Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du
lượt xem 17
download
Mục đích mà người viết luận văn hướng đến là cố gắng chỉ ra, hệ thống lại những biểu hiện của thế giới tâm linh trong các tác phẩm một cách rõ nét nhất, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của người xưa đồng thời cho thấy văn hóa tâm linh có giá trị như thế nào trong thời đại mới.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH -------------------- HOÀNG THỊ THANH XUÂN VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
- DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ thể hiện quan niệm độc đáo, nghệ thuật tài hoa của tác giả mà còn ở chỗ nó mang một tầm vóc văn hóa, mang tính lịch sử và truyền thống văn hóa thời đại. Thật vậy! Lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam mấy trăm năm qua đã bao phen “gió dập, sóng dồi”, nhưng chừng ấy năm trôi qua mà hai viên ngọc Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du vẫn giữ nguyên được chân giá trị của nó. Nhân dân Việt Nam yêu quí Truyện Kiều không chỉ vì có nàng Kiều tài sắc bị xã hội vùi dập, làm cho “ngọc nát, trâm chìm”, làm cho “hoa tàn, nhị rữa”, yêu quí Văn chiêu hồn không chỉ vì đau đớn trước những mảnh đời bất hạnh, mong manh mà vượt lên biên độ của giới hạn, Truyện Kiều và Văn chiêu hồn với nét đẹp văn hóa tâm linh - một khía cạnh của truyền thống văn hóa Việt sẽ sống mãi trong lòng người bao thế hệ, trở thành một phần máu thịt của người dân. Thế nhưng, vẫn có ý kiền cho rằng: với Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã làm theo đơn đặt hàng của một ngôi chùa nào đó? Và Truyện Kiều cũng giản đơn chỉ là sự vay mượn của văn hóa Trung Hoa? Nhằm tìm hiểu truyền thống văn hóa Việt trong quá trình tiếp biến văn hóa ngoại lai, nhằm góp phần trả lời những câu hỏi trên, cũng như mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vốn đã được lưu truyền hàng trăm năm nay, chúng tôi chọn đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du” để làm luận văn tốt nghiệp cao học văn học Việt Nam của mình. 2. Mục đích nghiên cứu Truyện Kiều, Văn chiêu hồn của Nguyễn Du ra đời và vận động trong một môi trường văn hóa có những đặc trưng loại hình khác biệt. Đó là một nền văn hóa trung đại với mô hình hai thế giới, với hệ thống giá trị, với phương thức cảm nhận và tư duy khác chúng ta ngày nay. Bên cạnh thế giới hiện hữu, người xưa hình dung ra một thế giới tâm linh với niềm tin vào sự huyền bí, những điều kì lạ siêu nhiên. Chính thế giới thứ hai này đã qui định cách nhìn, cách cảm của người xưa trong đó có tác giả Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Cho nên mục đích mà người viết luận văn hướng đến là cố gắng chỉ ra, hệ thống lại những biểu hiện của thế giới tâm linh trong các tác phẩm một cách rõ nét nhất, từ đó thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của người xưa đồng thời cho thấy văn hóa tâm linh có giá trị như thế nào trong thời đại mới. Khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tiếp thu truyền thống văn hóa Việt. Từ đó góp thêm tiếng nói lí giải về sức sống lâu bền của hai tác phẩm trong lòng dân tộc. 3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng khoa học luận văn nghiên cứu “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du”. Phạm vi khảo sát chủ yếu căn cứ trên cơ sở những ý kiến của các bậc nghiên cứu tiền bối, chúng tôi chỉ tập trung khai thác thêm ở những vấn đề, những khiá cạnh có liên quan đến đề tài văn hóa tâm linh trong tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Về phạm vi tư liệu: ngày nay có quá nhiều văn bản Truyện Kiều và Văn chiêu hồn được lưu hành trên thị trường, rất khó có thể tìm được cơ sở chính xác. Do đó, để công việc nghiên cứu được tiến hành thuận lợi, chúng tôi xin chọn văn bản Truyện Kiều và Văn chiêu hồn được in trong cuốn “Nguyễn Du toàn tập” (tập 2) do Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Lê Thu Yến và nhiều tác giả khác biên soạn năm 1996. Ngoài ra, để có cái nhìn tổng quát hơn, khi cần, luận văn có thể đề cập thêm một số tác phẩm của một số tác giả khác. 4. Lịch sử vấn đề Tìm hiểu “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du” là một vấn đề khá thú vị nhưng cũng rất phức tạp. Bởi Truyện Kiều, Văn chiêu hồn là những tuyệt tác mà hầu như mọi cây bút tầm cỡ đã khai thác, thi thố tài năng. Còn tâm linh, đời sống tâm linh lại vô cùng phong phú, phức tạp. Cho nên khảo sát đề tài này, chúng tôi tập trung vào hai phương diện: văn hóa tâm linh nói chung và một số công trình, bài báo có liên quan đến tâm linh trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn. 4.1. Những nghiên cứu về văn hóa tâm linh. Trong những năm gần đây, các vấn đề về văn hóa, tâm linh, mối quan hệ giữa văn hóa với văn học đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học nước nhà. Đúng hơn, vấn đề về văn hóa tâm linh thực sự được bàn luận ở góc độ khoa học chỉ từ khoảng đầu thập niên 90 đến nay. Điển hình nổi bật có thể kể đến các công trình nghiên cứu và các bài báo khoa học sau: Công trình nghiên cứu “Văn hóa tâm linh” của Nguyễn Đăng Duy xuất bản năm 2005[12] đã đề xuất khái niệm tâm linh, văn hóa tâm linh khá đầy đủ nhất “Tâm linh là cái linh thiêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”[12, tr.11]. “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”[12, tr.26]. Công trình chủ yếu viết về văn hóa tâm linh người Việt ở miền Bắc trong các lĩnh vực như: tín ngưỡng thần thánh, trời, đất, thờ mẫu, tang ma, thờ cúng tổ tiên, các tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo. Tác giả cũng điểm qua tâm linh trong mọi mặt của đời sống cá nhân, gia đình, tín ngưỡng, tôn giáo và cả mê tín dị đoan.
- Tâm linh cũng được Sơn Nam đề cập trong bài “Nói thêm về tâm linh trong liên hệ với văn hóa Việt Nam” [62]. “Tâm linh tồn tại trong mọi mặt đời sống từ xưa cho tới nay, từ trong truyền thuyết, các bài văn tế, các tác phẩm văn học, trong việc thờ cúng tổ tiên, cúng cô hồn cho tới những ca khúc về tổ quốc và cả những hành động, mọi việc làm, nghĩa cử cao đẹp của con người bình thường trong cuộc sống”. Tâm linh của con người ngưng đọng trong trí nhớ và con người luôn tâm niệm, thành kính về điều mình đã tin, đã làm. “Trí nhớ không phải đứng dừng một chỗ, lâu ngày phát triển thêm rồi tồn đọng trở thành tâm linh” [23, tr.130]. Gần với quan niệm tâm linh của hai tác giả trên, có thể nói đến công trình “Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ” của Nguyễn Hữu Hiếu [29]. Tác giả chú ý đến văn hóa tâm linh ở khía cạnh đời thường của người Việt Nam bộ không theo tôn giáo. “Trong cuộc sống tâm linh đời thường, niềm tin thiêng liêng phong phú, đa dạng hơn nhiều và đối tượng mà họ đặt niềm tin có khi gần gũi và thân thiết hơn”. Trên cơ sở tiếp biến văn hóa Chăm, Khmer, Hoa, người Việt có hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh đa dạng: hiện tượng thờ Phật và thờ Mẫu, hiện tượng đồng bóng... đặc biệt là sinh hoạt tâm linh tại gia. Hồ Bá Thâm trong bài viết “Tín ngưỡng dân gian- một lĩnh vực trong đời sống tâm linh cần sự quan tâm của xã hội” [87], tác giả khẳng định “Tín ngưỡng dân gian là một bộ phận cơ bản của văn hóa tâm linh, một lĩnh vực nhạy cảm mà trong lịch sử nhận thức và giao tiếp văn hóa đã có những nhận thức , đánh giá khác nhau”. Cho nên theo tác giả, chúng ta cần phải có sự quan tâm đúng mức đối với lĩnh vực này. 4.2. Văn hóa là cội nguồn của văn học. Tính văn hóa là thước đo giá trị của tác phẩm văn học. Từ văn học hiểu về văn hóa. Trần Nho Thìn “Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa” xuất bản năm 2002 [90]. Trong đó, bài viết “Mô hình hai thế giới và vấn đề phương pháp nghiên cứu văn học Việt Nam thời trung đại (khảo sát qua Truyện Kiều), tác giả đưa ra hai mô hình cụ thể là thế giới trời- quyền năng vô hạn và thế giới linh hồn, ma quỷ - tuy không có quyền nhưng lại chi phối, ảnh hưởng rất lớn đối với người đang sống. Từ đó cho thấy một đặc điểm cơ bản của người Phương Đông là xem xét con người và thế giới trong mối quan hệ hữu cơ không tách rời nhau, xem thiên địa nhân là một thể thống nhất. Bài viết này, tác giả dường như hóa giải được chỗ mà lâu nay người ta cho Nguyễn Du là mê tín, yếm thế, nặng về luân hồi nghiệp báo, thuyết thiên mệnh… Tín ngưỡng, tôn giáo là những biểu hiện của văn hóa tâm linh. Hà Như Chi trong bài viết “Các giá trị truyện Kiều” trích trong cuốn “Việt Nam thi văn giảng luận” [7] đã phân tích ở ba mặt rõ ràng: tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Nho giáo và đáng chú ý là tư tưởng bình dân thông thường. Tác giả kết luận: “Nguyễn Du mặc dù vận dụng tư tưởng của Phật giáo, Nho giáo nhưng cũng không cố vượt khỏi tư tưởng bình dân. Do đó ta có thể nói rằng tác giả Truyện Kiều không có tham
- vọng chủ trương bênh vực một học thuyết tư tưởng cao siêu mà chỉ làm cái công việc thông ngôn diễn đạt tất cả các ước vọng, xu hướng và tin tưởng của quần chúng”[7, tr.32]. Tác giả đứng về phía nhân dân, phủ nhận các giáo lý tôn giáo, tiếc rằng tác giả chưa nói đến như một vấn đề bức thiết. Cao Huy Đỉnh qua bài viết “Triết lí đạo Phật trong Truyện Kiều” in trong cuốn Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu) [17] đã không thừa nhận sự hiện diện một cách trọn vẹn, trực tiếp của Nho giáo và Phật giáo trong Truyện Kiều mà tác giả hướng đến triết lý hành động của nhân dân. Gần đây, năm 2007, Lê Nguyên Cẩn đã cho xuất bản cuốn “Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa” [6]. Trong đó, tác giả để dành một phân mục viết về “văn hoá tâm linh trong Truyện Kiều”. Trên cơ sở tiếp thu bài viết “mô hình hai thế giới ...” của Trần Nho Thìn, tác giả đề xuất mô hình ba thế giới. Đó là thế của trời, thế giới của con người, thế giới của ma quỷ. Tuy nhiên ở vấn đề này, tác giả chỉ mới dừng lại ở Truyện Kiều. Lời nhận xét của Phan Ngọc khi xem công trình này thật đáng ghi nhận “Tôi tiếc rằng anh đã nhìn Truyện Kiều gần như cô lập. Ví thử anh kết hợp phần giải thích với những tác phẩm của chính Nguyễn Du, đặc biệt là bài Văn tế thập loại chúng sinh thì giá trị thuyết phục sẽ tăng hơn” [6, tr.127]. Dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu văn học trung đại, có lẽ phải nói đến PGS.TS Lê Thu Yến với chuyên đề “Truyền thống văn hóa Việt trong sáng tác của Nguyễn Du” [108]. Bằng giọng văn mượt mà, sâu lắng, tác giả đem lại cho người đọc những rung động, những cảm xúc và cả niềm tri ân đối với thiên tài Nguyễn Du. “Trong tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ có không khí lễ hội mà còn có thế giới trời, Phật, thần thánh, ma quỷ; không chỉ có mồ mả, tha ma, nghĩa địa mà còn có chiêm bao, mộng mị, bói toán”. Nguyễn Du đã nói hộ chúng ta. Trong tác phẩm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, tác giả nhấn mạnh đến bản chất văn hóa tâm linh của người Việt “Dù Nguyễn Du tự sáng tác hay sáng tác theo lời xin của một nhà chùa nào đó thì qua tác phẩm này vẫn thấy rõ quan niệm của ông. Ông đang làm công việc mà mỗi người dân Việt vẫn làm”. Đây là ý kiến xác đáng, có tính chất gợi mở trực tiếp trong công việc nghiên cứu đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du”. Chúng tôi xin trân trọng lĩnh hội. Nếu như Truyện Kiều thu hút khách thơ bao nhiêu, thì Văn chiêu hồn lại như vì sao tinh tú chỉ mới được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng từ xa, hoặc là đặt những bước chân dè dặt mà chưa đi đến tận cùng để thấy hết vẻ đẹp của nó. Xin đơn cử một ví dụ: cuốn sách “Nguyễn Du về tác gia tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17]. Ngoài phần giới thiệu chung thì phần nội dung có đến 74 bài viết về sáng tác của Nguyễn Du. Trong đó có 65/74 bài viết về Truyện Kiều; 2/74 bài viết về Văn chiêu hồn. Chúng tôi nhận thấy, dường như các
- tác giả đã dành quá nhiều ưu ái cho Truyện Kiều mà chưa có sự đánh giá cụ thể cho tác phẩm Văn chiêu hồn. Hoài Thanh trong bài viết “Văn chiêu hồn” trích trong cuốn “nghiên cứu Văn- Sử -Địa” do Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn [81, tr.237] đã cho rằng “chủ nghĩa nhân đạo ở đây không có sức chiến đấu như trong truyện Kiều, nó đi vào chỗ hoàn toàn bế tắc”. Và “Bài văn tế rất dồi dào tính quần chúng, nó dựng lên những hình ảnh rút ra từ trong trí tưởng tượng và trong cuộc đời thực của quần chúng… Nhưng về mặt tinh thần nó biểu hiện cái tiêu cực, phần mê tín dị đoan nhiều hơn là cái phần hăng hái, tráng kiện trong tinh thần quần chúng”. Như vậy, đứng trên lập trường ý thức hệ phong kiến, Hòai Thanh chỉ ra được lớp vỏ vật chất của đời sống con người mà quên đi phần tâm linh, phần tâm hồn của người dân Việt “Sống về mồ về mả. Ai sống về cả bát cơm” Nguyễn Lộc trong bài viết “Văn chiêu hồn - một bản tổng kết” trích trong cuốn “Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17], tác giả đã nói về tục cúng cô hồn và sự ra đời của tác phẩm Văn chiêu hồn. Theo tác giả, tục thờ cúng người qua đời “một mặt là biểu hiện tình cảm nhớ thương, lòng biết ơn và sự kính trọng của người sống đối với người đã khuất, mặt khác cúng là sự cần thiết đối với người đã khuất” [17, tr.132]. Song tác giả lại kết luận “Với Văn chiêu hồn, nhà thơ đã nói thẳng những điều xảy ra trên đất nước mình nhưng dưới một hình thức tôn giáo”. Tiếc rằng tác giả chưa gọi tên được vấn đề. Cũng viết về Văn chiêu hồn, Đinh Hùng với bài viết “Người thơ thuần túy Nguyễn Du trong văn tế thập loại chúng sinh” trích trong cuốn “Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm” do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu [17] đã đề cao Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) như là “viên ngọc quý”. Tác giả đưa ra một nhận định xác đáng “Cả Truyện Kiều cùng văn tế thập loại chúng sinh đều giúp cho ta tìm hiểu con người nguyên vẹn của Nguyễn Du”. Và chỉ với cả hai, thì “sắc thái cây bút Hồng Lĩnh” mới thực sự tỏa hết ánh sáng xuất thần của “viên ngọc liên thành không viết”. Theo đó tác giả khẳng định “ở chiêu hồn, đã dâng cao thành một niềm tin tín ngưỡng thiêng liêng”. Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo ở bộ phận văn xuôi trung đại, PGS.TS Nguyễn Đăng Na qua bài viết “Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - những bước đi lịch sử” [61] nhận xét khái quát “Cùng với các loại hình văn học khác, văn xuôi tự sự đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà thời đại giao phó: phản ánh tâm linh của người Việt Nam thời trung đại” [61, tr.77]. Mới đây, luận văn thạc sĩ “Văn hóa tâm linh trong văn xuôi trung đại” của Hoàng Thị Minh Phương, năm 2007 [73] là công trình rất đáng để tham khảo. Chúng tôi xin ghi nhận. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, chúng tôi nhận thấy thực sự chưa có một công trình cụ thể nào nghiên cứu về văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du cả. Song các bài viết cũng như các công trình nghiên cứu khoa học trên đây, do phạm vi đề tài
- hoặc quá rộng hoặc là quá hẹp nên chỉ mới đưa ra những nhận định khái quát về phương diện tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Trong công trình này, chúng tôi cố gắng hệ thống và làm rõ những vấn đề trên. 5. Phương pháp nghiên cứu Triển khai đề tài “Văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du”, chúng tôi đã vận dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: Phương pháp thống kê phân loại: Là phương pháp chính, nhằm thống kê và phân loại các yếu tố tâm linh sau đó rút ra nhận xét. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản và đưa ra những luận điểm khái quát của luận văn. Phương pháp cấu trúc - hệ thống: Xem xét các yếu tố tạo nên cấu trúc tác phẩm, tìm ra nguyên tắc chi phối sự hình thành của chúng. Từ đó, rút ra kết luận về nguyên tắc chi phối việc sáng tạo toàn bộ cấu trúc tác phẩm. Phương pháp so sánh - đối chiếu: Là phương pháp nhằm làm nổi bật nét tương đồng cũng như sự khác biệt của tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du so với các nhà văn khác trên phương diện thế giới quan, nhân sinh quan. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và văn hóa để có cơ sở đánh giá khách quan tác dụng của văn học trong việc phản ánh văn hóa dân tộc. Những phương pháp này sẽ được chúng tôi vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình nghiên cứu. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần dẫn nhập, kết luận, thư mục tham khảo, nội dung luận văn gồm ba chương: Chương 1. Những vấn đề chung về văn hóa tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. 1.1 Văn hóa tâm linh: 1.2. Cơ sở hình thành văn hóa tâm linh 1.3. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn. Chương 2. Yếu tố tâm linh trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du 2.1. Lễ hội 2.2. Lực lượng siêu nhiên 2.3. Cõi âm, hồn ma
- 2.4. Mồ mả, tha ma 2.5. Cầu cúng, khấn vái 2.6. Chiêm bao (mộng) 2.7. Bói toán 2.8. Thề nguyền Chương 3: Ý nghĩa của các yếu tố tâm linh trong Truyện Kiều và Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du. 3.1. Yếu tố tâm linh phản ánh hiện thực đời sống 3.2. Yếu tố tâm linh - Ý nghĩa giáo dục và ước mơ của con người 3.3. Sức sống lâu bền của các tác phẩm mang yếu tố tâm linh 7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Phát hiện vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa tâm linh. Một phương diện không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của con người thông qua hai tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Từ đó luận văn góp phần tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, khẳng định vai trò của văn học việc phản ánh văn hóa. Văn hóa tâm linh là khía cạnh tinh thần rất cần thiết của con người, nhưng đây lại là một vấn đề phong phú, phức tạp và khá nhạy cảm, mấp mé với mê tín dị đoan. Do đó trên cơ sở tìm hiểu văn hóa tâm linh trong tác phẩm văn học, người viết luận văn góp phần chỉ rõ các biểu hiện tâm linh của người Việt thể hiện trong sáng tác của Nguyễn Du. Từ đó có những nhìn nhận đánh giá khách quan về các hiện tượng này, đồng thời có ý thức trân trọng, nâng niu giá trị tinh thần của cha ông để lại. Mặt khác, luận văn góp thêm tiếng nói lý giải về sức sống trường tồn của hai tác phẩm Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du suốt hơn hai trăm năm qua.
- Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA TÂM LINH TRONG “TRUYỆN KIỀU” VÀ “VĂN CHIÊU HỒN” CỦA NGUYỄN DU 1.1 Văn hóa tâm linh 1.1.1. Khái niệm văn hóa: Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Nó là toàn bộ cuộc sống; cả vật chất, tinh thần của từng cộng đồng người. Như vậy, có thể khẳng định rằng: tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa. Riêng ở nước ta, cũng có khá nhiều quan niệm về văn hóa: Từ đầu thế kỉ XX, Đào Duy Anh đã phát hiện văn hóa phải gắn liền với sinh hoạt của con người nảy sinh trong quá trình lao động và trong từng hoàn cảnh địa lí nhất định: Theo ông, nghiên cứu “Các điều kiện địa lí có ảnh hưởng lớn đối với cách sinh hoạt của con người, song người là giống hoạt động cho nên trở lại cũng có thể dùng sức mình mà xử trí và biến những điều kiện ấy cho thích hợp với những điều kiện cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế mà cũng biến chuyển và khiến văn hóa cũng biến chuyển theo. Nghiên cứu xem sự hoạt động để sinh hoạt về các phương diện của một dân tộc xưa nay biến chuyển thế nào, là nghiên cứu văn hóa lịch sử của dân tộc ấy”.[1, tr.3] Trong giáo trình “cơ sở văn hóa Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm đã định nghĩa về văn hóa như sau: “văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [89, tr. 17]. Từ định nghĩa của Trần Ngọc Thêm, có thể thấy bốn đặc trưng cơ bản của văn hóa: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử. Ở đây chúng tôi căn cứ vào tính giá trị của văn hóa. Theo đó có thể chia giá trị văn hóa làm hai loại: giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Theo nghĩa hẹp, các tác giả cho rằng văn hóa tinh thần là những dấu ấn tinh thần, những giá trị tinh thần đặc thù của một quốc gia dân tộc nhằm phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tiêu biểu cho cách hiểu này là khái niệm văn hóa của UNESCO được thừa nhận rộng rãi: Văn hóa là “tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình”
- Năm 2002, UNESCO cho rằng: “Văn hóa nên được xem là tập hợp các đặc trưng tâm linh, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và ngoài văn học và nghệ thuật, nó bao gồm lối sống, cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin”. Ở khía cạnh này, đầu tiên phải kể đến khái niệm văn hóa của nhà nhân học E.B. Tylor trong công trình “văn hóa nguyên thủy” năm 1871: “Văn hóa như một phức hợp bao gồm trí thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục cũng như mọi khả năng và thói quen khác mà con người như một thành viên của xã hội tiếp thu được” [99, tr.21] Tiêu biểu cho cách hiểu này là A.K Vlêđốp: “Việc coi văn hóa tinh thần chỉ là tổng hợp những giá trị tinh thần là phiến diện. Văn hóa tinh thần như là sự hoạt động sáng tạo tích cực của con người, như là sự sản xuất cất giữ và sử dụng những giá trị tinh thần”. Với đối tượng là văn hóa tâm linh, chúng tôi căn cứ trên hai định nghĩa của UNESCO để định hướng cho việc tìm hiểu các phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng… Những vấn đề gắn liền với yếu tố tâm linh - vấn đề cơ bản trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc. 1.1.2 Khái niệm tâm linh Tâm linh gồm chữ “tâm” và chữ “linh” tạo nên. Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “tâm” có nghĩa là tim (lòng), thuộc về thế giới bên trong. “Linh” có rất nhiều nét nghĩa như: “linh” trong linh hoạt, nhạy bén; “linh” trong thần linh; người chết cũng được gọi là “linh”; “linh” còn dùng để nói đến những ứng nghiệm, bói toán. Hoàng Phê cũng cho rằng tâm linh là “tâm hồn, tinh thần” hoặc là “khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm” [72,tr.897]. Vậy tâm linh là niềm tin của con người vào sự linh thiêng. Một trong những xác định súc tích và khá chuẩn về tâm linh phải kể đến, là khái niệm tâm linh của Nguyễn Đăng Duy: “Tâm linh là cái linh thiêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”[12; tr.11]. Từ khái niệm của Nguyễn Đăng Duy, chúng ta nhận thấy tâm linh trước hết phải gắn liền với ý thức con người. Cũng tức là sẽ không có tâm linh nằm ngoài ý thức con người. Nhưng ý thức nói chung của con người hết sức rộng lớn. Nên chỉ khi nào con người có ý thức về cái thiêng, cái cao cả thì mới gọi đó ý thức tâm linh. Không như các dạng ý thức khác, ý thức tâm linh tựa như mạch suối ngầm nuôi dưỡng tâm hồn người, làm thăng hoa đời sống tâm linh của con người. Đẹp hơn. Lung linh hơn. Ý thức tâm linh không chỉ tồn tại ở dạng ý niệm mà nó còn được biểu hiện ra ở những hình ảnh, những biểu tượng phát ra tín hiệu thiêng về cội nguồn đất nước, tổ tiên, tình yêu quê hương... như cây đa, bến nước, đình, đền, miếu mạo... Rồi tới lúc nào đó, các biểu tượng thiêng liêng này quay trở lại tác động vào tâm hồn người những rung cảm thẩm mĩ, khiến nó tự bộc lộ ra
- bằng những hoạt động hành động cụ thể như cúng vái, cầu nguyện, tham gia hội hè... Tâm linh do đó, tự bản thân nó có sức truyền cảm, tập hợp to lớn khó cưỡng lại được. Tâm linh có trong mọi mặt đời sống con người từ phạm vi cá nhân, gia đình đến phạm vi cộng đồng làng xã, tổ quốc, từ các loại hình nghệ thuật đến tín ngưỡng, tôn giáo. Một câu hỏi đặt ra là, tâm linh bắt nguồn từ đâu? Phải chăng tâm linh có cơ sở từ niềm tin! Thật vậy, nói đến tâm linh là nói đến niềm tin của con người. Bởi không ai sống mà không có niềm tin. Nó là hạt nhân cơ bản xác lập mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Theo Nguyễn Đăng Duy, niềm tin được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, song có thể quy về ba cấp độ: “niềm tin trao đổi”, “niềm tin lý tưởng” và “niềm tin tâm thức”. Trong đó niềm tin tâm thức gắn liền với tâm linh, gắn liền với niềm tin thiêng liêng vì nó có sự “hòa quyện cả tình cảm và lí trí, dẫn đến sự say đắm, say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy” [12; 16]. Đó là niềm tin thiêng liêng về tổ tiên, niềm tin về Mẫu, Phật, Chúa, niềm tin về các thần thành hoàng v.v.. Niềm tin thiêng liêng do vậy, được xem là yếu tố then chốt tạo nên đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh đúng nghĩa và trang trọng. Một xã hội văn minh, phát triển, niềm tin thiêng liêng, niềm tin cao cả càng có giá trị bền vững. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn nội hàm tâm linh, thiết nghĩ chúng ta nên đặt nó trong mối tương quan với các khái niệm khác: tâm linh với tín ngưỡng - tôn giáo, tâm linh với mê tín dị đoan. Tâm linh với tín ngưỡng - tôn giáo: Hoàng Phê, tác giả của từ điển Tiếng Việt, cho rằng tôn giáo có hai nghĩa: Một là “hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên định đoạt tất cả, con người phải phục tùng tôn thờ. Tôn giáo nảy sinh từ rất sớm, từ trong xã hội nguyên thủy”. Hai là “hệ thống những quan niệm tín ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy”[72, tr.1011]. Thiết nghĩ, ở đây Hoàng Phê đã vô hình chung đã gộp tôn giáo với tín ngưỡng vào nhau. Nhưng thực chất tôn giáo không đồng nhất với tín ngưỡng. Tín ngưỡng (tin tưởng và ngưỡng mộ) là “một cách từ thực tế cuộc sống cộng đồng con người ý thức về một dạng thần linh nào đó, rồi cộng đồng con người đó tin theo tôn thờ lễ bái, cầu mong cho hiện thực cuộc sống, gây thành một nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng” [12]. Cùng quan điểm này, Mai Thanh Hải cho rằng, “dù ở những trình độ khác nhau, tín ngưỡng đều có hai đặc tính: một là tin vào cái gì thiêng liêng có sức mạnh chi phối số phận con người; hai là niềm tin ấy được nhiều người thừa nhận và cùng tin theo, cùng làm theo một số nghi thức gì đó để bày tỏ niềm tin chung” [24, tr.33]. Từ các định nghĩa trên, chúng ta nhận thấy tín ngưỡng và tôn giáo đều có chung niềm tin thiêng liêng nhưng tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất với nhau. Điểm khác biệt giữa tín
