Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một số khuyến nghị cho Việt Nam
lượt xem 4
download
Bài viết "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một số khuyến nghị cho Việt Nam" tập trung phân tích các quy định của CPTPP liên quan đến CSR, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam về vấn đề này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một số khuyến nghị cho Việt Nam
- TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) – MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM Nguyễn Thị Hồng Trang 1, Nguyễn Hữu Hoàng Phúc1 1. Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một Liên hệ email: trangnth@tdmu.edu.vn TÓM TẮT Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) là một vấn đề thu hút được sự quan tâm của các quốc gia, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Ở góc độ pháp luật quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang có xu hướng cân bằng các lợi ích thương mại truyền thống và các giá trị xã hội khác thông qua việc đưa ra cam kết liên quan đến CSR. Không nằm ngoài xu thế chủ đạo này, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) cũng đã đưa ra một số quy định nhằm thúc đẩy sự tuân thủ CSR. Do đó, bài viết tập trung phân tích các quy định của CPTPP liên quan đến CSR, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam về vấn đề này. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ 1.1. Tính cấp thiết của đề tài Trong những năm gần đây, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần phát triển nền kinh tế của các quốc gia, cung cấp việc làm, cải thiện mức sống cho người lao động, mà các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng có những tác động không nhỏ đến lợi ích của xã hội và môi trường. Do đó, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đảm bảo thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội bên cạnh việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế. Trong bối cảnh này, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility – CSR) là một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các quốc gia, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Trong xu thế toàn cầu hóa với những mục tiêu phát triển bền vững được đẩy mạnh, việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh CSR là một nhu cầu cấp thiết. Ở cấp độ quốc tế, các quốc gia đang nỗ lực đưa ra các công cụ pháp lý để thúc đẩy một cách hiệu quả trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động của họ. Đặc biệt, CSR đã bắt đầu được đề cập trực tiếp trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là một bước tiến mới trong lĩnh vực luật thương mại và đầu tư quốc tế nhằm nâng cao CSR. Nằm trong xu thế này, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) cũng đã đưa ra các cam kết để thúc đẩy sự tuân thủ CSR trong hoạt động của doanh nghiệp. CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết giữa 11 quốc gia (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam). Hiệp định này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/01/2019. Đây được xem là một trong những điều ước quốc tế quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, bao gồm 30 chương với các điều khoản về tự do hóa thương mại, các quy định điều chỉnh về phòng vệ thương mại, lĩnh vực đầu tư, lao động, thương mại điện tử, … Những cam kết đầy đủ và toàn diện trong CPTPP chắc chắn sẽ có tác động lớn đến mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên, cũng như giữa các quốc gia và doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của mình. Đặc biệt, các thành viên của CPTPP đã đưa ra những cam kết trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy sự cân bằng giữa các yếu tố 229
- kinh tế, xã hội và môi trường. Một trong số các cam kết này chính là tăng cường CSR. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho mỗi quốc gia thành viên khuyến khích doanh nghiệp lồng ghép các lợi ích xã hội vào chiến lược, chính sách hoạt động của họ, từ đó hành xử theo cách thức có trách nhiệm đối với xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ các thành viên là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề này cũng sẽ đặt ra không ít thách thức trong việc ban hành các quy định nội luật và chính sách phù hợp nhằm thực thi một cách hiệu quả các cam kết trong CPTPP. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chủ đề về CSR trong CPTPP là một vấn đề cấp thiết. 1.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Về đối tượng nghiên cứu, xuất phát từ tầm quan trọng của CSR và với mong muốn cung cấp những phân tích cụ thể về vấn đề này trong CPTPP, bài viết sẽ tập trung phân tích các nội dung sau đây: (i) xu thế quy định CSR trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; (ii) những cam kết cụ thể của các quốc gia thành viên về việc tăng cường CSR trong khuôn khổ CPTPP; và (iii) một số kiến nghị cho Việt Nam để thực hiện một cách hiệu quả nghĩa vụ của mình theo quy định của CPTPP về CSR. Về phương pháp nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm: (i) phương pháp phân tích và tổng hợp để làm quy định của CPTPP về CSR; (ii) phương pháp so sánh để trình bày các hướng tiếp cận khác nhau về CSR trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung và CPTPP nói riêng, từ đó, làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về CSR, đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ trong CPTPP. 2. KHÁI QUÁT VỀ CSR TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI 2.1. Khái niệm CSR Mặc dù có tầm quan trọng đặc biệt, khái niệm CSR vẫn chưa được hiểu một cách đồng nhất trên toàn thế giới (Boki I., 2020). Cho đến hiện nay, có nhiều khái niệm khác nhau về CSR đã được đưa ra. Từ rất sớm, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (World Business Council for Sustainable Development) đã đưa ra định nghĩa CSR là việc các doanh nghiệp tiếp tục những cam kết của mình về hành xử có đạo đức, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động, các thành viên trong gia đình của họ cũng như cộng đồng địa phương và xã hội nói chung (Watts P. và nnk, 1999). Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (International Organisation for Standardisation – ISO) cũng định nghĩa trong Tiêu chuẩn ISO 26000 của mình rằng trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của một tổ chức đối với các tác động do quyết định và hoạt động của mình gây ra với xã hội và môi trường nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững (Đoạn 2.18). Nhìn chung, trong hai trường hợp trên, CSR được định nghĩa một cách khái quát với phạm vi rộng, không đề cập đến lĩnh vực cụ thể mà doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Cho đến gần đây, Liên minh Châu Âu (European Union – EU) với những cam kết mạnh mẽ về việc tăng cường CSR đã đưa ra định nghĩa CSR một cách cụ thể hơn trong văn kiện Chiến lược được đổi mới giai đoạn 2011-14 về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của Ủy ban Châu Âu (European Commission’s Communication, A Renewed Strategy 2011-14 for Corporate Social Responsibility), theo đó CSR được hiểu là “trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tác động của doanh nghiệp với xã hội” và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải đảm bảo tích hợp với các mối quan tâm của xã hội, môi trường, đạo đức, quyền con người, người tiêu dùng và các bên liên quan khác (European Commission, 2011). Theo góc nhìn này, các khía cạnh cơ bản của CSR bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ là các vấn đề xã hội và môi trường mà còn bao gồm các lĩnh vực khác như đạo đức, quyền con người và mối quan tâm của người tiêu dùng. Như vậy, mặc dù định nghĩa về CSR cần được làm rõ hơn trong một số phạm vi nhất định nhưng qua các khái niệm nêu trên, có thể nhận thấy rằng nội hàm khái niệm CSR sẽ có những điểm chung sau đây: (1) CSR tập trung vào các lợi ích khác ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận của doanh 230
- nghiệp mà doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện; (2) CSR đề cập đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với các tác động mà doanh nghiệp gây ra; và (3) phạm vi của CSR bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể tác động đến, chẳng hạn như môi trường, đạo đức, quyền con người, người lao động, người tiêu dùng và các lợi ích xã hội khác. 2.2. CSR trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Các hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreements – FTAs) là công cụ pháp lý quan trọng trong ngành luật thương mại và đầu tư quốc tế. Trong nhiều năm qua, mục tiêu truyền thống và chủ đạo trong FTAs là phát triển kinh tế, chẳng hạn như giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan hay bảo hộ nhà đầu tư cũng như dự án đầu tư của họ. Tuy nhiên, cùng sự phát triển ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp với những hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô toàn cầu trong chuỗi cung ứng phức tạp, một số tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh đến các giá trị xã hội như nhân quyền, lao động, môi trường đã phát sinh, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Do đó, nếu chỉ tập trung vào các mục tiêu kinh tế mà không quan tâm đến các mục tiêu phi kinh tế là hướng đi không còn phù hợp với xu thế chung của sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, nhiều nỗ lực đến từ các quốc gia đã được ghi nhận khi tiến hành đàm phán và ký kết FTAs nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, một trong số đó là đưa ra các quy định CSR vào trong bối cảnh luật thương mại quốc tế. Hiện nay, FTAs thế hệ mới từng bước đề cập đến các tiêu chuẩn liên quan đến CSR trong nội dung quy định của mình. Việc đề cập CSR một cách trực tiếp hay gián tiếp trong FTAs giúp cung cấp cơ sở pháp lý và động lực cho quốc gia trong việc khuyến khích doanh nghiệp lồng ghép các lợi ích xã hội vào chiến lược, chính sách, hoạt động của họ và hành xử theo cách có trách nhiệm với xã hội (Boki I., 2020). Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự cân bằng giữa một mặt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mặt khác là nhu cầu bảo vệ các lợi ích phi kinh tế, đóng góp vào việc theo đuổi các giá trị phát triển bền vững của quốc gia. Nhìn chung, CSR được đề cập trong FTAs theo một số phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào kết quả của quá trình đàm phán, cân bằng lợi ích và ký kết điều ước quốc tế của các quốc gia. Về cơ bản, có hai cách thức chủ yếu sau đây để quy định về CSR trong FTAs, cụ thể: Thứ nhất, CSR được nêu trong Lời mở đầu của các hiệp định, không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc phải thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với xã hội (Boki I., 2020). Các vấn đề liên quan đến CSR được đề cập trong phần mở đầu có sự khác nhau giữa các điều ước quốc tế, có thể từ các vấn đề về lao động và môi trường đến phát triển bền vững. Chẳng hạn như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP), thúc đẩy sự phát triển bền vững (trong đó có CSR) chỉ được đề cập đến trong Lời mở đầu của Hiệp định mà không có bất kỳ quy định cụ thể nào liên quan đến quyền và nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên hay doanh nghiệp và nhà đầu tư cần thực hiện trong lĩnh vực này. Thứ hai, các điều khoản nội dung của FTAs thế hệ mới công nhận nghĩa vụ gián tiếp của các doanh nghiệp (Boki I., 2020). Cách tiếp cận này chỉ ra rằng các quốc gia thành viên là chủ thể chính có trách nhiệm thúc đẩy hành vi có trách nhiệm của doanh nghiệp. Nghĩa là, thay vì tạo ra các nghĩa vụ trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp phải tôn trọng CSR, FTAs thế hệ mới đưa nghĩa vụ này về phía các quốc gia thành viên. Theo đó, FTAs yêu cầu các quốc gia này ban hành và thực hiện những biện pháp thích hợp trong nội luật, chính sách thuộc thẩm quyền của mình để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn hay nguyên tắc về CSR. Thông thường, cách thức quy định này viện dẫn đến một số công cụ pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế hay Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (Levashova Y., 2018). Một ví dụ điển hình cho trường hợp này chính là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (European Union – Vietnam Free Trade Agreement - EVFTA), trong đó, nghĩa vụ của EU và Việt Nam về việc đẩy mạnh CSR được quy định trực tiếp tại điểm e, khoản 2, Điều 13.10. 231
- Với cách thức trên, có thể khẳng định rằng CSR đã chứng kiến một bước phát triển có ý nghĩa khi được cam kết thực thi trong FTAs thế hệ mới. Việc đưa CSR vào một khung pháp lý chặt chẽ hơn như FTAs sẽ tạo ra động lực cho các doanh nghiệp hành xử một cách có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và môi trường. 3. CSR THEO CÁC QUY ĐỊNH CỦA CPTPP Nằm trong xu thế chung của FTAs thế hệ mới, CPTPP đã đưa ra những cam kết của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy sự tuân thủ CSR của doanh nghiệp. Những cam kết này được đề cập trong Lời mở đầu, đồng thời, được quy định trong một số điều khoản nội dung của Hiệp định này. Cụ thể: 3.1. CSR trong Lời mở đầu của CPTPP Lởi mở đầu được xem là một nội dung quan trọng của điều ước quốc tế, cung cấp những thông tin chi tiết về ý định của các quốc gia ký kết cũng như nêu lên các mục tiêu cơ bản mang tính định hướng cho toàn bộ các quy định trong điều ước. Với tầm quan trọng như vậy, Lời mở đầu của CPTPP đã nêu rõ mục tiêu của Hiệp định này là thúc đẩy sự hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và thiết lập một khuôn khổ pháp lý có tính dự đoán được cho thương mại giữa các quốc gia thành viên. Đặc biệt, CPTPP đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy CSR thông qua các cam kết về “tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội”, “mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, “thúc đẩy bảo vệ môi trường ở mức độ cao”, “bảo vệ và thực thi quyền lao động, cải thiện điều kiện làm việc và mức sống” cũng như “mở rộng các cơ hội để làm giàu bản sắc văn hóa và sự đa dạng văn hóa trong và ngoài nước.” (CPTPP, Lời mở đầu) Qua những cam kết trên trong Lời mở đầu, có thể thấy rằng CPTPP được ký kết nhằm tạo nên sự cân bằng giữa một bên là các mục tiêu mang tính truyền thống của FTAs, ví dụ như thúc đẩy hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại, và một bên là các mục tiêu về phát triển bền vững. Bằng việc sử dụng các cụm từ như “thúc đẩy”, “tăng cường”, “thừa nhận”, Lời mở đầu của CPTPP cho thấy sự nỗ lực của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, lao động, bản sắc văn hóa, quyền lợi của người tiêu dùng. Trong bối cảnh này, áp dụng và tuân thủ các nguyên tắc CSR là một trong những hoạt động cần thiết nhằm đáp ứng các cam kết đã đề ra. Chính vì vậy, dù không có giá trị ràng buộc giống như một điều khoản nội dung, Lời mở đầu chính là cơ sở vững chắc để đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy CSR trong khuôn khổ CPTPP. 3.2. CSR trong các điều khoản nội dung của CPTPP Không chỉ được đề cập đến trong Lời mở đầu, CSR được quy định trực tiếp trong một số điều khoản nội dung của CPTPP, bao gồm Điều 9.17 trong Chương 9 liên quan đến hoạt động đầu tư, Điều 19.7 trong Chương 19 về quyền lao động và cuối cùng là Điều 20.10 trong Chương 20 điều chỉnh các vấn đề về môi trường. Có thể thấy rằng, CSR trong CPTPP không được tiếp cận theo nghĩa rộng, bao quát tất cả các lĩnh vực mà đề cập rõ ràng đến một số khía cạnh cụ thể về đầu tư, lao động và môi trường. Tuy nhiên, dù được đề cập đến ở các lĩnh vực khác nhau, CPTPP đã xây dựng nhất quán cấu trúc chung cho các điều khoản về CSR. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của mình tham gia một cách tự nguyện vào các sáng kiến liên quan đến CSR, đồng thời, chủ động đưa các nguyên tắc về CSR trong lĩnh vực môi trường, lao động vào chính sách hoạt động của mình, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận. Như vậy, CPTPP không trực tiếp quy định nghĩa vụ cho doanh nghiệp phải tuân thủ CSR. Thay vào đó, các Bên, tức là các quốc gia thành viên chủ động nỗ lực ban hành các chính sách hay nội luật cần thiết để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động theo cách thức phù hợp với CSR. Nói cách khác, đây là một phương thức quy định gián tiếp. Các quốc gia thành viên, 232
- chứ không phải bản thân doanh nghiệp, là chủ thể chính thực hiện các nghĩa vụ được đưa ra trong CPTPP để tăng cường CSR. Một số biện pháp mà các quốc gia có thể cân nhắc ban hành bao gồm tăng cường các hoạt động giáo dục, đào tạo, trao đổi thông tin hay tư vấn về CSR. Đồng thời, ngôn ngữ mà CPTPP sử dụng là ngôn ngữ “mềm”. Nghĩa vụ của quốc gia là nằm ở sự “nỗ lực” mà không phải “bắt buộc” phải ban hành chính sách hay nội luật khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ CSR. Điều này có thể được lý giải bởi số lượng thành viên của CPTPP. CPTPP là một hiệp định thương mại có sự tham gia của nhiều thành viên với sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế và mức độ quan tâm đến lợi ích xã hội. Việc áp đặt một nghĩa vụ bắt buộc phải đảm bảo ban hành các chính sách về CSR có thể dẫn tới nhiều khó khăn cho các quốc gia đang phát triển trong việc cân bằng giữa các lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, từ đó, ảnh hướng đến tính hiệu quả trong quá trình thực thi các nghĩa vụ của CPTPP. Một điểm đáng lưu ý là CPTPP đã không đưa ra định nghĩa cụ thể thể nào là CSR mà chỉ yêu cầu rằng việc tuân thủ CSR phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận rộng rãi. Mặc khác, các điều khoản về CSR này không viện dẫn trực tiếp đến bất kỳ nguyên tắc, hướng dẫn hay tiêu chuẩn quốc tế cụ thể nào. Điều này có thể xem là một cơ chế mở để các quốc gia linh hoạt áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về CSR phù hợp với định hướng và tiềm lực phát triển của mình. Nhìn chung, dựa trên thực tiễn áp dụng và nội dung của một số FTAs thế hiện mới hiện nay (ví dụ như EVFTA), một số tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi liên quan đến CSR bao gồm Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và nhân quyền, Hướng dẫn của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia về hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc, và Tuyên bố ba bên của Tổ chức Lao động quốc tế về các Nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội. Thứ nhất, Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và nhân quyền (United Nations Guiding Principles on Business and Human Rights – UNGPs) UNGPs là một tiêu chuẩn được quốc tế được công nhận liên quan đến CSR, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền. UNGPs đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhất trí thông qua vào năm 2011 (Ruggie J.G., 2014). Về cơ bản, UNGPs là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động bất lợi của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với nhân quyền và giải quyết khoảng cách giữa luật pháp và thực tiễn liên quan đến CSR trong lĩnh vực này, từ đó góp phần vào quá trình toàn cầu hóa bền vững về mặt xã hội. Tuy nhiên, UNGPs không phải là một công cụ pháp lý có thể được các quốc gia ký kết hoặc phê chuẩn, tức là UNGPs không thể đưa ra bất kỳ nghĩa vụ ràng buộc pháp lý mới nào đối với các quốc gia hoặc doanh nghiệp kinh doanh. Thay vào đó, UNGPs cung cấp chi tiết và làm rõ hơn các nghĩa vụ hiện có trong một số tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khác, góp phần làm sáng tỏ cho cả quốc gia và doanh nghiệp về cách thực hiện các nghĩa vụ này trên thực tế gắn với CSR (United Nations, 2014). Vì vậy, bản chất của UNGPs được xác định là “luật mềm” (soft law). Thứ hai, Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (The United Nations Global Compact) Hiệp ước này của Liên hợp quốc được công nhận là sáng kiến lớn nhất về CSR trên thế giới hiện nay với sự tham gia của hơn 8000 doanh nghiệp có trụ sở tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiệp ước được Liên hợp quốc thúc đẩy nhằm mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu cam kết thực hiện các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội, môi trường. Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc đưa ra mười nguyên tắc chung liên quan đến CSR trong các lĩnh vực quyền con người, lao động, môi trường và chống tham nhũng, đồng thời thực hiện các hành động nhằm thúc đẩy các mục tiêu xã hội và thực hiện phát triển bền vững. Các doanh nghiệp tham gia sẽ tự nguyện tích hợp những nguyên tắc của Hiệp ước vào chiến lược và hoạt động kinh doanh hằng ngày của mình (United Nations Global Compact, 2014). Thứ ba, Hướng dẫn của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia về hoạt động kinh doanh có trách nhiệm (Organisation for Economic Co-operation and Development Guidelines for Multinational Enterprises on Responsible Business Conduct – OECD Guidelines) 233
- OECD Guidelines được các quốc gia thông qua nhằm thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, được xem là một công cụ pháp lý quốc tế nổi bật trong lĩnh vực CSR. Hướng dẫn này đưa ra các nguyên tắc và tiêu chuẩn mang tính tự nguyện nhằm tăng cường CSR trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động kinh doanh, bao gồm nhân quyền, việc làm và quan hệ lao động, môi trường, lợi ích người tiêu dùng, cạnh tranh và thuế, công bố thông tin. Mặc dù OECD Guidelines không có tính ràng buộc pháp lý và chỉ đóng vai trò như những khuyến nghị, các quốc gia tham gia Hướng dẫn này đã tự nguyện cam kết mạnh mẽ sẽ tuân thủ việc thúc đẩy CSR trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đa quốc gia trên phạm vi lãnh thổ của họ. Điều này được thể hiện rõ nét trong Lời mở đầu của OECD Guidelines (OECD, 2023). Thứ tư, Tuyên bố ba bên của Tổ chức Lao động quốc tế về các Nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội (ILO Tripartite Declaration of Principles concerning Multinational Enterprises and Social Policy) Khác với các nguyên tắc và hướng dẫn trên, Tuyên bố này của Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra các nguyên tắc về CSR trong một lĩnh vực cụ thể duy nhất, đó là quyền lao động. Tuyên bố đưa ra các quyền cơ bản tại nơi làm việc. Đặc biệt, đây là một công cụ hữu hiệu nâng cao CSR khi cung cấp những hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đa quốc gia, các chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động cũng như người lao động về chính sách xã hội, thực hành có trách nhiệm và bền vững trong quan hệ lao động tại nơi làm việc. Các nội dung chính của Tuyên bố bao gồm đảm bảo việc làm, đào tạo, nâng cao điều kiện làm việc và điều kiện sống trong quan hệ lao động, từ đó góp phần thúc đẩy CSR cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững hiện nay (ILO, 2022). Như vậy, các công cụ nêu trên đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của CSR thông qua việc đưa ra những nguyên tắc, hướng dẫn và tiêu chuẩn được công nhận trên phạm vi quốc tế nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia. Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý, các công cụ trên cung cấp một nền tảng cơ sở vững chắc để mỗi quốc gia thành viên của CPTPP xem xét, tham khảo, từ đó, có kế hoạch xây dựng và ban hành một cách hiệu quả các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trên lãnh thổ của mình tuân thủ CSR. Tóm lại, các cam kết về CSR trong Lời mở đầu cũng như các điều khoản cụ thể trong Chương 9, Chương 19 và Chương 20 của CPTPP là một điểm sáng mới, phù hợp với xu hướng phát triển chung của FTAs hiện nay trên phạm vi toàn cầu – cân bằng lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Vấn đề này cũng cho thấy sự nỗ lực của các quốc gia thành viên, trở thành động lực để mỗi quốc gia và doanh nghiệp tham gia một cách tích cực hơn vào quá trình phát triển và tăng cường các hoạt động CSR trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lao động, môi trường và xã hội. 4. LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM Có thể khẳng định rằng, quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ CSR là một bước tiến quan trọng của CPTPP. Với tư cách là một thành viên của Hiệp định này, Việt Nam đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chuẩn của CSR được tôn trọng và thực thi, thông qua việc ban hành một số chiến lược phát triển như Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 hay Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tuân thủ CSR được lồng ghép vào nhiều điều khoản trong Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi 2022, Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đầu tư 2020, sửa đổi 2022 hay Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Ví dụ: Khoản 5, Điều 8, Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi 2022 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hoặc, Việt Nam đã đưa ra quy định về việc đánh giá tác động kinh tế xã hội của các dự án đầu tư trong giai đoạn thẩm định (Điều 33, Luật Đầu tư 2020, sửa đổi 2022), quy 234
- định trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu nhà đầu tư có hành vi gây ô nhiễm môi trường (Điều 161, Luật Bảo vệ môi trường 2020). Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến CSR vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, Việt Nam chưa ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chính thức điều chỉnh trực tiếp về CSR. Điều này dẫn đến việc các khái niệm liên quan đến CSR, tiêu chuẩn và nguyên tắc CSR, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong lĩnh vực này và cơ chế thực thi chưa được làm rõ. Đây được xem là hạn chế lớn nhất làm giảm tính hiệu quả trong việc nâng cao CSR của doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, điều khoản liên quan đến CSR trong một số luật chuyên ngành vẫn chưa được hoàn thiện, ví dụ như Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi 2022 và Luật Đầu tư 2020, sửa đổi 2022 chưa đưa ra nghĩa vụ cụ thể nào cho doanh nghiệp đối với xã hội, môi trường khi doanh nghiệp đó được thành lập và đi vào hoạt động (Nguyễn Thanh Hải và nnk., 2020). Đồng thời, CSR được lồng ghép vào nhiều văn bản pháp luật, dẫn đến những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong việc nắm rõ và thực hiện thống nhất, đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến CSR. Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam phải củng cố và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ trong CPTPP. Cụ thể: Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện một số điều khoản về CSR trong pháp luật chuyên ngành hiện nay, đặc biệt là bổ sung các quy định về cơ chế đảm bảo thực thi nghĩa vụ CSR của doanh nghiệp. Pháp luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi 2022 cần xây dựng và bổ sung cơ chế giám sát và quản lý liên quan đến tác động của doanh nghiệp đối với xã hội bằng cách đưa ra điều khoản yêu cầu doanh nghiệp tiến hành báo cáo phi tài chính định kỳ hàng năm. Trong đó, doanh nghiệp trình bày cụ thể cách thức mà mình đã lồng ghép các tiêu chuẩn CSR và những biện pháp doanh nghiệp đã tiến hành để loại bỏ tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh. Báo cáo này là cơ sở để đánh giá các tác động của doanh nghiệp với xã hội, từ đó có những phương án phù hợp để tăng cường CSR và đáp ứng các cam kết đề ra trong CPTPP. Việc không thực hiện báo cáo một cách đầy đủ, chính xác và minh mạch có thể được bổ sung thành một căn cứ để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 212, Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi 2022. Ngoài ra, trong khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật đầu từ 2020, Việt Nam nên ban hành các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử cao hơn so với các tiêu chuẩn hiện có ở Việt Nam. Cụ thể, những ưu đãi về giảm thuế suất hay hỗ trợ phát triển thị trường có thể được cung cấp cho những nhà đầu tư thực hiện một cách hữu hiệu và vượt trên các tiêu chuẩn cơ bản về CSR khi tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam nên triển khai một văn bản hướng dẫn xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp đối với xã hội một cách thống nhất. Văn bản hướng dẫn sẽ đóng vai trò là nền tảng để doanh nghiệp tham khảo và tự nguyện xây dựng các tiêu chuẩn CSR của mình, lồng ghép bộ quy tắc này vào điều lệ doanh nghiệp, chính sách và hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần định hướng được cách thức tăng cường CSR phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ ba, Việt Nam cần tiến tới xây dựng Luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong đó, cần xác định rõ ràng nội hàm khái niệm CSR, các tiêu chuẩn về CSR trong các lĩnh vực môi trường, lao động, trách nhiệm với người tiêu dùng và nhân quyền, đưa ra các nguyên tắc mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ để giảm thiểu và loại bỏ tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh lên xã hội. Luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi mà bản thân CPTPP đã định hướng, bao gồm UNGPs, Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc, OECD Guidelines và Tuyên bố ba bên của Tổ chức Lao động quốc tế về các Nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội, cũng như xem xét đến điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật chính thức điều chỉnh trực tiếp CSR của doanh nghiệp sẽ tạo nên sự thống nhất áp dụng về CSR trên thực tiễn giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự tuân thủ CSR và hạn chế các rủi ro pháp lý xoay quanh những tranh chấp liên quan đến vấn đề này. 235
- 5. KẾT LUẬN CSR là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay. Trong xu thế đó, CPTPP đã đưa ra các cam kết cụ thể nhằm cân bằng các lợi ích kinh tế và các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, việc tăng cường CSR là một trong những nghĩa vụ của các quốc gia thành viên tham gia CPTPP. Những nghĩa vụ này đòi hỏi Việt Nam, với tư cách là thành viên của Hiệp định, không được giảm nhẹ các quy định về bảo vệ môi trường và lao động, đồng thời phải ban hành các biện pháp phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy CSR. Do đó, để thực thi hiệu quả các quy định trong CPTPP, Việt Nam cần hoàn thiện khung lý pháp điều chỉnh CSR, đưa ra các nghĩa vụ cụ thể hướng dẫn các doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, lồng ghép CSR vào chính sách và hoạt động của mình, từ đó hạn chế và tiến tới loại bỏ các tác động tiêu cực từ hoạt động của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Boki, I. (2020). The Role of Investment Laws in Strengthening Corporate Social Responsibility: Ethiopia's Investment Regime in Focus. Journal of Law, Policy and Globalization, 100, 1-11 2. European Commission (2011). Communication, A Renewed Strategy 2011-14 for Corporate Social Responsibility. https://eur- lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=COM:2011:0681:FIN:EN:PDF 3. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), ngày 08/03/2018 4. International Labour Organisation – ILO (2022). Tripartite Declaration of Principles concerning Multinational Enterprises and Social Policy. Geneva: ILO Publication. https://www.ilo.org/sites/default/files/wcmsp5/groups/public/@ed_emp/@emp_ent/@multi/documents/ publication/wcms_094386.pdf 5. International Standard Organisation (ISO) (2010). ISO 26000: 2010—Guidance on Social Responsibility. https://www.iso.org/standard/42546.html 6. Levashova, Y. (2018). The Accountability and Corporate Social Responsibility of Multinational Corporations for Transgressions in Host States through International Investment Law. Utrecht Law Review, 40(2), 40-55. https://doi.org/10.18352/ulr.441 7. Nguyễn Thanh Hải, Dylan Van Tromp, Seán O’Connell (2020), Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, Hà Nội: UNDP. https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/migration/vn/Prelim-Assess_Resp-Bus-Practice- VN_2020_Tieng-Viet.pdf 8. OECD (2023). OECD Guidelines for Multinational Enterprises on Responsible Business Conduct. Paris: OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/81f92357-en 9. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường. Luật số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020 10. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư. Luật số 61/2020/QH14, ngày 17/06/2020 11. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp. Luật số 59/2020/QH14, ngày 17/06/2020 12. Quốc hội (2022). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Luật số 03/2022/QH15, ngày 11/01/2022 13. Ruggie, J.G. (2014). Global Governance and “New Governance Theory”: Lessons from Business and Human Rights. Global Governance: A Review of Multilateralism and International Organizations, 20(1), 5-17. https://doi.org/10.1163/19426720-02001002 14. United Nations (2014). Frequently asked questions about the guiding principles on business and human rights. Geneva: United Nations Publications 15. United Nations Global Compact (2014). Guide to Corporate Sustainability – Shaping a sustainable future. Geneva: United Nations Publications 16. Watts, P., Holme, R., World Business Council for Sustainable Development. (1999). Corporate social responsibility: meeting changing expectations. Genava: World Business Council for Sustainable Development Publications. 236
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Nghiên cứu khám phá
6 p | 264 | 41
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Một số vấn đề lý thuyết và gợi ý chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam
7 p | 130 | 22
-
Bài giảng Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp - Chương 3: Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
53 p | 69 | 21
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp
10 p | 111 | 15
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiêp: Vấn đề đặt ra từ thực tế ở Việt Nam
6 p | 89 | 8
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 1: Giới thiệu về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)
15 p | 22 | 8
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 7: Trách nhiệm từ thiện của doanh nghiệp
21 p | 19 | 7
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 6: Trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp
22 p | 8 | 7
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 5: Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp
20 p | 17 | 7
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 4: Trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp
26 p | 17 | 7
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 2: Sự bền vững và mối quan hệ với môi trường, xã hội và kinh tế
23 p | 25 | 7
-
Bài giảng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh - Chương 3: Các bên liên quan và quản trị các bên liên quan trong trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
28 p | 16 | 7
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Nghiên cứu thực nghiệm tại các doanh nghiệp công nghiệp Phú Thọ
5 p | 9 | 4
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - góc nhìn từ marketing
4 p | 109 | 3
-
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
5 p | 58 | 2
-
Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững
7 p | 6 | 2
-
Ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo đến mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
6 p | 3 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn