intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam

Chia sẻ: Vân Hi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đối với phát triển kinh tế xanh, bài viết đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam

  1. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” CHÍNH SÁCH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Minh Hằng TS. Tôn Thu Hiền Khoa Thuế và Hải Quan, Học viện Tài chính TÓM TẮT: Hiện nay, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển xanh - bền vững đã và đang hình thành "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển bền vững thì các doanh nghiệp phải hướng tới phát triển kinh tế xanh, sản xuất sản phẩm xanh là một tất yếu. Để phát triển kinh tế xanh, nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ như: chính sách thuế, chi NSNN, lãi suất.... Chính sách thuế nói chung và chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nói riêng có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Chính sách thuế TNDN thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm ô nhiễm môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường... Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng chính sách thuế TNDN ở Việt Nam đối với phát triển kinh tế xanh, bài viết đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế TNDN phát triển kinh tế xanh nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong thời gian tới. TỪ KHÓA: Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; kinh tế xanh ĐẶT VẤN ĐỀ: Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường châu Âu vì đây là giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Kinh tế xanh mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng xuất khẩu thông qua các giải pháp phát triển công nghệ xanh để nâng cao năng 97
  2. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” suất và hiệu quả, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, mở ra các thị trường mới, tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế xanh, giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, các nước xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường. Chính sách thuế nói chung và chính sách thuế TNDN nói riêng có vai trò quan trọng khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh. Hoàn thiện chính sách thuế TNDN theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh là một trong những giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: Kết quả nghiên cứu được công bố trong bài báo này có được từ việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp phân tích định tính: Thông qua đánh giá mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu xuất khẩu sản phẩm xanh theo thông lệ quốc tế hiện nay và chính sách thuế TNDN tác động tới khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, từ đó chỉ ra vai trò của chính sách thuế TNDN có tác động gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: Phương pháp này được sử dụng để so sánh chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam với một số nước trên thế giới có điều kiện tương đồng để có đánh giá về tác động của chính sách thuế TNDN đến hoạt động khuyến khích phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. - Phương pháp phân tích thống kê: Phương pháp này sử dụng số liệu thống kê theo quy luật số lớn để làm rõ vai trò của phát triển kinh tế xanh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU PHÂN TÍCH: 1. Kinh tế xanh và các vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Xuất khẩu Việt Nam Kinh tế xanh được hiểu là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Kinh tế xanh tập trung vào ba trụ cột chính gồm: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, (i) Xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường; (ii) Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới để tạo ra sự gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị xanh với 98
  3. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” môi trường và an toàn với con người. (iii) Xu hướng phát triển dịch vụ xanh với việc ngày càng chú trọng xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Một nền kinh tế xanh phải vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đang là vấn đề được đặt ra. Ðối với Việt Nam, mặc dù việc phát triển kinh tế xanh và bền vững là nội dung quan trọng được quan tâm thúc đẩy triển khai, song do nguồn lực còn tương đối hạn chế và chúng ta còn rất nhiều ưu tiên khác nên việc phát triển kinh tế xanh vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả. Năm 2022, bối cảnh trong nước và thế giới có rất nhiều biến động, bất ổn, khó khăn, song cũng lại là năm Việt Nam thành công trong việc thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. GDP Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, quy mô GDP đạt 409 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 37 thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt mức kỷ lục mới là hơn 732 tỷ USD, thuộc nhóm Top 20 thế giới. Tuy nhiên, từ các tháng đầu năm 2023, tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng lại chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, tức sụt giảm hơn 13 nghìn doanh nghiệp chỉ trong 2 tháng. Quí 1/2023, nhiều ngành hàng ghi nhận mức sụt giảm 30 - 40% lượng đơn hàng. Điều này dẫn tới việc cắt giảm lao động tại các nhà máy, các doanh nghiệp. Những thị trường truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng đang gặp khó, gây ra những tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh nhu cầu sụt giảm, những thị trường này ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững, cả về môi trường, xã hội, kinh tế trong toàn chuỗi cung ứng của sản phẩm. Điều này tạo nên thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, đẩy mạnh liên kết và xuất khẩu xanh là giải pháp bền vững để tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam “xanh hóa” sản xuất thì các cơ quan liên quan cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách, quy định để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin; tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Ðây được xem là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới. 99
  4. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” 2. Chính sách thuế TNDN khuyến khích phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam Để tăng trưởng xanh, chính sách thuế cần thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới nền sản xuất xanh và tái tạo. Thuế TNDN ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp. Thông qua những ưu đãi về thuế TNDN sẽ có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ môi trường bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể: - Thứ nhất, Quy định miễn thuế TNDN đối với một số khoản thu nhập liên quan tới kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Theo Luật Thuế TNDN hiện hành, Doanh nghiệp được miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) lần đầu của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải. Điều kiện để được miễn thuế TNDN đối với khoản thu nhập này là chứng chỉ giảm phát thải (CERs) khi bán hoặc chuyển nhượng phải được cơ quan có thẩm quyền về môi trường xác nhận theo quy định. - Thứ hai, Quy định một số khoản chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường được trừ khi tính thuế TNDN. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý với hướng dẫn cụ thể giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các quy định về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể qua Thông tư số 212/2015/TT-BTC. Thông tư hướng dẫn chính sách thuế TNDN đối với hoạt động bảo vệ môi trường và chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi thuế TNDN. Cụ thể: Doanh nghiệp được trừ chi phí khi tính thuế TNDN các khoản chi phí sau: + Chi phí quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. + Chi phí sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học về bảo vệ môi trường. + Chi phí thực hiện việc cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn. - Thứ ba, Quy định một số ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập liên quan đến bảo vệ môi trường và kinh tế xanh. Thuế TNDN hiện hành quy định các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường và kinh tế xanh 100
  5. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” được ưu đãi thuế TNDN. Hiện nay, Thông tư số 212/2015/TT-BTC quy định 11 lĩnh vực hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường và kinh tế xanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN của dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, bao gồm các hoạt động sau: (1) Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; (2) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung; (3) Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng; (4) Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác; (5) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề; (6) Dịch vụ hỏa táng, điện táng; (7) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; (8) Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; (9) Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; (10) Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác; (11) Sản xuất máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường. Thu nhập từ các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào 11 lĩnh vực hoạt động theo quy định được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi và được miễn, giảm thuế TNDN. Các mức ưu đãi cụ thể như sau: + Ưu đãi về thuế suất: áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm. Trường hợp dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 101
  6. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hóa. + Ưu đãi miễn, giảm thuế: được miễn thuế TNDN trong 04 năm, được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Quy định ưu đãi thuế TNDN đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu hoá thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh những mặt tích cực thì chính sách thuế TNDN với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới sản xuất xanh và tái tạo... còn một số hạn chế: - Thứ nhất, mục tiêu bảo vệ môi trường trong chính sách thuế TNDN hiện hành chỉ là mục tiêu lồng ghép, không phải là mục tiêu chính nên tác dụng bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế xanh còn hạn chế. Các nước trên thế giới thường sử dụng ưu đãi thuế TNDN để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn ở Singapore, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong, các doanh nghiệp có thu nhập từ đầu tư trong ngành công nghiệp tiên phong được giảm thuế TNDN từ 05 đến 10 năm; giảm thuế đối với thu nhập chịu thuế đến 300.000$ (thuế suất thuế TNDN phổ thông 18%); miễn thuế đối với thu nhập chịu thuế tương ứng với số vốn đầu tư mới vào tài sản cố định trong một số ngành sản xuất; khấu hao nhanh đối với một số thiết bị, nhà xưởng. Ở Indonexia, để khuyến khích các ngành công nghiệp tiên phong, chính sách thuế TNDN đã ưu đãi thuế từ 03- 08 năm đối với doanh nghiệp mới thành lập thuộc lĩnh vực ưu tiên; có thể giảm tới 30% thuế suất thuế TNDN trong 06 năm (mỗi năm giảm 5%); giảm thu nhập chịu thuế tới 30% đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên; áp dụng khấu hao gấp 2 lần đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên (Oxfarm, 2016). Như vậy, mặc dù chính sách thuế TNDN hiện hành ở Việt Nam quy định một số ưu đãi thuế để phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường nhưng so với một số nước trên thế giới thì các ưu đãi thuế TNDN hiện hành chưa đủ hấp dẫn để thực sự khuyến khích các doanh nghiệp trong việc nỗ lực phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, chính sách thuế TNDN hiện hành đưa ra các ưu đãi thuế cao nhất hiện nay cho 102
  7. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” 11 nhóm ngành liên quan trực tiếp tới bảo vệ môi trường. Những ngành nghề khác được phép đưa chi phí xử lý về môi trường vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Trên thực tế, các chi phí xây dựng, xử lý hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc để sản xuất sạch thường khá lớn và các doanh nghiệp chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà cố tình bỏ qua những tác hại đối với môi trường, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. Chi phí xử lý môi trường thường phát sinh rất lớn và chỉ được tính trừ chi phí khi tính thuế TNDN theo số thực chi chưa đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư cho xử lý môi trường hoặc thay đổi công nghệ để sản xuất sạch hơn. Do đó, chính sách thuế TNDN cần đưa ra các ưu đãi hấp dẫn hơn khi doanh nghiệp đầu tư cho xử lý môi trường hoặc áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm sản xuất thân thiện với môi trường. - Thứ hai, Các quy định ưu đãi thuế TNDN hiện hành cho hoạt động đầu tư TSCĐ còn đơn giản, chưa có hình thức đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ. Tất cả các ngành kinh tế đều có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại bền vững. Vì vậy, các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ để tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu xanh sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm “xanh” và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, việc doanh nghiệp đầu tư mua sắm TSCĐ thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN thông qua chế độ khấu hao TSCĐ. Mặc dù, quy định khấu hao TSCĐ của Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp khấu hao nhanh (mức khấu hao nhanh bằng 02 lần mức khấu hao theo đường thẳng), tuy nhiên ưu đãi này chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới TSCĐ và công nghệ sản xuất. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới TSCĐ thường áp dụng hình thức trợ cấp đầu tư, hoặc hình thức khấu trừ thuế đối với đầu tư. Chính sách thuế TNDN hiện hành của Việt Nam chưa có quy định ưu đãi này, vì vậy Việt Nam cần cân nhắc áp dụng hình thức ưu đãi trên, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại; vừa tăng thêm ưu đãi thuế TNDN để nâng cao tính cạch tranh của chính sách thuế TNDN trong thu hút đầu tư trong điều kiện áp dụng thuế TNDN tối thiểu toàn cầu. - Thứ ba, Các ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ sản xuất xanh chưa rõ nét. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Phần lớn DNNVV đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Theo khảo sát của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát không nghe đến 103
  8. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh... Năm 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời đã đánh dấu sự cải cách chính sách thuế TNDN mang tính dài hạn cho DNNVV, nhưng cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể là DNNVV được hưởng mức thuế suất thuế TNDN bao nhiêu? Căn cứ để xác định DNNVV hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN là doanh thu chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của doanh nghiệp. Chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế TNDN chưa phù hợp, chưa bao quát hết các đối tượng, lĩnh vực, như: DNNVV khởi nghiệp; nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn (công nghệ cao, khoa học - công nghệ);…Mặc dù, Chính phủ đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế TNDN, song thực tế hiện nay còn có một số thủ tục rườm rà, phức tạp, nhất là đối với DNNVV với bộ máy kế toán còn chưa chuyên nghiệp, mang tính kiêm nhiệm. 3. Giải pháp hoàn thiện chính sách thuế TNDN phát triển kinh tế xanh nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam - Thứ nhất, Hoàn thiện quy định ưu đãi thuế TNDN đối với các doanh nghiệp tiên phong, hoạt động nghiên cứu phát triển hướng tới kinh tế xanh. Việc dành riêng các ưu đãi về thuế cho một số khu vực của nền kinh tế, hoặc cho một số hoạt động kinh doanh nhất định đã trở nên một thông lệ ở hầu hết các nước trên thế giới. Gần đây, các ngành kinh tế tiên phong hoặc các hoạt động nghiên cứu phát triển cũng là đối tượng được hưởng các ưu đãi về thuế, trong đó hoạt động thân thiện môi trường là một trong những hoạt động được ưu đãi thuế TNDN. Ở Việt Nam, để nâng cao vai trò của chính sách thuế TNDN trong việc khuyến khích phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường thì ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp tiên phong, hoạt động nghiên cứu phát triển hướng tới kinh tế xanh cần hoàn thiện theo hướng: (i) Xây dựng các tiêu chí cụ thể xác định các doanh nghiệp tiên phong phát triển kinh tế xanh để áp dụng ưu đãi thuế TNDN. Ở một số quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp “tiên phong” là một trong các nhóm nhận được ưu đãi thuế. Việc cấp ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp tiên phong có thể được thực hiện theo hai cách, đó là cơ chế thụ hưởng tự động và cơ chế xét cấp. Để đủ điều kiện nhận ưu đãi, một dự án đầu tư phải nằm trong một danh mục đã quy định và phải đáp ứng một số tiêu chí đánh giá khách quan (Đây là cơ chế thụ hưởng ưu đãi tự động). Trong điều kiện của Việt Nam, do cơ chế luật pháp chưa thật sự hoàn chỉnh nên việc thiết kế chính sách ưu đãi theo hướng tự động thụ hưởng là hợp lý. Thời gian qua, ở Việt Nam 104
  9. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định đầy đủ các tiêu chí xác định sản phẩm xanh cụ thể cho từng ngành, nghề. Đây là cơ sở quan trọng để có những quy định ưu đãi thuế TNDN hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường. Do đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về sản xuất xanh, sản phẩm xanh đối với từng ngành, nghề... Dựa trên các tiêu chí trên, chính sách thuế TNDN có thể đưa ra các ưu đãi cụ thể hơn, đủ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm xanh. (ii) Cùng với doanh nghiệp tiên phong, cần áp dụng ưu đãi thuế TNDN nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các ưu đãi thuế TNDN cũng cần tập trung vào các ngành kinh tế cấp hai và ba, cụ thể là các ngành: nông nghiệp; sản xuất chế tạo và chế biến trong một số ngành công nghiệp; ngành công nghệ tiên tiến; ngành hạ tầng cơ sở; và môi trường. Những ngành nghề trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong hoàn thiện môi trường kinh tế vi mô- đây là một trong những nhân tố then chốt để cải thiện tính hiệu quả, chất lượng sản phẩm hướng tới sản xuất xanh và thu hút đầu tư. (iii) Áp dụng các khoản giảm trừ chi phí đặc biệt khi tính thuế TNDN đối với một số khoản chi phí liên quan tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, chính sách thuế TNDN hiện hành ở Việt Nam đang áp dụng hình thức ưu đãi thuế suất và ưu đãi miễn, giảm thuế theo mức cao nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực liên quan tới phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mức độ ưu đãi này chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, để khuyến khích và nâng cao ý thức của doanh nghiệp đầu tư cho phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường có thể cho phép doanh nghiệp áp dụng các khoản giảm trừ đặc biệt (tăng gấp 1,5 - 2 lần) một số khoản chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh. Hình thức ưu đãi này đơn giản, thuận lợi cho các nhà quản lý, rõ ràng, minh bạch hơn cho doanh nghiệp. Có thể áp dụng các khoản giảm trừ đặc biệt khi tính thuế TNDN đối với các khoản chi sau đây: + Chi phí liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch: Hoạt động phát triển nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió...là nền tảng cho phát triển kinh tế xanh nên cần được áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo mức cao nhất, đồng thời cho phép các chi phí liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch được tính gấp 2 lần khi tính thuế TNDN. Ưu đãi này sẽ là một 105
  10. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” “phần thưởng”, là động lực để các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch. + Chi phí nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp: Khoa học và công nghệ được coi là nhân tố then chốt để phát triển kinh tế ở tất cả các quốc gia. Chính sách thuế TNDN hiện hành ở Việt Nam cũng có các ưu đãi cho phát triển khoa học và công nghệ như: cho doanh nghiệp tính trừ chi phí nghiên cứu khoa học khi tính thuế TNDN, doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (tối đa 10% thu nhập tính thuế TNDN) trước khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần có những ưu đãi cao hơn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Để phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường thì cần có biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạch, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Vì vậy, có thể cho các doanh nghiệp khấu trừ gấp 1,5- 2 lần các chi phí mà doanh nghiệp chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ khi tính thuế TNDN đối với một số trường hợp cụ thể (chẳng hạn chi nghiên cứu nguyên liệu, sản phẩm mới thân thiện với môi trường...). Để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp và tránh tình trạng thất thu thuế thì cần phải có những quy định một cách rõ ràng và minh bạch thế nào là chi phí nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. + Chi xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường: Ngoài các ưu đãi thuế thuế suất, ưu đãi miễn giảm thuế TNDN theo mức cao nhất áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải thì chính sách thuế TNDN cần có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải, ô nhiễm trong doanh nghiệp bằng cách cho tăng gấp 2 lần chi phí xử lý chất thải khi tính thuế TNDN. Để giải pháp này phát huy được tác dụng như mong muốn thì cần quy định rõ một số vấn đề như: những hoạt động nào là hoạt động xử lý chất thải và gắn với nó là những chi phí nào sẽ được tính trừ. - Thức hai, Áp dụng hình thức ưu đãi trợ cấp đầu tư, khấu trừ thuế đối với đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ phát triển kinh tế xanh và phù hợp với quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Một số hình thức ưu đãi thuế TNDN đang trở thành “kẽ hở” để doanh nghiệp lợi dụng, trốn thuế. Hình thức ưu đãi thuế TNDN hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là ưu đãi miễn, giảm thuế và ưu đãi thuế suất. Đây là hình thức ưu đãi tạo ra nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng gây thất thu NSNN. Các hình thức ưu đãi thuế khác như giảm trừ số thuế TNDN phải nộp, giảm trừ thu nhập chịu thuế TNDN theo đầu tư hiện chưa được áp dụng mặc dù hình thức ưu đãi này có tính minh bạch cao hơn. 106
  11. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” Để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, bên cạnh hình thức khấu hao nhanh Việt Nam cần nghiên cứu và đưa vào áp dụng một số các hình thức ưu đãi đầu tư khác mà các nước thường áp dụng như: trợ cấp đầu tư (qui định tỷ lệ % nhất định của chi phí ban đầu cho đầu tư vào nhà xưởng, thiết bị được giảm trừ vào lợi nhuận chịu thuế ngoài tỷ lệ khấu hao thông thường trên toàn bộ giá vốn của khoản đầu tư đó), hoặc hình thức khấu trừ thuế đối với đầu tư (qui định tỷ lệ chi phí đầu tư được trừ vào nghĩa vụ thuế TNDN). Đối với các hình thức ưu đãi này cần có các điều khoản phòng ngừa để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp lợi dụng như: qui định thời gian tối thiểu sử dụng tài sản được hưởng ưu đãi, nếu thời gian sử dụng thực tế ít hơn thì doanh nghiệp buộc phải hoàn trả phần ưu đãi đã hưởng. - Thứ ba, Áp dụng các ưu đãi thuế nhiều hơn cho DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hướng tới sản xuất xanh. Các chính sách ưu đãi thuế TNDN thời gian qua không phân biệt khu vực kinh tế, tuy nhiên, khi xét đến mức độ tiếp cận ưu đãi thì doanh nghiệp FDI có cơ hội đạt được ưu đãi đầu tư nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Theo thống kê, 77,4% tiền thuế TNDN được ưu đãi là từ doanh nghiệp FDI (Trương Bá Tuấn, 2018). Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là DNNVV, rất khó tiếp cận với các ưu đãi thuế TNDN hiện hành, trong khi các doanh nghiệp này được xác định là động lực để phát triển kinh tế Việt Nam bền vững. Do đó cần có các ưu đãi thuế TNDN rõ rệt hơn cho các DNNVV sản xuất xanh nhằm giải phóng nguồn nội lực phát triển kinh tế Việt Nam. Cụ thể: (i) Có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DNNVV trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học - công nghệ; bảo vệ môi trường; cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV và nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. (ii) Áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi đối với DNNVV, việc này sẽ kích thích đầu tư, tăng GDP, đảm bảo tính cạnh tranh của Việt Nam với khu vực và trên thế giới. (iii) Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế đối với DNNVV. Đồng thời, cần đưa ra những khuyến khích mạnh mẽ đối với việc kê khai thu nhập, khuyến khích việc thực hiện các giao dịch minh bạch, rõ ràng qua ngân hàng; thực hiện tốt sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. (iv) Quy định tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm, quy định về chuyển giao công nghệ như là một trong những điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lớn tạo điều kiện cho các DNNVV trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị sản phẩm tại Việt Nam... 107
  12. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT NHẬP KHẨU TRONG TÌNH HÌNH MỚI” KẾT LUẬN: Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp với bảo vệ môi trường, nền kinh tế phải hướng đến tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và ứng phó tốt đối với biến đổi khí hậu là xu hướng của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam thời gian qua cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh thể hiện thông qua việc xây dựng hệ thống chính sách thuế, trong đó có chính sách thuế TNDN. Tuy nhiên, với áp lực của phát triển kinh tế và tăng trưởng nên mục tiêu phát triển kinh tế xanh thể hiện trong chính sách thuế TNDN của Việt Nam thời gian qua còn chưa đủ mạnh mẽ và chỉ dừng lại ở mục tiêu gián tiếp nên kết quả thực hiện chưa được như mong muốn. Xuất phát từ những tồn tại của việc sử dụng chính thuế TNDN trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh của Chính phủ và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam đến năm 2030, bài viết đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế TNDN nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, chủ yếu là các giải pháp liên quan đến chính sách ưu đãi thuế TNDN nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho bảo vệ môi trường, đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong phát triển kinh tế xanh, hỗ trợ cho các DNNVV ở Việt Nam đổi mới công nghệ phát triển thân thiện với môi trường... DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Thị Minh Hằng, Vương Thu Hiền, Tôn Thu Hiền, Phạm Nữ Mai Anh, (2016), Chính sách thuế với mục tiêu tăng trưởng xanh, Đề tài NCKH cấp Học viện. 2. Oxfarm (2016), Báo cáo nghiên cứu Đánh giá chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam. 3. Phạm Tuyên, Mô hình kinh tế tuần hoàn với phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Tạp chí điện tử lý luận chính trị số 628/GP-BTTTT ngày 24/9/2021. 4. OECD (2011), Tools for Delivering on Green Growth, Prepared for the OECD Meeting of the Council at Ministerial Level, 25- 26 May 2011, Paris. 5. OECD (2009), Green growth: Overcoming the crisis and beyond. 6. OECD (2010), Interim Report of the Green Growth Strategy: Implementing our commitment for a sustainable future, Meeting of the OECD Council at Ministerial Level, Paris, 27 - 28 May 2010. 108
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2