Luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay
lượt xem 11
download
Luận án "Quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay" được hoàn thành với mục tiêu nhằm đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, chỉ ra những nội dung nghiên cứu đã làm rõ, luận án có thể kế thừa, phát triển; xác định những vấn đề chưa được nghiên cứu toàn diện, hệ thống hoặc còn những quan điểm khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LƯƠNG VĂN LIỆU QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Ngành : Luật hiến pháp và luật hành chính Mã số : 9 38 01 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS. PHAN TRUNG LÝ HÀ NỘI - 2023
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực và chính xác. Các kết quả nghiên cứu trong luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Lương Văn Liệu i
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU............................. 7 1.1. Các nghiên cứu trong nước và nước ngoài về quyền giám sát của công dân 7 1.2. Đánh giá về tình hình nghiên cứu ................................................................ 24 1.3. Cơ sở lý thuyết và hướng tiếp cận của luận án ............................................ 26 Tiểu kết Chương 1 ............................................................................................. 29 CHƯƠNG 2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN ....................................................................................................... 30 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò và các mối quan hệ quyền giám sát của công dân ....................................................................................................................... 30 2.2. Đối tượng và nội dung quyền giám sát của công dân .................................. 41 2.3. Các điều kiện bảo đảm thực thi quyền giám sát của công dân .................... 58 Tiểu kết Chương 2 ............................................................................................. 63 CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.................................................................................... 64 3.1. Pháp luật về quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay ................ 64 3.2. Thực trạng thực thi quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay ..... 84 3.3. Đánh giá chung thực trạng quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay ..................................................................................................................... 106 Tiểu kết Chương 3 ........................................................................................... 115 CHƯƠNG 4. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY .................................... 116 4.1. Quan điểm về bảo đảm quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay116 4.2. Giải pháp bảo đảm quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay ... 120 TIỂU KẾT CHƯƠNG 4 ................................................................................. 145 KẾT LUẬN ...................................................................................................... 146 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................... 147 ii
- DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ CB,CC Cán bộ, công chức HCC Hành chính công HCNN Hành chính nhà nước HĐND Hội đồng nhân dân MTTQVN Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NXB Nhà xuất bản PAPI Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PCTN Phòng, chống tham nhũng QGSCCD Quyền giám sát của công dân VBQPPL Văn bản quy phạm pháp luật UBND Uỷ ban nhân dân iii
- DANH MỤC BẢNG STT Tên bảng Trang 1 Bảng 3.1. Tình hình tiếp cận thông tin của công dân trong 85 mối quan hệ với công khai, minh bạch của chính quyền DANH MỤC BIỂU ĐỒ STT Tên biểu đồ Trang 1 Biểu đồ 3.1. Nhận xét, đánh giá của của công dân về công khai, minh bạch của chính quyền địa phương trong 89 một số lĩnh trong một số lĩnh vực quan trọng giai đoạn 2014-2022 2 Biểu đồ 3.2.Sự tham gia của người dân ở cơ sở giai đoạn 96 2014-2022 3 Biểu đồ 3.3.Tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan HCNN giai đoạn 2014- 105 2022 iv
- MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề được quan tâm trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Trong xã hội hiện đại, nhà nước do nhân dân thiết lập và trao quyền, nghĩa là quyền lực nhân dân trở thành quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước có khả năng bắt buộc công dân phải phục tùng ý chí của nhà nước, điều này dễ tạo ra xu hướng lạm quyền. Vì vậy, phải kiểm soát quyền lực nhà nước để tránh lạm quyền, lộng quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước sử dụng đúng mục đích, bảo đảm tự do, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Với tư cách là chủ thể quyền lực nhà nước, công dân có quyền giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị (…) xâm phạm quyền dân chủ của công dân” [28]. Thể chế hoá quan điểm trên, Hiến pháp năm 2013 đã làm nên cuộc cách mạng khi lần đầu tiên, chế định quyền con người, quyền công dân được trang trọng đưa lên Chương 2, quyền làm chủ của công dân được tiếp tục khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ” (Điều 2), “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức (CB,CC), viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Điều 8). Khẳng định được vị thế của mình, quyền giám sát của công dân (QGSCCD) trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến cả về “lượng” và về “chất”, “ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ trong xã hội được nâng lên” [29]. Hệ thống pháp luật về QGSCCD được quan tâm xây dựng, đồng bộ hơn, sát với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội; nhận thức, thái độ của cả hệ thống chính trị nói chung và công dân nói riêng về QGSCCD tăng lên đáng kể; số lượng, chất lượng kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, cử tri tăng lên về số 1
- lượng, thể hiện sự quan tâm, tính tích cực chính trị của công dân đối với công việc của nhà nước, địa phương và xã hội; các cơ quan nhà nước, đội ngũ CB,CC ngày càng hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Mặc dù có những bước tiến bộ, thay đổi so với trước đây, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, QGSCCD ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc cả về quan điểm, nhận thức, pháp luật và tổ chức bảo đảm thực hiện trên thực tế. Nhận thức về dân chủ, QGSCCD trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và công dân còn hạn chế, chưa đồng đều; tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi; QGSCCD ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Nội hàm QGSCCD chưa được minh định một cách thực sự rõ ràng; những vấn đề được công khai và những tài liệu, thông tin thuộc bí mật nhà nước chưa phân định cụ thể nên dễ dẫn đến cản trở việc giám sát, tiếp cận thông tin của công dân. Đối tượng giám sát đã được đề cập nhưng người dân không dễ tiếp cận, dễ nhầm lẫn và khó thực hiện. Pháp luật về QGSCCD đối với các cơ quan nhà nước trong khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp cận thông tin, nhất là giám sát các dự án đầu tư, tài sản cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, PCTN còn nhiều bất cập, lạc hậu, khó thực hiện trên thực tế. Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, thái độ, trách nhiệm của CB,CC đối với người dân trên thực tế chưa bảo đảm trong một xã hội dân chủ. Tiếng nói, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân trong một số trường hợp chưa thực sự được quan tâm, xử lý chậm, trách nhiệm chưa rõ ràng nên mang tính hình thức cao, khiến cho một bộ phận công dân chưa thực sự tâm huyết với các vấn đề chung của xã hội; xuất hiện tâm lý dao động, giảm lòng tin vào pháp luật và Nhà nước. Trong bối cảnh như vậy, việc phát huy QGSCCD đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước cần được nghiên cứu, hoàn thiện từ quyết tâm chính trị, thể chế đến tổ chức thực hiện và dỡ bỏ các trở ngại trên thực tiễn, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, hội nhập quốc tế; góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, PCTN, đảm bảo vị thế công dân trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó cũng chính là lý do nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài: “Quyền giám sát của công dân ở 2
- Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ ngành Luật học, chuyên ngành Luật hiến pháp và luật hành chính, mã số: 9 38 01 02. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích của luận án Trên cơ sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về QGSCCD, đánh giá thực trạng QGSCCD ở Việt Nam, luận án đề xuất các giải pháp bảo đảm QGSCCD ở Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ của luận án Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án xác định những nhiệm vụ nghiên cứu chính sau đây: Thứ nhất, đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, chỉ ra những nội dung nghiên cứu đã làm rõ, luận án có thể kế thừa, phát triển; xác định những vấn đề chưa được nghiên cứu toàn diện, hệ thống hoặc còn những quan điểm khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án. Thứ hai, nghiên cứu làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận về QGSCCD, bao gồm: khái niệm, đặc điểm, vai trò và các mối quan hệ QGSCCD; chủ thể, đối tượng và nội dung QGSCCD; các yếu tố bảo đảm thực hiện QGSCCD. Thứ ba, nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng QGSCCD ở Việt Nam hiện nay trên các phương diện: thực trạng pháp luật về QGSCCD; thực trạng thực thi QGSCCD; đánh giá khái quát những kết quả đạt được và nguyên nhân; những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế về QGSCCD ở Việt Nam hiện nay. Thứ tư, từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực trạng QGSCCD, đề tài xác định các quan điểm và đề xuất các giải pháp bảo đảm QGSCCD ở Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đề tài nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về QGSCCD ở Việt Nam hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Quyền giám sát của công dân có phạm vi rộng lớn, đối tượng phong phú, nội dung rất đa dạng. Vì vậy, trong khuôn khổ đề tài, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu: - Về nội dung: luận án tiếp cận QGSCCD với chủ thể quyền là công dân - thực thể có mối quan hệ chặt chẽ về chính trị, pháp lý đối với nhà nước. 3
- QGSCCD vì thế xác định đối tượng là hoạt động thực thi quyền lực của nhà nước trên các lĩnh vực (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Tiếp cận QGSCCD từ góc độ chuyên ngành Luật hiến pháp và luật hành chính, trước hết và quan trọng nhất là QGSCCD đối với hoạt động của nhà nước, trong đó, hoạt động quản lý hành chính nhà nước (HCNN) là lĩnh vực liên quan thường xuyên, mật thiết đến công dân và công dân cũng có khả năng thực hiện quyền giám sát của mình hiệu quả nhất. Vì vậy, để đảm bảo việc nghiên cứu có trọng tâm, những nhận định có tính chính xác và giải pháp có tính khả thi cao hơn, đề tài tập trung nghiên cứu chủ yếu về QGSCCD đối với hoạt động quản lý HCNN. - Về thời gian: đề tài nghiên cứu chủ yếu trong thời gian từ năm 2014 (thời điểm Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, ghi dấu mấu lịch sử trong việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung, QGSCCD nói riêng) đến hết năm 2022. - Về không gian: đề tài nghiên cứu về QGSCCD trên phạm vi cả nước. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Phương pháp luận được sử dụng trong luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩ duy vật lịch sử. Luận án triển khai nghiên cứu trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, quyền công dân, về nhà nước và pháp luật, về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. 4.2. Phương pháp nghiên cứu của luận án Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành luật học (trong đó trục chính là ngành Luật hiến pháp); phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành khoa học xã hội. Đặc biệt, luận án dựa trên phương pháp tiếp cận nghiên cứu dựa trên quyền (Human rights Based Approach – HRBA). Đây là cách tiếp cận phù hợp trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Hướng nghiên cứu này bổ sung cho các phương pháp nghiên cứu trước đây khi đề cao vấn đề cách thức thực hiện quyền thay vì chỉ nhấn mạnh đến nội dung quyền. Phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong luận án bao gồm các phương pháp: phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, mô tả, lịch sử, ... Cụ thể: 4
- Chương 1: để thực hiện được nhiệm vụ khảo cứu các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước liên quan đến QGSCCD, tác giả sử dụng phương pháp thống kê nhằm tập hợp tài liệu; sử dụng phương pháp phân tích, so sánh để đánh giá về tình hình nghiên cứu trong các công trình, sự tương đồng và khác biệt trong các quan điểm. Trên cơ sở đó, sử dụng kết hợp với phương pháp tổng hợp, tác giả đưa ra những nhận định, đánh giá tổng quan về tình hình nghiên cứu. Chương 2: nhằm giải quyết các vấn đề lý luận liên quan đến nội dung luận án, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích, tổng hợp, phương pháp nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội, phương pháp lịch sử để nghiên cứu về lịch sử, nguồn gốc QGSCCD. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp và phương pháp tiếp cận đa ngành luật học để đưa ra quan niệm, chủ thể, đối tượng, nội dung và các yếu tố bảo đảm thực hiện QGSCCD. Chương 3: tác giả sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp lịch sử, phương pháp tổng hợp, phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống, phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành khoa học xã hội, phương pháp nghiên cứu liên ngành và đa ngành luật học để đánh giá thực trạng pháp luật, thực trạng thực thi QGSCCD. Chương 4: tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp, phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh để xác định những quan điểm mang tính khoa học bảo đảm QGSCCD ở Việt Nam hiện nay. Để hoàn thiện phần giải pháp, tác giả sử dụng nhiều phương pháp, trong đó chủ yếu là phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp, bên cạnh đó là phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống, phương pháp luật học so sánh để đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm QGSCCD ở Việt Nam hiện nay. 5. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án Thứ nhất, luận án đã củng cố, hoàn thiện khái niệm QGSCCD trên cơ sở phân tích các quan niệm về giám sát, quyền công dân và QGSCCD trên thế giới và Việt Nam. Thứ hai, luận án đã nhận diện được chủ thể, phạm vi, đối tượng và nội dung QGSCCD nói chung và QGSCCD trong lĩnh vực quản lý HCNN nói riêng. 5
- Thứ ba, luận án đã chỉ ra tương đối toàn diện các yếu tố bảo đảm QGSCCD, trong đó nhấn mạnh yếu tố pháp lý trong bảo đảm QGSCCD. Thứ tư, từ góc độ chuyên ngành Luật hiến pháp và luật hành chính, luận án đã nghiên cứu tương đối toàn diện thực trạng pháp luật và thực trạng thực thi pháp luật QGSCCD ở Việt Nam hiện nay; xác định được những kết quả và nguyên nhân của kết quả, những hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế về thực trạng QGSCCD. Thứ năm, luận án đã xây dựng được các quan điểm và đề xuất giải pháp bảo đảm QGSCCD ở Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tổng thể, đồng bộ, có tính thời sự, nhấn mạnh trách nhiệm và bổn phận của nhà nước trong việc bảo đảm QGSCCD. 6. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của luận án Một là, kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần bổ sung, củng cố những vấn đề lý luận, khoa học cho việc hoàn thiện, bảo đảm QGSCCD trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hai là, luận án góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật, thực thi pháp luật về QGSCCD ở Việt Nam hiện nay bằng việc đề xuất các quan điểm, giải pháp bảo đảm QGSCCD theo tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ba là, luận án là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị và hữu ích phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục - đào tạo và trong hoạt động thực tiễn của những tổ chức, cá nhân có liên quan. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu. Chương 2. Những vấn đề lý luận về quyền giám sát của công dân. Chương 3. Thực trạng quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay. Chương 4. Quan điểm và giải pháp bảo đảm quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay. 6
- Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Các nghiên cứu trong nước và nước ngoài về quyền giám sát của công dân 1.1.1. Các nghiên cứu về lý luận quyền giám sát của công dân Ở trong nước, nghiên cứu về lý luận QGSCCD được thể hiện trong nhiều công trình như sách, đề tài nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn, bài báo, tạp chí... tiêu biểu như: Cuốn sách: Mối quan hệ pháp lý giữa cá nhân công dân với Nhà nước của tác giả Trần Ngọc Đường và Chu Văn Thành (1994), NXB Chính trị Quốc gia [31] đã phân tích những vấn đề lý luận về mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân. Các tác giả nhận định, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân là mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, chính mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân là cơ sở để công dân có thể thực hiện quyền, trong đó có quyền giám sát. Công dân đóng vai trò rất quan trọng, bảo đảm cho mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân không bị xâm phạm. Công trình nghiên cứu này tuy không đi sâu vào nghiên cứu về QGSCCD, nhưng đã chú trọng đi sâu vào nguồn gốc, bản chất giám sát của công dân đối với nhà nước. Công trình gợi mở cho nghiên cứu sinh nghiên cứu về cơ sở, nguồn gốc của QGSCCD. Có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu sinh khi nghiên cứu đề tài cả về mặt tri thức khoa học, phương pháp luận và cách tiếp cận, phải đề cập đến sách chuyên khảo của GS.TSKH. Đào Trí Úc - PGS.TS. Võ Khánh Vinh (Đồng chủ biên) (2003), Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay của, NXB Công an nhân dân [68]. Đây là công trình nghiên cứu một cách công phu, có hệ thống những vấn đề lý luận về giám sát và cơ chế giám sát thực hiện quyền lực ở nước ta hiện nay (quan niệm về giám sát, các loại và lĩnh vực nội dung giám sát, cơ sở khoa học của cơ chế kiểm tra, giám sát, trách nhiệm hiến pháp...), giám sát của bộ máy nhà nước (giám sát của Quốc hội và HĐND, giám sát của Chủ tịch nước, kiểm tra, thanh tra của Chính phủ và các cơ quan HCNN...), giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát thực hiện quyền lực nhà nước ở một số nước trên thế giới. 7
- Luận giải về quyền lực nhà nước, quyền công dân và mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và quyền công dân là nội dung tiêu biểu của cuốn sách: Quyền lực Nhà nước và quyền công dân của tác giả Đinh Văn Mậu (2003), NXB Tư pháp [58]. Quan điểm mấu chốt của tác giả là: khi công dân ủy quyền cho nhà nước thì nhà nước phải bảo vệ các quyền của công dân bằng việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, để tránh xu hướng lạm quyền thì quyền lực nhà nước cần phải được giám sát. Công trình nghiên cứu, đề cập đến hình thức giám sát bên trong và bên ngoài nhà nước. Giám sát của công dân được đề cập gián tiếp thông qua hình thức giám sát bên ngoài nhà nước, giám sát của công dân. Công trình dù đã ra đời khá lâu nhưng vẫn có tính thời sự và có giá trị tham khảo hữu ích cho nghiên cứu sinh khi tiếp cận lý luận về QGSCCD. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung có một số công trình nghiên cứu về kiểm soát, giám sát quyền lực nhà nước, tiêu biểu như: sách Sự hạn chế quyền lực nhà nước (2005), NXB Tư pháp [23], sách Nhà nước và trách nhiệm của Nhà nước (2006), NXB Tư pháp [24], sách Hạn chế sự tuỳ tiện của các cơ quan nhà nước (2010), NXB Tư pháp [25] và một số công trình khác đã phân tích và nhận định rằng: nhà nước do con người làm ra nên mang bản tính của con người - tính tuỳ tiện; nhà nước luôn có xu hướng lạm quyền. Để tránh được sự tha hóa quyền lực đó cần phải thực hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, bằng sự minh bạch của các cơ quan nhà nước và công luận. Vì vậy, để kiểm soát quyền lực nhà nước cần phải hoàn thiện QGSCCD, xây dựng và phối hợp nhiều cơ chế, trong đó giám sát của công dân đối với quyền lực nhà nước đóng vai trò quan trọng. Mặc dù các công trình chưa đi sâu vào QGSCCD nhưng những quan điểm về bản chất của quyền lực, “hạn chế quyền lực nhà nước” bằng báo chí, công khai minh bạch, vai trò của công dân đã định hướng cho nghiên cứu sinh về sự cần thiết, nội dung QGSCCD đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước. Giám sát của nhân dân đối với các cơ quan quyền lực nhà nước có thể kể đến cuốn sách chuyên khảo của tác giả Đặng Đình Tân (2006), NXB Chính trị quốc gia với nhan đề: Nhân dân giám sát các cơ quan dân cử ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới [110]. Trên cơ sở khẳng định quyền lực của dân là tối thượng, Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là khách thể của quyền lực nhà nước, tác giả 8
- khẳng định việc Nhân dân giám sát các cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND các cấp) là một yêu cầu bức thiết trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Về hình thức, Nhân dân giám sát các cơ quan dân cử có thể thực hiện thông qua sự giám sát trực tiếp của công dân và thông qua các tổ chức đại diện như MTTQVN, các đoàn thể nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí... Từ việc nghiên cứu thực tiễn tình hình giám sát của Nhân dân đối với các cơ quan dân cử ở Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu những nét chủ yếu của giám sát xã hội đối với các cơ quan dân cử ở những nước tư bản, công trình đề ra hệ thống những giải pháp cơ bản phát huy vai trò của Nhân dân thực hiện quyền giám sát các cơ quan dân cử ở nước ta. Công trình cung cấp cho luận án một mảng quan trọng liên quan đến giám sát của Nhân dân đến cơ quan quyền lực nhà nước. Tiếp cận trực diện hơn, sách: Quyền giám sát của dân và các tổ chức chính trị - xã hội đối với cán bộ, công chức, đảng viên và bộ máy nhà nước của NXB Văn hoá Thông tin (2007) [62] tập hợp các bài viết về cơ sở lý luận, khoa học về QGSCCD và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đội ngũ CB,CC, đảng viên và bộ máy nhà nước. Cuốn sách có giá trị tham khảo cho đề tài khi nghiên cứu cơ sở lý luận QGSCCD đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước. Tác giả Trịnh Thị Xuyến (2008) với cuốn sách: Kiểm soát quyền lực nhà nước - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia [143] đã tập trung nghiên cứu, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, công trình đề cập đến các hình thức kiểm soát quyền lực của công dân đối nhà nước qua báo chí, dư luận xã hội, quyền trưng cầu ý dân... Tiếp cận từ những vấn đề chung về kiểm soát, công trình có giá trị tham khảo tốt về hướng tiếp cận và gợi mở những hướng nghiên cứu về QGSCCD đối với các cơ quan nhà nước như một kênh kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả. Là tài liệu quý cho đề tài khi nghiên cứu về cơ sở, đối tượng, chủ thể cũng như các giải pháp để nâng cao hiệu quả QGSCCD phải đề cập đến cuôn sách của tác giả Đào Trí Úc (2010): Cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia [131]. Theo tác giả, cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước thông qua hai hình thức: một là, thông qua các tổ 9
- chức đại diện như Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…; hai là, trực tiếp giám sát của công dân. Trên thực tế, quyền dân chủ, quyền giám sát của nhân dân hiện nay nhiều khi còn mang tính hình thức, do đó, kết quả không đạt được như mong muốn. Sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền sự của dân, do dân, vì dân; đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng dân chủ xã hội đang là đòi hỏi cấp thiết, mở đường cho nhân dân có thể giám sát một cách thiết thực, hiệu quả. Tác giả đã tập trung làm rõ vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước và các thiết chế tổ chức trong hệ thống chính trị; từ đó đánh giá đúng thực trạng về sự tham gia của công dân vào việc giám sát cũng như thực trạng hoạt động của các cơ chế trong hệ thống chính trị nước ta; xây dựng các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của nhân dân; xây dựng và đề xuất các cơ chế và hình thức, các căn cứ pháp lý để nhân dân thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Tiếp cận dưới góc độ quyền con người, quyền công dân, sách chuyên khảo: Quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Đường (2011), NXB Chính trị Quốc gia [32] gồm năm phần, trong đó nhiều nội dung có giá trị cho đề tài khi nghiên cứu về QGSCCD. Cụ thể, về quan niệm quyền công dân, QGSCCD; sự phát triển của chế định quyền công dân trong các bản Hiến pháp; những bảo đảm pháp lý trong việc thực hiện quyền của công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giải pháp bảo đảm quyền công dân ở Việt Nam. Bên cạnh các công trình là sách chuyên khảo, tham khảo, QGSCCD cũng được tiếp cận ở các mức độ khác nhau trong các đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài khoa học cấp Bộ: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân và với Đảng cộng sản trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 do PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương làm Chủ nhiệm (2011) [41] là tài liệu quý, cung cấp cho nghiên cứu sinh nhiều gợi mở có giá trị khi nghiên cứu QGSCCD như nhận thức chung về nguyên lý chủ quyền nhân dân, nội dung, hình thức mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, tính đặc thù của mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt 10
- Nam, đánh giá thực trạng và đề xuất các mô hình hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. Đề tài cấp Nhà nước do GS.TS. Trần Ngọc Đường làm chủ nhiệm (2015): Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp hành pháp tư pháp ở nước ta [33] khẳng định giám sát của công dân có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, quyền con người, quyền công dân được đề cao. Công dân thực hiện giám sát quyền lực nhà nước thực chất là giám sát quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phương thức thực hiện quyền giám sát rất đa dạng: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, khởi kiện vụ án hành chính, báo chí… Về nội dung này có một số công trình tiêu biểu: - Bài: Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người và tài phán hành chính trong sách Tài phán hành chính trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay trong cuốn Tài phán hành chính trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, do tác giả Nguyễn Như Phát và Nguyễn Thị Việt Hương (Đồng chủ biên) (2010) NXB Khoa học xã hội [65] nêu lên quan điểm trong nhà nước pháp quyền thì tài phán hành chính góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân; công dân có thể sử dụng tài phán hành chính là công cụ bảo đảm quyền, là phương tiện giám sát đối với quyền lực nhà nước. - Kỷ yếu Hội thảo khoa học do Viện Nhà nước và Pháp luật (2015) tổ chức: Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về nhà nước và pháp luật trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng [137] có các bài có giá trị đối với đề tài như: Một số vấn đề về quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay; Kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay; Quyền tự do báo chí của công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Trách nhiệm giải trình của các thiết chế hiến định trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Hoàng Minh Hội (2014): Hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước [46] có nhiều giá trị đối với việc nghiên cứu đề tài. Về nội dung, luận án tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với 11
- cơ quan HCNN; quá trình hình thành, phát triển và thực trạng pháp luật pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan HCNN; quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan HCNN ở Việt Nam. Mặc dù luận án tiếp cận sâu vào việc nghiên cứu pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan HCNN – đối tượng và phạm vi hẹp hơn nhưng đây là tài liệu tham khảo có giá trị cho nghiên cứu sinh khi nghiên cứu về cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về QGSCCD ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu giám sát của công dân với tư cách là một bộ phận của giám sát xã hội đối với việc thực hiện quyền tư pháp có thể kể đến một công trình của tác giả Nguyễn Huy Phượng như bài báo: Giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 802. - tr. 53-57, 2008; sách: Giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tác giả Nguyễn Huy Phượng (2013), NXB Tư pháp [66]. Luận án tiến sĩ luật học của Nguyễn Chí Dũng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, 2009: Về cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp ở Việt Nam. Theo các tác giả, công dân có vai trò quan trọng trong việc theo dõi, quan sát, xem xét, đánh giá hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, cán bộ công chức trong tổ chức thực thi quyền tư pháp, nhằm bảo đảm cho các cơ quan, CB,CC của cơ quan tư pháp hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, giới hạn quyền lực được giao để các hoạt động thực hiện đúng pháp luật, khách quan, khoa học, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý; giữ vững bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Luận án tiến sĩ quản lý công của nghiên cứu sinh Vũ Duy Duẩn (2014): Giải quyết khiếu nại tố cáo – Phương thức bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay [22]. Luận án làm rõ cơ sở lý luận về giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo đảm pháp chế, kỷ luật trong quản lý HCNN. Trình bày thực trạng, quan điểm và giải pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tăng cường pháp chế và kỷ luật trong quản lý HCNN ở Việt Nam hiện nay. Các nghiên cứu lý luận về bảo đảm QGSCCD được thể hiện trong nhiều công trình: Cơ chế bảo bảo đảm và bảo vệ quyền con người do GS.TS. Võ 12
- Khánh Vinh (Chủ biên) có nhiều bài có giá trị đối với việc nghiên cứu đề tài như: Cơ chế bảo đảm và bảo vệ quyền con người: Nhận thức chung của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị; Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về bảo đảm và bảo vệ quyền con người của PGS.TS Đinh Ngọc Vượng; Chính sách bảo vệ quyền con người của Liên minh Châu âu của PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh; Giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân – Một cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay của PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương - ThS. Lê Thị Hồng Nhung. Các tác giả đã nghiên cứu nhận thức chung về cơ chế bảo vệ, bảo đảm cũng như các yếu tố tác động đến cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Từ cơ chế của Liên hiệp quốc và một số nước trong khu vực, các tác giả đã nêu rõ các cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam; đặc biệt là trong một số lĩnh vực cụ thể và cho những nhóm người cụ thể. Cuốn sách có giá trị quan trọng trong việc định hướng cho việc nghiên cứu về bảo đảm QGSCCD. Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Phạm Tuấn Anh (2015): Quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn [4] thể hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân và quyền giám sát có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân là một tập hợp quyền, quyền giám sát là một nội dung của quyền tham gia quản lý nhà nước. Để đảm bảo quyền tham gia quản lý nhà nước nói chung và QGSCCD nói riêng cần có các bảo đảm về chính trị, bảo đảm kinh tế, bảo đảm pháp lý và các bảo đảm xã hội khác. Trong các bảo đảm trên, tác giả tập trung đi sâu phân tích các bảo đảm pháp lý với nhiều nội dung: Quy định pháp luật xác định nội dung và cụ thể hoá quyền của công dân; trình tự, thủ tục pháp lý thực hiện quyêng của công dân; tổ chức bộ máy nhà nước và sự kiểm soát có hiệu quả quyền lực nhà nước và cơ chế pháp lý bảo vệ quyền của công dân. Tuy nhiên cũng có thể hiểu, QGSCCD không chỉ là một quyền cấu thành quyền tham gia quản lý nhà nước, nó có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả một số quyền của quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân (ví dụ quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…). Giữa hai quyền này có sự giao thoa và khác biệt. Do đó, những bảo đảm của quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân có giá trị tham khảo lớn khi nghiên cứu QGSCCD. 13
- Ở nước ngoài, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và công dân dân giám sát quyền lực nhà nước nói riêng được các học giả nghiên cứu từ rất sớm. Với quan điểm chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước thực chất là do nhân dân uỷ quyền, nhà nước cần phải dùng quyền lực chung đó nhằm bảo vệ cho các công dân là những tư tưởng được J.Lốccơ (1632-1704) thể hiện trong Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự, NXB Tri thức (2007) [53]. Theo đó, nhân dân có quyền giám sát, kiểm tra quyền lực nhà nước. Khi Nhà nước lạm quyền, xa rời lợi ích của dân chúng thì nhân dân có quyền hủy bỏ quy ước đó và lật đổ nhà nước. J.Lốccơ đã đặt nền móng đầu tiên cho việc phân chia và kiểm soát quyền lực nhà nước trong đó pháp luật được coi là phương tiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với quyền lực nhà nước. Thế kỷ XVIII xuất hiện nhà tư tưởng chính trị xuất sắc của nước Pháp là Montesquieu (1689-1775) với tác phẩm: Bàn về tinh thần pháp luật, NXB Giáo dục (2005) [60]. Với mục đích tạo dựng các thể chế chính trị bảo đảm tự do chính trị cho các công dân, Montesquieu cho rằng: Tự do chính trị là quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm và pháp luật trở thành thước đo của tự do. Ông khẳng định: Tự do chỉ có ở những thể chế chính trị mà trong đó pháp luật thống trị, pháp luật được bảo đảm khỏi sự phá vỡ nó bằng cách phân chia quyền lực tối cao thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kinh nghiệm lịch sử bao đời cho thấy, người nắm quyền lực thường có khuynh hướng lạm quyền và cách tốt nhất để chống lạm quyền là phải chống độc quyền, là phân chia sao cho các quyền này kiềm chế lẫn nhau [167]. Nhận thức cho thấy, tinh thần bình đẳng chân chính không phải làm cho mọi người đều là chỉ huy hay không ai bị chỉ huy, mà là chỉ huy những người bình đẳng với mình và phục tùng con người bình đẳng với mình. Nhưng tự do chính trị không đồng nghĩa muốn làm gì cũng được. Trong một nước có luật pháp, tự do chỉ có thể là được làm những cái nên làm và không bị bắt buộc những điều không nên làm, “tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép...”. Montesquieu luôn quan ngại đến sự tha hóa của các loại chính thể, nhất là chính thể dân chủ khi mà nền dân chủ trở nên cực đoan với hệ lụy là tình trạng vô chính phủ và tự do bị xâm hại. Montesquieu cho rằng: “Tự do chính trị của công dân là sự yên tâm vì mỗi người nghĩ rằng mình được an ninh. Muốn bảo đảm tự do chính trị như vậy thì Chính phủ phải làm thế nào để mỗi công dân không phải sợ một công dân khác” [170]. 14
- “Khi người dân trao quyền của mình cho người khác mà không có kiểm soát và tham gia một phần nào đó trong các quyết sách của xã hội thì nền dân chủ sẽ bị tiêu vong” là quan điểm của J.J.Roussau trong tác phẩm: Bàn về khế ước xã hội, NXB Lý luận chính trị (2004) [54]. J.J.Roussau đã luận bàn về biện pháp ngăn ngừa những vụ chính phủ cướp quyền. Khi người dân trao quyền của mình cho người khác mà không có kiểm soát và tham gia một phần nào đó trong các quyết sách của xã hội thì nền dân chủ sẽ bị tiêu vong. J.J.Roussau đã chỉ ra rằng: Những người được ủy thác nắm quyền hành pháp không phải là ông chủ của nhân dân mà chỉ là những công chức. Dân chúng có thể cất nhắc hay bãi miễn họ, họ không được phản kháng mà phải phục tùng. Khi thực hiện chức năng được quốc gia giao phó chính là họ làm nghĩa vụ công dân mà không có quyền đặt điều kiện với công dân [54]. Tư tưởng đó của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, một số người khi được dân giao quyền đã coi như đó là quyền của mình và sử dụng quyền lực đó để ban ơn cho những người đã giúp đỡ mình, những người thân cận, cùng ê kip… Vậy là tình trạng lạm quyền, cướp quyền sẽ xảy ra. Nếu có cơ chế giám sát quyền lực tốt, hữu hiệu thì sẽ hạn chế được tình trạng này. Đồng thời, J.J.Roussau đưa ra giải pháp kiểm soát quyền lực. Đó là kiểm soát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với cơ quan hành pháp của nó, nhằm đảm bảo cho cơ quan hành pháp phải tuân thủ ý chí chung của toàn thể dân chúng trong quốc gia. Theo ông, cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội nhân dân. Chính phủ phải do đại hội ấy bầu lên mới chính là cơ quan đại diện, cơ quan dân cử. Cơ quan đó không phải thực hiện lập pháp mà là thực hiện hành pháp. Như vậy là theo ông, kiểm soát quyền lực nhà nước phải từ phía người dân, trực tiếp từ đại hội nhân dân đối với chính phủ. Tác giả Mann M trong cuốn sách nhan đề: Nguồn gốc quyền lực xã hội (1986); Dahl Rober A trong tác phẩm: Dân chủ và những hạn chế của nó (1997); Sargent M trong cuốn: Quyền lực và duy trì của bất bình đẳng xã hội (1997) đều có điểm chung là kế thừa nguyên lý quyền lực thuộc về nhân dân của các nhà tư tưởng trước đây. Tuy nhiên, các ông cho rằng quyền lực nhà nước không chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị mà bảo vệ lợi ích của công cộng, của dân chúng. Do vậy, cần phải thiết chế mô hình để nhân dân giám sát nhà quyền lực nhà nước, phải được ghi nhận cụ thể trong pháp luật qua việc 15
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân ở Việt Nam hiện nay
185 p | 640 | 179
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp ở Việt Nam
178 p | 481 | 162
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
190 p | 405 | 114
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay
27 p | 248 | 41
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giao dịch dân sự có điều kiện theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam
304 p | 185 | 40
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo vệ quyền tác giả qua thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay
208 p | 92 | 36
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay
182 p | 89 | 33
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội dưới góc độ bảo vệ quyền làm mẹ của lao động nữ
134 p | 206 | 30
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam
305 p | 138 | 21
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân bằng tòa án theo pháp luật Việt Nam hiện nay
174 p | 66 | 20
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý tài sản phá sản theo pháp luật về phá sản ở Việt Nam hiện nay
204 p | 68 | 18
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay
179 p | 76 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 279 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật an sinh xã hội về các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam
205 p | 27 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
197 p | 66 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao trong các dự án về giao thông đường bộ theo pháp luật Việt Nam
163 p | 38 | 9
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
27 p | 60 | 7
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật an sinh xã hội về các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam
23 p | 16 | 6
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn