Luận án Tiến sĩ Luật học: Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam
lượt xem 13
download
Mục tiêu nghiên cứu của luận án là nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự cùng với những bất cập của pháp luật và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, từ đó đưa ra kiến nghị đối với hoạt động lập pháp và hoạt động áp dụng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Luật học: Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH ----------◘◘◘-------- LÊ NGUYÊN THANH NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM GÂY RA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM CHUYÊN NGÀNH: LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ MÃ SỐ: 62.38.01.04 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS NGUYỄN THÁI PHÚC TP. HỒ CHÍ MINH - 2012
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực. Kết quả nghiên cứu nêu trong luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án
- DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT BLDS : Bộ luật dân sự BLHS : Bộ luật hình sự BLTTDS : Bộ luật tố tụng dân sự BLTTHS : Bộ luật tố tụng hình sự TAND : Tòa án nhân dân THTT : Tiến hành tố tụng TTDS : Tố tụng dân sự TTHS : Tố tụng hình sự VKSND : Viện kiểm sát nhân dân
- MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI DO TỘi PHẠM GÂY RA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ................................................. 12 1.1. Khái niệm thiệt hại do tội phạm gây ra và người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự ................................................................................ 12 1.2. Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 ................................................................................................ 25 1.3. Vị trí, vai trò của người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam ............................................................................................................. 52 1.4. Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong lịch sử tố tụng hình sự và trong luật tố tụng hình sự của một số nước trên thế giới.............................................. 62 CHƯƠNG 2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM GÂY RA THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003 .............................................................................................. 77 2.1. Quyền buộc tội của người bị hại, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại và nguyên đơn dân sự ..................................................................... 77 2.2. Nghĩa vụ khai báo trung thực của người bị hại và nguyên đơn dân sự ............. 96 2.3. Các quyền, nghĩa vụ khác của người bị hại và nguyên đơn dân sự ................. 104 CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003 VỀ NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM GÂY RA ......... 122 3.1. Thực trạng áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra ................................................................ 122 3.2. Quan điểm định hướng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra ..................... 137 3.3. Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra .......................................... 150 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 172
- 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Hoạt động tố tụng hình sự thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể với những động cơ, mục đích và định hướng khác nhau. Trong đó, có những chủ thể phạm tội gây ra thiệt hại, chủ thể có nghĩa vụ bồi thường, chủ thể thực hiện chức năng buộc tội, chủ thể thực hiện chức năng bào chữa, chủ thể thực hiện chức năng xét xử. Riêng những người bị thiệt hại do tội phạm gây ra tham gia tố tụng vì lý do bị thiệt hại. Họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi, góp phần chứng minh vụ án hình sự và thực hiện nghĩa vụ khai báo vì lợi ích chung. Người bị thiệt hại do tội pham gây ra trong tố tụng hình sự có địa vị pháp lý là người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự. So sánh với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định bổ sung thêm một số quyền của người bị hại và nguyên đơn dân sự theo hướng nâng cao vai trò của họ trong tố tụng hình sự, như quyền phát biểu, quyền tranh luận tại phiên tòa, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Về mặt lý luận, mảng tri thức về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam hầu như còn rất hạn chế do chưa được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Vì thế, hoạt động lập pháp và giải quyết vụ án hình sự chưa nhận được sự hỗ trợ, định hướng về mặt khoa học. Từ những hạn chế trong nhận thức và pháp luật thực định, hoạt động áp dụng pháp luật cũng gặp phải những khó khăn, sai lầm khi xác định tư cách tham gia tố tụng của người bị hại và nguyên đơn dân sự. Tình trạng bị vi phạm quyền và không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của hai chủ thể này còn xảy ra. Mặc dù không có con số thống kê, báo cáo chính thức từ phía cơ quan có thẩm quyền nhưng bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau vẫn có thể đánh giá được tình trạng trên. Ví dụ, tình trạng người bị hại không được triệu tập tham gia tố tụng, triệu tập không đúng
- 2 hoặc được triệu tập quá trễ; sự khó khăn trong việc chủ động cung cấp thông tin, tiếp cận vụ án, thực hiện quyền đề nghị; không được thông báo về người tiến hành tố tụng; không có người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi; kết quả điều tra không được thông báo; không có cơ hội phát biểu, tranh luận dân chủ, công khai với các bên tham gia tố tụng; vấn đề bồi thường thiệt hại không được chú ý từ giai đoạn điều tra, giải quyết bồi thường theo yêu cầu không hợp lý; công tác bảo vệ người bị hại trước nguy cơ bị trả thù còn xem nhẹ; tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tiếp tục làm tổn thương người bị hại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vẫn tồn tại. Tình trạng đó đã làm cho người bị hại và nguyên đơn dân sự thật sự gặp nhiều khó khăn khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời phần nào làm giảm hiệu quả giải quyết vụ án hình sự khi không có sự tích cực tham gia tố tụng của họ. Nói theo ngôn ngữ của các nhà Tội phạm học, nạn nhân của tội phạm là “người bị bỏ quên” (forgotten person) trong tố tụng hình sự. Hiện nay, cải cách tư pháp ở Việt Nam có những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng, đó là “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”, “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử” [13]. Đây cũng là tiền đề tư tưởng để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ người bị thiệt hại do tội phạm gây ra nhằm nâng cao vai trò tố tụng của chủ thể này trong tố tụng hình sự. Có như vậy, một mặt sẽ bảo vệ được quyền của người bị hại và nguyên đơn dân sự, mặt khác đảm bảo tranh tụng công khai, dân chủ khi có sự thực hiện đầy đủ quyền tố tụng của các bên trong quá trình giải quyết vụ án. Với những lý do trên, việc chọn vấn đề “Người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ luật học là có tính cấp thiết. 2. Tình hình nghiên cứu Theo các tư liệu lịch sử, vị trí, vai trò nạn nhân của tội phạm bị giảm dần trong tố tụng hình sự sau khi kết thúc thời kỳ trung cổ, do đó “trong một thời gian
- 3 dài, các nhà tội phạm học, các nhà khoa học đã bỏ qua, không tập trung nghiên cứu vấn đề nạn nhân của tội phạm” [52, tr. 5]. Cho đến những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi, nạn nhân của tội phạm được quan tâm trở lại ở những nghiên cứu thuộc lĩnh vực Tội phạm học với bài báo của Hans Von Hentig có tên “Nhận xét về sự tác động giữa người phạm tội với nạn nhân” (Remarks on the interaction of perpetrator and victim, 1941). Năm 1948, Hans Von Hentig cho xuất bản tác phẩm nổi tiếng “Tội phạm và nạn nhân của nó” (Criminal and his victim). Một nhà tội phạm học khác, người Rumani tên là Benjamin Mendelson cũng có bài thuyết trình về nạn nhân học tại Hội Tâm thần học ở Bucharest năm 1947. Những nghiên cứu đầu tiên về nạn nhân của tội phạm ở góc độ tội phạm học thời kỳ này được các nhà nghiên cứu ở phương Tây gọi là sự hồi sinh của vấn đề nạn nhân của tội phạm [61, tr.1, 17]. Cũng có thể nói, tội phạm học bàn về nạn nhân của tội phạm sớm hơn khoa học luật tố tụng hình sự. Ở Mỹ và các nước Châu Âu, nạn nhân trong tố tụng hình sự được chú ý nghiên cứu từ những thập niên cuối của thế kỷ hai mươi. Chủ đề này thực sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học sau khi nhiều nước ban hành các đạo luật về nạn nhân của tội phạm và Đại hội đồng Liên hợp quốc ra “Tuyên bố những nguyên tắc cơ bản về tư pháp hình sự đối với nạn nhân của tội phạm và nạn nhân của lạm dụng quyền lực” (1985). Tuy nhiên, số lượng tài liệu viết về nạn nhân của tội phạm cũng còn hạn chế so với những vấn đề khác của tố tụng hình sự. Một quan sát ở Mỹ những năm gần đây đối với mười tám cuốn sách viết về tố tụng hình sự cho thấy phần lớn nội dung không đề cập đến nạn nhân của tội phạm trong tất cả các danh mục, có một số nội dung cũng chỉ là một đoạn đơn giản hoặc ghi chú sự liên quan của nạn nhân tại tòa hình sự, và chỉ xem xét nạn nhân ở mức độ hời hợt [142, tr. 229]. Có lẽ tác phẩm thường được nhắc đến và viết khá nhiều về các khía cạnh nạn nhân trong tố tụng hình sự Mỹ là “Nạn nhân trong tố tụng hình sự” (Victims in Criminal Procedure, Carolina Academic Press, 1999) của Douglas E. Beloof. Nội dung đáng chú ý nhất là tác giả đã đưa ra “Mô hình thứ ba của tố tụng hình sự: Mô hình tham gia của nạn nhân” (The Third Model of Criminal Process: The Victim
- 4 Participation Model). Tác giả William F. McDonald với tài liệu “Sự lý giải về truy tố hình sự của tư pháp hình sự” (Criminal Prosecution Rationalization of Criminal Justice, Final Report, National Institute of Justice, US. Department of Justice, 1991), tập trung bàn về sự phát triển của hệ thống truy tố ở một số quốc gia theo cách tiếp cận lịch sử, trong đó có tư tố (buộc tội cá nhân) trong tố tụng tố cáo, tố tụng thẩm vấn. Tìm hiểu vai trò nạn nhân trong lịch sử tố tụng hình sự Anh, có tác phẩm “Nạn nhân trong luật hình sự và tư pháp hình sự” (The Victim in Criminal Law and Justice, của tác giả Tyrone Kirchengast (2006), Palgrave Macmillan Ltd). Ở Đức có bài viết khoa học như “Nạn nhân trong tố tụng hình sự: Mô tả hệ thống bảo vệ nạn nhân theo luật tố tụng hình sự Đức” (The Victim in Criminal Procedure: A systematic portrayal of victim protection under German Criminal Procedure law) [139] của tác giả Markus Loffelmann, công tố viên, chuyên viên về luật tố tụng hình sự của Bộ Tư pháp Đức. Tài liệu này xem xét vai trò của nạn nhân trong tố tụng hình sự của Đức như là người tố cáo tội phạm, một bên truy tố, như người làm chứng, như một đồng phạm và vấn đề bảo vệ nạn nhân trong tố tụng hình sự Đức. Ở Châu Á, Giáo sư Toshihiro Kawaide của Đại học Tokyo Nhật Bản trong bài viết “Sự tham gia của nạn nhân trong phiên tòa hình sự của Nhật Bản” (Victim's participation in the criminal trial in Japan) [133], cho thấy có sự tham gia của nạn nhân trong tòa án Nhật Bản, kiểm tra nhân chứng, phát biểu ý kiến, mối quan hệ của nạn nhân với công tố viên cũng như những mặt tiêu cực của việc nạn nhân tham gia vào phiên tòa hình sự như làm cho bản án nặng, thiếu công bằng. Bài viết “Sự bảo vệ và các biện pháp đối với nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực ở Trung Hoa” (The protection and remedies for victim of crime and abuse of power in China) của Gao-Feng Jin, Giảng viên, nhà nghiên cứu của Đại học An ninh nhân dân Trung Hoa, trình bày về sự thay đổi địa vị pháp lý nạn nhân tội phạm theo hướng tăng cường vai trò và sự bảo vệ quyền của nạn nhân kể từ Bộ luật tố tụng hình sự Trung Hoa năm 1979 đến Bộ luật tố tụng hình sự năm 1996 và thời kỳ tiếp theo trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về nạn nhân của tội phạm trong Tuyên bố
- 5 của Liên hợp quốc năm 1985 [138] . Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo pháp lý Hàn Quốc, Nae-Hyun Lim, với bài viết Vai trò của nạn nhân trong tố tụng hình sự (The Role of the Victim in the Criminal Process) được trình bày tại Hội thảo thường niên của Hiệp hội công tố viên quốc tế, Đan Mạch (2005), trong đó nêu bật vị trí vai, trò quan trọng của nạn nhân trong tố tụng hình sự Hàn Quốc và sự cải thiện vị trí, vai trò đáng kể của nạn nhân ở góc độ Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự Hàn Quốc kể từ năm 1987 [132]. Ngoài ra, còn có những tài liệu viết về nhiều vấn đề khác nhau của tố tụng hình sự, trong đó có nạn nhân của tội phạm, ví dụ tài liệu “Sau năm năm áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự Nga”(2007) (Russia's Criminal Procedure Code Five Years Out) của tác giả William Burnham and Jeffery Kahn, nhận xét về nhiều sự thay đổi của tố tụng hình sự của Nga từ khi áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2001, trong đó có thừa nhận người bị hại trở thành một bên buộc tội chính thức trong tố tụng hình sự [128, tr. 62]. Những cuốn sách khác như: “Hệ thống tố tụng hình sự trong cộng đồng Châu Âu” (Criminal procedure systems in the European Community, Butterworth & Co Ltd, 1993) của tác giả Christine Van Den Wyngaert; cuốn sách: “Sự thay đổi của hệ thống tố tụng hình sự” (Transition of Criminal procedure system, Volume II, Editor: Berislav Pavisic, University of Rijeka, 2004) của tập thể tác giả đến từ nhiều nước Châu Âu… Những tài liệu này viết về hệ thống tố tụng hình sự nói chung của một số quốc gia Châu Âu, trong đó có đề cập đến quyền và nghĩa vụ của nạn nhân của tội phạm ở một vài khía cạnh, như xem nạn nhân là chủ thể của quyền tư tố, chủ thể của quyền yêu cầu giải quyết các vấn đề về dân sự, là chủ thể của những quyền khác trong tố tụng hình sự. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu của nhiều nước bắt đầu quan tâm nạn nhân của tội phạm vào những thập niên cuối của thế kỷ trước. Mặc dù các tác giả tiếp cận khác nhau về nạn nhân của tội phạm, ở khía cạnh lịch sử hay luật thực định, nhưng phần lớn có cùng quan điểm nên tăng cường sự tham gia của nạn nhân trong tố tụng hình sự và pháp luật cần thể chế những phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án. Ngoài ra, còn có ý kiến đề nghị những mô
- 6 hình tố tụng theo hướng đảm bảo khắc phục thiệt hại cho nạn nhân, tôn trọng nạn nhân để tránh trường hợp họ tiếp tục bị tổn thương trong quá trình tố tụng (secondary victimization). Những vấn đề này trở thành chuẩn mực có tính chất quốc tế về nạn nhân của tội phạm và cũng được các tác giả đem ra so sánh với luật tố tụng của các quốc gia. Ở Việt Nam, cũng không phải là ngoại lệ khi chậm tiếp cận và nghiên cứu về những người bị thiệt hại do tội phạm gây ra (bao gồm người bị hại và nguyên đơn dân sự). Những giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam của các trường đào tạo luật, các cuốn sách Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự của Bộ Tư pháp và của các tác giả khác, khi đề cập đến người bị hại và nguyên đơn dân sự chủ yếu giải thích các quyền và nghĩa vụ của những chủ thể này theo quy định của pháp luật hiện hành mà không lý giải tại sao có những quyền và nghĩa vụ tố tụng đó. Những tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về người bị hại thì cũng chỉ dừng lại ở những bài viết khoa học trên các tạp chí chuyên ngành luật, như “Một số vấn đề về người bị hại, nguyên đơn dân sự trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003” của tác giả Trần Quang Tiệp (Tạp chí Kiểm sát, số 4, 2006), “Người bị hại trong tố tụng hình sự” (Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1, 2007) của Lê Tiến Châu, “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam” của Vũ Gia Lâm (Tạp chí Luật học số 11, 2011)… Những bài viết này chủ yếu thảo luận về khái niệm người bị hại, nguyên đơn dân sự và những kiến nghị nhằm hoàn thiện khái niệm người bị hại trong tố tụng hình sự. Những tài liệu, bài viết khác trình bày việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể nói chung, trong đó có người bị hại và nguyên đơn dân sự (Đinh Văn Quế, 2008), về vai trò của người bị hại, nguyên đơn dân sự trong tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm (Nguyễn Trương Tín, 2010), giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Đỗ Văn Đại, 2007, Nguyễn Xuân Đang, 2005), khía cạnh tâm lý của người bị hại trong hoạt động lấy lời khai (Phạm Ngọc Cường - Trần Nguyên Quân, 2001)… Những điểm hạn chế chung trong các nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra, có thể nhận thấy như sau:
- 7 - Các công trình, tài liệu nghiên cứu về người bị hại, nguyên đơn dân sự thường tìm hiểu địa vị pháp lý của họ qua hệ thống các quyền và nghĩa vụ được Bộ luật tố tụng hình sự quy định mà không lý giải cơ sở của các quyền và nghĩa vụ tố tụng đó. Do đó, các tài liệu chưa làm rõ được vai trò cơ bản của người bị hại và nguyên đơn dân sự trong tố tụng hình sự. - Việc nghiên cứu về người bị hại và nguyên đơn dân sự còn manh mún, chia cắt ở phạm vi khái niệm, ở những quyền và nghĩa vụ cụ thể của chủ thể, như khởi tố theo yêu cầu người bị hại, yêu cầu bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra… Do đó, không thể đưa ra những giải pháp đồng bộ để hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự về loại chủ thể này. - Nguyên đơn dân sự cũng là chủ thể được Bộ luật tố tụng hình sự quy định là “bị thiệt hại do tội phạm gây ra”, có hệ thống quyền và nghĩa vụ tương đương với người bị hại, có nhiều loại và rất khó xác định để đưa vào hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Thế nhưng mảng tri thức khoa học về nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự còn quá ít và cũng chỉ dừng lại ở mức độ bàn về khái niệm nguyên đơn dân sự và phân biệt với người bị hại (xem Trần Quang Tiệp, Tạp chí Kiểm sát, số 4, 2006). Những hạn chế trên đã đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong luận án này. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của luận án là nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự cùng với những bất cập của pháp luật và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, từ đó đưa ra kiến nghị đối với hoạt động lập pháp và hoạt động áp dụng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Với mục tiêu đã được xác định, luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản như sau: - Phân tích, làm sáng tỏ những vấn đề nhận thức về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự ở khía cạnh lý luận và pháp lý. Trong đó có so sánh, phân biệt giữa hai chủ thể cùng được coi là bị thiệt hại do tội phạm gây ra
- 8 theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (người bị hại và nguyên đơn dân sự), đồng thời cũng có sự phân biệt với những chủ thể khác trong tố tụng hình sự. - Tìm hiểu tư liệu lịch sử tố tụng hình sự về nạn nhân của tội phạm, đồng thời tham khảo xu hướng lập pháp và pháp luật tố tụng hình sự hiện nay của một số nước trên thế giới để có thể nhận thức đúng về bản chất, vị trí, vai trò của chủ thể này trong tố tụng hình sự. - Phân tích các quyền và nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự. - Đánh giá thực trạng áp dụng BLTTHS Việt Nam để tìm hiểu mức độ đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự. - Đưa ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị hại và nguyên đơn dân sự. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự Việt Nam, bao gồm người bị hại và nguyên đơn dân sự. Những vấn đề pháp lý và thực tiễn đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự được nghiên cứu chỉ trong phạm vi tố tụng hình sự. Những thông tin, tư liệu được sử dụng để nghiên cứu chủ yếu được thu thập trong phạm vi cả nước, từ năm 2003 cho đến nay, 5. Phương pháp nghiên cứu Đề tài nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Quan điểm của Đảng, nhà nước về cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người cũng là nền tảng tư tưởng để có thể tiếp cận, lý giải và đánh giá một cách khách quan, toàn diện những vấn đề cần nghiên cứu trong luận án. Xuất phát từ những đặc điểm riêng của đối tượng nghiên cứu, tình hình nghiên cứu và nguồn thông tin còn hạn chế về lĩnh vực nghiên cứu (không được thống kê, báo cáo chính thức từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền), tác giả đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau đây để thu thập, phân tích và xử lý các thông tin nhằm giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu:
- 9 - Phương pháp lịch sử được sử dụng để tìm hiểu bản chất, quy luật hình thành và phát triển các quy định pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn tố tụng về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong quá khứ và hiện tại, từ đó định hướng việc hoàn thiện pháp luật trong tương lai. - Phương pháp so sánh được sử dụng để tìm hiểu điểm tương đồng và khác biệt giữa lịch sử với hiện tại, giữa luật quốc gia với luật nước ngoài và pháp luật quốc tế về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự. - Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp để có thể nhận thức một cách chi tiết và khái quát những vấn đề được nghiên cứu. - Phương pháp phiếu điều tra xã hội học nhằm thu thập ý kiến của cán bộ hoạt động thưc tiễn điều tra, truy tố, xét xử án hình sự. Với 607 phiếu điều tra xã hội học thu thập được (đính kèm phần phụ lục) cho phép tác giả đánh giá khái quát vấn đề nhận thức và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có người bị hại và nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng. - Phương pháp nghiên cứu vụ án điển hình để chứng minh những vấn đề về pháp lý và thực tiễn tố tụng. - Phương pháp tham khảo các tư liệu trong các công trình đã công bố của các chuyên gia, những tổng kết từ thực tiễn giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tố tụng để hỗ trợ các nhận định, đánh giá trong luận án. - Phương pháp thống kê, tổng hợp các số liệu trong những báo cáo của ngành kiểm sát, của một số địa phương để minh họa tình hình thiệt hại do tội phạm gây ra, tình hình giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, từ đó gián tiếp đánh giá những vấn đề cần nghiên cứu. 6. Những đóng góp mới về khoa học và ý nghĩa của luận án Đây là luận án tiến sĩ đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự. Vì thế, luận án có những đóng góp mới về mặt khoa học như sau: Thứ nhất, luận án nghiên cứu người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự không chỉ có người bị hại mà còn có nguyên đơn dân sự. Hai chủ thể
- 10 này tuy có địa vị tố tụng khác nhau nhưng “gần” nhau và cùng bị chi phối bởi dấu hiệu đặc trưng: “bị thiệt hại do tội phạm gây ra”. Chính vì vậy, trong nội dung nghiên cứu có sự liên hệ, so sánh các dấu hiệu pháp lý giữa người bị hại với nguyên đơn dân sự, đồng thời phân biệt với các chủ thể khác trong tố tụng hình sự. Thứ hai, cách tiếp cận quyền, nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự xuất phát từ vị trí, vai trò của hai chủ thể này trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, luận án trình bày quyền, nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự theo nhóm quyền, nghĩa vụ cơ bản và nhóm các quyền, nghĩa vụ khác. Mặt khác, các quyền, nghĩa vụ của người bị hại và nguyên đơn dân sự được đề cập trong luận án không chỉ trong phạm vi các Điều 51 và Điều 52 mà còn liên quan với nhiều điều luật khác của Bộ luật tố tụng hình sự. Thứ ba, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm thực hiện tốt hơn vai trò của người bị hại và nguyên đơn dân sự, đảm bảo quyền con người, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta. Những kiến nghị này là phù hợp với xu hướng cải cách hệ thống tố tụng hình sự của các nước trên thế giới, trong đó có sự cải thiện vị trí, vai trò nạn nhân của tội phạm. Vì thế, nội dung các kiến nghị mang tính thời sự. Với những đóng góp mới về mặt khoa học như trên, luận án làm phong phú thêm khoa học luật tố tụng hình sự ở nước ta. Nó đóng góp một mảng lý luận liên quan đến một nhóm chủ thể tham gia tố tụng ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Những kiến nghị trong luận án có thể có ích cho hoạt động lập pháp hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ nhà nước đang có chủ trương cải cách tư pháp, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo tin cậy đối với những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Luận án sẽ là nguồn tài liệu có ích cho hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy của sinh viên, giảng viên trong các trường đào tạo luật học và bạn đọc quan tâm.
- 11 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm ba chương:. - Chương 1. Lý luận chung về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự. - Chương 2. Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại do tội phạm gây ra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. - Chương 3. Thực trạng áp dụng pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về người bị thiệt hại do tội phạm gây ra.
- 12 CHƯƠNG 1 LÝ LUẬN CHUNG VỀ NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI DO TỘI PHẠM GÂY RA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ 1.1. Khái niệm thiệt hại do tội phạm gây ra và người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong tố tụng hình sự 1.1.1. Khái niệm thiệt hại do tội phạm gây ra Thiệt hại, theo nghĩa thông thường của tiếng Việt là “mất mát, hư hỏng nặng nề về người và của” [31, tr. 571]. Thực tế, thiệt hại đối với con người và xã hội có nhiều nguyên nhân với những nội dung, tính chất đa dạng. Ví dụ, thiệt hại do hiện tượng tự nhiên gây ra (thiên tai, dịch bệnh...), thiệt hại do con người gây ra (chiến tranh, xung đột, vi phạm pháp luật...). Thiệt hại không chỉ ở tính mạng, sức khỏe con người và của cải của người bị xâm phạm mà còn là những khó khăn, bất ổn lâu dài đối với xã hội. Ở góc độ pháp lý, thiệt hại cũng được xem xét, đánh giá ở nhiều nguyên nhân trong nhiều ngành luật với mục đích xác định trách nhiệm của chủ thể gây ra thiệt hại, cách thức khắc phục, bồi thường thiệt hại. Đó là thiệt hại do hành vi của người vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm pháp luật dân sự, vi phạm pháp luật hình sự... Thiệt hại do tội phạm gây ra là một dạng thiệt hại có nguyên nhân từ hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Việc đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại cũng như xác định chủ thể bị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự và khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, hiểu thế nào là thiệt hại do tội phạm gây ra vẫn còn có những ý kiến khác nhau, vì thế cần được làm sáng tỏ về mặt lý luận. Theo chúng tôi, thiệt hại do tội phạm gây ra có những nội dung và đặc điểm sau đây: Thứ nhất, thiệt hại do tội phạm gây ra bao gồm những thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản và tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, trật tự pháp luật.
- 13 Nhận thức ở mức độ tổng quát thì thiệt hại do tội phạm gây ra tồn tại hai dạng: vật chất và phi vật chất. Thiệt hại ở dạng vật chất (tồn tại một cách khách quan trong thế giới vật chất) bao gồm thiệt hại thể chất và thiệt hại về tài sản. Thiệt hại ở dạng tinh thần (tồn tại trong thế giới tinh thần như ý thức, tình cảm, uy tín...). Thiệt hại thể chất thể hiện ở những tổn hại về tính mạng, sức khỏe do tội phạm gây ra, thiệt hại này chỉ gắn với con người tự nhiên. Ví dụ, thiệt hại về tính mạng của hành vi giết người, thiệt hại về sức khỏe của hành vi cố ý gây thương tích. Thiệt hại này được định lượng bằng những con số cụ thể về số người chết, tỷ lệ thương tật, mức độ tổn hại sức khỏe. Thiệt hại thể chất biểu hiện ở sự biến đổi tình trạng bình thường thực thể tự nhiên của con người [38, tr. 63] . Thiệt hại về tinh thần thể hiện ở những tổn thương về tình cảm của người bị thiệt hại hoặc người thân thích do hành vi phạm tội gây ra (buồn bã, đau khổ); uy tín, danh dự, nhân phẩm bị tội phạm xâm hại do hành vi vu khống, hành vi hiếp dâm, làm nhục gây ra... Thiệt hại về tinh thần khó định lượng bằng con số cụ thể và cũng không thể định giá được bằng tiền theo nguyên tắc ngang giá trị. Thiệt hại về tinh thần là một dạng hậu quả phi vật chất, do đó con người chỉ nhận thức được bằng con đường tư duy [29, tr. 166]. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam có quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần (Điều 609, 610, 611 Bộ luật dân sự (BLDS) Việt Nam năm 2005) với mục đích an ủi, động viên đối với người bị thiệt hại về tinh thần, cũng như một biện pháp giáo dục nhằm ngăn chặn người có hành vi trái pháp luật [41, tr. 444]. Vì thế, thiệt hại về tinh thần cũng được tính đến trong quá trình giải quyết vụ án. Thiệt hại về tinh thần còn có thể được hiểu rộng ra ở những thiệt hại phi vật chất khác như các quyền tự do, dân chủ của công dân bị xâm phạm (ví dụ, bị giữ hoặc giam trái pháp luật, xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác…). Cũng có ý kiến cho rằng những thiệt hại này là những thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp khác, ngoài phạm trù thiệt hại tinh thần [87, tr. 8, 17-18].
- 14 Quan niệm truyền thống xem thiệt hại về tinh thần thường xảy ra đối với cá nhân, như tổn thương tình cảm, danh dự, nhân phẩm. Ngày nay, chủ thể của các quan hệ xã hội ngày càng được mở rộng và được thiết lập bởi các pháp nhân, tồn tại độc lập với cá nhân, kể cả các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Trong quan hệ xã hội, một tổ chức cũng có nguy cơ bị thiệt hại không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn ở khía cạnh tinh thần, uy tín. Vì vậy, thiệt hại về tinh thần của các tổ chức cũng được pháp luật Việt Nam xác định là danh dự, uy tín bị xâm phạm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm [11]. Thiệt hại tài sản thể hiện ở tiền, quyền về tài sản (ví dụ, quyền được hưởng tiền trợ cấp nuôi dưỡng) hoặc vật có giá trị được quy đổi thành tiền bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng, giá trị tài sản bị giảm sút, thu nhập bị mất, chi phí bỏ ra để ngăn chặn, khắc phục, sửa chữa, xử lý hậu quả... Ví dụ, thiệt hại tài sản do hành vi trộm cắp tài sản gây ra, tiền thuốc điều trị thương tích do hành vi cố ý gây thương tích gây ra... Thiệt hại tài sản có thể được quy đổi và định lượng thành tiền. Thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra có thể tính cả những thiệt hại gián tiếp (có mối quan hệ nhân quả dây chuyền với hành vi phạm tội) như thiệt hại tiền thuốc điều trị thương tật do hành vi cố ý gây thương tích gây ra, khả năng sinh lợi từ tài sản đã bị hủy hoại, bị hư hỏng... Ngoài ra, trong khoa học còn hiểu nội dung thiệt hại do tội phạm gây ra theo nghĩa rộng và trừu tượng là “trật tự pháp luật đã được nhà nước quy định” [86, tr. 109] mà bất kỳ tội phạm nào cũng có khả năng gây ra thiệt hại. Cũng có thể hiểu đó là trật tự xã hội, an ninh quốc gia và những lợi ích chung khác bị tội phạm xâm hại. Đây cũng là dạng thiệt hại phi vật chất nhưng không thể xếp vào thiệt hại tinh thần, bởi vì thiệt hại tinh thần (như tình cảm, danh dự, uy tín bị tội phạm xâm hại) phải thuộc về một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể. Như vậy, thiệt hại do tội phạm gây ra gồm nhiều loại: thiệt hại về thể chất, thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về tài sản. Ngoài ra, còn có những thiệt hại khác như trật tự xã hội, trật tự pháp luật… Tổng hợp những thiệt hại này để lại hậu quả về vật
- 15 chất (người, tài sản) và phi vật chất (tinh thần, trật tự xã hội, trật tự pháp luật) của tội phạm. Thật ra, những loại thiệt hại này cũng bị xâm hại bởi những hành vi trái pháp luật khác, tuy nhiên phạm vi nội dung, mức độ thiệt hại là có thể khác nhau. Ví dụ, hành vi vi phạm hợp đồng (vi phạm nghĩa vụ hợp đồng – một loại vi phạm pháp luật dân sự) gây thiệt hại về tài sản; hành vi cố ý gây thương tích chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (vi phạm pháp luật hành chính) cũng gây thiệt hại về thể chất; hành vi xúc phạm chưa đến mức nghiêm trọng đối với nhân phẩm, danh dự người khác gây thiệt hại về tinh thần... Nhưng nếu gây thiệt hại thể chất mà là tính mạng thì thiệt hại do hành vi trái pháp luật đóng vai trò nguyên nhân bị coi là tội phạm. Vấn đề nhận thức loại thiệt hại do tội phạm gây ra có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đầy đủ các nội dung thiệt hại, những người bị thiệt hại và giải quyết bồi thường thiệt hại trong TTHS. Thứ hai, thiệt hại do tội phạm gây ra ở mức “đáng kể” đối với các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại. Khi bàn về hậu quả của tội phạm, các nhà khoa học cho rằng đó là “sự thiệt hại cụ thể nhất định và đáng kể do hành vi phạm tội gây ra cho các lợi ích được bảo về bằng pháp luật hình sự” [17, tr. 367]. Chính sự thiệt hại đáng kể do tội phạm gây ra góp phần tạo nên tính nguy hiểm cao cho xã hội của tội phạm và “là căn cứ để phân biệt hành vi là tội phạm với những hành vi vi phạm khác” [37, tr. 35 – 36]. Khoản 4 Điều 8 BLHS năm 1999 cũng chỉ rõ: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Thông thường, thiệt hại do tội phạm gây ra ở mức nghiêm trọng hơn so với thiệt hại của hành vi vi pháp pháp luật khác. Có những hành vi khi thực hiện đã bộc lộ tính nguy hiểm cao cho xã hội mà không cần căn cứ vào mức độ thiệt hại, nếu hành vi này đã gây ra thiệt hại thì chắc chắn rằng đó là những thiệt hại đáng kể hoặc hành vi gây ra những thiệt hại khó xác định. Trong khoa học luật hình sự thường xem những tội phạm này có cấu thành hình thức, ví dụ tội cướp tài sản, tội bắt, giam, giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, có nhiều hành vi có tính nguy hiểm được thể hiện đầy đủ trong hành vi và thiệt hại
- 16 (hậu quả). Tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi xảy ra thiệt hại. Khoa học luật hình sự thường xem những tội phạm này có cấu thành vật chất. Đối với những tội phạm có cấu thành vật chất thì dấu hiệu mức độ thiệt hại cũng là căn cứ để phân biệt một hành vi phạm tội với một hành vi vi phạm pháp luật hành chính, dân sự, vì mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra được nhìn nhận là nghiêm trọng hơn. Ví dụ, trong trường hợp bình thường thiệt hại do hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 11% trở lên thì hành vi đó mới bị coi là tội phạm. Điều đó có nghĩa nếu thương tích hoặc tổn hại sức khỏe dưới 11% (ít nghiêm trọng hơn) mà không có những điều kiện khác kèm theo thì hành vi này không bị coi là tội phạm. Hoặc trong trường hợp bình thường nếu một hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên (theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS năm 2009) thì hành vi này mới bị coi là tội phạm, nếu thiệt hại nhỏ hơn mà không có những điều kiện kèm theo thì không bị coi là tội phạm. Cũng cần lưu ý là một tội phạm có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra một hoặc nhiều thiệt hại, trong đó có ít nhất một thiệt hại đáng kể và có thể kèm theo những thiệt hại nhỏ phái sinh khác. Tổng những thiệt hại do tội phạm gây ra bao giờ cũng là thiệt hại đáng kể. Sự nhận thức mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra có ý nghĩa đối với việc đánh giá hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong vụ án hình sự, đồng thời phân biệt với thiệt hại do những hành vi vi phạm pháp luật khác gây ra. Thứ ba, thiệt hại do tội phạm gây ra có quan hệ nhân quả với tội phạm. Nếu coi thiệt hại là kết quả thì tội phạm là nguyên nhân. Theo cặp phạm trù nhân quả của phép biện chứng duy vật thì tội phạm có trước thiệt hại và thiệt hại đó là hậu quả tất yếu của tội phạm. Tức là giữa tội phạm và thiệt hại có mối quan hệ sản sinh ra nhau. Tội phạm có vai trò nguyên nhân không những gây ra những thiệt hại trực tiếp mà còn có thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại gián tiếp cũng có quan hệ nhân quả với tội phạm.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
29 p | 270 | 59
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo vệ quyền tác giả qua thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay
208 p | 93 | 37
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội dưới góc độ bảo vệ quyền làm mẹ của lao động nữ
134 p | 207 | 30
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân bằng tòa án theo pháp luật Việt Nam hiện nay
174 p | 67 | 20
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 280 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật an sinh xã hội về các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam
205 p | 27 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ
178 p | 29 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn các tỉnh duyên hải miền Trung
169 p | 29 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Người lao động cao tuổi theo pháp luật Việt Nam hiện nay
183 p | 18 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hoạt động chứng minh của luật sư trong xét xử sơ thẩm các tội xâm phạm sở hữu từ thực tiễn các tỉnh Tây Nam Bộ
185 p | 33 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn - Nguyễn Thành Luân
210 p | 40 | 12
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam
14 p | 143 | 12
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật an sinh xã hội về các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam
23 p | 17 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Việt Nam hiện nay
192 p | 6 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh
221 p | 7 | 4
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam
178 p | 7 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh
27 p | 7 | 1
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Việt Nam hiện nay
26 p | 2 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn