Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ thể loại
lượt xem 3
download
Luận văn nghiên cứu nhằm chỉ ra được những đặc điểm nổi bật làm nên phong cách nghệ thuật Đỗ Bích Thúy, đồng thời thấy rõ hơn những đóng góp của nhà văn này trong sự vận động của văn học Việt Nam đương đại. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ thể loại
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ************************ Nguyễn Thị Thu Thủy TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THÚY NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam Mã số: 60220121 Hà Nội – 2012 0
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ************************ Nguyễn Thị Thu Thủy TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THÚY NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam Mã số: 60220121 Người hướng dẫn khoa học : PGS. TS Hà Văn Đức Hà Nội – 2012 1
- MỤC LỤC 1. Lí do chọn đề tài : ...................................................................................................................... 1 2. Lịch sử vấn đề : ........................................................................................................................... 4 3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu: .............................................................................. 7 4. Phương pháp nghiên cứu: ............................................................................................................ 7 5. Cấu trúc luận văn: ...................................................................................................................... 8 Chương 1:Nghệ thuật xây dựng kết cấu và tạo tình huống trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy: ... 9 1.1 Nghệ thuật xây dựng kết cấu trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : ................................................ 9 1.1.1 Kết cấu đơn tuyến : ............................................................................................................. 11 1.1.2 Kết cấu tâm lí : .................................................................................................................... 16 1.1.3 Kết cấu truyện trong truyện : ................................................................................................ 21 1.2 Nghệ thuật tạo tình huống trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : ................................................... 27 1.2.1 Tình huống trở về : ............................................................................................................... 29 1.2.2 Tình huống lối sống mới :..................................................................................................... 34 1.2.3 Tình huống yêu đương trắc trở : ........................................................................................... 37 Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy: ........................... 42 2.1 Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy: .................................................................. 43 2.1.1 Con người bi kịch: .................................................................................................................. 43 2.1.2 Con người mới : .................................................................................................................. 51 2.2 Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : ..................................... 56 2.2.1 Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật thông qua hồi ức : ........................................................... 57 2.2.2 Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật thông qua ngoại cảnh : ................................................... 58 2.2.3 Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật thông qua các chi tiết nghệ thuật : .................................. 62 Chương 3 : Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : ..................................... 66 3.1 Ngôn ngữ trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : .............................................................................. 66 3.1.1 Ngôn ngữ giàu hình ảnh và tính biểu cảm : .............................................................................. 67 3.1.2 Ngôn ngữ phản ánh tư duy của người miền núi : .................................................................... 72 3.1.3 Ngôn ngữ mang tính đa thanh : .............................................................................................. 82 3.2 Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : ............................................................ 86 3.2.1 Giọng trữ tình mộc mạc nhưng sâu lắng : ................................................................................ 87 3.2.2 Giọng trầm buồn, xót xa, trăn trở :.......................................................................................... 91 Phần Kết luận ................................................................................................................ . ............ 97 Tài liệu tham khảo ......................................................................................................... . ............ 100 PHẦN MỞ ĐẦU 1
- 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI : Theo Từ điển thuật ngữ văn học, truyện ngắn được hiểu là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”. Nếu chỉ dừng lại ở cách định danh này thì truyện ngắn đặt trong sự so sánh, đối chiếu với tiểu thuyết chỉ khác nhau về dung lượng phản ánh. Tuy nhiên, trên thực tế, xét về bản chất, truyện ngắn là một thể loại tự sự độc lập. Điều đó có nghĩa rằng truyện ngắn có những đặc trưng khu biệt nó với các thể loại tự sự khác, đặc biệt là với tiểu thuyết. “Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.” [Từ điển thuật ngữ văn học; 314]. Bản chất này đã quy định đặc trưng của thể loại. Nếu tiểu thuyết chiếm lĩnh đời sống trong sự toàn vẹn, đầy đặn thì truyện ngắn giống như một lát cắt ngang của đời sống ấy. Bởi thể loại này thường hướng tới việc phát hiện một nét bản chất trong thế giới nội tâm phức tạp, một biến cố trong cuộc đời hoặc khắc họa một hiện tượng của đời sống. Ngay cả đến cốt truyện và kết cấu của truyện ngắn cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, một không gian hẹp và không phân chia nhiều tầng – tuyến. Với đặc thù nhỏ gọn, truyện ngắn ngay từ khi ra đời đã trở thành một thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày. Được mệnh danh là “một thể loại muôn hình muôn vẻ biến đổi không ngừng. Nó là một vật biến hóa như quả chanh của Lọ Lem” (D.Grônôpxki), truyện ngắn len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội, bắt kịp nhanh với những chuyển biến muôn hình vạn trạng của đời sống. Ở Việt Nam, kể từ giai đoạn xuất hiện đầu tiên vào những thập niên đầu thế kỉ XX đến nay, loại hình nghệ thuật ngôn từ súc tích và cơ động này đã không ngừng vận động, biến đổi để theo sát những bước thăng trầm của lịch sử, để bắt kịp với sự phát triển của xã hội. Và đặc biệt từ sau năm 1986, sự cởi mở nhiều chiều của đời sống xã hội đã tạo tiền đề để truyện ngắn Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ. Tư duy nghệ thuật của các nhà văn bắt đầu thay đổi; đề tài càng lúc càng nới rộng biên độ theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống vật chất và tinh thần. Truyện ngắn vì thế cũng phản ánh hiện thực ở nhiều góc độ khác nhau với những cách nhìn khác các giai đoạn văn học trước. Nhà văn Nguyên Ngọc khi nhận xét về truyện ngắn Việt Nam trong thời kì đổi mới này đã nói: “ Đây có thể coi là một thời kì có nhiều truyện ngắn hay trong văn học Việt Nam, tiếp theo “vụ được mùa truyện ngắn” những năm 1960 và một vụ mùa khác, trong chiến tranh. Tuy nhiên truyện ngắn lần này có những khác biệt rõ rệt. Những năm 1960 từng 2
- để lại nhiều truyện ngắn đẹp như thơ, trong veo, trữ tình. Truyện ngắn thời kì chiến tranh thì vạm vỡ, chắc chắn. Đặc điểm nổi bật lần này là cầm cái truyện ngắn trong tay có thể cảm thấy cái dung lượng của nó nặng trĩu. Có những truyện ngắn, chỉ mươi mười trang thôi, mà sức nặng có vẻ còn hơn cả một cuốn tiểu thuyết trường thiên” [Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy; 174]. Bởi vậy, việc tìm hiểu những đặc trưng của nghệ thuật truyện ngắn Việt Nam đương đại sẽ cho người đọc một cái nhìn khái quát về những chuyển đổi mạnh mẽ cả về nội dung phản ánh lẫn hình thức thể hiện của thể loại này, cũng như thấy được những đóng góp của các tác giả trong quá trình vận động đó. Bên cạnh những đổi mới về quan điểm thẩm mĩ, tư duy nghệ thuật… văn học Việt Nam hiện đại còn ghi nhận những chuyển biến tích cực trong đội ngũ sáng tác. Sự xuất hiện ngày càng đông đảo của các cây bút nữ là một trong những biến chuyển đó. Những tác giả như Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh đến những gương mặt mới như Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư, DiLi… đã trở nên quen thuộc với độc giả. Họ đem lại một luồng sinh khí mới cho văn xuôi giai đoạn này, đặc biệt là ở mảng truyện ngắn. Mỗi người một phong cách, một hướng tiếp cận hiện thực song các cây bút nữ đều có điểm chung là nhìn nhận và khám phá cuộc sống bằng chính sự nhạy cảm, tinh tế của trái tim phụ nữ. Có thể nói, trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có giai đoạn nào “tính nữ” lại phát triển mạnh mẽ, phong phú và đặc sắc như giai đoạn này. Kể đến các tác giả nữ của văn xuôi Việt Nam hiện đại không thể không nhắc tới Đỗ Bích Thúy – “ người đàn bà viết văn bước ra từ dòng Nho Quế” [ 33 ]. Đỗ Bích Thúy ( sinh năm 1975 ) là một cây bút trẻ trên văn đàn hiện nay. Chị đến với văn chương bằng một truyện ngắn đầu tay Chuỗi hạt cườm màu xám đăng trên báo Tiền Phong và vụt tỏa sáng với giải nhất trong cuộc thi sáng tác truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998 – 1999 với chùm ba tác phẩm nộp vào giờ chót: Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi và Đêm cá nổi. Không dừng lại ở những thành công ban đầu đó, Đỗ Bích Thúy tiếp tục khẳng định khả năng của mình bằng một loạt các tác phẩm mới. Tính đến nay, cây bút nữ này đã xuất bản được năm tập truyện ngắn: Sau những mùa trăng ( 2000 ), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời ( 2002 ), Kí ức đôi guốc đỏ ( 2003 ), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá ( 2005 ), Mèo đen ( 2011); một tập truyện vừa: Người đàn bà miền núi ( 2007 ); một tiểu thuyết Bóng của cây sồi ( 2005 ) và một tập tản văn Trên căn gác áp mái ( 2011). Ngoài ra, chị còn viết kịch bản cho sân khấu kịch nói như : Cô gái xinh đẹp, Quá khứ đòi nợ, Diễm 500 đô. 3
- Tuy sáng tác của Đỗ Bích Thúy khá phong phú về mặt thể loại nhưng tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả lại chính là những truyện ngắn của chị. Bằng giọng văn tinh tế, câu văn dung dị, qua những truyện ngắn của mình, Đỗ Bích Thúy đã đưa người đọc đến với không gian của núi rừng Tây Bắc để cảm được chất thơ trong cảnh sắc thiên nhiên và quan trọng hơn là cùng chị trăn trở với những được – mất, hay – dở do nền kinh tế thị trường đem lại cho cuộc sống nơi đây; hay day dứt với thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trước những hủ tục nặng nề ăn sâu bám rễ trong tâm thức cộng đồng. Hơn nữa, xét ở khía cạnh phương pháp sáng tác, dù không phải là người tìm ra hướng đi mới hay tạo ra những bước đột phá trong quá trình đổi mới văn học nhưng bằng ngôn ngữ, giọng điệu cùng cách tìm tòi và triển khai những vấn đề của đời sống mang phong vị riêng, truyện ngắn Đỗ Bích Thúy vẫn có nhiều yếu tố cách tân về mặt thi pháp. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà văn trẻ này đã tạo ra được dấu ấn của riêng mình bằng chính cách chị tiếp cận và phản ánh hiện thực ở một mảng đề tài không xa lạ: dân tộc – miền núi. Như vậy sự vận động của truyện ngắn Việt Nam đương đại với sự cởi mở về nội dung và đặc biệt là cách tân về thi pháp cùng sự tỏa sáng của một cây bút nữ được đặt niềm tin vào sự phát triển trong tương lai, được coi là một trong những người kế cận của đội ngũ tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại – Đỗ Bích Thúy – là những lí do để chúng tôi thực hiện đề tài Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy nhìn từ góc độ thể loại. Qua đề tài này, chúng tôi hi vọng đóng góp một cách nhìn nhận về một gương mặt văn học và từ đó thấy được diện mạo đa sắc màu của văn chương đương đại. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ : Sự xuất hiện của Đỗ Bích Thúy không gây ra cú sốc lớn trên văn đàn. Nhưng những trang viết thấm đẫm hương vị núi rừng Tây Bắc của chị đủ tạo nên dư ba trong lòng những ai đã từng đọc nó. Bởi vậy, truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy ngày càng cuốn hút độc giả - một sự lôi cuốn nhẹ nhàng, dai dẳng và thấm thía. Nhiều bài báo viết về Đỗ Bích Thúy và tác phẩm của chị. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học cũng bày tỏ cảm xúc của mình trước những gì chị đã viết. Tất cả họ đều thể hiện sự đồng cảm với những suy nghĩ, trăn trở của Đỗ Bích Thúy. Và quan trọng hơn là đều muốn tìm ra nguyên nhân của sự cuốn hút kia. Nếu như ở truyện ngắn đầu tay đăng trên mục Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong, người ta chưa biết đến Đỗ Bích Thúy là ai thì sau khi đạt giải nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn của Văn Nghệ Quân đội trong một hoàn cảnh hi hữu, tài năng của chị bắt đầu được 4
- chú ý. Trên báo Văn nghệ Trẻ số 10 ( năm 2001) xuất hiện bài viết Gặp hai nữ thủ khoa truyện ngắn trẻ của tác giả Điệp Anh. Trong bài viết này, Điệp Anh đã nhận ra nguyên nhân khiến truyện ngắn Đỗ Bích Thúy tạo được ấn tượng trong lòng độc giả. Đó chính là nét văn hóa rất riêng của núi rừng Tây Bắc tràn ngập trong từng trang viết: “ Thế mạnh của Đỗ Bích Thúy là đời sống người dân Tây Bắc với những không gian vừa quen vừa lạ, những phong tục tập quán đặc thù khiến người đọc luôn cảm thấy tò mò và bị cuốn hút”[1]. Và chính không gian văn hóa ấy cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà phê bình văn học, nhà văn trong đó có cả những cây bút đã và đang viết về đề tài miền núi. Họ không chỉ cảm thấy thú vị trước “ những cái rất riêng đậm đặc chất dân gian của hương vị núi rừng …” [15] mà còn đánh giá cao “ khả năng viết truyện về cảnh sinh hoạt truyền thống của người miền cao một cách tài tình” [8] của chị. Có thể thấy những độc giả đặc biệt này đã đánh giá các truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy trên phương diện văn hóa để từ đó khẳng định dấu ấn vùng miền là điều mấu chốt, cốt lõi làm nên phong cách nghệ thuật của nữ nhà văn trẻ này. Song những nhận định đó mới chỉ được rút ra khi các tác giả cảm thụ và đánh giá một vài tác phẩm cụ thể của Đỗ Bích Thúy. Chỉ đến khi bài báo Từ truyện ngắn của một người viết trẻ của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Lê Thành Nghị đăng trên báo Văn nghệ Trẻ ( số 31 – 2005) thì những đánh giá về văn phong Đỗ Bích Thúy mới bắt đầu mang tính khái quát . Bằng niềm ưu ái đối với tài văn chương của “ đứa con của núi”, nhà nghiên cứu Lê Thành Nghị với cảm nhận tinh tế của mình đã thâu tóm được thần thái truyện ngắn Đỗ Bích Thúy: “ Chúng ta sẽ bước vào một không gian lạ, không gian có núi cao, trời rộng, của vùng rừng núi phía Bắc, nơi từ đó nhìn xuống, dòng sông Nho Quế chỉ còn “ bé như sợi chỉ dưới chân núi Mã Pí Lèng”. Một không gian đầy hoa lá rừng; có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác quẩy tấu xuống chợ; những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy mầu sắc; những đêm trăng sóng sánh huyền ảo; những cụm mần tang mọc trong thung lũng; tiếng đàn môi réo rắt sau bờ rào đá; lễ hội gầu tào với điệu hát gầu Plềnh mê đắm của các cô gái,chàng trai người Mông trên đỉnh núi…”. Và cho tới luận văn thạc sĩ Tiếp cận sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy từ phương diện giá trị văn học – văn hóa của tác giả Dương Thị Kim Thoa, không gian Tây Bắc và sức mạnh chi phối của không gian ấy tới lối viết của Đỗ Bích Thúy đã thực sự được đề cập một cách khoa học bằng phương pháp tiếp cận từ góc độ văn hóa. Mặc dù trong luận văn này, tác giả triển khai vấn đề về giá trị văn hóa trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy trong mối tương quan, so sánh 5
- với giá trị tương ứng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư những vẫn phải khẳng định đây là một trong số rất ít các công trình nghiên cứu có hệ thống về văn chương của nhà văn trẻ này. Không chỉ quan tâm đến yếu tố văn hóa trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, nhiều bài viết và một vài công trình nghiên cứu khoa học cũng đề cập tới nhiều nét đặc sắc nghệ thuật khác trong sáng tác, đặc biệt là truyện ngắn của chị. Ví dụ khi nói về cảm hứng sáng tác của Đỗ Bích Thúy, nhà văn Chu Lai đã khái quát thành “cảm hứng trở về” với “môtip xuyên suốt là môtip người mẹ và gia đình” [15]. Cụ thể hơn, tác giả Lê Hương Thủy chỉ ra dược cảm hứng ấy xuất phát từ “ nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết ” (Đường đến với văn chương của một người viết trẻ). Còn đối với tác giả Phạm Thùy Dương, cảm hứng đó chính là tình thương, sự cảm thông với số phận của những con người nơi núi cao đặc biệt là người phụ nữ [ 5 ]. Trong khi đó nhà văn Khuất Quang Thụy trong bài viết Đôi điều tâm đắc về cuộc thi truyện ngắn VNQĐ 1998 – 1999 lại chỉ ra một vấn đề khác trở đi trở lại trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy: đó là sự tác động của thời đại mới lên số phận của con người kể cả những người sống ở thâm sơn cùng cốc. Bên cạnh những vấn đề về giá trị văn hóa, cảm hứng sáng tác thì độc giả và giới nghiên cứu cũng đánh giá cao về hình tượng nhân vật hay ngôn ngữ, giọng điệu trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy. Tác giả Nguyễn Phương Liên đã viết: “ Những trang viết của Đỗ Bích Thúy luôn mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp nghĩ suy của con người qua giọng văn bình dị đầy sức lôi cuốn, đặc biệt ở cách sử dụng ngôn ngữ ví von, so sánh giàu biểu tượng – một đặc trưng trong tư duy người dân tộc thiểu số” [16]. Còn Phạm Thùy Dương lại nhìn nhận giọng điệu chủ đạo trong văn phong Đỗ Bích Thúy là sự cảm thương [5]. Trong khi đó, tác giả Lê Hương Thủy lại tỏ ra tâm đắc với hình tượng xuyên suốt trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy. Đó là hình ảnh những người phụ nữ rẻo cao: “ Thân phận của những người phụ nữ miền sơn cước đã được Đỗ Bích Thúy khắc họa với những tình huống đời thường muôn mặt cũng như trạng thái tâm lí rất đặc trưng cua người phụ nữ vùng cao” (Đường đến với văn chương của một người viết trẻ ). Những vấn đề này cũng ít nhiều được đề cập đến trong luận văn thạc sĩ Tìm hiểu một số cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kì 1986 – 2006 ( Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy ) của tác giả Nguyễn Thanh Hồng. Có thể nói, qua việc khảo sát những bài viết, công trình nghiên cứu hiện có về tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, chúng tôi nhận thấy các tác giả đã chú ý tới nhiều khía cạnh khác nhau 6
- tạo nên nét riêng trong văn phong của nữ nhà văn như không gian nghệ thuật, thế giới nhân vật, ngôn ngữ …Tuy nhiên, những vấn đề đó thường được thể hiện trong khuôn khổ của một bài báo hoặc nếu có trong một vài công trình nghiên cứu khoa học thì chúng lại được đặt trong mối tương quan với phong cách sáng tác của các nhà văn khác. Điều này khiến việc tìm hiểu phong cách nghệ thuật Đỗ Bích Thúy mới chỉ dừng lại ở mức độ nêu vấn đề, hoặc đề cập chưa chuyên sâu. Và chúng tôi cũng nhận thấy chưa có một công trình nghiên cứu đứng từ góc độ thể loại truyện ngắn để nhìn nhận sáng tác của Đỗ Bích Thúy. Bởi vậy, qua luận văn này, chúng tôi mong muốn khảo sát truyện ngắn – một mảng đặc sắc và đem lại nhiều thành công nhất cho nhà văn – từ phương diện loại hình để từ đó thấy được nét riêng của Đỗ Bích Thúy trong sự vận động theo xu hướng cách tân hóa của văn xuôi Việt Nam hiện đại. 3. MỤC DÍCH , ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU : Nhằm chỉ ra được những đặc điểm nổi bật làm nên phong cách nghệ thuật Đỗ Bích Thúy, đồng thời thấy rõ hơn những đóng góp của nhà văn này trong sự vận động của văn học Việt Nam đương đại, chúng tôi lựa chọn các phương diện của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy làm đối tượng khảo sát, nghiên cứu . Như trên đã nói, đến thời điểm này Đỗ Bích Thúy đã xuất bản được năm tập truyện ngắn. Song theo khảo sát của chúng tôi trong những tập truyện đó có một số truyện trùng nhau. Bởi vậy, ngoại trừ những truyện ngắn không viết về đề tài miền núi ( theo khảo sát của chúng tôi có 2 truyện : Ở phố , Trong đám đông có một ánh mắt ) và những truyện được in lại nhiều lần, chúng tôi tập trung tìm hiểu văn phong Đỗ Bích Thúy qua 26 tác phẩm tiêu biểu ( theo chúng tôi) bao gồm: 20 truyện được in trong tập Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – tập truyện được coi là tập hợp những sáng tác thành công nhất của nhà văn; 06 truyện ngắn khác được tuyển chọn in trong các tập sách khác nhau hoặc đăng trên các báo hay tạp chí là: Tráng A Khành, Gió lùa qua cửa, Sau những mùa trăng, Váy ướt cuốn vào bắp chân, Mèo đen và Trời sáng đâu đã sáng. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU : Để đạt được mục đích đặt ra, chúng tôi chủ yếu vận dụng phương pháp loại hình để triển khai đề tài. Bên cạnh đó , chúng tôi cũng vận dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhằm mục đích hỗ trợ trong quá trình làm sáng tỏ vấn đề nêu ra như : phương pháp thống 7
- kê, phương pháp phân tích – tổng hợp, phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp hệ thống … 5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN : Ngoài phần Mở đầu và Kết luận , luận văn gồm ba chương: Chương 1: Nghệ thuật xây dựng kết cấu và tạo tình huống trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy PHẦN NỘI DUNG Chương 1 NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG KẾT CẤU VÀ TẠO TÌNH HUỐNG TRONG TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THÚY 8
- 1.1 Nghệ thuật xây dựng kết cấu trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy : Trong xu hướng nghiên cứu văn học hiện nay, tác phẩm văn học được coi là một chỉnh thể nghệ thuật được cấu thành bởi một hệ thống phức tạp bao gồm các yếu tố thuộc về nội dung như chủ đề, tư tưởng, và các yếu tố hình thức như hình tượng ngôn ngữ, nhân vật, cốt truyện ( với tác phẩm tự sự ). Tuy nhiên cần phải lưu ý quan niệm của Hêghen – nhà Mĩ học Đức ( 1770 -1831 ) về khái niệm chỉnh thể nghệ thuật: “ Nội dung chẳng là cái gì khác, mà là hình thức chuyển hóa thành nội dung; còn hình thức chẳng là cái gì khác mà chính là nội dung chuyển hóa thành hình thức” [ Mĩ học – tập 1]. Tính đúng đắn của quan niệm này đã được các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực văn chương chứng minh. Bởi vậy, vấn đề cần đặt ra đối với nhà văn là làm thế nào tạo ra được sự gắn kết hài hòa, sự thống nhất biện chứng giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật. Thực tế đã cho thấy có nhiều tác phẩm có ý tưởng hay nhưng các phương tiện, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chưa chuyển tải được hết tư tưởng của nhà văn. Hoặc có những tác phẩm ít nhiều có sự tìm tòi, sáng tạo về hình thức song nội dung lại chưa xứng tầm. Tất cả sự “ khập khiễng” đó đều không đem lại sự hoàn chỉnh cho tác phẩm. Chính vì vậy, với các nhà văn thực sự có tài, có tâm việc tìm ra và không ngừng đổi mới chất keo dính gắn kết hai phạm trù tưởng như đối lập: nội dung và hình thức là điều rất cần thiết. Và kết cấu – một yếu tố thuộc về hình thức - chính là tác nhân quan trọng hàng đầu trong việc kết hợp các thành tố phức tạp cấu thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Như vậy, với quan niệm này, khi nghiên cứu tác phẩm văn học không thể không kể đến vai trò của kết cấu. Trong Từ điển thuật ngữ văn học ( Lê Bá Hán , Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên ), kết cấu được hiểu là “ toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm”. Vai trò tổ chức tác phẩm của kết cấu được các tác giả trong cuốn sách này nhấn mạnh ở chỗ “ không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm”. Với quan niệm này, khái niệm kết cấu hoàn toàn không đồng nhất với khái niệm bố cục. Nếu bố cục được hiểu là “ sự sắp xếp, phân bố các chương đoạn, các bộ phận của tác phẩm theo một trình tự nhất định” thì việc tổ chức tác phẩm của kết cấu một mặt đảm bảo sự mạch lạc giữa các phân đoạn, các lớp cảnh, mặt khác còn đảm nhiệm việc “ tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể của các thành phần cốt truyện, nghệ thuật trình bày, 9
- bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện v.v…” [Từ điển thuật ngữ văn học;132]. Vậy nên, bố cục chỉ là một phương diện của kết cấu. Và theo như cách nói của chuyên gia nghiên cứu về truyện ngắn Bùi Việt Thắng thì “kết cấu là chiến lược, là định hướng, còn bố cục… có tích chất sách lược và cục bộ…” [25;100]. Từ điển Tu từ - Phong cách thi pháp học của Nguyễn Thái Hòa khi định nghĩa về kết cấu nghệ thuật cũng đã có sự phân biệt khá rõ hai khái niệm này. Tuy nhiên, khi định nghĩa cụ thể về kết cấu truyện kể, tác giả này mới chỉ khẳng định vai trò bề nổi của kết cấu là “ đóng vai trò tổ chức sắp xếp các sự kiện theo trật tự logic, trật tự thời gian hay trật tự hồi ức … không hoàn toàn tương ứng với những sự kiện được kể lại”. [Từ điển Tu từ - Phong cách thi pháp học;108]. Theo chúng tôi, cách nhìn nhận của Từ điển thuật ngữ văn học là chi tiết và cụ thể hơn cả khi chỉ ra được bản chất hình thức, cụ thể là bản chất kết cấu của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Việc đánh giá đúng nội hàm của kết cấu trong tác phẩm nghệ thuật đặc biệt là trong truyện kể sẽ giúp ích rất nhiều cho người nghiên cứu trong việc đối chiếu và ứng dụng lí thuyết thể loại vào đối tượng cụ thể. Bằng việc đảm nhiệm các chức năng đa dạng trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố của nội dung, kết cấu thực sự là thử thách lớn mà các nhà văn phải vượt qua. Đối với truyện ngắn, một thể tài “ thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một mẩu nhỏ nào đó của ( 1) cuộc sống” ( nhà văn Nguyễn Kiên ), thì vai trò của kết cấu càng trở nên quan trọng. Những đặc trưng cơ bản của thể loại truyện ngắn đã đòi hỏi các nhà văn phải “ tổ chức sao cho truyện … thành một lát cắt gọn ghẽ. Như người ta vẫn nói, toàn truyện là một vòng tròn khép kín, không dài quá, không ngắn quá, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào”( 2 ) ( nhà văn Ma Văn Kháng ). Nhà văn Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh “công việc tổ chức và cấu trúc truyện hết sức nghiêm ngặt” đó đòi hỏi nhà văn phải có “thứ kĩ thuật tinh xảo – kĩ thuật viết truyện ngắn. Nó cũng giống như kĩ thuật của người làm pháo, dồn nén tư tưởng vào trong một cốt truyện thật ngắn gọn, tự nhiên” [25;101]. Và tất nhiên nhà văn nào gặt hái được nhiều thành công ở thể loại truyện ngắn là người biết cách “ tổ chức bố cục của cốt truyện thành các phần, chương, đoạn, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện (1), (2) Dẫn theo Bùi Việt Thắng thành những bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển mà cái đích cuối cùng là thể hiện chủ đề tư tưởng và bộc lộ tính cách nhân vật”[24;103]. Trong lớp nhà văn trẻ hiện nay, Đỗ Bích Thúy là một gương mặt đầy triển vọng. Đọc truyện ngắn của chị, người đọc như hòa vào không khí của một vùng rừng núi heo hút 10
- nhưng đang chuyển mình trước những làn gió lạ cùng số phận của những con người nơi đây. Để có được những thành công ban đầu đó cần phải kể đến “kĩ thuật viết truyện ngắn” hay nói cách khác là nghệ thuật kết cấu truyện ngắn của nhà văn. Qua việc tìm hiểu những tác phẩm Đỗ Bích Thúy đặc biệt là 26 truyện ngắn tiêu biểu của chị, chúng tôi nhận thấy có ba kiểu kết cấu phổ biến: kết cấu đơn tuyến, kết cấu tâm lí và kết cấu truyện trong truyện. 1.1.1 Kết cấu đơn tuyến : Truyện ngắn Đỗ Bích Thúy thường có cốt truyện đơn tuyến. Đây là kiểu cốt truyện có “hệ thống sự kiện được tác giả kể lại gọn gàng và thường là đơn giản về số lượng, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một vài nhân vật chính, có khi chỉ là giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính” [Từ điển thuật ngữ văn học; 88 –89]. Trong 26 truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy được chọn làm đối tượng khảo sát chính của đề tài này, chúng tôi nhận thấy có 11 truyện có kiểu cốt truyện đơn tuyến ( chiếm 38 % ). Như trên đã nói, trong mối quan hệ với cốt truyện, một yếu tố thuộc về nội dung tác phẩm, kết cấu có vai trò “tổ chức bố cục… thành các phần, chương, đoạn, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện thành những bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển” [24;103]. Bởi vậy , với kiểu cốt truyện đơn tuyến, nhà văn thường tổ chức tác phẩm đi theo một mạch phát triển chính với một xung đột trung tâm. Kiểu tổ chức tác phẩm như vậy chúng tôi tạm gọi bằng tên gọi tương ứng với cốt truyện: kết cấu đơn tuyến. Đây cũng là kiểu kết cấu phổ biến trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy. Ví dụ như trong truyện Đá cuội đỏ, cốt truyện có thể tóm lược ngắn gọn như sau: Trong một lần “đi ong” ở Phạ Lấu, Sính gặp một đứa bé gái đi lấy nước sớm vì đêm qua mẹ nó báo mộng dặn phải lấy nước ở đầu nguồn Phạ Lấu. Sính chợt nhận ra nó là con gái của Mây – người con gái mà anh đã hứa chỉ thổi sáo cho mình cô nghe. Và Sính nhớ lại những chuyện trước đây. Mười năm trước, khi còn là đứa trẻ, Sính đã xui Lử - anh trai Mây – đút con ong bò vẽ vào mồm. Lử bị ong đốt và đã ngọng càng ngọng thêm. Chỉ vì trò đùa dại này mà về sau, Sính và Mây yêu thương nhau nhưng không thể đến được với nhau. Ngày Mây đi lấy chồng ở Sán Khâu, Sính đã ném cây sáo vào lửa và bảy mùa xuân trôi qua, anh không có cây sáo nào khác… Phần tóm tắt này đã cho thấy Đá cuội đỏ không có hệ thống sự kiện phức tạp, không có nhiều tuyến nhân vật. Và nhân vật chính chỉ có một là Sính đồng thời là người kể chuyện xưng “ tôi”. Với cốt truyện như vậy, Đỗ Bích Thúy đã xử lí một cách nghệ thuật mối quan hệ giữa Sính – Mây theo mạch tâm trạng của Sính phát sinh trong vài ngày “đi ong” ở đầu nguồn Phạ Lấu , khi gặp đứa bé con gái của Mây. Và tình huống bất ngờ đó đã khơi dậy trong Sính những kí ức đau buồn. Như vậy, 11
- chỉ bằng một người xưng “tôi” đứng ra kể lại câu chuyện tình của mình với những sự kiện “đơn giản vế số lượng” và phát triển theo trật tự của dòng hồi tưởng, Đỗ Bích Thúy đã giúp người đọc có được cảm nhận khá sâu sắc về tâm trạng đau đáu nhớ thương và ân hận của Sính. Cũng với kiểu kết cấu đơn tuyến, Ngải đắng ở trên núi lại khiến độc giả đồng cảm với những suy nghĩ và tâm trạng của Din khi cô trở về nơi cô sinh ra, “ nơi mặt trời lên muộn nhất và đi ngủ sớm nhất” [28;225]. Câu chuyện được kể lại theo trình tự thời gian trước – sau và phát triển theo mạch cảm xúc của Din. Hệ thống sự kiện của truyện tuy vẫn thuộc loại đơn giản song so với Đá cuội đỏ lại phong phú hơn về số lượng. Đó là những câu chuyện của đời sống thường ngày liên quan tới mùa vụ, tới sự xâm nhập của nếp sống mới với những lề thói đã tồn tại từ bao đời nay. Đó là những câu chuyện của mẹ, của em trai, em dâu, của đứa cháu nhỏ hay chuyện liên quan chàng thanh niên có tên gọi là Câm. Tất cả những sự kiện tưởng chừng như vụn vặt, rời rạc này đã được kết dính lại bằng cảm nhận của nhân vật chính – Din. Có thể nói xúc cảm của Din như một sợi chỉ đỏ xâu chuỗi toàn bộ sự kiện và dẫn dắt các sự việc phát triển theo quy luật tự nhiên của tình cảm. Và đến khi câu chuyện dừng lại, người đọc cảm được “nỗi nhớ da diết nhất, thẳm sâu nhất, ruột thịt nhất mà tôi dành cho núi cao”. [28;225] Khi khảo sát những truyện ngắn được xây dựng bởi kết cấu đơn tuyến của Đỗ Bích Thúy, chúng tôi nhận ra một đặc điểm nổi bật có liên quan tới việc tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả. Trong 11 truyện ngắn thuộc kiểu này đều có người kể chuyện thuộc ngôi thứ nhất, xưng “ tôi”. Những nhân vật này đứng ra kể lại những trải nghiệm của mình hay những chuyện, những việc có liên quan hoặc được chứng kiến. Cùng xuất phát từ điểm nhìn “ hướng nội”, cùng lộ diện trực tiếp ở ngôi thứ nhất nhưng người kể chuyện trong những truyện ngắn đơn tuyến của Đỗ Bích Thúy lại xuất hiện bằng nhiều dạng thức khác nhau. Dạng thức phổ biến nhất là sự xuất hiện của cái “ tôi” trải nghiệm. Dạng thức này trần thuật này được sử dụng trong 7/10 truyện ngắn đơn tuyến (chiếm 77,8 %). Người kể chuyện xưng “ tôi” đồng thời là nhân vật chính. Nói cách khác, nhân vật này vừa là chủ thể của diễn ngôn, vừa là chủ thể của hành động trong câu chuyện. Với vai trò này, người kể chuyện không những tái hiện lại sinh động các sự việc, sự kiện đã xảy ra, cắt nghĩa chúng tường tận mà còn thể hiện ở mức độ chân thực nhất những diễn biến nội tâm của mình. Vết chân ngựa trên đường mòn là câu chuyện “cắm bản” của một cô giáo vùng xuôi lên dạy học. Qua lăng kính của mình, cô giáo trẻ, người xưng “tôi” trong truyện, bản nhỏ heo hút nơi Sủng Thài với những con người âm thầm như bóng núi nhưng lại giàu có tình người và tha thiết mong 12
- có được cái chữ hiện lên sống động và chân thực. Và ở nơi đó biết bao những khó khăn, những chuyện hiểu lầm đã xảy ra trong thời gian đầu “cắm bản” đã khiến nhân vật “tôi” sống “trong tâm trạng bất ổn”. Nhưng sau tất cả, cô nhận ra tình cảm của con người nơi đây dành cho cô “ vừa lo lắng, vừa hoảng sợ, vừa thương, vừa da diết…” như tiếng gọi nơi sườn núi ngày đầu mới đến. Đến lúc phải rời xa Sủng Thài, cô biết điều gì đã giữ tâm hồn cô ở lại: “ Giờ đứng đây, nhìn xuống Sủng Thài nằm tít dưới sâu kia, lại nhớ đến lúc lăn lông lốc như một quả bí từ trên này xuống, lại nhớ tiếng gọi thao thiết đến thắt ruột thắt gan”. [28; 407] Bằng việc tạo dựng người kể chuyện trải nghiệm, kể lại câu chuyện của chính mình, Đỗ Bích Thúy đã giúp người đọc tiếp cận trực tiếp với mạch cảm xúc của nhân vật chính. Đêm cá nổi là một ví dụ. Ngay ở phần mở đầu, Páo – nhân vật “ tôi” trong truyện đã tâm sự: “ Tôi sinh ra ở núi rừng. Tôi ăn học ở thành phố. Núi rừng là tuổi thơ tôi. Thành phố là tuổi thanh xuân của tôi. Núi rừng ở sau lưng. Thành phố ở trước mặt. Tôi đang đi từ phía trước mặt về phía sau lưng. Đi về dòng Lô, dòng sông quê tôi …” [28; 123]. Những lời tự bạch đó đã tạo điều kiện cho người đọc nhanh chóng nhận ra nỗi bồi hồi của đứa con “núi rừng” khi trở về nơi bắt đầu của tuổi thơ mình. Từ tâm trạng đó, chàng trai để cho xúc cảm của mình trôi đi trong đêm cá nổi với những “tiếng lóc tóc lách tách ..tiếng quẫy đạp ùm ùm” của bầy cá chép “lúc nhúc chen nhau vào đám rễ cây”, với “tiếng hát “phươn” trong vắt mà thanh, nhẹ như sợi chỉ căng ra giữa cái rét cắt da cắt thịt” [28;131 – 132]. Chính những hình ảnh thân thuộc của quê hương này khiến nhân vật “tôi” trở nên ngập ngừng, phân vân và day dứt giữa “Núi rừng ở sau lưng” và “Thành phố đang ở trước mặt” [28;123]. Hình ảnh khép lại truyện ngắn này: “Tôi định chạy trở lại phía sông nhưng mặt trời đã lên mà vầng trăng vẫn còn thấp thoáng phía chân trời…” khiến người đọc cũng xao xác với tâm trạng của nhân vật chính. Cũng là dạng thức người kể chuyện trực tiếp lộ diện ở ngôi thứ nhất, bên cạnh cái “ tôi “ trải nghiệm, trong truyện ngắn đơn tuyến của Đỗ Bích Thúy còn sử dụng một kiểu chủ thể tự sự khác: đó là cái “ tôi ” người chứng. Không giống như cái “tôi” trải nghiệm, cái “ tôi ” người chứng chỉ giữ vai trò như một người quan sát, một chứng nhân trong câu chuyện và kể lại những gì mình biết, mình chứng kiến. Dạng thức này, theo khảo sát ban đầu của chúng tôi chỉ xuất hiện trong một truyện ngắn có tên Cạnh bếp có cái muôi gỗ của Đỗ Bích Thúy.Truyện kể về nỗi bất hạnh trong cuộc đời Mai. Từ nhỏ, Mai luôn ao ước có được một chiếc muôi gỗ - thứ đồ dùng thường ngày đơn sơ nhưng chỉ người đàn ông mới làm được. 13
- Nhưng bố Mai mất sớm, nhà cô thiếu vắng đàn ông nên “ cái muôi gỗ cũ mòn vẹt một góc cứ phải dùng mãi ”. Thực chất, sâu thẳm trong lòng, từ khi còn là một cô bé, Mai đã mong muốn có được một chỗ dựa vững chắc, có được một người chở che. Nhưng ngay cả khi đã lấy chồng, ước mong của Mai cũng không thành hiện thực. Chỉ vì sinh nở đến lần thứ ba vẫn là con gái mà chồng Mai đã bỏ đi. Mai âm thầm, nhẫn nhịn chịu đựng nỗi đau bị ruồng bỏ để nuôi ba đứa con gái. Và dường như trong lòng cô đã thôi ước mong một chiếc muôi gỗ mới… Ở đây, người kể chuyện xưng “ tôi ” không đóng vai trò là nhân vật chính, không tham gia vào diễn biến các sự kiện. Anh chỉ là một người bạn của Mai. Những việc tận mắt nhìn thấy trong một buổi chiều muộn trở về bản đã cho anh hiểu hơn cuộc đời người bạn gái thân thiết thuở nhỏ. Bắt đầu là sự hoài nghi về thái độ của người đàn ông râu rậm – chủ quán thắng cố trên chợ huyện - mà anh không nhớ đã gặp ở đâu đến ngôi nhà “phải cúi người mới không chạm đầu vào khung cửa. Khói quẩn trong nhà không có lối ra ” của mẹ con Mai và cuối cùng là câu nói của đứa con gái lớn của Mai khi được hỏi về bố ở đâu : “ người bản đi chợ huyện bảo gặp ở đấy”… Tất cả đủ cho nhân vật “tôi ” hiểu ra số phận hẩm hiu với những nỗi đau câm lặng trong lòng Mai. Cái “tôi” người chứng trong truyện ngắn này khi chứng kiến cuộc sống của nhân vật chính chưa một lần lên án người chồng, cũng không trực tiếp bày tỏ sự cảm thương với bạn. Song qua những lời kể về huyền thoại nguồn nước của người Mông, sự hồi tưởng tuổi thơ và những quan sát tinh tế về cảnh sắc, về cuộc sống xung quanh Mai, nhân vật “tôi” đã tự bộc lộ bản chất nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn của mình. Với điểm nhìn hướng nội này, cái “tôi” người chứng ở đây đóng vai trò là người định hướng cho độc giả đi theo mạch cảm xúc, suy tư của mình để tiếp cận một con người, một cuộc đời. Theo chúng tôi, đây cũng là một kĩ thuật trần thuật mà nhà văn sử dụng khá thành công trong việc xây dựng kết cấu đơn tuyến cho truyện ngắn của mình. Sau những mùa trăng cũng là một truyện ngắn được xây dựng theo kết cấu đơn tuyến của Đỗ Bích Thúy. Nhà văn cũng tổ chức điểm nhìn cho tác phẩm theo cách “hướng nội” với người kể chuyện xưng “tôi” đồng thời là nhân vật chính. Tuy nhiên cái “tôi” trong truyện ngắn này lại có sự luân phiên giữa hai vai trò: trải nghiệm và người chứng. Lìn – nhân vật xưng “tôi” trong truyện sau bao nhiêu mùa trăng xa nhà nay trở về. Và trong chuyến thăm nhà đó, anh đã chứng kiến nỗi cô đơn, niềm khao khát yêu thương đang dằn vặt trong tâm can người chị dâu sớm góa bụa và đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Anh thấu hiểu điều đó khi nhận ra sự đổi thay trên gương mặt, trong từng cử chỉ của người chị dâu khi “tiếng khèn lá vẫn réo rắt từng đêm, từng đêm”. Dường như chị đang tìm mọi cách 14
- để ngọn lửa trong lòng mình không bùng cháy. Sự “cuống quýt” rồi “thẫn thờ” với “cặp mắt như mắt người say rượu” của người chị dâu đã gieo vào lòng người em chồng sự xót xa đến quặn thắt. Và lúc này, nhân vật “tôi” không còn đứng ngoài làm người quan sát nữa. Anh ta đã tham dự vào câu chuyện bằng hành động đầy kịch tính “vùng dậy, lao như một con thú ra cửa, giằng tay chị ra khỏi mớ dây lanh bùng nhùng” và đuổi đi “thằng con trai còn rất trẻ” hằng đêm vẫn thổi khèn lá gọi chị. Hành động này tất yếu phải xảy ra bởi từ khi trở về, chứng kiến vẻ đẹp căng tràn sức sống và thấu hiểu nỗi cô đơn, sự khao khát hạnh phúc ẩn sau dáng vẻ cam chịu của người chị dâu, trong lòng “tôi” đã nhen nhóm một thứ tình cảm đặc biệt. Và tình cảm ấy càng ngày càng rõ nét khiến anh ta có những hành động quyết liệt với mong muốn giữ chân người chị dâu mãi trong nhà mình. Song cả anh ta và chị dâu đều không thể vượt qua định kiến để thay đổi cuộc đời mình. Và việc ra đi vào cuối mùa trăng có thể coi là sự bế tắc của “tôi”. Bởi anh không đủ sức mạnh bước qua lề thói đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Bởi anh ra đi sẽ mang theo một nỗi niềm day dứt mới. Và bởi người chị dâu góa bụa sẽ vẫn lặng lẽ, nhẫn nhục chịu đựng nỗi cô đơn. Như vậy đã rõ, càng gần đến cuối truyện, nhân vật “tôi” không chỉ là chủ thể của diễn ngôn mà trở thành chủ thể của hành động. Những gì anh ta đã thấy, đã trực tiếp trải qua không chỉ giúp anh cảm thông với những bức bối trong lòng người đàn bà góa bụa trẻ mà còn tự nhận ra lòng mình “bỏng rát” như viên sỏi mà chị dâu trao trước lúc đi. Có thể nói, sự phối hợp hai vai trò của người kể chuyện trong tác phẩm này không chỉ đảm bảo cho cốt truyện đi theo một tuyến sự kiện nhân – quả mà còn cho người đọc cảm giác như đang tiếp xúc trực tiếp với những góc khuất trong tâm hồn của những người bằng xương bằng thịt thật chứ không phải là nhân vật trên trang giấy. Trên đây, chúng tôi đã đề cập đến kết cấu đơn tuyến trong một số truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy. Chúng tôi nhận thấy thông thường những truyện ngắn chỉ phát triển theo một tuyến sự kiện nếu không có giải pháp tối ưu về hình thức trần thuật sẽ gây ra sự đơn điệu. Nhưng những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đã tránh được nhược điểm này. Theo chúng tôi, điều đó có được là do nhà văn đã đặt điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ nhất ở vị trí “hướng nội” và sử dụng khá linh hoạt vai trò trải nghiệm hay chứng kiến của nhân vật này trong các câu chuyện. Bên cạnh đó, những truyện ngắn đơn tuyến của nữ nhà văn này còn hấp dẫn người đọc bởi ngôn ngữ, giọng điệu riêng cũng như cách chị khéo léo khai thác những trạng thái cảm xúc của các nhân vật. Và những vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể hơn ở những phần tiếp theo của luận văn. 15
- 1.1.2 Kết cấu tâm lí : Đây là kiểu kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện rất ít, thậm chí không có các sự kiện, biến cố. Ở kiểu truyện này, cái đích mà các nhà văn muốn hướng tới để làm sáng tỏ không phải ở những sự kiện của đời sống mà chính là những vận động trong tâm hồn con người. Đó là những cung bậc khác nhau của cảm xúc, là những suy tư, trăn trở, day dứt hay những nỗi niềm thương mến, đớn đau… trong thế giới nội tâm nhiều biến động phức tạp. Khi cốt truyện đã không còn đóng vai trò quan trọng bậc nhất thì phân tích diễn biến tâm trạng, tâm lí của nhân vật trở thành phương tiện nghệ thuật chủ yếu trong việc xây dựng cốt truyện. Kiểu kết cấu tâm lí thực chất không còn xa lạ với văn học Việt Nam đặc biệt ở mảng văn xuôi. Bởi theo nhiều công trình nghiên cứu, kiểu kết cấu này xuất hiện ở nước ta vào những thập niên đầu thế kỉ XX. Hồ Biểu Chánh được coi là tác giả sớm nhất chú ý đến việc miêu tả tâm lí nhân vật trong sáng tác của mình. Và đến giai đoạn 1930 – 1945, tổ chức tác phẩm theo sự vận động của tâm lí đã định hình rõ nét trong truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh… Cho đến nay, cốt truyện và kiểu kết cấu tâm lí được sử dụng khá phổ biến trong truyện ngắn Việt Nam. Và Đỗ Bích Thúy là một trong những cây bút nữ tiếp thu và phát triển khá thành công kiểu kết cấu này. Bằng tâm hồn nhạy cảm, trái tim nhân hậu, giàu yêu thương và cảm thông, Đỗ Bích Thúy viết về cuộc sống và con người nơi vùng đất mà chị sinh ra và lớn lên như một cách để trả nợ ân tình, để vợi đi nỗi nhớ trong lòng mình. Có lẽ đây là lí do để ngòi bút của chị đang cố gắng đi sâu vào những địa tầng sâu kín nhất trong thế giới nội tâm của những người chị đã từng gặp, từng biết xung quanh mình đặc biệt là những người phụ nữ miền cao. Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, ta sẽ thấy việc miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật được chị dùng như một phương tiện thiết yếu để khám phá tâm hồn họ. Và trong nhiều tác phẩm của chị, sự kiện chỉ là cái cớ để khơi dậy dòng chảy nội tâm của nhân vật. Nói cách khác, nó giống như “cú hích” làm nảy sinh những cảm xúc, những suy tưởng…Đó là trường hợp của nhân vật Vi trong truyện ngắn Giống như cái cối nước. Vi đi lấy chồng xa không có điều kiện về thăm nhà thường xuyên. Khi con gái được bảy tháng tuổi, cô mới cùng con trở về. Nhưng về đến nơi, tất cả đã đổi khác. “Cây sổ cổ thụ”, con suối và “con đường rải đá tảng” vẫn còn đây nhưng căn nhà của cha mẹ cô không còn nữa “mà thay vào đó là một vườn vải mới trồng, cao ngang ngực”. Ngôi nhà sàn nơi có những người thân yêu của Vi đã di chuyển ra “tận mép rừng, chỉ gọn trong một khoảng rất nhỏ trước đây Vi vẫn trồng rau 16
- cải…”. Sự thay đổi này đã đưa Vi trôi theo dòng cảm xúc của chính mình từ háo hức, mong ngóng trở về đến bàng hoàng, sửng sốt và khi hiểu ra mọi chuyện lại day dứt, xót xa. Còn với Kía trong Gió không ngừng thổi suốt cuộc đời sống trong những trạng thái buồn, thương, đau khổ, tủi nhục, lo lắng, sợ hãi, dằn vặt và rồi cuối cùng thanh thản ra đi lại do những nguyên cớ khác. Khởi nguồn của những buồn, lo, tủi nhục và sợ hãi ám ánh Kía từ khi về làm dâu đến khi nhắm mắt chính là việc Kía không sinh được đứa con trai nối dõi cho nhà chồng. Nhưng vào một buổi chiều muộn trên nương – buổi chiều làm thay đổi cả cuộc đời cô – Kía bị Vàng Chỉn Tờ làm nhục. Thào Mí Chá là đứa con trai ra đời từ buổi chiều oan nghiệt đó. Và sự hư hỏng, lêu lổng của đứa con trai này càng làm Kía không lúc nào nguôi nỗi tủi hổ và cả đời phải sống trong “ nỗi sợ hãi sâu thẳm ”. Những sự kiện này đã ẩn chứa trong mình tính chất gay cấn của một cốt truyện đầy kịch tính với chuỗi sự kiện tiếp nối: Kía không sinh được đứa con trai nối dõi; Kía bị Vàng Chỉn Tờ làm nhục và có thai; lo sợ chồng biết chuyện, Kía muốn phá bỏ cái thai những không thành; nhiều lần Kía muốn nói chuyện thằng Thào Mí Chá nhưng thấy chồng thương chiều nó quá nên không nói và nuôi hi vọng chồng chưa biết chuyện; chồng Kía đã biết Thào Mí Chá không phải là con mình từ lâu nhưng vẫn im lặng cho đến khi vợ sắp chết mới nói ra sự thật… Nhưng tất cả những sự kiện trên đều không được nhà văn sử dụng nhằm phản ánh xung đột của đời sống hay số phận con người. Chúng chỉ tồn tại như một bộ khung để nhà văn dựa vào đó khắc họa bi kịch tinh thần của người vợ, người mẹ tội nghiệp này. Tổ chức tác phẩm theo mạch vận động, phát triển của tâm lí nhân vật, truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy thường hướng người đọc đến thế giới bên trong của con người nhiều hơn là việc tìm hiểu về cuộc sống bên ngoài. Toàn bộ truyện Ngoài cửa trời chưa sáng là dòng chảy miên man của hồi tưởng và cảm xúc của Pao lúc “ngược dốc tìm đường về Pụ Dín”. Việc giải cứu cho con Mốc thoát khỏi quán thịt chó ở Pụ Cháng được coi như một biến cố làm thay đổi mọi suy nghĩ của cô gái trẻ - Pao - về một nơi “mặt trời lặn lâu rồi” mà vẫn “sáng như ban ngày”. Và biến cố ấy đã đưa dòng suy nghĩ của Pao ngược về khoảng thời gian trước đây với những trạng thái tâm lí khác nhau. Chỉ trong vòng một đêm, Pao nhớ lại bao nhiêu là chuyện: bắt đầu là chuyện Pụ Cháng “thành chỗ nghỉ quen chân của người qua lại” khiến người Pụ Dín và Pụ Cháng không còn thân thiết như trước; chuyện con Mốc gắn bó và có tình nghĩa với bố con Pao; chuyện mẹ Pao không sinh được con trai buồn rầu rồi mất sớm đến cả chuyện Pao đến tuổi mà chưa chịu lấy chồng vì sợ “đi vào lối đi của mẹ” nhưng vẫn không sao dứt mắt khỏi “cái bao dao chạm hình bông cúc đỏ cứ lách cách bên 17
- hông Khiêm” và chuyện người khách trẻ đối tốt với nhà Pao ra sao, ánh mắt ấy khiến Pao “bỏng rát” đến thế nào… Và đan xen những hồi ức ấy là trạng thái tâm lí khác nhau của Pao: lúc lặng lẽ chìm trong nỗi cô đơn, lúc khao khát có được hạnh phúc như bạn bè cùng trang lứa nhưng sợ hãi khi nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ trước đây, khi thì bối rối trước ánh mắt của người bạn trai; tò mò muốn bước ra khỏi căn buồng có ô cửa bằng hai bàn tay để đến với thế giới mới nơi Pụ Cháng và hoảng sợ, giận dữ khi chứng kiến con Mốc sắp bị người khách quen giết thịt đến thất vọng trước sự hào nhoáng giả dối của phố thị. Quá trình “ngược dốc tìm về Pụ Dín” của Pao sau một ngày khám phá Pụ Cháng thực chất là sự thức tỉnh của ý thức trước sự xâm nhập của nền kinh tế thị trường với lối sống thực dụng, giả dối khác lạ hoàn toàn với sự chân chất, nghĩa tình tồn tại bao đời nơi vùng cao heo hút: “ Dãy Tây Côn Lĩnh trước mặt nhìn thì gần mà đi thì xa, còn Pụ Cháng muốn trốn cho nhanh mà cứ ở sau lưng mãi.Trong đầu Pao thấp thoáng cái ô cửa bằng hai bàn tay trong buồng mình”. Bằng việc xâu chuỗi các mảng miếng tâm trạng của nhân vật Pao, Đỗ Bích Thúy không chỉ cho ta thấy suy nghĩ, thái độ của những người dân miền núi trước sự đổi thay nhanh chóng của bản làng trước cơn gió thực dụng của nền kinh tế thị trường mà còn thể hiện được sự trăn trở, suy tư của chính mình trước những được – mất, hay – dở do lối sống mới đem lại. Có thể nhận thấy, trong nhiều truyện ngắn tâm lí của Đỗ Bích Thúy, nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính thường cùng một lúc sống trong hai thế giới: Một là cuộc sống đời thực với các quan hệ xã hội xác định với thời gian, không gian cụ thể. Hai là thế giới nội tâm với những trạng thái tâm lí, những cung bậc tình cảm khác nhau. Chính sự đan cài giữa thế giới hiện thực và nội tâm của nhân vật đã định hình cho cốt truyện của những tác phẩm này. Truyện ngắn Giống như cái cối nước mà chúng tôi đã đề cập ở trên là một ví dụ. Trong truyện ngắn, nhân vật Vi tồn tại ở cả hai không gian: không gian thực ( trở về nhà với đứa con bảy tháng; nhận ra ngôi nhà không còn nữa thay vào đó là một vườn vải với người chủ xa lạ; tìm đến ngôi nhà mới của bố mẹ sát mép rừng; thấy mẹ đang ngồi bóc đậu tương; đi ra suối thấy cái cối nước không còn ở chỗ cũ và “bạch yến mọc hai bờ suối vẫn nở hoa bừng bừng …” ); không gian tâm tưởng với những hồi ức, nhưng cảm xúc cô đơn, đau đớn và xót xa. Cả hai không gian này song song tồn tại và đan xen nhau. Không gian thực gọi về trong Vi những chuyện cũ để cô sống lại với những trạng thái yêu đương tha thiết, tuyệt vọng trong nỗi đau không thể nói và lại hồi sinh với hạnh phúc mới. Và cũng chính lời nói của đứa em trai trong thực tại “ Chị không biết thật hay giả vờ? Bố mẹ bán đất đi để lấy hai trăm đồng bạc trắng gả chồng cho chị chứ làm gì… Không có hai trăm đồng bạc ấy thì ai dám lấy 18
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 265 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 307 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 115 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 158 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 148 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 100 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 160 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 147 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 124 | 14
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 82 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 64 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn