Luận án Tiến sĩ Luật học: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ thực tiễn các tỉnh miền Đông Nam Bộ
lượt xem 10
download
Luận án Tiến sĩ Luật học "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ thực tiễn các tỉnh miền Đông Nam Bộ" trình bày các nội dung chính sau: Những vấn đề lý luận về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ; Yêu cầu và các giải pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Luật học: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ thực tiễn các tỉnh miền Đông Nam Bộ
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ THỊ MINH THƯ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ TỪ THỰC TIỄN CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI - 2024
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ THỊ MINH THƯ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ TỪ THỰC TIỄN CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ Ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Mã số: 9.38.01.04 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS.TS. PHẠM MINH TUYÊN 2. TS. ĐINH THẾ HƯNG HÀ NỘI - 2024
- LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan Luận án này là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng tôi. Các số liệu, tài liệu được sử dụng trong luận án có nguồn gốc và trích dẫn rõ ràng. Hà Nội, ngày tháng năm 2024 NGƯỜI CAM ĐOAN
- MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU ........................................................................................................ 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ....................................... 9 1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước ................................................................ 9 1.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước.............................................................. 24 1.3. Đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu trong luận án ..................................................................................................... 28 1.4. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu, câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu ................. 30 Tiểu kết chương 1 .................................................................................................... 34 Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ ............................................................................. 35 2.1. Khái niệm, đặc điểm và các dấu hiệu pháp lý của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ...................................................................................... 35 2.2. Cơ sở của việc quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự .. 52 2.3. Áp dụng pháp luật hình sự và các yếu tố tác động đến hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ........... 59 2.4. Quy định tương tự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trong Bộ luật Hình sự của một số nước trên thế giới ....................................... 70 Tiểu kết chương 2 .................................................................................................... 80 Chương 3: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ TẠI CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ................................................................................................................... 81 3.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ...................................................................................... 81 3.2. Phân biệt tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với một số tội có liên quan ........................................................................................................... 93 3.3. Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ................................................................................................ 96 Tiểu kết chương 3 .................................................................................................. 144
- Chương 4: YÊU CẦU VÀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ ĐỐI VỚI TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ TẠI CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ ... 146 4.1. Yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật hình sự và bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ....................... 146 4.2. Các giải pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ ..... 153 Tiểu kết chương 4 .................................................................................................. 173 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 174 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ................................ 177 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................. 178 PHỤ LỤC ................................................................................................................... 1
- DANH MỤC CÁC CỤM TỪ VIẾT TẮT STT VIẾT TẮT VIẾT ĐẦY ĐỦ 1 BLHS Bộ luật Hình sự 2 BLDS Bộ luật Dân sự 3 CTTP Cấu thành tội phạm 4 GDDS Giao dịch dân sự 5 Nxb Nhà xuất bản 6 SĐ, BS Sửa đổi, bổ sung 7 TAND Tòa án nhân dân 8 TNHS Trách nhiệm hình sự
- DANH MỤC CÁC BẢNG THỐNG KÊ VÀ BIỂU ĐỒ (Số liệu từ năm 2013 đến năm 2023) PHỤ LỤC 1: BẢNG THỐNG KÊ Bảng 3.1. Số vụ án, số bị cáo đã bị xét xử về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bảng 3.2. Số vụ án và số bị cáo bị xét xử về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của cả nước qua các năm từ năm 2013 đến năm 2023. Bảng 3.3. So sánh số vụ án và số bị cáo bị xét xử về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ so với cả nước từ năm 2013 đến năm 2023. Bảng 3.4. Số vụ án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã bị xét xử từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bảng 3.5. Số bị cáo bị xét xử về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã bị xét xử từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bảng 3.6: Tỷ lệ số vụ án và số người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự so với tổng số tội phạm và người phạm tội tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ năm 2013 đến năm 2023. Bảng 3.7. Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. PHỤ LỤC 2: BIỂU ĐỒ Biểu đồ 1: Diễn biến tình hình số vụ án và số người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Biểu đồ 2: Tỷ lệ số vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được xét xử tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ so với cả nước từ năm 2013 đến năm 2023. Biểu đồ 3: Tỷ lệ số người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ so với cả nước từ năm 2013 đến năm 2023. Biểu đồ 4: Tỷ lệ số vụ án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã bị xét xử từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
- Biểu đồ 5: Tỷ lệ số người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã bị xét xử từ năm 2013 đến năm 2023 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Biểu đồ 6: Tỷ lệ số vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được xét xử trong tổng số vụ án hình sự đã xét xử tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ năm 2013 đến năm 2023. Biểu đồ 7: Tỷ lệ số người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trong tổng số người phạm tội tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ năm 2013 đến năm 2023. Biểu đồ 8: Tỷ lệ về hình phạt đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ năm 2013 đến năm 2023.
- PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của nghiên cứu đề tài Quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và việc gia nhập tổ chức kinh tế thế giới (WTO) đã và đang mang lại cho nước ta những thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, song song với thành tựu thì quá trình này cũng kéo theo nhiều hiện tượng xã hội tiêu cực, trong đó có tình hình tội phạm nói chung, tình hình các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó có tình hình tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nói riêng. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược hiện nay là “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chính vì vậy, cần có biện pháp khắc phục và dần loại bỏ hiện tượng xã hội tiêu cực này trên phạm vi cả nước nói chung và ở từng địa bàn cụ thể nói riêng, trong đó có các tỉnh miền Đông Nam Bộ - một vùng kinh tế lớn của cả nước. Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, không chỉ ở các thành phố lớn mà ngay cả các khu vực nông thôn xa xôi, hẻo lánh, với các hình thức mời gọi cung cấp tài chính nhanh gọn không cần đến tài sản thế chấp, làm gia tăng hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, ảnh hưởng trật tự xã hội. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương nói chung, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói riêng, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của người dân với thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy. Trong số đó, nổi bật là hoạt động cho vay lãi nặng. Hoạt động này thường núp bóng dưới các hình thức như dịch vụ cầm đồ; cho vay với hình thức hợp đồng mua bán nhà đất; cho vay thế chấp sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, đăng ký xe ô tô, … với mức lãi suất rất cao nhằm thu lợi bất chính. Trong những năm vừa qua, 1
- hoạt động cho vay lãi nặng diễn ra ngày càng tăng về cả số lượng, quy mô và mức độ tinh vi cũng như diễn ra trên phạm vi rộng. Các hoạt động cho vay lãi nặng đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, không chỉ gây thiệt hại cho bản thân người đi vay mà còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho người dân, xã hội khi kèm theo những hoạt động cho vay lãi nặng là các hoạt động phạm tội khác nhằm mục đích thu hồi nợ gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng. Pháp luật là cơ sở tiên quyết để xử lý tội phạm nói chung và tội cho vay lãi nặng trong GDDS nói riêng. Hiện nay, mặc dù quy định của pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong GDDS đã được bổ sung và ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS. Quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS đã khắc phục những hạn chế, bất cập khi xử lý tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 BLHS năm 1999 như chứng minh dấu hiệu có tính chất chuyên bóc lột của người cho vay; việc tính mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định; xác định dấu hiệu định khung thu lợi bất chính lớn như thế nào. Quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) cũng phù hợp, thống nhất với các quy định của BLDS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những quan điểm khác nhau chưa thống nhất như việc áp dụng tình tiết định tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng, tính khả thi của quy định này khi văn bản về xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định; cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính để làm căn cứ định tội tại khoản 1 và áp dụng tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2; xử lý khoản tiền gốc, khoản tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng. Ngoài ra, với quan điểm đánh giá của các nhà làm luật là tội phạm này gây nguy hại không lớn nên hình phạt chỉ ở mức độ ít nghiêm trọng với mức hình phạt tối đa 03 năm tù. Mức hình phạt này là quá nhẹ trong khi hệ lụy do loại tội phạm này gây ra cũng như lợi nhuận thu được từ hoạt động này lại rất lớn và hành vi phạm tội rất khó xử lý trên thực tế dẫn đến việc loại tội phạm này đang ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm cho xã hội. 2
- Bên cạnh đó, việc xử lý tội phạm cho vay lãi nặng trong GDDS còn có những khó khăn, vướng mắc thuộc về đặc trưng của loại tội phạm này như hoạt động cho vay là GDDS nên việc phát hiện hành vi phạm tội cho vay lãi nặng rất khó, chỉ khi sự việc bị phát hiện, khi người vay bị đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần, bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe, … mới tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở đó mới xử lý được hành vi vi phạm. Còn phần lớn nạn nhân vẫn lẳng lặng trả nợ, tự thu xếp với nhau nên cơ quan có thẩm quyền không thể xử lý. Thậm chí khi bị phát hiện thì cũng rất khó để xử lý vì thực tế hành vi phạm tội này thường được thực hiện trong thời gian dài, trên nhiều địa bàn khác nhau nên việc thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội tương đối khó khăn, nhất là khi định lượng để có thể xử lý là tương đối lớn (thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên). Nhiều vụ án phải điều tra trên nhiều địa bàn khác nhau mới đủ định lượng để xử lý nên việc điều tra, xử lý hành vi phạm tội này gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, ranh giới giữa quan hệ dân sự vay mượn và hành vi phạm tội cho vay lãi nặng rất mong manh, một thời gian dài trước đây, chúng ta ngộ nhận đó là GDDS do các bên tự thỏa thuận với nhau, khi các bên có tranh chấp về lãi suất thì Tòa án sẽ giải quyết. Có nhiều trường hợp nếu không điều tra thấu đáo có thể dẫn đến tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng khá thận trọng, “ngại” xử lý loại án này. Trên thực tế, miền Đông Nam Bộ là một trong sáu vùng kinh tế của cả nước. Đây là vùng đất mới trong lịch sử phát triển của đất nước, tập trung nhiều đô thị, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vùng này bao gồm 05 tỉnh và 01 thành phố, đó là Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. “Tổng diện tích tự nhiên là 23.564 km2, chiếm 7,3 % diện tích cả nước, dân số toàn vùng là hơn 17 triệu người, chiếm 18,17% dân số cả nước” [2]. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố trung tâm, hạt nhân của vùng. Miền Đông Nam Bộ là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, được đánh giá là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Sự phát triển kinh tế, dân số đông đưa đến hệ 3
- lụy là tội phạm nói chung và tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS nói riêng trên địa bàn này trong những năm vừa qua ngày càng nhiều về cả số lượng, quy mô và mức độ tinh vi, phức tạp. Hệ lụy mà tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS ở miền Đông Nam Bộ gây ra cũng đang ở mức đáng báo động khi mà nó thường gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm thực hiện hoạt động đòi nợ thuê với nhiều hình thức trái pháp luật, làm phát sinh nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc xử lý tội phạm này bằng nhiều biện pháp một cách đồng bộ nhưng cũng không thể tránh khỏi những khó khăn chung nói trên. Mức độ nguy hiểm cho xã hội, mức độ tinh vi của hành vi cho vay lãi nặng trong GDDS thì ngày càng cao, gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội, đòi hỏi quy định của pháp luật cũng như cơ chế, chủ thể tiến hành tố tụng, áp dụng pháp luật để xử lý loại tội phạm này càng phải được hoàn thiện hơn. Trước tình hình đó, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong GDDS, bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự, xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, thì việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn để qua đó có những kiến nghị hoàn thiện pháp luật và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong là điều cần thiết. Chính vì vậy, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài: “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ thực tiễn các tỉnh miền Đông Nam Bộ” để nghiên cứu làm luận án tiến sĩ luật học của mình. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu của luận án Mục đích nghiên cứu của luận án này là làm sáng tỏ về mặt lý luận, thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm góp phần bảo đảm hiệu quả áp dụng luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới. 4
- 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận án tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Phân tích, đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu ở trong nước và ở nước ngoài liên quan đến đề tài luận án, rút ra những vấn đề cần nghiên cứu trong luận án. Phân tích những vấn đề lý luận về tội cho vay lãi nặng trong GDDS. Phân tích các quy định trong pháp luật hình sự của một số quốc gia khác về tội danh này và có sự so sánh với các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành để thấy được những tiến bộ cần tiếp thu, học tập. Phân tích các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội cho vay lãi nặng trong GDDS trong lịch sử và quy định của BLHS hiện hành; Nghiên cứu, phân tích thực trạng áp dụng pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, qua đó, đánh giá những thành tựu, rút ra những hạn chế, vướng mắc và xác định những nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc đó. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn và yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật hình sự, bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, luận án đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội cho vay lãi nặng trong GDDS theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Luận án này lấy các quan điểm khoa học đã được nêu ra trong khoa học luật hình sự về tội phạm, tội cho vay lãi nặng trong GDDS; các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam cũng như của pháp luật hình sự một số nước trên thế giới về tội cho vay lãi nặng trong GDDS; thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự nói trên tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ để nghiên cứu những vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài luận án. 5
- 3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án Về nội dung: Luận án nghiên cứu về tội cho vay lãi nặng trong GDDS dưới góc độ pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Việc áp dụng quy định của pháp luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau như: các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, những người tiến hành tố tụng hình sự với nhiều nội dung khác nhau như định tội danh, miễn TNHS, quyết định hình phạt, miễn hình phạt, giảm hình phạt đã tuyên, ... Tuy nhiên, trong luận án này tác giả chỉ tập trung nghiên cứu chủ thể áp dụng pháp luật hình sự là Tòa án và người tiến hành tố tụng hình sự là Hội đồng xét xử (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân) và hai nội dung chính của áp dụng pháp luật hình sự là định tội danh và quyết định hình phạt đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong GDDS. Về thời gian: Các số liệu xét xử, các vụ án điển hình phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài được thu thập trong thời gian từ năm 2013 đến hết năm 2023. Về không gian: Việc nghiên cứu tập trung vào các vấn đề liên quan đến đề tài trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, có sự phân tích mang tính so sánh, đối chiếu với các quy định pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới. Các số liệu xét xử, các vụ án điển hình phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài được thu thập là số liệu xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận của luận án Đề tài luận án được thực hiện trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chính sách hình sự của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội phạm, về hình phạt, về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. 4.2. Phương pháp nghiên cứu của luận án Đề tài luận án được nghiên cứu trên cơ sở sử dụng có kết hợp trong một tổng thể các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: Phương pháp phân tích và tổng hợp: Tác giả sử dụng các phương pháp này xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu đề tài này nhằm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu. 6
- Phương pháp thống kê: Tác giả sử dụng trong chương 3 để phân tích thực trạng về tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS và việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội này tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Phương pháp này cũng được sử dụng trong việc khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia về cách xử lý một số vấn đề pháp lý cụ thể cũng như tổng hợp những khó khăn vướng mắc và nguyên nhân. Phương pháp so sánh: Tác giả đã sử dụng chủ yếu phương pháp này để phân tích các quy định của pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong GDDS trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam; nghiên cứu, phân tích tình hình tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ qua các năm (từ năm 2013 đến năm 2023) tại Chương 3. Phương pháp nghiên cứu án điển hình: Tác giả đã sử dụng chủ yếu để phân tích, tổng hợp, đánh giá về hạn chế vướng mắc trong áp dụng pháp luật đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS và nguyên nhân của hạn chế vướng mắc tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ tại Chương 3. Phương pháp hệ thống được sử dụng xuyên suốt toàn bộ luận án nhằm trình bày các vấn đề, các nội dung trong luận án theo một trình tự, một bố cục hợp lý, chặt chẽ, có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dung để đạt được mục đích, yêu cầu đã được xác định cho luận án. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Thứ nhất, luận án góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận về việc áp dụng pháp luật đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Thứ hai, luận án đã phân tích quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và quy định về tội tương tự với tội danh này trong BLHS của một số quốc gia trên thế giới. Thứ ba, luận án đã phân biệt tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với một số tội danh khác có yếu tố tương đồng trong BLHS của Việt Nam hiện hành. Thứ tư, luận án đã làm rõ những vấn đề của thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các 7
- tỉnh miền Đông Nam Bộ trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023, qua đó chỉ ra những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc đó. Thứ năm, luận án đã phân tích các yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật hình sự và bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, từ đó đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự và bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án đã hệ thống hóa một cách khoa học, logic và góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về tội cho vay lãi nặng trong GDDS, qua đó góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong GDDS. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Luận án là tài liệu tham khảo cho việc xây dựng pháp luật và áp dụng các quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS khi phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này. Kết quả nghiên cứu của luận án còn có thể được sử dụng để tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về luật hình sự tại các cơ sở đào tạo luật học ở Việt Nam. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được bố cục thành 04 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu. Chương 2. Những vấn đề lý luận về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Chương 3. Quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Chương 4. Yêu cầu và các giải pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 8
- Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự Ở Việt Nam, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là tội danh được quy định tương đối sớm trong lịch sử pháp luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi phạm tội này xảy ra trên thực tế không nhiều và số vụ án, số bị cáo bị xét xử về tội danh này thì càng hạn chế hơn nữa. Vì vậy, trong một thời gian dài, ở Việt Nam, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự không được chú trọng nghiên cứu. Trong những năm gần đây, khi mà hành vi phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xảy ra trên thực tế nhiều đến mức báo động và trở thành vấn đề nóng của xã hội thì cả lý luận và thực tiễn về tội danh này mới được chú trọng nghiên cứu. Tuy nhiên, vì mới được chú trọng nghiên cứu trong thời gian ngắn gần đây nên số lượng công trình nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến tội danh này không nhiều. Ở cấp độ luận án, trong phạm vi tiếp cận của tác giả, cho đến nay chưa có đề tài nào có liên quan trực tiếp đến tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được thực hiện. Ở cấp độ luận văn thạc sĩ, số lượng đề tài nghiên cứu về vấn đề này cũng tương đối hạn chế. Trong phạm vi mà tác giả tiếp cận được có một số công trình sau: Luận văn thạc sĩ “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Hà Quang Huy thực hiện năm 2019 tại Trường đại học Luật Hà Nội. Trong công trình này, tác giả đã phân tích một số vấn đề chung về tội cho vay lãi nặng trong GDDS bao gồm: khái niệm tội cho vay lãi nặng trong GDDS, ý nghĩa của việc quy định về tội phạm này trong BLHS, khái quát lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam và phân tích quy định của BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) về tội cho vay lãi nặng trong GDDS với các dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung, hình phạt đối với người phạm tội này. Trên cơ sở đó, tác giả đã phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) về tội cho vay lãi nặng trong GDDS, nêu ra những kết quả đạt được 9
- cũng như những vướng mắc, bất cập. Từ đó, công trình đã đưa ra một số biện pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS, chủ yếu là biện pháp liên quan đến hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên với dung lượng của một luận văn thạc sĩ, các vấn đề được nêu ra chưa thực sự đầy đủ và sâu sắc. Quy định của pháp luật được nghiên cứu mới chỉ ở mức độ tiếp cận ban đầu mang tính chất gợi mở. Phạm vi nghiên cứu cũng như thời gian nghiên cứu chưa được xác định một cách rõ ràng nên thực tiễn áp dụng pháp luật được phản ánh trong công trình này chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc. Phần thực trạng có dung lượng tương đối hạn chế trên cơ sở đề cập một cách chung chung, khái quát nhất về tình hình tội phạm này và chỉ nêu ra một số khó khăn, vướng mắc khi truy cứu TNHS đối với người phạm tội này tại thời điểm năm 2018 mà chưa có số liệu cụ thể qua các giai đoạn để đánh giá tình hình về tội phạm đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS cũng như việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội này ở một địa phương cụ thể hay trên cả nước. Công trình cũng đã đưa ra một số biện pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS, bao gồm biện pháp liên quan đến hoàn thiện pháp luật và một số biện pháp khác. Trong đó, công trình đã đề xuất biện pháp hoàn thiện pháp luật là cách thức để xác định số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được và khắc phục sự thiếu đồng bộ của pháp luật bằng cách sửa đổi, bổ sung nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trên cơ sở quy định của pháp luật hình sự ở thời điểm hiện tại thì những khó khăn vướng mắc được đưa ra ở công trình này chưa đầy đủ và hiện tại đa số khó khăn vướng mắc được công trình này đề cập đến đã được giải quyết nên đa số giải pháp đưa ra không còn giá trị áp dụng cho hiện tại. Luận văn “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo pháp luật hình sự Việt Nam – từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Hữu Trung thực hiện tại Học viện Khoa học xã hội năm 2020. Ở chương 1 của luận văn này, tác giả đã nghiên cứu về những vấn đề lý luận tội cho vay lãi nặng trong GDDS, bao gồm khái niệm, đặc điểm, các dấu hiệu pháp lý và TNHS đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS cũng như quy định về tội phạm này qua các các giai đoạn của lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam. Tại chương 2, tác giả đã phân tích về thực tiễn 10
- áp dụng pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc khái quát tình hình xét xử sơ thẩm các vụ án về tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2018 đến năm 2020, những kết quả đạt được và những hạn chế, thiếu sót cũng như nêu ra nguyên nhân của hạn chế. Trên cơ sở đó, chương 3 của luận văn đã đưa ra yêu cầu và đề xuất giải pháp đảm bảo áp dụng đúng pháp luật đối với tội danh này. Tuy nhiên, trong công trình này, việc nghiên cứu quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam còn mang tính chung chung, chưa thực sự cụ thể, rõ ràng; quy định của pháp luật nước ngoài về tội danh này chưa được đặt ra nghiên cứu nên cơ sở khoa học cho việc đề xuất kiến nghị, giải pháp chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Bên cạnh đó, công trình này nghiên cứu thực tiễn chỉ trong khoảng thời gian ngắn là từ năm 2018 đến năm 2020 trong phạm vi hẹp là thành phố Hồ Chí Minh nên việc tổng kết khó khăn vướng mắc chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, điển hình chưa cao khi khái quát cho phạm vi vùng hay cả nước. Điều này dẫn đến các giải pháp được đưa ra xuất phát từ thực trạng tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm áp dụng đúng pháp luật để xử lý loại tội phạm này chưa thực sự đầy đủ và chưa mang tính khái quát cao. Mặc dù, chương 3 của luận văn này cũng đã đưa ra yêu cầu và đề xuất giải pháp đảm bảo hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS, trong đó, đưa ra yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân; yêu cầu cải cách tư pháp; yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Giải pháp mà công trình đưa ra là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tội cho vay lãi nặng trong GDDS; các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ và các giải pháp khác. Tuy nhiên, kiến nghị, giải pháp được đưa ra chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Mặt khác, những hạn chế, thiếu sót được phân tích trong công trình này hầu hết đã được giải quyết bằng hướng dẫn của TAND tối cao tại Nghị quyết số 01/2021/NQ- HĐTP ngày 20 tháng 12 năm 2021 Hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong GDDS. Ngoài ra còn có thể kể đến luận văn thạc sĩ “Nâng cao hiệu quả phòng, chống hành vi cho vay lãi nặng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Trương Thị Hồng Ngân thực hiện năm 2016 tại Trường Đại học Cần Thơ. Trong công trình 11
- này, tác giả nghiên cứu hành vi cho vay lãi nặng với phạm vi rộng đó là cả hành vi cho vay lãi nặng theo pháp luật dân sự, pháp luật hành chính và pháp luật hình sự. Vì vậy, nội dung nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS có dung lượng tương đối hạn chế, chưa thực sự sâu sắc và đầy đủ. Vì vậy, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống hành vi cho vay lãi nặng cũng đã được đề cập dưới nhiều góc độ. Đối với giải pháp áp dụng pháp luật đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS được đề cập đến chưa thực sự sâu sắc và đầy đủ. Mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng kết quả nghiên cứu của các luận văn này là tài liệu tham khảo có giá trị để tác giả có thể nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện hơn về tội cho vay lãi nặng trong GDDS trong luận án của mình. Trong những năm gần đây, nghiên cứu về tội cho vay lãi nặng trong GDDS còn có các sách chuyên khảo, giáo trình mang tính chất chung khi nghiên cứu cùng với các tội danh khác trong BLHS. Trong đó, có thể kể đến các công trình như: Giáo trình sau đại học “Luật hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm” của GS. TS. Võ Khánh Vinh được xuất bản năm 2014 tại Nxb Khoa học xã hội. Đây là một trong số giáo trình có sự nghiên cứu công phu, hoàn chỉnh các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm, trong đó có tội cho vay lãi nặng, đặc biệt là hành vi khách quan được phân tích tương đối đầy đủ. Những vấn đề lý luận cũng như quy định được phân tích trong công trình này ở mức độ sâu sắc dành cho cấp độ nghiên cứu sau đại học. Vì vậy, mặc dù công trình này được nghiên cứu trên cơ sở quy định của BLHS năm 1999 (SĐ, BS năm 2009) nên quy định về tội cho vay lãi nặng so với quy định về tội cho vay lãi nặng trong GDDS tại BLHS năm 2015 (SĐ, BS năm 2017) đã có một số thay đổi nhưng giáo trình này vẫn là tài liệu tham khảo có giá trị khi nghiên cứu về các yếu tố CTTP của các tội phạm nói chung và tội cho vay lãi nặng trong GDDS nói riêng. Bên cạnh đó, công trình đã dành một thời lượng đáng kể để phân tích lý luận chung về định tội danh như khái niệm, các điều kiện để định tội đúng và ý nghĩa của định tội danh để làm cơ sở cho việc định tội danh đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS nói riêng và các tội phạm trong BLHS nói chung. Đây là tài liệu cần thiết để tác giả tham khảo khi nghiên cứu về vấn đề định tội danh đối với tội cho vay lãi nặng trong GDDS trong luận án của mình. 12
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
190 p | 405 | 114
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
29 p | 270 | 59
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo vệ quyền tác giả qua thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay
208 p | 92 | 36
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội dưới góc độ bảo vệ quyền làm mẹ của lao động nữ
134 p | 206 | 30
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân bằng tòa án theo pháp luật Việt Nam hiện nay
174 p | 66 | 20
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 279 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật an sinh xã hội về các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam
205 p | 27 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Quan hệ giữa luật tục và pháp luật từ thực tiễn các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ
178 p | 29 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn các tỉnh duyên hải miền Trung
169 p | 29 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Người lao động cao tuổi theo pháp luật Việt Nam hiện nay
183 p | 17 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hoạt động chứng minh của luật sư trong xét xử sơ thẩm các tội xâm phạm sở hữu từ thực tiễn các tỉnh Tây Nam Bộ
185 p | 32 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn - Nguyễn Thành Luân
210 p | 40 | 12
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật an sinh xã hội về các dịch vụ xã hội cơ bản ở Việt Nam
23 p | 16 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Việt Nam hiện nay
192 p | 5 | 4
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh
221 p | 7 | 4
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam
178 p | 7 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh
27 p | 6 | 1
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Việt Nam hiện nay
26 p | 2 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn