intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam: Các xu hướng và rào cản

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam: Các xu hướng và rào cản" chỉ ra các xu hướng và rào cản trong đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, từ đó đề xuất một số kiến nghị để tăng cường hiệu quả và tối ưu hóa việc đào tạo, làm tiền đề thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Du lịch. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam: Các xu hướng và rào cản

  1. ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA VIỆT NAM: CÁC XU HƯỚNG VÀ RÀO CẢN TS. Nguyễn Quang Vinh1, ThS. Mai Văn Trọng2 Tóm tắt: Chuyển đổi số trong ngành Du lịch đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm trở lại đây, đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với quá trình chuyển đổi. Các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, đào tạo nguồn nhân lực du lịch có kiến thức về du lịch và có năng lực về công nghệ thông tin đã trở thành một nhiệm vụ của các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Nghiên cứu này chỉ ra các xu hướng và rào cản trong đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, từ đó đề xuất một số kiến nghị để tăng cường hiệu quả và tối ưu hoá việc đào tạo, làm tiền đề thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Du lịch. Từ khoá: du lịch số, chuyển đổi số du lịch, nhân lực du lịch, đào tạo du lịch. DIGITAL TOURISM TRAINING AT VIETNAMESE HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS: TRENDS AND BARRIERS Abstract: The digital transformation in the tourism industry has been vigorously underway in Viet Nam in recent years, necessitating a high−quality workforce to adapt to the transition. Universities that providing tourism education play a pivotal role in supplying this high−quality workforce for the tourism industry. Therefore, in the current context, training a tourism workforce with knowledge in tourism and competencies in information technology has become a mission for these universities to meet the developmental needs of the sector. This study points out the current trends and barriers in digital tourism education at higher education institutions, thereby proposing several recommendations to enhance the effectiveness and optimize the training process, to promote the digital transformation of the tourism industry. Keyword: digital tourism, digital transformation in tourism, tourism human resource, tourism education. 1 Khoa Du lịch, Trường Đại học Phenikaa, Email: vinh.nguyenquang@ phenikaa-uni.edu.vn. 2 Khoa Du lịch, Trường Đại học Phenikaa, Email: trong.maivan@phenikaa- uni.edu.vn.
  2. 232 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng một cách mạnh mẽ vào ngành Du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi đôi với sự phát triển bùng nổ về các công nghệ mới gắn chặt với các nền tảng số, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều chịu sự ảnh hưởng của công nghệ số một cách trực tiếp. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism), du lịch là một trong những ngành đầu tiên số hóa các quy trình kinh doanh trên quy mô toàn cầu [9]. Quá trình áp dụng các công nghệ số mới vào hoạt động ngành Du lịch hay chuyển đổi số ngành Du lịch đã làm thay đổi toàn bộ quá trình vận hành và phát triển của ngành. Tại các doanh nghiệp du lịch, các công nghệ số hiện đại đang được áp dụng rộng rãi ở mọi mặt hoạt động nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh cũng như vận hành và thực thế đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này làm thay đổi cơ cấu doanh nghiệp du lịch, mô hình kinh doanh và hoạt động, sản phẩm, cho phép các doanh nghiệp du lịch đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của khách hàng trong thời gian ngắn hơn và với chi phí thấp hơn [4] từ đó tạo ra cho du khách có trải nghiệm sử dụng dịch vụ du lịch tốt hơn và giúp hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao so với việc sử dụng các phương pháp truyền thống, nhờ đó tạo cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội lớn tại quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, xu hướng thực hiện chuyển đổi số ngành Du lịch ngày càng được tiếp cận một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Một số xu hướng công nghệ ứng dụng phổ biến hiện nay tại Việt Nam đang được khai thác sử dụng trong ngành Du lịch có thể kể đến như: Tích hợp di động trong việc cung cấp các dịch vụ booking trực tiếp cho khách hàng, tối ưu hoá việc đặt, xác nhận dịch vụ; Sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbot (chương trình tự động trả lời sử dụng AI) thay thế cho các công việc có tính lặp lại, tinh gọn bộ máy chăm sóc khách hàng; Ứng dụng các Công nghệ tích hợp IoT (Internet of Thing – Vạn vật kết nối) để chia sẻ thông tin một cách liên tục thông qua tất cả các thiết bị
