intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phật giáo với an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Vai trò của Phật giáo đối với công tác an sinh xã hội là chủ đề được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Bài viết này sẽ tập trung vào việc làm rõ các nội dung của an sinh xã hội cho người cao tuổi cũng như những hình thức tham gia đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi của Phật giáo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phật giáo với an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay

  1. PHẬT GIÁO VỚI AN SINH XÃ HỘI CHO NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY1 PGS.TS. HOÀNG THU HƯƠNG2* Tóm tắt: Vai trò của Phật giáo đối với công tác an sinh xã hội là chủ đề được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Tuy vậy, sự tham gia của Phật giáo với công tác an sinh xã hội cho người cao tuổi vẫn còn là một khoảng trống trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với các vấn đề xã hội liên quan đến tình trạng già hóa dân số cũng như Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống người cao tuổi. Dựa trên các dữ liệu của đề tài QG.19.33 do Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ thực hiện trong năm 2019-2020 được thu thập bằng phương pháp phân tích tài liệu và phân tích nội dung website, bài viết này sẽ tập trung vào việc làm rõ các nội dung của an sinh xã hội cho người cao tuổi cũng như những hình thức tham gia đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi của Phật giáo. Từ khóa: Phật giáo, an sinh xã hội, người cao tuổi. Đặt vấn đề Bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi đã và đang là một vấn đề thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy vậy, chăm lo đời sống cho người cao tuổi đã là một trong các vấn đề trọng tâm trong các chính sách xã hội ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước. Giai đoạn 1945 - 1995 sự quan tâm về mặt chính sách được thể hiện trong Hiến pháp, một số luật và nghị định, trong đó có đề cập đến sự ưu tiên đối với nhóm người cao tuổi có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa. Giai đoạn tiếp theo từ 1995 - 1999 với dốc mốc của sự thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam năm 1995 và một số 1 Nghiên cứu được thực hiện dưới sự tài trợ của Đại học Quốc gia Hà Nội trong đề tài ‘Vai trò của tổ chức tôn giáo trong công tác xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn’, mã số QG.19.33. * Phó Trưởng Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 233 điều chỉnh, bổ sung trong việc thực thi các chính sách ưu đãi với người cao tuổi và giai đoạn từ 2000 - 2009 đánh dấu bằng việc ban hành Pháp lệnh về người cao tuổi năm 2000 và kế hoạch hành động quốc gia về người cao tuổi năm 2005 - 2010, cùng với các nghị định khác liên quan đến việc hướng dẫn thực thi pháp lệnh người cao tuổi. Giai đoạn từ 2010 đến nay là giai đoạn luật người cao tuổi chính thức có hiệu lực và các hoạt động chăm sóc người cao tuổi đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật (Lê Vũ Anh và các cộng sự, 2014). Nghiên cứu của UNFPA (2011) cho thấy vai trò của chính sách xã hội trong việc trợ giúp người cao tuổi khi so sánh tỷ lệ người cao tuổi nhận các khoản hưu trí và trợ cấp xã hội trong hai năm 2004 và 2008, theo đó tỷ lệ nhận trợ cấp của những nhóm dễ bị tổn thương đã tăng lên so với các nhóm khác. Các nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương gồm người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, không hưởng hưu trí,… Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ hưởng hưu trí ở nhóm ít bị tổn thương lại có xu hướng cao hơn nhóm dễ bị tổn thương do các quy định hiện nay của hệ thống hưu trí chỉ dành cho lao động ở khu vực chính thức, còn khu vực phi chính thức khó tham gia do rào cản của quy định và ràng buộc chặt chẽ. Điều này phản ánh hệ thống hưu trí hiện nay của Việt Nam không có tính chất hỗ trợ người nghèo. Các chính sách an sinh xã hội hiện nay dành cho người cao tuổi nhìn chung được đánh giá chưa góp phần làm giảm sự bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy người cao tuổi ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các chính sách bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu của Mai Tuyết Hạnh (2016) đã chỉ ra còn có tới 40% người cao tuổi không được chăm sóc y tế vì không có bảo hiểm y tế hoặc tiền chi trả, còn chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên mới chỉ đảm bảo hỗ trợ được các nhu cầu thiết yếu tối thiểu cho người thụ hưởng. Trong bối cảnh như vậy, Đảng và Nhà nước cũng chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích các nguồn lực trong cộng đồng tham gia vào các hoạt động trợ giúp xã hội. Từ góc độ nghiên cứu, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng để tăng cường mở rộng các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, cần khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội khác nhau (Bế Quỳnh Nga, 2001; Mai Tuyết Hạnh, 2016). Trong khi đó, với tinh thần nhập thế, Phật giáo là một trong các tôn giáo tham tích cực nhất vào hoạt động an sinh xã hội cho những nhóm người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Chủ đề Phật giáo với công tác đảm bảo an sinh xã hội trong những năm gần đây đã được bàn luận đến nhiều trong các nghiên cứu, cũng như các hội thảo
  3. 234 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... khoa học. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đến nay chưa đề cập cụ thể tới sự tham gia của Phật giáo với công tác đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm xã hội đặc thù như người cao tuổi. Do vậy, để góp phần bàn luận về sự tham gia của Phật giáo với công tác an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam, bài viết này sẽ tập trung vào việc làm rõ các nội dung của an sinh xã hội cho người cao tuổi và những hình thức tham gia đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi của Phật giáo. Phương pháp nghiên cứu Các dữ liệu của bài viết này được lấy từ nguồn dữ liệu của đề tài ‘Vai trò của tổ chức tôn giáo trong công tác xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn’ (do Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ với mã số QG.19.33) được thu thập bằng các phương pháp sau: Phân tích tài liệu: Phương pháp phân tích tài liệu được sử dụng nhằm làm rõ một số khái niệm về người cao tuổi, an sinh xã hội, các hoạt động trợ giúp xã hội hiện nay của Phật giáo đối với người cao tuổi. Các tài liệu được sử dụng trong phân tích là các dữ liệu thứ cấp nguồn từ các báo cáo, nghiên cứu đã công bố liên quan đến an sinh xã hội, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo, hoạt động trợ giúp xã hội của Phật giáo, Luật người cao tuổi năm 2010, Đề án của Chính phủ về trợ giúp xã hội và báo cáo tổng kết hoạt động của Phật giáo,… Phân tích nội dung website: Thông tin về các hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo được đăng tải trên trang Giác ngộ online (http://www.giacngo.vn) trong giai đoạn từ 1/2018 đến 7/2019 đã được sưu tầm để phân tích các hình thức trợ giúp xã hội, chủ thể tổ chức các hoạt động và đối tượng được nhận trợ giúp. Kết quả có 549 bài viết về hoạt động từ thiện đã được sưu tầm, trong đó có 53,2% số hoạt động từ thiện được rà soát có trợ giúp người cao tuổi. 1. An sinh xã hội cho người cao tuổi là gì? Trước khi bàn luận về các nội dung an sinh xã hội cho người cao tuổi, chúng ta sẽ xem xét hai khái niệm ‘người cao tuổi’ và ‘an sinh xã hội’. Người cao tuổi: Trên thế giới, quan điểm về độ tuổi xác định người cao tuổi không thống nhất. Trong một số nghiên cứu, người cao tuổi được tính từ độ tuổi 55 trở lên, như Taylor & Chatters (1986) khi tiến hành khảo sát về người Mỹ cao tuổi da đen. Becker (2008) xem người cao tuổi trong nghiên cứu của mình có độ tuổi từ 58
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 235 đến 92 tuổi. Krause et al. (1999) nghiên cứu về người già ở Nhật Bản có sự lựa chọn tương tự với các nghiên cứu ở Việt Nam, đó là những người từ 60 tuổi trở lên. Độ tuổi từ 65 trở lên khá phổ biến trong các nghiên cứu liên quan đến người cao tuổi và cũng là mốc xác định đối tượng của CTXH với người cao tuổi của nhiều tổ chức CTXH trên thế giới như Hiệp hội các nhà CTXH Úc, Hiệp hội các nhà CTXH Ailen. Việt Nam, người cao tuổi theo quy định của pháp luật “là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên” (Điều 2 Luật người cao tuổi của Việt Nam năm 2009). Trong bài viết này, khái niệm người cao tuổi được hiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam là người từ đủ 60 tuổi trở lên. An sinh xã hội An sinh xã hội là một thuật ngữ có nội dung rất rộng và có nhiều quan điểm định nghĩa về an sinh xã hội khác nhau. Trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” (điều 34). Theo cách định nghĩa của Liên hợp quốc tiếp cận dựa trên quyền của người dân thì “... Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có một mức tối thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế (bao gồm cả thai sản), dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già... hoặc các trường hợp bất khả kháng khác...” (dẫn theo Viện Khoa học lao động và xã hội & GIZ, 2013, p. 9). Bên cạnh khái niệm an sinh xã hội như vậy, năm 2009, Liên hợp quốc còn đưa ra sáng kiến về ‘sàn an sinh xã hội’ với 3 cấu phần chính gồm: “(i) chăm sóc sức khỏe cơ bản; (ii) thu nhập tối thiểu cho người trong tuổi lao động nhưng không có khả năng tạo thu nhập vĩnh viễn (người khuyết tật), hoặc mất việc làm tạm thời (người bị thất nghiệp), hoặc thu nhập thấp hơn mức đủ sống (người nghèo); (iii) thu nhập tối thiểu đối với người trên tuổi lao động (người cao tuổi) và dưới tuổi lao động (trẻ em)” (dẫn theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội & GIZ, 2013, p. 10). Nếu hiểu an sinh xã hội là một hệ thống chính sách thì an sinh xã hội là “hệ thống các chính sách can thiệp của nhà nước (bảo hiểm xã hội/trợ giúp xã hội) và tư nhân (các chế độ không theo luật định hoặc của tư nhân) nhằm giảm mức độ nghèo đói và tổn thương, nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân và xã hội trước những rủi ro hay nguy cơ giảm hoặc mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội” (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 2011, p. 10) . Như vậy, theo cách xác định của Viện Khoa học Lao động và Xã hội và GIZ thì ở Việt Nam hệ thống chính sách an sinh xã hội gồm 3 nhóm chính sách lớn: (i) Chính sách thị trường lao động chủ động; (ii) Bảo hiểm xã hội; và (iii) Trợ giúp xã hội.
  5. 236 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Qua tìm hiểu định nghĩa về an sinh xã hội và người cao tuổi, an sinh xã hội cho người cao tuổi nếu tiếp cận từ góc độ quyền con người sẽ được hiểu là những người từ 60 tuổi trở lên có quyền được đảm bảo một mức tối thiểu về chăm sóc sức khỏe và thu nhập. Nếu tiếp cận từ góc độ chính sách thì an sinh xã hội cho người cao tuổi bao gồm các chính sách về bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội dành cho người từ 60 tuổi trở lên. 2. Những hình thức tham gia của Phật giáo vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi Căn cứ vào định nghĩa về an sinh xã hội cho người cao tuổi thì Phật giáo có thể tham gia vào việc đảm bảo an sinh xã hội thông qua những hoạt động chăm sóc sức khỏe cho cho người cao tuổi, hoạt động trợ giúp xã hội dành cho những người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại một số cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo và hoạt động trợ giúp xã hội dành cho người cao tuổi tại cộng đồng. Phật giáo với hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Hiện nay, các hoạt động tập trung chủ yếu vào các Tuệ tĩnh đường và các phòng chẩn trị y học dân tộc thông qua việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho người nghèo. Sự tham gia của Phật giáo vào lĩnh vực này sẽ góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ hệ thống y tế trong việc khám, chữa bệnh cho người dân cũng như giảm áp lực việc phát triển riêng một hệ thống nhân viên CTXH trong y tế trong điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội (Hoàng Thu Hương, 2017) . Theo báo cáo hiện nay toàn Giáo hội cả nước có 165 Tuệ tĩnh đường và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc, có trên 10 phòng khám Tây y, Đông Tây y kết hợp đã khám và phát thuốc cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân (Báo cáo Tổng kết hoạt động phật sự nhiệm kỳ 2012 - 2017). Bên cạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các hệ thống phòng khám Tuệ Tĩnh đường, Phật giáo còn có các hoạt động phát thuốc và phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người cao tuổi. Kết quả rà soát 549 tin bài đưa tin về hoạt động từ thiện của Phật giáo trên báo Giác ngộ online cho thấy có 16% số lượng các hoạt động là khám bệnh và phát thuốc, đồng thời cũng là hoạt động có mức độ phổ biến đứng thứ ba trong số các hoạt động từ thiện của Phật giáo. Suy giảm thị lực cho các căn bệnh về mắt là một trong các yếu tố làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Trong số các hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khỏe, hoạt động hỗ trợ phẫu thuật mắt cho người cao tuổi cũng là một
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 237 trong các hoạt động thường xuyên được Phật giáo tổ chức hàng năm. Đây thường là các hoạt động do các tăng, ni đứng ra vận động, kết nối các phật tử chung tay đóng góp trợ giúp cho những người cao tuổi mắc các chứng bệnh về mắt cần mổ như mổ cườm, mổ mộng thịt, thay thủy tinh thể. Bên cạnh đó, cũng có cả những chương trình hỗ trợ khám mắt, đo khúc xạ, phát mắt kính cho người cao tuổi. Những hoạt động, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi do các Tăng, Ni đứng ra tổ chức hoặc kết hợp với các cá nhân, tổ chức xã hội để trợ giúp cho người cao tuổi là một trong những hình thức tham gia công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi. Phật giáo với hoạt động trợ giúp xã hội dành cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn Hiện nay, theo quy định của nhà nước thì người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK) là “người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi ” (khoản b, Điều 25 theo Quy định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội). Các cơ sở bảo trợ xã hội chính thức của nhà nước chỉ tiếp nhận nhhững người cao tuổi đủ các điều kiện như sau người từ đủ 60 tuổi trở lên, không có vợ hoặc không có chồng, sống độc thân, không có con nuôi hợp pháp, không có người thân thích để nương tựa, không có nguồn thu nhập” (Thông tư của Bộ LĐ-TB&XH 10/2002/TT- LĐ-TB&XH ngày 12/6/2002 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001). Bên cạnh nhóm người cao tuổi có HCĐBKK được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà nước cũng có chính sách bảo trợ xã hội với một số nhóm người cao tuổi tại cộng đồng như: “1) người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng và 2) người từ đủ 80 trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng” (Điều 17 của Luật Người cao tuổi 2009). Những người cao tuổi này được hưởng: 1) bảo hiểm y tế; 2) trợ cấp xã hội hằng tháng và 3) hỗ trợ chi phí mai táng (trừ những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 17). Như vậy, căn cứ theo các quy định của pháp luật thì người cao tuổi có HCĐBKK được hiểu là những người cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và những người cao tuổi ở cộng đồng đang được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội như được cấp thẻ BHYT hay trợ cấp xã hội hằng tháng.
  7. 238 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Trong khi đó, khác với quan điểm cụ thể, rõ ràng của luật pháp khi xác định các nhóm đối tượng có HCĐBKK, các tổ chức tôn giáo thường đề cập chung chung về đối tượng họ trợ giúp. Chẳng hạn, theo Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Tổng Giáo phận Hà Nội thì đối tượng phục vụ của Caritas là “con người, ưu tiên những người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, thiếu những điều kiện sống căn bản”1. Trong khi đó Ban Từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo xác định mục đích hoạt động công tác từ thiện xã hội theo tinh thần “cứu khổ ban vui, vô ngã vị tha” của Đạo Phật, và “vận động Tăng, Ni, Phật tử chia sẻ những khó khăn đến với người đau khổ, nhường cơm xẻ áo với những người thiếu thốn, hàn gắn vết thương vật chất và tinh thần với người bất hạnh theo tinh thần tư bi, trí tuệ của người con Phật” (Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2013) . Các tổ chức tôn giáo xác định mục đích cho công tác từ thiện xã hội cần hướng tới các đối tượng như ‘người đau khổ’, ‘người thiếu thốn’ hay ‘người nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần’, ‘người bị bỏ rơi’, ‘người bị gạt ra bên lề xã hội’, ‘người thiếu những điều kiện sống căn bản’, song không đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể hơn để xác định những người thuộc các nhóm đối tượng này như trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước xác định nhóm đối tượng có HCĐBKK. Chính vì vậy, việc xác định các nhóm đối tượng trợ giúp của hoạt động từ thiện xã hội của tổ chức tôn giáo linh hoạt hơn, nên phạm vi trợ giúp của tổ chức tôn giáo với các hoàn cảnh khó khăn cũng rộng hơn so với sự trợ giúp chính thức của nhà nước. Người cao tuổi có HCĐBKK là nhóm đối tượng cần đến sự trợ giúp xã hội và hiện nay bên cạnh các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước, Phật giáo là tôn giáo có sự tích cực tham gia vào hoạt động bảo trợ xã hội. Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH thì tính đến năm 2015 cả nước có 507 cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc tổ chức tôn giáo, trong đó có 113 cơ sở đã thực hiện thủ tục thành lập theo nghị định 68/2008/NĐ-CP và các cơ sở này chủ yếu thuộc Phật giáo (371 cơ sở) và Công giáo (126 cơ sở), còn lại chỉ có 4 cơ sở thuộc đạo Cao đài, 3 cơ sở thuộc đạo Tin lành, 2 cơ sở thuộc Phật giáo Hòa Hảo và 1 cơ sở tôn giáo khác. Số liệu thống kê đã cho thấy trong số các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội với các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó các cơ sở đã chăm sóc hơn 1500 người già neo đơn (Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2017). Các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo dành cho người cao tuổi thường tập trung ở khu vực miền Nam và miền Trung. Thành phố Hồ Chí Minh có các nhà https://www.tonggiaophanhanoi.org/caritas/caritas-tgp-ha-noi/11411-dieu-le-uy-ban-bac-ai-xa-hoi-caritas-tong- 1 giao-phan-ha-noi.html
  8. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 239 dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, Pháp Lâm quận 8, chùa Kỳ Quang 2 quận Gò Vấp, chùa Diệu Pháp quận Bình Thạnh, chùa Hoằng Pháp huyện Hóc Môn,… nuôi dưỡng trên 500 cụ. Thừa Thiên Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức (60 cụ), Diệu Viên (25 cụ), chùa Bồ Đề,…nuôi dưỡng gần 100 cụ. Trà Vinh có chùa Liên Bửu (45 cụ), chùa Long Hòa (18 cụ), chùa Hồng Phúc Bắc Giang, chùa Từ Phước (Tây Ninh) phụng dưỡng một số người già neo đơn (Báo cáo Tổng kết hoạt động phật sự nhiệm kỳ 2012- 2017). Một số tỉnh phía Nam khác cũng tập trung các cơ sở bảo trợ như: Bạc Liêu có cơ sở bảo trợ chùa Long Phước, chùa Phước Linh, chùa Vĩnh Phước An Tự, chùa Giác Hoa. Vũng Tàu có trung tâm bảo trợ xã hội Tịnh xã Ngọc Đức, nhân đạo Hộ Pháp, tịnh xá Ngọc Tuyền, tịnh xá Ngọc Hòa, chùa Hoa Yên,… và một số tỉnh khác như Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Dương, Đắc Lắc,… Mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội cho NCT có HCĐBKK của Phật giáo đã và đang có sự đóng góp tích cực vào việc duy trì sàn an sinh xã hội cho người cao tuổi. Trợ giúp xã hội cho người cao tuổi tại cộng đồng qua các hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Phân tích các hình thức từ thiện xã hội của Phật giáo cho thấy hoạt động từ thiện phổ biến nhất là hoạt động tặng quà, vật phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn và trong đó có người cao tuổi (85,1% số hoạt động được rà soát có tặng quà, vật phẩm). Những hỗ trợ về các vật phẩm, quà tặng cho người cao tuổi có thể là tiền hoặc những vật phẩm cho cuộc sống hàng ngày của họ bao gồm: gạo, nước mắm, mì chính, muối, dầu ăn, bánh, kẹo,… Đây là những hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người cao tuổi. Không giống như trợ giúp về vật phẩm, quà tặng sinh hoạt hàng ngày, việc xây dựng nhà tình thương cho người cao tuổi đòi hỏi một khoản kinh phí tương đối lớn. Tuy vậy, dữ liệu phân tích các hoạt động từ thiện của Phật giáo được truyền thông trên website của báo Giác Ngộ online cho thấy hình thức trợ giúp này đứng thứ hai (chiếm tỷ lệ 25,9%), chỉ sau hình thức tặng quà, vật phẩm. Điều này phần nào phản ánh, nguồn lực Phật giáo có thể trợ giúp xã hội chung và đối với người cao tuổi nói riêng là khá lớn. Như vậy, các hình thức trợ giúp của Phật giáo đối với người cao tuổi là khá phong phú và đa dạng tuy nhiên dễ dàng nhận thấy, các hình thức trợ giúp hiện nay có sự tương đồng với các tổ chức xã hội khác. 3. Kết luận Các ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo dành cho tín đồ mà còn được xem là nơi có khả năng cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội chính thức và phi chính
  9. 240 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... thức (Canda & Furman, 2010). Ở một số quốc gia, các tự viện Phật giáo đã trở thành một tổ chức phi chính phủ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng. Chẳng hạn ở Thái Lan, ngôi chùa Phật giáo (wat) được xem là một tổ chức phi chính phủ quan trọng “là trung tâm giáo dục, phúc lợi địa phương và các hoạt động cộng đồng” (Gerald W. Fry, Gayla S. Nieminen 2013:276). Trong mấy thập kỷ gần đây, các tổ chức Phật giáo trên thế giới cũng đang có những đóng góp tích cực cho các dịch vụ phúc lợi xã hội ở cả những quốc gia mà Phật giáo không có nhiều ảnh hưởng. Du nhập vào Úc cùng với dòng người nhập cư từ Trung Quốc, tới năm 2000, Phật giáo đã có 319 tổ chức tham gia cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội như giáo dục, chăm sóc người bệnh, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời, thăm hỏi tù nhân, trợ giúp người nghiện ma túy, giúp đỡ người nghèo,.. (Sherwood, 2001). Tương tự ở Mỹ, nghiên cứu của (Canda & Phaobtong, 1992) cho thấy những những ngôi chùa của người Lào và Khmer đang cung cấp các dịch vụ xã hội, tâm lý và tinh thần cho những người nhập cư Đông Nam Á ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Garces- Foley (2003) cũng nhận thấy việc gắn kết giữa Phật giáo và phong trào chăm sóc cuối đời ở Mỹ là cách mà Phật giáo ảnh hưởng tới cách người Mỹ quan niệm về cái chết. Như vậy, dù sự phát triển của công tác xã hội (CTXH) đầu tiên không gắn liền với Phật giáo nhưng hiện nay sự gắn kết giữa Phật giáo với CTXH đã trở thành một xu hướng phát triển của Phật giáo hiện đại, là phương thức để Phật giáo có thể lan tỏa sự ảnh hưởng của mình tới cộng đồng. Xã hội Việt Nam truyền thống vẫn có câu “trẻ vui nhà, già vui chùa” để chỉ sự thu hút của Phật giáo đối với người cao tuổi. Thực vậy, hiện nay các tự viện Phật giáo không chỉ là nơi tham gia sinh hoạt tôn giáo của người cao tuổi mà còn tích cực tham gia vào công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi qua nhiều hình thức như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn và trợ giúp xã hội cho người cao tuổi tại cộng đồng. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Bế Quỳnh Nga (2001). Người cao tuổi ở miền Trung và Nam Bộ Việt Nam năm 2000 - phác thảo từ một số kết quả nghiên cứu định tính. Tạp chí Xã hội học, 3(75), 28-39. 2. Canda, E. R., & Furman, L. D. (2010). Spiritually diversity in social work practice: The Heart of Helping. New York: Oxford University Press, Inc. https://doi. org/9780195372793
  10. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 241 3. Canda, E. R., & Phaobtong, T. (1992). Buddhism as a Support System for Southeast Asian Refugees. Social Work, 37(1), 61–67. 4. Garces-Foley, K. (2003). Buddhism, Hospice, and the American Way of Dying. 5. Review of Religious Research, 44(4), 341–353. 6. Gerald W. Fry, Gayla S. Nieminen, H. E. S. (2013). Historical Dictionary of Thailand (Third Edit). Scarecrow Press, Inc. 7. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2013). Quyết định Ban hành Nội quy Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012-2017). Retrieved from http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn/tin-tuc/ noi-quy-ban-tu-thien-xa-hoi-trung-uong-nhiem-ky-vii-va-quyet-dinh-ban-hanh- cua-ghpgvn-491 8. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2017). Báo cáo sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2017 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Retrieved September 13, 2017, from http://phatgiao.org.vn/van-ban-hanh-chinh/201707/Bao- cao-cong-tac-phat-su-Giao-hoi-6-thang-dau-nam-2017-27593/ 9. Krause, N., Ingersoll-Dayton, B., Liang, J., & Sugisawa, H. (1999). Religion, social support, and health among the Japanese elderly. J Health Soc.Behav., 40(4), 405–421. 10. Lê Vũ Anh, Đặng Huy Hoàng, Trần Vũ, Nguyễn Ngọc Bích, & Nguyễn Tiến Thắng. (2014). Tổng quan hoạt động xây dựng, thực thi chính sách và công trình nghiên cứu khoa học về người cao tuổi Việt Nam. Tạp chí Y tế Công cộng, 33, 7-14. 11. Mai Tuyết Hạnh. (2016). Đời sống của người cao tuổi Việt Nam trong giai đoạn già hóa dân số. Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, Tập 2 (số 1b), 26-42. 12. Sherwood, P. (2001). Buddhist Contribution to Social Welfare in Australia. 13. Journal of Buddhist Ethics, 8 (319), 61–74. 14. Taylor, R. J., & Chatters, L. M. (1986). Church-based informal support among elderly blacks. Gerontologist, 26(6), 637–642. https://doi.org/10.1093/geront/26.6.637 15. Viện Khoa học Lao động và Xã hội. (2011), Thuật ngữ an sinh xã hội Việt Nam, GIZ, ILSSA. 16. Viện Khoa học Lao động và Xã hội, & GIZ. (2013). Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020. Retrieved April 10, 2017, from
  11. 242 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 17. https://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1& cad=rja&uact=8&ved=0ahU 18. KEwivj8uuycPTAhVIipQKHUw7CK0QFgggMAA&url=http%3A%2F 19. %2Fkhcn.molisa.gov.vn%2Fbooks%2FBooklettiengVIETlayout_16- 20. 12.pdf&usg=AFQjCNHPBtoNMMC4rDwGjorRr3xr5E3eHA&sig2=xpNIo
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2