Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954-1975
lượt xem 8
download
Luận văn tập trung tìm hiểu tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975 để có một cái nhìn bao quát trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Hy vọng góp thêm tiếng nói khẳng định giá trị ngòi bút Nguyễn Văn Xuân, sự đóng góp của ông đối với văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, đối với nền văn học nước nhà , đặc biệt đối với văn hóa văn nghệ vùng đất Quảng Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954-1975
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Phan Thị Thu Hồng LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2008
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Phan Thị Thu Hồng Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS. TS. TRẦN HỮU TÁ Thành phố Hồ Chí Minh – 2008
- LỜI CẢM ƠN Trong quá trình học tập và nghiên cứu hoàn thành luận văn, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình quý báu của các thầy cô giáo, bạn bè và gia đình. Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến: - PGS.TSKH. Trần Hữu Tá, người hướng dẫn khoa học đã tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn. - Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, Phòng Khoa học Công nghệ & Sau Đại học, Khoa Ngữ văn, quý Thầy Cô giáo đã tận tình giảng dạy trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn tốt nghiệp. - Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình, bạn bè thân hữu đã dành tình cảm, động viên và giúp đỡ tôi học tập, nghiên cứu để hoàn thành luận văn này. Tp. Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2008 Tác giả luận văn Phan Thị Thu Hồng
- MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU ...................................................................................................................1 Chương 1: NGUYỄN VĂN XUÂN VỚI VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI QUẢNG NAM; VỚI VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM 1954 - 1975 1.1.Vùng đất Quảng Nam và con người Quảng Nam ...............................................11 1.1.1. Vùng đất Quảng Nam ..............................................................................11 1.1.2. Con người Quảng Nam............................................................................18 1.2. Nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân với văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975.........................................................................................................24 1.2.1. Hoàn cảnh lịch sử xã hội ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 ................24 1.2.2. Sáng tác của một trong những nhà văn tiêu biểu cho văn học yêu nước đô thị miền Nam .............................................................................28 1.2.3. Nguyễn Văn Xuân - nhà văn của vùng đất và con người Quảng Nam .........................................................................................................30 Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ YẾU CỦA NGUYỄN VĂN XUÂN QUA TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN GIAI ĐOẠN 1954 – 1975 2.1.Cảm hứng khám phá vùng đất xứ Quảng............................................................37 2.1.1. Một thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội........................................................39 2.1.2. Vùng đất của những cuộc đụng độ quyết liệt trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ...........................................................................46 2.1.3. Vùng đất của sự tiếp biến văn hoá...........................................................50 2.2.Cảm hứng ca ngợi tính cách, phẩm chất con người xứ Quảng ...........................58 2.2.1. Những con người cần cù, dũng cảm kiếm sống, sinh tồn trên vùng quê nghèo khó.................................................................................59
- 2.2.2. Những con người yêu nước nồng nàn có ý thức trách nhiệm với Tổ quốc ....................................................................................................66 2.2.3. Những con người cứng cỏi, ngang tàng, bộc trực thẳng thắn .................84 2.2.4. Những con người có tính tình cởi mở, nhạy bén với cái mới..................94 2.2.5. Những con người nhân hậu, đa cảm đa tình ............................................99 2.3.Cảm hứng tố cáo phê phán................................................................................110 2.3.1. Tố cáo tội ác về chính trị của thực dân Pháp và tay sai.........................110 2.3.2. Lên án ách áp bức bóc lột của bọn thực dân, giai cấp tư sản ................113 2.3.3. Lên án thủ đoạn xâm lăng văn hoá của đế quốc Mỹ .............................116 Chương 3: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT 3.1.Tiểu thuyết đậm chất hiện thực.........................................................................119 3.1.1. Nội dung phản ánh.................................................................................119 3.1.2. Miêu tả nhân vật, xây dựng chi tiết .......................................................122 3.2.Truyện ngắn giàu chất kí...................................................................................125 3.2.1. Nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử ..............................................126 3.2.2. Đề tài - cốt truyện ..................................................................................133 3.3.Kết cấu độc đáo.................................................................................................134 3.3.1. Cốt truyện giàu kịch tính .......................................................................135 3.3.2. Tình huống truyện đặc biệt....................................................................135 3.3.3. Kết thúc bất ngờ đầy yếu tố lạc quan ....................................................136 3.4.Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ ...........................................................................139 3.4.1. Sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày.........................139 3.4.2. Việc vận dụng phương ngôn trong sáng tác của Nguyễn văn Xuân…...................................................................................................143 3.4.3. Vận dụng thành ngữ...............................................................................148 KẾT LUẬN ..........................................................................................................154 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................159 PHỤ LỤC..............................................................................................................164
- MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nói đến văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 là nói đến một bộ phận văn học ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp hết sức gay gắt. Trong đó, văn học yêu nước cách mạng nổi bật như một khuynh hướng ngược dòng. Văn học yêu nước cách mạng đã tập hợp nhiều lực lượng viết khác nhau. Một số văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam: Lý Văn Sâm, Nguyễn Trọng Tuyển, Lê Vĩnh Hòa, Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, Vũ Hạnh, Sơn Nam…. Có sự góp mặt một số cây bút là những nhà hoạt động tôn giáo: Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ..… Tinh thần dân tộc còn qui tụ một số ngòi bút trước nay tưởng như chỉ chuyên tâm đến văn chương, học thuật như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, .… Trong sự qui tụ lực lượng đặc sắc này, Nguyễn Văn Xuân thuộc nhóm thứ ba. Ông đã góp những trang viết độc đáo về cuộc sống chiến đấu, lao động sinh tồn của nhân dân đất Quảng. Nguyễn Văn Xuân vừa là nhà văn, nhà báo vừa là nhà nghiên cứu giảng dạy lịch sử, biên khảo và cũng là một soạn giả tuồng có tiếng trên văn đàn Sài Gòn - Đà Nẵng từ những năm 1940. Vốn được sinh ra từ “miền xương xẩu của đất nước Việt Nam” (chữ dùng của Nguyễn Văn Xuân), được mọi người xưng tụng một cách trìu mến: “nhà Quảng Nam học”, “một con người từ một ngôi làng”, Nguyễn Văn Xuân rất am hiểu về quê hương Quảng Nam, từ lịch sử hình thành, con người Quảng Nam trong đấu tranh chống xâm lược đến quá trình lao động sinh tồn trên vùng đất “cày lên sỏi đá”. Từ những hiểu biết ấy, những trang viết của ông đã đem lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hóa, tính cách con người vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc. Được chắt lọc từ “sỏi đá”, “xương xẩu”, từ sóng gió của biển, bí ẩn của rừng….. những trang viết của Nguyễn Văn Xuân giản dị, mực thước mà đậm đà chất Quảng.
- Cuộc đời và những trang viết của Nguyễn Văn Xuân dường như rất ít lần vượt khỏi phạm vi “Quảng Nam quốc”. Đối với ông, mỗi nhà văn phải thể hiện kiến văn sâu sắc trên trang viết của mình. Bằng cách đó, nhà văn không cần đi xa, đi nhiều, chỉ viết về quê hương chôn nhau cắt rốn của mình, cũng có thể đủ làm nên tên tuổi. Điều kỳ lạ là Nguyễn Văn Xuân chỉ viết về một vùng, một miền nhưng tầm vóc của những sáng tác ấy đã vượt khỏi phạm vi hạn hẹp sinh ra nó, vươn tới những vấn đề lớn lao, cao cả, đầy chất nhân văn ở mỗi con người, trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh của văn chương mà không phải ngòi bút sáng tác nào cũng có thể làm được. Nhưng như một nghịch lý, một trớ trêu hay trò đùa của tạo hóa đối với những bậc chân tài, tên tuổi của nhà văn dường như ít được nhắc đến. Tác phẩm văn chương của ông cũng không có tiếng vang như lẽ ra nó phải có. Có thể vì tầm kiến thức uyên bác trên các lãnh vực lịch sử, xã hội, dân tộc, trong các công trình biên khảo.… nên ông thường được nhìn nhận ở một góc độ nhà nghiên cứu lịch sử, nhà “Quảng Nam học” hơn là một nhà văn. Mặt khác, cuộc đời lặng lẽ làm việc cật lực để nuôi sống một gia đình nhiều bất hạnh khiến nhà văn không có điều kiện quảng bá sáng tác của mình. Tuy không sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam, nhưng lịch sử hình thành đất Quảng và cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc đã thôi thúc tôi đọc, tìm hiểu những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Việc làm đó như hành trình tìm về cội nguồn văn hóa của dân tộc và thể hiện lòng trân trọng biết ơn của những người ở thế hệ sau đối với những bậc Tiền hiền có công khai phá, mở rộng, giữ gìn bờ cõi đất nước ta liền một dãy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Việc làm này còn thể hiện sự kính trọng đối với một nhà văn lão thành, một nhà giáo tâm huyết, một nhà nghiên cứu uyên bác. Đó là lý do mà sau những ngày đọc những tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, đặc biệt là mảng tiểu thuyết và truyện ngắn, tôi muốn đi sâu nghiên cứu những giá trị tiềm ẩn, để khẳng định sự đóng góp của ông đối với văn học nước nhà. Mặt khác, nếu được, tôi xem đây như là những nén tâm hương mà một hậu bối như tôi trân
- trọng thắp lên trước hương hồn của Người và nói rằng: “Ông đã sống một cuộc đời đáng sống!”. 2. Giới hạn đề tài và phạm vi nghiên cứu Văn chương của Nguyễn Văn Xuân thực sự là một mảnh đất còn đang bỏ ngỏ. Hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu trọn vẹn về văn chương của ông. Do thời gian có hạn, luận văn chỉ tập trung vào việc tìm hiểu, nhằm rút ra những đặc điểm chủ yếu của tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975 trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân phần lớn được sáng tác trong giai đoạn 1954 - 1975. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, chúng tôi chỉ tiếp cận được hệ thống tác phẩm của ông tập hợp trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân gồm một tiểu thuyết và 17 truyện ngắn (do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2001), ngoài ra còn có hai truyện ngắn trong giai đọan thử bút: Ngày giỗ cha, Ngày cuối năm trên đảo sáng tác trước 1945, được in trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, xuất bản năm 2000. 3. Lịch sử vấn đề Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn được nhiều người biết đến trong giai đoạn văn học 1954 - 1975. Có thể nói đây là “thời kỳ bùng nổ thành hiện tượng vang dội trên văn đàn” của nhà văn với nhiều tác phẩm và công trình biên khảo có giá trị. Trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, ông có hai truyện ngắn được tuyển chọn. Người ta còn giới thiệu Nguyễn Văn Xuân với truyện ngắn Tiếng đồng được xếp vào 43 truyện ngắn hay trong tuyển Văn học miền Trung thế kỷ XX, xuất bản năm 1988. Cũng trong năm 1988, Địa chí Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh, một công trình lớn, có giá trị, do Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên ( Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh), được xuất bản. Sách đã dành một chương để nói về “Văn học yêu nước công khai ở Sài Gòn trong ba mươi năm cách mạng và kháng chiến” do các tác giả Tầm Vu, Nguyên Thanh, Viễn Phương, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Hữu Tá đồng biên soạn. Nguyễn Văn Xuân được nhắc đến như một nhà văn tiêu biểu cùng với các cây bút yêu nước, những trí thức, những nghệ sĩ cao niên như Trần
- Tuấn Khải, Nguyễn Hiến Lê; các nhà thơ Hà Kiều, Phương Đài, Phong Sơn; các nhà văn Võ Hồng, Phan Du, Sơn Nam… Đến năm 2000, quyển Nhìn lại một chặng đường văn học ra đời do giáo sư Trần Hữu Tá nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn (NXB Thành Phố Hồ Chí Minh). Trong thế so sánh với nhà văn Sơn Nam - tác giả của những tác phẩm sinh động về vùng đất cực nam của Tổ Quốc - Nguyễn Văn Xuân được giới thiệu là một nhà văn “gắn bó chặt chẽ với vùng quê Quảng Nam thân thương của ông. Với sự hiểu biết sâu sắc về sử học, dân tộc học, xã hội học, ông đã làm sống lại những sự kiện vang dội mà đau xót cũng như đã khắc họa sự thành công hình ảnh những con người ưu tú của đất Quảng” [49, tr.102]. Và giáo sư cũng đánh giá Nguyễn Văn Xuân là một nhà văn có phong cách đặc biệt với “cái nhìn lịch sử của tác giả khá độc đáo”, với “giọng kể của Nguyễn Văn Xuân cũng đa dạng” và “cảm quan lịch sử đúng đắn”, “chi tiết nghệ thuật khác cũng rất đáng chú ý”…. [49, tr.102 - 104]. Có thể nói giáo sư đã thâu tóm một cách khái quát, cô đọng đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Trong tổng số 1089 trang sách, giáo sư đã dành hẳn 3 trang để viết về Nguyễn Văn Xuân. Có thể xem đây là tài liệu có dung lượng lớn nhất từ trước đến nay đề cập đến nhà văn, đủ thấy sự đánh giá trân trọng của giáo sư dành cho ông, một cây bút tiêu biểu góp phần làm nên diện mạo của khuynh hướng văn học yêu nước cách mạng miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 . Năm 2001, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo: “Văn hóa Quảng Nam”. Kết quả của cuộc hội thảo này là sự ra đời tập Kỉ yếu về Quảng Nam với tên gọi Văn hóa Quảng Nam – những giá trị đặc trưng (Sở văn hóa thông tin Quảng Nam xuất bản). Trong số 56 bài tham luận, tên tuổi của Nguyễn Văn Xuân được giới thiệu qua hai bài viết với tư cách là nhà nghiên cứu về văn hóa Quảng Nam: Những người Quảng Nam đóng góp cho Thăng Long, Bắc Thành - Hà Nội trước 1945 và bài Người Quảng Nam với sự phát triển các ngành nghề ở miền Nam. Cũng trong năm 2001, nhân dịp mừng thượng thọ 80 tuổi của nhà văn, nhằm ngày nhà giáo 20/11 mở đầu thiên niên kỷ mới, nhà xuất bản Đà Nẵng đã tập hợp các tác phẩm văn chương của Nguyễn Văn Xuân sáng tác giai đoạn 1954 - 1975 vào
- Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân. Và nhà văn Đà Linh, ủy viên thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu về những đóng góp của Nguyễn Văn Xuân. Ông nhận xét: “Trên lãnh vực nào, từ bài báo, câu chuyện nhỏ, đến công trình lớn chúng ta đều thấy rõ dấu ấn tài năng tâm huyết thuở nào bởi vẫn còn đó những phát hiện, nét sáng tạo độc đáo, vẫn còn đó sự thông tuệ. Trên hết là tấm lòng và nhân cách người cầm bút” [63, tr.11]. Năm 2004 trong Từ điển văn học (bộ mới), Bùi Thị Thiên Thai đã giới thiệu Nguyễn Văn Xuân như trả lại cho ông chỗ đứng xứng đáng với những gì mà ông đã đóng góp (bộ Từ điển văn học cũ không giới thiệu về Nguyễn Văn Xuân). Tác giả đã nhận xét: “Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân đều thể hiện một vốn kiến văn sâu rộng, một giọng văn giản dị hồn hậu, đậm đặc chất Quảng Nam, và đặc biệt, một tấm lòng yêu thương tha thiết đối với quê hương Quảng Nam” [18, tr.127]. Đặc biệt những bài viết về Nguyễn Văn Xuân đồng loạt ra đời như những nén tâm hương mà những người yêu mến ông thắp lên tưởng nhớ vong linh nhà văn sau ngày 4/7/2007. Có thể kể đến những bài viết tiêu biểu trên các nhật báo Thanh niên, Tuổi trẻ….. của các nhà văn, nhà sử học, nhà báo: Đặng Tiến, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quí Đại, Thanh Thảo, Trần Trung Sáng, Trần Tuấn, Thái Bá Lợi, Trương Điện Thắng… Nhìn chung, tất cả các bài viết đều giới thiệu về những đóng góp của Nguyễn Văn Xuân trên nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, tuồng hát, nghiên cứu biên khảo…. Và qua đây, các tác giả cho người đọc hiểu hơn về con người của nhà văn cũng như cuộc đời lao động cần mẫn để thỏa mãn việc: “nghiện đọc, nghiện học và viết”, để nuôi sống cả một gia đình kém may mắn. Trong dịp này, các tác giả đã điểm qua những sáng tác tiêu biểu trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Văn Xuân: từ Bão rừng, Hương máu đến Khi những lưu dân trở lại, Phong trào Duy Tân. Tác giả Trần Tuấn viết về Bão rừng như sau: “tiểu thuyết đầu tay viết năm 1957, khi nhà văn tham gia kháng chiến và vừa thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (Huế) kể về cuộc sống cơ cực ở một đồn điền thời Pháp thuộc mà tác giả từng sống, và cũng là ít ỏi những tiểu thuyết đầu tiên viết về đời sống phu phen ở các đồn điền Tây Nguyên”
- [73]. Còn Hương máu (1969) là “Tập truyện đặc sắc toàn bộ dành viết về những cái chết lẫm liệt của những anh hùng ưu hạng của đất Quảng” [73]. Phong trào Duy Tân được tác giả “coi là cuốn sách đầy đủ và thấu đáo nhất về một phong trào có ảnh hưởng sâu sắc tới những cuộc cách mạng sau này” [73]. Có thể nói Trần Tuấn đã giới thiệu hầu hết các sáng tác làm nên tên tuổi của Nguyễn Văn Xuân cũng như trình bày một cách ngắn gọn tâm điểm của mỗi sáng tác. Có những bài viết giới thiệu sáng tác mới nhất và cũng là cuối cùng của nhà văn một cách khá công phu như bài Nhà văn Nguyễn Văn Xuân: một mảnh đất, một đời người của Trần Trung Sáng. Tác giả viết: Vài năm gần đây, tên tuổi của nhà văn Nguyễn Văn Xuân được bàn luận, nhắc đến với tác phẩm mới nhất của ông “Kỳ nữ họ Tống”. Đây là một đề tài được ông ấp ủ, xây dựng khá lâu, dựa theo câu chuyện về một người đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng trong, đã có một thời làm đảo điên cả triều đại Chúa Nguyễn, suýt xóa bỏ cả tên triều đại này trong lịch sử Việt Nam ngay những thập niên đầu của thế kỷ17. Hiếm thấy người đàn bà nào lại có cuộc đời sóng gió, ghi dấu ấn sâu sắc, rùng rợn, tác động mãnh liệt đến xã hội, chính trị, quân sự, đạo đức như vậy. Bà Chúa Chè làm điên đảo cơ nghiệp Trịnh Sâm ghê gớm là thế, cũng chỉ là bóng mờ bên cạnh Tống Thị. Đặng Thị Huệ chỉ tác động được chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ. Còn Tống Thị thật sự chủ động, tích cực trong việc hại dân, tích lũy thành phú gia địch quốc, thay ngôi chúa bằng những hành động táo bạo [69]. Và dường như đây là thời điểm các học giả có dịp nhìn lại để ngạc nhiên và thán phục sức làm việc dẻo dai, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, ý chí tự học để đạt đến độ thâm viễn, một phẩm chất làm người trong sáng, ngay thẳng của Nguyễn Văn Xuân. Nhà nghiên cứu Trần Tuấn cho rằng: Công việc lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo trong cuộc đời của Nguyễn Văn Xuân như một thứ “thuốc nghiện” “Nghiện đọc và nghiện học (phần lớn tự học) đã giúp ông trở thành một nhà giáo đáng kính với nhiều thế hệ học trò tên tuổi, rồi thành một nhà nghiên cứu tiếng tăm ở miền Nam trước và sau giải phóng[…] Nghiện “Viết” đã giúp ông
- trở thành một nhà văn có giọng văn riêng đặc sắc qua hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết”[73]. Còn Thanh Thảo với bài Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Văn Xuân thì nhận định: Nếu con người có hai lỗ tai để nghe, thì Nguyễn Văn Xuân có một lỗ tai của nhà văn và một lỗ tai của nhà sử học. Cả hai đều tinh tường, tinh tế, đều rất “biết nghe”. Biết nghe và biết lọc. Biết lọc và biết chế tác. Như người thợ đúc đồng quê ông biết chế tác những chiếc chiêng mà tiếng ngân u trầm của chúng như còn đọng mãi trong những vòm cây ngọn suối [71]. Bài viết của Nguyễn Quí Đại đã trích dẫn hồi ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhận xét về Nguyễn Văn Xuân: “ông Nguyễn Văn Xuân quê ở Quảng Nam, lần đầu tiên gặp ông, thấy ông phảng phất có vài nét của cụ Phan Sào Nam. Ông viết nhiều truyện dài, truyện ngắn…. ông có tinh thần quốc gia, khảo về phong trào Duy Tân ở Trung có một số tập truyện về nhà Nho, kháng Pháp”[65]. Các bài viết tưởng nhớ về Nguyễn Văn Xuân không những thống nhất trong cách đánh giá tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông mà còn có cùng quan điểm khi nhận xét về con người của nhà văn. Khi nói về những “góc tối” trong cuộc đời Nguyễn Văn Xuân, Thái Bá Lợi đã viết: Người ta nói ông là người ít có hạnh phúc trên đường đời, nhưng tôi lại nghĩ khác. Người hạnh phúc là người nói được điều mình muốn nói, làm được điều mình muốn làm [….] Một bậc hiền triết từng nói con người từ hư không đến rồi trở về hư không. Thì ông cũng đã trở về hư không rồi đó sao? Nhưng sẽ có lúc nào đó, trên con đường gập ghềnh nầy, trong một tình huống trắc trở, ta sẽ gặp lại ông trong những di sản mà ông để lại; rồi từ đó, ta sẽ tìm ra cái riêng cho mình để chống chọi với hoàn cảnh mà ông đã từng chống chọi [67]. Đối với những góc tối của riêng mình, Nguyễn Văn Xuân chẳng những đã dũng cảm vượt qua mà ông còn không bao giờ lấy đó làm điều bi quan, yếm thế cho cuộc đời, cho ngòi bút. Ông luôn “có lối nói chuyện vừa minh triết, lại vừa hóm hỉnh trẻ trung như cái tên của ông vậy. Đời ông nhiều nước mắt, nhưng lại luôn
- đem đến cho người xung quanh nụ cười” [73]. Tinh thần lạc quan vui sống khiến nhà văn rất tâm đắc với câu thơ giục giã của Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ Em ơi em, tình non sắp già rồi” Khi ngâm nga những câu thơ này, nhà văn cho rằng: “nó không chỉ có ý nghĩa suông về tình yêu, mà nó còn phản ánh lên một sự nôn nóng đổi mới, cách tân đất nước từ trào lưu thơ mới, nên nó vẫn luôn có giá trị bất cứ lúc nào”[69]. Còn Đặng Ngọc Khoa trong bài Nhà văn Nguyễn Văn Xuân về với quê nhà đã viết về bài học “Làm người ngay thẳng” của Thầy Xuân qua tiết lộ của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - người có vinh dự tạo mô hình ngôi mộ cho nhà văn – “lúc sinh thời nhà văn mong muốn khi qua đời, được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc, do ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này: Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chấu đầu ăn, chẳng lo chi việc nước” [66]. Nhà văn sống ngay thẳng, công tâm như vậy, nhưng thật ra trái tim của ông rất độ lượng, bao dung với người. “Trong con người nhà văn Nguyễn Văn Xuân dường như không bao giờ có sự tị hiềm hay giận dỗi. Ông bao giờ cũng tìm thấy ở người khác, ở con người nói chung – cái vẻ đẹp của tạo hóa, của nhân tính. Điều đó, ông không nói ra, nhưng hễ ai gần ông chắc chắn đều thấy mồn một! Từ đây trong văn giới xứ Quảng đã vắng mãi một tấm lòng, một tài năng, một phẩm giá không có gì thay thế được” [69]. Có thể lấy chính lời bộc bạch của Nguyễn Văn Xuân khi nói về một trong những tác phẩm của mình để thay lời tổng hợp các ý kiến đánh giá về sáng tác của ông: “Cuốn sách nhằm giúp củng cố thêm cho các bạn trẻ ở phía Nam hiểu được dĩ vãng đất đai của mình, củng cố niềm tin mà phát triển văn hóa văn nghệ. Người Quảng Nam vẫn đóng góp không ngừng vào sự đăng cao của văn học miền Nam”[68]. Nhìn chung, những tài liệu đã tiếp cận dù chưa phải là những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về Nguyễn Văn Xuân và sáng tác của ông, nhưng ít ra cũng chạm đến những vấn đề mà luận văn đặt ra. Chúng tôi xin ghi nhận tất cả
- những ý kiến trên và xem đó là những gợi ý quý báu để đi sâu vào việc tìm hiểu vấn đề, từ đó rút ra những đặc điểm chủ yếu của tiểu thuyết và truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trong giai đoạn 1954 - 1975. 4. Những đóng góp của luận văn - Luận văn tập trung tìm hiểu tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975 để có một cái nhìn bao quát trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. - Hy vọng góp thêm tiếng nói khẳng định giá trị ngòi bút Nguyễn Văn Xuân, sự đóng góp của ông đối với văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, đối với nền văn học nước nhà , đặc biệt đối với văn hóa văn nghệ vùng đất Quảng Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Luận văn lấy quan điểm lịch sử và phương pháp luận biện chứng làm nền tảng lý luận trong nhận thức và nghiên cứu. 5.2. Phối hợp giữa các phương pháp có tính công cụ, phát huy tối đa tác dụng của chúng trong quá trình nghiên cứu để làm nổi bật vấn đề, cụ thể là: 5.2.1 Phương pháp lịch sử: Sử dụng phương pháp này, người viết có dụng ý tìm hiểu những dấu ấn thời đại lưu lại trong tác phẩm, những yếu tố tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác của nhà văn để làm căn cứ đánh giá vấn đề. 5.2.2 Phương pháp hệ thống: người viết khảo sát tiểu thuyết và truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trên tinh thần kết hợp các yếu tố tương đồng về nội dung, nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết cấu , ngôn ngữ… để rút ra nhận định, đánh giá tác phẩm. 5.2.3 Phương pháp so sánh: Đặt nhà văn trong mối quan hệ đồng đại và lịch đại để vấn đề được đánh giá khách quan hơn. Kết hợp so sánh tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân với các tác giả khác để đưa ra nhận định chính xác về ông. Ngoài ra trong quá trình khảo sát chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích - tổng hợp để làm sáng tỏ vấn đề.
- 6. Cấu trúc của luận văn. Luận văn gồm các phần sau đây: MỞ ĐẦU Chương 1: Nguyễn Văn Xuân với vùng đất và con người Quảng Nam, với văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 Chương 2: Những nguồn cảm hứng chính của Nguyễn Văn Xuân qua tiểu thuyết và truyện ngắn 1954 – 1975 Chương 3: Những đặc điểm về nghệ thuật KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
- Chương 1: NGUYỄN VĂN XUÂN VỚI VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI QUẢNG NAM; VỚI VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM 1954 - 1975 1.1. Vùng đất Quảng Nam và con người Quảng Nam 1.1.1. Vùng đất Quảng Nam 1.1.1.1. Về tự nhiên địa lý Đi dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, dù không cố tình ghi nhớ, nhưng trên dặm đường thiên lý ấy ta bất chợt nghe một lần câu ca dao: “Dậm chưn xuống đất kêu trời! Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra” Và câu ca dao ấy theo chúng ta như một ám ảnh khôn nguôi. Dãy đất miền Trung, trong đó có Quảng Nam, từng được nhiều người ví von “như chiếc đòn gánh gánh lấy hai miền đất nước” hay cụ thể và sát thực hơn có người gọi đó là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối”. Chỉ nghe những cách nói hình tượng, ẩn dụ ấy người nghe hình dung về Quảng Nam là một vùng, miền có điều kiện tự nhiên địa lý vô cùng đặc biệt. Theo giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, vùng đất Quảng Nam “Kéo dài từ núi Hải Vân đến núi Đá Bia gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, có thể gọi Quảng Nam lớn theo nghĩa rộng. Còn Quảng Nam nhỏ, theo nghĩa hẹp, được Nguyễn Ánh lập từ năm 1801 trên cơ sở phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa, bao gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hiện nay” [16, tr.480]. Xét theo vị trí địa lý cả Quảng Nam theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp đều nằm khoảng giữa của “chiếc đòn gánh” Trung Bộ, một bên là núi non hiểm trở cao ngất, một bên là biển rộng mênh mông với bờ biển dài 150 km. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã miêu tả địa hình của Quảng Nam như sau: Bờ biển chạy dài từ cực Bắc đến cực Nam. Sau lưng là dãy Trường Sơn sừng sững án ngự cả biên giới Việt Lào, núi non trùng điệp. Phía trước biển cả, một dải đất toàn là cát trắng mênh mông, bên trong là mấy mảnh đồng bằng bị thắt riết
- vào, bao nhiêu là rừng khô và thung lũng…Trước mặt biển Đông bao la, sóng biển dồn dập ngày đêm quanh Ngũ Hành Sơn, các cửa biển sâu thăm thẳm là nơi tàu bè có thể cập bến bất cứ lúc nào [50, tr.24]. Với điều kiện tự nhiên như vậy, Quảng Nam có một thiên nhiên phong phú, đa dạng. Đồng thời, nơi đây hội tụ nhiều thiên tai: bão lụt, hạn hán… Ở vùng đất này, những hiện tượng tự nhiên gần như được đẩy lên đến cực điểm “mùa hè đến, ruộng đồng, đất đai cũng nứt nẻ không kém phần ủ dột, tiêu điều” [50, tr.26]. Mặt khác, Quảng Nam vẫn có những đồng bằng tương đối phì nhiêu, những vùng khoáng sản phong phú. Theo Lê Quý Đôn: “các núi ở phủ Thăng Bình đều có sản xuất vàng….ở đảo Đại Chiêm có Yến, ở nguồn Thu Bồn có quế, huyện Diên Phước có được thạch khối đường băng hoa, đường đen, đường mật…. ở nguồn Ô Gia có sáp ong, tại nguồn Chiên Đàn có mật ong…. lại có danh mộc rất nhiều, hải sản cũng lắm, đất đai phì nhiêu, dân cư trù mật” [43, tr.79]. Tuy nhiên, đồng bằng được khai thác từ thời Chămpa với phương thức canh tác lạc hậu làm cho đất bạc màu. Riêng các mỏ vàng xưa kia đã được người Chiêm Thành khai thác, sau đó là người Việt, người Hoa, rồi người Pháp… chỉ trong bảy năm mà “chúa Nguyễn đã thu được 5768 lạng vàng” [27, tr.20]. Vì vậy, nhìn chung điều kiện tự nhiên địa lý ở vùng đất Quảng Nam xưa nay vẫn để lại trong lòng người một ấn tượng không lấy gì làm tốt đẹp của vùng “Ô châu ác địa”. Tên núi, tên sông ở Quảng Nam gợi nhiều khó khăn trắc trở: núi Chúa, núi Hiên, núi Giằng, đèo Le, đèo Giảm Thọ, rồi Tí, Sé, Kẽm, Râm, Ri, Liêu….Còn sông thì như bao chặt, luồn lách trên mảnh đất chật hẹp này: sông Thuỷ Tú, sông Cẩm Lệ, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Bà Rén, sông Trường Giang, sông Ly Ly, sông Tam Kỳ, sông Vĩnh An, sông Cây Trâm, sông Bà Bầu, sông An Tân,.… Có thể nói không ngoa, Quảng Nam là vùng đất hội tụ của núi và sông. 1.1.1.2. Lịch sử hình thành xứ Quảng Nam Tên đất “Quảng Nam” chứa một ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc ta: “Quảng” có nghĩa là rộng rãi, mở rộng, “Nam” là phương Nam, đối diện phương Bắc. Vậy Quảng Nam nghĩa là mở rộng về phương
- Nam. Đó là “một sự lựa chọn có tính chiến lược, quyết định vận mệnh sống còn của quốc gia Đại Việt vốn có vị trí địa lý đặc trưng, một bên là núi non hiểm trở, cao ngất, một bên là biển rộng mênh mông, lại luôn chịu áp lực bành trướng mạnh mẽ của một bên là láng giềng khổng lồ từ phương Bắc” [27, tr.14]. Nói đến xứ Quảng người ta thường nghĩ đến Quảng Nam. Tuy trong khu vực này từng có “ngũ Quảng”: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Hoá (Thừa Thiên ), Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng công cuộc mở rộng bờ cõi về phương Nam thật sự bắt đầu từ Quảng Nam cho cả một hành trình dài đến tận Hà Tiên. Ngược dòng thời gian, khi nói đến lịch sử hình thành xứ Quảng Nam ta không thể không nhắc đến một vương quốc từng hiện hữu ở vùng này, có nền văn hoá phát triển khá rực rỡ ảnh hưởng không ít đến đời sống văn hoá Quảng Nam. Xưa kia, khoảng cuối thế kỷ II, người Chăm ở quận Tượng Lâm, lợi dụng lúc nhà Hậu Hán suy yếu (khoảng năm 192), đã nổi lên khởi nghĩa và giành thắng lợi, lập nên nhà nước “Lâm Ấp” (có nghĩa là “xứ Rừng”) với vị vua Chăm đầu tiên là Xơri Mara. Và quốc hiệu Chămpa đã xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ VI. Chămpa là tên của một loài hoa (hoa sứ), nếu nói rút gọn thì thành “Chăm” biến âm là “Chàm”. Âm Hán Việt là “Chiêm Thành”, rút gọn là “Chiêm”…Giữa hai thời kỳ Lâm Ấp và Chămpa sử sách Trung Hoa còn ghi một tên nữa gọi là “Hoàn Vương”. Người Việt còn dùng một số tên khác như “Hời”, “Lồi” để gọi dân tộc này. Thời đó, vương quốc Chămpa được chia thành 4 châu (vốn xưa kia là những tiểu quốc khác nhau) đó là Amaravâti (tương ứng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mà Quảng Nam là trung tâm), Vijaya (tương ứng với khu vực Bình Định, Phú Yên), Kauthara (tương ứng với khu vực Khánh Hoà), Panduranga (tương ứng với khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận). Vương quốc Chămpa tồn tại cho đến thế kỷ XVII, trải qua nhiều triều đại, ban đầu đóng đô Sinhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam), sau dời sang Indrapura (Đồng Dương,Quảng Nam), rồi vào Vijushia và Sudra (Đồ Bàn, An Nhơn, Bình Định). Theo sử sách đã ghi, từ năm 973, Lê Đại Hành đã mang quân đánh vào kinh đô Indrapura, nhưng cuộc tiến quân này chỉ là một cuộc “thăm dò” chưa rõ ý định mở mang bờ cõi. Sau khi tịch thu một số của cải, Lê Đại Hành đã rút quân. Đến
- năm 1004, do Chiêm Thành không ngừng quấy nhiễu đất nước ta nên Lý Thái Tông đã mang quân đánh Chiêm. Vua Lý tiến quân đến quốc đô Phật Thệ (nay thuộc huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên ) bắt được 5000 người rồi rút quân về. Công cuộc Nam tiến của người Việt chỉ thực sự diễn ra vào năm 1069, khi Lý Thánh Tông cử binh bắt sống vua Chiêm Thành là Chế Củ, buộc dâng ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) để “chuộc tội”. Như vậy, trong tầm nhìn chiến lược của các vị vua từ đời Lê đến đời Lý đã thấy sự tồn tại của Vương quốc Chămpa là một nguy cơ cho biên cương đất nước ở phía Nam, cũng như nhìn thấy tiền đồ của Đại Việt nếu có thể mở rộng về phía Nam.Thế nên, vào năm 1075, trước khi mang quân đánh Tống xâm lược, Lý Thường Kiệt đã đánh Chiêm để giữ vững biên cương phía Nam. Trong cuộc hành binh này, Lý Thường Kiệt đã vẽ được địa đồ ba châu mà Chế Củ đã dâng và ráo riết đưa người vào định cư ở ba châu này. Như vậy, từ khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán năm 938, trải qua các triều đại nhà Ngô (939 - 965), nhà Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) và những thập niên đầu thời nhà Lý (1010 - 1225) lãnh thổ nước ta dừng lại ở Châu Ái và Châu Hoan (Thanh Hoá, Nghệ An - Hà Tĩnh hiện nay). Nhưng từ năm 1069 mà rõ hơn là năm 1075, cương vực nước ta ở phía Nam kéo dài đến tỉnh Quảng Trị. Hơn 200 năm sau, vào năm 1306, người Việt đã thực hiện tiếp một bước quan trọng trên con đường tràn xuống phía Nam bằng cuộc hôn nhân chính trị giữa Huyền Trân công chúa và chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Cuộc vân du của thượng hoàng Trần Nhân Tông với lời hứa gả công chúa Huyền Trân đã giúp nhà Trần có thêm hai châu của vua Chiêm Thành làm sính lễ: Châu Ô và Châu Rí. Năm 1307, vua Trần Anh Tông đã nhận hai châu này và đổi thành Thuận Châu (Bắc Hải Vân quan) và Hoá Châu (Nam Hải Vân quan ). Như vậy, biên giới Đại Việt không dừng lại ở Quảng Trị mà kéo dài đến sông Thu Bồn. Nhà Trần còn cử tướng Lê Quí Li đem quân vào cửa Thị Nại, tiến đánh Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành vào năm 1377 nhưng thất bại. Khi đó, Chế Bồng Nga đã đánh nước ta đến kinh thành Thăng Long. Nhưng sau khi Chế Bồng Nga chết năm
- 1390, đất nước Chiêm Thành rối ren. Nhân cơ hội này, nhà Hồ (1400 - 1407), trước đó đã chiếm ngôi nhà Trần, năm 1402, thương thảo với triều đình Chiêm Thành nhượng “Chiêm Động” (Bắc Quảng Nam), “Cổ Lũy Động” (Nam Quảng Nam) cho người Việt. Nhà Hồ đã chia Chiêm Động và Cổ Lũy Động thành bốn châu: Châu Thăng, Châu Hoa (Quảng Nam hiện nay), Châu Tư và Châu Nghĩa (Quảng Ngãi hiện nay). Nhà Hồ đã tổ chức ráo riết hơn trong việc đưa dân vào định cư ở vùng đất mới, đến mức bắt người dân đến ở đâu phải chạm tên vùng đất ấy vào cánh tay mình. Việc làm đó của triều nhà Hồ như một hoạt động cưỡng chế di dân quyết liệt. Nhưng mặt khác, ta cũng thấy được một ý chí trụ bám dữ dội, chắc chắn, thể hiện một nhu cầu khá bức bách về đất đai, về việc củng cố phía Nam của đất nước để đối phó với phương Bắc. Đến đây, lịch sử đất nước ta vẫn chưa có danh xưng Quảng Nam. Khi nhà Hồ bị bại dưới tay nhà Minh thì 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đã bị người Chiêm chiếm lại. Tháng 8 - 1470, vua Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn đem 10 vạn quân thủy bộ cùng voi và ngựa chiến đánh úp Hoá Châu (Châu Rí của Chiêm Thành ngày trước, Thừa Thiên - Huế ngày nay). Lúc này, ở nước ta là triều Lê Thánh Tông. Trước hành động xâm lấn của Chiêm Thành, tháng 10 năm 1470, vua Lê Thánh Tông chọn gần 26 vạn quân thủy bộ, truyền chiếu “bình Chiêm” nói rõ cho nhân dân cả nước lý do Nam chinh: “…Trẫm thể lòng thượng đế, nối chí vua cha. Giết kẻ thù chín đời theo nghĩa Xuân Thu, định mưu kế vạn toàn cho yên đất nước” [43, tr.66]. Và trong lời tấu cáo ở Thái Miếu vào ngày mồng 7 tháng 11 âm lịch, nhà vua cũng nói rõ: “Thần là kẻ ít tuổi bất tài, vào nối nghiệp lớn, chỉ mong yên dân giữ nước, đâu dám dùng nhảm việc binh” [43, tr.67]. Với mưu trí, sách lược và quyết tâm khôi phục lại vùng đất đã mất, vua Lê Thánh Tông đã đại thắng quân Chiêm, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, nhiều văn quan võ tướng, phi tần và hơn ba vạn người. Không phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu Lê Duy Anh trong bài viết của mình đã đặt tiêu đề: Minh quân Lê Thánh Tông với sự khai sinh địa danh Quảng Nam, và hầu hết các bài viết về lịch sử Quảng Nam đều nhấn mạnh vai trò của vua Lê Thánh Tông với sự hình thành xứ Quảng. Với chiến thắng quân Chiêm,
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm (bản diễn nôm) đến Truyện Kiều (Nguyễn Du)
86 p | 312 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại Việt Nam
87 p | 238 | 53
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 266 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 318 | 47
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam
150 p | 193 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 121 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 116 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 215 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 168 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 175 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Tạ Duy Anh
113 p | 107 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những cách tân kịch của A.P. Chekhov
142 p | 136 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 146 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 163 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 149 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Trương Duy Toản
171 p | 99 | 9
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hiện tượng Epiphany trong tập truyện ngắn "Người Dublin" của James Joyce
137 p | 98 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn