intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ: Quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam

Chia sẻ: Na Na | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:167

186
lượt xem
47
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của luận án: Làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm trong nước và quốc tế về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế; đề xuất các giải pháp nhằm áp dụng có hiệu quả quản lý rủi ro trong thanh tra thuế đối với các DN ở Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ: Quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam

  1. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh tế đầu tư vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó số lượng các DN ngày càng gia tăng. Phương thức quản lý thuế đối với các DN theo kiểu truyền thống là thanh tra, kiểm tra lần lượt các DN thì sẽ không đủ nguồn lực và không đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của quản lý thuế. Tình hình này đòi hỏi phải có cơ chế, phương pháp quản lý mới hiệu quả hơn. Trong những năm gần đây, ngành Thuế đã từng bước áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động quản lý thuế. Qua một số năm áp dụng đã bước đầu phát huy hiệu quả và được xác định là hướng đi đúng đắn trong quá trình hiện đại hóa ngành Thuế. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế, ngành Thuế đã chủ động đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung qui định về áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Quy định này đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 năm 2012 thông qua tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Những vấn đề lý luận căn bản về quản lý rủi ro trong quản lý thuế cũng đã được nghiên cứu, bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, với mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế có những cơ chế, phương thức tổ chức quản lý xã hội, quản lý thuế khác nhau thì cũng có những luận điểm riêng trong quản lý rủi ro về thuế. Tuy nhiên, khoa học là con đường không có giới hạn cuối cùng. Khi thực tiễn tiếp tục thay đổi thì cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung và phát triển cơ sở lý luận làm nền tảng cải tạo thực tiễn. Đặc biệt, việc nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện cơ sở lý luận về vận dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế ở Việt Nam trong điều kiện thực tiễn Việt Nam mang cả ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Theo đó, việc tiếp tục nghiên cứu quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế hướng đến mục tiêu rút ra những giá trị cốt lõi phù hợp với thực tiễn
  2. 2 Việt Nam và sự những điều chỉnh cần thiết trong quá trình vận dụng trong quản lý thuế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các nước về quản lý rủi ro trong quản lý thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng để có được bài học thực tiễn khi áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, nhằm giảm bớt, rút ngắn quán trình thử nghiệm, góp phần hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong thời gian tiếp theo. Quá trình tổ chức thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nói chung, cải cách hành chính về thuế nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế của mình với Nhà nước. Đồng thời, cũng giúp cơ quan thuế quản lý được tốt hơn, hạn chế tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Những năm qua ngành Thuế đã có nhiều bước đột phá trong việc thí điểm áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và trong thanh tra thuế. Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những thành công nhất định, song việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định cần khắc phục, đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn đầu áp dụng phương thức quản lý này ở Việt Nam. Bởi vậy, việc nghiên cứu về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với DN là cần thiết khách quan cả về lý luận và thực tiễn. Do việc nghiên cứu hoàn thiện quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế có tầm quan trọng như vậy nên trong thời gian vừa qua ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về chủ đề này và đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tính đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và chuyên sâu về chủ đề này ở Việt Nam. Xuất phát từ những lý do trên, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ “Quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu
  3. 3 Luận án nghiên cứu các cách thức, phương pháp áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu đối với người nộp thuế là DN do cơ quan thuế quản lý, không bao gồm DN kê khai thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do cơ quan Hải quan quản lý, DN hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Luận án không nghiên cứu về thanh tra thuế theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, không nghiên cứu thanh tra lại (phúc tra) kết quả thanh tra và thanh tra hoàn thuế. Giới hạn về không gian nghiên cứu của luận án là các DN do Cơ quan thuế tiến hành thanh tra thuế. Thời gian đánh giá thực trạng giới hạn trong giai đoạn 2009 – 2014. Các giải pháp được kiến nghị cho cơ quan thanh tra thuế ở cấp Tổng cục, Cục Thuế, không áp dụng cho Chi cục Thuế do chưa có bộ phận thanh tra. Lộ trình áp dụng các giải pháp kiến nghị áp dụng từ năm 2015 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 3. Mục tiêu nghiên cứu Mục tiêu chung: Làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm trong nước và quốc tế về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế. Đề xuất các giải pháp nhằm áp dụng có hiệu quả quản lý rủi ro trong thanh tra thuế đối với các DN ở Việt Nam trong thời gian tới. Mục tiêu cụ thể: Một là, đánh giá những kết quả nghiên cứu đã đạt được, những vấn đề chưa nghiên cứu (khoảng hở) của các công trình đã công bố trước đây nhằm tìm ra hướng nghiên cứu riêng của tác giả đối với quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với DN. Hai là, hệ thống hóa, bổ sung và phát triển cơ sở lý luận về quản lý rủi ro trong thanh tra thuế đối với DN. Ba là, vận dụng phương pháp khảo sát đánh giá thực trạng áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế đối với DN của CQT ở Việt Nam, chỉ ra những mặt được và chưa được cũng như những nguyên nhân chủ quan, khách quan của
  4. 4 những hạn chế liên quan đến áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế giai đoạn 2009-2014. Bốn là, nêu những quan điểm về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với DN thời gian tới và tìm ra các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với DN phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phương pháp luận nghiên cứu duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Phương pháp duy vật biện chứng được sử dụng để nhận thức bản chất của các hiện tượng tự nhiên, kinh tế-xã hội. Đối tượng nghiên cứu là quản lý rủi ro trong thanh tra thuế được đặt trong trạng thái vận động phát triển và có các mối liên hệ chặt chẽ, biện chứng, cho phép phân tích tổng hợp một cách khách quan các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài ảnh hưởng đến quản lý rủi ro trong thanh tra thuế ở Việt Nam qua nhiều năm, cho chúng ta một cách nhìn khoa học xuyên suốt nhằm đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra thuế phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Phương pháp duy vật lịch sử được sử dụng khi đặt đối tượng nghiên cứu là quản lý rủi ro trong thanh tra thuế trong giai đoạn cụ thể (2009-2014), với những chính sách chủ trương của Đảng trong từng giai đoạn, đứng trên quan điểm lịch sử để đánh giá, đồng thời dựa vào những tiền đề đó được hình thành trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra thuế của ngành Thuế để tìm hiểu, kiểm chứng và đánh giá quá trình phát triển trong tương lai. Luận án còn sử dụng phương pháp thu thập và xử lý số liệu qua các tài liệu thứ cấp đã được công bố qua các báo cáo tổng kết, niên giám thống kê, tạp chí khoa học có uy tín và trên cả các website của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Phương pháp này chủ yếu dùng để nghiên cứu Chương 3- Thực trạng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2009 – 2014. Sau khi thu thập số liệu, luận án sử dụng phương pháp thống kê, mô tả để tiến hành tổng hợp các loại chỉ số tương đối, tuyệt đối và số bình quân. Trên cơ
  5. 5 sở đó, luận án mô tả quy mô và sự thay đổi của các số liệu về quản lý rủi ro trong thanh tra thuế đối với các DN ở Việt Nam. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng trong chương 3, 4 của Luận án. Với những tài liệu được thống kê, luận án sử dụng phương pháp so sánh để phân tích các hiện tượng kinh tế, xã hội mang tính thống nhất giữa hiện tượng này với hiện tượng khác, giữa kỳ báo cáo với kỳ gốc, giữa loại hình này với loại hình khác. Phương pháp này được vận dụng chủ yếu ở chương 3 trong Luận án. Với phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng ở chương 1, tác giả đã tổng hợp các công trình nghiên cứu đã công bố có liên quan đến luận án về những mặt đã nghiên cứu và khoảng hở cần tiếp tục nghiên cứu, để tổng hợp phân tích thực trạng quản lý rủi ro. Đồng thời, tại chương 3 phương pháp này được dùng để phân tích, tổng hợp thực trạng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế, từ đó khái quát các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của quản lý rủi ro thanh tra thuế thời gian qua. Phương pháp còn được tái sử dụng khi tác giả đưa ra các yêu cầu, định hướng đối với quản lý rủi ro thanh tra thuế trong thời gian tới ở chương 4. Đóng góp vào thành công của đề tài, tác giả đã vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp nghiên cứu tại bàn và khảo sát trực tiếp từ các cán bộ thanh tra trong ngành Thuế: số liệu sơ cấp có được từ việc khảo sát bằng bảng hỏi với mẫu khảo sát gồm 350 công chức thanh tra thuế tại 15 cơ quan thuế ở các miền (Bắc, Trung, Nam), ở các vùng (vùng núi, đồng bằng, thành phố) được lựa chọn ngẫu nhiên, đã nhận về 281 phiếu khảo sát. Cách thức khảo sát: phát trực tiếp phiếu câu hỏi khảo sát đến các cán bộ thuế. Nội dung khảo sát: tính hiệu quả của thanh tra thuế theo cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Cách thiết kế câu hỏi và bảng hỏi: Các câu hỏi thiết kế theo hai dạng: đóng (chọn một phương án đúng) hoặc mở (có thể có nhiều đáp án đúng hoặc có cách trả lời khác). Cách thức tổng hợp kết quả khảo sát: Bảng hỏi được thu thập theo kênh gửi qua hình thức thu trực tiếp kết hợp với phỏng vấn trực tiếp các cán bộ thanh
  6. 6 tra thuế. Số liệu xử lý tính toán với phần mềm xử lý số điều tra xã hội học (Software package for social survey- SPSS version 16.0). Kết quả khảo sát thể hiện góc nhìn của cán bộ thanh tra thuế - là những người trực tiếp tham gia vào quản lý rủi ro qua hoạt động thanh tra thuế. 5. Câu hỏi nghiên cứu Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, luận án cần phải trả lời được các câu hỏi chủ yếu sau đây: - Thế nào là quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế? - Quy trình áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế như thế nào ? - Các nước trên thế giới đã áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế như thế nào? Những kinh nghiệm gì tốt và chưa tốt có thể rút ra cho quá trình vận dụng ở Việt Nam? - Đánh giá rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế dựa trên những tiêu chí nào? Kết quả vận dụng quản lý rủi ro vào thanh tra thuế được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào? - Những nhân tố nào ảnh hưởng tới áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp? - Thực trạng áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế ở Việt Nam như thế nào? Nguyên nhân của thực trạng đó? - Để đáp ứng cải cách hiện đại hóa thanh tra thuế đến 2020 cần đưa ra yêu cầu gì khi triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế? - Các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế trong thời gian tới? Điều kiện để thực hiện các giải pháp? 6. Kết cấu của Luận án Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, luận án được trình bày trong 4 Chương. Cụ thể như sau: - Chương 1: Tổng quan nghiên cứu về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế.
  7. 7 - Chương 2: Những vấn đề lý luận về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp. - Chương 3: Thực trạng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2009 – 2014. - Chương 4: Giải pháp hoàn thiện quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam.
  8. 8 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ QUẢN LÝ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA THUẾ 1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC Trong những năm gần đây, ở Việt Nam chưa có công trình khoa học cấp Bộ, luận án Tiến sĩ nghiên cứu trực tiếp về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế. Đã có một số công trình khoa học của các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh và học viên cao học nghiên cứu có liên quan với vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các công trình khoa học này cũng vẫn có những nội dung liên quan đến quản lý rủi ro trong thanh tra thuế nhưng chưa được đề cập hoặc phân tích kỹ. Do vậy, trên cơ sở kế thừa những công trình nghiên cứu đó, tác giả tiếp tục phát triển, bổ sung, cập nhật và có hướng nghiên cứu mới trong Luận án của mình. Tiêu biểu là các công trình nghiên cứu sau đây: 1.1.1. Luận án tiến sĩ kinh tế Luận án Tiến sĩ kinh tế của Nguyễn Xuân Thành (2013) về đề tài "Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở Việt Nam giai đoạn hiện nay", Học viện Tài chính, Hà Nội. Nhận thức được tầm quan trọng của quản lý rủi ro trong việc nâng cao hiệu quả thanh tra thuế, phần lý luận tác giả phân tích tương đối cụ thể về phương pháp phân tích rủi ro: phân tích dọc, ngang, phân tích tỷ suất các báo cáo tài chính, tờ khai thuế, lịch sử tuân thủ của DN. Tác giả chỉ rõ những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp phân tích rủi ro. Trong phần thực trạng về hiệu quả thanh tra thuế, tác giả đã đánh giá phân tích rủi ro chủ yếu ở khâu lập kế hoạch thanh tra (là một khâu trong quy trình thanh tra). Tác giả nhận định khá chính xác khi cho rằng "Việc phân tích rủi ro trong thanh tra thuế mới chỉ dừng lại ở một số bước đánh giá cơ bản, chất lượng chưa cao” và nguyên nhân là do “ngành Thuế chậm ban hành và chưa chọn lọc áp dụng hệ thống tiêu chí đánh giá, chấm điểm rủi ro”.
  9. 9 Các kết quả thanh tra thuế được tác giả đánh giá theo các tiêu chí hiệu quả là một hướng nghiên cứu mới, tương đối logic. Đặc biệt, việc kiến nghị nâng cao chất lượng cuộc thanh tra, cải tiến khâu lập kế hoạch thanh tra thông qua việc áp dụng một số tiêu chí phân tích rủi ro, kiến nghị áp dụng hệ thống chấm điểm rủi ro tự động và phân loại DN để có chiến lược xử lý rủi ro cụ thể là những giải pháp có tính khả thi của tác giả. Những nội dung sẽ được cập nhật, bổ sung, phát triển thêm: Luận án đã tập trung vào việc phân tích rủi ro để lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra, nhưng chưa có những phân tích, giải pháp để hạn chế rủi ro trong quá trình tiến hành thanh tra tại DN, quá trình ra kết luận thanh tra thuế đối với DN. Các giải pháp của tác giả nêu trong luận án chủ yếu tập trung đề cập đến việc nâng cao hiệu quả thanh tra, chưa đi sâu đề xuất các giải pháp trực tiếp nâng cao chất lượng quản lý rủi ro. Nâng cao chất lượng quản lý rủi ro cũng sẽ góp phần làm nâng cao hiệu quả thanh tra thuế. Ngoài luận án tiến sĩ của Nguyễn Xuân Thành nghiên cứu chuyên sâu về thanh tra thuế, trong thời gian vừa qua ở Việt Nam có nhiều luận án tiến sĩ nghiên cứu về quản lý thuế như: Luận án tiến sĩ của Lê Duy Thành (2007) về đề tài “Đổi mới quản lý thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế ở Việt Nam”; Luận án tiến sĩ của Hoàng Thị Thúy Ngọc (2010) với đề tài “Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”; Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Thùy Dương (2011) với đề tài “Quản lý thuế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”... Khi nghiên cứu về quản lý thuế, các công trình trên có đề cập đến thanh tra thuế và có đề cập ở những mức độ nhất định đến hiện đại hóa quản lý thuế nói chung và ứng dụng quản lý rủi ro vào quản lý thuế nhưng do đó không phải là nội dung trọng tâm của những công trình nghiên cứu này nên mức độ nghiên cứu về quản lý thuế rủi ro trong quản lý thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng còn chưa sâu sắc, chưa toàn diện, chưa giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra.
  10. 10 1.1.2. Luận văn thạc sĩ kinh tế (1) Nguyễn Thị Thu Vân (2009), Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, Học viện Tài chính, Hà Nội. Những vấn đề đã được nghiên cứu: Ngoài lý luận chung về rủi ro tiếp cận theo phương pháp truyền thống, tác giả đã nêu được một số vấn đề lý luận về rủi ro về thuế, rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, chỉ ra nguyên nhân gây ra rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế. Luận văn nêu rõ về quy trình, phương pháp phân tích, đánh giá rủi ro. Tác giả luận văn đã tổng hợp được các kinh nghiệm quản lý rủi ro trong kiểm tra, thanh tra thuế của Mỹ, Canada, Anh và rút ra bốn bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tác giả đã đánh giá tương đối rõ về thực trạng quản lý rủi ro về thuế của toàn hệ thống thuế, có phân chia theo cơ quan thuế các cấp: Tổng cục Thuế (cấp chiến lược), Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp hoạch định triển khai) và ở Chi cục Thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp chiến thuật). Tác giả đã phân tích ba nhóm tiêu chí đánh giá rủi ro gồm: tiêu chí phân loại DN, tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về thuế và tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro tờ khai thuế. Tác giả đã phân tích chi tiết khâu tổ chức thực hiện quản lý rủi ro qua hai khâu chính là: lập kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra DN. Tác giả đánh giá hiệu quả, rút ra năm kết quả chủ yếu và bốn hạn chế, tồn tại qua hai năm (2007-2008) áp dụng quản lý rủi ro trên phạm vi toàn hệ thống Thuế. Phần giải pháp, tác giả tập trung khai thác giải pháp hoàn thiện kỹ thuật quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, nhấn mạnh việc lựa chọn đúng DN cần thanh tra, kiểm tra, xây dựng mô hình phân tích rủi ro theo loại hình DN, lĩnh vực kinh doanh và sắc thuế, đây cũng được coi là thành công của luận văn. Giải pháp về xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu cũng được tác giả luận giải chi tiết. Đồng thời, tác giả đưa ra nhận định “để hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế đạt hiệu quả cao, cần phải tổ chức hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp” là tương đối phù hợp.
  11. 11 Những nội dung sẽ được cập nhật, bổ sung, phát triển thêm: Do được làm tại thời điểm 2009 nên tác giả phân tích đánh giá dựa trên các tiêu thức đánh giá rủi ro trong các năm 2004 – 2006. Năm 2009, Tổng cục Thuế đã ban hành hệ thống tiêu thức mới thay thế hệ thống cũ, theo đó các tiêu thức lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra dựa trên quản lý rủi ro đã thay đổi, bổ sung hoàn thiện tương đối nhiều. Tác giả sử dụng số liệu chung của toàn Ngành về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế (năm 2007, 2008), nhưng số liệu để đánh giá rủi ro thì chỉ dựa trên số liệu kiểm tra, thanh tra thuế của Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế. Vì vậy, chưa thấy được tổng thể thực trạng kiểm tra, thanh tra thuế theo quản lý rủi ro của các CQT địa phương (các Cục Thuế). (2) Nguyễn Thu Thủy (2010), Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thuế trên cơ sở áp dụng kỹ thuật phân tích rủi ro tại Chi cục thuế Cầu Giấy, Học viện Tài chính, Hà Nội. Các lý luận về rủi ro trình bày trong luận văn của tác giả Nguyễn Thu Thủy là gần tương đồng với các luận văn nghiên cứu về rủi ro trong thanh tra, kiểm tra trước đó. Tác giả đã phân tích rõ sự cần thiết phải áp dụng kỹ thuật phân tích rủi ro trong kiểm tra thuế để nâng cao hiệu quả của kiểm tra thuế. Các lý luận về rủi ro của tác giả tương đối đầy đủ, đã đưa ra được một số tiêu chí đánh giá rủi ro và xếp hạng rủi ro theo chấm điểm DN. Thực trạng quản lý rủi ro được tác giả trình bày qua việc tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống thông tin về DN, quy trình kiểm tra. Điểm thành công của tác giả ở phần này thể hiện ở chỗ luận văn đã nêu lên được một hệ thống các tiêu chí phân loại rủi ro về thuế của DN, có lấy ví dụ tại một DN cụ thể để minh chứng cho kết quả phân tích rủi ro từ khi lập kế hoạch đến khi tổ chức thực hiện và so sánh kết quả thực hiện với dấu hiệu rủi ro nghi ngờ trước đó. Các giải pháp trực tiếp liên quan đến quản lý rủi ro: Tác giả nhấn mạnh việc hoàn thiện kỹ thuật phân tích rủi ro là một giải pháp quan trọng để công tác kiểm tra thuế có hiệu quả, đồng thời cần tiếp tục xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về DN. Những nội dung sẽ được cập nhật, bổ sung, phát triển thêm:
  12. 12 - Về đối tượng nghiên cứu của luận văn chỉ tập trung vào phân tích rủi ro trong kiểm tra thuế, rủi ro trong thanh tra thuế chưa được đề cập, phân tích. - Về phạm vi nghiên cứu: không gian số liệu thu thập, nghiên cứu trong phạm vi Chi cục Thuế quận Cầu Giấy thuộc Cục Thuế thành phố Hà Nội nên chưa cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về bức tranh quản lý rủi ro của toàn Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng như toàn hệ thống thuế. Số liệu của thời kỳ phân tích là các năm 2008-2009. Luận văn tập trung phân tích rủi ro trong hai sắc thuế: thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập DN (TNDN), chưa đề cập đến các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhà thầu, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và chưa gắn với các tiêu chí phân loại rủi ro đã đề cập. - Luận văn chưa tập trung làm rõ là việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả thanh tra thuế: tác giả chưa nêu được cách tính, ý nghĩa, điều kiện áp dụng của các tiêu chí rủi ro đề xuất. (3) Vũ Thị Đến (2011), Công tác kiểm tra, thanh tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro trong điều kiện tự tính, tự khai, tự nộp thuế ở Việt Nam, Học viện Tài chính, Hà Nội. Luận văn đã góp phần làm rõ lý luận về hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro ở Việt Nam. Luận văn đã làm nổi bật sự cần thiết phải áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong kiểm tra, thanh tra thuế. Luận văn đã nêu được một số kinh nghiệm phong phú về kiểm tra, thanh tra thuế theo rủi ro tại một số nước như: Pháp, Nhật, Đài Loan làm bài học để rút ra cho CQT Việt Nam. Luận văn đánh giá những kết quả đạt được từ khi triển khai kiểm tra, thanh tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro từ năm 2007 - 2011 trên các mặt: Tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ, cơ sở dữ liệu, tiêu chí đánh giá rủi ro. Các giải pháp đưa ra nhấn mạnh ở một số điểm cơ bản: xây dựng cập nhật cơ sở dữ liệu về DN, hoàn thiện kỹ thuật quản lý rủi ro. Đặc biệt, ở phần giải pháp tác giả có đề cập đến việc xây dựng một số tiêu chí đánh giá hiệu quả kiểm tra, thanh tra thuế. Những nội dung sẽ được cập nhật, bổ sung, phát triển thêm: - Những số liệu, tư liệu đánh giá kết quả đạt được của công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro từ giai đoạn 2007 - 2011 tương đối sơ
  13. 13 sài, chung chung mà chưa gắn với kết quả kiểm tra, thanh tra cụ thể toàn ngành Thuế nên không cho thấy rõ được sự khác biệt và hiệu quả mang lại trước và sau khi áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế thời gian qua. - Nhìn chung các giải pháp nêu trong luận văn chưa mới, chưa có nhiều sự khác biệt mang tính đột phá để nâng cao năng lực, hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro. Chưa phân tích rõ các tiêu thức động và tiêu thức tĩnh để đánh giá rủi ro gồm những tiêu thức cụ thể nào, việc gán trọng số cho từng tiêu thức cũng chưa được tác giả đề cập. (4) Trần Tuấn Anh (2013), Ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp tại Cục Thuế Hà Nội, Học viện Tài chính, Hà Nội. Thành công của luận văn là tác giả đã làm rõ được cách thức vận dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN, trong đó nhấn mạnh hai yếu tố cơ bản cần thiết để tiến hành lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, đó là: sẵn có các dữ liệu chính xác, toàn diện và kịp thời và đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra có kiến thức, kỹ năng phù hợp. Luận văn phân tích khá bao quát về các nhân tố (chủ quan và khách quan) ảnh hưởng đến việc vận dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN. Luận văn đã đánh giá được nổi bật thực trạng ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro qua khâu kiểm tra hồ sơ khai thuế tại CQT và tại trụ sở DN. Những nội dung sẽ được cập nhật, bổ sung, phát triển thêm: - Phạm vi nghiên cứu của Luận văn chỉ giới hạn ở Cục thuế thành phố Hà Nội nên chưa cho người đọc sự so sánh trong tương quan quản lý rủi ro thanh tra, kiểm tra với các CQT khác, đồng thời tác giả cũng chưa so sánh để thấy được sự tương quan giữa kết quả thanh tra, kiểm tra theo rủi ro của toàn Ngành với kết quả của Cục Thuế thành phố Hà Nội. - Tại thời điểm nghiên cứu luận văn, cơ quan thuế mới ban hành được hơn 10 tiêu chí, đến nay đã ban hành trên 20 tiêu chí do vậy cần nghiên cứu, phân tích bổ sung thêm. Trong các giải pháp đề xuất, tác giả chưa có giải pháp rõ ràng nhằm hoàn thiện áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế:
  14. 14 Làm sao để lựa chọn đúng DN cần thanh tra – là mục tiêu quan trọng nhất trong áp dụng quản lý rủi ro. 1.1.3. Đề tài và bài báo khoa học (1) Cục Thuế thành phố Hà Nội (2013), Giải pháp để triển khai phương pháp thanh tra, kiểm tra theo kỹ thuật quản lý rủi ro, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, Hà Nội. Phần lý luận, nhóm tác giả của Cục Thuế thành phố Hà Nội đã sưu tầm được kinh nghiệm rất hay của thế giới trong việc áp dụng mô hình tuân thủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đã được áp dụng thành công để quản lý người nộp thuế ở một số quốc gia như Úc, Newzealand và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Kinh nghiệm về thiết lập khung pháp lý đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro, kinh nghiệm về tổ chức và quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro, kinh nghiệm lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế theo kỹ thuật quản lý rủi ro cũng được nhóm tác giả khai thác, phân tích cặn kẽ Phần giải pháp, nhóm tác giả đã đưa ra các khái niệm tương đối mới: phân loại tiêu chí đánh giá rủi ro theo tiêu chí "tĩnh" và tiêu chí "động". Mối quan hệ giữa công tác thanh tra, kiểm tra được thống nhất theo quan điểm: “Kiểm tra là nền tảng, là gốc, thanh tra là mũi nhọn của công tác QLT trong cơ chế tự khai tự nộp”. Đồng thời, các giải pháp đổi mới các bước phân tích rủi ro của đoàn thanh tra khi triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra là tương đối phù hợp với tình hình thực tế thanh tra, kiểm tra tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. Đề tài được nhóm tác giả điều tra, khảo sát chọn mẫu nhằm đánh giá tổng quan về công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại Cục Thuế thành phố Hà Nội tại 523 DN và 03 phòng thanh tra thuế, 03 phòng kiểm tra thuế nên có tính thực tế cao. Phần lý luận, nhóm tác giả đề tài ít đưa ra các quan điểm riêng của mình mà chủ yếu sưu tầm kinh nghiệm quản lý hoạt động thanh tra thuế của các nước. Các tiêu chí rủi ro cũng không được nêu cụ thể mà chỉ nêu chung chung là tiêu chí tĩnh và tiêu chí động, nên người đọc không thể hiểu được nội hàm cách tính, ý nghĩa, cho điểm như thế nào.
  15. 15 Phần thực trạng, đề tài còn nặng về đưa số liệu dưới dạng báo cáo (số thu) hơn là phân tích kết quả thanh tra, kiểm tra theo các góc độ của quản lý rủi ro. Còn thiếu nhiều chỉ tiêu để phân tích kết quả thanh tra theo quản lý rủi ro và hoàn toàn không đánh giá kết quả sử dụng các tiêu chí này. Các giải pháp nhóm tác giả đưa ra ít tập trung vào các giải pháp trực tiếp nâng cao chất lượng quản lý rủi ro mà là các giải pháp đổi mới hoạt động kiểm tra, thanh tra. Các giải pháp đề xuất chưa có những luận giải chặt chẽ, biện chứng. (2) PGS, TS Lê Xuân Trường và PGS, TS Nguyễn Thị Liên (2013), Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra thuế, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện, Học viện Tài chính, Hà Nội. Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về thanh tra thuế và hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra thuế như: khái niệm, các nội dung và phương pháp thanh tra thuế; khái niệm và phân loại chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra thuế… Đề tài đã đánh giá thực trạng hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra thuế, bao gồm hai nhóm chỉ tiêu là các chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra người nộp thuế và các chỉ tiêu đánh giá hoạt động thanh tra thuế của CQT. Đề tài cũng đánh giá việc áp dụng các chỉ tiêu này để đánh giá hoạt động thanh tra thuế của Việt Nam thời gian qua. Từ đó, chỉ ra những kết quả đạt được và những hạn chế của hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra thuế ở Việt Nam. Tác giả đã đề xuất bốn nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra thuế ở Việt Nam cho hai nhóm chỉ tiêu là các chỉ tiêu sử dụng trong thanh tra người nộp thuế và các chỉ tiêu đánh giá hoạt động thanh tra thuế của CQT. Với mỗi nhóm chỉ tiêu này, đề tài đề xuất giải pháp hoàn thiện những chỉ tiêu sẵn có và đề xuất bổ sung một số chỉ tiêu mới. Mặc dù nhóm tác giả đã nghiên cứu nghiêm túc và công phu, song do giới hạn về thời gian và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, vẫn còn những vấn đề thuộc chủ đề nghiên cứu của đề tài chưa được nghiên cứu thấu đáo, cần được nghiên cứu làm rõ thêm như: đánh giá việc áp dụng toàn diện hệ thống chỉ tiêu cho các CQT ở Việt Nam; xác định tiêu chuẩn cần có của chỉ tiêu…
  16. 16 Nhóm tác giả đã nghiên cứu, phân tích kỹ 21 tiêu chí rủi ro tĩnh và 31 tiêu chí rủi ro động, tuy vậy ý nghĩa, điều kiện áp dụng của tiêu chí cần được nghiên cứu bổ sung thêm. Các giải pháp đã tập trung vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra thuế của CQT, nhưng vẫn cần có thêm những đầu tư vào đề xuất các tiêu chí rủi ro của DN khi lập kế hoạch thanh tra - khâu quan trọng trong quản lý rủi ro về thuế khi thanh tra DN. Phần điều kiện áp dụng hệ thống các chỉ tiêu đề xuất riêng cho từng loại DN, từng CQT (Cục Thuế) cụ thể cũng cần có nghiên cứu thêm, vì đặc điểm của DN ở từng ngành nghề, đặc điểm của CQT ở từng địa bàn là khác nhau. (3) Bùi Thái Quang (2013), Phương pháp quản lý rủi ro, đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, Tạp chí Tài chính, Số 11 (589) – Tr 49. Tác giả đã sưu tầm được kinh nghiệm phong phú của các cơ quan quản lý thuế trên thế giới (Hoa Kỳ, Châu Âu) về áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế nhằm nâng cao quản lý tuân thủ để giảm thiểu những trường hợp vi phạm về thuế, nâng cao quản lý tuân thủ NNT. Tác giả bài viết chỉ ra rằng "Quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ làm tăng khả năng đảm bảo nguồn thu không bị thất thoát, mà được quản lý tốt và giảm khả năng thất thu", đây là một nhận định tương đối hợp lý. Tác giả cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan thời gian qua chưa chặt chẽ là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả quản lý rủi ro đối tượng nộp thuế. Do là một bài báo khoa học, bị giới hạn về hàm lượng nghiên cứu nên tác giả mới chỉ cho người đọc biết những nét sơ lược về tầm quan trọng của quản lý rủi ro trong chống thất thu NSNN. Tác giả sử dụng các trích dẫn trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế năm 2012 mà ít có các bình luận, lý giải, dẫn dắt người đọc hiểu được nội dung và cách thức áp dụng quản lý rủi ro từ luật vào trong thực tiễn như thế nào. Bài viết tập trung vào phần biện giải cơ sở để CQT và cơ quan hải quan tiến hành thanh tra theo rủi ro, nhưng chưa có được các biện pháp làm thế nào để quản lý tốt rủi ro trong thanh tra thuế nhằm tăng thu ngân sách bền vững. Mặt khác, các kinh nghiệm chia sẻ từ các nước lại chưa
  17. 17 nhiều nên chưa có những trải nghiệm, phân tích những ưu điểm từ việc vận dụng kinh nghiệm quản lý rủi ro tiên tiến của thế giới để áp dụng vào Việt Nam. Qua nghiên cứu, phân tích các công trình nghiên cứu nêu trên cho thấy, điểm hạn chế chung của các công trình là chưa có được sự liên kết phân tích kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, thanh tra thuế của toàn hệ thống thuế với số liệu cụ thể của một số địa phương để so sánh. Ngược lại, các luận văn viết về kiểm tra, thanh tra thuế của các CQT địa phương lại không so sánh với số liệu bình quân chung về kết quả kiểm tra, thanh tra của toàn ngành Thuế. Một số tiêu chí đánh giá rủi ro mà các công trình đã công bố đến nay đã không còn tính cập nhật. Hiện nay, các tiêu chí lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra dựa trên rủi ro đã được ngành Thuế thay đổi, bổ sung hoàn thiện tương đối nhiều. Luận án sẽ kế thừa, vận dụng một số nền tảng lý luận và thực tiễn về quản lý rủi ro đã được đề cập ở một số công trình khoa học đã công bố ở Việt Nam thời gian qua để đi sâu nghiên cứu, tìm tòi hướng đi riêng của mình. 1.2. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU NƯỚC NGOÀI Trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu về quản lý rủi ro và một số công trình nghiên cứu về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế. Tiêu biểu là các công trình nghiên cứu sau: (1) Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) (2005), Thanh tra đối tượng nộp thuế lớn tại Châu Á – Thái Bình Dương, Tài liệu hội thảo khoa học. Năm 2005 Quĩ Tiền tệ thế giới (IMF) tổ chức Hội thảo "Thanh tra đối tượng nộp thuế lớn tại Châu Á – Thái Bình Dương", 17 nước đang phát triển trong khu vực tham gia, trong đó có Việt Nam. Nội dung Hội thảo đã thảo luận về chuẩn mực thanh tra, qui trình thực hiện thanh tra, nhận diện và quản lý rủi ro về thuế. Tuy nhiên, các báo cáo hội thảo cũng chỉ mang tính trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và khuyến nghị xem xét, áp dụng phù hợp với đặc điểm mỗi quốc gia. (2) Ủy ban châu Âu (EC) (2006), Hướng dẫn về quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Nguyên bản tiếng Anh: Risk management guide for tax administration). Tài liệu này giới thiệu khuôn khổ lý thuyết và thực tiễn về quản lý thuế rủi ro trong quản lý thuế với những vấn đề cơ bản như: Giới thiệu chung về rủi ro và
  18. 18 quản lý thuế rủi ro; quy trình quản lý rủi ro; các nguyên tắc quản lý rủi ro; phân tích rủi ro; xếp hạng rủi ro; đánh giá rủi ro; sử dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật tính toán trong quản lý rủi ro; thực tiễn quản lý rủi ro trong quản lý thuế ở một số nước châu Âu như Anh, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Ý, Hy Lạp, Ba Lan. Riêng trường hợp của Hy Lạp, tài liệu này tập trung giới thiệu về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế. (3) Margaret Cotton (2006), Lựa chọn đối tượng thanh tra thuế (Nguyên bản tiếng Anh: Sellecting cases for auditing). Nghiên cứu này giới thiệu phương pháp lựa chọn đối tượng thanh tra thuế dựa trên mô hình tuân thủ (ATO) và kỹ thuật quản lý rủi ro. Nghiên cứu này lấy ví dụ thực tiễn tại Newzealand để minh chứng cho các đánh giá, nhận định. Theo đó, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro để lựa chọn đối tượng thanh tra thuế. Nghiên cứu cũng nêu những công việc cụ thể gắn với quy trình thu thập, xử lý thông tin và ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro để lựa chọn đối tượng thanh tra thuế. (4) Ủy ban châu Âu (EC) (2010), Hướng dẫn về quản lý rủi ro tuân thủ trong quản lý thuế (nguyên bản tiếng Anh: Compliance risk management guide for tax adimistration). Tài liệu này giới thiệu khuôn khổ lý thuyết về mô hình quản lý rủi ro tuân thủ trong quản lý thuế với những vấn đề cơ bản như: môi trường quản lý rủi ro tuân thủ của người nộp thuế; các vấn đề cơ bản trong quy trình quản lý rủi ro như: nhận diện rủi ro, phân tích rủi ro, đánh giá rủi ro và xử lý rủi ro... Đặc biệt, tài liệu này đã giới thiệu kinh nghiệm áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động quản lý thuế và thanh tra thuế ở trên 20 nước trên thế giới với những mô tả kỹ lưỡng về cách thức áp dụng, những kết quả đạt được và những vấn đề cốt yếu rút ra từ những trường hợp thực tiễn đó. (5) Muwer Sultan Khwaja, Rajul Awasthi and Jan Loeprick (2011), Thanh tra trên cơ sở quản lý rủi ro: Phương pháp tiếp cận và kinh nghiệm một số nước (Nguyên bản tiếng Anh: risk-based audit: Approaches and countries experiences). Đây là cuốn sách chuyên khảo công phu chuyên sâu về ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế. Cuốn sách này có thể coi là
  19. 19 cuốn cẩm nang về kỹ thuật ứng dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế. Cuốn sách cung cấp khuôn khổ lý thuyết khá đầy đủ và toàn diện về ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế, từ những khái niệm cơ bản đến các kỹ thuật phân tích, các nội dung và quy trình cụ thể để ứng dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế. Đặc biệt, những điều quan trọng nhất được rút ra từ cuốn sách rất hữu ích cho việc nghiên cứu ứng dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế là: (i) Để nâng cao hiệu quả ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro thì thông tin về người nộp thuế là yếu tố quan trọng hàng đầu, để có được thông tin phải dựa vào thông tin từ bên thứ ba trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với cơ sở dữ liệu kê khai đáng tin cậy của người nộp thuế; (ii) Việc thanh tra thuế nhất thiết phải dựa trên cơ sở phân tích rủi ro thì mới đạt hiệu quả cao; (iii) Muốn ứng dụng quản lý rủi ro vào thanh tra thuế hiệu quả thì phải chuẩn hóa các chuẩn mực và yêu cầu đối với kế toán doanh nghiệp; (iv) Cần tạo lập hành lang pháp lý toàn diện để áp dụng thống nhất các quy trình và thủ tục thanh tra thuế; (v) Cần đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho việc ra các quyết định quản lý thuế và hoàn thiện chính sách thuế. (6) ECOPA (2010), Thông lệ quốc tế về lựa chọn trường hợp thanh tra dựa trên rủi ro, Tài liệu quốc tế. Tài liệu tập trung vào các kỹ thuật phân tích sử dụng trong các chiến lược thanh tra dựa trên rủi ro, đồng thời nêu lên các thách thức chính khi sử dụng các kỹ thuật, đặc biệt ở các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển. Tài liệu chỉ ra rằng lựa chọn thanh tra dựa trên rủi ro phụ thuộc rất lớn vào việc tin học hóa và công nghệ thông tin để xây dựng và quản lý các các dữ liệu lớn chứa các thông tin liên quan đến DN. Việc sử dụng công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết để tránh khó khăn trong việc thiết kế hệ thống thanh tra dựa trên rủi ro: để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin DN thì đòi hỏi phải xác định rõ các mục tiêu và tiêu chí lựa chọn thanh tra, để xác định và lựa chọn những DN có rủi ro cao thì phải phân tán điểm rủi ro thông qua việc quản lý thuế và nạp vào quy trình ra quyết định lựa chọn trường hợp thanh tra.
  20. 20 Một điểm đáng lưu ý là tài liệu đưa ra các mô hình lựa chọn trường hợp thanh tra theo công nghệ thông tin, sử dụng các tham số, hàm hồi quy tuyến tính phức tạp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để tính điểm rủi ro nên rất khó áp dụng cho điều kiện công nghệ thông tin còn chưa phát triển và trình độ tin học hạn chế của cán bộ thanh tra thuế Việt Nam hiện nay. Hệ thống cơ sở dữ liệu của thanh tra thuế hiện nay còn nghèo nàn nên việc tính toán ra các tham số, điểm rủi ro theo thông lệ quốc tế sẽ chưa thể cho kết quả chính xác như mong muốn. 1.3. SỰ KHÁC BIỆT CỦA LUẬN ÁN SO VỚI CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC Cho đến nay, ở nước ta chưa có một công trình nghiên cứu nào ở cấp độ tiến sĩ liên quan trực tiếp đến áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế. Các công trình nghiên cứu đã công bố có liên quan đến quản lý rủi ro trong thanh tra thuế chủ yếu ở cấp độ thạc sĩ và thường nghiên cứu gộp chung cả quản lý rủi ro trong kiểm tra thuế và quản lý rủi ro trong thanh tra thuế. Thanh tra thuế với vai trò hết sức quan trọng đối với quản lý thuế, cần được nghiên cứu riêng để phát huy hết được khả năng vốn có của nó. Tác giả của Luận án nhận thấy, việc nghiên cứu các cơ chế và phương thức áp dụng quản lý rủi ro là một trong những giải pháp quyết định để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính thuế những năm tới. Qua nội dung tóm tắt các công trình đã nghiên cứu về vấn đề này cho thấy, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện các vấn đề lý luận về quản lý rủi ro trong thanh tra thuế. Một số vấn đề khá quan trọng liên quan đến quản lý rủi ro trong thanh tra vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ, đó là các vấn đề: Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về DN phục vụ phân tích rủi ro, chuẩn hóa các tiêu chí phân loại rủi ro về thuế của DN, ứng dụng phần mềm phân tích rủi ro và chấm điểm rủi ro tự động, rà soát kết quả phân tích rủi ro so với thực tế thanh tra DN, mô hình tổ chức thanh tra thuế theo quản lý rủi ro, các điều kiện về pháp lý cho việc hoàn thiện áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra thuế đối với DN.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2