Phát triển du lịch gắn với phúc lợi động vật tại Việt Nam
lượt xem 1
download
Trong du lịch, nhiều động vật bị xem như công cụ nhằm đáp ứng nhiều mục đích khác nhau mà bỏ qua những vấn đề mang tính đạo đức, công bằng và nhân văn. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, động vật là một trong các dạng tài nguyên cần được khai thác đi đôi với bảo tồn để đảm bảo yêu cầu của phát triển bền vững như các tài nguyên khác. Bài viết "Phát triển du lịch gắn với phúc lợi động vật tại Việt Nam" chỉ ra thực trạng khai thác động vật và những phương án nhằm cải thiện phúc lợi động vật trong hoạt động du lịch ở Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển du lịch gắn với phúc lợi động vật tại Việt Nam
- PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT TẠI VIỆT NAM Nguyễn Thị Thu1 Tóm tắt: Trong du lịch, nhiều động vật bị xem như công cụ nhằm đáp ứng nhiều mục đích khác nhau mà bỏ qua những vấn đề mang tính đạo đức, công bằng và nhân văn. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, động vật là một trong các dạng tài nguyên cần được khai thác đi đôi với bảo tồn để đảm bảo yêu cầu của phát triển bền vững như các tài nguyên khác. Do đó, khai thác động vật trong hoạt động du lịch cần mang tính trách nhiệm thông qua việc lưu ý đến phúc lợi của động vật. Bài viết chỉ ra thực trạng khai thác động vật và những phương án nhằm cải thiện phúc lợi động vật trong hoạt động du lịch ở Việt Nam. Từ khóa: Du lịch có trách nhiệm, du lịch và phúc lợi động vật, động vật trong giải trí, quyền động vật. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Mối quan tâm về bảo vệ, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho động vật cũng như sự thừa nhận mối liên hệ giữa phúc lợi động vật và hạnh phúc con người ngày càng gia tăng. Điều này rất quan trọng khi xã hội hướng tới sự bền vững và cần được ưu tiên để giải quyết một cách khách quan, khoa học. Trong du lịch, các hình thức tham quan, tìm hiểu hay giải trí gắn liền với bóc lột, bạo hành động vật đang bị cộng đồng quốc tế đánh giá là tàn nhẫn, hoàn toàn không cần thiết và dần bị thay thế. Ngành du lịch có thể sẽ tạo lợi thế bằng cách cải thiện phúc lợi động vật, tạo những trải nghiệm tích cực kích thích du khách tham gia. Việc nhận thức và tối ưu hóa phúc lợi động vật trong hoạt động du lịch là phù hợp với nhu cầu của thời đại, đóng góp cho duy trì các diễn thế sinh thái tự nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng, ứng xử đa văn hóa và duy trì các hoạt động kinh tế. Bài viết tập trung vào thực trạng phát triển du lịch gắn với phúc lợi của động vật tại Việt Nam, bởi đây là nhu cầu chính đáng mà động vật được hưởng với tư cách là một trong các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm, đạo đức của con người khi sử dụng động vật trong hoạt động du lịch cũng như đề xuất một vài định hướng chung nhằm cải thiện phúc lợi động vật trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Trên thế giới, các công trình khoa học về phúc lợi động vật nói chung khá phong phú nhưng chỉ có số ít nghiên cứu về động vật được sử dụng để giải trí, đặc biệt là 1 Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Lang.
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 235 trong lĩnh vực du lịch. Đôi khi, phúc lợi của động vật được quan tâm chỉ bởi sự đóng góp của những con vật khỏe mạnh vào việc kinh doanh du lịch. Nhiều năm gần đây, các công trình tiếp tục phát triển khía cạnh lý luận về phúc lợi và quyền động vật, đạo đức trong việc sử dụng động vật vào du lịch (Cohen, 2018; Essen và cộng sự, 2020; Christou, 2021; Fennell, 2022; Fakfare và cộng sự, 2023), sự liên hệ của lĩnh vực này với yếu tố văn hóa (López và cộng sự, 2023). Các học giả cho rằng phúc lợi động vật liên quan đến cách một con vật đối phó với điều kiện sống của nó (Cox và cộng sự, 2016: 41); đó là “trạng thái thể chất và tinh thần của động vật trong mối quan hệ với điều kiện sống và chết của động vật... Tình trạng phúc lợi tốt nếu vật nuôi khỏe mạnh, thoải mái, được nuôi dưỡng tốt, an toàn, có khả năng biểu lộ tập tính bẩm sinh và không phải chịu đựng tình trạng khó chịu như đau đớn, sợ hãi và lo âu...” (OIE, 2019: 355). Hewson (2003) lập luận rằng các quan điểm hiện đại về phúc lợi động vật nên xem xét ba khía cạnh: cuộc sống tự nhiên, sinh lý và cảm xúc/tinh thần/hành vi. Cách nhìn nhận về phúc lợi động vật khá đa dạng và phụ thuộc vào từng nền văn hóa và lĩnh vực hoạt động, tuy nhiên, đa phần đều đồng ý rằng động vật có những nhu cầu và cảm xúc riêng. Đối với các nhà phúc lợi động vật, việc sử dụng động vật cho lợi ích của con người là có thể chấp nhận nhưng cần xem xét mục đích của hoạt động và cách thức chăm sóc, thiết kế môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống cho động vật. Một số công trình tìm hiểu những ảnh hưởng và hệ quả từ việc thiếu sự quan tâm đầy đủ đến động vật thông qua việc tìm hiểu nhận thức, nhu cầu, mong muốn của du khách đối với du lịch có sự tham gia của động vật (Dybsand, 2021; Tomassini, 2022; Kim, 2023; Wattanacharoensil và cộng sự, 2024) hay các khảo sát khác về khai thác động vật ở các điểm du lịch trên thế giới (Dubois, 2018; Flower, 2021; Joo và cộng sự, 2022). Một vài nghiên cứu khảo sát các hình thức sử dụng động vật trong giải trí như: sở thú, rạp xiếc, săn bắn, lễ hội, các môn thể thao và cuộc đua, giải trí cho du khách và nhiếp ảnh… (Cox, 2006). Các khung lý thuyết để đánh giá phúc lợi động vật cũng khá phong phú như Năm quyền tự do (Five Freedoms) của OIE (2019). Tuy nhiên, khung đánh giá này bị đánh giá là nhấn mạnh vào tư duy lấy con người làm trung tâm và lỗi thời khi không đại diện cho mối quan hệ tồn tại giữa động vật và môi trường của nó (Korte và cộng sự, 2007: 423). Khắc phục điều này, Mellor và cộng sự đưa ra mô hình Năm yếu tố (Five Domains Model) bao gồm: Dinh dưỡng; Môi trường; Sức khỏe; Hành vi và Trạng thái tinh thần (2020: 3). Tại Việt Nam, phúc lợi động vật phần lớn chỉ là mối quan tâm của các tổ chức phi chính phủ và hiệp hội về động vật, thú y hay nông nghiệp. Ở mảng du lịch, các tổ chức phi chính phủ và hiệp hội quốc tế về động vật tại Việt Nam đã công bố hàng loạt tài liệu như: ấn phẩm về chiến lược phúc lợi động vật tại thủy cung và sở thú (2015) của
- 236 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Thế giới (WAZA), du lịch cưỡi voi (2020) của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PNA), báo cáo về xiếc (2021) và lễ hội (2023) của AAF...; các bài trình bày và tài liệu biên soạn của nhiều học giả tại các buổi tập huấn trên nhiều địa phương về bảo tồn động vật hoang dã, thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã của các tổ chức phi chính phủ. Các nghiên cứu và báo cáo này làm rõ khái niệm, các phương pháp và mô hình đánh giá phúc lợi động vật nói chung, đồng thời thể hiện sự quan ngại về môi trường sống, làm việc kém chất lượng của động vật trong các hoạt động phục vụ du khách hiện nay tại Việt Nam cũng như khuyến cáo những thách thức và rủi ro đi kèm. Ngoài ra, hàng loạt bài viết trên các phương tiện truyền thông cũng hỗ trợ cho việc tăng cường nhận thức và ý thức bảo vệ động vật của cộng đồng đối với vấn đề này. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ SỐ LIỆU Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, các khung đánh giá liên quan đến phúc lợi động vật. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp qua các bài báo khoa học, tham luận hội thảo, các kênh truyền thông cũng như các nghiên cứu, báo cáo của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế về phúc lợi động vật trong du lịch và phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật. Ngoài ra, thực trạng sử dụng động vật trong du lịch trên một số địa bàn tại Việt Nam cũng được ghi nhận thông qua quan sát của tác giả trong các chuyến trải nghiệm thực tế. 4. KẾT QUẢ 4.1. Hiện trạng sử dụng động vật trong du lịch tại Việt Nam động giải trí Hoạt - Xiếc thú Tính đến năm 2021, Việt Nam có 17 cơ sở (rạp xiếc, công viên giải trí, khu du lịch) sử dụng 15 loài động vật (trong đó có 11 loài động vật hoang dã) biểu diễn xiếc với nhiều vấn đề về cả nguồn gốc và phúc lợi (AAF, 2021: 10). Động vật (trong đó có cả cá thể con bị tách khỏi mẹ từ sớm) thường xuyên sợ hãi vì chế độ ép buộc, đe dọa, thậm chí là tra tấn để thực hiện những hành vi trái tự nhiên trước đám đông lớn, trong cường độ ánh sáng mạnh, thay đổi liên tục và âm lượng lớn. Động vật bị xích hoặc nhốt trong chuồng chật hẹp trong thời gian dài (đặc biệt là khi lưu diễn), thiếu các yếu tố kích thích phù hợp với loài, điều kiện tương tác xã hội không phù hợp với tự nhiên... (AAF, 2021: 6). Đây là môi trường không đảm bảo cả về thể chất lẫn tinh thần cho động vật. Thực tế ghi nhận 2 cá thể voi Đắk Lắk (ở Quảng Nam và Hà Nội) và 3 cá thể khỉ trong rạp xiếc Trung ương Hà Nội đã tử vong khi diễn xiếc (AAF, 2021: 34), các cá thể cá heo được nhập khẩu từ năm 2008 cũng không còn thấy ở Việt Nam (AAF, 2021: 19).
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 237 - Đua động vật Các trường đua ngựa, đua chó tại Việt Nam cũng là lựa chọn của nhiều du khách. Chưa có thông tin chính thức cho thấy động vật bị ngược đãi nhưng chắc chắn để tham gia các cuộc đua mang tính khuôn khổ và cạnh tranh, động vật phải trải qua chế độ tập luyện khắc nghiệt. Nhiều nơi trên thế giới còn áp dụng kích thích động vật bằng thuốc, roi, điện... nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, những cá thể không đáp ứng kỳ vọng đôi khi sẽ bị loại bỏ hoặc bị giết. - Tương tác với động vật Thiên đường Bảo Sơn - Hà Nội, vườn thú Zoodoo - Đà Lạt… để du khách cho thú ăn, chụp ảnh với thú hay vuốt ve, khiêu vũ với cá heo tại Tuần Châu, trải nghiệm trực tiếp với các loài rùa biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận)... Ngoại trừ những động vật nuôi đã được thuần hóa, việc tương tác gần gũi thường xuyên với con người không phải là hoạt động thường thấy trong tự nhiên ở các loài động vật, nhất là động vật hoang dã và gây căng thẳng cho động vật. - Cưỡi động vật/động vật kéo xe Tại khu du lịch Buôn Đôn và hồ Lak, voi từng phải chở 2-3 khách/tour vượt sông hoặc đi dạo Vườn Quốc gia từ 6-8 tiếng đồng hồ/ngày thậm chí không được nghỉ ngơi vào dịp lễ Tết, đầu và tai chằng chịt vết thương do móc sắt của người hướng dẫn. Từ khi tham gia vào hoạt động du lịch, voi thường phải làm việc quá mức, bị xem nhẹ sức khỏe cũng như sự tồn vong. Hơn nửa số voi từ 35 đến 50 tuổi bị xích, mất chót đuôi, ngà bị cưa ngắn để tránh bị trộm sát hại, khẩu phần ăn và môi trường giao phối bị hạn chế, ảnh hưởng đến tuổi thọ và gây trở ngại cho việc sinh sản (Dương Văn Thọ và cộng sự, 2020: 11-13) khiến quần thể voi năm 2020 giảm 90% số lượng so với năm 1980 (Huỳnh Thủy, 2022). Ngoài ra, trường hợp ngựa kéo xe ở Cồn Thới Sơn, Cồn Phụng cũng bị du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài lên án. Ngựa ở trong tình trạng tệ hại khi phải kéo xe nặng giữa trời nắng và không được nghỉ ngơi dù đang bị thương (Vì động vật - For Animals Vietnam, 2022). - Massage chân bằng cá Mặc dù cá có mối quan hệ cộng sinh tự nguyện với các chúng sinh khác nhưng không phải thịt người (trừ các giống cá ăn thịt). Nhiều điểm cung cấp dịch vụ đã bỏ đói cá nuôi cho đến khi chúng phải ăn da chân người, cuối cùng vứt chúng đi khi cho rằng chúng không còn hữu dụng nữa. Nhiều nơi như Mỹ và Canada, loại hình này đã bị cấm vì có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm (Người đưa tin, 2015). động tham quan, tìm hiểu Hoạt Các sở thú, thảo cầm viên, safari tại Việt Nam khó có thể cung cấp cho động vật môi trường lý tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh thái tự nhiên, đặc biệt là với những
- 238 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... loài có không gian di chuyển rộng lớn. Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh sở thú, safari tư nhân hiện trở thành trào lưu khi gắn với các dự án địa ốc, kinh doanh nghỉ dưỡng và hướng tới mục đích giải trí của con người nhiều hơn. Trên thực tế, điều kiện nuôi nhốt chật hẹp, thiếu thốn hay tình trạng động vật bị ngược đãi và thể hiện dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi ở công viên nước Củ Chi, Thảo Cầm Viên Sài Gòn, trại rắn Đồng Tâm, vườn thú Hà Nội, các khu nuôi nhốt thú trong các khu du lịch khác thậm chí là các safari tại Việt Nam thường xuyên bị truyền thông và cộng đồng phản ánh (Linh Đan, 2020). Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết hoặc/và ý thức kém của du khách về động vật và bảo vệ động vật dẫn đến những hành động vô tình hoặc cố ý tác động gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tinh thần và thậm chí ảnh hưởng đến sự sinh tồn của động vật. Các vấn đề nổi cộm là du khách chọc phá thú, ném dị vật vào chuồng dù có biển cảnh báo ở các sở thú khiến thú hoảng sợ, bị thương, ngộ độc, hoặc xảy ra những trường hợp hi hữu như đười ươi hút thuốc lá (Trân Trân, 2022). Một vài du khách sau khi chụp hình còn bỏ sao biển chết khô trên bờ biển Phú Quốc - Kiên Giang (Bảo Hân, 2021). động mua sắm Hoạt Nhiều du khách đến Việt Nam chủ động hoặc thụ động mua các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa, 9,2% số du khách đã mua ít nhất một sản phẩm từ động vật hoang dã và 6,9 % số du khách có ý định mua sản phẩm từ động vật hoang dã (Nguyễn Anh Tuấn, 2020: 27, 28, 40), nhiều du khách sử dụng những sản phẩm này để thể hiện sở thích và đẳng cấp của mình (Thúy Hà, 2019). - Đồ lưu niệm, trang trí, thời trang từ động vật Việt Nam là nơi mà du khách có thể mua sản phẩm từ động vật hoang dã. Từ nanh, vuốt hổ, gấu, sư tử; ngà voi mai đồi mồi; ngọc trai; vảy tê tê; da rắn, cá sấu... bày bán công khai tại các chợ, cửa hàng lưu niệm đến các món đặc sản thịt thú rừng được quảng cáo, mời chào nhiệt tình. Trại rắn Đồng Tâm, xưởng nuôi cấy và chế tác ngọc trai Phú Quốc hay các trại cá sấu ở một số địa phương... vừa là điểm tham quan đồng thời cung cấp các sản phẩm từ chính động vật được nuôi nhốt tại đó. - Thực phẩm, dược phẩm Nhiều du khách tìm kiếm các thực - dược phẩm “kỳ lạ” và gây hại cho nhiều loài động vật. Nhiều cộng đồng văn hóa có các thực phẩm, dược phẩm hoặc đồ uống ít phổ biến hoặc có xuất xứ từ động vật hoang dã với cách khai thác gây hoảng loạn và đau đớn kéo dài cho động vật trước khi chết. Từ việc uống máu, ăn tim rắn vẫn còn đập, tại làng nuôi rắn Lệ Mật - Hà Nội, hay thịt chó mèo được bày bán công khai ở nhiều tỉnh thành... tạo nên ác cảm đối với nhiều du khách phương Tây, cho đến mật, cao động vật, những ly cà phê chồn cho du khách thượng lưu tại các trại sản xuất cà phê chồn ở Đà Lạt, Đà Nẵng đều chứa đựng góc khuất tàn nhẫn mà động vật phải gánh chịu. Hơn
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 239 thế, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, đặc biệt là động vật hoang dã thúc đẩy nạn săn trộm, đẩy quần thể động vật đang suy giảm vào tình trạng nguy cấp hơn. lễ hội dân gian Các Có thể coi đây là một trường hợp đặc biệt và cần nhiều sự cân nhắc bởi lễ hội dân gian gắn với thực hành văn hóa truyền thống và có vị trí lâu bền trong đời sống cộng đồng địa phương. Lễ hội có sức hút đặc biệt đối với du khách, đồng thời cũng tạo ra độ chênh trong góc nhìn về tính giá trị trong cách ứng xử với động vật. Ở Việt Nam có ít nhất 13 lễ hội hiện vẫn sử dụng động vật, trong đó có 2 lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đánh dấu sự công nhận của Nhà nước (AAF, 2023). Năm 2016, Trung Tâm Topvietnam công bố 5 lễ hội dân gian thi đấu động vật thu hút du khách ở Việt Nam và cùng với lễ hội chém lợn (Bắc Ninh), các lễ hội này đều gây ra nhiều tranh cãi cả ở trong nước và các nhóm bảo vệ động vật quốc tế. Sự đối kháng giữa các cá thể động vật hay các nghi thức hiến sinh trong lễ hội tạo nên sự căng thẳng và tổn hại về cơ thể ở cả giai đoạn trước, trong và sau khi tham gia lễ hội cho động vật. Ở Đắk Lắk, 6 chủ voi cho biết sức khỏe của voi bị ảnh hưởng sau khi tham gia lễ hội và phần lớn chủ voi đề xuất nên dừng lễ hội vì lo ngại cho sức khỏe của voi (AAF, 2020). Ngoài ra, việc mở rộng địa bàn tổ chức lễ hội ở các tỉnh vốn không có lễ hội (như chọi trâu, dê) cũng khiến nhiều động vật bị giết hơn dù không trực tiếp tham gia thi đấu để bán cho khách tham quan vì quan niệm về sự tốt lành. Nhìn chung tại Việt Nam, khá nhiều hoạt động du lịch có sử dụng động vật đều hướng về khía cạnh kinh tế hoặc giải trí. Các cơ sở, tổ chức có rất ít nhân viên xử lý hoặc không được đào tạo về phúc lợi thích hợp và việc quản lý kém dẫn đến nhiều động vật bị bỏ mặc, không được chăm sóc y tế và điều trị khi bị thương hoặc bệnh tật, đồng thời bị tước đoạt quyền kiểm soát cuộc sống của bản thân. Nếu xét trên mô hình Năm yếu tố đã đề cập ở trên, động vật trong các hoạt động giải trí của du lịch tại Việt Nam đều gặp các vấn đề liên quan đến cả năm yếu tố: - Dinh dưỡng: Động vật vẫn bị bỏ đói và phải tiếp nhận những loại thức ăn không thích hợp với bản thân. - Môi trường: Thiết kế không gian sống cho động vật chưa đủ rộng và phong phú để đáp ứng các nhu cầu tồn tại tự nhiên của động vật trong điều kiện nuôi nhốt cho phép. - Sức khỏe: Vẫn tồn tại tình trạng động vật bị bệnh tật và thương tích nhưng việc chẩn đoán và điều trị chưa kịp thời, bị xem nhẹ hoặc bị bỏ qua. - Hành vi: Bố cục, cách thiết kế không gian sống và các cơ hội xã hội cho động vật còn nghèo nàn, bị bó buộc hoặc không được kích thích các hành vi tự nhiên, thậm chí thường xuyên bị ép buộc thực hiện hành vi trái bản năng sinh học. Những hành vi
- 240 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... bất thường và rập khuôn (đi đi lại lại, lắc lư, lắc đầu...) chứng tỏ động vật không thích nghi được với môi trường hiện tại. - Trạng thái tinh thần: Nhiều động vật thường xuyên bị sợ hãi, căng thẳng và suy sụp khiến tuổi thọ, hành vi cũng như tính cách và tâm lý của động vật thường xuyên ở trạng thái tiêu cực. 4.2. Một số điểm tích cực về phúc lợi động vật trong du lịch tại Việt Nam Du lịch thân thiện với động vật ngày càng được nhiều du khách lựa chọn bởi những trải nghiệm độc đáo. Các tour tham quan nhằm tìm hiểu kết hợp giáo dục tại các khu bảo tồn ở Ninh Bình, Côn Đảo, Đắk Lắk là những điểm sáng trong sự chuyển đổi mô hình du lịch bởi môi trường sống của động vật dần mang tính tự nhiên hơn. Một số nơi, các lễ hội như đâm trâu, hội voi Buôn Đôn đã được các tổ chức phi chính phủ vận động nhằm điều chỉnh nội dung lễ hội, lược bỏ những hành động ngược đãi không cần thiết với động vật. Bộ Văn hóa có những văn bản chỉ đạo quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, không phục dựng các lễ hội mang tính chất bạo lực. Đối với vấn đề tiêu thụ thịt chó, mèo, Hội An là thành phố thân thiện với khách du lịch không thịt chó, mèo đầu tiên tại Việt Nam (Four Paws, 2022). Trong suốt thập kỷ vừa qua, nhiều chương trình tập huấn, ấn phẩm tuyên truyền tại các địa bàn và trên các kênh truyền thông đã lan tỏa thông điệp du lịch có trách nhiệm, bảo tồn thiên nhiên và động thực vật hoang dã, hướng cộng đồng và du khách lựa chọn sử dụng các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, với động vật và hành động văn minh tại điểm đến. 5. THẢO LUẬN 5.1. Những hệ quả từ việc không chú trọng phúc lợi động vật 5.1.1. Rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tinh thần cho cho người tham dự Tử vong và thương tích Khoảng cách tiếp xúc giữa con người với động vật đôi khi quá gần và thiếu yếu tố bảo vệ đã đẩy những người tham dự đối mặt với những rủi ro, bởi không chỉ bản năng tự vệ hoặc săn mồi của động vật mà sự lo lắng và hoảng sợ tột độ cũng khiến động vật trở nên cực kỳ khó kiểm soát. Các tai nạn khi xem động vật biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các lễ hội, đối kháng hoặc trong quá trình tương tác với con người đã xảy ra với du khách cưỡi voi và nài voi (2020) tại Đắk Lắk (Huỳnh Thủy, 2022), 4 vụ tai nạn xiếc thú từ năm 2010 - 2017 (AAF, 2022), chủ trâu trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 (Tiến Thắng, 2017) hay nhân viên bị hổ vồ tại khu du lịch Thanh Cảnh, Bình Dương (Thúy Hằng, 2019)... Hơn 50% số lượng chủ voi tham gia lễ hội cho rằng 5/10 hoạt động gây nguy hiểm cho người tham dự (AAF, 2020).
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 241 Nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng Hơn 60% các bệnh truyền nhiễm ở người xuất hiện gần đây có nguồn gốc từ động vật (trong đó khoảng 70% là từ động vật hoang dã) (FAO, UNEP, WOAH, WHO, 2022: 6). Sử dụng sản phẩm, món ăn từ động vật và động vật hoang dã, tiếp xúc và tương tác với động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng đều tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và lây truyền bệnh từ động vật sang người rất cao. Hình thành tâm lý tiêu cực ở du khách Những du khách đến từ nền văn hóa khác nhau sẽ có những cảm xúc khác nhau nếu chứng kiến động vật bị ngược đãi hoặc được cổ vũ để làm tổn thương nhau trong các hoạt động giải trí, nhất là những người yêu động vật. Động vật bị ngược đãi tại các sở thú, gánh xiếc hay lễ hội dân gian tại Việt Nam đã khiến không ít du khách trải qua cảm giác hoảng sợ, phẫn nộ. Hoạt động buôn bán thịt chó, mèo ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng là nỗi kinh hoàng của du khách theo xếp hạng của Tripadvisor (Four Paws, 2020). 5.1.2. Đi ngược lại tiêu chí đạo đức và mục tiêu giáo dục của du lịch Nhiều cơ sở kinh doanh trấn an dư luận là động vật được chăm sóc tốt nhưng ở hậu trường, hành vi ngược đãi thường xảy ra (ADI, 2018), động vật đơn thuần chỉ là công cụ thỏa mãn ham muốn của con người. Điều đó dễ hình thành niềm tin rằng việc giam cầm và huấn luyện động vật trong trạng thái thiếu tự nhiên, không lành mạnh là chấp nhận được, từ đó dẫn đến sự vô cảm, thờ ơ của con người, nhất là trẻ em. Việc này không đóng góp cho việc giáo dục ý thức và nhận thức về việc tôn trọng, sự nhân đạo đối với các loài động vật, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Trên thế giới đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm sử dụng động vật biểu diễn xiếc thú bởi những quan ngại về phúc lợi động vật, những tác động tiêu cực tới bảo tồn và thông điệp sai trái mà nó mang tới (Thùy Linh, 2021). 5.1.3. Ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, xã hội của điểm đến Tạo hình ảnh thiếu thân thiện về điểm đến Dùng động vật làm đối tượng giải trí và nuôi nhốt trái phép với điều kiện sống tệ hại ảnh hưởng đến cam kết bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp và thực thi pháp luật của quốc gia về đối xử nhân đạo với động vật nói chung khiến hình ảnh điểm đến trở nên thiếu thiện cảm, làm giảm năng lực cạnh tranh khi du khách có xu hướng tìm đến các quốc gia tạo được hình ảnh thân thiện hơn với động vật. 90% khách hàng cho rằng nhà cung ứng và điều hành dịch vụ phải coi trọng phúc lợi động vật, 52% khách hàng sẽ không trở lại một quốc gia nếu họ chứng kiến hành vi tàn ác với động vật ở đó (Four Paws, 2020). Trên thực tế, Đảo Khỉ, Đảo Hoa Lan ở Nha Trang đã từng bị nhiều công ty du lịch quốc tế (Lonely Planet, Tours4fun, Tours And Guide, GetYourGuide) loại bỏ khỏi danh sách vì sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng với xiếc thú và các loại hình
- 242 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... giải trí bạo hành động vật (VAE, 2019). Hơn 1,6 triệu người đã ký Bản kiến nghị toàn cầu và hơn 24.000 khách du lịch quốc tế đã viết thư cho Tổng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam bày tỏ mối quan ngại về vấn đề buôn bán thịt chó, mèo tại đây. Xói mòn giá trị văn hóa truyền thống Sự khác biệt về văn hóa nếu không có cách thức truyền tải, giải thích phù hợp và rõ ràng về các thực hành bên ngoài sẽ khiến các giá trị văn hóa địa phương trở thành cổ hủ, phi nhân đạo và đáng bị lên án kéo theo các giá trị truyền thống bên trong vô tình bị bóp méo về ý nghĩa và có thể biến mất nếu phong tục tập quán bị loại bỏ hoàn toàn. Mất ổn định về an ninh xã hội tại điểm đến Sự khác biệt trong nhận thức về động vật và sử dụng động vật giữa các du khách đến từ các nền văn hóa khác nhau cũng như du khách với cộng đồng địa phương tiềm ẩn rủi ro về sự xung đột nếu có va chạm và các bên không tìm được tiếng nói chung. Một số lễ hội truyền thống có sử dụng động vật tại Việt Nam có thể gắn với các lợi ích kinh tế, với hành vi đánh bạc khiến tệ nạn xã hội gia tăng. Bên cạnh đó, lễ hội biến tướng theo hướng mê tín dị đoan, nhiều thực hành thổi phồng các giá trị văn hóa gây ra những xáo trộn trật tự công cộng như tranh nhau lấy lông lợn lấy may, đội giá các mặt hàng từ động vật gắn với lễ hội... Ngoài ra, việc khai thác và tiêu thụ động vật hoang dã có thể liên quan đến pháp lý nếu người bán và người mua thiếu kiến thức hoặc cố tình vi phạm pháp luật. 5.2. Phúc lợi động vật trong hoạt động du lịch tại Việt Nam với xu hướng nhận thức của cộng đồng thế giới Hiện nay, nhu cầu thể hiện sự quan tâm đến các khía cạnh đạo đức và phúc lợi động vật trong du lịch ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong mảng du lịch và lữ hành như Booking.com, Explore hoặc Tripadvisor cam kết đảm bảo đối tác của họ trên thế giới đáp ứng các tiêu chuẩn này giúp thúc đẩy sự thay đổi tích cực đối với động vật có thể bị ảnh hưởng bởi ngành du lịch trong tương lai. Điều đó đảm bảo các chuyến thám hiểm và trải nghiệm liên quan đến động vật, đặc biệt là động vật hoang dã được quản lý bởi các chính sách bảo vệ đã phát triển. Sự hỗ trợ từ các nhà khai thác du lịch nhằm bảo vệ phúc lợi và quyền động vật vừa cho phép họ thể hiện cam kết của họ đối với sứ mệnh bảo vệ động vật, vừa tạo áp lực buộc chính phủ chung tay hành động. Cùng với xu hướng trên, những hệ quả vì thiếu chú trọng đến phúc lợi động vật trong các hoạt động phục vụ du khách tại Việt Nam cho thấy, đã đến lúc các bên liên quan trong hoạt động du lịch cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này. Điều cần lưu ý là phải đặt sự kiểm soát của con người và quyền tự do của động vật lên trước tiên. Động cơ lợi nhuận hoặc những mục đích đơn thuần là giải trí, đánh vào tính hiếu kỳ như hiện nay vô tình biến hình ảnh của Việt Nam trở nên tiêu cực trong mắt du khách.
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 243 Môi trường sống cho động vật là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dinh dưỡng, hành vi, sức khỏe, và trạng thái tinh thần cho động vật. Do đó, môi trường sống cho động vật, nhất là động vật hoang dã, đặc biệt là ở các sở thú, thảo cầm viên hay safari cần được phát triển theo khuôn khổ tổng hợp, bao gồm việc làm giàu không gian sống, chế độ ăn uống cân bằng, môi trường xã hội phù hợp và các khu vực bao quanh được thiết kế chính xác (Barber, 2009: 523). Các thiết kế không nhằm loại bỏ căng thẳng mà cung cấp cho động vật quyền phản ứng hiệu quả với các căng thẳng không quá cần thiết (Veasey, 2019: 60-62). Tuy vậy, nếu có thể thì vẫn nên để động vật được sống trong môi trường tự nhiên trong các khu bảo tồn hơn là các sở thú nếu đó không phải là động vật có thể sống tốt trong điều kiện nuôi nhốt. Ngoài ra, nhằm mang lại sự nhất quán về phúc lợi cho động vật trong suốt cuộc đời của chúng, động vật khỏe mạnh chỉ nên tiếp xúc tối thiểu với nhân viên chăm sóc và không nên tương tác với du khách quá thường xuyên và gần gũi như nhiều điểm du lịch vẫn đang làm để thu hút du khách như hiện nay. Các Tổ chức bảo vệ động vật tại Việt Nam hiện đang bị các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là can thiệp quá sâu và làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa khi lên án các lễ hội truyền thống và những đặc sản hay y học dân gian. Tuy nhiên, văn hóa không bất biến mà luôn vận động theo dòng lịch sử. Trên thế giới, nhiều hoạt động, lễ hội đối xử tàn ác với động vật thường được chính người dân phản đối hoặc chính phủ loại bỏ khi nhận ra những tác động tiêu cực của chúng đối với xã hội. Thực hành văn hóa về bản chất chỉ là phương tiện truyền tải các giá trị nguyên bản, mang tính bề mặt và hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp xu hướng của thời đại, miễn là nó được sự đồng thuận từ cộng đồng địa phương - chủ nhân của những giá trị văn hóa đó. Do đó, việc bảo tồn văn hóa truyền thống cần có sự nhìn nhận ở các giá trị nguyên bản, tính nhân đạo và cả yếu tố an toàn cho con người. Đây là cứu cánh quan trọng để các bên liên quan có thể tìm được tiếng nói chung khi nhìn nhận về một yếu tố văn hóa trong bối cảnh đương đại. Có như vậy, sự kết hợp giữa du lịch và văn hóa mới thể hiện được chức năng giáo dục, lan tỏa các thông điệp nhân văn đến cộng đồng và tránh sự xung đột trong quá trình tương tác giữa du khách với cộng đồng địa phương. Các chương trình du lịch nên theo xu hướng du lịch có đạo đức và giáo dục phúc lợi động vật hay các kỳ nghỉ nhân ái (compassionate vacation) gắn với hoạt động mang tính thuần chay, không bóc lột động vật hiện như các tour giáo dục tại Ninh Bình, Côn Đảo, Đắk Lắk đã thực hiện. Cũng nên tiến hành các nghiên cứu về cảm nhận du khách, đối chiếu với nhận thức và thái độ của các nhà điều hành du lịch cũng như các tổ chức phúc lợi, từ đó đa dạng hóa các hoạt động du lịch có trách nhiệm, có đạo đức với động vật.
- 244 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Và điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi nhận thức từ đó thay đổi hành vi về phúc lợi động vật cho các nhà điều hành, khách du lịch và tất cả các bên liên quan khác có liên quan đến du lịch nhằm lan tỏa sự đồng cảm và nâng cao nhận thức về các loại hành vi gây ra đau khổ cho động vật trong các hoạt động du lịch. Điều này góp phần kiến tạo môi trường tích cực, văn minh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. 6. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Như vậy, việc sử dụng động vật vào du lịch là có thể chấp nhận nhưng để hướng tới sự trách nhiệm và đạo đức với động vật, cần cân nhắc mục đích của việc sử dụng bởi nó quyết định lớn đến phúc lợi mà động vật được hưởng. Thực trạng đã chỉ ra nhiều hoạt động du lịch có sử dụng động vật tại Việt Nam vẫn còn đơn thuần chỉ phục vụ cho giải trí và thương mại thay vì bảo tồn động vật, giáo dục cộng đồng, từ đó dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Các Sở, ban, ngành nên tiến hành đối thoại với cộng đồng địa phương cùng các bên liên quan để xem xét và loại bỏ các yếu tố bạo lực, ngược đãi đối với động vật tham gia vào hoạt động du lịch, nhất là các thực hành văn hóa dân gian. Việc lưu truyền giá trị truyền thống đồng thời không gây đau đớn cho động vật đòi hỏi sự chuyển đổi để các lễ hội vừa gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc, vừa truyền tải được tính nhân văn cho cộng đồng và thế hệ sau. Đó là cơ hội để gắn kết các cộng đồng đồng thời tôn vinh mối quan hệ tích cực giữa con người và động vật. Việc giáo dục cộng đồng thông qua phổ biến pháp luật liên quan và các hoạt động tuyên truyền trên diện rộng và đa phương tiện cần được đẩy mạnh hơn nữa để tất cả có cùng góc nhìn và hỗ trợ nhau trong việc cải thiện phúc lợi cho động vật trong du lịch. Ngoài ra, cần phối hợp với các chuyên gia tư vấn để hoàn thiện các quy định phúc lợi động vật trong du lịch và hoạt động giải trí, tạo ra bộ tiêu chuẩn phúc lợi động vật, cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn về cách mà động vật trở thành một phần trong trải nghiệm du lịch với tính trách nhiệm, có đạo đức và tôn trọng. Cải thiện nhận thức về ứng xử của con người đối với động vật và phúc lợi của động vật sẽ là một chặng đường dài nhưng không còn là câu chuyện ở những quốc gia có truyền thống lâu đời về phúc lợi động vật. Liên kết du lịch và đạo đức động vật trở nên quan trọng hơn trong xã hội hiện đại nếu muốn hướng hoạt động du lịch tới sự bền vững và có trách nhiệm và điều này cần sự phối hợp và chung tay của nhiều bên liên quan cũng như toàn cộng đồng trên phạm vi khu vực và quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. AAF. (2020). “Khảo sát: Nhiều chủ voi tại Buôn Đôn quan ngại về sức khỏe của voi trong Hội voi Buôn Đôn”. Cổng thông tin điện tử Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) (https://www. animalsasia.org/vn/media/news/news-archive/tuyen-truyen-bao-ve-voi-tai-le-hoi-van-hoa- truyen-thong-cac-dan-toc-buon-don.html). Truy cập tháng 2 năm 2024.
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 245 2. AAF. (2021). Động vật trong rạp xiếc ở Việt Nam. Hà Nội. Tổ chức Động vật Châu Á. 3. AAF. (2022). “Báo cáo sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc năm 2021 - Nhiều cơ sở biểu diễn xiếc vẫn sử dụng động vật hoang dã”. Cổng thông tin điện tử Tổ chức Động vật Châu Á (https://www.animalsasia.org/vn/media/news/news-archive/wild-and-endangered- animals-forced-to-perform-in-circuses-new-report.html). Truy cập tháng 2 năm 2024. 4. AAF. (2023). “Triển lãm tranh: Động vật trong lễ hội tại Việt Nam”. Cổng thông tin điện tử Tổ chức Động vật Châu Á (https://sites.google.com/animalsasia.org/su-dung-dong-vat- trong-le-hoi/home). Truy cập tháng 2 năm 2024. 5. ADI. (2018). “Animals Used for Events & Rides”. Cổng thông tin điện tử Tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (ADI) (https://www.ad-international.org/animals_in_entertainment/ go.php?id=2852&ssi=11). Truy cập tháng 2 năm 2024. 6. Bảo Hân. (2021). “Từ chuyện sao biển chết khô đến ăn thịt thú rừng…”. Cổng thông tin điện tử Báo Lao Động (https://laodong.vn/ban-doc/tu-chuyen-sao-bien-chet-kho-den-an- thit-thu-rung-897708.ldo). Truy cập tháng 2 năm 2024. 7. Barber Joseph. (2009). “Programmatic Approaches to Assessing and Improving Animal Welfare in Zoos and Aquariums”. Zoo Biology Journal 28: 519-530. 8. Cox Janice. (2006). Handbook for NGO Success with a Focus on Animal Advocacy. London: World Society of the Protection of Animals. 9. Cox Janice, Lennkh Sabine. (2016). Model Animal Welfare Act. Boston: World Animal Net. 10. Dubois Sara. (2018). “Lessons from Winnie-the-Pooh: how responsible bear tourism can teach us respect and compassion, and benefit bears”. Pp. 119-125 in Tourism and animal welfare, Edited by Carr Neil and Broom Donald. Wallingford: CABI. 11. Dương Văn Thọ, Nguyễn Thúy Hằng, Hoàng Văn Chiên. (2020). Voi Tây Nguyên: Quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong. Hà Nội: Trung tâm con người và thiên nhiên (PNR). 12. FAO, UNEP, WOAH, WHO. (2022). One Health Joint Plan Of Action (2022-2026). Rome: FAO, UNEP, WOAH, WHO. 13. Flower Emily, Burns Georgette, Jones Darryl, McBroom James. (2021). “Does the experience make a difference? Comparing tourist attitudes pre- and post-visit towards the elephant tourism industry”. Annals of Tourism Research Empirical Insights Journal 2(2): 1-9. 14. Four Paws. (2020). “Key tourism operators join the fight against the dog and cat meat trade in Southeast Asia”. Cổng thông tin điện tử Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu - Four Paws (https://www.four-paws.org/our-stories/press-releases/november-2020/key-tourism- operators-join-the-fight-against-the-dog-and-cat-meat-trade-in-southeast-asia). Truy cập tháng 2 năm 2024. 15. Four Paws. (2022). “33,000 Vietnamese citizens and residents call for an end to the dog and cat meat trade”. Cổng thông tin điện tử Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu - Four Paws (https://www.four-paws.org/our-stories/press-releases/july-2022/33000-vietnamese- citizens-and-residents-call-for-an-end-to-the-dog-and-cat-meat-trade). Truy cập tháng 2 năm 2024.
- 246 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 16. Hewson Caroline. (2003). “What is animal welfare? Common definitions and their practical consequences”. The Canadian Veterinary Journal 44(6): 496-499. 17. Huỳnh Thủy. (2022). “Voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách, bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi voi?”. Cổng thông tin điện tử Báo Tiền Phong (https://tienphong.vn/voi-bi-thuong-van-oan-lung- cho-khach-bao-gio-cham-dut-du-lich-cuoi-voi-post1414676.tpo). Truy cập tháng 2 năm 2024. 18. Joo Seola, Bae Jaeye, Jung Yechan, Chun Myung-Sun. (2022). “Entertaining Commodities or Living Beings? Public Perception of Animal Welfare at Local Festivals in South Korea”. Journal of Agricultural and Environmental Ethics 36 (1): 1-19. 19. Korte Mechiel, Olivier Berend, Koolhaas Jaap. (2007). “A New Animal Welfare Concept Based on Allostasis”. Physiology & Behavior Journal 92 (3): 422-428. 20. Linh Đan. (2020). “Doanh nghiệp địa ốc đua nhau mở sở thú: Bảo tồn động vật hay kinh doanh?” Cổng thông tin điện tử báo Người Đô Thị (https://nguoidothi.net.vn/doanh-nghiep-dia-oc-dua- nhau-mo-so-thu-bao-ton-dong-vat-hay-kinh-doanh-26014.html). Truy cập tháng 2 năm 2024. 21. López-López Álvaro, Venegas Gino, Kline Carol. (2023). Tourism, Heritage and Commodification of Non-human Animals: A Post-Humanist Reflection. Wallingford: CABI 22. Mellor David, Beausoleil Ngaio, Littlewood Katherine, McLean Andrew, McGreevy Paul, Jones Bidda, Wilkins Cristina. (2020). “Five Domains Model: Including Human-Animal Interactions in Assessments of Animal Welfare”. Animals Journal, 10 (10): 1-24. 23. Nguyễn Anh Tuấn. (2020). “Thực trạng bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong mối liên quan với du lịch”. Bài trình bày tại Hội thảo tập huấn “Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và bảo tồn Động vật hoang dã”, Ninh Bình. 24. Người đưa tin. (2015). “Sự thật sốc từ massage chân bằng cá “hút’’ dân Việt”. Cổng thông tin điện tử Báo Tri Thức Cuộc Sống (https://kienthuc.net.vn/doi-song/su-that-soc-tu-massage- chan-bang-ca-hut-dan-viet-556816.html). Truy cập tháng 2 năm 2024. 25. OIE. (2019). Terrestrial Animal Health Code (18th edition). Paris: World Organisation For Animal Health. 26. PETA. “How to Be a Compassionate Traveler”. Cổng thông tin điện tử PETA (https://www. peta.org/features/be-a-compassionate-traveler/). Truy cập tháng 2 năm 2024. 27. Tiến Thắng. (2017). “Trâu húc trọng thương người tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”. Cổng thông tin điện tử Báo Tuổi Trẻ (https://tuoitre.vn/trau-huc-trong-thuong-nguoi-tai-le-hoi-choi- trau-do-son-1341682.htm). Truy cập tháng 2 năm 2024. 28. Thúy Hà. (2019). “Du lịch Việt Nam “nói không” với sản phẩm từ động vật hoang dã”. Cổng thông tin điện tử Báo Văn Hóa (http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/20669/du- lich-viet-nam-%E2%80%9Cnoi-khong%E2%80%9D-voi-san-pham-tu-dong-vat-hoang- da). Truy cập tháng 2 năm 2024. 29. Thúy Hằng. (2019). “Hổ vồ nát tay nhân viên khu du lịch: Dừng tương tác với động vật hoang dã?”. Cổng thông tin điện tử Báo Thanh Niên (https://thanhnien.vn/ho-vo-nat-tay- nhan-vien-khu-du-lich-dung-tuong-tac-voi-dong-vat-hoang-da-185856219.htm). Truy cập tháng 2 năm 2024.
- Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 247 30. Thùy Linh. (2021). “4 cá thể gấu cuối cùng tại Rạp xiếc TW được cho “nghỉ hưu” sau nhiều năm”. Cổng thông tin điện tử Báo Người Lao Động (https://laodong.vn/moi-truong/4-ca-the- gau-cuoi-cung-tai-rap-xiec-tw-duoc-cho-nghi-huu-sau-nhieu-nam-920759.ldo). Truy cập tháng 2 năm 2024. 31. Trân Trân. (2022). “Báo động tình trạng du khách ném đồ vào chuồng thú”. Cổng thông tin điện tử Báo Pháp luật Việt Nam (https://baophapluat.vn/bao-dong-tinh-trang-du-khach- nem-do-vao-chuong-thu-post451850.html). Truy cập tháng 2 năm 2024. 32. VAE. (2019). “VTV tiếp tục quảng bá cho các khu dịch/ loại hình giải trí sử dụng động vật”. Fanpage của Vietnam Animal Eyes (VAE) (https://www.facebook.com/media/set/?set=a.262 7207403984149&type=3). Truy cập tháng 2 năm 2024. 33. Veasey Jake. (2019). “Identifying design priorities for optimal welfare”, Proceedings of the 2017 International Zoo Design Conference, Zoo Wroclaw and ZooLex Zoo Design Organization, Wroclaw, Poland. 34. Vì động vật - For Animals Vietnam. (2022). “Cưỡi ngựa tại khu du lịch Cồn Phụng Bến Tre”. Fanpage Phòng Phúc lợi động vật - Tổ chức Động vật Châu Á (https://www.facebook.com/ VietnamAW/posts/2163473223852022/?paipv=0&eav=Afavh9KNanfIp9a7MDe9BMFjg hO-aBavb4Qi-_u5QxEq7V1jZQyu77cXiJWDGzegm9Y&_rdr). Truy cập tháng 2 năm 2024. 35. Walanchalee Wattanacharoensil, Pipatpong Fakfare, Noppadol Manosuthi, Jinsoo Lee. (2024). Determinants of traveler intention toward animal ethics in tourism: Developing a causal recipe combining cognition, affect, and norm factors. Tourism Management Journal 100: 1-16.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Nghiên cứu giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa cộng đồng tỉnh An Giang thời kì hội nhập
9 p | 146 | 13
-
Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản biển đảo Phú Yên
13 p | 40 | 9
-
Giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở Đà Nẵng
5 p | 25 | 6
-
Phát triển du lịch gắn với chiến lược marketing địa phương tại tỉnh Tuyên Quang
9 p | 95 | 5
-
Phát triển du lịch gắn với trách nhiệm xã hội cho các thành phố du lịch ở Việt Nam. Trường hợp thành phố Đà Nẵng
9 p | 31 | 3
-
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đất ngập nước: Thực trạng và giải pháp cho vùng biển đảo Việt Nam
12 p | 30 | 3
-
Phát triển du lịch homestay gắn với bảo vệ môi trường của người dân tộc thiểu số tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
4 p | 10 | 2
-
Tiềm năng phát triển du lịch gắn với chùa Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
7 p | 7 | 2
-
Định hướng phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại các làng nghề tỉnh Quảng Nam
16 p | 6 | 2
-
Nghiên cứu hiện trạng du lịch, đề xuất giải pháp phát triển du lịch và bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Bà
7 p | 6 | 1
-
Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc
6 p | 2 | 1
-
Văn hóa Halal trong phát triển du lịch bền vững tại cộng đồng người chăm ở tỉnh An Giang
6 p | 1 | 1
-
Ứng dụng mô hình 3D vào phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên
8 p | 0 | 0
-
Định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số
11 p | 0 | 0
-
Phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bình Dương gắn với yêu cầu chuyển đổi số
10 p | 3 | 0
-
Phát triển du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang hiện nay
6 p | 0 | 0
-
Xây dựng bản đồ số giới thiệu di tích và di vật khảo cổ, lịch sử của tỉnh Đắk Nông: Giải pháp phát triển du lịch gắn với yêu cầu chuyển đổi số
12 p | 0 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn