Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Thơ nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (từ 1925 đến 1940)
lượt xem 7
download
Luận văn tìm hiểu và đánh giá những đóng góp của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế trong sự nghiệp sáng tác của tác giả. Phân tích những biểu hiện của nội dung, nghệ thuật, qua hệ thống đề tài, chủ để, ngôn ngữ, thể loại, từ đó khái quát những đặc điểm cơ bản của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Thơ nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (từ 1925 đến 1940)
- ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC --------------- NGUYỄN HẢI YẾN THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT PHAN BỘI CHÂU THỜI KỲ Ở HUẾ (TỪ 1925 ĐẾN 1940) Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã ngành: 60 22 01 21 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: TS. TRẦN THỊ LỆ THANH Thái Nguyên, năm 2017
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận văn đều trung thực và chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nào khác. Thái Nguyên, tháng 6 năm 2017 Tác giả luận văn Nguyễn Hải Yến
- i LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Văn – Xã hội, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo đã trực tiếp giảng dạy trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giáo viên hướng dẫn TS Trần Thị Lệ Thanh đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời gian tác giả nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân và bạn bè đã giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn. Thái Nguyên, tháng 6 năm 2017 Tác giả luận văn Nguyễn Hải Yến
- ii MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN................................................................................................ i LỜI CẢM ƠN ..................................................................................................... i MỤC LỤC ........................................................................................................... ii MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 4 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................. 4 2. Lịch sử vấn đề ................................................................................................. 6 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu. ................................................................ 10 4. Nhiệm vụ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. ....................................... 11 5. Phạm vi nghiên cứu: ...................................................................................... 11 6. Cấu trúc của luận văn: ..................................................................................... 12 7. Đóng góp của luận văn ................................................................................... 12 NỘI DUNG ......................................................................................................... 14 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG ............................................................. 14 1.1. Khái niệm thơ Nôm Đường luật................................................................... 14 1.2. Sự vận động thể loại của Nôm Đường luật ở nửa đầu thế kỷ XX. .............. 15 1.2.1. Quá trình hình thành và phát triển của thơ Nôm Đường luật trước thế kỷ XX. ...................................................................................................................... 15 1.2.2. Thơ Nôm Đường luật ở nửa đầu thế kỉ XX. ................................................. 19 1.3. Phan Bội Châu với Nôm Đường luật ........................................................... 20 1.3.1. Cuộc đời Phan Bội Châu. .......................................................................... 20 1.3.2. Sự nghiệp sáng tác của Phan Bội Châu..................................................... 23 1.3.3. Vị trí của thơ Nôm Đường Luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế trong dòng văn học yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. ................................................................ 25 Chương 2: BỨC CHÂN DUNG TỰ HỌA CỦA ÔNG GIÀ BẾN NGỰ TRONG NÔM ĐƯỜNG LUẬT ........................................................................................ 29 2.1. Quan điểm sáng tác và thế giới quan Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. .......... 29
- iii 2.1.1. Bối cảnh lịch sử xã hội và văn học tác động đến thế giới quan Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế ............................................................................................. 29 2.1.2. Quan điểm sáng tác ................................................................................... 34 2.1.3. Thế giới quan, nhân sinh quan .................................................................. 35 2.2. Thơ Nôm Đường luật và bức chân dung tự họa của ông già Bến Ngự ....... 40 2.2.1. Vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng. ........................................ 40 2.2.1.1. Lòng yêu nước thương dân. ................................................................... 40 2.2.1.2. Tâm trạng phẫn uất và lý tưởng anh hùng. ............................................ 47 2.2.1.3. Tinh thần lạc quan chiến thắng hoàn cảnh. ............................................ 58 2.2.2. Vẻ đẹp tâm hồn thi sĩ với tấm lòng nhân đạo bao la. ...................................... 63 2.2.2.1. Tâm hồn thi sĩ với vẻ đẹp thiên nhiên. ................................................... 63 2.2.2.2.Tấm lòng nhân đạo dành cho con người. ................................................ 68 Chương 3: THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT PHAN BỘI CHÂU THỜI KỲ Ở HUẾ TỪ GÓC NHÌN NGÔN NGỮ VÀ THỂ LOẠI .................................................. 76 3.1. Đặc điểm ngôn ngữ trong thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu ...................... 79 3.1.1. Đặc điểm từ vựng của Nôm Đường luật Phan Bội Châu. ......................... 76 3.1.2. Dấu ấn ngữ âm và ngữ pháp trong Nôm Đường luật ................................ 85 3.2. Thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế và những biến đổi thể loại ....................................................................................................................... 84 3.2.1. Những biến đổi thể loại của Nôm Đường luật bát cú Phan Bội Châu. ..... 84 3.2.1.1. Vần ......................................................................................................... 86 3.2.1.2. Nhịp điệu ................................................................................................ 87 3.2.1.3. Niêm luật ................................................................................................ 91 3.2.2. Những biến đổi thể loại của Nôm Đường luật tứ tuyệt Phan Bội Châu. .. 94 3.2.2.1. Vần ......................................................................................................... 94 3.2.2.2. Nhịp điệu ................................................................................................ 95 KẾT LUẬN ......................................................................................................... 96 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 99 PHỤ LỤC ............................................................................................................ 106
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Thơ Đường luật được người Việt Nam sử dụng vào việc sáng tác rất sớm, trước thế kỷ X khi nền văn học trung đại Việt Nam chưa chính thức ra đời. Tới thế kỷ XIII, thơ Đường luật đã được Việt hóa và phát triển cao vào thế kỷ XV - XVI. Đến thế kỷ XVIII - XIX, người Việt Nam đã coi thơ Đường luật như chính thể thơ của dân tộc. Sang đầu thế kỷ XX, với việc sáng tác bằng chữ quốc ngữ, thơ Đường luật một lần nữa chứng tỏ sức sống lâu bền của nó. Lịch sử các thể loại thơ ca Việt Nam ghi nhận, gắn với mỗi loại chữ viết khác nhau (chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) thơ Đường luật có số phận lịch sử và những thành tựu khác nhau. Nghiên cứu thơ Đường luật, gắn với yếu tố văn tự trong một thời kỳ lịch sử hoặc một tác giả cụ thể, chính là đánh giá sức sống và thành tựu của từng bộ phận, từng tác giả thơ Đường luật Việt Nam trong tiến trình thơ ca dân tộc. 1.2. Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX được xem là giai đoạn “giao thời”, với sự đấu tranh giữa thơ Cũ và thơ Mới, giữa truyền thống và cách tân, tồn tại nhiều khuynh hướng, dòng phái khác nhau. Từ góc độ thể loại, không ít người cho đây là thời điểm thơ tự do thắng thế, thơ Đường luật nói chung bị xem là hết mùa, lỗi thời. Mặc dù trong công trình nghiên cứu về Đặc điểm thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, tác giả Trần Lệ Thanh đã đi đến kết luận “Con số hơn 5000 bài thơ Đường luật của gần 400 tác giả thuộc nhiều bộ phận, nhiều tầng lớp khác nhau cho phép khẳng định sự hiện diện bề thế của thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”[14, tr 17 ] song đi sâu tìm hiểu thơ Đường luật của từng tác giả để thấy được những đóng góp riêng trong diện mạo chung ấy lại là điều mới chỉ được gợi ra chứ chưa thực hiện. Phan Bội Châu là người có số lượng thơ Đường luật nhiều hơn cả so với các tác giả đương thời như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hồ Chí Minh, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Trần Huy Liệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bích Khê.... Trong số hàng nghìn tác phẩm để lại, sáng tác thơ Đường luật luôn chiếm số lượng vượt trội. Đặc
- 2 biệt, chỉ trong vòng 15 năm ở Huế (từ 1925 đến 1940), Phan Bội Châu đã sáng tác tới 572 bài Nôm Đường luật trên tổng số gần 800 tác phẩm giai đoạn này (nhiều hơn gấp bốn lần so với hai mươi năm trước đó). Nghiên cứu thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, chẳng những mang đến cho người đọc một cách nghĩ, một cái nhìn mới mẻ về những đóng góp của thơ Đường luật nửa đầu thế kỷ XX nói chung, mà còn ghi nhận những đóng góp của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu nói riêng trong lịch sử văn học Việt Nam. 1.3. Trong khoảng hai mươi năm đầu của thế kỷ XX, ba chữ Phan Bội Châu đã trở thành biểu tượng của niềm tin, hy vọng và tự hào đối với mỗi người Việt Nam. Mặc dù đương thời, Phan Bội Châu rất thích hai câu thơ của Viên Mai: “Túc dạ bất vong duy trúc bạch - Lập thân tối hạ thị văn chương” (Khuya sớm những mong ghi sử sách – lập thân hèn nhất ấy văn chương), nhưng thực tế đã để lại một sự nghiệp văn chương vô cùng đồ sộ bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Trong bối cảnh “hắc ám và buồn lạnh” [1] của đất nước, nhà chí sĩ yêu nước họ Phan đã nhận thấy văn chương là diễn đàn duy nhất để tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, bày tỏ chí khí và tâm trạng phẫn uất của mình trước tình cảnh nước mất nhà tan. Sáng tác văn chương với Phan Bội Châu gắn với từng giai đoạn, vừa là nhu cầu, vừa là nhiệm vụ khẩn thiết. Nếu trong thời kỳ trước và sau khi xuất dương, thơ văn Phan Bội Châu “đốt lửa” và “truyền lửa” tới muôn triệu trái tim người Việt, thì trong thời kỳ bị bắt và giam lỏng ở Huế, thơ văn của Cụ lạilà một quyết tâm không nản mỏi “thân ấy hãy còn sự nghiệp còn”, một tấm lòng đau đáu với non sông. Rất tiếc, khi nghiên cứu sự nghiệp thơ văn Phan Bội Châu, hầu hết các công trình bài viết đều chỉ tập trung vào những sáng tác thời kỳ trước và sau khi xuất dương, mà chưa quan tâm thỏa đáng tới thơ văn thời kỳ ở Huế của Cụ. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế “do tầm nhìn bị hạn hẹp và do những hạn chế khách quan của việc cầm bút… chỉ có thể nói nhiều đến lớp người nghèo”[1, tr 258]. Nghiên cứu thơ Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, chẳng những góp phần hiểu thêm về cuộc đời Phan Bội Châu mà còn là một việc làm
- 3 công bằng và cần thiết để hiểu thêm về tài năng, trí tuệ, tình cảm và phong cách của nhà thơ lớn này. 1.4. Hiện nay ở các trường phổ thông, học sinh được học thơ văn của Phan Bội Châu qua hai tác phẩm Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông và Lưu biệt khi xuất dương. Đây là những bài thơ Đường luật được sáng tác ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp sáng tác văn chương của Cụ. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể cung cấp thêm cơ sở và cái nhìn đối sánh, giúp các thầy cô giáo và các em học sinh hiểu thêm về thơ văn Phan Bội Châu. 1.5. Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: Thơ Nôm Đường luật của Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (1925 -1940) làm nội dung nghiên cứu. Hy vọng đề tài được thực hiện thành công sẽ có những đóng góp cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. 2. Lịch sử vấn đề Là "đại diện tiêu biểu nhất trong lịch sử và lịch sử văn chương Việt Nam trong mở đầu thế kỉ XX” [28]. Phan Bội Châu được rất nhiều người quan tâm nghiên cứu, đánh giá. Tuy nhiên luận văn do đặt vấn đề nghiên cứu thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, nên trong phần lịch sử vấn đề chỉ điểm lại những công trình, bài viết đánh giá về sáng tác Phân Bội Châu thời kỳ này. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin được điểm qua các công trình bài viết theo những khuynh hướng nghiên cứu đã có. 2.1. Một số nghiên cứu, đánh giá chung về thơ văn Phan Bội Châu. Tác giả đầu tiên chúng ta phải kể đến, đó là Đặng Thai Mai và Hoài Thanh. Cả hai nhà nghiên cứu “đều dành nhiều công sức và tâm huyết cho Phan Bội Châu; đều viết về Phan như là để trả một món nợ lớn nhất trong đời nghề nghiệp của mình” [28]. Với Đặng Thai Mai, trong tác phẩm được đánh giá cao là Văn thơ Phan Bội Châu, khi khai thác những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời, con người và thơ văn Phan Bội Châu, tác giả cho rằng: “Sự nghiệp văn chương của Phan
- 4 Bội Châu nói cho cùng là kết tinh trên tình hình chính trị của đất nước, trên truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh của dân tộc, của nhân dân và có phần của nhân dân xứ Nghệ trong lịch sử nước nhà, bảy tám mươi năm trước đây” [8, tr 655]. Và cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu khác, Đặng Thai Mai khẳng định “Phan Bội Châu là một nhà chính trị. Con người viết văn, người làm thơ trong Phan Bội Châu nhất trí với con người chính trị” [8, tr 649], “Văn chương Phan Sào Nam là một bộ phận quan trọng trong công tác cách mạng của nhà chí sĩ. Chủ đề tư tưởng lớn trong văn thơ Phan Bội Châu là tinh thần yêu nước, tinh thần chống thực dân Pháp. Đó là tính chất nhất trí của văn thơ họ Phan ” [8, tr 713]. Nhưng Đặng Thai Mai cũng có một phát hiện khá mới mẻ về sáng tác của Phan Bội Châu khi cho rằng Phan Bội Châu chính là “một người mở đường” về phương diện văn học phục vụ nhiệm vụ cho chính trị. Văn chương Phan Bội Châu đặc biệt là vào khoảng 1900 – 1925 luôn luôn thấm nhuần tinh thần đó. Vì vậy thơ văn chữ Hán của Phan Sào Nam “ tuyệt không hề có cái ý vị siêu thoát của nhiều thi sĩ đời Lí, đời Trần; không có tinh thần ẩn dật của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… càng không có cái giọng đau xót của Nguyễn Du hay của Nguyễn Hành. Văn chương Phan Bội Châu thuộc về dòng văn thơ chiến đấu của Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão,…” [8, tr 757]. Với Hoài Thanh, viết về “một trong những con người Việt Nam đẹp nhất” [13, tr 609], trong Phan Bội Châu – cuộc đời và thơ văn, Hoài Thanh toàn tập (tập III), NXB Văn học, Hà Nội -1999, ngay từ những lời nói đầu, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã khẳng định: “từ tuổi lên chín, lên mười, tôi đã thuộc nhiều câu thơ của Phan Bội Châu. Vì làng tôi không mấy ai không thuộc Lời huyết lệ gửi về trong nước Kể tháng ngày chưa được bao lâu Nhác trông phong cảnh thần châu
- 5 Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn…. (Hải ngoại huyết thư II, Lê Đại dịch) Trong đầu óc một em bé nhà nho, cơ hồ chưa ra khỏi mấy rặng tre làng quen thuộc, những câu thơ ấy đã mở ra những chân trời mới, đã gợi lên những suy nghĩ và cảm xúc thắm thiết, bao la. Có thể nói thơ Phan Bội Châu đã góp sức đưa đến phong trào yêu nước rộng lớn, nhất là của học sinh và sinh viên trong dịp hai cụ Phan về nước (1925). Một phong trào đã dấy lên mạnh mẽ và phát triển liên tục trong mấy năm. Một phần cũng bởi được thơ văn Phan Bội Châu nuôi dưỡng" [13, tr 375]. Thơ văn Phan Bội Châu trong sáu bảy chục năm ròng, từ tuổi ấu thơ cho đến ngày tắt thở, nhất là trong những năm đầu về nước luôn mang một giọng thơ hùng tráng, sôi nổi tinh thần cách mạng “nó là tiếng nói của một tâm hồn lớn, một hoài bão lớn” [13, tr 581] dù có khi “đau xót rất nhiều mà vẫn tràn đầy dũng khí và niềm tin” [13, tr 510]. Và “tinh thần lãng mạn cách mạng là đặc điểm và cũng là phần thành công, là giá trị của văn thơ Phan Sào Nam”[13, tr 774]. Như vậy với Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, “Phan Bội Châu là một tác gia lớn, một nhân cách lớn, có một sự nghiệp lớn trong một bước ngoặt lịch sử, và làm nên lịch sử một bước ngoặt trong văn chương dân tộc” [28]. Trong cuốn Văn học Việt Nam 1900 -1945, các tác giả Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (NXB Giáo dục 2004), khi giới thiệu về thơ văn Phan Bội Châu (chương IV) đã khẳng định “Trong một phần tư thế kỉ, ông là ngôi sao dẫn đường cho dân tộc chống thực dân Pháp, giành độc lập. Phan Bội Châu cũng là nhà văn tiêu biểu nhất cho văn học thời kì đó…Sáng tác của ông không những đứng đầu về số lượng, chất lượng, tác dụng mà còn phản ánh xu thế , vận mệnh của văn học yêu nước lúc đó rõ ràng nhất, đầy đủ nhất” [3, tr 89].
- 6 Thơ văn Phan Bội Châu (cho đến những năm 1925) đậm “chất hùng tráng, có sức kích động sấm chớp”. Ông luôn “táo bạo đi đầu, không ngần ngại đổi mới” [3, tr 94]. Từ tuồng Trưng nữ vương, các truyện ngắn trong Việt Nam vong quốc sử đến tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử đã có sự cách tân văn chương; thử ngòi bút khắp các thể loại, viết về người anh hùng cứu nước đặc biệt là những anh hùng “bị sử sách bỏ quên” với một tình cảm đặc biệt quý mến. Vì vậy tác phẩm của Phan Bội Châu “có ảnh hưởng sâu rộng đến cả một thế hệ, tiêu biểu cho cả một thời đại: thời cận đại ngắn chỉ vài chục năm đầu thế kỉ XX” [3, tr 134]. Đến Văn thơ Phan Bội Châu của Nguyễn Đình Chú, NXB Giáo dục -1976, chúng ta hiểu thêm về cuộc đời và con người của “cái tên đẹp một thời”. “Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại” [2]. Và Phan Bội Châu cũng là nhà văn ưu tú của dân tộc. “Văn thơ Phan Bội Châu là đỉnh cao của thơ ca cách mạng đầu thế kỉ”[2, tr 9]. Dù là viết bằng chữ Hán hay viết bằng tiếng Việt; dù viết khi ở trong nước hay khi ra nước ngoài cho đến thời gian bị giam lỏng ở Huế thì ngòi bút Phan Bội Châu vẫn sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng anh hùng. Không chỉ căm giận và tố cáo thực dân Pháp cùng tay sai, văn thơ Phan Bội Châu nhất là thời kỳ phát triển cao đã làm nhiệm vụ khích lệ, động viên, tập hợp quần chúng và mang đậm tinh thần lạc quan. “Tinh thần lạc quan này làm cho văn thơ Phan Bội Châu đượm màu sắc lãng mạn…một thứ lãng mạn cách mạng, tích cực…vì chính nó bắt rễ rất sâu từ hiện thực cuộc sống và đấu tranh cho cuộc sống” [2, tr 21]. Một công trình khác phải nhắc tới khi nói về Phan Bội Châu đó là Phan Bội Châu, về tác gia và tác phẩm do Chương Thâu - Trần Ngọc Vương tuyển chọn và giới thiệu. Chuyên luận có hơn 57 bài viết tập trung nghiên cứu Phan Bội Châu theo từng phần: Phần một - Người khổng lồ trong thế giới bề bộn tập hợp các bài viết về toàn bộ hoạt động nói chung của nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu. Phần hai - “Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng” là các bài viết phân tích đánh giá về sự
- 7 nghiệp sáng tác văn học của Phan Sào Nam trong đó có những tác phẩm cụ thể như Văn tế Phan Châu Trinh, Truyện Phạm Hồng Thái, Hải ngoại huyết thư, Khổng học đăng, Trùng Quang tâm sử, …Phần ba - Những dấu ấn không mờ giới thiệu những hồi ức về Phan Bội Châu của những nhà hoạt động cách mạng, nhà tri thức ở trong và ngoài nước. Có thể thấy những bài viết trong cuốn sách này đã thể hiện nhiều phát hiện khoa học lý thú về Phan Bội Châu dưới góc độ không chỉ là một nhà thơ, nhà văn, nhà cách mạng mà còn là nhà văn hóa, nhà tuyên truyền, người khai sáng những tư tưởng tiến bộ,…. Đồng thời các học giả đã có những lời bình sắc sảo về thơ văn của Cụ. Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu có giá trị khác viết về Phan Bội Châu của Thế Nguyên, Lê Trí Viễn, Phong Lê, Trần Văn Giàu,Cao Thị Hảo, Kiều Văn, Đào Văn Hội, Thế Nguyên, Nguyễn Quang Tô, Phạm Thế Ngũ...Mỗi một tác giả nhìn nhận về Phan Bội Châu và thơ văn của Cụ ở góc độ khác nhau, mỗi một lời bình khá lí thú và hấp dẫn đã mở ra rất nhiều vấn đề mới. Đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, chúng ta đã thấy có rất nhiều luận văn, bài báo, tư liệu, văn sử,…viết về Phan Bội Châu như: Năm 1978, tại Viện Nam Á của Đại học Heidelberg (Đức) nhà “Việt Nam học” Jorgen Unsselt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ mang đầu đề: “Vietnam: Die nationalistische und marxislische Ideologie im Spatwerk von Phan Bội Châu, 1867-1940” (Việt Nam: những tư tưởng yêu nước và mácxít trong những tác phẩm cuối đời của Phan Bội Châu, 1867-1940). Năm 1980 Edward Maliki (Ba Lan) sau khi sang Đại học Tổng hợp Việt Nam nghiên cứu, trở về nước đã bảo vệ luận án Tiến sĩ mang tựa đề: Thơ văn yêu nước và cách mạng của Phan Bội Châu. Năm 2005, trong cuộc hội thảo “Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông D du” Kawamoto Kuniê (Nhật) đã có bài tham luận: Về tác phẩm Việt Nam vong quốc sử...
- 8 Gần đây tháng 5-2007, tại cuộc Hội thảo Quốc tế về Phong trào Duy tân ở Việt Nam tại thành phố Aix-en Provence, nhà nghiên cứu Ives Le Jariel, trong bản tham luận của mình, đã đề cập một trường hợp cụ thể, có tựa đề: “Phan Bội Châu: một cánh tay chia ra cho những người Công giáo” (la main tendue au Catholiques)… Nhìn một cách tổng quát các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu trên đây, chúng ta thấy số lượng bài viết khá nhiều, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu là rất lớn, rất tích cực. Nhưng các công trình nghiên cứu từ trước đến nay ngoài việc sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu thơ văn Phan Bội Châu thì phần lớn chủ yếu thường chỉ chú ý đến con người lịch sử, chính trị, con người yêu nước Phan Bội Châu; nghiên cứu những sáng tác ở giai đoạn trước năm 1925 và khẳng định giá trị nội dung tư tưởng của bộ phận sáng tác này, đánh giá sự thành công của Cụ về phương diện tuyên truyền cách mạng. Còn thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế do nhiều hoàn cảnh khác nhau mà công việc nghiên cứu chưa được đầy đủ và thường được nghiên cứu trong trạng thái gộp chung với toàn bộ sáng tác của Phan Bội Châu hoặc chưa có được sự đánh giá đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu. Cụ thể: 2.2. Những nghiên cứu về thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. Theo Đặng Thai Mai, nếu thơ ca Phan Bội Châu trong mấy mươi năm “bút mực tung hoành” đã thể hiện được tất cả cái tinh thần yêu nước nồng nàn của cả một dân tộc trong thời đại lúc bấy giờ thì văn chương của Ông già Bến Ngự sau này “đặm úa một màu xám, ảm đạm, thê lương, của một cuộc đời không hy vọng” [8, tr 658]. Trần Đình Hượu cho rằng “Tất cả sáng tác của Phan Bội Châu giai đoạn 1925 – 1940, nhất là từ 1930 về sau, là tiếng nói của người chí sĩ cô độc, tuy vẫn giữ lòng yêu nước sắt son nhưng nội dung không hợp với phong trào thực tế. Trong thơ đoạn sau bộc lộ âm hưởng bi thảm, thất vọng, khác hẳn thơ văn Phan Bội Châu trước đây” [27].
- 9 Khác với những ý kiến trên, trong chuyên khảo Thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (1925-1940) của Trần Anh Vinh và Chương Thâu giới thiệu và tuyển chọn (NXB Thuận Hóa, 1987), trên cơ sở tìm hiểu một số phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật các tác giả đã khẳng định những sáng tác trong giai đoạn này là di vật quý giá của người chiến sĩ họ Phan để lại cho kho tàng văn học dân tộc: “là một di sản văn học đồ sộ hơn bất cứ một chí sĩ nào, một nhà văn vào cùng thời…Nó đã cùng với dòng yêu nước cách mạng, dòng văn học vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng góp phần thức tỉnh, giáo dục lòng yêu nước, yêu dân, gieo cấy được nhiều hạt giống tốt cho những mùa gặt lớn sau này” [20, tr 15]. Bên cạnh đó cũng có một số luận văn, khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế như: Đặc điểm thơ Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (Khóa luận tốt nghiệp trường ĐH Khoa học khóa 33), Tâm sự của "Ông già bến ngự" những ngày ở Huế qua thơ Quốc âm (Khóa luận tốt nghiệp của Nguyễn Thị Thúy trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh năm 1999), Khảo sát thơ ca Phan Bội Châu mười năm năm cuối đời qua ba phương diện Chủ đề, đề tài, thể loại và ngôn ngữ (Luận văn thạc sĩ của Lê Thị Hoài An trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2008), …Ngoài ra có khá nhiều bài viết bình giảng, đánh giá về cái hay, cái đẹp trong một số tác phẩm của Phan Bội Châu thời kỳ này như: Chân dung Cụ Sào Nam qua “Đêm trăng hỏi bóng” (NgôThế Oanh), bình giảng Bài ca chúc tết thanh niên của Lê Trí Viễn, Thử bình bài “Vào thành” của cụ Phan Bội Châu (Trinh Đường)… Như vậy dù đã có những nghiên cứu về thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế nhưng các công trình trên hoặc đi khái quát về toàn bộ các sáng tác trong giai đoạn này hoặc bàn sâu vào một số tác phẩm chứ hầu như ít ai để ý nghiên cứu từ góc độ thể loại. Nếu có thì chỉ là những lời đánh giá chung như trong cuốn Văn thơ Phan Bội Châu, Đặng Thai Mai nhận xét: “có lẽ từ xưa đến nay trong văn học Việt Nam, chưa có nhà văn nào đã chịu khó và có gan đem ngòi bút mà thử thách trên nhiều loại khác nhau như Sào Nam….Phan Bội Châu đã viết về rất nhiều
- 10 loại : văn luận đề, văn ký sự, tiểu thuyết, thơ trữ tình, từ ca, thơ hùng tráng, tuồng, hát dặm, bia, phủ, trướng, câu đối” [8, tr 753]. Hay Phong Lê cho rằng : “Hiếm có, hoặc chưa có một nhà Nho nào ở đầu thế kỷ có được khả năng huy động tổng lực phương tiện văn chương - trên tất cả các loại và thể - gần như không sót bất cứ dạng nào để nhập cuộc, gồm đủ thơ, phú, văn tế, câu đối, văn xuôi - chính luận, thư từ, tạp ký, truyện lịch sử, liệt truyện, truyện danh nhân, tự truyện... Và ở bất cứ loại nào, Phan cũng đều để lại những tác phẩm xuất sắc, in rõ dấu ấn riêng của bản thân, và mang theo khí hậu của thời cuộc. Với bất cứ thể văn nào, ở vào hoàn cảnh nào, ngọn bút của Phan cũng sục sôi một bầu nhiệt huyết, mà đến thẳng với con tim khối óc người đọc, để dục dã và hối thúc họ dấn thân và hành động”[28]. Vì thế chưa có nhiều nghiên cứu về thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế như một chuyên luận. Song, với độ sâu và chiều cao tư tưởng yêu nước của nhà đại ái quốc, thì việc nghiên cứu cần thiết nhiều hơn nữa một công trình chuyên sâu về thơ Nôm Đường luật của Cụ. Với mong muốn được đóng góp một phần trong việc tìm hiểu và nghiên cứu thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, chúng tôi đã chọn nghiên cứu đề tài : Thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (1925 -1940). Tuy nhiên, những công trình trên là những cứ liệu phong phú trong quá trình nghiên cứu đề tài, và với kiến thức còn hạn hẹp chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu sâu hơn về nội dung cũng như về nghệ thuật thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ này. 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu. 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ sáng tác thơ Nôm Đường luật của Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (1925 – 1940). 3.2. Mục đích nghiên cứu:
- 11 - Mục đích khoa học của luận văn là tìm hiểu và đánh giá những đóng góp của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế trong sự nghiệp sáng tác của tác giả. - Phân tích những biểu hiện của nội dung, nghệ thuật, qua hệ thống đề tài, chủ để, ngôn ngữ, thể loại, từ đó khái quát những đặc điểm cơ bản của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. 4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu: - Nắm vững và biết vận dụng những lý thuyết cơ bản liên quan đến thơ Nôm Đường luật để phân tích và nhận diện đặc điểm của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu như một hiện tượng văn học sử. - Trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động đến quá trình chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, đề tài sẽ nghiên cứu, đánh giá những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu, từ đó chỉ ra khuynh hướng cảm hứng chủ đạo, đặc điểm ngôn ngữ, thể loại trong thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. 4.2. Phương pháp nghiên cứu: - Do đây là một đề tài văn học sử (gắn với thể loại), cho nên phương pháp nghiên cứu chủ yếu được lựa chọn là phương pháp nghiên cứu văn học sử kết hợp với phương pháp nghiên cứu thể loại. - Để tránh rơi vào tình trạng bị kẹt giữa 2 xu hướng nội dung và hình thức thể loại, khi triển khai thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ tách các nội dung gắn với hai phương pháp kể trên. - Ngoài ra luận văn sẽ sử dụng thêm các thao tác như phân tích, bình luận, so sánh… phù hợp với từng phần nghiên cứu. 5. Phạm vi nghiên cứu:
- 12 Sáng tác thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu khá phong phú và tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau (trên các sách, báo, văn bản chép tay…). Tuy nhiên trong điều kiện thời gian và khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, đề tài xin được giới hạn phạm vi nghiên cứu là thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu trong cuốn Phan Bội Châu toàn tập (tập V), NXB Thuận Hóa – Huế, 1990 do Chương Thâu sưu tầm và biên soạn. Những sáng tác thơ Nôm Đường luật nếu có ở ngoài cuốn sách này, chúng tôi sẽ chỉ quan tâm khi cần thiết phải so sánh. 6. Cấu trúc của luận văn: Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề chung 1.1. Khái niệm thơ Nôm Đường luật 1.2. Sự vận động thể loại của Nôm Đường luật ở nửa đầu thế kỷ XX. 1.3. Phan Bội Châu với Nôm Đường luật. Chương 2: Bức chân dung tự họa của Ông già Bến Ngự trong thơ Nôm Đường luật. 2.1. Quan điểm sáng tác và thế giới quan Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. 2.2. Thơ Nôm Đường luật và bức chân dung tự họa của ông già Bến Ngự. Chương 3: Thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế từ góc nhìn ngôn ngữ và thể loại. 3.1. Đặc điểm ngôn từ trong Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. 3.2. Thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế và những biến đổi thể loại. 7. Đóng góp của luận văn
- 13 - Đây là luận văn đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. Với mục đích và hướng khai thác, đề tài sẽ có những đóng góp tích cực cả về lý luận và thực tiễn. - Những kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần hiểu thêm về thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, từ đó góp phần làm sáng tỏ vị trí và những đóng góp của thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc nói chung, sự nghiệp thơ văn nói riêng của chính tác giả.
- 14 NỘI DUNG Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Khái niệm thơ Nôm Đường luật Trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Nôm Đường luật có vị trí quan trọng bởi những đóng góp to lớn của nó đối với sự phát triển của văn học dân tộc. “Thơ Nôm Đường luật là một trong những thể loại độc đáo và đạt được nhiều thành tựu lớn bậc nhất của văn học Việt Nam. Có nhiều tác giả, cũng có rất nhiều những đỉnh cao giá trị văn học thuộc về thơ Nôm Đường luật”[14]. Về khái niệm “thơ Nôm Đường luật”, từ các góc nhìn khác nhau, nhiều học giả đã tìm cách xác định nội hàm của nó. Tác giả Trần Thị Lệ Thanh trong Đặc điểm thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX cho rằng: “Khái niệm “thơ Đường luật” là dùng để chỉ một thể loại thơ ca, chứ không phải là một thời đại, một loại hình, hay một trào lưu thơ ca… xét yếu tố văn tự, thơ Đường luật Việt nam bao gồm thơ Đường luật bằng chữ Hán, thơ Đường luật bằng chữ Nôm, và thơ Đường luật bằng chữ Quốc ngữ…Về căn bản thơ Đường luật Việt Nam tuân thủ những quy định cách luật của thơ đời Đường, đời Tống (trừ trường hợp những bài thất ngôn pha lục ngôn là có cội nguồn trong từ khúc). Tuy nhiên, về niêm, luật, vần, đối, và bố cục của một bài Đường luật, khi đưa vào thi cử ở Việt Nam, nhiều quy định đã trở nên khắt khe hơn” [ 14,tr 58]. Tác giả Hoàng Hữu Bội trong cuốn “Thiết kế dạy học ngữ văn 11” thì xác định: “những bài thơ được viết theo các thể Đường luật mà bằng chữ Nôm được gọi là thơ Nôm Đường luật”. Từ góc nhìn thể loại, tác giả Lã Nhâm Thìn trong cuốn Phân tích tác phẩm văn học Trung đại Việt Nam đã chỉ rõ: “Khái niệm thơ Nôm Đường luật là bao hàm những bài thơ viết bằng chữ Nôm theo luật Đường hoàn chỉnh và cả những bài viết theo thơ luật Đường phá cách có những bài xen câu ngũ ngôn, lục ngôn vào bài thơ thất ngôn”.
- 15 Từ những ý kiến trên, theo chúng tôi khái niệm thơ Nôm Đường luật bao hàm cả yếu tố: loại thể (là thơ Đường luật) và ngôn ngữ (là chữ Nôm). Về thể cách, Nôm Đường luật bao gồm những bài tuân thủ quy định cách luật của thơ đời Đường, đời Tống và cả những bài phá cách. Về ngôn ngữ Nôm Đường luật chỉ sử dụng chữ Nôm. Cả hai yếu tố này đã tạo nên một kiểu thơ Đường đặc sản của Việt Nam. Trong luận văn, chúng tôi sẽ dựa vào khái niệm của Lã Nhâm Thìn làm cơ sở để tìm hiểu về thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế. Về cơ bản khái niệm này có sự đồng thuận khá cao trong nghiên cứu thơ Nôm Đường luật Việt Nam từ trước tới nay. 1.2. Sự vận động thể loại của Nôm Đường luật ở nửa đầu thế kỷ XX. 1.2.1. Quá trình hình thành và phát triển của thơ Nôm Đường luật trước thế kỷ XX. Thơ Nôm Đường luật xuất hiện cùng với sự xuất hiện của chữ Nôm. Cho đến nay chưa có bằng chứng cụ thể nào về thời gian ra đời chính xác của thơ Nôm Đường luật. Nhưng theo Đại Việt sử kí toàn thư - một bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay của Ngô Sĩ Liên, cũng như theo nhiều nhà nghiên cứu thì chữ Nôm ra đời từ cuối thế kỉ XIII, bắt đầu từ bài Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên. Tuy nhiên văn bản chữ viết đầu tiên của thể thơ này còn giữ được là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Có ý kiến cho rằng đây chính là “sự khởi đầu hoành tráng nhất, ấn tượng nhất” của thơ Nôm Việt Nam. Với 254 bài thơ thơ Nôm Đường luật “có khi trần trụi, sần sùi như quặng quý còn vùi trong đất cát, có khi long lanh như ngọc bích đã qua tay người thợ kim hoàn chế tác” [26] Nguyễn Trãi giống như nhà “khai sơn phá thạch” [14, tr 67] đưa nguồn thơ Đường luật bám rễ sâu vào tâm hồn dân tộc đồng thời khẳng định sự hiện diện của thơ Nôm Đường luật với tư cách là một thể loại văn học Việt. Hồng Đức quốc âm thi tập của vua Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn là cột “mốc” thứ hai trong tiến trình thơ Nôm Đường luật Việt Nam thời trung đại. Ra
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 670 | 92
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 667 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 303 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 230 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 248 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 152 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 201 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 241 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 170 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 168 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 163 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 166 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 205 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 155 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 156 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 119 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 155 | 19
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Tố Hữu
25 p | 122 | 17
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn