về chủ thể cho vay, đa dạng hóa loại hình vay… Thực trạng nợ nước ngoài của Việt Nam được đánh giá trên các phương diện như quy mô nợ nước ngoài, cơ cấu nợ nước ngoài và đánh giá dựa trên các chỉ tiêu do các tổ chức thế giới đưa ra. Bảng 6.1: Tổng nợ nước ngoài và trả nợ của Việt Nam a) Giai đoạn 2002 – 2008 Đơn vị: triệu USD 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 Tổng dư nợ 12.345 13.535 15.390 16.924 18.330 22.105 24.669 nước ngoài Nợ CP và CP 9.887 11.001 13.505 14.208 15.641 19.252 21.816 bảo lãnh Nợ tư nhân 2.458 2.534 1.885 2.716 2.689 2.853 2.853 Nợ CP và CP bảo 80,08% 81,27% 87,75% 83,95% 85,33% 87,09% 88,43% lãnh/Tổng dư nợ 98 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 Nợ nước ngoài của 73,44% 66,5% 63,9% 60,485% 57,268% 57,12% 58,01% khu vực công/Tổng nợ của khu vực công Tổng trả nợ 1.630 1.764 1.858 1.952 1.814 1.932 2.150,88 nước ngoài Trả gốc 1.339 1.477 1.441 1.513 1.270 1.356 1.530,49 Trả lãi 291 287 417 439 544 576 620,39 Tổng trả nợ của CP 776 699 771 722 824 885 1.103,88 và CP bảo lãnh Trả gốc 567 489 447 431 466 505 679,49 Trả lãi 208 210 324 291 358 380 424,39 Vay nợ mới – 2.667 3.296 3.047 2.676 5.131 3.920 Vay nợ mới của CP 1.603 2.951 1.134 1.899 4.116 3.069 và CP bảo lãnh Nguồn: Bản tin nợ nước ngoài số 1,2,3 Bộ Tài chính Giai đoạn 2002 – 2008: Tổng nợ nước ngoài (bao gồm nợ Chính phủ, Chính phủ bảo lãnh và nợ tư nhân), tổng trả nợ nước ngoài (bao gồm trả nợ gốc và lãi, phí phải trả trong kỳ) tăng đều qua các năm. Nợ nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Vay nợ nước ngoài của khu vực tư nhân còn rất hạn chế, chỉ chiếm tỷ trọng khoảng từ 10% đến 20% và có xu hướng giảm dần qua các năm. Nợ nước ngoài đã có đóng góp rất quan trọng và chủ yếu trong việc bổ sung nguồn vốn trong nước. Nợ nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh luôn chiếm trên 50% so với tổng nợ của khu vực công. Bảng 6.2: Nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam 2010 – 2013 Chỉ tiêu 2010 2011 2012 2013 Nợ công so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP) (%) 56,3 54,9 50,8 54,2 Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP (%) 42,2 42,5 37,4 37,3 Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung, dài hạn của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 3,4 3,5 3,5 4,3 dịch vụ (%) Dư nợ Chính phủ so với GDP (%) 44,6 43,2 39,4 42,3 Dư nợ Chính phủ so với thu ngân sách (%) 157,9 162,0 172,0 184,4 Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN (%) 17,6 15,6 14,6 15,2 Nghĩa vụ nợ dự phòng so với thu ngân sách (%) 5,5 6,7 9,8 9,8 Hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh 2.000,0 3.500,0 3.500,0 2.429,0 vay nước ngoài của Chính phủ (triệu USD) Nguồn: Bản tin Nợ công Việt Nam 2010 – 2013 TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 99
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Biểu đồ 6.2. Dư nợ vay của Chính phủ Nguồn: Bản tin Nợ công Việt Nam 2010 – 2013 Biểu đồ 6.3. Dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh Nguồn: Bản tin Nợ công Việt Nam 2010 – 2013 b) Giai đoạn 2010 – 2013 Tỷ trọng nợ nước ngoài đang giảm dần. Trong tổng nợ vay của Chính phủ: nợ nước ngoài giảm dần về tỷ trọng mặc dù quy mô không giảm. Tuy nhiên, trong tổng dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh: nợ nước ngoài tăng lên về cả quy mô và tỷ trọng. 100 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Tóm lược cuối bài Nợ nước ngoài bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, và nợ tư nhân không được Chính phủ bảo lãnh. Nợ nước ngoài giúp quốc gia đi vay có thể tiếp cận được với công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, vay nợ quá nhiều và giám sát việc sử dụng vốn vay không tốt có thể dẫn đến khủng hoảng nợ. Các ngân hàng cần sáng suốt và thận trọng trong việc cho vay các chính phủ, không nên tập trung vốn cho vay một quốc gia/khu vực quá nhiều. Cần giám sát chính phủ vay có sử dụng vốn vay vào đầu tư sản xuất hay sử dụng phung phí cho các chương trình phúc lợi công cộng. TXNHQT05_Bai6_v1.0015105205 101
- Bài 6: Nợ nước ngoài và khủng hoảng nợ nước ngoài Câu hỏi ôn tập 1. Nợ nước ngoài có phải là nợ công không? Có phải là nợ Chính phủ không? 2. Đặc điểm của nợ nước ngoài so với nợ trong nước? 3. Lý do vay nợ nước ngoài? 4. Chỉ tiêu đo mức độ nợ nước ngoài? 5. Khủng hoảng nợ thập kỷ 1970 – 1980 diễn ra như thế nào? Nguyên nhân từ đâu? 6. Vì sao các ngân hàng thương mại quốc tế cho các nước vay nhiều như vậy? 7. Vì sao các nước vay nợ chỉ tuyên bố đình chỉ trả nợ trong một thời gian mà không tuyên bố vỡ nợ? 8. Các biện pháp xử lý khủng hoảng nợ? Ưu nhược điểm của từng giải pháp? 9. Tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam ra sao? 10. Bài học rút ra từ khủng hoảng nợ là gì? 102 TXNHQT05_Bai6_v1.001510505
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 3 - ThS. Phan Thị Thanh Hương
44 p | 287 | 49
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Bài 1 - TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo
11 p | 239 | 41
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - ThS. Phan Thị Thanh Hương
11 p | 226 | 35
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 2 - ThS. Phan Thị Thanh Hương
35 p | 200 | 35
-
Bài giảng Tài chính quốc tế - ĐH Thương Mại
259 p | 487 | 28
-
Bài giảng Tài chính quốc tế (2013)
65 p | 162 | 25
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - TS. Lê Tuấn Lộc
18 p | 141 | 14
-
Bài giảng Tài chính Quốc tế: Chương 2 - ĐH Công nghiệp Tp.HCM
43 p | 173 | 13
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - TS. Nguyễn Phúc Hiền
17 p | 151 | 13
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - GV. Ngô Thị Ngọc Huyền
7 p | 156 | 9
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - Đoàn Thị Thu Trang
35 p | 114 | 9
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - TS. Đặng Ngọc Đức
11 p | 109 | 8
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 1 - Đại cương về tài chính quốc tế
29 p | 176 | 6
-
Bài giảng Tài chính Quốc tế - Chương 1: Nhập môn tài chính Quốc tế
15 p | 120 | 6
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Giới thiệu môn học Tài chính quốc tế - ThS. Đoàn Thị Thu Trang
2 p | 78 | 4
-
Bài giảng Tài chính Quốc tế: Chương 1 - Nguyễn Thị Hồng Vinh
15 p | 128 | 3
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 6 - Học viện Tài chính
39 p | 19 | 3
-
Bài giảng Tài chính quốc tế: Chương 7 - Học viện Tài chính
44 p | 9 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn