Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đào Duy Từ và bước hoạch định vùng văn học Đàng Trong
lượt xem 6
download
Đi sâu vào tìm hiểu văn học Đàng Trong ở bước khởi đầu của nó, tác giả nghiên cứu vấn đề theo hướng thông qua sự nghiệp sáng tác của tác giả Đào Duy Từ nhằm tái hiện một phần nào đó những đặc điểm của vùng văn học này được thể hiện ngay trong những sáng tác khu vực đầu tiên.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đào Duy Từ và bước hoạch định vùng văn học Đàng Trong
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THƯƠNG HUYỀN Đào Duy Từ và bước hoạch định vùng văn học đàng trong LUẬN VĂN THẠC SĨ HÀ NỘI - 2005
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THƢƠNG HUYỀN Đào Duy Từ và bƣớc hoạch định vùng văn học đàng trong LUẬN VĂN THẠC SĨ Mã số: 5.04.33 Ngƣời hƣớng dẫn: PGS.TS. Trần Ngọc Vƣơng HÀ NỘI - 2005
- MỤC LỤC Trang Mở đầu ................................................................................................. 2 1. Lý do lựa chọn đề tài ......................................................................... 2 2. Nội dung và mục đích của đề tài ........................................................ 5 3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ................................................................ 6 4. Phương pháp nghiên cứu ................................................................... 6 5. Kết cấu luận văn ................................................................................ 7 Chƣơng I : Văn học Đàng Trong trƣớc thế kỷ XVII trong cái nhìn tổng quan 1. Từ hành trình lịch sử của Đàng Trong trước thời các chúa Nguyễn ... 10 2. Đến diện mạo văn học Đàng Trong trước thế kỷ XVII ...................... 21 Chƣơng II : Sự xuất hiện của Đào Duy Từ (1572 - 1634) Gƣơng mặt văn học tiêu biểu của Đàng Trong thế kỷ XVII 1. Thân thế và sự nghiệp của Đào Duy Từ ............................................. 31 2. Những sáng tác văn chương của Đào Duy Từ ................................... 41 2.1. Ngọa Long Cơng vãn - Sự khẳng định một tài năng ....................... 42 2.2.Tư Dung vãn - Bức tranh đẹp về Đàng Trong thế kỷ XVII .............. 46 Chƣơng III : Đào Duy Từ và bƣớc hoạch định vùng văn học Đàng Trong 1. Đào Duy Từ với vai trò tiên phong của văn học Đàng Trong ............ 53 2. Những đặc điểm mang tính chất vùng văn học Đàng Trong trong sáng tác của Đào Duy Từ ........................................................................... 57 3. Bức tranh văn học Đàng Trong sau bước đi khởi đầu của Đào Duy Từ71 Kết luận................................................................................................ 78 Thƣ mục tài liệu tham khảo ................................................................ 83 1
- MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài. Góp phần vào dòng chảy lịch sử của văn học Việt Nam, bộ phận văn học miền Nam có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Gắn với các điều kiện lịch sử cụ thể, văn học miền Nam đánh dấu sự ra đời của nó khá muộn màng so với văn học miền Bắc, nhưng sự muộn màng ấy lại hoàn toàn không phải là biên độ giới hạn cho các giá trị của nó. Sự ra đời của văn học miền Nam đồng nghĩa với những bước định hình của một bộ phận văn học mang nhiều phương diện mới mẻ về nội dung, hình thức...được hun đúc nên bởi sức sống, sức sáng tạo của người Việt trên vùng lãnh thổ mang nhiều những điều kiện tự nhiên và một số phận lịch sử nhiều biệt sắc. Đã có những giai đoạn, dường như văn học miền Nam chưa được đánh giá ở đúng tầm giá trị của nó, sự căn cứ vào những thành tựu văn học cụ thể gần như là nguyên nhân chủ yếu khiến cho vùng văn học này bị lu mờ trước một miền Bắc vốn đã quá rực rỡ và chói sáng, đến nỗi, một nhà nghiên cứu từng thốt lên ân hận rằng “tôi không hề chú ý đến văn chương miền Nam và cứ đinh ninh là nó sẽ chẳng đi đến đâu cả” (1). Thực tế của một quá trình dài nhìn lại văn học miền Nam dưới nhãn quan thực sự cầu thị của nhiều thế hệ nghiên cứu đã từng bước khẳng định lại giá trị của bộ phận văn học này. Một sự thật đã diễn ra, văn học miền Nam, kể từ khi nó định hình, gần như luôn có xu hướng đi đầu cho những khám phá mới mẻ của các thể loại văn học hiện đại sau này như báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dịch, truyện phóng tác... và dội tầm ảnh hưởng của nó ngược trở lại miền Bắc. Sự tiên phong bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng, mà hình như chính số phận (1) Nguyễn Văn Xuân - Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân - Nxb Đà Nẵng 2002 - Tr 539. 2
- lịch sử của miền Nam đã quy định cho tính tiên phong của vùng văn học này trên rất nhiều góc độ, vì rằng, theo hành trình của cuộc Nam tiến diễn ra trong nhiều thế kỷ, người Việt phải không ngừng đối diện với những gì mới mẻ không chỉ của tự nhiên mà của một xã hội phải biến đổi để thích nghi và tồn tại trên vùng đất mới, xã hội ấy ít nhiều thoát ly mô hình cũ kỹ của miền Bắc, thứ mô hình vốn không thể áp đặt y nguyên vào miền đất này. Tất nhiên, sự thoát ly ấy không phải hoàn toàn, nói chính xác hơn đó là qúa trình lựa chọn giữa những gì phù hợp và không phù hợp để định ra một phương thức tồn tại cho mình, những gì phù hợp thì giữ lại, những gì không phù hợp thì cải tiến và biến đổi nó một cách linh hoạt và mềm dẻo hơn trong điều kiện cụ thể. Không nghi ngờ gì, trong văn học cũng đã hiện hữu diễn tiến lựa chọn ấy, và dễ hiểu vì sao văn học miền Nam lại có xu hướng phát triển khác biệt so với văn học miền Bắc trên khá nhiều điểm. Bởi vậy, để hình dung về sự phát triển của văn học Việt Nam trong tính đa dạng và muôn màu của nó, thật khó đưa ra những kết luận tổng quát nếu chúng ta thiếu đi một bộ phận văn học được sản sinh trên mảnh đất phương Nam vốn dĩ lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc. Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu đương đại đã cho thấy sự lưu tâm một cách khác trước của giới nghiên cứu khoa học ngữ văn đối với vùng văn học này. Ngoài những công trình mang tầm khái quát về lịch sử văn học miền Nam thì sự chú ý đến việc tái hiện lại tầm ảnh hưởng của các tác giả văn học là điều cần thiết và hữu dụng, đây cũng là công việc đã có sự triển khai trong một số công trình nghiên cứu trước giải phóng của các tác giả Bùi Văn Lăng, Tô Văn Cần, Dương Tự Quán... và hiện tại đang tiếp tục nhận được sự chú ý cần thiết của các học giả Nguyễn Văn Xuân, Cao Tự Thanh, Nguyễn Cẩm Thuý, Nguyễn Tú...., hầu hết đều là những nhà nghiên cứu vốn dành rất nhiều ưu ái cho văn học Nam Hà. Hoà chung vào không khí ấy, chúng tôi thực hiện 3
- công trình này những mong góp một phần công sức để khẳng định lại các giá trị ưu tú của một bộ phận văn học sinh thành trên dải đất phía Nam. Trong khuôn khổ của công trình còn mang nhiều tính chất một bước tập sự nghiên cứu, chúng tôi không dám mang hoài bão lớn lao khi dựng lại cả một quá trình lịch sử với rất nhiều vấn đề phức tạp của văn học miền Nam mà ngược dòng trở về với điểm khởi đầu của nó, tiền thân của văn học miền Nam chính định hình từ một bộ phận văn học mới xuất hiện trong thế kỷ XVII, đó là văn học Đàng Trong, và thiết nghĩ, bước đi đầu tiên bao giờ cũng có một vai trò quan trọng nhất định. Văn học miền Nam ở tiền thân của nó có gắn bó chặt chẽ với miền Trung vì miền Trung chính là bước đệm quan trọng đầu tiên của công cuộc Nam tiến kéo dài qua nhiều thế kỷ. Cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn tuy là giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc nhưng nó lại là tiền đề cho sự tăng tốc của chính quyền nhà Nguyễn về phương Nam để mở rộng hậu phương cho mình, văn học Đàng Trong cũng theo đó mà phát triển. Bởi vậy, những dấu ấn đầu tiên của văn học Đàng Trong đặc biệt có ý nghĩa đối với lịch sử của cả một vùng văn học sau này. Lưu tâm đến vấn đề này, chúng tôi đặc biệt chú ý tới vai trò của người đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của văn học Đàng Trong đó là Đào Duy Từ. Xuất hiện trong giai đoạn khởi hành của văn học Đàng Trong, Đào Duy Từ đồng thời là tác giả văn học điển hình nhất của vùng đất này trong suốt chặng đường phát triển đầu tiên 1600 - 1672. Một sự nghiệp văn chương khiêm tốn, nhưng lại lưu giữ những ấn tượng rõ nét về sự giao thoa giữa văn học Đàng Trong và Đàng Ngoài đồng thời thể hiện những biến chuyển có tính định hình cho các đặc điểm riêng có của văn học Đàng Trong trong điều kiện lịch sử cụ thể đã khẳng định vị trí và tầm ảnh hưởng quan trọng của ông tới quá trình phát triển của vùng văn học 4
- này. Sẽ là khiếm khuyết rất lớn nếu trong bức tranh toàn cảnh của văn học Đàng Trong chúng ta không nói đến vai trò của Đào Duy Từ với vị trí là người đã tạo ra bước hoạch định văn học cần thiết. 2. Nội dung và mục đích của đề tài. Đi sâu vào tìm hiểu văn học Đàng Trong ở bước khởi đầu của nó, chúng tôi nghiên cứu vấn đề theo hướng thông qua sự nghiệp sáng tác của tác giả Đào Duy Từ nhằm tái hiện một phần nào đó những đặc điểm của vùng văn học này được thể hiện ngay trong những sáng tác khu vực đầu tiên. Đào Duy Từ là gương mặt văn học tiên phong của Đàng Trong, chính ông là người đã vẽ những nét phác thảo đầu tiên của bức tranh văn học Đàng Trong vốn dĩ đang rất mờ nhạt trong thế kỷ XVI. Quan sát và tìm hiểu văn học Đàng Trong trong tính lịch duyệt, chúng ta dễ nhận thấy sự xuất hiện của ông có ảnh hưởng quan trọng tới sự định hình và khởi sắc của vùng văn học này các thế kỷ sau đó. Những sáng tác của Đào Duy Từ vốn không chỉ mang ý nghĩa ở sự phá vỡ bối cảnh im lìm đang bao trùm lên văn học mảnh đất phía nam sông Gianh trong bước đầu của công cuộc Nam tiến mà còn ghi những dấu ấn rõ nét báo hiệu cho một xu thế phát triển văn học trên một số đặc điểm khác biệt đầy cá tính so với văn học Đàng Ngoài, điều đó tạo nên cho văn học Việt Nam những màu sắc mới. Chúng tôi cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đào Duy Từ là một đại diện hết sức ấn tượng cho những đặc điểm phát triển của văn học Đàng Trong trong giai đoạn tăng tốc bước đầu trên nhiều phương diện. Sự xuất hiện của ông là duy nhất trong bước khởi đầu của văn học Đàng Trong, không cùng thời điểm với bất cứ một tác giả nào khác và chỉ sau ông, văn học Đàng Trong mới bắt đầu có những dấu hiệu mới mang tính khởi sắc . 5
- 3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề. Vai trò của Đào Duy Từ đối với văn học Đàng Trong trước đây nói riêng và văn học Việt Nam ngày nay nói chung đã được nhiều các nhà nghiên cứu đề cập tới. Hiện tại, hầu hết các công trình tổng tập văn học lớn đều có những ưu tâm đúng mức tới những giá trị văn học mà Đào Duy Từ đã tạo lập được.Tuy nhiên, trong sự hiểu biết của mình, chúng tôi nhận thấy chưa có những nghiên cứu nào giải quyết một cách thoả đáng một vấn đề vốn đã được rất nhiều người nói đến, đó là Đào Duy Từ với vị trí của một gương mặt văn học đầu tiên ở Đàng Trong, mà sự tiên phong ấy ngẫm thấy mang rất nhiều ý nghĩa. Những ý kiến được nêu lên trong các công trình Văn học cổ Việt Nam, Tập 2, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1964 của nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân, Văn học trung đại Việt Nam của các tác giả Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Sĩ Cẩn, Bùi Ngọc Trì xuất bản năm 1989 của Nhà xuất bản Đại học sư phạm..., gần đây nhất là các công trình của Trần Thị Liên - Đào Duy Từ con người và tác phẩm in năm 1992 do Nhà xuất bản Văn hoá, Nguyễn Văn Xuân với bài khảo luận Khi những lưu dân trở lại in trong tổng tập các nghiên cứu của ông do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2002...đã cho chúng tôi những gợi ý về đề tài này.Trong cái nhìn sâu sắc và đa diện hơn về một vấn đề dù không hẳn là mới, chúng tôi những tin sự tận lực của mình sẽ mang lại những đóng góp mới chính bằng việc làm mới vấn đề khi mở rộng biên độ giá trị của nó. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu. Nội dung của bản luận văn cho phép chúng tôi trung thành với các thao tác nghiên cứu vốn đã khẳng định tính ưu việt của nó trong các công trình 6
- nghiên cứu văn học thời gian qua. Khảo sát tư liệu, đặt nó trong sự tổng hợp, so sánh, thống kê và phân tích trên những phương diện cần thiết, chúng tôi thông qua đó đưa ra những ý kiến và kết luận của mình. Nhằm tái hiện vấn đề trong sự quan hệ mật thiết với các yếu tố thuộc về lịch sử xã hội, một nguyên nhân quan trọng đã tạo nên những tác động tới sự hình thành các đặc điểm khác biệt của văn học Đàng Trong, chúng tôi đặc biệt lưu ý tới việc sử dụng sử liệu. Chương I của luận văn dành một mục lớn nói về lịch sử của Đàng Trong trước thế kỷ XVII, đặc biệt lưu ý tới những đặc điểm về cư dân vì đây là tiền đề chủ yếu của sự phát triển văn học, qua đó nêu lên những ấn tuợng chính về văn học Đàng Trong trong giai đoạn này. Trong bối cảnh ấy, Đào Duy Từ đã xuất hiện như thế nào, sự xuất hiện ấy có giá trị ra sao đối với quá khứ, hiện tại và cả tương lai của văn học Đàng Trong, đó là những vấn đề được tiếp tục trình bày trong chương II và III. Thiết nghĩ, cách triển khai vấn đề như vậy sẽ nhấn mạnh được nội dung mà chúng tôi đã lựa chọn cho bản luận văn này là “Đào Duy Từ và bước hoạch định vùng văn học Đàng Trong”. 5. Kết cấu của luận văn. Ngoài 2 phần Mở đầu và Kết luận, nội dung của bản luận văn được trình bày cụ thể trong 3 chương như sau: ChươngI : Văn học Đàng Trong trước thế kỷ XVII trong cái nhìn tổng quan. ChươngII : Sự xuất hiện của Đào Duy Từ (1572 - 1634), gương mặt văn học tiêu biểu của Đàng Trong thế kỷ XVII. Chương III: Đào Duy Từ và bước hoạch định vùng văn học Đàng Trong. 7
- CHƢƠNG I VĂN HỌC ĐÀNG TRONG TRƢỚC THẾ KỶ XVII TRONG CÁI NHÌN TỔNG QUAN Danh xưng Đàng Trong, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, chỉ có thể ra đời sớm nhất vào đầu thế kỷ XVII, khi xu thế ly khai giữa hai dòng họ Trịnh Nguyễn trở nên rõ rệt hơn bằng cuộc trở về Thuận Hoá của Nguyễn Hoàng năm 1600 với những nỗ lực không ngừng để kiến tạo một xã hội mới trên mảnh đất phía Nam sông Gianh. Thực chất, cái mầm của sự chia cắt đất nước đã manh nha từ giữa thế kỷ XVI, khi vào năm 1558, Nguyễn Hoàng (có thuyết nói theo lời khuyên của Trạng Trình) xin vào trấn thủ đất Thuận Hoá nhằm tránh cái họa sát thân từ phía người anh rể là Trịnh Kiểm. Thuận Hoá lúc đó còn là miền đất dữ, nhiều lam sơn chướng khí, lại có quân Man hung dữ, chưa kể sự đồn trú của quân nhà Mạc rất có thể trở thành cái bẫy nguy hiểm cho tính mạng của Nguyễn Hoàng. Bởi vậy mà Trịnh Kiểm đã không ngần ngại thẳng tay trao đất ấy cho Nguyễn Hoàng “kể như mượn tay họ Mạc” để “khỏi phải mang tiếng không biết dùng người” (2). Hệ quả của việc đi sai nước cờ ấy là gần một thế kỷ sau, họ Trịnh ở Bắc Hà phải đối mặt với (2) Nguyễn Khoa Chiêm - Nam triều công nghiệp diễn chí - Nxb Hội nhà văn -HN 2003 - Tr 26. 8
- một chính quyền ngày càng lớn mạnh của các chúa Nguyễn ở phía Nam luôn lăm le đe doạ sẽ “diệt Trịnh” bất cứ lúc nào. Khi mà sự tồn tại của các vua Lê chỉ còn là bù nhìn, vương quyền thực chất là ở trong tay chúa Trịnh thì cái lá cờ “phù Lê diệt Trịnh” mà họ Nguyễn giương ra ở Đàng Trong thực sự trở thành một mối nguy hiểm lớn cho bá quyền của họ Trịnh. Ta có thể nghi ngờ, “phù Lê diệt Trịnh” thực ra là một cách họ Nguyễn biện hộ cho sự cát cứ của mình mà thôi, nhưng mối thâm thù của hai dòng họ Trịnh Nguyễn dường như đã trở thành một điều không cần phải bàn cãi. Để rồi, gần một thế kỷ sau cuộc hành trình của Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, lịch sử vừa phải chứng kiến những bi thương đau đớn của một cuộc nội chiến nồi da xáo thịt kéo dài suốt gần một thế kỷ, nhưng cùng với đó là cuộc hành trình ngoạn mục của dòng họ Nguyễn về phương Nam mà ở điểm đến cuối cùng của nó chính là bước hoàn thiện một dải đất chiếm đến 3/5 diện tích nước ta hiện nay.Dưới một nhãn quan công bằng, họ Nguyễn đã tạo lập nên những giá trị lịch sử quan trọng. Bên cạnh giá trị vật chất hữu hình là một dải đất lùi sâu về phía Nam, thênh thang với đồng bằng trù phú và những cửa biển lớn khơi nguồn cho một nền thông thương phát đạt thì sự xuất hiện của Đàng Trong còn là bước mở rộng bản đồ văn hoá nước ta.Theo hành trình của người Việt về phương Nam, chúng ta được chứng kiến sự hội nhập đầy mới mẻ của những sáng tạo về vật chất và tinh thần đã được miền đất mới thổi vào đó cái sinh khí cuả nó. Khi danh xưng Đàng Trong ra đời thì gần như cùng với nó là một bộ phận văn học với những nét tươi mới đã xuất hiện bổ sung thêm cho vẻ phong phú của văn học nước nhà. Văn học Đàng Trong đã đi rất lâu và rất chậm cho đến khi thực sự khẳng định được giá trị của nó, điều đó do những nguyên nhân lịch sử nhất định tác động và trì kéo mà khi nghiên cứu về văn học vùng đất này chúng ta cần đặc biệt chú ý. Thế kỷ XVII, văn học Đàng Trong mới thực sự khởi phát, nhưng chắc hẳn nó đã phải trải qua một quá 9
- trình tuần tự nhi tiến để từng bước xây dựng và bồi đắp cho mình, quá trình ấy gắn liền một cách hữu cơ với công cuộc Nam tiến của người Việt suốt từ thế kỷ X. Để tìm hiểu về văn học Đàng Trong dù chỉ là một khoanh vùng nhỏ trong giai đoạn phát triển đầu tiên của nó thì việc quan tâm đến cả một quá trình phát triển của vùng văn học này là điều cần thiết, cách “tái hiện lại một bức tranh toàn cảnh toàn bộ tiến trình phát triển trước đó của nền văn học, xem xét những thành tựu, những nét khác biệt của các giai đoạn phát triển trước đó, làm rõ những vấn đề đã xuất hiện trong quá khứ trong bối cảnh đa dạng và phức tạp, những vấn đề đã tạo nên quán tính của một truyền thống, quy định sự vận động tiếp tục của văn học” (3) sẽ chứng tỏ những ưu thế của nó trong việc giúp chúng ta hình dung về diện mạo văn học Đàng Trong một cách rõ nét. 1. Từ hành trình lịch sử của Đàng Trong trƣớc thời các chúa Nguyễn. Cách gọi “Đàng Trong” trong thế kỷ XVII là để chỉ hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam. Đất ấy phía Bắc giáp ranh Nghệ An, phía Nam kéo dài tận đến vùng ranh giới Đà Nẵng và Quảng Ngãi ngày nay.Thuận Hoá, Quảng Nam trước đó vốn là đất của người Chăm, có lịch sử khai quốc từ những thế kỷ đầu công nguyên. Theo sử sách, khi nhà Hán đô hộ nước ta, có đặt ra chín quận thuộc bộ Giao Chỉ, trong đó ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam chính là vùng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ của nước ta ngày nay. Quận Nhật Nam là cực Nam của bộ Giao Chỉ gồm năm huyện Lư Dung, Tị Cảnh, Châu Ngô, Tây Quyển và Tượng Lâm, trong đó Tượng Lâm là huyện cực Nam của quận Nhật Nam. Người Chăm chính từ huyện này mà khởi phát xây dựng vương triều. Tương truyền, vào cuối đời Đông Hán, Khu Liên - con của viên công tào huyện Tượng Lâm nhân trong xứ có có loạn bèn giết quan (3) ) Trần Ngọc Vương - Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam - Nxb ĐH Quốc Gia Hà Nội 1999 - Tr 19. 10
- huyện lệnh đi và tự xưng vương. Nước ấy, theo sách sử Trung Quốc ghi lại là Lâm Ấp(4), lấy đất Quảng Nam ngày nay để đóng đô. Lâm Ấp trong thế kỷ này chỉ là một quốc gia nhỏ bé, nhưng sang đến thế kỷ X sau nhiều công cuộc bành trướng và xâm lấn đã mở rộng ranh giới phía Bắc đến tận địa phận Quảng Bình ngày nay, phía Nam kéo dài mãi đến Bình Định, Phú Yên.Với tên gọi khác là Chiêm Thành(5), Lâm Ấp trong thế kỷ X đã phát triển qua bốn vương triều và xây dựng được một lực lượng quân đội hùng mạnh và thiện chiến. Cũng cùng thế kỷ này, Đại Việt bước vào thời đại tự chủ chấm dứt ách đô hộ suốt một nghìn năm của đế chế phương Bắc.Tuy nhiên, gần một thế kỷ sau đó, mối bang giao giữa Chiêm và Việt mới bắt đầu được thiết lập, khởi sự từ việc vua Lê Đại Hành sai sứ là Từ Mục và Ngô Tử Canh sang giao hiếu với Chiêm Thành. Kết qủa không mấy tốt đẹp của cuộc giao hiếu này do việc vua Chiêm sai bắt giữ hai sứ giả đã khiến cho mâu thuẫn giữa Chiêm và Việt nảy sinh. Trước đó, vua Chiêm đã từng theo lời của Ngô Nhật Khánh, một người thuộc dòng dõi Ngô Quyền dẫn thuỷ quân sang nước ta gây hấn nhưng không thành, nay thêm việc bắt giữ sứ giả đã khiến vua Lê Đại Hành nổi giận và đến năm 982 thì thân chinh cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Sau cuộc kinh binh này, vua Chiêm Thành là Ty My Thuế bị giết , kinh đô Đồng Dương của người Chiêm bị trấn giữ và vị tân vương Chiêm buộc phải lùi sâu về phía Nam trốn chạy. Mười năm sau cuộc Nam chinh đầu tiên kể từ khi nước nhà độc lập, đến năm 992, Lê Đại Hành lại sai Ngô Tử An đem người đi xây dựng con đường bộ đầu tiên thông sang đất Chiêm Thành. Nhiều nhà sử học đã coi việc làm này của vua Lê Đại Hành là một cách khai thệ chính thức cho ý định Nam tiến của ông cha ta. Rất có thể, ngay từ thời kỳ này, (4) Theo Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong - Nxb Văn học, tái bản 2001 thì Lâm ấp tức là Đô Ấp của huyện Tượng Lâm. (5) Cũng theo Phan Khoang, Chiêm Thành do chữ Champapura của Phạn Ngữ dịch ra gồm chữ Champa, quốc hiệu chính thức của nước Chăm và pura có nghĩa là kinh thành. 11
- người Việt đã sớm nhận thấy mối nguy hiểm khi kề cận với một quốc gia hiếu chiến như Chiêm Thành. Sức mạnh của Chiêm Thành thể hiện ở việc bành trướng lãnh thổ trong suốt gần mười thế kỷ trước đó là một ví dụ. Và quả sau này, kinh đô Thăng Long cũng đã nhiều lần phải chịu sự tấn công dồn dập của Chiêm Thành trong thời đại nhà Trần. Mặt khác, khi ở phía Bắc, nước ta luôn trong thế đối mặt với một đối thủ hùng mạnh truyền kiếp là Trung Quốc thì con đường mở rộng về phía Nam vừa là để dẹp đi một mối nguy hiểm, vừa là mở thêm một hậu phương lớn để cộng thêm sức mạnh chống chọi với phương Bắc là con đường hợp lý. Cũng như sau này, khi lối về phương Bắc đã bị họ Trịnh bít lại thì họ Nguyễn thực hiện một cuộc kinh dinh vĩ đại về phía Nam, âu cũng là cách tồn tại duy nhất. Như vậy, mục đích Nam tiến manh nha từ tiền Lê rất có thể đã mang tầm nhìn chiến lược. Nhưng theo Li Tana, một nhà Việt Nam học nổi tiếng người Úc đã có rất nhiều nghiên cứu về lịch sử Đàng Trong lại cho rằng, các cuộc Nam chinh thời Lê Đại Hành mang mục đích chủ yếu là “bắt người và lấy của” như một hình thức phổ biến của chiến tranh Đông Nam Á(6). Điều này rõ ràng mang nhiều khác biệt với các cuộc Nam chinh sau này lại mang mục đích là chiếm đất nhiều hơn. Sức thuyết phục trong lập luận của Li Tana là ở chỗ, bà đã đưa ra các dẫn chứng về việc Lê Đại Hành đã bắt giữ 100 cung phi Chăm và kho tàng của người Chiêm Thành, cũng như sau đó người Chiêm Thành lại tập hợp sức mạnh để đánh chiếm và cướp bóc người Việt trong suốt những năm từ 979 đến 997 chính đã nói lên cái đặc trưng chủ yếu của các cuộc chiến tranh giữa Việt và Chiêm thời kỳ này. Dẫu với một tính chất như thế nào đi chăng nữa thì con đường dẫn sang Chiêm Thành dưới thời tiền Lê chí (6) Litana - Xứ Đàng trong, Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII,XVIII - Nxb Trẻ 1999 - Tr25. 12
- ít đã mang trong nó một giá trị định hướng khi vạch ra một lối đi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cho các triều đại kế tiếp. Sang thời Lý, các cuộc tranh giành về đất đai giữa Chiêm và Việt diễn ra gay gắt hơn.Chúng ta ghi nhận ít nhất là năm cuộc giao chiến giữa Chiêm và Việt vào các năm 1020,1043, 1044, 1128, 1132. Sử gia Phan Khoang đánh giá rằng “từ triều Lý, nền độc lập đã vững vàng nên các triều đại ta đều muốn bành trướng về phía Nam, và bắt buộc nước Chiêm Thành, chưa được khai hoá, yếu nhỏ hơn mình phải giữ bổn phận của một nước phiên thuộc như mình đối với Trung Quốc. Còn Chiêm Thành thì vì cái thâm thù đối lập và nhục nhã như vua bị giết, kinh đô bị tàn phá đã chịu đựng từ lâu đời, vì cái bản tính hiếu chiến, cái nhu cầu của một xứ nghèo nàn đã phải tìm mọi cách để chống đối, để xâm lăng trong đó có sự thần phục và triều cống Trung Quốc để dựa thế, mà cách ấy, Đại Việt muốn ngăn cản”.(7) Sau các cuộc giao tranh ấy, hành trình Nam tiến đã đi những bước ngoạn mục dưới triều Lý, thu về ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh do vua Chiêm là Chế Củ dâng nạp để xin được toàn mạng. Ba châu ấy sau được nhà Lý đổi thành Bố Chính, Lâm Bình và Minh Linh thuộc vào địa phận của tỉnh Quảng Bình và phía Bắc Quảng Trị ngày nay. Nhà Trần đi tiếp con đường về phương Nam một cách hoà bình hơn trên cơ sở của mối hôn nhân chính trị bằng việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân và nhận lại hai châu Ô, Lý là món lễ vật cưới của vị vua này vào năm 1036. Sự kiện này là nguyên nhân của hàng loạt những câu ca chê cười của người trong triều ngoại nội, ví như việc vua nhà Hán gả chiêu quân cho Hung Nô vậy. Châu Ô và châu Lý sau đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu thuộc vào phía Nam của Quảng Trị kéo dài đến Bắc Quảng Nam ngày nay. Vùng đất này, tuy là đã thuộc về Đại (7) Phan Khoang - Việt sử xứ Đàng Trong - Nxb Văn học tái bản năm 2001 - Tr40 13
- Việt, nhưng luôn trong thế thiếu ổn định do người Chiêm Thành vì hối tiếc đất cũ mà vẫn thường hay tìm cách lấy lại, nhất là khi Đại Việt đối với Chiêm Thành cũng có những hành động không mấy minh bạch như việc cướp lại công chúa Huyền Trân sau khi Chế Mân chết năm 1307. Đặc biệt, dưới vương triều của vị vua Chiêm anh hùng là Chế Bồng Nga, nước ta đã không ngừng phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của người Chiêm Thành, quân đội Chiêm Thành nhiều lần đã kéo ra đến tận kinh đô Thăng Long đánh phá và cướp bóc. Tuy nhiên, sau khi Chế Bồng Nga mất thì Chiêm Thành cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ cực thịnh và từ đây suy yếu rất nhanh. Năm 1400, sau khi tiếm ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đem quân đi đánh lấy đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động, những vùng đất màu mỡ cuối cùng của người Chiêm Thành, đặt bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, thâu tính nốt địa phận của phía Nam Quảng Nam và một phần phía Bắc của Quảng Ngãi ngày nay. Vùng đất này đã bị giành đi lấy lại liên tục trong suốt nhiều năm sau đó qua những cuộc chiến cù cưa không ngừng giữa Việt và Chiêm, khi nước ta bị nhà Minh đánh chiếm thì các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa tuy vẫn được người Việt đặt quan, nhưng đó chỉ là trên danh nghĩa, thực chất thì vẫn là đất thuộc về Chiêm Thành. Chỉ đến khi nhà Lê đánh dẹp được giặc Minh, đất ấy mới được lấy lại đưới thời Lê Thánh Tông. Dưới triều đại trị vì vủa vị vua “anh hùng tài lược” này, nước ta bước vào thời kỳ cực thịnh, và đây cũng là thời kỳ mà các vùng đất trong xứ Thuận Hoá, Quảng Nam được đặt trong tay người Việt một cách yên ổn hơn cả. Năm 1466, Lê Thánh Tông đặt nước ra làm mười hai đạo thừa tuyên, trong đó thừa tuyên Thuận Hoá là chỉ vùng đất từ núi Hoành Sơn đến phía Bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay, bao gồm hai phủ Tân Bình và Triệu Phong. Đến 1471, lại đặt thêm thừa tuyên Quảng Nam để chỉ phần đất phía Nam của Quảng Nam ngày nay kéo dài đến Bình Định. Danh từ Quảng Nam chính là có từ thời này. Các thừa tuyên được đổi thành 14
- xứ vào năm 1490, vậy nên thừa tuyên Thuận Hoá, thừa tuyên Quảng Nam mới gọi thành xứ Thuận Hoá và xứ Quảng Nam. Sau vua Lê Tương Dực có đổi xứ thành trấn, nhưng cách gọi xứ xem ra vẫn phổ biến hơn cả. Sự đồi bại của các ông vua như Lê Tương Dực, Lê Uy Mục đã đưa nước Việt bước vào thời kỳ đen tối, chẳng bao lâu sau thì dẫn đến sự chuyên quyền rồi thoán đoạt ngôi vị của Mạc Đăng Dung. Nhờ có sự tận nghĩa của người trung thần Nguyễn Kim, hậu duệ của nhà Lê, Lê Ninh, được khuông phò lên làm vua Lê Trang Tông đưa cơ nghiệp nhà Lê trung hưng lên trên đất Thanh Hoá. Đất nước bước vào cuộc phân tranh máu lửa mà lịch sử gọi đó là thời kỳ chiến tranh Nam Bắc triều, một bên là Bắc triều - Nhà Mạc và một bên là Nam triều - Nhà Lê trung hưng. Những tưởng sự chia cắt đó đã đủ bi kịch khi người Việt phải dấn thân vào một cuộc nội chiến dầu sôi lửa bỏng, nhưng không ngờ cái mầm mâu thuẫn lại tiếp tục nảy ra trong nội bộ Nam triều, bắt đầu từ những tham vọng chuyên quyền của Trịnh Kiểm. Nguyễn Kim mất khi sự nghiệp trung hưng còn dở dang, hai người con trai Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng còn nhỏ tuổi, tất cả quyền bính được trao lại cho người con rể là Trịnh Kiểm. Nhưng sự trưởng thành từng bước của Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cộng thêm vai trò chính thống của họ trong việc có thể tiếp tục là người duy trì đại sự trong công cuộc trung hưng triều Lê khiến cho tiền đồ của Trịnh Kiểm có nguy cơ thất bại. Không rõ, cái chết của Lạng quận công Nguyễn Uông có phải là bước thủ ác của Trịnh Kiểm như nhiều người đã cho hay không, sự ấy cho đến nay chúng ta không tường được, nhưng chắc chắn Đoan quận công Nguyễn Hoàng sớm nhận thấy những mối nguy hiểm sẽ đến với mình khi rõ ràng Trịnh Kiểm đang rất nung nấu muốn nhổ bỏ cái gai trước mắt, bởi vậy mới xin được vào trấn thủ đất Thuận Hoá, trước mắt là để tránh mối hiểm nguy đang kề cận, sau mới tính 15
- kế lâu bền. Năm 1558, hành trình của Nguyễn Hoàng và những người tuỳ tùng, hương khúc của ông về miền đất sau dải Hoành Sơn đã trở thành một bước ngoặt trọng đại. Sự ra đi của một dòng họ với mục đích ban đầu không mấy gắn kết với ý định Nam tiến sâu hơn và xa hơn lại đã trở thành một cuộc kinh dinh vĩ đại đưa công cuộc Nam tiến đã được ông cha ta khởi xướng từ nhiều thế kỷ trước đó đi đến cái đích cuối cùng của nó. Trong gần nửa thế kỷ đầu trên đất Thuận Hoá, những kiến tạo của Nguyễn Hoàng cho một xã hội cát cứ vẫn còn dè dặt và cầm chừng, có thể vì mục đích trở ra đất Bắc và giành lại quyền bính giữa chốn nội triều vẫn còn thôi thúc Đoan quận công. Bởi vậy, cũng không ngẫu nhiên mà sau khi Trịnh Kiểm mất, Nguyễn Hoàng lại trở ra đất Bắc và ở đó đến tám năm như một sự “thăm dò” cần thiết. Nhưng trước “đối thủ” mới, người cháu Trịnh Tùng vốn tài ba, lại đa mưu túc trí và rõ ràng không hề tỏ ra có một chút chủ ý nhượng bộ nào với người cậu của mình, lối về phương Bắc như cánh cửa đã đóng chặt trước mắt Nguyễn Hoàng, lúc này, con đường quay trở về Thuận Hoá để làm chủ xứ sở thênh thang của mình là sự lựa chọn sáng suốt hơn cả. Lập kế quay về, ý định cát cứ của Nguyễn Hoàng đến đây là rõ ràng, và cũng chỉ từ thời điểm ấy, Đàng Trong sẽ trỗi dậy với một sức sống mới để khẳng định số phận lịch sử của mình một cách rõ nét và nhiều ý nghĩa hơn cả. Cùng với sự mở rộng lãnh thổ về phía Nam, chúng ta tất yếu hình dung đến các nguồn cư dân sẽ theo nhiều con đường đổ về miền đất này. Nếu như các số liệu của sự giãn nở về lãnh thổ có thể được thống kê lại một cách tương đối rõ ràng theo năm tháng và phạm vi gần với một con số chính xác hơn cả thì số liệu về sự gia tăng cư dân ở Đàng Trong lại rất khó xác định. Nhà nghiên cứu Li Tana đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề không dễ khả thi này bằng cách căn cứ theo số làng và kích cỡ làng, một đơn vị xã hội 16
- rất quan trọng của Việt nam để tính toán ra các con số. Cách làm này khá có sức thuyết phục, và các số liệu đưa ra dù khó có thể kiểm chứng được về độ chính xác tuyệt đối nhưng chí ít cũng cũng tạo được giá trị tin tưởng nhất định. Đó là về số liệu, nhưng nếu để xác định các vấn đề liên quan đến tính chất và thành phần cư dân Đàng Trong thì xem ra công việc này có lẽ sẽ giản đơn hơn chút ít. Mà điều này, trên nhiều phương diện lại rất có ý nghĩa khi ta muốn tìm hiểu về các giá trị văn hoá và văn học của vùng đất này. Đi cùng Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá năm 1558 có “hàng ngàn quân sĩ và gia đình họ, vô số dân nghèo vốn là nạn nhân của bọn địa chủ, cường hào bá ác”(8), đó là những lời mà Việt Chương đã ghi lại trong cuốn truyện lịch sử của ông viết về thời Trịnh Nguyễn tranh hùng. Chắc chắn, tác giả đã dựa theo những những tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn mà ghi lại. Chúng ta sơ qua những sử liệu đó. Đại Nam thực lục tiền biên ghi “Mậu ngọ (1558), mùa đông, tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hoá, 34 tuổi. Những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng theo đi”(9). Nam triều công nghiệp diễn chí viết rằng “ Đoan quốc công cùng với công tử Thái bảo Hoà quận công, Thụy quận công và các tướng Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc đem một nghìn quân thuỷ ra cửa biển nhằm theo hướng hai xứ Thuận Hoá mà tiến”(10). Hai tư liệu dẫn trên chứng tỏ, năm 1558, cuộc di cư vào Thuận Hoá đã diễn ra với quy mô lớn về người. Lịch triều hiến chương loại chí cũng ghi nhận sự kiện này là một trong những đợt di cư có quy mô lớn từ phía Bắc xuống phía Nam trước đợt di dân lớn thứ hai vào thế kỷ XVIII. Đáng chú ý, thành phần tham gia vào dòng di cư trọng đại này đa phần là dân (8) Việt Chương - Thời Nam Bắc triều - Nxb Phụ nữ 2001 - Tr11. (9) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục tiền biên - Nxb Sử học, HN 1962 - Tr31. (10) Nguyễn Khoa Chiêm - Nam triều công nghiệp diễn chí - Nxb Hội nhà văn , HN 2003 - Tr 26. 17
- võ biền, đây là một đặc điểm hết sức nổi bật. Thế bất ổn của Đàng Trong khi ở vào vị trí mà các cuộc tranh chấp đất đai giữa người Việt và Chiêm cho đến cuối thế kỷ XVI vẫn chưa ngã ngũ đã quy định cho sự định cư của giới võ biền trên mảnh đất này. Một điều dễ nhận thấy, những vùng đất gần với ranh giới chiến tranh hơn cả là những vùng luôn luôn được triều đình cử các võ tướng và binh lính đến trấn giữ một cách chặt chẽ. Sự trấn thủ của các võ tướng ở mỗi nơi này chỉ gắn với một thời hạn nhất định, sau đó theo mệnh lệnh của triều đình mà họ trở về Bắc hay được cắt cử đến nơi khác. Đơn cử như việc năm 1570, trấn thủ xứ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh được gọi về trấn thủ đất Nghệ An, công việc của ông ta được giao lại cho Nguyễn Hoàng kiêm lãnh. Phần quân lính cũng vậy, mỗi khi hết chiến tranh thì họ trở về quê hương bản quán, nhưng không ngoại trừ trường hợp những người vì có ưu ái với miền đất mới mà ở lại để lập nghiệp. Thiết nghĩ, con số ấy có thể không nhiều, nhưng rõ ràng lại gây những ảnh hưởng nhất định đến thành phần cư dân Đàng Trong qua nhiều thế kỷ. Không có những số liệu rõ rệt về việc định cư của binh lính ở lại Thuận Hoá, Quảng Nam sau các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, nhưng những tư liệu được tìm thấy đã cho chúng ta biết thêm về một sự thật đã xảy ra trong lịch sử định cư của Đàng Trong. Một tấm bia khắc vào năm 1448 được tìm thấy tại Quảng Nam cho biết, ông tổ của một dòng họ Trần đã được chiêu mộ từ Thanh Hoá đi đánh giặc trên đất Chiêm Thành cùng với gia đình. Sau ông ở lại Quảng Nam và chiêu mộ dân đến lập làng quanh lưu vực một con sông lớn đổ ra biển. (11) Rõ ràng, khả năng lưu lại của lính tráng sau chiến tranh trên đất Thuận Hoá, Quảng Nam đã diễn ra trong nhiều thế kỷ kể từ những chặng Nam tiến đầu tiên là điều không nên nghi ngờ. Tất nhiên, họ không phải là thành phần cư dân duy nhất (11) Xem: Litana - Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII,XVIII - Nxb Trẻ - HN, 1999 - Tr 31. 18
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 263 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 305 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 114 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 147 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 100 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 158 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 146 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 123 | 14
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 81 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 64 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn