intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn: Tiểu từ tình thái cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:171

22
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của Luận án này nhằm làm rõ chức năng ngữ nghĩa của Tiểu từ tình thái theo hành động ngôn trung và đặc điểm sử dụng của Tiểu từ tình thái cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ theo phân tầng xã hội về giới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn: Tiểu từ tình thái cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NGUYỄN MAI PHƯƠNG TIỂU TỪ TÌNH THÁI CUỐI PHÁT NGÔN TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGHỆ AN - 2020
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NGUYỄN MAI PHƯƠNG TIỂU TỪ TÌNH THÁI CUỐI PHÁT NGÔN TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam Mã số: 92 22 01 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. HOÀNG TRỌNG CANH NGHỆ AN - 2020
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận án Nguyễn Mai Phương
  4. MỤC LỤC Trang BẢNG CHÚ THÍCH VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG BẢN ĐỒ ĐIỀU TRA TTTTT CUỐI PHÁT NGÔN Ở NAM BỘ MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài .................................................................................................. 1 2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nguồn ngữ liệu ............................................... 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ....................................................................... 2 4. Phương pháp, thủ pháp nghiên cứu ...................................................................... 3 5. Đóng góp của luận án .......................................................................................... 4 6. Cấu trúc của luận án ............................................................................................ 4 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI ............................................................................................................. 5 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tình thái và TTTT cuối phát ngôn ................... 5 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước .............................................................. 5 1.1.2. Tình hình nghiên cứu trong nước ............................................................. 10 1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài ................................................................................ 21 1.2.1. Khái niệm “tiểu từ tình thái” và “tiểu từ tình thái cuối phát ngôn” .......... 21 1.2.2. Lý thuyết hoạt động giao tiếp ................................................................. 24 1.2.3. Hành động ngôn ngữ .............................................................................. 27 1.2.4. Phương ngữ Nam Bộ và vấn đề phân tích tiểu từ tình thái cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ .................................................. 36 1.3. Tiểu kết chương 1 ........................................................................................... 42 Chương 2. NHẬN DIỆN TIỂU TỪ TÌNH THÁI CUỐI PHÁT NGÔN VÀ NGỮ NGHĨA CỦA CHÚNG TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ ..... 44 2.1. Nhận diện TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ ............... 44 2.1.1. Nhận diện tiểu từ tình thái trong phát ngôn về mặt chức năng ................. 44 2.1.2. Nhận diện tiểu từ tình thái về phương diện từ loại ................................... 47 2.1.3. Tiêu chí cụ thể nhận diện TTTT và danh sách TTTT cuối phát ngôn ....... 49 2.2. Ngữ nghĩa của tiểu từ tình thái cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ ................................................................................................................. 56 2.2.1. Các TTTT đơn được dùng trong giao tiếp của người Nam Bộ .................... 56
  5. 2.2.2. Ngữ nghĩa của tổ hợp TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ .................................................................................................. 72 2.3. Tiểu kết chương 2 ........................................................................................... 81 Chương 3. ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG CÁC TIỂU TỪ TÌNH THÁI CUỐI PHÁT NGÔN TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ XÉT THEO HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ ............................................................................................................. 82 3.1. Mô tả chức năng ngữ nghĩa các nhóm TTTT .................................................. 82 3.1.1. Phân loại các nhóm TTTT theo phạm trù HĐNT ..................................... 82 3.1.2. Phân loại các nhóm TTTT theo từng tiểu phạm trù HĐNT ...................... 84 3.2. Mô tả các TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ theo tiêu chí lịch sự ..................................................................................................... 101 3.2.1. Nguyên lí lịch sự ................................................................................... 101 3.2.2. Mô tả cụ thể .......................................................................................... 104 3.3. So sánh nghĩa của các TTTT trong nhóm theo từng HĐNT .............................. 108 3.3.1. Các cặp TTTT trong cùng nhóm xuất hiện trong các HĐNT khác nhau .. 108 3.3.2. Các TTTT trong nhóm xuất hiện trong cùng một HĐNT ....................... 108 3.4. Hiện tượng từ hô gọi đi kèm TTTT............................................................... 111 3.4.1. Từ hô gọi và hiện tượng từ hô gọi đi kèm TTTT ................................... 111 3.4.2. Vai trò của từ hô gọi xuất hiện trước và sau TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ ........................................................ 112 3.5. Tiểu kết chương 3 ......................................................................................... 115 Chương 4. ĐẶC ĐIỂM SỬ DỤNG TIỂU TỪ TÌNH THÁI CUỐI PHÁT NGÔN TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ XÉT THEO PHÂN TẦNG XÃ HỘI VỀ GIỚI TÍNH .......................................................................... 117 4.1. Giới thuyết về vấn đề giới tính và ngôn ngữ ................................................. 117 4.2. Những khác biệt về tần số sử dụng TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp giữa nam và nữ ở Nam Bộ ................................................................................... 119 4.2.1. Sự khác biệt giữa nam và nữ về tần số sử dụng TTTT đơn .................... 119 4.2.2. Sự khác biệt giữa nam và nữ về tần số sử dụng TTTT kết hợp .............. 123 4.3. Sự khác biệt giữa nam và nữ về sử dụng TTTT xét theo tính lịch sự ............. 130 4.4. Sự khác biệt giữa nam và nữ về sử dụng TTTT gắn với một số nhóm hành động ngôn trung tiêu biểu .................................................................................... 132 4.5. So sánh việc sử dụng TTTT cuối phát ngôn gắn với THG giữa nam và nữ ... 136
  6. 4.5.1. Nữ sử dụng THG đi kèm TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ nhiều hơn nam .............................................................. 136 4.5.2. Sự khác nhau giữa nam và nữ trong việc dùng THG kèm trước và sau TTTT .................................................................................................... 140 4.6. Tiểu kết chương 4 ............................................................................................ 144 KẾT LUẬN ........................................................................................................... 145 CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ...................................................................................................... 149 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 150
  7. BẢNG CHÚ THÍCH VIẾT TẮT Kí hiệu viết tắt Nội dung viết tắt HĐ : Hành động HĐNT : Hành động ngôn trung NB : Nam Bộ PNNB : Phương ngữ Nam Bộ THG : Từ hô gọi TT : Tiểu từ TTTT : Tiểu từ tình thái
  8. DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1. Danh sách 40 TTTT cuối câu từ nghiên cứu của 10 tác giả ..................... 51 Bảng 2.2. Danh sách TTTT trong tiếng Việt toàn dân ............................................. 54 Bảng 2.3. Danh sách TTTT đơn toàn dân được dùng ở Nam Bộ ............................. 57 Bảng 2.4. Tỉ lệ tần số sử dụng TTTT “ạ”, “nhé”, “đây”, “chứ”, “hả”, “vậy” ........... 59 Bảng 2.5. Các TTTT biến âm của từ toàn dân ......................................................... 65 Bảng 2.6. Tần số và tỉ lệ % các tổ hợp TTTT toàn dân cuối phát ngôn .................... 75 Bảng 2.7. Tần số và tỉ lệ % các TTTT kết hợp phương ngữ cuối phát ngôn ............ 76 Bảng 3.1. TTTT xuất hiện theo nhóm HĐNT .......................................................... 82 Bảng 3.2. Sự xuất hiện của TTTT trong các HĐ điều khiển .................................... 89 Bảng 3.3. Sự xuất hiện của TTTT trong các HĐ biểu cảm ...................................... 95 Bảng 3.4. Sự xuất hiện của TTTT trong các HĐ tuyên bố ....................................... 97 Bảng 3.5. Sự xuất hiện của TTTT trong các HĐ trình bày ...................................... 99 Bảng 3.6. Sự xuất hiện của TTTT trong các HĐ cam kết ...................................... 101 Bảng 3.7. Bảng số lần và tỉ lệ THG đi kèm TTTT cuối phát ngôn trong một số HĐNT ................................................................................................... 112 Bảng 3.8. Bảng từ hô gọi xuất hiện trước và sau TTTT cuối phát ngôn ................. 113 Bảng 4.1. Bảng tổng hợp so sánh tần số và tỉ lệ dùng TTTT đơn giữa nam và nữ ..... 120 Bảng 4.2. Tần số sử dụng TTTT kết hợp cuối phát ngôn giữa nam và nữ .............. 124 Bảng 4.3. Tần số sử dụng TTTT kết hợp trong giao tiếp giữa nam và nữ .............. 124 Bảng 4.4. Những khác biệt giữa nam và nữ về sử dụng TTTT gắn với tính lịch sự ... 130 Bảng 4.5. TTTT thực hiện các hành động ngôn trong giao tiếp của nam và nữ ..... 132 Bảng 4.6. Số lượng, tỉ lệ % TTTT thực hiện các HĐNT của nam và nữ trong giao tiếp ở trường học ........................................................................... 135 Bảng 4.7. Bảng so sánh nam và nữ sử dụng THG kèm TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ ........................................................ 138 Bảng 4.8. So sánh tần số và tỉ lệ dùng THG kèm trước và sau TTTT giữa nam và nữ ..................................................................................................... 141
  9. BẢN ĐỒ ĐIỀU TRA TTTTT CUỐI PHÁT NGÔN Ở NAM BỘ
  10. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Tiếng Việt có hệ thống tiểu từ tình thái (TTTT) đa dạng phong phú. Ngoài những TTTT toàn dân, trong mỗi vùng phương ngữ còn có những TTTT địa phương. Các TTTT địa phương được dùng trong giao tiếp, qua các ngữ cảnh sử dụng không những thể hiện các ý nghĩa tình thái đa dạng, tinh tế mà còn mang sắc thái phương ngữ. Cho nên, tìm hiểu ý nghĩa tình thái tiếng Việt, ngoài nghiên cứu TTTT toàn dân còn cần tìm hiểu ý nghĩa TTTT phương ngữ; điều này cần thiết không chỉ về ngôn ngữ mà còn cả mặt văn hóa, xã hội. Nghiên cứu tình thái trong phương ngữ là góp phần vào việc làm cho bức tranh tình thái của tiếng Việt ngày càng đầy đủ hơn trong sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt. 1.2. Là yếu tố mang chức năng ngữ nghĩa và chức năng dụng học nên khi được dùng trong giao tiếp, TTTT là một trong các nhân tố thể hiện thói quen vùng miền, ý thức xã hội về giới, địa vị, tuổi tác, bối cảnh (gia đình hay xã hội),…của người giao tiếp. Các TTTT cuối phát ngôn là một trong những phương tiện quan trọng để thực tại hóa câu, biến nội dung mệnh đề dưới dạng nguyên liệu, tiềm năng trở thành một phát ngôn trong tình huống giao tiếp nhất định. Vì vậy, tìm hiểu số lượng TTTT cuối phát ngôn và ý nghĩa của chúng trong giao tiếp của người Việt nói chung và người Nam Bộ (NB) nói riêng là một việc làm cần thiết để bổ sung cho lí thuyết về từ loại trong đó có các TTTT. Các TTTT cuối phát ngôn trong phương ngữ Nam Bộ (PNNB) gắn với hành động giao tiếp đã tạo ra sắc thái ngữ nghĩa riêng, mang đậm dấu ấn của địa phương. 1.3. Việc tìm hiểu ngữ nghĩa chức năng của TTTT giúp ta hiểu thêm một lớp từ vốn tồn tại trong PNNB từ trước đến nay chưa được đi sâu nghiên cứu một cách đầy đủ giúp hiểu rõ hơn đặc điểm văn hóa độc đáo của người dân phương Nam - vùng đất tuy non trẻ nhưng ẩn chứa nhiều nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt mà các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu nhưng chưa phải đã được giải mã đầy đủ một cách căn bản, hệ thống. Nghiên cứu các TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người NB không những cho thấy đặc điểm ngữ nghĩa và cách dùng lớp từ này ở NB mà còn góp phần làm rõ hơn đặc trưng văn hóa độc đáo của người dân phương Nam - vùng sông nước. Trên đây là những lí do luận án đi sâu vào tìm hiểu đề tài “TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Nam Bộ”
  11. 2 2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nguồn ngữ liệu Đối tượng nghiên cứu là các TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người Việt NB, gồm: - Các TTTT toàn dân được người NB dùng; - Các TTTT phương ngữ Nam Bộ. Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu TTTT cuối phát ngôn mà người NB dùng trong giao tiếp về các phương diện: - Đặc điểm ngữ nghĩa, cách dùng TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người NB, xét theo hành động ngôn ngữ; - Đặc điểm sử dụng TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người NBộ xét theo phân tầng xã hội về giới tính. Ngữ liệu dùng để nghiên cứu của đề tài là các phát ngôn có chứa các TTTT đứng cuối của người Việt NB được thu thập trực tiếp từ các cuộc hội thoại của người dân tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, huyện Trần Đề - Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Trên tư liệu 8531 phiếu điều tra điền dã ghi âm, làm phiếu khảo sát trên google fom chúng tôi đã tách các phát ngôn có TTTT đứng cuối câu để phân tích, mô tả,… các phát ngôn có TTTT mà chúng tôi khảo sát được thu thập theo giới, nhóm tuổi khác nhau trong xã hội. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Đề tài của luận án hướng đến hai mục đích chính sau: Làm rõ chức năng ngữ nghĩa của TTTT theo hành động ngôn trung và đặc điểm sử dụng của TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người NB theo phân tầng xã hội về giới. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài Để thực hiện đề tài này, luận án đặt ra những nhiệm vụ sau: 1). Điền dã khảo sát, thu thập thống kê số lượng, phân loại TTTT đối với những phát ngôn có các TTTT đứng cuối qua các cuộc giao tiếp trực tiếp và một phần từ văn bản văn chương, từ điển, google fom; 2). Nhìn lại một cách tổng quan tình hình nghiên cứu TTTT nói chung và trong PNNB nói riêng; xác định các cơ sở lí thuyết của đề tài;
  12. 3 3). Tìm hiểu ý nghĩa khái quát của các TTTT tiếng NB trên cơ sở so sánh đối chiếu với những TTTT toàn dân để rút ra điểm chung cũng như nét riêng biệt của TTTT cuối phát ngôn của người NB; 4). Mô tả và phân tích các TTTT tiếng NB trên hai phương diện: ngữ nghĩa - chức năng gắn với hành động ngôn ngữ trong giao tiếp và đặc điểm sử dụng TTTT cuối phát ngôn theo phân tầng xã hội về giới của người NB. 4. Phương pháp, thủ pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phối hợp các phương pháp, thủ pháp nghiên cứu sau: 4.1. Phương pháp nghiên cứu a. Phương pháp điều tra điền dã Chúng tôi ghi âm, quay video trực tiếp các cuộc thoại trong sinh hoạt hàng ngày của các đối tượng và làm fom chia sẻ qua google drive, câu trả lời sẽ được gửi phản hồi qua mail, qua zalo hoặc facebook, được phân biệt theo các điểm sau: 1). Hoàn cảnh phát ngôn: phát ngôn công khai và trực tiếp; 2). Nội dung phát ngôn: liên quan đến công việc thường ngày trong đời sống lao động, sinh hoạt của cộng đồng, những suy nghĩ, tình cảm của các thành viên trong cuộc sống gia đình, bạn bè, đồng nghiệp với nhau; 3). Độ tuổi: thanh niên, trung niên, cao niên; 4). Nghề nghiệp: những người lao động chân tay (công nhân, nông dân), viên chức, sinh viên, các nhà doanh nghiệp….; 5). Mối quan hệ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm; 6). Giới tính: nam, nữ. Chúng tôi ghi chép, gỡ băng ghi âm, chuyển thành văn bản, phân loại ghi lại các cuộc thoại có xuất hiện TTTT. b. Phương pháp miêu tả Luận án dùng phương pháp này để miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của TTTT cuối phát ngôn trong giao tiếp của người NB. c. Phương pháp phân tích diễn ngôn Phương pháp này được dùng để phân tích các tham thoại gắn với các nhân tố hội thoại cụ thể, như nhân vật giao tiếp (tuổi tác, giới, nghề, quan hệ), không gian, thời gian trong từng ngữ cảnh giao tiếp để xác định chính xác, sát thực nghĩa tình thái theo loại phát ngôn và hành động ngôn ngữ.
  13. 4 4.2. Thủ pháp nghiên cứu a. Thủ pháp thống kê phân loại Chúng tôi quan sát, phân loại số lượng lớn ngữ cảnh có các TTTT để thống kê phân loại các TTTT và các hành động lời nói có sự xuất hiện của các TTTT trong lời thoại của người NB. b. Thủ pháp phân tích, tổng hợp Trên cơ sở thống kê phân loại, so sánh đối chiếu, chúng tôi tiến hành phân tích và tổng hợp ý nghĩa cụ thể và ý nghĩa khái quát của các TTTT, ý nghĩa của chúng trong các nhóm hành động lời nói, những đặc trưng giới tính thể hiện qua việc sử dụng TTTT cuối phát ngôn của người NB. c. Thủ pháp so sánh Với kết quả miêu tả, phân tích, chúng tôi tiến hành so sánh TTTT Nam Bộ với TTTT toàn dân và phương ngữ khác; so sánh các TTTT tiếng địa phương có âm gần nhau, so sánh sự xuất hiện của các TTTT trong tham thoại giữa nam giới và nữ giới. 5. Đóng góp của luận án Luận án có những đóng góp sau: Đây là luận án đi sâu nghiên cứu TTTT cuối phát ngôn được người NB dùng trong giao tiếp diễn ra trong đời sống hằng ngày ở NB; luận án tìm hiểu sâu một cách hệ thống, phân tích chỉ ra đặc điểm ngữ nghĩa và sử dụng của lớp TTTT này trong các dạng phát ngôn gắn với hành động ngôn ngữ và vai giao tiếp; Đưa ra số lượng TTTT được dùng cuối phát ngôn trong giao tiếp của người NB, trong đó có hệ thống TTTT phương ngữ Nam Bộ, chỉ ra những nét khác biệt giữa nam và nữ trong việc sử dụng TTTT cuối phát ngôn. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận án gồm bốn chương như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài Chương 2: Nhận diện tiểu từ tình thái cuối phát ngôn và ngữ nghĩa của chúng trong giao tiếp của người Nam Bộ Chương 3: Đặc điểm sử dụng các tiểu từ tình thái cuối phát ngôn xét theo hành động ngôn ngữ Chương 4: Đặc điểm sử dụng các tiểu từ tình thái cuối phát ngôn xét theo phân tầng xã hội về giới tính
  14. 5 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tình thái và TTTT cuối phát ngôn 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước 1.1.1.1. Về tình thái Charles Bally (1932), nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Pháp, khi bàn về nghĩa của câu, đã đưa ra hai thuật ngữ dictum (điều được nói ra - là thành phần cốt lõi của câu) và modus (phương thức nói - bày tỏ thái độ của người nói đối với điều được nói ra) để nói về hai thành phần cơ bản trong nội dung ngữ nghĩa của loại đơn vị này và phân tích mặt logic của câu. Charles Bally cho rằng, câu là hình thức đơn giản nhất có thể có của việc thông báo ý nghĩ. Và ý nghĩ là phản ánh biểu tượng cùng với việc xác nhận sự có mặt của nó là thuộc về sự phán đoán, sự đánh giá nó là thuộc về cảm tính, sự mong muốn (không mong muốn) thuộc về ý chí. Với quan niệm như vậy, ông lưu ý: không nên quy ý nghĩ về các biểu tượng một cách đơn giản, kiểu biểu tượng loại trừ mọi sự tham gia tích cực từ phía chủ thể suy nghĩ. Từ đó ông phát biểu một cách cụ thể: câu hiển ngôn được làm thành từ hai bộ phận. Một bộ phận tương liên quan với quá trình tạo ra biểu tượng gọi là dictum. Bộ phận thứ hai chứa phần chủ yếu của câu, không có phần này thì nói chung không thể có câu được, đó chính là phần diễn đạt tính tình thái, một thao tác tương liên quan được tạo ra bởi chủ thể có tư duy, gọi là modus. Charles Bally đi đến đánh giá khái quát vai trò của tình thái: “Tình thái như linh hồn của câu; cũng như ý nghĩ, nó được tạo thành chủ yếu do kết quả của một thao tác tích cực của chủ thể nói. Cho nên, không thể đem lại cái giá trị “câu” cho một phát ngôn, nếu trong nó không phát hiện được một chút nào cách diễn đạt tính tình thái” (dẫn theo [131, tr.27]). Charles Bally đã rất đúng khi cho tình thái là linh hồn của phát ngôn; nếu không có tình thái thì nội dung phản ảnh hiện thực của câu chỉ là những mảnh hiện thực vô hồn như vật liệu rời rạc, khô cứng. Tình thái là phần vô cùng quan trọng không thể thiếu được của câu, không có tình thái thì không có câu, chỉ có biểu tượng về sự việc. Tình thái phải được diễn đạt bằng một phương tiện, ngôn ngữ nào đó có thể nhận biết được (ít nhất là trật tự từ trong câu). Modus được làm thành từ động từ tình thái với chủ thể tình thái. Tình thái của câu là sự đánh giá của người nói về sự việc được phản ánh, hai thành phần nội dung này gắn chặt với nhau.
  15. 6 Mặc dù đánh giá tình thái là thành phần ý nghĩa quan trọng của phát ngôn nhưng nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra tính phức tạp của phạm trù tình thái. Benveniste (1966) cho rằng, tình thái “là một phạm trù rộng lớn, khó có thể phạm trù hóa được..., nó gắn với những chờ đợi, mong muốn, đánh giá, thái độ của người nói đối với nội dung phát ngôn, với người đối thoại, với những kiểu mục đích phát ngôn: hỏi, cầu khiến, trần thuật v.v. và có thể được thể hiện bằng những phương tiện đủ loại: thức của động từ, quán ngữ v.v.” (dẫn theo [43, tr.17,18]). Tán đồng với quan niệm về tình thái của Ch. Bally, Oswld Ducrot (1972) đã khái quát một cách ngắn gọn về hai thành phần ý nghĩa trong phát ngôn: “Các nhà logic và các nhà ngôn ngữ luôn luôn cho là cần thiết phải phân biệt trong một hành động phát ngôn, một nội dung thuộc về sự biểu hiện, đôi khi được gọi là dictum (đặt trong mối quan hệ của vị ngữ đối với chủ ngữ) và một thái độ của chủ thể nói đối với nội dung đó (đó là modus), hay là modalité - tính tình thái)”. Đồng thời tác giả cũng không quên nêu lên tính phức tạp trong việc nhận diện, phân định rạch ròi tình thái với nội dung có liên quan: “Trong nhiều trường hợp không có những tiêu chuẩn xác định để phân biệt những gì gắn với vị ngữ (và là cái nằm trong dictum), với những gì là cái thái độ có liên quan đến sự vị ngữ hóa (và vì thế mà thuộc về modus)” (dẫn theo [131, tr.28]). Sau khi nêu một cách ngắn gọn quan niệm của mình về tình thái, J.Lyons (1977) định nghĩa: “Tình thái là thái độ của người nói đối với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay cái sự tình mà mệnh đề đó miêu tả” [207, tr. 425]. Tác giả còn phân tình thái làm hai loại (tình thái nhận thức và tình thái trách nhiệm) và phân biệt: “Tính thái nhận thức liên quan đến các vấn đề về sự hiểu biết và niềm tin, tình thái trách nhiệm, về phần mình, liên quan đến tính cần thiết và tính khả năng của các hành động được thực hiện bởi những tác thể có trách nhiệm về luận lí” [207, V.5 ; tr. 2516]. Cũng nhìn nghĩa tình thái từ góc nhìn chức năng, M.V.Liapol (1980) nhấn mạnh mối quan hệ phát ngôn với thực tế và thái độ đánh giá của người phát ngôn. Tác giả đã cho rằng: “Tình thái là phạm trù ngữ nghĩa - chức năng thể hiện các dạng quan hệ khác nhau của phát ngôn với thực tế cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác nhau đối với điều được thông báo”(dẫn theo [53, tr.12-13]). Đồng quan điểm với M.V.Liapol, nói đến tình thái, B.Gak (1986) cũng đề cập tới tới hai quan hệ, thái độ người nói đối nội dung được phản ánh và nội dung phát ngôn với thực tế và nhấn mạnh thêm tính chủ quan của chủ thể phát ngôn trong việc phản ánh thực tế thể hiện trong phát ngôn. Tác giả quan niệm: “Phạm trù tình thái phản ánh mối quan hệ của người nói đối với nội dung phát ngôn và nội dung phát ngôn
  16. 7 đối với thực tế. Tình thái biểu hiện nhân tố chủ quan của phát ngôn: đó là sự khúc xạ của một phân đoạn thực tế qua nhận thức của người nói” [192, tr.133]. F.R.Palmer (1986) cũng cho rằng tình thái là một phạm trù phức tạp, nên khi bàn đến khái niệm này, tác giả đã đưa ra nhiều đối lập để làm sáng tỏ nó. Trước hết ông phát biểu quan điểm của mình: “Khái niệm tình thái, tuy thế, vẫn chỉ là một khái niệm hết sức mơ hồ... tuy nhiên xét về đại thể thì (cách hiểu tình thái là) “quan điểm thái độ của người nói của Lyons (1977) [207, tr. 452] tỏ ra có nhiều hứa hẹn”. Ông cho rằng không phải bao giờ cũng có thể vạch được một sự phân biệt rõ ràng giữa thức và hệ thống tình thái. Theo sự phân loại của ông, hệ thống tình thái bao gồm tình thái mệnh đề và tình thái sự kiện; trong mỗi loại như vậy, Palmer lại phân ra hai loại tình thái chính. Cụ thể, tình thái mệnh đề bao gồm hai loại tình thái chính là tình thái nhận thức và tình thái hữu chứng; tương tự, tình thái sự kiện cũng được chia thành hai kiểu tình thái chính là tình thái đạo nghĩa và tình thái trạng huống. Palmer đi đến định nghĩa: “Tình thái là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói đến trong câu” [217, tr. 14]. Đứng trước tính phức tạp, không hề rõ ràng của phạm trù tình thái, F.Kiefer (1994) đã cố gắng phân tích chỉ ra cái thực chất, bản chất của tình thái cũng như những vấn đề quan trọng khác, khi nhìn rộng ra những mối liên quan. Nói về tình thái, tác giả nêu mặt “giá trị”có được của tình thái chính là mối quan hệ giữa nghĩa sự việc được nói đến trong câu và cái môi trường (thế giới thực tại cũng như không thực tại) mà câu đó được ứng dụng vào, chứ không quy nó về mặt “nghĩa” như cách hiểu thông thường. Ông cho rằng liên quan đến tình thái là có thể rất nhiều thứ, và ông gọi đó là “thế giới”. Các thế giới liên quan đến tình thái có thể là thế giới vật lí, hoặc thế giới nhận thức, hoặc thế giới các quan hệ trừu tượng. Tình thái chỉ là một phương diện trong sự tạo lập tương đối. Trong sự tạo lập tính tương đối còn có thể có các mặt khác nữa. Kiefer cũng lưu ý rằng, chỗ quan trọng là cần phân biệt tình thái trong câu với việc diễn đạt một trạng thái tinh thần của người nói; tình thái được tạo thành bởi một ngữ và động từ tình thái đứng trước một mệnh đề chỉ sự việc; còn câu diễn đạt cái trạng thái tinh thần cần được miêu tả của người nói thì đứng trước một danh từ hay một cụm danh từ (danh từ này có thể có một mệnh đề làm thành tố phụ). Tác giả cho rằng: “Thực chất của tình thái là sự thiết lập mối quan hệ về các giá trị của các ý nghĩa của câu với một tập hợp thế giới có thể có” [202, tr. V.5; tr. 2515]. Halliday (1994) là người xem tình thái không phải là một thành phần đơn lẻ mà là một hệ thống (Modality System). Hệ thống tình thái này bao gồm các thành tố được tác giả đặt trong mối quan hệ mang tính phân cực (poliraity). Tính phân cực đó được
  17. 8 làm thành do cực “dương tính” (positive) và cực “âm tính” (negative). Và ông cho rằng, tính phân cực tác động đến cả hai lĩnh vực, lĩnh vực thông tin và lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, giữa hai cực đó là thang độ của các tình thái khác nhau. Theo tác giả: “Tình thái liên quan đến miền nghĩa nằm giữa hai cực có “yes” và không “no” - khu vực trung gian giữa cực khẳng định và cực phủ định” [199, tr.356]. Hệ thống tình thái theo quan niệm của của Halliday gồm có hai kiểu lớn là tình thái hóa (Modalization) và biến thái hóa (Modulation). Mỗi kiểu như vậy lại được ông chia thành hai kiểu nhỏ hơn, theo nội dung khái quát của chúng. Kiểu tình thái hóa gồm có tính khả năng (probality) và tính thường (usuality - hằng tính). Kiểu biến thái hóa gồm có sự bắt buộc (obligation) và sự mong muốn (inclination). Kiểu tình thái hóa được tác giả quan niệm là kiểu câu thực hiện chức năng “thông tin” (information), nó là một mệnh đề (proposition - trong cách phân biệt của chính tác giả), thuộc kiểu thức chỉ định (indicative). Kiểu biến thái hóa là kiểu câu thực hiện chức năng “hàng hóa và dịch vụ” (goods and service), nó là một đề nghị (proposal - phân biệt với mệnh đề), thuộc kiểu thức cầu khiến. Chúng ta có thể thấy rằng, so với quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu khác thì kiểu tình thái hóa của Halliday tương tự với kiểu tình thái nhận thức, còn kiểu biến thái hóa thì tương tự với kiểu tình thái trách nhiệm mà nhiều tác giả đã nêu. Điều chú ý nữa là, khi xem xét tình thái, Halliday không chỉ quan tâm phương diện giá trị diễn đạt của yếu tố tình thái, mà còn đặt tính tình thái trong mối quan hệ với ngữ pháp của câu, có tính đến thức của động từ (hoặc thức của câu). Cho nên, kiểu tình thái hóa của ông được liên hệ với cách diễn đạt bằng thức chỉ định, kiểu biến thái hóa được liên hệ với các diễn đạt bằng thức mệnh lệnh của động từ hoặc của câu. Một điểm chốt quan trọng nữa trong nhìn hệ thống về tình thái của Halliday là ông cũng quy tình thái về hai loại là tình thái nhận thức và tình thái trách nhiệm, như quan niệm của nhiều tác giả khác. Ông đã cho rằng: “Trong ngữ nghĩa học xét theo triết học, tính khả năng đã được nhắc đến như là tình thái “nhận thức”, còn sự bắt buộc thì như là tình thái “trách nhiệm” [199, tr. 357]. Trong bài mở đầu tuyển tập Tình thái trong ngữ pháp và trong diễn ngôn (1995), sau khi dẫn ra một số lí do, John Bybee đã đưa ra đề nghị về tên gọi và các nội dung của ba kiểu tình thái mà ông đã đề cập từ năm 1985 là: “Tình thái hướng tác thể bao gồm tất cả các kiểu nghĩa tình thái đặt các điều kiện trên cơ sở một tác thể liên quan đến việc hoàn tất một hành động được nêu ra bằng vị ngữ chính, chẳng hạn như sự bắt buộc, sự hài lòng, năng lực, sự được phép và tính khả năng, trách nhiệm... Tình thái nhận thức thì vẫn theo định nghĩa truyền thống của nó: các cách nhận thức là các chỉ tố có tầm câu nêu sự đoán chắc của người nói đối
  18. 9 với tính đúng của mệnh đề.... Các yếu tố đánh dấu các câu điều khiển, như là câu mệnh lệnh, câu mong mỏi hoặc được phép, những câu giới thiệu các hành động nói mà thông qua chúng một người nói cố gắng điều khiển một người nghe hành động, được gọi là tình thái hướng người nói” [187, tr. 4]. Tình thái hướng tác thể, theo cách gọi thường dùng đó là tình thái trách nhiệm, tình thái hướng người nói, cách gọi quen thuộc ở Việt Nam là tình thái của hành động nói. Cùng trong cuốn sách trên, Jennifer Coates có bài “Cách diễn đạt tính khả năng của tình thái cội nguồn và tình thái nhận thức” (“The expression of Root àn Epistemic Possiblity in English”). Ông đã phân biệt tình thái cội nguồn và tình thái nhận thức: “Tình thái nhận thức liên quan đến các tiền ước hoặc cách đánh giá của người nói về các tính khả năng, và trong đại đa số trường hợp, nó chỉ ra niềm tin hoặc sự thiếu vắng niềm tin của người nói vào tính đúng của mệnh đề được diễn đạt. Tình thái cội nguồn bao gồm các thứ ý nghĩa như là sự được phép và sự bắt buộc, và có cả tính khả năng, tính tất yếu” [187, tr.55]. Như vậy, tuy hướng tiếp cận, quan niệm, phạm vi nghiên cứu tình thái rộng hẹp khác nhau nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng, tình thái là thành phần nghĩa thể hiện thái độ của người nói đối với hiện thực được phản ánh, hoặc với đối tượng giao tiếp. Tình thái là một phạm trù phức tạp, luôn gắn với thức; có nhiều kiểu loại khác nhau và giữa chúng không có ranh giới rõ ràng. 1.1.1.2. Về tiểu từ tình thái và tiểu từ tình thái cuối phát ngôn Có nhiều tác tác giả nước ngoài đã nghiên cứu TTTT. Ngoài việc bàn về tình thái trong ngôn ngữ nói chung, khi viết về ngữ pháp tiếng Việt (bằng tiếng Nga), các tác giả I. I. Glebova, V.M. Solntsev, Yu. Lekomtsev, Bystrov,... đã có đề cập đến TTTT. Họ phân loại TTTT theo tiêu chí ngữ nghĩa như: TT có tính chất nghi vấn, TT nhấn mạnh, TT chỉ ra sự đối lập. Nhưng chưa có tác giả nào nghiên cứu chuyên sâu về tình thái cũng như những phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong tiếng Việt. Theo Vinogradov, “Thuật ngữ tiểu tố, cũng như những thuật ngữ ngữ pháp khác đã được ngữ pháp Nga mượn lại của các nhà ngữ pháp cổ điển, được dùng theo hai nghĩa, nghĩa chung và nghĩa riêng”. “Tiểu tố của lời nói” trong đó có cả liên từ và giới từ, khác với các từ loại khác. Đó là nghĩa chung. Theo nghĩa này, khái niệm tiểu tố bao gồm toàn bộ các loại được gọi là trợ từ, hình thức từ..., nghĩa là những từ thường không có một nghĩa độc lập, không có nghĩa “thực”, nghĩa vật chất mà chủ yếu là đóng góp những sắc thái bổ sung vào nghĩa của các từ ngữ khác, hoặc giả được dùng để biểu đạt những mối quan hệ ngữ pháp, logic, hay biểu cảm khác nhau” (dẫn theo Walter Ardnt 1995 [185,324]).
  19. 10 Còn theo D.Hartmann, ở cuối thể kỷ XX có ba cách hiểu TT: “Theo nghĩa rộng, TT là “các yếu tố không thể biến đổi được theo nguyên tắc hình thái học”; theo nghĩa hẹp: “Các yếu tố bất biến không phải là giới từ, liên từ, hoặc phụ từ... nói cách khác, đó là các TTTT (modal particles), và TT nhấn mạnh (focus particles); theo thực tiễn phân loại: một tiểu nhóm nằm trong khối các yếu tố bất biến như phụ từ, liên từ, và giới từ” [200, 2953 -2958]. Theo Kiefer: Việc nghiên cứu về TTTT kể từ những năm đầu của thập kỉ 90 tập trung vào những vấn đề sau: Ngữ pháp và ngữ nghĩa của TTTT: “Cụ thể là đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi đại loại như: Thái độ cú pháp của TTTT liên quan tới cấu trúc cú pháp nói chung của ngôn ngữ như thế nào? Liệu có thể xác định một ý nghĩa thực sự cho mỗi TTTT hay không? Nếu có thể xác lập một ý nghĩa đích thực cho mỗi TTTT, làm sao có thể giải thích việc quan sát được hàng loạt những ý nghĩa khác? Tìm kiếm một đặc điểm loại hình học cho TTTT liệu có phải là một nhiệm vụ khả thi không?” [202, 2525]. Về TTTT cuối câu, cũng theo Kiefer: tác giả đã chỉ ra, khác các TTTT khác, TTTT cuối câu là yếu tố không tham gia vào cấu trúc câu nên có ý nghĩa tình thái hóa câu chứ không phải là tình thái hóa cho bộ phận nào đó trong câu. Tác giả viết: "The main synatic problem with modal particles, however, is connected with the fact that these particles can not be easily intergrated into sentence structure. They are certainly not constituents and they do not enter into any modifier-head relation. And they are not conjuctions either. Perhaps they can best described as "sentence operator" which map sentences into modalized sentences." (Kiefer 1992) [202, 2519] (“TTTT cuối câu không có quan hệ chính phụ với bất cứ từ nào trong câu, là một “tác tử câu” không tham gia vào cấu trúc ngữ đoạn, xét về ý nghĩa thì tình thái hóa cả câu chứ không tình thái hóa ngữ đoạn đi trước nó”). Như vậy, vị trí, chức năng, vai trò của TTTT cuối câu trong quan hệ với cấu trúc câu ít nhiều cũng đã được các nhà nghiên cứu nước ngoài bàn đến, trong đó vấn đề TTTT trong tiếng Việt đã được một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ ở Nga nói tới nhưng chưa được nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu trong nước 1.1.2.1. Về tình thái Ở Việt Nam, tuy tình thái chỉ mới bắt đầu được đề cập đến từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng cho tới nay đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trực tiếp đến vấn đề này ở bình diện lí thuyết cũng như những nghiên cứu trường hợp cụ thể.
  20. 11 Cũng như các công trình ở nước ngoài, ở Việt Nam, thời kì đầu nghiên cứu tình thái chịu ảnh hưởng của logic học; nằm trong xu hướng chung đó, ngữ pháp truyền thống tiếng Việt cũng có những bất cập trong nghiên cứu tình thái. Cao Xuân Hạo (1991) cho rằng: “Trong logic học, nội dung của một mệnh đề được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gọi là ngôn liệu (lexis hay dictum), tức các tập hợp gồm sở thuyết (vị ngữ logic) và các tham tố của nó được xét như một mối liên hệ tiềm năng, và phần thứ hai gọi là phần tình thái (modalité) là cách thức thực hiện mối liên hệ ấy, cho biết mối lên hệ là có thật (hiện thực) hay là không có (phủ định nó, coi là phi hiện thực), là tất yếu hay không tất yếu, là có thể hay không có thể có được” [61, tr. 50]. Trong Việt ngữ học, thời kì đầu, tình thái chưa được nghiên cứu hiệu quả một phần là do chịu ảnh hưởng của ngữ pháp cấu trúc - ngữ pháp truyền thống. Cao Xuân Hạo phát biểu: “Ngữ pháp truyền thống, với sự thiên vị cố hữu đối với hình thức diễn đạt, rất ít khi miêu tả các phương tiện tình thái một cách có hệ thống... nhiều khi, những từ biểu đạt tình thái được liệt vào loại hư từ, nghĩa là những từ công cụ không có nghĩa từ vựng mặc dầu nghĩa của các từ tình thái, nếu không muốn dùng các từ này, phải được diễn tả bằng cả một câu hay một tiểu cú gồm nhiều thực từ” [61, tr. 52]. Theo hướng nghiên cứu chức năng - nghĩa, tình thái trong tiếng Việt càng ngày càng được nghiên cứu rộng rãi và chuyên sâu. Đã có nhiều công trình của nhiều tác giả công bố về tình thái trong tiếng Việt; công trình Trợ từ trong tiếng Việt hiện đại (2003) của Phạm Hùng Việt là một trong số đó. Trong cuốn sách này, như một tổng kết, ở chương I, tác giả đã trình bày kỹ lưỡng phần lí thuyết về tính tình thái và đã tổng hợp, đánh giá, phân những nghiên cứu tình thái hiện nay thành ba hướng: 1) Hướng thu hẹp khái niệm tình thái trong ngôn ngữ học, tổ chức nó bởi ba kiểu phán đoán tình thái: khả năng hiện thực, cần yếu - là những kiểu ở lô gic hình thức; 2) Mở rộng quá mức khái niệm tình thái thành một phạm trù tổng hợp đa chiều; 3) Cho tình thái là toàn bộ quan hệ của nội dung của câu nói đối với thực tế [175, tr. 30]. Cùng với Phạm Hùng Việt, Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp (2003) là một trong các tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về tình thái trong tiếng Việt nhất, hai tác giả cũng đã khái quát các quan điểm nghiên cứu về tình thái trong ba kết luận cơ bản. Ở đây, chúng tôi xin được rút gọn nhận xét, ý kiến của hai tác giả như sau: “a/. Không nên quy các kiểu quan hệ tình thái trong ngôn ngữ tự nhiên vào một số phạm trù logic của tình thái cổ điển”. “b/ Cũng không nên quy tình thái vào những kiểu phương tiện chỉ nằm trong cơ cấu hình thái cú pháp (chẳng hạn thức)”. “c/. Đặt trong sự đối lập nền tảng, giữa tình thái và nội dung mệnh đề, bản thân thuật ngữ này chưa đủ xác định, và
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
16=>1