intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kiểm toán hoạt động và việc đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

4
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Kiểm toán hoạt động và việc đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam" nhằm mục đích khái quát về sự tiến hóa của kiểm toán hoạt động trên toàn cầu, các bộ phận cấu thành của kiểm toán hoạt động và thực trạng về kiểm toán hoạt động, cũng như thực trạng trong việc đào tạo kiểm toán hoạt động ở các trường đại học có ngành hay chuyên ngành kiểm toán tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo loại hình kiểm toán này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kiểm toán hoạt động và việc đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG VÀ VIỆC ĐÀO TẠO CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM PERFORMANCE AUDITING AND TRAINING OF UNIVERSITIES IN VIETNAM Đoàn Văn Hoạt Trường Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT So với kiểm toán báo cáo tài chính thì kiểm toán hoạt động ra đời muộn hơn và có thể hình thành vào đầu những năm 1970 của thế kỷ thứ 20 trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Việc hình thành và phát triển loại kiểm toán này ngày càng chứng tỏ được nhiều lợi ích của nó, đặc biệt là trong khu vực công nên nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm. Đối với Việt Nam, kiểm toán hoạt động mới chính thức biết đến và bắt đầu được chú trọng trong những năm gần đây trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Bài viết này nhằm mục đích khái quát về sự tiến hóa của kiểm toán hoạt động trên toàn cầu, các bộ phận cấu thành của kiểm toán hoạt động và thực trạng về kiểm toán hoạt động, cũng như thực trạng trong việc đào tạo kiểm toán hoạt động ở các trường đại học có ngành hay chuyên ngành kiểm toán tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo loại hình kiểm toán này. Từ khóa: Kiểm toán hoạt động, ngành kiểm toán, chuyên ngành kiểm toán ABSTRACT Compared with the financial audit, the performance audit formed later and may form in the early 1970s of the 20th century in the government audit. The formation and development of this audit is increasingly proving its benefits, especially in the public sector, so many countries around the world are increasingly interested. For Vietnam, performance audit is officially known and has started to be focused in recent years in the government audit. This article aims to provide an overview of the evolution of performance audit globally, the components of performance audit and the current state of performance audit, as well as the reality of universities in Vietnam that have auditing training, from which to suggest some solutions to improve and enhance the quality of training of this type of audit training. Keywords: Performance Auditing, audit discipline, audit major 1. Giới thiệu Từ khi ra đời đến nay, kiểm toán hoạt động đã được các nhà nghiên cứu và các tổ chức nhìn nhận nó trên nhiều góc độ khác nhau. Theo Craik (1979), các cuộc kiểm toán hoạt động xem xét các câu hỏi về tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hữu hiệu về chi phí/quản lý hành chính của các hoạt động mà nhà quản lý chịu trách nhiệm. Còn theo Wanna và cộng sự (2001), các cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến việc đánh giá việc quản lý và kết quả vận hành của các bộ và cơ quan trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính, nhân viên và các nguồn lực khác; các hệ thống thông tin của chúng; giám sát các kế hoạch; và các thủ tục mà các cơ quan phải tuân theo để khắc phục 1465
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 những khiếm khuyết về quản trị hành chính đã được xác định. Tuy nhiên, hiện nay có lẻ quan điểm về kiểm toán hoạt động được chấp nhận phổ biến là theo định nghĩa của INTOSAI15 (2013) như sau: “Được thực hiện bởi các SAI, kiểm toán hoạt động là việc kiểm tra độc lập, khách quan và đáng tin cậy về việc liệu các chủ trương, các hệ thống, các sự vận hành, các chương trình, các hoạt động hoặc các tổ chức của chính phủ có vận hành theo các nguyên tắc về tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hữu hiệu và liệu rằng có còn chỗ nào cho việc cải tiến hay không.” Nhu cầu về kiểm toán hoạt động ở các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng. Theo Cutt (1988), việc tiến hành của các cuộc kiểm toán hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế của kiểm toán tài chính, theo Glynn (1985); Henley (1989); cho rằng kiểm toán hoạt động nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ, và cũng theo Henley (1989) và Innes (1990), nhìn nhận kiểm toán hoạt động nhằm cải thiện kết quả hoạt động của các cơ quan chính phủ. Theo xu thế tất yếu, kiểm toán hoạt động đã du nhập vào Việt Nam và ngày càng được quan tâm cho cả khu vực công và khu vực tư, nhưng đặc biệt nhất là trong khu vực công. Tuy nhiên, loại hình kiểm toán này vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra cần phải giải quyết. Các trường đại học tại Việt Nam có ngành hay chuyên ngành đào tạo kiểm toán cũng đã thiết kế môn học kiểm toán hoạt động vào trong chương trình đào tạo của mình. Bài viết này nhằm tìm hiểu là loại hình kiểm toán hoạt động đã và đang được đào tạo trong các trường đại học có ngành hay chuyên ngành kiểm toán như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả đã tìm hiểu và trình bày bài viết thành ba phần chính: Đầu tiên là khái quát về kiểm toán hoạt động trên hai phương diện là sự tiến hóa của kiểm toán hoạt động trên toàn cầu và các bộ phận cấu thành của kiểm toán hoạt động theo xu thế phát triển của nó. Tiếp theo, tác giả tìm hiểu sự hình thành và phát triển của kiểm toán hoạt động tại Việt Nam. Cuối cùng là tìm hiểu và đánh giá thực trạng của việc đào tạo kiểm toán hoạt động tại các trường đại học thông qua việc khảo sát các trường có ngành hay chuyên ngành đào tạo kiểm toán, việc thiết kế môn học kiểm toán trong chương trình đào tạo của các trường như thế nào và một vài vấn đề khác có liên quan đến môn học kiểm toán hoạt động. 2. Tổng quan về loại hình kiểm toán hoạt động 2.1. Khái quát về sự tiến hóa của kiểm toán hoạt động trên toàn cầu Mặc dù vẫn còn có sự tranh cải nhưng mọi người đều thừa nhận loại hình kiểm toán hoạt động ngày nay xuất phát từ Hoa Kỳ trong khu vực công và sau đó lan tỏa ra các quốc gia khác trên thế giới. Loại hình kiểm toán này về tiếng Anh tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Operational Auditing, Value – for – Money Auditing, Performance Auditing, Management Auditing, Comprehensive Auditing... Có thể nói kiểm toán hoạt động là sự mở rộng từ phạm vi của kiểm toán tài chính. Theo truyền thống, kiểm toán tài chính chỉ quan tâm đến việc kiểm soát tài chính và tính xác thực của các tài khoản kế toán. Trong khu vực công, các kiểm toán viên còn phải quan tâm đến tính đều đặn của các khoản chi tiêu và sự tuân thủ với các quy tắc và quy định. Họ cũng đã báo cáo về tình trạng rò rỉ trong việc thu ngân sách và lãng phí các nguồn công quỹ. Vai trò này vẫn ở dạng thô sơ trong nhiều thế kỷ. Các kiểm toán viên nhà nước đã không phản ứng với những diễn biến đang diễn ra trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán trong khu vực tư. Có thể đây là tình trạng tự mãn của họ. Nhưng vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước mọi người đã nhận thấy sự bắt đầu của thời kỳ 15 The International Organization of Supreme Audit Institutions 1466
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 dậy sóng và thay đổi trong vai trò của các kiểm toán viên nhà nước. Các nhà lãnh đạo chính trị đã bắt đầu đòi hỏi một sự đảm bảo từ các kiểm toán viên về giá trị đồng tiền (value for money) được nhận về từ các khoản chi tiêu từ các nguồn công quỹ. Từ đây các kiểm toán viên nhà nước đã mường tượng rằng nó là dạng kiểm toán theo giá trị đồng tiền (value for money audit). Có thể nói những năm đầu tiên là thời kỳ khá khó khăn đối với các kiểm toán viên. Những cơ sở về mặt lý thuyết còn rất mỏng. Bản thân nghề nghiệp kiểm toán cũng không chắc rằng dạng kiểm toán này thuộc về chức năng và vai trò của mình. Các đơn vị được kiểm toán đã hoài nghi về khả năng của các kiểm toán viên trong việc kiểm toán kết quả hoạt động của họ. Các thủ tục kiểm toán truyền thống đã không giúp ích được gì và các thủ tục kiểm toán mới vẫn chưa ra đời. Không có sự thống nhất về phạm vi, phương pháp tiếp cận, tiêu chuẩn đánh giá và hình thức báo cáo của loại hình kiểm toán mới này. Nhưng ý tưởng về kiểm toán hoạt động sau đó đã được lan tỏa như một ngọn lữa hoang dã khi nhiều quốc gia trên thế giới nổi lên phong trào quản trị công mới (New Public Management - NPM) trong khu vực công. Các kiểm toán viên nhà nước, những người đã không đổi mới trong phạm vi, phương pháp tiếp cận và các thủ tục kiểm toán trong nhiều thế kỷ, thấy mình cần phải vật lộn với những thách thức to lớn này. Điều này dẫn đến là họ đã bỏ xa các kiểm toán viên khu vực tư trong lĩnh vực này. Các kiểm toán viên nhà nước đã nhận thức rằng họ cần thoát khỏi cái kén của mình và đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Biểu hiện đầu tiên như vậy đã đến vào năm 1977 khi tiến hành Đại hội lần thứ IX của Tổ chức quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) tại Peru, mà trong Tuyên bố Lima của mình đã gây sự chú ý đến kiểm toán hoạt động mặc dù lúc đó chỉ có một số quốc gia tham gia vào hoạt động này. Trong Mục 4 (2) của Tuyên bố Lima có nêu: “Ngoài loại kiểm toán vẫn giữ được tầm quan trọng của nó, còn có một loại kiểm toán khác cũng không kém phần quan trọng – kiểm toán hoạt động – nhằm hướng tới việc kiểm tra kết quả hoạt động, tính kinh kế, tính hiệu quả và tính hữu hiệu của quản lý hành chính công. Kiểm toán hoạt động không chỉ bao gồm các hoạt động tài chính cụ thể mà còn bao gồm toàn bộ các hoạt động của chính phủ gồm cả hệ thống tổ chức và quản lý hành chính” Sau đó, một số quốc gia đã sửa đổi luật kiểm toán của họ để mở rộng phạm vi kiểm toán bao gồm kiểm tra giá trị của đồng tiền của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI16). Một vài quốc gia đang phát triển cũng làm theo như Hàn quốc, Malaysia, Philippines, Sri Lanka... Một số quốc gia khác, nổi bật như Ấn Độ, Pakistan và Vương quốc Anh đã bắt đầu kiểm toán hoạt động mà không có sự thay đổi chính thức trong luật của quốc gia họ (chẳng hạn Vương quốc Anh sau đó mới sửa đổi luật vào năm 1984). Tóm lại, kiểm toán hoạt động đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp và các kiểm toán viên nhà nước hầu như ở khắp mọi nơi trong vòng 20 năm ngắn ngủi. Trong suốt bốn thập niên qua, hầu như không có bất kỳ cuộc hội thảo quốc tế nào về kiểm toán nhà nước mà không có sự thảo luận về kiểm toán hoạt động. Bốn thập niên này đã chứng kiến hoạt động trí tuệ to lớn trong việc phát triển phương pháp luận để nghiên cứu trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động. Những năm đầu đầy bấp bênh giờ đã qua. Dần dần, sự đồng thuận ngày càng cao trong các lĩnh vực về phạm vi, phương pháp tiếp cận, phương pháp luận, hình thức báo cáo và vai trò của các kiểm toán viên nhà nước. Các chuẩn mực kiểm toán hoạt động của INTOSAI và của các quốc gia trên thế giới đã được ban hành. Các SAI 16 Supreme Audit Institutions 1467
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 của các nước trên thế giới đã thực hiện nghiên cứu về phương pháp luận của nhiều khía cạnh khác nhau của kiểm toán hoạt động. Mặc dù, địa hình của kiểm toán hoạt động vẫn còn gồ ghề, sự khó khăn trong những ngày đầu, khi các kiểm toán viên hoạt động gần như nhảy ra từ bóng tối, đã qua. 2.2. Các bộ phận cấu thành của kiểm toán hoạt động Mục đích chính của một cuộc kiểm toán hoạt động là để thúc đẩy có tính xây dựng về việc quản trị có tính kinh tế (Economy), tính hiệu quả (Efficiency) và tính hữu hiệu (Effectiveness) và góp phần vào trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Kiểm toán hoạt động tìm kiếm và cung cấp thông tin mới, phân tích, hoặc sâu xa hơn, nếu thích hợp, đưa ra các kiến nghị cho việc cải tiến (ISSAI 300/12, ISSAI 3000/18). Bằng việc cung cấp những hiểu biết sâu sắc mới, tạo ra các thông tin dễ dàng tiếp cận hơn cho các đối tượng có quan tâm, cung cấp các quan điểm hoặc kết luận độc lập và có thẩm quyền dựa trên các bằng chứng kiểm toán, và cung cấp các kiến nghị dựa trên việc phân tích các phát hiện kiểm toán, các cuộc kiểm toán hoạt động cung cấp các thông tin, kiến thức và giá trị mới (ISSAI 300/10). Mặc dù vẫn còn có đôi chút có nhận thức khác nhau về ba chữ E của các nhà nghiên cứu, nhưng từ khi hình thành cho đến nay loại hình kiểm toán hoạt động được xây dựng dựa trên ba chữ E này và đó là trọng tâm của loại kiểm toán này. Chúng cũng là đặc điểm để phân biệt giữa kiểm toán hoạt động với các loại hình kiểm toán khác. Trước tiên là đề cập đến ba chữ E truyền thống và sau đó là nói về việc mở rộng ba chữ E này. - Tính kinh tế Tính kinh tế có nghĩa là giảm thiểu chi phí của các nguồn lực. Các nguồn lực được sử dụng phải có sẵn đúng hạn, với số lượng và chất lượng thích hợp và có giá cả tốt nhất. Như vậy, kiểm toán tính kinh tế tập trung vào việc liệu đơn vị được kiểm toán có thành công trong việc tối thiểu hóa chi phí cho nguồn lực (đầu vào), có tính đến chất lượng phù hợp của các nguồn lực này. Về phương diện này cuộc kiểm toán chỉ tập trung đầu vào (inputs) bằng câu hỏi: “Các nguồn lực được sử dụng có kịp thời, với số lượng và chất lượng thích hợp và ở mức giá tốt nhất không?" (GUID 3910/38). - Tính hiệu quả Tính hiệu quả có nghĩa là tận dụng tối đa từ các nguồn lực sẵn có. Nó liên quan đến mối quan hệ giữa đầu vào được sử dụng và đầu ra (sản phẩm, dịch vụ) hoặc các kết quả (outcomes). Như vậy, kiểm toán tính hiệu quả là việc xem xét và đánh giá là liệu rằng đầu vào đã được sử dụng tối ưu hoặc thỏa đáng hay chưa hoặc liệu rằng các đầu ra giống nhau hoặc tương tự (về số lượng, chất lượng) có thể đạt được với các nguồn lực ít hơn hay không. Nói cách khác “Chúng ta có đang nhận được nhiều đầu ra nhất – về số lượng và chất lượng – từ đầu vào của mình hay không?” (GUID 3910/39). - Tính hữu hiệu Tính hữu hiệu liên quan đến việc đáp ứng các mục tiêu đề ra và đạt được kết quả dự kiến. Như vậy, kiểm toán tính hữu hiệu là đánh giá về mức độ mà các mục tiêu của chính sách có được đáp ứng hay không. Câu hỏi về kiểm toán tính hữu hiệu bao gồm hai phần: thứ nhất, các mục tiêu có được đáp ứng hay không? và thứ hai, liệu điều này có thể được cho là kết quả của chính sách được theo đuổi hay không? (GUID 3910/42). Theo thời gian tiến hóa, ba chữ E ban đầu này đã dần dần được yêu cầu mở rộng thành 4, 5, 6 và có thể là 7 chữ E trong tương lai sau này. 1468
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 - Tính công bằng (Equity) Đây là chữ E thứ 4. Chữ E này đề cập đến sự công bằng và không thiên vị trong việc sử dụng các nguồn công quỹ. Còn theo Sheldon (1996), tính công bằng là tự xem xét chính sách, chẳng hạn như việc phân phối hàng hóa và dịch vụ giữa các công dân, các tiểu bang và các quốc gia trên toàn cầu. - Môi trường (Environment) Đây là chữ E thứ 5. Chữ E này đề cập đến sự phát triển bền vững, có nghĩa là đáp ứng được các nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không nguy hại đến các thế hệ trong tương lai. Tích hợp việc cân nhắc về môi trường vào các hoạt động của các tổ chức đang diễn ra có nghĩa là duy trì các yếu tố và thực tiễn góp phần vào chất lượng của môi trường trên cơ sở lâu dài. - Đạo đức (Ethics) Đây là chữ E thứ 6. Chữ E này đề cập đến các phẩm chất của sự trung thực và liêm chính trong hành vi cá nhân và tận tâm với trách nhiệm với tư cách là người quản lý các nguồn công quỹ. - Phúc lợi kinh tế (Economic Welfare) Theo tài liệu của công ty KPMG17 tại Nam Phi vào năm 2013 đã bổ sung thêm chữ E thứ 7. Chữ E này cho rằng khi tất cả các dự án của chính phủ được thực hiện tốt trong mối liên hệ với 6 chữ E ở trên thì sẽ có một sự cải thiện về phúc lợi kinh tế của mọi người trong xã hội khi nó mang lại sự hạnh phúc và sự hài lòng cho mọi người. 3. Kiểm toán hoạt động tại Việt Nam Ở Việt Nam, khái niệm kiểm toán hoạt động chỉ được biết đến vào đầu những năm 90 của thế kỷ thứ 20 thông qua những tài liệu hoặc sách vở trình bày về kiểm toán báo cáo tài chính, do các kiểm toán viên độc lập thực hiện, khi hoạt động kiểm toán du nhập trở lại Việt Nam sau năm 1975. Những hiểu biết ban đầu về loại hình kiểm toán này có thể nói là rất hạn hẹp chỉ trong phạm vi của một vài khái niệm hay định nghĩa về kiểm toán hoạt động. Theo trào lưu chung của thế giới, kiểm toán hoạt động bắt buộc phải được vận dụng và phát triển tại Việt Nam vì đã khẳng định về những lợi ích của nó. Sự tiến hóa của kiểm toán hoạt động có thể được xem xét trên ba phương diện như sau: - Kiểm toán nhà nước Có thể trước khi chính thức xác nhận sự có mặt của nó thì trong các cuộc kiểm toán về tài chính và ngân sách nhà nước cũng đã có dáng dấp của loại hình kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, nó thực sự chính thức ra đời và trở thành chức năng của Kiểm toán nhà nước là từ khi có Luật Kiểm toán nhà nước ra đời vào ngày 14/06/2005 theo luật số 37/2005/QH11 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong đạo luật này ở Điều 4, Chương 1 có nêu: “Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.” Và trong Điều 14, Chương 2 có nêu: “Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.” 17 https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/pdf/2016/05/Performance-Auditing.pdf 1469
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Tuy nhiên, đến năm 2015 Luật Kiểm toán nhà nước đã được sửa đổi và ban hành lại vào ngày 24/06/2015 theo luật số 81/2015/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong luật sửa đổi lần này, kiểm toán hoạt động trở thành một trong những nội dung của kiểm toán nhà nước và được định nghĩa trong Điều 32, Chương 4 như sau: “Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.” Nhằm thực hiện chiến lược phát triển của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 vào ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã thành lập thí điểm phòng kiểm toán hoạt động tại một số chuyên ngành, khu vực, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động nhằm tăng cường chức năng tư vấn của Kiểm toán nhà nước. Chẳng hạn, ngày 25/03/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-KTNN về việc thành Phòng kiểm toán hoạt động thuộc Kiểm toán nhà nước khu vực 1. Nhằm đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa và đồng thời có cơ sở cho việc đánh giá kết quả của các hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán hoạt động nói riêng, vào ngày 15/07/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước mới gồm 39 chuẩn mực, trong đó có 2 chuẩn mực riêng biệt về kiểm toán hoạt động ở hai cấp độ khác nhau gồm: CMKTNN 300 “Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động” và CMKTNN 3000 “Hướng dẫn kiểm toán hoạt động”. Các cuộc kiểm toán hoạt động cũng đã được triển khai trong Kiểm toán nhà nước bên cạnh các cuộc kiểm toán truyền thống. Tuy nhiên, số lượng các cuộc kiểm toán vẫn còn ít và chưa đa dạng về chủ đề kiểm toán. Chẳng hạn như việc kiểm toán hoạt động đối với một cấp ngân sách đến hết năm 2016, Kiểm toán nhà nước mới thực hiện 08 cuộc kiểm toán hoạt động ngân sách cấp huyện. Trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, ngoài mục tiêu là đánh giá tính tuân thủ, chấp hành quy định luật pháp, chính sách, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính những sai sót về số liệu tài chính, kế toán, Kiểm toán nhà nước đặt ra mục tiêu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và sự hữu hiệu trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước của các đơn vị, trong các hoạt động đầu tư công, các chương trình, dự án dùng nguồn lực ngân sách...18 Tiếp theo là nhằm tạo điều kiện thuận lợi của đội ngũ kiểm toán viên nhà nước khi tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động, vào ngày 20/06/2017, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy trình kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Trong toàn bộ quy trình này đã có những quy định và hướng dẫn cụ thể về việc chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Gần đây nhất là Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14, ban hành vào ngày 16/09/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chiến lược phát triển của Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), trong đó có nêu: “Phấn đấu giai đoạn 2026- 2030 kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các 18 https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ve-day-manh-trien-khai-kiem-toan-hoat-dong-tai-viet-nam- 128801.html 1470
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 cuộc kiểm toán hằng năm...”. Qua những vấn đề trình bày ở trên, có thể thấy kiểm toán hoạt ngày càng được chú trọng và mở rộng trong Kiểm toán nhà nước Việt Nam. - Kiểm toán độc lập Mặc dù ra đời sớm nhất so với các loại kiểm toán hiện có tại Việt Nam bằng việc ra đời công ty kiểm toán VACO vào tháng 5 năm 1991, nhưng loại hình kiểm toán hoạt động mới được chính thức trở thành một trong những dịch vụ mà các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp cho các khách hàng khi có nhu cầu, đó là khi Luật Kiểm toán độc lập ra đời vào ngày 29/03/2011 theo luật số: 67/2011/QH12. Trong Điều 5, khoản 11 của luật này có nêu: “Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ đơn vị được kiểm toán.” Dù đây là dịch vụ mà các công ty kiểm toán độc lập được quyền cung cấp cho các khách hàng, nhưng hình như loại dịch vụ này lại không thấy cung cấp cho bất kỳ khách hàng nào vì có thể nó chưa được các tổ chức hay các doanh nghiệp hiểu biết và có nhu cầu. Hơn nữa kiến thức của đội ngũ kiểm toán viên độc lập được đào tạo từ các trường đại học trên cả nước chủ yếu là về lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính nên khó có khả năng đáp ứng được dịch vụ khi các khách hàng có nhu cầu. Tóm lại, gần như kiểm toán hoạt động không thực sự phát triển trong loại hình kiểm toán độc lập tại Việt Nam. - Kiểm toán nội bộ Tại Việt Nam, khái niệm về kiểm toán nội bộ vẫn còn mờ nhạt, điều này một phần do hệ thống quản lý vẫn còn chưa đồng bộ, cập nhật theo tình hình mới. Một thời gian dài lĩnh vực kiểm toán nội bộ chỉ được hướng dẫn, chỉ đạo là theo Quyết định số 832/TC/QĐ/CĐKT (Quy chế kiểm toán nội bộ) năm 1997 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1998. Trong các công việc mà kiểm toán nội bộ thực hiện theo quyết định này không hề thấy bóng dáng của những nội dung thuộc về kiểm toán hoạt động. Mãi cho đến ngày 22/01/2019, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về Kiểm toán nội bộ thì mới lờ mờ xuất hiện một chút bóng dáng của kiểm toán hoạt động trong Điều 4 (Mục tiêu của kiểm toán nội bộ) có nêu: “2. Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao. 3. Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được.” Và gần đây nhất là vào ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 8/2021/TT- BTC về việc ban hành Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Chuẩn mực và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp này dựa trên chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp của tổ chức Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ quốc tế (IIA). Đoạn 2120.A1 trong chuẩn mực có nêu: “Hoạt động kiểm toán nội bộ phải đánh giá các rủi ro có tác động đến các khía cạnh sau trong hệ thống quản trị, hệ thống hoạt động và hệ thống thông tin của đơn vị: 1471
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 - Việc đạt được các mục tiêu chiến lược của đơn vị. - Độ tin cậy và tính minh bạch của các thông tin tài chính và thông tin hoạt động. - Tính hiệu quả và hiệu suất của các hoạt động và chương trình. - Việc quản lý bảo vệ tài sản. - Tính tuân thủ pháp luật, các quy định, chính sách, các thủ tục và tuân thủ hợp đồng.” Trong đoạn nêu trên có đề cập đến “tính hiệu quả (efficiency) và hiệu suất (effectiveness) của các hoạt động và chương trình”. Đây chính là hai trong ba chữ E truyền thống của loại hình kiểm toán hoạt động. Tóm lại, kiểm toán hoạt động cũng chưa thực sự được vận dụng và phát triển trong loại hình kiểm toán nội bộ tại Việt Nam. 4. Vấn đề đào tạo kiểm toán hoạt động ở các trường đại học tại Việt Nam Về vấn đề đào tạo kiểm toán hoạt động ở các trường đại học tại Việt Nam có thể được nhìn nhận trên các phương diện sau đây. 4.1. Các trường đại học có ngành hoặc chuyên ngành đào tạo kiểm toán Việc đưa môn học kiểm toán hoạt động vào việc giảng dạy trong các trường đại học tại Việt Nam khá muộn so với môn kiểm toán báo cáo tài chính. Nó chỉ được đưa vào chương trình đào tạo khi một số trường bắt đầu thành lập chuyên ngành kiểm toán nhằm tạo ra sự khác biệt trong chương trình đào tạo so với ngành kế toán theo quy định. Chẳng hạn Đại học Kinh Tế TP.HCM môn học này đưa vào giảng dạy từ Khóa 33 (cũng chính là khóa 1 của chuyên ngành kiểm toán) từ năm 2009. Cho đến nay các trường đại học trên cả nước Việt Nam có khoảng 26 trường đại học có ngành hay chuyên ngành đào tạo kiểm toán và được trình bày theo bảng thống kê như sau19: Ngành Chuyên Có học môn Kiểm ngành Kiểm toán STT Trường Đại học toán Kiểm hoạt động Ghi chú toán Số tín Bắt chỉ buộc 1 Đại học Kinh tế Quốc X 3 Môn Kiểm toán hoạt dân động là 1 trong 12 môn thuộc Kiến thức chuyên sâu của Kiến thức ngành mà sinh viên tự chọn 6 học phần trong tổ hợp. 2 Đại học Thương Mại X 3 Đại học Quốc Gia Hà X Nội – Khoa Quốc Tế 4 Đại học Công Nghiệp X Hà Nội 5 Đại học Điện Lực X 2 X 19 Có thể dữ liệu thống kê chưa đầy đủ vì dựa trên những trang web tuyển sinh 1472
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 6 Đại học Lao Động – Xã X Hội (Cơ sở Hà Nội) 7 Đại học Tài Chính Ngân X 3 X Hàng Hà Nội 8 Đại học Ngoại Thương X 9 Đại học Kinh Doanh và X 2 X Môn học chung là Công Nghệ Hà Nội Kiểm toán hoạt động và Kiểm toán tuân thủ 4 tín chỉ 10 Học Viện Tài Chính X 11 Đại học Hồng Đức X 2 12 Đại học Tài Chính – X 3 X Quản Trị Kinh Doanh 13 Đại học Kinh Tế & Quản X 3 X Trị Kinh Doanh – Đại học Thái Nguyên 14 Đại học Kinh tế X 2 X TP.HCM 15 Đại học Mở TP.HCM X 3 X 16 Đại học Công Nghiệp X 3 X Có thêm môn tự chọn TP.HCM mô phỏng kiểm toán hoạt động 17 Đại học Kinh Tế - Luật – X Đại học Quốc Gia 18 Đại học Quốc Tế Sài X Gòn 19 Đại học Ngân Hàng X 20 Đại học Kinh Tế - Đại X 3 X 2 tín chỉ lý thuyết và 1 học Đà Nẵng tín chỉ thảo luận thực hành 21 Đại học Kinh Tế - Đại X 3 X học Huế 22 Đại học Nha Trang X 23 Đại học Duy Tân X 2 X 24 Đại học Quy Nhơn X 2 Nằm trong khóa luận tốt nghiệp, học phần thay thế 25 Đại học Tây Nguyên X 2 26 Đại học Cần Thơ X 3 X Tổng cộng 16 10 12 Chú thích: Có một số trường đặt tên ngành hay chuyên ngành thường có sự pha trộn với ngành hay chuyên ngành khác như: Đại học Quốc Gia Hà Nội – Khoa Quốc tế: Ngành Kế toán – Phân tích – Kiểm toán; Đại học Duy Tân: Ngành Kế toán Kiểm toán; Đại học Ngân Hàng: Ngành 1473
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Kế toán, chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán; Đại học Tây Nguyên: Ngành Kế toán, chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán; Đại học Kinh Tế & Quản Trị Kinh Doanh – Đại học Thái Nguyên: Ngành Kế toán, chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán. Qua bảng thống kê trên chúng ta có thể nhận xét trên một số phương diện như sau: - Về ngành kiểm toán và chuyên ngành đào tạo kiểm toán: Các trường có ngành kiểm toán là 16 trường và các trường có chuyên ngành kiểm toán là 10 trường, chiếm tỷ lệ tương ứng là 61,5% và 38,5%. - Thiết kế môn học trong chương trình đào tạo: Trong chương trình đào tạo của cả ngành và chuyên ngành kiểm toán của các trường nói trên có thiết kế môn kiểm toán hoạt động là 16/26 trường, chiếm tỷ lệ 61,5%. Nếu xét riêng các trường có ngành kiểm toán thì có 12/16 trường thiết kế môn học này, chiếm tỷ lệ 75%, và như vậy các trường có chuyên ngành kiểm toán thì môn học này chỉ là 4/10, chiếm tỷ lệ 25%. - Bắt buộc và không bắt buộc học: Nếu không xét riêng về ngành hay chuyên ngành kiểm toán thì có 12/26 trường đại học thiết kế môn học này dưới hình thức bắt buộc chiếm tỷ lệ 46,1%. Còn nếu xét chi tiết hơn, các trường có ngành kiểm toán chỉ có 9/16 trường là bắt buộc học, chiếm tỷ lệ 56,2%. Các trường có chuyên ngành kiểm toán có bắt buộc học chỉ là 2/10 trường, chiếm tỷ lệ 25%. - Về số tín chỉ của môn học: Chỉ có 9/16 trường số tín chỉ dành cho môn học này là 3 (không phân biệt ngành hay chuyên ngành kiểm toán), chiếm tỷ lệ 56,3%. Còn nếu xét chi tiết hơn các trường có ngành kiểm toán, môn học này có tín chỉ là 3 là 8/16, chiếm tỷ lệ 50%. Như vậy, số còn lại các trường chỉ thiết kế 2 tín chỉ chiếm 43,7%. - Vấn đề khác: Việc thiết kế môn học này trong chương trình đào tạo của các trường cũng hơi đa dạng, như Đại học Kinh Tế Quốc Dân thì môn kiểm toán hoạt động là 1 trong 12 môn thuộc Kiến thức chuyên sâu của Kiến thức ngành mà sinh viên tự chọn 6 học phần trong tổ hợp; Đại học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội thì môn kiểm toán hoạt động chỉ là một phần trong môn học có tên chung là “Kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ” với thời lượng là 4 tín chỉ; Đại học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng thì trong 3 tín chỉ của môn học có 1 tín chỉ dành cho thảo luận thực hành; Đại học Quy Nhơn thì môn học này được xếp cuối cùng nằm trong mục “Khóa luận tốt nghiệp, học phần thay thế”, điều này có nghĩa là môn học này được xem như là tự chọn. Ngoài ra, Đại học Công Nghiệp TP.HCM ngoài việc bắt buộc học thì còn có thêm môn tự chọn “Mô phỏng kiểm toán hoạt động”. 4.2. Tài liệu phục vụ cho môn học Cho đến nay trên cả nước Việt Nam chỉ có 2 cuốn giáo trình làm nền tảng cho việc giảng dạy và học tập môn kiểm toán hoạt động cho các trường có giảng dạy môn học này, đó là: - Giáo trình Kiểm toán hoạt động của tác giả GS.TS. Nguyễn Quang Quynh (chủ biên) do nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân phát hành vào năm 2009. - Giáo trình Kiểm toán hoạt động của tập thể tác giả của trường đại học Kinh Tế TP.HCM, mà người chủ biên là PGS.TS. Vũ Hữu Đức, do nhà xuất bản Phương Đông phát hành vào năm 2010. Hai cuốn giáo trình này ra đời là nhằm phục vụ cho việc đào tạo của chuyên ngành kiểm toán của hai trường đại học Kinh Tế Quốc Dân và trường đại học Kinh Tế TP.HCM. Về bố cục và nội dung của 2 cuốn giáo trình này còn rất nhiều vấn đề khác nhau. Điều này 1474
  11. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 cho thấy rằng việc giảng dạy cùng một môn học nhưng kiến thức của người học có thể nói là khác nhau khá xa (không giống như môn kiểm toán báo cáo tài chính thì tính thống khá cao giữa các trường trong cả nước). Hai cuốn giáo trình đó, thực sự mà nói chưa có cuốn giáo trình nào được xem là chuẩn vì còn thiếu nhiều nội dung quan trọng hay hiểu chưa đúng về cách tiến hành của loại kiểm toán này. Điều này có thể được giải thích là do hiện nay trên thế giới vẫn còn nhiều tranh luận cả về lý luận và phương pháp luận cho nhiều khía cạnh khác nhau trong quy trình kiểm toán của loại hình kiểm toán này. Các tổ chức nghề nghiệp hay các cơ quan chức năng của các quốc gia trên thế giới vẫn có những cách hiểu và vận dụng khác nhau khi tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động (có thể tham khảo các chuẩn mực kiểm toán hoạt động hoặc các hướng dẫn kiểm toán hoạt động trong khu vực công của các tổ chức và quốc gia trên thế giới sẽ chứng minh rõ điều này). Vấn đề còn lại là các trường đại học khác khi thiết kế môn học kiểm toán hoạt động trong chương trình đào tạo của trường mình chắc chắn phải vay mượn một trong hai cuốn giáo trình này để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Chẳng hạn, Học Viện Ngân Hàng và trường đại học Kinh Tế & Quản Trị Kinh Doanh – Đại học Thái Nguyên sử dụng giáo trình của trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, nhưng trường đại học Mở TP.HCM lại sử dụng giáo trình của trường đại học Kinh Tế TP.HCM... Việc sử dụng cuốn giáo trình nào làm tài liệu phục vụ cho môn học thì về cơ bản là phải theo nội dung của nó và điều tất nhiên là nội dung đào tạo sẽ rất khác nhau giữa hai nhóm trường sử dụng hai cuốn giáo trình đó. Hơn nữa, hai cuốn giáo trình này đã ra đời khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cập nhật thay đổi. Nội dung trong hai cuốn giáo trình đó đã bộc lộ nhiều vấn đề còn hạn chế hoặc không còn phù hợp. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế và quốc gia về kiểm toán hoạt động trong khu vực công đã liên tục thay đổi nhưng nội dung trong hai cuốn giáo trình đó vẫn giữ nguyên những gì mà các tác giả đã viết và phát hành. Về nguồn sách của nước ngoài hỗ trợ cho môn học kiểm toán hoạt động cũng rất hạn chế và cũng chưa thật sự phù hợp để giảng dạy theo số tín chỉ đã được quy định. Chẳng hạn, cuốn Performance Auditing – A Measurement Approach 2th Edition của Ronell B. Raaum và Stephen L. Morgan do IIA phát hành vào năm 2009, là tài liệu chính để đăng ký với trường đại học Kinh Tế TP.HCM cho môn học kiểm toán hoạt động đến nay vẫn chưa cập nhật thay đổi cho phiên bản mới. 4.3. Tài liệu khác hỗ trợ cho môn học và sự khó khăn của giảng viên Vấn đề này cũng cần được nêu ra nhằm phản ảnh thêm cho đầy đủ về thực trạng của đào tạo kiểm toán hoạt động hiện nay của các trường có ngành hay chuyên ngành đào tạo kiểm toán. Về tài liệu khác hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập môn kiểm toán hoạt động nhằm minh họa cho thực tế áp dụng loại hình kiểm toán này là sử dụng từ các tài liệu của nước ngoài mà chủ yếu là các báo cáo kiểm toán của các cơ quan kiểm toán nhà nước ở các quốc gia trên thế giới. Không giống như môn học kiểm toán báo cáo tài chính, những minh họa thực tế cho môn học có thể sử dụng dễ dàng các chương trình kiểm toán mẫu của tổ chức hiệp hội nghề nghiệp VACPA và những báo cáo kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập cung cấp cho các khách hàng của mình..., thì ngược lại việc minh hoạ thực tế về chương trình kiểm toán, những giấy tờ làm việc, báo cáo kiểm toán...lại không có sẵn hoặc nếu có thì cũng không dễ dàng tiếp cận vì vấn đề bảo mật của Kiểm toán nhà nước Việt Nam. Còn những minh họa thực tế cho kiểm toán hoạt động do kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ thực hiện thì hoàn toàn không có. Năng lực của giảng viên cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của môn học 1475
  12. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 kiểm toán hoạt động. Không giống như kiểm toán báo cáo tài chính, đối tượng kiểm toán chỉ là báo cáo tài chính, thì ngược lại, do đặc thù của loại hình kiểm toán này, đối tượng kiểm toán của nó rất phong phú và đa dạng cho đủ mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, chính trị nên đòi hỏi người giảng cần phải có những kiến thức chuyên môn khác về xã hội, kỹ thuật, y tế, môi trường... và thậm chí cả về vấn đề chính trị, bên cạnh các kiến thức về kế toán, kiểm toán, tài chính, luật lệ. Đây chính là vấn đề khó khăn của giảng viên khi minh họa cho những đối tượng kiểm toán khác nhau của kiểm toán hoạt động nếu như giảng viên không am hiểu về lĩnh vực đó. 5. Một số vấn đề cần thảo luận về đào tạo kiểm toán hoạt động cho các trường đại học tại Việt Nam Từ thực trạng của kiểm toán hoạt động tại Việt Nam và thực trạng về dạy học môn kiểm toán hoạt động trong các trường đại học có ngành hay chuyên ngành kiểm toán cần thấy phải trao đổi, thảo luận theo mấy vấn đề sau đây: Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, hai cuốn giáo trình hiện có chưa thực sự là chuẩn trong viêc dạy học môn kiểm toán hoạt động. Do vậy, việc cấp thiết là cần chỉnh sửa lại những giáo trình kiểm toán hoạt động đã có, hoặc nếu được các trường có thể biên soạn và phát hành những giáo trình mới, cho phù hợp với những quan điểm và hiểu biết hiện nay trên thế giới về kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, điều khó khăn và cũng là trở ngại lớn nhất để tiến hành biên soạn giáo trình là dựa trên nền tảng nào? Không giống như kiểm toán báo cáo tài chính, các giáo trình hiện nay giữa các trường cho dù có khác nhau đôi chút về bố cục nhưng những nội dung chính của nó là hoàn toàn dựa trên hệ thống chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo Việt Nam (mà cơ sở là hệ thống chuẩn mực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo của IFAC, được xem là tiếng nói chung về loại dịch vụ này trên toàn cầu), nhưng đối với kiểm toán hoạt động thì khác. Về lý thuyết, kiểm toán hoạt động được áp dụng cho cả ba chủ thể kiểm toán là kiểm toán nhà nước, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập. Nhưng hiện nay chỉ có kiểm toán nhà nước là có chuẩn mực kiểm toán hoặc tài liệu hướng dẫn cụ thể về kiểm toán hoạt động, còn kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập thì hoàn toàn chưa thấy chuẩn mực hay tài liệu hướng dẫn cụ thể để tiến hành. Quá trình tìm kiếm tài liệu, hiếm hoi mới bắt gặp một tài liệu về “Hướng dẫn kiểm toán hoạt động các kiểm toán viên nội bộ của Chính phủ Hoàng Gia Bhutan”20 được phát hành vào năm 2019. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn của tài liệu này vẫn dựa trên hệ thống chuẩn mực kiểm toán hoạt động của INTOSAI và chỉ áp dụng cho các kiểm toán viên nội bộ trong khu vực công. Do vậy, việc biên soạn một cuốn giáo trình về kiểm toán hoạt động mà có thể áp dụng được cho cả ba loại chủ thể kiểm toán nói trên là điều không thể dễ dàng. Thứ hai, về lựa chọn môn học khác kèm theo với môn học kiểm toán hoạt động cũng cần phải cân nhắc. Vì qua tìm hiểu, có vài trường có thiết kế môn học kiểm toán tuân thủ trong chương trình đào tạo của mình (như Đại học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội...). Theo suy nghĩ cá nhân, nếu so sánh về nhu cầu cung cấp kiến thức cho người học giữa hai môn học kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ thì nên chọn môn kiểm toán hoạt động hơn vì dù sao đi nữa loại hình kiểm toán tuân thủ khá đơn giản hơn so với kiểm toán hoạt động. Nếu người học có nhu cầu về kiến thức kiểm toán tuân thủ vẫn có thể tự nghiên cứu được. Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về lợi ích và nhu cầu của kiểm toán hoạt động trong các doanh nghiệp tại Việt Nam mà chủ yếu là trong khu vực tư. Chẳng hạn, bài viết về “Kiểm toán hoạt động và những tác động tích cực tới doanh nghiệp” 20 Performance Audit Guideline for Internal Auditors of RGoB 1476
  13. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 đăng trên Báo kiểm toán số 43/202121, bài viết về “Kiểm toán hoạt động công cụ nâng cao hiệu quả hoạt động Logistics trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” đăng trên Tạp chí Kế toán & Kiểm toán số tháng 5/202022,... Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý đến loại kiểm toán này và có thể do kiểm toán nội bộ hoặc thuê kiểm toán viên độc lập thực hiện. Do vậy, thiết nghĩ khi thiết kế chương trình đào tạo nên kết hợp giữa môn học kiểm toán hoạt động và kiểm toán nội bộ thì có lẻ là phù hợp hơn. Thứ ba, việc quy định số tín chỉ và thiết kế môn học này cũng cần được xem xét. Một số trường số tín chỉ cho môn học này chỉ là 2 (như đã đề cập ở trên). Với số tín chỉ như vậy giảng viên khó có thể trình bày tương đối đầy đủ nội dung của loại hình kiểm toán hoạt động. Nếu được nên dành thời gian cho việc tìm hiểu và thảo luận những vấn đề theo yêu cầu của giảng viên để người học có thể hiểu thấu đáo về những chủ đề nào đó liên quan đến môn học, như thiết kế của trường Đại học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng hay có sự “Mô phỏng kiểm toán hoạt động” như trường đại học Công Nghiệp TP.HCM. Thứ tư, cần có những buổi hội thảo giữa các trường đại học có ngành kiểm toán hay chuyên ngành kiểm toán về loại hình kiểm toán hoạt động nhằm mục đích để tạo ra tiếng nói chung ở một độ cơ bản nào đó, từ đó mới có thể sẽ không còn xảy ra hiện tượng có sự khác biệt đáng kể trong dạy học loại kiểm toán này giữa các trường như hiện nay. Ngay cả trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, hiện nay vẫn còn nhiều điểm khác biệt trong nhận thức và thực tiễn áp dụng của các SAI trên thế giới nên cũng cần có sự thảo luận để có thể tạo nên tiếng nói chung về loại hình kiểm toán này. 6. Kết luận Dù ra đời muộn hơn so với loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động ngày càng thể hiện được nhiều lợi ích của nó cho cả các đơn vị được kiểm toán và cả các đối tượng khác có quan tâm trong cả khu vực công và tư. Việc ra đời chuyên ngành kiểm toán hay ngành kiểm toán hiện nay là một xu thế tất yếu khi nhu cầu của nghề nghiệp kiểm toán ngày càng cao tại Việt Nam. Kiến thức về kiểm toán của người học không còn bó hẹp trong kiểm toán báo cáo tài chính mà còn phải được mở rộng cho các loại hình kiểm toán khác thì mới đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Do vậy, việc đưa môn học kiểm toán hoạt động vào chương trình đào tạo là điều cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để chuyển tải đúng kiến thức của loại hình kiểm toán này đến người học là điều cần hết sức quan tâm, đừng để môn học này trở thành vật trang trí cho đẹp trong chương trình đào tạo của các trường có ngành hay chuyên ngành kiểm toán như hiện nay. 21 https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=1880&l=Nghiencuutraodoi (Đào Thanh Hương – Phó Giám đốc dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro, Deloite Việt Nam) 22 Tác giả bài viết: Lại Phương Thảo – Lê Thanh Hà – Bùi Hồng Quý 1477
  14. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Anh [1] Innes, J. (1990). External management auditing of companies: A survey of bankers, Accounting, Auditing & Accountability Journal, Vol. 3(1). Pp. 18-37 [2] Craik D R S (1979), “Efficiency Audit in Government”, Paper presented to Australian Society of Accountants, National Congress, Perth. [3] Cutt, J. (1988). Comprehensive Auditing in Canada: Theory and Practice, New York: Praeger [4] Glynn, J. J. (1985). Value for Money Auditing in the Public Sector, London: Prentice Hall. [5] Glynn J J (1987), “The Development of Performance Auditing in Australia”, Australian Society of Accountants, Research Lecture in Government Accounting [6] Henley, D. (1989). 'External audit' in Henley, D., Holtham, C., Ukierman, A. and Perrin, J. (eds). Public Sector Accounting and Financial Control, London: Van Nostrand Reinhold. [7] Muhammad Akram Khan, Global Evolution of Performance Auditing with Special Reference to Pakistan [8] Sheldon, D.R., Achieving Accountability in Business and Government: Managing for Efficiency, Effectiveness, and Economy, Quorum Books, Westport, Connecticut, 1996 [9] Wanna J, Ryan C and Ng C (2001), “From Accounting to Accountability—A Centenary History of the Australian National Audit Office”, Australian National Audit Office, Canberra [10] INTOSAI, ISSAI 300 “Fundamental Principles of Performance Auditing” [11] INTOSAI, ISSAI 3000 “Performance Audit Standard” [12] INTOSAI, GUID 3910 “Central Concepts for Performance Auditing” Tiếng Việt [13] Chính phủ, Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về Kiểm toán nội bộ [14] Bộ Tài chính, Quyết định số 832/TC/QĐ/CĐKT về việc ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ [15] Bộ Tài chính, Thông tư số 8/2021/TT-BTC về việc ban hành Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán [16] Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Quyết định số 582/2016/QĐ-KTNN về việc thành Phòng kiểm toán hoạt động thuộc Kiểm toán nhà nước khu vực 1 [17] Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước [18] Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Quyết định số 07/2017/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy trình kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước. [19] Quốc hội, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005 [20] Quốc hội, Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 [21] Quốc hội, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 [22] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12, ban hành vào ngày 19/04/2010 về chiến lược phát triển của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 [23] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14, ban hành vào ngày 16/09/2020 về chiến lược phát triển của Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) 1478
  15. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Trang web [24] https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=1880&l=Nghiencuutraodoi [25] https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ve-day-manh-trien-khai-kiem-toan-hoat- dong-tai-viet-nam-128801.html [26] https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/pdf/2016/05/Performance-Auditing.pdf [27] https://www.hoiketoanhcm.org.vn/vn/trao-doi/kiem-toan-hoat-dong-cong-cu-nang-cao- hieu-qua-hoat-dong-logistics-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua/ 1479
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2