intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Chia sẻ: Tư Khấu Quân Tường | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

13
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế" với mục tiêu phân tích tổng quan thực trạng phát triển của ngành du lịch trong các năm vừa qua, trong đó trọng tâm là phân tích hai năm 2022 và 2023. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết cũng làm rõ một số thách thức cho việc phát triển ngành du lịch trong giai đoạn tới. Cuối cùng, bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách để vượt qua các thách thức để thực hiện phát triển ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

  1. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 62. THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH NHẰM GIA TĂNG TỔNG CẦU VÀ HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ PGS.TS. Lê Thanh Tùng* Tóm tắt Du lịch hoặc kinh tế du lịch đang thực sự trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng để gia tăng tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia. Không những phục hồi sau các năm đại dịch, ngành du lịch Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và tiềm năng phát triển trong các năm tiếp theo. Bài viết này có mục tiêu phân tích tổng quan thực trạng phát triển của ngành du lịch trong các năm vừa qua, trong đó trọng tâm là phân tích hai năm 2022 và 2023. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết cũng làm rõ một số thách thức cho việc phát triển ngành du lịch trong giai đoạn tới. Cuối cùng, bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách để vượt qua các thách thức để thực hiện phát triển ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Từ khóa: du lịch, kinh tế du lịch, kích cầu, tăng trưởng bền vững 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong các thập kỷ qua (Sharpley, 2020). Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, ngành du lịch thế giới đã được ghi nhận với sự phát triển chưa từng có và được công nhận như một động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2019, doanh thu từ du lịch lên tới 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 28% giá trị thương mại dịch vụ toàn cầu (UNWTO, 2020). Mức doanh thu này chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới. Xét trên bình diện lan tỏa trực tiếp đến nền kinh tế, ngành du lịch có thể đóng góp đến 3,5 nghìn tỷ USD cho các nền kinh tế. Mức đóng góp của ngành này đạt khoảng 4% của GDP toàn cầu vào năm 2019 (UNWTO, 2020). * Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh 865
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Sự phục hồi của ngành du lịch là rất quan trọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Scarlett, 2021). Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO, 2024) đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của du lịch trên khắp thế giới khi đã có 1,3 tỷ lượt khách đi du lịch ra nước ngoài trong năm 2023. Như vậy, số lượng du khách đã cao hơn 44% so với năm 2022 và tương đương với 88% của năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19). Mặc dù một số vùng còn đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng UNWTO cũng đưa ra mức dự báo khả quan với việc du lịch quốc tế trong năm 2024 vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng nhu cầu du lịch của giai đoạn 2022 - 2023. Mặc dù có sự chậm chễ so với một số khu vực, nhưng châu Á và Thái Bình Dương cũng có sự phục hồi về mức 65% so với trước khi đại dịch, theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO, 2024). Việt Nam đã có khung chiến lược quốc gia về phát triển du lịch (Chính phủ, 2020). Sau những năm chịu thiệt hại nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy ngành du lịch Việt Nam đã đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế (vượt xa mức mục tiêu đặt ra là 8 triệu) (Tổng cục Du lịch, 2024). Số lượng khách du lịch năm 2023 đã đạt khoảng 70% mức trước dịch (năm 2019 với 18,1 triệu du khách quốc tế). Đây là mức phục hồi vượt dự kiến khi mà ngành du lịch từng lâm vào tình trạng “đóng băng” trong giai đoạn 2020 - 2021 do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa cả năm 2023 đạt 108,2 triệu lượt người (Tổng cục Du lịch, 2024), vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Số lượng du khách nội địa đã vượt 27% so với mức trước đại dịch (năm 2019 với 85 triệu du khách nội địa). Sự phục hồi của ngành du lịch đã giúp gia tăng tổng cầu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế cũng như đóng góp hữu hiệu vào mức tăng tổng cầu của nền kinh tế. Trong năm 2023, mức tăng của tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế đã cơ bản phục hồi trở lại, cả năm đạt 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế (Tổng cục Thống kê, 2024). Mặc dù có những thành công đối với việc tạo lập xu hướng tăng trưởng trong các năm tiếp theo, nhưng ngành du lịch cũng có những thách thức đòi hỏi cần phải có các giải pháp tháo gỡ nhằm hướng đến một giai đoạn phát triển bền vững hơn. Bài viết có ba mục tiêu gồm: (i) Phân tích thực trạng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, (ii) Phân tích và làm rõ một số thách thức trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch tại Việt Nam trong các năm tiếp theo, (iii) Đề xuất một số hàm ý chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH TRONG CÁC NĂM QUA Một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển du lịch của một quốc gia là số liệu thống kê của khách du lịch quốc tế qua các năm. Ngành du lịch được coi là một ngành “công nghiệp không khói” và là kênh hữu hiệu để xuất khẩu trực tiếp thông qua mua sắm và tiêu dùng của du khách nước ngoài khi lưu trú. 866
  3. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng đều trong giai đoạn 2010 - 2019. Trong đó, năm 2019 là cao nhất trong 10 năm này khi số lượng du khách quốc tế đạt mức 18,01 triệu người. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn 2000 - 2022 với việc bùng phát của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, năm 2021, chỉ có 0,16 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam, đây cũng là năm sức cầu của nền kinh tế sụt giảm mạnh, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua (ở mức 2,58% năm 2021). Mức sụt giảm nghiêm trọng của thị trường du lịch Việt Nam cũng tương đồng với nhiều quốc gia trong khu vực khi mà các chính sách chống dịch được thực thi nghiêm ngặt đã làm gián đoạn việc đi lại với thị trường quốc tế. Hình 1. Số lượng khách du lịch quốc tế giai đoạn 2010 - 2023 20 18 18.01 Số lượng du khách (Triệu người) 16 15.49 14 12.6 12.92 12 10 10.01 9.79 8 7.95 7.57 6 6.01 6.84 5.04 4 3.83 3.44 2 0 0.16 Nguồn: Tổng cục Du lịch (2024) Tuy nhiên, sau khi chạm đáy “suy thoái”, số lượng khách du lịch nước ngoài đã dần hồi phục vào năm 2022 với 3,44 triệu lượt và đóng góp phần quan trọng trong việc kích thích tổng cầu hồi phục cũng như đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng lên 8,02% vào năm 2022. Năm 2023, xu hướng phục hồi của ngành du lịch Việt Nam đã dần rõ nét khi mà số lượng du khách quốc tế đạt mức 12,6 triệu lượt, bằng 70% mức trước dịch (năm 2019 đạt 18,01 triệu khách quốc tế). Mức thực hiện của năm 2023 đã vượt qua mục tiêu đặt ra đầu năm là 8 triệu du khách và đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Hình 1 đã cho thấy xu hướng hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam và sự đóng góp của ngành vào xu hướng hồi phục của tổng cầu cũng như tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, xu hướng hồi phục của ngành du lịch sẽ tiếp tục trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong số chín quốc gia có lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất, có bảy quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, một quốc gia thuộc châu Mỹ và một quốc gia thuộc châu Úc. Hình 2 cho thấy Hàn Quốc là thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam khi có khoảng 3,6 triệu du khách, tiếp theo là Trung Quốc với 1,7 triệu du khách, Đài Loan với 851 nghìn du khách. Như vậy, số liệu thống kê đã cho thấy tầm quan trọng của các quốc gia khu vực Đông Á với thị trường du lịch Việt Nam, khi mà chỉ ba quốc gia và vùng lãnh thổ này đã có tổng cộng 5,4 triệu lượt du khách, chiếm khoảng 43% số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2023. 867
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 2. Các quốc gia có số lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất năm 2023 4000 3595 3500 3000 Số lượng du khách (Ngàn người) 2500 2000 1743 1500 1000 851 717 589 489 470 402 390 500 0 Nguồn: Tổng cục Du lịch (2024) Sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam càng trở nên rõ nét khi phân tích số liệu của số lượng khách du lịch nội địa. Trong giai đoạn 2012 - 2019, số lượng khách du lịch nội địa gia tăng liên tục qua các năm và đạt mức cao nhất là 85 triệu lượt khách vào năm 2019. Cũng tương tự như trường hợp du khách quốc tế, đại dịch Covid-19 đã làm số lượng khách du lịch nội địa giảm về mức 56 triệu vào năm 2020 và 40 triệu trong năm 2021. Như vậy, lượng khách du lịch trong nước đã chạm “đáy suy thoái” vào năm 2021. Tổng cầu năm 2021 sụt giảm mạnh đã kéo theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2021 chạm mức đáy sau nhiều năm, ở mức 2,58%. Hình 3. Số lượng khách du lịch nội địa giai đoạn 2012 - 2023 120 108.2 100 101.3 Số lượng du khách (Triệu người) 85 80 80 73.2 60 62 57 56 40 40 38.5 35 32.5 20 0 Nguồn: Tổng cục Du lịch (2024) 868
  5. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Hình 3 cho thấy sự phục hồi “ấn tượng” của số lượng du khách nội địa trong năm 2022 với 101,3 triệu du khách. Đây là một sự gia tăng “bùng nổ” khi mà số lượng du khách vượt 19,2% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 (năm 2019 có 85 triệu du khách). Có thể nói, cầu du lịch nội địa là động lực chính cho xu hướng phục hồi của ngành du lịch (Tung và Duc, 2023). Với sự đóng góp quan trọng của sự bùng nổ du khách nội địa nên tổng cầu cũng hồi phục mạnh mẽ và đóng góp vào mức tăng trưởng “ấn tượng” 8,02% của nền kinh tế trong năm 2022. Xu hướng tăng trưởng tiếp tục được thể hiện ở năm 2023 khi mà ngành du lịch đã có 108,2 triệu du khách nội địa. Như vậy, đà tăng trưởng của số lượng du khách nội địa là hiện hữu khi mà thu nhập của người dân trong nước liên tục tăng và hệ thống hạ tầng được cải thiện rõ nét. Sự phục hồi của ngành du lịch giai đoạn hậu đại dịch là rất rõ nét nếu căn cứ vào doanh thu du lịch qua các năm. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú - ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng (tăng 14,7% so với năm 2022). Doanh thu du lịch lữ hành cũng ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng (tăng 52,5% so với năm 2022). Tổng cộng doanh thu ngành du lịch trong năm 2023 đạt 711,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94,2% mức doanh thu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát (mức 755 nghìn tỷ vào năm 2019) (Tổng cục Du lịch, 2024). Như vậy, nếu xét trên lĩnh vực doanh thu thì ngành du lịch đã vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch Covid-19 để bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng trong các năm tiếp theo. Hình 4. Doanh thu ngành du lịch giai đoạn 2008 - 2023 800 755 711.3 700 Doanh thu du lịch (Nghìn tỷ đồng) 637 600 541 500 495 400 417 355 322 312 300 289 200 180 160 100 96 130 68 60 0 Nguồn: Tổng cục Du lịch (2024) Sự phục hồi của doanh thu du lịch là một điểm sách trong việc giúp gia tăng tổng cầu và đóng góp vào xu hướng tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc. Xu hướng phục hồi của doanh thu du lịch cho thấy sự “bùng nổ” vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2024, qua đó đóng góp lớn vào tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Những tín hiệu tốt lành về tình hình hoạt động tích cực của ngành du lịch trong các đợt nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 869
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA vừa qua cho thấy việc ngành du lịch tiếp tục vươn lên như một “ngôi sao sáng” trong lĩnh vực dịch vụ là điều hiện thực trong các năm tới đây. Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng. Nếu kết quả thực hiện của năm 2024 đạt như mục tiêu đề ra thì đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phục hồi toàn diện của ngành du lịch sau thời kỳ đại dịch. Bên cạnh mục tiêu khách du lịch quốc tế bằng mức trước đại dịch thì các chỉ tiêu về khách nội địa và doanh thu du lịch đều vượt xa mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, số liệu thống kê đã cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngành du lịch có những khởi sắc, có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với năm 2022) với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng hơn. Các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng với mạng lưới gồm 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận. Sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, nguồn nhân lực trong ngành du lịch cũng có những phục hồi và phát triển. Cả nước có hơn 37 nghìn hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ hành nghề. Khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề thuộc ngành cũng được cải thiện khi có khoảng 90 cơ sở đào tạo được ủy quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Toàn ngành du lịch hiện đang có khoảng 38 nghìn cơ sở với hơn 780 nghìn phòng/buồng lưu trú. Bên cạnh các đội ngũ nhân sự trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch thì lĩnh vực du lịch còn tạo ra rất nhiều việc làm bán thời gian cho các lao động tại các địa phương thông qua việc gia tăng các loại hình du lịch cộng đồng như các khu homestay đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương. 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CẢI THIỆN CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM Các số liệu thống kê đã chứng minh sự phục hồi “ấn tượng” của ngành du lịch Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Thông qua các phân tích số liệu thống kê, ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế, làm gia tăng tổng cầu thông qua kích thích tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Sự phát triển của ngành du lịch cũng giúp gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua đang nổi lên một số vấn đề cần cải thiện nhằm hướng ngành du lịch đến giai đoạn phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể: Thứ nhất, mặc dù du lịch đang là một lĩnh vực dịch vụ mang lại những lợi ích to lớn xét trên phương diện kinh tế như tổng cầu, tăng trưởng hoặc trên khía cạnh xã hội như tạo việc làm, giảm đói nghèo, giảm bất bình đẳng, nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa thực sự có chiến lược phát triển và ưu tiên nguồn lực tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành. Mặc dù sự phát triển của ngành du lịch là một chiến lược quốc gia nhưng nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt thì cũng rất khó để thực hiện thành công các nội dung của chiến lược quốc gia trong phát triển du lịch. Thứ hai, xu hướng hiện nay của du khách trong và ngoài nước thì du lịch không chỉ gói gọn trong việc di chuyển và sử dụng các dịch vụ liên quan tại một địa phương cụ thể, mà đã 870
  7. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI vươn lên một tầm cao hơn. Cụ thể, với mạng lưới cao tốc ngày càng phát triển thì việc đi lại giữa các điểm du lịch ngày càng nhanh chóng, do đó, du khách sẽ có xu hướng thực hiện ngày càng nhiều các chuyến du lịch với sự trải nghiệm tại nhiều điểm đến trong cùng một chuyến đi. Mặc dù vậy, liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch cũng đang có sự phát triển chưa tương xứng với nhu cầu của du khách. Nhìn chung, ngành du lịch chưa có nhiều sản phẩm với sự liên kết, tham gia của nhiều địa phương. Thứ ba, ngành du lịch vẫn còn thiếu nhiều loại hình dịch vụ để giúp gia tăng chi tiêu của du khách. Mô hình “kinh tế ban đêm” chưa thực sự phát triển tại nhiều địa phương. Chi tiêu của du khách chỉ tập trung tại các điểm đến/các trung tâm đô thị du lịch, chưa thực sự lan tỏa nhiều trong cộng đồng. Việc thiết lập thành công mô hình kinh tế ban đêm cũng đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng vì mức độ tác động của mô hình này đến xã hội là rất nhiều chiều. Thứ tư, bên cạnh mạng lưới các cơ sở lưu trú được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng thì còn một số lượng không nhỏ các cơ sở kinh doanh với nguồn lực hạn chế đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Do đó, chất lượng dịch vụ vẫn còn là điểm yếu nói chung của ngành du lịch khi mà tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam nhiều lần vẫn thấp hơn một số quốc gia có du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Tình trạng vi phạm trật tự, vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh - an toàn thực phẩm, vi phạm trong phòng chống cháy nổ vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Thứ năm, cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải hành khách đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển ngành du lịch. Các cảng hàng không vẫn thường xuyên ách tắc tại các thời gian cao điểm du lịch. Hệ thống đường sắt phát triển chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Hệ thống đường cao tốc được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu một số tiện ích đi kèm, điển hình như tình trạng thiếu các trạm dừng chân trên các tuyến cao tốc. Một số hàm ý chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Từ kết quả nghiên cứu, tác giả bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian tới như sau: Thứ nhất, các cơ quan chức năng tại 63 tỉnh, thành phố cần nhanh chóng thực hiện theo đúng Khung chiến lược quốc gia về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành trong theo Quyết định số 147/QĐ-TTg/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp lãnh đạo địa phương cần nhanh chóng ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo để triển khai các hành động cụ thể liên quan đến chiến lược phát triển du lịch ở cấp độ địa phương. Đây là bước quan trọng để các địa phương triển khai đồng bộ trong thời gian tới. Sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị là một điểm then chốt quyết định của chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Thứ hai, lồng ghép các nội dung liên quan đến phát triển du lịch vào kế hoạch phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm. Cần có sự vào cuộc đồng thời của nhiều địa phương để gia tăng 871
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA liên kết vùng trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng, đặc biệt là các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm với sự kết nối của các đô thị lớn và các điểm du lịch. Với sự phát triển của mạng lưới đường cao tốc thì sự liên kết, liên thông về sản phẩm du lịch tại các địa phương sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của du khách và qua đó thúc đẩy mạnh hơn sự gia tăng tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, nhanh chóng thí điểm xây dựng mô hình “kinh tế ban đêm” với các hoạt động đa dạng nhằm mở rộng các khu vực mà du khách có thể gia tăng việc mua sắm và chi tiêu. Mô hình kinh tế ban đêm nếu được thiết lập, quản lý tốt sẽ giúp gia tăng doanh thu của ngành du lịch và thúc đẩy tổng cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động đa dạng sẽ giúp gia tăng thời gian lưu trú, thúc đẩy việc quay trở lại của du khách trong các lần du lịch tới châu Á trong tương lai. Thứ tư, các địa phương cần tăng cường hoạt động giám sát đối với lĩnh vực du lịch. Sử dụng chuyển đổi số để tăng cường giám sát việc các cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định trong lĩnh vực du lịch. Nếu các địa phương quan tâm, hỗ trợ ngành du lịch thì chất lượng dịch vụ sẽ gia tăng và cải thiện sự hài lòng của du khách nói chung. Thứ năm, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải. Thiết lập đồng bộ các tiện ích trên mạng lưới đường cao tốc, sân bay, ga đường sắt, cảng biển du lịch sẽ giúp hỗ trợ sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2020), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Quyết định số 47/QĐ-TTg, Hà Nội. 2. Sharpley, R. (2020), Tourism, sustainable development and the theoretical divide: 20 years on, Journal of Sustainable Tourism, 28(11), 1932 - 1946. 3. Scarlett, H. G. (2021), Tourism recovery and the economic impact: A panel assessment, Research in Globalization, 3, 100044. 4. Tổng cục Du lịch (2024), Số liệu thống kê, https://vietnamtou rism.gov.vn/statistic 5. Tổng cục Thống kê (2024), Bức tranh tăng trưởng năm 2023 và triển vọng phát triển kinh tế năm 2024, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/buc-tranh- tang-truong-nam-2023-va-trien-vong-phat-trien-kinh-te-nam-2024 6. Tung, L. T., & Duc, L. A. (2023), Can Domestic Tourism Demand Play a Main Driver for the Post-pandemic Recovery Strategy? Evidence from Vietnam, In the book Rethinking business: Sustainable leadership in a VUCA world, 660-669, Deguyter Publisher. 7. UNWTO (2024), International Tourism to Reach Pre-Pandemic Levels in 2024, https:// www.unwto.org/news/international-tourism-to-reach-pre-pandemic-levels-in-2024# 8. UNWTO (2020), From Crisis to Transformation. https://www.unwto.org /reports/from- crisis-to-transformation/from-crisis-to-transformation.html# 872
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2