- ngưỡng và tôn giáo là: tín ngưỡng không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội cụ thể và đình, đền, miếu, phủ cũng không phải là giáo đường, không phải là nơi giảng kinh thuyết pháp mà chỉ là nơi thờ tự, cúng tế, hội hè... Ở tín ngưỡng, con người ta thấy mọi vật chung quanh đều trở nên linh thiêng, và chỉ tập trung giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, chứ không thiết kế một thiên đàng hay một miền cực lạc nào cả. Trong khi tôn giáo có giáo chủ, giáo lí, giáo hội, có giới luật, thì tín ngưỡng vẫn bó kết con người vào sự sùng kính đơn sơ với niềm tin ngóng đợi đơn giản vào thần, mẫu, tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho họ được mạnh khỏe, bình yên, ăn nên làm ra. Tín ngưỡng mang tính địa phương nhỏ hẹp, gần gũi với đời sống nhân dân nên có sức cuốn hút mạnh mẽ với đại đa số người dân còn tôn giáo cũng là một hiện tượng xã hội nhưng mang tính tổ chức cao, hướng đến một đời sống tâm linh siêu việt nên phạm vi ảnh hưởng và lan tỏa của tôn giáo rộng khắp thế giới. Suy cho cùng, tín ngưỡng và tôn giáo tuy có khác nhau nhưng không loại trừ nhau mà vẫn cùng tồn tại xen kẻ bổ sung cho nhau. Như vậy, tín ngưỡng hướng con người tới sự thịnh vượng của cuộc sống. Tức là tín ngưỡng đồng nghĩa với tâm linh (niềm tin thiêng liêng) còn tôn giáo không hoàn toàn là tâm linh mà chỉ là một dạng đặc biệt của tâm linh, tôn giáo cũng phải cứu cánh ở tâm linh. Cùng phát ra tín hiệu thiêng nhưng tín ngưỡng gắn liên với đời sống trần tục một cách chặt chẽ thông qua tiềm thức của cá nhân và đều hướng đến chân, thiện, mỹ cho cuộc đời này. Qua đây, chúng ta cũng phân biệt được tín ngưỡng (niềm tin thiêng liêng) còn gọi là tín ngưỡng dân gian hay tín ngưỡng truyền thống để phân biệt với tín ngưỡng (niềm tin thiêng liêng) tôn giáo. Tâm linh và mê tín dị đoan Trong từ điển tôn giáo, Mai Thanh Hải đã nói rất rõ về mê tín dị đoan: “Mê tín là tin nhảm, tin xằng bậy, không thấy, không hiểu mà nhắm mắt tin theo mù quáng, tin theo một cách mê muội, viễn vông, quàng xiên cả những việc, những hiện tượng trái lẽ tự nhiên, không có suy xét theo lẽ phải thông thường; dị đoan là suy luận, suy đoán một cách nhảm nhí, bậy bạ khác thường, rồi hành động bừa bãi, không lường trước được những hậu quả xấu về sức khỏe, tài sản, thời gian, có khi cả tính mạng cho mình...Nói chung là những ý thức, hành vi mê muội, tin và dựa vào những biểu tượng trái lẽ tự nhiên, có những hành vi lễ bái, ứng xử mang tính chất cuồng tín, nhảm nhí, trái với lẽ phải và hành vi thông thường của mọi người chung quanh, làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người” [24, tr.107]. Đơn cử ví dụ, gần đây nhất, được truyền hình Việt Nam đưa tin hiện tượng đi cầu con ở tu viện Biển Đức Thiên Phước thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM), hiện tượng “truyền năng lượng” chữa bách bệnh của “cậu cò” Phạm Thị Phú ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên: “bất kể người già, người trẻ, cả gái lẫn trai đều được “cậu cò” bẻ cổ, xoay tay, vạch mắt, vặn tai, thổi phù phù, kéo áo lên quá đầu, tụt quần xuống dưới mông rồi phải nằm dưới đất để “thần y” giẫm lên “truyền năng lượng chữa bệnh”. Rõ ràng đây là những việc làm phản khoa học, các tin đồn thất
- thiệt, làm mất thời gian, tiền bạc của nhiều người nhẹ dạ. Thậm chí dẫn tới mất mạng như chơi! Thế nhưng không ít người vẫn tìm đến. Phải chăng tâm linh là mê tín dị đoan? Tâm linh không phải là mê tín dị đoan. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có niềm tin thì mê tín mới tồn tại được. Vậy mê tín dị đoan tồn tại là do đâu? Sở dĩ mê tín tồn tại được là do yếu kém về khoa học, con người không đủ trình độ để phân tích lí giải đúng sai nhảm nhí… hoặc lợi dụng khi tình trạng quẩn bách, mụ mẫm của con người không được kịp thời giải tỏa. Hoặc là một trong những giây phút thăng hoa như lạc vào thế giới khác khiến cho con người mất tỉnh táo, tin vào sự nhảm nhí. Nói cách khác đây là hiện tượng nhắm mắt tin mò, chứ không có cơ sở khách quan. Từ những điều vừa trình bày, chúng ta thấy được sự khác nhau giữa tâm linh với mê tín dị đoan ở chỗ, tâm linh là niềm tin thiêng liêng trong đời sống tinh thần của con người tin vào tổ tiên, thần thánh, phật, chúa...hay những người không đi tu mà họ vẫn đi chùa, đền, đình; vẫn lễ Phật, ăn chay, vẫn tin vào những điều thiêng liêng của Phật, thần thánh. Niềm tin vào cái thiêng vì thế đã đánh thức trong tâm hồn con người ý chí, bản ngã để sống và làm việc, xử sự tốt hơn, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Còn mê tín dị đoan là dựa vào thần Phật để kiếm chác, thương mại hóa niềm tin, hoặc đặt ra bao nhiêu điều kì quái khác thường như trên chúng tôi vừa đề cập khiến cho người khác tin theo một cách mê muội, hành động theo sự tin ấy không những hao tốn về tiền bạc mà còn có khi thiệt hại về tính mạng bản thân. Giữa tâm linh và mê tín dị đoan chỉ cách nhau ranh giới nhỏ hẹp. Điển hình như hiện tượng nói chuyện với người âm của các nhà ngoại cảm, trước đây được cho là mê tín phù phiếm thì nay đã được khoa học thừa nhận “khả năng ngoại cảm” và bước đầu được nhà nước quan tâm đặc biệt. Vì thế có những trường hợp không thể qui hoàn toàn tâm linh là mê tín dị đoan, là những ngộ nhận của con người. Chẳng qua đấy chỉ là những vấn đề mà khoa học không hoặc chưa có cách nào chứng minh đúng hay sai mà thôi. Vì vậy tâm linh luôn là một bí ẩn. Điều chúng ta nên làm và có thể làm là cố gắng đẩy lùi và xóa bỏ dần dần hiện tượng “nghe ở đâu có ông nọ, bà tê linh thiêng lắm” rồi đổ xô kéo đến cúng viếng mà chẳng biết rõ gốc tích thế nào... Qua sự phân biệt trên, chúng ta thấy tâm linh là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người với tất cả sự phong phú và phức tạp của nó. Do đó không nên đơn giản hóa cho rằng tâm linh là mê tín dị đoan, cũng không nên thần bí hóa, tuyệt đối hóa khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu phi thường coi đó là cứu cánh của nhân loại. Cần phải có thái độ nhận thức đúng đắn vấn đề nhạy cảm này, đồng thời khẳng định tâm linh là phương diện quan trọng, rất cần thiết cho đời sống tinh thần của nhân loại. Ở đó, con người tin vào tín ngưỡng, vào tôn giáo, và có cả niềm tin về chính cuộc sống trần thế này. “không chỉ có Thượng đế, có Chúa, Trời, Thần, Phật mới thiêng liêng, mà cả Tổ quốc, lòng yêu thương con người, sự thật công lí cũng thiêng liêng
- không kém”[20, tr8] 1.1.3 Khái niệm văn hóa tâm linh Từ việc giới thuyết về khái niệm văn hóa và khái niệm tâm linh, chúng tôi nhận thấy tất cả những gì liên quan đến đời sống tâm linh con người sẽ tạo nên văn hóa tâm linh. Hơn nữa đã gọi là tâm linh thì nó không thể mất đi được. Tâm linh là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người và khi đó họ ứng xử với tâm linh một cách có văn hóa. Chẳng hạn như những dịp xuân về, tết đến, dù xa xôi cách trở, dù đi đâu và ở đâu, thì ai cũng muốn về sum họp với gia đình, với làng quê để thắp những nén hương lên trên bàn thờ gia tiên, trước là báo cáo với tổ tiên ông bà, con đã về; sau nữa là cầu khấn vong linh những người thân quá cố phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Cũng có khi do điều kiện, hoàn cảnh con người ta không được về nơi chôn nhau cắt rốn, về với gia đình trong ngày thiêng liêng nhất, họ vẫn một lòng hướng về cội nguồn bằng cách lập bàn thờ “vọng” kính cẩn dâng lên những nén hương để tưởng niệm, khấn vái, cầu nguyện, tâm tình, chia sẻ với ông bà, cha mẹ, người thân đã qua đời. Hoặc cứ đến ngày 15/7 âm lịch hằng năm, mọi nhà đều cúng cô hồn... Những việc làm này không biết tự bao giờ đã đồng hành cùng với con người Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần, ở đó con người tin vào cái thiêng. Ở đó con người chủ yếu sống với phần tâm linh của mình. Đó là không gian của những thần cây đa, ma cây gạo, của thần thánh, Phật tiên… Đó là thời gian giỗ, tết, các lễ hội với phần lễ thiêng liêng, những thời điểm giúp con người giao hòa với trời đất, thiên nhiên và các thế lực thánh thần. Sống trong không gian, thời gian mang tính tâm linh ấy, con người được giải tỏa, cởi bỏ phiền muộn lo âu, cầu những điều tốt đẹp cho mình và người thân. Từ cách hiểu trên, theo chúng tôi, khái niệm văn hóa tâm linh của Nguyễn Đăng Duy là tương đối đầy đủ: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo” [12, tr.26]. Thuộc lĩnh vực tinh thần, nhưng văn hóa tâm linh không chỉ gồm giá trị văn hóa vô hình (nghi lễ, tập tục, ý niệm..) mà cả những văn hóa hữu hình phát tín hiệu thiêng liêng (đình, đền, miếu, phủ, chùa, nhà thờ...). Tóm lại, với những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng nhưng vẫn có thể khẳng định, văn hóa tâm linh là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái và tinh thần hướng thiện đã góp phần tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa dân tộc. Trong điều kiện về thời gian và khả năng của người viết, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng người Việt không theo tôn giáo. 1.2. Cơ sở hình thành văn hóa tâm linh 1.2.1 Từ trong tín ngưỡng dân gian
- *Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là một trong những cơ sở hình thành văn hóa tâm linh, bắt nguồn và chịu ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử, tâm lí, thói quen và tính cách của người Việt. Sinh sống trong điều kiện địa lí sinh thái đầy khắc nghiệt, khí hậu thời tiết thay đổi thất thường, khi hạn hán, lúc lũ lụt… suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng nhiều khi kết quả chỉ là con số không tròn trĩnh. Điều này tất yếu dẫn đến tâm lí phụ thuộc, ý thức tôn sùng và thái độ hòa hợp với thiên nhiên. Đầu tiên phải kể đến “đất” và “nước” là hai thành tố có vai trò quyết định, mà cư dân nông nghiệp lúa nước luôn quyện chặt với nó tựa như “Người ta là hoa đất”. Nhưng để có nước (mưa) thì cần đến “trời”, do vậy người xưa tín ngưỡng tôn thờ Trời, Đất, Nước và các hiện tượng thiên nhiên có liên quan đến đời sống nông nghiệp như mây, mưa, sấm, chớp... Trong đó Trời là trên hết, vì theo người xưa trời sinh ra mọi vật “Trời sinh voi sinh cỏ”. Cái gì cũng phải xin trời, lạy trời: “Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày” Khi đã có mưa, người ta hân hoan biết ơn, cần cù làm việc: "Ơn Trời mưa nắng phải thì, Nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu. "Nhờ trời mưa gió thuận hòa, Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau. Hình ảnh mặt trời vì thế đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống của cư dân lúa nước đến mức tôn sùng, quy phục: “Trông trời trông đất trông mây Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm Trông cho chân cứng đá mềm Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng” Chính sự phụ thuộc này đã đưa người Việt cổ hình thành lối tư duy tổng hợp và tín ngưỡng thờ đa thần! Cùng với triết lí âm dương, chú trọng yếu tố nữ - âm tính nên các vị thần được tôn vinh trở thành các nữ thần là bà trời, bà đất, bà nước rất gần gũi gắn bó với cư dân lúa nuớc. Khi có ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai thì bộ ba nữ thần vẫn tồn tại trong dân gian dưới dạng tam phủ (mẫu thượng thiên, mẫu thượng ngàn, mẫu thoải) cai quản muôn loài. Khi Phật giáo du nhập vào ta, trong phương thức tồn tại, nó cộng sinh ngay với tín ngưỡng bản địa thì nhóm nữ thần này được nhào nặn thành hế thống Tứ Pháp: Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Diện.
- Hình 1.1 Tranh thờ tam phủ Cũng như hệ thống nữ thần thiên nhiên được xem như là bà đỡ của nghề nông, thì núi, sông, biển cũng được cư dân lúa nước nhân cách hóa thành thần núi, thần sông, thần biển... Những vị thần tự nhiên thờ ở nhiều làng, hầu như chỉ thấy có nghi thức thờ cúng chứ chưa có tích về thần. Có lẽ do con người nguyên thuỷ chưa có nhiều khả năng tư duy, hư cấu các chuyện về thần để chúng trở thành các pho thần thoại có sức sống mãnh liệt hơn. Thần núi Tản Viên, lúc đầu cũng chỉ đơn giản là thần núi được thờ để che chở cho con người nhưng vì thần núi cao, nên uy linh hơn các thần tự nhiên khác. Bước vào nhà nước Văn Lang thời cổ đại, Tản Viên được nhân hóa và lịch sử hóa trở thành vị anh hùng truyền thuyết của cả cộng đồng quốc gia dân tộc Tản Viên sơn thánh. Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, từ con người đến con vật, cây cối, từ những vật vô cơ như đất, đá, nước, lửa đến cả những vật do con người tạo ra như xe, chum vại… đều có linh hồn. Nên trong tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên của người xưa còn có việc thờ động vật và thực vật – vật thiêng. Nếu như ở loại hình văn hóa gốc du mục, người ta thờ con vật có sức mạnh như chó sói, hổ, chim ưng, đại bàng.... thì ở loại hình văn hóa nông nghiệp dẫn người Việt Nam đến tục thờ các con vật hiền lành hơn như chim, rùa, rắn, cá sấu… là các con vật gần gũi với cuộc sống của cư dân lúa nước. Người Việt quan niệm “nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” nên đã nâng các con vật này lên mức biểu trưng : Tiên, Rồng thông qua các truyền thuyết về họ Hồng Bàng. Trong đó Tiên được trừu tượng hoá từ giống chim sống ở trên cạn, còn Rồng được trừu tượng hoá từ hai loại bò sát rắn và cá sấu sống ở dưới nước. Theo nguyên lí âm – dương và lối sống hòa hợp, thích nghi với thiên nhiên, người nông nghiệp đã biến con vật thành chim mẹ, rồng cha làm nên cội nguồn tổ tiên của người Việt. Con rồng, rắn, rùa…vì thế đã đi vào các câu chuyện thần thoại trong dân gian về con vật
- thiêng phù hộ cho con người trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Hình tương rồng cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo của nó càng thể hiện uy quyền phong kiến. Ngày nay, rồng dùng để đặt tên cho nhiều địa danh trong nước: Hàm Rồng, Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long v.v. Tất cả việc làm này thể hiện ý thức bảo toàn nòi giống và lòng tôn kính, tự hào dân ta thuộc dõng dõi con rồng cháu tiên. Ở thời thượng cổ, cư dân trồng lúa nước quan niệm rằng lúa sinh ra thóc gạo để nuôi sống con người nên người ta gắn lúa với hình ảnh của người phụ nữ. Vì tin rằng lúa là một loại cây có “hồn” nên dân ta nảy sinh tín ngưỡng thờ thần lúa. Để được mùa, hằng năm cư dân lúa nước phải làm lễ rước mạ, gọi hồn lúa, lễ nhập lúa vào kho. Thứ đến các loài cây xuất hiện sớm ở vùng nông nghiệp lúa nước như cây đa, cây dâu, quả bầu...cũng được người dân tôn thờ. Dân gian thường truyền tụng: “thần cây đa, ma cây gạo” hay “cây thị có ma, cây đa có thần”. Tin rằng cây có linh hồn, nên có tục, hễ nhà nào có đám ma, có người chết thì gia chủ phải đeo tang cho cây, vì sợ cây buồn, héo mà chết. Cây cũng là nơi ngự trị của các thần, ma. Loại cây sống lâu năm đều có thể thành tinh- mộc tinh. Nên với đặc tính cộng sinh, sống hòa hợp với thiên nhiên thì dù thần hay ma, người Việt cũng kính trọng, cúng vái rất trang nghiêm. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và thờ vật thiêng tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt, như nhắc nhỡ người dân Việt sống chan hòa như dây bầu dây bí cũng đều chung một dàn, và đầy tính bao dung. Ngoài ra, trong tâm linh người dân Việt còn tin thờ thần không gian- Bà Ngũ hành nương nương và thần thời gian – mười hai vị thần (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Múi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) và mười hai bà mụ có nhiệm vụ làm cho mọi vật sinh sôi phát triển. Từ thời nguyên thuỷ người Việt cổ đã biết nhận thức về thế giới khách quan nhưng với khả năng tư duy trừu tượng của buổi đầu, con người chưa thật sự phân biệt được giữa mình với giới tự nhiên mà mình đang cùng sống, đang phải phụ thuộc. Khi ấy con người đã đồng nhất giữa mình với các vật thể của thiên nhiên. Tác giả cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang chỉ rõ quan niệm người xưa: “Ông Trời ở trên cao có thể nhìn thấy mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ làm ác, giúp đỡ kẻ làm lành … Ông Trời có những thuộc hạ gần xa. Gần thì có ông Sấm, bà Sét. Xa có Sơn Tinh, Thủy Tinh, thần cây đa, ông Táo, ông Địa v.v. . ..Rồi linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại một thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác người chết và có thể ở chung với người thân thích còn sống trong một thời gian để che chở, bảo hộ.” *Tín ngưỡng sùng bái con người Con người được cấu tạo bởi hai phần: thể xác và linh hồn. Người Việt còn tách linh hồn ra làm hai yếu tố “hồn” và “vía” (ba hồn chín vía). Có người lành vía, người dữ vía. Vía phụ thuộc nhiều vào thể xác, nên khi gặp người có vía độc thì cần phải đốt vía, giải vía (thường gặp nhất ở hoạt động buôn bán). Khi chết thì vía theo xác mà tan ra. Còn “hồn” trừu tượng hơn nên có thể xem
- như tồn tại độc lập với thể xác. Quan niệm dân gian cho rằng khi ngủ thì hồn lìa khỏi xác đi đây đi đó, do vậy mà nảy sinh hiện tượng chiêm bao, mộng mị, giấc mơ..vì thế lúc ngủ, theo dân gian con người không được bôi vật lạ lên mặt vì sợ hồn không nhập được vào xác… Cũng vậy, khi chết thì chỉ chết về phần xác nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, được thần linh mang đi sống ở một thế giới khác- thế giới âm phủ. Nói theo triết lý âm dương thì khi chết là hồn đi từ miền dương gian đến cõi âm ty, âm phủ. Tuy thuộc về thế giới khác nhưng linh hồn vẫn dõi theo gây họa hay tác phúc cho người đang sống. Chính điều này đã hình thành tín ngưỡng thờ cúng người chết. Tín ngưỡng sùng bái con người được biểu hiện qua hình thức: thờ cúng tổ tiên, thờ các anh hùng liệt sĩ, thờ tà thần. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Trước khi Nho giáo du nhập, người Việt Nam đã có truyền thống cúng giỗ tổ tiên. Cúng giỗ tổ tiên không phải là biểu hiện tôn giáo mà là biểu hiện huyết thống. Huyết thống thì bao giờ cũng có nguồn gốc. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa truyền thống đẹp nhất của người Việt, là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chúng ta. Đó là đạo lí, là phong tục, tập quán của một dân tộc và còn chỉ rõ ta là người có cội có nguồn, có tổ có tông, chứ không phải là một tay ma cà bông… không có gia phả. Người xưa cũng từng nói “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” như nhắc nhỡ chúng ta khắc sâu ý thức về cội nguồn tổ tiên trong đời sống tâm linh của mình. Đồng thời cũng răn dạy con cháu mai hậu nhất thiết không được đánh mất cái mà tổ tông đã có “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Nếu như người phương Tây chú trọng vào ngày sinh thì người Việt Nam lại chú trọng vào ngày giỗ (ngày mất). Bởi theo quan niệm của người xưa đây là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Người xưa tin rằng thể xác tuy tiêu tan nhưng linh hồn thì bất diệt nên sau khi chết linh hồn của con người vẫn tiếp tục sống với tổ tiên, ông bà ở nơi chín suối. Tin rằng nơi đó, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã qua đời vẫn có thể đi về thăm nom, phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình. Tin rằng ở đó, người chết cũng có một cuộc sống như cuộc sống ở trần gian, tức là cũng cần đến nhu cầu sinh hoạt như ăn, mặc, ở, đi lại .. theo quan niệm “dương sao âm vậy”. Chính vì vậy, ngoài mồ mả tổ tiên ở nghĩa địa, thì trong mỗi gia đình gia chủ đều dành vị trí sang trọng, đẹp nhất của thế nhà lập nên bàn thờ cúng tổ tiên. Từ việc thờ cúng, người xưa cho rằng giữa thế giới thực tại, hữu hình với thế giới siêu nhiên, vô hình; giữa con cháu với tổ tiên, ông bà, những người thân đã mất luôn luôn như có một sợi dây liên hệ mật thiết. Đây cũng là dịp để người sống giao tiếp – thông linh với người đã khuất. Trong khi cúng bái, người sống khấn vái, cầu nguyện một điều gì đó với tổ tiên, ông bà, người thân qua đời. Nhưng nhìn chung niềm tin vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là họ mong muốn tổ tiên phù hộ cho họ được sức khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, gặp rủi hóa may, vạn sự như ý… Qua thờ cúng, con cháu một mặt thể hiện lòng tôn kính, biết ơn, tri ơn đối với tổ tiên mình, Mặt
- khác thờ cúng tổ tiên là một nhu cầu tinh thần bù đắp những thiếu hụt trong cuộc sống thực tại khó khăn, đau khổ, hiểm nguy của chính họ. Thờ cúng các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Nếu như trong phạm vi gia đình, dòng họ, người Việt thờ cúng tổ tiên thì trong phạm vi cả nước, dân ta cũng thờ cúng vua Hùng và anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Người Việt Nam vẫn thường nhắc nhỡ nhau ý thức về tổ Hùng Vương - cội nguồn của dân tộc: “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba” “Dù ai sinh sống gần xa, Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười” Đến với lễ hội vua Hùng, người dân hân hoan trong không khí thiêng liêng và bằng tấm lòng thành thắp những nén nhang cảm tạ ơn nghĩa Vua cha đất tổ đã mở đường cho con cháu Lạc Hồng xây nền đất Việt trời Nam. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhỡ thế hệ sau: “Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải có công giữ nước”. Thật vậy! dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm sóng gió, bao gian khổ hiểm nguy, bao tủi nhục đắng cay trong suốt một thời gian lịch sử rất dài mới có được một đất nước đẹp và thanh bình như ngày hôm nay. Trong cuộc chiến trường kì đẫm máu và nước mắt đó, đã biết bao người đã ngã xuống vì tổ quốc, vì nhân dân. Công lao của họ đời đời được đất nước, nhân dân ghi công. Máu và nước mắt của họ đã thấm sâu vào lòng đất và đi vào lịch sử, vào cõi bất tử của miền nhân gian. Để rồi với sự ngưỡng vọng và tôn kính, dân gian đã linh thiêng hóa các anh hùng tiết liệt để họ trở thành những vị thần được thờ phụng, tưởng nhớ một cách uy linh, trân trọng. Từ nhiều thế kỉ nay, ông cha ta đã dành phần thiêng liêng nhất cho việc thờ cúng biết ơn các anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Lạc Long Quân, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng đến Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung,... bất kể là những vị anh hùng có nguồn gốc từ tự nhiên hay có thật trong lịch sử thì họ cũng là những con người sống khôn thác thiêng, lập công trạng khi sống và hiển linh phù trợ giúp dân giúp nước khi chết. Vì thế, thờ cúng tổ tiên – gia đình và thờ cúng tổ tiên - đất nước là điều linh thiêng, hết sức quan trọng không thể thiếu được trong phong tục của người Việt Nam. Qua đó, khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của cư dân Việt. Tục cúng cô hồn. Xuất phát từ việc tôn kính người chết và lòng nhân ái bao dung, người Việt có tục cúng cô hồn. Cô hồn là những linh hồn cô đơn, cô độc “vô gia cư” khổ sở, đói rách, ngày đêm lang thang đi tìm miếng ăn, thức uống, kiếm chỗ ở… Nhưng mấy ai biết mà cho, mà cúng. Đói rét, vất vưởng. Những lúc ấy, oan hồn có thể bằng hình thức này hay hình thức khác về quấy nhiễu người sống, làm cho người ở cõi trần gian không thể sống yên ổn… Vậy nên, quan niệm
- “dương sao âm thế”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” dân ta đã xây am chúng sinh và cúng cô hồn, một mặt làm vơi bớt phần nào sự cực khổ của những linh hồn kém may mắn không người cúng vái, mặt khác cầu cho cô hồn sớm được giải thoát, không còn quấy nhiễu người dương thế. *Tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên và con người dẫn đến việc hình thành lễ hội dân gian Có lẽ không một nền văn hóa truyền thống của dân tộc nào lại không có lễ hội. Cũng như Trung Quốc và các nước khác, Việt Nam là một đất nước có rất nhiều lễ hội. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì Việt Nam có tới 500 lễ hội lớn nhỏ trải dài theo lịch sử dân tộc, rộng khắp ở mọi miền đất nước và suốt cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Lễ hội chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng: Tết Nguyên đán (1-1): buổi sáng đầu năm (tính theo Âm lịch), Tết Nguyên tiêu (15-1): đêm rằm đầu tiên trong năm, treo đèn, còn gọi là thượng nguyên, Tết Thanh minh (5-3): rẩy mã, viếng mộ, chơi xuân, hội đố lá, Tết Đoan ngọ (5-5): tết hoa quả, diệt sâu bọ, mừng con nước, đua thuyền, Tết Thất tịch (7-7): hoặc Vu lan, xá tội vong nhân, cúng cô hồn (15-7) còn gọi Trung nguyên, Tết Trung thu (15-8): thưởng trăng, gia đình đoàn tụ, múa lân rồng, Tết Trùng cửu (9-9): còn gọi là trùng dương, số 9 là con số của trời, cầu trời mưa thuận gió hòa, Tết Hạ nguyên (15-10): tết cơm mới, mừng mùa màng thu hoạch...; Lễ hội tái hiện lịch sử nhằm suy tôn những con nguời, những anh hùng dân tộc như Lễ Hội Đền Hùng, Hội Hai Bà Trưng, Hội Gióng… và Lễ hội tái hiện phong tục tín ngưỡng như Hội chùa Dâu, hội chùa Keo, Hội chùa Hương, Hội bà chúa Sam… Lễ Hội luôn đan xen xoắn xuýt nhau. Lễ đi kèm với hội dưới hình thức cúng kiến, bái viếng đối với thần thánh, tiên, phật, hoặc người dưới cõi âm như lễ rước thần lúa, lễ cầu mưa, nghi lễ phồn thực, lễ tảo mộ, lễ cúng cầu siêu cho các vong hồn… lễ diễn ra trong một không gian thời gian nhất định. Người tham gia lễ thường có thái độ nghiêm túc và có một ý thức lễ nghi rõ rệt. Hội là cuộc chơi, thường mang tính chất hội hè. Hội thường gắn với những trò chơi dân gian, gắn với những cuộc thi thố, tranh tài trong một số lĩnh vực nào đó. Tính chất vui, trào tiếu trong hội là nét nổi bật. Con người không chỉ sống trong cái thiêng mà còn sống trong cái vui. Vì vậy lễ phải có hội mới cuốn hút, hội phải có lễ thì mới linh thiêng, mới đi vào nề nếp. Lễ hội còn là một ngôn ngữ hoạt động làm phong phú, hấp dẫn hơn và dễ đi sâu vào tâm thức con người hơn nhưng triết lí giáo điều khô khan của các tôn giáo, tín ngưỡng. Không có lễ hội thì cũng không còn tôn giáo và tín ngưỡng. Do đó nhân dân ta rất thích lễ hội. Dù con người ta có ở xa đến mấy, mỗi khi có lễ hội họ đều tìm đến. Lúc ấy, họ được sống trong một không gian thiêng, một khoảnh khắc thời gian thiêng. Chỉ là khoảnh khắc thôi, nhưng để lại niềm lưyến lưu trong tâm hồn người để từ đó thêm có trách nhiệm với cộng đồng, thêm gắn bó với xung quanh. Lễ hội là dịp để để các giai nhân tri ngộ, nam thanh nữ tú gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn, vui chơi, hẹn hò…, cũng là dịp biểu dương sức mạnh, đoàn kết, gắn bó mọi thành viên với cộng đồng. Mỗi dịp lễ hội là một dịp chuyển giao văn hóa, sáng tạo văn hóa.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Bút pháp tả cảnh ngụ tình từ Chinh phụ ngâm (bản diễn nôm) đến Truyện Kiều (Nguyễn Du)
86 p | 311 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cái tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại Việt Nam
87 p | 231 | 53
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 265 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 307 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam
150 p | 192 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 115 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 148 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Tạ Duy Anh
113 p | 105 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những cách tân kịch của A.P. Chekhov
142 p | 129 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 160 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 147 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Trương Duy Toản
171 p | 94 | 9
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hiện tượng Epiphany trong tập truyện ngắn "Người Dublin" của James Joyce
137 p | 96 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn