intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986 - 2000

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:113

133
lượt xem
20
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sau đây là luận văn Thạc sĩ Văn học: Cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986 - 2000. Luận văn trình bày về những tiền đề nảy sinh cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000; cảm hứng triết luận với sự nhận diện con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000 và một số nội dung khác.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986 - 2000

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Bùi Thị Thanh Nhung CẢM HỨNG TRIẾT LUẬN VỀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986- 2000 Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số : 60 22 32 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HOÀNG THỊ VĂN Thành phố Hồ Chí Minh – 2010
  2. LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, tập thể Thầy cô khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, phòng Khoa học- Công nghệ sau đại học đã tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới TS.Hoàng Thị Văn, người thầy đã vất vả hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp này. Tôi cũng xin cảm ơn những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã , khích lệ, động viên tôi giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập. Xin trân trọng cảm ơn! Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2010 Người thực hiện Bùi Thị Thanh Nhung
  3. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Từ sau thời điểm năm 1986, khi Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước ta chính thức bước vào thời kì đổi mới. Trên tất cả các lĩnh vực hoạt động và đời sống xã hội đều có những chuyển biến lớn. Trong sáng tác văn học, văn xuôi thời đổi mới giai đoạn 1986-2000 nói chung, truyện ngắn nói riêng, nổi lên vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người với cảm hứng triết luận đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà phê bình, lý luận văn học. Thực ra, từ bao đời nay con người với đời sống muôn màu muôn vẻ của nó là đối tượng trung tâm của văn học, tính cách, tâm hồn, tất cả những gì thuộc về con người làm nên ý nghĩa cuộc sống của con người là đối tượng mà nhà văn tìm đến trước hết. Khám phá bản chất người là một trong những thành tựu của văn học nhân loại. Có thể nói, sự sáng tạo của nhà văn, tầm khái quát sâu rộng của tác phẩm nghệ thuật làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc và nhân loại xuất phát từ việc giải quyết vấn đề con người. Nhưng cùng với sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học, đặc biệt trong truyện ngắn giai đoạn 1986-2000 thì cảm hứng triết luận về con người ngày càng trở nên đậm đặc. Trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến hiện tượng văn học này. Đây là một bước phát triển mới, một sự khởi sắc toàn diện của văn xuôi. Tuy nhiên các bài viết mới chỉ giới thiệu hay phê bình một tác giả, một tác phẩm, một khía cạnh cụ thể của vấn đề. Việc làm sáng tỏ sự chuyển biến trong cảm hứng sáng tác, tìm về cảm hứng triết luận về con người mang tính chỉnh thể có ý nghĩa cả về lí luận cũng như về thực tiễn. Đến với đề tài này, sở dĩ chúng tôi chọn mốc thời gian 1986-2000 là vì, không chỉ nó có liên quan đến những tác phẩm đoạt giải của Hội nhà văn, được công bố rộng rãi, được công chúng đón nhận, mà giai đoạn 1986-2000 là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, giai đoạn của một sự chuyển biến lớn, kết thúc một thế kỷ và mở đầu thế kỷ tiếp tục sự đổi mới của một nền văn học; đó còn là giai đoạn những nhà văn trăn trở hướng đi riêng lại gặp chung trong cái mạch cảm hứng. Đến với đề tài này, chúng tôi mong muốn có một cái nhìn mang tính toàn diện hơn về hiện tượng này của văn học đương đại. Tham vọng không phải là đưa ra một sự tổng kết trọn vẹn hoặc đưa ra những lời phán quyết cuối cùng cho những gì còn chưa kết thúc, mà chỉ là, qua sự trình bày và lý giải một cách tương đối có hệ thống của mình, mong có thể góp thêm tiếng nói khẳng định thêm sự đổi mới của văn học giai đoạn này so với giai đoạn trước.
  4. Chúng tôi cũng hi vọng đây sẽ là một đóng góp có ý nghĩa trong việc nghiên cứu và giảng dạy văn học. 2. Lịch sử vấn đề Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam từ trong chiến tranh bước sang đời sống hòa bình đầy phức tạp và thử thách, con người bình thường, con người đời thường được các nhà văn miêu tả sâu sắc. Tính triết luận về con người trong văn xuôi vốn được kế thừa từ Nam Cao, Thạch Lam qua Nguyễn Khải và bây giờ đến hầu hết ở những cây bút trẻ. Nó thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu, phê bình văn học đương thời. Nói như nhà nghiên cứu văn học Vũ Tuấn Anh, đào sâu vào thế giới tâm hồn, tâm linh của con người, văn học hiện nay như đã tìm thấy sợi dây nối với truyền thống miêu tả tâm lí của những bậc thầy như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Tuân,... Có thể nêu những ý kiến, những nhận định tập trung vào những ý hướng sau: a. Các nhà nghiên cứu, lí luận văn học khẳng định con người với tất cả mọi phương diện của nó là đối tượng muôn đời của văn học, là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của nhà văn. Và các nhà văn đứng ở góc độ con người để nhận thức, lí giải, bàn luận về con người- đối tượng trung tâm của văn học- trong cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Mỗi con người là một cuộc đời riêng, một thế giới riêng vốn rất phong phú, phức tạp. Và trong mối quan hệ cũng hết sức phong phú, phức tạp của nó với toàn xã hội, con người trở thành mối quan tâm hàng đầu của sáng tác. Với Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người, Đảng chủ trương phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động. Văn học, đặc biệt là văn học đã bước vào giai đoạn thực sự trưởng thành, không chỉ bày tỏ tình yêu, sự phẫn nộ hay lòng thương xót con người mà còn là một lĩnh vực quan sát và khám phá con người. Tính tự do, dân chủ và mục đích chân chính đó đã tạo thành dòng chảy ồ ạt vào đại dương nhân bản, nghiêng hẳn về phía con người. Trần Đình Sử khẳng định: Chỉ từ sau năm 1986,với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, con người trong văn học mới thực sự trải qua một bước ngoặt mới. Chất sử thi nhạt dần và quan niệm thế sự, đời tư, triết lí, văn hóa về con người nổi lên, trở thành nét chủ đạo, làm thay đổi cả diiện mạo văn học” [ A.I.40, tr. 282]. Nguyễn Văn Hạnh có khẳng định trách nhiệm của người cầm bút: Ý thức rõ hơn chức năng và sức mạnh riêng của văn học, trách nhiệm của người cầm bút, đặc biệt trong bước ngoặt lớn của đất nước, các nhà văn càng thấy phải hiểu sâu hơn con người, con người với
  5. số phận chẳng ai giống ai, với những biểu hiện sống, những nhu cầu tinh thần và vật chất đa dạng và luôn thay đổi. [A. II. 30. tr. 219- 220] Nhận định của Huỳnh Như Phương vừa nhấn lại đặc điểm của văn học hôm nay vừa tiếp tục khơi thông hướng đi nhân bản của nó: ý hướng đi vào nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực là ý hướng có triển vọng của một nền văn học dân chủ [A.II.67, tr.16]. Trong “Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000”, Nguyễn Văn Kha khẳng định: Giữa cuộc sống rộng lớn, giữa các sự kiện, biến động lịch sử đầy rối rắm và phức tạp, chính đời sống con người, tư tưởng, tình cảm và thân phận của nó là đối tượng trung tâm của văn học [A.I.21, tr.11]. Trong bài Đổi mới văn học vì sự phát triển, nhà nghiên cứu văn học Vũ Tuấn Anh có nêu nhận định: Với Đổi mới văn học, bằng sự lật trở của tư duy nghệ thuật, mối quan hệ văn học- hiện thực đã có một sự thay đổi về chất. Có thể nói, toàn bộ hiện thực đã tràn vào văn học trong nhịp độ gấp gáp, đến mức xô bồ (…) ở cả phần sáng lẫn phần tối, cả ở lịch sử lẫn thời khắc hiện tại, cả số phận lịch sử lẫn số phận cá nhân... [A.II.3, tr.17]. Tác giả bài viết nói trên khẳng định một cách mạnh mẽ và trực tiếp tính phức tạp ở phía chiều sâu trong tâm hồn con người, khẳng định một sự tìm tòi nhận thức mới về con người, đây là cái nhìn nhận chung của nhiều người: Đối tượng nghiên cứu và khám phá của văn học không chỉ là xã hội mà còn là con người với tất cả sự phức tạp và bí ẩn của nó; Cũng cần nói đến một phương diện khác, như một yếu tố thực sự mới mẻ mười năm qua: cố gắng khám phá cái thế giới bí ẩn, khuất lấp, đầy bất trắc và bất thường bên trong mỗi con người, bên trong bản- thể Người [A.II.3, tr.15]. Nhìn lại Những thành tựu của truyện ngắn sau năm 1975, Bích Thu cũng thừa nhận có một sự nhận thức mới về con người trong truyện ngắn: Hướng tới hiện thực về con người, thông qua từng số phận cá nhân, các nhà văn đã xới lên những vấn đề nhức nhối, bức xúc của con người trong hiện thực đương đại. Con người trong truyện ngắn hôm nay không còn là “những đời người rất nhạt” vì “không có những bất ngờ, may rủi” mà là những con người “đầy những vết dập xóa trên thân thể, trong tâm hồn”[A.II.80, tr. 35]. Nhận định của Bích Thu như một nét nhấn cần thiết trong những nhận định cách nhìn mới về con người trong văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng: Trong thực tiễn sáng tác từ sau 1975 đến nay, cảm hứng sự thật về hiện thực và con người trở thành cảm hứng bao trùm đối với các nhà văn. Văn xuôi thế sự, đời tư không chỉ bộc lộ những nếm trải, suy
  6. tư, nghiền ngẫm mà còn phơi bày, phanh phui các sự vật, hiện tượng để đi đến tận cùng cốt lõi của nó.[A.II.80, tr.25] Trong một bài viết ngắn Cái hài và bi kịch người trí thức trong truyện ngắn “Vũ điệu của cái bô”, tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng nêu nhận định tương tự: Quan tâm hơn đến con người, văn học sau 1975 bổ sung những mảng hiện thực nghiệt ngã, khuất tối qua các số phận nhỏ bé của nhiều loại người trong xã hội. Ở những số phận đó có cả cái hài lẫn cái bi, cái đẹp đẽ lẫn cái tầm thường. Đấy là bằng chứng về một tư duy hiện thực mới, một quan niệm nghệ thuật mới về con người, một quan hệ “tiếp xúc thân mật suồng sã” của nhà văn với đối tượng phản ánh [A.II.31, tr. 79]. Đánh giá về sáng tác Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Huệ có một ánh nhìn đầy chất nhân văn về con người trong cuộc đời thường: Từ trong bản chất vốn có, con người là phong phú và phức tạp (…) nên không thể dùng cái nhìn phân đôi con người một cách đơn giản, cứng nhắc; phân biệt một cách rạch ròi: tốt- xấu, tích cực, tiêu cực mà cần phải đi sâu nghiên cứu, mổ xẻ phân tích những nỗi niềm thực, những uẩn khúc và bi kịch riêng của đời họ, không thể dè bỉu, giễu cợt trước những vấp ngã, lầm lạc của con người mà cần phải có cái nhìn bao dung, độ lượng, thể tất trước những lầm lạc đó. [A.II.34, tr. 53]. Trần Cương nêu một cái nhìn khái quát, so sánh sự khác biệt rõ nét của hai giai đoạn văn học: Nếu các nhà văn trước 86 đứng ở phương diện xã hội và phong trào để nhìn con người thì các nhà văn sau 86 đã đứng ở góc độ con người để nhìn con người, xã hội và các vấn đề chung. Do đó, dường như lần đầu tiên xuất hiện hai chủ đề thuộc về con người mà trước kia chưa có. Đó là chủ đề về số phận con người và hạnh phúc cá nhân.[A.II.11, tr.34,35] Có thể nói thể tài thế sự, đời tư đang dần chiếm vị trí chủ đạo trong văn xuôi, đáp ứng được nhu cầu phân tích, lý giải, suy tư về con người, xã hội và mọi trạng huống của nhân tình thế thái. Văn xuôi đương đại có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ miêu tả hiện thực sang biểu hiện hiện thực. Từ tái hiện hiện thực theo chiều rộng, chiều dài hướng tới sự tái hiện cuộc sống theo chiều sâu, sự khái quát, triết luận về xã hội, nhân sinh, phát hiện ra bản chất của cuộc sống xã hội và con người.[A.II.37, tr.28]. Để từ đó có thể khẳng định văn học hiện nay cũng đang hòa vào con đường chung của văn học nhân loại ở phương diện khám phá những bí ẩn của con người.[A.II.3, tr18,19] b. Nhận thức, lí giải, bàn luận về con người nhằm mục đích cuối cùng là để hiểu con người hơn, làm cho con người mỗi ngày sống tốt hơn.
  7. Đánh giá về những việc, những con người sao được trọn vẹn là một điều quan trọng. Mỗi một con người sống hết trọn đời mình không dễ mấy ai không gặp những khúc quanh, những ngã rẽ, nhất là ngã rẽ của tâm hồn, trước một hành vi lựa chọn, một sự nhìn nhận đúng, sai. Mà cũng không phải lúc nào ta cũng có thể sẻ chia và tìm gặp được một điểm tựa để sẻ chia một cách trực tiếp. Văn học, nhất là những thời điểm như vậy, là vô cùng cần thiết để thực hiện chức năng của nó. Bởi các nhà văn lớn của mọi thời đều tìm đến con người, tiếp cận và giải mã cuộc đời và con người, dẫu có theo những cách khác nhau thì cái mục đích cuối cùng vẫn là dễ hiểu nó hơn.[A.II.46, tr. 29] Phạm Xuân Nguyên khơi gợi cách nhìn nhận, cách đánh giá con người của hôm nay: truyện ngắn hôm nay tiếp tục xới lật các mảng hiện thực của cuộc sống ở cả hai chiều của quá khứ và hiện tại để mong góp một tiếng nói định vị cho người đọc một thái độ nhìn nhận, đánh giá những việc, những người của bây giờ, của nơi đây. [A.II.61, tr.27] Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến, một cách giản dị, tự nhiên, đi thẳng vào vấn đề thuộc bản chất của văn học : Con người không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân mình. Vả chăng hiểu được bản thân mình không phải là dễ. Văn học có tác dụng to lớn giúp cho con người hiểu được chính mình. [A.II.32, tr.21] Về điểm này, Nguyễn Văn Kha trong Đổi mới quan niệm về con người trong truyện ngắn Việt Nam 1975- 2000, phân tích khá đầy đủ: Chính tình yêu con người, lòng trắc ẩn, sự cảm thông với những niềm vui, nỗi khổ của con người đã dẫn dắt tâm tưởng của nhà văn đến với từng cuộc đời, từng số phận, để phát hiện, khám phá thế giới huyền diệu của con người, nhìn thấy mặt tốt, mặt xấu, cái cao thượng, cái thấp hèn, cái thật, cái giả,… để có thái độ yêu ghét phân minh, chống lại ách áp bức bóc lột, chống lại sự nô dịch con người. Vì thế, chủ nghĩa nhân văn trong văn học không chỉ là tình yêu thương con người mà còn nâng cao con người lên, hướng con người đến cái chân, cái thiện, cái mỹ. [A.1.21, tr.14]. Tô Huy Rứa góp thêm một lời nhắc nhở: Phải ý thức sâu sắc rằng, văn học, nghệ thuật của chúng ta không chỉ là nhu cầu thiết yếu của con người mà chính là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.[A. II.73, tr.29] Trên tinh thần đó, Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Và vì văn hóa, văn nghệ là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện chiến lược về con người, nhằm mục tiêu xây dựng con người, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người nên tính nhân văn của nó trong sự hướng tới Chân, Thiện, Mỹ được đề cao.[A. II.78, tr. 21]
  8. Trong Các nhà văn trả lời phỏng vấn về chiến tranh, về đề tài chiến tranh trong văn học, Xuân Thiều bộc bạch: Trong các truyện ngắn của mình, tôi thường mong muốn được phát hiện những điều chưa biết của con người Việt Nam ta trong chiến tranh. Những điều thuộc về thế giới bên trong, thuộc về phẩm chất, về cách nhìn, cách đánh giá con người thế nào là hợp lẽ con người nhất. Để con người tốt hơn, yêu nhau hơn và điều quan trọng là giữ gìn cho được cuộc sống đáng sống này, chống mọi sự đe dọa của chiến tranh.[A.II.35, tr.133, 134] Và nhận xét của Mai Hương: Sau những cảm hứng chà xát dữ dội với những mặt tiêu cực của cuộc sống, nhiều tác phẩm văn xuôi đã tìm khơi lại cảm hứng về những vẻ đẹp bình dị… những chuyển động thầm kín và ấm áp trong ngõ ngách của tâm hồn con người. [A.II.37, tr.28] Lã Nguyên lạc quan: Giữa hai bờ chân, thiện, hướng tới cái đẹp, văn học đang dào dạt đổ về đại dương nhân bản mênh mông.[A.II.56] Bên cạnh đó, văn học khẳng định vị trí tối thượng của con người trong mọi cái thuộc về giá trị có trong cuộc sống. Cá nhân con người vừa là đối tượng nhận thức trung tâm, vừa là điểm xuất phát để văn học nhìn ra thế giới. Nó soi ngắm thế giới và định giá lịch sử qua lăng kính và mức thước của cá nhân con người. Nguyễn Minh Châu cho khuynh hướng lấy đời tư con người làm mảnh đất khám phá những quy luật vĩnh hằng của các giá trị nhân bản. Nguyễn Huy Thiệp tiêu biểu cho khuynh hướng lấy cá nhân con người làm đơn vị cân đo trạng thái nhân thế. [A.II.56, tr. 7] Như vậy, có thể nói, cảm hứng triết luận về con người trong văn học Việt Nam thời đổi mới, cụ thể truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000, nhìn chung được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đề cập hoặc chú ý nhấn mạnh nhưng chưa được đi sâu, tập trung nghiên cứu thành một công trình hoàn chỉnh, có hệ thống. Tiếp nhận từ những nhận định đó, luận văn đi sâu nghiên cứu về Cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam từ năm 1986-2000 qua những truyện ngắn tiêu biểu, tìm nhận những ý kiến, bàn luận, nhận thức, lý giải về con người của các nhà văn trên nhiều bình diện bề ngoài lẫn chiều sâu trong tâm hồn, trong tổng thể mối quan hệ của nó. 3. Phạm vi nghiên cứu Nghiên cứu Cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn giai đoạn 1986- 2000, luận văn tập trung khảo sát 49 truyện ngắn đáng chú ý- những truyện ngắn mang đậm chất triết luận về con người, giúp nhận diện về con người trong dạng thái đa diện nhiều chiều
  9. của hôm nay. Có thể kể những truyện ngắn trong giai đoạn văn học 1986- 2000 của những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Dạ Ngân, … và một số truyện ngắn đoạt giải trong các đợt thi truyện ngắn trên Tuần báo văn nghệ, Văn nghệ Quân đội. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong luận văn chúng tôi vận dụng một số phương pháp sau: Phương pháp lịch sử- xã hội: Sự chuyển biến của văn học gắn với quá trình vận động đổi mới đang diễn ra đều khắp trên xã hội. Dưới sự tác động của hoàn cảnh xã hội; trên quan điểm lịch sử cụ thể, luận văn xem xét sự vận động và chuyển biến của văn học theo xu hướng tất yếu của nó, để từ đó cố gắng tiếp cận một cách đầy đủ nhất những quan điểm của tác giả về đời sống, xã hội, đặc biệt là về con người thể hiện trong tác phẩm. Phương pháp hệ thống được chú ý vận dụng trong việc khảo sát tác phẩm, hệ thống những yếu tố làm nổi bật vấn đề của luận văn theo từng luận điểm, giúp có được cái nhìn xuyên suốt. Phương pháp phân tích- tổng hợp được chúng tôi sử dụng rộng rãi trong luận văn. Đi từ việc khảo sát tác phẩm, phân tích những yếu tố nổi bật trong việc thể hiện cảm hứng nghệ thuật (như khám phá tâm lí nhân vật, lí giải hành động của nhân vật,…) rút ra những nhận xét có tính chất tổng hợp, khái quát, làm nổi rõ cảm hứng. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu 5.1. Ý nghĩa khoa học Như đã nói, cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn thời đổi mới 1986- 2000 là một trong những cảm hứng chủ đạo của văn học thời kì đổi mới nhưng chưa được đi sâu nghiên cứu một cách tập trung. Luận văn sẽ đi vào khảo sát vấn đề này một cách hệ thống, cụ thể, góp phần làm sáng tỏ hơn trong việc nghiên cứu vấn đề này. 5.2. Ý nghĩa thực tiễn - Nhận thức lại con người trong văn học thời kì đổi mới, như là một cách nhìn cuộc sống trong những mối quan hệ bộn bề, phức tạp. Góp thêm tiếng nói, hướng về phía chiều sâu trong tâm hồn con người, để mà nhận diện con người của hôm nay. - Trong công tác giảng dạy ở nhà trường, luận văn hi vọng sẽ gợi ý được những hướng tiếp cận mới trong việc phân tích và giảng dạy tác phẩm văn học ở bậc phổ thông, bổ sung một góc nhìn mới về con người.
  10. 6. Kết cấu của luận văn Luận văn gồm ba chương và hai phần ( phần mở đầu và kết luận). Phần mở đầu: Nêu những vấn đề bao quát chung: Lý do chọn đề tài, lịch sử vấn đề, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu, kết cấu của luận văn. Chương 1: Những tiền đề nảy sinh cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000 1.1 Cảm hứng nghệ thuật 1.1.1. Khái niệm cảm hứng. 1.1.2. Các dạng cảm hứng và cảm hứng chủ đạo 1.1.3. Cảm hứng triết luận về con người trong văn học Việt Nam giai đoạn 1986- 2000 1.2 Những tiền đề cho sự nảy sinh cảm hứng nghệ thuật trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000. 1.2.1. Sự quan tâm tới yếu tố con người trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam sau 1975 1.2.2. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam Chương 2: Cảm hứng triết luận với sự nhận diện con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000. 2.1. Con người với đời sống xã hội. 2.1.1. Con người trong cuộc sống đời thường . 2.1.2. Con người với chuẩn mực đạo đức văn hóa. 2.2. Con người với thiên nhiên 2.2.1. Thiên nhiên tác động đến đời sống con người 2.2.2. Thiên nhiên làm phong phú nội tâm và khơi gợi khát vọng hướng thiện 2.2.3. Con người phải gìn giữ và sống hoà hợp với thiên nhiên 2.3. Con người hướng vào đời sống bên trong 2.3.1. Dấu vết chiến tranh với niềm đau day dứt 2.3.2. Hạnh phúc và những khắc khoải kiếm tìm 2.3.3. Sự hữu hạn của mỗi người trước thời gian đời người Chương 3: Giọng điệu nghệ thuật của cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000.
  11. 3.1. Giọng trăn trở, day dứt. 3.2. Giọng thương xót, ngậm ngùi. 3.3. Giọng suy tư, triết lí . Kết luận Thư mục tham khảo
  12. Chương 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ NẢY SINH CẢM HỨNG TRIẾT LUẬN VỀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986- 2000 Cảm hứng triết luận là một trong những dạng cảm hứng nghệ thuật trong văn học. Sự nảy sinh cảm hứng triết luận về con người trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986-2000 như là một yếu tố tất yếu bởi sự chuyển đổi cảm hứng nghệ thuật về con người. 1.1. Cảm hứng nghệ thuật 1.1.1. Khái niệm cảm hứng Bất cứ một tác phẩm nào đạt đến tính nghệ thuật đều không thể thoát ly cảm hứng mà phải gắn liền với cảm hứng, nếu không nói là nó được khơi nguồn từ cảm hứng. Đối với tác phẩm văn học, cảm hứng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành tác phẩm, tạo ra sức mạnh của tác phẩm, đạt đến hiệu ứng thẩm mĩ. Vì cảm hứng không chỉ có giá trị khơi nguồn mà xuyên suốt toàn tác phẩm, trở thành cảm hứng chủ đạo, chi phối nhiều yếu tố có trong tác phẩm. Mọi tư tưởng, tình cảm, quan niệm nghệ thuật của nhà văn về một đối tượng nào đấy đều dậy lên từ cảm hứng. Cảm hứng càng mãnh liệt, nồng cháy, tác phẩm càng đạt đến đỉnh cao của sức hút, tất nhiên phải gắn với những giá trị khác, như giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật. Có thể coi cảm hứng là một thuật ngữ trong nghệ thuật, trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nó đã được dùng ngay từ thời cổ đại Hy Lạp để chỉ “trạng thái phấn hứng cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất cao độ của cuộc sống mà họ miêu tả” [A.I.38, tr.141]. Nhưng cái “trạng thái phấn hứng cao độ” đó chỉ có thể là cảm hứng trong tác phẩm văn học nghệ thuật khi sự lí giải, đánh giá đối tượng đạt đến một chiều sâu nhất định. Trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, G.N.Pôxpêlôp viết: Sự lí giải, đánh giá sâu sắc và chân thật- lịch sử đối với các tính cách được miêu tả vốn nảy sinh từ ý nghĩa dân tộc khách quan của các tính cách ấy là cảm hứng tư tưởng sáng tạo của nhà văn và của tác phẩm của nhà văn [A.38, tr141]. Như vậy, một sự lí giải, đánh giá hời hợt, khiên cưỡng hoặc không chân thật đối tượng được miêu tả đều không thể gọi là cảm hứng nghệ thuật. Một sự nhìn nhận, đánh giá, lí giải sai sự thật hay phản sự thật thì càng không thể là cảm hứng nghệ thuật. Chỉ khi nhà văn phải thật sự xúc động, thật sự ấn tượng cái đối tượng được miêu tả kia, tạo thành một dòng chảy cảm xúc đầy ứ, không thể giữ lại, thôi thúc nhà văn phải nói ra,
  13. viết ra, vì đó còn là nhu cầu chia sẻ và được chia sẻ. Đến khi đó, cái được gọi là cảm hứng mới thật sự chân thành, thật sự xúc động, và thật sự neo lại ở người đọc một giá trị đầy ý nghĩa như mong đợi. Những trang sách viết về anh Trỗi (Sống như Anh- Trần Đình Vân), chị Sứ (Hòn đất- Anh Đức), anh hùng Núp (Đất nước đứng lên- Nguyên Ngọc),…có sức cuốn hút vì nó được viết lên từ cảm hứng chứa đầy cảm xúc chân thành, nồng nhiệt của nhà văn. Những vần thơ dạt dào cảm xúc sẽ cháy mãi trong lòng người đọc dù qua bao tháng, bao năm. Cũng như những ai đọc Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên đều lắng lại một nỗi niềm dân tộc: Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất Bốn phía bờ bên không bóng một hàng tre Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ Sóng vỗ dưới con tàu đâu phải sóng quê hương Trời từ nay chẳng xanh thành xứ sở Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương trong Lí luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, nêu khái niệm cảm hứng: “Cảm hứng là sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi nên bởi một tư tưởng nào đó”. Lẽ tất nhiên, tư tưởng đó phải là tư tưởng lành mạnh, tiến bộ, cao đẹp. Và “Cảm hứng biến sự nhận thức của trí tuệ về một tư tưởng nào đó trở thành lòng say mê đối với tư tưởng đó, trở thành năng lượng và thành khát vọng nồng nhiệt” [A.I.13, tr. 208-209). Trần Đình Sử cũng khẳng định, cảm hứng là niềm say mê khẳng định chân lí, lí tưởng, phủ định sự giả dối và mọi hiện tượng xấu xa, tiêu cực, là thái độ ngợi ca, đồng tình với những nhân vật chính diện, là sự phê phán, tố cáo các thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường… Cảm hứng trong tác phẩm nghệ thuật phải được bắt nguồn từ lí tưởng xã hội của nhà văn, từ trong nhiệt huyết của mỗi nhà văn. Cái nhiệt huyết của một thanh niên mang lí tưởng cách mạng “mặt trời chân lí chói qua tim” đã hun đúc nên trong Tố Hữu những vần thơ tràn đầy cảm hứng lạc quan trước ngọn gió thời đại, trước sự chuyển mình của đất nước. Trong Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên, có viết: “Nội dung tư tưởng tác phẩm văn học không bao giờ chỉ là sự lí giải dửng dưng lạnh lùng, mà gắn liền với cảm xúc mãnh liệt” [A.I.26, tr. 268]. “Cảm hứng là một tình cảm mạnh mẽ, mang tư tưởng, là một
  14. ham muốn tích cực đưa đến hành động”[A.I.26, tr. 268]. Điều quan trọng cần nhận ra cảm hứng như một lớp nội dung đặc thù của tác phẩm văn học. “Cảm hứng của tác giả dẫn đến sự đánh giá theo quy luật của tình cảm. (…). Niềm tin yêu, say mê và khẳng định tư tưởng, chân lí làm cho cảm hứng trong tác phẩm thường mang tính “thiên vị”, “thiên ái” đối với tư tưởng của mình, chân lí của mình” [A.I.26, tr. 269]. “Cảm hứng trong tác phẩm phải phục tùng quy luật tình cảm là phải khêu gợi, khơi mở, chứ không thẳng đuột một chiều” [A.I.26, tr. 270]. Cảm hứng không cho phép nhà văn thể hiện cảm xúc một cách bằng phẳng, nhạt nhẽo. Nó là một năng lượng tình cảm được tập trung nén lại, chỉ chờ độc giả là thổi bùng lên. Nội dung của cảm hứng tư tưởng bao giờ cũng là một tình cảm xã hội đã được ý thức và chỉ những tư tưởng lành mạnh, tích cực, tiến bộ mới dấy lên được những cảm hứng nghệ thuật đích thực. Như vậy, cảm hứng là tình cảm, cảm xúc mãnh liệt, say đắm, thể hiện tư tưởng, khát vọng chân thành, cháy bỏng của nhà văn về đối tượng hướng đến trong tác phẩm. Cảm hứng gắn liền với những với lí tưởng cao đẹp của nhà văn về con người, cuộc sống. Nó khơi thông miền cảm xúc qua mỗi trái tim người đọc, đọng lại một tình cảm sâu xa, khơi thông nguồn trí tuệ, giúp nhận thức đối tượng trên nhiều phương diện, tiếp thêm sức mạnh tinh thần và đưa đến hành động đúng đắn, đầy nhiệt huyết. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng bao trùm, xuyên suốt một tác phẩm hay toàn bộ sáng tác của một tác giả. 1.1.2. Các dạng cảm hứng và cảm hứng chủ đạo Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, mọi cảm hứng bắt rễ từ tình cảm, cảm xúc của con người. Mà cái tình trong con người thì đa dạng, phong phú, phức tạp và sâu sắc biết chừng nào. Cảm hứng, vì vậy, cũng phong phú, đa dạng và phức tạp. Và trong những trạng thái, hoàn cảnh khác nhau của đối tượng làm nảy sinh những cảm hứng khác nhau. Có thể kể như cảm hứng lãng mạn, cảm hứng bi kịch, cảm hứng phê phán, cảm hứng anh hùng, cảm hứng triết luận,... Những dạng cảm hứng nói trên “đều là sự ý thức về mặt tư tưởng và sự đánh giá về mặt cảm xúc, một sự ý thức và đánh giá chân thực và sâu sắc về những gì đang diễn ra và tồn tại trong thực tế” (A.I.38, tr.143). Dù vậy, sự phân chia những dạng cảm hứng ở những nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cũng không hoàn toàn trùng khít với nhau. Theo Pospelov, do những khác biệt cốt yếu của bản thân cuộc sống được nhận thức [A.I.38, tr141- 142] nên cảm hứng cũng có nhiều biến thể khác. Một số dạng thức của cảm hứng như cảm
  15. hứng anh hùng, cảm hứng bi kịch, cảm hứng kịch tính, cảm hứng thương cảm, cảm hứng lãng mạn, cảm hứng châm biếm và cảm hứng hài hước. Trong sáng tác nghệ thuật, cảm hứng được biểu hiện nhiều biến thể, nảy sinh từ ý thức con người về tư tưởng và cảm xúc, nhất là những người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, tác phẩm nghệ thuật ngôn từ có nhiều biến thể cảm hứng. Tuy vậy, vẫn có một biến thể ngự trị chủ yếu, xuyên suốt tác phẩm. Đấy là cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng ở mỗi nhà văn không giống nhau trong cách biểu hiện. Cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu thể hiện khuynh hướng hứng thú đặc biệt trong việc thể hiện cái tôi cá nhân cá thể được giải phóng về tình cảm, cảm xúc và về trí tưởng tượng. Nó thoát khỏi “vòng quanh quẩn”, như cánh chim tung cánh giữa trời xanh, và hướng đến một tương lai huy hoàng: Rồi một ngày nào tôi thấy tôi Nhẹ nhàng như con chim cà lơi Say đồng hương nắng vui ca hát Trên chín tầng cao bát ngát trời… (Nhớ đồng) Cảm hứng lãng mạn trong thơ Xuân Diệu thiết tha say đắm với tình yêu và mang niềm khát khao giao cảm với cuộc đời: Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn (Vội vàng) Trong cùng một tác phẩm văn học có thể tồn tại những dạng thức cảm hứng khác nhau. Ở Tố Hữu, chất lãng mạn nhiều khi kết hợp với cảm hứng sử thi, phản ánh tinh thần lãng mạn của cả dân tộc hăm hở hướng về tương lai với niềm tin tất thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo nên những vần thơ đẹp một cách khỏe khoắn đầy khí thế: Chưa bao giờ đẹp thế, sắc trời xanh Và sắc đỏ của lá cờ ra trận (Tuổi 25) Cảm hứng nảy sinh trong ý thức xã hội. Nó đánh giá về mặt nội dung tư tưởng trong tác phẩm của mỗi nhà văn. Cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu được khơi dậy từ chính hiện thực- hiện thực ấy qua ánh nhìn của Tố Hữu, được nhân lên nhiều lần với chiều kích cao rộng bát ngát của lý tưởng và của tương lai.
  16. Nhưng vẫn có một cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm, nó chi phối toàn bộ tác phẩm, từ hình tượng, hoàn cảnh, tình huống đến cả giọng điệu, lời văn… Điều này tùy thuộc vào nội dung tư tưởng, tình cảm của nhà văn, tùy thuộc vào cá tính sáng tạo nghệ thuật của mỗi người cầm bút. Nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, thực tại của đời sống mà nhà văn đang sống trong đó. Theo Hêgel, cảm hứng chủ đạo là trung tâm điểm của nghệ thuật. Đấy chính là biểu hiện tâm hồn người nghệ sĩ say sưa thâm nhập vào đối tượng một cách xuyên suốt. Và vì vậy, nó gây tác động cảm xúc nhiều khi cũng rất mạnh mẽ đối với người tiếp nhận tác phẩm, tạo sự đồng cảm, thăng hoa trong nghệ thuật. Có thể thấy, cảm hứng và các dạng thức của nó là một trong những yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn học và xuyên suốt trong lí luận văn học. Nó thể hiện nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả về những đối tượng cụ thể được nói đến trong tác phẩm. Và việc nghiên cứu cảm hứng chủ đạo giúp ta hiểu được đặc điểm sáng tác của các nhà văn. 1.1.3. Cảm hứng triết luận về con người trong văn học Việt Nam thời đổi mới, giai đoạn 1986-2000. So với những dạng cảm hứng khác, có thể nói, cảm hứng triết luận hình thành muộn hơn. Sự lí giải và miêu tả đời sống con người theo cảm hứng triết luận được phát triển trong xã hội thái bình, khi số phận cá nhân con người đặc biệt được quan tâm, khi mà ý thức về phận người thật sâu sắc. Những nhà văn ưu tư, mẫn cảm trước đời sống thực tại, đi sâu vào thế giới nội tâm con người, khám phá và lí giải đến tận cùng cái gọi là bản thể người, trong những mối quan hệ với nó. Ở đó hội tụ đa dạng và phức tạp những trạng thái cảm xúc của nhà văn: yêu, ghét, buồn, đau, chê trách, cảm thông, đồng cảm, phẫn uất,… đối với con người trong cuộc sống riêng tư lẫn cuộc sống xã hội, trong những mối quan hệ riêng tư lẫn quan hệ công dân. Vì vậy, cảm hứng triết luận giàu chất suy tưởng. Sự phát triển ý thức cá nhân là dấu hiệu của sự phát triển ý thức con người trong những mối quan hệ thuộc về nó. Trong văn học, sự vận động và phát triển của một nền văn học được thể hiện ở trình độ chiếm lĩnh, khám phá về con người, trong đó việc thể hiện đời sống cá nhân, sự nhận thức, khám phá, lý giải về hành vi, đời sống tình cảm của con người có một vị trí vô cùng quan trọng. Thông qua văn bản nghệ thuật, cảm hứng triết luận về con người luận bàn một cách trực tiếp về con người, cái đối tượng luôn làm nhà văn băn khoăn, trăn trở. Nó trả lời cho câu
  17. hỏi: Con người cá nhân là gì? Đâu là bản chất người? Và con người cá nhân ấy chịu ảnh hưởng bởi bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?... Mỗi nhà văn có một cái nhìn, cách đánh giá, tầm nhận thức, sự lý giải về con người theo quan điểm xã hội, nhu cầu thẩm mỹ, sự hài hòa có trong cuộc sống con người. Đó cũng chính là quan niệm nghệ thuật về con người, thể hiện một cách nhìn, cách cảm từ cụ thể đến khái quát, gắn liền với mỗi sự sống con người, với mỗi cuộc đời thực. Như vậy, có thể nói, triết luận về con người nhằm tìm hiểu, khám phá, lý giải về con người với tất cả những gì thuộc về nó, trong quan hệ nó với xã hội, tự nhiên, với bản thân, ở những góc nhìn khác nhau, cách giải quyết khác nhau. Điều đó thể hiện tầm nhìn, chiều sâu của sự khám phá, lý giải, trình độ chiếm lĩnh con người của nhà văn, trình độ tư duy nghệ thuật của nhà văn. Tính triết luận về con người thể hiện thế giới quan của nhà văn về con người qua sự nhận thức, cảm nhận về con người một cách khái quát mang tính chủ quan của nhà văn về con người, đấy cũng chính là một trong những tiêu chí xác định trình độ tư duy, khả năng tiếp nhận hiện thực và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Triết luận về con người trong văn học, xét cho cùng, không tách rời với quan niệm nghệ thuật về con người mà từ quan niệm nghệ thuật về con người, xem xét con người như thế nào trong những mối quan hệ của nó, từ đó, lý giải, tìm ra cái gọi là bản- thể người. Nói khác đi, triết luận về con người là dạng thức biểu hiện cụ thể, đằm sâu hơn quan niệm nghệ thuật về con người. Nó mang tính quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Vì vậy, nó chi phối mạnh mẽ việc xây dựng tác phẩm, để lại những dấu ấn đậm nét cho từng nhà văn, từng giai đoạn văn học. Coi con người là đối tượng trung tâm của văn học, triết luận về con người có thể xem là một biểu hiện nhân đạo hóa của ý thức lý luận, đưa văn học vào đúng quỹ đạo “nhân học” như M.Gorki đã phát biểu. Điều này chứng tỏ sự tiến bộ của tư duy lý luận trong nghiên cứu văn học. (Nguyễn Văn Kha, Đổi mới quan niệm về con người trong truyện ngắn Việt Nam 1975- 2000, tr.17). Như đã nói, cảm hứng triết luận đã có từ trước, nhưng đến văn học thời đổi mới, sau năm 1986 đến nay nó mới phát triển rõ rệt, cảm hứng triết luận bộc lộ mạnh mẽ, được nhận thức và được ghi nhận. Cũng như những dạng cảm hứng khác nảy sinh đều có cơ sở, cảm hứng triết luận nảy sinh do những đặc tính khách quan của đời sống thực tại, của hoàn cảnh xã hội. Nó phát triển trên diện rộng của nền văn học dân tộc đương đại.
  18. Sự nảy nở của cảm hứng triết luận đòi hỏi những điều kiện phức tạp: phải có những biến động và rung chuyển cách mạng trong đời sống xã hội. Do đó, cái có ý nghĩa lớn ở đây là đại hội Đảng từ sau năm 1986, mở ra một bầu không khí dân chủ, làm tích cực cảm xúc và ý thức đi tìm tận nguồn cơn những cái thuộc về số phận con người, liên quan đến con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp của nó. Cảm hứng triết luận xuất phát từ chiều sâu trí tuệ, lí trí, từ sự ý thức một cách thấu suốt phận người. Chất triết luận cũng có sự khác biệt trong các tác phẩm của những nhà văn khác nhau và có ảnh hưởng từ lập trường tư tưởng của họ. Chất triết luận xuất phát từ sự suy tư triết lí, khái quát hóa về cuộc đời, về phận người. Nó được gây nên bởi ý thức của nhà văn về những vấn đề thuộc về con người, không phân biệt giai tầng trong xã hội. Cảm hứng triết luận có mối quan hệ với những dạng cảm hứng khác nhưng nó cũng có tính riêng độc lập, có khả năng luận giải vấn đề một cách biện chứng, sâu sắc. Tính triết luận không mang khuynh hướng tư tưởng khẳng định hay phủ định như thương cảm, châm biếm (theo cách phân loại các biến thể cảm hứng của Pôxpêlôp) mà chú ý lí giải một cách thâm trầm, sâu sắc vấn đề được tác phẩm nêu ra. Ở cảm hứng triết luận, sự lí giải đôi khi để ngỏ cho người đọc. Chính khoảng trống giữa ấy tạo được bất ngờ, lí thú và những âm vang. Các nhà văn thường thể hiện tính triết luận ở nội tâm nhân vật, không chú trọng ngoại hình hoặc qua ngoại hình toát lên tính cách, số phận nhân vật. Các nhà triết luận có xu hướng nhìn con người với hai mặt của nó: tốt- xấu, thiện- ác, cao thượng- sự thấp hèn, … Và chính cái nhìn con người nhiều mặt đó của các nhà văn đã giúp cho cái ý hướng hoàn thiện con người vốn là điểm đến của văn học. 1.2. Những tiền đề cho sự nảy sinh cảm hứng triết luận trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1986- 2000 1.2.1. Sự quan tâm tới yếu tố con người trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam sau năm 1975 Đất nước vừa lặng im tiếng súng, hòa lẫn trong không khí hân hoan của niềm vui chiến thắng là không khí náo nức xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc. Trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) có khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”. Về nội dung xây dựng con người mới, Đảng quan niệm: “Xây dựng con người mới Việt Nam là xây dựng con người phát triển toàn diện, có cuộc sống tập
  19. thể và cá nhân hài hòa, phong phú”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Đảng tiếp tục khẳng định: “Mỗi người được phát triển đầy đủ nhân cách, tài năng và năng khiếu của mình, trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân, gia đình và xã hội.” Sau những khó khăn, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đề ra công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhấn mạnh: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của đời sống con người”. “Phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”. Quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng đã tạo ra bầu không khí dân chủ, khơi gợi khả năng tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ, đáp ứng thị hiếu của công chúng thời đại mới, thúc đẩy nền văn học nước nhà phát triển. Chủ trương đổi mới đã tạo phấn khởi cho văn nghệ sĩ nước ta, khơi dậy nhiều tiềm năng sáng tạo. Chưa bao giờ, chỉ trong một thời gian ngắn, ta lại thấy xuất hiện nhiều tác phẩm được dư luận rộng rãi chú ý như vậy [A.I.13 tr.221]. Thông thường trong những bước ngoặt lịch sử quan trọng, ý thức xã hội có sự thay đổi. Con người sống trong xã hội đó phải thẩm định lại những thang bậc giá trị. Văn học, một hình thái ý thức xã hội vận động và biến đổi gắn liền với những biến đổi của xã hội, của đời sống con người. Sự thay đổi đó yêu cầu nhà văn phải đáp ứng một cách nhanh nhạy. Hiện thực cuộc sống đòi hỏi một sự biến đổi văn học, cần thiết đặt văn học vào vị trí phù hợp với nó. Một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những phạm trù tư tưởng thẩm mĩ khác nhau là nhằm chỉ ra những hạn chế và lời giải đáp cho những vấn đề mới đang đặt ra cho toàn xã hội và cho từng con người là động lực bên trong tạo ra bước ngoặt cho văn học. Và chính sự phát triển của văn học hôm nay đã là một lời giải đáp nói trên, khi mà những niềm tin đẹp đẽ dường như là tuyệt đối đã được xem xét lại. Nó có mặt mạnh nhưng không thể là ổn định, nếu không nói là nó có nhiều ảo tưởng và duy ý chí. Nếu ba mươi năm trước, con người trong văn học là đối tượng để ngợi ca hay phê phán. Giờ đây, con người còn là đối tượng để nghiên cứu, phân tích nhiều mặt, trong các bình diện tồn tại khách quan của nó. Nói như Nguyễn Khải, chiến tranh có cái réo rắt khắc nghiệt của nó. Hòa bình lại có những đợt sóng ngầm, gió xoáy bên trong. Cái say sưa miêu tả khí thế chiến đấu của dân tộc, dựng lại những hình tượng anh hùng bất khuất, xả thân vì nhân dân, vì quê hương trong văn học không phải không còn phù hợp nữa, bởi những chìm khuất trong chiến tranh vẫn còn kể mãi đến muôn đời. Nhưng, như đã nói, những phức tạp, thử thách nhiều chiều của thực tại
  20. cuộc sống và con người trong cách nhìn, cách đánh giá cùng cách giải quyết, hướng đi,… là tâm thế đợi chờ của người đọc hôm nay, cũng là nỗi trăn trở, day dứt của nhà văn. 1.2.2. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Trong đời sống của người Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung, văn học có một vai trò rất quan trọng. Đối với người Việt Nam, văn chương không mang tính chất là một phương tiện, một mưu cầu cái đẹp thuần túy hình thức mà phải chuyển tải được những tư tưởng, tình cảm, ước nguyện…của đời sống con người (…) “một bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa, là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân, thiện, mĩ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội…” (Nghị quyết của Bộ chính trị về văn học, nghệ thuật và văn hóa, Văn nghệ số 51,52, tháng 12/1987). Văn học, vì thế, ngày càng đi sâu sát với con người, với từng phận người, tạo mối liên hệ khắng khít giữa người sáng tác và người tiếp nhận trong tình cảm lẫn nhận thức. Văn học Việt Nam mấy chục năm qua là một bức tranh vô cùng phức tạp. Trong những năm chiến tranh, văn học thực sự trở thành vũ khí tinh thần của những người đang chiến đấu. Nhà văn cảm thấy mình có trách nhiệm phục vụ tinh thần- tình cảm chung của nhân dân. Cái riêng bị khuất lấp. Văn học phục vụ chính trị. Văn học phần nào đã tự thu hẹp chức năng của mình. Các tác phẩm của văn nghệ cách mạng hướng trước hết vào việc ghi chép những thành tích, những chiến công, những hành động tốt đẹp của con người trong lao động, chiến đấu, vào việc phản ánh cuộc sống mới, con người mới. Cảm hứng lạc quan, anh hùng phải là cảm hứng cơ bản của tác phẩm. Gắn liền với cảm hứng ấy là yêu cầu về tính Đảng, tính Nhân dân. Và lẽ tất nhiên, nhà văn phải cố gắng đảm bảo cho tác phẩm của mình phải có một tư tưởng chính trị- xã hội nào đó và toàn bộ bức tranh hình tượng tác phẩm phải tập trung thể hiện tư tưởng này càng sinh động càng tốt (tư tưởng thật rõ ràng). Tính giáo dục trong tác phẩm, vì vậy, cũng trở nên rõ ràng. Không đa nghĩa, trừu tượng (đó cũng là một trong những hạn chế của văn học Việt Nam giai đoạn này: tính đơn giản, minh họa khá phổ biến) Một hiện thực đồ sộ, phức tạp, sâu thẳm, chênh vênh của ba mươi năm trước, phải đến bây giờ, trong cửa ngõ rộng mở của dân chủ và cái bức thiết của sự đòi hỏi chính đáng, nó mới được xới ra, phanh phui, tìm kiếm, khẳng định hay phủ định, phân tích, đánh giá,… trong tư duy mới của văn học, trong sự tiến bộ của tự do. Cần nói thêm, tự do ở đây là khám phá và sáng tạo tích cực, không tách rời với trình độ, năng lực của nhà văn.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2