Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
lượt xem 9
download
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài "Biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" nhằm đưa ra những vấn đề lý luận, lý thuyết về biểu tượng văn hoá; thông qua cách thức thể hiện hình ảnh chủ đề trên tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiền thân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, luận án sẽ nhận diện các biểu tượng văn hoá trên tiền giấy, và phân tích, giải mã các biểu tượng để thấy được ý nghĩa của biểu tượng và đặc trưng văn hóa Việt được thể hiện trên hệ thống tiền giấy.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- 1 NCS chịu trách nhiệm về những lời cam đoan trên là đúng sự thực.
- 2 MỤC LỤC MỞ ĐẦU ............................................................................................................................... 4 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN .......................................................................................... 12 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI ................. 12 1.2. CƠ SỞ LÝ LUẬN ........................................................................................................ 24 1.3. KHÁI QUÁT VỀ TIỀN GIẤY NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM .................................................................................................................................... 40 CHƯƠNG 2. BIỂU TƯỢNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN TIỀN GIẤY VIỆT NAM .................................................................................................................................... 48 2.1. NHẬN DIỆN BIỂU TƯỢNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN TIỀN GIẦY VIỆT NAM QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ........................................................................... 48 2.2. Ý NGHĨA VĂN HÓA CỦA BIỂU TƯỢNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN TIỀN GIẤY VIỆT NAM ............................................................................................................... 57 CHƯƠNG 3. BIỂU TƯỢNG CON NGƯỜI TRÊN TIỀN GIẤY VIỆT NAM ............ 76 3.1. NHẬN DIỆN BIỂU TƯỢNG CON NGƯỜI TRÊN TIỀN GIẤY VIỆT NAM QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ............................................................................................... 76 3.2. Ý NGHĨA VĂN HÓA CỦA BIỂU TƯỢNG CON NGƯỜI TRÊN TIỀN GIẤY VIỆT NAM .................................................................................................................................... 82 CHƯƠNG 4. BIỂU TƯỢNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC TRÊN TIỀN GIẤY VIỆT NAM .................................................................................................................................. 104 4.1. NHẬN DIỆN BIỂU TƯỢNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC TRÊN TIỀN GIẦY VIỆT NAM QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ......................................................................... 104 4.2. Ý NGHĨA VĂN HÓA CỦA BIỂU TƯỢNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC .............. 113 KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 133 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ .................................... 139 CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ................................................................... 139 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................ 140 PHỤ LỤC.............................................................ERROR! BOOKMARK NOT DEFINED.
- 3 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT BBPV : biên bản phỏng vấn CNXH : chủ nghĩa xã hội DCCH : dân chủ cộng hòa đ : đồng NCS : Nghiên cứu sinh NHQGVN : Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Nxb : Nhà xuất bản Tiền giấy Việt Nam : Tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tr : trang
- 4 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Tiền giấy không chỉ là phương tiện định giá giá trị vật chất trao đổi, thực hiện các chức năng thanh toán, lưu thông…, mà còn mang giá trị văn hóa - lịch sử. Trong lịch sử tiền tệ thế giới, những sự thay đổi về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia đều được thể hiện trên các tờ tiền. Nhìn vào hệ thống tiền giấy, chúng ta có thể thấy được đặc điểm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi đất nước trong các giai đoạn phát triển. Ở Việt Nam, tiền giấy cũng phản ánh rõ nét đặc trưng văn hoá dân tộc và đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong các giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến nay. Dù có sự thay đổi khá nhiều về hình thức, chất liệu, kỹ thuật in, với nhiều mệnh giá và nhiều mẫu tiền, tính từ những tờ giấy bạc Việt Nam đầu tiên đến bộ tiền hiện hành, nhưng hệ thống tiền giấy Việt Nam vẫn là một dòng chảy liền mạch, thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc thông qua các biểu tượng văn hoá trên các tờ tiền. Mỗi tờ tiền được thiết kế theo những yêu cầu, quy chuẩn riêng về chất lượng, kỹ thuật, đồng thời cũng gửi gắm những thông điệp văn hoá, chính trị thông qua những hình ảnh, biểu tượng văn hoá, cho nên tiền giấy là một sản phẩm văn hoá đặc biệt. Chính vì thế những hình ảnh, chủ đề được thể hiện trên 2 mặt của tờ tiền đều được lựa chọn kỹ càng, là những biểu tượng văn hoá tiêu biểu, được hình thành trong tâm thức của cả cộng đồng dân tộc và có sự liên kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau về nội dung, ý nghĩa nhằm chuyển tải thông điệp văn hóa, cũng như thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trên thực tế, tiền giấy Việt Nam còn đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lớn lao, vừa khẳng định chủ quyền về lĩnh vực tiền tệ, vừa khẳng định chủ quyền văn hoá của một đất nước độc lập. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, giấy bạc Việt Nam chính thức được phát hành. Từ đây, Việt Nam có đồng tiền riêng của mình với các hình ảnh tiêu
- 5 biểu về đất nước, con người Việt Nam, thể hiện những thông điệp rõ ràng, cụ thể về thể chế chính trị, về đặc trưng văn hoá và quyền độc lập, tự chủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong lịch sử Việt Nam, tiền giấy là một thực thể lưu truyền văn hoá dân tộc. Trên các tờ tiền đều thể hiện những hình ảnh tiêu biểu về đất nước, con người Việt Nam được khái quát thành các biểu tượng, cùng với các hoa văn, hoạ tiết trang trí,... đã thể hiện rõ nét đặc trưng văn hoá dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp được đúc kết từ truyền thống đến hiện đại và gắn liền với những biến động lịch sử. Mỗi biểu tượng văn hoá trên các tờ tiền đều hội tụ những giá trị văn hoá Việt Nam và chứa đựng ý nghĩa vượt ra ngoài hình thức thực tế mà chúng thể hiện. Bởi vậy, mỗi tờ tiền được coi như một “bản vẽ văn hoá thu nhỏ” về đất nước và con người Việt Nam. Nghiên cứu về đồng tiền Việt Nam là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm và đã có nhiều tài liệu nghiên cứu, nhưng chủ yếu tiếp cận dưới góc độ lịch sử, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, chứ chưa có nhiều công trình tiếp cận từ góc độ văn hóa, cụ thể hơn là biểu tượng văn hóa. Trên thực tế, tiền giấy cũng mới được quan tâm chủ yếu ở giá trị vật chất, kinh tế, mà chưa được chú ý nhiều về giá trị văn hóa. Một phần nguyên nhân cũng là do chưa có nhiều công trình nghiên cứu về giá trị văn hoá của tiền giấy, một phần khác là do người dân chưa được tiếp cận đầy đủ về các khía cạnh giá trị của tiền giấy. Chính vì vậy, tìm hiểu và giải mã được các biểu tượng văn hoá trên tiền giấy sẽ góp phần luận giải được ý nghĩa của một số biểu tượng văn hóa quốc gia trong giai đoạn cận - hiện đại, tìm hiểu được thông điệp văn hóa trên hệ thống tiền giấy Việt Nam và khẳng định được giá trị văn hoá của tiền giấy cũng như bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện trên những tờ tiền. Đó là lý do NCS chọn nghiên cứu đề tài “Biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với các bộ tiền giấy được phát hành từ năm 1945 đến nay.
- 6 2. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở đưa ra những vấn đề lý luận, lý thuyết về biểu tượng văn hoá; thông qua cách thức thể hiện hình ảnh chủ đề trên tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiền thân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đây gọi tắt là tiền giấy Việt Nam), luận án sẽ nhận diện các biểu tượng văn hoá trên tiền giấy, và phân tích, giải mã các biểu tượng để thấy được ý nghĩa của biểu tượng và đặc trưng văn hóa Việt được thể hiện trên hệ thống tiền giấy. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu - Làm rõ những vấn đề lý luận về biểu tượng, biểu tượng văn hoá, tiền giấy và các khái niệm liên quan. Khái quát lịch sử tiền giấy Việt Nam và bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội của đất nước, làm cơ sở nhận diện thông điệp trên các tờ tiền. - Nhận diện 03 biểu tượng văn hoá chính trên tiền giấy Việt Nam và cách thức thể hiện 03 biểu tượng văn hoá này trên các mẫu tiền. - So sánh, đối chiếu và luận giải ý nghĩa của 03 biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy Việt Nam từ năm 1945 đến nay, từ đó thấy được đặc trưng văn hoá dân tộc thể hiện trên tiền giấy. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng Ba biểu tượng văn hóa tiêu biểu trên hệ thống tiền giấy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng con người và biểu tượng quê hương, đất nước. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu được giới hạn trong hệ thống tiền giấy do nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiền thân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành từ năm 1945 đến năm 2021, được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Không bao gồm những giấy tờ có giá được phát hành ở một số địa phương trước năm 1975.
- 7 Về phạm vi biểu tượng nghiên cứu: Có thể thấy có nhiều hình ảnh chủ đề được thể hiện trên 02 mặt của tờ tiền đều mang tính biểu tượng cho văn hóa dân tộc như: Quốc huy, Quốc hiệu, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cùng với các hoa văn, hoạ tiết trang trí. Mỗi biểu tượng đều có ý nghĩa và giá trị quan trọng, tuy nhiên NCS lựa chọn 03 biểu tượng văn hoá chính để nghiên cứu là: biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng con người và biểu tượng quê hương, đất nước vì 03 biểu tượng văn hoá này được thể hiện xuyên suốt trong hệ thống tiền giấy Việt Nam, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về ý nghĩa văn hoá, chính trị, đồng thời thể hiện rất rõ bản sắc và tâm thức văn hoá dân tộc. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu - Phương pháp luận: Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa và vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển xã hội. Trên nền tảng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin, gắn với bối cảnh cụ thể và quan điểm, đường lối của Đảng trong từng giai đoạn lịch sử, luận án phân tích, giải mã các biểu tượng văn hóa với góc nhìn khách quan, toàn diện để xác định đặc điểm, cách thức thể hiện biểu tượng và giải mã ý nghĩa văn hóa của 03 biểu tượng trên hệ thống tiền giấy Việt Nam. Bên cạnh đó, NCS sử dụng cách tiếp cận liên ngành văn hoá, lịch sử, chính trị, mỹ thuật để nghiên cứu biểu tượng văn hoá trên tiền giấy Việt Nam, vì nghiên cứu biểu tượng văn hoá là lĩnh vực liên ngành. Cụ thể là nghiên cứu biểu tượng trên tiền giấy gắn liền với bối cảnh lịch sử, chính trị của đất nước và nghệ thuật thể hiện biểu tượng trên tiền giấy để thấy được tác động của tâm thức văn hoá, tư duy thẩm mỹ và những yếu tố lịch sử, chính trị đến việc lựa chọn, thể hiện biểu tượng trên tiền giấy, cùng với những thông điệp và ý nghĩa của chúng.
- 8 - Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: + Phương pháp phân tích - tổng hợp: NCS sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để phân tích các đặc điểm nghệ thuật, cách thức thể hiện 03 biểu tượng văn hóa trên tiền giấy (đường nét, bố cục, màu sắc…), gắn với bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, từ đó tổng hợp những đặc điểm nổi bật để giải mã ý nghĩa của các biểu tượng. Ngoài ra NCS phân tích và tổng hợp các ý kiến chuyên gia và những tài liệu liên quan đến biểu tượng văn hoá trên tiền giấy..., từ đó đánh giá, phân loại tài liệu nhằm luận giải các vấn liên quan đến biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy Việt Nam. + Phương pháp khảo sát, thống kê, mô tả: NCS tiến hành khảo sát 104 bản mẫu tiền giấy Việt Nam từ năm 1945 đến nay để mô tả cụ thể các hình ảnh chính trên tiền giấy (các hình ảnh nào xuất hiện trên mặt trước, mặt sau của từng mẫu tiền, đặc điểm của từng hình ảnh trên tiền); thống kê tần suất xuất hiện các biểu tượng trên các tờ tiền, vị trí thể hiện, góc độ thể hiện, cách thức thể hiện các biểu tượng (màu sắc, không gian, bố cục), thống kê từng đặc điểm riêng của mỗi biểu tượng (số lần xuất hiện các giai cấp, tầng lớp trên tiền giấy; số lần xuất hiện các chủ đề về phong cảnh, về hoạt động lao động sản xuất,…) để đánh giá được đặc điểm của các biểu tượng, gắn với bối cảnh xã hội để làm nền tảng nhận diện ý nghĩa của các biểu tượng trên tiền giấy Việt Nam. + Phương pháp so sánh - đối chiếu: Để làm rõ giá trị, ý nghĩa các biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy Việt Nam, NCS sẽ sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu sự giống nhau, khác nhau giữa các hình thức, cách thức, tần suất xuất hiện các biểu tượng trong từng giai đoạn tiền giấy, từ đó thấy được sự thay đổi, biến chuyển các biểu tượng văn hoá trên tiền giấy Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử. Tiến hành so sánh, đối chiếu cách thể hiện 03 biểu tượng văn hóa (chân dung, con người, phong cảnh) trên tiền giấy Việt Nam với việc thể hiện các biểu tượng văn hoá đó trên tiền giấy của một số nước (châu Âu, châu
- 9 Á, châu Mỹ), tiền Đông Dương, tiền của chế độ Việt Nam Cộng hoà và trên một số sản phẩm văn hoá khác (tem thư, tranh vẽ). Từ đó phân tích, nhận diện đặc điểm khác biệt và ý nghĩa của biểu tượng văn hoá trên tiền giấy Việt Nam và sự thay đổi biểu tượng văn hoá trên hệ thống tiền giấy Việt Nam. + Phương pháp nghiên cứu định tính: NCS sử dụng các thao tác nghiên cứu phỏng vấn sâu, hồi cố và tham vấn ý kiến chuyên gia. NCS phỏng vấn sâu 02 hoạ sĩ thiết kế tiền về: ý tưởng thiết kế tiền giấy, ý nghĩa các biểu tượng trên tiền giấy…, 02 cán bộ làm công tác văn hóa để đưa ra đánh giá về các biểu tượng trên tiền giấy; hồi cố và tham vấn ý kiến 09 họa sĩ và 03 cán bộ nguyên lãnh đạo ngân hàng thông qua một số các tài liệu đã xuất bản (do có nhiều hoạ sĩ đã mất). Từ đó có căn cứ làm rõ giá trị văn hoá của tiền giấy Việt Nam và các ý nghĩa, thông điệp được thể hiện qua biểu tượng văn hoá trên tiền giấy. 6. Câu hỏi nghiên cứu - Các biểu tượng văn hóa in trên tiền giấy Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2021 và sự chuyển biến của các biểu tượng này qua các thời kỳ được thể hiện như thế nào? - Ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa in trên tiền giấy Việt Nam thể hiện những giá trị, đặc trưng gì của văn hóa dân tộc Việt Nam? 7. Giả thuyết nghiên cứu - 03 biểu tượng văn hoá trọng tâm trên tiền giấy Việt Nam từ năm 1945 đến nay có sự chuyển biến nhằm phản ánh mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong các giai đoạn lịch sử, nhưng luôn có tính thống nhất cao. - Các biểu tượng văn hoá trên tiền giấy Việt Nam đều mang thông điệp, ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tâm thức và bản sắc văn hoá dân tộc. 8. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 8.1. Ý nghĩa lý luận - Luận án đóng góp một số nội dung về nghiên cứu biểu tượng văn hóa trên tiền giấy Việt Nam như hệ thống hóa tư liệu về biểu tượng văn hóa trên
- 10 tiền giấy; xác định được 03 biểu tượng văn hóa chính được thể hiện xuyên suốt và thống nhất trên tiền giấy Việt Nam. - Luận giải ý nghĩa văn hóa của 03 biểu tượng trên tiền giấy, xác định được đây là các yếu tố quan trọng của tiền giấy, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và thể hiện được đặc trưng văn hóa dân tộc. - Nhận diện được sự chuyển biến của các biểu tượng văn hóa trên tiền giấy Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn gắn liền với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và có sự tiếp biến văn hóa trong giai đoạn cận hiện đại. 8.2. Ý nghĩa thực tiễn - Góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về giá trị văn hoá của tiền giấy Việt Nam. - Có thể ứng dụng vào thực tiễn, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hoá của tiền giấy Việt Nam đến bạn bè quốc tế, nhằm nâng cao giá trị đồng tiền Việt Nam. - Có thể đóng góp nội dung, làm phong phú hơn các nghiên cứu về tiền giấy Việt Nam. 9. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận án kết cấu làm 4 chương. Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn của luận án Trong chương này, NCS tổng hợp cơ sở lý thuyết và một số khái niệm liên quan đến biểu tượng, ký hiệu học và lịch sử tiền giấy Việt Nam; tổng quan các công trình nghiên cứu đi trước của các học giả trên thế giới và ở Việt Nam về lý thuyết, lý luận biểu tượng học, ký hiệu học và các nghiên cứu thực tiễn về biểu tượng văn hoá và tiền giấy Việt Nam. Dựa trên cơ sở lý thuyết ký hiệu học, NCS tiếp cận các biểu tượng văn hóa như là một yếu tố của ký hiệu để tìm hiểu các tầng ý nghĩa của biểu tượng, đặc điểm về thể chế chính trị, truyền
- 11 thống và bản sắc văn hoá dân tộc gắn với lịch sử tiền giấy ở Việt Nam. Hệ thống tiền giấy được phân kỳ căn cứ vào tình hình lịch sử, văn hoá của từng giai đoạn, từ đó có thể giải mã ý nghĩa, giá trị của các biểu tượng văn hoá trọng tâm trên tiền giấy Việt Nam. Chương 2. Biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam Trong Chương 2, NCS phân tích, giải mã biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy trong 03 giai đoạn lịch sử thể hiện trên tất cả các mẫu tiền từ năm 1945 đến nay. Thông qua việc thống kê, tổng hợp, phân tích, đánh giá các yếu tố: tần suất xuất hiện, nghệ thuật thể hiện, vị trí, góc độ và cách thức thể hiện chân dung Bác trên tiền giấy Việt Nam, từ đó nhận diện và nêu ý nghĩa, giá trị văn hóa của biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam. Chương 3. Biểu tượng con người trên tiền giấy Việt Nam NCS khảo sát, nhận diện biểu tượng con người trên hệ thống tiền giấy Việt Nam thông qua nghệ thuật, cách thức thể hiện con người Việt Nam trên 104 mẫu tiền từ năm 1945 đến nay, đồng thời gắn với bối cảnh lịch sử để thấy được ý nghĩa của biểu tượng con người trên tiền giấy. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, hình ảnh con người mới trên tiền giấy được thể hiện có sự khác nhau rõ nét, phản ánh mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn, cũng thể hiện tư duy thẩm mỹ, đặc trưng văn hoá của dân tộc. Chương 4. Biểu tượng quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam Qua khảo sát, phân tích tần suất xuất hiện, nghệ thuật và cách thức thể hiện hình ảnh quê hương, đất nước trên tiền giấy Việt Nam, NCS nhận diện, phân tích và tìm hiểu ý nghĩa của các hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam được biểu tượng hóa trên tiền giấy. Đây là một trong 03 biểu tượng chính trên tiền giấy Việt Nam đươc thể hiện phong phú, đa dạng về chủ đề, cách thức song vẫn có sự thống nhất cao, thể hiện xuyên suốt hệ tư tưởng, tư duy thẩm mỹ và đặc trưng văn hoá dân tộc.
- 12 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến biểu tượng văn hoá trên tiền giấy Việt Nam, để thuận lợi trong việc đánh giá, phân tích các nội dung của luận án, NCS chia thành 02 nhóm là những công trình nghiên cứu về lý thuyết, lý luận về biểu tượng học, ký hiệu học và những công trình nghiên cứu về thực tiễn về biểu tượng văn hóa và tiền giấy Việt Nam. 1.1.1. Những nghiên cứu lý thuyết, lý luận về biểu tượng học, ký hiệu học Trên thế giới, nghiên cứu biểu tượng dù đã xuất hiện từ trước Công nguyên, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nghiên cứu biểu tượng mới được coi như một ngành khoa học độc lập. Còn ở Việt Nam, khoa học nghiên cứu biểu tượng đã du nhập vào trong nước từ hơn 100 năm trước, tuy nhiên các công trình nghiên cứu chuyên biệt về biểu tượng và biểu tượng văn hóa thì mới xuất hiện trong mấy thập kỷ gần đây. Vì đây là một khoa học liên ngành, nên các nghiên cứu về biểu tượng rất phong phú, dưới nhiều góc độ, mà ở phạm vi luận án khó có thể đề cập đầy đủ được. Vì vậy, NCS lựa chọn giới thiệu một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về lý thuyết, lý luận về biểu tượng học, ký hiệu học của các học giả nước ngoài và ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài trước hết phải kể đến tác phẩm “Mỹ học” của nhà triết học Georg W. F. Hegel [103]. Ngoài những kiến thức đồ sộ về mỹ học, về ý niệm cái đẹp, nghệ thuật…, ông đã đề cập đến biểu tượng và coi biểu tượng là một trong những thành tố quan trọng tạo nên những giá trị thẩm mỹ của các xã hội tiền giai cấp. Tác phẩm “Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy” (1922) của nhà triết học Pháp Lucien Lévy Bruhl [95] đã lý giải về các kinh nghiệm thần bí và biểu tượng liên quan đến tâm tính, khuynh hướng tâm lý và đời sống của người
- 13 nguyên thủy; phân tích được bản chất và những chức năng của biểu tượng, gắn với những đặc điểm tư duy của người nguyên thủy, đặc biệt là định luật "sự tham dự"…; đồng thời tập hợp được khối tư liệu rất phong phú. Công trình này cũng đưa ra một số diễn giải về lý thuyết biểu tượng và luận giải những hành động có tính biểu tượng của người nguyên thủy. Nghiên cứu biểu tượng trên cơ sở lý thuyết ký hiệu học phải kể đến nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Sausure. Những công trình nghiên cứu của ông trong đó có tác phẩm “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương” [116] là cơ sở quan trọng để ra đời hệ thống lý thuyết nghiên cứu biểu tượng dưới góc độ ký hiệu học với mô hình cấu trúc ban đầu là: Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, mỗi ký hiệu gồm “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. Ngoài ra phải kể đến Iuri Lotman, học giả người Nga với rất nhiều công trình nghiên cứu mang tính hệ thống về nền tảng tri thức ký hiệu học, về biểu tượng văn hóa. Cuốn “Ký hiệu học văn hóa” là tổng hợp nhiều chuyên luận, trình bày những ý kiến độc đáo của ông về những khái niệm phức tạp như ký hiệu, biểu tượng, huyền thoại, văn bản, ngôn ngữ nghệ thuật… Trong chuyên luận “Biểu tượng trong hệ thống văn hóa”, ông cho rằng biểu tượng xuất hiện như là một máy tích điện của tất cả các nguyên tắc của tính ký hiệu và đồng thời vượt ra ngoài giới hạn của tính ký hiệu, đồng thời khẳng định biểu tượng ở bình diện biểu hiện cũng như nội dung, bao giờ cũng là một văn bản [108, tr.218-231]. Mặc dù lý thuyết của Iuri Lotman về biểu tượng văn hóa chủ yếu lấy văn bản làm trung tâm, song đây là nền tảng rất quan trọng để NCS áp dụng vào luận án nhằm xây dựng cơ sở lý luận về biểu tượng văn hoá. Ngoài ra còn có những công trình nghiên cứu biểu tượng với các quan điểm khác như: “Phân tâm học và văn hóa tâm linh” (Sigmund Freud và cộng sự) [102] giới thiệu một số bài viết về tục tôtem, biện chứng của cái tôi và vô thức,…; “Man and his symbol” [107] của nhà tâm lý học Carl Gustav Jung tiếp cận biểu tượng trong mối liên quan chặt chẽ đến các giác quan của con người;
- 14 nhà xã hội học Émile Durkheim, Talcote Parsons, hay nhà nhân học văn hoá Franz Boas, Margaret Mead... nghiên cứu biểu tượng trong sự gắn kết chặt chẽ với sự phát triển tư duy, nhận thức xã hội và thế giới quan, cũng là nghiên cứu nền tảng tinh thần của các dân tộc; nhà nhân chủng học Claude Levi-Strauss thi cho rằng tất cả các sản phẩm xã hội là các hệ thống biểu tượng; mọi nền văn hoá có thể được xem như là 1 tổng thể các hệ thống biểu tượng [dẫn theo 32, tr.143]. Ngoài ra còn có cuốn “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” [96] của Jean Chevalier và Alain Gheerbran, bàn luận về lý thuyết biểu tượng và giải mã các biểu tượng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Cuốn từ điển đã đề cập khái quát về đặc trưng của biểu tượng, phân biệt thuật ngữ “biểu tượng” với các thuật ngữ gần nghĩa như: biểu hiệu, vật hiệu, phúng dụ, ẩn dụ,…, đồng thời đề cập đến một số lý thuyết biểu tượng của các học giả trên thế giới. Bên cạnh đó, với các phụ đề: huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình,… cuốn từ điển đã bao quát được nhiều nền vǎn hoá trên thế giới liên quan đến các phương diện dân tộc học, xã hội học, tâm lý học, thần thoại học...; và có những luận giải sâu sắc, độc đáo, với lượng thông tin phong phú để giải mã các biểu tượng (các mục từ) của các nền văn hoá trên thế giới, từ biểu tượng các con vật, các tục lệ, vật dụng, các màu sắc,... đến biểu tượng các vị thần. Hay cuốn sách “Dấu hiệu, biểu tượng và thần thoại” của Luc Benoist (năm 1975) khái quát về dấu hiệu, thuyết cử chỉ và thế giới biểu trưng, trong đó luận giải ý nghĩa các biểu tượng, dấu hiệu trên thế giới từ lửa, không khí, nước, con số và màu sắc; đồng thời cũng đề cập tới nghi lễ và thần thoại; tóm tắt về những vấn đề của biểu tượng và bước đầu phân biệt khái niệm "biểu tượng" với “biểu trưng”, “dấu hiệu”… Các công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam: cũng có nhiều công trình nghiên cứu lý thuyết, lý luận về biểu tượng học, ký hiệu học. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong một số tác phẩm: “Văn hóa Việt Nam và cách tiếp
- 15 cận mới” (1994), “Bản sắc văn hoá Việt Nam” (1998), “Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” (2007)… đều đề cập đến biểu tượng. Tác giả cho rằng biểu tượng thuộc về thế giới đầu óc con người, do đó nó trở thành nguồn cội của các sản phẩm văn hoá: “con người lao động, tức là tạo ra một vật mới theo cái mô hình có sẵn trong đầu óc anh ta, do đó anh ta cùng một lúc sống hai thế giới, thế giới thực tế và thế giới các biểu tượng” [60, tr.15]. Nhà nghiên cứu Phạm Đức Dương trong cuốn “Từ văn hóa đến văn hóa học” cho rằng quan hệ tương tác của văn hoá là “Quan hệ giữa Con (tự nhiên) và Người (văn hoá) và thế giới biểu tượng mà con người đã sáng tạo nên. Đó là tâm điểm của sự tương tác giữa 3 thế giới (thực tại - ý niệm - biểu tượng) và tính hợp trội hay tính đặc trưng của văn hoá sẽ được giải mã từ thế giới biểu tượng” [18, tr.307]. Một số luận giải về biểu tượng cũng được thể hiện trong tác phẩm "Văn hoá học" và “Những bài giảng văn hóa” của nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc, “30 thuật ngữ nghiên cứu văn hoá” của tác giả Bùi Quang Thắng chủ biên. Các tác giả đã dành những chương, mục cụ thể trình bày nghiên cứu khái quát về biểu tượng, trong đó giải thích một cách hệ thống về thuật ngữ, nguồn gốc và những đặc trưng cơ bản của biểu tượng. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm đưa ra quan niệm về biểu tượng văn hóa trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (1995), “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam: cái nhìn hệ thống - loại hình” (1996),... và nhiều bài viết khác. Theo tác giả, văn hóa như một hệ biểu tượng, tính biểu trưng là một đặc điểm quan trọng của văn hoá và biểu tượng là sản phẩm của hoạt động biểu trưng. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng trong cuốn “Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm” (2000) cho rằng, con người không chỉ có một thế giới thực mà còn sáng tạo ra một thế giới các biểu tượng mô phỏng rồi dẫn dắt trở lại hiện thực [88, tr.47]. Trong cuốn "Từ điển thuật ngữ văn học" [68] của tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi có mục từ "biểu tượng" được giải nghĩa với các góc nhìn triết học, tâm lý học, mỹ học, văn học,... Theo các tác giả, quá trình tạo nghĩa của biểu tượng thường có lịch sử lâu đời hàng vạn
- 16 năm và ý nghĩa của biểu tượng không ngừng được bổ sung, đồng thời xuất hiện thêm nhiều biểu tượng mới. Bên cạnh đó có những công trình nghiên cứu chuyên biệt về lý thuyết biểu tượng, ký hiệu học như "Từ ký hiệu đến biểu tượng" (2018) [22] - tác giả Trịnh Bá Đĩnh chủ biên. Phần 1 cuốn sách là các vấn đề lý luận về ký hiệu, biểu tượng, biểu tượng nghệ thuật, biểu tượng trong tác phẩm văn học; tổng hợp một số xu hướng nghiên cứu biểu tượng trên thế giới (nhân - triết học, ký hiệu học văn hóa, phân tâm học…); và dịch công trình của Todorov về lịch sử các quan niệm về biểu tượng. Phần 2 là thực hành phân tích một số biểu tượng trong các tác phẩm văn học. Cuốn sách trình bày bài bản, đưa ra các quan điểm trên thế giới và quan điểm của nhóm tác giả về biểu tượng, tuy nhiên tác giả chủ yếu đi sâu vào phân tích biểu tượng nghệ thuật trong các tác phẩm văn học. Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải cũng có công trình nghiên cứu chuyên biệt về biểu tượng là “Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết” [32]. Đây là công trình bao quát về lý thuyết nghiên cứu biểu tượng với 4 phần chính, trong đó có 3 phần bàn về lý thuyết biểu tượng gồm: các phân tích, đánh giá khái quát về nghiên cứu biểu tượng trên thế giới và Việt Nam; giới thiệu một số quan điểm về nghiên cứu biểu tượng của các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới với các hướng tiếp cận khác nhau. Tác giả cũng đưa ra quan điểm và hướng nghiên cứu của mình là với góc nhìn nhân học biểu tượng, trên nền tảng ký hiệu học, đồng thời khuyến nghị lựa chọn khung lý thuyết và hướng tiếp cận phù hợp căn cứ vào thực tế Việt Nam. Cuốn sách là công trình có giá trị về biểu tượng, có tính khái quát cao, phân tích rõ ràng, có hệ thống, giúp người đọc tiếp cận bước đầu với lý thuyết về biểu tượng. Từ các công trình nghiên cứu tiêu biểu về lý thuyết, lý luận liên quan đến biểu tượng học, ký hiệu học, NCS có một số nhận xét sau: Các công trình nghiên cứu về lý thuyết biểu tượng có nội dung phong phú, trình bày có hệ thống về các hướng nghiên cứu biểu tượng, từ nhân học, xã hội học, phân tâm
- 17 học, mỹ học… đến văn hóa học. Các nghiên cứu cũng đề cập cụ thể đến các khái niệm, quan niệm, đặc điểm, chức năng, tính chất... của biểu tượng và phân biệt với các thuật ngữ gần giống với biểu tượng. Trên thế giới đã hình thành các hệ thống lý thuyết rõ ràng về nghiên cứu biểu tượng, ở Việt Nam cũng bước đầu hình thành hệ thống lý thuyết tổng thể và chủ yếu nghiên cứu theo lý thuyết ký hiệu học. Những công trình nghiên cứu về lý thuyết biểu tượng nêu trên là cơ sở rất quan trọng, làm nền tảng để NCS xác định hướng nghiên cứu luận án. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu trên, thuật ngữ “biểu tượng văn hoá” đang được hiểu và sử dụng giống như thuật ngữ “biểu tượng”, mà chưa có khái niệm cụ thể hoặc sự phân biệt thực sự rõ ràng, trong khi đã có các quan niệm riêng về “biểu tượng nghệ thuật”, “biểu tượng văn học” hay “biểu tượng tôn giáo”. Đây chính là nội dung mà NCS có thể tiếp cận cụ thể hơn về khía cạnh lý thuyết trong luận án này. 1.1.2. Những nghiên cứu thực tiễn về biểu tượng văn hóa và tiền giấy Việt Nam Trong phần này, để có cái nhìn tổng thể về các công trình nghiên cứu thực tiễn về biểu tượng văn hóa và tiền giấy Việt Nam của các học giả nước ngoài và trong nước, NCS chia thành 03 nhóm các công trình nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu về biểu tượng văn hoá trên tiền giấy của các học giả nước ngoài, phải kể đến Unwin & Hewitt (người Anh) với chuyên luận “Banknotes and National Identity in Central and Eastern Europe” (2001) [115] đã cung cấp cái nhìn tổng quan về hình ảnh trên tiền giấy được lưu hành cuối những năm 1990 ở 17 quốc gia Trung và Đông Âu, khẳng định tiền giấy là biểu hiện quan trọng của bản sắc dân tộc và có sự thay đổi về biểu tượng trên tiền giấy do tác động về chính trị và sự chuyển dịch văn hóa. Tác giả Jacques E.C.Hymans (Đại học Nam California) trong chuyên luận “East is East, and West is West? Currency iconography as nation-branding in the wider Europe” (2010) [105] khẳng định tiền tệ không chỉ có giá trị vật chất mà còn là phương
- 18 tiện tuyên truyền của nhà nước và là sản phẩm văn hóa; những hình ảnh trên tiền giấy thể hiện “diễn ngôn về bản sắc dân tộc” và quảng bá thương hiệu quốc gia; tác giả cũng nhận định sự thay đổi của các “xu hướng biểu tượng” trên tiền giấy ở châu Âu như: thể hiện đa dạng hình ảnh nhân vật trên tiền giấy hơn, thiên về thể hiện hạnh phúc của con người, hay xu hướng “chủ nghĩa hậu hiện đại” với những cánh cửa tưởng tượng và những cây cầu bắc qua những cảnh quan mang tính biểu trưng trên tờ Euro… Các tác giả Anat First và Na'ana Sheffi (người Israel) trong chuyên luận “Border and banknotes: The national perspective” (2015) [91] khẳng định tiền giấy đại diện cho “chủ quyền biên giới văn hóa” của mỗi quốc gia, qua nghiên cứu trường hợp tiền giấy Israel. Theo tác giả, phân tích các địa điểm, cảnh quan và nhân vật lịch sử trên tiền giấy có thể giải mã được “bản sắc lãnh thổ” của tiền giấy; tiền giấy cũng thể hiện nỗ lực tạo dựng văn hóa chung Châu Âu trong thời đại toàn cầu thể hiện qua những hình ảnh trên đồng tiền Euro... Trong chuyên luận "The power of Hegemony: human figures on Israeli banknotes" [92] (2019) cũng của 02 tác giả này đã bàn luận, phân tích, giải mã ý nghĩa biểu tượng con người, thông qua 33 nhân vật trên tiền giấy Israel, biểu trưng cho sức mạnh/quyền lực của những người lãnh đạo. Ngoài ra còn nhiều tác giả khác cũng tìm hiểu về tính bản sắc dân tộc qua các biểu tượng trên tiền giấy của một số nước như Anders Ravn Sorensen (Đại học Copenhagen) đề cập đến tiền tệ và bản sắc dân tộc trong chuyên luận “Monetary organization and national identity: a review and considerations” (2015); Matthias Kaelberer (Đại học Memphis) đánh giá mối quan hệ giữa tiền tệ, bản sắc tập thể và hội nhập châu Âu trong chuyên luận "The euro and european identity: symbols, power and the politics of european monetary union" (2004); Simon Hawkins (Đại học Franklin & Marshall) xem xét các hình ảnh trên tiền giấy Tunisia và vai trò của nó trong việc xây dựng và duy trì
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Văn Hóa học: Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)
260 p | 257 | 58
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay
310 p | 193 | 53
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Sinh hoạt văn hóa Quan họ làng (qua trường hợp làng Quan họ Viêm Xá)
176 p | 158 | 33
-
Tóm tắt Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
24 p | 200 | 27
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Bản địa hóa Đức mẹ Maria tại Việt Nam
229 p | 93 | 20
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Diễn ngôn về giới trên truyền thông sau đổi mới
234 p | 47 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Sự dung hợp giữa phật giáo Bắc Tông với tín ngưỡng dân gian ở tỉnh Tiền Giang
255 p | 41 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Hát Xoan Phú Thọ trong bối cảnh di sản hóa ở Việt Nam
293 p | 65 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 qua nghiên cứu kênh VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam
242 p | 21 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Không gian sáng tạo trong đời sống văn hóa đô thị (qua nghiên cứu một số không gian sáng tạo tại Hà Nội)
174 p | 27 | 10
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa trầm hương Việt Nam
221 p | 17 | 8
-
Tóm tắt Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi của diễn xướng nghi lễ lên đồng (qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Nam Định)
27 p | 98 | 7
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng ở Bắc Ninh hiện nay (qua trường hợp làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong và làng Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du)
192 p | 12 | 7
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn Hóa học: Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)
28 p | 111 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa: Hệ thống thẩm mĩ trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ
163 p | 31 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Chợ Tiền Giang từ góc nhìn văn hóa học
26 p | 10 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa trầm hương Việt Nam
27 p | 9 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng ở Bắc Ninh hiện nay (qua trường hợp làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong và làng Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du)
27 p | 8 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn