intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

151
lượt xem
25
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Pháp luật cũng như hoạt động lập pháp không có mục đích tự thân mà luôn hướng tới điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ các giá trị xã hội, các chuẩn mực và lợi ích xã hội. mạnh dân chủ và phát huy vai trò xã hội của Nhà nước hiện nay,...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp ở Việt Nam hiện nay

  1. Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp ở Việt Nam hiện nay Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Pháp luật cũng như hoạt động lập pháp không có mục đích tự thân mà luôn hướng tới điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ các giá trị xã hội, các chuẩn mực và lợi ích xã hội. Trên cơ sở đó, pháp luật mới thực sự trở thành công cụ đảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển. Có thể nói, trong giai đoạn hội nhập, với điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh dân chủ và phát huy vai trò xã hội của Nhà nước hiện nay, việc tôn trọng và bảo đảm thích đáng những nhân tố làm nên cơ sở xã hội lại càng trở nên bức thiết, góp phần khiến cho hoạt động lập pháp ngày càng chất lượng hơn, làm cho Quốc hội nước ta ngày càng bảo đảm vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta. 1. Khái niệm cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp Tư tưởng về những nhân tố làm cơ sở xã hội cho hoạt động lập pháp đã hình thành từ rất sớm[1]. Đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm này, nhưng tựu trung có thể thấy rằng, các tư tưởng có liên quan trong lịch sử luôn xoay quanh việc xem xét pháp luật, hoạt động lập pháp trong những điều kiện nhất định của xã hội. Các nhà tư tưởng đều hướng tới sự đòi hỏi hoạt động lập pháp phải dựa trên những nền tảng kinh tế – xã hội nhất định, tuân theo các quy luật xã hội riêng biệt trong những "điều kiện bên ngoài thích hợp". Có thể quan niệm cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp là tổng thể các nhân tố làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của hoạt động lập pháp, thể hiện nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau, bảo
  2. đảm cho hoạt động lập pháp thể hiện được bản chất và thực hiện đúng chức năng của nó. Những nhân tố đó thể hiện nhu cầu của xã hội trong việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội nhất định, nghĩa là, nó giúp xác định những quan hệ xã hội mới nào hiện nay cần sự điều chỉnh của pháp luật, những quan hệ x ã hội nào không còn cần đến sự điều chỉnh của pháp luật nữa, hoặc những quan hệ x ã hội nào cần có sự thay đổi trong điều chỉnh pháp luật. Sự thể hiện n ày còn liên quan tới nhu cầu về mức độ điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội (ở tầm Hiến định, luật định hay dưới luật…, ở mức độ hình sự, dân sự hay hành chính…). Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp còn nói lên được nhu cầu về cách thức điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ xã hội ấy như: ghi nhận (quy định, cho phép, khuyến khích) hoặc ngăn cấm…Dựa trên sự thể hiện đó, mà hoạt động lập pháp xác định được hướng đi cho sự tồn tại, phát triển của mình, thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, bằng việc tạo ra các sản phẩm lập pháp dựa trên sự thể hiện đúng đắn, hợp lý nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội, hoạt động lập pháp tự nó đã thực hiện được chức năng giáo dục ý thức pháp luật đến người dân. Do thể hiện được nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội nhất định, cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp tạo nền tảng để hoạt động lập pháp đi đúng hướng, thể hiện được bản chất của nó. Bản chất của hoạt động lập pháp có hai nội dung lớn, thứ nhất là thể hiện và thực hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị; thứ hai là thể hiện các quy luật xã hội, các lợi ích xã hội[2]. Ở Việt Nam, cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp phải là những nhân tố đóng vai trò quan trọng đối với hoạt đông lập pháp trong quá trình thể hiện nhu cầu từ thực tiễn cuốc sống, nguyện vọng và ý chí của các tầng lớp nhân dân, các lợi ích khác nhau. Các nhân tố cấu thành nên cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp: Nếu căn cứ vào nguồn gốc, bản chất, có thể phân chia thành các nhân tố thuộc cơ sở hạ tầng (như
  3. kinh tế, sinh thái, nhân khẩu học, địa lý học) và các nhân tố thuộc kiến trúc thượng tầng (như chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, tâm lý…). Nếu căn cứ vào cách thức tác động, có thể phân chia thành các nhân tố cơ bản (những nhân tố bên ngoài, làm hình thành nên pháp luật) và các nhân tố bảo đảm (các nhân tố bên trong, nhân tố thủ tục của hoạt động lập pháp)[3]. Mối quan hệ giữa hoạt động lập pháp và cơ sở xã hội của nó: Như đã biết, hoạt động lập pháp là một hoạt động có ý thức của con người, do vậy, trước hết, nó phản ánh và nhằm phục vụ cho lợi ích của con người. Mục đích của pháp luật là nhằm trở thành phương tiện điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhưng nếu trong quá trình làm luật, các quy luật xã hội không được nhận thức đầy đủ, pháp luật sẽ không thể trở thành phương tiện điều chỉnh các quan hệ đó. Đồng thời, hoạt động lập pháp không chỉ có nhiệm vụ làm sáng tỏ các lợi ích, mà còn phải giải quyết kịp thời các mâu thuẫn có thể nảy sinh do xuất hiện nhu cầu khách quan mới. Việc nhận thức lợi ích đúng đắn phải dựa trên sự nhận thức các quy luật phát triển khách quan của xã hội, cộng với việc nhận thức các điều kiện xã hội cụ thể[4]. Cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp càng được tôn trọng, bảo đảm thì sự thể hiện yếu tố lợi ích trong hoạt động lập pháp càng mang tính khách quan, toàn diện và khoa học. Vai trò của từng nhân tố xã hội cụ thể đối với hoạt động lập pháp: - Trong những nhân tố tác động lên hoạt động lập pháp, nhân tố kinh tế giữ vai trò quyết định, chi phối; nhân tố chính trị có vai trò đinh hướng quan trọng; các nhân tố xã hội (như văn hóa – xã hội, địa lý…) khác có tác dụng bảo đảm cho hoạt động xây dựng pháp luật. Các nhân tố cấu thành cơ sở xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và sự tác động của chúng lên hoạt động lập pháp nằm trong mối liên hệ hữu cơ chứ không tách rời, đơn lẻ. Tuy nhiên, mỗi nhân tố vẫn luôn có những ảnh hưởng khác nhau
  4. tới hoạt động lập pháp, có lúc nổi trội và mạnh mẽ hơn, hoặc ngược lại do những điều kiện nhất định đưa lại. - Ở mỗi xã hội khác nhau với các nhân tố làm nên cơ sở xã hội khác nhau, hoạt động lập pháp cũng có những đặc trưng khác nhau. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến, trình độ kinh tế – xã hội còn thấp, pháp luật chỉ phục vụ lợi ích của thiểu số trong xã hội, do đó, nó mang tính tùy tiện, hà khắc, độc đoán, chủ yếu tập trung củng cố quyền lực của giai cấp thống trị. Lĩnh vực luật đ ược ưu tiên vì thế là luật hình sự (để phục vụ cho việc đàn áp, bóc lột). Nhà nước tư sản ra đời đánh dấu một bước ngoặt về hình thái phát triển của xã hội. Cho đến nay, các tư tưởng tiến bộ nhân văn làm tiền đề cho cách mạng tư sản như "chủ quyền nhân dân", khế ước xã hội, quyền tự nhiên, nhân quyền… ngày càng được hoàn thiện và phát triển trong xã hội hiện đại. Ngày nay, lĩnh vực pháp luật dân sự – lĩnh vực luật tư – là lĩnh vực pháp luật chiếm ưu thế và là tiêu chí đánh giá sự tiến bộ về lập pháp của bất cứ quốc gia nào, thể hiện quan điểm mới của xã hội: tôn trọng và đề cao cá nhân, đề cao con người, con người là trung tâm và là mục tiêu, động lực phát triển của xã hội. - Với sự đa dạng của các nhân tố xã hội, mỗi đạo luật lại có một đặc thù riêng về cơ sở xã hội của nó. Mỗi nhân tố (kinh tế, chính trị, văn hóa, x ã hội, tôn giáo…) đóng vai trò nhất định trong quá trình ra đời hay sửa đổi, bổ sung một đạo luật; đồng thời, sự hiện diện của lợi ích trong việc tiến hành hoạt động lập pháp ở mỗi đạo luật cũng lại mang những sắc thái khác nhau. Các nhân tố này tác động lên cả nội dung đạo luật cũng như cách thức xây dựng đạo luật đó. 2. Đặc điểm cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp ở Việt Nam hiện nay Nhân tố kinh tế
  5. Trong quan hệ giữa các nhân tố tác động lên hoạt động lập pháp, nhân tố kinh tế giữ vai trò quyết định, chi phối. Hoạt động lập pháp trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước thì đặc biệt chú ý đến việc củng cố, bảo vệ các quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất nông nghiệp. Ở những nước có nền kinh tế phát triển mạnh về thương nghiệp, hàng hải, hoạt động lập pháp lại đặc biệt chú ý đến các chế định nhằm khuyến khích, phát triển giao lưu, thông thương, mua bán, đặc biệt pháp luật về hợp đồng, hàng hải… Sự tác động của kinh tế lên hoạt động xây dựng pháp luật còn thể hiện ở những mâu thuẫn về lợi ích của các tầng lớp, nhóm người, tổ chức, cá nhân trong xã hội, của từng nhóm ngành, của từng ngành, từng địa phương trong một quốc gia. Khi một đạo luật ra đời, người ta sẽ không thể phê phán hoặc ca ngợi nó và đánh giá trình độ những người làm luật nếu không nhìn thấy được những diễn biến, những mâu thuẫn, lợi ích chi phối đằng sau đó. Một hiện tượng rất phổ biến trong hoạt động lập pháp thời hiện đại – "vận động hành lang" hay hoạt động lobby – thể hiện rất rõ nét mối liên hệ giữa kinh tế với chính trị, pháp luật và hoạt động lập pháp. Vận động hành lang – với cách hiểu là mọi tác động không chính thức (theo thủ tục luật định) – đang là một kênh vô cùng quan trọng, giúp các nhóm lợi ích tác động tới hoạt động lập pháp[5] ở nhiều nước trên thế giới (điển hình là ở Mỹ). Cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn, đặc biệt là sự đổi mới về tư duy kinh tế, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những định hướng quan trọng cho việc xây dựng khung pháp lý ngày càng được đổi mới, tạo thuận lợi cho việc chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận một thực tế đã và đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, đó là sự xuất hiện những nhóm lợi ích "khống chế các nguồn tài nguyên trong một quốc gia"[6].
  6. Những thay đổi này đã khiến cho hoạt động lập pháp ở nước ta có đặc điểm của hoạt động lập pháp của thời kỳ quá độ (nhân tố kế hoạch, quan li êu, bao cấp, manh mún vẫn còn bên cạnh những thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển tiến bộ, hiện đại, hội nhập…). Hiện nay, chúng ta đang có những điều chỉnh tích cực trong hoạt động lập pháp, nhằm bảo đảm ra đời những sản phẩm xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn xã hội. Bên cạnh đó, việc "tạo kênh cho các nhóm lợi ích mặc cả và thỏa thuận với nhau" một cách minh bạch nhất cũng được (và phải được) tính đến một cách nghiêm túc. Nhân tố chính trị Chính trị "theo nghĩa chung nhất đó là quan điểm, thái độ của các giai cấp trong xã hội, phản ánh nhu cầu, địa vị, lợi ích của giai cấp mình trong xã hội và các giai cấp khác cùng tồn tại"[7]. Các lợi ích chính trị (bắt nguồn từ lợi ích kinh tế) luôn là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động lập pháp và được coi là nhân tố có tính định hướng quan trọng. Trong thế giới hiện đại ngày nay, từng động thái trên chính trường đều ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của quốc gia và từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động lập pháp ở nước đó. Ngược lại, hoạt động lập pháp cũng là một công cụ đắc lực để phục vụ lợi ích chính trị, cụ thể là lợi ích của thế lực chính trị nắm quyền. Những diễn biến quyền lực ở Thái Lan từ năm 2007 đến nay (xoay quanh việc soạn thảo và áp dụng Hiến pháp mới phục vụ cho việc bầu thủ tướng và thành lập nội các mới) là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, nền chính trị của chúng ta đ ã đạt được một bước tiến vượt bậc. Mô hình chính trị ở nước ta hiện nay là "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – Nhà nước quản lý
  7. xã hội bằng pháp luật. Đây cũng là một tiền đề hết sức thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng và trình độ lập pháp nước ta. Bản chất Nhà nước Việt Nam là "nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Quyền lợi của nhà nước chính là quyền lợi của số đông nhân dân. Tuy nhiên, mặt khác, cũng cần thấy, Nhà nước là một chủ thể quản lý, do đó, cũng sẽ bị chi phối bởi những nhu cầu và lợi ích trong hoạt động quản lý. Các chủ thể nắm quyền quản lý sẽ không thể tránh khỏi những thôi thúc sử dụng quyền lực phục vụ cho mục đích quản lý của mình. Do đó, đôi khi sẽ có những hiện tượng bề mặt có thể không phù hợp với lợi ích của những đối tượng bị quản lý, lợi ích của nhân dân. Hoạt động lập pháp cũng là một đặc thù trong hoạt động quản lý của Nhà nước (theo nghĩa rộng), do đó, sẽ không nằm ngoài quy luật này. Điều này cũng đồng nghĩa với yêu cầu phải bảo đảm được sự cân nhắc hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của nhân dân, của xã hội với lợi ích của Nhà nước, của người quản lý khi tiến hành hoạt động lập pháp. Nhân tố văn hóa Cũng giống như pháp luật, văn hóa là một hiện tượng thuộc ý thức xã hội, chịu sự quyết định của tồn tại xã hội. Theo C.Mác, "Văn hóa là toàn bộ những thành quả được tạo ra nhờ hoạt động lao động sáng tạo của con người – hoạt động sản xuất vật chất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực của con người"[8]. Ở những nền văn hoá khác nhau, hoạt động lập pháp lại mang dấu ấn riêng có của nền văn hoá đó. Ví dụ: pháp luật phương Đông thời kỳ phong kiến đa phần đều nhằm củng cố, bảo vệ chế độ phụ quyền, gia trưởng, tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, tư tưởng này đã bị khúc xạ bởi những đặc điểm văn hoá – xã hội truyền thống của người Việt. Tiêu biểu là những quy định khá tiến bộ về quyền thừa kế ruộng đất[9], về vấn đề ly hôn[10] ở thời Lê sơ, cụ thể là ở Bộ luật Hồng
  8. Đức (hay còn gọi là Bộ Quốc triều hình luật), thể hiện thái độ nhân bản, sự coi trọng vai trò của người phụ nữ của người Việt. "Văn hóa" còn được mang ý nghĩa là trình độ học vấn, trình độ nhận thức xã hội của mỗi người. Đây là một cách hiểu rất hẹp so với định nghĩa ban đầu, nhưng nó vẫn được chấp nhận và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Trình độ văn hóa, trình độ học vấn và trình độ hiểu biết xã hội là cái phông nền rất lớn hỗ trợ cho nhà lập pháp. Nếu phông nền ấy dày thì hoạt động lập pháp sẽ có được sự bao quát, hiệu quả. Nếu tấm phông ấy mỏng, sai lệch, hổng, thì sẽ dẫn đến những khiếm khuyết, phiến diện và sai lầm trong hoạt động lập pháp. Bên cạnh đó, phông văn hóa còn khiến nhà lập pháp hoạt động lập pháp theo tác phong chuyên nghiệp hay nghiệp dư, có trách nhiệm hay không và trách nhiệm đến mức độ nào… Văn hóa còn có thể hiểu là cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội (như văn hóa ẩm thực, văn hóa công sở, văn hóa hành pháp…). Theo cách này, người ta sẽ thấy đó là vấn đề liên quan đến cả tâm lý, lối sống, cách ứng xử đối với pháp luật từ trong truyền thống đến hiện đại. Có thể thấy ngay từ rất sớm, người phương Tây đã có ý niệm coi pháp luật là một khái niệm gần với công lý, công bằng hoặc là một công cụ để bảo vệ công lý. Do đó, ý thức pháp luật và cách thức hành xử trong hoạt động lập pháp của người phương Tây đã có những nhân tố "thượng tôn pháp luật" từ lâu đời. Trong khi đó, đối với người Việt, đặc trưng văn hóa của họ là "văn hóa làng xã", là quan niệm "phép vua thua lệ làng", truyền thống "trọng tình" (do đó, đôi khi lấn át cả "lý"). Từ những đặc trưng này dẫn đến ý thức pháp luật của người dân chưa cao (chưa có thói quen tuân thủ pháp luật, coi pháp luật là của Nhà nước, là cái đối lập với mình[11]), và cách thức lập pháp của người Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên nghiệp (đôi khi manh mún, tình thế, bởi ngoài "phép vua" còn có "lệ làng" và những quy phạm xã hội khác điều chỉnh). Do đó, pháp
  9. luật nhiều lúc còn chưa nghiêm minh, chưa đạt được ý nghĩa điều chỉnh xã hội thực sự của nó. Điểm đáng lưu tâm nữa là một tâm lý đã ăn sâu vào tư duy và lối sống của người Việt: sự quá đề cao tính cộng đồng, hạ thấp tính cá nhân – một quan niệm chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng Nho giáo, khiến cho ý thức về cái tôi cá nhân bị xem nhẹ đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát huy vai trò phản biện của người dân. Người dân vẫn còn ít điều kiện và cũng chưa ý thức được đúng mức quyền thể hiện ý kiến, quan điểm của mình đối với việc xây dựng chính sách pháp luật và hoạt động lập pháp của nước nhà. Các cơ chế liên quan đến lấy ý kiến nhân dân, trưng cầu dân ý, các kênh thông tin phản ánh dư luận xã hội, để từ đó hình thành nên một cơ chế tiếp thu phản biện xã hội ở nước ta vẫn chưa thực sự phát huy có hiệu quả. Nhân tố xã hội "Xã hội" trong khái niệm "nhân tố xã hội" được hiểu theo nghĩa hẹp. Tuy vậy, đây vẫn là một khái niệm có nội hàm vô cùng phong phú, mà có lúc, bao hàm cả các vấn đề về văn hóa, đạo đức, tâm lý, dư luận, tín ngưỡng… Ở đây, chúng tôi chủ yếu muốn đề cập tới hai vấn đề: cơ cấu xã hội và giá trị, mục tiêu xã hội. Cơ cấu xã hội thể hiện ở thành phần các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, già – trẻ, nam – nữ, giàu nghèo… trong xã hội. Sự ảnh hưởng của cơ cấu xã hội lên hoạt động lập pháp chính là sự thể hiện của các nhóm lợi ích khác nhau lên hoạt động này. Cơ cấu xã hội ảnh hưởng trực tiếp lên nội dung pháp luật của nước đó, bao gồm các ưu tiên về giai cấp, chính sách dân tộc, tôn giáo… Một quốc gia với dân số đa số theo tôn giáo nào đương nhiên sẽ phải ưu tiên những chính sách pháp luật phản ánh lợi ích, niềm tin của tôn giáo ấy… Những vấn đề phát sinh li ên quan đến xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoặc thậm chí bất cân xứng về giàu nghèo, hoặc sự phát
  10. triển dân số cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách và nội dung của hoạt động lập pháp… Ở nước ta, cơ cấu xã hội cơ bản được phản ánh trong Điều 2 Hiến pháp năm 1992: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức". Tuy chúng ta có một cơ cấu xã hội khá thuần nhất (không có giai cấp đối kháng…), nhưng trong cơ chế thị trường như hiện nay, đang xuất hiện ngày càng nhiều thành phần, lực lượng khác nhau, với những lợi ích khá đối lập, tiêu biểu là sự nổi lên của tầng lớp doanh nhân với vai trò và tiếng nói ngày càng đáng kể trong xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những chênh lệch ngày càng rõ rệt giữa các vùng đồng bằng – miền núi, vùng sâu, vùng xa, giữa thành thị – nông thôn, giới chủ – người làm thuê, người giàu – người nghèo, giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số. Ngay trong một nhóm người, hay một nhóm ngành nghề, vẫn có những xung đột, cạnh tranh về lợi ích. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoạch định chính sách, đặc biệt là các chính sách xã hội, tới hoạt động lập pháp ở nước ta. Sự phát triển các mục tiêu, giá trị xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động lập pháp. Ở đây, chúng ta thấy nổi bật lên ý nghĩa về vai trò, chức năng xã hội của nhà nước. Các giá trị xã hội ngày nay mà nhân loại hướng tới chính là các vấn đề dân chủ và công bằng xã hội, vấn đề quyền con người và quyền công dân, những quan hệ xã hội lành mạnh và những giá trị xã hội khác nhằm mục tiêu phục vụ con người… Những giá trị xã hội này sẽ chỉ đạt được khi nhà nước có những chính sách xã hội hiệu quả và thiết thực. Pháp luật không chỉ là một biểu hiện quan trọng mà còn là một phương tiện quan trọng trong số những "phương hướng và biện pháp" nhằm thực hiện các mục tiêu, giá trị xã hội.
  11. Những giá trị xã hội đạt được cùng với nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – bắt đầu được đặt ra từ Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam – ở Việt Nam trong những năm qua thực sự là những tiền đề hết sức thuận lợi cho việc xây dựng một nền lập pháp, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách x ã hội, vững mạnh, hiện đại và vì con người ở nước ta. Các nhân tố khác Ngoài những nhân tố cơ bản trên, còn rất nhiều nhân tố khác có ảnh hưởng tới hoạt động lập pháp như nhân tố đạo đức, sinh thái, nhân khẩu học, quan hệ quốc tế… Hiện nay ở nước ta, nhân tố quan hệ quốc tế là một trong những nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động lập pháp. Chính sách mở cửa, quan điểm "muốn l àm bạn với tất cả các nước" thực sự đã là chiếc chìa khóa giúp Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập. Các sự kiện như: Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN năm 1995, bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 2006, và tiếp đó, gia nhập WTO đầu năm 2007… đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như hoạt động lập pháp ở nước ta. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết bằng số lượng của cả 50 năm trước[12]. Việc ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ là một minh chứng tiêu biểu cho sự tác động của quá trình hội nhập đối với hoạt động lập pháp. Những đòi hỏi và ràng buộc của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có những đòi hỏi khắt khe về tính minh bạch, rõ ràng của các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cụ thể, minh bạch, thống nhất và đồng bộ ở Việt Nam. ***
  12. Việc bảo đảm tốt cơ sở xã hội sẽ là điều kiện cần thiết để hoạt động lập pháp (cũng như hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng chủ trương, chính sách nói chung) có hiệu quả và chất lượng. Hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng luật thì được ban hành nhiều, nhưng cuộc sống vẫn thiếu luật; đâu đó, người ta vẫn ứng xử với nhau theo "luật rừng"; hoặc tình trạng một số quyết định của chính quyền ban hành nhưng do không có điều tra xã hội, không lấy ý kiến nhân dân, lại tác động (gây khó khăn) lớn đến đời sống của đông đảo nhân dân lao động, mâu thuẫn với nhiều quy định khác của pháp luật hiện hành, nên đã không được nhân dân ủng hộ. Những thực tế này cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, ví dụ như: Chúng ta đã có hệ thống, cơ chế nào để bảo đảm cơ sở xã hội của hoạt động lập pháp? Hiệu quả đến đâu? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả của cơ chế này? Chú thích: [1] Các nhà tư tưởng tiêu biểu trước chủ nghĩa Mác – Lênin như: Hêrôđốt (484 – 425 TCN), Arixtốt (384 – 322 TCN), Giăng Boden (1530 – 1596), C.L. Montesquieu … [2] Vấn đề này sẽ được phân tích kỹ ở phần 2.1.1.1 – PTH. [3] Đại học Huế (2004). PGS, TS. Võ Khánh Vinh chủ biên. Giáo trình Xây dựng pháp luật. NXB CAND. HN, tr.41. [4] Xem Võ Khánh Vinh (2003). Lợi ích xã hội và pháp luật. NXB CAND. HN. [5] Xem Nguyễn Chí Dũng (2006), "Vận động hành lang trong hoạt động lập pháp các nước và xu hướng ở Việt Nam", Nghiên cứu Lập pháp, (số 9/2006); Nguyễn Quốc Văn (2006), "Các nhóm lợi ích và vận động hành lang trong nền chính trị Mỹ", Nghiên cứu Lập pháp, (số 1/2006).
  13. [6] Phạm Duy Nghĩa (2006), "Nguy cơ của chúng ta: Một Nhà nước thiếu năng lực phản ứng", Nghiên cứu Lập pháp, (số 5/2006). [7] Đào Trí Úc (2005). Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. NXB CTQG. HN, tr.193. [8] Dẫn theo Đặng Hữu Toàn. Quan niệm của C.Mác về văn hóa và vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa. http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&News_ID=17536614 [9] Insun Yu (1994), Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII. NXB KHXH. HN, tr.35, 93. [10] TS. Lê Thị Sơn (cb) (2004), Quốc triều hình luật – Lịch sử hình thành – nội dung và giá trị. NXB KHXH. HN, tr.425 [11] Xem Đào Trí Úc chủ biên (1995). Xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật (Đề tài KX-07-17). HN, tr. 116 – 131. Bùi Ngọc Sơn (2006), Những góc nhìn lập pháp. NXB CTQG. HN. [12] Văn phòng Quốc hội (2004), Trần Ngọc Đường chủ biên. Đổi mới và hoàn thiện quy trình lập pháp của Quốc hội. NXB CTQG. HN, tr.144
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2