intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:181

18
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn nhìn nhận truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái. Theo đó, chúng tôi tiếp cận nghiên cứu các truyện đồng thoại dựa trên lý thuyết phê bình sinh thái ở hai phương diện chính là: nội dung và nghệ thuật.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái

  1. UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT TÔ THỊ THANH HOA TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TRẦN ĐỨC TIẾN VÀ TRẦN BẢO ĐỊNH TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ BÌNH DƯƠNG – 2021
  2. UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT TÔ THỊ THANH HOA TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TRẦN ĐỨC TIẾN VÀ TRẦN BẢO ĐỊNH TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. BÙI THANH TRUYỂN BÌNH DƯƠNG – 2021
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của riêng tôi, được hoàn thành dưới sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS. Bùi Thanh Truyền. Toàn bộ các dữ liệu, kết quả được trình bày trong luận văn hoàn toàn trung thực, chính xác và chưa từng được công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào trước đây. Nếu có sai sót, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bình Dương, ngày 16 tháng 8 năm 2021 Tác giả luận văn Tô Thị Thanh Hoa I
  4. LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến PGS.TS. Bùi Thanh Truyền, người đã luôn nhiệt tình định hướng, động viên, khích lệ, chỉ bảo và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn. Tôi trân trọng gửi lời cảm ơn đến các thầy cô trong chương trình Thạc sĩ Văn học Việt Nam – Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng thầy cô khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và thầy cô khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã hết lòng giúp đỡ tôi để tôi có những tài liệu quý báu tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành tốt khóa học, giúp tôi có định hướng ban đầu trong việc viết luận văn. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hai nhà văn Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định đã luôn dành thời gian trò chuyện và cung cấp cho tôi những tài liệu bổ ích để tôi hoàn thành luận văn. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp luôn động viên tôi hoàn thành khóa học và thầy Lê Đức Chinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trung Phú đã luôn tạo điều kiện để tôi có thời gian chuyên tâm hoàn thành luận văn. Bình Dương, tháng 8, năm 2021 Tác giả luận văn Tô Thị Thanh Hoa II
  5. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ...................................................................................................... i LỜI CẢM ƠN ...........................................................................................................ii MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................................... 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ...................................................................................... 3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...................................................................... 12 4. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................................... 13 5. Đóng góp của đề tài ............................................................................................. 14 6. Cấu trúc của luận văn ......................................................................................... 14 NỘI DUNG …………………………………………………………………………….17 Chương 1. PHÊ BÌNH SINH THÁI VÀ HÀNH TRÌNH TÌM VỀ TỰ NHIÊN TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TRẦN ĐỨC TIẾN VÀ TRẦN BẢO ĐỊNH ................................................................................................... 17 1.1. Phê bình sinh thái - một hướng tiếp cận mới trong văn học Việt Nam hiện nay ................................................................................................................... 18 1.1.1. Sơ lược về phê bình sinh thái ............................................................................ 18 ` 1.1.2. Sơ lược về quá trình phát triển của phê bình sinh thái tại Việt Nam ............... 27 1.1.3. Những hướng phê bình sinh thái trong truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định ............................................................................................................ 32 1.2. Hành trình tìm về tự nhiên trong truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định ...................................................................................................... 35 1.2.1. Truyện đồng thoại – mảng sáng tác quan trọng của văn học Việt Nam ......... 35 1.2.2. Trần Đức Tiến – “người đánh kẻng” sinh thái trong truyện đồng thoại ......... 39 1.2.3. Trần Bảo Định – “người nâng cấp” vị thế sinh thái trong truyện đồng thoại . 41 Tiểu kết chương 1 ........................................................................................................... 44 III
  6. Chương 2. NỘI DUNG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TRẦN ĐỨC TIẾN VÀ TRẦN BẢO ĐỊNH TỪ GÓC NHÌN SINH THÁI. ............................................... 46 2.1. Tự nhiên – thế giới bình bình đẳng, đại đồng ....................................................... 46 2.1.1. Nơi dung hòa những yếu tố khởi nguồn sự sống .............................................. 47 2.1.2. Nơi thích nghi và đấu tranh sinh tồn ................................................................ 59 2.1.3. Nơi thăng hoa của niềm hạnh phúc .................................................................. 65 2.2. Tâm thế bất an sinh thái của con người ................................................................ 70 2.2.1. Dự cảm, lo âu trước sự mong manh giữa an lạc và bất toàn ........................... 71 2.2.2. Khát khao níu giữ cái đẹp ................................................................................. 78 2.3. Những thanh âm khẩn thiết trước thảm trạng môi trường ................................ 83 2.3.1. Tiếng kêu cứu cho nỗi đau của Mẹ -Tự nhiên .................................................. 84 2.3.2. Lời dự báo về tương lai sinh thái ...................................................................... 87 Tiểu kết chương 2 ........................................................................................................... 94 Chương 3. NGHỆ THUẬT TRUYỆN ĐỒNG THOẠI CỦA TRẦN ĐỨC TIẾN VÀ TRẦN BẢO ĐỊNH TỪ GÓC NHÌN SINH THÁI ............................................. 96 3.1. Khắc họa không – thời gian nghệ thuật................................................................. 96 3.1.1. Không – thời gian thôn dã bình yên................................................................. 98 3.1.2. Không – thời gian đô thị xô bồ, gấp gáp ........................................................ 103 3.1.3. Không – thời gian kỳ ảo. ................................................................................ 109 3.2. Lựa chọn điểm nhìn trần thuật ............................................................................ 114 3.2.1. Điểm nhìn trẻ thơ – gần gũi, trân trọng tự nhiên .......................................... 114 3.2.2. Điểm nhìn người lớn – trăn trở, chiêm nghịêm về lỗi lầm trước tự nhiên…..117 3.2.3. Sự phối kết điểm nhìn ...................................................................................... 121 3.3. Linh hoạt sử dụng giọng điệu trần thuật............................................................. 126 3.3.1. Giọng trong trẻo, hồn nhiên – khúc hoan ca trước thiên nhiên kì thú ........... 127 IV
  7. 3.3.2. Giọng triết lí, quan hoài – lời tự vấn, nỗi khắc khoải trước sự tàn lụi của môi trường sinh thái .................................................................................................. 134 Tiểu kết chương 3 ......................................................................................................... 142 KẾT LUẬN ................................................................................................................... 144 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ................................................ 148 TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................... 149 PHỤ LỤC V
  8. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Truyện đồng thoại là một thể loại văn học vô cùng quen thuộc đối với đa số người dân đất Việt, nó trao gởi những bài học quý giá cho chúng ta từ thời thơ ấu. Đó là những câu chuyện đa sắc màu với những bức tranh thiên nhiên dân dã, những loài vật gần gũi, đáng yêu... mở ra cho con trẻ một thế giới diệu kì ngập tràn âm thanh, sắc màu cuộc sống. Truyện đồng thoại cũng có một quá trình phát triển lâu dài và luôn có một chỗ đứng vững chắc trong làng văn học. Cùng với sự đi lên của xã hội, truyện đồng thoại không đơn thuần là những bài học dành cho thiếu nhi mà còn dành cho người lớn. Tiếp bước cho thành công của những cây bút đi trước như Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương... thì những nhà văn như Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyên Hương, Trần Bảo Định... lại tiếp tục đóng góp cho thể loại đồng thoại thêm đa dạng, phong phú bằng những tác phẩm gây tiếng vang, mang hơi thở cuộc sống đương đại, phù hợp với cảm quan nhiều người đọc. Từ mảnh đất đồng thoại màu mỡ, nhiều độc giả đã tìm đến truyện đồng thoại để nghiên cứu, khám phá những mạch ngầm, chiều sâu triết lí trong các tác phẩm ấy. Tuy nhiên, truyện đồng thoại vẫn là đề tài mới mẻ, chưa được nghiên cứu, tiếp cận từ góc nhìn phê bình sinh thái (Ecocriticism). Đây là một ngành khoa học manh nha xuất hiện từ những năm 1940 của thế kỉ XX, sau đó, chuyển biến và lan ra nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới được nhiều người đón nhận, quan tâm. Từ những ý tưởng sinh thái trước thế kỷ XX qua chủ nghĩa tình cảm Nga và chủ nghĩa lãng mạn Pháp, Anh, Mỹ, đã có ý hướng tới sinh thái. Tới thế kỷ XX, khủng hoảng môi trường của việc đô thị hóa và công nghiệp hóa, đẩy con người quan tâm đến môi trường nhiều hơn. Những năm 1970 có nhiều tác phẩm phát triển từ sinh thái học dần đi sâu vào phê bình văn học. Sang thập niên 1990 thì phê bình sinh thái trong văn học thực sự nở rộng và lan rộng ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Sự phát triển và lan rộng của ngành khoa học này, đánh dấu sự thay đổi tư duy của con người trong bối cảnh khủng hoảng môi sinhtoàn cầu, do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa gây nên. Phê bình sinh thái còn đưa ra các vấn đề 1
  9. gốc rễ của sự mất cân bằng sinh thái, đặt ra những hướng đi dài hạn trong tương lai nhằm làm chậm “cái chết” của hành tinh và xa hơn thế là vì sự tồn vong của nhân loại. Như vậy, sự phát triển của ngành khoa học phê bình sinh thái là một nhu cầu tất yếu biểu hiện sự tương tác giữa văn học với các vấn đề thực tiễn xã hội. Người cầm bút cần lan tỏa sự ảnh hưởng của mình vì sự tồn vong của nhân loại trong tình cảnh môi sinh “hấp hối”. Vì một tương lai tốt đẹp, bảo vệ môi trường là sứ mệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt lứa tuổi, địa vị, giai cấp... Tuy nhiên để ý thức và tình yêu sự sống lên ngôi thì nhân cách không thể méo mó. Mỗi đứa trẻ cần được giáo dục, hun đúc, rèn giũa tích cực từ thời thơ ấu, từ khi bắt đầu làm quen với thế giới xung quanh mình. Đối với trẻ, không gì đáng quý hơn những câu chuyện đồng thoại về thế giới loài vật nhỏ bé gần gũi quanh chúng. Trẻ vì làm quen với đồng thoại mà biết yêu, biết sợ sệt những tổn hại mà mình có thể gây ra cho những sinh vật nhỏ bé. Từ đó, biết lương thiện, biết xót xa và biết bảo vệ chúng. Nghĩa là, truyện đồng thoại đã phần nào định hình cho trẻ có những phẩm chất tốt đẹp, trong đó có tình yêu thiên nhiên. Tình yêu ấy có thể theo trẻ một cách vô thức đến suốt cuộc đời. Người lớn vì truyện đồng thoại mà được sống dậy những kí ức tuổi thơ bị bộn bề cuộc sống bỏ quên, những kí ức ấy khơi gợi sự hoài niệm về một thế giới đã xa, một chút tiếc nuối, bâng khuâng về một khung cảnh đã đi vào dĩ vãng. Vô tình trong thế giới đó, con người bắt đầu hành trình truy tìm bản thể, mà trên hết, truy tìm bản thể cũng chính là cách nâng niu những bản thể khác, trong đó có tự nhiên. Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định cũng là người cầm bút viết truyện đồng thoại trong muôn vàn người bút nhưng họ là những nhà văn tiêu biểu đưa người đọc chạm tới chân trời sinh thái theo những cách khác nhau. Nếu như truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến khơi gợi tình yêu thiên nhiên bằng những câu chuyện ngập tràn màu sắc thiên nhiên thì Trần Bảo Định lấy sự biến thiên của môi trường sống làm tiền đề để viết về thế giới loài vật trong tự nhiên. Sáng tác của hai nhà văn đã cho chúng ta thấy rất nhiều bức tranh khác nhau về thế giới sinh thái. Từ đó, chúng ta có nhìn nhận đúng đắn hơn vị trí, vai trò của mọi chủ thể tồn tại trong tự nhiên. 2
  10. Với đề tài Truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái, chúng tôi mong muốn đem đến một cách tiếp nhận mới cho truyện đồng thoại qua lăng kính phê bình sinh thái. Mặc dù cách tiếp cận mới nhưng chúng tôi cho rằng, đề tài này phù hợp với thực tiễn môi trường đang xuống cấp và nguy cơ tha hóa đạo đức sinh thái ngày càng có nhiều biểu hiện rõ nét như hiện nay. Hơn nữa, tạo ra một góc nhìn mới về đồng thoại khác với cách tiếp nhận xưa nay người ta thường đón nhận ở thể loại này là những thông điệp giáo dục. Hi vọng đề tài này sẽ góp thêm tiếng nói bảo vệ môi trường sinh thái và làm cho diện mạo nghiên cứu, phê bình sinh thái thêm đa dạng, phong phú. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Nghiên cứu về thể loại truyện đồng thoại Từ những năm đầu thế kỉ XX, truyện đồng thoại mang linh hồn hiện đại ngày càng phát triển mạnh mẽ hòa trong xu thế chung của tiến trình phát triển văn học Việt Nam. Một trong số những tác phẩm đồng thoại gây tiếng vang có thể nhắc đến là Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài. Tuy nhiên, cho đến nay, giới lí luận phê bình vẫn ít chú ý đến truyện đồng thoại bằng những bài chuyên khảo xứng đáng với đóng góp của nó. Có thể nói, hiện nay Lê Nhật Ký là người tâm huyết nhất với việc nghiên cứu thể loại này. Ngoài luận án tiến sĩ Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, ngày 5/7/2021, trên trang https://hawacorp.vn/truyen-dong-thoai-la-gi/, Lê Nhật Ký có bài viết Truyện đồng thoại là gì? đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn khá hoàn chỉnh về sự bắt đầu và phát triển của truyện đồng thoại Viêt Nam hiện đại. Tập trung vào những vấn đề nổi bật vận động bên trong thể loại đã và đang: “Nối dài sự phát triển của truyện đồng thoại dân gian”, “đáp ứng nhu cầu của một lớp công chúng đặc biệt” và là “nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều bộ môn nghệ thuật khác”. Có thể thấy trong nội dung bài viết Lê Nhật Ký đã chú ý đến việc trả khái niệm truyện đồng thoại về nguyên bản vốn có của nó trước khi được tiếp nhận tại Việt Nam qua nhiều lần khúc xạ. Trong một bài viết khác trên trang https://docsachcungcon.com có bài Về cách hiểu truyện đồng thoại ở Việt Nam, Lê Nhật Ký thêm một lần nữa giúp người đọc có cái nhìn tổng quan và khách quan hơn 3
  11. về khái niệm truyện đồng thoại. Bài viết có khá nhiều dữ kiện tổng hợp chi tiết nhiều khái niệm khác nhau từ trước đến nay về thể loại này từ khi nó xuất hiện ở Nhật Bản cho đến Trung Hoa và về Việt Nam. Bài viết cho thấy trước việc diễn ra sự phân hóa và phân biệt giữa nhiều thể loại truyện, đồng thoại vẫn là một thể loại cho ra nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi của nó hơn là đặc trưng truyện. Tuy nhiên, muốn xác định thể loại trước tiên phải dựa vào đặc trưng của nó. Theo bài viết thì có người cắt nghĩa thể loại theo tên gọi là loại “truyện cho trẻ em” (phạm vi rộng) bao gồm cả cổ tích hiện đại và đồng thoại (thể loại không có tên trong danh sách văn học dân gian), nhưng phần đa theo cách hiểu của người Việt thì là “truyện loài vật được nhân cách hóa” (phạm vi hẹp). Lê Nhật Ký đồng tình với số đông coi truyện đồng thoại đứng độc lập như một thể tài riêng biệt so với các thể loại khác. Tựu trung lại giữa các nhà văn hay các nhà nghiên cứu phê bình và thế giới người đọc, họ vẫn chưa có một sự thống nhất cao về khái niệm thể loại đặc biệt quan trọng này. Theo chúng tôi sự khác nhau này không có gì đáng ngạc nhiên vì mơ hồ, đa nghĩa vốn là bản chất của văn chương. Mặc dù, chúng tôi đồng thuận theo số đông nên hiểu thuật ngữ này theo nghĩa hẹp vì truyện cổ tích và truyện đồng thoại vẫn có một sự khác biệt rất lớn. Truyện cổ tích (thần kỳ, loài vật, sinh hoạt) phần lớn đều có sự đối đầu gay gắt giữa cái thiện và cái ác. Truyện đồng thoại không có sự đối đầu thiện ác gay gắt, “được hiểu là một loại truyện viết về loài vật và các vật vô tri, theo phương thức nhân cách hóa. Vậy là, tưởng như thu hẹp mà hóa ra rất rộng, hơn bất cứ thể loại nào khác, đồng thoại có biên độ gần như không có giới hạn, vượt ra ngoài thế giới người; nhưng lại có thể vận vào thế giới người. Ngoài thế giới loài vật quen thuộc còn là thế giới hoa cỏ, cây cối, chim muông, trong quan hệ với con người và được nhìn qua thế giới người. Một thế giới vừa rộng rãi vừa thu gọn, vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa mở rộng tri thức, vừa phát huy sức tưởng tượng – đó là đặc trưng và là ưu thế của đồng thoại” – dẫn lời bài viết Đồng thoại trong văn học viết cho thiếu nhi của Vân Thanh (đăng trên trang http://lenhatky.blogspot.com/2015/11/ong-thoai-trong-van-hoc-thieu-nhi.html). Tuy nhiên khách quan mà nói: cái tên thể tài “đồng thoại” nếu cắt nghĩa theo chiết tự chữ Hán từ “đồng” (nhi đồng) và “thoại” (truyện/ chuyện) có nên thay đổi tại Việt Nam hay không? Vì trên thực tế muốn dung nạp kiến thức, trước tiên, chúng ta phải cắt nghĩa của 4
  12. từ để hiểu cho chính xác: “Nghĩa của từ chính là nội dung mà từ biểu thị”. Vậy nên, chúng ta có nên đặt tên mới cho thể tài này để phù hợp với tinh thần của nó hay không? Ví như “truyện nhân hóa” chẳng hạn. Quay lại với luận văn, luận văn xác định sinh thái là trọng tâm, “đồng thoại” là đối tượng của phê bình sinh thái nên chúng tôi mạn phép tạm xếp ba truyện: Vương quốc tàn lụi, Biển thức và Thành phố Hoa Sứ của Trần Đức Tiến vào thể tài đồng thoại dựa trên độ “chênh” của các khái niệm. So với các loại truyện khác, truyện đồng thoại có ưu điểm là không kén người đọc, mọi đối tượng độc giả đều có thể tiếp nhận theo cảm quan riêng của mình. Song song với đó, trong Giáo trình văn học trẻ em của tác giả Lã Thị Bắc Lý có viết: “Với thuộc tính cơ bản là sự tung hoành của trí tưởng tượng, truyện đồng thoại dễ đập vào mắt, tác động trực tiếp vào trí tưởng tượng, làm cho các em dễ hiểu, dễ xúc động” (Lã Thị Bắc Lý, 2006). Theo nhận định này thì thế giới trong truyện đồng thoại chính là thế giới tự nhiên biểu hiện qua đời sống muôn hình vạn trạng, được nhân cách hóa một cách sinh động, gần gũi với sự nhận biết của trẻ thơ mà không cần tuân theo quy luật tả thực. Điều này làm nên một thế giới sinh vật không tắt tiếng trước cái nhìn khách quan của con người mà xuất hiện với vô vàn tiếng nói, bình đẳng với thế giới người. Vì thế, truyện đồng thoại hiện đại rất phù hợp để làm đối tượng của phê bình sinh thái. 2.2. Nghiên cứu về truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định Hiện nay, công trình nghiên cứu mang tên Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (2011) của Lê Nhật Ký là công trình duy nhất khảo sát một cách đầy đủ về hệ thống thể loại truyện đồng thoại. Công trình này trình bày những vấn đề cốt lõi của thể loại đồng thoại ở hai phương diện chính: nội dung và nghệ thuật. Nội dung gồm làm rõ khái niệm, quá trình hình thành phát triển, những cảm hứng về thế giới con người và tự nhiên trong truyện đồng thoại. Nghệ thuật đi sâu vào phân tích hệ thống nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ, vị trí thể loại truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại trong dòng chảy văn học. Theo thời gian một số luận văn, khóa luận nghiên cứu truyện đồng thoại của một số tác giả lần lượt ra đời như: Đặc điểm ngôn ngữ đồng thoại tiếng Việt (2013) của Phan Thanh Hòa, Truyện đồng thoại của Tô Hoài và ý nghĩa giáo dục đối với học 5
  13. sinh tiểu học (2014) của Nguyễn Thị Thoa, Thế giới nhân vật trong truyện đồng thoại Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ của Nguyễn Nhật Ánh (2017) của Hà Thị Hoa, Tinh thần sinh thái trong truyện đồng thoại ở Nam Bộ đầu thế kỷ XXI (2020) của Nguyễn Thị Thùy Lan… Có thể thấy, các công trình nghiên cứu sau này ngày càng chú tâm hơn vào dòng văn học thiếu nhi nhưng chỉ đi vào phân tích nội dung, đặc trưng, thể loại hoặc có định hướng nghiên cứu mới như nghiên cứu tinh thần sinh thái thì vẫn chung chung, chưa đi sâu vào một tác giả sinh thái cụ thể. Qua một số tư liệu được tìm tòi, chúng tôi nhận thấy: Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định là hai gương mặt tiêu biểu trong khu vườn đồng thoại mang hơi thở hiện đại. Cả hai nhà văn đều là những tác giả được nhiều bạn đọc yêu mến, là đối tượng quan tâm của khá nhiều bạn đọc. Xoay quanh hai nhà văn là những bài viết, bài phê bình, giới thiệu được đăng rải rác trên các web, các báo điện tử và một vài luận văn thạc sĩ. Nhưng theo chúng tôi thì chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện về truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái. Dưới đây, chúng tôi điểm qua một số bài viết, bài báo, luận văn có liên quan đến hai tác giả: Khi nói về Trần Đức Tiến, Lê Nhật Ký nhận định Trần Đức Tiến chính là người chạy tiếp sức trên con đường đồng thoại. Hơn thế nữa, Lê Nhật Ký còn nhận xét: “Không chỉ là người tiếp nối, Trần Đức Tiến còn tạo ra một sự nối tiếp thú vị trong văn chương đồng thoại đầu thế kỉ XXI. Năm 2002, tác phẩm Làm mèo của ông đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng. Truyện này được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá là thiên đồng thoại hiếm hoi, xinh xắn và xiết bao cảm động về một chú mèo con đi tìm mẹ [...]. Thiên truyện Làm mèo, có thể nói, là sự đan cài giữa hai màu sáng tối, hạnh phúc và bất hạnh, tàn nhẫn và nhân hậu..., và tất cả gắn kết, xoay quanh cuộc đời của chú mèo Cháu Ông”. Thành công của Làm mèo không dừng lại ở đó, mà còn là tiền đề để Tô Hải Vân tiếp tục hành trình của chú mèo Cháu Ông qua truyện ngắn Phép màu của mèo con. Dẫn lời giới thiệu tác phẩm này, nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng, Trần Đức Tiến đã tạo nên “một cuộc chạy tiếp sức tự nhiên, hào hứng, dường như chưa có trong tiền lệ trong văn học nước ta, và cũng chưa hứa hẹn điểm dừng...” 6
  14. (được đăng trên trang http://tranductienhnv.blogspot.com/2011/03/tran-uc-tien-va-cuoc- chay-tiep-suc.html) Đến với Xóm Bờ Giậu, Thanh Tâm Nguyễn có bài cảm nhận Đọc “Xóm Bờ Giậu của Trần Đức Tiến với cái nhìn chung khá đầy đủ về khoảng thời gian đưa Trần Đức Tiến đến với cái duyên viết truyện cho thiếu nhi. Cái duyên được khằng định bằng tài năng, bằng việc quên tuổi để viết. Theo bài viết : “Để có một cái tên vừa vặn, phù hợp ôm lấy 25 đứa con tinh thần bé bỏng, Trần Đức Tiến lựa chọn Xóm Bờ Giậu. Kiểu định danh ấy khá thú vị, hợp với tạng người thích tìm nơi hoang sơ, dân dã để lánh sự ồn ào như Trần Đức Tiến. Đồng thời, nó như là để gợi lại một khoảng sân nhà “quê mùa lạc lõng nhất thành phố” của chính tác giả. Cái tên nôm na gợi về một không gian không có trong bản đồ, đủ sức rũ sạch “bụi kinh thành” và đưa độc giả về miền cổ tích thôn dã dường như đã cư ngụ trong tâm hồn trẻ thơ từ tiền kiếp”. Cũng trong bài viết này, Thanh Tâm Nguyễn còn nêu quan điểm : “thời gian qua văn học nước nhà đang bị ám ảnh bởi lý thuyết phê bình sinh thái... Tôi cũng không nghĩ là Trần Đức Tiến viết tác phẩm này dưới sự soi chiếu của lý thuyết phê bình sinh thái. Nhìn phía nào của Xóm Bờ Giậu cũng thấy tự nhiên nhưng đấy là tự nhiên có chức năng phát ngôn thay con người các vấn đề nhân sinh. Mỗi một sinh thể ẩn dụ cho một nhân vị. Hành trình tìm về sinh thái của nhà văn vừa là hành trình tìm kiếm sự tương thích giữa tác phẩm với người đọc nhỏ tuổi, vừa là sự từ chối chốn thành thị rực rỡ, hào nhoáng nhưng thiếu sự “run rẩy, hồi hộp” của những trái tim đa cảm được tưới tắm từ những gì đơn sơ, vụng dại”. Theo nhận định này, Thanh Tâm Nguyễn đã gián tiếp phủ nhận hướng nghiên cứu của các độc giả nhìn nhận hầu hết các tác phẩm đồng thoại của Trần Đức Tiến như là tác phẩm thuộc dòng văn học sinh thái. Về hình thức thể loại, Thanh Tâm Nguyễn có lời khen: “Truyện của Trần Đức Tiến, vì thế có khả năng mở rộng đối tượng tiếp nhận, điều tương đối khó với những tác phẩm được gọi là văn học thiếu nhi với sự quy chiếu của chủ thể thụ hưởng. Sáng tác mà không hề lo lắng đến khâu phát hành, tác phẩm của Trần Đức Tiến tự tin có chỗ đứng vững vàng trong lựa chọn của người đọc các thế hệ, không phân biệt tuổi tác” (dẫn nguồn trang http://lenhatky.blogspot.com/2019/09/oc-xom-bo-giau-cua-nha-van-tran-uctien.html). 7
  15. Như vậy theo nhận định này thì Thanh Tâm Nguyễn lại có cái nhìn thoáng hơn ở góc độ người tiếp nhận, độc giả có thể nhìn nhận tác phẩm của Trần Đức Tiến theo nhiều hướng nghiên cứu, trong đó, có cả xu hướng phê bình sinh thái từ góc độ tinh thần. Khác với quan điểm trên, Văn Thành Lê lại khẳng định các truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến không chỉ gần với thiên nhiên, mà chính xác là quyện vào thiên nhiên, đồng thời trình bày rõ ràng quan điểm này trong bài viết Người dắt trẻ con vào thế giới đồng thoại. Không dừng lại ở đó, Văn Thành Lê lập luận: “Nhiều người quay ra xem văn học thiếu nhi là chiếu dưới, là tầm… trẻ con. Họ không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu, trong sáng tạo, hoặc với văn chương nói riêng, tác phẩm không phụ thuộc vào đề tài lớn hay đề tài bé, vào đối tượng đọc là người lớn hay trẻ con, chỉ có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở mà thôi”. Còn với với các sáng tác văn học, Văn Thành Lê nhấn mạnh “văn chương chưa bao giờ đứng ngoài thời cuộc”, “Chúng ta đã có và vẫn đang có những trang văn thấm đẫm bầu sinh quyển tự nhiên”. Lấy tác phẩm Trần Đức Tiến làm minh chứng, Văn Thành Lê bày tỏ: “Có thể người viết chưa tiệm cận những thuật ngữ, như: sáng tác tự nhiên (nature writing), văn học sinh thái (environmental literature) hay ngôn ngữ xanh (green language), nhưng vô hình trung, những trang văn sinh thái, đẫm đầy sinh thái, rất nhẹ nhàng, vẫn tràn ngập trong các sáng tác của Trần Đức Tiến và các tác giả khác, để các em ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, kêu gọi con người bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái” (được đăng trên trang http://www.lethieunhon.vn/2018/08/tran-uc-tien-dat-tre-con-vao-gioi-ong.html). Từ cái nhìn khách quan, chúng ta có thể thấy Thanh Tâm Nguyễn và Văn Thành Lê đều thừa nhận các sáng tác dành cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến luôn tràn ngập yếu tố thiên nhiên bình dị, đưa người đọc tìm về hành trình sinh thái. Về phần chúng tôi, chúng tôi tôn trọng ý kiến của mỗi người nhưng mạn phép mượn lời của Umberto Eco để nói lên quan điểm của mình: “Văn bản đã hoàn tất, và tự nó nảy sinh những tương quan ngữ nghĩa mới của nó. Dù lúc viết ra có chủ ý hay không, giờ đây đứng trước những câu hỏi hay những thách thức đa nghĩa, chính tôi cũng khó khăn khi diễn dịch điều mâu thuẫn, tuy tôi hiểu rằng trong đó có một (hay có lẽ nhiều) ý nghĩa”, “Khi tác phẩm đã 8
  16. hoàn tất, tác giả nên chết đi để không cản trở hành trình của tác phẩm” – Trích Tên của đóa hồng (Umberto Eco, 2013). Đứng ở lập trường nghiên cứu sinh thái, chúng tôi nhận thấy rất nhiều dấu vết sinh thái được thể hiện trong các sáng tác của Trần Đức Tiến như mối quan hệ giữa con người với thế giới phi nhân qua sự xuất hiện của các yếu tố tự nhiên, tri thức về tự nhiên đều dung chứa tinh thần sinh thái. Theo tinh thần ấy, Trần Đức Tiến luôn ưu ái cho thiên nhiên vị thế làm chủ thể trong sáng tác đồng thoại, mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về thế giới tự nhiên. Phần lớn bản thân các sáng tác của Trần Đức Tiến chưa gắn chặt số phận môi sinh với số phận con người, nhất là vấn đề đô thị hóa, vấn đề ý thức của con người trong việc quyết định sự tồn vong của trái đất nhưng nó lại chạm đến cái sơ khai tiền sử của loài người, đó là hòa nhập với thiên nhiên, yêu thiên nhiên. Thật vậy, không có tự nhiên thì không có sinh thái, không có tự nhiên thì không có con người, nếu xem nhẹ tinh thần sinh thái trước khi đến với phê bình sinh thái thực thụ nghĩa là chúng ta đã xem nhẹ sự hữu ích của truyện đồng thoại đối với trẻ con. Vốn dĩ, trẻ con cần đồng thoại để “khôn lớn”, để biết yêu thiên nhiên xung quanh chúng. Bản thân mỗi đứa trẻ là một nhân tố cực kì quan trọng quyết định sự tồn vong của hành tinh sau này. Sự tồn vong ấy là câu trả lời cho sứ mệnh định hướng của dòng “văn học xanh” dành cho trẻ em trước khi dòng văn học này chuyển hướng tới những vấn đề cần quan tâm của thế giới người lớn. Khác với các tác phẩm đồng thoại của Trần Đức Tiến là đối tượng để độc giả nghiên cứu từ góc nhìn tinh thần sinh thái, thì các tác phẩm đồng thoại của Trần Bảo Định lại là đối tượng để phê bình sinh thái tập trung vào những vấn đề liên quan đến số phận con người trong quan hệ tương tác với môi trường tự nhiên, mang tính đặc thù của thời đại toàn cầu hóa. Nếu như Trần Đức Tiến là “nhân vật” được Lê Nhật Ký trân trọng dành cho một chỗ đứng vững vàng “người tiếp sức cho truyện đồng thoại” thì Trần Bảo Định lại là “nhân vật” được Nguyễn Khắc Phê đón đợi từng tác phẩm đầy áp dư vị phù sa: 9
  17. Ngày 16/03/2015 trong bài viết Từ “ Kiếp Ba Khía”, hiểu thêm về vùng đất phía Nam, Nguyễn Khắc Phê nhận định chung cho tập truyện “Kiếp ba khía không thiếu bi kịch nhưng đồng thời lại toát lên sức sống bất diệt của một vùng đất giàu tiềm năng của Tổ quốc…”, tập truyện mang giọng điệu hồn nhiên đan xen chút suy tư, chút hài hước, đậm chất dân gian, hướng về mảnh đất với bao loài vật lạ mắt mang những đặc điểm dị biệt, gắn bó với bao số phận con người trước những biến cố lịch sử. Một bài viết khác Đọc “Đời bọ hung” của “ nhà văn trẻ” 73 tuổi Trần Bảo Định đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 10/3/2016, Nguyễn Khắc Phê phát hiện “10 trong 15 truyện trong tập Đời Bọ Hung đều mượn thế giới loài vật để ngẫm về lẽ sống, về thiện ác, về sự hơn thua trong thế gian”. Trong thế giới ấy, mỗi loài đều có đời sống tinh thần, tính dục rất sinh động. Loài vật có đủ khả năng để nghe, hiểu và suy ngẫm một cách sâu sắc mọi diễn biến xung quanh mình. Tập truyện là những phát hiện về đời sống tinh thần của các con vật và mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trước những thảm họa môi trường. Trong bài viết Trần Bảo Định – một tác giả đặc sắc trong dòng “văn học sinh thái” được đăng trên Tạp chí Sông Hương, Nguyễn Khắc Phê đã đưa ra cái nhìn toàn diện về 4 tập văn xuôi (Kiếp Ba Khía, Phận lìm kìm, Chim phương Nam, Đời Bọ Hung) và nhất là Chim phương Nam bằng khẳng định: Trần Bảo Định xứng danh là “người kể chuyện dân gian hiện đại”. Vì toàn bộ các tập truyện này đều lấy nhan đề là tên các con vật, trong số đó có nhiều truyện mượn con vật để nhắc nhở con người về triết lí nhân sinh, về thời cuộc và “liên tục phát ra tín hiệu S.O.S kêu cứu cho môi trường sinh thái đang bị con người hủy diệt với tốc độ khủng khiếp”. Ngoài ra, Nguyễn Khắc Phê còn nhận xét “có thể nói, Trần Bảo Định là một cây bút có đóng góp rất đặc sắc trong dòng “văn học sinh thái” đang ngày càng được chú ý; và do đó, các tác phẩm của ông, ngoài nét riêng là thể hiện cuộc sống vùng đất Nam Bộ một cách “dân dã, hài hước” bằng vốn tích lũy suốt cả cuộc đời sống giữa lòng dân vùng đất châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, đã vươn tới một chiều kích rộng lớn hơn và rất thời sự nữa” ( đăng trên trang 10
  18. http://www.tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c381/n26182/Tran-Bao-Dinh-mot-tac-gia- dac-sac-trong-dong-van-hoc-sinh-thai.html). Bên cạnh đó, còn có một số bài viết của Trần Đình Ba, Huỳnh Như Phương về các tập truyện ngắn của Trần Bảo Định liên quan đến đời sống người dân Nam Bộ, trong đó có tục hay, nếp cũ, sản vật, bông trái được đăng trên trang báo Người lao động hoặc trên trang Thể thao văn hóa. Nổi bật nhất vẫn là sự đánh giá cao về giá trị thời sự, cũng như giá trị sinh thái ở Việt Nam trong các tập truyện của Trần Bảo Định. Trên tạp chí sông Hương, trong Chuyên đề: Văn học sinh thái – những góc nhìn có đoạn ghi nhận sự soi chiếu của phê bình sinh thái trong các tác phẩm của Trần Bảo Định “là những sáng tác đậm chất sinh thái, mở ra nhiều cách nhìn của người sáng tác về thế giới tự nhiên…chúng ta cũng có thể thấy được sự rọi chiếu của phê bình sinh thái vào thực tiễn sáng tác của văn chương hiện đại ở Việt Nam” (đăng trên trang http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p75/c168/n26588/Chuyen-de-Van-hoc-sinh-thai- nhung-goc-nhin.html ngày 25/4/2018). Điều này, một lần nữa ghi nhận mục đích sáng tác của Trần Bảo Định đã chạm đến tâm thức người đọc không chỉ chiều sâu triết lý mà cả vấn đề sinh thái toàn cầu của nhân loại. Xâu chuỗi những gì thu thập được từ những công trình nghiên cứu đi trước và vốn kiến thức bản thân, chúng tôi thấy rằng: Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định là hai nhà văn có văn phong, khuynh hướng sáng tác truyện đồng thoại khác xa nhau. Các sáng tác dành cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến luôn mang dấu ấn hiện đại, phảng phất chút đáng yêu, hồn nhiên với sự hòa quyện giữa thế giới loài vật và thế giới tự nhiên. Người đọc như sống lại với cái hồn nhiên trần trụi trong tâm hồn mình, rồi lạc hẳn vào thế giới tự nhiên bất tận, quên tuổi, quên đời thỏa trí tưởng tượng, thỏa trí phiêu du cùng thế giới tự nhiên. Còn Trần Bảo Định khi viết truyện đồng thoại, ông hướng đến những trúc trắc của thế giới người lớn. Ông chưa bao giờ quên nỗi bi thương của muông thú trong thế giới người, ông yêu tình yêu vạn vật như yêu con người, đau nỗi đau của muôn vật như nỗi đau con người. Vì thế, truyện đồng thoại của ông không thôi trăn trở về một thế giới tự nhiên đang bị hủy diệt. Nhận thấy sự khác nhau đến tuyệt đối giữa hai nhà văn cùng viết 11
  19. một thể loại truyện đồng thoại nhưng lại có điểm đồng quy là sự trân trọng và yêu thương sinh mệnh, yêu tự nhiên, chúng tôi đã thấy một sự thú vị rất lớn giúp chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn nhìn nhận truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái. Theo đó, chúng tôi tiếp cận nghiên cứu các truyện đồng thoại dựa trên lý thuyết phê bình sinh thái ở hai phương diện chính là: nội dung và nghệ thuật. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tiến hành khảo sát, nghiên cứu các truyện đồng thoại của hai nhà văn Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định. Với truyện đồng thoại của nhà văn Trần Đức Tiến, chúng tôi khảo sát 2 tập truyện và 1 truyện dài: - Làm mèo (2006), Nxb Kim Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh - Trăng vùi trong cỏ (2006), Nxb Kim Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh - Xóm Bờ Giậu (2018), Nxb Kim Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh Với truyện đồng thoại của Trần Bảo Định, chúng tôi tiến hành khảo sát những sáng tác đồng thoại trong 7 tập văn xuôi: - Kiếp Ba Khía (2014), Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - Đời Bọ Hung (2015), Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - Phận lìm kìm (2016), Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - Chim phương Nam (2017), Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - Ông già Nam Bộ nhiều chuyện – Góc khuất dưới chưn đèn (2017), Nxb Hội Nhà văn, Thành phố Hồ Chí Minh - Ông già Nam Bộ nhiều chuyện – Dấu chưn lưu dân (2017), Nxb Hội Nhà văn, Thành phố Hồ Chí Minh 12
  20. - Mùa hoa nắng (2020), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh Ngoài ra, chúng tôi có mở rộng phạm vi khảo sát với một số tác phẩm và một số tác giả khác để đối chiếu, so sánh khi cần thiết. 4. Phương pháp nghiên cứu Đối với đề tài này, chúng tôi thực hiện nhiều phương pháp nghiên cứu trong đó tập trung các phương pháp cơ bản sau: 4.1. Phương pháp phê bình sinh thái Với phương pháp phê bình sinh thái, dựa trên lý thuyết phê bình sinh thái, chúng tôi khai thác các khía cạnh sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn trong các sáng tác đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định. Từ đó, chúng tôi đi đến kết luận chung về những vấn đề sinh thái trong các sáng tác này. 4.2. Phương pháp thi pháp học Phương pháp thi pháp học giúp chúng tôi tìm hiểu sâu thêm về các phương diện nghệ thuật được sử dụng các truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định như: nghệ thuật xây dựng không gian – thời gian, điểm nhìn, giọng điệu. Từ đó, làm nổi bật lên tinh thần, cảm quan sinh thái mà các tác phẩm này đem lại khi làm đề tài. 4.3. Phương pháp phân tích – tổng hợp Với phương pháp này, chúng tôi tìm hiểu từng tác phẩm đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định, tập trung tổng hợp các chi tiết, các yếu tố tự nhiên xuất hiện với tần số cao và phân tích những vấn đề sinh thái nổi cộm trong các tác phẩm. 4.4. Phương pháp liên ngành Phê bình sinh thái là một ngành khoa học trẻ, có tính chất liên ngành nên phương pháp liên ngành giúp cho việc nghiên cứu được hoàn chỉnh hơn. Mặc dù đề tài này chỉ tập trung nghiên cứu các tác phẩm đồng thoại nhưng phương pháp này cho thấy được 13
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2