  3. ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 233 thông minh được kết nối internet, từ đó nhanh chóng khai thác, xử lý thông tin; Khai thác Bigdata để nắm bắt nhu cầu khách hàng, tìm kiếm khách hàng và xây dựng các chương trình du lịch phù hợp; Xây dựng thương hiệu qua hệ thống đánh giá (rating & review) giúp tăng cường tương tác và kết nối thực, xây dựng mối quan hệ khách hàng; Sử dụng Công nghệ thực tế ảo để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới về du lịch thông qua các thiết bị thực tế ảo chuyên dụng,… Mặt khác, hiện nay tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ số vào ngành Du lịch không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp mà còn được triển khai mạnh mẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành Du lịch và hơn nữa là trong tất cả các cơ quan quản lý thuộc Bộ, ngành khác nhằm hướng tới sự hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Trên thực tế, hiện tại, cơ sở dữ liệu chung toàn ngành đã được triển khai thực hiện, cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các bên liên quan khác [3],… Đặc biệt, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/ QĐ−TTg phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018−2020, định hướng đến năm 2025 với các nội dung chính là (1) Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; (2) Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; (3) Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; (4) Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các yếu tố được đặt ra ở trên đây chỉ ra rằng đẩy mạnh sự phát triển ngành Du lịch dựa trên công nghệ hay hiểu cách khác là đẩy mạnh du lịch số đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung toàn ngành. Công nghệ đã ảnh hưởng sâu tới không chỉ du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,… mà còn ảnh hưởng tới tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực có thể thích ứng với xu hướng du lịch số để bắt kịp xu hướng thời đại, phục vụ phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Du lịch với nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho
  4. 234 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... ngành đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Du lịch. Do vậy, đào tạo về du lịch số ngày càng được quan tâm bởi không chỉ các cơ sở giáo dục đại học mà bởi các bên liên quan trong ngành Du lịch. Bài viết này tập trung vào việc nghiên cứu tình hình đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở liên hệ với thực tiễn ngành Du lịch, từ đó đánh giá thực trạng, các xu hướng và rào cản của vấn đề này. 2. THỰC TIỄN ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HIỆN NAY Du lịch là một ngành đào tạo rất được quan tâm trong những năm trở lại đây tại Việt Nam. Tính riêng các cơ sở đào tạo đúng ngành Du lịch theo quy định ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, có hơn 60 cơ sở đào tạo đang đào tạo về lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo về các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, Việt Nam học, ngôn ngữ,… theo định hướng du lịch cũng chiếm một số lượng nhất định. Trong phạm vi nghiên cứu này, nhóm tác tiến hành khảo sát đối với các cơ sở giáo dục đại học đào tạo về đúng nhóm ngành Du lịch theo quy định hiện hành, đây cũng là nhóm có quy mô lớn nhất về đào tạo nhân lực du lịch ở bậc đại học. Đào tạo du lịch số hiện nay mặc dù là một nhu cầu đã được đặt ra của ngành Du lịch và của xã hội, song với đặc điểm là một lĩnh vực mới, đào tạo du lịch số có những xu hướng phát triển khác nhau tại những mức độ khác nhau trong thực hiện đào tạo lĩnh vực này, cùng với đó là những rào cản đặt ra. 2.1. Các cấp độ đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học Với sức hấp dẫn của ngành và áp lực từ thị trường lao động, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã gia tăng quy mô đào tạo ngành Du lịch để đáp ứng nhu cầu xã hội. Mặc dù vậy, đào tạo về du lịch số dường như vẫn còn một khoảng cách lớn giữa nhu cầu xã hội và khả năng của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Trong khảo sát của nhóm tác giả đối với chương trình đào tạo của 66 trường đại học đang đào tạo đúng nhóm ngành Du lịch, có 3 cấp độ đào tạo về du lịch số đang được các đơn vị này triển khai trong hoạt động đào tạo của mình.
  5. ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 235 Cấp độ 1: Thực hiện lồng ghép các nội dung, xu hướng, công cụ,… của du lịch số vào nội dung các học phần đang đào tạo. Cấp độ này thể hiện qua việc các cơ sở giáo dục đại học gia tăng hàm lượng số và du lịch số trong nội dung cũng như tổ chức đào tạo và thường được thực hiện thông qua việc Cập nhật, bổ sung các nội dung số vào các học phần; Thay đổi, đa dạng hình thức đào tạo cũng như dữ liệu, tư liệu học tập; Thay đổi nội dung – hình thức kiểm tra, đánh giá cũng như trình bày kết quả học tập; Thay đổi hình thức tương tác với tất cả các bên có liên quan đến quá trình đào tạo và sử dụng kết quả đào tạo;… Ở cấp độ này, quá trình đào tạo theo hướng du lịch số thường diễn ra song hành cùng với quá trình chuyển đổi số của xã hội và chuyển đổi số của ngành giáo dục. Chính vì vậy, cấp độ này diễn ra phổ biến ở hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên, kết quả của nó mới chỉ dừng ở mức độ cập nhật các xu hướng chung của xã hội, các công cụ, kỹ năng và tri thức chuyên sâu về du lịch số chưa nhiều, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành. Cấp độ 2 : Bổ sung các học phần về du lịch số vào chương trình đào tạo hiện hành. Ở cấp độ này, các cơ sở đào tạo thường bổ sung hoặc gia tăng thời lượng đào tạo về công nghệ thông tin và đưa thêm các học phần có liên quan đến du lịch số vào chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học về du lịch thường có hướng tiếp cận với cấp độ này một cách khá khác nhau cả về nội dung và thời lượng dựa trên thế mạnh và đặc trưng đào tạo của mình. Các nội dung/học phần thường triển khai ở cấp độ này như: Marketing số trong du lịch, Du lịch điện tử, Thương mại điện tử trong du lịch, Quản lý hệ thống thông tin du lịch, Quản trị hệ thống phân phối trực tuyến,… Có thể nói, đây là hướng triển khai khá phù hợp trong điều kiện hiện nay và đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng. Trên thực tế, việc áp dụng cấp độ này đã góp phần nâng cao kỹ năng số của người học, giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các công nghệ, xu hướng của du lịch số và đáp ứng được các yêu cầu công việc cơ bản trong ngành Du lịch.
  6. 236 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Cấp độ 3: Triển khai các chương trình đào tạo mới, chuyên về du lịch số. Khác với hai cấp độ trên khi chỉ nâng cấp và/hoặc bổ sung chương trình đào tạo hiện tại, ở cấp độ này, các cơ sở đào tạo tiến hành xây dựng một chương trình đào tạo hoàn toàn mới với chuẩn đầu ra nội dung hướng trực tiếp đến du lịch số. Cấp độ này thường đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải có nguồn lực lớn cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật đến nhân lực đào tạo. Ngay cả khi có nguồn lực lớn, việc kết hợp hai lĩnh vực số và du lịch trong các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng chuẩn đầu ra cũng không phải là công việc dễ dàng. Chính vì vậy, theo khảo sát, hiện ở Việt Nam chỉ có hai cơ sở giáo dục đại học đang triển khai ngành đào tạo về du lịch số: Trường Đại học Phenikaa với chương trình đào tạo Kinh doanh du lịch số và Trường Du lịch Huế với chương trình đào tạo Du lịch điện tử. Như vậy, việc đào tạo về du lịch số đã và đang dần được quan tâm bởi các đơn vị đào tạo. Việc lựa chọn hướng tiếp cận hay cấp độ nào để triển khai đào tạo về du lịch số của các trường hiện nay còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khách quan, một phần là vấn đề liên quan tới các quy định hiện hành, phần khác do du lịch số vẫn là một lĩnh vực đào tạo khá đặc thù, đòi hỏi sự hài hòa và cân bằng giữa kiến thức về du lịch và công nghệ thông tin trong triển khai chương trình đào tạo. Thời gian qua, việc triển khai khá mạnh mẽ các hoạt động đào tạo liên quan tới du lịch số đã phản ánh nỗ lực thích nghi với các xu hướng chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam nhằm theo kịp và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Du lịch. 2.2. Xu hướng trong đào tạo về du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, các yêu cầu về năng lực nhân sự ngành trong bối cảnh hiện nay nhìn chung đã có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh các kiến thức nền tảng về ngành, sinh viên du lịch tại các trường đại học hiện nay còn cần được phát triển các kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan tới công nghệ thông tin để thích ứng với ngành Du lịch hiện tại. Điều
  7. ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 237 này không chỉ bởi yêu cầu của xã hội mà trên thực tế, thế hệ người học đại học hiện tại là thế hệ gen Z với những đặc điểm nổi bật về sự năng động, nhanh nhạy và khả năng thích ứng tốt hơn với khoa học công nghệ [5] cũng đang đặt ra cho các cơ sở đào tạo phải có những thay đổi phù hợp với bối cảnh. Nhiệm vụ cung cấp các kiến thức, kỹ năng số cho người học tại cấp độ đại học trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và toàn cầu hoá có thể xem như một trong những yêu cầu chính của các trường đại học trong thời kỳ số [2] không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn cầu. Đào tạo cấp độ đại học ngành Du lịch với đặc thù là một lĩnh vực liên kết đa ngành, ảnh hưởng cũng như chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều các lĩnh vực khác, lại càng cần phải thực hiện nhiệm vụ này trong sứ mệnh đào tạo của mình. Một số xu hướng trong đào tạo về du lịch số hiện nay: Thứ nhất, thay đổi phương pháp đào tạo và hình thức, trang bị năng lực số cho người học để theo kịp xu hướng mới và nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ toàn cầu hoá [7]. Trước bối cảnh các ứng dụng điều hành lữ hành, ứng dụng booking khách sạn, quản lý booking vé máy bay hay những công cụ, nền tảng marketing điện tử mới,… được triển khai sử dụng tại phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, việc trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng sử dụng các công nghệ này trong quá trình đào tạo là rất cần thiết. Tổ chức các hoạt động thực tập, thực tế để đưa sinh viên ra doanh nghiệp, tiếp cận với các công nghệ này trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất chuyên nghiệp phục vụ đào tạo, chủ động xây dựng các phòng thực hành, trang bị các phần mềm và mời các chuyên gia trong lĩnh vực tham gia vào quá trình đào tạo là những hoạt động được các cơ sở giáo dục đang triển khai thực hiện. Thứ hai, tăng cường không gian cho các kiến thức về thực hành công nghệ du lịch trong chương trình đào tạo [1]. Thực tế đào tạo ngành Du lịch, cụ thể là ở bậc giáo dục đại học ở Việt Nam đã dành một khối lượng nhất định cho nội dung thực hành, thực tế, song để thích ứng với kỷ nguyên số, tái cấu trúc, dành thêm
  8. 238 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... không gian cho các chương trình đào tạo về kỹ năng số thông qua các khóa ngắn hạn, chương trình ngoại khóa hoặc các hoạt động thực tế, các cuộc thi,… trong quá trình đào tạo giúp cho người học tiếp cận và thích nghi hiệu quả hơn với môi trường số ngành Du lịch, cũng như có thời gian, không gian để trang bị thêm các kiến thức cần thiết. Thứ ba, gia tăng việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy để gia tăng kiến thức và kỹ năng nền về sử dụng công nghệ thông tin cho sinh viên, giúp sinh viên có nền tảng công nghệ tốt để phát triển năng lực [6]. Năng lực sử dụng công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng, được coi như kỹ năng nền để người học có thể tiếp nhận cũng như vận dụng tri thức, đặc biệt là về du lịch số vào thực tiễn làm việc. Năng lực này không thể có sau một vài buổi học mà cần có thời gian tích lũy, rèn luyện, do đó, đào tạo nhân lực du lịch số bên cạnh các hướng đi được đặt ra ở trên, cần được chú trọng vào phát triển các kỹ năng nền trước khi phát triển thêm để đạt được hiệu quả bền vững. Thứ tư, xu hướng hợp tác đại học − doanh nghiệp để khai thác tối đa hiệu quả các bên [8] trong đào tạo nhân lực du lịch số, thông qua đó tối ưu hoá được nguồn lực phục vụ cho quá trình đào tạo. Trên thực tế, mặc dù đào tạo về du lịch số là mới mẻ song hoạt động du lịch số đã được các doanh nghiệp triển khai nhiều năm trong các quá trình kinh doanh của mình, do đó, các doanh nghiệp ở một khía cạnh nào đó, có thể xem là các chuyên gia thực tiễn về du lịch số. Vì vậy, việc kết hợp đại học − doanh nghiệp là một xu hướng rất nên được triển khai trong đào tạo nhân lực du lịch số bởi khi đó, cơ sở giáo dục có thể bổ khuyết về mặt lý thuyết triển khai du lịch số cho doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng có thể bổ trợ về mặt thực tiễn ngược lại cho phía các trường đại học. Ngoài ra, việc hợp tác cũng mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên: các trường có thêm cơ sở thực hành thực tiễn cho sinh viên học hỏi, doanh nghiệp cũng được tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng tốt, là sản phẩm được đào tạo bài bản từ phía nhà trường và chính doanh nghiệp.
  9. ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 239 2.3. Rào cản trong đào tạo du lịch số tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam Bên cạnh những tiềm năng, những yêu cầu cấp thiết đã đặt ra đối với đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay, đào tạo du lịch số ở cấp giáo dục đại học vẫn còn phải đối mặt với những rào cản nhất định. Một là rào cản về mặt quy định, quy chế của Nhà nước về giáo dục đại học đối với những lĩnh vực đào tạo mới như du lịch số. Đào tạo du lịch số là một xu hướng tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, song trong quá trình khảo sát, nhóm tác giả nhận thấy có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó trong triển khai, tổ chức các chương trình đào tạo du lịch số do các văn bản pháp quy chưa cập nhật kịp theo xu hướng phát triển của ngành. Hai là rào cản về mặt nguồn lực. Trước hết về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo du lịch cũng như du lịch số trong điều kiện thiếu những trang thiết bị, phòng thực hành phù hợp do đó trong nhiều trường hợp chưa thể cung cấp cho sinh viên những điều kiện tốt để vận dụng các tri thức mới. Bên cạnh rào cản về nguồn lực tài chính, rào cản thứ ba về nguồn nhân lực cũng là một thách thức đối với đào tạo du lịch số hiện nay. Các chương trình đào tạo du lịch số đòi hỏi một đột ngũ giảng viên không chỉ am hiểu về du lịch song còn có những kỹ năng công nghệ thông tin tốt, phù hợp, thậm chí một số nội dung còn yêu cầu người giảng có những kỹ năng đặc thù để hướng dẫn sinh viên. Chẳng hạn với xu hướng đào tạo nhằm tạo cho sinh viên năng lực nền về công nghệ thông tin thông qua quá trình giảng dạy trong suốt quá trình đào tạo, các giảng viên tham gia giảng dạy cần duy trì việc ứng dụng các công nghệ số đều đặn, như vậy rất nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khi không phải đơn vị nào cũng có đủ nhân sự có năng lực công nghệ phù hợp. 3. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHO ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI VIỆT NAM Trên cơ sở phân tích các xu hướng và các rào cản đào tạo về du lịch số tại bậc giáo dục đại học hiện nay, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị:
  10. 240 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc nhanh chóng rà soát và tháo gỡ các khó khăn trong quy định về đào tạo các lĩnh vực mới của sẽ mở ra cho các cơ sở giáo dục đại học những thuận lợi lớn để triển khai các chương trình đào tạo về du lịch số. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và du lịch xem xét phối hợp với nhau để triển khai các chương trình kết nối, tạo cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước − trường đại học − doanh nghiệp − các tổ chức liên quan nhằm đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động đào tạo về du lịch số. Thứ hai, đối với các cơ sở đào tạo du lịch, là các hạt nhân chính trong đào tạo du lịch số, việc xúc tiến triển khai các chương trình đào tạo du lịch số có thể tiến hành theo từng giai đoạn căn cứ vào nguồn lực hiện có của đơn vị. Trước bối cảnh một số rào cản về quy định chưa được tháo gỡ, các cơ sở giáo dục đại học về du lịch hoàn toàn có thể chuẩn bị sẵn các hành trang cần thiết như xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng các học phần cũng như chuẩn bị sẵn các nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện ngay khi thuận lợi. Ngoài ra, việc đưa một số học phần về du lịch số vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo du lịch hiện hành cũng là một cách thức hiệu quả để bước đầu tiếp cận đào tạo du lịch số, không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho sinh viên mà còn tạo thí điểm để hoàn thiện tốt hơn chương trình đào tạo chính thức. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo du lịch nên chú trọng tăng cường hợp tác với các bên liên quan, đặc biệt là với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch đang triển khai mạnh công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, từ đó tạo ra mối liên kết hai chiều giữa các chuyên gia lý luận và chuyên gia thực tiễn về chuyển đổi số để hoàn thiện hơn quá trình đào tạo, cung cấp nhân lực du lịch số chất lượng cao cho các doanh nghiệp, cho ngành Du lịch. Ngoài ra, trong nhóm khuyến nghị với các cơ sở giáo dục đại học, về giảng viên giảng dạy du lịch − đội ngũ trực tiếp thực hiện các chương trình đào tạo, việc trang bị các kỹ năng, kiến thức về cả du lịch và công nghệ thông tin là một yêu cầu rất cần thiết. Các thế hệ sinh viên mới đang ngày càng có năng lực sử dụng công nghệ
  11. ĐÀO TẠO DU LỊCH SỐ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 241 tốt hơn đòi hỏi giảng viên giảng dạy cập nhật thêm các năng lực cần thiết để có sự đồng bộ giữa người dạy và người học. Với sự đồng bộ về mặt kỹ năng công nghệ thông tin, kết hợp với các tri thức ngành Du lịch, việc triển khai các nội dung giảng dạy về du lịch số sẽ đạt hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, giảng viên cũng nên tạo ra các không gian số trong đào tạo sinh viên ngành Du lịch thông qua tăng cường việc sử dụng các công nghệ, từ đơn giản đến phức tạp, chuyên sâu, nhằm tạo cho sinh viên có môi trường tốt nhất để rèn luyện các năng lực số trong du lịch. Thứ ba, đối với doanh nghiệp du lịch, bản thân các doanh nghiệp du lịch đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực du lịch số. Do vậy, các doanh nghiệp nên xúc tiến, đẩy mạnh việc hợp tác với các cơ sở giáo dục, không chỉ hợp tác trong việc đào tạo, kết nối mà còn hợp tác kể cả trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ số trong du lịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tăng cường về số lượng và quy mô các chương trình thực tập doanh nghiệp cho sinh viên để đào tạo cho sinh viên về mặt thực tiễn nghề nghiệp, đặc biệt các nội dung liên quan tới du lịch số, từ đó sinh viên có cơ hội phát triển tốt hơn các năng lực thực tiễn để tham gia vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển các doanh nghiệp và rộng hơn là phát triển ngành Du lịch. KẾT LUẬN Đào tạo du lịch số hiện nay đã, đang và sẽ trở thành nhu cầu thực tế của ngành Du lịch nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Trước bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ làm thay đổi nhiều khía cạnh, từ hành vi người tiêu dùng cho tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp ngành Du lịch, yêu cầu về chuyển đổi số ngành Du lịch đang đặt ra cho tất cả các bên liên quan phải chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi. Nhìn một cách tổng thể và khách quan, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành Du lịch nói riêng đều có yếu tố hạt nhân là chuyển đổi về mặt con người. Do vậy, đào tạo nhân lực du lịch số chính là một trong những phương cách để thực hiện chuyển đổi số ngành Du lịch từ bên trong để thích nghi với sự phát triển không ngừng của mọi lĩnh vực trong
  12. 242 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Trước bối cảnh và yêu cầu đó, sự phối kết hợp một cách hài hoà, hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo du lịch, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp du lịch là cơ sở để quá trình đào tạo nhân lực du lịch số chất lượng cao đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Du lịch hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. B. Stangl and J. Pesonen (2018), “Smart Tourism Destinations and Higher Tourism Education in Spain. Are We Ready for This New Management Approach?”, Information and Communication Technologies in Tourism, https://doi.org/10.1007/978-3-319-72923-7_33 2. Caldevilla-Domínguez, D.; Martínez-Sala, A.-M.; Barrientos-Báez, A. “Tourism and ICT. Bibliometric Study on Digital Literacy in Higher Education”. Educ. Sci. 2021, 11, 172. https://doi.org/10.3390/ educsci11040172 3. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2023), Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, truy cập trực tuyến tại: https://csdl.vietnamtourism.gov.vn/ 4. Imtiaz, S., & Kim, D. J. (2019). “Digital transformation: Development of new business models in the tourism industry”. Culinary Science & Hospitality Research, 25(4), 91−101. 5. Katz, R., Ogilvie, S., Shaw, J., & Woodhead, L. (2022). Gen Z, explained: The art of living in a digital age. University of Chicago Press. 6. McKnight, K., O’Malley, K., Ruzic, R., Horsley, M. K., Franey, J. J., & Bassett, K. (2016). “Teaching in a digital age: How educators use technology to improve student learning”. Journal of research on technology in education, 48(3), 194−211. 7. Teixeira, A.F.; Gonçalves, M. J. A.; Taylor, M.d.L.M. How Higher Education Institutions Are Driving to Digital Transformation: A Case Study. Educ. Sci. 2021, 11, 636. 8. Đinh Văn Toàn (2016), “Hợp tác đại học − doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, Số 4 (2016) 69−80. 9. UNWTO (2023), “Digital Transformation”, online available at: https://www.unwto.org/digital−transformation
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2